Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Thông Điệp Evangelium Vitae (Tin Mừng Về Sự Sống) Của ĐGH Gioan Phaolô II (Ngày 25-03-1995) – (2)

Administrator
2018-09-23 10:15 UTC+7 22
THÔNG ĐIỆP EVANGELIUM VITAE (TIN MỪNG VỀ SỰ SỐNG) CỦA ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II GỬI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, PHÓ TẾ, TU SĨ NAM NỮ, GIÁO DÂN VÀ MỌI NGƯỜI THIỆN CHÍ VỀ GIÁ TRỊ VÀ TÍNH BẤT KHẢ XÂM PHẠM CỦA SỰ SỐNG CON NGƯỜI Công bố ngày 25.3.1995 *** *** […]


THÔNG ĐIỆP EVANGELIUM VITAE

(TIN MỪNG VỀ SỰ SỐNG)

CỦA ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II

GỬI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, PHÓ TẾ, TU SĨ NAM NỮ, GIÁO DÂN

VÀ MỌI NGƯỜI THIỆN CHÍ

VỀ GIÁ TRỊ VÀ TÍNH BẤT KHẢ XÂM PHẠM

CỦA SỰ SỐNG CON NGƯỜI

Công bố ngày 25.3.1995

***

***

CHƯƠNG III

NGƯƠI CHỚ GIẾT NGƯỜI

LỀ LUẬT THÁNH CỦA THIÊN CHÚA

Tin Mừng và giới luật

“Nếu anh muốn vào trong Sự sống, hãy tuân giữ các giới răn” (Mt 19,17)

52. “Và này một người đến gần và nói với Ngài: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì là tốt để đạt sự sống vĩnh hằng? (Mt 19,16). Chúa Giêsu trả lời: “Nếu anh muốn vào trong sự sống, hãy tuân giữ giới răn (Mt 19,17). Thầy nói về sự sống vĩnh hằng, nghĩa là về việc tham gia chính sự sống ấy bằng việc tuân giữ các giới răn của Chúa, vậy thì kể cả giới răn “ngươi chớ giết người”. Đó chính là giới luật thứ nhất trong Mười Điều Răn mà Chúa Giêsu nhắc nhở cho người thanh niên hỏi Ngài những giới răn nào anh ta phải tuân giữ: “Chúa Giêsu nhắc lại: ngươi chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp,… (Mt 19,18).

Giới luật của Thiên Chúa không bao giờ tách rời khỏi tình yêu của Thiên Chúa: Nó luôn luôn là một ơn ban vì sự tăng trưởng và vì niềm vui của con người. Với tư cách ấy, nó là một phương diện chủ chốt và một yếu tố của Tin Mừng mà người ta không thể từ bỏ; hơn nữa, nó xuất hiện như “Tin Mừng”, nghĩa là tin tốt lành và tin vui. Tin Mừng về sự sống cũng là một ơn ban của Thiên Chúa và đồng thời là một bổn phận ràng buộc con người. Nó khơi dậy nơi con người tự do sự ngạc nhiên, lòng biết ơn và đòi tiếp nhận, giữ gìn và đề cao với một ý thức trách nhiệm sắc bén: khi ban cho con người sự sống, Thiên Chúa đòi hỏi con người phải kính trọng, yêu mến và thăng tiến nó. Theo cách này, ơn ban trở thành giới luật và chính giới luật là một ơn ban.

Con người, hình ảnh sống của Thiên Chúa, được Đấng Tạo Hoá muốn cho là vua và chúa tể. “Thiên Chúa đã tạo thành con người, thánh Giêrôgriô thành Nyssê viết, để nắm lấy vương quyền trên mặt đất. Con người đã được tạo dựng theo hình ảnh của Đấng cai trị vũ trụ. Tất cả biểu lộ rằng, từ khởi thuỷ bản tính con người đã được ghi dấu bởi vương quyền. Con người cũng là vua. Như vậy bản tính nhân loại được tạo dựng để thống trị thế giới, vì giống với vua của toàn thể vũ trụ, nên được làm thành như một hình ảnh sống tham gia vào mẫu gốc bằng phẩm giá” (38). Được gọi trở nên phong phú và sinh sôi nảy nở, bắt địa cầu phải phục tùng và thống trị các tạo vật khác (x. St 1,28), con người là vua và chúa tể không chỉ của vạn vật, nhưng cũng và trước hết là vua và chúa tể của chính mình (39), và một cách nào đó của sự sống đã được ban cho mình và mình có thể truyền lại bằng hành động sinh sản được hoàn thành trong tình yêu và trong sự tôn trọng ý định của Thiên Chúa. Nhưng quyền chúa tể của con người không tuyệt đối, nó chỉ là một thừa tác vụ; nó là phản ánh thực sự của quyền chúa tể duy nhất và vô tận của Thiên Chúa. Do đó con người phải sống quyền chúa tể đó với sự khôn ngoan và tình yêu, tham gia vào sự khôn ngoan và tình yêu vô lượng của Thiên Chúa. Và điều ấy được thực hiện bằng sự tuân phục Lề luật thánh của Ngài, một sự tuân phục tự do và vui vẻ (x. Tv 119/118), phát sinh và được dưỡng nuôi bởi nhận thức rằng các giới luật của Chúa là một tặng phẩm của ân sủng, rằng chúng luôn luôn và duy chỉ được giao phó cho con người vì lợi ích của con người, để con người bảo vệ phẩm giá riêng của mình và để họ đi tìm kiếm hạnh phúc.

Cũng như đối diện với vạn vật, hơn thế nữa đối diện với sự sống, con người không là chủ tuyệt đối và trọng tài không thể tranh cãi, nhưng là “thừa tác viên của dự định do Đấng Tạo Hoá thiết lập và sự cao cả khôn sánh của con người hệ tại ở điều này (40).

Sự sống đã được giao phó cho con người như một kho báu không được phung phí, như một nén bạc phải làm cho sinh lợi, con người phải trả lẽ về điều ấy với Chúa của mình (x. Mt 25,14-30; Lc 19,12-27).

Sự sống của con người là thánh thiêng và bất khả xâm phạm

“Với mỗi người, Ta sẽ đòi phải trả lẽ về sự sống của người anh em mình” (St 9,5)

53. “Sự sống của con người là thánh thiêng bởi vì ngay từ nguồn gốc, nó bao hàm “hành động sáng tạo của Thiên Chúa” và mãi mãi nằm trong một mối quan hệ đặc biệt với Đấng Tạo Hoá, cứu cánh duy nhất của nó. Duy chỉ Thiên Chúa là Chủ sự sống từ khi nó bắt đầu cho đến lúc nó kết thúc: không ai, trong bất cứ trường hợp nào, có thể đòi cho mình quyền trực tiếp huỷ diệt một con người vô tội” (41). Bằng những lời này, Tông huấn Donum Vitae trình bày nội dung trung tâm mặc khải của Thiên Chúa về tính cách thánh thiêng và về sự bất khả xâm phạm của sự sống con người.

Quả nhiên, Thánh Kinh trình bày cho con người giới luật “ngươi chớ giết người như một giới răn của Thiên Chúa (Xh 20,13; Dt 5,17). Giới luật này– như tôi đã nhấn mạnh – nằm trong thập giới, ở trung tâm Giao Ước mà Thiên Chúa ký kết với dân tộc được tuyển chọn, nhưng nó đã được bao gồm trong giao ước nguyên thuỷ của Thiên Chúa với nhân loại sau sự trừng phạt thanh tẩy của đại hồng thuỷ, do sự lan rộng của tội lỗi và bạo lực gây ra (x. St 9,5-6).

Thiên Chúa tự tuyên bố là Chúa tể tuyệt đối của sự sống con người, được tạo thành theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài (x. St 1,26-28). Do đó, sự sống của con người biểu thị một tính chất thánh thiêng và bất khả xâm phạm, nơi đó phản chiếu chính sự bất khả xâm phạm của Đấng Tạo Hoá. Vì vậy Thiên Chúa sẽ tỏ ra là Đấng thẩm phán rất nghiêm khắc đối với mọi vi phạm giới răn “ngươi chớ giết người”, đặt ở nền tảng của tất cả sự đồng sinh tồn của xã hội. Ngài là “goel”, nghĩa là Đấng bênh vực người vô tội (x. St 4,9-15 ; Is 41,14 ; Is 50,34 ; Tv 19/18,15). Bằng cách đó, Thiên Chúa cũng chứng tỏ rằng “Ngài không vui thích vì sự hư mất của các sinh linh” (Kn 1,13). Duy chỉ có Satan có thể vui mừng về điều đó: bởi sự đố kỵ của nó, cái chết đã vào trong thế gian (x. Kn 2,24). Nó, kẻ “giết người ngay từ ban đầu”, cũng là “tên dối trá, cha của sự dối trá” (Ga 8,44): khi dối gạt con người, nó đã dẫn đưa con người tới tội lỗi và sự chết, được trình bày như những cứu cánh và những thành quả sống.

54. Giới luật “ngươi chớ giết người” rõ ràng có nội dung rất tiêu cực: nó biểu thị giới hạn cuối cùng không bao giờ được vượt qua. Nhưng nó ngầm thúc đẩy giữ một thái độ tích cực tuyệt đối tôn trọng sự sống, nó dẫn đến thăng tiến sự sống và tiến tới trên con đường của tình yêu tự hiến, tiếp nhận và phục vụ. Mặc dù chậm rãi và có những mâu thuẫn, dân tộc của Giao Ước đã tuần tự trưởng thành trong chiều hướng đó, và như thế được chuẩn bị cho lời tuyên bố vĩ đại của Chúa Giêsu: tình yêu đối với tha nhân là một giới răn giống như giới răn về tình yêu đối với Thiên Chúa. “Tất cả Lề Luật và lời Tiên Tri đều gồm tóm trong hai điều răn đó” (x. Mt 22,36-40). Thánh Phaolô nhấn mạnh “Giới luật…ngươi chớ giết người và các giới luật khác đều tóm lại trong công thức này : “Ngươi hãy yêu thương tha nhân như chính mình” (Rm 13,9 ; x. Ga 5,14). Được lấy lại và đưa đến hoàn thành trong Lề Luật mới, giới luật “ngươi chớ giết người” vẫn còn là một điều kiện mà người ta không thể chối từ để có thể “vào trong sự sống” (x. Mt 19,16-19). Trong chính viễn cảnh đó, những lời này của Tông đồ Gioan cũng có một giọng kiên quyết: “Người nào ghét anh em thì là một kẻ giết người; mà anh em biết rằng không một kẻ giết người nào có sự sống vĩnh hằng ở trong nó” (1 Ga 3,15).

Từ những buổi đầu, Truyền Thống sống động của Giáo Hội đã nhắc lại một cách dứt khoát giới răn “ngươi chớ giết người”, như quyển Didachè, tác phẩm Kitô giáo ngoài bộ Thánh Kinh cổ xưa nhất đã chứng tỏ điều ấy: “Có hai con đường, một con đường của sự sống, một con đường của sự chết, nhưng sự khác nhau giữa hai con đường này rất lớn […] Giới răn thứ hai của đạo lý. Ngươi chớ giết người […] ngươi chớ giết con bởi phá thai và ngươi sẽ không làm cho nó chết sau khi nó sinh ra. […] Còn đây là con đường của sự chết: nhẫn tâm đối với người nghèo, dửng dưng đối với người đau khổ, và không biết đến Đấng Tạo Hoá của mình, những điều đó làm thất bại công trình của Thiên Chúa, xua đuổi kẻ bần cùng, đè nén người bị áp bức, những kẻ bênh vực bọn nhà giàu, những viên thẩm phán bất công, đó là những kẻ tội lỗi thâm căn cố đế. Ước gì các con có thể tránh xa tất cả những điều ấy !” (42).

Khi tiến lên theo thời gian, Truyền thống của Giáo Hội luôn luôn nhất trí giảng dạy giá trị tuyệt đối và trường tồn của giới răn “ngươi chớ giết người”. Người ta biết rằng, trong những thế kỷ đầu tội giết người thuộc vào số ba tội nặng nhất – cùng với tội chối đạo và tội ngoại tình – và nó đòi hỏi một sự sám hối công khai đặc biệt nặng nề và lâu dài, trước khi kẻ phạm tội giết người đã ăn năn hối cãi được ban ơn tha thứ và được thu nhận lại vào trong cộng đồng Giáo Hội.

55. Điều ấy chẳng đáng ta ngạc nhiên, vì giết chết con người, trong đó hiện diện hình ảnh của Thiên Chúa, là một tội có tính đặc biệt nghiêm trọng. Duy chỉ Thiên Chúa là chủ sự sống. Tuy nhiên xưa nay khi đứng trước nhiều trường hợp thường là bi thảm xảy ra nơi những cá nhân và trong xã hội, tâm trí của những kẻ có niềm tin bao giờ cũng cố thử đạt tới một sự hiểu biết đầy đủ hơn và sâu sắc hơn về những gì giới răn của Thiên Chúa cấm và đòi hỏi (43). Có những tình thế trong đó những giá trị do Lề Luật của Thiên Chúa đề xuất hiện ra dưới một dạng trái ngược. Ví dụ, đó là trường hợp của sự phòng vệ chính đáng, vì sự phòng vệ ấy mà quyền bảo đảm sự sống của mình và bổn phận không làm tổn thương sự sống của người khác rõ ràng thấy khó mà dung hoà được. Chắc chắn rằng giá trị nội tại của sự sống và bổn phận phải yêu thương chính mình cũng bằng yêu thương những người khác là nền tảng cho một quyền thực sự được tự bảo vệ chính mình. Giới luật đầy yêu sách này về tình yêu thương những người khác, như Cựu Ước phát biểu và Chúa Giêsu xác nhận, đòi hỏi phải có tình yêu thương chính mình trước: “ngươi hãy yêu thương tha nhân như chính mình” (Mc 12,31). Vậy không ai có thể từ bỏ quyền tự bảo vệ vì thiếu tình yêu sự sống hay yêu thương mình, nhưng chỉ vì một tình yêu anh hùng thứ tình yêu đào sâu và biến đổi hình dạng tình yêu thương chính mình, theo tinh thần các mối phúc thật của Tin Mừng (x. Mt 5,13-18), trong sự hiến dâng triệt để mà Chúa Giêsu là gương mẫu tuyệt vời.

Đàng khác, “sự phòng vệ chính đáng có thể không chỉ là một quyền lợi nhưng còn là một bổn phận nghiêm trọng, đối với kẻ có trách nhiệm về sự sống của người khác, về lợi ích chung của gia đình hay của đất nước” (44). Có lúc không may, sự cần thiết phải đặt kẻ tấn công trong tình trạng không làm hại được mình, đôi khi lại bao hàm sự thủ tiêu nó. Trong giả thiết như thế, cái kết cục chết chóc phải được quy trách cho chính kẻ tấn công, đã do hành động của mình mà đưa thân ra hứng chịu, ngay cả trong trường hợp mà nó không có trách nhiệm về mặt luân lý, bởi thiếu xử dụng lý trí của mình (45).

56. Cũng được đặt vào viễn cảnh đó vấn đề án phạt tử hình. Về vấn đề này người ta ghi nhận, trong Giáo Hội cũng như trong xã hội dân sự, một xu hướng đòi áp dụng thật hạn chế, thậm chí bãi bỏ hoàn toàn án ấy. Cần đặt lại vấn đề này trong khuôn khổ công lý hình sự, xét đến cùng, phải phù hợp với ý định của Thiên Chúa về con người và về xã hội. Thực tế là hình phạt mà xã hội bắt chịu “có tác dụng đầu tiên là đền bù cho sự mát trật tự do tội phạm gây ra”(46). Trước sự vi phạm những quyền cá nhân và xã hội, các quyền lực công cộng phải nghiêm trị qua việc áp đặt cho con người phạm tội, một sự đền tội thích đáng với lỗi phạm, như điều kiện để người ấy lại được phép hưởng quyền tự do của mình. Trong chiều hướng đó, chính quyền cũng đạt được tới mục tiêu bảo vệ trật tự công cộng và sự an toàn cho cá nhân, mà không phải là đem lại cho người phạm tội một sự khích lệ và một sự hổ trợ để cho họ tự sửa chữa và cải thiện (47).

Chính vì để đạt đến những mục đích đó mà rõ ràng là mức độ và tính chất của hình phạt phải được chăm chú ước lượng và xác định. Chúng không được dẫn đến biện pháp cuối cùng là thủ tiêu người có tội, nếu có không phải là trong trường hợp tuyệt đối cần thiết, khi việc bảo vệ xã hội không thể thực hiện được cách nào khác. Nhưng mà ngày nay, do một tổ chức cơ chế hình sự luôn có hiệu năng hơn, những trường hợp ấy từ nay đã khá hiếm, nếu không phải thực tế là không còn tồn tại.

Dù thế nào nguyên tắc được chỉ định trong quyển Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo mới xuất bản vẩn có hiệu lực, theo nguyên tắc đó, “nếu những phương thế không đổ máu đủ để bênh vực mạng sống con người chống lại kẻ tấn công và bảo vệ trật tự công cộng cũng như sự an toàn các cá nhân, chánh quyền sẽ bằng lòng với những phương thế ấy, bởi vì chúng tương ứng hơn với những điều kiện cụ thể của lợi ích chung và xứng hợp hơn với phẩm giá của nhân vị con người” (48).

57. Nếu người ta phải chú ý nhiều như thế tới việc tôn trọng mọi sự sống, ngay cả sự sống của người có tội và của kẻ tấn công cách bất chính, thì giới răn “ngươi chớ giết người” phải có một giá trị tuyệt đối khi nó liên quan tới người vô tội. Và điều ấy lại càng tuyệt đối hơn khi đó là một con người yếu đuối, không được bênh vực, vốn chỉ tìm thấy trong tính cách tuyệt đối của giới răn Thiên Chúa một sự bảo vệ triệt để, trước sự độc đoán và lạm quyền của kẻ khác.

Quả nhiên, tính bất khả xâm phạm tuyệt đối của mạng sống con người vô tội là một sự thật luân lý được chỉ dạy rành mạch trong Thánh Kinh, được luôn luôn duy trì trong Giáo Hội và được quyền Giáo Huấn nhất trí đề ra. Sự nhất trí là thành quả hiển nhiên do “ý thức siêu nhiên về niềm tin” được Chúa Thánh thần khơi lên và nâng đỡ, ý thức ấy bảo đảm cho dân Thiên Chúa khỏi sai lầm, khi sự nhất trí đó “đem đến cho những chân lý liên quan tới đức tin và phong hoá một sự đồng ý phổ phát” (49).

Trước sự giảm bớt từng bước, nơi lương tâm con người và trong xã hội, nhận thức về tính bất hợp pháp tuyệt đối và nghiêm trọng, về mặt đạo đức của việc thủ tiêu trực tiếp mọi sự sống của con người vô tội, đặc biệt là khi nó mới bắt đầu hay lúc nó sắp kết thúc, quyền Giáo huấn của Giáo Hội đã tăng cường những can thiệp của mình để bảo vệ tính cách thánh thiêng và bất khả xâm phạm của sự sống con người. Quyền Giáo Huấn của Giám mục đã luôn luôn kết hợp cách đặc biệt khẩn khoản với Quyền Giáo huấn của Giáo Hoàng, qua nhiều tài liệu tín lý và mục vụ quan trọng, hoặc của cá nhân các Giám mục, và cả sự can thiệp của Công Đồng Vatican II tuy ngắn ngọn nhưng mạnh mẽ và gay gắt (50).

Vì vậy, với uy quyền được Chúa Kitô trao phó cho Phêrô và những người thừa kế vị Ngài, trong sự hiệp thông với tất cả các Giám mục của Giáo hội công giáo, tôi xác nhận rằng việc trực tiếp và cố ý giết người vô tội luôn luôn là điều vô luân nghiêm trọng. Giáo lý này, căn cứ vào Lề luật không viết ra mà mọi người phát hiện trong tâm hồn mình dưới ánh sáng của lý trí (x. Rm 2,14-15), được Thánh Kinh khẳng định lại, được Truyền Thống Giáo Hội lưu truyền và được Quyền Giáo huấn thông thường và phổ phát giảng dạy (51).

Quyết định có suy nghĩ tước đi sự sống của một người vô tội luôn luôn là xấu về phương diện luân lý và không bao giờ được phép làm, như mục đích cũng như phương tiện để đạt đến để đạt tới một mục đích tốt. Vì chưng, đó là một sự bất tuân phục lề luật luân lý, hơn nữa đó là sự bất tuân phục chính Thiên Chúa, tác giả là Đấng bảo đảm của sự sống ấy, điều ấy trái với các nhân đức cơ bản là công bằng và bác ái. “Không gì và không ai có thể cho phép người ta giết chết con người vô tội, dù là phôi hoặc thai, trẻ em hay người lớn, người già, bệnh nhân không thể chữa trị hay người háp hối. Không ai có quyền đòi hỏi cử chỉ giết người nào đó cho mình hay cho một người khác được giao phó cho trách nhiệm của mình, thậm chí cũng không ai có quyền đồng ý việc đó, một cách rõ ràng hay không. Không một uy quyền nào được áp đặt điều đó một cách chính đáng, hoặc thậm chí cho phép điều đó” (52).

Về những gì liên quan đến quyền sống, mọi con người vô tội điều tuyệt đối bình đẳng với tất cả những người khác. Sự bình đẳng này là cơ sở của tất cả các tương quan xã hội đích thực, để được thực sự như thế, các tương quan ấy không thể không được xây dựng trên chân lý và sự sống công bằng, bằng cách đón nhận và bảo vệ từng người nam và từng người nữ như một nhân vị, chứ không như một đồ vật mà người ta tự ý xử dụng. Đối với chuẩn mực luân lý cấm thủ tiêu trực tiếp một người vô tội thì “Không có đặc quyền hay ngoại lệ nào cho bất cứ ai. Cho dù là chúa tể cả thế giới hay là người cuối cùng trong những “kẻ khốn cùng” trên mặt đất, thì vẩn chẳng có gì là khác biệt cả: trước những đòi hỏi về mặt luân lý, tất cả chúng ta tuyệt đối bình đẳng” (53).

Tội ác ghê tởm của việc phá thai

“Con chưa thành hình mắt Ngài đã nhìn thấy con” (Tv 139/138,16)

58. Trong tất cả tội ác mà con người có thể thực hiện chống lại sự sống, sự phá thai do cố ý gây ra biểu thị những đặc trương làm cho nó đặc biệt nghiêm trọng và đáng kết tội. Công đồng Vatican 2 đã định nghĩa nó như “một tội ác ghê tởm”, cùng một lúc với tội giết trẻ sơ sinh (54).

Nhưng ngày nay, trong lương tâm nhiều người, nhận thức về tính nghiêm trọng của nó đã lu mờ dần. Sự chấp nhận phá thai trong tâm thức con người nơi các phong tục và chính trong pháp luật, là một dấu chỉ hùng hồn về một cơn khủng hoảng rất nguy hiểm trong ý thức luân lý, ý thức đó ngày càng trở nên không có khả năng phân biệt giữa sự thiện và sự ác, ngay cả khi nó liên quan đến quyền cơ bản về sự sống. Trước tình hình nghiêm trọng như thế, hơn bao giờ hết, cần thiết phải có can đảm nhìn thẳng vào sự thật và nói lên các việc bằng tên của chúng, không nhường bước cho những thoả hiệp vì dễ dãi hoặc cho sự cám dỗ tự lừa phỉnh mình. Về vấn đề ấy, lời quở trách của vị ngôn sứ vang lên một cách dứt khoát: “Khốn cho những ai gọi điều ác là thiện và điều thiện là ác, lấy tối tăm làm ánh sáng và ánh sáng làm tối tăm” (Is 5,20). Chính trong trường hợp phá thai, người ta tuân theo sự phát triển của một hệ thống thuật ngữ nhập nhằng nước đôi, như thuật ngữ “sự ngừng có thai”, vốn hướng tới việc che dấu thực chất của nó và làm bớt tính nghiêm trọng của nó trong dư luận quần chúng. Có lẽ hiện tượng ngôn ngữ học này, chính nó là hội chứng của một sự bất ổn mà các lương tâm đã cảm nghiệm thấy. Nhưng không lời nào đạt đến kết quả thay đổi thực tại của cả sự việc: sự phá thai do cố ý gây ra, dù được thực hiện bằng cách nào, là việc giết chết, có suy nghĩ và trực tiếp, một con người trong giai đoạn đầu cuộc đời của nó, ở giữa sự thụ thai và sự sinh đẻ.

Tính chất nghiêm trọng về mặt luân lý của sự phá thai do cố ý gây ra xuất hiện trong tất cả sự thật của nó, nếu người ta thừa nhận rằng đó chính là việc giết người và, cách riêng, nếu người ta quan sát những tình tiết đặc thù xác định phẩm chất của nó. Kẻ bị thủ tiêu là một con người mới bắt đầu hiện hữu, nghĩa là, trong tuyệt đối, một hữu thể vô tội nhất mà người ta có thể tưởng tượng, không bao giờ nó có thể coi như một kẻ tấn công, lại càng không thể coi như một kẻ tấn công bất chính! Nó yếu đuối, không biện pháp phòng vệ, đến mức độ thiếu thốn ngay cả biện pháp phòng vệ nhỏ mọn nhất, là sự khẩn nài bằng tiếng kêu than và khóc lóc của trẻ sơ sinh. Nó hoàn toàn được giao phó cho sự bảo vệ và những chăm sóc của người mang nó trong dạ. Ấy thế mà đôi khi chính người ấy, bà mẹ, lại quyết định và yêu cầu thủ tiêu nó và đi đến chố gây ra sự thủ tiêu đó.

