Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Sứ Điệp Ngày Thế Giới Cầu Cho Ơn Gọi Của ĐGH Benedict XVI – Năm 2012

Administrator
2018-09-23 10:07 UTC+7 27
SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI CẦU CHO ƠN THIÊN TRIỆU LẦN THỨ 49 CỦA ĐỨC THÁNH CHA BENEDICT XVI Chúa Nhật 29 Tháng 04 Năm 2012 *** *** “Các ơn gọi, ân huệ của Tình Yêu của Thiên Chúa”     Anh chị em thân mến, Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho các Ơn Gọi […]


SỨ ĐIỆP

NGÀY THẾ GIỚI CẦU CHO ƠN THIÊN TRIỆU LẦN THỨ 49

CỦA ĐỨC THÁNH CHA BENEDICT XVI

Chúa Nhật 29 Tháng 04 Năm 2012

***

***

“Các ơn gọi, ân huệ của Tình Yêu của Thiên Chúa”

 

 

Anh chị em thân mến,

Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho các Ơn Gọi lần thứ 49, sẽ được cử hành vào ngày 29.04.2012, nhằm Chúa Nhật IV Phục Sinh, mời gọi chúng ta suy nghĩ về chủ đề: Các ơn gọi, ân huệ của Tình Yêu của Thiên Chúa.

Nguồn mạch của mọi ân huệ tuyệt hảo là Thiên Chúa Tình Yêu – Deus caritas est –: “ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên ở lại trong người đó” (1Ga 4,16). Thánh Kinh tường thuật câu chuyện về mối liên hệ nguyên thủy này giữa Thiên Chúa và nhân loại, mà đi trước cả việc tạo dựng. Viết cho các tín hữu của thành Epheso, thánh Phaolô đã dâng lên Chúa Cha một bài thánh thi biết ơn và ngợi khen, Đấng mà, với lòng nhân từ vô tận, đã thể hiện, qua bao thế kỷ, kế hoạch cứu độ phổ quát của Ngài là kế hoạch tình yêu. Thánh Tông đồ khẳng định: trong Con của Ngài là Chúa Giêsu, Ngài “đã chọn chúng ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, chúng ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người” (Eph 1,4). Chúng ta được Thiên Chúa yêu thương ngay cả “trước khi” chúng ta hiện hữu! Được thúc đẩy chỉ bởi tình yêu vô điều kiện của Ngài, Ngài “đã tạo dựng chúng ta từ hư không” (x. 2Mcb 7,28) để dẫn chúng ta đến hiệp thông trọn vẹn với Ngài.

Thán phục trước công trình của Thiên Chúa Quan Phòng, tác giả thánh vịnh đã thốt lên: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?” (Tv 8,4-5). Như thế, chân lý sâu xa của cuộc sống của chúng ta được chứa đựng trong mầu nhiệm kinh ngạc này: mỗi thụ tạo, cách riêng mỗi nhân vị, là hoa trái của một tư tưởng và của một hành vi tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu bao la, trung tín, vĩnh cửu (x. Gr 31,3). Khám phá thực tại này thực sự thay đổi cuộc sống của chúng ta cách sâu xa. Trong một trang nổi tiếng của cuốn Tự Thuật, thánh Augustin đã mạnh mẽ diễn tả việc ngài khám phá ra Thiên Chúa, vẻ đẹp tuyệt đỉnh và là tình yêu vô tận, một Thiên Chúa đã luôn luôn gần gũi với ngài, Đấng mà, cuối cùng, ngài đã mở rộng tâm trí và tâm hồn của mình để được biến đổi: “Con đã yêu Chúa rất muộn màng, ôi nguồn đẹp vô cùng thiết ái, cũ vô cùng mới mãi ngàn thu, con đã yêu Chúa rất muộn màng! Này Chúa đã ở trong con, thế mà con cứ ở ngoài. Con đã tìm Chúa ở bên ngoài. Con thật vô duyên xấu xa khi mải chạy theo vẻ đẹp của các thụ tạo của Chúa. Chúa đã từng ở với con, thế mà con chẳng ở với Chúa. Các sự vật vẫn giữ con xa Chúa, chúng sẽ không hiện hữu được nếu chúng không ở trong Chúa. Chúa đã gọi con, Chúa đã thét lên, Chúa đã bẻ gãy sự câm điếc của con. Chúa rực sáng, và ánh rạng ngời của Chúa đã cất đi sự mù lòa của con; Chúa đã tỏa hương thơm của Chúa, con đã hít vào, đã thở, con đã nếm thử Chúa, và con đã đói khát Chúa; Chúa đã chạm đến con và còn đã nóng lòng ước mong bình an của Chúa”.[1] Bằng những hình ảnh này, thánh Giám Mục ở Hippone tìm cách mô tả mầu nhiệm khôn dò của cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, với tình yêu biến đổi toàn thể cuộc sống của Ngài.

