Tông Huấn Amoris Laetitia Với Học Thuyết Thomas
TÔNG HUẤN AMORIS LAETITIA VỚI HỌC THUYẾT THOMAS
Thuyết trình tại Trung tâm Học vấn Đa Minh – 28/4/2018
Ngô Sĩ Đình, OP.
Tông huấn Amoris Laetitia (AL), được đức giáo hoàng Phanxicô ban hành ngày 19/3/2016, là kết quả của hai Thượng hội đồng giám mục 2014 và 2015. Khi vừa được ban hành, Amoris Laetitia đã mở ra một cuộc tranh luận rộng rãi, đặc biệt trong lãnh vực liên ngành giữa thần học và đạo đức triết học.
Cuộc tranh luận tập trung chính yếu vào việc có chấp nhận cho người li dị tái hôn được rước lễ hay không. Đó cũng chính là một trong những đề tài sôi nổi tại hai thượng hội đồng giám mục 2014 và 2015. Cũng vì thế mà vấn nạn đầu tiên trong các câu hỏi 4 vị hồng y gởi cho đức giáo hoàng Phanxicô có nội dung như sau : Sau những khẳng định của Amoris Laetitia (số 300-305), một cặp vợ chồng thường xuyên sống trong ngoại tình (hiểu là trong trường hợp ly dị tái hôn) có thể được tha tội và được Rước Lễ không? Đức Phanxicô từ chối trả lời.Sau đó chính những người đặt câu hỏi đã đưa ra đáp án là KHÔNG!
Thực ra, AL không chỉ đề cập đến vấn đề người tái hôn rước lễ, mà cũng không có nơi nào nói rõ điều đó, chỉ nói gián tiếp rằng ngay cả những người sống trong những hoàn cảnh mà AL gọi là “bấp bênh” hoặc là bất qui tắc như trường hợp người ly dị tái hôn, thì vẫn không bị Giáo hội là mẹ loại trừ một cách dứt khoát, “bởi vì đó không phải là lối suy nghĩ của Tin Mừng”. (số 297) Giáo hội vẫn luôn tìm mọi cách để hội nhập những người con cái đó. Ngoài những vấn đề như mục vụ cho người li dị tái hôn, AL còn là một tập giáo lý rộng rãi về ý nghĩa của hôn nhân gia đình với tất cả những “niềm vui” của ơn gọi này, đúng như tên gọi của tông huấn. Tông huấn có tất cả 325 số, chỉ có 29 số (291-322) của chương tám nói về việc đồng hành, phân định và hội nhập những hoàn cảnh bấp bênh, và chuyện mục vụ cho những người công giáo li dị tái hôn. Nhưng đây lại là điểm được lưu ý nhất.
Có người nghĩ rằng AL chấp nhận cho người li dị tái hôn được rước lễ chỉ vì lòng thương xót ! Điều đó cũng có phần đúng vì đức Phanxicô cũng lưu ý tông huấn được ban hành trong khung cảnh Năm thánh dành riêng cho lòng thương xót, và AL cũng viết rằng “con đường của Hội thánh, kể từ công đồng Giêrusalem trở đi, luôn là con đường của Đức Giêsu: con đường của lòng thương xót và của sự hoà nhập”. Nhưng thiết tưởng lập luận của AL không chỉ dựa trên lòng thương xót. Vì nếu chỉ dựa trên lập luận về lòng thương xót thì dường như chưa bày tỏ sự kính trọng đủ với những con người cụ thể, ngay cả khi họ sống trong những hoàn cảnh khác thường vốn dễ bị cộng đoàn nhìn với ánh mắt không hay. Hơn nữa, đó cũng không phải là lập luận mà đức giáo hoàng Phanxicô phải nại đến thánh Thomas.
Chính từ lối giải thích cho rằng AL dựa trên lòng thương xót đó nên có thể đã gây nên sự hiểu lầm rằng AL không theo giáo lý chính truyền về tính bất khả phân ly của bí tích hôn nhân, cũng như không kính trọng đủ tính thánh thiện của bí tích hoà giải và bí tích thánh thể, nên tông huấn bị kết án là sai thần học công giáo hoặc đi theo thứ luân lý hoàn cảnh.
Thực ra AL đụng chạm tới thần học luân lý hơn là thần học bí tích. Vì phải nói thẳng, AL không phủ nhận giáo lý tông truyền về các bí tích liên hệ, nhưng chỉ lưu ý trách nhiệm luân lý của những con người sống trong hoàn cảnh bất qui tắc như thế. Trước những kết án, đức giáo hoàng Phanxicô nhiều lần phải đích thân minh xác tính chân truyền của thần học luân lý trong tông huấn này, thậm chí phải nại tới uy tín của thánh Tôma Aquinô. Chẳng hạn khi gặp các tu sĩ dòng Tên tại Colombia ngày 10/9/2017, ngài nói : “Một số người cho rằng Amoris Laetitia thiếu tính luân lý Công giáo, hoặc ít là đi theo một thứ luân lý không chắc chắn. Tôi xin lặp lại một cách rõ ràng rằng Amoris Laetitia hoàn toàn dựa trên học thuyết của thánh Thomas, dựa trên nguyên tắc luân lý của thánh Thomas. Cứ hỏi các nhà thần học mà xem, một trong các nhà thần học nổi tiếng nhất và chín chắn nhất hiện nay, đó là hồng y Schönborn. Tôi muốn nhấn mạnh điều đó để anh em có thể giải thích cho những ai cho rằng luân lý trong Amoris Laetitia là thứ luân lý hoàn cảnh. Hãy giúp họ hiểu rằng thánh Thomas có một kho tàng phong phú, vẫn còn có khả năng hướng dẫn chúng ta hôm nay…”
Là những môn sinh của thánh Tôma, chúng ta có quyền vui mừng và hãnh diện khi nghe đức giáo hoàng phát biểu như thế, nhưng điều quan trọng hơn là cần tìm hiểu AL đã dựa theo học thuyết nào của thánh Tôma ?