Quả thật là nhiều lần, đối với bà mẹ, sự lựa chọn phá thai mang tính cách bi thảm và thương tâm, khi sự quyết định phá huỷ thành quả của sự thụ thai không được thực hiện vì những lý do thuần tuý là ích kỷ hay vì nhẹ dạ, nhưng bởi vì người ta muốn bảo vệ những lợi ích quan trọng, như sức khoẻ hay một mức sống thích hợp cho các thành phần khác của gia đình. Đôi khi người ta sợ cho đứa con sẽ sinh gặp phải những điều kiện sống khiến người ta nghĩ rằng tốt hơn cho nó là đừng sinh ra. Thế nhưng, những lý do này và những lý do khác tương tự dù nghiêm trọng và bi thảm đến đâu, cũng không bao giờ có thể biện minh được cho sự thủ tiêu có suy nghĩ một con người vô tội.

59. Để quyết định về cái chết của đứa con chưa sinh ra, bên cạnh bà mẹ thường còn có những người khác. Trước hết người cha của đứa con có thể mang tội, không chỉ khi ông ta dứt khoát đẩy người phụ nữ đó vào việc phá thai, nhưng cả khi gián tiếp hổ trợ quyết định của bà, bởi vì ông ta để bà cô độc một mình trước những sự mang thai đặt ra (55): bởi cách đó, gia đình bị tổn thương đến chết được và bị uế tạp trong bản chất cộng đồng tình yêu của nó và trong ơn gọi làm thành “cung thánh của sự sống”. Người ta cũng không thể lờ đi trước những xúi giục đôi khi đến từ phạm vi gia đình rộng lớn hơn và từ bè bạn. Thường người phụ nữ phải chịu những áp lực mạnh đến nỗi về mặt tâm lý họ cảm thấy bị bắt ép phải đành chịu phá thai: không còn nghi ngờ chút nào, trong trường hợp đó, trách nhiệm tinh thần đặc biệt đè nặng trên những ai buộc bà phải phá thai, trực tiếp hay gián tiếp. Cũng thế, các thầy thuốc và nhân viên y tế đều có tránh nhiệm khi họ đem phục vụ cho cái chết những khả năng chuyên môn đã đạt được để thăng tiến sự sống.

Nhưng trách nhiệm cũng quy vào những nhà lập pháp đã xúc tiến và phê chuẩn các đạo luật ủng hộ việc phá thai. Và, trong chừng mực tùy thuộc ở họ, cả những người quản lý các cơ cấu trị liệu được sử dụng để thực hiện những nố phá thai. Một trách nhiệm toàn bộ nghiêm trọng như thế đè nặng trên những kẻ đã giúp việc phổ biến một não trạng buông thả về tình dục và khinh thường tư cách làm mẹ, cũng như trên những người đáng lẽ phải tiến hành những chính sách gia đình và xã hội hữu hiệu để hỗ trợ các gia đình, đặc biệt là những gia đình gặp khó khăn cách riêng về mặt kinh tế và giáo dục, mà lại đã không chịu làm. Cuối cùng, người ta không thể đánh giá thấp mạng lưới tòng phạm đang phát triển đến mức liên kết những cơ quan quốc tế, những tổ chức do tư nhân lập ra và những hiệp hội đấu tranh một cách có hệ thống cho việc làm pháp luật và phổ biến sự phá thai trên thế giới. Trong chiều hướng đó việc phá thai vượt quá trách nhiệm của những cá nhân và vượt quá sự thiệt hại gây ra cho họ, và nó mang một tầm quan trọng xã hội rất lớn: đó là một vết thương rất trầm trọng gây ra cho xã hội và cho nền văn hoá của xã hội từ phía những kẻ đáng lẽ phải là những người xây dựng và bảo vệ xã hội và văn hoá. Như tôi đã viết trong Thư gửi các gia đình, “chúng ta đứng trước một đe doạ rất lớn chống lại sự sống, không nguyên sự sống của các cá nhân, nhưng còn là của toàn bộ nền văn minh” (56). Chúng ta đứng trước những gì có thể được định nghĩa như là một “cơ cấu của tội lỗi” chống lại sự sống con người chưa sinh ra.

60. Một số người mưu toan biện minh cho việc phá thai bằng cách chủ trương rằng thành quả của một sự thụ thai, ít ra là cho đến một số ngày nào đó, chưa có thể được coi như là một sự sống của con người cá vị. Sự thực là, “ngay từ khi noãn thụ tinh, khởi đầu một sự sống vốn không phải là sự sống của người cha cũng không phải là sự sống của người mẹ, nhưng là của một con người mới, phát triển cho chính mình. Nó sẽ không bao giờ thành người, nếu nó không là người ngay từ lúc ấy.[…] Khoa học di truyền hiện đại đem lại cho sự hiển nhiên thường ngày từ khoảnh khắc đầu tiên này đã định hình chương trình của cái mà thực thể sống này sẽ là: một nhân vị, cái nhân vị cá thể ấy với những điểm đặc trưng của nó. Ngay từ lúc thu tinh, đã bắt đầu cuộc phiêu lưu của một sự sống con người mà mỗi khả năng lớn đòi hỏi có thời gian để nằm vào vị trí và sẵn sàng hành động” (57). Dù cho sự kiện của một linh hồn thiêng liêng không thể được ghi nhận bằng bất cứ phương tiện thực nghiệm nào, các kết luận của khoa học về phôi người cung cấp một chỉ dẫn quý giá để phân định bằng lý trí một sự hiện diện cá nhân ngay từ sự xuất hiện đầu tiên này của một sự sống con người: làm sao một cá thể người lại sẽ không là một ngôi vị người” (58).

Vả chăng, cái được thua quan trọng đến nỗi, trên quan điểm nghĩa vụ đạo đức, duy chỉ khả năng đứng trước một ngôi vị đã đủ để biện minh cho sự cấm chỉ rõ ràng nhất mọi can thiệp dẫn tới thủ tiêu phôi người. Chính vì lý do đó, vượt trên những cuộc tranh luận khoa học và trên cả những khẳng định triết học, mà quyền Giáo huấn của Giáo hội đã không dứt khoát tỏ rõ thái độ, Giáo hội đã luôn luôn giảng dạy rằng phải bảo đảm cho thành quả của sự sinh sản con người, từ khoảnh khắc đầu tiên trong hiện hữu của nó một sự tôn trong vô điều kiện vốn phải có, về mặt đạo đức đối với con người trong toàn bộ và trong tính đơn nhất thể xác cũng như tinh thần của nó:” Con người phải được tôn trọng và đối xử như một ngôi vị ngay từ khi được thụ thai, và vậy thì ngay từ lúc đó, người ta phải thừa nhận cho nó những quyền của ngôi vị, trong đó đứng hàng đầu là quyền được sống, một quyền bất khả xâm phạm của mọi người vô tội” (59).

61. Các văn bản Thánh Kinh, vốn không bao giờ nói đến sự cố tình phá thai và vì thế không bao hàm những sự kết án trực tiếp và chuyên biệt về vấn đề này, để biểu lộ một sự quý trọng đối với hữu thể người còn trong dạ mẹ, đến nỗi điều ấy đòi hỏi, như hậu quả lôgic, phải nói rộng ra về cả hữu thể ấy nữa giới răn của Thiên Chúa: “Ngươi chớ giết người”.

Sự sống con người là thánh thiêng và bất khả xâm phạm trong tất cả các khoảnh khắc của sự hiện hữu của nó, cả trong khoảnh khắc khởi đầu có trước sự sinh ra. Từ trong dạ mẹ, con người thuộc về Thiên Chúa là Đấng dò xét và thấu biết tất cả, là Đấng hình thành và tác tạo nó từ tay Ngài, đã nhìn thấy nó khi nó mới còn là một phôi nhỏ không có hình dạng xác định và đoán thấy nơi nó con người trưởng thành nó sẽ trở nên ngày mai, mà ngày giờ đã được đến và ơn gọi đã được ghi vào “sách sự sống” (Tv 139/138, 1.13 16). Cũng nơi đó, khi nó còn trong dạ mẹ – như nhiều văn bản Thánh Kinh chứng tỏ (60) – con người là đối tượng thiết thân nhất của sự quan phòng trong tình yêu thương và trong tình hiền phụ của Thiên Chúa.

Từ thuở đầu cho đến ngày nay – như Tuyên ngôn do Thánh Bộ Giáo lý Đức Tin (61) công bố về vấn đề này cho thấy – Truyền thống Kitô giáo rất rõ và nhất trí đánh giá phẩm chất việc phá thai là sự hỗn loạn đặc biệt nghiêm trọng về mặt luân lý. Từ lúc đương đầu với thế giới Hy-La, trong đó việc phá thai và giết trẻ em sơ sinh là những chuyện thông thường, cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên đã triệt để chống lại những thói tục tràn lan trong xã hội ấy, bằng đạo lý và cách ăn ở của mình, như sách Didache đã dẫn trên đây cho thấy (62). Trong hàng các nhà văn thuộc Giáo hội của thế giới Hy lạp, Athênagôrê nhắc lại rằng những người Kitô hữu coi như kẻ giết người các phụ nữ đã dùng đến phương tiện phá thai, vì lẽ rằng các đứa con tuy còn ở trong lòng mẹ cũng được “Thiên Chúa chăm sóc chúng” (63). Trong hàng các văn sĩ la-tinh, Tertulianô khẳng định: “chỉ cần cản trở sinh ra thì đã là kẻ giết người rồi, người ta tước đoạt sự sống đã sinh ra hay là người ta huỷ diệt nó trong lúc nó sinh ra thì không có gì khác biệt nhau cả. cái phải trở thành một con người thì đó là một con người rồi” (64).

Trải qua lịch sử gần hai ngàn năm của mình, cùng một đạo lý này đã được kiên trì giảng dạy bởi các Giáo phụ, các Mục tử và các Tiến sĩ. Ngay cả các cuộc tranh luận có tính cách khoa học và triết học về thời điểm chính xác của việc phú bẩm linh hồn thiêng liêng cũng không bao giờ gây ra do sự nhỏ nhất nào cho sự kết án về mặt luân lý đối với việc phá thai.

62. Gần đây, Quyền giáo huấn của Giáo Hoàng đã nhắc lại đạo lý chung ấy hết sức mãnh liệt. Đặc biệt, Đức Piô XI, trong Thông điệp Casti connubii, đã phi bác những luận cứ mạo xưng là biện minh cho việc phá thai (65), Đức Piô XI đã loại trừ mọi việc phá thai trực tiếp, nghĩa là mọi hành động trực tiếp dẫn đến huỷ diệt sự sống con người chưa sinh ra, “dù sự huỷ diệt đó được quyết định như một mục đích hay chỉ như một phương thế nhằm tới mục đích” (66); Đức Gioan XXIII đã khẳng định lại rằng sự sống con người là thánh thiêng, vì “ngay từ trong cội nguồn của nó, nó đòi hỏi hành động sáng tạo của Thiên Chúa” (67). Như đã nhắc tới trên đây, Công Đồng Vatican II đã lên án sự phá thai rất nghiêm khắc: “vậy sự sống phải được bảo vệ với một chăm sóc tột độ từ lúc thụ thai: việc phá thai và giết trẻ sơ sinh là những tội ác ghê tởm” (68).

Từ những thế kỷ đầu, Kỷ luật Giáo hội đã trừng phạt những ai tự làm nhơ nhuốc bằng việc phá thai, và việc trừng phạt đó, với những hình phạt hoặc ít hoặc nhiều nặng nề, đã được xác nhận vào những giai đoạn lịch sử khác nhau. Bộ Giáo luật 1917 qui định vạ tuyệt thông cho việc phá thai (69). Giáo luật canh tân hiện nay nằm trong đường lối đó, khi tuyên bố rằng kẻ nào “phá thai mà có hiệu quả, thì tức khắc bị vạ tuyệt thông” (70),. Vạ tuyệt thông đánh vào tất cả những ai phạm tội ác này trong khi biết hình phạt họ phải chuốc lấy, cũng kể cả những kẻ tòng phạm mà nếu không có họ thì việc thực hiện tội ác đó không thể xảy ra (71); bằng sự xác nhận hình phạt ấy, Giáo Hội chỉ rõ tội ác này như một trong những tội ác nghiêm trọng và nguy hiểm nhất, để thúc đẩy những kẻ phạm tội nhanh chóng tìm lại con đường hoán cải. Vì chưng trong Giáo Hội vạ tuyệt thông nhằm mục đích làm cho người ta ý thức trọn vẹn tính nghiêm trọng của một tội ác, đặc biệt và giúp họ dễ dàng hoán cải, và đền tội thích đáng.

Trước sự nhất trí như thế của truyền thống đạo lý và kỷ luật Giáo Hội, Đức Phaolô VI đã có thể tuyên bố rằng giáo huấn này không bao giờ thay đổi và là bất di bất dịch (72). Vì vậy, với uy quyền Chúa Kitô đã trao cho Phêrô và những người kế vị ngài, trong sự hiệp thông với các giám mục – vốn đã nhiều lần liên tiếp lên án việc phá thai, và để trả lời cho sự tham khảo ý kiến nói trên đây, mặc dù tản mác khắp thế giới, đã nhất trí bày tỏ sự đồng ý với đạo lý này – tôi tuyên bố rằng, việc phá thai trực tiếp, nghĩa là được muốn như mục đích hay như phương thế luôn luôn là một thác loạn luân lý nghiêm trọng, xét như là sự cố ý giết chết một con người vô tội. Đạo lý này dựa trên cơ sở lề luật tự nhiên và lời của Thiên Chúa đã được viết ra, được tự nhiên truyền thống Giáo hội truyền lại và quyền giáo huấn thông thường và quyền phổ quát giảng dạy (73). Không bao giờ một trường hợp nào một mục đích nào, một luật pháp nào trên thế giới có thể làm cho trở thành hợp pháp một hành động vốn thực chất là không hợp pháp bởi vì trái với lề luật của Thiên Chúa ghi khắc trong tâm hồn mọi người mà ta có thể phân biệt nhờ chính lý trí và đã được Giáo hội công bố.

63. Sự đánh giá việc phá thai về mặt luân lý cũng phải được áp dụng cho những hình thức can thiệp trên các phôi người mới đây, mặc dù theo đuổi những mục đích tự nó là chính đáng các can thiệp ấy không có thể tránh được việc giết chết nó. Đó là những trường hợp sự thí nghiệm trên các phôi ngày lan rộng trong lĩnh vực nghiên cứu y sinh học và được chính thức chấp nhận bởi một số nhà nước nếu “người ta phải coi như được phép là những sự can thiệp trên phôi người với điều kiện chúng tôn trọng sự sống và sự toàn vẹn của phôi, và nếu chúng không ghi cho nó những bất trắc không cân xứng, nhưng nhằm chữa trị nó, nhằm cải thiện những điều kiện sức khoẻ hoặc sự sống” (74), thì trái lại phải khẳng định rằng việc xử dụng những phôi hoặc những thai người như những đồ vật thí nghiệm là một tội ác nghịch với phẩm giá người của chúng vốn có quyền được tôn trọng với những đứa trẻ được sinh ra và với mọi người (75).

Cùng một sự lên án về mặt luân lý đó cũng liên quan đến phương pháp khai thác các phôi và các thai người còn sống – đôi khi “được sản xuất” cho mục đích đó bằng sự thụ tinh trong ống nghiệm – hoặc như “vật tư sinh học” để sử dụng, hoặc như kẻ cho cơ quan hay cho mô để đem ghép nhằm chữa trị một số bệnh giết chết những hữu thể người vô tội, dù có vì lợi ích của những người khác thực tế là một hành động tuyệt đối không thể chấp nhận.

Người ta phải đặc biệt chú ý đến sự đánh giá về mặt luân lý những kỹ thuật chẩn đoán tiền sản vốn cho phép sớm phát hiện rõ ràng những dị dạng thường có thể xảy ra nơi con trẻ sẽ sinh ra. Quả thật do tính phức tạp của những kỹ thuật ấy, sự định giá này phải được thực hiện rất cẩn thận và thật chặt chẽ các kỹ thuật sẽ hợp pháp về mặt luân lý khi chúng không có nguy cơ gây ra những bất trắc không cân xứng cho đứa con và cho bà mẹ và được bố trí để có thể tiến hành một liệu pháp sớm, hoặc ít ra giúp cho dễ dàng chấp nhận đứa con sắp sinh ra một cách bình thản và có ý thức. Nhưng vì ngày nay những khả năng chăm sóc trước khi sinh còn giới hạn, nên thường xảy ra là những kỹ thuật đó được đem phục vụ cho một tâm địa ưu sinh vốn chấp nhận việc phá thai chọn lọc để ngăn cản sự sinh ra những đứa con có những dị dạng khác nhau. Một tâm địa như thế thật nhục nhã và luôn luôn đáng chê trách bởi vì nó có ý định đo lường giá trị của một sự sống con người, chỉ theo những tham số của “tính hợp chuẩn” và của sự thoải mái vật chất, như thế là mở đường cho việc hợp pháp hoá tội giết trẻ sơ sinh và việc làm chết êm dịu.

Nhưng thực tế là sự dũng cảm và bình thản mà một số đông những người của chúng ta, bị tàn tật trầm trọng, sống cuộc sống của họ, khi được chúng ta chấp nhận và yêu mến, hợp thành một bằng chứng đặc biệt mạnh mẽ, và những giá trị đích thực, làm rõ nét đặc tính của sự sống, và làm cho sự sống trở thành quý giá cho mình và cho những người khác, dù là trong những điều kiện khó khăn. Giáo hội gần gũi với những đôi vợ chồng trong lo sợ và đau khổ lớn lao, chấp nhận đón tiếp những đứa con tật nguyền trầm trọng; Giáo hội cũng biết ơn những gia đình tiếp nhận làm con nuôi những đứa con bị cha mẹ của chúng bỏ rơi vì tàn tật hay bệnh hoạn.

Thảm kịch của việc làm chết êm dịu

“Chính Ta làm cho chết và làm cho sống” (Đnl 32,39)

64. Vào lúc kết thúc cuộc đời, con người được đặt đối diện với mầu nhiệm sự chết. Do những tiến bộ của y học và trong một bối cảnh văn hoá khép kín đối với những gì là siêu nghiệm, hiện nay kinh nghiệm về cái chết trình bày một số phương diện mới. Quả nhiên, khi mà xu hướng chỉ đánh giá cao đời sống trong chừng mục nó đem lại vui sướng và sung túc đang thắng thế, thì sự đau khổ xuất hiện như một thất bại không chịu nổi cần phải thoát khỏi bằng mọi giá. Sự chết, xem như “phi lý” nếu nó thình lình làm đứt đoạn một đời sống còn mở ra cho một tương lai giàu kinh nghiệm lý thú để thực hiện, trái lại sẽ trở thành một “sự giải thoát đòi hỏi” khi sự sống bị coi như không có ý nghĩa từ lúc mà nó chìm trong sự đau đớn và được khắc nghiệt dành cho những đau khổ càng dữ dội.

Vả lại, khi từ chối hoặc quên đi quan hệ căn bản của mình với Thiên Chúa, con người nghĩ rằng mình là tiêu chuẩn và mực thước của mình, và cũng cho rằng mình có quyền đòi hỏi xã hội phải bảo đảm cho mình khả năng và những phương thế để quyết định về sự sống của mình, trong một quyền tự chủ trọn vẹn và hoàn toàn. Đặc biệt chính con người ở những nước phát triển xử sự như thế, họ cảm thấy được đưa đến thái độ bởi những tiến bộ không ngừng của y học và những kỹ thuật ngày càng tiên tiến của nó. Bằng những phương pháp và những máy móc tinh vi, khoa học và kinh nghiệm y học bây giờ có khả năng không chỉ giải quyết những trường hợp trước kia là nan giải và giảm nhẹ hoặc loại hẳn sự đau đớn, nhưng còn duy trì và kéo dài sự sống cả trong những trường hợp cực kỳ suy nhược, làm hồi sinh một cách nhân tạo những người mà các chức năng sinh học cơ bản đã bị tổn hại do những chấn thương thình lình, và can thiệp làm cho một số cơ quan sẵn sàng sử dụng được để đem ghép chúng lại.

Trong bối cảnh đó, sự cám dỗ của việc làm chết êm dịu ngày càng mạnh mẽ hơn, tức là sự cám dỗ làm chủ cái chết bằng cách gây ra nó trước và như thế bằng cách kết thúc “êm dịu” cuộc đời riêng của mình hay cuộc đời của kẻ khác, thực tế lại tỏ ra là phi lý và vô nhân đạo, nếu người ta nhìn kỹ nó trong tất cả chiều sâu của nó. Ở đây chúng ta đứng trước một trong những triệu chứng đáng hãi hùng nhất của “văn hoá sự chết đang lan rộng”, nhất là trong những xã hội sung túc, được rõ nét bởi một não trạng vị lợi, khiến người ta nhìn thấy số những người già và những kẻ suy nhược tinh thần đang tăng như một gánh nặng không chịu nổi. Những người này rất thường khi bị tách rời khỏi gia đình của họ và xã hội, được tổ chức dựa trên những tiêu chuẩn của hiệu năng sản xuất, theo đó một sự bất tài bất lực không thể đáo hồi sẽ tước đi hết mọi giá trị của một sự sống.

65. Để đưa ra một phê phán đúng đắn về sự chết êm dịu, trước hết cần phải định nghĩa nó cách rõ ràng. Qua từ gây chết êm dịu theo nghĩa hẹp người ta phải hiểu là một hành động hay một sự bỏ sót, tự nó và với ý định gây ra cái chết để như thế tránh được mọi sự đau đớn. Vậy thì “sự gây chết êm dịu được đặt ở tầm mức những ý định và những phương pháp sử dụng”. (76).

Phải phân biệt gây chết êm dịu với quyết định khước từ điều mà người ta gọi là “sự bám riết điều trị”, nghĩa là một số can thiệp y y học không còn hợp với tình trạng thực tế của người bệnh, bởi vì từ nay chúng không cân xứng so với những kết quả mà người ta có thể hy vọng, hoặc ít ra là bởi vì chúng gây thêm gánh nặng quá lớn cho bệnh nhân hay cho gia đình của người ấy. Trong những trường hợp này, khi cái chết được báo trước là sắp xảy ra và không tránh được, người ta có thể hết sức trung thực “khước từ những cách chữa trị chỉ mang lại cho sự sống một sự trì hoãn mong manh và cực nhọc, nhưng không gián đoạn công việc chăm sóc mà thông thường phải làm cho người bệnh trong trường hợp tương tự” (77). Chắc chắn là có cái nghĩa vụ đạo đức phải chữa bệnh và nhờ chữa bệnh cho mình, nhưng nghĩa vụ đó phải được đối chiếu với những tình huống cụ thể; nghĩa là phải xác định các phương tiện điều trị mà người ta thủ đắc có khách quan cân xứng với viễn tượng thuyên giảm hay không. Sự khước từ những phương thế ngoại thường hay không cân xứng không phải là điều tương đương với tự sát hay việc làm chết êm dịu, đúng hơn là nó có thể hiện sự chấp nhận thân phận con người trước cái chết (78).

Trong y học hiện đại, điều mà người ta gọi là những “chăm sóc tạm thời” có môt tầm quan trọng đặc biệt; những chăm sóc này được dự liệu để làm cho sự đau đớn có thể chịu đựng được hơn trong thời kỳ cuối của con bệnh và đồng thời làm cho bệnh nhân có thể có được sự nâng đỡ nhân đạo thích hợp. Nằm trong phạm vi này, giữa những cái khác có vấn đề tính hợp pháp của sự dùng đến những loại hình giảm đau và an thần để làm dịu cơn đau của người bệnh, khi việc sử dụng chúng bao hàm nguy cơ rút ngắn đời sống của người ấy. Trên thực tế, nếu có thể cho là đáng ca tụng người nào chấp nhận chịu đựng bằng cách khước từ những can thiệp chống đau để giữ tất cả sự tỉnh táo của mình, và nếu người đó là một kẻ có lòng tin, để tham gia cách ý thức vào cuộc Khổ nạn của Chúa, thì một cách xử sự “anh hùng” như thế không thể được coi như là một bổn phận đối với mọi người. Đức Pio XII đã từng tuyên bố rằng, làm giảm cơn đau bằng cách dùng thuốc an thần là hợp pháp, dù có gây ra hiệu quả giảm ý thức và rút ngắn đời sống, “nếu không có những phương thế khác, và nếu, trong những hoàn cảnh nào đó, điều ấy không ngăn trở việc hoàn thành những bổn phận tôn giáo và đạo đức khác” (79). Trong trường hợp này, trên thực tế, không được muốn hay tìm đến cái chết, mặc dù vì những lý do hợp pháp người ta có thể bị cái chết đe dọa: người ta chỉ muốn giảm cơn đau cách hiệu quả khi dùng đến thuốc giảm đau mà y học cho phép sử dụng. Tuy nhiên, “không được làm người hấp hối mất ý thức, nếu không có những lý do nghiêm trọng” (80): đến gần cái chết con người phải có khả năng thoả mãn những nghĩa vụ đối với tôn giáo và gia đình của mình, và nhất là họ phải có thể, trong ý thức trọn vẹn, dọn mình cho cuộc gặp gỡ dứt khoát của họ với Thiên Chúa.