Đó một tình yêu vô hạn đi trước chúng ta, nâng đỡ chúng ta và kêu gọi chúng ta trên suốt con đường của cuộc sống và được bén rễ trong sự nhưng không hoàn toàn của Thiên Chúa. Đặc biệt, khi quy chiếu đến thừa tác vụ linh mục, vị tiền nhiệm của tôi là Chân Phước Gioan Phaolô II đã khẳng định rằng “bất cứ hành vi thừa tác nào, khi dẫn đến việc yêu mến và phục vụ Giáo Hội, cũng thúc đẩy luôn càng chín muồi hơn trong tình yêu và trong việc phục vụ Đức Kitô là Đầu, Mục Tử và Phu Quân của Giáo Hội; tình yêu ấy luôn luôn được coi là sự đáp trả lại tình yêu đi trước, tự do và nhưng không của Thiên Chúa trong Đức Kitô”.[2] Quả thể, mỗi ơn gọi riêng biệt đều nảy sinh từ sáng kiến của Thiên Chúa, là ân huệ của tình yêu của Thiên Chúa! Chính Ngài đi “bước đầu tiên”, không phải do một sự tốt lành đặc biệt nào đó nơi chúng ta, nhưng nhờ sự hiện diện của tình yêu của Ngài “được Thánh Thần đổ tràn trong tâm hồn chúng ta” (Rm 5,5).

Trong mọi lúc, ở nguồn mạch của tiếng gọi thần linh, luôn có sáng kiến tình yêu vô tận của Thiên Chúa, được biểu lộ trọn vẹn trong Chúa Giêsu Kitô. Như tôi đã viết trong Thông điệp đầu tiên của tôi “Deus caritas est”: “Trên thực tế, Thiên Chúa trở nên hữu hình bằng nhiều cách thức. Trong lịch sử tình yêu mà Thánh Kinh kể cho chúng ta, Ngài đến gặp gỡ chúng ta, Ngài tìm cách chinh phục chúng ta – cho đến Bữa Tiệc Ly, cho đến độ Trái Tim bị đâm thâu trên thập giá, cho đến những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh và cho đến những kỳ công mà qua đó, xuyên qua hoạt động của các Tông đồ, Ngài đã dẫn dắt con đường của Giáo Hội sơ khai. Và cũng thế, tiếp sau đó, trong lịch sử của Giáo Hội, Chúa đã không bao giờ vắng mặt: Ngài luôn đến gặp gỡ chúng ta – nơi những con người mà qua họ Ngài tỏ hiện, cũng như qua Lời của Ngài, trong các Bí tích, đặc biệt trong Bí tích Thánh Thể”.[3]

Tình yêu của Thiên Chúa vẫn luôn mãi tồn tại, Ngài trung tín với chính mình, với “lời đã cam kết cho muôn ngàn thế hệ” (Tv 105 (104), 8). Vì thế, cần phải tái loan báo, cách đặc biệt cho các thế hệ mới, vẻ đẹp lôi cuốn của tình yêu Thiên Chúa, tình yêu đi trước và đồng hành: tình yêu này là sức mạnh sâu kín, là động cơ không bao giờ thiếu, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.

Anh chị em thân mến, chúng ta phải mở cuộc sống chúng ta ra cho tình yêu này, và chính sự hoàn thiện này của tình yêu của Chúa Cha (x. Mt 5,48) mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta mỗi ngày! Quả thế, mức độ cao của cuộc sống của người Kitô hữu hệ tại yêu thương “như” Thiên Chúa; đó là một tình yêu được biểu lộ trong sự tự hiến hoàn toàn, trung tín và phong nhiêu. Trả lời cho Mẹ bề trên của đan viện Ségovie, đang khổ tâm do hoàn cảnh bi thảm đan viện bị vạ trong những năm qua, thánh Gioan Thánh Giá đã mời gọi Mẹ hành động theo kế hoạch của Thiên Chúa: “Đừng nghĩ đến gì khác ngoài việc mọi sự được Thiên Chúa an bài; và ở đâu không có tình yêu, Mẹ hãy đặt tình yêu vào đó và Mẹ sẽ gặt hái được tình yêu”.[4]