Bài này không dám giải thích lập trường của đức giáo hoàng Phanxicô, nhưng chỉ cố gắng dựa vào kiến thức giới hạn về những nguyên tắc của thánh Thomas để tìm hiểu đâu là điểm qui chiếu của AL đối với thánh Thomas. Tông huấn đã trích hoặc quy chiếu đến thánh Thomas 16 lần[1], đặc biệt ở số 304, với một đoạn trích khá dài. Có thể nói số này là chìa khoá cho quan điểm thần học luân lý và mục vụ của AL, vì được trình bày ngay sau khi nói tới việc phân định những hoàn cảnh bất qui tắc, và việc giảm khinh trong việc phân định mục vụ.
Tông huấn viết: “Quả là hạn hẹp khi chỉ dừng lại xét xem liệu hành động của một người có phù hợp với một khoản luật hoặc một qui tắc chung hay không, bởi lẽ điều đó không đủ để phân định và bảo đảm một sự trung tín trọn vẹn với Thiên Chúa trong cuộc sống cụ thể của một con người. Tôi tha thiết xin anh chị luôn nhớ điều thánh Thomas Aquinô dạy, hãy học biết cách vận dụng vào việc phân định mục vụ của mình: “Dẫu rằng có sự tất yếu nào đó trong những nguyên tắc chung, nhưng càng đi vào những trường hợp riêng biệt, càng gặp thấy điều bất tất […] Trong lãnh vực thực hành, chân lý hoặc qui luật thực hành thì không như nhau đối với mọi người trong những áp dụng riêng, mà chỉ đúng cho các nguyên tắc chung thôi; và ngay cả nơi những người chấp nhận cùng một qui luật thực hành như nhau trong những trường hợp riêng, qui luật ấy cũng không phải được mọi người biết đến […] Và càng gia tăng điều bất định nếu càng đi sâu vào cái đặc thù”… (số 304; ST I-II q.94, a.4).
Bài này xin tập trung vào số 304 này mà thôi, mặc dù Đức giáo hoàng yêu cầu khi đọc tông huấn thì phải đọc trọn từ đầu tới cuối mới hiểu được ý chính của ngài. Mở đầu số 304, đức Phanxicô lưu ý những người chỉ dựa vào nguyên tắc chung để xét đoán từng hành động của con người, kiểu áp dụng một nguyên tắc cho mọi trường hợp. Làm như thế, rất dễ trở thành thiển cận, hạn hẹp. Tiếp theo, AL trích một đoạn trong bộ Tổng luận Thần học của thánh Thomas để giải thích cho quan điểm đó. Theo các nhà nghiên cứu thánh Thomas[2], thì đoạn trích là một trong những đoạn giải thích hay nhất của thánh Thomas về những nguyên tắc chính yếu của luân lý. Đoạn trích có vẻ khó hiểu đối với những ai chưa quen với tư tưởng và cách trình bày của thánh Thomas. Xin phép diễn giải như thế này. Trong sự nhận định về điều tốt điều xấu, thì mọi người đều đồng ý với nhau trên những nguyên tắc chung, còn đi vào từng trường hợp cụ thể, thì mọi chuyện không rõ ràng, mỗi người phán đoán một cách. Càng đi vào trường hợp cụ thể thì càng không rõ ràng. Nguyên tắc này giúp gì cho AL ?
Phần trình bày sau đây dựa trên tựa đề của số 304: luật lệ và sự phân định. Tựa đề đó đặt ra hai vấn đề, một là việc áp dụng luật lệ, hai là sự phân định các hoàn cảnh cụ thể của con người. Vấn đề thứ nhất hướng đến việc con người áp dụng lề luật, vấn đề thứ hai hướng đến sự nhận định về hành động cụ thể của con người.
1. De singularibus non est scientia
Xin phép trình bày vấn đề thứ hai trước, tức là việc nhận định về hành động của một con người, vì đây là tiêu chuẩn để đối chiếu một hành đó với lề luật. Nguyên tắc đưa ra như sau: một hành động của con người không thể chỉ được nhận định chiếu theo một qui tắc chung. Xin lưu ý “không thể chỉ được nhận định”. Nói cách khác, không thể chỉ dựa vào qui tắc chung để phán quyết về các hành động cụ thể. Tại sao vậy ? Thưa, vì thực tế thì lớn hơn qui tắc chung. Sau đây xin trình bày về nguyên tắc đó.
Luận lý học còn giữ một câu châm ngôn nổi tiếng rất quen thuộc nơi các tác giả thời Trung Cổ: “De singularibus non est scientia”. Câu này được giải thích như sau: không có khoa học cho những cái riêng lẻ, những cái cụ thể. Hoặc có thể giải thích : chúng ta không thể biết hết được mọi lãnh vực của cái cụ thể hay một hành vi cụ thể.