Sau khi đã nêu lên những phân biệt này, am hợp với quyền giáo huấn của các vị tiền nhiệm của tôi (81) và trong mối hiệp thông với các giám mục của Giáo hội Công giáo, tôi xác nhận rằng việc gây chết êm dịu vi phạm nghiêm trọng lề luật của Thiên Chúa, xét như nó là việc giết chết một con người cách cố ý và không thể chấp nhận về mặt luân lý. Đạo lý này được dựa trên cơ sở lề luật tự nhiên và trên lời của Thiên Chúa đã được viết ra: Nó được truyền thống Giáo Hội truyền lại và được quyền giáo huấn thông thường và phổ quát giảng dạy (82).

Tuỳ theo trường hợp, một cách làm như thế bao hàm tính độc hại đặc thù của việc tự sát hoặc là việc giết người.

66. Mà, tự tử vẫn luôn luôn không thể chấp nhận về mặt luân lý, y như sát nhân vậy. Truyền thống Giáo Hội luôn phi bác việc tự tử, coi nó là sự lựa chọn xấu xa cách nặng (83). Mặt dầu một số hoàn cảnh tâm lý, văn hoá xã hội có thể đưa đẩy tới việc thực hành một hành vi nghịch hẳn với khuynh hướng bẩm sinh của từng con người là muốn sống, trong khi giảm khinh hoặc miễn trừ trách nhiệm cá nhân, thì theo quan điểm khách quan tự tử là một hành vi nghiêm trọng phạm luân lý, vì nó từ chối tình yêu đối với chính mình và từ bỏ bổn phận công bình bác ái đối với người anh em, đối với những cộng đồng khác nhau mà họ là thành phần, và đối với toàn bộ xã hội (84). Trong nguyên lý sâu xa nhất, tự tử là từ chối uy quyền tuyệt đối của Thiên Chúa, Đấng chủ tể sự sống và sự chết, như lời nguyện của nhà hiền triết Israel tuyên xưng: “Chính Ngài có quyền trên sự sống và cái chết, Ngài đày xuống âm phủ và lại đưa lên” (Kn 16,13; Tx 13,2).

Chia sẻ ý định tự tử của người khác và giúp họ thực hiện, gọi là tự tử có tiếp tay, là dấu chỉ mình là người cộng tác, và đôi khi chính mình là kẻ thực hiện điều bất công không bao giờ có thể biện minh được ấy, mặc dù đương sự yêu cầu. Thánh Augustino viết bằng một nét bút thời sự tuyệt vời: “Không bao giờ được giết kẻ khác, dù chính họ muốn thế, hoặc nhất là do chính họ yêu cầu, bởi vì bị chới với giữa sự sống và chết, họ van xin được giúp đỡ để giải phóng linh hồn đang đấu tranh chống lại các mối dây ràng buộc với thân xác và muốn thoát khỏi nó, cả đến bệnh nhân trong tình trạng không hy vọng sống được nữa, tự tử vẫn không được phép” (85). Cả khi lý do không phải vì người đau khổ từ chối cái ích kỷ không muốn mang gánh nặng cuộc sống, ta cũng phải nói rằng việc làm chết êm dịu là một thứ “thương hại sai lầm”, hơn thế, nó còn là sự “suy đồi” đáng e ngại đối với lòng thương xót: quả vậy, lòng “cảm thương”chân thực khiến ta liên đới với nỗi đau của tha nhân, nhưng nó không triệt tiêu kẻ đang gặp nỗi đau khổ mà chính mình cũng không thể chịu được. Hành vi chịu làm chết êm dịu càng tỏ ra độc ác, khi nó được thực hiện bởi chính những người – như là người trong gia đình lẽ ra phải nâng đỡ người thân của mình một cách kiên nhẫn và yêu thương, hay bởi những người, vì nghề nghiệp của họ, như các y sĩ, đúng ra phải chăm sóc bệnh nhân, cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất khi họ sắp chết.

Việc chọn lựa “làm chết êm dịu” càng nặng tội, khi nó được coi như một việc sát nhân mà các đệ tam nhân thực hiện đối với một người không hề yêu cầu như thế và không bao giờ tỏ một ý ưng thuận nào. Người ta đã đi tới tột đỉnh của ý thích tùy nghi về sự bất công ghê gớm khi một số người, bác sĩ hay nhà làm luật, đã đoạt quyền quyết định ai được sống ai phải chết. Chuyện đó tả lại cơn cám dỗ trong vườn Êđen: “Trở nên như Thiên Chúa, biết lành biết dũ” (x. St 3,5). Nhưng chỉ có Thiên Chúa mới cầm quyền sinh tử: “Chính ta làm cho chết và làm cho sống” (Đnl 32,29; 2V 5,7; 1 Sm 2,6). Thiên Chúa vẫn sử dụng quyền ấy theo ý định khôn ngoan và yêu thương của Ngài, và chỉ mình Ngài có quyền làm như thế. Khi con người chiếm quyền ấy, theo cái logic vô lý và ích kỷ, thì việc mà họ đã thực hiện chắc chắn đưa họ tới bất công bình và đe doạ tận gốc rễ lòng tín nhiệm lẫn nhau, là cơ sở cho mọi quan hệ chân chính giữa các ngôi vị.

67. Trái lại, con đường khác hẳn chính là con đường của tình yêu và xót thương đích thực, mà nhân loại đòi hỏi, và được đức tin vào Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc, Đấng đã chết và phục sinh, soi sáng cho bằng những nguyên do mới. Lời yêu cầu thốt lên từ trái tim con người, trong giây phút đối diện sau cùng với đau khổ và sự chết, đặc biệt là khi con người bị thử thách muốn co cụm lại trong thất vọng và như muốn tự huỷ diệt mình, thì lời yêu cầu đó trước hết là kêu xin tình liên đới và sự nâng đỡ trong thử thách. Đó là lời yêu cầu được giúp đỡ để tiếp tục hy vọng, khi mọi hy vọng của con người đều tan biến. Đó là điều Công Đồng Vatican II nhắc nhở chúng ta; “chính khi đối diện với cái chết mà điều bí ẩn về số phận nhân sinh đạt tới cao điểm” đối với con người, tuy nhiên, “chính nhờ một cảm hứng đúng đắn của lòng mình mà con người vứt bỏ và từ chối sự tàn phá trọn vẹn này cũng như cái thất bại dứt khoát của bản thân mình, cái mầm sống không thể chỉ gói gọn vào vật chất ấy, đã nổi lên chống lại sự chết” (86).

Sự chống cưỡng tự nhiên đó trước cái chết được sáng tỏ và niềm hy vọng vào sự bất tử được hoàn chỉnh bằng niềm tin Kitô giáo, niềm tin này hứa và cho phép ta tham dự vào chiến thắng của Chúa Kitô Phục sinh, chiến thắng của Đấng đã dùng cái chết cứu độ của mình mà giải phóng con người khỏi sự chết và ban ơn tha tội (x. Rm 6,23), và ban Thánh Thần cho con người để làm bảo chứng sự sống lại và sự sống (x. Rm 8,11). Niềm xác tín được bất tử sau này và niềm hy vọng đượ phục sinh Chúa hứa ban chiếu giải một ánh sáng mới lên mầu nhiệm đau khổ và sự chết, niềm xác tín và hy vọng ấy đặt tâm hồn tín hữu một sức mạnh khác thường để họ phó thác cho ý định của Thiên Chúa.

Thánh Phaolô Tông đồ đã diễn giải quan niệm mới này dưới hình thức một sự dứt khoát thuộc về Chúa, liên hệ tới con người trong mọi tình huống: “Không ai trong chúng ta được sống cho mình và cũng không ai được chết cho mình. Vì nếu ta sống, là sống cho Chúa, và nếu ta chết là chết cho Chúa. Vậy dù sống hay chết, ta vẫn thuộc về Chúa” (Rm 14,7-8). Chết cho Chúa nghĩa à sống sự chết của Ngài như một hành vi cao vời của lòng vâng phục Chúa Cha (x. Pl 2,8) bằng cách đónh nhận lấy sự chết vào giờ mà Thiên Chúa đã muốn và đã chọn cho ta (x. Ga 13,1), chỉ mình Ngài mới có thể phán quyết bao giờ chấm dứt đường trần của ta. Sống điều xấu và là một thử thách, vẫn có thể trở nên nguồn tình yêu và với tình yêu mà chịu đau khổ, như tham dự vào đau khổ của Chúa Kitô bị đóng đinh, nhờ ơn nhưng không của Thiên Chúa vào do chính mình chọn lấy. Như vậy ai chịu đau khổ trong Chúa sẽ càng nên đồng hình dạng với Ngài, đầy công nghiệp cứu độ của Chúa đối với Giáo Hội và loài người (87). Bất cứ đau khổ nào cũng được mời gọi sống kinh nghiệm của thánh Tông đồ: “Tôi vui sướng trong các nỗi đau khổ chịu vì anh em, và trong thân xác tôi, tôi bù đắp những gì còn thiếu nơi các thử thách Chúa Kitô chịu vì thân mình Ngài là Hội Thánh” (Cl 1,24).

Luật dân sự và luật luân lý

“Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,2)

68. Một trong những phương diện đặc thù của những cuộc ám hại ngày nay chống lại sự sống – như ta đã nhiều lần nói tới – là cái khuynh hướng được hưởng yêu sách được hợp thức hoá theo pháp luật như thể đó là quyền mà nhà nước, ít là trong vài hoàn cảnh, phải nhìn nhận cho công dân, và do vậy, đó cũng là khuynh hướng muốn sử dụng những quyền ấy, với sự giúp đỡ chắc chắn và miễn phí của các y sĩ và nhân viên y tế.

Rất thường thấy người ta coi sự sống của những hài nhi chưa sinh hay của những người bị tật nguyền nặng, chỉ là một thiện ích tương đói: theo logic của những tỷ lệ hay số học thuần tuý sự sống phải được so sánh với nhiều thiện ích khác và tuỳ vào đó mà đánh giá. Người ta cũng nghĩ rằng chỉ ai ở vào hoàn cảnh cụ thể, và thấy bản thân mình có liên hệ với hoàn cảnh ấy, mới có thể thực hiện sự cân nhắc chính xác các thiện ích đó, bởi vậy, kết quả là chỉ họ mới có thể quyết định về mặt luân lý của việc họ chọn lựa. Trong lợi ích của việc cộng đồng sinh tồn dân sự và của sự hài hoà xã hội, nhà nước phải tôn trọng sự lựa chọn ny, đến mức phải công nhận việc phá thai “và làm chết êm dịu”.

Trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, người ta nghĩ rằng luật dân sự không thể đòi hỏi mọi công dân sống mức độ luân lý cao hơn mức độ mà họ công nhận và tuân giữ. Trong những điều kiện như vậy, luật pháp sẽ phải luôn luôn phản ảnh dư luận và ý kiến của đa số công dân, và ít ra trong một số trường hợp nguy kịch, phải nhận cho họ được phá thai và giúp họ chết êm dịu không thể đưa tới việc thực hiện bất hợp pháp, đàng khác lại không có được sự kiểm soát tối cần của xã hội, và thự hiện mà không có sự an toàn cần thiết, vì thiếu trợ giúp y tế. Người ta còn đòi hỏi, nếu bảo vệ một đạo luật không được cụ thể tuân giữ, xét cho cùng lại chẳng là làm hại đến uy quyền của mọi luật khác sao.

Sau cùng có những ý kiến triệt để đã chủ trương rằng, trong xã hội hiện đại và đa nguyên, người ta sẽ phải nhận cho mọi người được quyền hoàn toàn tự chủ để định đoạt về sự sống của mình và sự sống của em bé chưa sinh ra: quả vậy, việc chọn lựa các ý kiến luân lý khác biệt nhau sẽ không tuỳ luật pháp, và luật pháp càng không được áp đặt một chọn lựa nào làm tổn hại cho những chọn lựa khác.

69. Dù sao trong nền văn hoá dân chủ thời đại ta, dư luận rộng rãi cho rằng lãnh vực pháp lý của một xã hội phải đượi giới hạn ở việc ghi và nhận những xác tín của đa số, và do vậy, nó chỉ phải dựa trên điều mà đa số công nhận và sống như là hợp luân lý. Nêu khi đó người ta nghĩ rằng cả chân lý chung và khách quan, thật sự là bất khả đạt tới, thì tôn trọng tự do của công dân, trong nền dân chủ, công dân được “coi như” các người có chủ quyền – đòi hỏi, ở mức độ làm luật, người ta phải nhìn nhận sự tự quyết của lương tâm cá nhân, va do đó, khi thiết lập những quy định thật cần thiết cho việc đồng sinh tồn trong xã hội, khi người ta chỉ phải thích nghi với ý muốn của đa số, bất kỳ ý ấy như thế nào. Từ sự kiện trên, trong lúc hành động, mọi nhà làm chính trị phải tách biệt hẳn lãnh vực lương tâm cá nhân khỏi lãnh vực hành động chính trị.

Như vậy là ta thấy hai khuynh hướng, bề ngoài đối nghịch hẳn nhau. Một bên các cá nhân đòi dành cho mình một sự hoàn toàn tự quyết về luân lý trong việc lựa chọn và đòi nhà nước không được nhận hay áp đặt một quan niệm mang tính luân lý nào, nhưng phải quan tâm đến việc bảo đảm tự do mỗi người một môi trường rộng rãi nhất, chỉ có giới hạn đối ngoại là không được lấn sang môi trường của sự tự quyết mà mọi công dân đều có quyền hưởng. Mặt khác người ta cho rằng, trong việc thi hành những chức năng công cộng và chuyên nghiệp, sự tôn trọng tự do lựa chọn của những người khác đòi mỗi người phri dẹp bỏ chính những xác tín của riêng mình, để phục vụ mọi yêu cầu của công dân đã đựoc luật pháp nhìn nhận và bảo vệ, bằng cách nhận như tiêu chuẩn duy nhất của luân lý, trong khi thi hành chức năng của mình, tất cả những gì được xác định bởi luật pháp ấy. Trong nhứng điều kiện như vậy, trách nhiệm của mỗi con người được uỷ thách cho luật dân sự, vì điều ấy giả thiết sự thoái vị của lương tâm luân lý, ít ra là trong lãnh vực của hoạt động công cộng.

70. Cội nguồn chung của tất cả những khuynh hướng này là “chủ thuyết tương đối trong luân lý” nó là đặc điểm của phần lớn nền văn hoá hiện nay. Nhiều người cho rằng chủ thuyết tương đối là điều kiện của nền dân chủ, bởi vì chỉ một mình nó bảo đảm cho sự bao dung, tôn trọng lẫn nhau giữa các cá nhân và bám sát được quyết định của đa só, trong khi những luật lệ luân lý coi là khách quan và nguồn bắt buộc, sẽ đưa tới chủ nghĩa chuyên chế và bất bao dung. Nhưng vấn đề phải tôn trọng sự sống lại khiến xuất hiện nhiều nghịch ý và nhiều mâu thuẫn, kèm theo nhiều hậu quả khủng khiếp rất cụ thể ẩn nấp dưới những quan niệm trên.

Quả thực trong lịch sử còn ghi nhiều trong trường hợp mà tội ác được người ta phạm nhân danh “chân lý”. Nhưng, nhân danh “chủ thuyết tương đói trong luân lý”: người ta cũng đã phạm và còn đang phạm những tội ác không kém nặng nề và những sự chối bỏ tự do không kém quyết liệt. Khi đa số trong Quốc hội hay trong xã hội ra sắc lệnh huỷ diệt sự sống của con người chưa được sinh ra, dù có đặt ra một vài điều kiện, thì đa số ấy lại chẳng có một quyết định “tàn ác” đối với hữu thể con người còn non nớt và không có gì bênh vực đó sao? Lương tâm của mọi người đều phản ứng đúng trước những tội ác chống nhân loại mà thế kỷ ta đã từng có kinh nghiệm bi thảm. Liệu những tội ác này có hết là tội ác, nếu như chúng không được thực hiện bởi những bạo chúa vô lương tâm, mà lại được hợp thức hoá bởi sự đồng tình của nhân dân chăng?

Thật thế, nền dân chủ không thể được nâng lên hàng huyền thoại, đến mức trở nên chỗ thay thế cho luân lý, hay là thứ thuốc vạn ứng của sự vô luân được. Căn bản dân chủ là “chế độ”, và là chế độ thì nó là dụng cụ chứ không phải mục đích. Tính cách “luân lý” của nó không phải tự động mà có, nhưng phải tuỳ thuộc sự hoà hợp với luật luân lý mà chính nền dân chủ phải vâng phục, y như bất cứ hành vi nào của con người: tính cách luân lý ấy tuỳ thuộc vào tính luân lý của các mục đích được theo đuổi và của các phương tiện được dùng. Nếu hiện nay người ta coi sự đồng tình của gần như tất cả mọi người về giá trị của nền dân chủ, thì cũng phải coi điều ấy như một “giá trị thời đại” mang tính tích cực, như Giáo huấn của Giáo Hội đã nhiều lần nhấn mạnh (88). Nhưng giá trị của nền dân chủ sẽ được duy trì hay mất đi là tuỳ theo những giá trị mà nền dân chủ đã mang lấy và chấn hưng: căn bản và cần thiết phải là phẩm giá của mọi người, sự tôn trọng mọi quyền bất khả đụng chạm, bất khả nhượng của con người cũng như sự nhìn nhận “lợi ích chung” như mục đích và tiêu chuẩn điều khiển đời sống chính trị.

Nền tảng các giá trị này không thể có được nơi những “đa số” dư luận tạm thời và biến động, nhưng chỉ có được nơi sự nhìn nhận luân lý khách quan, vì là “luật tự nhiên”, được ghi khắc trong lòng con người, luật luân lý khách quan là nơi quy chiếu mẫu mực cho chính luật dân sự. Khi nào, vì nỗi tối tăm thảm khốc của lương tâm tập thể, chủ thuyết hoài nghi đi tới chỗ nghi ngờ cả những nguyên tắc căn bản của luật luân lý, thì đó là lúc chế độ dân chủ bị lung lay tới tận nền tảng, chỉ còn quy lại một bộ phận máy móc điều khiển theo cảm nghiệm lợi ích khác nhau và đối nghịch nhau mà thôi (89).

Một số người có thể sẽ nghĩ rằng, không có gì tốt hơn được thì cũng phải coi trọng vai trò của nền dân chủ chiếu theo lợi ích của nó đối với hoà bình xã hội. Trong ý kiến ấy có đôi chút sự thật, nhưng thực khó mà không thấy rằng, nếu không có một cơ sở luân lý khách quan, thì nền dân chủ không thể bảo đảm được hoà bình bền vững. Cũng như nếu hoà bình không được dựa trên nhân phẩm của mọi người và trên tình liên đới giữa mọi người, thì thường chỉ là hão huyền. Ngay cả trong những chế độ có sự tham gia của dân chúng, việc điều hoà các lợi ích cũng vẫn thường có lợi cho những kẻ mạnh hơn vì họ được nhiều khả năng hành động không những trên các lợi thế quyền lực mà còn nhờ việc gầy tạo nên sự đồng tình nhất trí nữa. Trong tình huống ấy, dân chủ dễ trở nên một từ trống rỗng.

71. Vì tương lai xã hội và vì sự phát triển nền dân chủ lành mạnh, phải cấp bách khám phá ra những giá trị nhân bản và luân lý thiết yếu và nguyên thuỷ, phát sinh ngay từ luân lý về hữu thể nhân linh, những giá trị diễn tả và bảo vệ phẩm giá con người: đó là những giá trị mà không ai, không đa số nào, không nhà nước nào sáng tạo ra được, biến đổi hay bãi bỏ đi được, nhưng mọi người phải nhìn nhận, tôn trọng và chấn hưng các giá trị ấy.

Trong bối cảnh này, phải lấy lại các yếu tố căn bản của quan niệm về những tương quan giữa luật dân sự và luật luân lý, đúng như đã được Giáo Hội đề nghị, nhưng chúng vẫn là di sản của những truyền thống về pháp lý của nhân loại.

Vai trò của luật dân sự chắc chắn là khác vai trò của luật luân lý, và có tầm mức giới hạn. Vì thế, “trong mọi lãnh vực đời sống, luật dân sự không được thay thế lương tâm, cũng không được ra những điều luật về những gì không thuộc thẩm quyền của mình” (90), thẩm quyền này chỉ là để bảo đảm ích lợi của mọi người, bằng cách nhìn nhận và bảo vệ những quyền căn bản của họ và chấn hưng hoà bình cũng như luân lý công cộng (91). Quả thế, vai trò của luật dân sự là bảo đảm việc đồng sinh tồn có nề nếp trong xã hội, trong công bình thật sự, để “mọi người chúng ta có thể sống cuộc đời thanh thản và bình an, trong đạo đức và phẩm giá” (1Tm 2,2). Chính vì thế, luật dân sự phải bảo đảm cho tất cả mọi phần tử xã hội được tôn trọng về những quyền căn bản vốn thuộc về con người mà bất cứ luật pháp dân sự nào cũng phải công nhận và bảo đảm. Đứng đầu và căn bản nhất là quyền sống bất khả xâm phạm của mọi người vô tội. Nếu công quyền đôi khi có thể từ chối dẹp bỏ những gì mà vì sự cấm đoán của nó sẽ gây ra thiệt hại nặng hơn (92), thì công bao giờ được chấp nhận là hợp pháp, với danh nghĩa quyền cá nhân, dù những cá nhân này là đa số trong xã hội – sự vi phạm đối với con người, bằng cách không nhìn nhận một quyền căn bản như quyền được sống của người khác. Việc luật pháp cho phá thai và giúp cho chết êm dịu, không thể, bất cứ hoàn cảnh nào, được dựa vào sự tôn trọng lương tâm người khác, chính bởi vì xã hội có quyền và bổn phận tự bảo vệ chống lại những lạm dụng có thể xảy đến nhân danh lương tâm và nại cớ tôn trọng tự do (93).

Trong thông điệp “Hoà bình trên trái đất”, Đức Gioan XXIII đã nhắc lại về đề tài này: “Đối với tư tưởng ngày nay, công ích trước tiên hệ tại việc bảo vệ các quyền lợi và bổn phận của nhân vị: do đó, vai trò của các nhà cai trị cốt yếu là ở việc bảo đảm sự nhìn nhận và tôn trọng quyền lợi, sự giao lưu giữa các quyền lợi, và phát triển quyền lợi, va do đó phải làm cho từng công dân được dễ dàng chu toàn bổn phận của họ. Bởi vì “sứ mệnh thiết yếu của mọi quyền bính chính trị là bảo vệ những quyền bất khả xâm phạm của con người và làm thế nào từng người hoàn tất dễ dàng chức năng riêng của họ. Vì thế, nếu công quyền đi tới chỗ không biết hoặc xâm nhập quyền con người, thì không những người cầm quyền không chu toàn trách nhiệm, nhưng các dự tính của họ thiếu hẳn mọi giá trị pháp lý” (94).

72. Giáo lý về sự cần thiết phải làm cho luật dân sự phù hợp với luật luân lý vẫn liên tục được giảng dạy trong truyền thống Giáo Hội, như một lần nữa ta thấy điều này nổi bật trong thông điệp kể trên của Đức Gioan XXIII: “Quyền bính mà trật tự luân lý đòi hỏi phải có, xuất phát từ Thiên Chúa, vậy nếu xảy ra việc những nhà lãnh đạo ban hành các điều luật hay dùng những biện pháp nghịch lại trật tự luân lý, và do đó, nghịch lại ý Thiên Chúa, thì những điều ấy không thể bắt buộc lương tâm con người… Hơn thế, trong những trường hợp này, chính quyền tự biến chất thành áp bức” (95). Đó là giáo huấn theo thánh Toma Aquino, ngài viết rõ rằng: “luật con người làm ra chỉ đúng là luật pháp xét theo nó phù hợp với lẽ phải; với danh nghĩa ấy, rõ ràng nó từ luật vĩnh cửu mà phát xuất. Nhưng theo mức độ nó tách rời khỏi lẽ phải, thì phải tuyên bố nó là luật gian tà, và do đó, không có lý do tồn tại như là luật, mà là một sự cưỡng bức” (96). Và, “mọi luật do con người đặt ra, chỉ đúng là luật tuỳ theo mức độ nó phát xuất từ luật tự nhiên. Nếu nó lệch lạc ở quan điểm nào đó khỏi luật tự nhiên, lúc ấy nó không phải là luật, mà là huỷ hoại luật” (97).

