Skip to content
Banner 10.2024

2025: “Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế” - văn kiện của Ủy ban Thần học Quốc tế nhân kỷ niệm 1700 năm công đồng Nixêa

Văn phòng Học Viện
2025-04-17 09:21 UTC+7 1008
image-1744704014.png

Văn kiện “Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế”

của Ủy ban Thần học Quốc tế nhân kỷ niệm 1700 năm công đồng Nixêa

-----------------

Giới thiệu

Nhân kỷ niệm 1700 năm khai mạc công đồng hoàn vũ đầu tiên tại Nixêa (khai mạc ngày 20 tháng 5 năm 325), Ủy ban thần học quốc tế đã soạn thảo một văn kiện không chỉ nhằm ôn lại biến cố lịch sử nhưng còn rút ra những ý nghĩa và hệ luận cho đời sống Kitô giáo hôm nay. Thật vậy, tuy trọng tâm của công đồng Nixêa là định nghĩa thiên tính của Đức Kitô, chống lại thuyết Ariô, nhưng tín biểu của Nixêa, được bổ sung bởi công đồng Constantinopolis (năm 381) biểu thị đức tin căn bản của Kitô giáo, được tuyên xưng trong các buổi cử hành phụng vụ bên Đông cũng như bên Tây, là dấu chỉ của sự hợp nhất của tất cả những người tin vào đức Kitô. Công đồng Nixêa cũng đánh dấu tính đồng nghị của Hội thánh, nơi phát biểu quyền giáo huấn của những người kế vị các thánh tông đồ. Ngoài ra, việc công đồng quyết định về việc cử hành lễ Phục sinh (giữa hai chủ trương: trùng ngày với lễ Vượt qua của người Do thái, hay là vào Chủ nhật) cũng trở thành ước mong cho tất cả các Kitô hữu cùng cử hành lễ Phục sinh cùng một ngày (vượt lên những khác biệt giữa lịch Giulianô và lịch Grêgôrianô).

            Văn kiện gồm bốn chương, không kể nhập đề và kết luận.

            Nhập đề (số 1-6) định hướng phần nào thể văn của văn kiện: đây không chỉ là những trang suy tư thần học, nhưng nhất là chúc tụng Thiên Chúa vì hồng ân cứu độ đã ban cho nhân loại qua Đức Kitô. Chúng ta được mời gọi chiêm ngưỡng mầu nhiệm cứu độ như công trình của Thiên Chúa Tam Vị.

Chương Một, dài nhất (gồm các số 7-47) mang tựa đề: Tín biểu cho ơn cứu độ: lời chúc tụng và thần học về tín điều Nixêa. Chương này trình bày bối cảnh lịch sử và thần học của công đồng. Công đồng được triệu tập để phản bác các luận đề của ông Ariô. Công đồng định nghĩa rằng Đức Kitô đồng bản thể (homo-ousios) với Chúa Cha. Văn kiện còn đi xa hơn nữa khi phân tích những hàm ngụ của tín điều này đối với thần học về Thiên Chúa Tam vị, Kitô luận, nhân luận. Thật vậy, chúng ta tin rằng Đức Giêsu đồng bản tính với Chúa Cha xét về thiên tính, nhưng đồng thời Đức Giêsu cũng là con người thật, đã nhập thể, chịu khổ hình, chịu chết và sống lại: ơn cứu độ được diễn tả không chỉ như là cứu thoát khỏi tội lỗi mà còn là thông dự vào đời sống của Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Linh. Đức tin Kitô giáo không chỉ mặc khải mầu nhiệm Thiên Chúa mà còn mặc khải ơn gọi của con người: con người được mời gọi tham dự vào đời sống thần linh; con người gồm bởi linh hồn và thân xác, con người mang chiều kích xã hội và lịch sử.

Chương Hai, với tựa đề: “Tín biểu Nixêa trong đời sống tín hữu. "Chúng ta tin như chúng ta lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy; và chúng ta cầu nguyện như chúng ta tin" (số 48-69). Cần phải nhìn nhận rằng các tuyên ngôn của công đồng Nixêa đã không được đón nhận dễ dàng, và được bổ túc bới các công đồng kế tiếp, chẳng hạn như Constantinopolis, Calxêđônia. Tuy vậy tín biểu Nixêa đã trở thành điểm quy chiếu cho các lời tuyên xưng, các kinh nguyện phụng vụ, các lớp huấn giáo. Văn kiện theo dõi những lối giải thích khác nhau của tín biểu, giúp cho nội dung thêm phong phú hơn.

Chương Ba mang tựa đề: “Nixêa như một biến cố thần học và biến cố Hội thánh” (các số 70 đến102) . Hai chương đầu nặng về tính cách lịch sử, còn chương thứ ba xét đến tính cách thời sự của sứ điệp Nixêa. Văn kiện mời gọi đào sâu mối tương quan giữa căn tính Kitô luận của Hội thánh với sứ vụ làm chứng tá trong thế giới. Hội thánh cần tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu Kitô trong những bối cảnh văn hóa và tôn giáo càng ngày càng khác biệt. Đức tin Nixêa là nguồn mạch cho một nhân loại đang bị phân mảnh. Tuyên xưng Đức Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật có nghĩa là khẳng định rằng một sự hiệp thông chân chính giữa Thiên Chúa và loài người là điều có thể được.

Chương Bốn ngắn nhất (các số 103 đến 120) mang tựa đề :Gìn giữ đức tin sao cho có thể tiếp cận được với toàn thể dân Thiên Chúa. Chương này nhìn công đồng Nixêa như khuôn mẫu của tính đồng nghị trong Hội thánh. Để tìm ra giải pháp cho những vấn đề được đặt lên, chúng ta cần biết lắng nghe nhau, cùng nhau phân định để nhận ra tiếng Chúa.

Kết luận. “Loan báo Đức Kitô cho người hôm nay” (số 121-124), văn kiện nêu bật rằng việc tưởng nhớ công đồng Nixêa không chỉ là một câu chuyện hàn lâm khảo cổ, nhưng là một cơ hội để canh tân đức tin và làm chứng. Trong một thế giới hoang mang trước những trào lưu tục hóa, phân tán, đức tin Nixêa là một ngọn đèn soi sáng cho thấy đâu là hy vọng của Hội thánh: đó là đức tin vào Chúa Giêsu Kitô.

Bản dịch của Linh mục Phê Ny Ngân Giang O.P. dựa theo bản tiếng Pháp, có thể tìm thấy trên mạng tại địa chỉ:

https://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/cti_documents/rc_cti_doc_20250403_1700-nicea_fr.html

--------------

ỦY BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ

ĐỨC GIÊSU KITÔ, CON THIÊN CHÚA, ĐẤNG CỨU THẾ

Kỷ niệm 1700 năm Công đồng Hoàn vũ Nixêa

325-2025

- - - - - - - - -

Mục lục

Lời mở đầu

Dẫn nhập: Lời chúc tụng, lời về Thiên Chúa và lời loan báo

Chương 1: Tín biểu cho ơn cứu độ: lời chúc tụng và thần học về tín điều Nixêa

- - 1.  Tiếp cận sự bao la khôn dò của Ba Ngôi Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta: 'Thiên Chúa là Tình Yêu', một Tình Yêu vô biên

- - - - 1.1 Sự cao cả của tình phụ tử nơi Thiên Chúa Cha, nền tảng cho sự cao cả của Chúa Con và Chúa Thánh Thần

- - - - 1.2 Suy tư về việc sử dụng thuật ngữ homoousios

- - - - 1.3 Tính hiệp nhất của lịch sử cứu độ

- - 2.  Tiếp cận sự bao la khôn dò nơi Đức Kitô, Đấng Cứu Độ, và hành động cứu độ của Người

- - - - 2.1 Thấy Đức Kitô trong sự cao cả toàn diện của Người

- - - - 2.2 Sự vô biên của hành động cứu độ: bản chất lịch sử của hành động ấy

- - - - 2.3 Sự cao cả của hành động cứu độ: mầu nhiệm Vượt Qua

- - 3.  Tiếp cận sự vô hạn của ơn cứu độ ban cho con người và sự vô hạn trong ơn gọi của chúng ta

- - - - 3.1 Sự cao cả của ơn cứu độ: bước vào trong sự sống của Thiên Chúa

- - - - 3.2 Sự bao la của ơn gọi nhân linh hướng đến Tình yêu thiên linh

- - - - 3.3 Vẻ đẹp của hông ân Hội thánh và Bí tích Thánh tẩy

- - 4.  Cùng nhau cử hành sự bao la của ơn cứu độ: chiều kích hoàn vũ của đức tin Nixêa và niềm hy vọng về một ngày lễ Phục sinh chung

Chương 2: Tín biểu Nixêa trong đời sống tín hữu. "Chúng ta tin như chúng ta lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy; và chúng ta cầu nguyện như chúng ta tin"

- - Dẫn nhập: Đức tin được tuyên xưng trong đời sống đức tin

- - 1.    Bí tích Thánh Tẩy và đức tin Ba Ngôi

- - 2.    Tín biểu Nixêa như lời tuyên xưng đức tin

- - 3.    Đào sâu qua các bài giảng và giáo lý

- - 4.    Kinh nguyện dâng lên Chúa Con và những lời chúc tụng

- - 5.    Thần học qua các thánh thi

Chương 3: Nixêa như một biến cố thần học và biến cố Hội thánh

- - 1.    Biến cố Đức Kitô: "Không ai đã thấy Thiên Chúa. Người Con Một đã mạc khải Người" (Ga 1,18)

- - - - 1.1 Đức Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, mạc khải Chúa Cha

- - - - 1.2 "Chúng ta có tư tưởng (νοῦς) của Đức Kitô" (1 Cr 2,16): phép loại suy của công trình tạo dựng sáng tạo và phép loại suy của đức mến

- - - - 1.3 Lối vào thần học nhờ lời cầu nguyện của Đức Kitô để nhận biết Chúa Cha

- - 2.    Biến cố của sự Khôn Ngoan: điều mới mẻ đối với tư tưởng nhân loại

- - - - 2.1 Mạc khải làm phong phú và mở rộng tư tưởng nhân loại

- - - - 2.2 Một biến cố văn hóa và liên văn hóa

- - - - 2.3 Lòng trung tín sáng tạo của Hội thánh và vấn đề lạc giáo

- - 3.    Biến cố mang tính Hội thánh: công đồng Nixêa, công hoàn vũ kết đầu tiên

- - - - 3.1 Hội Thánh, bởi chính bản chất và cơ cấu của mình, được đặt nền trong biến cố Đức Giêsu Kitô

- - - - 3.2 Sự cộng tác mang tính cơ cấu của các đặc sủng trong Hội thánh và con đường dẫn đến Nixêa

- - - - 3.3 Công đồng hoàn vũ Nixêa

Chương 4: Gìn giữ đức tin sao cho có thể tiếp cận được với toàn thể dân Thiên Chúa

- - Dẫn nhập: Công đồng Nixêa và những điều kiện bảo đảm cho tính khả tín của mầu nhiệm Kitô giáo

- - 1.    Thần học phục vụ sự toàn vẹn của chân lý cứu độ

- - - - 1.1 Đức Kitô, chân lý mang hiệu quả cánh chung

- - - - 1.2 Ơn cứu độ và tiến trình trở nên nghĩa tử Thiên Chúa

- - 2.    Sự trung gian của Hội thánh và sự đảo ngược chuỗi tín lý: Ba Ngôi, Kitô học, Thánh Linh học, Hội thánh học

- - - - 2.1 Các trung gian của đức tin và thừa tác vụ của Hội thánh

- - - - 2.2 Dị biệt và tính hiệp hành

- - - - 2.3 Những ngôn ngữ của Chúa Thánh Thần trong việc hình thành và canh tân sự đồng thuận đức tin

- - 3.    Canh giữ kho tàng đức tin: một đức ái phục vụ những người bé mọn nhất

- - - - 3.1 Đức tin hiệp nhất của Dân Thiên Chúa được trao ban cho mọi người

- - - - 3.2 Bảo vệ đức tin trước quyền lực chính trị

Kết luận: Loan báo Đức Giêsu – Đấng Cứu Độ của chúng ta – cho mọi người hôm nay

**************

Lời mở đầu

 

Trong nhiệm kỳ thứ 10, Ủy ban Thần học Quốc tế đã chọn đào sâu nghiên cứu về Công đồng Nixêa, là Công đồng Hoàn vũ đầu tiên, và tính thời sự tín lý của công đồng này. Công việc đã được điều hành bởi một Tiểu ban đặc biệt, do Cha Philippe Vallin làm chủ tịch và gồm các thành viên sau: Đức Cha Antonio Luiz Catelan Ferreira, Đức Cha Etienne Vetö, I.C.N., Cha Mario Ángel Flores Ramos, Cha Gaby Alfred Hachem, Cha Karl-Heinz Menke, Giáo sư Marianne Schlosser, Giáo sư Robin Darling Young.

Các cuộc thảo luận chung về chủ đề này đã diễn ra trong các cuộc họp khác nhau của Tiểu ban và trong các phiên họp toàn thể của Ủy ban, được tổ chức trong những năm 2022-2024. Văn bản này đã được đưa ra biểu quyết và được chấp thuận in forma specifica một cách nhất trí bởi các thành viên của Ủy ban Thần học Quốc tế trong phiên họp toàn thể năm 2024. Tài liệu sau đó đã được trình lên vị Chủ tịch của Ủy ban, Đức Hồng y Víctor Manuel Fernández, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, để phê duyệt. Sau khi nhận được ý kiến chấp thuận của Đức Thánh Cha Phanxicô, ngài đã cho phép công bố vào ngày 16 tháng 12 năm 2024.

 

 

Dẫn nhập:
Lời chúc tụng (doxologie), lời về Thiên Chúa (théologie) và lời loan báo (annonce)

 

1.            Vào ngày 20 tháng 5 năm 2025, Hội thánh Công giáo và toàn thể thế giới Kitô giáo sẽ tưởng nhớ với lòng biết ơn và vui mừng về việc khai mạc Công đồng Nixêa vào năm 325: "Công đồng Nixêa là một cột mốc quan trọng trong lịch sử Hội thánh. Việc kỷ niệm công đồng này mời gọi các Kitô hữu đoàn kết trong lời chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi và đặc biệt là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, 'đồng bản thể với Chúa Cha', Đấng đã mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm tình yêu này" [1]. Công đồng này lưu lại trong ý thức Kitô giáo chủ yếu thông qua Tín biểu, bản tuyên xưng đức tin được Hội thánh thu thập, xác định và long trọng công bố về ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô và nơi Thiên Chúa duy nhất, Cha, Con và Thánh Thần. Tín biểu Nixêa tuyên xưng tin mừng về ơn cứu độ toàn diện của con người do chính Thiên Chúa thực hiện trong Đức Giêsu Kitô. Sau 1700 năm, trước hết đây là dịp để tôn vinh biến cố này bằng lời chúc tụng (doxologie), một lời ngợi khen vinh quang Thiên Chúa, vì vinh quang ấy đã được biểu lộ nơi kho tàng vô giá của đức tin, được diễn tả qua Tín biểu: vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa Cha, Đấng cứu độ chúng ta, lòng thương xót bao la của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta, sự quảng đại của ơn cứu chuộc được ban tặng cho mỗi con người trong Chúa Thánh Thần. Chúng ta cùng cất tiếng với các Giáo phụ, như Ephrem người Syria, để ca tụng vinh quang này:

"Vinh quang thuộc về Đấng đã đến

Với chúng ta qua con đầu lòng của Người!

Vinh quang thuộc về Đấng Thinh lặng

Đã nói qua tiếng nói của Người!

Vinh quang thuộc về Đấng Tối cao

Đã trở nên hữu hình qua sự Hiển linh của Người!

Vinh quang thuộc về Đấng Thiêng liêng

Đấng đã vui lòng

Để cho Con của Người trở nên xác phàm,

Để qua xác phàm ấy sức mạnh của Người có thể được chạm đến

Và qua xác phàm ấy, các xác phàm của các con cái dân Người có được sự sống!" [2]

2.     Ánh sáng toả chiếu từ Công đồng Nixêa trên mạc khải Kitô giáo cho phép khám phá một sự phong phú vô tận vẫn tiếp tục qua các thế kỷ và qua các nền văn hóa, để tìm ra những sự đào sâu, và được thể hiện dưới những khía cạnh ngày càng đẹp đẽ và mới mẻ hơn. Những khía cạnh phong phú ấy được khám phá cách đặc biệt qua việc đọc Tín biểu một cách cầu nguyện và thần học, điều mà phần lớn các truyền thống Kitô giáo đều thực hiện, mỗi truyền thống với một mối tương quan khác nhau đối với chính thực tại của một tín biểu. Đây cũng là cơ hội cho tất cả để tái khám phá hoặc thậm chí khám phá sự phong phú của Tín biểu và mối dây hiệp thông giữa tất cả các Kitô hữu mà Tín biểu có thể tạo nên. "Làm sao không nhắc nhớ đến tầm quan trọng phi thường của một sự kỷ niệm như vậy phục vụ cho việc tìm kiếm sự hiệp nhất trọn vẹn của các Kitô hữu?" [3], Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh.

3.     Công đồng Nixêa là công đồng đầu tiên được gọi là "hoàn vũ", bởi vì lần đầu tiên các giám mục từ khắp Oikoumenē (thế giới) đã được mời [4]. Do đó, các nghị quyết của công đồng phải có một tầm vóc hoàn vũ, nghĩa là phổ quát: các nghị quyết này đã được các tín hữu và truyền thống Kitô giáo tiếp nhận như vậy, trong một quá trình dài và khó khăn. Vấn đề Giáo hội học là rất quan trọng. Tín biểu nằm trong phong trào của việc từng bước áp dụng ngôn ngữ và lược đồ tư tưởng Hy Lạp vào giáo huấn Kitô giáo, qua đó bản thân những yếu tố này đã được biến đổi, có thể nói, bởi sự tiếp xúc với Mạc khải. Công đồng cũng đánh dấu tầm quan trọng ngày càng gia tăng của các công nghị và các phương thức quản trị hiệp nghị trong Hội thánh những thế kỷ đầu, đồng thời tạo nên một bước ngoặt lớn: theo đường lối của exousia (thẩm quyền) được trao cho các Tông đồ bởi Đức Giêsu và Chúa Thánh Thần (Lc 10,16; Cv 1,14-2,1-4), biến cố Nixêa thực sự đã mở đường cho một biểu hiện thể chế mới của quyền bính trong Hội thánh, quyền bính có phạm vi phổ quát giờ đây được công nhận cho các công đồng hoàn vũ, cả về giáo lý lẫn về kỷ luật. Bước ngoặt quyết định này trong cách suy nghĩ và quản trị trong cộng đồng các môn đệ của Đức Giêsu sẽ làm sáng tỏ những yếu tố thiết yếu của sứ mệnh giảng dạy của Hội thánh, và do đó về bản chất của Hội thánh.

4.     Cần phải làm rõ một điểm trước khi đi sâu hơn trong suy tư. Chúng ta dựa vào tín biểu Nixêa-Constantinople (381) chứ không phải chính xác theo tín biểu được soạn tại Nixêa (325). Thực vậy, phải mất khoảng năm mươi năm để tiếp nhận từ vựng của tín biểu Nixêa và để đồng thuận về tầm vóc phổ quát của công đồng đầu tiên. Quá trình tiếp nhận tín biểu Nixêa tiếp tục diễn ra trong cuộc xung đột với các nhóm phủ nhận Chúa Thánh Thần (Pneumatomaques) giữa Nixêa và Constantinople, dẫn đến một số thay đổi có ý nghĩa trong văn bản, đặc biệt trong điều khoản thứ ba. Tuy nhiên, theo ý kiến của các Giáo phụ, quá trình này, đã đưa đến tín biểu Nixêa-Constantinople, không hề bao gồm bất kỳ sự thay đổi nào đối với đức tin Nixêa, mà chỉ là việc bảo tồn đích thực đức tin ấy. Theo nghĩa này, phần mở đầu của định nghĩa tín lý của Chalcédoin, trước đó đã ghi lại nguyên văn cả tín biểu Nixêa và tín biểu Nixêa-Constantinople, "xác nhận" những gì đã được nói trong tín biểu của "150 Giáo phụ" (Constantinople), vì ý nghĩa của tín biểu ấy, theo chính lời của các Giáo phụ, nhằm làm rõ những điều liên quan đến Chúa Thánh Thần chống lại những người phủ nhận thần tính của Ngài [5]. Tầm mức của những gì đã xảy ra tại Nixêa được thể hiện trong lệnh cấm được đưa ra tại Công đồng Ephêsô về việc ban hành bất kỳ công thức đức tin nào khác [6], bởi vì trong giai đoạn sau Nixêa, những người ủng hộ chính thống đã nghĩ rằng sự phân định đã được đúc kết trong tín biểu Nixêa sẽ đủ để đảm bảo đức tin của Hội thánh mãi mãi. Athanasius, chẳng hạn, sẽ nói về Nixêa như "lời Chúa tồn tại mãi mãi" (Is 40,8) [7]. Tiến trình của Truyền thống sống động và mang tính chuẩn mực này tiếp tục diễn ra, giữa thế kỷ IV và IX, qua việc áp dụng tín biểu vào các phụng vụ Thánh tẩy, đặc biệt là ở Đông phương, sau đó là trong các phụng vụ Thánh Thể. Cần lưu ý rằng Filioque, được tìm thấy trong các phiên bản phương Tây hiện hành của Tín biểu, không phải là một phần của văn bản nguyên thủy của tín biểu Nixêa-Constantinople, vốn là nền tảng cho văn kiện này [8]. Điều này tiếp tục là một chủ đề gây hiểu lầm giữa các hệ phái Kitô giáo, nên cuộc đối thoại giữa Đông phương và Tây phương vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

5.     Như vậy, trong chương đầu tiên, chúng ta sẽ đề xuất một cách đọc mang tính tôn vinh Thiên Chúa về Tín biểu, để rút ra nguồn mạch cứu độ học và từ đó làm nổi bật chiều kích Kitô học, Ba Ngôi học và nhân học. Đây sẽ là cơ hội để nhấn mạnh tầm quan trọng của Tín biểu và đón nhận nơi đó một sức sống mới cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu. Nhưng việc tiếp nhận sự phong phú của Công đồng Nixêa, sau 1700 năm, cũng dẫn đến việc nhận thức cách thức Công đồng nuôi dưỡng và hướng dẫn đời sống Kitô hữu hàng ngày: trong chương thứ hai, mang màu sắc giáo phụ, chúng ta sẽ khám phá cách thức đời sống phụng vụ và đời sống cầu nguyện đã trở nên phong phú trong Hội thánh sau Công đồng. Nixêa tạo nên một bước ngoặt lớn đến nỗi trong chương thứ ba, chúng ta sẽ dừng lại để xem xét cách thức mà Tín biểu và việc tổ chức Công đồng làm chứng cho chính biến cố Đức Giêsu Kitô, mà sự xuất hiện của Người trong lịch sử mang lại một con đường tiếp cận chưa từng có đến Thiên Chúa và mang đến một sự biến đổi trong tư duy con người, hay nói cách khác, một biến cố của Sự Khôn Ngoan. Tín biểu và Công đồng cũng làm chứng cho một điều mới mẻ trong cách thức Hội thánh của Chúa Kitô được thiết lập và thi hành sứ mạng của mình: đó đã từng là một biến cố mang tính Hội thánh. Cuối cùng, trong chương thứ tư, chúng ta sẽ phân tích các điều kiện làm cho đức tin được tuyên xưng tại Nixêa trở nên khả tín, như một bước suy tư thần học nền tảng, giúp làm sáng tỏ bản chất và căn tính của Hội thánh như là người giải thích đích thực về chân lý quy phạm của đức tin qua Huấn quyền, là người bảo vệ các tín hữu, đặc biệt là những người bé mọn nhất và dễ bị tổn thương nhất.

6.     "Khi thắp một ngọn đèn, người ta không đặt dưới đáy thùng, nhưng đặt trên giá đèn, và đèn chiếu sáng cho mọi người trong nhà" (Mt 5,15). Ánh sáng này chính là Đức Kitô, "ánh sáng từ ánh sáng". Kinh ngạc trước ánh sáng này cũng là tìm được một động lực mới để trình bày tin mừng này với nhiều sức mạnh và sáng tạo hơn nữa trong Chúa Thánh Thần. Ánh sáng này chiếu soi một cách sống động thời đại của chúng ta, vốn bị tác động bởi các men của bạo lực và bất công, đầy những bất định, và mang trong mình mối tương quan phức tạp với chân lý, đến độ đức tin và việc thuộc về Hội thánh dường như gặp khó khăn. Ánh sáng càng sống động và rực rỡ khi được chia sẻ bởi tất cả các Kitô hữu, những người có thể tuyên xưng đức tin của họ trong cùng một marty̆ria, một chứng từ duy nhất, để góp phần thu hút những người nam và nữ ngày nay đến với Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ:

Điều thiết yếu đối với chúng ta, điều đẹp đẽ nhất, hấp dẫn nhất và đồng thời cần thiết nhất, chính là đức tin vào Đức Kitô Giêsu. Tất cả chúng ta cùng nhau, nếu Thiên Chúa muốn, sẽ long trọng canh tân đức tin này trong Năm Thánh sắp tới và mỗi người chúng ta được kêu gọi loan báo đức tin cho mọi người nam nữ trên trái đất. Đó là sứ mạng căn bản của Hội thánh [9].


 

Chương 1:
TÍN BIỂU CHO ƠN CỨU ĐỘ: LỜI CHÚC TỤNG VÀ THẦN HỌC TÍN ĐIỀU NIXÊA

 

7.     Tôn vinh Nixêa trong dịp kỷ niệm 1700 năm, trước hết là ngỡ ngàng trước Tín biểu mà Công đồng đã để lại cho chúng ta và trước vẻ đẹp của hồng ân được ban tặng trong Đức Giêsu Kitô, mà bản Tín biểu chính là biểu tượng bằng lời về Người. Vì vậy, chúng ta sẽ bắt đầu nghiên cứu về Nixêa bằng cách đi qua Tín biểu này để nêu bật sự bao la phi thường của đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, Kitô học và Cứu độ học mà Tín biểu diễn tả, cũng như những hàm ý về Nhân học và Hội thánh học, trước khi kết thúc bằng ý nghĩa có tính phổ quát của Tín biểu. Nói cách khác, đây là một hành vi thần học mang chiều kích tôn vinh Thiên Chúa théologie doxologique. Việc này không nhằm đào sâu từng chủ đề trong bản tóm tắt đức tin Kitô giáo mà Tín biểu thể hiện – một nhiệm vụ vừa không thực tế vừa thiếu ích lợi trong khuôn khổ giới hạn của công trình hiện tại – mà tìm cách nêu bật sự phong phú của những tuyên bố và chân lý được Tín Biểu Nixêa đưa ra trên bình diện tín lý, đặc biệt là những tuyên bố và chân lý có ý nghĩa và sinh hoa kết quả nhất trong giai đoạn lịch sử hiện nay của Hội thánh và thế giới, đúng vào lúc chúng ta long trọng kỷ niệm Công đồng Nixêa.

1. Tiếp cận sự bao la khôn dò của Ba Ngôi Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta: 'Thiên Chúa là Tình Yêu', một Tình Yêu vô biên

8.     Tín biểu Nixêa-Constantinople được cấu trúc xoay quanh lời tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi:

Chúng tôi tin một Thiên Chúa duy nhất, là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, mọi vật hữu hình và vô hình,

Và một Chúa duy nhất là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng duy nhất được sinh ra, bởi Chúa Cha từ trước muôn thuở, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Chúa Cha, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành; [...]

Và tin Chúa Thánh Thần, Đấng là Chúa và là Đấng ban sự sống, bởi Chúa Cha mà ra, Đấng cùng với Chúa Cha và Chúa Con được phụng thờ và tôn vinh, Đấng đã phán dạy qua các ngôn sứ [...]. [10]

1.1. Sự cao cả của tình phụ tử nơi Thiên Chúa Cha, nền tảng cho sự cao cả của Chúa Con và Chúa Thánh Thần

9.     Khởi điểm của đức tin Nixêa chính là lời khẳng định về tính duy nhất của Thiên Chúa. Kitô giáo cơ bản là một tôn giáo độc thần, tiếp nối mạc khải đã được ban cho Israel. Tuy nhiên, Tín biểu không không khởi đầu bằng việc nói đến "Thiên Chúa" một cách chung chung, lại càng không đề cập đến bản tính thần linh duy nhất, mà đặt trọng tâm vào Ngôi vị thần linh thứ nhất chính là Chúa Cha. Với tư cách là "Đấng tạo thành trời đất" (x. St 1,1; Nkm 9,6; Kh 10,6), Người là Cha của muôn loài [11]. Hơn nữa, chính Đức Kitô đã mạc khải một cách chưa từng có về tình phụ tử nội tại nơi Thiên Chúa, vốn là nền tảng của tình phụ tử hướng ra bên ngoài ad extra của Người. Nếu Đức Kitô là Con Thiên Chúa, theo cách độc nhất, điều này hàm ý rằng trong Thiên Chúa có một sự sinh thành: Thiên Chúa Cha ban tất cả những gì Người có và tất cả những gì Người là. Thiên Chúa không phải là một nguyên lý nghèo nàn và ích kỷ: Ngài là Đấng ban trao “không vì ghen tị” (sine invidia) [12]. Tính phụ tử của Người, cũng như quyền năng toàn năng của Người, là năng lực trao ban tron vẹn chính mình. Sự ban trao phụ tử ấy không phải là một đặc tính phụ, mà là điều xác định chính bản thể của Chúa Cha, Đấng hoàn toàn là Cha [13]. Thiên Chúa là Cha từ muôn thuở, và không bao giờ là một Thiên Chúa "đơn độc" [14]. Thiên phụ tính của Thiên Chúa duy nhất là yếu tố đầu tiên của đức tin Kitô giáo làm chúng ta ngỡ ngàng và là điều chúng ta được mời gọi cử hành trong sự bao la của mầu nhiệm khi tưởng niệm Công đồng Nicée sau 1700 năm. Từ đó, chúng ta được thúc đẩy đào sâu các hệ luận của chân lý này trong việc hiểu biết mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

10.  Đức tin vào Chúa Cha là lời chứng cho sự viên mãn dư đầy nơi Thiên Chúa. Điều khoản đầu tiên không đơn thuần là một định nghĩa về Thiên Chúa, mà trước hết là một lời ca tụng, được đặt trong truyền thống phụng vụ doxologique của Do Thái giáo và các phụng vụ Kitô giáo sơ khai [15]. Tước hiệu « Đấng toàn năng (pantokratōr) » vang vọng các biểu thức khác nhau trong Cựu Ước, chẳng hạn như “Đức Chúa các đạo binh” (Seigneur Sabaoth), được lặp lại trong Tân Ước trong bối cảnh phụng vụ thiên quốc (Kh 4,8; 11,17; 15,3; 16,14; 19,6).

11.  Việc mạc khải về Thiên Chúa là Cha nơi Đức Kitô cũng bày tỏ sự cao cả vô biên của Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Nếu Thiên Chúa Cha ban tặng tất cả, ngoại trừ chính tư cách làm Cha của mình, điều này có nghĩa là Chúa Con và Chúa Thánh Thần hoàn toàn bình đẳng với Chúa Cha về thần tính. Trong Tín biểu, Chúa Con được tuyên xung là "duy nhất", là "Chúa" (Kyrios, dịch từ Tetragramme YHWH trong Bản Bảy Mươi), là "Con Thiên Chúa", là "Con Một" (ho monogenēs) thân tình với Chúa Cha, là "Thiên Chúa bởi Thiên Chúa", "ánh sáng bởi ánh sáng", "Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật", đồng bản thể (homoousios) với Chúa Cha. Chúng ta lưu ý, ví dụ, trong Tin Mừng thứ tư, Chúa Con nhiều lần được gọi là theos (Thiên Chúa): x. Ga 1,1; 5,18; 20,28. Chúa Con được sinh ra "từ trước muôn thuở", có nghĩa là trong Tín biểu, Người đồng hằng hữu với Chúa Cha (x. Ga 1,1). Điều này nhằm chống lại các quan điểm của Arius, theo đó "có lúc Người [Chúa Con] đã không hiện hữu", "trước khi được sinh ra, Người đã không hiện hữu" và "Người đã trở thành từ cái không hiện hữu" [16], hoặc nữa, "Chúa Con đến từ hư vô", bởi "ý muốn và quyết định" của Chúa Cha" [17]. Chính vì thế mà Chúa Con có thể được tuyên xưng là Đấng "nhờ [Người] mà muôn vật được tạo thành" (x. 1 Cr 8,6; Ga 1,3). Thiên Chúa cao cả đến nỗi Chúa Cha có khả năng sinh ra một Đấng khác, bình đẳng với Người trong thần tính. Thiên Chúa vượt xa tất cả những gì chúng ta có thể hiểu và tưởng tượng, vì sự Duy nhất của Người bao hàm một đa nguyên thực sự mà không không hề làm tổn thương sự Hiệp Nhất.

12.  Chúa Cha cũng ban tất cả cho Chúa Thánh Thần, Đấng được định nghĩa bằng những thuật ngữ cụ thể và dành riêng cho thần tính: "Thần Khí", "Thánh" và "Chúa" (một lần nữa gợi nhớ đến Tetragramme YHWH Danh xưng Thiên Chúa). Cũng như Chúa Cha là Đấng tạo hóa và Chúa Con là Lời mà qua đó Chúa Cha tạo dựng mọi sự, Chúa Thánh Thần được tuyên xưng là "Đấng ban sự sống". Cũng như Chúa Con được sinh ra bởi Chúa Cha, Chúa Thánh Thần "bởi Chúa Cha mà ra". Những khẳng định về Chúa Thánh Thần được xây dựng cách có chủ đích, nhằm vang vọng và tương ứng với điều được khẳng định nơi Chúa Con [18]. Do đó, Chúa Thánh Thần có thể và phải được thờ phượng cùng với Chúa Cha và Chúa Con - khẳng định bản chất phụng vụ tôn vinh (doxologique) của Tín biểu.

13.  Điều thiết yếu là phải nắm vững cả thần tính của Chúa Thánh Thần với tư cách là "ngôi thứ ba" trong Thiên Chúa và mối liên hệ của Ngài với Chúa Cha, cũng như với Chúa Con. Thật vậy, ngay cả ngày nay vẫn còn khó khăn trong việc xem Thánh Thần như một Ngôi vị thần linh đầy đủ chứ không chỉ là một sức mạnh thần linh đơn thuần, hay thậm chí là một sức mạnh vũ trụ. Đôi khi người ta cầu nguyện với Chúa Cha và Chúa Con mà bỏ qua Chúa Thánh Thần, trái với lời cầu nguyện của Hội thánh vốn luôn hướng tới Chúa Cha, qua Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần. Người ta sẽ nhận ra tầm quan trọng hoàn toàn chính đáng của Bí tích Thánh Thể, Đức Trinh Nữ Maria hoặc Hội thánh - mà không ước lượng được những thực tại này quý giá dường nào vì chúng được chính Chúa Thánh Thần làm cho sống động [19]. Ngược lại, một số khác có xu hướng sẽ đặt Chúa Thánh Thần ở vị trí trung tâm, thậm chí độc quyền, đến mức đẩy lùi Chúa Cha và Chúa Con vào hậu cảnh, điều này, một cách nghịch lý, tạo ra một hình thức giản lược hóa về thần học Chúa Thánh Thần (pneumatologie), vì Ngài là Thần Khí của Chúa Cha và Thần Khí của Chúa Con (Gl 4,6; Rm 8,9). Sự cao cả viên mãn của Chúa Thánh Thần được diễn tả trong đức tin Nixêa là một sự bảo vệ chống lại những khuynh hướng giản lược này.

14.  Như vậy, từ sự viên mãn phát xuất nơi cội nguồn là tình phụ tử của Thiên Chúa, tuôn trào sự sung mãn vượt bờ bến của Ba Ngôi Thiên Chúa : Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, – Đấng luôn “vượt trên mọi sự” (semper maior). Nhưng sự viên mãn nơi nguồn cội của Chúa Cha hàm ý một trật tự (taxis) nội tại trong đời sống Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Cha là nguồn mạch của toàn bộ thiên tính [20]. Ngôi vị thứ hai thực sự là Thiên Chúa và là ánh sáng, nhưng Người như vậy vì là "Thiên Chúa bởi Thiên Chúa", "ánh sáng bởi ánh sáng". Dù được tuyên xưng là ngang hàng theo thần tính với Chúa Con và Chúa Cha, Chúa Thánh Thần được trình bày theo cách khá khác biệt so với hai Ngôi còn lại. Chúng ta vừa thấy (x. ở trên § 12) rằng Ngài được giới thiệu với các đặc tính thần linh và phải được tôn thờ cùng với Chúa Cha và Chúa Con. Tuy nhiên, sự khác biệt trong cách diễn đạt là đáng chú ý: việc nói về Chúa Cha và Chúa Con là "một" hoặc về Chúa Con là "đồng bản thể" không được lặp lại đối với Chúa Thánh Thần. Điều này không hề phủ nhận thần tính đồng hàng của Người, cách đề cập về Chúa Thánh Thần trong Tín biểu nhấn mạnh sự khác biệt về ngôi vị của Người. Như vậy, đặc tính riêng biệt của Chúa Thánh Thần làm sáng tỏ sự độc nhất vô nhị nơi từng Ngôi vị Thiên Chúa. Theo một cách nào đó, trong Thiên Chúa, "ngôi vị" (« hypostase » ou « personne ») là một thuật ngữ có tính loại suy: mỗi “danh xưng” của Ba Ngôi là một Ngôi vị thực sự – nhưng là Ngôi vị theo cách thức độc đáo và không lặp lại. Sự độc nhất của từng Ngôi này cho thấy rõ rằng sự bình đẳng (về thần tính) không mâu thuẫn với sự phân biệt và trật tự nội tại. Đây chính là hoa trái của tình phụ tử sung mãn nơi Chúa Cha. Đón nhận Công đồng Nicêa là đón nhận sự phong phú nơi cội nguồn tình phụ tử của Thiên Chúa, Đấng thiết lập sự bình đẳng trong thần tính, đồng thời mạc khải sự phân biệt và tính độc đáo trong mỗi Ngôi vị.

1.2. Suy tư về việc sử dụng thuật ngữ homoousios

15.  Một trong những đóng góp then chốt của Công đồng Nixêa chính là việc xác định thần tính của Ngôi Con bằng công thức “đồng bản thể” (homoousios) với Chúa Cha. Ngôi Con là “được sinh ra bởi Chúa Cha”, “nghĩa là bởi bản thể của Chúa Cha” [21]. Sự sinh ra của Chúa Con là điều khác biệt với việc tạo dựng, vì đó là sự thông truyền của bản thể duy nhất của Chúa Cha. Chúa Con không chỉ hoàn toàn là Thiên Chúa như Chúa Cha, mà còn có cùng một bản thể, không chỉ đồng loại mà là đồng nhất một cách trọn vẹn và không phân chia (numériquement identique), với bản thể của Chúa Cha, vì trong Thiên Chúa duy nhất không có sự phân chia nào [22]. Một lần nữa, cần phải nhấn mạnh rằng: Chúa Cha ban tặng mọi sự cho Chúa Con, theo một lôgíc nội tại của sự sống thần linh, là tình yêu hiến thân (agapē), vượt xa mọi khả năng tư duy và diễn đạt của trí tuệ con người.

16.  Lần đầu tiên, trong một văn kiện chính thức và có tính quy phạm của Hội Thánh, các thuật ngữ không có nguồn gốc trực tiếp từ Kinh Thánh đã được sử dụng – chúng ta sẽ trở lại điểm này trong các chương III và IV. Ý định của các Nghị phụ Công đồng không phải là đưa ra một điều gì mới mẻ so với đức tin tông truyền, nhưng chính là để bảo vệ đức tin ấy bằng cách làm sáng tỏ thực tại của việc sinh ra trong Thiên Chúa. Chính vì lý do này mà trong tín biểu năm 325, từ homoousios được giới thiệu bằng cụm từ "nghĩa là": tức là thuật ngữ mang tính bản thể học trong tiếng Hy Lạp này được đặt phục vụ cho những công thức truyền thống mang nguồn gốc Thánh Kinh [23]. Thuật ngữ này – vốn có xuất xứ từ bối cảnh ngộ đạo và từng bị Thượng hội đồng địa phương Antiôkia (264–269) lên án – sẽ gây ra nhiều tranh luận trong các thập kỷ sau Công đồng Nixêa. Nhưng kể từ những năm 360, ngày càng có nhiều người chấp thuận, và cuối cùng, nó được phê chuẩn một cách trọn vẹn và trong sự ôn hoà tại Công đồng Constantinopolis (381). Lúc bấy giờ, người ta công nhận vai trò của từ ngữ ấy trong việc diễn giải và bảo vệ đức tin, cũng như công nhận khả năng sáng tạo của lý trí con người, của triết học và của văn hóa trong việc đón nhận Mạc Khải. Cũng như đối với Thánh Kinh, điều này cho thấy rằng Mạc Khải luôn bao hàm một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người – một cuộc đối thoại mà ở cả hai phía đều sử dụng ngôn ngữ loài người, vốn luôn mang tính bối cảnh, giới hạn, và vì thế luôn cần được giải thích. Không chỉ sự sống thần linh được mặc khải như là một thực tại tràn đầy dư dật, mà hình thức của chính Mạc Khải này, có thể được diễn đạt bằng ngôn ngữ loài người và sớm được chuyển dịch ra mọi ngôn ngữ, cũng tỏ hiện như là một thực tại không ngừng vượt quá (semper maior).