Nguyên tắc này có lẽ đã có từ thời Aristote, và được thánh Thomas nhắc tới trong tập “Bình giải cuốn Siêu hình học” của Aristote (Liber III, Lect. 9, 444), và cũng được nhắc tới trong bộ Tổng luận Thần học[3]. Trong phần giải thích này, trước tiên, thánh Thomas nhìn nhận có sự khác biệt giữa cái phổ quát và cái cá thể. Cái phổ quát là cái chung, và tuỳ cấp độ, có cái phổ quát nhất, và có một số cái ít phổ quát hơn, còn cái cá thể thì nhiều vô kể. Chẳng hạn có một luật tối cao, đúng cho mọi trường hợp, tiếp đến có nhiều khoản luật ít phổ quát hơn, áp dụng cho một số địa phương và thời gian nào đó, và cuối cùng là có luật cho từng hành động của cá nhân. Cái sau cùng này là cái đặc thù, cái cá thể.
Về khả năng nhận thức, con người chỉ biết được cái phổ quát chứ không thể biết được cái cá thể. Để dễ hiểu, chúng ta cần nhớ lại lối giải thích của Aristote về nhận thức của con người. Chúng ta biết được sự vật bằng cách trừu xuất. Trước tiên chúng ta tiếp cận sự vật bằng giác quan. Tiếp đến, từ những thông tin do giác quan cung cấp, lý trí (được gọi là lý trí tác động) thực hiện một công việc gọi là trừu xuất, nghĩa là biến những thông tin vốn mang tính vật chất đó thành một đối tượng vô chất, gọi là mô thể. Chính cái đối tượng vô chất này được lý trí (lần này là lý trí thụ động) đón nhận để có được kiến thức. Chẳng hạn chúng ta gặp một người bạn. Chúng ta nhìn thấy hình dáng, màu da, mái tóc, nghe giọng nói của người bạn… Những thông tin đặc thù và cá thể như thế đến với chúng ta vẫn mang tính vật chất, và được gọi là hình ảnh khả giác. Nhưng chúng ta không coi hình ảnh khá giác đó là tri thức, vì chủ thể của nhận thức là linh hồn vô chất, nên đối tượng tương ứng của nó phải là vô chất. Do đó, lý trí tác động (xin phép nhắc lại là chỉ có một lý trí, nhưng thực hiện nhiều hành vi khác nhau nên mang tên gói khác nhau) phải làm động tác trừu xuất đề từ nhiều thông tin loại biệt và mang tính vật chất như thế, trở thành một đối tượng hoàn toàn vô chất, tương ứng với chủ thể tri thức vốn là một chủ thể vô chất. Đối tượng vô chất lúc này được gọi tri thức của chúng ta về một con người, anh A hoặc chị B. Cái đối tượng vô chất đó đã mang tính phổ quát phần nào so với những kinh nghiệm cụ thể. Đi xa hơn, khoa nhân học chỉ có thể bàn về con người nói chung chứ không thể bàn về từng cá nhân.
Cũng vậy, chúng ta chỉ có được khoa học về cái phổ quát, từng tức là từng loài, với những đặc tính phân biệt loài này với loài khác. Chẳng hạn khoa nhân học cung cấp cho chúng ta những kiến thức khoa học về con người nói chung, nhưng không bao giờ có thể nắm bắt được trọn vẹn lịch sử của mỗi cá thể trong loài người. Khoa học là như thế, khi gặp một trường hợp cụ thể, với không gian và thời gian cụ thể, một hữu thể mang tính lịch sử, thì chúng ta chỉ có thể có được những nhận thức cảm giác nhưng không phải là khoa học.
Giáo sư Rocco Buttiglione[4] cho rằng quan điểm này của Aristote về khoa học gần với tri thức luận hậu Popper hơn so với chủ trương duy nghiệm (thực chứng) hiện đại. Ông viết : “Khoa học hiện đại, hay ít là theo cách hiểu của tri thức luận thực nghiệm, cho rằng có thể xây dựng một cách tiệm tiến tri thức tuyệt đối bằng cách xây dựng ngành hoá học trên nền tảng vật lý, ngành sinh học trên nền tảng hoá học, ngành tâm lý học trên nền tảng xã hội học, các khoa học nhân văn khác trên nền tảng sinh học, và tiếp tục như thế. K. Popper không chấp nhận kiểu tri thức luận này, theo ông, khoa học đương đại biết rằng thực tại thì phong phú hơn các khái niệm khoa học của chúng ta. Mỗi khoa học được xây dựng theo nguyên tắc riêng của mình chứ không theo mô hình kim tự tháp tri thức luận tưởng tượng của chủ nghĩa thực nghiệm. Đôi khi, cái phong phú của thực tế so với ý tưởng đòi chúng ta phải nhìn lại một cách căn bản những khái niệm hình thành nên khoa học. Trong trường hợp này, chúng ta đang đối diện với một cuộc cách mạng tri thức luận.”
Trở lại với quan niệm về cái phổ quát và cái đặc thù. Thực ra, Platon cũng đã nhìn nhận sự khác biệt giữa cái phổ quát và cái đặc thù, nhưng ông giải thích cách khác. Platon cho rằng ý niệm là một thực tại tự thân và là cái phổ quát, cũng là đối tượng trực tiếp của tri thức. Khi ta tri thức là tri thức cái ý tưởng tại thân đó. Trong cuốn Timê, Platon giải thích vị Bán thần[5] đã gắn cái mô thể tức là ý tưởng vĩnh cửu vào vật chất trần thế. Kết quả là có nhiều cá thể khác nhau chung mô thể giống nhau. Nhưng những thực tại cá thể này không bao giờ hoàn hảo vì luôn có sự bất toàn của vật chất chống lại cái mô thể.