Hiện nay, việc áp dụng đầu tiên và cách trực tiếp giáo huấn trên, liên hệ đến cái luật con người đặt ra để không nhận quyền căn bản và nguyên thuỷ của sự sống, một quyền thuộc riêng về con người. Vì thế, những thứ luật, trong trường hợp phá thai và làm chết êm dịu, “hợp thức hoá” việc trực tiếp tiêu diệt những con người vô tội, là hoàn toàn mâu thuẫn không thể am hợp với quyền sống bất khả xâm phạm thuộc riêng về mọi người, mà những thứ luật ấy còn chối bỏ sự bình đẳng của mọi người trước pháp luật. Có lẽ người ta muốn vấn nạn rằng đó không phải là trường hợp làm chết êm dịu, khi nó được yêu cầu một cách ý thức do chính đương sự. Nhưng một nhà nước hợp thức hoá yêu cầu này, và cho phép thi hành, sẽ đi tới chỗ hợp thức hoá trường hợp tự tử-sát nhân (suicide-homicide), ngược lại với những nguyên tắc căn bản về sự bất khả định đoạt trên sự sống và việc bảo vệ mọi sự sống vô tội. Cứ theo kiểu cách ấy, người ta ủng hộ việc giảm thiểu lòng tôn trọng sống và người ta mở đường cho những cách sống bãi bỏ sự tín nhiệm, trong các quan hệ xã hội. Những luật cho phép và ủng hộ phá thai và làm chết êm dịu đi ngược lại công ích, và do đó, những thứ luật ấy thiếu tính hợp pháp thực sự. Quả vậy, sự không nhìn nhận sự sống, chính vì nó dẫn đến chỗ triệt tiêu con người mà xã hội chỉ tồn tại để phục vụ, đấy là điều trực tiếp và tệ hại nhất, đi ngược lại khả năng thực hiện công ích. Hậu quả là, khi một luật dân sự hợp thức hoá việc phá thai và làm chết êm dịu thì tự nó luật ấy không còn là luật dân sự có tính bắt buộc về luân lý nữa.

73. Như vậy, việc phá thai và làm chết êm dịu là những tội ác mà không luật nhân loại nào có thể cho rằng hợp pháp được. Những luật loại này không những không hề có giá trị bắt buộc đối với lương tâm mà chúng còn được đòi buộc cách nghiêm trọng và chính xác là chống lại chúng, vì sự phản đối của lương tâm. Ngay những ngày đầu của Giáo Hội, các Tông đồ giảng dạy những người theo Chúa Kitô bổn phận vâng phục công quyền được thiết lập hợp pháp (x. Rm 13,1-7,13-14) nhưng đồng thời việc giảng dạy cũng mạnh mẽ chỉ bảo “phải vâng lời Thiên Chúa hơn loài người” (Cv 5,29). Ngay trong Cựu Ước, chính về vấn đề những đe doạ đối với mạng sống, ta gặp một ví dụ rất ý nghĩa về việc kháng cự mệnh lệnh bất công của nhà cầm quyền. Những bà hộ sinh cho trẻ Do Thái đã chống lại vua Pharaon, khi ông ra lệnh giết các trẻ trai mới sinh: “Các bà đã không làm điều mà vua Ai Cập ra lệnh và cứ để các bé trai được sống” (Xh 1,17). Nhưng phải nhìn rõ lý do sâu xa của việc xử sự ấy: ”Các bà hộ sinh kính sợ Thiên Chúa” (Xh 1,17). Chỉ có sự tuân phục Thiên Chúa-Đấng duy nhất mà ta phải kính sợ, lòng kính sợ do sự nhìn nhận quyền tối cao của Ngài, mới làm phát sinh sức mạnh và lòng can đảm của những ai sẵn sàng hy sinh kể cả đến tính mạng với niềm tin xác tín rằng việc ấy “tạo nên sự can trường và lòng tin cậy của các thánh” (Kh 13,10).

Trong trường hợp thứ luật tự nó đã bất công, như luật công nhận phá thai và làm chết êm dịu, thì không bao giờ được phép theo, cũng không được tham gia vào chiến dịch gây dư luận ủng hộ một luật như thế, cũng không bỏ phiếu cho luật đó (98).

Một vấn đề đặc biệt của lương tâm có thể được đặt ra, trong trường hợp bỏ phiếu trong Quốc hội tỏ ra xác định việc ủng hộ một luật hạn chế lại, có nghĩa là hạn chế số phá thai đã từng được phép, để thay thế luật cho phép phá thai đang có hiệu lực hoặc luật chờ để được quyết định. Nhưng trường hợp ấy không hiếm. Quả vậy, người ta thấy có sự kiện này là, trong khi ở một số vùng trên thế giới vẫn tiến hành các chiến dịch để du nhập những luật ủng hộ phá thai, được yểm trợ bởi nhiều tổ chức quốc tế giàu mạnh, thì trong nhiều nước khác, nhất là những nước đã có kinh nghiệm cay đắng về những luật lệ cho phép này, các nước ấy tự tỏ ra là những dấu chỉ của một sự suy nghĩ mới. Trong trường hợp đã định ở đây, rõ ràng là khi không có thể tránh hay bãi bỏ hoàn toàn luật cho phép phá thai, thì một dân biểu, đã rõ rệt chống đối quyết liệt việc phá thai, mà ai cũng biết rõ như thế, thì ông sẽ có thể góp phần ủng hộ những kiến nghị có ý giới hạn những thiệt hại của một luật như thế và nhờ đó giảm đi những hậu quả tiêu cực trên bình diện văn hoá và luân lý công cộng. Quả vậy, hành động như thế, người ta không thực hiện việc cộng tác vào cái luật tai ác kia, nhưng là thực hiện một cố gắng hợp pháp, cũng là bổn phận để được hạn chế những phương diện bất công.

74. Việc đưa ra những luật bất công thường đặt những người ngay thẳng về mặt luân lý trước nhiều vấn đề lương tâm khó khăn, trong những điều liên can đến cộng tác của họ, vì bổn phận phải khẳng định quyền của mình là không bị ép buộc tham gia những hành động xấu về mặt luân lý. Những chọn lựa phải làm đôi khi đau đớn và có thể đòi hỏi phải hy sinh những vị trí nghề nghiệp từng được củng cố, hay còn phải từ bỏ những viễn ảnh hợp pháp để thăng tiến nghề nghiệp. Trong nhiều trường hợp khác có thể xảy ra là việc hoàn thành một số hành vi tự nó là không xấu không tốt, đôi khi còn tích cực, được dự tính để chuẩn bị cho những luật lệ mà đại để là bất công, sẽ cho phép cứu được nhiều sinh mạng con người bị đe doạ. Mặt khác, người ta có thể có lý sợ rằng khi tỏ ra mình sẵn sàng hoàn thành những hành vi ấy, không những sẽ đưa tới gương mù và làm yếu kém sự phản đối cần thiết chống lại những ám hại sự sống, nhưng còn dần dần đưa tới thoả hiệp với một logic được phép.

Để làm sáng tỏ vấn đề luân lý khó khăn này, cần nhắc lại những nguyên tắc tổng quát về việc cộng tác với hành vi xấu. Người Kitô hữu cũng như mọi người thiện chí -chiếu theo bổn phận nghiêm trọng của lương tâm, được kêu gọi không cộng tác với những việc đi ngược lại với Lề luật của Thiên Chúa, dù là chúng được luật dân sự công nhận. Quả vậy, theo quan điểm luân lý, không bao giờ được minh nhiên cộng tác vào việc xấu. Sẽ có sự cộng tác như thế, khi hành động được thực hiện kia, hoặc do chính bản tính nó, hoặc do tính chất nó mang lấy trong một bối cảnh cụ thể, đã nổi bật như là một sự tham gia vào hành vi chống lại sự sống con người vô tội, hay như một sự đồng tình với ý định vô luân của tác nhân chính. Sự cộng tác này không bao giờ được biện minh bằng cách nại tới việc tôn trọng tự do của người khác, hay dựa vào sự kiện là luật dân sự đã tiên liệu và đòi hỏi sự cộng tác ấy: đối với những hành vi mà mỗi cá nhân tự làm lấy, quả vậy, vẫn có một trách nhiệm luân lý mà không ai có thể trút bỏ, và căn cứ theo trách nhiệm này Thiên Chúa sẽ phán xét họ (x. Rm 2,6; 14,12).

Từ chối tham gia việc thực hiện điều bất công không những là bổn phận luân lý mà còn là quyền cơ bản của con người. Nếu không như vậy, nhân vị con người, khi bị bắt buộc làm một việc tự nó không xứng hợp với nhân phẩm, và do đó với tự do của con người, mà ý tưởng và mục đích chính thực là hướng về chân lý và thiện hảo, sẽ bị tác hại tận căn. Đây là một quyền thiết yếu, mà vì là thiết yếu, mà phải được tiên liệu và bảo vệ do chính luật dân sự nữa. Theo ý nghĩa này, khả năng từ chối tham gia ở các giai đoạn tham khảo ý kiến, chuẩn bị và thi hành những hành vi chống lại sự sống, phải được bảo đảm cho các y sĩ, các nhân viên liên hệ trong ngành y tế và các người có trách nhiệm trong cơ quan bệnh viện, nhà thương, trung tâm y tế. Những người nêu lên sự phản kháng lương tâm, cũng được miễn trừ, không những khỏi những chế tài mà còn được miễn trừ không phải chịu sự thiệt thòi nào đó, dù là ở bình diện pháp lý và kỷ luật, hay là ở bình diện kinh tế và nghề nghiệp.

Ngươi phải bênh vực “sự sống”

“Ngươi phải yêu anh em như chính mình ngươi” (Lc 10,27)

75. Các giới răn của Thiên Chúa dạy ta con đường sự sống. Những điều luật luân lý tiêu cực, nghĩa là những điều luật tuyên bố không thể chấp nhận một hành vi xác định nào đó về mặt luân lý, những điều luật ấy có giá trị tuyệt đối trong việc hành xử sự tự do của con người: chúng vẫn có giá trị ở mọi thời, mọi hoàn cảnh, không có luật trừ. Chúng chứng tỏ rằng việc chọn một số hành vi nào đó là triệt để không hợp với lòng yêu mến Thiên Chúa và với phẩm giá con người được tạo thành theo hình ảnh Chúa: vì vậy, một sự chọn lựa như thế không thể bù trừ bằng tính cách tốt của một ý hướng nào hay bằng một hậu quả nào; sự lựa chọn ấy vẫn nghịch với sự hiệp thông giữa các con người, không thể sửa chữa, và ngược hẳn với ý định căn bản là hướng sự sống về Thiên Chúa (99).

Theo ý nghĩa này, những điều luật luân lý tiêu cực đã có một chức năng tích cực quan trọng: tiếng “không” mà những điều luật ấy đòi hỏi một cách vô điều kiện, diễn tả giới hạn không thể vượt qua, con người tự do không được xuống quá mức đó, và đồng thời tiếng”không” còn diễn tả mức tối thiểu phải tôn trọng, và từ mức độ con người phải nói ra nhiều tiếng “phải” làm sao cho viễn ảnh sự thiện phải dần dần trở nên một chân trời duy nhất (x. Mt 5,48). Những giới răng, đặc biệt những luật luân lý tiêu cực, là điểm khởi hành và là chặng đầu, rất quan trọng, của con đường dẫn tới tự do. Thánh Augustinô viết: “Tự do đầu tiên, là không phạm tội ác… như giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, lừa đảo, phạm thánh, và mọi hình thức thuộc loại đó. Khi một người bắt đầu từ bỏ, không phạm những tội ấy, đây là luật buộc người Kitô hữu không được phạm, người ấy đã khởi sự ngẩng đầu lên hướng về tự do, nhưng đây mới chỉ là khởi điểm của tự do, chưa phải là tự do hoàn hảo” (100).

76. Giới răn :ngươi chớ giết người” là điểm khởi đầu của con đường tự do chân thật, dẫn ta tới chỗ tích cực chấn hưng sự sống, tới chỗ chấp nhận một thái độ chính xác đề phục vụ sự sống: làm như thế. ta thi hành trách nhiệm của ta đối với mọi người đã được trao phú cho ta và ta bày tỏ, trong việc làm và trong chân lý, lòng tri ân Thiên Chúa về ơn cao cả là sự sống (x. Tv 139/138,13-14).

Đấng Tạo Hoá đã trao sự sống con người cho trách nhiệm của chính con người đề chăm sóc. Không phải để mình muốn định đoạt ra sao tuỳ tiện, nhưng để khôn ngoan giữ gìn và yêu mến trung thành hướng dẫn nó. Thiên Chúa của Giao ước đã ký thác sự sống của mọi người cho người khác, cho anh em họ, chiếu theo luật hỗ tương là cho và nhận, là hy sinh mình và đón nhận anh em. Khi thời gian đã mãn, Con Thiên Chúa nhập thể và hiến mạng sống loài người, như vậy Ngài đã biểu lộ luật hỗ tương cao cả và sâu rộng biết bao. Quan việc ban Thánh Thần, Chúa Kitô mang đến một ý nghĩa mới, một nội dung mới cho luật hỗ tương, thực ra, là trao người này cho người kia. Chúa Thánh Thần, Đấng tạo tác sự hiệp thông trong tình yêu, sáng tạo nên giữa loài người một tình huynh đệ mới, một tình liên đới mới là phản ánh thật của mầu nhiệm trao ban và đón nhận giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính Chúa Thánh Thần trở thành lề luật mới, luật ban sức mạnh cho các tín hữu và kêu gọi trách nhiệm của họ để sống hỗ tương trong việc hiến dâng thân mình và đón nhận người khác, bằng cách tham dự vào tình yêu của Chúa Kitô và theo mức độ tình yêu của Ngài.

77. Chính luật mới này làm sống động và hình thành khuôn mẫu cho giới răn “ngươi chớ giết người”. Như vậy người Kitô hữu hiểu được mệnh lệnh tôn trọng, mến yêu và thăng tiến sự sống của tất cả mọi anh em, theo những đòi hỏi và sự cao cả của Tình yêu Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô, “Chúa đã thí mạng sống vì chúng ta. Phần chúng ta cũng phải thí mạng sống vì anh em ta” (1Ga 3,16).

Giới răn “ngươi chớ giết người” ngay ở nội dung tích cực nhất là tôn trọng, mến yêu và thăng tiến sự sống con người, đòi buộc tất cả mọi người. Quả vậy, giới răn ấy vang dội trong lương tâm mỗi người như tiếng vang không thể xoá nhoà của Giao ước từ nguyên thuỷ, mà Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá ký kết với con người. Giới răn này được mọi người biết đến nhờ ánh sáng của lý trí, và được tuân giữ nhờ tác động mầu nhiệm của Chúa Thánh Thần, Ngài thổi hơi vào nơi đâu Ngài muốn (x. Ga 3,8). Ngài liên kết và thu hút mọi người sống trên trần gian này.

Sự phục vụ mà chúng ta được gọi để thi hành cho anh em, là một phục vụ của tình thương, để sự sống của anh em luôn luôn được bảo vệ và thăng tiến, nhưng nhất là khi sự sống ấy yếu ớt và bị đe doạ hơn. Đây là sự sống mà mỗi người nhưng cũng cả xã hội nữa phải chăm sóc: Tất cả chúng ta phải phát triển sự chăm sóc ấy bằng cách lấy việc tôn trọng vô điều kiện sự sống con người làm nền tảng của xã hội được canh tân.

Chúng ta được yêu cầu quý mến và tôn trọng sự sống của mỗi người, nam cũng như nữ, và kiên trì làm việc với lòng dũng cảm, để sau cùng trong thời đại ta đang có quá nhiều dấu hiệu chết chóc, được phục hồi một nền văn hoá mới của sự sống, là kết quả do nền văn hoá của chân lý và tình yêu.

***

CHƯƠNG IV

CHÍNH LÀ CHO TA MÀ CÁC CON LÀM ĐIỀU ĐÓ

TIẾN TỚI NỀN VĂN HOÁ MỚI CỦA SỰ SỐNG CON NGƯỜI

Dân tộc của sự sống và vì sự sống

“Anh em là dân tộc thuộc về Thiên Chúa, có nhiệm vụ loan báo những kỳ công của Ngài” (x. 1Pr 2,9)

78. Giáo Hội đã đón nhận Tin Mừng như một loan báo và như một nguồn vui và nguồn cứu độ. Giáo Hội đón nhận Tin Mừng như hồng ân của Chúa Giêsu, Đấng mà Chúa Cha sai xuống “đề mang Tin Mừng cho người nghèo khó” (Lc 4,18). Giáo Hội đón nhận Tin Mừng qua các Tông đồ được Chúa sai khắp thế gian (x. Mc 16,15; Mt 28,19-20). Được sinh ra từ hành động loan báo Tin Mừng này, Giáo Hội cảm thấy vang lên trong lời mình lời cảnh cáo hằng ngày của Thánh Tông Đồ: “Khốn cho tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1Cr 9,16). Như Đức Phaolô VI đã viết, phúc âm hoá quả thực là hồng ân và ơn gọi riêng của Giáo Hội, là căn tính sâu xa nhất của Giáo Hội. Giáo Hội hiện hữu để loan báo Tin Mừng (101).

Phúc âm hoá là hành động bao quát và năng động, đưa Giáo Hội tới chỗ tham gia sứ mệnh ngôn sứ, tư tế và vương giả của Chúa Giêsu. Vì thế, việc ấy bao gồm một cách không thể tách rời các chiều kích của việc loan báo, cử hành và việc phục vụ của đức ái. Đó là hành vi mang tính Giáo Hội sâu xa liên quan tới mọi người thợ làm việc cho Tin Mừng, mỗi người theo ơn đoàn sủng và thừa tác vụ của mình.

Cũng như thế đối với việc loan báo Tin Mừng về sự sống, thành phần của Tin Mừng, là Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta là những người phục vụ Tin Mừng này, được nâng đỡ bởi ý thức rằng mình đã đón nhận Tin Mừng ấy như một hồng ân và được sai đi để loan báo Tin Mừng ấy cho cả nhân loại “tới mãi tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Chính vì thế chúng ta khiêm tốn và tri ân duy trì tâm tư mình là dân của sự sống và vì sự sống: trước mặt mọi người chúng ta thật sự là như vậy đó.

79. Chúng ta là dân của sự sống và vì sự sống bởi lẽ, trong tình yêu nhưng không của Ngài, Thiên Chúa đã ban cho ta Tin mừng về sự sống và bởi lẽ Tin Mừng này đã biến đổi và cứu chuộc chúng ta. Chúng ta được “Đấng ban sự sống” chinh phục lại (Cv 3,15) với giá bửu huyết của Ngài (x. 1Cr 6,20; 7,23; 1Pr 1,19), nhờ được dìm trong giếng Thanh Tẩy, ta được tháp nhập vào Ngài (x. Rm 6,4-5); Cl 2,12) như những cành cây hút từ cùng một thân cây nhựa sống và sinh hoa kết trái (x. Ga 15,5). Được canh tân trong nội tâm bởi ơn Chúa Thánh Thần, “Ngài là Chúa và là Đấng ban sự sống”, chúng ta đã trở nên dân tộc vì sự sống và chúng ta được gọi để cư xử trong tư cách ấy.

Chúng ta được sai đi: đối với chúng ta, phục vụ sự sống, không phải là lý do cho ta kiêu ngạo, mà là bổn phận phát sinh từ ý thức rằng mình là: “dân tộc Chúa đã chiếm hữu, để tuyên xưng lời ca tụng Ngài” (x. 1Pr 2,9). Luật của tình yêu hướng dẫn ta và nâng đỡ ta trên đường đi, tình yêu mà Con Thiên Chúa làm người là nguồn mạch phát sinh và mẫu gương, Ngài “đã ban sự sống cho thế gian nhờ cái chết của mình” (102).

Chúng ta được sai đi như một dân tộc.Việc dấn thân phục vụ sự sống liên hết tới từng người. Đó là một trách nhiệm mang tính “Giáo Hội”, nó đòi một hành động nhịp nhàng và quảng đại của mọi thành viên và mọi cơ cấu trong Cộng đoàn Kitô giáo. Tuy nhiên, bổn phận chung không loại bỏ và không giảm bớt trách nhiệm cá nhân, bởi vì lệnh truyền của Chúa nói với từng con người là phải làm cho mọi người thành người lân cận của mình: “Anh hãy đi, và chính anh hãy làm như thế” (Lc 10,37).

Tất cả chúng ta cùng cảm thấy bổn phận loan báo Tin Mừng về sự sống, tôn dương Tin Mừng này trong phụng vụ và trong cả cuộc sống, phục vụ Tin Mừng này bằng nhiều sáng kiến và nhiều tổ chức có mục đích yểm trợ và cổ võ Tin Mừng ấy !

Loan báo Tin Mừng về sự sống

Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho anh em” (1Ga 1,3)

80. Điều ngay từ đầu đã có, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã tận tay sờ tới về Lời Sự Sống… chúng tôi loan báo cho anh em, để anh em cùng hiệp thông với chúng tôi” (1Ga 1,1-3). Chúa Giêsu là Tin Mừng duy nhất: không có tin mừng nào khác mà chúng ta tuyên xưng và làm chứng.

Loan báo Chúa Giêsu, đúng là loan báo sự sống. Vì Ngài là “Lời Sự Sống” (1Ga 1,1). Nơi Ngài “sự sống đã được tỏ hiện” (1Ga 1,2), hoặc đúng hơn chính Ngài là “sự sống đời đời ấy, vẫn hướng về Chúa Cha và đã hiện cho chúng ta thấy” (1Ga 1,2).

Chính là sự sống ấy, nhờ ơn Chúa Thánh thần, đã được thông ban cho con người. Được hướng về sự sống sung mãn, về sự sống vĩnh hằng, nên sự sống trần gian của mỗi người đã có được tất cả ý nghĩa của mình.

Được soi sáng bởi Tin Mừng về sự sống chúng ta cảm thấy nhu cầu cần phải công bố và làm chứng tá trong một sự mới lạ làm nổi bật Tin Mừng này: bởi vì Tin Mừng này đồng nhất với chính Chúa Giêsu là Đấng đem đến mọi điều mới lạ (103) và là Đấng chiến thắng mọi “già cỗi” xuất phát từ tội lỗi và đưa tới sự chết (104), Tin Mừng vượt quá lòng mong chờ của con người, và mặc khải những độ cao tuyệt vời mà nhờ ân sủng, phẩm giá con người đã được nâng lên. Đó là điều mà Thánh Grêgoriô Nyssênô đã chiêm ngắm: “Trong các hữu thể, thì con người chẳng đáng kể là gì, con người là cát bụi, rơm rác, phù vân, thế mà một khi trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa Chủ Tể càn khôn, lại được thân mật với Đấng mà không ai có thể thấy, hoặc nghe, hoặc hiểu được sự tuyệt đối thiện hảo và vĩ đại của Ngài. Ta dùng lời nói, tư tưởng nào, tầm vương cao nào của tâm trí để có thể tung hô sự sung mãn của ơn này? Con người siêu việt hơn bản tính mình: từ chỗ chết vươn tới bất tử, từ chỗ hư nát vươn tới bất khả hư nát, từ phù vân qua vĩnh cửu, tóm lại, từ thân phận là người được trở nên Thiên Chúa” (105).

Niềm tri ân và hân hoan vì phẩm giá khôn lường của con người thúc đẩy ta phải làm cho cả thế giới được hưởng sứ điệp này: “Điều mà chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho anh em, để anh em được hiệp thông với chúng tôi” (1Ga 1,3). Cần thiết phải làm cho Tin Mừng về sự sống đến được với mọi người, nam cũng như nữ, đưa Tin Mừng ấy vào trong những ngõ ngách sâu kín nhất của toàn xã hội.

81. Đây là vấn đề, trước hết, phải công bố tâm điểm của Tin Mừng này. Đó là việc loan báo về Đấng Thiên Chúa hằng sống và gần gũi, Ngài gọi tới hiệp thông sâu xa với Ngài, và mở cho ta niềm hy vọng vững chắc được sống đời đời; đó là sự khẳng định về mối dây không thể tách lìa giữa ngôi vị, sự sống và tính xác thể của con người; đó là việc trình bày sự sống con người như là sự sống liên đới, là hồng ân Thiên Chúa, là kết quả và dấu chỉ của tình yêu Ngài; đó là việc công bố mối tương quan khác thường giữa Chúa Giê su với từng người, cho phép ta nhìn trên gương mặt con người chính dung mạo Chúa Kitô; đó là việc “bày tỏ sự hiến dâng trọn bản thân” như một bổn phận và như nơi thể hiện đầy đủ sự tự do.

Đồng thời, cũng trình bày mọi hậu quả của chính Tin Mừng này mà ta có thể tóm lược như sau: là hồng ân quý báu Chúa ban, sự sống con người thì thánh thiêng và bất khả xâm phạm, và vì thế, đặc biệt việc có ý phá thai là làm chết êm dịu đều tuyệt đối không thể chấp nhận được, không những không được huỷ diệt sự sống con người mà còn phải bảo vệ nó trong mối quan tâm đầy tình thương; sự sống tìm thấy ý nghĩa của nó trong tình yêu được tiếp nhận và được trao ban: chính ở tầm mức này mà giới tính và việc truyền sinh của con người đạt tới chân tính của chúng; trong tình yêu này, đau khổ và sự chết cũng có một ý nghĩa và, mặc dầu còn mãi mầu nhiệm bao quanh chúng, đau khổ và sự chết có thể trở nên những biến cố cứu độ, lòng tôn trọng sự sống đòi hỏi khoa học và kỹ thuật phải được hiến về con người và sự phát triển toàn diện con người; toàn xã hội tôn trọng, bênh vực và thăng tiến phẩm giá của mọi con người, vào mọi thời điểm và mọi tình trạng của cuộc sống họ.