17.  Tuy nhiên, thuật ngữ ấy (homoousios) không phải là cách diễn đạt duy nhất trong Tín biểu nhằm diễn tả thần tính cứu độ của Chúa Con. Thuật ngữ này được đặt trong một chuỗi những công thức có nguồn gốc từ Thánh Kinh và phụng vụ, như: « Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật », « Thiên Chúa bởi Thiên Chúa [24] » và « ánh sáng bởi ánh sáng ». Không một thuật ngữ nào có thể tự mình diễn tả hết sự phong phú dư đầy vượt quá của Mạc khải. Đức tin cần đến sự liên kết hài hòa giữa những công thức Kinh Thánh, triết học và phụng vụ, cần đến các khái niệm, hình ảnh và danh xưng thần linh (Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần) để có thể diễn tả cách trung thành và đầy đủ nhất. Các cách diễn tả khác nhau giữa các Giáo hội và cộng đoàn Giáo hội có thể hỗ trợ lẫn nhau trong tiến trình tái khám phá này, bởi có truyền thống nhấn mạnh nhiều hơn vào điểm này hay điểm khác. Ví dụ, truyền thống Đông phương nhấn mạnh đặc biệt đến việc hiểu Đức Kitô như là “ánh sáng bởi ánh sáng” [25]. Sự phong phú từ ngữ và hình ảnh như thế chắc chắn góp phần làm cho đức tin được diễn đạt trong bản tuyên tín trở nên dễ tiếp cận đối với những nền văn hóa khác nhau, và phù hợp với cách suy tư (forma mentis) của mỗi con người.

1.3 Tính hiệp nhất của lịch sử cứu độ

18.  Để hiểu đúng tầm vóc của bản tuyên tín Nicée-Constantinople, cần phải nhận ra sự hiệp nhất của bối cảnh lịch sử cứu độ – chính bối cảnh này định hình lời tuyên xưng đức tin. Thật vậy, việc quy gán hành động sáng tạo hay “ban sự sống” (don de la vie) cho cả Ba Ngôi cho thấy sự hiệp nhất giữa trật tự sáng tạo và trật tự cứu độ. Việc thần hóa (divinisation) bắt đầu ngay từ hành động tạo dựng, lịch sử cứu độ bắt đầu ngay từ tạo dựng. Chống lại chủ thuyết Marcion và các hình thức khác nhau của thuyết ngộ đạo, cần xác tín rằng chính là một Thiên Chúa duy nhất vừa sáng tạo vừa cứu độ, và cũng chính thực tại được tạo dựng – vốn tốt lành vì được Thiên Chúa muốn – là thực tại được phục hồi trong công trình cứu chuộc. Như thế, ân sủng không phá vỡ, nhưng hoàn tất; bởi lẽ ân sủng đã hiện diện và hoạt động ngay trong công trình sáng tạo, hướng về sự hoàn tất nơi ơn cứu độ.

19.  Tương tự, mầu nhiệm cứu độ được thực hiện nơi Đức Kitô chỉ được trình bày đúng với ý nghĩa đích thực và viên mãn của nó khi ta nhấn mạnh đến sự trung tín của mầu nhiệm này đối với mặc khải đã được ban cho dân tộc Ít-ra-en, nếu không, đức tin được tuyên xưng tại Nixêa sẽ đánh mất tính chính đáng và tính cách lịch sử viên mãn của mình. Dĩ nhiên, truyền thống Do Thái giáo (rabbinique) không chấp nhận chiều kích Ba Ngôi và Kitô học của đức tin Nixêa, nhưng từ quan điểm Kitô giáo, mầu nhiệm ấy được hiểu như một sự mới mẻ, song vẫn nằm trong sự liên tục với mặc khải đã được trao ban cho dân được tuyển chọn. Tín điều về Ba Ngôi chắc chắn không phải là một sự tương đối hóa, mà là một sự đào sâu đức tin vào Thiên Chúa duy nhất của Israel [26]. Chúng ta đã nhấn mạnh rằng những lời tuyên xưng “Thiên Chúa là Đấng Duy Nhất” và là “Đấng Tạo Dựng trời đất” vang vọng lại Cựu Ước, nơi Thiên Chúa tỏ mình ra là Đấng sáng tạo vì yêu thương, thiết lập tương quan vì yêu thương và mời gọi con người đáp lại bằng tình yêu. Thiên Chúa gọi Áp-ra-ham là “bạn hữu”, “người mà Người yêu thương” (Is 41,8 ; 2 Sb 20,7 ; Gc 2,23), và trò chuyện với Môsê “mặt đối mặt, như người ta nói chuyện với bạn mình” (Xh 33,11). Chính vì vậy, lựa chọn thuật ngữ homoousios (đồng bản thể) là để bảo vệ đức tin độc thần của Kitô giáo: trong Thiên Chúa, không có gì khác ngoài chính thực tại thần linh. Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần không phải là các thực thể trung gian giữa Thiên Chúa và thế giới, cũng không phải là các thụ tạo, mà là chính Thiên Chúa. Hơn nữa, mặc khải dành cho Ít-ra-en trình bày Thiên Chúa là Đấng Duy Nhất, nhưng là Đấng hiện diện, tận hiến và tự thông ban trong lịch sử con người. Kitô giáo hiểu mầu nhiệm Nhập Thể là đỉnh cao tuyệt đối của cách thế hành động (nhiệm cục) của Thiên Chúa Ít-ra-en – vị Thiên Chúa đã ngự xuống và cư ngụ giữa dân Người, giờ đây được thực hiện cách viên mãn trong sự kết hợp của Thiên Chúa với một nhân tính duy nhất là Đức Giêsu. [27].

20.  Hơn nữa, sự phát triển của đức tin Ba Ngôi như được trình bày tại Nicée không thể tách rời khỏi bối cảnh Do Thái. Tín biểu này được cấu trúc qua ba lần tuyên xưng lập lại: “Chúng tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha… và một Chúa Giêsu Kitô… và Thánh Thần”. Thật vậy, đức tin Ba Ngôi, khởi sinh trong các thế kỷ đầu, đã phát triển sự hiệp nhất của các danh xưng thần linh – Cha, Con và Thánh Thần – xuất phát từ đức tin độc thần của Ít-ra-en, như được thể hiện ngay đầu lời kinh Sh’ma Israel: “Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng ta, là Đức Chúa duy nhất” (Đnl 6,4), qua việc lặp lại lời cầu nguyện trung tâm này của Do Thái giáo, với sự mở rộng đặc tính duy nhất ấy sang cả Ngôi Con: "Tôi tin một Thiên Chúa duy nhất... và một Chúa duy nhất...". Đây chính là trường hợp như được thấy trong các phác thảo đầu tiên của tín điều Ba Ngôi trong Tân Ước: “Đối với chúng ta, chỉ có một Thiên Chúa là Cha, mọi sự bởi Người mà có, và chúng ta tồn tại cho Người; và chỉ có một Chúa là Đức Giêsu Kitô, mọi sự nhờ Người mà có, và chúng ta nhờ Người mà hiện hữu” (1 Cr 8,6 – chúng tôi nhấn mạnh thêm). Những công thức “nhị vị” như trên cùng tồn tại với các công thức “tam vị”: “Chỉ có một thân thể, một Thánh Thần…, một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha của mọi người, Đấng vượt trên hết, hoạt động qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4,4-6 – chúng tôi nhấn mạnh thêm; x. thêm 1 Cr 12,4-6). Dĩ nhiên, nội dung đức tin sẽ sớm phát triển theo những hướng không thể được Do Thái giáo (rabbinisme ) chấp nhận, nhưng chính từ trong lòng phụng vụ và cấu trúc cầu nguyện Do Thái mà đức tin Kitô giáo đã lớn lên. Đồng thời, cần nhấn mạnh đến sự phong phú đa diện (polyèdre) của đức tin độc thần của Ít-ra-en, như được hé lộ qua Kinh Thánh Do Thái và các văn bản thời Đền Thờ thứ hai [28]. Trong đó, ý niệm về một sự dư tràn thần linh nơi Thiên Chúa không hề mâu thuẫn với sự duy nhất và duy nhất tính của Người. Điều này được chứng thực qua nhiều hình ảnh khác nhau về Thiên Chúa, như trong cấu trúc “nhị vị” tiềm ẩn nơi thị kiến “Đấng Lão Thành” và “một Đấng như con người” (Đn 7,9-14) [29]. Sự phong phú ấy còn được bày tỏ qua nhiều hình thức Thiên Chúa hành động trong thế giới: Thiên sứ của Đức Chúa, Lời (dābār), Thần Khí (rûaḥ) và Khôn ngoan (ḥākmâ) [30]. Vả lại, Một số nhà chú giải Kinh Thánh đương đại cho rằng: đã từng tồn tại một giai đoạn ban đầu “hai ngôi” trong lời tuyên xưng đức tin Kitô giáo, trong đó việc tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu thành Nadarét như là Kyrios – “Chúa” – được tôn vinh sau cái chết, đã được xác lập một cách tự nhiên trong một địa vị thực sự thần linh, và điều này vẫn nằm trong mạch tiếp nối với đức tin độc thần được trình bày trong Kinh Thánh [31]. Vì vậy, điều chính yếu là dù không được phép áp đặt đức tin Ba Ngôi cách hồi tố lên Cựu Ước, vẫn có thể nhận ra một quá trình phát triển – tuy không tuyến tính – giữa Cựu và Tân Ước, như một hội tụ dần dần của các thực tại thần linh vào hai ngôi vị: Ngôi Lời-Con và Thần Khí. Khi người ta từng cho rằng việc khẳng định hai ngôi vị thần linh khác là một sự gán ghép từ bên ngoài vào Thiên Chúa Duy Nhất, điều đó có nghĩa là họ đã không nhận ra quan niệm Kitô giáo về sự phong nhiêu nội tại của Chúa Cha, vốn hiện hữu trong chính bản thể duy nhất và bất khả phân của ba ngôi vị đồng vĩnh cửu.

2. Tiếp cận sự bao la khôn dò nơi Đức Kitô, Đấng Cứu Độ, và hành động cứu độ của Người

21.      Trung tâm của điều khoản thứ hai trong tín biểu Nixêa-Constantinople là việc tuyên xưng về mầu nhiệm Nhập Thể và hành động cứu chuộc của Ngôi Lời. Sau khi tuyên xưng thần tính của Đức Kitô, Con Thiên Chúa, chúng ta cũng tuyên xưng rằng:

[Chúng tôi tin một Chúa duy nhất là Đức Giêsu Kitô]

Đấng vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta đã từ trời xuống thế,

nhập thể bởi phép Chúa Thánh Thần và từ Trinh Nữ Maria [32] và đã trở thành người;

đã chịu đóng đinh vì chúng ta dưới thời Phongxiô Philatô, đã chịu khổ nạn và mai táng,

đã sống lại ngày thứ ba như lời Kinh Thánh, đã lên trời,

ngự bên hữu Đức Chúa Cha và sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết;

và triều đại của Người sẽ không bao giờ cùng.

2.1 Thấy Đức Kitô trong sự cao cả toàn diện của Người

22.       Nixêa cho phép chúng ta "chiêm ngắm Đức Kitô trong tất cả sự cao cả của Người[33]". Hai chiều kích làm cho Người trở thành Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người được khẳng định qua việc nêu rõ hai tác nhân trong mầu nhiệm Nhập Thể: "Người đã nhập thể bởi phép Chúa Thánh Thần và từ Đức Trinh Nữ Maria". Người thật là Thiên Chúa, bởi vì Người được sinh bởi một Trinh Nữ nhờ quyền năng của Thánh Thần Thiên Chúa; và Người thật là người, bởi vì Người được sinh bởi một người phụ nữ. Người đồng bản thể (homoousios) với Chúa Cha nhưng cũng đồng bản thể với chúng ta, theo cách diễn đạt kép của Chalcédoine sau này [34] – với nhận thức rằng thuật ngữ homoousios không thể hiểu một cách hoàn toàn đồng nhất khi áp dụng cho mối tương quan giữa Ngôi Lời Nhập Thể với Chúa Cha và với loài người. Ngôi Lời đã trở nên xác phàm chính là Lời của Thiên Chúa, Đấng mặc lấy một cách độc nhất và không thể đảo ngược một nhân tính riêng biệt và hữu hạn. Chính vì Đức Giêsu về mặt ngôi vị (bản vị học) đồng nhất với Chúa Con hằng hữu, nên Người đã có thể, khi phải trải qua cái chết của con người một cách bi thương, vẫn duy trì mối tương quan sống động với Chúa Cha và chính nhờ đó Người đã biến sự chia cách với Thiên Chúa, là tội lỗi và cái chết (x. Rm 6,23), thành con đường dẫn vào sự hiệp thông với Thiên Chúa (x. 1 Cr 15,54-56; Ga 14,6b). Cũng chính vì Đức Giêsu là con người thật – "giống như chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi" (Dt 4,15) – nên Người đã có thể gánh lấy tội lỗi chúng ta và chịu chết. Chính sự đồng bản thể kép này làm cho chỉ mình Đức Kitô mới có thể cứu độ nhân loại. Chỉ Người là Đấng Cứu Độ của hết thảy nhân loại trong mọi thời đại. Chỉ mình Người là sự hiệp thông giữa con người với Chúa Cha [35]. Chỉ mình Người là Đấng Cứu Độ cho tất cả mọi người thuộc mọi thời đại. Không ai trước hay sau Người có thể đảm nhận điều đó. Chính nơi Đức Kitô mà mầu nhiệm hiệp thông trọn vẹn giữa Thiên Chúa và con người được thể hiện – một điều vượt xa tất cả những gì con người có thể hình dung.

23.       Chúng ta không thể che giấu khó khăn hiện tại trong việc tin vào thần tính trọn vẹn và nhân tính trọn vẹn của Đức Kitô. Trong suốt lịch sử Kitô giáo, và ngay cả ngày nay, có một sự kháng cự thực sự trong việc thừa nhận thần tính trọn vẹn của Đức Kitô. Đức Giêsu có thể dễ dàng được coi là một bậc thầy tinh thần khai tâm hoặc một đấng cứu thế chính trị rao giảng công lý, trong khi thực tế, trong nhân tính của mình, Người sống mối quan hệ vĩnh cửu với Chúa Cha. Nhưng cũng có khó khăn lớn trong việc chấp nhận nhân tính trọn vẹn của Đức Kitô, Đấng có thể cảm thấy mệt mỏi (Ga 4,6), những cảm xúc buồn bã và bị bỏ rơi (Ga 11,35; Vườn Ghetsêmani) và thậm chí giận dữ (Ga 2,14-17) và, một cách bí ẩn nhưng thực sự, không biết một số điều ("chỉ có Chúa Cha biết giờ đó...", Mt 24,36). Chúa Con hằng hữu đã chọn sống trọn vẹn tất cả những gì thuộc về chính mình, theo tư cách là Thiên Chúa vô biên, trong giới hạn và qua chính bản tính nhân loại hữu hạn mà Người đã mặc lấy.

24.       Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, mặc dù phần Tín biểu dành cho Ngôi vị thứ hai được trình bày chi tiết hơn, quan điểm Kitô học chứa đựng trong đức tin Nixêa nhất thiết phải mang tính Ba Ngôi. Đức Kitô luôn luôn là “Đấng vượt quá” (semper maior), bởi vì ở đâu có Người, thì ở đó luôn có hơn cả chính Người: Chúa Cha vẫn là Cha, là “Đấng Thánh của Israel”. Chắc chắn, "ai đã thấy [Đức Kitô] là đã thấy Chúa Cha" (Ga 14,9), nhưng, như Đức Giêsu nói, "Chúa Cha cao trọng hơn [Người]" (Ga 14,28). Chính Arius đã thấy điều này khi trích dẫn Tin Mừng: "Chỉ có một Đấng tốt lành" (Mt 19,17) [36]. Hơn nữa, Đức Kitô không thể được hiểu nếu không có Chúa Cha và Chúa Thánh Thần: trước khi được coi là Thiên-Chúa-làm-người và là Tân Lang, Người được trình bày trong Tân Ước như Con của Chúa Cha và Đấng được Chúa Thánh Thần xức dầu. Tương tự, Người không cứu độ con người mà không có Chúa Cha, Đấng là nguồn mạch và cùng đích của mọi sự - vì sự cứu độ là sự hiệp nhất làm con với Chúa Cha. Người không cứu độ con người mà không có Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho họ kêu lên "Abba, Cha ơi" (Rm 8,15) và hành động nội tâm của Thánh Thần cho phép con người được biến đổi và chủ động bước vào phong trào dẫn họ đến với Chúa Cha.

2.2 Sự vô biên của hành động cứu độ: bản chất lịch sử của hành động ấy

25.       Sự cao cả của Đấng Cứu Thế cũng được mạc khải trong sự viên mãn dồi dào của nhiệm cục cứu độ. Nixêa trình bày tính hiện thực của công cuộc cứu chuộc. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa cứu độ chúng ta bằng cách đi vào lịch sử. Người không sai một thiên thần hay một anh hùng trần thế, mà chính Người đến trong lịch sử loài người, sinh ra từ một người phụ nữ, là Maria, trong dân tộc Do Thái ("được sinh ra bởi một người phụ nữ, sinh ra dưới Lề Luật", Gl 4,4), và chịu chết trong một thời điểm lịch sử xác định, "dưới thời Phongxiô Philatô" (x. 1 Tm 6,13; xem thêm Cv 3,13) [37]. Nếu chính Thiên Chúa đã đi vào lịch sử, thì nhiệm cục cứu độ là nơi mạc khải của Người: trong lịch sử, Đức Kitô mạc khải một cách chân thực Chúa Cha và Chúa Thánh Thần và trao ban cho con người khả năng đến với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Hơn nữa, bởi vì Thiên Chúa đi vào lịch sử, nên ơn cứu độ không chỉ là một giáo huấn cần được thực hành, như trong lối hiểu của Marcion hoặc của ngộ giáo với « danh xưng giả dối », mà là một hành động thực sự của Thiên Chúa. Chính trong lịch sử, Thiên Chúa thực hiện công trình cứu độ của Người. Chúng ta tuyên xưng rằng một sự kiện lịch sử đã thay đổi một cách triệt để tình trạng của toàn thể nhân loại. Chúng ta tuyên xưng rằng Chân lý siêu việt đã đi vào trong lịch sử và đang hoạt động trong lịch sử ấy. Đó là lý do tại sao thông điệp của Đức Giêsu không thể tách rời khỏi con người của Người: Người là "con đường, là sự thật và là sự sống" (Ga 14,6) cho tất cả mọi người chứ không phải một vị thầy khôn ngoan giữa muôn vàn vị thầy khác.

26.       Mặc dù nhấn mạnh vào lịch sử, Tín biểu không đề cập hoặc gợi ý một cách rõ ràng phần lớn nội dung của Cựu Ước cũng như đặc biệt là sự tuyển chọn và lịch sử của Israel. Hiển nhiên, một Tín biểu không có mục đích bao quát tất cả. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng sự im lặng này không có nghĩa là sự tuyển chọn của dân tộc Cựu ước đã hết hiệu lực [38]. Những gì được mạc khải trong Kinh Thánh Do Thái không chỉ là sự chuẩn bị mà thực sự là lịch sử cứu độ, sẽ tiếp tục và hoàn thành trong Đức Kitô: "Hội thánh của Đức Kitô nhận ra rằng những khởi đầu (initia) của đức tin và sự tuyển chọn của mình đã được thể hiện, theo mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa, nơi các tổ phụ, Môsê và các ngôn sứ" [39]. Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô là "Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp", Người là "Thiên Chúa của Israel". Hơn nữa, Tín biểu kín đáo nhấn mạnh sự liên tục giữa dân tộc Do Thái và dân tộc giao ước mới bằng cách đề cập đến "Đức Trinh Nữ Maria", điều này đặt Đấng Cứu Thế trong khuôn khổ của một gia đình Do Thái và dòng dõi Do Thái, và cũng gợi lại văn bản Cựu Ước (Is 7,14 theo bản LXX). Điều này tạo nên một nhịp cầu nối giữa những lời hứa của Cựu Ước và Tân Ước, như cũng sẽ được thể hiện trong biểu thức "ngày thứ ba Người đã sống lại theo lời Kinh Thánh" trong phần tiếp theo của điều khoản, nơi "Kinh Thánh" có nghĩa là Cựu Ước (x. 1 Cr 15,4). Sự liên tục giữa Cựu Ước và Tân Ước lại được xác nhận khi Tín biểu tuyên xưng điều khoản về Chúa Thánh Thần nêu rõ rằng Ngài "đã phán dạy qua các ngôn sứ", điều này có lẽ là một khẳng định chống lại chủ thuyết Marcion [40]. Dù sao đi nữa, để có thể hiểu cách trọn vẹn, Tín biểu – vốn sinh ra từ phụng vụ – cần được tuyên xưng trong bối cảnh phụng vụ và kết hợp chặt chẽ với việc đọc toàn bộ Kinh Thánh, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Điều này đặt đức tin Kitô giáo trong toàn bộ lược đồ cứu độ, một lược đồ vốn đã bao hàm và gắn kết cách bản chất với dân được tuyển chọn và lịch sử của họ.

2.3 Sự cao cả của hành động cứu độ: mầu nhiệm Vượt Qua

27.       Tính hiện thực và chiều kích Ba Ngôi của ơn cứu độ trong Đức Kitô đạt đến đỉnh điểm trong mầu nhiệm Vượt Qua. Chúa Con, ánh sáng của Thiên Chúa và chính là Thiên Chúa thật, đã nhập thể, chịu đau khổ, chịu chết, xuống âm phủ và sống lại. Đây quả thực là một điều mới mẻ chưa từng có. Khó khăn của Arius không chỉ liên quan đến vấn đề về sự duy nhất của Thiên Chúa - điều không tương hợp với việc sinh ra một Người Con - mà còn liên quan đến việc hiểu về thần tính của Người, điều không tương hợp với cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Tuy nhiên, chính trong Đức Kitô và chỉ trong Đức Kitô mà chúng ta hiểu được khả năng đích thực của Thiên Chúa, vượt trên mọi giới hạn của những tiên kiến nhân loại. Điều quan trọng là phải xem xét một cách nghiêm túc tiếng kêu của Đức Giêsu như tiếng kêu đích thực của Con Thiên Chúa, được biểu lộ qua mồ hôi máu và nỗi sợ hãi: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này" (Mt 26,39b). Chính thuật ngữ homoousios (đồng bản thể) giúp chúng ta nhận ra khía cạnh chưa từng có của sự kenosis (tự hủy) trong biến cố Nhập Thể: chỉ có sự khẳng định Chúa Con "đồng bản thể" với Chúa Cha mới giúp chúng ta thấu hiểu tính triệt để và chiều sâu của những gì mà chính Chúa Con đã đồng ý khi nhận lấy thân phận con người. Theo một nghĩa nào đó, có thể nói rằng Chúa Con, semper major (luôn cao cả hơn mọi sự), đã thực sự trở nên minor (nhỏ bé), và Thiên Chúa Tối Cao đã cúi xuống tận cùng trong Đức Giêsu Kitô (x. Pl 2,5-11). Mặc dù chỉ một mình Đức Kitô được sinh ra, chịu khổ nạn và chết, chúng ta có thể khẳng định rằng "unus de Trinitate passus est [41]" (một Ngôi trong Ba Ngôi đã chịu khổ nạn). Toàn thể Thiên Chúa Ba Ngôi đều tham dự, mỗi Ngôi vị theo cách riêng biệt, vào cuộc khổ nạn cứu độ của Đức Kitô. Như vậy, cuộc Khổ Nạn mặc khải cho chúng ta ý nghĩa thực sự của quyền năng Thiên Chúa. Sự toàn năng của Thiên Chúa Ba Ngôi đồng nhất với sự tự hiến và tình yêu. Do đó, Đấng Cứu Thế bị đóng đinh không phải là sự che giấu, mà là mặc khải tột đỉnh của quyền năng vô song nơi Chúa Cha.

28.       Sự viên mãn của công cuộc cứu chuộc của Đức Kitô chỉ được biểu lộ trọn vẹn qua sự phục sinh của Người, là sự hoàn tất của ơn cứu độ, trong đó mọi khía cạnh của công trình tạo dựng mới được xác nhận cách tròn đầy. Cuộc Phục Sinh minh chứng cho thần tính viên mãn của Đức Kitô – vì chỉ mình Thiên Chúa mới có thể vượt qua và chiến thắng sự chết – nhưng đồng thời cũng xác nhận nhân tính thật sự của Người, bởi chính nhân tính ấy – y hệt, về mặt cá thể, với nhân tính Người đã sống trên trần gian – đã được biến hình và được tôn vinh. Đây không phải là một biểu tượng hay ẩn dụ: Đức Kitô sống lại thực sự trong nhân tính và thân xác của Người. Cuộc Phục Sinh vượt trên lịch sử, nhưng lại xảy ra ngay trong lòng lịch sử nhân loại và nơi con người cụ thể là Đức Giêsu. Hơn nữa, sự phục sinh mang chiều kích Ba Ngôi sâu sắc: Chúa Cha là nguồn mạch của sự sống lại, Chúa Thánh Thần là hơi thở ban sự sống, và Đức Kitô được tôn vinh - luôn trong nhân tính của Người – sống trong vinh quang thần linh và trong mối hiệp thông bất khả phân ly với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Đáng lưu ý là chính sự phục sinh của Đức Kitô, "trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại" (Cl 1,18; x. Rm 8,29), mặc khải sự sinh ra đời đời của Chúa Con, "trưởng tử của mọi loài thụ tạo" (Cl 1,15). Do đó, tình phụ tử và tình con thảo trong Thiên Chúa không phải là sự vay mượn hay phát triển của các mô hình nhân loại – dù chúng được diễn đạt bằng ngôn ngữ loài người và mang dấu ấn văn hóa – nhưng là những thực tại độc nhất vô nhị (sui generis) thuộc về chính đời sống thần linh.

29.       Tín biểu nhấn mạnh rằng sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô triển nở cho đến tận cùng thời gian, khi Đức Kitô "sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết; và Nước Người sẽ không bao giờ cùng". Với biến cố Phục Sinh, chiến thắng đã được bảo đảm một cách dứt khoát, nhưng chiến thắng ấy còn phải được thể hiện trọn vẹn trong ngày Quang Lâm. Niềm hy vọng Kitô giáo là một niềm hy vọng trọn vẹn: nó không chỉ đặt nền tảng nơi biến cố duy nhất (ephapax) của Cuộc Thương Khó và Phục Sinh, hay nơi ân sủng hiện tại đang được ban, mà còn hướng tới tương lai của cuộc trở lại vinh quang của Đức Kitô và việc thiết lập triều đại vĩnh cửu của Người. Cũng cần lưu ý rằng khía cạnh này của đức tin Nixêa sẽ được hiểu sâu sắc hơn, và nhận được sức mạnh lớn hơn, nếu được đọc trong bối cảnh Hội Thánh biết lắng nghe Cựu Ước cũng như đức tin của dân Do Thái hôm nay. Sự mong đợi Đấng Mêsia của dân Ítraen hiện nay làm nổi bật sự toàn vẹn của các lời hứa thiên sai về hòa bình trên toàn cõi đất và công lý cho mọi người, trong một thế giới được canh tân hoàn toàn (x. Is 2,4; 61,1-2; Mk 4,1-3) – cũng chính là điều mà các Kitô hữu trông đợi khi hướng về ngày Quang Lâm. Thực tại ấy có thể và phải đánh thức nơi các tín hữu Kitô niềm hy vọng vào ngày Đức Kitô Phục Sinh trở lại, bởi chỉ khi ấy, công trình cứu độ của Người mới được tỏ bày trọn vẹn trong ánh sáng viên mãn [42].

3. Tiếp cận sự vô hạn của ơn cứu độ ban cho con người và sự vô hạn trong ơn gọi của chúng ta

30.       Cử hành Công đồng Nixêa không chỉ là chiêm ngưỡng sự viên mãn dư tràn của Thiên Chúa và của Đức Kitô – Đấng Cứu Độ –, mà còn là chiêm ngưỡng sự cao cả dư tràn của hồng ân được trao ban cho con người, cũng như của ơn gọi nhân linh được mạc khải nơi đó. Mầu nhiệm của Thiên Chúa trong sự vô biên của Người chính là sự tỏ lộ chân lý về con người – vốn cũng là một hữu thể semper maior, luôn vượt quá chính mình. Ở đây, điều được đặt ra là phải triển khai các hệ luận cứu độ học (sotériologiques) và nhân học (anthropologiques) từ các khẳng định về Thiên Chúa Ba Ngôi và về Đức Kitô được trình bày trong Tín biểu Nixêa, đồng thời lưu tâm đến phần kết của điều khoản thứ ba, liên quan đến Chúa Thánh Thần, nơi trình bày niềm tin vào Hội Thánh và vào ơn cứu độ:

[Chúng tôi tin] một Hội thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.

Chúng tôi tuyên xưng một phép rửa duy nhất để tha tội;

Chúng tôi chờ đợi sự sống lại của kẻ chết và sự sống đời sau. Amen.

3.1 Sự cao cả của ơn cứu độ: bước vào trong sự sống của Thiên Chúa

31.       Bởi vì Đức Kitô cứu độ chúng ta, đức tin Nixêa tuyên xưng "sự tha tội" và "sự sống lại của kẻ chết". Tín biểu đề cập đến tội lỗi vì chúng ta cần biết chúng ta được giải thoát khỏi điều dữ nào. Tội lỗi, theo nghĩa thần học đích thật, không chỉ là thói xấu hay lỗi lầm, làm tồn thương đến ý định của Đấng Tạo Hóa nơi thụ tạo (x. Rm 2,14-15), mà còn là sự đoạn tuyệt cố ý với Thiên Chúa trong mối tương quan thần linh với Người. Theo nghĩa đầy đủ này, người tội lỗi nhận thức về tội lỗi của mình trong ánh sáng của tình yêu thương xót của Thiên Chúa: tội lỗi phải được "khám phá" bởi chính công trình của ân sủng để ân sủng có thể hoán cải tâm hồn [43]. Như vậy, sự mặc khải về tội lỗi là bước đầu tiên của ơn cứu chuộc và phải được tuyên xưng như vậy.

32.       Với lời tuyên xưng lạ thường về sự sống lại của kẻ chết, đức tin Nixêa tuyên xưng rằng ơn cứu độ là trọn vẹn và đầy đủ. Con người được giải thoát khỏi mọi điều dữ, kể cả "kẻ thù cuối cùng" phải bị Đức Kitô tiêu diệt để mọi sự đều phục tùng Thiên Chúa (x. 1 Cr 15,25-26). Đức tin vào sự sống lại không chỉ đơn thuần là sự sống sót của linh hồn mà là chiến thắng trước cái chết [44]. Hơn nữa, con người không chỉ được cứu độ trong linh hồn mà còn trong thân xác của mình. Không gì thuộc về căn tính và nhân tính của con người bị loại trừ khỏi tạo dựng mới mà Đức Kitô đề xuất. Cuối cùng, ân huệ này sẽ được ban vĩnh viễn, vì nó mở ra trong "sự sống đời sau", tức là trong eschăton được hoàn tất trọn vẹn. Kể từ Lễ Phục Sinh, không tội lỗi nào còn có quyền lực tách người tội lỗi khỏi Thiên Chúa - ít nhất là nếu người đó nắm lấy bàn tay của Đấng Chịu Đóng Đinh đã Phục Sinh, Đấng đã giơ tay đến tận đáy vực thẳm để tìm kiếm những con chiên lạc: “Dù là sự chết hay sự sống, thiên thần hay quyền thần, hiện tại hay tương lai, quyền lực, chiều cao hay chiều sâu, hay bất cứ loài thọ tạo nào, không gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).  

33.       Bởi vì Đức Kitô cứu độ chúng ta với tư cách là Thiên Chúa thật, sự phục sinh có nghĩa là chúng ta đi vào đời sống thần linh, vừa là nhân tính hóa vừa là thần linh hóa, như lời Đức Giêsu diễn giải thánh vịnh 81,6 trong Ga 10, 34: "Các ngươi là những bậc thần thánh" [45]. Và bởi vì Người cứu độ chúng ta với tư cách là Người Con, được sinh ra từ Chúa Cha, việc thần hóa này là việc trở nên nghĩa tử và nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô; đó là việc đi vào tình yêu của Chúa Cha qua Chúa Thánh Thần. Chúng ta được yêu thương và được tái sinh bởi chính tình yêu mà Chúa Cha yêu thương và sinh ra Người Con từ đời đời. Đây là hệ quả cứu độ học của tình phụ tử của Thiên Chúa mà Công đồng Nixêa tuyên xưng. Cuối cùng, bởi vì Đức Kitô cứu độ chúng ta với tư cách là Người Con, cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, nên việc làm con này là sự dìm mình thực sự vào các mối tương quan nội tại của Ba Ngôi. Đó là lý do tại sao Tín biểu sinh ra từ lời tuyên xưng đức tin hki chịu phép rửa nhân danh Ba Ngôi và phép rửa được thực hiện "nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần". Sự bao la của ân huệ được mặc khải như vậy được thể hiện trong mầu nhiệm Thăng Thiên của Đức Kitô: "Người lên trời", bày tỏ rằng chính Đức Kitô là "trời của chúng ta » [46]. Chúa Con được tôn vinh sẽ ban xuống ân huệ đã hứa của Thiên Chúa, là Thánh Thần của lễ Ngũ Tuần. Bất cứ cái nhìn thu hẹp nào hơn về ơn cứu độ cũng sẽ không còn thực sự là cái nhìn Kitô giáo.

3.2 Sự bao la của ơn gọi nhân linh hướng đến Tình yêu thiên linh

34.       Tất cả những điều trên không thể không có những hệ quả đối với tầm nhìn Kitô giáo về con người. Con người cũng được mặc khải trong sự vĩ đại dư tràn của ơn gọi, như homo semper major (con người luôn vượt quá chính mình). Tín biểu Nixêa không có điều khoản nhân học theo nghĩa chặt, nhưng con người, trong ơn gọi làm con Thiên Chúa trong Đức Giêsu, có thể được mô tả như đối tượng của đức tin. Phù hợp với Thánh Kinh, căn tính đích thực của con người được tỏ lộ nhờ mầu nhiệm của Đức Kitô và mầu nhiệm cứu độ, như là một mầu nhiệm theo nghĩa chặt, có thể so sánh với mầu nhiệm của Thiên Chúa và của Đức Kitô, dù rằng những mầu nhiệm này vượt xa con người một cách khôn sánh.

35.       Mầu nhiệm lớn lao này trước hết liên kết với mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và Đức Kitô. Mạc khải về vai trò làm Cha của Thiên Chúa chính là mạc khải về mầu nhiệm của mọi tình phụ tử nói chung: "Tôi quỳ gối trước mặt Chúa Cha, là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất" (Ep 3,14-15). Sự mặc khải, đặc biệt trong Tin Mừng Gioan, về Người Con Duy Nhất là biểu hiện của vai trò làm con theo nghĩa đích thực, bắt nguồn về mặt bản thể từ sự Sinh ra Đầu tiên và thuộc về chính mầu nhiệm Ba Ngôi. Trong một sự đảo chiều về tương quan nhận thức, chính tư cách làm Cha và làm Con trong Ba Ngôi Thiên Chúa soi sáng và thanh luyện những mối tương quan cha mẹ, con cái và anh em của con người, vốn bị quy định bởi hoàn cảnh văn hóa và bị vết thương của tội lỗi chi phối. Việc Thiên Chúa là Cha mặc khải điều trước hết rằng: làm con là đặc điểm sâu xa nhất của con người. Con người là một hồng ân được ban cho chính mình bởi Thiên Chúa là Cha, và được mời gọi để đón nhận chính mình từ nơi Thiên Chúa và – trong Người – từ nơi tha nhân cũng như từ thế giới thụ tạo xung quanh, để trở nên ngày càng chính mình hơn. Chính vì thế, căn tính và ơn gọi của con người được mạc khải cách đặc biệt nơi Đức Kitô, Người Con Nhập Thể, « con người hoàn hảo », Đấng mà « trong chính mạc khải về mầu nhiệm của Chúa Cha và tình yêu của Người, đã tỏ lộ con người trọn vẹn cho chính mình và chỉ cho con người thấy sự cao cả của ơn gọi mình » [47]. Mặt khác, con người cũng được mời gọi tham dự vào mầu nhiệm của vai trò làm cha mẹ, cả thể lý lẫn thiêng liêng. Noi theo hình ảnh của vai trò làm Cha nơi Thiên Chúa, việc làm cha mẹ của con người bao hàm sự tự hiến, một sự bình đẳng trọn vẹn giữa cha mẹ và con cái, giữa người trao ban và người đón nhận, nhưng đồng thời cũng hàm chứa một sự khác biệt và một trật tự (taxis) giữa họ. Sau cùng, không có một nhân học nào thực sự là Kitô giáo nếu không mang chiều kích Thần Khí. Chỉ có Thánh Thần — Đấng ban sự sống — mới có thể hoàn toàn nhân hoá con người, làm cho họ trở thành con trai, con gái, cha và mẹ. Theo cách tương tự, chúng ta chắc chắn có thể nói về một hình thức đồng-hơi-thở (co-spiration) với Chúa Thánh Thần, hay sự linh hứng kết hợp (inspiration conjointe) [48], bởi vì những hành động và lời nói sinh hoa trái nhất của chúng ta là những gì tuỳ thuộc vào mức độ chúng ta cộng tác với Thánh Thần, Đấng dùng chính những điều đó để an ủi, nâng đỡ và hướng dẫn. Như thế, chân lý và ý nghĩa của tư cách làm cha, làm con, cũng như khả năng sinh sản của con người cần được mạc khải, bởi lẽ chúng không chỉ là những thực tại tự nhiên hay văn hóa, nhưng là sự tham dự vào cung cách hiện hữu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Những điều ấy không thể nào được hiểu thấu đáo nếu không có Mạc Khải và cũng không thể được thực hiện trọn vẹn nếu không có ân sủng. Đây lại là một Tin Mừng nữa cần được tái khám phá ngày hôm nay từ ánh sáng của Công đồng Nixêa.

36.       Theo một nghĩa nào đó, chính thuật ngữ homoousios cũng có thể mang một chiều kích nhân học. Một con người đã mở ra lối dẫn đến Thiên Chúa. Dĩ nhiên, chỉ một mình Đức Kitô mới có thể tuyên bố cách riêng và độc nhất rằng: "Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha" (Ga 14,9), bởi mầu nhiệm ngôi hiệp. Tuy nhiên, sự kết hợp độc nhất vô nhị nơi Người lại hòa hợp cách nội tại với mầu nhiệm về con người được "tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa" (St 1,27). Theo nghĩa này – và thực sự như thế – mọi con người đều phản chiếu Thiên Chúa, làm cho Người được nhận biết và cho phép người khác đến với Người. Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã diễn tả nghịch lý này bằng cách nhấn mạnh, một mặt rằng "để biết con người, con người thật, con người toàn diện, người ta phải biết Thiên Chúa", nhưng mặt khác, cũng "để biết Thiên Chúa, người ta phải biết con người" [49]. Những lời này phải được hiểu theo nghĩa mạnh: không chỉ mỗi con người cho thấy hình ảnh của Thiên Chúa, mà còn không thể nhận biết Thiên Chúa mà không đi qua con người. Hơn nữa, như chúng ta đã thấy ở trên (§ 22), Hội thánh đã dùng từ đồng bản thể (homoousios) để diễn tả sự hiệp thông về bản tính giữa Đức Kitô – là Thiên Chúa thật – và toàn thể nhân loại, bởi Người đã « được sinh bởi một người nữ » (Gl 4,4), là Đức Trinh Nữ Maria [50]. Hai phương diện của sự « đồng bản thể » nơi Ngôi Lời nhập thể – vừa với Chúa Cha vừa với nhân loại – nâng đỡ và soi sáng cho nhau, để thiết lập cách sâu xa và hiệu quả tình huynh đệ giữa mọi con người. Theo một nghĩa nào đó, chúng ta là anh chị em của Đức Kitô trong sự hiệp nhất cùng một bản tính nhân loại: « Vì thế, Người đã phải trở nên giống anh em mình về mọi phương diện » (Dt 2,17; x. 2,11-12). Chính mối dây nhân loại này cho phép Đức Kitô – Đấng đồng bản thể với Chúa Cha – lôi kéo chúng ta vào chính mối tương quan làm Con với Chúa Cha, biến chúng ta thành con cái Thiên Chúa, là anh chị em của Người, và do đó, là anh chị em của nhau, theo một nghĩa mới, triệt để và không thể phá vỡ.