Như vậy, đối với Platon, ý tưởng tức cái phổ quát thì luôn chính xác và phong phú hơn thế giới thực tại. Ý tưởng hay cái phổ quát thì quan trọng hơn thực tế, cá thể. Lý trí con người tri thức được cái ý tưởng, còn cảm giác nhận thức cái thực tế. Sở dĩ tri thức của chúng ta về cái cá thể bị giới hạn là do sự khiếm khuyết của thực tế so với ý tưởng. Ngược lại, Aristote[6] cho rằng thực tại thì phong phú hơn nhiều so với nhận thức của con người. Lý do của sự bất cân đối giữa nhận thức của con người so với tính phức tạp của thực tế không phải do sự khiếm khuyết của thực tế theo cách hiểu của Platon, nhưng đúng hơn do giới hạn của lý trí con người, do lý trí không đủ khả năng để hiểu trọn vẹn được cái thực tế. Tóm lại, Platon cho rằng cái phổ quát hơn cái cá thể, còn Aristote lại cho rằng cái cá thể hơn cái phổ quát.
Đó là nói về lý trí con người, còn trí năng Thiên Chúa thì khác. Đối với Thiên Chúa, thực tế hoàn toàn trong suốt, cho tới từng hoàn cảnh của sự vật và những chi tiết riêng lẻ, còn đối với lý trí con người thì không thế. Khi gặp những vấn đề riêng lẻ, hoản cảnh cụ thể, lý trí con người không thể tránh khỏi một sự mù tối nào đó. Thiên Chúa biết sự vật từ bản chất sự vật vì Ngài sáng tạo nên chúng, và trong chính Ngài vẫn có tác động sáng tạo nên chúng. Vì thế, Thiên Chúa biết sự vật do chính tác động sáng tạo của ngài, Ngài biết chúng một cách trọn vẹn. Ngài biết mọi loài thuộc về một giống và mọi cá thể trong cùng một loài cùng với trọn vẹn sử tính của từng cá thể từ khởi đầu cho đến hoàn tất cuộc đời của chúng. Thiên Chúa còn biết các khả năng tiềm ẩn trong từng giống loài, những khả năng chưa được thực hiện và mới chỉ ở trong phạm vi của cái khả thể.
Tóm lại nguyên tắc căn bản để giải thích nhận thức của con người đối với trường hợp cụ thể đó là : thực tế thì lớn hơn sự nhận thức của con người, con người không thể biết hết được hoàn cảnh cụ thể của một hành vi nào đó, hay một cuộc sống cá thể nào đó. Do đó, không thể xem xét hành động cụ thể của một người nếu chỉ dựa trên một qui luật chung. Đây là điểm mà AL nêu lên như nguyên tắc hướng dẫn nơi số 304: “Quả là hạn hẹp khi chỉ dừng lại xét xem liệu hành động của một người có phù hợp với một khoản luật hoặc một qui tắc chung hay không, bởi lẽ điều đó không đủ để phân định và bảo đảm một sự trung tín trọn vẹn với Thiên Chúa trong cuộc sống cụ thể của một con người…”
2. Lương tâm và lề luật
Nguyên tắc trên đây không chỉ hướng dẫn việc nhận định về một hành vi cụ thể của con người, nhưng còn là nguyên tắc để giải thích vai trò của lương tâm. Chúng ta biết rằng để lương tâm tránh chủ quan cần phải dựa vào các thẩm cấp cao hơn. Trên cùng có luật vĩnh cửu tức là ý định của Thiên Chúa trong việc sáng tạo và điều hành vũ trụ, luật đó được ghi khắc nơi bản chất sự vật và được gọi là luật tự nhiên. Tiếp đến, có các luật thiết định, tức là luật được công bố trong thời gian và có giá trị tuỳ nơi tuỳ thời, trong đó có luật mặc khải, giáo luật, dân luật… Thẩm cấp cuối cùng cho hành động của con người là lương tâm. Có thể so sánh luật tự nhiên là luật phổ quát nhất, các luật thiết định là luật ít phổ quát hơn, còn lương tâm là luật cá thể.
Vấn nạn của I-II q.4, a.4 là phải chăng luật tự nhiên là được nhận biết giống nhau nơi mọi người. Nếu luật tự nhiên là ý định của Thiên Chúa ghi khắc vào lương tâm mỗi người thì tại sao người ta lại áp dụng khác nhau. Thánh Thomas (I-II q.94, a.4) giải thích như sau:
Bản tính tự nhiên của con người là sống theo lý trí, chính trong lý trí con người mà Thiên Chúa ghi khắc ý định của Ngài. Mà lý trí suy luận từ cái phổ quát đến trường hợp đặc thù. Trong tiến trình suy luận này thì có sự khác biệt giữa lý trí suy lý và lý trí thực hành. Thực ra chỉ có một lý trí, nhưng khi suy nghĩ về những nguyên lý thoả mãn khát vọng nhận thức của con người thì được gọi là lý trí suy lý, còn khi suy nghĩ về những điều phải làm, thì được gọi là lý trí thực hành.
Đối với lý trí suy lý, tức là lý trí tìm hiểu những điều tất yếu, thì mọi người đều đồng ý nhau về các nguyên lý nền tảng cũng như các kết luận rút ra từ đó, mặc dù có những kết luận không phải mọi người đều biết. Chúng ta có thể lấy ví dụ nguyên tắc toàn thể thì lớn hơn từng phần, nguyên tắc này áp dụng như nhau trong mọi trường hợp, từ toàn thể trái đất của nhà khoa học cho tới toàn thể chiếc bánh của em bé lớp một thì vẫn lớn từng phần tương ứng của chúng. Tổng số các góc trong một tam giác bằng hai góc vuông, tam giác cân hay tam giác đều thì cũng đúng như vậy, mặc dù không phải mọi người đều biết định lý đó.