82. Để được thực sự là một dân tộc biết phục vụ sự sống chúng ta phải kiên trì và can đảm đề nghị sứ điệp này, ngay từ lời đầu tiên loan báo Tin Mừng, và tiếp sau là trong giáo lý và những hình thức giảng thuyết khác nhau, trong đối thoại cá nhân cũng như trong mọi công trình giáo dục. Các nhà giáo dục, giáo viên, các người giảng dạy giáo lý và thần học gia, đều có bổn phận làm nổi bật lên những lý do nhân loại học xây dựng và nâng đỡ lòng tôn trọng mọi sự sống con người. Bằng cách này, khi làm sáng ngời tính mới lạ độc đáo của Tin Mừng về sự sống, chúng ta có thể giúp mọi người cũng khám phá ra, nhờ ánh sáng của lý trí và của kinh nghiệm, bằng cách này mà sứ điệp Kitô giáo soi sáng đầy đủ con người, cũng như ý nghĩa hữu thể và hiện hữu của con người, chúng ta cũng sẽ tìm được nhiều điểm gặp gỡ và đối thoại quý báu với những người không tín ngưỡng, trong khi cùng nhau dấn thân làm phát triển nền văn hoá của sự sống mới.

Bị tấn công bởi những ý kiến đối nghịch nhất, khi mà có nhiều người chối bỏ giáo lý chân chính về sự sống con người, chúng ta cảm thấy lời căn dặn của Thánh Phao lô gửi cho Tim ô thê cũng như đang được nói với mình: “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy ứng phó lúc thuận lúc nghịch, hãy biện bác, hãy khiển trách, hãy khuyên lơn, với tất cả lòng kiên nhẫn và dụng tâm dạy dỗ” (2 Tm 4,2). Lời khuyên này phải được vang dội thật mạnh trong trái tim của mọi người, trong Giáo Hội, đang tham gia trực tiếp hơn, dưới nhiều tước vị, vào sứ mệnh của Giáo Hội là “thầy” dạy chân lý. Lời khuyên này phải liên quan đến chúng ta trước hết,. chúng ta, các Giám mục: chúng ta là những người đầu tiên được kêu gọi làm sứ giả không mỏi mệt rao giảng Tin Mừng về sự sống, chúng tta cũng có bổn phận canh giữ sự truyền thông trọn vẹn và trung thành giáo huấn được nhắc lại trong Thông điệp này và đưa ra những biện pháp thích hợp nhất để các tín hữu được bảo vệ khỏi mọi lý thuyết trái nghịch giáo huấn này. Chúng ta phải đặc biệt chú ý tới điều này là trong các phân khoa thần học, các chủng viện và các trường Công giáo khác nhau, sự hiểu biết giáo lý lành mạnh này phải được truyền bá, giải thích và đào sâu (106). Lời khuyên của Thánh Phaolô cũng phải được nghe biết bởi tất cả các nhà thần học, các mục tử và bởi tất cả mọi người có sứ mệnh giáo huấn, dạy giáo lý và đào tạo các lương tâm: thấu suốt vai trò mình phải chu toàn, họ sẽ không bao giờ phải chịu trách nhiệm nặng nề vì đã phản bội chân lý và sứ mệnh riêng của mình bằng cách trình bày những ý tưởng cá nhân nghịch với tin Mừng về sự sống mà quyền giáo huấn đã nhắc lại và giải thích cách trung thành.

Trong việc loan báo Tin Mừng này, chúng ta không được sợ bị thù oán hay sợ thất nhân tâm, nhưng phải từ chối mọi sự đồng loã hay mọi sự hàm hồ làm cho chúng ta phù hợp với não trạng thế gian (x. Rm 12,2). Chúng ta phải ở trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian (x. Ga 15,19; 17,16), nhờ sức mạnh đến ta từ Chúa Kitô, Đấng chiến thắng thế gian bằng sự chết và cuộc chinh phục của Ngài (x. Ga 16,38).

Tôn dương Tin mừng về sự sống

“Con tạ ơn Chúa vì bao nhiêu kỳ công” (Tv 139/138,14)

83. Được sai đi khắp thế gian như “dân tộc vì sự sống”, việc loan báo của ta cũng phải trở nên việc tôn dương Tin mừng về sự sống. Hơn nữa, việc tôn dương này, với sức mạnh gợi ý của các cử chỉ, các biểu tương và các nghi thức, được mời gọi trở thành nơi chốn riêng biệt và rất ý nghĩa cho việc truyền đạt vẻ đẹp và sự cao cả của Tin Mừng ấy.

Với mục đích này, trước hết cần kiếp phải duy trì nơi ta và nơi người khác một cái nhìn chiêm niệm (107). Cái nhìn này phát sinh từ lòng tin kính Thiên Chúa của sự sống. Đấng đã tạo dựng mọi con người, bằng cách làm cho họ nên như một kỳ công (x. Tv 139/138,14). Đó là cái nhìn của ai trông thấy sự sống tận chiều sâu của nó bằng cách thấu hiểu những chiều kích của sự nhưng không, của vẻ đẹp, của tiếng kêu mời đến với tự do và trách nhiệm. Đó là cái nhìn của ai không kỳ vọng làm chủ thực tại, nhưng đón nhận thực tại như một hồng ân, khám phá trong mọi sự ánh phản chiếu của Đấng Tạo Hoá và trong mọi người hình ảnh sống động của Ngài (x. St 1,27; Tv 8,6). Cái nhìn này không để mất lòng tin cậy trước kẻ bệnh tật, đau khổ, bị gạt ra bên lề, hay đang đứng bên ngưỡng cửa của sự chết, nhưng cái nhìn này lắng nghe lời chất vấn của tất cả tình cảnh đó, để đi tìm ra một ý nghĩa, và trong những dịp ấy, cái nhìn này sẵn sàng nhận ra trên khuôn mặt mọi người một lời mời gọi gặp gỡ, đối thoại và liên đới.

Linh hồn cảm kích vì nỗi sửng sốt mang tính tôn giáo, đã đến giờ tất cả chúng ta cần có cái nhìn ấy để lại có khả năng tôn quý và trọng vọng mọi người, như Đức Phaolô VI đã mời gọi ta thực hiện, trong một sứ điệp Giáng Sinh (108). Được thúc đẩy bởi cái nhìn chiêm niệm ấy, dân tộc mới của những người cứu chuộc không thể không vang lên những khúc ca hân hoan, khen ngợi và tri ân đối với hồng ân vô giá là sự sống, đối với mầu nhiệm của lời kêu gọi tất cả mọi người tham dự, trong Chúa Kitô, vào đời sống ân sủng và vào cuộc sinh tồn hiệp thông vô tận với Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành và là Cha.

84. Tôn dương Tin mừng về sự sống có nghĩa là tôn dương Thiên Chúa của sự sống, Thiên Chúa ban sự sống: “Chúng ta phải tôn dương sự sống đời đời, từ đó phát nguyên mọi hình thức sự sống. Chính từ sự sống đời đời mà mọi hữu thể, tuỳ khả năng của mình, đã nhận được sự sống, tức là mọi hữu thể tham dự vào sự sống cách này hay cách khác. Sự Sống thần linh, vượt trên mọi hình thức sự sống, đang tác sinh và bảo tồn sự sống. Mọi hình thức sự sống và mọi vận động có sinh khí đều phát xuất từ sự sống siêu việt trên mọi sự sống và mọi nguyên lý sống khác. Các linh hồn phải nhờ Sự sống ấy mà mọi động vật và thảo mộc – nhận từ đó tia sống nhỏ bé nhất – mới được sống động. Còn đối với con người, là những hữu thể được làm nên bằng tinh thần và vật chất thì Sự Sống ban cho họ sức sống. Và nếu ta phải bỏ sự sống này, thì lúc ấy Sự Sống cải hoá chúng ta và gọi ta đến với Sự Sống nhờ tình yêu sung mãn của sự sống đối với con người. Hơn thế nữa, Sự Sống còn hứa dẫn đưa ta cả hồn và xác đến sự sống hoàn hảo, đến sự bất tử, thật quá ít khi nói rằng Sự Sống ấy hằng sống mà phải nói: Sự Sống ấy là Nguyên Lý sự sống, là Nguyên nhân và Nguồn mạch duy nhất phát sinh Sự Sống. Mọi sinh vật phải chiêm ngắm và ngợi khen Sự Sống ấy: vì đó là Sự Sống ban cho ta được sống dồi dào. (109)

Cùng với tác giả Thánh Vịnh, trong kinh nguyện hằng ngày, cá nhân hay cộng đoàn, chúng ta ngợi khen và chúc tụng Thiên Chúa, Cha chúng ta, Đấng đã dệt nên chúng ta trong lòng mẹ, Đấng đã thấy và yêu thương chúng ta khi chúng ta chưa được hoàn chỉnh hình hài (x. Tv 139/138,13.15.16), và reo lên với niềm vui tràn đầy: “Con cảm tạ Chúa vì biết bao kỳ công: lạ lùng thay thân con, lạ lùng thay những công trình của Chúa” (Tv 139/138,14). Phải “sự sống hay chết này, mặt dầu những dằn vặt, những mầu nhiệm tăm tối, những đau đớn và nỗi mỏng dòn không thể tránh được, lại là một thực tại lạ lùng, một kỳ diệu luôn mới và gây cảm động, một biến cố đáng được ca ngợi và tôn vinh trong niềm hân hoan” (110). Vả lại, con người và sự sống con người không chỉ xuất hiện như một trong những điều kỳ diệu lớn nhất trong công trình sáng tạo, nhưng Thiên Chúa còn ban cho con người một phẩm giá gần như là thần thiêng (x. Tv 8,6-7). Trong từng em bé sinh ra hay trong từng con người đang sống hay đang chết, chúng ta đều nhận ra hình ảnh của vinh quang Thiên Chúa: Ta tôn dương vinh quang ấy nơi mọi người là dấu chỉ của Thiên Chúa hằng sống, hình ảnh của Chúa Giêsu Kitô.

Chúng ta được mời gọi bày tỏ nỗi ngạc nhiên thán phục và biết ơn vì sự sống ta nhận được như một hồng ân, và đón tiếp, trân trọng, thông báo Tin mừng về sự sống, không những trong lời kinh riêng tư và cộng đoàn, mà nhất là trong những việc cử hành Năm Phụng vụ. Ở đây phải nhắc riêng đến các bí tích là dấu chỉ linh nghiệm về sự hiện diện và hành động cứu độ của Chúa Giêsu trong cuộc sống Kitô hữu: những bí tích ấy làm cho con người được tham dự đời sống Thiên Chúa, trong khi bảo đảm cho họ một nghị lực thiêng liêng, cần thiết để thấu hiểu, trong tất cả sự thật, ý nghĩa của sự sống, của sự đau khổ, và của sự chết. Nhờ sự tái khám phá đích thực ý nghĩa các nghi thức, và nhờ việc đặt đúng giá trị của các nghi thức ấy, các cử hành phụng vụ, nhất là cử hành bí tích, sẽ luôn luôn có thể diễn tả tất cả sự thật về việc sinh ra đời, và sự sống, về sự đau khổ và sự chết, trong khi giúp ta sống những điều ấy, như một sự tham gia vào mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô đã chết và phục sinh.

85. Trong việc cử hành Tin mừng về sự sống, cần phải biết thẩm định và làm nổi bật giá trị những nghĩa cử và những biểu hiện rất phong phú trong các truyền thống khác nhau và trong các tập quán văn hoá bình dân. Đó là những cơ hội và những hình thức giao lưu, qua đó được biểu lộ trong nhiều quốc gia và nhiều nền văn hoá khác nhau niềm vui của sự sống đang bắt đầu, sự tôn trọng và sự bảo vệ toàn vẹn sự sống con người, sự quan tâm đến người đau khổ hoặc đến những kẻ đang gặp khó khăn, sự gần gũi đối với người già yếu hay kẻ đang hấp hối, sự chia sẻ nỗi đau của người gặp tang chế, niềm hy vọng và khát khao cõi vĩnh hằng.

Trong viễn tưởng ấy, tôi cũng đã đón nhận sự gợi ý của các vị Hồng y nhân Hội nghị năm 1991 và tôi đề nghị chớ gì hằng năm trong nhiều quốc gia khác nhau được cử hành một Ngày vì sự sống như đã được thực hiện theo sáng kiến của một số Hội đồng Giám Mục. Chớ gì ngày này nên được chuẩn bị và cử hành với sự tham gia tích cực của mọi thành phần trong giáo hội địa phương. Mục đích căn bản của ngày này là để khơi dậy trong mọi lương tâm, trong mọi gia đình, trong Giáo Hội và trong xã hội loài người sự nhận biết ý nghĩa và giá trị của sự sống con người ở mọi giai đoạn, trong mọi hoàn cảnh, bằng cách gây sự chú ý đặc biệt đến tính chất nghiêm trọng của việc phá thai và làm chết êm dịu, nhưng không vì đó mà coi thường những thời kỳ và những khía cạnh khác của sự sống, cũng đáng được quan tâm trong từng trường hợp, tuỳ vào sự biến chuyển của hoàn cảnh.

86. Trong tin thần thờ phượng thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 12,1), việc tôn dương Tin Mừng về sự sống nên được thực hiện cốt yếu là trong cuộc sống hằng ngày, được sống trong tình yêu tha nhân và trong sự trao hiến bản thân. Chính cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên sự tiếp nhận chân thực và đầy trách nhiệm trước ân ban sự sống, đồng thời cũng trở nên bài ca chân thành biết ơn Thiên Chúa, Đấng trao ban cho chúng ta quà tặng này. Đó chính là điều đang xảy ra trong biết bao hành vi phước thiện, thường thường khiêm tốn và ẩn kín, được nhiều người nam người nữ, trẻ em, người lớn, người trẻ người già, đau ốm hay mạnh khoẻ thực hiện.

Chính trong bối cảnh chan chứa tình người và tình yêu như thế, mà phát sinh nhiều nghĩa cử anh hùng. Những nghĩa cử này là việc tôn dương Tin Mừng về sự sống cách trọng đại nhất, bởi vì chúng công bố Tin Mừng bằng chính việc trao hiến trọn vẹn bản thân mình, chúng là sự biểu hiện rực rỡ của mức độ cao nhất của tình yêu: trao hiến mạng sống mình vì người mình yêu (x. Ga 15,13); chúng là sự hiệp thông vào mầu nhiệm thập giá, trên cây thập giá Chúa Giêsu mặc khải cho ta thấy tất cả giá trị mà sự sống của mọi người có được đối với Ngài và sự sống này được thực hiện cách tràn đầy trong việc trao hiến trọn vẹn bản thân mình như thế nào. Ngoài những công việc hiển hách, còn có sự anh hùng thường ngày, hình thành từ những hành vi chia sẻ nhỏ nhặt hay to tát đang làm phong phú nền văn hoá đích thực của sự sống. Giữa những nghĩa cử này, đặc biệt nên đánh giá cao việc hiến tặng các bộ phận thân thể, thực hiện dưới một hình thức luân lý có thể chấp nhận được; việc tự hiến tặng này cho phép nhiều bệnh nhân đôi khi tuyệt vọng, có được viễn tượng mới mẻ về sức khoẻ và ngay cả sự sống.

Thuộc về sự anh hùng thường ngày là việc làm chứng thầm lặng, nhưng phong phú và hùng hồn biết bao, của “tất cả những bà mẹ dũng cảm tự hiến trọn vẹn cho gia đình, chấp nhận đau khổ khi sinh con, và sau đó sẵn sàng chịu đựng mọi mệt nhọc, đương đầu với mọi hy sinh để truyền đạt cho con cái điều tốt đẹp nhất mà các bà có được” (111). Trong khi hoàn thành sứ mệnh của mình, “không phải lúc nào các bà mẹ anh hùng này cũng được người thân cận nâng đỡ. Trái lại, nhiều mô hình văn minh, thường được các phương tiện truyền thông xã hội cổ xuý và phổ biến, không mấy ưu đãi tình mẫu tử. Nhân danh sự tiến bộ và tính hiện đại, từ nay người ta coi như lỗi thời các giá trị của sự thuỷ chung, đức khiết tịnh và sự hy sinh đã và vẫn còn làm rạng rỡ vo số những người vợ, người mẹ công giáo… Chúng tôi cám ơn các bà vì sự hy hiến mạng sống của các bà… Trong huyền nhiệm phục sinh, Chúa Ki tô hoàn lại cho các bà quà tặng mà các bà đã làm. Quả vậy, Ngài có quyền ban trả cho các bà sự sống mà các bà đã mang làm của lễ dâng lên Ngài” (112).

Phục vụ Tin Mừng về sự sống

“Ích gì, hỡi anh em, khi ai nói “tôi có đức tin” mà việc làm không có?” (Gc 2,14)

87. Bằng việc tham dự vào sứ mệnh vương giả của Chúa Kitô, sự nâng đỡ và thăng tiến sự sống con người cần được thi hành bằng việc phụ vụ của đức ái, thể hiện qua chứng từ cá nhân, qua nhiều hình thức thiện nguyện, vận động xã hội và dấn thân làm chính trị. Đó là một đòi buộc đặc biệt cấp bách trong thời điểm hiện tại, lúc mà “nền văn hoá sự chết” đang kịch liệt chống đối và thường thường xem ra lấn lướt “nền văn hoá sự sống”. Nhưng trước đó phải nói đến một đòi buộc phát sinh từ “đức tin thể hiện ra bằng đức ái” (Ga 5,6), như thánh Giacôbê khuyến dụ chúng ta: “Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào ích gì?” Gc 2,14-17).

Trong công việc phục vụ của đức ái, có một trạng thái tinh thần cần động viên và nâng phẩm giá chúng ta: chúng ta phải chăm sóc người khác như một nhân vị được Thiên Chúa giao phó cho trách nhiệm của chúng ta. Như những môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi trở nên người thân cận của mọi người (x. Lc 10,29-37), với sự ưu tiên cho kẻ bất hạnh nhất, cô đơn nhất và ngặt nghèo nhất. Chính trong lúc trợ giúp kẻ đói khát, người xa lạ, kẻ mình trần thân trụi, bệnh tật hay tù đày, cũng như trợ giúp em bé sắp sinh, người già nua đau ốm hay gần kề cửa tử thần, mà chúng ta được gọi để phụng sự Chúa Giêsu, như chính Ngài đã nói: “Những gì các con đã làm cho một người trong các anh em hèn mọn nhất này của Ta, là các con đã làm cho chính Ta” (Mt 25,40). Bởi vậy cho nên chúng ta không thể không cảm thấy bị chất vấn và kết án bởi những lời lẽ luôn luôn hiện thực của Thánh Gioan Kim Khẩu: “Bạn muốn tôn kính Mình Thánh Chúa Kitô ư? Bạn đừng khinh dể Người khi Người trần trụi – đừng tôn kính Người nơi đây, trong nhà thờ, sau lớp vải lụa, trong lúc mà bạn để Người ở ngoài kia khổ sở vì rét, vì không đủ áo che thân” (113).

Công việc phục vụ của Đức ái đối với sự sống cần phải thống nhất sâu sát: không được khoan nhượng với điều gì phiến diện hoặc có thể gây phân biệt, bởi vì sự sống của con người là thánh thiêng và bất khả xâm phạm trong mọi giai đoạn, trong mọi hoàn cảnh; sự sống ấy là một tài sản không thể chia tách được. Vậy cần phải “chăm sóc” mọi sự sống và sự sống của mọi người. Hoặc hơn nữa, cần phải đi đến tận chính gốc rễ của sự sống và của tình yêu.

Chính từ tình yêu sâu xa dành cho mọi người nam và mọi người nữ mà phát triển qua nhiều thế kỷ lịch sử phi thường của đức ái, đã đưa vào đời sống Giáo Hội và dân sự rất nhiều tổ chức nhằm phục vụ sự sống, gây kinh ngạc cho mọi quan sát viên không được loan báo trước. Đó là lịch sử mà mọi cộng đoàn Công giáo phải tiếp tục viết bằng hoạt động mục vụ và xã hội đa dạng, cùng với ý thức mới mẻ về thách nhiệm. Để đạt được mục tiêu trên, nên vận dụng những hình thức hợp lý và hữu hiệu hỗ trợ sự sống mới sinh ra, bằng cách đặc biệt gần gũi các bà mẹ, dù không có người cha nâng đỡ, vẫn không sợ sinh đẻ để giáo dục con cái. Người ta cũng chăm sóc như thế đối với sự sống bên lề xã hội hoặc đang đau khổ, đặc biệt trong giai đoạn sau cùng.

88. Tất cả điều đó cho phép một hoạt động có tính giáo dục đầy nhẫn nại và dũng cảm động viên mỗi người vác gánh nặng của tha nhân (x. Gl 6,2); điều đó đòi hỏi một sự cổ vũ nâng đỡ các ơn gọi phục vụ, đặc biệt nơi giới trẻ; điều đó bao hàm việc thực hiện những sáng kiến và những kế hoạch cụ thể, lâu dài được Tin Mừng soi dẫn.

Có nhiều cách thức đề làm nổi bật một cách có thẩm quyền và nghiêm túc giá trị trong sự dấn thân. Đối với thời kỳ bắt đầu sự sống, cần huy động những trung tâm điều hoà sinh sản bằng phương pháp tự nhiên như chỗ dựa vững chắc cho kẻ làm cha mẹ có trách nhiệm, nhờ đó tất cả mọi người, bắt đầu từ trẻ em. Được công nhận và tôn trọng vì chính mình, và nhờ đó mọi sự lựa chọn đều khơi động và hướng dẫn từ thước đo của sự trao hiến trọn vẹn bản thân mình. Chính bởi tác động đặc trưng của lời khuyên và dự kiến, được bày tỏ dưới ánh sáng nhân chủng học, phù hợp với quan niệm công giáo về con người, về đôi lứa và về tính dục, mà các nhà cố vấn hôn nhân nhân và gia đình trở thành những trợ tá quý báu để tái khám phá ý nghĩa của tình yêu và sự sống, và để nâng đỡ, hỗ trợ mỗi gia đình trong sứ mệnh là “cung thánh của sự sống”. Còn những trung tâm tương trợ sự sống và những nhà hoặc trung tâm tiếp nhận sự sống cũng sẵn sàng phục vụ sự sống mới sinh ra. Nhờ hoạt động của những cơ sở đó, rất nhiều bà mẹ độc thân và rất nhiều cặp vợ chồng đang gặp khó khăn tìm lại được lẽ sống và niềm tin khi có được sự trợ giúp và nâng đỡ để vượt qua khó khăn và sợ hãi trước việc đón nhận một sự sống sắp sinh ra hoặc vừa mới chào đời.

Đứng trước tình cảnh túng quẫn, bệnh tật hoặc lạc lõng bên lề xã hội, còn có những tổ chức khác như các cộng đồng phục hồi người nghiện ngập, cộng đồng tiếp nhận vị thành niên hay bệnh nhân tâm thần, trung tâm chăm sóc và tiếp nhận bệnh nhân AIDS, nhất là hiệp hội tương trợ người tàn tật, tất cả đều là tiếng nói hùng hồn của đức ái, biết tìm ra phương cách tạo ra cho mỗi người vì nhiều lý do mới mẻ để mà hy vọng và nhiều khả năng cụ thể để sinh sống.

Cuối cùng, khi cuộc sống trần gian đến thời kết thúc cũng chính đức ái tìm ra những dạng thức thích hợp nhất hầu cho những người có tuổi, đặc biệt những người không thể sinh sống một mình, và những bệnh nhân ở vào giai đoạn cuối cùng có thể hưởng một sự trợ giúp hết sức nhân đạo và nhận được những đáp ứng phù hợp với các nhu cầu của họ, nhất là với những gì liên quan đến nỗi lo âu và sự cô đơn của họ. Trong những trường hợp này không có gì có thể thay thế được vai trò của gia đình, nhưng các gia đình có thể tìm gặp được một chỗ nương tựa đáng kể trong những tổ chức cứu tế xã hội, và khi cần thiết, cậy nhờ đến việc điều trị tạm thời bằng cách kêu gọi đến dịch vụ y tế và xã hội chuyên biệt đang hoạt động trong các trung tâm điều dưỡng hoặc trong các trung tâm săn sóc cộng đồng hay tư gia.

Cách riêng, chúng ta phải kể đến vai trò của các bệnh viện, dưỡng đường và các nhà hưu dưỡng: căn tính địch thực của chúng không những chỉ là căn tính của những cơ sở săn sóc bệnh nhân hay người hấp hối, mà trước hết là căn tính của những nơi mà nỗi đau khổ, sự đau đớn và sự chết được nhận rõ và hiểu biết theo một ý nghĩa hoàn toàn nhân bản và đặc trưng Kitô giáo. Cách đặc biệt căn tính này còn phải biểu lộ một cách rõ ràng và hữu hiệu trong các cơ sở thuộc quyền của các tu sĩ hoặc trong các tổ chức có liên hệ cách này hay cách khác với Giáo Hội.

89. Các cơ cấu và các địa điểm phục vụ sự sống này, cũng như tất cả các sáng kiến hỗ trợ và liên đới khác mà nhiều hoàn cảnh có thể gợi lên trong từng trường hợp, cần được nhiều người khuyến khích, những người vốn dĩ sẵn lòng quảng đại và ý thức sâu xa tầm quan trọng của Tin Mừng về sự sống đối với lợi ích cá nhân và xã hội.