37.       Mầu nhiệm con người trong phẩm giá cao cả của mình cũng được soi sáng bởi chiều kích cánh chung của tín biểu Nixêa. Đức tin vào "sự sống lại của kẻ chết", còn được gọi là "sự sống lại của xác phàm [51]", khẳng định vẻ đẹp của thân xác và vẻ đẹp của những gì được sống trong thế giới qua thân xác, mặc dù có sự mỏng manh và những giới hạn của con người. Nó khẳng định giá trị của thân xác cá nhân cụ thể này sẽ được sống lại, được biến đổi, nhưng vẫn duy trì sự đồng nhất về mặt số học [52]. Tuyên xưng này kéo theo một đòi hỏi luân lý: nếu những hành động yêu thương đích thực, được thực hiện trong và qua thân xác trong cuộc đời này, là những bước khởi đầu của sự sống phục sinh, thì việc tôn trọng thân xác đòi hỏi phải sống cách chính trực và thanh khiết trong mọi sự liên quan đến nó. Cần lưu ý rằng những Kitô học không khẳng định đầy đủ tính nhân loại thật sự của Đức Kitô có nguy cơ dẫn đến một quan niệm cứu độ như là sự trốn chạy khỏi thân xác và khỏi thế giới, thay vì là sự nhân hoá trọn vẹn con người. Thế nhưng, chính sự gắn bó với thế giới và với thân xác – được Thiên Chúa sáng tạo là tốt lành và được hoàn tất nhờ công trình tạo dựng mới – là một trong những đặc điểm của Kitô giáo. Tại đây, chúng ta lại một lần nữa khám phá mối liên hệ sâu xa giữa công trình sáng tạo và ơn cứu độ: mọi nét nhân loại nơi Đức Giêsu – được nhận lãnh từ Mẹ Người là Đức Maria – đều là Tin Mừng và mời gọi mỗi con người hãy xem chính tính nhân loại cụ thể của mình như là một Tin Mừng.

38.       Hơn nữa, niềm hy vọng vào sự phục sinh – cũng như vào « sự sống đời đời trong thế giới mai hậu » – là một minh chứng về giá trị cao cả khôn lường của từng nhân vị. Thật vậy, con người không được gọi để biến mất vào hư vô hay hòa tan vào một toàn thể vô danh, nhưng để sống trong một mối tương quan vĩnh cửu với Thiên Chúa, Đấng đã tuyển chọn từng người từ trước khi tạo thành thế gian (x. Ep 1,4). Ngay từ trước, việc Thiên Chúa tuyển chọn Ápraham, Isaác và Giacóp, cũng như giao ước bất khả hủy với dân tộc Ítraen, đã mặc khải giao ước mà Thiên Chúa muốn thiết lập với muôn dân và với từng con người trong một lòng trung tín bất khả phá vỡ. Cũng thế, việc Ngôi Con vĩnh cửu nhập thể nơi một con người cụ thể càng xác nhận, đặt nền tảng và đưa đến sự hoàn tất cho phẩm giá bất khả xâm phạm của nhân vị, như là anh chị em của Đức Giêsu Kitô.

39.       Thế giới hôm nay đang có một nhu cầu cấp thiết để khám phá lại những chiều kích của mầu nhiệm con người, vốn cho thấy con người trong sự cao cả của mình mà không che giấu sự khốn cùng của họ : « Con người vượt quá chính mình một cách vô cùng », như Blaise Pascal đã nói [53]. Niềm xác tín Kitô giáo này đặt ra một thách đố cho mọi hình thức giản lược hóa nhân học. Niềm tin vào tình phụ tử, vào tư cách làm con, và vào sự linh hứng đầy hoa trái (cách "thần khí") nơi con người là nền tảng và là định hướng cho mọi quan niệm đích thực về tự do, về quyền tự chủ và sự sáng tạo của con người. Những thực tại này bắt nguồn từ nơi Thiên Chúa – Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần – nơi mà quyền năng, khôn ngoan và tình yêu nên một trong việc tự hiến trọn vẹn. Ngược lại, khi đánh mất niềm tin vào sự sống lại và sự sống đời đời, con người sẽ rơi vào chỗ từ chối trao cho thân xác vị trí đích thực của nó, và không còn nhìn nhận giá trị thánh thiêng của mỗi cá nhân trong sự độc đáo và tính siêu việt của họ. Thế nhưng, Đấng Tạo Hóa đã mặc khải ý định của Ngài : "Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên " (Tv 8,6).

3.3 Vẻ đẹp của hông ân Hội thánh và Bí tích Thánh tẩy

40.       Các mạch tư tưởng đã được dệt nên từ đầu cho đến giờ quy tụ lại nơi các tuyên xưng về Hội Thánh và các bí tích trong Tín biểu. Đức tin của Công đồng Nixêa còn có nghĩa là tin vào Hội Thánh “duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”, và vào phép rửa “để được tha tội”. Cả Hội Thánh lẫn phép rửa đều phải được cử hành như là những hồng ân luôn semper majora — luôn vượt quá. Bởi vì chúng xác nhận và biểu lộ sự viên mãn dồi dào của mọi điều đã được tuyên xưng trong phần còn lại của Tín biểu, nên chính chúng trở thành đối tượng mang tính nghịch lý của đức tin: cần phải nhận ra nơi chúng nhiều hơn những gì mắt thường có thể thấy. Hội Thánh là duy nhất vượt lên trên mọi chia rẽ hữu hình, là thánh thiện vượt lên trên mọi tội lỗi của các phần tử và mọi lỗi lầm của các cơ cấu thể chế của mình, là công giáo và tông truyền vượt lên trên mọi khép kín bản sắc hay văn hóa, cũng như những khủng hoảng về giáo lý và luân lý luôn khuấy động Hội Thánh. Theo nghĩa này, cần phải tránh cả “thuyết một bản tính” (monophysisme) và “thuyết Ariô” (arianisme) trong cách hiểu về Hội Thánh: chủ nghĩa thứ nhất đánh giá thấp, thậm chí che khuất chiều kích nhân loại của Hội Thánh, còn chủ nghĩa thứ hai lại xóa nhòa chiều kích thần linh của Hội Thánh, biến Hội Thánh thành một thực tại thuần túy xã hội học hay hành chính. Cũng vậy, trong đức tin, phép rửa được hiểu như nguồn mạch của đời sống mới và sự thanh tẩy khỏi tội lỗi, vượt lên trên những gì mắt thấy trong cuộc sống bất toàn, và đôi khi xa lìa Thiên Chúa của chính những người đã lãnh nhận bí tích này. Phép rửa triển khai và nâng cao phẩm giá bất khả xâm phạm của từng con người, khi kết hợp họ với Đức Kitô – vị Tư tế, Ngôn sứ và Vua.

41.       « Tin vào » Hội Thánh và « tuyên xưng » một phép rửa duy nhất, nghĩa là đón nhận một ân huệ đức tin cho phép nhận ra — ngay trong chính sự yếu đuối và nhân tính của Hội Thánh — sự hiện diện hành động và thánh hóa của Chúa Thánh Thần. Chính Thánh Thần làm cho Hội Thánh trở nên duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, và ban hiệu lực cho phép rửa. « Tin vào » Hội Thánh và phép rửa cũng có nghĩa là nhận ra trong Hội Thánh và qua Hội Thánh hành động cứu độ của Đức Kitô. Cũng như Đức Kitô là bí tích nền tảng của Thiên Chúa – sự hiện diện thực sự và hành động của Ngài nơi dấu chỉ hữu hình là nhân tính của Người –, thì Hội Thánh cũng là « bí tích phổ quát của ơn cứu độ » [54]. Sau cùng, « tin vào » Hội Thánh và phép rửa là nhận ra nơi đó sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi. Hội Thánh luôn luôn lớn hơn (semper major), bởi vì Hội Thánh xuất phát từ chính Thiên Chúa Ba Ngôi và được thiết lập trong Ngài. Trong Hội Thánh, Chúa Cha, Chúa Con Nhập Thể và Chúa Thánh Thần đang sống và hiện diện. Chính trong Hội Thánh, đức tin của Công đồng Nicê được công bố và cử hành – qua phép rửa và các bí tích khác: "Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con với Chúa Thánh Thần trong Hội thánh thánh thiện"[55].

42.       Ở điểm giao thoa giữa thần học cứu độ và nhân học, việc tin vào Hội Thánh và tuyên xưng một phép rửa duy nhất xác nhận và triển khai sự bao la của ơn cứu độ và mầu nhiệm của con người. Ơn cứu độ không phải là một tiến trình thuần túy cá nhân, nhưng là một thực tại cộng đồng và siêu nhiên, được lãnh nhận nhờ sự cộng tác của những người khác – những người thân cận của chúng ta –, và sản sinh một hoa trái thiêng liêng cho những người khác – cũng là những người thân cận của chúng ta [56]. Điều này soi sáng bản chất của con người, vốn không phải là một thực thể đơn độc như một « đơn tử » (monade), nhưng là một hữu thể xã hội, được đặt trong một gia đình, một dân tộc, một cộng đồng đức tin, và trong toàn thể nhân loại [57]. Hệ quả là, đức tin vào Hội Thánh và vào phép rửa hàm chứa việc ơn cứu chuộc được thể hiện trong các hành động và cơ cấu hữu hình, gắn liền với chiều kích thân xác của cá nhân và thân thể xã hội, vốn triển nở trong dòng lịch sử. Chính nơi đó, Thánh Thần – Đấng ban sự sống và linh hứng – hoạt động qua những giới hạn và vượt qua chúng để đến với mọi con người. Tận sâu xa, khi làm chứng cho mối tương quan giữa cá nhân và toàn thể, giữa thân xác và lịch sử, Hội Thánh tham dự vào công trình của Đức Kitô, Đấng « mặc khải con người cho chính mình » [58]. Cách riêng, như là « bí tích của sự hiệp nhất » [59], Hội Thánh được tuyên xưng trong đức tin của Tín biểu Nixêa là dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp nhất giữa mọi chiều kích nơi con người và toàn thể nhân loại: cái nhìn Kitô giáo về con người làm bừng sáng tất cả những lối tiếp cận bị thu hẹp – hoặc phủ nhận cộng đồng để đề cao cá nhân, hoặc xóa mờ cá nhân vì lợi ích của tập thể – những lối nhìn không hướng đến sự hiệp nhất.

4. Cùng nhau cử hành sự bao la của ơn cứu độ: chiều kích hoàn vũ của đức tin Nixêa và niềm hy vọng về một ngày lễ Phục sinh chung

43.       Đức tin của Nixêa, trong vẻ đẹp và sự cao cả của mình, là đức tin chung của tất cả các Kitô hữu. Tất cả đều hiệp nhất trong việc tuyên xưng Tín biểu Nixêa-Constantinople, cho dù không phải ai cũng gán cho Công đồng này và các quyết định của nó cùng một vị thế như nhau. Năm 2025 vì thế là một cơ hội vô giá để nhấn mạnh rằng điều chúng ta có chung với nhau thì mạnh mẽ hơn rất nhiều, cả về lượng lẫn về phẩm, so với những gì chia rẽ chúng ta: cùng nhau, chúng ta tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, vào Đức Kitô là Thiên Chúa thật và người thật, vào ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô, theo Kinh Thánh được đọc trong Hội Thánh và dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Cùng nhau, chúng ta tin vào Hội Thánh, vào phép rửa, vào sự sống lại của người chết và vào sự sống đời đời. Công đồng Nixêa đặc biệt được các Hội Thánh Đông phương tôn kính, không chỉ như một công đồng giữa các công đồng khác, hay là công đồng đầu tiên trong một loạt các công đồng, nhưng như là Công đồng tiêu biểu (Concile par excellence), công đồng đã công bố lời tuyên xưng đức tin của “318 vị nghị phụ chính thống”.

44.       Vì thế, năm 2025 là dịp để tất cả các Kitô hữu cùng nhau cử hành đức tin này và Công đồng đã giúp diễn tả đức tin đó. Việc đại kết trong thần học, một cách chính đáng, tập trung sự chú ý và nỗ lực của mình vào những điểm khác biệt chưa được giải quyết; tuy nhiên, cũng có thể – nếu không muốn nói là còn phong phú hơn nữa – khi chúng ta cử hành cùng nhau, để tiến bước hướng tới việc tái lập sự hiệp thông trọn vẹn giữa tất cả các Kitô hữu, hầu cho thế gian tin. Chúng ta đã nhấn mạnh rằng những điểm nhấn khác nhau trong các truyền thống Kitô giáo khác nhau có thể làm nổi bật sự phong phú của bản văn Tín biểu (x. § 17 ở trên). Việc cử hành chung Công đồng Nixêa có thể trở thành một hành trình chung của sự phong phú hóa lẫn nhau, vốn sẽ mở ra – từng bước một – một sự hiểu biết sâu xa hơn về mầu nhiệm, một sự hiệp thông lớn hơn giữa các truyền thống Hội Thánh, và một lòng gắn bó mạnh mẽ hơn với việc tuyên xưng chung đức tin Kitô giáo.

45.       Một trong những mục tiêu của Công đồng Nicê là thiết lập một ngày lễ Phục Sinh chung nhằm diễn tả sự hiệp nhất của Hội Thánh trong toàn thể Oikoumenē. Đáng tiếc là cho đến ngày nay, vẫn chưa có một thỏa thuận chung về ngày lễ này. Sự bất đồng giữa các Kitô hữu liên quan đến lễ quan trọng nhất trong lịch phụng vụ không những gây tổn thương mục vụ trong nội bộ các cộng đoàn – thậm chí chia rẽ cả các gia đình – mà còn gây gương mù cho những người không tin, làm tổn hại đến chứng tá của Tin Mừng. Chính vì thế, Đức Giáo hoàng Phanxicô, Đức Thượng phụ hoàn vũ Bácthôlômêô và nhiều vị lãnh đạo Hội Thánh khác đã nhiều lần bày tỏ ước muốn thiết lập một ngày lễ Phục Sinh chung. Thật trùng hợp thay, vào năm 2025, lễ Phục Sinh sẽ được cử hành cùng một ngày ở cả Đông phương và Tây phương. Lẽ nào đây không phải là một cơ hội nhiệm mầu, được ban tặng cách quan phòng, để tiếp tục cử hành Cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Đức Kitô – “lễ trọng của mọi lễ trọng” (Kinh sáng Phục Sinh Byzantine) – trong sự hiệp thông giữa tất cả các cộng đoàn Kitô giáo? Hiện đã có một số đề xuất khá thực tế về một ngày Phục Sinh không chia rẽ. Về điểm này, Hội Thánh Công giáo vẫn luôn rộng mở đối thoại và hướng đến một giải pháp mang tính hoàn vũ. Ngay từ phần phụ lục của Hiến chế Sacrosanctum Concilium, Công đồng Vaticanô II cũng không phản đối việc thiết lập một lịch phụng vụ mới, và nhấn mạnh rằng điều này cần được thực hiện “với sự đồng thuận của những người có liên hệ đến vấn đề này, đặc biệt là các anh em đang tách biệt khỏi sự hiệp thông với Tòa Thánh [60]”. Cũng cần lưu ý đến tầm quan trọng mà thế giới Đông phương dành cho các yếu tố được xác lập theo truyền thống hậu Nixêa để xác định ngày lễ Phục Sinh: lễ này phải được cử hành “vào Chúa Nhật đầu tiên sau trăng tròn tiếp theo hoặc trùng với điểm xuân phân [61]”. Ngày Chúa Nhật nhắc đến việc Đức Kitô phục sinh vào ngày thứ nhất trong tuần, trong khi trăng tròn sau điểm xuân phân vừa gợi lại nguồn gốc Do Thái của lễ (ngày 14 tháng Nisan), vừa nhấn mạnh chiều kích vũ trụ của mầu nhiệm Phục Sinh, vì điểm xuân phân là thời điểm ban ngày bắt đầu thắng thế ban đêm, và thiên nhiên bắt đầu hồi sinh sau mùa đông.

46.       Cần lưu ý rằng chính trong khuôn khổ Công đồng Nicê, Hội Thánh đã chọn cách dứt khoát tách rời khỏi ngày lễ Vượt Qua của người Do Thái. Lý lẽ cho rằng Công đồng muốn phân biệt mình với Do Thái giáo đã từng được đưa ra, dựa trên các thư từ của Hoàng đế Constantinhô như được Eusêbiô ghi lại, trong đó có những lập luận mang tính bài Do Thái để biện minh cho việc chọn một ngày lễ Phục Sinh không còn liên kết với ngày 14 tháng Nisan [62]. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ động cơ được quy cho vị Hoàng đế với những động cơ của các Nghị phụ Công đồng. Dù sao đi nữa, không có điều gì trong các khoản luật (canon) của Công đồng cho thấy sự từ chối trực tiếp lối thực hành của người Do Thái. Đối với Hội Thánh, không thể phủ nhận tầm quan trọng của sự hiệp nhất trong lịch phụng vụ và việc chọn ngày Chúa Nhật để diễn tả đức tin vào sự Phục Sinh. Ngày nay, khi Hội Thánh kỷ niệm 1700 năm Công đồng Nixêa, đó cũng chính là những định hướng cần được suy tư lại liên quan đến ngày cử hành lễ Phục Sinh. Vượt lên trên vấn đề về lịch, điều đáng mong ước là việc nối kết giữa lễ Phục Sinh và lễ Pesaḥ (Vượt Qua) cần được nhấn mạnh hơn trong thần học, trong các bài giảng cũng như trong giáo lý, để đạt đến một sự hiểu biết sâu rộng và thấu đáo hơn về ý nghĩa đích thực của lễ Phục Sinh.

47.       Trong đêm vọng Phục Sinh và trong mọi phụng vụ liên quan đến bí tích Thánh Tẩy, tín biểu Nixêa-Constantinopolis được công bố dưới hình thức long trọng nhất, tức là dưới hình thức đối thoại. Lời tuyên xưng đức tin này, nền tảng của đời sống Kitô hữu cá nhân cũng như đời sống của Hội Thánh, sẽ phát huy trọn vẹn sức mạnh của mình nếu được bén rễ trong mạc khải đã được ban cho những « trưởng huynh » và « các tổ phụ trong đức tin » của chúng ta [63], và nếu được sống trong sự hiệp thông hữu hình bởi tất cả các môn đệ của Đức Kitô.


Chương 2:
TÍN BIỂU NIXÊA TRONG ĐỜI SỐNG CỦA TÍN HỮU
"Chúng ta tin như chúng ta lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy; và chúng ta cầu nguyện như chúng ta tin"

 

Dẫn nhập: Đức tin được tuyên xưng trong đời sống đức tin

48.       Đức tin được tuyên xưng tại Nixêa mang một nội dung tín lý phong phú, đã đóng vai trò quyết định trong việc hình thành giáo lý Kitô giáo. Tuy nhiên, mục tiêu của tín lý này là – và vẫn luôn là – nuôi dưỡng và hướng dẫn đời sống đức tin của người tín hữu. Theo nghĩa đó, có thể làm nổi bật một kho tàng thiêng liêng đích thực từ Công đồng Nicê và từ Tín biểu của công đồng, như một « nguồn nước hằng sống » mà Hội Thánh được mời gọi kín múc hôm nay và mãi mãi. Chính để bảo vệ lối vào nguồn nước hằng sống ấy mà thánh Antôn đã chấp nhận rời bỏ đan viện để đến Alexandrie làm chứng chống lại bè rối Ariô [64]. Kho tàng này được tỏ lộ cách trực tiếp trong cách mà đức tin của Nixêa sinh ra từ lex orandi (luật cầu nguyện), và cũng chính lex orandi ấy đã được nuôi dưỡng từ đức tin đó [65]. Thật vậy, các công nghị không bao giờ chỉ giới hạn các cuộc thảo luận trong lãnh vực suy lý trừu tượng về các mệnh đề đức tin. Trái lại, những người tham dự các công nghị luôn quan tâm đến toàn thể đời sống của Hội Thánh: làm sao để thấm nhuần các chân lý đức tin trong đời sống hằng ngày, thực hành chúng cách sống động, và ngược lại, định hướng việc giảng dạy dựa trên orthopraxie (thực hành đúng đắn) trong phụng vụ, các bí tích, và cả trong đạo đức nữa [66]. Các giám mục, nói cách nào đó, mang theo cách thiêng liêng trong các công đồng toàn thể các thành phần của thân thể Hội Thánh, những người cùng chia sẻ với các ngài đời sống đức tin và cầu nguyện, cùng với các ngài hát lời ngợi khen và vinh quang dâng lên Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần, một Thiên Chúa duy nhất. Vì vậy, để hiểu được tầm vóc thiêng liêng và thần học của tín điều Nixêa, cần khám phá việc đón nhận tín điều ấy trong thực hành phụng vụ và bí tích, trong huấn giáo và giảng dạy, trong cầu nguyện và các thánh thi của thế kỷ IV.

1. Bí tích Thánh Tẩy và đức tin Ba Ngôi

49.       Ngay cả trước khi học thuyết về Ba Ngôi phát triển về mặt thần học, đức tin vào Ba Ngôi đã là nền tảng của đời sống Kitô hữu được cử hành trong bí tích Thánh tẩy. Lời tuyên xưng đức tin khi lãnh nhận phép Thánh tẩy được đọc lên trong công thức bí tích của phép Thánh tẩy không chỉ đơn thuần diễn tả một mầu nhiệm mang tính lý thuyết mà còn là đức tin sống động liên quan đến thực tại của ơn cứu độ được Thiên Chúa ban tặng, và do đó đến chính Thiên Chúa. Đức tin lãnh nhận trong phép Thánh tẩy ban tặng một sự « nhận biết » Thiên Chúa, vốn cũng là một sự tiếp cận với Thiên Chúa hằng sống. Như vậy, nhà hộ giáo Athenagoras xác quyết: "Có những người [...] chỉ để cho mình được dẫn dắt bởi khát vọng nhận biết Thiên Chúa thật và Lời của Người, muốn biết sự hiệp nhất giữa Người Con và Chúa Cha là gì, sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Người Con là gì, Thần Khí là gì, sự hiệp nhất và phân biệt của Ba Ngôi – Thần Khí, Người Con và Chúa Cha – là gì [67]. »

50.       Chính vì thế, công thức Thánh Tẩy, trong đó Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần được đặt trên cùng một bình diện, trở thành lý chứng trung tâm chống lại Ariô và các môn đệ của ông, còn hiệu quả hơn cả lập luận thần học. Điều này được thấy rõ nơi Ambroise [68] và Hilaire [69], cũng như nơi Basile thành Césarée, Grégoire de Nysse và Éphrem người Syria [70]. Tương tự, Athanase nhấn mạnh rằng: Chúa Con được nêu tên trong công thức Thánh Tẩy không phải vì Chúa Cha không đủ, cũng không phải là do tình cờ, nhưng bởi vì:

Người là Ngôi Lời của Thiên Chúa và là chính sự Khôn Ngoan của Người, và vì là ánh sáng toả rạng (apaugasma), Người luôn hiện diện bên Chúa Cha. Vì thế, khi Chúa Cha ban ân sủng, thì Người không thể ban ngoài Con của mình, bởi vì Con hiện diện trong Cha như ánh sáng toả ra từ nguồn sáng; […] Ai được Chúa Cha rửa tội thì cũng được Chúa Con rửa tội, và ai được Chúa Con rửa tội thì được thánh hoá trong Chúa Thánh Thần [71].

51.       Điều đó nói lên rằng, đối với Athanasiô và các Giáo phụ Cappadoce, điều cốt yếu không chỉ là xướng lên công thức Ba Ngôi, mà là bí tích Thánh Tẩy giả thiết một đức tin chân thực vào thiên tính của Đức Giêsu Kitô. Vì thế, việc giảng dạy đức tin chính thống là điều cần thiết và là một phần không thể tách rời của việc cử hành bí tích Thánh Tẩy cách đúng đắn. Athanasiô trích dẫn như nền tảng lệnh truyền trong Mt 28,19: “Anh em hãy đi… giảng dạy… và làm phép rửa” [72]. Chính vì thế, Athanasiô – cũng như Basilio và Grêgôriô thành Nyssa [73] – phủ nhận hoàn toàn hiệu lực của phép rửa theo phái Ariô, bởi lẽ những ai cho rằng Chúa Con là một thụ tạo thì không có nhận thức đúng đắn về Thiên Chúa là Cha: kẻ không nhận biết Chúa Con cũng không hiểu được Chúa Cha, và không “sở hữu” được Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha chưa bao giờ bắt đầu làm Cha [74].

2. Tín biểu Nixêa như lời tuyên xưng đức tin

52.       Không những bản tuyên xưng đức tin của Nicêa là biểu hiện của đức tin khi lãnh nhận phép rửa, mà còn có thể chính nó xuất phát từ một biểu thức đức tin rửa tội của Giáo hội thành Xêdarê miền Paléttin (nếu ta tin theo lời Eusêbiô [75]). Ba bổ sung đã được thêm vào: « ...nghĩa là từ bản thể của Chúa Cha », « được sinh ra, chứ không phải được tạo thành », và « đồng bản thể với Chúa Cha (homoousios) ». Bằng cách này, người ta xác quyết một cách sáng tỏ và chấn động rằng Đấng “đã nhập thể vì chúng ta là loài người… và đã chịu khổ hình” chính là Thiên Chúa, homoousion tō Patri – đồng bản thể với Chúa Cha. Tuy nhiên, mặc dù Người “phát xuất từ bản thể của Chúa Cha” (ek tēs ousias tou Patros), Người vẫn khác biệt với Chúa Cha, vì Người là Con của Chúa Cha. Nhờ Người, Đấng “đã làm người để cứu độ chúng ta”, mà chúng ta hiểu được điều có ý nghĩa gì khi nói rằng Thiên Chúa Ba Ngôi là “Tình yêu” (1 Ga 4,16). Những bổ sung này là thiết yếu và biểu thị tính độc đáo cũng như đóng góp quyết định của Công đồng Nicêa, nhưng cần luôn nhấn mạnh rằng bản Tín biểu, như một tuyên xưng đức tin, vốn bắt nguồn từ trong khung cảnh phụng vụ, đó là môi trường sống của nó và là nơi giúp nó mang đầy đủ ý nghĩa. Nó chắc chắn không phải là một bản trình bày mang tính lý thuyết, mà là một hành vi của nghi thức Thánh Tẩy, được làm phong phú bởi toàn thể phụng vụ, và đồng thời cũng soi sáng lại cho toàn thể phụng vụ. Ngày nay, nhiều người đương thời có thể có cảm tưởng rằng bản Kinh Tin Kính chỉ là một bản tuyên bố giáo lý khô khan, là vì họ không biết đến nguồn gốc phụng vụ và bí tích của nó.

53.       Theo nghĩa này, đức tin của Công đồng Nicêa vẫn luôn là một “symbolon” (hay còn gọi là “ekthesis”, “pistis”), tức là một bản tuyên xưng đức tin. Nó có thể được phân biệt với những diễn giải hay định nghĩa thần học chuyên môn với độ chính xác cao hơn, vốn nhắm đến việc bảo vệ đức tin (chẳng hạn như các “oros” hay “definitio”), như Công đồng Calxêđôniô đã từng đưa ra. Là một bản tín biểu (symbolon), Tuyên xưng đức tin Nixêa là một công thức mang tính xác quyết và tích cực, một sự khai triển từ chính đức tin Kinh Thánh [76]. Nó không hề có ý định đưa ra một định nghĩa mới, nhưng đúng hơn là một lời gợi nhắc về đức tin Tông truyền: "Đức tin này, chính Đức Kitô đã ban truyền, các Tông đồ đã loan báo, và các Giáo Phụ trên toàn thể Oikoumenē, quy tụ tại Nixêa, đã lưu truyền lại (paradosis) [77].”

54.       Cũng vậy, chính vì là một bản tuyên xưng đức tin, và chính là đức tin Tông truyền, chứ không phải là một định nghĩa hay giáo huấn, mà Tín biểu Nicêa được coi là bằng chứng quyết định cho chính thống giáo trong giai đoạn kế tiếp (ít nhất cho đến cuối thế kỷ V) [78]. Vì lý do đó, bản Tín biểu này được sử dụng như văn bản nền tảng trong các công đồng sau này. Thực vậy, các công đòng Êphêsô và Calxêđôniô đều muốn diễn giải đức tin của Tín biểu Nixêa Nixêa: các công đồng này khẳng định sự nhất trí với Nixêa và phản bác những lập trường bất đồng với Nixêa. Khi bản Tín biểu Nixêa-Constantinople được đọc tại Công đồng Calxêđôniô, các Giám mục đã lớn tiếng thốt lên: " Đây là đức tin của chúng ta. Trong đức tin này chúng ta đã chịu phép rửa, và trong đức tin này chúng ta cử hành phép rửa! Đức Giáo hoàng Lêô tin như vậy, Cyrillô cũng tin như vậy. [79] " Chúng ta cũng cần lưu ý rằng lời tuyên xưng đức tin có thể được diễn tả ở ngôi thứ nhất số ít – “Tôi tin”, nhưng rất thường được đọc ở ngôi thứ nhất số nhiều – “Chúng tôi tin”. Tương tự, Kinh Lạy Cha được bắt đầu bằng: “Lạy Cha chúng con…”. Đức tin của tôi, mặc dù mang tính cá nhân và độc nhất, vẫn luôn gắn bó tận căn với đức tin của Hội Thánh, như là một cộng đồng đức tin. Tín biểu Nixêa cũng như bản gốc tiếng Hy Lạp của Tín biểu Nixêa-Constantinople đều khởi đầu bằng ngôi thứ nhất số nhiều – “Chúng tôi tin”, " để chứng tỏ rằng trong lời “Chúng tôi” ấy, tất cả các Giáo hội đều hiệp thông với nhau, và tất cả các Kitô hữu đều tuyên xưng một đức tin duy nhất. [80]"

55.       Như chúng ta đã đề cập trong chương trước, cho đến ngày nay, “Nixêa” – tức là “lời tuyên xưng đức tin của 318 vị Giáo Phụ chính thống giáo [81]” – vẫn được các Giáo hội Đông phương xem là Công đồng mẫu mực, nghĩa là không chỉ là “một công đồng trong số các công đồng khác”, hay ngay cả “công đồng đầu tiên trong một chuỗi các công đồng”, nhưng là chuẩn mực của đức tin chính thống Kitô giáo. "318 Giáo phụ" còn được nhắc đích danh trong phụng vụ của Giáo hội Giêrusalem. Hơn nữa, khác với các Giáo hội Tây phương, trong các Giáo hội Đông phương, Công đồng Nixêa còn có ngày kính riêng trong lịch phụng vụ. Cũng cần lưu ý rằng: các vấn đề kỷ luật được bàn đến tại Nicêa ngay từ đầu đã được đánh giá với một tầm quan trọng khác so với tuyên xưng đức tin. Trong khi những vấn đề kỷ luật có thể được giải quyết bằng biểu quyết theo đa số, thì các vấn đề liên quan đến đức tin phải dựa trên truyền thống Tông đồ: "Về ngày cử hành lễ Phục Sinh, các ngài đã ghi: ‘Đã được quyết định’. Nhưng về đức tin, các ngài không viết: ‘Đã được quyết định’, mà là: ‘Giáo hội Công giáo tin như thế!’ [82]”

3. Đào sâu qua các bài giảng và giáo lý

56.       Các Giáo phụ Đông và Tây phương không chỉ lập luận bằng các khảo luận thần học, mà còn làm sáng tỏ đức tin Nixêa trong các bài giảng dành cho giáo dân, nhằm bảo vệ các tín hữu khỏi những lối giải thích sai lạc – thường được gọi chung là “thuyết Ariô”, mặc dù các “homoïens” ("Đồng dạng" hoặc "Tương tự", chủ trương Chúa Con "giống với" Chúa Cha) ở phương Tây vào thời của thánh Augustin khác biệt đáng kể trong lập luận so với các “Tân Ariô” ở phương Đông. Quan niệm thần học cho rằng Ngôi Con không phải là “Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”, mà chỉ là thụ tạo cao quý nhất do Chúa Cha dựng nên và không đồng vĩnh cửu với Người, đã được các Giáo phụ nhìn nhận như một mối đe dọa thường trực, và họ đã đấu tranh chống lại điều đó, ngay cả khi không có đối thủ cụ thể. Chính phần mở đầu Tin Mừng Gioan đã tạo cơ hội để giải thích mối tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con, hay giữa “Thiên Chúa” và “Ngôi Lời” của Người, theo tinh thần của lời tuyên xưng đức tin Nixêa [83]. Chẳng hạn, Chromace thành Aquilée (được truyền chức giám mục năm 387/388, qua đời năm 407), đã truyền đạt đức tin Nicée cho cộng đoàn tín hữu của ngài mà không sử dụng thuật ngữ chuyên môn [84]. Ngay cả những vị Giáo phụ vốn dè dặt với các “cuộc tranh luận thần học”, cũng lên tiếng mạnh mẽ chống lại “sự vô đạo của phái Ariô” (“asebeia”, “impietas”): những người theo thuyết Ariô không hiểu “việc sinh ra đời đời của Ngôi Con”, cũng như không chấp nhận “sự đồng đẳng và đồng vĩnh cửu nguyên thủy” giữa Chúa Cha và Chúa Con [85]. Họ còn sai lạc ngay trong chính cách hiểu về độc thần: khi chấp nhận một thần tính thứ hai phụ thuộc. Do đó, việc thờ phượng của họ bị sai lệch và lầm lạc.

57.       Vì thế, trong các bài giáo lý (catéchèses) của mình, Gioan Kim Khẩu (Jean Chrysostome) đã giải thích đức tin khi lãnh nhận bí tích Thánh tẩy – một đức tin đã được công thức hóa cách xác đáng tại Nixêa [86]. Ngài phân biệt đức tin chân chính không chỉ với học thuyết của phái Homoïens, mà còn với học thuyết của phái Sabellius: các Kitô hữu tin vào Thiên Chúa như là “một bản thể (ousia), ba ngôi vị (hypostaseis)”. Augustinô cũng lý luận tương tự trong các bài huấn giáo dành cho những người chuẩn bị lãnh nhận bí tích Thánh tẩy [87]. Tác phẩm Oratio catechetica magna (“Bài giảng giáo lý lớn”) của thánh Grêgôriô Nysê, trong đó những phần đồ sộ nhất được dành để trình bày về Ngôi Lời (Logos) vĩnh cửu và nhập thể của Thiên Chúa, có thể được coi là kiệt tác của một nền giáo lý được viết rõ ràng dành cho những người có trách nhiệm truyền đạt giáo lý – tức các giám mục và giáo lý viên (catéchistes). Chủ đề của tác phẩm không chỉ là mối tương quan giữa Ngôi Con–Ngôi Lời và Chúa Cha (chương 1.3.4), mà còn là ý nghĩa của mầu nhiệm Nhập Thể như là hành động cứu độ (chương 5). Grêgôriô muốn làm cho người nghe hiểu rằng việc sinh ra và chịu chết không phải là điều bất xứng với Thiên Chúa, cũng không trái ngược với sự toàn thiện của Người (chương 9 và 10); ngài giải thích mầu nhiệm Nhập Thể từ động cơ là tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Tuy nhiên, điểm nhấn mạnh đặc biệt của Grêgôriô là: bí tích Thánh tẩy Kitô giáo chỉ được hoàn tất trong “Ba Ngôi không được tạo dựng” (Trinité incréée), nghĩa là trong ba Ngôi vị đồng vĩnh cửu. Chỉ trong điều kiện ấy, bí tích Thánh tẩy mới trao ban sự sống vĩnh cửu và bất tử: "Thật vậy, ai quy phục một hữu thể thụ tạo, dù không nhận ra, thì người ấy đã đặt niềm hy vọng cứu độ nơi hữu thể ấy chứ không phải nơi thần tính (divinité)”[88]

58.       Trọng tâm của cuộc tranh luận không chỉ đơn thuần là một vấn đề lý thuyết, mà đúng hơn là một câu hỏi mang tính hiện sinh: liệu bí tích Thánh tẩy có thực sự gắn liền với “việc thiết lập trong tư cách làm con” như cách nói của Basiliô, với “khởi đầu của sự sống vĩnh cửu” theo Grêgôriô Nysê, hay với “ơn cứu độ khỏi tội lỗi và sự chết” theo Ambrôsiô (Ambroise) [89]? Tất cả những điều đó chỉ khả hữu nếu Ngôi Con – và cả Chúa Thánh Thần – là Thiên Chúa thật. Chỉ khi nào chính Thiên Chúa trở nên “một trong chúng ta” thì khi ấy con người mới thực sự có cơ hội để tham dự vào sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa – tức là để được “thần hóa”.

4. Kinh nguyện dâng lên Chúa Con và những lời chúc tụng

59.       Đức tin của Nixêa đóng vai trò như quy chuẩn cho đời sống cầu nguyện cá nhân cũng như phụng vụ [90], và chính các hình thức cầu nguyện này cũng mang đậm dấu ấn của Nixêa. Mặc dù “việc kêu cầu danh Chúa (Giêsu)” đã được minh chứng ngay trong các bản văn Tân Ước [91], và đặc biệt là các thánh thi kính Đức Kitô [92] đã làm chứng cho việc dâng lời ca tụng và thờ phượng, nhưng chính việc cầu nguyện hướng về Ngôi Con lại trở thành một điểm tranh cãi trong cuộc khủng hoảng Ariô.

60.       Dựa trên một số văn bản của Origen [93], những người theo phái Arian vào thế kỷ IV, cũng như những người ủng hộ Origen ở thế kỷ V và VII, đặc biệt phản đối việc cầu nguyện phụng vụ với Chúa Con. Những người theo phái Arian quan tâm đến việc làm nổi bật những đoạn Kinh Thánh cho thấy chính Đức Giêsu cầu nguyện, để nhấn mạnh sự thấp kém của Người so với Chúa Cha. Kết hợp với quan niệm (của Apollinaris), cũng phổ biến nơi những người theo phái Arian, cho rằng Ngôi Lời thay thế linh hồn của Đức Giêsu, sự phụ thuộc của Ngôi Lời vào Chúa Cha dường như đã được chứng minh. Đối với họ, việc cầu nguyện với Chúa Con là không thích hợp. Để ủng hộ quan điểm của mình, những người theo phái Arian lập luận bằng cách sử dụng công thức truyền thống của vinh tụng ca (doxologie), vốn có tầm quan trọng to lớn, đặc biệt là trong các phụng vụ phương Đông: "Vinh quang và sự thờ phượng dâng lên Chúa Cha qua (dia / per) Chúa Con trong (en / in) Chúa Thánh Thần [94]". Sự khác biệt về giới từ đã được viện dẫn làm bằng chứng về sự khác biệt cốt yếu của các ngôi vị. Những người theo phái Arian tìm cách sử dụng phụng vụ - được công nhận là nơi thể hiện đức tin của Hội thánh - để chứng minh điều họ coi là có lý về mặt thần học.

61.       Ngược lại, những người bảo vệ Nixêa đã khẳng định rằng thực hành cầu nguyện phải tương ứng với đức tin, nhưng đức tin lại tương ứng với phép Thánh tẩy. Thế mà, công thức Thánh tẩy biểu lộ sự bình đẳng về phẩm giá của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Từ đó suy ra rằng lời cầu nguyện - dù là cá nhân hay phụng vụ - cũng có thể và phải được hướng đến Chúa Con. Dù không bác bỏ công thức cũ của vinh tụng ca, mà bảo vệ ý nghĩa chính thống của công thức ấy [95], họ đã ưa thích các công thức và giới từ khác hơn: "tō Patri, kai...kai", "tō Patri, dia... sun", cũng được chứng thực trong truyền thống Kinh Thánh và phụng vụ [96]. Vì vậy, thánh Basile đã viện dẫn, bên cạnh những dẫn chứng khác, bài thánh ca rất cổ "Phōs hilăron" (có lẽ từ thế kỷ II), trong đó Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là đối tượng của một bài hát thờ phượng [97].

