Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Tông huấn Niềm vui Kitô giáo (kỳ I)

BTT 01
2025-05-25 10:11 UTC+7 11

Gaudete in Domino (Hãy vui lên trong Chúa)

Tông huấn của Đức Thánh Cha Phaolô VI về Niềm vui Kitô giáo

ban hành vào lễ Hiện xuống, ngày 9 tháng 5 năm 1975

Giới thiệu

 Cách đây 50 năm, vào lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, giữa năm Toàn xá 1975, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã ban hành tông huấn bàn về niềm vui Kitô giáo, mở đầu bằng những lời  Hãy vui lên trong Chúa – trích dẫn từ thánh Phaolô (Pl 4,4) được phụng vụ lặp lại nhiều lần trong mùa Vọng. Vào thời điểm chính trị của nước Việt Nam lúc ấy,  có thể quả quyết rằng hầu hết đồng bào không được nghe nói tới văn kiện này. Nói đúng ra, ngay cả bên Âu châu, tông huấn này cũng ít gây chú ý của dư luận. Xem ra niềm vui không phải là một đề tài nghiêm túc của thần học! Tuy nhiên, khi đọc kỹ tông huấn này, chúng ta thấy rằng “ niềm vui”  là một tư tưởng nòng cốt của Kitô giáo, bởi vì gắn liền với mầu nhiệm Nhập thể và Phục sinh.  ĐTC nhấn mạnh đến sự cần thiết của niềm vui Kitô giáo, và thúc giục các tín hữu hãy vun trồng niềm vui như là một hồng ân của Thánh Linh giữa một thế giới đầy dẫy đau khổ và tranh chấp. Niềm vui Kitô giáo bắt nguồn từ sự kết hợp sâu xa với Thiên Chúa, và được diễn tả qua tình liên đới, canh tân bản thân và hòa giải.

Văn kiện này gồm 7 chương, không kể Nhập đề và Kết luận.

1. Lòng khao khát niềm vui trong con tim của mỗi người.

2. Niềm vui Kitô giáo được tiên báo trong Cựu ước

3. Niềm vui theo Tân ước

4. Niềm vui trong tâm hồn các thánh nhân

5. Niềm vui cho toàn dân

6. Niềm vui và hy vọng trong con tim các bạn trẻ

7. Niềm vui của khách hành hương trong Năm thánh

Bản văn tiếng Ý chỉ đánh số La-mã các chương; bản văn tiếng Tây-ban-nha còn thêm số Ả-rập để phân đoạn (77 đoạn). Chúng tôi cũng theo đường hướng này để dễ trích dẫn[1].

Những ý tưởng chính của mỗi chương có thể tóm lại như sau

1) Lòng khao khát niềm vui trong con tim của mỗi người (số 5-15).

Con người đi tìm hạnh phúc và niềm vui. Niềm vui thường bị đe dọa bởi với những thách đố của cuộc sống, và những bất toàn của hạnh phúc trần thế, khiến cho con người đâm ra buồn phiền và thất vọng. Mặc dù sự tiến triển khoa học đã mang lại nhiều phúc lộc vật chất, nhưng nhiều người cảm thấy chán chường và trống rỗng. Vì thế các Kitô hữu cần đoàn kết với nhau để mang lại công bình và an ủi cho những người sầu khổ, theo điều răn yêu thương Chúa dạy.

2) Niềm vui Kitô giáo được tiên báo trong Cựu ước (số 16-20), qua những nhân vật chủ chốt như ông Abraham hoặc những biến cố tựa như cuộc xuất hành. Niềm vui này được gắn với kế hoạch của Thiên Chúa, với cao điểm nơi Đức Kitô.

3) Niềm vui theo Tân ước (số 21-32). Niềm vui được gắn liền với cuộc đời, việc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô. Đó là một niềm vui vượt trên những hoàn cảnh của trần thế, và được nâng đỡ nhờ tình yêu của Chúa, sự hiện diện của Thánh Linh, và lời hứa sẽ được sống mãi bên Chúa.

4) Niềm vui trong tâm hồn các thánh nhân (số 33-43). Các thánh cho thấy niềm vui Kitô giáo có thể được sống bằng những đường lối khác nhau. Văn kiện điểm qua trước hết là Mẹ Maria, các vị tử vì đạo và ba khuôn mặt quen thuộc của thời nay (Phanxicô Assisi, Terexa Lisiẽu, Maximiliano Kolbe). Qua những đau khổ, hy sinh và phục vụ, các ngài cho thấy rằng niềm vui sâu xa bắt nguồn từ sự hiệp thông với Thiên Chúa; các ngài trở nên khuôn mẫu cho tất cả các tín hữu cố gắng để sống niềm vui.

