Sứ Điệp Ngày Thế Giới Cầu Cho Ơn Gọi Của ĐGH Phanxicô – Năm 2015
SỨ ĐIỆP
NGÀY THẾ GIỚI CẦU CHO ƠN THIÊN TRIỆU LẦN THỨ 52
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
Chúa Nhật 26 Tháng 04 Năm 2015
***
***
“Xuất hành: kinh nghiệm cơ bản về ơn gọi”
Anh chị em thân mến,
Chúa Nhật thứ IV mùa Phục Sinh giới thiệu cho chúng ta hình ảnh người Mục Tử Nhân Lành, Đấng biết rõ chiên của mình, kêu gọi chúng, nuôi dưỡng chúng và hướng dẫn chúng. Đã hơn 50 năm nay, chúng ta cử hành ngày Chúa Nhật này như là ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi. Điều này nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc cầu nguyện, như Đức Giêsu đã nói với các môn đệ, để xin “Chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,2). Đức Giêsu nói về lệnh truyền này trong bối cảnh sai đi truyền giáo: ngoài mười hai tông đồ, Ngài còn kêu gọi thêm bảy mươi hai môn đệ khác và sai họ cứ từng hai người ra đi thực thi sứ mạng (Lc 10,1-16). Thực ra, nếu Giáo Hội “mang bản chất truyền giáo”,[1] thì ơn gọi Kitô hữu không là gì khác hơn ngoài việc được sinh ra từ kinh nghiệm truyền giáo. Như thế, lắng nghe và bước theo tiếng gọi của Đức Kitô, vị Mục Tử Nhân Lành, để cho Ngài lôi cuốn và hướng dẫn, và hiến thánh chính đời sống của mình cho Ngài, có nghĩa là để cho Thánh Thần đưa chúng ta vào năng động truyền giáo này, khơi lên trong chúng ta khao khát và sự can đảm với trọn niềm vui để hiến dâng cuộc sống của mình và sử dụng cuộc sống ấy vì Nước Chúa.
Chúng ta chỉ có thể hiến dâng đời sống mình cho việc truyền giáo khi chúng ta biết ra khỏi chính mình. Vì thế, trong ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi lần thứ 52 hôm nay, tôi muốn suy tư về việc “xuất hành” này, vốn cũng là một ơn gọi, hay đúng hơn, là lời đáp của chúng ta với ơn gọi mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Khi chúng ta nghe đến từ “xuất hành”, chúng ta thường nghĩ ngay đến những trang sử tuyệt vời lúc ban đầu của tình yêu giữa Thiên Chúa và con dân của Ngài, sự giải phóng và hành trình tiến về vùng đất hứa. Sách Xuất Hành – sách thứ hai của Kinh Thánh -, là sách tường thuật lại lịch sử này, đã làm toát lên một dụ ngôn của tất cả lịch sử cứu độ, cũng như của năng động nền tảng của đức tin Kitô giáo. Thực ra, vượt qua tình trạng nô lệ của con người cũ đế tiến nào đời sống mới trong Đức Kitô là một công trình cứu chuộc diễn ra trong chúng ta nhờ đức tin (Ep 4,22-24). Cuộc vượt qua này đích thực là một “cuộc xuất hành”, là một hành trình của người Kitô hữu và của toàn thể Giáo Hội, một sự chuyển đổi quyết định của chúng ta hướng về Chúa Cha.