62.       Nguyên tắc: "Chúng ta tin thế nào khi chịu phép Thánh tẩy thì cũng phải thờ phượng như vậy ! [98]" cũng áp dụng cả cho việc cầu nguyện cá nhân. Việc kêu cầu Đức Giêsu - như đã được thực hành dưới các hình thức cầu nguyện với Đức Giêsu, đặc biệt trong các môi trường đan viện - được xác thực một cách rõ ràng bằng việc kêu cầu "đồng bản thể với Chúa Cha", "homoousios tō Patri". Chenouté, một giáo phụ Copte thế kỷ V, giải thích : "Khi chúng ta đọc tên 'Giêsu', chúng ta cũng đang gọi tên Chúa Ba Ngôi cực thánh". Khi chúng ta kêu cầu Chúa Con nhập thể, chúng ta không kêu cầu Người tách biệt khỏi Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Ai từ chối cầu nguyện với Đức Giêsu là theo "tà thuyết mới"; người đó không hiểu gì về Ba Ngôi, người đó cũng không hiểu gì về "Đức Giêsu [99]". Cách một người cầu nguyện cho thấy người đó tin vào điều gì.

63.       Sự đúng đắn trong cầu nguyện có liên hệ đến ơn cứu độ. Chính Grêgôriô thành Nyssa đã đưa ra lời cảnh báo đanh thép nhất: niềm hy vọng của tín hữu không chỉ là vấn đề đạo đức theo nghĩa hiện tại, mà còn được thể hiện trong lời cầu nguyện. Niềm hy vọng hướng về sự thần hóa do Thiên Chúa thực hiện: nếu "niềm hy vọng vĩ đại đầu tiên không còn hiện diện nơi những người để mình bị lôi kéo vào một sai lầm về giáo lý", thì hậu quả là "không có lợi ích gì khi hành xử đúng đắn với sự trợ giúp của các giới răn". Và thánh Grêgôriô tiếp tục:

Vì vậy, chúng ta được Thánh tẩy như chúng ta đã nhận lãnh, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; chúng ta tin như chúng ta được Thánh tẩy; quả thật, đức tin phải phù hợp với lời tuyên xưng; chúng ta tôn vinh như chúng ta tin, vì việc vinh danh chống lại đức tin là không tự nhiên. Nhưng chúng ta tin vào điều gì, đó cũng là điều chúng ta tôn vinh. Cũng vậy, vì đức tin ở nơi Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và vì đức tin, vinh quang và phép Thánh tẩy gắn kết lẫn nhau, vì điều này, người ta cũng không tách biệt vinh quang của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần [100].

64.       Việc thêm vinh tụng ca Ba Ngôi vào cuối mỗi thánh vịnh, mà lệnh này được cho là của Đức Giáo hoàng Damasus (mất năm 384 sau Công nguyên), có thể được hiểu theo hướng này. Cassiodorus lưu ý rằng tất cả các lạc giáo do đó bị triệt tiêu:

Mẹ Hội thánh thêm lời ca ngợi Ba Ngôi vào tất cả các thánh vịnh và thánh ca. Hội thánh tôn vinh Đấng mà từ nơi Người phát xuất những lời này, và và nhờ đó cắt đứt tận gốc các lạc giáo của Sabellius, Arius, Mani và những người [101].

Đặc biệt là trường hợp của phần bổ sung "sicut erat in principio..." (như đã có từ thuờ  ban đầu...), điều này được hiểu như một tuyên xưng đức tin chống lại thuyết Arius một cách rõ ràng không mập mờ [102].

5. Lời về Thiên Chúa qua các thánh thi

65.       Các thánh thi, cuối cùng, là nơi thể hiện đức tin ủa Công đồng Nixêa đã tìm được chỗ đứng trong đời sống người tin, và đã được định hình bởi Công đồng Nixêa. Do đó, nhiều thánh thi kết thúc bằng vinh tụng ca Ba Ngôi. Hơn nữa, cuộc đối đầu với lạc giáo Arius đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của thơ ca Kitô giáo. Đầu tiên là ở phương Đông, nơi các thánh thi và thánh ca [103] được sáng tác, nhằm đáp lại những bài thơ tuyên truyền của các nhóm dị giáo. Còn đối với phương Tây, người ta thậm chí có thể nói rằng đóng góp thần học quan trọng nhất của họ trong thế kỷ IV là việc sáng tác các thánh thi.

66.       Ngoài thánh Gioan Kim Khẩu (Jean Chrysostome), chính Ephrem thành Syria (306-373) là người đã ca ngợi mầu nhiệm Đức Kitô trong thơ ca thần học của mình (đã để lại dấu ấn trên toàn bộ văn học Syria cổ điển sau này) và đặc biệt là trong các thánh ca De fide (Về đức tin) và De nativitate (Về sự giáng sinh): Đức Kitô là Thiên Chúa, mặc cho sự yếu đuối của bản tính nhân loại của Người; sự từ bỏ (kenosis) của Đức Kitô là một phép lạ vĩ đại đến vậy vì lý do Người là Thiên Chúa và Người vẫn là Thiên Chúa trong sự tước bỏ này [104]. Với lòng đạo đức sâu sắc, Ephrem mô tả các mối tương quan nội tại Ba Ngôi với lòng đạo đức sâu sắc: Chúa Con ở trong Chúa Cha "trước mọi thời đại", Người "bình đẳng với Chúa Cha và tuy vậy khác biệt với Chúa Cha [105]" Ephrem ưa thích sử dụng hình ảnh về mặt trời, ánh sáng và sức nóng mặt tời, vốn liên kết trong sự hiệp nhất [106]. Ông không ngừng đề cập đến ba "danh xưng" tương ứng với thực tại tần linh và trong đó "bao gồm phép tánh tẩy và sự công chính hóa của chúng ta [107]" Tất cả điều này, ông thực hiện khi đề cập minh nhiên bối cảnh cảnh của đức tin Nixêa vì ông trích "công nghị vinh quang", rõ ràng đề cập đến Nixêa [108]. Các nhà thần học-thi sĩ Syria khác của thế kỷ V, như Isaac thành Antioch và Mar Balaï, đã soạn thảo các bài giảng và các thánh ca theo vần hướng đến chính Đức Kitô, tôn vinh Người một cách rõ ràng với các thuộc tính thần linh: "Chúc tụng Người [Đức Giêsu Kitô] và Cha của Người và vinh quang cho Chúa Thánh Thần" - "Chúc tụng Người, Đấng Tối Cao, đã đến cứu chuộc chúng ta, chúc tụng Người, Đấng Toàn Năng, Đấng mà chỉ một cử động của đầu quyết định vận mệnh thế giới [109]"

67.       Hilary đã học hát các thánh ca trong thời gian lưu đày và đã đưa nó vào Gaul; Ambrôsiô cũng thừa nhận đã áp dụng "tập quán của phương Đông", trong các cuộc xung đột gay gắt với những người theo phái Arius ở Milan vào năm 386-87. Chúa Con "luôn luôn là Con, như Chúa Cha luôn luôn là Cha. Nếu không, làm sao Chúa Cha có thể mang danh hiệu này nếu Người không có Con?", Hilary nhấn mạnh trong thánh thi Ante saecula qui manens (Trước mọi thời đại, Người hằng hữu) nơi ông triển khai "hai lần sinh ra của Chúa Con, Đấng được sinh ra từ Chúa Cha, cho Chúa Cha không biết đến sự sinh ra, và được sinh ra từ Trinh Nữ Maria, cho thế gian".

68.       Trái với các thánh ca mang tính thần học cao của Hilary, những thánh ca này ít tìm thấy chỗ đứng trong phụng vụ, các thánh ca của Ambrôsiô nhanh chóng trở nên nổi tiếng khắp nơi và đã mạnh mẽ khuyến khích đức tin, theo mục đích mà chính Ambrôsiô dành cho chúng. Thánh ca buổi sáng Splendor paternae gloriae (Ánh huy hoàng của vinh quang Chúa Cha) của thánh nhân có thể được coi là một chú giải về Tuyên tín Nixêa. Đặc biệt sâu sắc là các đoạn cuối của một số thánh thi, nhấn mạnh sự bình đẳng của Chúa Con với Chúa Cha: "Aequalis aeterno Patri..." (Bình đẳng ới Chúa Cha hằng hữu...), hoặc trực tiếp hướng đến Chúa Con: "Iesu, tibi sit gloria... cum Patre et almo Spiritu" (Lạy Chúa Giêsu, vinh quang thuộc về Ngài... cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần). Trong một thánh thi rất ngắn, có lẽ của Ambrôsiô, lời tuyên xưng về Thiên Chúa duy nhất trong ba ngôi vị gần như được được đưa vào thơ như một câu khóa cho các tín hữu: "O lux beata trinitas, et principalis unitas..." (Ôi ánh sáng phúc lành Ba Ngôi, và sự hiệp nhất nguyên thủy...).

69.       Ngoài Ambrôsiô, chính Prudentius (Aurelius Prudentius Clemens, 348-415/25) có các thánh thi quan trọng đối với Kitô học. Nhà thơ người Tây Ban Nha này đặc biệt chú trọng đến  thần tính thật và nhân tính thật của Đấng Cứu Thế, trong đó đặt nền tảng cho tạo dựng mới của chúng ta:

Chúa Kitô là hình ảnh của Chúa Cha, và chúng ta là hình ảnh của Chúa Kitô;

Chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Chúa bởi lòng nhân từ của Chúa Cha,

Chúa Kitô phải đến mang lấy hình dạng của chúng ta vào thời sau hết.

Christus forma Patris, nos Christi forma et imago;

Condimur in faciem Domini bonitate paterna

Venturo in nostram faciem post saecula Christo [110].


Chương 3:
NIXÊA NHƯ MỘT BIẾN CỐ CỦA LỜI VỀ THIÊN CHÚA VÀ BIẾN CỐ HỘI THÁNH

 

70.       Tôn vinh Nixêa chính là nắm bắt cách thức Công đồng này vẫn luôn mới mẻ, với sự mới mẻ cánh chung đã được khai mở vào buổi sáng Phục sinh, tiếp tục đổi mới Giáo hội 1700 năm sau biến cố Phục sinh. Thật vậy, đây đích thực là một biến cố theo nghĩa mạnh mẽ nhất, một bước ngoặt ghi dấu trong chuỗi sự kiện lịch sử với những mối liên kết của lịch sử ấy, đồng thời cũng là một điểm hội tụ, mang lại một sự mới mẻ đích thực và tạo ảnh hưởng quyết định cho những gì diễn ra sau đó. Tùy theo ngôn ngữ, thuật ngữ "biến cố" chỉ đến điều xảy đến, ad-ventus (sự xuất hiện, Mùa Vọng, avvenimento), hoặc điều phát sinh từ (sự kiện, event), đến việc tạo ra một sự việc (acontecimiento) hoặc sự xuất hiện của cái mới (Ereignis). Như vậy, Nixêa là biểu hiện của một bước ngoặt đang đến, phát sinh, được tạo ra, hiển lộ trong tư duy nhân loại, được khởi phát bởi Mặc khải về Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi trong Đức Giêsu, nuôi dưỡng trí tuệ con người bằng cách ban cho nó những nội dung mới và những năng lực mới. Đó là một "Biến cố của sự Khôn ngoan". Tương tự, Nixêa, sau này được mệnh danh là công đồng chung đầu tiên, cũng là biểu hiện của một bước ngoặt trong cách thức Giáo hội tự cấu trúc và bảo vệ sự hiệp nhất cùng chân lý giáo thuyết của mình thông qua cùng một tuyên xưng đức tin: đó là một "Biến cố Giáo hội". Hiển nhiên, trong cả hai trường hợp, sự mới mẻ dựa trên một tiến trình có trước, trên một thực tại đã được ban tặng, chính là thực tại mà sự mới mẻ này biến đổi. Biến cố của sự Khôn ngoan tiền giả định văn hóa nhân loại, có thể nói là tiếp nhận văn hoá ấy, để thanh tẩy và biến đổi nó. Biến cố Giáo hội dựa trên sự phát triển trước đó của các cấu trúc Giáo hội những thế kỷ đầu tiên, và chính Giáo hội này đã dựa vào di sản Do Thái và Hy-La.

71.       Thế nhưng nguồn gốc của hai biến cố này lại là một biến cố khác, từ sáng kiến thần linh, biến cố Mặc khải của Thiên Chúa, "biến cố Giêsu Kitô". Biến cố này chính là Sự Mới Mẻ tuyệt hảo: Novus chính là Novum [111]. Đây là Mặc khải tự thân, trong khi Biến cố của sự Khôn ngoan và Biến cố Giáo hội là một phần của việc truyền đạt ân ban nguyên thủy này [112]. Trong biến cố này, Thiên Chúa thiết lập giao ước với một dân tộc để thiết lập giao ước với mọi dân tộc, Người nhận lấy một nhân tính để nhận lấy toàn thể nhân loại. Nixêa là biểu hiện và hoa trái của Sự Mới Mẻ của Mặc khải, và chính vì thế Công đồng năm 325 cung cấp một mẫu mực cho mỗi giai đoạn đổi mới của tư tưởng Kitô giáo, cũng như của các cấu trúc Giáo hội. Hơn thế nữa, bởi vì Nixêa được sinh ra từ Novum là Đức Kitô, nó có thể được hiểu theo cách luôn đổi mới và không ngừng nuôi dưỡng đời sống Giáo hội. Vậy trước tiên cần khám phá biến cố nguồn, biến cố Giêsu Kitô, để sau đó xem xét những hệ quả của nó đối với tư duy nhân loại và đối với các cấu trúc Giáo hội.

1. Biến cố Đức Kitô: "Không ai đã thấy Thiên Chúa. Người Con Một đã mặc khải Người" (Ga 1,18)

1.1 Đức Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, mặc khải Chúa Cha

72.       Tín biểu Nicaea là sự diễn đạt, sự hóa ngôn về một lối tiếp cận Thiên Chúa chưa từng có, vững chắc và hoàn toàn cứu độ, được ban tặng qua biến cố Giêsu Kitô. Trong sự nhập thể, cuộc đời, cuộc Khổ nạn, sự Phục sinh và Thăng thiên của Ngôi Lời đồng bản thể với Chúa Cha, được chứng thực trong Thánh Kinh và trong đức tin của Giáo hội tông truyền, Thiên Chúa semper major [luôn cao cả hơn] tự sáng kiến ban tặng sự nhận biết và tiếp cận với chính Người mà chỉ mình Người có thể ban, và chính điều này vượt xa những gì con người có thể tưởng tượng và thậm chí hy vọng [113]. Thật vậy, Tân Ước truyền lại cho Giáo hội mọi thời đại, qua dòng các thế kỷ, lời chứng mà Đức Giêsu đã đưa ra về chính mình và rằng Chúa Cha, trong ánh sáng và quyền năng của Chúa Thánh Thần, đã xác nhận một lần cho mãi mãi [114] trong cuộc Vượt qua sự chết, sự phục sinh và thăng thiên của Con Thiên Chúa nhập thể, trong sự tuôn đổ Chúa Thánh Thần vào ngày Ngũ Tuần, trong thời viên mãn, "propter nos et propter nostram salutem" [vì chúng ta và vì ơn cứu độ chúng ta]. Như vậy, nếu quả thực "không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ", đức tin của Giáo hội chứng thực rằng Đức Giêsu, "Con Một của Chúa Cha, đã mặc khải Người" (Ga 1,18; x. Ga 3,16.18 và 1 Ga 4,9). Lời chứng này được tóm tắt trong câu trả lời mà Đức Giêsu đã đưa ra cho tông đồ Philipphê, người đã hỏi Người: "Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là đủ cho chúng con". Đức Giêsu trả lời ông:

Philipphê, Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: "xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha"? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình (Ga 14,8-11).

73.       Nếu Đức Giêsu cho thấy Chúa Cha, thì mọi sự nơi Người đều là lối tiếp cận đến Chúa Cha. Đức Kitô trong nhân tính mỏng manh và dễ bị tổn thương của Người là biểu hiện chân thực của Thiên Chúa Cha: "ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha" (x. Ga 14, 9) [115]. Điều này dẫn đến việc Thiên Chúa không phải trước tiên đã ẩn mình tại đồi Gôngôtha dưới sự bất lực của Đấng bị đóng đinh để sau đó, vào sáng Phục sinh, cuối cùng mới tự mạc khải, cuối cùng mới toàn năng. Ngược lại, tình yêu của Đức Giêsu Kitô, Đấng để mình bị đóng đinh và, trong khi chịu cái chết thể lý, đã xuống tận nơi tội nhân bị giam cầm trong tội lỗi (šəʾôl hay âm phủ), là mặc khải về Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng không hành động bằng sức mạnh, nhưng chính là Đấng mạnh mẽ hơn cả sự chết và tội lỗi. Chính trước thập giá mà Mác-cô đã cho một viên đại đội trưởng ngoại giáo nói: "Người này thật là Con Thiên Chúa" (Mc 15,39). Như Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã tuyên bố trong cuốn sách của ngài về Đức Giêsu:

Thập giá là "đỉnh cao" đích thực. Đó là đỉnh cao của tình yêu "đến cùng" (Ga 13,1). Trên thập giá, Đức Giêsu ở "trên đỉnh cao", ngang tầm với Thiên Chúa, Đấng là tình yêu. Chính nơi đó người ta có thể "nhận biết" Người, có thể hiểu được "Ta Là".

Bụi gai cháy chính là thập giá. Tuyên bố mặc khải cao nhất, "Ta Là" và thập giá của Đức Giêsu không thể tách rời nhau [116].

74.       Sự nhận biết Thiên Chúa qua Đức Kitô không chỉ đơn thuần mang đến một nội dung giáo lý, nhưng đặt con người vào sự hiệp thông cứu độ với Thiên Chúa, vì nó làm cho con người, có thể nói, đi sâu vào chính tâm điểm của thực tại, hay đúng hơn, của con người cần được nhận biết và yêu mến. Lời tựa của Tin Mừng Gioan là biểu hiện của sự chiêm niệm cao nhất về mầu nhiệm Thiên Chúa đã được bày tỏ cho chúng ta trong Đức Giêsu để chúng ta, trong ân sủng của Chúa Thánh Thần được ban cách "vô lượng" (Ga 3,34), đi vào chính sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi được mặc khải bởi Logos. Hình tượng về Logos này không chỉ gợi nhớ đến Logos thần linh được nhận ra bởi tư tưởng Hy Lạp, mà còn, sâu xa hơn nữa, đến di sản Cựu Ước về Lời Thiên Chúa, Dābār được chứng thực trong Cựu Ước. Bởi vì ngay cả mặc khải đã được ban cho Israel và được truyền lại trong Cựu Ước cũng đã dẫn nhập một nhận thức về Thiên Chúa hoàn toàn mới mẻ, mở đầu cho biến cố Mặc khải này. Logos này, Người Con, "Thiên Chúa bởi Thiên Chúa", Đấng từ khởi đầu ở cùng Thiên Chúa, như Lời của Ngài diễn tả Ngài trong mọi chân lý, cũng là Thiên Chúa như Chúa Cha. Trong thời viên mãn, Logos "đã trở nên xác phàm và cắm lều giữa chúng ta" (Ga 1,14), để những ai đón nhận Người thì nhận được "quyền năng (exousia) trở nên con cái Thiên Chúa" (Ga 1,14). Khi cho phép con người hiệp thông trọn vẹn với mình, Ngôi Lời nhập thể đã "làm cho họ được thông phần vào bản tính thần linh. [117]"

75.       Sự nhận biết và hiệp thông chưa từng có và chân thực này với Thiên Chúa cũng tạo nên một sự hiệp thông cứu độ với anh chị em trong nhân loại được Thiên Chúa yêu thương, vì biến cố Giêsu Kitô không thể tách rời khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa và với mọi con người. Đức tin của Giáo hội tông truyền chứng thực về sự hiệp thông này trong Đức Kitô và qua Đức Kitô, trong lòng sự hiệp thông Ba Ngôi:

Điều vẫn có từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống [...], chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi. Hiệp thông của chúng tôi là với Chúa Cha và với Con của Người, Đức Giêsu Kitô. Chúng tôi viết những điều này cho anh em, để niềm vui của chúng tôi được nên trọn vẹn (1 Ga 1,1.3-4).

Truyền thống thần học nhấn mạnh rằng đức ái khiến chúng ta yêu mến Thiên Chúa và người lân cận, như người ấy là bạn hữu của Thiên Chúa [118]. Chúng ta có thể nghĩ rằng ba nhân đức thần học (hướng về Chúa) đưa chúng ta vào sự nhận biết Thiên Chúa và hiệp thông với Người một cách trọn vẹn và hoàn toàn mới mẻ. Nhưng theo lối tiếp cận mới mẻ đến Thiên Chúa mà ba nhân đức này mang lại, chúng ta còn được trao ban thêm một con đường đức tin hướng đến tình huynh đệ, một niềm hy vọng chưa từng có nơi người lân cận và đức ái tha thứ mọi sự và thúc đẩy hiến mình.

1.2 "Chúng ta có tư tưởng (νοῦς) của Đức Kitô" (1 Cr 2,16): phép loại suy của công trình tạo dựng và phép loại suy của đức mến

76.       Biến cố Giêsu Kitô, khi cho chúng ta tiếp cận Thiên Chúa một cách vô song, đồng thời khơi dậy và bao hàm một "con đường" tiếp cận cũng mới mẻ và duy nhất: đón nhận trong đức tin và với trí tuệ của mình Tín biểu, hay hơn nữa, đón nhận Thiên Chúa Đấng tự mạc khải trong đó, làm cho người ta đi vào cái nhìn của Đức Kitô đồng bản thể với Chúa Cha, vào "tư tưởng" hay chính mens [tâm trí] của Đức Kitô và vào mối tương quan của Người với Chúa Cha và với tha nhân. "Còn chúng ta, chúng ta có tư tưởng của Đức Kitô (noun Christou)", thánh Phaolô thốt lên (1 Cr 2,16) [119]. Đây là tiếng kêu ngạc nhiên thán phục. Ở đây một lần nữa Nixêa cho thấy sự bao la của ân ban Thiên Chúa. Nhưng Nixêa cũng chỉ ra rằng đó là con đường duy nhất để tiếp cận điều mà Tín biểu diễn tả, cả trong res [sự vật] lẫn trong văn tự của nó. Chúng ta không thể chiêm ngắm Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, ơn cứu chuộc được ban tặng cho chúng ta, vẻ đẹp của Giáo hội và của ơn gọi nhân loại, và tham dự vào đó, mà không "có tư tưởng của Đức Kitô". Không chỉ đơn giản là nhận biết Đức Kitô, nhưng là đi vào chính trí tuệ của Đức Kitô, theo nghĩa của sở hữu cách chủ thể. Người ta không thể hoàn toàn gắn bó với Tín biểu và tuyên xưng nó với toàn bộ con người mình mà không có "sự khôn ngoan không thuộc về thế gian này", "được mặc khải bởi Chúa Thánh Thần", Đấng duy nhất "thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa" (x. 1 Cr 2,6.10):

Trong đức tin, Đức Kitô không chỉ là Đấng chúng ta tin vào - biểu hiện cao nhất của tình yêu Thiên Chúa - mà còn là Đấng chúng ta kết hiệp với để có thể tin. Đức tin không chỉ hướng về Đức Giêsu, mà còn nhìn từ quan điểm của Đức Giêsu, với đôi mắt của Người: đó là sự tham dự vào cách nhìn của Người. [...] Cuộc sống của Đức Kitô, cách thức Người nhận biết Chúa Cha, sống hoàn toàn trong mối tương quan với Ngài, mở ra một không gian mới cho kinh nghiệm nhân loại và chúng ta có thể đi vào đó [120].

77.       Điều này khả thi bởi vì Đức Kitô nhìn thấy Chúa Cha qua đôi mắt nhân loại của Người và mời gọi chúng ta đi vào cái nhìn của Người. Tuy nhiên, con đường này đòi hỏi một sự biến đổi sâu sắc trong tư duy của chúng ta, trong mens [tâm trí] của chúng ta, phải trải qua một sự hoán cải và nâng cao: "Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần" (Rm 12,2). Và đó chính xác là điều mà biến cố Giêsu Kitô mang lại: trí tuệ, ý chí và khả năng yêu thương được cứu độ một cách thật sự nhờ Mặc khải được tuyên xưng tại Nixêa. Chúng được thanh tẩy, định hướng, biến đổi. Chúng mang lấy một sức mạnh mới, những hình thức và nội dung chưa từng có. Các năng lực của chúng ta chỉ có thể hiệp thông với Đức Kitô khi được nên đồng hình với Người, trong một quá trình làm cho các tín hữu được "nên đồng hình đồng dạng (symmorphizomenos)" (Pl 3,10) với Đấng Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh ngay cả trong mens của họ. Tư duy mới này được đặc trưng bởi việc là nhận thức và tình yêu một cách bất khả phân ly. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh: "Thánh Grêgôriô Cả đã viết rằng 'amor ipse notitia est', chính tình yêu là một nhận thức, nó mang trong mình một lý luận mới. [121]" Đó là một nhận thức đầy lòng thương xót và đầy cảm thương, bởi lòng thương xót là bản chất của Tin Mừng [122] và phản ánh chính đặc tính của Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, được tuyên xưng trong tín biểu Nixêa. Mens được đổi mới bao hàm một sự hiểu biết về tương quan loại suy được xem xét lại dưới ánh sáng mầu nhiệm Đức Kitô. Nó nắm giữ cùng một lúc điều mà chúng ta có thể gọi là "tương quan loại suy của tạo thành", nhờ đó người ta nhận ra sự hiện diện thần linh trong bình an của trật tự vũ trụ [123], và điều mà chúng ta có thể gọi là "tương quan loại suy của đức ái" [124]. Sự loại suy này, có thể nói là đảo ngược, đối diện với mầu nhiệm của sự bất công và hủy diệt nhưng được soi sáng bởi mầu nhiệm mạnh mẽ hơn của cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Đức Kitô, nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa tình yêu ngay trong tâm điểm của sự dễ bị tổn thương và đau khổ. Sự khôn ngoan của Đức Kitô này được mô tả trong thư 1 Côrintô như sự khôn ngoan "đã làm cho sự khôn ngoan của thế gian trở nên điên rồ":

Thật vậy, Đức Kitô đã không sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng, và rao giảng không phải với lời lẽ khôn khéo, để thập giá Đức Kitô khỏi trở nên vô hiệu. Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người đang được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì có lời chép rằng: "Ta sẽ huỷ diệt sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan, và sẽ vứt bỏ sự thông thái của người thông thái." Người khôn ngoan đâu? Người học thức đâu? Người lý sự của thời này đâu? Thiên Chúa lại đã không tuyên bố sự khôn ngoan của thế gian là điên rồ đó sao? Thật vậy, vì thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết Thiên Chúa qua sự khôn ngoan của Người, nên Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin (1 Cr 1,17-25).

Sự hoán cải và biến đổi này không thể xảy ra nếu không có ân sủng. Trí tuệ nhân loại tự bản chất được định hướng về ân sủng và dựa vào ân sủng để trọn vẹn là chính mình, giống như chính con người [125]. Đó là điều cho phép hiểu được làm thế nào các năng lực con người được trả lại cho chính mình và được biến đổi bởi biến cố Giêsu Kitô được đưa đến sự hoàn thành khi triển khai theo các phương thức của đức tin, đức cậy và đức mến, những hoa trái đầu mùa của đời sống vinh quang trong thế giới này: "Anh em hãy có những tâm tình như đã có nơi Đức Giêsu Kitô" (Pl 2,5).

1.3 Lối vào thần học nhờ lời cầu nguyện của Đức Kitô để nhận biết Chúa Cha

78.       Làm thế nào để đi vào "tư tưởng của Đức Kitô" mà biến cố Giêsu Kitô mang đến? Bởi vì Đức Giêsu Kitô không chỉ đơn thuần là một người dạy dỗ hay một người hướng dẫn, nhưng là chính mặc khải và chân lý của Thiên Chúa, những người tiếp nhận Người không chỉ đơn thuần là những người tiếp nhận một lời chỉ dạy. Bởi vì con người của Đấng Phục Sinh không phải là một đối tượng của quá khứ, người muốn hiểu mầu nhiệm thẳm sâu của Đức Giêsu, sự mặc khải của Thiên Chúa trong nhân tính của Người, phải để mình được đưa vào trong mối tương quan hiệp thông của Người với Chúa Cha thần linh. Điều này được thực hiện qua đời sống hướng về Chúa, việc đọc Thánh Kinh trong Giáo hội, cầu nguyện cá nhân và phụng vụ, đặc biệt là Thánh Thể.

79.       Việc tham dự nhờ ân sủng vào lời cầu nguyện của Đức Kitô tạo nên con đường cao cả và chắc chắn để nhận biết Đức Kitô, qua đó khám phá sự nhận biết Chúa Cha ("Cha của Thầy và Cha của anh em", trong Ga 20,17). Joseph Ratzinger / Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI tuyên bố: "Bởi vì cầu nguyện tạo nên chính trung tâm của con người Đức Giêsu, nên việc tham dự vào lời cầu nguyện của Người trở thành điều kiện để nhận biết và nhận ra Người. [126]" Nói cách khác, sự nhận biết Đức Kitô bắt đầu bằng việc đi vào hành động cầu nguyện của Đức Giêsu của ai nhận ra Người: "Nơi nào không có mối tương quan với Thiên Chúa, thì Đấng mà về bản chất sâu xa không gì khác hơn là mối tương quan với Thiên Chúa, với Chúa Cha, cũng không thể được nhận biết hay hiểu một cách đích thực. [127]" Và điều có giá trị cho mỗi tín hữu cũng có giá trị cho toàn thể Giáo hội. Chỉ với tư cách là một cộng đoàn cầu nguyện được ghi khắc trong mối tương quan của Đức Giêsu với Chúa Cha, Giáo hội mới là "chúng ta" nhận ra Đức Kitô như được nhắc đến trong Ga 5,18-20 [128] và trong 1 Ga 3,11. Đây là, một lần nữa, vấn đề cốt lõi của những khẳng định Kitô học trong Tín biểu: "Lời khẳng định trung tâm của tín điều, 'Chúa Con đồng bản thể với Chúa Cha, cùng một bản tính với Chúa Cha', tóm tắt toàn bộ chứng từ của các công đồng sơ kỳ, đơn giản chỉ là sự chuyển tải lời cầu nguyện của Đức Giêsu vào ngôn ngữ triết học và thần học chuyên biệt, không gì hơn. [129]" Đức tin được diễn tả qua Nixêa sinh ra từ mối tương quan của Đức Giêsu với Chúa Cha và đưa chúng ta vào đó, hầu trao tặng cho nhân loại và Giáo hội sự tham dự vào sự nhận biết và hiệp thông của Đức Giêsu với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

2. Biến cố của sự Khôn Ngoan: điều mới mẻ đối với tư tưởng nhân loại

2.1 Mạc khải làm phong phú và mở rộng tư tưởng nhân loại

80.       Bằng cách xác lập đức tin Kitô học và Tam vị nhất thể, tín biểu Nixêa nằm trong một phong trào nuôi dưỡng tư tưởng nhân loại, "mở rộng lý trí [130]", thông qua Mặc khải trong quá trình truyền đạt Mặc khải ấy. Thật vậy, lối tiếp cận Thiên Chúa vô song mà biến cố Giêsu Kitô mang lại, cũng như việc tham dự vào tư tưởng (phronēsis) và lời cầu nguyện của Đức Kitô, không thể không có tác động quyết định đến tư duy và ngôn ngữ của con người. Chúng ta chứng kiến một "Biến cố của sự Khôn ngoan", qua đó tư duy và ngôn ngữ của con người phải được mở rộng và được Mặc khải mở rộng để Mặc khải có thể diễn tả chính mình trong đó. Và trong chính chuyển động này, tư duy và ngôn ngữ ấy làm chứng rằng chúng có khả năng được dẫn dắt vượt ra khỏi chính mình. Trong lịch sử của biến cố Khôn ngoan này, Nixêa tạo nên một bước ngoặt quan trọng, "một con đường mới và sống động" (Dt 10,20), mà Pavel Florensky đã nắm bắt tầm quan trọng quyết định của nó, ông đã diễn tả bằng những lời lẽ mạnh mẽ:

Người ta không thể nhớ lại mà không có một sự run rẩy thánh thiêng giây phút độc đáo và mãi mãi có ý nghĩa bởi tầm quan trọng triết học và tín lý của nó, giây phút khi tiếng sấm của 'Homoousios' đã lần đầu tiên vang lên trên Thành phố Chiến thắng [Nixêa]. Đó không phải là một vấn đề riêng biệt của thần học, mà là một định nghĩa căn bản mà Giáo hội của Đức Kitô tự định nghĩa về chính mình. Chỉ một thuật ngữ này diễn tả không chỉ tín lý Kitô học, mà còn cung cấp một đánh giá tinh thần về các quy tắc của lý trí. Chủ nghĩa duy lý đã bị đưa đến cái chết. Lần đầu tiên, nguyên tắc mới của hoạt động lý trí đã được công bố urbi et orbi [cho toàn thế giới][131].

Ngôi Lời là Đức Kitô nhập thể, Con của Chúa Cha trong sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần, biểu lộ rằng chính Người là thước đo cho mọi logos [lý tính] của con người, mà Người có thể làm sinh động và mở rộng, nhưng Người cũng có thể là thẩm phán của nó, đặt nó vào khủng hoảng (krisis) theo đúng nghĩa của từ này. Thật vậy, thật đáng chú ý khi quan sát cách thánh Athanasiô, trong một phán đoán súc tích, coi việc Ariô từ chối sự viên mãn của hình ảnh Đức Kitô tạo thành một sự phủ nhận lý trí, phủ nhận logos nói chung: "Khi phủ nhận Logos của Thiên Chúa, họ thấy mình đích thực bị tước đoạt mọi logos.[132]" Về cơ bản, biến cố của sự Khôn ngoan được tạo ra bởi biến cố Giêsu Kitô đưa lý trí và tư duy con người đến ơn gọi cao nhất và chân thực nhất của chúng. Biến cố này, có thể nói, làm cho lý trí và tư duy con người tìn thấy lại chính nó. Đến mức mà, chúng ta sẽ thấy, homoousios [đồng bản thể] không đơn thuần là một mẫu mực của liên văn hóa, mà nó thuộc về một biến cố khôn ngoan nguyên mẫu, khai mở và sáng lập Giáo hội trong tính tông truyền của mình.

81.       Biến cố Đức Giêsu Kitô làm cho một bản thể học mới trở nên khả thi, theo các chiều kích của Thiên Chúa duy nhất và Ba ngôi và của Logos nhập thể. Lý trí nhân loại đã từng để cho mình được khai mở và thấm nhập bởi mầu nhiệm, được tiếp cận qua mặc khải về sự sáng tạo từ hư vô (ex nihilo) (2 Mcb 7,28; Rm 4,17), về sự siêu việt bản thể của một Thiên Chúa, Đấng dẫu vậy lại thân thiết với mỗi thụ tạo hơn cả thụ tạo ấy với chính nó [133]. Lý trí nhân loại lại một lần nữa để mình được canh tân tận căn khi tiếp nhận ý nghĩa thâm sâu mà mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng là tình yêu (1 Ga 4,8.16) ban cho vạn vật - tính tha thể, tương quan, tương hỗ, nội tại hỗ tương từ nay hiển lộ như chân lý tối hậu và những phạm trù cấu thành của hữu thể luận. Hữu thể nhờ đó được chiếu soi và biểu hiện phong phú hơn những gì hữu thể biểu lộ trong các diễn giải triết học tiền khởi, cho dù các diễn giải ấy thâm thúy và tinh tế đến thế nào. Hơn nữa, Công đồng Nixêa, khởi đi từ vấn đề Kitô học và cứu độ luận để khai triển về Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần, phản ánh chính xác cách thức mà hiện tượng luận Kitô học thúc đẩy inventio (sự khám phá) của tín lý Ba Ngôi, thông qua tính năng động giữa trật tự của khám phá - Kitô học và Thánh Thần học - được đặt ở trung tâm, và trật tự của thực tại Ba Ngôi cấu thành nên điều đó. Công đồng Nixêa thúc đẩy tiến trình tư duy Ki-tô giáo về thần học hay việc nghiên cứu "Ba Ngôi nội tại". Vì mầu nhiệm Chúa Kitô, được hiện thực hóa trong lịch sử và trong một nhân tính đặc thù, mở lối tiếp cận Thiên Chúa, nên vật chất và xác thể, thời gian và lịch sử, tính mới mẻ, tính hữu hạn và chính sự mỏng manh, đều đạt được phẩm giá và sự vững chắc của mình để diễn đạt về hữu thể. Xét đến cùng, chính hữu thể, qua Mạc Khải, tự mặc khải là semper major (luôn luôn vĩ đại hơn).

82.       Biến cố của sự Khôn Ngoan hiển nhiên kéo theo một sự đổi mới nhân học, vì biến cố Đức Giêsu Kitô soi chiếu ánh sáng mới lên con người. Chúng ta hãy tóm lược các khía cạnh đã được khai triển trong chương đầu của tài liệu này [134]. Nhân học Kinh Thánh đòi hỏi phải xem xét lại quan niệm về con người, xuất phát từ giá trị vật chất và tính đặc thù. Đấng Tạo Hóa trong sách Sáng Thế đã muốn từng người và đã "khắc họ trong lòng bàn tay Người" (Is 49,16). Hơn thế, Đức Giêsu gọi mỗi người là anh chị em của Người, bởi vì biến cố nhập thể đã tôn vinh mỗi con người, trong tính cá vị, một cách không thể vượt qua và không thể xóa bỏ. Khi Tín biểu Nixêa-Constantinople tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô, với tư cách là người thật, là Con Thiên Chúa và, trong tư cách ấy, "bình đẳng" với Chúa Cha, mỗi con người – bất kể nguồn gốc, quốc tịch, tài năng hay học vấn – được ban tặng một phẩm giá buộc trí tuệ nhân loại phải tư duy theo cách mới, vượt thoát những giới hạn của cái nhìn thuần tự nhiên về con người. Có một phẩm giá đích thực mang tính Kitô học nơi mỗi cá thể đặc thù.

83.       Tương tự như tiến trình diễn ra khi nói đến việc bước vào "tư tưởng của Đức Kitô", sự mở rộng của hữu thể luận và nhân học hàm chứa một sự hoán cải và có thể vấp phải sự kháng cự của tư duy vốn quen thuộc với giới hạn của mình. Biến cố của sự Khôn Ngoan buộc phải tính đến không chỉ "loại suy của tạo dựng" mà còn "loại suy của đức ái". Trước sự tự hủy của mầu nhiệm Nhập Thể và Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô, trước nỗi thống khổ và sự dữ tác động đến nhân loại, lý trí con người chạm đến giới hạn của mình. Câu hỏi đặt ra: vì sao Chúa Cha toàn năng dường như tiên vàn đã quan sát từ trên cao con đường thập giá của Người Con đang chịu khổ nạn và chỉ hành động sau cái chết của Người? Vì sao Ngài đã không lập tức đáp ứng lời cầu nguyện tại Vườn Ghếtsêmani, được dâng lên với mồ hôi máu của nỗi khiếp sợ: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho chén này rời xa con..." (Mt 26,39b)? Thực ra, sự bình đẳng về bản tính với Chúa Cha của Người Con nhập thể và chịu đóng đinh, được tuyên xưng trong Tín biểu Nixêa, mời gọi tư tưởng nhân loại hoán cải và chuyển hóa ý nghĩa của thuật ngữ "toàn năng". Thiên Chúa Ba Ngôi không phải trước tiên là toàn năng và chỉ sau đó mới là tình yêu; sự toàn năng của Ngài đúng hơn là đồng nhất với tình yêu đã được mặc khải nơi Đức Giêsu Kitô. Thật vậy, những gì Đức Giêsu sống, như được minh chứng trong Tân Ước, chính là - thông qua tác động của Chúa Thánh Thần - sự mặc khải trong lịch sử, trên bình diện của nhiệm cục Ba Ngôi, về mối tương quan và về thực tại nội tại của Ba Ngôi nội tại nơi Thiên Chúa [135]. Thiên Chúa thực sự là Thiên Chúa khi quyền năng yêu thương của Ngài không áp đặt điều gì, mà đúng hơn, ban cho đối tác giao ước của Ngài, con người, năng lực tự do và vô điều kiện để liên kết với Ngài. Thiên Chúa tương hợp với chính hữu thể của Ngài khi Ngài không dùng quyền lực để hoán cải nhân loại đã bị tội lỗi làm băng hoại, nhưng hòa giải nhân loại với Ngài qua các biến cố Bêlem và Golgotha. Trong tất cả những điều này, cách thức tư duy nhân loại của chúng ta được mời gọi để cho mình được biến hình sâu sắc bởi Đức Kitô: "Tư tưởng của các ngươi không phải là tư tưởng của Ta" (Is 55,8; xem thêm Mt 16,23).