5) Niềm vui cho toàn dân (số 44-52). Niềm vui Kitô giáo được dành cho hết mọi người, và khuyến khích mọi người hãy tái khám phá nó, cách riêng vào thời buổi khó khăn. Văn kiện nêu bật tầm quan trọng của việc hoán cải, tha thứ, và tìm thấy niềm vui trong cuộc sống hằng ngày, dưới sự hướng dẫn của Giáo hội.

6) Niềm vui và hy vọng trong con tim các bạn trẻ (số 53-60).  Giáo hội nhìn nhận các bạn trẻ như là thực thể sống động cho tương lai của mình, và khuyến khích các bạn hãy tìm gặp niềm vui trong đức tin vào Chúa Giêsu. Niềm vui này, dựa trên việc tìm kiếm và sống theo chân lý, sẽ giúp các bạn chu toàn sứ mạng của mình, và đưa Giáo hội tiến đến tương lai.

7) Niềm vui của khách hành hương trong Năm thánh (số 61-69). Năm thánh và sự hành hương là những biểu tượng của hành trình Kitô hữu tiến về Thiên Chúa. Cuộc hành hương không chỉ là vật lý mà thôi nhưng là tinh thần, và cứu cánh cuối cùng là sự kết hiệp với Thiên Chúa trên trời. Đức thánh cha giữ một vài trò đặc biệt trong cuộc lữ hành này, vì giúp Giáo hội hướng đến đức tin, hiệp nhất và vui mừng trong tình thương của Thiên Chúa.

Kết luận (số 70-77).

Như vậy, văn kiện khởi đi từ khái niệm niềm vui tự nhiên, rồi bước sang quan điểm của Kinh thánh (Cựu ước cũng như Tân ước), và tiếp tục với việc nhìn ngắm các mẫu gương của các thánh; từ đó đưa ra những áp dụng cụ thể cho cuộc sống hôm nay.

Đây là văn kiện đầu tiên của Huấn quyền đề cập đến niềm vui. Các giáo hoàng kế tiếp sẽ khai triển đề tài này, đặc biệt là ĐGH Phanxicô với thuật ngữ  “ niềm vui”  được đặt ngay ở đầu văn kiện, chẳng hạn như: “ Niềm vui loan báo Tin mừng”  (Evangelii gaudium), “ Niềm vui của tình yêu”  (Amoris laetitia), “ Hãy vui mừng hoan hỉ”  (Gaudete et exsultate).

 

(Bản dịch của Học viện Đa Minh, Gò Vấp).

 

 -------------------



[1] Trên trang mạng của Vatican https://www.vatican.va/content/paul-vi/it/apost_exhortations/documents/hf_p-vi_exh_19750509_gaudete-in-domino.html người ta thấy các bản bằng tiếng Đức, Anh, Tây Ban Nha, Italia, Latinh, nhưng không hiểu tại sao không có tiếng Pháp.

TÔNG HUẤN
GAUDETE IN DOMINO
(Hãy vui lên trong Chúa)

CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAOLÔ VI
VỀ NIỀM VUI KITÔ GIÁO

- Kỳ I -

Thưa quý anh em trong hàng Giám mục, các con thân mến,
Xin gửi lời chào thăm và Phép lành Tông Tòa.

1.” Anh em hãy vui luôn trong Chúa, bởi vì Chúa gần gũi những ai thành tâm kêu cầu Người!” (1)

2. Trong Năm Thánh hồng ân này, chúng tôi đã nhiều lần mời gọi Dân Chúa đáp lại ân sủng của Năm Toàn Xá bằng một tâm hồn hân hoan và quảng đại. Như anh chị em đã biết, lời mời ấy là một lời kêu gọi hướng đến việc canh tân nội tâm và hòa giải trong Đức Kitô. Đây là vấn đề hệ trọng liên quan đến phần rỗi và hạnh phúc trọn vẹn của con người. Vào lúc toàn thể Hội Thánh đang chuẩn bị mừng đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng tôi tha thiết mời gọi anh chị em khẩn cầu Thánh Thần ban cho chúng ta hồng ân niềm vui thiêng liêng.