Ngay tại gốc rễ của mỗi ơn gọi Kitô hữu, có một chuyển động nền tảng của kinh nghiệm đức tin: tin có nghĩa là buông mình, đi ra khỏi sự thoải mái và cứng nhắc của cái tôi để đặt trọng tâm đời sống mình nơi Đức Giêsu Kitô; như Abraham bỏ lại quê hương để thực hiện một cuộc hành trình với lòng tin, biết rằng Thiên Chúa sẽ chỉ đường giúp ông hướng về miền đất hứa. “Sự ra khỏi” này không phải là một kiểu xem thường cuộc sống của mình, hay bỏ qua những cảm xúc, nhân tính của mình; trái lại, ai dám đặt mình bước theo Đức Kitô, thì sẽ tìm thấy lại sự sống ấy cách tràn trề, hiến mình để phục vụ Thiên Chúa và Vương Quốc của Ngài. Đức Giêsu đã từng nói rằng: “Ai từ bỏ nhà cửa, anh chị em, cha mẹ, con cái, ruộng đất vì danh Thầy thì sẽ nhận lại được gấp trăm lần và sẽ được thừa hưởng sự sống đời đời” (Mt 19,29). Tất cả những gì bám rễ sâu sắc trong tình yêu. Thực ra, ơn gọi Kitô hữu trên hết là một lời mời gọi tình yêu lôi cuốn chúng ta và làm cho chúng ta vượt lên trên chính mình, xé toạc con người và đẩy ta vào “ một cuộc xuất hành liên lỉ ra khỏi chính cái tôi đóng kín của mình đế tiến về sự tự do trong việc trao ban chính mình nhờ tìm lại được chính mình, mà trên hết là qua việc khám phá ra Thiên Chúa”.[2]
Kinh nghiệm xuất hành là một mẫu thức của đời sống Kitô hữu, đặc biệt là đối với những ai sống một ơn gọi đặc biệt: dâng mình để phục vụ cho Tin Mừng. Nó bao gồm một thái độ không ngừng canh tân việc hoán cải và biến đổi, luôn đặt mình trên một cuộc hành trình, một cuộc vượt qua từ cái chết hướng về sự sống như chúng ta vẫn hay cử hành trong phụng vụ: đó chính là năng động của kinh nghiệm vượt qua. Từ lời mời gọi của Abraham đến lời mời gọi dành cho Moses, từ cuộc hồi hương của dân Israel trong sa mạc đến cuộc hoán cải mà các ngôn sứ loan báo, cuối cùng là hành trình sứ mạng của Đức Giêsu mà đỉnh điểm là cái chết và sự phục sinh của Ngài, ơn gọi luôn luôn là xuất phát từ Thiên Chúa, Đấng làm cho chúng ta ra khỏi tình trạng ban đầu của mình, giải thoát chúng ta khỏi mọi hình thức nô lệ, phá vỡ những thói quen và sự dửng dưng của chúng ta, đưa chúng ta vào niềm vui hiệp thông với Thiên Chúa và với anh chị em. Vì thế, đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa là để cho Ngài làm cho chúng ta thoát ra khỏi cái kiên cố sai lầm của chúng ta để đặt chúng ta vào cuộc hành trình tiến về Đức Giêsu Kitô, điểm đầu cũng là điểm cuối của đời sống và hạnh phúc của chúng ta.
Tiến trình xuất hành này không chỉ nhắm tới lời mời gọi cá nhân, nhưng còn nhắm tới hoạt động truyền giáo và truyền giảng Tin Mừng của toàn thể Giáo Hội. Giáo Hội sẽ trung tín với Thầy của mình khi Giáo Hội biết “đi ra”, chứ không đóng kín trong chính mình, trong cấu trúc và thành quả của mình; Giáo Hội trên hết phải có khả năng ra đi, chuyển mình, gặp gỡ con cái Thiên Chúa trong hoàn cảnh thực tế của họ và đồng hành với họ, giúp họ vượt qua những nỗi đau. Thiên Chúa đã ra khỏi chính mình trong năng động Ba Ngôi tình yêu, Ngài đã nghe thấy cơn khốn cùng của dân Ngài, và đã can thiệp để giải thoát họ (Xh 3,7). Giáo Hội cũng phải trở nên và phải hành động như thế: Giáo Hội truyền giảng Tin Mừng phải đi ra để gặp gỡ con người, loan báo Lời giải thoát của Tin Mừng, chữa lành nỗi đau về thể xác cũng như tinh thần với ơn Chúa, nâng dậy những người nghèo và người túng thiếu.