Còn đối với lý trí thực hành, tức là lý trí giúp ta nhận định trong trường hợp cụ thể này nên làm điều gì, thì không đơn giản như thế. Mặc dù qui tắc phổ quát thì rõ ràng, nhưng càng đi vào trường hợp cụ thể thì có thể có những cách xử lý khác nhau và thậm chí ngược nhau. Chẳng hạn ai cũng biết phải làm điều tốt tránh điều xấu (qui tắc phổ quát), nhưng trong trường hợp cụ thể này phải làm gì để được gọi là làm điều tốt, không phải mọi người kết luận như nhau. Thánh Thomas đúc kết:
– Những qui tắc chung đều được mọi người nhìn nhận cả trong lãnh vực suy lý cũng như trong lãnh vực thực hành.
– Những kết luận trong lãnh vực suy tư đều được mọi người đều chấp nhận, còn kết luật trong lãnh vực thực hành thì tuỳ hoàn cảnh cụ thể và do đó không phải mọi người đều rút ra kết luận giống nhau.
Tại sao lại có sự khác biệt giữa lý trí suy lý và lý trí thực hành như thế? Thưa, bởi vì theo Aristote, lý trí con người có hai công việc chính: một là tìm kiếm trật tự trong vũ trụ[7], hai là thiết lập trật tự[8]. Công việc thứ nhất là thuộc khoa học suy lý, gồm Vật lý, Toán học, Siêu hình học. Công việc thứ hai thuộc các khoa học thực hành, chẳng hạn Đạo đức học, Kinh tế, Chính trị. Ai cũng biết việc nhận ra một trật tự thì dễ dàng chấp nhận như nhau, còn thiết lập trật tự thì mỗi người có một cách thức khác nhau. Chẳng hạn bước vào căn phòng này, nhìn cách sắp xếp bàn ghế và khám phá cái trật tự đó, thì mọi người dễ dàng nhìn nhận như nhau. Nhưng giả thử nói chúng ta xếp lại cho trật tự, thì mỗi người có một cách khác nhau. Bá nhân bá tánh rất đúng trong trường hợp này. Có thể nói lý trí thực hành có một khả năng sáng tạo, và sáng tạo thì mỗi người một cách.
Do đó, trong trường hợp thực hành, rất khó, thậm chí không thể áp dụng cùng một giải pháp cho hai trường hợp riêng lẻ khác nhau. Sự khó khăn phát xuất từ hai lý do. Thứ nhất, trong số các nguyên tắc được đề nghị, phải áp dụng nguyên tắc nào? Thứ hai là khi nhận ra một nguyên tắc thì cũng có muôn ngàn cách áp dụng khác nhau. Vì thế, AL trích lại hướng dẫn của thánh Thomas : “Trong lãnh vực thực hành, chân lý hoặc qui luật thực hành thì chỉ được mọi người chấp nhận ở nguyên tắc chung, còn áp dụng vào những trường hợp riêng, thì không phải mọi người giống nhau; ngay cả nơi những người chấp nhận cùng một qui luật thực hành như nhau, thì trong những trường hợp riêng, qui luật ấy cũng không phải được mọi người biết đến […] Càng đi sâu vào cái đặc thù thì càng gia tăng điều bất định”.
Một ví dụ cụ thể đã được nêu lên từ thời Platon. Theo nguyên tắc chung thì phải trả lại cho chủ nhân những gì chúng ta đã mượn, điều này trong đa số trường hợp là đúng, nhưng có thể có trường hợp không đúng thậm chí là nguy hiểm. Thí dụ không nên và thậm chí không được trả thanh gươm lại cho họ nếu biết họ sử dụng thanh gươm đó làm hại người khác. Do đó, càng đi xuống những trường hợp cụ thể càng có nhiều hoàn cảnh xác định nên trả hay không trả !
Như thế, tính cách phức tạp và khó khăn trong các giải pháp luân lý để xác định điều tốt xấu dựa theo từng hành động đặc thù thì không đơn giản. Ở đây chúng ta hoàn toàn đứng trước những điều không tất yếu. Như vậy, cùng một nguyên tắc về khả năng nhận thức của con người, tức là biết cái phổ quát mà không biết rõ cái cá thể, được áp dụng vào cả hai trường hợp. Về việc nhận định tính luân lý của một hành vi cụ thể, chúng ta cũng gặp khó khăn, vì không thể áp dụng qui tắc chung vào mọi trường hợp như nhau. Về lương tâm, con người đều biết nguyên tắc chung là phải làm điều thiện, nhưng đi vào những trường hợp cụ thể, thì nguyên tắc đó không còn rõ ràng như thế, và dẫn đến những nhận định khác nhau, do lương tâm của mỗi người. Do đó, nếu muốn áp đặt một cách dễ dãi những giải pháp chung, thì sẽ dễ có nguy cơ đưa ra giải pháp sai lầm trong trường hợp cụ thể. “Cần phải tránh những phán quyết mà không xét đến tính phức tạp của các hoàn cảnh khác nhau, và cần phải lưu tâm tới cách thế mà người ta đang sống và khốn khổ vì điều kiện sống của họ”. (số 296)
3. Áp dụng
Con người phải tuân theo lề luật để xây dựng trật tự trong thế giới theo ý định của Thiên Chúa. Luân lý là khoa học giúp con người hành động phù hợp với lề luật đó. Thiên Chúa cũng cho con người biết được các nguyên tắc nền tảng của luật luân lý. Những nguyên tắc đó đã được ghi khắc trong lý trí thực hành tức là trong lương tâm, để điều hướng và nhận định các hoạt động thực tế. Đó là những qui luật chung.