Một trách nhiệm đặc biệt được giao phó cho nhân viên y tế, dược sĩ, y tá, tuyên uý, tu sĩ nam nữ, những người điều hành và những người thiện nguyện. Chức nghiệp của quý vị là trở nên người bảo vệ và phục vụ sự sống nhân loại. Trong bối cảnh văn hoá xã hội hiện tại khi mà khoa học và y thuật liều lĩnh bỏ qua chiều kích luân lý tự nhiên của chính mình, đôi khi quý vị có thể bị cưỡng bức lối cuốn trở nên những tác nhân xử lý trên sự sống hoặc ngay cả trở nên những kẻ tạo ra sự chết. Trước sự lôi cuốn này, trách nhiệm của quý vị ngày nay tăng thêm đáng kể; trách nhiệm này kín múc nguồn cảm hứng sâu sắc nhất và tìm gặp được sự nâng đỡ mãnh liệt nhất trong chiều kích luân lý của nghề y tế, chiều kích thuộc về bản chất nghề nghiệp của quý vị, mà không ai có thể xao nhãng, như lời thề Hippocrate cổ xưa, nhưng luôn luôn hiện thực, lời thề đòi buộc tất cả mọi bác sĩ tuyên hứa tuyệt đối tôn trọng sự sống con người và đặc tính thánh thiêng của sự sống đó.

Sự tuyệt đối tôn trọng mọi sự sống vô tội của con người cũng đòi buộc thi hành sự phản bác của lương tâm trước việc cố ý phá thai và làm chết êm dịu. “Làm cho chết” không bao giờ được coi như một săn sóc y học, cho dù ý hướng chỉ đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân, trái lại đồng tình là chối bỏ nghề y tế, một nghề tự xác định như lời “tán thành” mãnh liệt và kiên trì đối với sự sống. Chính việc nghiên cứu y học, một lĩnh vực đầy quyến rũ và tuyên báo nhiều lợi ích mới mẻ vĩ đại cho nhân loại phải luôn luôn từ chối những thí nghiệm, những nghiên cứu hoặc những ứng dụng, trong khi chối bỏ phẩm giá bất khả xâm phạm của con người, những việc này không còn phục vụ con người nữa và kỳ thực, tự biến mình thành những thực thể áp chế con người trong khi lại có vẻ giúp đỡ con người.

90. Những ai dấn thân trong các trại từ thiện được mời gọi giữ một vai trò đặc biệt: họ góp phần quý báu để phục vụ sự sống trong khi họ kết hợp khả năng chuyên môn nghề nghiệp với tình yêu quảng đại vô vị lợi. Tin Mừng về sự sống thúc giục họ nâng cao những tâm tình của lòng nhân ái đơn thuần lên tới mức độ của đức ái Chúa Kitô; Tin Mừng về sự sống khuyến khích họ hằng ngày khôi phục lại trong lao lực và mệt nhọc, ý thức về phẩm giá của tất cả mọi con người; Tin Mừng về sự sống động viên họ khám phá mọi nhu cầu của con người, bằng cách mở thêm, nếu cần thiết, nhiều lối thoát ở những nơi có nhu cầu cấp bách nhất và ở những nơi mà sự quan tâm giúp đỡ khiếm khuyết nhất.

Thực tại kiên định của đức ái đòi buộc Tin Mừng về sự sống cũng được loan báo qua các hình thức vận động xã hội và dấn thân làm chính trị, nơi mà người ta bênh vực và đề cao giá trị của sự sống trong xã hội của chúng ta, một xã hội ngày càng mang dấu phức tạp và đa nguyên. Cá nhân, gia đình, đoàn nhóm, thực thể hiệp hội, tuỳ theo tôn chỉ và phương cách khác nhau, đều có trách nhiệm trong cuộc vận động xã hội và trong việc khai triển các dự án văn hoá, kinh tế, chính trị và luật pháp, nhằm góp phần, trong sự tôn trọng mọi người và theo sự hợp lý của sinh hoạt xã hội dân chủ, xây dựng một xã hội ở đó phẩm giá của mỗi người đều được công nhận và được bảo toàn, và ở đó sự sống của mọi người đều được che chở và thăng tiến.

Nhiệm vụ đặc biệt này thuộc về những người có trách nhiệm lo cho đời sống công cộng. Được mời gọi phục vụ con người và lợi ích cộng đồng, họ có bổn phận thực hiện những sự lựa chọn can đảm vì lợi ích của sự sống, nhất là trong lĩnh vực thuộc quyết định lập pháp. Trong chế độ dân chủ, luật pháp và các quyết định đều được định đoạt trên cơ sở một sự nhất trí cao, nên ý nghĩ trách nhiệm cá nhân có thể bị giảm bớt trong lương tâm các nhà cầm quyền. Nhưng người ta không bao giờ có thể bỏ qua trách nhiệm này, nhất là khi người ta lãnh nhận quyền đại diện lập pháp này có liên can đến các quyết định, quyền mà người ta càng phải trả lời trước Thiên Chúa, trước lương tâm và trước toàn thể xã hội về những quyết định có thể trái nghịch với lợi ích thiết thực của cộng đồng. Nếu như luật pháp không phải là những phương cách duy nhất để bảo vệ sự sống con người, thì luật pháp cũng giữ một vai trò rất quan trọng và đôi khi quyết định trong việc hình thành các tâm thức và các thói quen. Tôi lập lại một lần nữa rằng thật là phi lý quy định nào xâm phạm quyền lợi tự nhiên của một con người vô tội đang sống, và như vậy, quy định đó không thể có hiệu lực pháp lý. Cũng vậy, tôi khẩn thiết lập lại lời kêu gọi của tôi với các nhà chính trị, mong quý vị đừng phổ biến những luật lệ nào, mà trong khi phủ nhận phẩm giá của con người, luật đó phá hại tận gốc rễ chính sự sống của xã hội dân sự.

Giáo hội biết rằng, trong bối cảnh chế độ dân chủ đa nguyên, do sự hiện diện của nhiều luồng văn hoá có khuynh hướng khác biệt, thật khó mà thực hiện một cách hữu hiệu việc bảo vệ sự sống cách hợp pháp. Thế nhưng, được khởi động bởi niềm xác tín rằng, sự thật luân lý không thể không gây ảnh hưởng trong cõi sâu thẳm của lương tâm, Giáo Hội khuyến khích các nhà chính trị, bắt đầu từ những ai là Kitô hữu, không nhượng bộ và, sau khi lưu ý những khả năng cụ thể, nên thực hiện những chọn lựa nào có thể đưa tới việc tái lập một trật tự công bằng trong sự xác nhận và cổ vũ giá trị của sự sống. Trong chiều hướng này, nên ghi nhận rằng loại bỏ những nỗ lực bất công thì chưa đủ. Phải chiến đấu với những nguyên nhân tạo điều kiện cho những mưu toan làm hại sự sống, nhất là bảo đảm cho gia đình và tình mẫu tử sự nâng đỡ cần thiết: chính sách gia đình phải là nền móng và động cơ tất cả mọi chính sách xã hội. bởi vậy, phải đưa ra những sáng kiến xã hội và lập pháp để có thể bảo đảm những điều kiện tự do chân thật trong việc chọn lựa liên hệ đến tình phụ tử và tình mẫu tử; hơn nữa cần xét xem lại quan điểm về các loại chính sách lao động, đời sống đo thị, nhà cửa và các dịch vụ, để người ta có thể điều hoà thời gian đi làm và thời gian dành cho gia đình, và để người ta có thể thực sự chăm sóc con cái và những người lớn tuổi.

91. Ngày nay, những vấn đề nhân khẩu tạo thành một phương diện quan trọng của chính sách vì sự sống. Chắc chắn công quyền có trách nhiệm đề ra những sáng kiến “nhằm định hướng khoa nhân khẩu học quần chúng” (114), nhưng những sáng kiến này luôn luôn phải biết đến và tôn trọng trách nhiệm đầu tiên và không thể khoan nhượng của đôi vợ chồng và của gia đình; những sáng kiến kiểu này không được bao hàm việc sử dụng những phương pháp không tôn trọng con người và những quyền căn bản của con người, bắt đầu từ quyền được sống của mọi người vô tội. Như vậy, về phương diện luân lý không thể chấp nhận được rằng, đề điều hoà sinh sản, người ta khuyến khích hoặc đi đến việc áp đặt việc sử dụng những phương pháp ngừa thai, triệt sản và phá thai.

Rõ ràng còn có nhiều cách khác để giải quyết vấn đề nhân khẩu: các chính phủ và các tổ chức quốc tế trước hết phải hướng tới việc tạo nên những điều kiện kinh tế, xã hội, y tế, vệ sinh và văn hoá cho phép các đôi vợ chồng hoàn toàn tự do và đầy đủ trách nhiệm thực hiện việc chọn lựa trong lãnh vực truyền sinh; sau nữa, các chính phủ và các tổ chức quốc tế cũng nên cố gắng “tăng cường các biện pháp và phân phối của cải một cách công bằng hơn để mọi người có thể dự phần cách đồng đều vào của cải trên thế giới. Phải tìm ra những giải pháp ở tầm mức quốc tế bằng cách thiết lập một nền kinh tế đích thực của hiệp thông và chia sẻ mọi công ích, trên bình diện quốc tế cũng như trên bình diện quốc gia” (115). Đó chính là con đường duy nhất tôn trọng phảm giá của con người và của gia đình, cũng như tôn trọng gia sản đích thực của mọi dân tộc.

Như vậy việc phục vụ Tin Mừng về sự sống là rộng lớn và phức tạp. Càng ngày chúng ta càng thấy việc phục vụ Tin Mừng về sự sống như là một lĩnh vực quý giá và thuận lợi cho việc hợp tác cụ thể với các anh em của những Giáo Hội và những Cộng đoàn Giáo Hội khác, trong đường hướng những việc làm đại kết mà Công đồng Vatican II đã dùng uy quyền của mình khuyến khích (116). Hơn nữa việc phục vụ Tin Mừng về sự sống còn như một khung cảnh quan phòng cho sự đối thoại và cộng tác với các tín hữu của những tôn giáo khác và với tất cả mọi người thiện tâm: bênh vực và thăng tiến sự sống không là độc quyền của riêng ai nhưng đúng là bổn phận và trách nhiệm của mọi người. Thách đố mà chúng ta phải đương đầu trước thềm đệ tam thiên niên kỷ thật là khó khăn: chỉ có sự hiệp lực nhịp nhàng của tất cả những ai tin vào giá trị của sự sống mới có thể tránh được một thất bại của nền văn minh, với những hậu quả không thể lường trước được.

Gia đình, “cung thánh của sự sống”

“Con cái, đó là hồng ân Chúa ban; kết quả của dạ cưu mang, là phần thưởng ngài tặng” (Tv 127/126)

92. Trong lòng “dân tộc của sự sống và vì sự sống”, trách nhiệm gia đình có tính quyết định: đó là một trách nhiệm nảy sinh từ bản tính của gia đình – gia đình hệ tại là một cộng đồng tình yêu, dựa trên hôn nhân, và từ sứ mệnh của nó là “gìn giữ, biểu lộ và thông truyền tình yêu” (117). Đây thực sự là chính tình yêu của Thiên Chúa mà cha mẹ là những người cộng tác và như những thông dịch viên trong việc truyền ban sự sống và trong việc giáo dục, theo dự phòng của Chúa Cha (118). Vậy đây là một tình yêu đã tự hiến tặng nhưng không, đã trở nên sự đón tiếp và trao ban trong gia đình, người nào cũng được nhìn nhận, kính trọng và tôn quý, bởi vì họ là mộ nhân vị, và nếu người nào nhiều nhu cầu hơn, thì cáng đáng được dành cho sự quan tâm và những chăm sóc cấp thiết hơn.

Gia đình có vai trò phải đóng suốt cuộc đời của các phần tử, từ khi sinh ra cho tới khi qua đời. Gia đình thật là “cung thánh của sự sống: nơi mà sự sống, hồng ân Thiên Chúa ban, có thể được đón nhận cách xứng hợp và bảo hộ chống lại nhiều sự tấn công mà nó phải thường hứng chịu; nơi mà sự sống có thể phát triển theo những nhu cầu tăng trưởng chính thực của con người” (119). Vì thế vai trò của gia đình có tính quyết định và không thể thay thế, để xây dựng văn hoá sự sống.

Như là Giáo Hội tại gia, gia đình có ơn gọi loan báo, tôn dương và phục vụ Tin Mừng về sự sống. đó là sứ mệnh liên quan trước hết đến đôi bạn, những người được mời gọi để truyền ban sự sống, bằng cách dựa trên một ý thức luôn luôn được canh tân về ý nghĩa việc sinh sản, coi đó là biến cố ưu đãi, trong đó được biểu lộ sự kiện: sự sống của con người là một ơn được tiếp nhận, để rồi đến lượt mình nó lại được trao ban. Trong việc tạo nên một sự sống mới, cha mẹ ý thức rằng đứa con mình “nếu là kết quả của việc họ tự hiến cho nhau trong tình yêu, thì đến lượt nó, nó sẽ trở nên một hồng ân cho cả hai người: một hồng ân phát sinh từ một hồng ân” (120).

Nhất là nhờ việc giáo dục con cái mà gia đình làm tròn sứ mệnh loan báo Tin Mừng về sự sống. Bằng lời nói và bằng gương sáng, trong những tương quan và chọn lựa hằng ngày, và qua những cử chỉ và dấu hiệu cụ thể, cha mẹ khai tâm cho con cái vào tự do đích thực, được thể hiện trong việc hoàn toàn hiến thân, và họ vun trồng nơi con cái lòng tôn trọng người khác, ý thức về công bình, sự đón tiếp nhân hậu, việc đối thoại, sự phục vụ cách quảng đại, tình liên đới và các giá trị khác giúp ta sống cuộc đời như một hồng ân. Hành động giáo dục của cha mẹ Kitô giáo phải phục vụ đức tin của con cái và giúp chúng đáp ứng ơn gọi mà chúng nhận từ Thiên Chúa. Cũng trong sứ mệnh giáo dục của bậc cha mẹ là phải dạy con cái biết ý nghĩa thực của đau khổ và sự chết, và làm chứng cho chúng biết về những điều ấy: họ sẽ làm được việc ấy, nấu họ biết lưu ý đến mọi nỗi đau khổ họ gặp thấy chung quanh mình, và trước hết, nếu họ biết, ngay từ môi trường gia đình, tỏ ra gần gũi cách cụ thể với các bệnh nhân và những người già yếu, để giúp đỡ và chia sẻ với họ.

93. Hơn thế, gia đình tôn dương Tin Mừng về sự sống bằng kinh nguyện hằng ngày, riêng từng cá nhân hay chung cả gia đình. Trong kinh nguyện, gia đình ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho mình được sống, và xin ơn soi sáng cùng sức mạnh để đối phó với những thời điểm khó khăn và đau khổ, không bao giờ mất hy vọng. Nhưng hình thức tôn dương mang ý nghĩa cho mọi hình thức cầu nguyện và thờ phượng khác, đó là sự tôn dương diễn tả ngay trong cuộc sống hằng ngày của gia đình, nếu được làm vì yêu thương và tự hiến. Như vậy việc tôn dương ấy trở nên sự phục vụ Tin Mừng về sự sống diễn tả bằng tình liên đới, được sống trong gia đình và chung quanh gia đình như một sự quan tâm tế nhị, tỉnh táo và nhân ái, trong những hành động bé nhỏ và khiêm tốn hằng ngày. Tình liên đới được diễn tả một cách đặc biệt khi các gia đình sẵn sàng để tiếp nhận hay để được trao phó những trẻ em bị cha mẹ bỏ rội, hoặc ở trong những hoàn cảnh nghiêm trọng. Tình yêu phụ mẫu đích thực, biết đi xa hơn những liên hệ máu thịt, và biết đón nhận những đứa con của các gia đình khác, sẽ mang lại cho chúng ta tất cả những gì cần thiết để sống và phát nở đầy đủ. Trong những hình thức nhận con nuôi, sự nhận nuôi từ xa (sự bảo trợ) đáng được đề nghị, nhất là trong những trường hợp mà sự bỏ rơi con cái chỉ vì lý do những hoàn cảnh quá nghèo khổ của gia đình. Cách nhận con nuôi này, quả thực là cống hiến cho các cha mẹ sự giúp đỡ cần thiết để nuôi nấng và giáo dục con họ mà không cần đưa chúng ra khỏi môi trường tự nhiên của chúng.

Được hiểu như “sự quyết định vững mạnh và kiên trì làm việc cho công ích: (121) tình liên đới đòi hỏi cũng được thi hành trong những cách tham gia vào đời sống xã hội chính trị. Do đó việc phục vụ Tin Mừng về sự sống giả thiết rằng các gia đình, đặc biệt bằng cách tham dự các hiệp hội, hoạt động để các luật lệ và định chế của nhà nước không làm tổn thương bằng bất cứ cách nào đến quyền được sống, từ lúc thụ thai tới khi chết cách tự nhiên, nhưng phải bảo vệ và nâng đỡ quyền ấy.

94. Người ta phải để dành cho người già cả một vị trí riêng. Trong một số nền văn hoá, người cao niên vẫn là thành phần trong gia đình với vai trò hoạt động quan trọng, nhưng trong nhiều nền văn hoá khác, người già bị coi như gánh nặng vô dụng và người ta bỏ mặc họ, trong tình cảnh này, cơn cám dỗ muốn nhờ tới việc làm cho chết êm dịu có thể dễ xảy đến hơn.

Việc đặt ra bên lề hay cả đến ruồng bỏ những người già là điều không thể tha thứ được. Sự hiện diện của họ trong gia đình, ít là hiện diện gần gũi gia đình, khi gặp cảnh cửa nhà chật chội hay những lý do khác chưa có cách nào giải quyết, mang một tầm quan trọng thiết yếu để tạo ra bầu khí trao đổi hỗ tương và hiệp thông làm phong phú thêm giữa các thế hệ khác nhau. Như thế người ta cần phải duy trì một loại “hiệp ước” giữa các thế hệ, hoặc là người ta tái lập khi nó đã biến mất ngõ hầu những bậc cha mẹ gia nua, khi đã tới chặng đường cuối của đời mình, cũng gặp được nơi con cháu sự tiếp nhận và liên đới mà chính họ đã dành cho con cháu khi chúng vào đời: đây là một yêu sách theo giới răn của Chúa, là phải thảo kính cha mẹ (x. Xh 20,12; Lv 19,3). Nhưng phải còn hơn thế nữa. Người già không chỉ được coi như đối tượng của mối quan tâm gần gũi và của sự giúp đỡ, người già cũng có phần đóng góp quý báu vào việc mang đến Tin Mừng về sự sống. Nhờ di sản phong phú về kinh nghiệm, tích trữ qua bao tháng năm, người già có thể và phải lưu truyền sự không ngoan, làm chứng tá về lòng cậy trông và đức ái.

Nếu quả thực “tương lai nhân loại đến từ gia đình” (122) thì người ta phải nhận rằng, hiện nay, những điều kiện xã hội, kinh tế và văn hoá thường làm cho việc gia đình dấn thân phục vụ sự sống trở nên khó khăn và cực nhọc hơn. Để gia đình có thể đáp ứng được ơn gọi làm “cung thánh sự sống”, như tế bào của xã hội biết yêu thương đón nhận sự sống thì cần thiết và cấp bách là chính gia đình phải được hỗ trợ và nâng đỡ. Các xã hội và nhà nước phải đảm bảo sự nâng đỡ cần thiết, kể cả trên bình diện kinh tế, để các gia đình có thể đối phó với các khó khăn của họ một cách nhân bản nhất. Về phần mình, Giáo Hội phải thăng tiến cách không mệt mỏi mục vụ về gia đình, khả dĩ giúp cho từng gia đình khám phá ra sứ mệnh của họ đối với Tin Mừng về sự sống để sống Tin Mừng ấy với lòng can đảm và niềm hân hoan.

Thực hiện một khúc ngoặc văn hóa

“Anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng” (Ep 5,8)

95. “Anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng… Hãy xét xem điều gì làm đẹp lòng Chúa, và đừng thông dự vào những việc vô ích của tối tăm” (Ep 5,8.10-11). Trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, bị ghi dấu bằng việc đối đầu thảm khốc giữa “văn hoá sự sống” và “văn hoá sự chết”, phải phát triển một ý thức phê bình sâu sắc cho phép ta phân biệt được những giá trị chân chính và những nhu cầu đích thực.

Cấp bách phải lao vào cuộc dộng viên toàn bộ lương tâm và một cố gắng chung thuộc lãnh vực đạo đức, để phát dộng một chiến lược lớn hơn cho việc phục vụ sự sống. Ta phải cùng nhau xây dựng nền văn hoá mới của sự sống mới, bởi vì nó có khả năng đề cập và giải quyết những vấn đề chưa từng có mà ngày nay được đặt ra cho sự sống của con người; mới, vì nó sẽ được tiếp nhận bởi tất cả các Kitô hữu với niềm xác tín mạnh mẽ và chủ động; mới, bởi vì nó sẽ có khả năng khơi dậy một cuộc tranh luận văn hoá nghiêm túc và can đảm với mọi người. Sự cấp bách của khúc ngoặc văn hoá này là do hoàn cảnh lịch sử chúng ta đang trải qua, nhưng nó lại xuất phát nhất là từ sứ mệnh Phúc Âm hoá, là sứ mệnh riêng của Giáo Hội. Quả vậy, Tin Mừng nhắm tới việc “chuyển biến từ nội tâm, làm cho chính nhân loại trở nên mới” (123); Tin Mừng như là men làm dậy men cả khối bột (x. Mt 13,33) và như thế, Tin Mừng được chỉ định nhuần thấm mọi nền văn hoá và làm cho chúng sinh động từ bên trong (124) để chúng bày tỏ toàn vẹn chân lý về con người và sự sống của con người.

Người ta phải bắt đầu bằng cách chanh tân nền văn hoá sự sống từ trong các cộng đoàn Kitô hữu. Các tín hữu, cả những người tham gia tích cực vào đời sống Giáo Hội, cũng rất thường rơi vào việc tách lìa đức tin khỏi những đòi hỏi đạo đức đối với sự sống, như thế là họ đi tới thuyết chủ quan luân lý và tời một số những hành xử không thể chấp nhận được. Vì thế ta phải tự vấn, với nhiều sáng suốt và can đảm, về bản chất của nền văn hoá sự sống ngày nay đang phổ biến giữa các Kitô hữu, các gia đình, các nhóm và cộng đoàn trong các giáo phận chúng ta. Với cùng một sự sáng suốt và cùng một quyết tâm, chúng ta phải xác định những hành vi mà chúng ta đã được gọi để chu toàn hầu phục vụ sự sống trong độ sung mãn của chân lý. Đồng thời ta phải hướng dẫn một cuộc tranh luận nghiêm túc và sâu sắc với mọi người, kể cả người vô tín ngưỡng, về những vấn đề căn bản của sự sống con người, trong các lĩnh vực hoạt động tư tưởng, cũng như trong những môi trường chuyên nghiệp khác nhau và ở đâu diễn ra cuộc sống hằng ngày của từng người.

96. Hành động căn bản đầu tiên phải làm để đạt tới khúc ngoặc văn hoá này là việc huấn luyện lương tâm luân lý về giá trị không thể đo lường và bất khả xâm phạm của mọi sự sống con người. Thật là vô cùng quan trọng phải tái khám phá mối dây liên hệ không thể tách rời giữa sự sống và tự do. Đó là những sự thiện không thể tách rời nhau được: khi một trong những sự thiện này bị tổn thương, thì sự thiện kia cũng bị thương tổn. Không có tự do chân chính nơi mà sự sống được không được tiếp nhận và yêu thương, và không có sự sống sung mãn nếu không phải là trong tự do. Hai thực tại này có một điểm quy chiếu hàng đầu và đặc thù nối kết chúng không thể tách nhau ra được, đó là ơn gọi yêu thương. Tình yêu, như một sự hiến thân trto5n vẹn (125), diễn tả ý nghĩa đích thực nhất về sự sống và tự do của nhân vị.

Để huấn luyện lương tâm, việc tái khám phá ra mối dây cấu thành kết hợp tự do với chân lý không kém phần quyết định. Như tôi đã nói nhiều lần, tách rời hẳn tự do khỏi chân lý khách quan sẽ ngăn cản việc thiết lập những quyền lợi của ngôi vị trên nền tảng hợp lý vững chắc, và như thế, sẽ mở cho xã hội một nẻo đường dẫn tới nguy cơ, là sự chuyên chế bất khả trị của các cá nhân, hoặc tới chỗ độc tài gây tử vong của công quyền. (126)

Tiếp đó, cần thiết con người phải nhìn nhận sụ hiển nhiên nguyên thuỷ của thân phận thụ tạo của mình, đã nhận được từ nơi Thiên Chúa hữu thể và sự sống như một hồng ân và một nhiệm vụ: chỉ khi chấp nhận sự lệ thuộc đầu tiên của mình trong hữu thể, con người mới thực hiện được mức sung mãn về sự sống và tự do của mình, và đồng thời, mới có thể tôn trọng toàn vẹn sự sống và tự do của mọi người khác. Nơi đây ta khám phá ra rằng ở “trung tâm mọi nền văn hoá có thái độ mà con người phải bày tỏ trước mầu nhiệm cao cả, nhất là mầu nhiệm Thiên Chúa” (127), khi người ta chối bỏ Thiên Chúa và khi người ta sống như thể Ngài không hiện hữu, hoặc ít ra chẳng quan tâm tới giới răn của Ngài, thì người ta sẽ mau chóng đi tới chối bỏ hoặc làm tổn thương phảm giá ngôi vị con người và tính bất khả xâm phạm của sự sống.