Chính trên mảnh đất dâng hiến mở ra cho tình yêu Thiên Chúa và là hoa trái của tình yêu này, mà tất cả các ơn gọi nảy sinh và lớn lên. Và chính khi kín múc ở nguồn mạch này trong đời sống cầu nguyện, cùng với việc năng lui tới với Lời Chúa và các Bí tích, cách riêng Bí tích Thánh Thể, mà ta có thể sống tình yêu đối với tha nhân trong đó ta học biết khám phá khuôn mặt của Chúa Kitô (x. Mt 25,31-46). Để diễn tả mối liên hệ bất khả phân ly liên kết “hai tình yêu” này – tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân – vọt lên từ cùng nguồn mạch thần linh và hướng đến đó, Thánh Giáo Hoàng Gregorio Cả đã dùng đến ví dụ chồi non nẩy mầm: “Trong mảnh đất tâm hồn chúng ta, trước tiên [Thiên Chúa] đã trồng rễ tình yêu hướng về Ngài, và rồi, khi mùa đâm chồi đến, tình yêu huynh đệ đã được phát triển”.[5]

Hai lối diễn tả của cùng một tình yêu thần linh duy nhất này phải được sống với một cường độ đặc biệt và với tâm hồn trong sáng bởi những ai đã quyết định thực hiện một con đường biện phân ơn gọi hướng đến thừa tác vụ linh mục và đời sống thánh hiến; chúng cấu thành yếu tố đặc trưng của nó. Quả thế, tình yêu đối với Thiên Chúa, mà các linh mục và tu sĩ trở thành những hình ảnh hữu hình của tình yêu đó – cho dầu là những hình ảnh bất toàn – luôn là động cơ cho lời đáp trả lại ơn gọi đặc biệt dâng hiến cho Chúa qua việc phong chức linh mục hay việc khấn các lời khuyên Phúc Âm. Câu trả lời mạnh mẽ của thánh Phêrô đối với Thầy: “Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21,15) là bí mật của một cuộc sống hiến dâng và được sống cách tròn đây, và qua đó ngập tràn niềm vui sâu xa.

Lối diễn cụ thể khác của tình yêu, tình yêu tha nhân, nhất là đối với những người nghèo túng và đau khổ nhất, là động lực tốt đẹp nhất biến người linh mục và tu sĩ thành người kiến tạo sự hiệp thông giữa dân chúng và thành người gieo rắc hy vọng. Mối tương quan của người dâng hiến, đặc biệt của người linh mục, với cộng đoàn Kitô hữu là sống còn và do đó trở thành một phần nền tảng của chân trời tình cảm của mình. Về vấn đề này, Cha Sở thánh thiện xứ Ars đã thích lặp đi lặp lại: “Linh mục không phải là linh mục cho mình. […] ngài là linh mục cho anh chị em”.[6]

Anh em Giám mục thân mến, các linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ, các giảng viên giáo lý, nhân viên mục vụ thân mến, và hết thảy anh chị em dấn thân trong lãnh vực giáo dục các thế hệ mới, tôi khuyến khích anh chị em hết sức ân cần chăm chú lắng nghe tất cả những người mà, ở trong các cộng đoàn giáo xứ, các hiệp hội và các phong trào, nhận thấy những dấu hiệu của một ơn gọi linh mục hay ơn gọi thánh hiến đặc biệt. Điều quan trọng trong Giáo Hội là tạo ra những điều kiện thuận lợi để nhiều lời “xin vâng” có thể biểu lộ, như biết bao lời đáp trả quảng đại trước tiếng gọi tình yêu của Thiên Chúa.