Áp dụng cách giải thích trên đây vào trường hợp người ly dị tái hôn. Lương tâm nhận ra nguyên tắc phổ quát nhất, là phải làm điều thiện, tránh điều ác. Nhưng đến các nguyên tắc ít phổ quát hơn, chẳng hạn luật hôn nhân bất khả phân ly (Mt 19,6) và luật bác ái dạy không được làm hại người khác, giữa hai luật đó, lúc này phải chọn phía nào ? Chưa nói đến trường hợp cụ thể lại còn nhiều nguyên tắc khác nữa, mà chỉ có lương tâm của người sống trong tình trạng bất thường đó mới quyết định vận dụng như thế nào vào hoàn cảnh cụ thể của họ. Chẳng hạn họ biết rằng hôn nhân là bất khả phân ly, nhưng hôn nhân trước đây của họ có đầy đủ điều kiện thành sự hay không, cho dù đã cử hành tất cả các nghi thức ! Hoặc hôn nhân thành sự nhưng vì lý do nào đó, không thể bỏ mối ràng buộc hiện tại, hoặc bỏ mối ràng buộc này có làm thiệt hại cho con cái hay không… khi nói về các hoàn cảnh “bất qui tắc” AL đã nêu lên rất nhiều lý do xung quanh hoàn cảnh của những người đó (các số 296-298). Do đó lương tâm của họ, mặc dù vẫn nhận thức được nguyên tắc chung, nhưng khi áp dụng cụ thể, họ lại có những nhận thức theo hoàn cảnh chủ quan.
Những nguyên tắc chung chỉ xác định những gì thường xảy ra (quod plerumque accidit), nhưng không tuyệt đối đúng cho mọi trường hợp, do đó phải được uyển chuyển tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể. Trong một trường hợp cụ thể, nguyên tắc luân lý có khi biện minh cho một giả định thậm chí trái ngược, nghĩa là một giả định cho rằng phải làm ngược lại, do những hoàn cảnh bất ngờ và quan trọng. Vì thế mới có chủ trương gọi là “luân lý hoàn cảnh” hay “luân lý tuỳ trường hợp”.
Vậy phải chăng luân lý không có nguyên tắc khách quan mà hoàn toàn dựa theo hoàn cảnh? Trên đây, chúng ta đã nhắc tới một điểm quan trọng là phải nhìn nhận cái phổ quát và cái cá thể. Loại bỏ một trong hai sẽ rơi vào thiếu sót. Nếu chỉ nhìn nhận cái phổ quát, mà không lưu ý tới cái đặc thù, thì sẽ rơi vào thái độ phi nhân, là không “bảo đảm một sự trung tín trọn vẹn với Thiên Chúa trong cuộc sống cụ thể của một con người” (304). Ngược lại, chỉ dựa vào cái cá thể, tức là chỉ dựa vào lương tâm mà không lưu ý đến các nguyên tắc phổ quát hơn, thì sẽ rơi vào chủ trương luân lý hoàn cảnh. Sự khác biệt giữa thánh Thomas và luân lý hoàn cảnh là chỗ đó. Luân lý hoàn cảnh là chỉ nhìn cái cá thể mà không lưu ý tới cái phổ quát, chỉ dựa vào lương tâm và cho rằng phán quyết của lương tâm trở thành cái phổ quát. AL số 304 cảnh giác những người cho rằng giải pháp cho hoàn cảnh riêng của mình trở thành nguyên tắc phổ quát : “phải nói rằng… những gì là thành phần làm nên sự phân định thực tế trước một hoàn cảnh riêng, không thể được nâng lên mức độ của một qui luật. Điều đó sẽ không những làm nảy sinh một kiểu giải nố không chấp nhận được, mà còn đe doạ các giá trị mà ta phải đặc biệt quan tâm gìn giữ”. Như vậy phải lưu ý đến cả hai phía, đến tính bất khả phân ly của hôn nhân và đến đức ái trong hoàn cảnh cụ thể. Do đó, ai phủ nhận giáo huấn chính truyền của Giáo hội về hôn nhân thì không thể nào gọi là lương tâm ngay thẳng được.