2.2 Một biến cố văn hóa và liên văn hóa

84.       Nếu biến cố Đức Giêsu Kitô đổi mới tư tưởng như được tái tạo theo một biến cố Khôn Ngoan, thì biến cố ấy cũng đổi mới và thanh luyện, làm phong phú và mở rộng văn hóa nhân loại. Thực vậy, Công đồng Nixêa, diễn tả đức tin Kitô giáo cho Hội thánh lan rộng giữa muôn dân tộc, bằng tiếng Hy Lạp và áp dụng một thuật ngữ có nguồn gốc từ triết học Hy Lạp, chắc chắn là một biến cố văn hóa. Đức tin cần tiếp nhận văn hóa nhân loại, như tiếp nhận bản tính nhân loại, bởi bản tính và văn hóa đều cấu thành con người và, do đó, không thể tách rời. "Con người luôn được định vị trong văn hóa [136]", Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc nhở. Bởi vì con người là một hữu thể tương quan và xã hội, hiện hữu trong lịch sử, chính thông qua văn hóa mà con người đạt đến sự viên mãn nhân tính của mình [137]. Hơn nữa, Mạc Khải, thiết lập sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người, cần có những người tiếp nhận với sự vững chắc riêng để đón nhận trong tự do và trách nhiệm trọn vẹn. Do đó có sự tuyển chọn dân tộc thuộc mười hai chi tộc Israel, dân tộc phải tự phân biệt khỏi mọi dân tộc khác và phải học hỏi cách khó nhọc để phân tách, trước hết cho chính mình, chân lý khỏi sai lầm. Do đó có Đức Giêsu Kitô, mà nơi Người, Con Thiên Chúa thực sự làm người, là một người Do Thái, một người Galilê, nhân tính của Người mang dấu ấn văn hóa của hành trình lịch sử dân tộc mình. Do đó có Giáo hội, được hình thành từ muôn dân tộc. Như vậy, dựa trên nguyên tắc của thánh Tôma, "ân sủng giả định bản tính", và mở rộng nguyên tắc ấy, Đức Giáo hoàng Phanxicô thêm vào: "ân sủng giả định văn hóa, và hồng ân của Thiên Chúa nhập thể trong văn hóa của những người tiếp nhận ân sủng ấy [138]."

85.       Việc đảm nhận văn hóa bởi Mạc Khải hàm chứa một mối tương tác qua lại giữa hai bên, mặc dù chúng không cân xứng. Cũng như tinh thần con người có khả năng được nâng cao, văn hóa cũng có sứ mệnh để mình được soi sáng bởi Mạc Khải, đến mức có thể đón nhận, với giá của một sự hoán cải, sự khôn ngoan của Đấng chịu đóng đinh: "Sức mạnh của Tin Mừng [phải thấm nhập] các phương thức tư duy, các tiêu chuẩn phán đoán, các chuẩn mực hành động; nói tóm lại, cần thiết để toàn bộ văn hóa con người được thấm nhuần Tin Mừng. [139]" Tuy nhiên, đức tin không phải là yếu tố xa lạ đối với các nền văn hóa mà đức tin được sống, bởi vì từ biến cố Ngũ Tuần, đức tin Kitô giáo mang trong mình niềm xác tín rằng không có một nền văn hóa nhân loại nào mà không chờ đợi và không hy vọng sự hoàn thành của mình từ cuộc viếng thăm của Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng đã gieo rắc chính semina Verbi [hạt giống của Ngôi Lời] [140] trong mọi nền văn hóa đang chờ đợi sự viếng thăm của Người. Chính nhờ đó mà các nền văn hóa trở nên trọn vẹn là chính mình. Vì thế, từ bên trong, từ sự mở ra của các nền văn hoá hướng đến những gì là chân, thiện, mỹ, mà Mạc Khải thanh luyện và nâng cao chúng. Nhưng khi đó, các nền văn hóa và ngôn ngữ được tiếp nhận và được thăng hoa bởi tính mới mẻ của mạc khải cho phép làm phong phú và chính xác hóa việc diễn tả đức tin. Mối tương tác qua lại này đã được chứng thực qua các thế kỷ trong việc làm phong phú ngôn ngữ, thơ ca, nghệ thuật bởi Kinh Thánh, mà chính sự hiểu biết về Kinh Thánh cũng được soi sáng như « một phản hồi » khi nó được khuếch tán qua các ngôn từ và thế giới quan khác nhau. Đó cũng là những gì diễn ra ở Nixêa trong việc sử dụng thuật ngữ homoousios [đồng bản thể], vốn làm rõ sự hiểu biết của Hội thánh về địa vị làm Con của Đức Giêsu Kitô đồng thời thăng hoa thuật ngữ mà Hội thánh tiếp nhận.

86.       Trong việc tiếp nhận văn hóa này, một vị trí độc đáo và quan phòng phải được dành cho mối quan hệ giữa văn hóa Do Thái và văn hóa Hy Lạp. Thuật ngữ homoousios xuất hiện ở đây như kết quả của sự tổng hợp đặc biệt mạnh mẽ diễn ra giữa văn hóa Sêmít, đã được chạm đến và biến đổi siêu việt bởi Mạc Khải, nhưng cũng được định hình bởi những cuộc gặp gỡ và bất đồng với các dân tộc thuộc các nền văn hóa khác – Ai Cập, Canaan, Lưỡng Hà, La Mã – và thế giới Hy Lạp. Trong hơn ba thế kỷ trước khi Đức Giêsu sinh ra và cho đến thế kỷ thứ ba Công nguyên, giáo huấn và đời sống trí thức của Do Thái giáo theo Hy Lạp không chỉ được diễn tả bằng tiếng Aram, mà còn bằng tiếng Hy Lạp, với bản LXX (Septante) làm trung tâm. Giáo huấn của Đức Giêsu đã được ghi lại và truyền tải bằng tiếng Hy Lạp, để có thể truyền đạt Tin Mừng đến tất cả mọi người trong ngôn ngữ phổ biến của vùng Địa Trung Hải, nhưng cũng bởi vì Tân Ước thuộc về lịch sử mối quan hệ của dân Do Thái với văn hóa và ngôn ngữ Hy Lạp. Như trong bản LXX, các ảnh hưởng diễn ra theo cả hai chiều. Ví dụ, panta ta ethnē (tất cả các dân tộc) của Mt 28,19 dịch ý tưởng Do Thái cổ về tất cả các dân tộc đổ về Giêrusalem, và măthētēs (môn đệ-học trò) dịch từ tiếng Aram talmudim (các học trò). Ngược lại, các tác giả Tin Mừng sử dụng tiếng Hy Lạp của tòa án để diễn giải phiên tòa và cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, tác giả sách Công vụ lấy cảm hứng từ sử thi Odyssey để kể lại những cuộc hành trình của thánh Phaolô, và chính vị tông đồ này thường phản ánh các yếu tố của triết học Khắc kỷ, cũng như một số đoạn của Tân Ước mang dấu ấn của từ vựng hữu thể học Hy Lạp [141]. Rất tự nhiên, Kitô giáo sơ khai tiếp tục sự tổng hợp này giữa tư tưởng Sêmít và Hy Lạp, đối thoại với các tác giả Do Thái-Hy Lạp và Hy Lạp-La Mã, để diễn giải Kinh Thánh và phát triển tư tưởng riêng của mình. Sự phong phú của cách diễn đạt Hy Lạp trong Do Thái giáo và Kitô giáo do đó có thể gợi ý rằng có một chiều kích nền tảng trong sự ghép nối văn hóa Hy Lạp vào văn hóa Do Thái, điều sẽ cho phép diễn giải bằng tiếng Hy Lạp tính độc nhất và phổ quát của ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô trước lý trí triết học [142]. Hiển nhiên, một bộ phận lớn các Kitô hữu, đặc biệt là những người ngoài biên giới Đế quốc La Mã, không thuộc về khu vực văn hóa này, và đã triển khai thiên tài riêng của họ để phục vụ việc diễn đạt đức tin trong thế giới nói tiếng Syri, Armenia và Ai Cập, nhưng họ cũng định vị mình đối với tư tưởng Hy Lạp, vừa để mình được truyền cảm hứng bởi tư tưởng ấy vừa giữ khoảng cách với nó.

87.       Công đồng Nixêa không đơn thuần là một biến cố tiếp nhận và làm phong phú văn hóa bởi Mạc Khải, mà còn là cơ hội cho những cuộc gặp gỡ liên văn hóa. Sự gặp gỡ giữa các nền văn hóa này là một khía cạnh chính của biến cố của sự Khôn Ngoan được khơi dậy bởi biến cố Đức Giêsu Kitô, vì Mạc Khải kết nối và đặt các nền văn hóa trong sự hiệp thông với nhau, làm khả thi mức độ liên văn hóa cao nhất có thể. Sự trao đổi và làm phong phú lẫn nhau đã là thành phần cấu thành của mọi nền văn hóa, những nền văn hóa chỉ tồn tại trong tiến trình mà chúng tiếp xúc với nhau, và như vậy phát triển, làm giàu cho nhau, và đôi khi đối lập và đặt nhau vào tình thế nguy hiểm. Tuy nhiên, sức mạnh đổi mới của Mạc Khải mang đến cho những mối quan hệ này một bước nhảy vọt về cường độ. Một mặt, bằng cách cho tiếp cận nguồn siêu việt của chân lý và điều thiện, tại gốc rễ của tính phổ quát của tinh thần nhân loại làm cho sự truyền thông giữa họ trở nên khả thi [143], Mạc Khải mở ra trọn vẹn không gian chung cho những cuộc gặp gỡ và trao đổi của họ. Mặt khác, biến cố Đức Giêsu Kitô là sức mạnh hoán cải và giải phóng đối với những lực lượng khép kín và chống lại người khác hiện diện trong đời sống các dân tộc và các nền văn hóa. Chỉ có một nền văn hóa "được cứu độ" mới có thể vượt qua chính mình mà không đánh mất mình, và mở ra với người khác để được làm giàu cũng như làm giàu cho họ. Việc lắng nghe Lời Thiên Chúa và Thánh Truyền, tức là lời của Đấng Khác, huấn luyện tinh thần và các nền văn hóa quen với việc lắng nghe người khác [144]. Điều này không dẫn đến việc xếp đặt có tính bên ngoài và nghèo nàn giữa các nền văn hóa, cũng không phải là sự hòa trộn vào một tổng thể không phân biệt, mà là một tính liên văn hóa được cứu độ và được nâng cao nơi mỗi nền văn hóa vượt qua chính mình trong khi được củng cố trong sự vững chắc riêng, nhờ vào một hình thức của sự thấm nhập (perichoresis) của các nền văn hóa [145]. Đó là lý do tại sao cần phải duy trì cả tính mới mẻ thực sự và "sự nâng cao" các nền văn hóa, cũng như thực tế là những người chấp nhận Tin Mừng của Đức Kitô vẫn bảo tồn bản sắc văn hóa của họ và được củng cố trong nền văn hoá ấy [146]: "Các Kitô hữu không khác biệt với những người khác bởi quốc gia, ngôn ngữ hay trang phục [...]. Trong khi tuân theo các phong tục địa phương về trang phục, thực phẩm và phần còn lại của cuộc sống, họ biểu lộ một cách sống đáng ngưỡng mộ mà ai cũng phải thừa nhận là nghịch lý trong cộng đồng của họ"[147].

88.       Tính liên văn hóa thực ra là biểu hiện của một vấn đề sâu xa hơn, tạo nên nền tảng của nó: kế hoạch thần linh về sự hiệp nhất các dân tộc và con đường gian nan của sự hiệp nhất này trong đa dạng. Đây là một trong những đường hướng chính yếu của lịch sử cứu độ trong Kinh Thánh. Câu chuyện điển hình về tháp Babel trong St 11,1-9 nhấn mạnh một mặt, sự căng thẳng giữa sự phong phú của đa dạng ngôn ngữ và văn hóa, và khả năng của con người làm vỡ sự hiệp nhất của ngôi nhà chung, làm rối loạn logos (lời) của oikos (nhà). Lời kêu gọi Abraham, lời hứa được trao cho ông rằng trong ông "mọi gia đình trên mặt đất sẽ được chúc phúc" (St 12,3), là câu trả lời cứu độ đầu tiên của Thiên Chúa. Các ngôn sứ kéo dài lời hứa này cho các dân tộc trên mặt đất bằng cách loan báo sự hiệp nhất của tất cả các quốc gia xung quanh dân được tuyển chọn và Lề Luật [148]. Tân Ước trình bày sự hiệp nhất này như được thực hiện trong Đấng Mêsia, Đấng mà, bởi máu của Người và trong thân thể Người, "đã phá đổ bức tường ngăn cách, sự thù hận" giữa Israel và các dân tộc, để "từ hai dân tộc, tạo nên nơi chính mình một con người mới" (Ep 2,14.15b). Như vậy, các dân tộc được liên kết với dân Giao Ước, "được chung thừa kế, cùng làm một thân thể và đồng thông phần vào lời hứa" (Ep 3,6). Điều này khả thi trong Đức Kitô, Đấng phổ quát đặc thù, Đấng giữ cùng lúc tính tha thể và đồng nhất, và Đấng đảm nhận toàn thể nhân loại bằng cách đảm nhận một nhân tính được định vị trong phả hệ và văn hóa. Hình ảnh đối nghịch với Babel, biến cố Ngũ Tuần với những lưỡi lửa trong Cv 2,1-18, là sự biểu hiện và thực hiện của quyền năng hiệp thông của logos nhân loại, xuất phát từ Logos của Thiên Chúa [149]. Không phải trong sự hiệp nhất hòa tan của một ngôn ngữ duy nhất mà Chúa Thánh Thần thực hiện sự hiệp thông của những người Do Thái thuộc các ngôn ngữ và văn hóa khác nhau, nhưng bằng cách truyền cảm hứng cho sự hiểu biết lẫn nhau, hình ảnh của điều mà Hội thánh sẽ là, Hội thánh quy tụ mọi dân tộc, hoàn toàn hướng tới sự hoàn thành của mình, khi "144.000 người được đóng ấn" từ mười hai chi tộc Israel và "đoàn người đông đảo không thể đếm được, thuộc mọi dân tộc, chi tộc, chủng tộc và ngôn ngữ" sẽ thực hiện sự hiệp thông cánh chung trọn vẹn của nhân loại trong Giêrusalem mới (Kh 7,4.9).

89.       Chiều kích liên văn hóa mà Công đồng Nixêa là biểu hiện nền tảng cũng có thể được xem như một mẫu hình cho thời đại hiện nay, khi Hội thánh hiện diện trong nhiều khu vực văn hóa đa dạng: các nền văn hóa Châu Á, Châu Phi, Mỹ Latinh, Châu Đại Dương, các nền văn hóa đại chúng mới của Châu Âu, chưa kể đến hình thức văn hóa mới được mang theo bởi cuộc cách mạng kỹ thuật số và khoa học kỹ thuật. Tất cả những không gian văn hóa đương đại này dường như xa cách văn hóa Hy Lạp cổ đại, vốn đã đón nhận một cách khởi đầu hình thức hội nhập văn hóa tín lý được thực hiện trong biến cố Nixêa. Một mặt, cần phải nhấn mạnh rằng chính trong những phạm trù Hy Lạp này mà Hội thánh đã diễn tả mình theo cách có tính quy phạm và do đó những phạm trù này mãi mãi gắn liền với kho tàng đức tin [150]. Mặt khác, tuy nhiên, trong sự trung thành với các thuật ngữ có nguồn gốc từ thời đại đó và tìm thấy gốc rễ sống động của mình trong đó, Hội thánh có thể lấy cảm hứng từ các Giáo phụ của Nixêa để tìm kiếm ngày nay những cách diễn đạt ý nghĩa của đức tin trong các ngôn ngữ và bối cảnh khác nhau. Với ân sủng của Chúa Thánh Thần, các cộng đồng Kitô hữu, các nhà thần học và mục tử của họ, trong sự hiệp thông thực sự với huấn quyền, phải tự mình thực hiện, trong những tình huống văn hóa và ngôn ngữ riêng của họ, một công việc tương tự như công việc trước đây để khẳng định sự hiệp nhất căn bản giữa Chúa Con và Chúa Cha. Nixêa vẫn là một mẫu hình cho mọi cuộc gặp gỡ liên văn hóa và cho khả năng tiếp nhận hoặc tạo ra những cách thức mới chân thực để diễn tả đức tin tông truyền.

2.3 Lòng trung tín sáng tạo của Hội thánh và vấn đề lạc giáo

90.       Việc nhận thức Nixêa như một khoảnh khắc của biến cố Khôn Ngoan được khơi dậy bởi biến cố Đức Giêsu Kitô cho phép đọc lại một cách tinh tế hơn lịch sử các lạc giáo mà Công đồng đã đáp trả. Lạc giáo, cố ý đi lệch khỏi chứng từ tông đồ và làm tổn hại tính toàn vẹn của chứng từ ấy, được các Giáo phụ nhìn nhận như một cái mới mẻ rời bỏ con đường của regula fidei (quy luật đức tin) và traditio (truyền thống), và, chính vì thế, xa rời thực tại lịch sử của Đức Kitô. Lời trách móc đối với Arius chính xác là việc ông đưa vào điều mới lạ [151]. Tuy nhiên, đứng trước novum (cái mới) được khởi đầu bởi biến cố Đức Giêsu Kitô, có thể hữu ích khi hiểu lạc giáo cũng như một sự kháng cự căn bản, thụ động và chủ động, đối với tính mới mẻ siêu nhiên vốn mở rộng tư tưởng và các nền văn hóa nhân loại vượt ra ngoại giới hạn của chính chúng - sự mới mẻ của ân sủng được minh chứng bởi ngôn ngữ mới của đức tin được diễn tả qua thuật ngữ homoousios (đồng bản thể). Gần như không thể tránh khỏi việc con người, với mọi năng lực của mình, trong toàn bộ hữu thể của mình, kháng cự lại tính mới mẻ chưa từng có này, vốn hoán cải và biến đổi siêu việt con người. Đây là một sự kháng cự và do đó là một tội lỗi của "con người cũ" (Rm 6,6; cũng xem Ep 2,15), của sự khó khăn để hoàn toàn hiểu và chấp nhận sự vô biên của Thiên Chúa và tình yêu của Ngài, cũng như phẩm giá cao cả của con người. Con đường chậm rãi và dò dẫm nhưng thận trọng mà các nỗ lực đầu tiên tìm hiểu ý nghĩa của mầu nhiệm Đấng chịu đóng đinh và sự phục sinh vinh quang của Người đã theo đuổi, sự chuyển tiếp từ kerygma (lời rao giảng) tông đồ đến những bước đầu tiên của điều mà chúng ta ngày nay gọi là thần học, do đó đi kèm với những căng thẳng liên tục và sự đa dạng ý kiến vốn đi lệch khỏi sự viên mãn của chứng từ tông đồ và được chỉ định bằng thuật ngữ hétérodoxie (dị giáo), cũng như thuật ngữ hérésie (lạc giáo).

91.       Thay vì khảo sát một cách toàn diện các lạc giáo trong những thế kỷ đầu tiên, chúng ta hãy làm sáng tỏ sự kháng cự này đối với novum (điều mới) của Mặc Khải qua một vài ví dụ. Thường được coi là lạc giáo đầu tiên, học thuyết duy lý của phái Ngộ đạo làm nhạt đi tính hiện thực của mầu nhiệm nhập thể qua ảo thân thuyết (docetism) và, bằng cách giản lược lịch sử thánh thành những câu chuyện thần thoại, họ phủ nhận tính toàn vẹn của ơn cứu độ nhân loại, giam hãm ơn cứu độ trong bình diện của một thứ tâm linh thuần khiết. Thánh Irênê, trong cuộc chiến chống lại Ngộ đạo, nhấn mạnh rằng đó là sự kháng cự việc quan niệm Thiên Chúa có khả năng và mong muốn chính Ngài đi vào lịch sử, chính Ngài kết hợp trọn vẹn với nhân loại, đến mức thực sự làm người và nếm trải cái chết. Đó là sự kháng cự lại việc tin vào vẻ đẹp của cái cụ thể, của vật chất và lịch sử, cũng được mặc khải trong biến cố Đức Giêsu Kitô và được Cựu Ước và Tân Ước làm chứng. Sau đó, các Giáo phụ không ngần ngại sử dụng các khái niệm và khuôn khổ tư tưởng xuất phát từ triết học Hy Lạp để tinh lọc tư tưởng Kitô giáo. Khi làm điều này, họ buộc phải phá vỡ những khuôn khổ tư duy tự chúng không thể cho phép quan niệm rằng Ngôi Lời có thể trở nên xác thịt, rằng Logos hoặc Nous (νοῦς) vốn diễn tả thiên tính lại bình đẳng với nguồn gốc mà chúng phát xuất, hoặc rằng có thể có tính đa nguyên không mâu thuẫn với tính đơn nhất thần linh và thậm chí là tốt lành trong tính đơn nhất này. Những người ủng hộ các lạc giáo Kitô học và Ba Ngôi là những người không thể mở rộng những khuôn khổ tư duy này, bất kể sự phong phú và đóng góp thực sự của họ để suy tư về giáo lý Kitô giáo, bởi sự mênh mông chưa từng có của nous (νοῦς) Christou (của Đức Kitô). Chúng ta vẫn gặp lại cùng một khó khăn này trong sự tương tác của các trào lưu Kitô học ở Đông phương suốt thế kỷ III, theo một nghĩa nào đó đã mở đường cho lạc giáo Arius. Cần tránh châm biếm các lập trường đa dạng của những người đại diện cho các trào lưu này, vì họ trước hết là những nhà tư tưởng riêng lẻ, nhưng tất cả đều vật lộn với cùng những khó khăn để giữ sự phong phú Ba Ngôi của Thiên Chúa duy nhất và tính triệt để của việc Chúa Con bình đẳng với Chúa Cha đảm nhận trọn vẹn một nhân tính đặc thù: một số đối mặt với một thần học Ba Ngôi có xu hướng thuyết hạ phục và một Kitô học có nguy cơ rơi vào ảo thân thuyết, trong khi những người khác kháng cự lại các hình thái thuyết Ba Ngôi và dưỡng tử thuyết. Chính những sự kháng cự của các mô hình tư duy cũ này đã được thể hiện, vài thập kỷ trước Nixêa, trong giáo thuyết của Arius: đối với Arius, không thể quan niệm được rằng Chúa Con, khác với Chúa Cha, Đấng sinh ra và chết đi, có thể đồng vĩnh cửu và bình đẳng với Thiên Chúa mà không làm tổn hại đến tính đơn nhất và siêu việt thần linh và do đó đến việc cứu chuộc nhân loại.

92.       Những sự kháng cự này hoàn toàn dễ hiểu, vì chúng rất mang tính nhân loại. Chúng làm chứng một cách tiêu cực cho ánh sáng phi thường được chiếu rọi lên nhận thức về Thiên Chúa và ơn gọi thần linh của con người qua biến cố Đức Giêsu Kitô, và sự biến đổi siêu việt không kém phần phi thường của tư tưởng và văn hóa nhân loại được triển khai trong biến cố Khôn Ngoan phát sinh từ đó. Không có gì thuộc về nhân loại bị hủy bỏ, nhưng việc tiếp cận sự mênh mông của chân lý Thiên Chúa đòi hỏi Mặc khải của Thiên Chúa bởi chính Người và ân sủng để hoán cải và siêu nâng các năng lực và các thành tựu của con người. Theo một nghĩa nào đó, sự kháng cự của các lạc giáo cho phép chúng ta nhìn thấy Nixêa trong toàn bộ sức mạnh của cái mới mẻ vô hạn của Công đồng.

3. Biến cố mang tính Hội thánh: công đồng Nixêa, công đồng hoàn vũ đầu tiên

3.1 Hội Thánh, bởi chính bản chất và cơ cấu của mình, được đặt nền trong biến cố Đức Giêsu Kitô

93.       Công đồng Nixêa không chỉ là một biến cố trong lịch sử tín lý, mà còn có thể được hiểu như một biến cố Hội thánh, tương ứng với một giai đoạn nền tảng trong tiến trình cấu trúc hóa của Hội thánh. Trong hành trình dài sau Nixêa, "Công đồng hoàn vũ" đã trở thành ngọn hải đăng định hướng và quyết định về tín lý và pháp lý cho toàn thể Hội thánh, nơi của hiệp thông và của thẩm quyền tối cao của Hội thánh. Liệu chúng ta có thể nhìn thấy ở đây, từ góc độ cấu trúc của nó, một bước ngoặt định hướng cho tiến trình tiếp theo trong đời sống Hội thánh, tương tự như những gì Tín biểu Nixêa biểu đạt từ góc độ tiếp cận với Thiên Chúa (biến cố Đức Giêsu Kitô) và từ góc độ về tư tưởng nhân loại (biến cố của sự Khôn Ngoan)? Điều này sẽ đúng nếu Công đồng hoàn vũ với tư cách như vậy có thể được xem như là kết quả và biểu hiện đặc thù mang tính Hội thánh của biến cố Đức Giêsu Kitô.

94.       Ngay từ những khởi đầu, Hội thánh ý thức mình đứng trong sự tiếp nối của dân được tuyển chọn, cộng đoàn được triệu tập (qāhāl/ekklēsia - x. Đnl 5,22) để sống Lề Luật đã được mặc khải và để phụng thờ Đức Chúa, Thiên Chúa của mình. Hội thánh cũng tự coi mình là "một dòng giống được tuyển chọn, một vương quốc tư tế, một dân thánh, một dân riêng để loan truyền những kỳ công" (1 Pr 2,9) của Thiên Chúa Israel. Trong sách Công vụ Tông đồ, Hội thánh được trình bày như một cộng đồng biện phân ý muốn của Thiên Chúa, trong đó chủ thể chính là Chúa Thánh Thần [152], được hướng dẫn bởi những người kế nhiệm vai trò của mười hai tông đồ, "những chứng nhân của sự Phục sinh" (Cv 1,22). Theo một nghĩa nào đó, chính trong cộng đoàn Hội thánh, với tư cách là thân thể Đức Kitô, mà người ta có thể biện phân "những tâm tình của Đức Kitô" (Pl 2,5; xem ở trên, § 77).   

95.       Ý thức này được thể hiện nơi các Giáo phụ tiên khởi, những người liên kết cấu trúc và hoạt động của Hội thánh với bản chất sâu xa và ơn gọi của Hội thánh. Như vậy, vào đầu thế kỷ II, thánh Ignatiô thành Antiôkia nhấn mạnh rằng các Hội thánh địa phương khác nhau cùng coi mình là biểu hiện của Hội thánh duy nhất. Các thành viên của Hội thánh là synodoi, những người đồng hành, nơi mỗi người được mời gọi đóng vai trò của mình theo trật tự thần linh thiết lập sự hài hòa, được biểu lộ qua việc cử hành Thánh Thể. Như vậy, qua sự hiệp nhất và trật tự của mình, Hội thánh hát lên lời ca ngợi Thiên Chúa Cha trong Đức Kitô, hướng tới sự hiệp nhất trọn vẹn sẽ được thực hiện trong Nước Thiên Chúa. Thánh Cyprianô thành Carthage đào sâu giáo huấn này vào giữa thế kỷ III bằng cách làm rõ nền tảng hiệp nghị và thuỗ giám mục mà đời sống Hội thánh phải dựa vào: không có gì được thực hiện mà không có giám mục (nihil sine episcopo), nhưng tương tự, không có gì được thực hiện mà không có "hội đồng của anh em" (hội đồng của các linh mục và phó tế) cũng như không có sự đồng thuận của dân chúng (nihil sine consilio vestro et sine consensu plebis) [153]. Sự hiệp nhất gắn liền với sự hiệp nhất của Ba Ngôi, sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, việc cùng nhau tiến bước (synodos) hướng tới Nước Trời, lòng trung thành với giáo lý của các Tông đồ và việc cử hành Thánh Thể, trật tự và hài hòa giữa các thừa tác viên và những người đã chịu phép Thánh tẩy, cùng với vai trò đặc biệt được trao cho các giám mục: những yếu tố này biểu lộ rằng Hội thánh, ngay cả trong cấu trúc và hoạt động của mình, gắn bó sâu sắc với biến cố Đức Giêsu Kitô, như khoảnh khắc và biểu hiện đặc biệt của biến cố ấy. Khi kỷ niệm Nixêa, chúng ta đón nhận và tôn vinh toàn bộ tiến trình hiệp nghị đã diễn ra trước đó và đạt đến đỉnh cao với Công đồng hoàn vũ.

3.2 Sự cộng tác mang tính cơ cấu của các đặc sủng trong Hội thánh và con đường dẫn đến Nixêa

96.       Những yếu tố đặc thù thuộc bản chất thần học của Hội thánh, vốn chỉ có thể là kết quả của biến cố Mạc Khải, đã được thể hiện trong hành trình lịch sử dẫn đến Công đồng Hoàn vũ Nixêa thông qua sự tương tác của ba đặc sủng, được áp dụng vào việc quản trị, giảng dạy và đưa ra quyết định cộng đồng trong Hội thánh: trước hết là hàng giáo phẩm ba cấp bậc, tiếp đến là các giáo huấn viên, và cuối cùng là công nghị. Một trật tự ưu tiên, đặt các tông đồ lên hàng đầu, dường như đã được xác lập rõ trong văn tập của thánh Phaolô: "Thiên Chúa đã đặt trong Hội thánh, thứ nhất là các tông đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các giáo huấn viên..." (1 Cr 12,28; x. Ep 4,11). Đặc điểm đầu tiên là sự phát triển dần dần của hàng giáo phẩm ba cấp bậc: giám mục, linh mục và phó tế. Cấu trúc này, vốn giám sát các ngôn sứ và giáo huấn viên lưu động trong 150 năm đầu tiên của Kitô giáo (thường được gọi là "tông đồ" theo nghĩa rộng), dần thay thế họ ở một mức độ nào đó và trở thành cấu trúc quản trị địa phương của Hội thánh. Hình ảnh của giám mục, đặc biệt, thể hiện chiều kích tông đồ của Hội thánh. Từ thế kỷ IV, các giáo tỉnh bắt đầu hình thành, biểu lộ và thúc đẩy sự hiệp thông giữa các Hội thánh địa phương, với vị đứng đầu là giám mục thủ đô giáo tỉnh.

97.       Vì các Kitô hữu được kêu gọi loan báo Đức Kitô và truyền đạt giáo huấn của Người cùng giáo huấn của các Tông đồ cho muôn dân, nên không ngạc nhiên khi đặc điểm thứ hai của Kitô giáo trong thời kỳ tiền Nixêa là tầm quan trọng quyết định của các trường dạy giáo lý và các giáo huấn viên, những người cung cấp giáo huấn cho các dự tòng và giải thích Kinh Thánh. Họ có thể là những thừa tác viên đã được phong chức hoặc không. Pêlagiô, chẳng hạn, dạy học ở Rôma vào đầu thế kỷ V trong khi ông không phải là linh mục, cũng như Mêlania Trưởng và Rufinô ở Giêrusalem, và Giêrônimô ở Bêlem, sau đó ở Rôma. Chính Ôrigênê đã điều hành Trường Alexandria, sau cái chết của cha mình là Lêônida, trước khi được thụ phong.

98.       Cuối cùng, sau nửa cuối thế kỷ II và đầu thế kỷ III, đặc biệt là ở Tiểu Á, công nghị đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề quan trọng về kỷ luật, phụng tự và giáo huấn. Ban đầu, các công nghị mang tính địa phương, nhưng việc gửi các thư công nghị truyền đạt các quyết định (acta) của họ đến các Hội thánh khác, việc trao đổi các phái đoàn và yêu cầu công nhận lẫn nhau, chứng tỏ "niềm tin vững chắc rằng các quyết định được đưa ra là biểu hiện của sự hiệp thông với tất cả các Hội thánh", vì "mỗi Hội thánh địa phương là biểu hiện của Hội thánh duy nhất và công giáo. [154]" Cần lưu ý rằng công nghị có một chiều kích pháp lý hoặc giáo luật rất rõ ràng, như một định chế ban hành luật pháp. Các tài liệu và bộ sưu tập giáo luật của các công nghị được tập hợp trong các văn khố giám mục, đặc biệt là ở Rôma: sự phát triển của giáo luật và của các công nghị đi đôi với nhau và hỗ trợ lẫn nhau. Một bước ngoặt hướng tới một Hội thánh được định chế hóa theo kiểu nhà nước không thể chỉ quy cho sự hợp pháp hóa của Hội thánh bởi Constantine. Được nhìn nhận như một polis (thành phố) phản ánh Thành phố của Thiên Chúa, Giêrusalem thiên quốc (cf. Is 60 và 62; 65,18; Kh 3,12; 21,1-27), hoặc như một synodos theo nghĩa đen là dân chúng cùng đi chung con đường như Đức Giêsu, hướng tới Nước Trời, với Người dẫn đầu như proestos, hoặc chủ tọa, Hội thánh về mặt cấu thành là "chính trị" và mang tính định chế [155].

99.       Ba đặc sủng này đã phát triển theo những cách khác nhau và đặc thù trong Hội thánh, nhưng không đặc sủng nào tách biệt hay tự tách ra khỏi hai đặc sủng kia. Mặc dù những căng thẳng tự nhiên đã xuất hiện giữa chúng và trong nội bộ của chúng, nhưng chúng đã làm phong phú, định hình và củng cố lẫn nhau. Các giáo huấn viên thường tham gia vào các công nghị với tư cách thành viên. Tương tự, các giám mục ngay từ đầu đã là những giáo huấn viên và nhà giảng thuyết theo mẫu gương của thánh Ignatiô thành Antiôkia. Hiển nhiên, các giám mục chủ tọa các công nghị và đóng vai trò hàng đầu trong đó với tư cách người bảo vệ tính chính thống của đức tin và thực hành. Hơn nữa, trong vai trò bí tích của mình, giám mục chủ tọa việc cử hành Thánh Thể mở đầu và kết thúc mỗi công nghị, nguồn mạch và đỉnh cao của việc "cùng nhau tiến bước" vốn chính là synodos (công nghị) [156]. Là dấu chỉ của việc tiếp nhận các quyết định công nghị, cũng như sự hiệp thông của các tín hữu với các giám mục của họ vốn được thiết lập trong sự kế vị các tông đồ giữa lòng "Catholica" (Hội thánh công giáo hoàn vũ), Hội thánh của Thiên Chúa, duy nhất và độc nhất, Thánh Thể biểu lộ và thực hiện cách hữu hình sự thuộc về thân thể Đức Kitô và sự thuộc về lẫn nhau giữa các Kitô hữu (x. 1 Cr 12,12) [157].

100.    Không chỉ những yếu tố trong tiến trình cấu trúc hóa của Hội thánh biểu lộ sự bén rễ của Hội thánh trong Biến cố Đức Giêsu Kitô, mà trong những tiến trình này còn có thể nhận ra một sự tương đồng nào đó với tiến trình đã tạo nên biến cố của sự Khôn Ngoan được phân tích ở trên. Cũng như tư tưởng nhân loại được đổi mới sâu sắc bởi biến cố Đức Giêsu Kitô đã tiếp nhận và biến đổi các nền văn hóa nhân loại, đặc biệt bắt đầu từ cuộc gặp gỡ giữa tư tưởng Sêmít (đã được Mặc Khải thấm nhập từ bên trong) với văn hóa Hy Lạp và các nền văn hóa khác, tương tự như vậy, ba chiều kích hay đặc sủng mà chúng ta đã nêu ra cũng xuất phát đồng thời từ các định chế Do Thái và các phiên bản địa phương của các định chế Hy Lạp-La Mã trong những thế kỷ đầu Công nguyên, vừa mang tính dân sự vừa mang tính thánh thiêng. Một mặt, Do Thái giáo thời Đền thờ thứ hai đã có hàng tư tế phẩm trật, các trường học và các công nghị của họ. Mặt khác, vì không có trường học đặc thù dành cho họ, các giáo huấn viên Kitô giáo hầu như đều được đào tạo như những diễn giả và nhà giải thích trong enkyklios paideia (hệ thống giáo dục phổ thông) của thế giới Hy Lạp-La Mã, và do đó đã sử dụng thuật hùng biện và triết học, góp phần đưa những yếu tố này vào di sản giáo lý Kitô giáo. Công nghị (concilium trong tiếng Latin) cũng đã là một định chế lâu đời trong thế giới Hy Lạp-La Mã khi các Kitô hữu dành cho nó một vị trí quan trọng. Những khía cạnh khác nhau này đã có được những chiều kích riêng, có thể nói là được biến đổi siêu việt, khi chúng phục vụ sứ mạng của Hội thánh trong việc loan báo Tin Mừng và trở thành dấu chỉ hữu hiệu của sự hiệp nhất cho nhân loại.

3.3 Công đồng chung Nixêa

101.    Năm 325, một công nghị được tổ chức tại Nixêa, một phần nằm trong tiến trình này như một điểm đến, nhưng cũng là một hình thức đặc biệt, do tầm mức hoàn vũ của nó. Được triệu tập bởi hoàng đế để giải quyết một bất đồng địa phương đã lan rộng đến tất cả các Hội thánh của Đế quốc La Mã phương Đông và nhiều Hội thánh phương Tây, công nghị quy tụ các giám mục đến từ nhiều vùng khác nhau của phương Đông và các đại diện của giám mục Rôma. Vì vậy, lần đầu tiên, các giám mục từ khắp Oikoumenē (thế giới) được tập hợp trong một công nghị. Tuyên xưng đức tin và các quyết định giáo luật của công nghị được ban hành như có tính quy phạm cho toàn thể Hội thánh. Sự hiệp thông và hiệp nhất chưa từng có được khơi dậy trong Hội thánh bởi biến cố Đức Giêsu Kitô đã được làm cho hữu hình và hữu hiệu theo một cách thức mới, qua một cấu trúc có tầm mức phổ quát, và việc loan báo Tin Mừng của Đức Kitô trong toàn bộ sự mênh mông của nó cũng nhận được một công cụ có thẩm quyền và tầm ảnh hưởng chưa từng có:

Tại công đồng Nixêa, lần đầu tiên, thông qua việc thực thi hiệp nghị của tác vụ của các giám mục, ἐξουσία (quyền năng) của Chúa Phục sinh hướng dẫn và điều khiển con đường của Dân Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần được biểu lộ về mặt thể chế ở cấp độ hoàn vũ. Một kinh nghiệm tương tự được thực hiện trong các công đồng hoàn vũ tiếp theo của thiên niên kỷ thứ nhất, qua đó căn tính của Hội thánh duy nhất và công giáo được định hình theo cách có tính quy phạm [158].

102.    Với Công đồng Nixêa, chính ý tưởng về một công nghị hay công đồng hoàn vũ đã được xác lập. Mặc dù rất có thể không còn sót lại acta (văn kiện) nào của công đồng, và bất chấp một tiến trình tiếp nhận chậm chạp và khó khăn, việc tuyên bố về homoousios (đồng bản thể) và các quyết định của Nixêa đã tồn tại lâu dài. Sau tiến trình tiếp nhận kéo dài này - điều sẽ trở thành đặc điểm của mọi công đồng - Nixêa đã trở thành hình mẫu lý tưởng của công đồng trong tâm trí nhiều người. Cách trình bày truyền thống về Nixêa như một công đồng thống nhất, được Chúa Thánh Thần linh hứng, đã giúp nó trở thành công đồng lý tưởng trong truyền thống sau này và dần dần tạo nên sự tôn trọng nơi các Kitô hữu đối với các công đồng hoàn vũ. Nixêa đã mở đường cho các công đồng hoàn vũ tiếp theo và do đó cho một phương thức mới của tính hiệp nghị hay tính công đồng sẽ đánh dấu đời sống Hội thánh cho đến ngày nay, cả trong vai trò định nghĩa và tuyên xưng đức tin lẫn trong việc biểu lộ sự hiệp nhất của toàn thể Oikoumenē (thế giới) được đại diện trong công đồng.