3. Phần chúng tôi, dù đang thi hành sứ vụ hòa giải giữa biết bao mâu thuẫn và khó khăn (2), nhưng chúng tôi luôn được nâng đỡ và đồng hành bởi niềm vui của Chúa Thánh Thần. Vì thế, chúng tôi có thể mượn lời thánh Tông Đồ Phaolô nói với cộng đoàn Côrintô mà thưa lên với toàn thể Hội Thánh: “ Anh em ở trong lòng chúng tôi, để cùng chết và cùng sống với nhau. Tôi rất tin tưởng anh em… giữa bao nỗi gian truân, tôi lại tràn đầy niềm vui.”   (3) Vâng, cũng chính vì lòng yêu mến, chúng tôi mong ước được chia sẻ cùng anh chị em niềm vui chan chứa ấy – một hồng ân đích thực của Chúa Thánh Thần. (4)

4. Do đó, như một thúc bách nội tâm, và nhân dịp đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống trong Năm hồng ân này, chúng tôi muốn gửi đến anh chị em Tông huấn này, với chủ đề: Niềm vui Kitô giáo – Niềm vui trong Chúa Thánh Thần. Chúng tôi mong muốn được cất lên như một bài thánh thi ca ngợi niềm vui thần linh, để thức tỉnh một âm vang trong toàn thể nhân loại, và trước tiên là nơi Hội Thánh: ước chi niềm vui ấy – cùng với đức ái là hoa trái của Thánh Thần – được tuôn đổ vào lòng người nhờ chính Đấng đã được ban cho chúng ta. (5) Ước mong rằng tiếng nói của anh chị em sẽ hòa chung cùng tiếng nói của chúng tôi, để trở nên một niềm an ủi thiêng liêng cho Hội Thánh Thiên Chúa, cũng như cho tất cả những ai sẵn lòng mở rộng tâm hồn và trí khôn để đón nhận mầu nhiệm của niềm vui này.

I. SỰ CẦN THIẾT CỦA NIỀM VUI TRONG TÂM HỒN MỌI NGƯỜI

5. Niềm vui Kitô giáo sẽ không thể được ca tụng một cách chính đáng nếu chúng ta dửng dưng trước chứng tá, cả bên ngoài lẫn nội tâm, mà Thiên Chúa – Đấng Tạo Hóa – thể hiện về chính Người giữa lòng tạo thành: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp”  (St 1,10.12.18.21.31). Khi đặt con người trong một vũ trụ là công trình của quyền năng, thượng trí và tình yêu của Người – ngay cả trước khi mạc khải chính bản thân mình – Thiên Chúa đã sắp đặt trí khôn và con tim của tạo vật mình sao cho hướng về chân lý, đồng thời cũng hướng về niềm vui. Vì thế, cần lưu tâm lắng nghe lời mời gọi âm vang từ đáy lòng con người, từ tuổi thơ hồn nhiên đến tuổi già an hòa – như một linh cảm về mầu nhiệm Thiên Chúa.

6. Khi hướng mắt nhìn ra thế giới, chẳng phải con người – bên cạnh ước muốn tự nhiên muốn hiểu biết và làm chủ  nó – còn mang trong mình khát vọng muốn đạt được sự thành toàn và hạnh phúc của mình đó hay sao? Như ai cũng biết, “hạnh phúc” có nhiều cấp độ. Biểu hiện cao quý nhất của hạnh phúc là niềm vui, hay “hạnh phúc” theo nghĩa chặt, khi con người – với những tài năng cao quý của tâm trí – tìm thấy bình an và mãn nguyện nhờ chiếm hữu một thiện hảo đã được nhận biết và yêu mến. (7) Con người cảm nghiệm niềm vui khi thấy mình hòa hợp với thiên nhiên, và nhất là trong cuộc gặp gỡ, chia sẻ và hiệp thông với tha nhân. Hơn thế nữa, con người cảm nếm được niềm vui thiêng liêng khi linh hồn họ bước vào mối hiệp thông với Thiên Chúa – Đấng tối cao và bất biến – được nhận biết và yêu mến. (8) Các thi sĩ, nghệ sĩ, triết gia – cũng như bao người bình thường có tâm hồn nhạy bén trước ánh sáng nội tâm – xưa kia cũng như ngày nay, kể cả giữa chúng ta, đều đã và vẫn có thể phần nào cảm nếm niềm vui của Thiên Chúa.