97. Thêm vào việc đào tạo lương tâm, phải liên kết chặt chẽ mọi hoạt động giáo dục, hoạt động này giúp con người vẫn mãi là người hơn, đưa con người tiến hơn mãi vào chân lý, hướng dẫn con người đi tới chỗ tăng gia lòng tôn trọng sự sống, và huấn luyện con người duy trì những tương quan đúng đắn với các nhân vị.

Đặc biệt là cần phải giáo dục theo giá trị sự sống, bằng cách bắt đầu từ cội nguồn riêng của nó. Thật là ảo tưởng khi nghĩ rằng ta có thể xây dựng một nền văn hoá chân thực của sự sống con người, mà lại không giúp các người trẻ hiểu và sống giới tính, tình yêu và cả cuộc đời họ, bằng cách nhìn nhận ý nghĩa thực tại và sự liên kết chặt chẽ của chúng. Giới tính, là sự phong phú của toàn thể ngôi vị, “bày tỏ ý nghĩa thâm trầm của nó, bằng cách đưa (ngôi vị) đến chỗ hiến thân trong tình yêu” (128). Việc tầm thường hoá giới tính biểu lộ ở những yếu tố chính là nguồn sinh ra sự khinh khi đối với sự sống đang nảy sinh; chỉ có tình yêu chân thật mới biết bảo vệ sự sống. Vì vậy ta không bỏ qua việc trình bày, nhất là cho thiếu niên và thanh niên, một nền giáo dục đúng đắn về giới tính và tình yêu, một nền giáo dục bao hàm việc đào tạo để giữ đức thanh khiết, một nhân đức yểm trợ cho sự trưởng thành của một ngôi vị và làm cho ngôi vị có khả năng tôn trọng ý nghĩa “lứa đôi” (sponsal) của thân xác.

Tiến trình giáo dục cho sự sống gồm việc đào tạo các đôi bạn về sự sinh sản có trách nhiệm. Trong tầm mức thực thụ của nó, việc sinh sản có trách nhiệm giả định rằng đôi bạn phải vâng phục tiếng gọi của Chúa và hành động như những thông dịch viên trung thành của thánh ý Ngài; việc này sẽ làm được khi họ biết quảng đại mở rộng gia đình đón nhận những sự sống mới, bằng cách vẫn ở trong thái độ cởi mở và phục vụ đối với sự sống , cả những khi vì lý do nghiêm trọng và trong sự tôn kính luật luân lý, đôi bạn chọn lựa tránh việc mang thai mới, dù tạm thời hay vô thời hạn. Luật luân lý bắt buộc họ dù sao cũng phải làm chủ những xu hướng của bản năng và dục vọng nơi họ, và tôn trọng những quy luật sinh lý đã được ghi khắc ngay trong con người họ. Chính đấy là thái độ làm cho hợp thức việc nhờ các phương pháp tự nhiên để điều hoà sự thụ thai, hầu giúp đôi bạn thực hiện trách nhiệm trong việc truyền sinh: theo khoa học, những phương pháp này càng ngày càng được chính xác và cống hiến những khả năng cụ thể đề có những chọn lựa am hợp với những giá trị luân lý. Việc quan sát đúng đắn các kết quả đạt được phải đánh đổ mọi thành kiến còn khá phổ cập, và làm cho đôi bạn, cũng như nhân viên y tế và các dịch vụ xã hội, xác tín về tầm quan trọng của một nền đạo lý giáo dục cân xứng trong lãnh vực này. Giáo Hội biết ơn những người, với giá của lòng tận tuỵ và của những hy sinh cá nhân mà thường chẳng ai biết đến, đang dấn thân vào những việc nghiên cứu theo các phương pháp tự nhiên này và vào việc phổ biến chúng, đồng thời mở rộng việc giáo dục về các giá trị luân lý mà nghề nghiệp của họ đòi hỏi phải có.

Tiến trình giáo dục cũng không thể thiếu việc quan tâm đến đau khổ và chết. thực sự đau khổ và chết là thành phần của kinh nghiệm con người, cho nên tìm cách giấu nhẹm đi hay tránh né chúng là một điều vô ích và sai lầm. Trái lại mỗi người phải được giúp đỡ để hiểu biết mầu nhiệm sâu xa của chúng, trong thực tại cam go cụ thể của mình. Cả sự đau đớn và nỗi khổ đều có một ý nghĩa và một giá trị, khi chúng được sống trong tương quan chặt chẽ với tình yêu được nhận lãnh và được trao ban. Trong nhãn giới này, tôi muốn rằng mỗi năm người ta sẽ cử hành Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân, nhấn mạnh “tính cách cứu độ của việc hiến dâng sự đau khổ mà nếu được sống trong tình hiệp thông với Chúa Kitô, sẽ thuộc về chính yếu tính của công trình Cứu Chuộc” (129). Vả lại, chính sự chết cũng khác hẳn với một cuộc phiêu lưu không hy vọng: nó là cửa vào cuộc sống mở về cõi vĩnh hằng, và đối với những ai sống nó trong Chúa Kitô, thì nó sẽ là kinh nghiệm của việc tham dự vào mầu nhiệm sự chết và phục sinh của Ngài.

98. Tóm lại, ta có thể nói rằng khúc ngoặc văn hoá được mong ước ở đây đòi hỏi nơi tất cả chúng ta một lòng can đảm đi vào một cung cách sống mới, lấy một thang giá trị đúng đắn làm nền tảng cho các lựa chọn cụ thể ở những tầm mức cá nhân, gia đình, xã hội và quốc tế: sự trỗi vượt của hữu thể trên sở hữu (130) của ngôi vị trên các sự vật (131). Cách sống đổi mới cũng đòi hỏi việc bỏ đi tính dửng dưng đề quan tâm đến người khác, bỏ đi việc loại trừ để tiếp đón: những người khác không phải là những kẻ cạnh tranh mà mình phải tự vệ, nhưng là anh chị em mà mình phải liên đới; phải yêu thương họ vì chính họ, họ làm cho ta phong phú nhờ sự hiện diện của họ.

Không ai được cảm thấy như mình bị loại ra ngoài cuộc động viên đi tới nền văn hoá mới của sự sống: tất cả mọi người đều có vai trò quan trọng phải đóng. Cùng với sứ mệnh của các gia đình, sứ mệnh của các nhà giáo và nhà giáo dục là đặc biệt quý báu. Lớp trẻ, được huấn luyện về sự tự do chân chính, có biết giữ nơi mình và làm lan rộng ra chung quanh những lý tưởng sống chân chính và biết lớn lên trong lòng tôn trọng và phục vụ mọi người trong gia đình cũng như ngoài xã hội hay không, điều đó tuỳ thuộc vào các vị ấy.

Cũng thế, các nhà trí thức có thể làm nhiều việc để xây dựng một nền văn hoá mới của sự sống con người. Những nhà trí thức công giáo có vai trò đặc biệt vì họ được coi đề chủ động hiện diện trong những môi trường có ưu đãi nơi tạo nên văn hoá , trong thế giới nhà trường và đại học, trong những sáng tạo nghệ thuật và suy tư nhân bản. Trong khi nuôi dưỡng cảm hứng và hành động của mình bằng nhựa tinh tuý của Tin Mừng, các nhà trí thức công giáo phải hết mình ủng hộ một nền văn hoá mới sự sống, với mục đích “nghiên cứu, thông tin và đào tạo về những điều lia6n can đến các vấn đề chính của khoa y sinh học và pháp lý, liên hệ với việc thăng tiến và bảo vệ sự sống, nhất là trong mối tương quan trực tiếp với luân lý Kitô giáo và các chỉ dẫn của quyền giáo huấn trong Hội Thánh” (132). Các đại học cũng sẽ cung cấp một đóng góp đặc thù, nhất là các đại học công giáo, cũng như các Trung tâm, các Viện và Uỷ ban về đạo đức sinh học.

Những tác nhân khác nhau của các phương tiện truyền thông xã hội cũng có trách nhiệm lớn lao và nghiêm trọng: họ phải làm sao để sứ điệp được truyền đi với nhiều hiệu quả, góp phần cho văn hoá sự sống. Chính vì thế mà họ phải giới thiệu các gương mẫu đời sống cao thượng, dành chỗ cho những chứng từ tích cực, đôi khi đến mức anh hùng, về tình yêu thương con người, trình bày những giá trị của giới tính và của tình yêu với lòng tôn trọng lớn lao, mà không thích thú trong điều làm suy đồi và hạ thấp phẩm giá con người. Trong khi đọc biết thực tại, họ phải từ chối đề cao những gì có thể khơi dậy hay làm nặng nề thêm những tình cảm hay thái độ dửng dưng, khinh thường hoặc chối từ đối với sự sống. Khi cặn kẽ trung thành với sự thật của các sự kiện, họ có bổn phận nối kết sự tự do thông tin với lòng tôn trọng mọi con người và với một tính nhân bản sâu xa.

99. Để đạt tới khúc ngoặc văn hoá vì sự sống, tư tưởng và hành động của nữ giới đóng một vai trò độc nhất và hẳn là quyết định: phụ nữ có bổn phận chấn hưng một “tân thuyết nữ quyền”, không rơi vào cơn cám dỗ muốn đi theo những kiểu mẫu nam giới, nhưng biết nhận ra và biểu lộ đặc tính chân thật thuộc nữ giới qua mọi thể hiện của cuộc sống giữa xã hội, trong khi làm việc để vượt thắng mọi hình thức kỳ thị, bạo lực và khai thác.

Nhắc lại sứ điệp kết thúc Công đồng Vatican II, tôi cũng gởi tới chị em phụ nữ lời kêu gọi thúc bách này: “Hãy giao hoà mọi người với sự sống” (133). Chị em được mời để làm chứng tá cho ý nghĩa tình yêu đích thực, của sự hiến thân và tiếp nhận kẻ khác, hai việc ấy được thực hiện một cách đặc biệt trong quan hệ hôn nhân, nhưng chúng cũng phải làm sinh động mọi tương quan khác giữa người với người. Kinh nghiệm làm mẹ tăng cường nơi chị em một cảm tình sâu sắc đối với bản thân kẻ khác và, đồng thời, trao cho chị em một nhiệm vụ đặc biệt: “Việc làm mẹ bao gồm hiệp thông đặc biệt với mầu nhiệm sự sống được chín muồi trong dạ người phụ nữ… loại tiếp xúc duy nhất này với hữu thể con người mới, được cưu mang trong lòng mẹ, tạo nên thái độ mới của con người – không những đối với người con của mình, mà còn đối với con người nói chung – thái độ ấy mang chất biểu thị cách sâu sắc toàn diện nhân cách của phụ nữ” (134). Quả thực người mẹ đón nhận và mang trong mình một con người khác, bà cho phép con người ấy đứng lên nơi mình, cho nó một chỗ thích hợp, trong khi vẫn tôn trọng tha tính của nó. Như thế, người phụ nữ thấu hiểu và cho biết rằng những tương giao giữa người với người sẽ là đích thực nếu chúng mở rộng để đón nhận nhân vị kẻ khác, được nhìn nhận và yêu mến vì phẩm giá, phát xuất từ sự kiện kẻ khác ấy là một con người, chứ không vì những yếu tố khác, như lợi ích, sức mạnh, trí thông minh, sắc đẹp, sức khoẻ. Đó là sự đóng góp căn bản mà Giáo Hội và nhân loại đợi chờ nơi người phụ nữ. Đó là một điều tiên quyết cần thiết cho khúc ngoặc văn hoá đích thực này.

Tôi muốn được nói lên một suy tư đặc biệt với chị em, là những người phụ nữ đã nhờ đến việc phá thai. Giáo Hội biết rõ ràng bao nhiêu sức ép đã có thể đè nặng trên quyết định của chị em. Giáo Hội cũng chắc chắn rằng, trong nhiều trường hợp, quyết định ấy cũng thực là đau đớn, và cả đến thảm khốc nữa. Có thể là vết thương trong tâm hồn chị em chưa liền lại. Thực ra, chuyện gì đã xảy ra cũng đã là và vẫn còn là bất công sâu xa. Nhưng chị em đừng để mình nản chí, đừng chối từ niềm hy vọng. Tốt hơn nên biết cách hiểu chuyện đã xảy ra và hãy giải thích nó theo sự thật. Nếu chị em chưa làm như vậy, thì xin mở rộng tâm hồn cho sự sám hối với lòng khiêm tốn và cậy trông: Chúa Cha đầy lòng từ bi đang chờ đón chị em ơn tha thứ và bình an trong bí tích Giao Hoà. Chị em biết rằng chẳng có chi là hư mất cả và chị em sẽ có thể xin lỗi đứa con của mình từ nay đang sống trong Chúa. Với sự giúp đỡ bằng lời khuyên và bằng sự hiện diện của những bạn hữu có thẩm quyền, chị em có thể tham gia vào số những người bảo vệ xác tín nhất quyền sống của mọi người, bằng chính chứng từ đau đớn của chị em, trong việc dấn thân cho sự sống, có thể sẽ được chói sáng bằng sự chào đời của những tạo vật mới và được thực hiện qua sự tiếp đón và quan tâm tới những người cần đến một sự hiện diện nhiệt tình, chị em sẽ làm việc để khôi phục một cách nhìn mới về sự sống con người.

100. Trong cố gắng lớn lao để đạt tới nền văn hoá mới về sự sống, chúng ta được nâng đỡ, và được sinh động vì chắc chắn là Tin Mừng về sự sống, như Nước Thiên Chúa, đang lớn lên và kết quả dồi dào (x. Mc 4,26-29). Chắc hẳn sự chênh lệch thật là to lớn giữa nhưng phương tiện đáng kể và hùng mạnh dành cho những thế lực đang hoạt động vì nền “văn hoá sự chết”, so với phương tiện của những người ủng hộ một nền “văn hoá sự sống và tình thương”. Nhưng chúng ta biết có thể cậy nhờ vào ơn phù trợ của Thiên Chúa, đối với Ngài không có gì là không thể làm được (x. Mt 19,26).

Khi có niềm xác tín trong tim, và được sinh động bời sự lo lắng cho số phận từng người, nam cũng như nữ, hôm nay tôi xin nhắc lại cho tất cả mọi người điều mà tôi đã nói cho các gia đình dấn thân trong những trách vụ đã trở nên khó khăn vì những cảm bẫy đang đe doạ họ (135): việc cầu nguyện cho sự sống rộng khắp trên toàn cầu, là một điều khẩn cấp. Ước mong, qua những sáng kiến khác thường và trong việc cầu nguyện thường xuyên, lời tha thiết khẩn nài được dâng lên Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá hằng yêu quý sự sống, từ tất cả các cộng đồng Kitô hữu, từ tất cả các nhóm, các phong trào, các gia đình, từ trái tim của mọi người tin! Chúa Giêsu đã làm gương cho ta thấy rằng cầu nguyện và chay tịnh là những võ khí chính và linh nghiệm nhất chống lại thế lực sự dữ (x. Mt 4,1-11), và Chúa đã dạy các môn đệ rằng có một số quỷ chỉ bị trừ khử bằng việc cầu nguyện này (x. Mc 9,29). Vậy ta hãy khiêm nhường và can đảm cầu nguyện và giữ chay để xin cho sức mạnh từ Đấng Tối Cao đến làm đổ những bức tường lừa phỉnh và dối trá đang che mắt bao anh chị em chúng ta, không cho thấy bản chất gian tà của những cách đối xử và luật lệ thù nghị với sự sống, và xin sức mạnh của Chúa mở tâm hồn cho họ những quyết tâm và ý hướng được cảm hứng bởi nền văn minh sự sống và yêu thương.

Tin Mừng về sự sống dành cho thành trì loài người

“Tất cả những điều này, chúng tôi viết cho anh em, để niềm vui của chúng ta được đầy đủ” (1 Ga 1,4)

101. “Tất cả những điều này, chúng tôi viết cho anh em, để niềm vui chúng ta được đầy đủ” (1Ga 1,4). Mặc khải Tin Mừng về sự sống được ban cho chúng ta như một thiện hảo để thông chuyển cho tất cả mọi người, để cho tất cả được hiệp thông với ta và với Chúa Ba Ngôi (x. 1Ga 1,3). Chúng ta cũng vậy, chúng ta sẽ không thể ở trong niềm vui đầy đủ, nếu chúng ta không thông truyền Tin Mừng này cho những người khác, mà lại chỉ giữ riêng cho mình.

Tin Mừng về sự sống không chỉ dành riêng cho những người có tín ngưỡng, nó được dành cho tất cả mọi người,. Vấn đề sự sống, vấn đề bảo vệ và thăng tiến sự sống, không phải chỉ là đặc quyền của người Kitô hữu. Dầu vấn đề này tiếp nhận từ đức tin một ánh sáng và một sức mạnh khác thường, thì nó vẫn thuộc về mọi lương tâm con người khát vọng chân lý và chăm chú ưu tư với vận mệnh nhân loại. Chắc chắn là trong sự sống có một giá trị thánh thiêng và tôn giáo, nhưng bằng bất cứ cách nào người ta không thể bảo rằng việc ấy chỉ liên quan đến những người có tín ngưỡng: quả vậy, đây là một giá trị mà bất cứ con người nào cũng có thể hiểu được dưới ánh sáng lý trí và nó nhất thiết liên hệ tới mọi người.

Do đó, hành động của chúng ta, là “dân của sự sống và vì sự sống” đòi phải được hiểu cho đúng và được tiếp nhận với thiện cảm. Khi Giáo Hội tuyên bố sự tôn trọng vô điều kiện quyền sống của mọi người vô tội, từ khi thành thai cho đến lúc chết tự nhiên, là một trong những cột trụ trên đó được xây dựng mọi thứ xã hội dân sự, thì Giáo Hội “chỉ muốn chấn hưng một nhà nước nhân bản, một nhà nước nhìn nhận rằng bổn phần hàng đầu của mình là bảo vệ những quyền căn bản của nhân vị, đặc biệt là những quyền của kẻ yếu nhất” (136).

Tin Mừng về sự sống được dành tặng cho thành trì của loài người. Hành động vì sự sống, là góp phần vào sự canh tân xã hội bằng việc thực hiện công ích. Quả vậy, không thể nào có thể thực hiện công ích mà không nhìn nhận và bảo vệ quyền sống, trên đó được thiết lập và phát triển mọi quyền bất khả nhượng khác của con người. Và một xã hội không thể có nền tảng vững chắc, nếu như, khi khẳng định các giá trị như phẩm giá con người, công lý và hoà bình, xã hội ấy lại tự mâu thuẫn triệt để bằng cách chấp thuận hay miễn trách những hình thức khác nhau của việc khinh dễ hay xâm phạm chính sự sống con người, nhất là khi sự sống ấy thật non yếu hay bị gạt ra bên lề. Chỉ có lòng tôn trọng sự sống mới có thể thiết lập và bảo đảm những thiện hảo quý báu nhất, và cần thiết nhất của xã hội, như nền dân chủ và hoà bình.

Quả thế, không thể có dân chủ thực sự nếu người ta không nhìn nhận phẩm giá của mọi người và không tôn trọng các quyền của mọi người.

Cũng không thể có hoà bình thực sự nếu người ta không bênh vực và nâng đỡ sự sống, như Đức Phao lô VI đã nhắc: “Mọi tội ác chống lại sự sống và một nguy hại cho hoà bình, nhất là khi nó phạm đến phong tục của dân… Trong lúc mà ở đâu quyền con người được thực sự tuyên xưng và công khai nhìn nhận và bảo vệ, thì hoà bình trở thành bầu khí vui tươi và có hiệu quả cho đời sống trong xã hội” (137).

“Dân tộc của sự sống” được vinh dự chia sẻ với bao nhiêu người khác những dấn thân của mình; và nền văn hoá mới của tình thương yêu và liên đới sẽ được phát triển vì lợi ích thực sự của thành trì nhân loại.

***

KẾT LUẬN

102. Vào cuối Thông điệp này, tự nhiên chúng ta hướng nhìn về Chúa Giêsu, về “Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta” (x. Is 9,5) để chiêm ngắm nơi Ngài “Sự Sống đã tỏ hiện” (1Ga 1,7). Trong mầu nhiệm Giáng Sinh này, đã hoàn thành sự gặp gỡ của Thiên Chúa với loài người, và bắt đầu nẻo đường của con Thiên Chúa trên trái đất, nẻo đường đạt tới tột đỉnh trong việc Ngài hiến dâng mạng sống trên thập giá: qua cái chết của mình, Ngài sẽ thắng sự chết và trở nên nguyên lý sự sống mới cho toàn thể nhân loại.

Để tiếp nhận “Sự Sống”, nhân danh mọi người và vì ích lợi của mọi người, có Đức Maria, người mẹ đồng trinh: như vậy Mẹ đã có những liên lạc bản thân rất khắng khít với Tin Mừng về sự sống. Sự ưng thuận của Đức Maria vào dịp Truyền Tin, và việc làm mẹ của ngài là ở tận nguồn mạch của mầu nhiệm sự sống mà Chúa Ki tô đã đến ban cho loài người (x. Ga 10,10). Qua việc Đức Mẹ đón tiếp, qua việc Đức Mẹ lo lắng cho sự sống của Ngôi Lời Nhập Thể, án chết dứt khoát và đời đời đã được miễn trừ cho sự sống của con người.

Vì thế, “như Giáo Hội, mà Mẹ là hình ảnh, Đức Maria là mẹ của tất cả mọi người tái sinh vào sự sống. Đức Mẹ thực là mẹ của Sự Sống làm cho mọi người được sống, và khi sinh ra Sự Sống, Mẹ đã tái sinh cách nào đó tất cả mọi người sẽ sống bằng Sự Sống ấy” (138).

Khi chiêm ngắm việc làm mẹ của Đức maria, Giáo Hội cũng đã được khám phá ra ý nghĩa việc làm mẹ của mình và cung cách mà Giáo Hội được mời gọi để diễn tả việc ấy. đồng thời, kinh nghiệm làm mẹ của Giáo Hội mở ra một viễn ảnh sâu xa nhất để hiểu kinh nghiệm của Đức Maria, như mẫu gương khôn ví của việc tiếp nhận sự sống và của lòng ân cần đối với sự sống.

Việc làm mẹ của Đức Maria và của Giáo Hội

“Một điềm vĩ đại xuất hiện trên trời: một Người Nữ mặc áo mặt trời” (Kh 12,1)

103. Tương quan giữa mầu nhiệm Giáo Hội và mầu nhiệm Đức Maria, rõ ràng xuất hiện trong “điềm vĩ đại” được diễn tả trong sách Khải Huyền: “Một điềm vĩ đại hiện ra trên trời: một Người Nữ mặc áo mặt trời, chân đứng trên mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12,1). Giáo Hội nhìn ra trong điều này một hình ảnh của mầu nhiệm riêng mình: được dìm ngập trong lịch sử, Giáo Hội là “mầm giống và khởi đầu” Nước Thiên Chúa (139). Giáo Hội trông thấy sự thực hiện đầy đủ và kiểu mẫu mầu nhiệm này nơi Đức Maria. Chính Mẹ là Người Nữ hiển vinh, nơi Mẹ ý định của Thiên Chúa đã được chu toàn với sự hoàn hảo lớn nhất.

“Người Nữ mặc áo mặt trời đang mang thai” như sách Khải Huyền nhấn mạnh (Kh 12,2). Giáo Hội hoàn toàn ý thức mình đang mang Chúa Cứu Thế, là Chúa Kitô và mình được gọi trao Chúa Kitô cho thế giới, để tái sinh loài người vào chính sự sống của Thiên Chúa. Nhưng Giáo Hội không thể quên rằng sứ mệnh của mình đã trở nên có thể thi hành được nhờ việc Đức Maria làm mẹ, Mẹ đã cưu mang và sinh ra cho thế giới Đấng là “Thiên Chúa sinh bởi Thiên Chúa”, “Thiên Chúa thật sinh bởi Thiên Chúa thật”, Đức Maria đích thật là Mẹ của Thiên Chúa, là Theothokos: trong sứ mệnh làm mẹ của Đức maria, ơn gọi làm mẹ mà Thiên Chúa ghi khắc trong từng người nữ đã được cực kỳ nâng cao. Như thế, Đức Maria xuất hiện như mẫu gương cho Giáo Hội, được gọi làm “Eva mới”, mẹ của các tín hữu, mẹ của “những người sống” (x. St 3,20).

Việc làm mẹ thiêng liêng của Giáo Hội – Giáo Hội cũng ý thức rõ điều này – chỉ được thực hiện trong những đau đớn “chuyển dạ sinh con” (Kh 12,2), tức là sự căng thẳng liên miên với những thế lực của sự dữ hằng tiếp xúc xâm nhập vào thế giới và ghi dấu vào trái tim con người, trong khi chống cự lại Chúa Kitô: “Điều ở nơi Ngài là sự sống, và sự sống là ánh sáng soi cho nhân loại, và ánh sáng chiếu rạng trong tối tăm, và tối tăm đã không năm được ánh sáng” (Ga 1,4-5).