Anh chị em thân mến, cuộc xuất hành tự do hướng về Đức Kitô và anh chị em này cũng tượng trưng cho một đời sống, nơi đó có sự hiểu biết nhau cách trọn vẹn giữa con người và có sự thăng tiến trên bình diện con người lẫn xã hội trong lịch sử. Lắng nghe và đón nhận lời mời gọi của Chúa không là một vấn đề riêng tư và cá nhân để người ta có đối diện với nó bằng cảm xúc nhất thời; đó là một sự dấn thân cụ thể, thực tế và trọn vẹn, bao trùm lấy toàn bộ sự hiện hữu của chúng ta để chúng ta có thể dùng sự hiện hữu ấy của mình mà dựng xây Nước Chúa trên trần gian. Vì thế, ơn gọi Kitô hữu, bắt nguồn từ việc chiêm ngắm Thánh Tâm Chúa Cha, cũng đồng thời thúc đẩy chúng ta đến việc dấn thân trong sự liên đới với nhau để mang đến tự do cho anh chị em, mà trên hết là những người nghèo. Người môn đệ của Đức Giêsu có một con tim rộng mở hướng đến những chân trời không biên giới, và sự thân thiết của người ấy với Thiên Chúa không bao giờ là một cuộc trốn chạy khỏi cuộc sống, khỏi thế giới, nhưng ngược lại, nó chủ yếu được thiết định để trở thành một sự hiệp thông mang tính sứ mạng”.[3]
Hành trình xuất hành này, hướng đến Thiên Chúa và con người, sẽ khỏa lấp đời sống chúng ta với nhiều niềm vui và ý nghĩa. Tôi muốn nói điều này cách đặc biệt với những bạn trẻ, những người trẻ tuổi và có một cái nhìn về tương lai ngời sáng trong đôi mắt, luôn sẵn sàng và quảng đại. Đôi khi, do không biết hay do bận tâm về tương lai và những bấp bênh gặp phải trong cuộc sống thường ngày, họ đã tê liệt đi nhiệt huyết của mình, đánh mất ước mơ, để rồi cho rằng chẳng đáng phải dấn thân, hay Thiên Chúa của đức tin Kitô giáo giới hạn tự do của mình. Thế nhưng, các bạn trẻ thân mến, đừng sợ ra khỏi chính mình và đặt mình vào một cuộc hành trình! Tin Mừng là lời giải phóng, biến đổi và làm cho cuộc sống của chúng ta thêm đẹp. Thật tuyệt vơi biết bao khi ta biết để mình được lời mời gọi của Thiên Chúa làm cho ngạc nhiên, đón nhận Lời Ngài, bước đi theo dấu chân của Đức Giêsu, trong việc phụng thờ mầu nhiệm Thiên Chúa và quảng đại hiến thân cho người khác! Đời sống của chúng ta sẽ mỗi ngày trở nên phong phú hơn và chan chứa niềm vui hơn!
Đức Trinh Nữ Maria, mẫu gương của mọi ơn gọi, đã không sợ hãi khi thưa tiếng “xin vâng” trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Nguyện xin Mẹ đồng hành với chúng ta và dẫn dắt chúng ta. Cùng với sự can đảm đầy quảng đại của đức tin, Mẹ đã hân hoan ra khỏi chúng mình và đặt trọn toàn bộ kế hoạch đời mình nơi Thiên Chúa. Chúng ta hãy hướng về Mẹ để xin Mẹ giúp chúng ta biết hoàn toàn sẵn sàng cho kế hoạch mà Thiên Chúa đã khơi lên trong chúng ta; để chúng ta thêm lòng khao khát bước ra và lên đường, với lòng hăng hái, hướng về người khác (x. Lc 1,39). Nguyện xin Mẹ bảo vệ chúng ta và chuyển cầu cho tất cả chúng ta.
Ban hành tại Vatican, ngày 29 tháng 03 năm 2015,
Chúa Nhật Lễ Lá.
+ FRANCISCUS
Giáo Hoàng
– Lm. Giuse Trần Đức Anh, O.P.,
chuyển ý từ nguyên bản tiếng Italia.
[1] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Ad Gentes (Đến với muôn dân), số 2.
[2] Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI, Thông điệp Deus Caritas Est (Thiên Chúa là tình yêu), Ngày 25-12-2005, số 6.
[3] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui Tin Mừng), Ngày 24-11-2013, số 23.