Bảo đảm được cả hai phía, vừa cái phổ quát vừa cái đặc thù, đó là lý tưởng, nhưng trong thực tế, điều đó rất khó, hầu như không tưởng. Làm sao dung hoà giữa cái phổ quát và cái đặc thù, đó là vấn nạn muôn thuở của con người, trong mọi lãnh vực. Trong hoàn cảnh khó khăn như thế nếu phải chọn hướng về một phía hơn, nên chọn phía nào ? AL đã lấy lại ý kiến của thánh Thomas khi cho rằng nên chọn phía lương tâm. Ghi chú cho đoạn cuối của số 304 viết: “khi qui chiếu đến sự hiểu biết tổng quát về luật và sự hiểu biết đặc thù của sự phân định thực tế, thánh Thomas đi đến khẳng định rằng: “nếu chỉ có một trong hai sự hiểu biết ấy, thì tốt hơn nếu đó là sự hiểu biết về thực tế cụ thể, bởi lẽ nó gần với hành động hơn (ghi chú 348; Cf. Sententia libri Ethicorum, VI, 6). Vậy rõ ràng cái cá thể vẫn ưu thế hơn. Nhưng giải quyết thế nào về vấn đề gây gương mù trong cộng đoàn. Nếu áp dụng nguyên tắc của thánh Thomas, phía nào ưu tiên hơn, vì sự nghiêm túc đẹp đẽ của cả đoàn chiên hay vì ích lợi của những con chiên lạc. Dễ dãi với người có hoản cảnh như thế lại chẳng xúc phạm đến những người khác sao ! Thực ra, nếu những con chiên trong đoàn mà có cái nhìn khép kín vào mình như vậy, thì phải chăng họ không đi lạc ! Đức Phaxicô đã có lần nói với các cha xứ: “các cha đừng tưởng chỉ có một con đi lạc, còn chín mươi chín con vẫn ở trong đoàn. Không phải vậy đâu, chín mươi chín con đi lạc rồi, chỉ còn một con trong đoàn thôi.” Có thể áp dụng lời nhắc nhở đó về những con chiên không muốn đón nhận các con chiên lạc vì sợ gương mù ! Ở đây chúng ta gặp lại câu chuyện người cha nhân từ với đứa con hoang đàng trở về, trường hợp li dị tái hôn tại sao không thể gọi là trở về nhỉ, mặc dù mới chỉ có ý hướng trở về. Người cha không sợ gương mù cho các đứa con khác trong nhà ! Hoặc nghi ngờ về sự thành tâm của hối nhân chăng. Chúng ta cần đọc lại ghi chú 364 của AL “Có lẽ do quá thận trọng chi li, ẩn sau một ước muốn mạnh mẽ trung thành với sự thật, một số linh mục đòi hỏi các hối nhân một quyết tâm sửa chữa rất thiếu tế nhị, đến nỗi làm cho lòng thương xót bị che mờ bởi việc theo đuổi một công lí được coi là thuần túy. Vì thế, sẽ hữu ích việc nhắc lại giáo huấn của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, khi ngài tuyên bố rằng khả năng của một sự sa ngã mới “không nên làm người ta nghi ngờ sự chân thực của lòng quyết tâm” (Thư gửi Hồng y William W. Baum dịp tổ chức khóa về Tòa Trong [22.3.1996], 5: InsegnamentiXIX/1 [1996], 589).
Do đó, thánh Thomas đưa ra nguyên tắc luôn phải thực hành theo lương tâm, kể cả khi lương tâm sai lầm. Thiên Chúa muốn rằng con người vâng theo tiếng lương tâm của họ, không có quyền bính nào vượt trên tiếng lương tâm. Lương tâm sai lầm không có tính bó buộc theo khía cạnh sai lầm của nó, nhưng vì nó là lương tâm. Cho dù nội dung nền tảng của đức tin cũng phải được đón nhận vì lương tâm cho rằng đó là chân lý.
Tuy vậy, vâng theo tiếng lương tâm không có nghĩa là bảo vệ ý kiến của mình một cách cố chấp. Người sống trong hoàn cảnh “bất qui tắc” cũng không thể qui chiếu về chính mình mà thôi, họ cũng phải đặt lương tâm trước những trách nhiệm về bác ái với người khác, với những người trong gia đình của họ, và cả với những người chung quanh họ, trong cộng đoàn giáo xứ… Họ cũng phải nhìn nhận khả năng nhận thức giới hạn, và nhận ra mối tương quan với người khác. Đối với người kitô hữu, lương tâm phải liên đới với huấn quyền, không thể từ chối lắng nghe như một cách cần thiết để đi tìm ý Chúa. Lương tâm là một cuộc đối thoại với Thiên Chúa và với tha nhân, cụ thể là các vị mục tử.
Những người bảo vệ chủ trương khách quan trong luân lý thì không chấp nhận tính tự quyết của lương tâm và coi thường vài trò của lương tâm. Thánh Thomas nói rằng anh không buộc phải tuân theo một quyền bính nào nếu lương tâm không nhìn nhận điều đó[9].Theo giáo sư Rocco Buttiglione[10], “có khi một cách chủ quan, chỉ có người trong cuộc xác tín giá trị hôn nhân theo lương tâm của họ. Vì thế họ có bổn phận tuân theo lương tâm chứ không phải theo lề luật của toà án giáo hội. Truyền thống lâu dài đã chứng tỏ rằng trước khi buộc giữ luật, chúng ta phải chuẩn bị những điều kiện để luật được chấp nhận tự trong lương tâm”[11].
4. Kết luận
a. AL nhấn mạnh tới vai trò của các mục tử. Chúng ta biết trong Giáo hội có ba chức năng: huấn quyền, thần học, mục tử. Ba chức năng này không độc lập nhau, nhưng đều phát xuất từ sứ vụ của Đức Kitô. Nói khác đi hai chức năng thần học và mục tử đều nhằm giúp cho huấn quyền thực thi vai trò của mình trong lịch sử và với từng con người cụ thể. Các mục tử không phải là những người công chức áp dụng lề luật một cách máy móc, nhưng các ngài là hiện thân của Đức Kitô đồng hành với dân Thiên Chúa trong lịch sử. Cám mục tử phải là những người phản ánh hình ảnh Hội thánh là Mater et Magistra là Mẹ và là Thầy. Hội thánh là Thầy hướng dẫn, nhưng cũng là Mẹ để an ủi nâng đỡ, và ôm ẵm từng đứa con, nhất là những đứa con bệnh tật để săn sóc chữa trị cho chúng. Giáo hoàng Phanxicô đã có lần tuyên bố không muốn một Hội thánh để mình bị “đóng khung trong những luật lệ nhỏ mọn”, bám víu “một cách quá đáng vào ‘sự an toàn’ của giáo lý”, và như thế biến tôn giáo thành một ý thức hệ. Hội thánh cần tạp trung vào lời loan báo nền tảng: “Đức Giêsu Kitô đã cứu độ bạn !” Ngài nói : “Tôi có một điểm giáo lý chắc chắn: […] đó là Thiên Chúa ở trong cuộc sống của từng người. Ngay cả trong cuộc sống của một con người đã trở thành bi thảm, bị các nết xấu làm băng hoại, ma tuý hay thứ gì khác, Thiên Chúa vẫn ở trong cuộc sống của họ. Người ta có thể và phải tìm kiếm Ngài trong mọi cuộc đời con người.12” Đó là sứ điệp cho anh chị em chúng ta, những người có trách nhiệm trong vai trò nối tiếp sứ vụ mục tử của Đức Kitô.