Như Giáo Hội, Đức Maria đã phải sống tình làm mẹ dưới dấu chỉ của đau đớn: “Hài Nhi này… phải là dấu chỉ của vấp phạm và chống đối, còn Bà, một mũi gương sẽ đâm thâu vào lòng Bà, hầu bộc lộ tâm tư nhiều cõi lòng” (Lc 2,34-35). Trong những lời Simêon nói với Đức Maria ngay từ bình minh cuộc đời Chúa Cứu Thế, ta thấy được trình bày cách tổng hợp sự từ chối Chúa Giêsu và Đức Maria cùng với Ngài, sự từ chối lên tới tột đỉnh trên núi Canvê. “Đứng gần thập giá Chúa Giêsu” (Ga 9,25), Đức Maria tham gia vào việc tự hiến của Chúa Con: Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu lên Chúa Cha, trao hiến Người đi, và dứt khoát sinh Người ra cho ta. Tiếng “xin vâng” ngày Truyền Tin được trọn vẹn chín muối trong ngày của Thập giá, khi đến giờ để Đức Maria đón nhận và sinh hạ, như con mình, tất cả mọi người đã trở nên môn đệ và mang nơi mình tình yêu cứu thế của Chúa Con: “Chúa Giêsu thấy Mẹ và gần Mẹ có môn đệ yêu quý, Ngài thưa với mẹ: “ Hỡi bà, này là con của Bà” (Ga 19,26).

Sự sống bị đe doạ bởi thế lực sự ác

“Dừng lại trước người nữ, con rồng rình nuốt người con của bà khi sinh ra” (Kh 12,4)

104. Trong sách Khải Huyền, “dấu chỉ vĩ đại” về “người nữ” (Kh 12,1) kèm theo ngay “một dấu chỉ khác xuất hiện trên trời: một con rồng màu đỏ lửa to lớn” (Kh 12,3), ám chỉ satan, một kẻ mang sức mạnh ám hại và đồng thời là một sức mạnh của sự dữ đang hoạt động trong lịch sử và ngăn cản sứ mệnh của Giáo hội.

Ở đây nữa, Đức Maria vẫn còn soi sáng cho cộng đoàn tín hữu: sự thù địch của các thế lực sự dữ, quả là một sự chống đối ngấm ngầm, trước khi đụng tới môn đệ của Chúa Giêsu đã quay qua chống lại Mẹ Chúa. Để cứu lấy sự sống của Con Mình trước những kẻ sợ Chúa như một mối ngăm đe nguy hiểm, Đức Maria đã phải trốn sang Ai Cập cùng với Thánh Giuse và Hài nhi Giêsu (x. Mt 2,13-15).

Như vậy, Đức Maria giúp Giáo Hội ý thức rằng sự sống luôn luôn ở giữa một cuộc chiến đấu rất lớn giữa sự thiện và sự ác, giữa ánh sáng và bóng tối. Con rồng muốn nuốt chửng “hài nhi vừa sinh” (Kh 12,4) là hình ảnh Chúa Kitô , mà Đức Maria sinh ra trong “thời viên mãn” (Gl 4,4) và Giáo Hội hằng phải trao ban cho con người ở những thời kỳ khác nhau của lịch sử. Nhưng hài nhi này cũng là như hình ảnh của từng người, từng em bé, đặc biệt của từng tạo vật yếu ớt và bị đe doạ, bởi vì – như Công Đồng nhắc nhở chúng ta – “qua Mầu nhiệm Nhập Thể, con Thiên Chúa đã kết hiệp một cách nào đó với mọi người” (140). Chính trong “xác thể” của từng người mà Chúa Kitô tiếp tục tự mặc khải và đi vào mối hiệp thông với chúng ta, đến mức độ mà vứt bỏ sự sống của con người dưới hình thức khác nhau cũng chính là vứt bỏ Chúa Kitô . Đó là chân lý cảm kích và đồng thời thúc bách mà Chúa Kitô tỏ lộ cho chúng ta và Giáo Hội không hề mệt mỏi nói lại: “Ai đón tiếp một bé thơ như em này vì danh Thầy, là đón tiếp Thầy” (Mt 18,5); “Thật, Ta bảo thật các con, những gì các con đã làm cho một người trong các anh em hèn mọn nhất của Ta, là các con đã làm cho chính mình Ta” (Mt 25,40).

Ánh rạng ngời của sự Phục Sinh

“Chết chóc không còn nữa” (Kh 21,4)

105. Việc loan báo của sứ thần cho Đức Maria nằm trong những lời trấn an này: “Xin đừng sợ, thưa Đức Maria”, và “Không có gì là không thể được đối với Thiên Chúa” (Lc 1,30-37). Thật vậy, trọn cuộc đời của Đức Trinh Mẫu Maria được bao bọc bằng niềm tin chắc chắn rằng Thiên Chúa ở gần bên Ngài và đi cùng với Ngài bằng việc quan phòng nhân hậu với Chúa. Với Giáo Hội cũng thế, giáo Hội tìm được nơi “ẩn náu” (Kh 12,6) trong sa mạc, nơi thử thách, nhưng cũng là nơi biểu lộ tình yêu thương của Thiên Chúa đối với dân Ngài (x. Osê 2,16). Đức maria là lời sống động của niềm an ủi cho Giáo Hội trong cuộc chiến chống lại sự chết. Khi Mẹ tỏ ra cho ta thấy Con của Mẹ, Mẹ bảo đảm với ta rằng nơi Ngài các thế lực sự chết đã thua bại: “Tử sinh song đấu lạ kỳ, Chủ Tể sự sống đã chết; nay đang sống, Ngài hiển trị” (141).

Chiên Con bị sát tế đang sống trong khi mang dấu tích cuộc Khổ nạn trong ánh huy hoàng Phục sinh. Chỉ mình Ngài chủ trì mọi biến cố của lịch sử. Ngài đập tan “các ấn tín” của nó (Kh 5,1-10) và, trong thời gian và bên kia thời gian, Ngài công bố quyền lực sự sống trên sự chết. Trong “thành Giêrusalem mới” tức là trong thế giới mới mà lịch sử con người đang vươn tới, “chết chóc sẽ không còn nữa; khóc than, rên xiết và khổ đau sẽ không còn nữa, vì thế giớ cũ đã qua đi” (Kh 21,4).

Và trong khi chúng ta là dân của Thiên Chúa đang lữ hành, dân của sự sống và dân vì sự sống, trong niềm cậy trông, chúng ta đang tiến bước về “một trời mới và một đất mới” (kh 21,1), chúng ta hướng nhìn về Đấng, đối với ta, là “dấu chỉ của lòng cậy trông vững chắc và của niềm an ủi” (142).

Lạy Mẹ Maria,

Bình Minh của thế giới mới,

Là mẹ của chúng sinh,

Chúng con xin trao phó cho Mẹ

Vụ án về sự sống.

Lạy mẹ, xin nhìn đến

Vô số những trẻ thơ

Bị ngăn cản không được sinh ra đời,

Những người nghèo

Mà cuộc sống trở nên khó khăn,

Những người bị sát hại

Vì bạo lực bất nhân,

Những người già, người bệnh bị giết

Do sự lãnh đạm thờ ơ

Hay do lòng thương giả dối.

Xin Mẹ hãy làm cho

Những kẻ tin vào Con của Mẹ

Biết loan báo cho người thời nay

Tin Mừng về sự sống

Với lòng kiên quyết và tình yêu thương

Xin Mẹ cầu Chúa ban cho họ

Được ơn đón nhận Tin mừng về sự sống

Như một hồng ân luôn luôn mới mẻ,

Được niềm vui tôn dương Tin Mừng ấy

Với lòng tri ân trong cả cuộc đời,

Và được can đảm làm chứng

cho Tin Mừng ấy

với sự kiên trì chủ động,

để cùng những người thiện chí

xây dựng nền văn minh của chân lý và tình yêu

hầu ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa,

Đấng Tạo Thành hằng yêu thương sự sống.

 

Ban hành tại Rôma, gần Đền thờ Thánh Phêrô

Ngày lễ Truyền Tin 25.3.1995

Năm thứ 17 triều Giáo hoàng của tôi

+ GIOAN PHAOLÔ II

Giáo Hoàng

 


(1) Quả thực diễn ngữ “Tin Mừng về sự sống” không có trong thánh Kinh. Tuy nhiên diễn ngữ ấy am hợp với một phương diện cốt yếu của sứ điệp Thánh Kinh.

(2) Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, Vui mừng và Hy vọng, số 22.

(3) Xem Thông điệp Đấng Cứu Chuộc con người của Đức Gioan Phaolô II (4.3.1979), số 10.

(4) Xem Thông điệp trên, số 14.

(5) Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, Vui mừng và Hy vọng, số 27.

(6) Xem Thư gởi hàng Giám mục về “Tin mừng về sự sống” (19.5.1991).

(7) Cũng trong thư trên.

(8) Thư gởi các Gia đình – Gratissimam sane (2.2.1994) số 4.

(9) Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus – Năm thứ một trăm (1.5.1991), số 39.

(10) Số 2259.

(11) Xem Bàn về Noê của Thánh Ambrôsiô, 26,94-96.

(12) x. GLHTCG, số. 1867 và 2268.

(13) Bàn về Cain et Abel, II, 10, 38.

(14) Xem Huấn thị Ơn ban sự sống (Donum Vitae) (22.2.1987) của Thánh Bộ Giáo lý Đức tin.

(15) Diễn từ trong dịp canh thức cầu nguyện cho ngày Quốc tế Giới trẻ lần VIII tại Denver (16,8,1993)

(16) Diễn từ của Đức Gioan Phaolô II trước các tham dự viên cuộc tham luận về “Quyền sống và Châu âu” (18.12.1987).

(17) Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 36.

(18) x. như trên, số 16.

(19) x. Luân lý về Gióp, 13, 23 của thánh Gregorio Cả.

(20) Thông điệp Redemptor Hominis (Đấng Cứu Chuộc con người) (4.3.1979), Gioan Phaolô II, số 10.

(21) Hiến chế Gaudium et Spes – Vui mừng và Hy vọng, số 50.

(22) Hiến chế Tín lý về Mạc khải Dei Verbum, số 4.

(23) “Gloria Dei vivens homo”: Adversus Haereses – Chống lạc giáo, IV, 20, 7.

(24) Hiến chế Gaudium et Spes – Vui mừng và Hy vọng, số 12.

(25) Confessions (Tự thuật), I, 1.

(26) Exameron, VI, 75-76.

(27) “Vita autem hominis visio Dei”: Adversus Haereses – Chống lạc giáo, IV, 20, 7.

(28) x. Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus – Năm thứ một trăm (1.5.1991), số 38.

(29) Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis – Quan tâm đến việc xã hội (30.12.1987), số 34.

(30) Hiến chế Gaudium et Spes – Vui mừng và Hy vọng, số 50.

(31) Thư gửi các Gia đình Gratissimam sane (2.2.1994), số 9; x. Pio XII, Tông huấn Humani Generis – Nhân loại (12.8.1950).

(32) “Animas enim a Deo immediate creari catholica fides nos retinere iubet”: Pio XII, Tông huấn Humani Generis – Nhân loại (12.8.1950).

(33) Hiến chế Gaudium et Spes – Vui mừng và Hy vọng, số 50.; x. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Về Gia đình Familiaris Consortio (22.11.1981), số 28.

(34) Homilies – Các bài giảng, II, 1.

(35) Xem, chẳng hạn, các Thánh Vịnh 22/21,10-11; 71/70,6; 139/138,13-14.

(36) Expositio Evangelii secundum Lucam – Trình bày Phúc âm theo Thánh Luca, II, 22-23.

(37) Thánh Ignatio Antiokia, Thư gửi tín hữu Ephêsô, 7, 2: Patres Apostolici, ed. F.X. Funk, II, 82.

38 De Hominis Opificio, số 4.

39 x. Thánh Gioan Đamaxen, De Fide Orthodoxa, 2, 12, được Thánh Tôma Aquinô trích dẫn, Summa Theologiae – Tổng luận thần học, I-II, Lời nói đầu.

40 Đức Phaolô VI, Thông điệp Humanae Vitae- Sự sống con người (25.7.1968), số 13.

41 Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Donum Vitae- Ơn ban sự sống (22.2.1987), Nhập đề, số 5; x. GLHTCG, số 2258.

42 Sách Didache, I, 1; II, 1-2; V, 1 và 3: Patres Apostolici, ed. F.X. Funk, I, 2-3, 6-9, 14-17; x. Thư của Pseudo-Barnabas, XIX, 5.

43 x. GLHTCG, các số 2263-2269; cũng xem sách Giáo lý của Công đồng Trentô III, §§ 327-332.

44 Sách GLHTCG, số 2265.

45 x. Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae – Tổng luận thần học, II-II, q. 64, a. 7; Thánh Anphonsô Liguori, Theologia Moralis – Thần học luân lý, l. III, tr. 4, c. 1, dub.3.

46 Sách GLHTCG, số 2266.

47 x. như trên.

48 Số 2267.

49 Công đồng Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium –Ánh sáng muôn dân, số 12.

50 Hiến chế Gaudium et Spes – Vui mừng và Hy vọng, số 27.

51 Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium –Ánh sáng muôn dân, số 25.

52 Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, Tuyên ngôn về việc làm chết êm dịu Iura et Bona (5.5.1980), II.

53 Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Veritatis Splendor-Ánh rạng ngời của chân lý (6.8.1993), số 96.

54 Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes – Vui mừng và Hy vọng, số 51, “Abortus necnon infanticidium nefanda sunt crimina”.

55 x. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông thư Mulieris Dignitatem-Phẩm giá phụ nữ (15.8.1988), số 14.

56 Sđd. Số 21.

57 Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, Tuyên ngôn về việc cố ý phá thai (18.11.1974), các số 12-13.

58 Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Donum Vitae- Ơn ban sự sống (22.2.1987), I, số 1.

59 Sđd như trên.

60 Ngôn sứ Giêrêmia nói: “Chúa nói với tôi bằng những lời này: “Trước khi tạo nên ngươi trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi, ngay cả trước khi ngươi lọt lòng, Ta đã thánh hiến ngươi; Ta đã đặt ngươi làm ngôn sứ cho các dân tộc” (1,4-5). Về phần mình, Thánh vịnh gia thưa với Chúa những lời này: “Ngay từ lòng mẹ con đã tựa nương vào Chúa, ngay khi con ở trong dạ mẫu thân, Chúa đã là gia nghiệp của con” (Ps 71/70,6; x. Is 46,3; G 10,8-12; Tv 22/21,10-11). Trong cuộc gặp gỡ kỳ diệu giữa hai người mẹ: bà Êlizabeth và Đức Maria, và giữa hai người con: Gioan Tẩy giả và Chúa Giêsu, con náu ẩn trong lòng mẹ (x. Lc 1,39-45) – tác giả Luca cũng nhấn mạnh rằng con trẻ đón nhận Con Trẻ đến và phấn khởi vui mừng.

61 x. Tuyên ngôn về việc cố ý phá thai (18.11.1974), số 7.

62 “Ngươi không được giết con trẻ bằng việc phá thai và không được làm chết nó sau khi nó sinh ra”: V, 2: Patres Apostolici, ed. F.X. Funk, I, 17.

63 Lời thỉnh cầu cho các Kitô hữu, số 35.

64 Apologeticum – Minh giáo, IX, 8.

65 x. Thông điệp Casti Connubii-Khiết tịnh hôn nhân (31.12.1930), II.

66 Diễn văn trước Liên hiệp Y Sinh học “San Luca” (12.11.1944): Discorsi e Radiomessaggi, VI; x. Diễn văn trước Liên hiệp Công giáo Italia các bà hộ sinh (29.10.1951), số 2.

67 Thông điệp Mater et Magistra-Mẹ và Thầy (15.5.1961), số 3.

68 Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes – Vui mừng và Hy vọng, số 51.

69 Xem điều 2350, § 1.

70 Bộ Giáo luật, điều 1398; x. Bộ luật các Giáo hội Đông phương, điều 1450, § 2.

71 x. sđd., điều 1329; cũng xem Bộ luật các Giáo hội Đông phương, điều 1417.

72 x. Diễn văn trước các luật gia Công giáo Italia (9.12.1972); Thông điệp Humanae Vitae-Sự sống con người (25.7.1968), số 14.

73 Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium –Ánh sáng muôn dân, số 25.

74 Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Donum Vitae- Ơn ban sự sống (22.2.1987), I, số 3.

75 Hiến chương về quyền của Gia đình (22.10.1983), article 4b.

76 Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, Tuyên ngôn về việc làm chết êm dịu Iura et Bona (5.5.1980), II.

77 Sđd., IV.

78 x. văn kiện trên.

79 Đức Piô XII, Diễn văn trước một nhóm quốc tế các thầy thuốc (24.2.1957), III; x. Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, Tuyên ngôn về việc làm chết êm dịu Iura et Bona (5.5.1980), III.

80 Đức Piô XII, Diễn văn trước một nhóm quốc tế các thầy thuốc (24.2.1957), III.

81 Piô XII, Diễn văn trước một nhóm quốc tế các thầy thuốc (24.2.1957), như trên; Thánh Bộ Giáo lý, Decretum de directa insontium occisione (2.12.1940); Đức Phaolô VI, Sứ điệp cho Truyền hình Pháp: “Mọi sự sống đều thánh thiêng” (27.1,1971); Diễn văn tại trường quốc tế Surgeons (1.6.1972); Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes – Vui mừng và Hy vọng, số 27.

82 x. Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium –Ánh sáng muôn dân, số 25.

83 x. Thánh Augustinô, De Civitate Dei-Thành trì Thiên Chúa I, 20; Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae-Tổng luận thần học, II-II, q. 6, a. 5.

84 Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, Tuyên ngôn về việc làm chết êm dịu Iura et Bona (5.5.1980), I; GLHTCG, các số 2281-2283.

85 Thư 204, 5.

86 Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes – Vui mừng và Hy vọng, số 18.

87 x. Đức Gioan Phaolô II, Tông thư Salvifici Doloris-Đau khổ cứu độ (11.2.1984), số 14-24.

88 x. Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus AnnusNăm thứ một trăm (1.5.1991), số 46; Đức Piô XII, Sứ điệp truyền thanh Giáng Sinh (24.12.1944).

89 Cf. Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Veritatis SplendorÁnh rạng ngời của chân lý (6.8.1993), số 97 và 99.

90 Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Donum VitaeƠn ban sự sống (22.2.1987), III.

91 x. Công đồng Vatican II, Tuyên ngôn về Tự do tôn giáo Dignitatis Humanae- Phẩm giá con người, số 7.

92 x. Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae-Tổng luận thần học I-II, q. 96, a. 2.

93 x. Công đồng Vatican II, Tuyên ngôn về Tự do tôn giáo Dignitatis Humanae- Phẩm giá con người, số 7.

94 Thông điệp Pacem in Terris-Hoà bình trên trái đất (11.4.1963), II. Trưng dẫn trong bản văn mượn ở Đức Piô XII, Sứ điệp truyền thanh Lễ Hiện Xuống 1941 (1.6.1941). Về đề tài này, Thông điệp quy chiếu ở chú thích về Đức Piô XII, Thông điệp Mit brennender Sorge (14.3.1937); Thông điệp Divini Redemptoris-Thiên Chúa Cứu Chuộc (19.3.1937), III; Đức Piô XII, Sứ điệp truyền thanh dịp Giáng Sinh (24.12.1942).

95 Thông điệp Pacem in Terris-Hoà bình trên trái đất (11.4.1963), II, như trên.

96 Summa Theologiae-Tổng luận thần học I-II, q. 93, a. 3, ad 2um.

97 Như trên, I-II, q. 95, a. 2. Thánh Tôma Aquinô trưng dẫn Thánh Augustinô: “Non videtur esse lex, quae iusta non fuerit” (Luật mà không công bằng thì không phải luật), De Libero Arbitrio, I, 5, 11.

98 Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, Tuyên ngôn về việc cố ý phá thai (18.11.1974), số 22.

99 x. Sách GLHTCG, các số 1753-1755; Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Veritatis Splendor-Ánh rạng ngời của chân lý (6.8.1993), các số 81-82.

100 Khảo luận về Tin Mừng Gioan, 41, 10; x. Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Veritatis Splendor-Ánh rạng ngời của chân lý (6.8.1993), số 13.

101 Tông huấn Evangelii Nuntiandi-Loan báo Tin Mừng (8.12.1975), số 14.

102 x. Sách Lễ Rôma, lời kinh của chủ tế trước khi chịu lễ.

103 x. Thánh Irênê: “Omnem novitatem attulit, semetipsum afferens, qui fuerat annuntiatus”, Adversus Haereses-Chống lạc giáo: IV, 34, 1.

104 x. Thánh Tôma Aquinô, “Peccator inveterascit, recedens a novitate Christi”, In Psalmos Davidis Lectura: 6,5.

105 De Beatitudinibus-Bài giảng về các mối phúc, VII.

106 x. Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Veritatis Splendor-Ánh rạng ngời của chân lý (6.8.1993), số 116.

107 x. Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus – Năm thứ một trăm (1.5.1991), số 37.

108 x. Sứ điệp Giáng Sinh 1967: AAS 60 (1968), 40.

109 Pseudo- Dionysius the Areopagite, On the Divine Names-Về các tên thần linh, 6, 1-3.

110 Đức Phaolô VI, Pensiero alla Morte-Tư tưởng về sự chết, Istituto Paolo VI, Brescia 1988, 24.

111 Đức Gioan Phaolô II, Bài giảng lễ phong Chân phước Isidore Bakanja, Elisabetta Canori Mora và Gianna Beretta Molla (24.4.1994): L”Osservatore Romano, 25-26 April 1994, 5.

112 Như trên.

113 In Matthaeum, Hom. (Bài giảng về Tin Mừng Matthêu) I, 3

114 Sách GLHTCG, số 2372.

115 Đức Gioan Phaolô II, Diễn văn tại Đại hội Giám mục Mỹ Latinh ở San Domingo (12.10.1992), số 15.

116 x. Sắc lệnh về Đại kết Unitatis Redintegratio, số 12; Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes – Vui mừng và Hy vọng, số 90.

117 Đức Gioan Phaolô, Tông huấn về Gia đình Familiaris Consortio (22.11.1981), số 17.

118 x. Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes – Vui mừng và Hy vọng, số 50.

119 Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus – Năm thứ một trăm (1.5.1991), số 39.

120 Đức Gioan Phaolô II, Diễn văn trước các tham dự viên Hội nghị Giám mục Âu châu về đề tài “Những thái độ đương thời trước việc sinh ra đời và trước cái chết: một thách đố cho việc rao giảng Tin Mừng” (17.10.1989), số 5. Con cái theo truyền thống Kinh Thánh được trình bày cách rõ ràng như là hồng ân của Thiên chúa (x. Tv 127:3) và như là dấu chỉ phúc lành của Ngài xuống trên những ai đi trong đường lối của Ngài (x. Tv 128:3-4).

121 Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Quan tâm đến vấn đề xã hội – Sollicitudo Rei Socialis (30.12.1987), số 38.

122 Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn về Gia đình Familiaris Consortio (22.11.1981), số 86.

123 Đức Phaolô VI, Tông huấn Loan báo Tin Mừng – Evangelii Nuntiandi (8.12.1975), số 18.

124 Như trên, số 20.

125 x. Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes – Vui mừng và Hy vọng, số 24.

126 Cf. Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus – Năm thứ một trăm (1.5.1991), số 17; Thông điệp Ánh rạng ngời của chân lý – Veritatis Splendor (6.8.1993), số 95-101.

127 Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus – Năm thứ một trăm (1.5.1991), số 24.

128 Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn về Gia đình Familiaris Consortio (22.11.1981), số 37.

129 Thư thiết lập ngày Quốc tế Bệnh Nhân (13.5.1992), số 2.

130 x. Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes – Vui mừng và Hy vọng, số 35; Đức Phaolô VI, Thông điệp Phát triển các dân tộc – Populorum Progressio (26.3.1967), số 15.

131 x. Đức Gioan Phaolô II, Thư gửi các gia đình Gratissimam sane (2.2.1994), số 13.

132 Đức Gioan Phaolô II, Tự sắc Mầu nhiệm Sự Sống – Vitae Mysterium (11.2.1994), số 4.

133 Sứ điệp kết thúc Công đồng (8.12.1965): Gửi chị em phụ nữ.

134 Đức Gioan Phaolô II, Tông thư Phẩm giá phụ nữ – Mulieris Dignitatem (15.8.1988), số 18.

135 x. Đức Gioan Phaolô II, Thư gửi các gia đình Gratissimam sane (2.2.1994), số 5.

136 Đức Gioan Phaolô II, Diễn văn trước các tham dự viên một cuộc Hội thảo về “Quyền sống và Châu Âu” (18.12.1987).

137 Sứ điệp Ngày Thế Giới Hoà Bình 1977.

138 Chân phước Guerric of Igny, Bài giảng lễ Mông Triệu I, 2.

139 Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium –Ánh sáng muôn dân, số 5.

140 Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes – Vui mừng và Hy vọng, số 22.

141 Sách lễ Rôma, Ca tiếp liên Chúa nhật Phục Sinh.

142 Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium –Ánh sáng muôn dân, số 68.

 

Chia sẻ