Nhiệm vụ của việc mục vụ ơn gọi sẽ là mang lại những đường hướng chỉ đạo cho một hành trình có hiệu quả. Một yếu tố trọng tâm sẽ là tình yêu đối với Lời Chúa, bằng cách vun trồng một sự quen thuộc ngày càng gia tăng với Thánh Kinh, và một đời sống cầu nguyện cá nhân và cộng đoàn chăm chú và kiên trì, để có thể lắng nghe tiếng gọi của Chúa giữa biết bao tiếng nói đang chiếm đầy đời thường. Nhưng trên hết, Thánh Thể phải là “trung tâm sống còn” của mọi hành trình ơn gọi: chính ở đó mà tình yêu của Thiên Chúa nối kết chúng ta trong hy lễ của Chúa Kitô, sự diễn tả hoàn hảo của tình yêu, chính ở đó mà chúng ta luôn học biết thêm nữa sống theo “mức độ cao” của tình yêu Thiên Chúa. Như thế, Lời Chúa, cầu nguyện và Thánh Thể là kho tàng quý giá giúp cho hiểu vẻ đẹp của một cuộc sống hoàn toàn dâng hiến cho Nước Thiên Chúa.

Tôi cầu chúc cho các Giáo Hội địa phương, nơi những thành phần khác nhau của mình, trở nên “những nơi chốn” cho sự biện phân chăm chú và cho sự chứng thực sâu xa các ơn gọi, mang lại cho giới trẻ một sự đồng hành thiêng liêng khôn ngoan và vững chắc. Bằng cách này, chính cộng đoàn Kitô hữu trở thành một biểu lộ Tình Yêu của Thiên Chúa, săn sóc mọi ơn gọi. Một sự năng động như thế, đáp lại những đòi hỏi của lệnh truyền mới của Chúa Giêsu, có thể tìm thấy một sự thể hiện hùng hồn và đặc biệt nơi các gia đình Kitô hữu, mà tình yêu của chúng là sự diễn tả tình yêu của Chúa Kitô, Đấng đã tự hiến cho Giáo Hội của Ngài (x. Ep 5,32). Trong các gia đình là “những cộng đồng sự sống và tình yêu”,[7] các thế hệ mới có thể có một kinh nghiệm tuyệt vời về tình yêu dâng hiến này. Quả thật, chúng không chỉ là nơi ưu tiên cho việc huấn luyện nhân bản và Kitô giáo, nhưng chúng có thể được coi là “chủng viện đầu tiên và tuyệt hảo cho ơn gọi sống đời dâng hiến cho Nước Thiên Chúa”,[8] bằng cách, ngay ở trong gia đình, giúp tái khám phá vẻ đẹp và tầm quan trọng của thiên chức linh mục và đời sống thánh hiến. Ước gì các vị mục tử và tất cả các tín hữu giáo dân luôn biết cộng tác để trong Giáo Hội “những tổ ấm và trường học hiệp thông” này ngày càng gia tăng, theo khuôn mẫu của Thánh Gia Thất ở Nadarét, phản ảnh hài hòa cuộc sống của Chúa Ba Ngôi trên trần gian.

Anh em Giám mục đáng kính, cùng với những lời cầu chúc này, tôi hết lòng ban Phép Lành Tòa Thánh cho anh em, cho các linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ và cho tất cả anh chị em giáo dân, cách riêng cho các bạn trẻ đang bắt đầu với một tâm hồn ngoan ngoãn lắng nghe tiếng gọi của Thiên Chúa Chúa, sẵn sàng đón nhận tiếng gọi đó bằng một lòng gắn bó quảng đại và trung tín.

 

Ban hành tại Vatican, ngày 18 tháng 10 năm 2011

+ BENEDICTUS XVI

Giáo Hoàng

 

 

– Lm. Giuse Trần Đức Anh, O.P.,

chuyển ý từ nguyên bản tiếng Italia.

 

 

 

 


[1] Thánh Augustin, Tự Thuật, X, 27.38.

[2] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores dabo vobis (Đào tạo Linh mục trong hoàn cảnh ngày nay), Ngày 25-03-1992, số 25.

[3] Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Thông điệp Deus caritas est (Thiên Chúa là tình yêu), Ngày 25-12-2005, số 17.

[4] Thánh Gioan Thánh Giá, Thư 26.

[5] Đức Giáo Hoàng Gregorio Cả, Moralium Libri, sive expositio in Librum B. Job, Lib. VII, cap. 24, 28; PL 75, 780D.

[6] Le Curé d’Ars. Sa pensée – Son cœur, Foi Vivante, 1966, p. 100.

[7] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et spes (Vui mừng và Hy vọng), số 48.

[8] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio (Gia đình Kitô hữu), Ngày 22-11-1981, số 53.

 

 

 

Chia sẻ