b. Đức Phanxicô thường đề cao tiến trình của mỗi con người trên đường tiến đến sự thánh thiện. Trong thông điệp Niềm vui Tin mừng, ngài đã nhắc tới nguyên tắc thời gian lớn hơn không gian. AL không nói rằng những người sống trong hoàn cảnh khác thường đó là hoàn toàn đúng, nhưng cần nhìn đến khát vọng hướng tới sự trọn lành của họ và nỗ lực hằng ngày của họ. Điều này cần có thời gian. Cách nhìn con người trong chiều kích lịch sử như thế là một trong những điểm căn bản của học thuyết Thomas. Thực vậy, thánh Thomas luôn coi hữu thể là một tiến trình đang diễn tiến chứ không phải trong tình trạng. Hiện hữu là một hoạt động chứ không phải một tình trạng, “Esse ut actus” chứ không phải “Esse actu”. Khác với chủ trương duy hình thức (formalism) cho rằng hữu thể chỉ là tình trạng trong bản chất của nó, còn phần đang diễn tiến không có ý nghĩa gì. Chỉ có những gì là tình trạng mới quan trọng, còn hoạt động thì chưa kết thúc ! Thánh Thomas khẳng định hữu thể bao gồm cả phần đang diễn tiến của nó.
Điều đó lưu ý chúng ta, những người đang là hoặc sẽ lãnh nhận vai trò mục tử của Dân Thiên Chúa, phải biết cách thức áp dụng những nguyên tắc luân lý vào từng trường hợp cụ thể của con người, nhất là phải đồng hành với họ để nhận ra nỗ lực của họ. Giáo hoàng Phanxicô đã nhắc nhở các cha giải tội: “Toà giải tội không phải là một phòng tra tấn nhưng là nơi của lòng Chúa thương xót, lòng thương xót thúc đẩy chúng ta thi hành những điều tốt đẹp có thể được[13]”. “Một bước nhỏ trên con đường tiến tới những giới hạn lớn của con người sẽ làm vui lòng Thiên Chúa hơn một cuộc sống bên ngoài có vẻ hoàn hảo của một người chẳng bao giờ gặp phải những khó khăn nặng nề.”[14]
c. Sau cùng, xin phép gợi lại ý tưởng của đức giáo hoàng Phanxicô trong bài giảng sáng 19/4/2018 tại nhà nguyện thánh Matta: “Loan báo Tin Mừng là lên đường theo tiếng gọi của Chúa Thánh Thần. Không có một cuốn “thủ bản” có sẵn, nhưng phải đến với người “thân cận”, phải “nhìn những gì đang diễn ra, tức là phải đi từ hoàn cảnh cụ thể chứ không phải từ lý thuyết.” Ngài nhấn mạnh: “không thể truyền giáo bằng lý thuyết, truyền giáo là tuỳ theo từng con người cụ thể, phải đi từ hoàn cảnh cụ thể chứ không phải từ nguyên tắc lý thuyết”. Đó là cách thức của Đức Giêsu. “Đức Giêsu truyền giáo như thế. Luôn trên đường, luôn bên cạnh con người cụ thể, luôn bắt đầu từ những hoàn cảnh cụ thể… chỉ có thể truyền giáo với ba thái độ đó. Nhưng nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, nếu không có Chúa Thánh Thần, thì ba thái độ trên chẳng là gì. Chính Thánh thần thúc đẩy chúng ta đứng dậy, đến với con người và khởi đi từ những hoàn cảnh cụ thể của họ.
[1] số 102 (2 lần); 120 (2 lần); 123 (1 lần); 126 (1 lần); 127 (2 lần); 134 (1 lần); 145 (1 lần); 146 (1 lần); 148 (2 lần); 162 (1 lần); 301 (1 lần); 304 (1 lần).
[2] Chẳng hạn cha Thomas Pègues, OP., một giáo sư chú giải thánh Thomas tại đại học Angelicum.
[3] ST I, q.1 a2. Có người cho rằng thánh Augustino cũng đã từng nhắc tới nguyên tắc này.
[4] https://angelicum.it/news/2018/03/09/buttiglione-thus-amoris-laetitia-founded-st-thomas/
[5] Bán thần của Platon không thực sự sáng tạo thế giới, vì trước đã có chất thể. Cũng không phải là Thiên Chúa, nhưng theo một nghĩa nào đó, chỉ là Logos mà qua đó muôn vật được tạo thành (Ga 1,3) nhưng không đồng hàng với Chúa Cha và không phải là một với Chúa Cha (Ga 1,1).
[6] ScG lib. I cap. 61, 66 và 67
[7] De Trin., 3a; De Caelo, n.1
[8]ScG II, c. 24, n. 1005
[9] Supplément q.45 a.4 ad 3.
[10] Rocco Buttiglione, Tài liệu đã dẫn.
[11] Hội đồng Giáo hoàng về gia đình, Vademecum cho các nhà giải tội liên quan đến một số khía cạnh của cuộc sống hôn nhân (1997) 3.7 và 3.8.
[12]François, A. Spadaro, La Viviltà Cattolica, 19/09/2013.
[13]Đức giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, 24/11/2013.
[14] Marco Politi, Francesco Tra I Lupi, bản dịch: Cuộc cách mạng của giáo hoàng Phanxicô, trang 234.