 


 

Chương 4:
GÌN GIỮ ĐỨC TIN SAO CHO CÓ THỂ TIẾP CẬN ĐƯỢC VỚI TOÀN THỂ DÂN THIÊN CHÚA

 

Dẫn nhập: Công đồng Nixêa và những điều kiện bảo đảm cho tính khả tín của mầu nhiệm Kitô giáo

103.    Ấn tượng đầu tiên và chính đáng về công đồng Nixêa đó là một công đồng tín lý đã bảo vệ và làm rõ fides quae (chiều kích khách thể của đức tin) về Kitô học và Ba Ngôi. Trong chương cuối này, cần giải thích cách biến cố công đồng cũng đã thiết lập một cơ cấu thể chế nhất định cho Hội thánh duy nhất và công giáo nhằm giải quyết một xung đột tín lý trong những điều kiện có thể làm cho quyết định của công đồng được chấp nhận. Vì vậy, nghiên cứu thần học căn bản phải bổ sung cho cuộc khảo sát tín lý và lịch sử. Chính fides quae, chân lý cứu độ, đã tạo ra sự gắn bó với ơn cứu độ, fides qua (chiều kích chủ thể của đức tin); nhưng tại Nixêa, chính fides qua đã được đặt phục vụ cho việc đón nhận và hiểu biết fides quae. Việc xem xét các tiến trình của fides qua, nghĩa là các điều kiện để định nghĩa và tiếp nhận fides quae, biểu lộ bản chất và vai trò của Hội thánh. Hiển nhiên, rõ ràng rằng việc sáng tạo ra cơ cấu thể chế này đã diễn ra từng bước, nó không xuất hiện đầy đủ như nữ thần Athena từ đầu thần Zeus, nói tóm lại khái niệm tín lý về "công đồng hoàn vũ" không thể hoàn toàn cùng thời với biến cố năm 325. Như chúng ta đã giải thích ở chương II, nơi par excellence (ưu việt) gặp gỡ giữa fides quafides quae chính là phép Thánh tẩy. Đây là nơi cá nhân được kết hợp vào đức tin của Hội thánh mà họ nhận từ Hội thánh là mẹ. Trong bối cảnh phép Thánh tẩy và giáo lý khai tâm, Hội thánh thời kỳ đầu đã xây dựng quy tắc đức tin như bản tóm lược cô đọng nhất của đức tin. Do tính thích hợp của nó, quy tắc đức tin đã được sử dụng (ví dụ như Irênê, Tertullian, Ôrigênê) để biện phân chân lý đức tin trước các lạc giáo. Đây là tiền thân của lập trường tín lý của tín biểu như bản tóm tắt các yếu tố mang tính quy phạm của đức tin. Ý thức này về một quy chuẩn (regula; kănōn) đã hiện diện trong thủ tục của các công nghị tiền Nixêa khi họ biện phân đức tin.

104.    Dựa trên nhiều kinh nghiệm từ các công nghị cấp vùng hay địa phương trong thế kỷ II và III, có thể bảo vệ luận điểm tín lý rằng chính một chân lý nào đó mang tính giáo hội học, vốn được đánh giá là có hiệu lực từ trước (a priori), đã được huy động để giải quyết vấn đề của một chân lý về Ba Ngôi, Kitô học và cứu độ học đang bị có nguy cơ bị xuyên tạc, bị làm sai lạc hoặc bị đánh mất. Các tiến trình của fides qua (chiều kích chủ thể của đức tin) biểu lộ bản chất của Hội thánh. Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở nên xác phàm (Ga 1,14) thực sự làm cho nhận biết Chúa Cha, và sự nhận biết này, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, được trao phó cho Hội thánh, với nhiệm vụ gìn giữ và truyền đạt. Nhiệm vụ này hàm ý rằng Hội thánh có thể giải thích Kinh Thánh với thẩm quyền. Điều này cũng chứng tỏ rằng việc tin Hội thánh - như Tín biểu tuyên xưng - và tin vào thẩm quyền của Hội thánh để định nghĩa giáo lý Kitô học và Ba Ngôi được đặt nền tảng trong hành vi đức tin vào Đức Giêsu Kitô và vào Ba Ngôi Thiên Chúa, trong một hình thức "ưu tiên" hay "nhân quả hỗ tương", theo cách diễn đạt thích hợp của thánh Tôma [159]. Cuối cùng, mục tiêu tối hậu của toàn bộ tiến trình Hội thánh này cũng cần phải thu hút sự chú ý của chúng ta. Chúng ta đưa ra giả thuyết rằng thủ tục công đồng là để phục vụ những người bé nhỏ, phục vụ chính đức tin của trẻ nhỏ, vốn là mẫu mực của đức tin của người môn đệ đích thực trong mắt Chúa Giêsu, và từ đó phục vụ việc loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người. Điều này soi sáng ý nghĩa của huấn quyền của Hội thánh, nhằm một đức ái bảo vệ đối với "người bé nhỏ nhất" trong số "anh em" của Đức Kitô (x. Mt 25,40).

1. Thần học phục vụ sự toàn vẹn của chân lý cứu độ

1.1 Đức Kitô, chân lý mang hiệu quả cánh chung

105.    Khi Nixêa đề xuất một chân lý trong các vấn đề liên quan đến ơn cứu độ và phân biệt chân lý đó với sai lầm, vấn đề đầu tiên của Nixêa từ góc nhìn thần học căn bản chính là vai trò của chân lý trong cứu độ học. Niềm xác tín này trước hết bắt nguồn từ chính hình thức của Mạc Khải, khi Mạc Khải cho phép mình được ghi lại thành những lời viết, điều này chứng tỏ chiều kích chân là yếu tố cấu thành của Mạc Khải. Đức tin Kitô giáo cho rằng các môn đệ có thể tiếp cận chân lý về Đức Kitô. Thật vậy, chính Đấng Cứu Độ là chân lý: "Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống" (Ga 14,6). Trong Kitô giáo, chân lý là một ngôi vị. Chân lý không còn đơn thuần là vấn đề lô-gic hay lý luận, không ai có thể sở hữu chân lý, và chân lý không tách rời khỏi các thuộc tính khác gắn liền với chính ngôi vị Đức Kitô, như điều thiện, công lý hay tình yêu. Sự gắn bó với Đức Kitô luôn đòi hỏi trí tuệ của các môn đệ: "Credo ut intelligam" (Tôi tin để hiểu) [160]. Thật vậy, thật phi lý khi nghĩ rằng Thiên Chúa, Đấng tạo dựng con người thông minh và tự do – một trong những đặc điểm của việc được tạo dựng theo hình ảnh và giống với chính Đấng Tạo Hóa (St 1,26-27) – lại có thể, với tư cách là Thiên Chúa cứu độ, không quan tâm đến việc con người tiếp cận tri thức về chân lý của Ngài và chân lý cứu độ. Hơn nữa, chân lý cứu độ này mang chiều kích cộng đồng. Nixêa là hành động của cộng đồng để diễn tả chân lý, nhằm truyền đạt chân lý đó cho toàn thể Hội thánh. Quả thật, cũng thật phi lý khi nghĩ rằng Đấng tạo dựng gia đình nhân loại, đặc biệt là khả năng giao tiếp hiểu nhau qua các ngôn ngữ (x. St 11,1-9 – tháp Babel, và Cv 2,1-11 – Lễ Ngũ Tuần) lại có thể không quan tâm đến việc cộng đồng cùng nhau tiếp cận chân lý của Ngài và chân lý cứu độ. Đó là lý do tại sao sự rạn nứt trong hiệp nhất đức tin làm suy yếu sức mạnh và hiệu quả của ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô.

106.    Vị trí cấu thành này của chân lý trong ơn cứu độ phản chiếu trên chính bản chất của Hội thánh như "người mang chân lý" (alēthefora). Hội thánh mang một Đấng khác mình, Đức Kitô-Chân Lý, và không thể là chính mình nếu không có điều này. Do tính tất yếu từ nguồn gốc, Hội thánh là nơi tìm kiếm, khám phá, bảo vệ và khai triển chân lý được hoàn tất trong Ngôi Lời vì lợi ích cá nhân và cộng đoàn của các môn đệ và của toàn thể nhân loại. Hội thánh cũng là nơi hiệp thông với sức mạnh ban sự sống của chân lý này, chân lý lưu chuyển trong Hội thánh, đồng thời cũng tưới gội việc tìm kiếm chân lý của thế giới, tư tưởng và văn hóa của thế giới này [161]. Việc truyền đạt sống động của chính chân lý cứu độ do đó là một trong những ý nghĩa sâu sắc nhất mà khái niệm tín lý về Thánh Truyền của Hội thánh có thể mặc lấy [162].

107.    Vị trí then chốt của chân lý giải thích thái độ chống lại việc thờ ngẫu tượng trong Kinh Thánh. Đấng Thánh của Israel là Thiên Chúa biết phán dạy, hoàn toàn đối lập với các ngẫu tượng. "Chúng có miệng mà không nói được", Thánh vịnh khẳng định (115,5 và 135,15), được thánh Phaolô nhắc lại trong 1 Cr 12,2: "Khi anh em còn là người ngoại, anh em biết rõ, anh em bị lôi cuốn không cưỡng nổi đến với các ngẫu tượng câm". Hơn nữa, theo Kinh Thánh, chân lý, quyền năng, công lý và sự thánh thiện của Thiên Chúa luôn gắn liền với lời hứa của Ngài về việc mang lại ơn cứu độ chân thật và phổ quát, trong khi các tục thờ ngẫu tượng chỉ hứa hẹn những ân huệ phiến diện và giới hạn trong một vùng. Mặt khác, vì chân lý là ngôi vị đến từ Thiên Chúa và là Thiên Chúa và là Chúa (x. Ga 13,14), chân lý cứu độ phải được con người tiếp nhận, trong khi việc thờ ngẫu tượng lại xây dựng thần thánh từ chính con người. Việc Thiên Chúa không thể bị tạo hình như một bức tượng (xem sự mỉa mai trong Kn 13,11-19) dẫn đến khái niệm tự mạc khải (autorévélation) của Thiên Chúa, đối lập trực diện với ý tưởng tự thực hiện (autoréalisation) thường thấy trong các tôn giáo, kể cả thời cổ đại, điển hình như thuyết Ngộ đạo mà thánh Irênê gọi đúng là một lạc giáo và là "tri thức mang tên giả dối". Thuyết Ngộ đạo "nói dối", mâu thuẫn với chính khái niệm chân lý cứu độ, vì nó không phải là chân lý được đón nhận từ Thiên Chúa và được tiếp nhận cách tự do trong tình yêu. Ngược lại, qua việc nhập thể, Ngôi Lời Thiên Chúa đòi hỏi hành vi đức tin của Hội thánh và của cá nhân, như một sự tiếp nhận trong Chúa Thánh Thần, bằng trí hiểu và toàn bộ con người, những mầu nhiệm cứu độ: "Các ông thờ Đấng các ông không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do Thái" (Ga 4,22). Cuối cùng, Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa, được sai đến thế gian cho sứ mạng phán dạy, để nói lời chân lý toàn vẹn, đòi hỏi con người đáp lại bằng đức tin. Đó là lý do tại sao đây là một chân lý thực sự cứu độ, có hiệu lực cánh chung: "Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng" (Lc 23,43). Lựa chọn của Nixêa để diễn tả bằng lời một chân lý toàn vẹn về ơn cứu độ cho tất cả mọi người, được tiếp nhận trong đức tin, là lòng trung thành không chỉ với chân lý Kitô học (fides quae) mà còn với mối tương quan cá nhân với chân lý là chính Đức Kitô (fides qua).

1.2 Ơn cứu độ và tiến trình trở nên nghĩa tử Thiên Chúa

108.    Chân lý cứu độ học này cần được hiểu theo nghĩa sâu sắc nhất - nghĩa bản thể học. Không đòi cung cấp một hiểu biết toàn diện vốn sẽ làm tổn hại đến tính mầu nhiệm của ơn cứu độ, nhưng chân lý này vẫn cho phép tiếp cận đến chính chân lý về mối tương quan Cha-Con của Thiên Chúa. Thiên Chúa của chân lý có thể nói là muốn thử thách con người trước tuyên bố chưa từng có về tư cách làm Con của Người Con duy nhất là Đức Giêsu. Chân lý được Thiên Chúa mạc khải do đó tập trung vào chân lý về "Người Con" duy nhất của Ngài. Thuật ngữ này không chỉ đơn thuần là ẩn dụ hay loại suy, vì yếu tố ẩn dụ ở đây tự nó mở ra chiều kích bản thể học, như symbolon (biểu tượng) theo nghĩa mạnh mẽ nhất của từ này, thực sự cho phép tiếp cận hiệu quả thực tại mà nó biểu thị. Chứng từ của Chúa Cha về Đức Giêsu là nền tảng cho chân lý này: "Nếu chúng ta nhận lời chứng của con người, thì lời chứng của Thiên Chúa còn cao trọng hơn, vì đó là lời chứng của Thiên Chúa: Người đã làm chứng về Con của Người. Ai tin vào Con Thiên Chúa thì có lời chứng ấy trong mình" (1 Ga 5,9). Tác giả thêm: "Ai không tin Thiên Chúa, người ấy coi Thiên Chúa là kẻ nói dối" (1 Ga 5,10). Các sách giáo lý cũ yêu thích diễn tả niềm xác tín sâu xa của hành vi đức tin Kitô giáo bằng cách đơn giản và trực tiếp: "Thiên Chúa không thể sai lầm cũng không thể đánh lừa chúng ta [163]", điều mà thánh Tôma Aquinô hẳn sẽ nhận ra là phù hợp với các công thức của ngài [164]. Như vậy, lựa chọn bản thể học về thuật ngữ mới của Nixêa, homoousios (đồng bản thể), để mở rộng và làm rõ thuật ngữ Kinh Thánh và thánh thi đã được biện minh. Sự xác nhận của chân lý bản thể học về tư cách Con Thiên Chúa của Đức Giêsu, như chúng ta đã thấy trong chương một và chương ba, là mối tương quan giữa vai trò làm cha và làm con đã được đảo ngược một cách nhiệm mầu giữa thiên tính và nhân tính: tình phụ tử nhân loại và trần thế đã trở thành một danh xưng thứ yếu, phái sinh từ nguyên mẫu của nó là Thiên Chúa Cha (xem Ep 3,14; Mt 23,9). Chính chân lý về việc làm Con Thiên Chúa – trong đó người tín hữu được mời gọi bước vào – làm nền tảng cho chân lý về địa vị làm dưỡng tử trong phép Thánh ẩy [165]. Được cứu độ, theo Tin Mừng của Đức Giêsu, chính là việc bước vào chân lý trọn vẹn của tư cách làm con vốn được đặt nền tảng trong tư cách Con đời đời của Đức Kitô.

2. Sự trung gian của Hội thánh và sự đảo ngược chuỗi tín lý: Ba Ngôi, Kitô học, Thánh Linh học, Hội thánh học

2.1 Các trung gian của đức tin và thừa tác vụ của Hội thánh

109.    Chân lý cứu độ và hữu hiệu này được làm sáng tỏ và truyền đạt tại Nixêa qua việc giải thích bản văn Kinh Thánh bằng các thuật ngữ từ thánh thi và triết học, đồng thời thông qua việc vận dụng trí hiểu của đức tin. Thật vậy, toàn bộ nhiệm cục của Mạc Khải Kinh Thánh chứng thực rằng chúng ta không nên hiểu sức mạnh của niềm xác tín về chân lý Kitô học theo kiểu một chủ nghĩa nền tảng, cho rằng ý nghĩa của Kinh Thánh chỉ có thể nắm bắt một cách trực tiếp. Trái lại, truyền thống giải thích của giáo lý Hội thánh và nghiên cứu của các nhà thần học cho thấy đức tin cần nhiều trung gian, bắt đầu từ trung gian đầu tiên, duy nhất và nền tảng, đó là nhân tính của Người Con duy nhất mà Người nhận lãnh từ Đức Maria. Thiên Chúa đã sắp xếp để chân lý thần linh chưa từng có của Người tiến đến với nhân loại qua trung gian của Ngôi Lời nhập thể: "Đây là Con yêu dấu của Ta, hãy nghe lời Người" (Mt 17,5; x. Mt 3,17). Hơn nữa, các thể loại văn học đa dạng diễn tả Mạc Khải trong các sách Kinh Thánh đòi hỏi nhiều phương pháp giải thích khác nhau [166]. Tín biểu, phát sinh từ phụng vụ và được tuyên xưng trong bối cảnh phụng vụ, cũng chứng minh rằng vai trò trung gian trong việc giải thích không chỉ giới hạn vào việc bình luận bản văn, mà còn diễn ra gestis verbisque (qua hành động và lời nói), nơi đức tin được sống trong một cộng đoàn của cầu nguyện và của ân sủng [167]. Chúng ta thấy điều này trong tường thuật của Lc 24, khi chính Đấng Phục Sinh không chỉ giải thích bản thân qua việc chú giải Lề Luật và các ngôn sứ, mà còn qua sự hiện diện và việc tự hiến của Người trong Thánh Thể, qua "việc bẻ bánh", như Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã giải thích trong Verbum Domini:

Lời Chúa và Thánh Thể liên kết mật thiết với nhau đến mức không thể hiểu cái này mà thiếu cái kia: Lời Chúa trở nên xác thể bí tích trong biến cố Thánh Thể. Thánh Thể mở ra cho chúng ta hiểu biết Kinh Thánh, cũng như Kinh Thánh soi sáng và giải thích Mầu nhiệm Thánh Thể. Thật vậy, nếu không nhận ra sự hiện diện thực sự của Chúa trong Thánh Thể, việc hiểu biết Kinh Thánh vẫn còn thiếu sót [168].

110.    Như vậy, chuỗi liên kết có trật tự của các mầu nhiệm như được trình bày trong thần học tín lý có thể được đảo ngược một cách hữu ích trong thần học căn bản. Chính qua mầu nhiệm của Hội thánh, "mầu nhiệm khó tin nhất [169]", mà các mầu nhiệm chưa từng có của đức tin Kitô giáo được đề xuất trước tiên, những mầu nhiệm mà chính Hội thánh phụ thuộc vào cả về mặt lý luận lẫn bản thể. Thật vậy, trước hết chính Hội thánh có trách nhiệm thiết lập cơ chế đáng tin cậy cho hành trình đức tin. Hiển nhiên, tồn tại "một trật tự hay một 'phẩm trật' các chân lý của giáo lý Công giáo, liên quan đến mối tương quan khác nhau của chúng với nền tảng của đức tin Kitô giáo.[170]" Giáo lý Kitô học, Ba Ngôi và cứu độ học của Tín biểu tạo thành nền tảng này. Tuy nhiên, trong nexus mysteriorum (sự kết nối các mầu nhiệm) của các tín điều [171], hành vi giải thích của Công đồng làm sáng tỏ sự tham gia của Hội thánh, theo vị trí và vai trò đặc thù của mình, vào trật tự cứu độ.

2.2 Dị biệt và tính hiệp nghị

111.    Vai trò trung gian giải thích của Hội thánh được thể hiện qua những phán quyết, đặc biệt khi đối diện với bất đồng hoặc nhu cầu dịch bản văn thánh. "Công đồng Giêrusalem" trong Sách Công vụ chương 15 lần đầu tiên chứng thực một sự bất đồng về giáo lý (mối liên hệ của các môn đệ của Đức Kitô xuất thân từ dân ngoại với Lề Luật Môsê) và về thực hành (cắt bì, đồ cúng và sự vô luân), mang tính xung đột, mà việc giải quyết và hóa giải, dưới hình thức đồng lòng nhất trí trong Hội thánh (consensus ecclésial) được tái lập, đã xuất phát trước hết từ việc xem xét của hội đồng các "tông đồ và kỳ mục" (Cv 15,6). Một tiến trình dần hiện rõ: trước tiên, chúng ta thấy một chuỗi chứng từ có thẩm quyền (Phêrô, Phaolô và Barnaba, Giacôbê) được đón nhận trong sự lắng nghe lẫn nhau [172], sau đó là việc viện dẫn thẩm quyền của Môsê, việc cử những sứ giả có ủy nhiệm để đối phó với những sứ giả "không có ủy nhiệm" (Cv 15,24), và cuối cùng là việc soạn thảo một văn bản chỉ thị để trao chính thức cho cộng đoàn Antiôkia (Cv 15,30-31) được triệu tập theo sáng kiến của những sứ giả được ủy nhiệm. Tất cả đều là tác nhân, vì vấn đề được đưa ra cho toàn thể Hội thánh Giêrusalem (Cv 15,12), vẫn hiện diện trong suốt tiến trình biện phân của Hội thánh và tham gia vào quyết định cuối cùng (Cv 15,22) [173]. Dấu hiệu của khía cạnh cộng đoàn này là các sứ giả được sai đi từng hai người một (Cv 15,27). Điều quan trọng nhất cho suy tư của chúng ta là Hội thánh được Chúa Thánh Thần trợ giúp và hoạt động theo cách thức hiệp nghị, dựa trên sensus fidei fidelium (cảm thức đức tin của các tín hữu) [174] và trên thẩm quyền đặc biệt của các tông đồ, tạo thành mầu nhiệm sống động và hoạt động, trong đó việc phát triển giáo lý về sự phân biệt giữa các môn đệ của Đức Kitô xuất thân từ dân Do Thái và những người xuất thân từ dân ngoại đối với việc thực hành Lề Luật Môsê đã được xây dựng. Việc phân định đức tin liên quan đến mục đích phổ quát của Thiên Chúa, đến việc các dân tộc gia nhập vào mầu nhiệm trước tiên được mạc khải cho Israel, đã diễn ra ở đây, trong sự trao đổi giữa fides qua (chiều kích chủ thể của đức tin) và fides quae (chiều kích khách thể của đức tin), trong lòng mầu nhiệm năng động của Hội thánh.

112.    Ngay từ thời kỳ trước khi Ngôi Lời nhập thể, Dân Được Tuyển Chọn đã phải đối diện với một vấn đề tương tự về việc bảo tồn, nhưng đặc biệt là để phổ biến Mạc Khải trong cộng đồng Israel hải ngoại và, xa hơn nữa, giữa những dân tộc mà Tân Ước gọi là "những người tân tòng" (Mt 23,15 và Cv 2,10 và 6,15), và "những người kính sợ Thiên Chúa" (Cv 10,2), gốc ngoại giáo. Đó là lựa chọn nền tảng mà nguồn gốc thực sự đã bị thất lạc giữa những truyền thuyết (Thư của Aristeas hoặc Talmud-Soferim 1,7), lựa chọn đã cho phép dịch Kinh Thánh của dân Do Thái từ tiếng Do Thái sang tiếng Hy Lạp, và như vậy đã dẫn đến bản dịch Alexandrine của Bản Bảy Mươi (Septante). Bởi vì những bản dịch này, cũng như sau này việc sử dụng từ mới homoousios (đồng bản thể), đã đòi hỏi nhiều lựa chọn từ vựng để những chân lý của bản văn gốc được hình thành trong trường ngữ nghĩa của một ngôn ngữ Sêmít không bị đánh mất khi bản văn được chuyển sang trường ngữ nghĩa của một ngôn ngữ Ấn-Âu.

113.    Những sự phân định này thể hiện bản chất của Hội thánh và cho phép nắm bắt ý nghĩa của huấn quyền mà Hội thánh thực thi. Vì Hội thánh là một thực tại của ân sủng được khắc ghi trong lịch sử. Hội thánh được thiết lập và được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần, chính Đấng đã thực hiện sự Nhập Thể của Ngôi Lời và tiếp tục thực hiện việc kết hợp các tín hữu vào Nhiệm Thể đang trải qua niềm vui, cám dỗ và những biến cố của lịch sử. Sứ mạng cứu độ của Hội thánh không chỉ được thực hiện qua việc rao giảng, giảng dạy Kinh Thánh và cử hành các bí tích, mà còn qua huấn quyền được thực thi bởi các giám mục, những người kế vị các tông đồ, trong sự hiệp thông với giám mục Rôma, người kế vị thánh Phêrô. Điều này không có nghĩa là chân lý đức tin mang tính lịch sử và thay đổi: đúng hơn là việc nhận ra chân lý và đào sâu sự hiểu biết về chân lý tạo nên một nhiệm vụ lịch sử của Chủ thể duy nhất là Hội thánh. Vì vậy, Hội thánh không xử lý chân lý, vốn không thể được tạo ra, vì về căn bản đó chính là Đức Kitô, nhưng Hội thánh tiếp nhận, nhắc nhở và giải thích chân lý. Tin cùng với Hội thánh có nghĩa là mỗi thế hệ tham gia vào những nỗ lực không ngừng của Hội thánh để có sự hiểu biết sâu sắc và đầy đủ hơn về đức tin. Nghĩa vụ trung thành không thể chỉ giảm xuống thành sự phục tùng thụ động: đó là nghĩa vụ tích cực làm cho đức tin trở thành ủa mình đối với các môn đệ, với sự hỗ trợ và dưới sự giám sát của huấn quyền sống động của hội đồng giám mục. Các giám mục, nếu đồng ý với nhau, sở hữu thẩm quyền để quyết định một cách ràng buộc liệu một cách giải thích thần học có trung thành hay không với nguồn – là Đức Kitô và Thánh Truyền. Huấn quyền không thêm gì vào Mạc Khải đã hoàn tất trong Đức Kitô và được chứng thực bởi Kinh Thánh, ngoại trừ việc giải thích rõ ràng hơn những gì đã hàm chứa trong sự phát triển tín lý, vì trong đó Hội thánh thực thi vai trò của mình như người giải thích xác thực về Lời Chúa trong những hành động của sự trung thành sáng tạo đối với Mạc Khải [175]: "Như vậy, phán đoán về tính xác thực của sensus fidelium (cảm thức đức tin của các tín hữu) cuối cùng thuộc về, không phải chính các tín hữu hay thần học, mà là huấn quyền [176]". Huấn quyền thông thường của những người kế vị các tông đồ bao gồm việc giảng dạy thường xuyên, liên tục phát triển truyền thống - đã được chỉ định trong Tân Ước như "giáo lý lành mạnh" (2 Tm 4,3). So sánh với điều này, huấn quyền ngoại thường hiếm khi được thực thi, nhưng được thực thi mỗi khi một quyết định mang tính giáo lý liên quan đến toàn thể Hội thánh cần được đưa ra, đặc biệt khi đối mặt với sự chất vấn từ một bộ phận của Hội thánh. Đây chính là điều đã diễn ra một cách nổi bật và rõ ràng tại Công đồng Hoàn vũ Nixêa.

2.3 Những ngôn ngữ của Chúa Thánh Thần trong việc hình thành và canh tân sự đồng thuận đức tin

114.    Về căn bản, nhiệm vụ của Hội thánh trước hết là một nhiệm vụ mang tính Thánh Linh học của việc metaphrase (chuyển dịch). Việc này hoạt động trong lĩnh vực dịch thuật, như bản Septuaginta và các targoumim (bản dịch chú giải Kinh Thánh bằng tiếng Aram), tìm kiếm sự trung thành với bản văn tiếng Do Thái đồng thời kiên quyết đặt mình trong phương thức tư duy và đặc tính riêng của tiếng Hy Lạp và tiếng Aram. Có thể giả định rằng cùng một tiến trình được áp dụng trong việc dịch những lời của Đức Giêsu, được nói bằng tiếng Aram, sang tiếng Hy Lạp của các sách Tin Mừng. Đây cũng là công việc chú giải bản văn thánh, được bắt đầu với các midrashim (chú giải Do Thái) và các văn bản của các Giáo phụ đầu tiên. Chính sự vận động kép này phát triển trong những trao đổi sống động của một công đồng hoàn vũ được cử hành dưới sự thúc đẩy của Thần Khí Hiện Xuống, nơi những người phát biểu có thể đến từ thế giới Syria, Hy Lạp, Copt, hoặc La-tinh, và đã dẫn đến những định nghĩa mà chính chúng cũng có thể được dịch sang các ngôn ngữ và hình thức diễn đạt khác. Ở đây chúng ta chứng kiến một sự táo bạo kép nhận được từ Chúa Thánh Thần. Đầu tiên là sự củng cố hiểu biết về đức tin được tuyên xưng tại Nixêa từ phía những người tuyên bố đức tin với parrēsia (sự mạnh dạn) và hiệu quả vì lợi ích của dân Thiên Chúa trong các bối cảnh khác nhau của thế giới; sau đó, là sự bạo dạn trong Chúa Thánh Thần từ phía những người lắng nghe (auditus fidei) và đón nhận (obsequium fidei - sự vâng phục của đức tin) lời tuyên xưng này [177]. Sự vận động này biểu lộ cả bản chất của Hội thánh lẫn căn tính của Thần Khí chân lý, Đấng "nhắc nhở" những lời của Đức Kitô và hướng dẫn đến "sự thật toàn vẹn" (Ga 16,13; x. Ga 14,26). Không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy rằng một nhiệm vụ giáo hội học như vậy, vốn đòi hỏi hoạt động của Ngôi Ba Thiên Chúa, phải đi ngược từ lịch sử cứu độ đến mầu nhiệm nguyên thủy của các mối tương quan Ba Ngôi, từ nhiệm cục (giáo hội) đến bản thể học thần linh.

115.    Trong nhiệm vụ chuyển dịch mang tính Thánh Linh học này, vốn đưa vào một khái niệm mới, không được biết đến trong Kinh Thánh, thuật ngữ nổi tiếng homoousios (đồng bản thể), điều cần thiết phải lưu ý là cả những tường thuật trong Kinh Thánh lẫn những ẩn dụ của các bản văn Thánh Kinh không bị hủy bỏ hay che khuất bởi những chuyển dịch mang tính suy luận vốn rút gọn và làm rõ nội dung của chúng. Sự làm rõ tín lý chỉ có giá trị nếu nó bảo tồn cội rễ làm sống động nó trong mảnh đất Kinh Thánh và trong sự hiệp thông đức tin phụng vụ. Điều này rõ ràng thể hiện trong bản văn Tín biểu. Trong những hoàn cảnh như cuộc khủng hoảng Arius, khi Lời Chúa dường như cung cấp những hỗ trợ mang tính lưỡng nghĩa cho việc bảo tồn chân lý đức tin (Lc 18,19: "Sao gọi Tôi là nhân lành? Không ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa"), trở nên cần thiết để biểu đạt mang tính suy luận giải quyết tranh chấp chú giải. Tuy nhiên, sự phát triển giáo lý, với nguồn lực đặc thù của các từ mới, phải hài lòng với việc làm rõ các chân lý nội tại trong ngôn ngữ mạc khải, theo cách mà chính Đức Kitô giải thích dụ ngôn về người gieo giống trong Mt 13,3-9 và sau đó là 18-23. Theo nghĩa này, không thể không nhận thấy rằng trong lịch sử Hội thánh, các từ mới trong tín lý rốt cuộc là rất ít và chúng tương ứng với những điểm then chốt thực sự quyết định của mầu nhiệm Kitô giáo: "đồng bản thể" (consubstantialité) và "ngôi hiệp" (union hypostatique) trong Kitô học; và trong lĩnh vực Ba Ngôi, "những tương quan lập hữu" (relations subsistantes) và "tương dung" (périchorèse); nhưng cũng cả "ngôi vị" (prosôponhypostasis), với ý nghĩa đặc biệt Kitô giáo của nó, trong thần học Ba Ngôi, Kitô học và nhân học.

3. Canh giữ kho tàng đức tin: một đức ái phục vụ những người bé mọn nhất

3.1 Đức tin hiệp nhất của Dân Thiên Chúa được trao ban cho mọi người

116.    Tín biểu đức tin và các giáo luật được thông qua bởi Công đồng Nixêa không đơn thuần là những hành động giáo hội về giải thích, dịch thuật và chuyển dịch, nhưng chúng cũng nhằm "gìn giữ" hay "canh giữ" (phȳlaxein) kho tàng đức tin được truyền lại bởi các Tông đồ (1 Tm 6,20). Và sự bảo vệ này đặc biệt được thực hiện vì lợi ích của những người dễ bị tổn thương nhất. Cũng như trên bình diện fides quae (nội dung đức tin), homoousios (đồng bản thể) là nguyên lý và nền tảng của koinonia (hiệp thông) trong Đức Kitô của tất cả mọi người với nhau, cho đến người bé nhỏ nhất, thì cũng vậy trên bình diện fides qua (chiều kích chủ thể), quyết định của Công đồng là để định nghĩa một tuyên xưng đức tin chung, bảo vệ tất cả các môn đệ. Thật vậy, sự rõ ràng về giáo lý làm cho đức tin có khả năng chống lại các thế lực của chủ nghĩa địa phương văn hóa được tuyệt đối hóa và của sự chia rẽ địa chính trị cũng như các lực lượng của lạc giáo, thường gắn liền với một hình thức tinh tế dành cho giới ưu tú.

117.    Hãy nhấn mạnh khía cạnh cuối cùng này. Vào thế kỷ IV, trong thời kỳ "hòa bình của Hội thánh", khi niềm tin Kitô giáo có nguy cơ bị phai nhạt trong quá trình phổ biến toàn cầu, những người theo ngoại giáo cổ đại lại cố gắng khôi phục sức mạnh đã mất của hệ thống tín ngưỡng cũ bằng cách nhấn mạnh tính dễ tiếp cận của người phàm đối với các vị thần trong hệ thống thần minh của họ, đối với các nghi lễ và phong tục tổ tiên Nhưng đức tin được Đức Giêsu rao giảng cho những người đơn sơ không phải là một đức tin đơn giản hoá. Các dụ ngôn và các câu châm ngôn khác nhau, hoặc một số tuyên bố của thánh Gioan như tuyên ngôn tuyệt vời: "Tôi và Chúa Cha là một" (Ga 10,30), chứng tỏ rằng việc tiếp cận mầu nhiệm của Thiên Chúa mang tính nghịch lý. Không phải điều mà tín lý sau này sẽ gọi là Ba Ngôi, cũng không phải khái niệm ngôi hiệp, được tuyên bố tại công đồng Chalcédoine, cũng không phải thuyết ý chí lưỡng nguyên năng động được bảo vệ bởi cứu độ học của Maximus Le Confesseur, có thể được coi là những mệnh đề đơn giản. Tuy nhiên, Kitô giáo chưa bao giờ tự coi mình là một giáo thuyết bí truyền chỉ dành cho một nhóm nhỏ người được khai tâm. Đức Kitô khẳng định điều này trong một tuyên bố nền tảng: "Tôi đã nói công khai với thế gian; tôi hằng giảng dạy trong hội đường và trong Đền Thờ, nơi mọi người Do Thái tụ họp. Tôi không hề nói điều gì lén lút. Tại sao ông lại hỏi tôi? Điều tôi đã nói, xin ông cứ hỏi những người đã nghe tôi. Họ biết tôi đã nói gì!" (Ga 18,20). Ngay cả kỷ luật nhiệm mật về các mầu nhiệm, trong một giai đoạn của Kitô giáo sơ khai, cũng không cũng không phải là sự bảo vệ ghen tị về bí mật, mà là sự quan tâm đến tính nghiêm túc và các giai đoạn của việc khai tâm Kitô giáo. Và qua các thế kỷ, dường như đức tin Kitô giáo đã hoàn toàn chấp nhận phong cách dứt khoát công khai và đại chúng của mình. Về căn bản, mọi Kitô hữu, khi làm dấu thánh giá trên chính mình, diễn tả một cách đầy đủ và thích hợp trọng tâm của đức tin Ba Ngôi và mầu nhiệm Vượt qua [178]. Toàn thể dân Thiên Chúa phải lý giải đức tin và niềm hy vọng của mình (x. 1 Pr 3,5): theo nghĩa này, họ là nhà thần học [179].

118.    Cùng theo hướng đó, việc thực thi Huấn quyền, như đã diễn ra tại Công đồng Nixêa, vốn trao cho giáo huấn của Hội thánh "công giáo" một phong cách thực sự công khai và mang tính thể chế, qua đó thiết lập sự bình đẳng của tất cả mọi người đối với nội dung đức tin. Kinh Tin Kính phụng vụ, được thực hành bởi tất cả các thành viên của Nhiệm Thể, trong một phụng vụ công khai và chung, trở thành như một thước đo tiêu chuẩn cho contesseratio (mối dây liên kết trong tình hiếu khách) của sự hiệp thông giáo hội,, được Tertullian coi trọng [180]. Lợi ích chung của Mạc Khải thực sự được "đặt trong tầm tay" của tất cả các tín hữu, như được xác nhận bởi giáo lý Công giáo về tính bất khả ngộ in credendo (trong việc tin) của dân đã chịu phép Thánh tẩy: "Cộng đồng các tín hữu, với sự xức dầu đến từ Đấng Thánh (x. 1 Ga 2,20.27), không thể sai lầm trong đức tin. [181]" Các giám mục có vai trò đặc biệt trong việc định nghĩa đức tin nhưng không thể đảm nhận vai trò này mà không ở trong sự hiệp thông mang tính giáo hội của toàn thể Dân Thiên Chúa [182]. Theo nghĩa này, Lề Luật mới của Tân Ước mang những đặc điểm của Lề Luật cũ, mà người ta thường không đánh giá đúng mức chiều kích công khai của nó: vì luật được công bố long trọng, nó được tất cả mọi người biết đến như một luật thần linh. Do đó, ngay cả những người lãnh đạo cũng bị ràng buộc bởi tính công khai của Lề Luật trong việc tuân giữ. "Sự thiên vị con người", thường bị nhận diện và bị lên án trong Torah, sẽ dễ dàng xuất hiện một cách khách quan như một lỗi phạm chống lại phẩm giá bình đẳng của con cái Thiên Chúa (x. Lv 19,5; Đnl 10,17; Cv 10,34; Rm 2,11).

3.2 Bảo vệ đức tin trước quyền lực chính trị

119.    Như vậy, Công đồng Nixêa, với tất cả những gì mang ơn sáng kiến của Hoàng đế Constantine, đã đại diện cho một cột mốc quan trọng trên con đường dài hướng tới libertas Ecclesiae (tự do của Hội thánh), vốn ở khắp mọi nơi là một sự bảo đảm bảo vệ đức tin của người đơn sơ và những người dễ bị tổn thương nhất trước quyền lực chính trị. Không nghi ngờ gì, cũng cùng lúc đó nảy sinh một phong trào đối nghịch hướng tới điều sau này được gọi là "chế độ hoàng đế kiêm chức giáo hoàng", một cám dỗ tái diễn giữa các Hội thánh Kitô giáo. Vậy phải chăng chúng ta nên nhận ra trong công đồng này những bước đầu của một sự bảo đảm mang tính giáo hội cho tự do lương tâm của những người bé nhỏ, hay những dấu hiệu của một sự lợi dụng chính trị đối với tôn giáo của Đức Kitô? Đúng là ngày nay người ta thường nhấn mạnh mối quan tâm chính trị của Hoàng đế Constantine; người ta nhấn mạnh rằng Công đồng Nixêa còn nhằm mục đích kỷ niệm hai mươi năm trị vì của ông, và thậm chí trong một số trường hợp, người ta còn ám chỉ rằng tuyên xưng đức tin được thông qua bởi Nixêa trước hết nhằm mục đích khôi phục sự hòa hợp trong Đế quốc. Tương tự, người ta trách cứ khái niệm lạc giáo vì đã gắn liền với quyền lực đàn áp của Nhà nước theo chủ nghĩa tôn giáo độc tôn. Mặc dù không thể đi vào một cuộc bàn luận đầy đủ về những vấn đề phức tạp này trong giới hạn của tài liệu hiện tại, nhưng chúng ta vẫn có thể phân biệt ở đây các hình thức hiệp nhất và các mục tiêu, sự hiệp nhất đức tin giữa các Kitô hữu và sự hiệp nhất của các công dân. Một mặt, thực sự, thuyết độc thần Ba Ngôi của Nixêa, trong chân lý tín lý của mình, không dễ dàng cho phép tôn vinh tham vọng của vị Basileus (Hoàng đế) như một biểu tượng nhà nước và tôn giáo của sự hiệp nhất La Mã, không đặt nền tảng cho một trật tự thần học-chính trị stricto sensu (theo nghĩa hẹp) [183] tốt như thuyết Arius đã làm. Mặt khác, nếu không có sự cảnh giác của Huấn quyền của Hội thánh tông truyền được Chúa Thánh Thần trợ giúp trước sự kháng cự của lạc giáo đối với điều chưa từng có của Mạc Khải, các mầu nhiệm đức tin được truyền đạt qua sự tự mạc khải (autorévélation) của Ngôi Lời nhập thể, chịu đóng đinh và phục sinh, đã không thể đứng vững trước sự phân tán và hỗn loạn.

120.    Việc bảo vệ đức tin của tất cả mọi người, cũng như tầm quan trọng của việc lắng nghe tiếng nói của những người cuối cùng và ít được lắng nghe nhất, được thể hiện qua thực tế là Công đồng Nixêa đã không đi theo con đường của thuyết Arius. Thật vậy, thánh Giêrônimô nhấn mạnh đa số theo phái Arius và số lượng lớn các giám mục nghiêng về thuyết Arius. Về mặt lịch sử, chắc chắn cần phải tinh tế hóa nhận định của Giêrônimô, bởi vì hầu hết các giám mục và Kitô hữu không trực tiếp chọn thuyết Arius, mà đúng hơn là do dự trước một thuật ngữ không có trong Tân Ước. Điều đó nói lên rằng, khi có một áp lực mạnh mẽ từ quyền lực chính trị, Công đồng đã giúp bảo vệ sensus fidelium (cảm thức đức tin của các tín hữu) [184] vốn hiện diện trong dân Thiên Chúa. Theo nghĩa này, có thể nói rằng tuyên xưng đức tin của Nixêa là một tiếng vang trung thành được sống trong Hội thánh từ lời vui mừng của Đức Kitô: "Lạy Cha, là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha" (Mt 11,25-26).