7. Tuy nhiên, làm sao chúng ta có thể phủ nhận một thực tế khác: rằng niềm vui luôn bất toàn, mong manh và dễ bị đe dọa? Một nghịch lý lạ lùng: ngay trong nhận thức về điều có thể mang lại hạnh phúc chân thực – vượt lên mọi lạc thú chóng qua – con người cũng đồng thời cảm nhận rõ ràng rằng không có hạnh phúc trọn vẹn nơi trần thế. Kinh nghiệm về tính hữu hạn – được từng thế hệ luân phiên cảm nhận – khiến ta phải công nhận và dò dẫm vực thẳm khôn nguôi giữa thực tại và khát vọng vô biên.

8. Điều nghịch lý và khó khăn trong việc đạt được niềm vui, xem ra càng trở nên sâu sắc trong thời đại hôm nay. Đó chính là lý do của Tông huấn này. Xã hội công nghệ đã thành công trong việc nhân lên những cơ hội hưởng thụ, nhưng lại gặp khó khăn lớn lao khi muốn sinh ra niềm vui, bởi lẽ niềm vui đến từ một nguồn khác – nguồn thiêng liêng. Dẫu tiền bạc, tiện nghi, vệ sinh và an ninh vật chất không thiếu, nhưng buồn chán, trầm cảm và sầu muộn vẫn là số phận đáng tiếc của nhiều người. Những tâm trạng ấy đôi khi còn đạt đến mức lo âu và tuyệt vọng, mà sự vô tư giả tạo, những cơn hưng phấn tạm thời hay “thiên đàng nhân tạo” chẳng thể làm nguôi ngoai. Phải chăng người ta cảm thấy bất lực trước guồng quay của tiến bộ công nghệ, không đủ khả năng quy hoạch xã hội một cách nhân bản? Phải chăng tương lai quá bất định, và đời sống con người quá mong manh? Hay đúng hơn, có lẽ đó là cảm thức cô đơn, là nỗi khát khao tình yêu và sự hiện diện của ai đó chưa được đáp ứng, là một khoảng trống mơ hồ không thể lấp đầy? Ngược lại, tại nhiều nơi – kể cả gần với chúng ta – biết bao đau khổ về thể lý và luân lý vẫn đè nặng trên con người: biết bao người đang đói khát, bao nạn nhân của những cuộc chiến vô ích, biết bao gia đình bị ly tán! Những nỗi khổ ấy có thể không sâu hơn quá khứ, nhưng đã trở thành hiện tượng toàn cầu, và được truyền thông đại chúng loan tin rộng rãi không kém gì những tin vui – khiến chúng trở nên ám ảnh trong tâm trí con người. Nhiều khi, người ta dường như không còn giải pháp nhân loại nào thích đáng cho chúng.

9. Tuy nhiên, tình cảnh ấy không thể ngăn cản chúng ta bàn về niềm vui, hy vọng vào niềm vui. Chính trong cơn khốn cùng, con người lại càng cần biết đến niềm vui, cần được nghe tiếng hát của nó. Chúng tôi hết lòng cảm thông với những ai đang mang lấy nỗi buồn vì nghèo đói và đau khổ dưới muôn vàn hình thức. Chúng tôi đặc biệt nghĩ đến những người túng thiếu, bị bỏ rơi, không có sự nâng đỡ hay tình bạn – những người mà mọi hy vọng nhân loại dường như bị tiêu tan. Hơn bao giờ hết, họ hiện diện trong lời cầu nguyện và tình yêu mục tử của chúng tôi.

10. Chúng tôi không muốn gây thêm gánh nặng cho ai; ngược lại, chúng tôi đang tìm kiếm những phương dược có thể mang lại ánh sáng. Theo chúng tôi, những phương dược ấy nằm trong ba hướng:

11. Con người cần liên kết với nhau trong nỗ lực chung nhằm đảm bảo một mức sống xứng hợp tối thiểu: an sinh, công bằng và phẩm giá – vốn là điều kiện tiên quyết để có hạnh phúc. Sự liên đới ấy chính là công trình của Thiên Chúa, phản ánh giới răn của Đức Kitô. Nó kiến tạo hòa bình, khơi lại hy vọng, trao ban sức mạnh, nối kết hiệp thông và mở lối đến niềm vui – không chỉ cho người đón nhận mà cả cho người trao ban: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Anh chị em thân mến, biết bao lần chúng tôi đã khẩn thiết kêu gọi anh chị em hãy dấn thân chuẩn bị một thế giới đáng sống hơn, hãy kiến tạo công lý và bác ái vì sự phát triển toàn diện của nhân loại, không trì hoãn! Tông hiến Vui mừng và Hy vọng (Gaudium et Spes) của Công đồng cũng như nhiều văn kiện khác của Tòa Thánh đã nhấn mạnh điều ấy. Dù không phải là trọng tâm của Tông huấn này, nhưng sẽ là điều thiếu xứng hợp nếu chúng ta nói đến niềm vui mà quên mất bổn phận căn bản là yêu thương tha nhân.

12. Cần có một nỗ lực kiên trì để con người học biết cách hưởng nếm một cách đơn sơ các niềm vui nhân bản mà Đấng Tạo Hóa đã đặt sẵn trên hành trình của chúng ta: niềm vui được hiện hữu và sống; niềm vui của tình yêu trong sáng và được thánh hóa; niềm vui thanh bình của thiên nhiên và tĩnh lặng; niềm vui tuy nghiêm khắc nhưng sâu lắng của công việc chu toàn; niềm vui và thỏa mãn trong bổn phận đã hoàn thành; niềm vui trong trẻo của sự thanh sạch, phục vụ và sẻ chia; niềm vui đòi hỏi của hy sinh. Người Kitô hữu có thể thanh luyện, kiện toàn và nâng cao những niềm vui ấy; nhưng không thể khinh chê chúng. Niềm vui Kitô giáo luôn đòi hỏi nơi ta một tâm hồn biết đón nhận niềm vui tự nhiên. Thật vậy, chính Chúa Kitô đã nhiều lần dùng chính những niềm vui tự nhiên này làm điểm khởi đầu để công bố Nước Trời.

13. Tuy nhiên, chủ đề Tông huấn này còn được đặt trên một bình diện khác: bình diện thiêng liêng. Thực trạng là: con người hôm nay, trong linh hồn, đang thiếu khả năng gánh vác những đau khổ và thử thách của thời đại. Càng mất ý nghĩa cuộc đời, con người càng bị đè bẹp, càng không chắc chắn về bản thân cũng như về ơn gọi và định mệnh siêu việt của mình. Họ đã giải thiêng vũ trụ, và giờ đây đang giải thiêng chính nhân loại; nhiều khi, họ đã cắt đứt sợi dây sinh mệnh gắn kết họ với Thiên Chúa. Niềm hy vọng và giá trị của con người không còn được bảo đảm. Thiên Chúa trở nên xa lạ, vô ích. Mặc dù không diễn tả rõ ràng, nhưng sự thinh lặng của Thiên Chúa đè nặng trên lòng họ. Quả vậy, lạnh lẽo và tăm tối trước hết bắt đầu từ trong tâm hồn của con người sầu khổ.

14. Người ta có thể nói đến nỗi sầu muộn của những kẻ không tin – khi linh hồn con người, vốn được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, và do đó hướng về Người như Thiện Hảo tối hậu, lại sống mà không nhận biết, không yêu mến, và vì thế không cảm nghiệm được – dù chỉ là bất toàn – hạnh phúc được phát sinh nhờ nhận biết Thiên Chúa và xác tín rằng mình có một mối dây liên kết với Người – mối dây mà ngay cả cái chết cũng không thể cắt đứt. Ai trong chúng ta lại không nhớ lời thánh Âu Tinh: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, nên tâm hồn con mãi mãi khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa.” (10)

15. Vậy thì, chính bằng cách trở nên hiện diện hơn trước Thiên Chúa, bằng cách từ bỏ tội lỗi, con người mới thật sự có thể bước vào niềm vui thiêng liêng. Dĩ nhiên, “xác thịt và máu huyết”  không thể đạt tới điều ấy (11); nhưng Mạc Khải mở ra con đường, và ân sủng ban khả năng hoán cải. Chính vì thế, chúng tôi mời gọi anh chị em hướng về nguồn mạch đích thực của niềm vui Kitô giáo. Và làm sao chúng tôi có thể thực hiện điều đó, nếu chính chúng tôi không trở nên chăm chú hơn với kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, và lắng nghe Tin Mừng tình yêu của Người?

Chia sẻ