Kết luận:
LOAN BÁO ĐỨC GIÊSU – ĐẤNG CỨU ĐỘ CỦA CHÚNG TA – CHO MỌI NGƯỜI HÔM NAY

 

121.    Việc kỷ niệm 1700 năm Công đồng Nixêa là lời mời gọi khẩn thiết dành cho Hội thánh để tái khám phá kho tàng đã được trao phó và kín múc từ đó để chia sẻ với niềm vui, trong một đà tiến mới, thậm chí trong một "giai đoạn mới của việc loan báo Tin Mừng. [185]" Loan báo Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ chúng ta, từ đức tin được diễn tả tại Nixêa, như được tuyên xưng trong Tín biểu Nixêa-Constantinople, trước hết là để chúng ta để mình được kinh ngạc trước sự vô biên của Đức Kitô hầu mọi người cũng được kinh ngạc, đồng thời thổi bùng ngọn lửa tình yêu của chúng ta dành cho Chúa Giêsu, để tất cả mọi người có thể bừng cháy tình yêu dành cho Người. Không có gì và không ai đẹp hơn, ban sự sống hơn, cần thiết hơn Người. Dostoievski tuyên bố mạnh mẽ: "Tôi đã rèn trong mình một Tín điều, nơi mọi sự hiện ra rõ ràng và thánh thiêng đối với tôi. Tín điều này rất đơn giản, đây: tin rằng không có gì đẹp hơn, sâu sắc hơn, đáng mến hơn, hợp lý hơn, mạnh mẽ hơn và hoàn hảo hơn Đức Kitô. [186]" Trong Đức Giêsu, homoousios (đồng bản thể) với Chúa Cha, chính Thiên Chúa đến cứu độ chúng ta, chính Thiên Chúa đã liên kết mình với nhân loại mãi mãi, để hoàn tất ơn gọi làm người của chúng ta. Với tư cách là Con Một, Người làm cho chúng ta đồng hình với Người như những người con cái yêu dấu của Chúa Cha nhờ quyền năng ban sự sống của Chúa Thánh Thần. Những ai đã thấy vinh quang (doxă) của Đức Kitô có thể ca ngợi vinh quang ấy, và để cho việc tôn vinh Thiên Chúa biến thành lời loan báo quảng đại và huynh đệ, nghĩa là thành kerygma (việc rao giảng Tin Mừng).

122.    Loan báo Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ chúng ta, từ đức tin được diễn tả tại Nixêa không phớt lờ thực tại của nhân loại. Loan báo này không quay lưng với những đau khổ và những biến động đang dày vò thế giới và dường như ngày nay đang làm tổn hại mọi hy vọng. Ngược lại, việc loan báo đối diện với những xáo trộn này bằng cách tuyên xưng ơn cứu chuộc duy nhất có thể, được thực hiện bởi Đấng đã kinh nghiệm đến tận cùng bạo lực của tội lỗi và sự chối bỏ, nỗi cô đơn của sự bị bỏ rơi và cái chết, và Đấng, từ chính vực thẳm của sự dữ, đã sống lại để cũng đưa chúng ta vào chiến thắng của Người đến vinh quang phục sinh. Việc loan báo được đổi mới này cũng không phớt lờ văn hóa và các nền văn hóa, nhưng, ngược lại, cũng ở đây với hy vọng và đức ái, lắng nghe và được làm phong phú bởi các nền văn hóa ấy, mời gọi các nền văn hóa đến sự thanh luyện và nâng cao các nền văn hóa. Đi vào một hy vọng như vậy rõ ràng đòi hỏi một sự hoán cải, nhưng trước hết là từ phía người loan báo Đức Giêsu qua đời sống và lời nói, vì đó là sự đổi mới trí tuệ theo tư tưởng của Đức Kitô. Nixêa là kết quả của một sự biến đổi tư duy vốn được bao hàm và đồng thời được làm cho khả thi bởi biến cố Đức Giêsu Kitô. Tương tự, một giai đoạn mới của việc loan báo Tin Mừng sẽ chỉ có thể đến từ những người để mình được đổi mới bởi biến cố này, từ những người để mình được nắm lấy bởi vinh quang của Đức Kitô, luôn luôn mới mẻ.

123.    Loan báo Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ của chúng ta, từ đức tin được diễn tả tại Nixêa, là đặc biệt chú ý đến những người nhỏ bé nhất và dễ bị tổn thương nhất trong anh chị em. Ánh sáng mới chiếu rọi trên tình huynh đệ giữa tất cả thành viên của gia đình nhân loại bởi Đức Kitô, Con homoousios (đồng bản thể) của Chúa Cha và chia sẻ bản tính nhân loại chung, soi sáng đặc biệt những người cần hy vọng của ân sủng nhất. Chúng ta được liên kết bởi một mối dây căn bản không thể phá hủy với tất cả những ai đang đau khổ và bị gạt ra ngoài lề; tất cả chúng ta được kêu gọi để hành động nhằm cho ơn cứu độ có thể đến với họ, đặc biệt là họ. Loan báo ở đây có nghĩa là "cho ăn", "cho uống", "đón tiếp", "cho mặc" và "đến thăm" (Mt 25,34-40), làm tỏa sáng vinh quang khiêm tốn của đức tin, đức cậy và đức ái cho người không được tin tưởng, người mà không ai đặt hy vọng vào và người bị thế gian ghét bỏ. Loan báo có nghĩa là làm rạng ngời các nhân đức hướng về Chúa này giữa những tủi nhục và đau khổ: điều này chỉ có thể phát xuất từ Đức Kitô, Đấng Cứu Độ của chúng ta, và do đó làm chứng về Người và cho phép gặp gỡ Người. Tuy nhiên, chúng ta đừng lầm lẫn: những người bị đóng đinh của lịch sử này chính là Đức Kitô ở giữa chúng ta, theo nghĩa mạnh mẽ nhất có thể: "các ngươi đã làm cho chính Ta" (Mt 25,40). Đấng Chịu Đóng Đinh-Phục Sinh biết những đau khổ của họ một cách thâm sâu và họ biết những đau khổ của Người. Như vậy, chính họ là những tông đồ, những thầy dạy và những người loan báo Tin Mừng cho người giàu và người khỏe mạnh. Vấn đề là giúp đỡ người nghèo, nhưng trước hết là thiết lập mối tương quan với họ và sống với họ để mình được họ dạy bảo: họ hiểu hơn tất cả mọi người về sự vô biên của hồng ân nơi Người Con homoousios (đồng bản thể), Đấng đã đi đến tận thập giá, được tuyên xưng tại Nixêa. Họ có thể dẫn dắt chúng ta đến với niềm hy vọng mạnh mẽ hơn cái chết, theo chân Ngôi Lời Thiên Chúa đã xuống thấp nhất giữa chúng ta để nâng chúng ta lên cao nhất với Người [187].

124.    Loan báo Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ chúng ta xuất phát từ đức tin được diễn tả tại Nixêa, là loan báo Người trong Hội thánh. Đó là loan báo Người qua chứng từ của tình huynh đệ chưa từng có được đặt nền tảng trong Đức Kitô. Đó là làm cho biết những điều kỳ diệu mà qua đó Hội thánh "duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền" là "bí tích phổ quát của ơn cứu độ" và mở lối tiếp cận đến đời sống mới: kho báu Kinh Thánh mà Tín biểu giải thích, sự phong phú của kinh nguyện, của phụng vụ và của các bí tích tuôn trào từ phép Thánh tẩy được tuyên xưng tại Nixêa, ánh sáng của huấn quyền phục vụ đức tin được chia sẻ. Tuy nhiên, kho tàng này, "chúng ta mang trong những bình sành" (2 Cr 4,7). Và điều này là đúng, vì sự loan báo sẽ chỉ sinh hoa kết trái nếu có sự phù hợp giữa hình thức của sứ điệp và nội dung của nó, giữa hình thức của Đức Kitô và hình thức của việc loan báo Tin Mừng. Trong thế giới ngày nay, điềun quan trọng đặc biệt là ghi nhớ rằng vinh quang mà chúng ta đã chiêm ngưỡng là vinh quang của Đức Kitô "hiền lành và khiêm nhường trong lòng" (Mt 11,29), Đấng đã tuyên bố: "Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được đất hứa làm gia nghiệp" (Mt 5,5). Đấng chịu đóng đinh-Phục sinh thực sự là người chiến thắng, nhưng đó là một chiến thắng trên cái chết và tội lỗi chứ không phải trên các đối thủ - không có người thua cuộc trong Mầu nhiệm Vượt qua, nếu không phải là kẻ thua cuộc cánh chung, Satan kẻ chia rẽ [188]. Việc loan báo Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ chúng ta không phải là một cuộc chiến đấu, mà đúng hơn là việc trở nên đồng hình với Đức Kitô, Đấng nhìn những người Người gặp với tình yêu và lòng trắc ẩn (Mc 10,21; Mt 9,36) và để mình được hướng dẫn bởi một Đấng khác, bởi Thần Khí của Chúa Cha [189]. Việc loan báo sẽ sinh hoa kết trái nếu đó là chính Đức Kitô hành động trong chúng ta:

"Thật tốt để nhớ rằng khi sai các môn đệ đi sứ vụ, 'Chúa cùng hoạt động với họ' (Mc 16,20). Người đang ở đó, làm việc, đấu tranh và làm điều lành với chúng ta. Theo một cách mầu nhiệm, chính tình yêu của Người tỏ lộ qua việc phục vụ của chúng ta, chính Người nói với thế giới trong ngôn ngữ này vốn đôi khi không có lời [190].


Chú thích

 

[1] Đức Phanxicô, Sắc lệnh công bố Năm Thánh thường kỳ 2025, (Spes non confundit), số 17.

[2] Êphrem thành Nisibis, Các thánh thi về sự Giáng sinh (Hymnes de Nativitate), III, 3, xuất bản và dịch thuật bởi E. Beck, o.s.b., Louvain, 1959 (CSCO 186, tr. 21; CSCO 187, tr. 18-19 bản dịch đã sửa đổi); bản dịch tiếng Pháp bởi F. Cassingena-Trévedy, o.s.b., Paris, Cerf, 2001 (SC 459, tr. 64-65).

[3] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Diễn văn cho các thành viên của Ủy ban Thần học Quốc tế, 30 tháng 11 năm 2023.

[4] "Trước tiên đã được quyết định rằng công đồng các giám mục sẽ diễn ra tại Ancyra thuộc Galatea. Vì nhiều lý do, chúng tôi đã quyết định bây giờ rằng sẽ họp tại Nixêa, một thành phố thuộc Bithynia. Đó là vì sự có mặt của các giám mục từ Ý và các vùng khác của Châu Âu, do không khí tốt, và cũng để chính tôi có thể chiêm ngưỡng những gì xảy ra ở đó và tham gia", trong Constantine, Thư từ và diễn văn (Lettres et discours), trình bày và dịch thuật bởi P. Maraval, Paris, Les Belles Lettres (bộ sưu tập "La roue à livres"), 2010, thư 17 ("triệu tập tới Nixêa"), tr. 52.

[5] Xem Công đồng Chalcédoine, lời mở đầu (DH, 300).

[6] Xem Công đồng Êphêsô, phiên họp thứ 6 của phái Cyril (DH, 265).

[7] Được trích dẫn trong K. Schatz, Các công đồng hoàn vũ, Ngã ba đường trong lịch sử Hội thánh (Los concilios ecuménicos, Encrucijada en la historia de la Iglesia), Ed. Trotta, Madrid, 1999, tr. 41.

[8] "Hội thánh Công giáo công nhận giá trị công đồng hoàn vũ, mang tính chuẩn mực và không thể thu hồi, như biểu hiện của đức tin chung duy nhất của Hội thánh và tất cả các Kitô hữu về Tín biểu được tuyên xưng bằng tiếng Hy Lạp tại Constantinople năm 381 bởi Công đồng Hoàn vũ thứ Hai. Không có tuyên xưng đức tin nào thuộc về một truyền thống phụng vụ cụ thể có thể mâu thuẫn với biểu hiện của đức tin này được dạy và tuyên xưng bởi Hội thánh không phân chia", Hội đồng Tòa thánh về Xúc tiến Hiệp nhất Kitô giáo, "Truyền thống Hy Lạp và Latinh liên quan đến việc phát xuất của Chúa Thánh Thần", 13 tháng 9 năm 1995, trong Documentation Catholique, số 19, tr. 941-945.

[9] Đức Phanxicô, Diễn văn cho Bộ Giáo lý Đức tin, 26 tháng 1 năm 2024.

[10] Chúng tôi tuân theo phiên bản tiếng Hy Lạp của tín biểu Nixêa-Constantinople, trừ khi có quy định khác.

[11] Chủ đề về Thiên Chúa Cha là Đấng tạo dựng rất phổ biến trong các Giáo phụ đầu tiên. Clementê thành Rôma nói "Cha và Đấng tạo dựng toàn thế giới" (Père et créateur du monde entier), Gửi người Côrintô, 19,2 và 35,3 (SC 167, tr. 133 và 157); Justin thành Naplouse nói về "Cha và Chúa của vũ trụ" (Père et Seigneur de l'univers), Hộ giáo gửi Antonin, 12,9; 61,3, trong B. Pouderon, J.-M. Salamito, V. Zarini, Các tác phẩm Kitô giáo đầu tiên (Premiers écrits chrétiens), Paris, Gallimard ("La Pléïade"), 2016, tr. 333 và 376; Tatian người Syria cũng nói về "Tác giả của các thần khí" (Auteur des esprits) và "Cha của thế giới khả giác và hữu hình" (Père du sensible et du visible), Gửi người Hy Lạp, IV,3, sđd, tr. 591. Đó là một ý tưởng đã có ở các tác giả Hy Lạp: Platon coi thần là "tác giả và cha của toàn vũ trụ" (l'auteur et le père de toute l'univers) (Timaeus, 28c; 41a; xem thêm Épictète, Diss. I,9,7).

[12] Trái ngược với Eschyle, người nói về "sự ghen tị của các vị thần" (l'envie des dieux) (Người Ba Tư, Les Perses, c. 362), xem Thomas d'Aquin, Contra Gentiles, l. 1 cap. 89 n. 12: "Invidiam igitur in Deo impossibile est esse, etiam secundum suae speciei rationem: non solum quia invidia species tristitiae est, sed etiam quia tristatur de bono alterius, et sic accipit bonum alterius tanquam malum sibi." (Vì vậy, không thể có lòng ghen tị nơi Thiên Chúa, ngay cả theo lý lẽ của loại đức tính này: không chỉ vì ghen tị là một dạng của sự buồn phiền, mà còn vì nó buồn phiền về điều tốt của người khác, và như vậy xem điều tốt của người khác như là điều xấu cho mình.)

[13] Hilary thành Poitiers, Về Ba Ngôi (De Trinitate), IX, 61, CCSL 62A, tr. 440-441.

[14] Xem Hippolyte, C. Noet. 10,1-2. Tertullian: "Ante Omnia enim Deus erat solus, ipse sibi et mundus et locus et omnia. Solus autem quia nihil aliud extrinsecus praeter illum. Ceterum ne tunc quidem solus; habebat enim secum quam habebat in semetipso, rationem suam" (Chống lại Praxean, Adversus Praxean, 5,2, CCL 2, tr. 1163).

[15] Xem Cuộc tử đạo của thánh Polycarp (Martyre de saint Polycarpe) trong B. Pouderon, J.-M. Salamito, V. Zarini, Các tác phẩm Kitô giáo đầu tiên (Premiers écrits chrétiens), tr. 254; Justin, Hộ giáo gửi Antonin (Apologie à Antonin), 63, sđd, tr. 379-380.

[16] Xem lời biểu dương nhắm vào Arius ở cuối tín biểu Nixêa (DH, 126).

[17] Arius, Thư gửi Eusebius thành Nicomedia, 5 (H.-G. Opitz, Athanasius Werke, III-1, tr. 3; Urkunde 1).

[18] Trong một bài đọc sau Nixêa, Chromace thành Aquileia, khẳng định: "Cũng như công trình sáng tạo đầu tiên của chúng ta là công trình của Ba Ngôi, việc tái tạo thứ hai của chúng ta cũng là công trình của Ba Ngôi: Chúa Cha không làm gì mà không có Chúa Con và Chúa Thánh Thần, vì điều gì là công trình của Chúa Cha cũng là của Chúa Con, và điều gì là công trình của Chúa Con cũng là của Chúa Thánh Thần" (Chromace thành Aquileia, Các bài giảng (Sermons), 18, 4, tập II, văn bản phê bình, ghi chú và chỉ mục bởi J. Lemarié, bản dịch bởi H. Tardif, Paris, Cerf, SC 164, 1971, tr. 14).

[19] Về việc "lãng quên" Chúa Thánh Thần này, xem Y. Congar, Tôi tin Chúa Thánh Thần (Je crois en l'Esprit Saint). Cerf, ấn bản lần thứ 4, Paris, 2012, t. 1, tr. 218-226. Các phân tích của Congar chủ yếu liên quan đến thế kỷ XIX-XX, nhưng các hiện tượng mà ông mô tả vẫn còn đó, theo cách tinh tế hơn.

[20] "Credimus […] Patrem […] fontem et originem totius divinitatis", Công đồng Toledo lần thứ 6 (DH, 490). Xem thêm Augustin, đối với thánh nhân Chúa Cha là "nguyên lý của toàn bộ thần tính" (principe de toute la divinité), Augustin, Về Ba Ngôi (De Trinitate), t.IV, c.xxix, PL, t.XLII, cột 908.

[21] Phiên bản của tín biểu Nixêa (325).

[22] "Không có một Thiên Chúa thuộc một loại khác, nhưng Chúa Cha và Chúa Con là một hữu thể duy nhất" (Il n'existe pas de Dieu d'un autre genre, mais le Père et le Fils sont un seul être) (Hilary thành Poitiers, Về Ba Ngôi, VIII, 41, CCSL 62A, tr. 354).

[23] Xem B. Sesboüé, Lịch sử các Tín điều, T. 1, Thiên Chúa của Ơn cứu độ (Histoire des Dogmes, T. 1, Le Dieu du Salut), Desclée, Paris, 1994, tr. 246.

[24] Phiên bản tiếng Latinh của tín biểu Nixêa-Constantinople, từ phiên bản được dịch bởi Rusticus vào thế kỷ VI (cf. I. Ortiz de Urbina, Storia dei Concili Ecumenici vol. I, LEV, 1994, tr. 172).

[25] Xem Ephrem và Gregory Palamas, nhưng cũng có Ambrose: Splendor paternae gloriae như bình luận về lumen de lumine, trong Sant'Ambrogio, Opere poetiche e frammenti. Inni – Iscrizioni – Frammenti, a cura di G. Banterle, G. Biffi, I. Biffi, L. Migliavacca, Milano-Roma, 1994, Inno II, tr. 34-37.

[26] "Giáo lý về Chúa Ba Ngôi không phải là một sự thêm thắt và làm suy yếu mà là một sự triệt để hóa của thuyết độc thần Kitô giáo" (La doctrine de la Trinité n'est pas un ajout et un affaiblissement mais une radicalisation du monothéisme chrétien), K. Rahner, "Tính độc nhất và Ba Ngôi của Thiên Chúa trong đối thoại với Hồi giáo" (Unicité et Trinité de Dieu en dialogue avec l'islam) (1978), trong Œuvres, 22/1b, Tín lý sau Công đồng. Nền tảng của thần học, học thuyết về Thiên Chúa và Kitô học (Dogmatique après le Concile. Fondement de la théologie, doctrine de Dieu et christologie), dịch từ tiếng Đức, Cerf, Paris, 2022, tr. 203-221 (ở đây: tr. 213).

[27] Xem M. Wyschogrod, Lời hứa của Abraham, Do Thái giáo và các mối quan hệ Do Thái-Kitô giáo (Abraham's Promise, Judaism and Jewish-Christian Relations), SCM Press, London, 2006, tr. 178.

[28] Cf. D. Boyarin, Đức Kitô Do Thái (Le Christ Juif), Cerf, Paris, 2019, tr. 42-66; P. Lenhardt, Sự hiệp nhất của Ba Ngôi. Lắng nghe truyền thống của Israel (L'Unité de la Trinité. À l'écoute de la tradition d'Israël), Éd. Parole et Silence, Paris, 2011; P. Schäfer, Hai Thiên Chúa trên trời: Các khái niệm Do Thái về Thiên Chúa trong thời cổ đại (Two Gods in Heaven: Jewish Concepts of God in Antiquity), Princeton University Press, Princeton (NJ), 2020.

[29] Xem D. Boyarin, Đức Kitô Do Thái (Le Christ Juif), tr. 55-56, ví dụ. Quan điểm này thực sự được xem xét trong thế giới Do Thái như một cách giải thích có thể về sách Daniel trong bản văn Aramaic và các văn bản khác nhau của thời kỳ Đền Thờ Thứ Hai, dù nó cũng bị tranh luận rất nhiều.

[30] Cn 1,9.14; 8,1-36; Kn 1,7; 7,22-27; Hc 24,1-22. Một số nhà chú giải cũng sử dụng thuật ngữ "thuyết nhị thần" (duothéisme) về Khôn ngoan được nhân cách hóa (xem J. Trublet [dir.], Khôn ngoan Kinh thánh. Từ Cựu ước đến Tân ước (La Sagesse Biblique. De l'Ancien au Nouveau Testament), "Lectio Divina 160", Le Cerf, 1995.

[31] Xem L. W. Hurtado, Một Chúa, một Chúa. Lòng sùng kính Kitô giáo sơ khai và thuyết độc thần Do Thái cổ đại (One God, one Lord. Early Christian Devotion and Ancient Jewish Monotheism), T&T Clark, Edinburg 2 1998 (1988); R. Bauckham, "Thiên Chúa chịu đóng đinh" (God Crucified) (1996), in R. Bauckham, Đức Giêsu và Thiên Chúa của Israel (Jesus and the God of Israel), Paternoster, Crownhill (UK) 2008, tr. 1-59. Ví dụ, một phần của tín biểu Nixêa đã được hình thành trong nền văn học Do Thái-Kitô giáo nguyên thủy, Các bài ca của Solomon (Odes de Salomon), có niên đại khoảng 70-125 sau Công nguyên (xem Ode 14:12-17, in A. Rahlfs, R. Hanhart [ed.], Septuaginta: SESB Edition, Stuttgart 2006).

[32] Phiên bản tiếng Latinh của Tín biểu phân biệt thực tế rằng Đức Kitô đã nhận xác phàm "bởi (de)" Chúa Thánh Thần và "từ (ex)" Đức Trinh Nữ Maria.

[33] J. Ratzinger, Dẫn nhập vào Kitô giáo, Các bài giảng về Tín điều Tông đồ (Einführung in das Christentum, Vorlesungen über das Apostolische Glaubenbekenntnis), Kösel-Verlag KG, München, 1968, tr. 9.

[34] "Vậy nên, theo các thánh Giáo phụ, tất cả chúng tôi đồng thanh dạy rằng chúng tôi tuyên xưng một và cùng một Con duy nhất, Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng hoàn hảo trong thiên tính, và cũng chính Đấng ấy hoàn hảo trong nhân tính, thực sự là Thiên Chúa và thực sự là con người, (gồm) một linh hồn có lý trí và một thân xác, đồng bản thể với Chúa Cha theo thiên tính và cũng chính Đấng ấy đồng bản thể với chúng ta theo nhân tính, giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi, được sinh ra từ Chúa Cha trước mọi thời đại theo thiên tính, và chính Đấng ấy (được sinh ra) vì chúng ta và vì ơn cứu độ chúng ta từ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, theo nhân tính trong những ngày sau hết", Công đồng hoàn vũ Chalcédoine (DH, 301).

[35] "Con người được tạo thành như một thụ tạo đã không thể được thần hóa nếu Người Con không phải là Thiên Chúa thật; và con người đã không thể đứng trước sự hiện diện của Chúa Cha, nếu Đấng đã mặc lấy thân xác không phải là Ngôi Lời đích thực của Người theo bản tính. Tương tự, chúng ta đã không được giải thoát khỏi tội lỗi và sự nguyền rủa, nếu xác thịt mà Ngôi Lời mặc lấy không phải là xác thịt con người (bởi vì chúng ta sẽ không có điểm chung nào với những gì xa lạ với chúng ta)" (Athanasius thành Alexandria, Khảo luận chống lại người Arius, Traité contre les Ariens, II, 70, văn bản của ấn bản K. Metzler - K. Savvidis, ghi chú bởi Lucian Dinca, bản dịch bởi Ch. Kannengiesser, Paris, Cerf, SC 599, 2019, tr. 237-239).

[36] Sđd, III, 7,3, tr. 297.

[37] Cách diễn đạt này được tìm thấy trong các tác phẩm của các Giáo phụ, nơi đôi khi các nhân vật lịch sử khác cũng được nhắc đến cùng với Philatô, như "Herod Tetrarch" (Ignatius thành Antioch, Thư gửi người Smyrna, I, 2, trong B. Pouderon, J.-M. Salamito, V. Zarini, Các tác phẩm Kitô giáo đầu tiên, tr. 213) hoặc "Tiberius Caesar" (Justin, Hộ giáo gửi Antonin, 13,3, sđd, tr. 334).

[38] "Giao ước cũ, một Giao ước chưa bao giờ bị Thiên Chúa từ chối" (L'ancienne Alliance, une Alliance qui n'a jamais été dénoncée par Dieu), Gioan Phaolô II, Gặp gỡ đại diện cộng đồng Do Thái ở Mainz, 17 tháng 11 năm 1980, n. 3; "Giao ước Cũ chưa bao giờ bị thu hồi" (L'Ancienne Alliance n'a jamais été révoquée), Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, 1992, n° 121: cf. Đức Phanxicô, Evangelii Gaudium, 2013, IV, n° 247.

[39] Công đồng hoàn vũ Vatican II, Tuyên ngôn Nostra Aetate, n° 4.

[40] Đã có trong Irenaeus thành Lyon, Chống lại các lạc giáo (Contre les hérésies), IV, 34,3, ed. A. Rousseau, tập II, SC 100, Paris, Cerf, 1965, tr. 850-853: "Làm sao các ngôn sứ có thể tiên báo về việc Vua sẽ đến, loan báo trước tin mừng về sự tự do mà Người sẽ ban tặng, rao giảng trước tất cả những gì Đức Kitô đã làm bằng lời nói và việc làm, cũng như cuộc Khổ nạn của Người, và báo trước giao ước mới, nếu họ đã nhận được cảm hứng ngôn sứ từ một vị thần khác, Đấng mà theo các ông, không biết về Chúa Cha không thể diễn tả được và vương quốc của Người, cùng những kế hoạch cứu độ mà Con Thiên Chúa đã hoàn tất trong những ngày sau cùng này khi đến trên trái đất?". Xem A. De Halleux, "Tuyên xưng về Chúa Thánh Thần trong Tín biểu Constantinople" (La profession de l'Esprit-Saint dans le Symbole de Constantinople), Revue théologique de Louvain, năm thứ 10, fasc. 1, 1979, tr. 5-39. Một tín biểu của Epiphanius thành Salamis có niên đại năm 374 phát triển thêm chủ đề này: "Chúng tôi tin vào Chúa Thánh Thần, Đấng đã nói trong Lề Luật và đã rao giảng qua các ngôn sứ, Đấng đã xuống sông Jordan, nói qua các tông đồ và ngự trong các thánh" (DH, 44).

[41] Gioan II, Thư Olim quidem, tháng 3 năm 534 (DH, 401). "Nếu ai không tuyên xưng rằng Chúa chúng ta Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chịu đóng đinh trong xác thịt, là Thiên Chúa thật và là Chúa vinh quang và là một trong các thành viên của Ba Ngôi Thánh, thì người đó bị vạ tuyệt thông", Công đồng Constantinople thứ hai, vạ tuyệt thông 10 (DH, 432).

[42] "Điều đã được hoàn tất trong Đức Kitô vẫn còn phải được hoàn tất nơi chúng ta và trong thế giới. Sự hoàn tất cuối cùng sẽ đến vào lúc tận thế, với sự sống lại của người chết, trời mới và đất mới. Niềm mong đợi Đấng Messia của người Do Thái không phải là vô ích. Nó có thể trở thành đối với chúng ta, những Kitô hữu, một sự thúc đẩy mạnh mẽ để duy trì sống động chiều kích cánh chung của đức tin chúng ta. Cả chúng ta và họ đều sống trong sự chờ đợi. Sự khác biệt là đối với chúng ta, Đấng sẽ đến sẽ mang những nét của Đức Giêsu, Đấng đã đến và đang hiện diện và hoạt động giữa chúng ta." (Ủy ban Kinh thánh Tòa thánh, Dân Do Thái và Kinh thánh Thánh của họ trong Kinh thánh Kitô giáo, 2001, II, n° 21).

[43] Xem Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, 1992, III, n° 1848.

[44] Xem Công đồng Orange (529), giáo luật 1 (DH, 371) và giáo luật 2 (DH, 372).

[45] Theo Irenaeus, Đức Giêsu nhắm ở đây đến "những người đã nhận được việc nhận làm nghĩa tử" trong Người. Cf. Irenaeus thành Lyon, Chống lại các lạc giáo, Tố cáo và bác bỏ thuyết Ngộ đạo với cái tên dối trá (Contre les hérésies, Dénonciation et réfutation de la gnose au nom menteur), ed. A. Rousseau, Paris, Cerf, 1991³, quyển III, 6,1, tr. 288-289.

[46] "Đức Kitô, con người ở trong Thiên Chúa, đời đời hiệp nhất với Thiên Chúa, đồng thời là sự mở ra vĩnh viễn của Thiên Chúa đối với con người. Như vậy, chính Người là điều mà chúng ta gọi là "thiên đàng", bởi vì thiên đàng không phải là một không gian, mà là một con người, con người của Đấng mà trong Người, Thiên Chúa và con người được kết hợp mãi mãi không thể tách rời. Và chúng ta tiến về thiên đàng, phải, chúng ta bước vào thiên đàng, trong mức độ chúng ta đến với Đức Giêsu Kitô và bước vào trong Người.", J. Ratzinger, JRGS 6/2, tr. 861. Xem thêm H. U. von Balthasar, "Cánh chung học" (Eschatologie), trong J. Feiner, J. Trütsch và F. Böckle (éd.), Các câu hỏi thần học ngày nay (Fragen der Theologie heute), Einsiedeln, Zurich, Cologne, 1957, tr. 403-421 (ở đây tr. 407-408).

[47] Công đồng hoàn vũ Vatican II, Hiến chế Mục vụ, Gaudium et spes, I, n° 22.

[48] Xem Gioan Thánh giá, Bài ca Tâm linh A 38, 3-7; Bài ca Tâm linh B 39, 2-7, trong Gioan Thánh giá Toàn tập (Jean de La Croix Œuvres complètes), dịch M. du Saint-Sacrement, Cerf, Paris, 1997, tr. 519-522; 1425-1428.

[49] Phaolô VI, "Diễn văn kết thúc Công đồng Vatican II", 1965, § 8.

[50] Xem Công đồng Chalcédoine, DH, 301.

[51] Cf. Tín biểu các Tông đồ.

[52] Xem Thomas d'Aquin, Tổng luận chống lại Dân ngoại (Somme contre les gentils), IV, 81.

[53] B. Pascal, Tư tưởng (Les Pensées), ed. Jacques Chevalier, Paris, Gallimard ("La Pléïade"), 1954, tr. 1207, fgt 258; xem Đức Phanxicô, Tông thư Sublimitas et Miseria hominis, 19 tháng 6 năm 2023, cho kỷ niệm 400 năm sinh nhật của Blaise Pascal.

[54] Công đồng hoàn vũ Vatican II, Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, VII, n° 48; Bộ Giáo lý Đức tin, Dominus Iesus, 2000, VI, n° 20.

[55] Hippolytus thành Rôma, Truyền thống Tông đồ (Traditio Apostolica), 6, Aschendorff, Münster,

[55] Hippolytus thành Rôma, Truyền thống Tông đồ (Traditio Apostolica), 6, Aschendorff, Münster, 1963, tr. 19.

[56] "Cũng như lòng nhân lành duy nhất của Thiên Chúa thực sự lan tỏa dưới nhiều hình thức khác nhau trong các thụ tạo, sự trung gian duy nhất của Đấng Cứu Thế không loại trừ, mà ngược lại, khơi dậy sự cộng tác đa dạng từ phía các thụ tạo, trong sự lệ thuộc vào nguồn duy nhất.", Công đồng hoàn vũ Vatican II, Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, VIII, n° 62.

[57] Công đồng hoàn vũ Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et spes, II, n° 24-25.

[58] Ibid., II, n° 22.

[59] Công đồng hoàn vũ Vatican II, Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, n° 1.

[60] Công đồng hoàn vũ Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, Phụ lục.

[61] Theodoret thành Cyr, Lịch sử Hội thánh (Histoire ecclésiastique), "Thư công nghị gửi Hội thánh Alexandria", I,9, tập I, quyển I-II, văn bản Hy Lạp (GCS, NF 5, 1998³) của L. Parmentier và G.C. Hansen, với chú thích bởi J. Bouffartigue, giới thiệu bởi A. Martin, bản dịch bởi P. Canivet, được xem xét và chú thích bởi J. Bouffartigue, A. Martin, L. Pietri và F. Thelamon, Paris, Cerf, SC 501, tr. 220-221 và 227.

[62] Xem Thư gửi các Hội thánh, xuất bản trong H. Pietras, Công đồng Nixêa (325) trong bối cảnh của nó (Concilio di Nicea (325) nel suo contesto), GBPress, Roma, 2021, tr. 204-208 (Eusebius, Vita Constantini, 3.17-20); "Tiếc rằng với quyết định này, ngày lễ Phục sinh chung giữa Kitô hữu và người Do Thái đã bị bỏ" (Purtroppo con questa decisione venne abbandonata la data comune di Pasqua tra cristiani ed ebrei), Hồng y K. Koch, "Hướng tới một cuộc cử hành đại kết kỷ niệm 1700 năm Công đồng Nixêa (325-2025)" (Verso una celebrazione ecumenica del 1700° anniversario del Concilio di Nicea (325-2025)), L'Osservatore Romano, 30 tháng 4 năm 2021.

[63] Theo thứ tự là Gioan Phaolô II, Gặp gỡ cộng đồng Do Thái tại Roma, 13 tháng 4 năm 1986, n° 4, và Bênêđictô XVI, Ánh sáng của thế gian. Đức Giáo hoàng, Hội thánh và các dấu chỉ thời đại. Một cuộc phỏng vấn với P. Seewald (Lumière du monde. Le pape, l'Église et les signes des temps. Un entretien avec P. Seewald), dịch N. Casanova và O. Mannoni, Paris, Bayard, 2011, tr. 114.

[64] Athanasius thành Alexandria, Đời sống và hành vi của Cha Thánh Antôn chúng ta (Vie et conduite de notre père Saint Antoine), Spiritualité orientale, n° 28, dịch B. Lavaud, o.p., Bégrolles en Mauges, 1979, tr. 75.

[65] "Nếu chúng ta không được ban cho khả năng thực sự gặp gỡ Người, thì điều đó giống như tuyên bố rằng sự mới mẻ của Ngôi Lời nhập thể đã cạn kiệt. Ngược lại, sự Nhập Thể, ngoài việc là biến cố mới duy nhất mà lịch sử nhân loại biết đến, còn là chính phương thức mà Chúa Ba Ngôi đã chọn để mở ra cho chúng ta con đường hiệp thông. Đức tin Kitô giáo hoặc là một cuộc gặp gỡ với Người đang sống, hoặc là không tồn tại. Phụng vụ bảo đảm cho chúng ta khả năng thực hiện cuộc gặp gỡ như vậy", Đức Phanxicô, Tông thư Desiderio desideravi, 2022, n. 10-11.

[66] Xem Gửi Diognetus, V,10-11, trong B. Pouderon, J.-M. Salamito, V. Zarini, Các tác phẩm Kitô giáo đầu tiên, tr. 814.

[67] Athenagoras, Legatio (Supplicatio) pro Christianis (176-180 sau Công nguyên) 12,3; cf. 24,2, SC 379, tr. 108 s. và tr. 160 s.

[68] Ambrose, De fide ad Gratianum I, 1,8, (CSEL 78, tr. 7).

[69] Hilary thành Poitiers, De Trinitate II,1 (CCSL 62, tr. 38).

[70] Ephrem thành Nisibe, De fide (Chống lại các người Tranh luận) (Against the Disputers) dịch J. B. Morris, Các tác phẩm chọn lọc của thánh Ephrem người Syria (Select Works of St. Ephrem the Syrian), 1847, nhịp 52, n° 1 (Morris, tr. 273); 59, n° 2 (ibid., tr. 300); 76, n° 1 (ibid., tr. 347).

[71] Athanasius, Khảo luận chống lại những người theo Arius, SC 599, II, 41,4, tr. 144-145, và 41,5, tr. 146-147.

[72] Xem thêm Basil thành Caesarea, Về Chúa Thánh Thần, 26, SC 17bis, tr. 337: "Làm sao chúng ta là Kitô hữu? Bởi đức tin, mọi người sẽ nói vậy. Nhưng theo cách nào chúng ta được cứu? Vì chúng ta được tái sinh từ trên cao, rõ ràng là bởi ân sủng của phép rửa. Vì chúng ta sẽ là gì khác như thế nào? Sau khi có được kiến thức về ơn cứu độ này được thực hiện bởi Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ bỏ đi 'hình thức của giáo huấn' (typon didachès, Rm 6,17) đã nhận được? [...] Vì nếu phép rửa đối với tôi là nguyên lý của sự sống và ngày đầu tiên là ngày tái sinh, thì rõ ràng rằng lời quý giá nhất cũng sẽ là lời được thốt lên khi tôi đón nhận ân sủng của việc được nhận làm con." Tương tự, về Chúa Thánh Thần: Athanasius, Thư thứ nhất gửi Sérapion, n° 30 (Athanasius, Werke I/1 tr. 523-526).

[73] Athanasius, Khảo luận chống lại người Arius, SC 599, II, 42,3, tr. 149; Basil thành Caesarea, De Spiritu sancto, 26, SC 17bis, tr. 336-339; Gregory thành Nyssa, Diễn từ giáo lý, I,2,e, văn bản Hy Lạp của E. Mühlenberg, giới thiệu, dịch thuật và ghi chú bởi R. Winling, Paris, Cerf, SC 453, 2000, tr. 153.

[74] Cf. Ambrose, De fide ad Gratianum I, 9,58 (CSEL 78, tr. 25); cũng là Zénon thành Verona, Sermones, liber II, serm. II,5,9 (CCSL 22, tr. 167).

[75] Xem Athanasius, De decretis Nicaenae synodi, 33-1 đến 33-7, bản dịch trong L. Dîncă, Đức Kitô và Ba Ngôi trong Athanasius thành Alexandria (Le Christ et la Trinité chez Athanase d'Alexandrie), Paris, Cerf, Patrimoines, tr. 376-377, 2012 và ghi chú 2 và 3, tr. 376.

[76] Hilary thành Poitiers, Chống lại Constance (Contre Constance), 16, giới thiệu, bản văn phê bình, dịch thuật, ghi chú và chỉ mục bởi A. Rocher, Paris, Cerf, SC 334, 1987, tr. 200-201. Hilary bảo vệ ở đây Nixêa trước lời trách móc rằng không phù hợp với Kinh Thánh: theo ông, những căn bệnh mới đòi hỏi một cách kết hợp mới của các phương thuốc. Như vậy, biểu thức "không sinh ra" (innascible), vốn là một quan điểm chiến đấu của Arius, Aèce và Eunome, cũng không phải là một từ trong Kinh Thánh để chỉ Chúa Cha: "Ngươi ra lệnh rằng 'Chúa Con giống Chúa Cha [similem Patri Filium]', biểu thức này không được công bố trong các Tin Mừng: tại sao ngươi không từ chối nó?"

[77] Athanasius, Epistula ad Afros episcopos, 1,1.3 (Athanasius, Werke II/1, tr. 322s.); tín biểu Nixêa là "đủ". Cf. Athanasius, Epistula ad Epictetum, 1 (ibid., I/1, tr. 705s.).

[78] Thuật ngữ "Nixêa" cũng có thể áp dụng cho các công thức tuyên xưng đức tin mở rộng tín biểu Nixêa, miễn là chúng vẫn giữ nguyên nội dung và không thu dụng các giáo lý đối lập. Xem DH, 300 (và trên đây, § 4).

[79] Công đồng Chalcédoine, Actio 3, 10.12; 2,1,2, 79 [gr.]; 2,3,2, 5f [lat.]) (DH, 300); "định nghĩa" (horos) của Chalcédoine dựa trên Nixêa, với Tín biểu của 150 Giáo phụ quy tụ tại Constantinople (ACO 2,1,2 , 126-129 [gr]): "Giờ đây, để biết đầy đủ và củng cố đức tin chân chính, Tín biểu khôn ngoan và cứu độ này của ân sủng thần linh tự nó đã đủ, vì nó dạy điều xác quyết về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và đặt sự nhập thể của Chúa trước mắt những ai sẵn sàng đón nhận với đức tin.": "Sufficeret quidem ad plenam cognitionem pietatis et confirmationem sapiens hoc et salutare divinae gratiae Symbolum; de Patre enim et de Filio et de Spiritu sancto perfectionem docet et inhumanationem fideliter accipientibus repraesentat" (COeD, 1962, tr. 60).

[80] Đức Phanxicô, Sắc lệnh thường lệ công bố Năm Thánh 2025, Spes non confundit, n. 17.

[81] Đây là một tham chiếu tượng trưng tới St 14,14.

[82] Athanasius, De synodis 5, 1-3 (Athanasius, Werke II/1 tr. 234).

[83] Basil thành Caesarea, Homilia 16 in illud "In principio erat Verbum", PG 31, cột 471-482. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Kinh Tin Kính, khác với phần mở đầu của Tin Mừng Gioan, tránh sử dụng thuật ngữ "Logos". Với tư cách là một khái niệm trung tâm của triết học Hy Lạp, thuật ngữ này gần như không thể tránh khỏi việc bị hiểu theo nghĩa thứ bậc (kiểu Arius) bởi các Giáo phụ quen thuộc với triết học Hy Lạp.

[84] "Kẻ nào, như Photin hay Arius, "không tin rằng Đức Kitô là Thiên Chúa, hoặc Chúa Con phát xuất từ Chúa Cha", xúc phạm đến thánh ký Gioan (Chromace thành Aquileia, Sermo 21,3, SC 164, tr. 44). "Đối với người theo Đức Kitô, luôn có ánh sáng ban ngày, vì người ấy bước đi trong ánh sáng vĩnh cửu" (Sermo 18, 1, SC 164, tr. 8). "Ngai của Thiên Chúa là duy nhất, ngai uy quyền của Chúa Cha và uy quyền của Chúa Con", "không có sự khác biệt về phẩm giá" (Sermo 8,4, SC 164, tr. 192-195).

[85] Zénon thành Verona, Sermones, liber II, sermo II, 5, n° 9 và 10, CCSL 22, tr. 167; sermo II, 8, tr. 176-178.

[86] Gioan Kim Khẩu, Ba bài giáo lý về phép rửa (Trois catéchèses baptismales), III,1, giới thiệu, bản văn phê bình, dịch thuật và ghi chú bởi A. Piédagnel, với sự cộng tác của L. Doutreleau, s.j., Paris, Cerf, SC 366, 1990, tr. 214-215.

[87] Augustin thành Hippo, De agone christiano, 18, CSEL 41; De fide et symbolo, 5 và 18, CSEL 41. Cuộc tranh luận thần học đích thực với những người theo phái homoian (phái chủ trương Chúa Con chỉ "giống" Chúa Cha) được tiến hành bởi thánh Augustinô trong De Trinitate I - VII cũng như trong Contra sermonem ArianorumContra Maximinum haereticum Arianorum episcopum (Augustinus, Opera – Werke, latein-deutsch: Antiarianische Schriften, 2008).

[88] Gregory thành Nyssa, Diễn từ giáo lý, 39, 2, văn bản Hy Lạp của Mühlenberg, giới thiệu, dịch thuật và ghi chú bởi Raymond Winling, SC 453, Paris, Cerf, 2000, tr. 329-331: "Một người có trí óc khôn ngoan cần phải lựa chọn một trong hai lập trường sau: hoặc tin rằng cả Ba Ngôi Thánh (Cha, Con và Thánh Thần) đều có cùng bản tính thiêng liêng không được tạo thành, và như vậy người tín hữu nhận Chúa Ba Ngôi làm nguồn sống thiêng liêng của mình khi lãnh nhận phép rửa tội; hoặc, nếu cho rằng Chúa Con và Chúa Thánh Thần không cùng bản tính thiêng liêng với Chúa Cha, thì người đó không nên đưa niềm tin này vào đức tin của mình khi chịu phép rửa. Bởi vì làm như vậy, người đó sẽ vô tình quay về với bản tính bất toàn của loài thọ tạo (cần được cứu chuộc), thay vì được nâng lên tới bản tính thiêng liêng, do đức tin của họ đã rời xa bản tính siêu việt thật sự của Thiên Chúa."

[89] Ambrose, In Lucam IV,67, CSEL 32, tr. 173.

[90] A. Grillmeier, "Lời cầu nguyện gửi Đức Giêsu" và "Lời cầu nguyện Đức Giêsu" (Das "Gebet zu Jesusˮ und das "Jesusgebetˮ), trong Các mảnh về Kitô học. Nghiên cứu về hình ảnh Đức Kitô trong Hội thánh cổ đại (Fragmente zur Christologie. Studien zum altkirchlichen Christusbild), Fribourg 1997, tr. 357-371.

[91] 2 Cr 12,8.9; Rm 10,12; 2 Pr 3,18; các lời kêu cầu được chèn vào phụng vụ: 1 Cr 16,22; Kh 22,20; cf. Didachè 10,6.

[92] Đặc biệt là Pl 2,6-11; Cl 1,15-20; Ep 1,3-10; 1 Tm 3,16; Kh 5,6-14.

[93] Xem De oratione trong Origen, Về cầu nguyện; Khích lệ tử đạo (De la prière; Exhortation au martyre), giới thiệu, dịch thuật và ghi chú bởi G. Bardy, Paris, Librarie Lecoffre-Gabalda, 1932, X,2, tr. 55; XV,1, tr. 77: "Nếu chúng ta hiểu đúng bản chất của lời cầu nguyện, có lẽ chúng ta sẽ thấy rằng không nên cầu nguyện với bất kỳ hữu thể nào được tạo thành, thậm chí không nên cầu nguyện với Đức Kitô"; XVI,1: tr. 81-82; Contra Celsum, VIII, 13, ed. và dịch M. Borret, s.j., Paris, Cerf, SC 150, 1969, tr. 200-203.

[94] Basil thành Caesarea, Về Chúa Thánh Thần, 25-29.68, SC 17bis, tr. 334-350; tr. 488-490.

[95] Ví dụ Athanasius, sử dụng doxologia truyền thống theo cách chống lại thuyết Sabellius (anti-sabellian), và Basil thành Caesarea, Về Chúa Thánh Thần, 3.4.16, SC 17bis, tr. 256-260 và tr. 298-300, nhấn mạnh sự khác biệt giữa oikonomia (sự trung gian cứu độ của Đức Kitô) và theologia (Con có tầm quan trọng ngang bằng với Cha).

[96] Xem ví dụ Traditio apostolica: trong lễ tấn phong giám mục và linh mục, cũng như trong Kinh Nguyện Thánh Thể, doxologia cuối cùng như sau: "qua tôi tớ của Ngài Đức Giêsu Kitô, nhờ Người mà vinh quang thuộc về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần"; Origen, Bài giảng về thánh Luca: văn bản tiếng Latinh và các đoạn tiếng Hy Lạp (Homélies sur S. Luc: texte latin et fragments grecs), XXXVII, 5, giới thiệu, dịch thuật và ghi chú bởi H. Crouzel, F. Fournier, P. Périchon, Paris, Cerf, SC 87, 1962, tr. 440-441; Gregory thành Nazianzus, Oratio 19, n° 17, PG 35, cột 1064: "một vinh quang thần linh duy nhất và giống nhau, cho Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần"; Oratio 17, n° 13, PG 35, cột 981: "...trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng mà vinh quang, quyền năng, danh dự và sự thống trị thuộc về Người, với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, như đã có và sẽ có, bây giờ và đến muôn thuở muôn đời".

[97] Basil thành Caesarea, Về Chúa Thánh Thần, XXIX,73, SC 17bis, tr. 511. Ví dụ về giám mục Leontius thành Antioch cho thấy vấn đề hình thức của doxologia có thể trở nên căng thẳng như thế nào trong đời sống của các Hội thánh địa phương: để không làm mất lòng người theo thuyết Arius cũng như với những người chống đối họ, ông không còn đọc to các lời của doxologia, mà "người ta chỉ còn nghe thấy phần kết: đến muôn thuở muôn đời'": Theodoret thành Cyr, Hist. eccl. 2,24,3, SC 501, tr. 446.

[98] Basil thành Caesarea, Epistula 159, 2; ep. 125, 3, Courtonne II, tr. 86 s., sau đó tr. 33s. Xem thêm Về Chúa Thánh Thần, VII,16, SC 17bis, tr. 298-301; X,24, tr. 332-335; X,26, tr. 336-339.

[99] Bản văn trong A. Grillmeier, Các mảnh về Kitô học, Fribourg 1997, tr. 365.

[100] Gregory thành Nyssa, Thư, giới thiệu, dịch thuật và ghi chú bởi P. Maraval, Paris, Cerf, SC 363, tr. 283-285.

[101] Cassiodore, Expositio psalmorum, prooem. n° 17, CCSL 97, tr. 22-23.

[102] Thượng hội đồng Vaison thứ hai (524 sau Công nguyên), giáo luật 5, Mansi 8, cột 725: "Quia non solum in sede apostolica, sed etiam per totum Orientem et totam Africam vel Italiam propter Haereticorum astutiam, qui Dei filium non semper cum Patre fuisse, sed a tempore coepisse blasphemant, in omnibus clausulis post Gloriam patri etc. Sicut erat in principio dicitur; etiam et nos in universis ecclesiis nostris hoc ita dicendum esse decernimus." (Bởi vì không chỉ tại Tòa Thánh, mà còn trên khắp phương Đông và toàn châu Phi cùng Ý, để đối phó với sự xảo quyệt của những kẻ lạc giáo, những kẻ báng bổ khi nói rằng Con Thiên Chúa đã không luôn hiện hữu cùng Chúa Cha, mà chỉ bắt đầu từ một thời điểm nào đó, nên trong mọi kết thúc sau câu "Vinh danh Chúa Cha v.v." đều có câu "Như đã có từ thuở ban đầu"; chúng tôi cũng quyết định rằng điều này phải được đọc như vậy trong tất cả các nhà thờ của chúng tôi.)

[103] Sozomen, Hist. eccl. 8, 8, 1-3, GCS NF 4, tr. 360s.; Ambrose, Contra Auxentium sermo de basilicis tradendis n° 34, CSEL, 82/3, tr. 105.

[104] Xem, ví dụ, De Nativitate IV, 143-214 và XI. Văn bản De Nativ. IV, 154-156 rất rõ ràng: "Trong khi Người nằm trên lòng Mẹ mình / trong lòng Người, mọi loài thọ tạo đều an nghỉ. / Người im lặng như một hài nhi / nhưng tuy thế Người làm cho các thụ tạo của Người / thực hiện tất cả mệnh lệnh của Người. / Vì không có Đấng Sinh ra đầu tiên, / không người nào có thể / tiếp cận Yếu Tính Thiên Chúa. / Chỉ mình Người mới có thể làm được" (ed. Beck, Louvain 1959, CSCO 186, tr. 39; 187, tr. 34; bản dịch tiếng Pháp F. Cassingena-Trévedy, o.s.b., Paris, Cerf, 2001, SC 459, tr. 103).

[105] De fide LXXVI, 1-3. 7, (ed. Beck, Louvain, 1955, CSCO 154, tr. 232-233; 155, tr. 198-199; bản dịch tiếng Anh, J. T. Wikes, St. Ephrem the Syrian. The Hymns on Faith, Washington D.C., CUA Press, 2015, tr. 361-362); ibid., VI, 1-8 (CSCO 154, tr. 24-27; 155, tr. 18-20; Wikes, tr. 90-93).

[106] Xem các thánh ca De fide, XL và LXXIII.

[107] Thánh ca De fide, LII, 1-3 (CSCO 154, tr. 161-162; CSCO 155, tr. 138; Wikes, tr. 269).

[108] Ephrem thành Nisibe, Thánh ca chống lại các lạc giáo. Thánh ca chống lại Julian (Hymnes contre les hérésies. Hymnes contre Julien), tập I. Thánh ca chống lại các lạc giáo I-XXIX, XXII, 20, Bản văn phê bình của CSCO bởi E. Beck, o.s.b.; giới thiệu, dịch thuật, ghi chú và chỉ mục bởi D. Cerbelaud, o.p., Paris, Cerf, SC 587, 2017, tr. 399. Cần lưu ý rằng, mặc dù giáo huấn của thánh Ephrem hoàn toàn phù hợp với tính chính thống của Nixêa, từ vựng và cách diễn đạt không phải là của Nixêa, điều này chắc chắn là do hình thức, được chọn một cách có ý thức, mang tính thơ ca và phi diễn ngôn, của giáo huấn này. Cf. Wikes, tr. 36-39.

[109] Balaï (Balaeus), Gebete, BKV 26, tr. 92s.; Isaac thành Antioch, bài thơ thứ nhất về sự Nhập thể (S. Isaaci Antiochi Opera omnia I, ed. G. Bickell, 1873, tr. 23).

[110] Prudentius, Apotheosis, dòng 309-311, CCSL 126, tr. 87.

[111] Xem Irenaeus, thường được Henri de Lubac trích dẫn: "Omnem novitatem attulit, semetipsum afferens", Irenaeus thành Lyon, Chống lại các lạc giáo, IV,34,1, ed. A. Rousseau, tập II, SC 100, Paris, Cerf, 1965, tr. 846-847; xem thêm Đức Phanxicô, Evangelii gaudium, 2013, n° 11.

[112] Về sự phân biệt này, xem Công đồng hoàn vũ Vatican II, Hiến chế Tín lý Dei Verbum, I, n. 2-5 và II, n. 7-8.

[113] "Chúng ta không thể biết Thiên Chúa mà không có sự giúp đỡ của Thiên Chúa", Irenaeus thành Lyon, Chống lại các lạc giáo, IV,5,1, tập II, SC 100, tr. 426-427.

[114] "Nếu chúng ta nhận lời chứng của con người, thì lời chứng của Thiên Chúa còn mạnh hơn, vì đó là lời chứng của Thiên Chúa: Người đã làm chứng cho Con của Người. Ai tin vào Con Thiên Chúa thì có lời chứng ấy nơi mình" (1 Ga 5,9).

[115] Công đồng hoàn vũ Vatican II, Hiến chế Tín lý Dei Verbum, I, n° 2.

[116] J. Ratzinger, Các tác phẩm tuyển tập (Gesammelte Schriften), Tập VI/1, 408f, Biên tập: Gerhard Ludwig Müller, Freiburg im Breisgau, Herder Verlag, 2014; J. Ratzinger/Bênêđictô XVI, Đức Giêsu thành Nazareth, 1. Từ Phép rửa ở sông Jordan đến Biến hình (Jésus de Nazareth, 1. Du Baptême dans le Jourdain à la Transfiguration), Paris, Flammarion, 2007, tr. 377-378.

[117] Xem Công đồng hoàn vũ Vatican II, Hiến chế Tín lý Dei Verbum, I, n. 2; cf. 2 Pr 1,4.

[118] Xem Thomas d'Aquin, Tổng luận Thần học (Somme théologique), II-II, q.25, a.1, Resp.

[119] Phaolô nhấn mạnh rằng Đức Kitô làm cho chúng ta đi vào chính tư tưởng của Thiên Chúa, vì ông trích dẫn Isaia 40,13: "Ai đã biết tư tưởng của Chúa (LXX: noun Kuriou; Heb: ruah Adonai) để hướng dẫn Người? Nhưng chúng ta, chúng ta có tư tưởng của Đức Kitô" (cf. cũng Rm 11,34). Xem M. Quesnel, Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, Bình luận Kinh thánh: Tân Ước (La première épître aux Corinthiens, Commentaire Biblique: Nouveau Testament), Cerf, 2018, tr. 88-92.

[120] Đức Phanxicô, Tông thư Lumen Fidei, 2013, n° 18.

[121] Ibid., n° 27, trích dẫn Gregory Cả, Homiliae in Evangelia, II, 27, 4: PL 76, 1207.

[122] Xem Đức Phanxicô, Diễn văn tại Naples nhân dịp hội nghị "Thần học sau Veritatis Gaudium trong bối cảnh Địa Trung Hải", 21 tháng 6 năm 2019, tr. 9.

[123] "Qua sự vĩ đại và vẻ đẹp của các thụ tạo, người ta có thể chiêm ngưỡng, bằng loại suy, Tác giả của chúng" (Kn 13,5). Xem Sancti Thomae de Aquino Scriptum super Sententiis liber I, q. 1, a. 2, ad 2, đề cập đến "analogia creaturae ad creatorem".

[124] Xem M. Lochbrunner, Analogia Caritatis. Darstellung und Deutung der Theologie Hans Urs von Balthasars (Loại suy của Đức ái. Trình bày và Giải thích thần học của Hans Urs von Balthasar), Freiburg im Brisgau – Basel – Wien, Herder, tuyển tập "Freiburger Theologische Studien" (Nghiên cứu Thần học Freiburg), số 120, 1981, tr. 62 và tr. 292-293. Xem thêm Ủy ban Thần học Quốc tế (CTI), Théologie, christologie et anthropologie (Thần học, Kitô học và Nhân học), 1981, D, số 1: "Sứ điệp có đối tượng là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xuất hiện dưới dấu chỉ Kinh Thánh của vì anh em. Do đó, toàn bộ Kitô học phải được nghiên cứu từ quan điểm cứu độ học. Vì vậy, theo một nghĩa nào đó, các tác giả hiện đại đã cố gắng phát triển một Kitô học "chức năng" là điều hợp lý. Nhưng ngược lại, cũng cần phải khẳng định rằng "hiện hữu cho người khác" của Đức Giêsu Kitô không thể tách rời khỏi mối tương quan của Người với Chúa Cha cũng như sự hiệp thông thâm sâu của Người với Chúa Cha, và do đó, điều này phải được xây dựng trên nền tảng tư cách Con đời đời của Người. Pro-existentia (hiện hữu vì) của Đức Giêsu Kitô, qua đó Thiên Chúa thông truyền chính mình cho nhân loại, giả định tiền hiện hữu của Người."

[125] Đó là lý do tại sao thánh Thomas d'Aquin nhấn mạnh rằng Adam đã được ban cho ân sủng khi được tạo dựng, nếu không ông đã không thể thực hiện ơn gọi con người của mình. Xem Sancti Thomae de Aquino Scriptum super Sententiis liber II, d.29, q.1, a.2; d.30, q.1, a.1; Tổng luận Thần học, I, q.95, a.1; I-II, q.109, a.5.

[126] J. Ratzinger/Bênêđictô XVI, Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu, Đóng góp cho một Kitô học thiêng liêng (Ils regarderont celui qu'ils ont transpercé, Contributions à une christologie spirituelle), dịch từ tiếng Đức bởi R. Kremer và M.L. Wilverth-Guitard, Paris, Éd. Salvator, 2006, tr. 29 (JRGS VI/2, tr. 701).

[127] Ibid., tr. 30-31 (JRGS VI/2, tr. 702).

[128] "Quả thật, quả thật, Thầy nói với các ông: người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; điều gì Chúa Cha làm, người Con cũng làm như vậy. Vì Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, và Người sẽ còn cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa, khiến chính các ông cũng phải kinh ngạc" (Ga 5,18-20); "Đây là điều răn mà anh em đã nghe từ ban đầu: chúng ta hãy yêu thương nhau" (1 Ga 3,11).

[129] J. Ratzinger/Bênêđictô XVI, Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu, tr. 38 (JRGS VI/2, tr. 707).

[130] Xem Bênêđictô XVI, Tông thư Caritas in veritate, 2009, n° 33.

[131] P. Florensky, La colonne et le fondement de la vérité (Cột trụ và nền tảng của chân lý), L'Âge d'Homme, Lausanne, 1975, tr. 42 (bản dịch có chỉnh sửa). Khi Florensky đề cập đến "định nghĩa về Hội thánh", thay vì nói về định chế Hội thánh, ông muốn nói đến mầu nhiệm Hội thánh trong tất cả chiều sâu huyền nhiệm và thần học của nó.

[132] "ΤοῦΘεοῦΛόγονἀρνούμeνοι, εἰκότωςκαὶλόγονπαντόςεἶσινἕρημοι", Athanasius, Tín điều của Nixêa (Il credo di Nicea), I, 2,1, dịch E. Cattaneo, Roma, Città Nuova, 2001 (cf. PG 25, 425 D-428 A); tr. cit. tr. 57. Xem thêm Athanasius, De decretis Nicaenae synodi, trong L. Dîncă, Đức Kitô và Ba Ngôi trong Athanasius Alexandria, tr. 334-380.

[133] Xem Augustin, Tự thú (Confessions), III, vi, 11, CCL 27, tr. 33; Thomas d'Aquin, Tổng luận Thần học, I, q.104, a.1, Resp.

[134] Cf. supra, § 32 đến 37.

[135] Xem CTI, Thần học, Kitô học và nhân học, 1982, C.

[136] Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, 2013, III, n° 115.

[137] "Đặc điểm riêng của con người là chỉ có thể đạt đến nhân tính một cách đích thực và trọn vẹn thông qua văn hóa, nghĩa là bằng cách vun trồng những thiện ích và những giá trị của thiên nhiên", Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng), II, ch. II, số 53, § 1.

[138] Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, 2013, III, n° 115. Xem thêm, như các ví dụ, cùng tác giả, Thư về vai trò của văn học trong việc đào tạo (Lettre sur le rôle de la littérature dans la formation), 17 tháng 7 năm 2024; Thư về việc canh tân nghiên cứu lịch sử Hội thánh (Lettre sur le renouvellement de l'étude de l'histoire de l'Église), 21 tháng 11 năm 2024.

[139] Đức Phanxicô, Hiến chế Tông đồ Veritatis Gaudium, 2017, n° 2, lấy cảm hứng từ Tông huấn của Đức Giáo hoàng Phaolô VI, Evangelii nuntiandi, 1975, 19.

[140] Công đồng hoàn vũ Vatican II, Sắc lệnh Ad gentes, II, n° 11.

[141] Ví dụ, Egô eimi của Tin Mừng thứ tư, hoặc thuật ngữ của Dt 1,3 hoặc của 2 Pr 1,4.

[142] "Khi Hội thánh tiếp xúc với những nền văn hóa lớn mà trước đây Hội thánh chưa từng gặp gỡ, Hội thánh không thể bỏ lại đằng sau những gì Hội thánh đã đạt được qua việc hội nhập văn hóa trong tư tưởng Hy-La. Từ chối một di sản như vậy sẽ đi ngược lại ý định quan phòng của Thiên Chúa, Đấng dẫn dắt Hội thánh của Ngài dọc theo các nẻo đường của thời gian và lịch sử", Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Đức tin và Lý trí, 1998, VI, số 72. [143] Ibid., VI, n° 71.

[144] Xem chủ đề "thần học lắng nghe" như thuốc giải độc cho "hội chứng Babel", Đức Phanxicô, Diễn văn tại Naples nhân dịp hội nghị "Thần học sau Veritatis Gaudium trong bối cảnh Địa Trung Hải", 21 tháng 6 năm 2019, tr. 4-5.

[145] Sự thanh tẩy và biến đổi các nền văn hóa này là điều cho phép tránh nguy cơ chủ nghĩa tương đối, được nhấn mạnh bởi Bộ Giáo lý Đức tin, Dominus Iesus, 2000, n° 4.

[146] "Sự gặp gỡ của đức tin với các nền văn hóa khác nhau thực tế đã tạo ra một thực tại mới", Gioan Phaolô II, Thông điệp Đức tin và Lý trí, 1998, VI, n° 70. Về việc duy trì bản sắc văn hóa, xem ibid., n° 71.

[147] Gửi Diognetus, V,1-4, trong B. Pouderon, J.-M. Salamito, V. Zarini, Các tác phẩm Kitô giáo đầu tiên, tr. 813.

[148] "Trong tương lai, núi Nhà Đức Chúa sẽ được thiết lập vững chắc trên đỉnh các núi, vượt lên trên các đồi. Tất cả các dân tộc sẽ đổ về đó. Nhiều dân tộc sẽ lên đường và nói: "Nào, chúng ta hãy lên núi Đức Chúa, đến Nhà Thiên Chúa của Giacóp. [...] Vì từ Sion, Lề Luật ban xuống, và từ Giêrusalem, lời Đức Chúa phán ra. [...] Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến" (Is 2,2-4; x. Mk 4,1-4); "Nhà Ta sẽ được gọi là: "Nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc" (Is 56,7; x. Dcr 14,16).

[149] Thật là đáng chú ý khi nhận thấy cách thánh Phaolô, khi loan báo Tin Mừng trong dòng chảy của biến cố Ngũ Tuần, đã tôn vinh sự hiệp nhất của gia đình nhân loại tại đồi Arêôpagô: "Từ một người duy nhất, Người đã tạo thành mọi dân tộc để họ ở trên khắp mặt đất, Người đã ấn định những thời kỳ trong lịch sử họ và những ranh giới cho nơi cư trú của họ" (Cv 17,26).

[150] Xem Gioan Phaolô II, Thông điệp Đức tin và Lý trí (1998), VII, n° 95-96.

[151] Xem Alexander Alexandria, Thư gửi Alexander thành Byzantium, 5 (FNS 8,5; Urkunde 14; Dokumente, 17, tr. 46-55)

[152] Xem CTI, Tính hiệp nghị trong đời sống và sứ mệnh của Hội thánh (La synodalité dans la vie et dans la mission de l'Église), 2018, I, n° 19.

[153] Cyprian, Epistula 14, 4 (CSEL III, 2, tr. 512). Phần trình bày về Ignatius Antioch và Cyprian de Carthage này theo sát tài liệu của CTI, Tính hiệp nghị, I, n° 25, mà người đọc nên tham khảo để biết thêm chi tiết.

[154] CTI, Tính hiệp nghị, I, n° 28.

[155] Xem J. A. Brundage, Giáo luật Trung cổ (Medieval Canon Law), London-New York, Longman, 1995, tr. 5.

[156] Một công nghị về nguyên tắc được "điều hành theo nguyên lý đồng thuận và hòa hợp (harmonia) được biểu lộ qua việc đồng tế Thánh Thể, như được ngụ ý trong phần tôn vinh Thiên Chúa kết thúc của Giáo luật tông đồ, số 34", Ủy ban Quốc tế hỗn hợp về đối thoại thần học giữa Hội thánh Công giáo và Hội thánh Chính thống, Văn kiện Ravenna: Hệ quả giáo hội học và giáo luật từ bản chất bí tích của Hội thánh, Hiệp thông Giáo hội, tính công đồng và quyền bính, 2007, số 26; "Hội thánh [mặc khải] chính mình như có tính công giáo trong synaxis (việc tụ họp) của Hội thánh địa phương" (ibid., số 22).

[157] Xem Công đồng hoàn vũ Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, I, n° 10; CTI, Tính hiệp hành, II, n° 47.

[158] CTI, Tính hiệp nghị, II, n° 29.

[159] Rousselot cho rằng một số phương pháp tìm tòi và khám phá tri thức của thánh Tôma tương ứng với một "sự ưu tiên và đi trước mang tính đan xen qua lại" giữa hai nguyên lý không thể tách rời, luôn liên hệ và sắp xếp theo thứ tự với nhau (P. Rousselot s.j., "Đôi mắt của đức tin" (Les Yeux de la foi), RSR, 1910, tr. 448).

[160] Xem Augustin thành Hippo: "Crede ut intelligas", Sermo 43, 7 và 9 (CCSL 41, Pars XI,1, Sermones de Vetere Testamento, tr. 511 và 512); Anselme: "Credo ut intelligam", Proslogion, 1,100, trong Anselme de Cantorbéry, Monologion; Proslogion, giới thiệu, dịch thuật và ghi chú bởi M. Corbin,...; [bản văn tiếng Latinh biên tập bởi Dom F. Schmitt] Paris, Cerf, 1986, tr. 242-243.

[161] "Phải chăng người ta đã muốn, và rất đúng, gán cho chính Công đồng [Vatican II] một mục tiêu mục vụ nhằm đưa sứ điệp Kitô giáo vào dòng chảy tư tưởng, cách diễn đạt, văn hóa, tập quán, và xu hướng của nhân loại như đang sống và hoạt động trên mặt đất ngày nay?", Phaolô VI, Tông thư Ecclesiam suam, 1964, III, n° 70.

[162] Xem Công đồng hoàn vũ Vatican II, Hiến chế Tín lý, Dei Verbum, II, n° 7-8.

[163] Xem Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, 1992, n° 156, với tham chiếu đến hiến chế tín lý Dei Filius của Vatican I, trong chương 3 (DS, 3008).

[164] "Hoc autem testimonium vel est hominis tantum: et istud non facit virtutem fidei, quia homo et fallere et falli potest. Vel istud testimonium est ex iudicio divino: et istud verissimum et firmissimum est, quia est ab ipsa veritate, quae nec fallere, nec falli potest. Et ideo dicit, ad Deum, ut scilicet assentiat his quae Deus dicit" (Chứng tá này, hoặc chỉ là chứng tá của con người: và nếu là như vậy, thì nó không tạo nên sức mạnh của đức tin, bởi vì con người có thể sai lầm và có thể bị lừa. Hoặc chứng tá này là do phán quyết của Thiên Chúa: và đó là điều chân thật nhất và vững chắc nhất, bởi vì nó đến từ chính Sự Thật – Đấng không thể lừa dối cũng không thể bị lừa. Và vì thế, người ta nói rằng: đức tin được quy về Thiên Chúa, nghĩa là, đức tin chấp nhận những điều mà Thiên Chúa phán dạy.) (Sancti Thomae de Aquino Super Epistolam B. Pauli ad Hebraeos lectura [rep. vulgata], cap. 6, l. 1).

[165] Thuật ngữ thường được sử dụng là "sự làm con" (filiation), nhưng ở đây là để nhấn mạnh sự bắt đầu của tư cách làm con, chính chuyển động mà qua đó người ta trở thành con trai và con gái của Thiên Chúa.

[166] "Để khám phá ý hướng của các thánh ký, người ta cần – trong số những điều khác – lưu ý đến cả các “thể vănˮ (genres littéraires). Bởi lẽ, chân lý được trình bày và diễn đạt cách rất khác nhau trong các bản văn mang tính lịch sử, ngôn sứ, thi ca hay các thể loại diễn ngôn khác. […] Tuy nhiên, Thánh Kinh phải được đọc và giải thích dưới ánh sáng của cùng một Thánh Thần đã linh hứng để viết nên.", Công đồng hoàn vũ Vatican II, Hiến chế Tín lý, Dei Verbum, III, n° 12.

[167] "Một nhiệm cục Mặc khải như vậy bao gồm các hành động và lời nói (gestis verbisque) liên kết mật thiết với nhau, đến độ các việc làm do Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu độ xác nhận và củng cố cho giáo huấn cũng như ý nghĩa được diễn đạt qua lời nói; trong khi các lời nói lại công bố các việc làm ấy và soi sáng mầu nhiệm mà chúng bao hàm", Dei Verbum, I, n° 1.

[168] Bênêđictô XVI, Verbum Domini, Tông huấn về Lời Thiên Chúa trong đời sống và trong sứ mệnh của Hội thánh, 2010, n° 55.

[169] "Mầu nhiệm của Hội Thánh — nếu có thể nói như thế — còn sâu thẳm hơn, còn “khó tin” hơn cả Mầu nhiệm của Đức Kitô, vốn dĩ đã khó tin hơn cả Mầu nhiệm của Thiên Chúa.", trong H. de Lubac, Công giáo. Các khía cạnh xã hội của tín điều (Catholicisme. Les aspects sociaux du dogme) (1938), trong Œuvres complètes VII, ed. M. Sales, s.j. – M.-B. Mesnet, 2003, tr. 48-49.

[170] Công đồng hoàn vũ Vatican II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, II, 11.

[171] Xem văn bản tham khảo Sự giải thích các tín điều (L'interpretazione dei dogmi) (1990), II, 3, § 3, trong Commissione Teologica Internazionale, Documenti 1969-2004, ấn bản thứ hai đã sửa đổi và chỉnh sửa, lời tựa Hồng y W. J. Levada; giới thiệu L. Ladaria, SJ, Bologna, Edizioni Studio Domenicano, 2010, tr. 403; xem thêm Công đồng hoàn vũ Vatican I, Hiến chế Tín lý Dei Filius, IV (DH, 3016).

[172] Người ta có thể nghĩ đến ý tưởng về "cuộc đối thoại trong Chúa Thánh Thần", cf. Đức Phanxicô, "Diễn văn khai mạc khóa XVI của công nghị các giám mục", 4 tháng 10 năm 2023: "Hội thánh, một hài hòa duy nhất của các tiếng nói, với nhiều tiếng nói, được tạo ra bởi Chúa Thánh Thần: đó là cách chúng ta phải hiểu Hội thánh."

[173] Xem CTI, Tính hiệp nghị, I, n° 19-21.

[174] Xem CTI, "Sensus fidei" trong đời sống của Hội thánh (Le « sensus fidei » dans la vie de l'Église), 2014, III, n° 67-86.

[175] Xem Công đồng hoàn vũ Vatican II, Hiến chế Tín lý Dei Verbum, II, n° 10.

[176] CTI, "Sensus fidei" trong đời sống của Hội thánh, 2014, III, n° 77.

[177] Công đồng hoàn vũ Vatican II, Sắc lệnh Ad gentes, III, n° 15.

[178] "Toàn bộ đức tin của tôi nằm trong dấu thánh giá bình thường nhất của tôi, và, khi tôi nói 'Lạy Cha chúng con', tôi đã bao gồm tất cả những gì mà kiến thức sẽ chỉ được trao cho tôi trong Mặc khải vinh quang": Y. Congar, Truyền thống và các truyền thống. Khảo luận thần học (La Tradition et les traditions. Essai théologique), Paris, Fayard, ấn bản lần 1, 1963, t. 2, tr. 185.

[179] CTI, Thần học ngày nay: quan điểm, nguyên tắc và tiêu chí (La théologie aujourd'hui: perspectives, principes et critères) (2012), n° 33: "Chủ thể của đức tin chính là toàn thể dân Thiên Chúa, vốn – trong quyền năng của Thánh Thần – tuyên xưng Lời Thiên Chúa. Vì thế, Công đồng tuyên bố rằng toàn thể dân Thiên Chúa tham dự vào chức năng ngôn sứ của Đức Giêsu, và rằng, khi đã lãnh nhận việc xức dầu của Chúa Thánh Thần (1 Ga 2, 20.27), thì “không thể lầm lạc trong đức tin.”".

[180] Tertullian, Sách về các quy tắc chống lại các lạc giáo (Liber de praescriptionibus adversus haereticos), XX,8-9, giới thiệu, bản văn phê bình và ghi chú của R. F. Refoulé, o.p., bản dịch của P. de Labriolle, Paris, Cerf, SC 46, tr. 113-114.

[181] Công đồng hoàn vũ Vatican II, Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, II, n° 12.

[182] Ibid., III, n° 24 in fine, và n° 25.

[183] "Quan niệm về một hình thức tuyên truyền chính trị-tôn giáo như vậy đã được Giáo hội tiếp nhận khi mở rộng trong Đế quốc Rôma. Quan niệm này đã gặp phải một hình thức thần học của dân ngoại, theo đó một vị quân vương thần thánh trị vì, nhưng chính các vị thần của từng dân tộc mới là những đấng cầm quyền. Để đáp lại nền thần học dân ngoại này – vốn được xây dựng phù hợp với cơ cấu của Đế quốc Rôma – các Kitô hữu đã tuyên bố rằng các vị thần dân tộc không thể trị vì, vì các sự phân biệt giữa các dân tộc đã bị xoá bỏ. […] Việc Kitô giáo công bố một Thiên Chúa duy nhất trong ba ngôi vị vượt trên cả Do Thái giáo lẫn dân ngoại giáo, bởi vì mầu nhiệm Ba Ngôi hiện hữu ngay trong bản thể của Thiên Chúa, chứ không phải trong thụ tạo. Điều này cũng đúng đối với sự bình an mà người Kitô hữu kiếm tìm: sự bình an ấy không được đảm bảo bởi bất kỳ hoàng đế nào, nhưng chỉ có thể là quà tặng đến từ Đấng vượt trên mọi lý trí.", trong E. Peterson, Thuyết độc thần như một vấn đề chính trị. Một đóng góp cho lịch sử của thần học chính trị trong Đế quốc La Mã (Der Monotheismus als politisches Problem. Ein Beitrag zur Geschichte der politischen Theologie im Imperium Romanum), Leipzig, 1935, tr. 104s.

[184] CTI, "Sensus fidei" trong đời sống của Hội thánh, 2014: ở n° 26, về Newman và tiêu chí của sensus fidei fidelium chống lại các khác biệt của các giám mục thế kỷ IV; ở n° 34, về khái niệm được đổi mới vào thế kỷ XIX về tính chất chủ động và không chỉ thụ động của sensus fidei fidelium; ở n° 113 và ở n° 118, về mối quan hệ giữa sensus fidei và dư luận đa số, trong và ngoài Hội thánh.

[185] Đức Phanxicô, Tông hiến Veritatis Gaudium, 2017, n° 3.

[186] Thư 90 "Gửi Natalia Dmitrievna Fonvizina, cuối tháng 1-tháng 2 năm 1854, Omsk", trong F. Dostoïevski, Thư từ. Ấn bản toàn tập (Correspondance. Édition intégrale), trình bày và chú thích bởi J. Catteau. Dịch từ tiếng Nga bởi Anne Coldefy-Faucard. Tập 1, 1998, tr. 341.

[187] "[Người nghèo] có rất nhiều điều để dạy chúng ta. Ngoài việc tham dự vào sensus fidei (cảm thức đức tin), chính nhờ những đau khổ riêng của họ mà họ nhận biết được Đức Kitô chịu đau khổ. Tất cả chúng ta đều cần để cho mình được họ loan báo Tin Mừng. Công cuộc tân phúc âm hóa là một lời mời gọi nhận ra sức mạnh cứu độ nơi chính cuộc sống của họ, và đặt họ vào trung tâm hành trình của Hội Thánh. Chúng ta được mời gọi nhận ra Đức Kitô nơi họ, cất tiếng thay cho những nguyên do của họ, nhưng đồng thời cũng trở nên bạn hữu của họ, lắng nghe họ, cảm thông với họ, và đón nhận sự khôn ngoan nhiệm mầu mà Thiên Chúa muốn thông truyền cho chúng ta qua họ.", Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, 2013, III, n° 198.

[188] Xem Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, 1992, n° 540: "Đức Kitô đã chiến thắng Kẻ Cám dỗ cho chúng ta". Xem thêm n° 394, n° 677.

[189] "Được giáo huấn bởi lời nói và gương mẫu của Đức Kitô (Christi verbo et exemplo edocti), các Tông đồ đã đi theo cùng một con đường. Vào những buổi đầu của Hội Thánh, các môn đệ của Chúa Kitô không dùng sự ép buộc hay những thủ đoạn không xứng đáng với Tin Mừng để dẫn dắt mọi người xưng nhận Chúa Kitô là Chúa, mà trước hết là nhờ sức mạnh của Lời Thiên Chúa. Với lòng dũng cảm, họ đã công bố với tất cả mọi người kế hoạch của Thiên Chúa Đấng Cứu Độ "muốn cho tất cả mọi người được cứu độ và đạt đến sự hiểu biết về sự thật" (1 Tm 2,4); nhưng đồng thời, đối với những người yếu đuối, dù sống trong lầm lạc, thái độ của họ luôn là sự tôn trọng, thể hiện cách thức "mỗi người trong chúng ta sẽ phải trả lẽ trước Thiên Chúa về chính mình" (Rm 14, 12), và vì thế, mỗi người phải tuân theo lương tâm của mình. Cũng như Chúa Kitô, các Tông đồ luôn cống hiến để làm chứng cho sự thật của Thiên Chúa, đầy dũng khí để "công bố Lời Thiên Chúa một cách mạnh mẽ" (Cv 4, 31) trước dân chúng và các vị lãnh đạo.", Công đồng hoàn vũ Vatican II, Tuyên ngôn về tự do tôn giáo Dignitatis humanae, II, n° 11.

[190] Đức Phanxicô, Tông thư Dilexit nos, 2024, V, n° 214.

Chia sẻ