Tông Thư Tertio Millennio Adveniente (Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến) Của ĐGH Gioan Phaolô II (Ngày 10-11-1994)
TÔNG THƯ TERTIO MILLENNIO ADVENIENTE
(NGÀN NĂM THỨ BA ĐANG ĐẾN)
CỦA ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II
Về việc Giáo Hội Công Giáo chuẩn bị mừng Đại Năm Thánh 2000
Ngày 10 Tháng 11 Năm 1994
***
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
***
I. “CHÚA GIÊSU KITÔ: HÔM QUA VÀ HÔM NAY…” (Heb.13:8)
1- Trong lúc Ngàn Năm Thứ Ba của một tân thiên niên gần đến, thì tâm tưởng của chúng ta tự nhiên nghĩ đến những lời của thánh tông đồ Phaolô: “Khi thời gian viên trọn, Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến, được hạ sinh bởi một người nữ” (Gal.4:4). Thời gian viên trọn này trùng hợp với mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời, của Con, Đấng là một với Cha và với mầu nhiệm cứu chuộc trần gian. Trong đoạn thư này, thánh Phaolô nhấn mạnh rằng: Con Thiên Chúa được hạ sinh bởi một người nữ, được hạ sinh theo lề luật, và đến thế gian để cứu chuộc tất cả những ai lệ thuộc lề luật, để họ nhận được ơn làm nghĩa tử, nghĩa nữ. Rồi thánh nhân thêm: “Vì anh em là những người con, Thiên Chúa đã sai Thần Linh của Con Ngài vào tâm hồn của chúng ta, kêu lên “Abba! Lạy Cha!”“ Và lời ngài kết luận thật là an ủi: “Thế nên, do Thiên Chúa anh em không còn là nô lệ mà là con cái, và nếu là con cái thì anh em là kẻ thừa tự” (Gal.4:6-7).
Việc thánh Phaolô trình bày mầu nhiệm Nhập Thể bao gồm mạc khải về mầu nhiệm Ba Ngôi, và về công cuộc của Con được tiếp tục nơi sứ mệnh của Chúa Thánh Thần. Việc nhập thể của Con Thiên Chúa, việc Người được thụ thai và hạ sinh, là điều kiện tiên quyết cho việc Chúa Thánh Thần được sai đến. Như thế, đoạn văn này của thánh Phaolô đã làm sáng tỏ sự viên trọn của mầu nhiệm Nhập Thể cứu rỗi.
2- Trong Phúc Âm của mình, thánh Luca đã truyền lại cho chúng ta một trình thuật trọn gọn về trường hợp giáng sinh của Chúa Giêsu: “Vào những ngày ấy, hoàng đế Cêsa Augustô ban sắc lệnh truyền cho toàn cõi đế quốc của mình phải khai tên làm sổ… Nên tất cả mọi người đã đi khai tên làm sổ tại quê qúan của mình. Giuse cũng từ thành Nazarét xứ Galilêa xuống Giuđêa, đến thành Đavít là Bêlem, vì người là giòng dõi của nhà Đavít, để khai tên làm sổ với Maria, người bạn đính hôn đang có thai của mình. Khi các ngài đang ở đó thì ngày sinh nở của Maria đã đến. Maria đã sinh con trai đầu lòng, bọc Người trong khăn và đặt Người nằm trong máng cỏ, vì các ngài không có chỗ nào để trọ” (2:1,3-7).
Như thế là điều Thiên Thần Ga-Biên báo trước vào lúc truyền tin đã được nên trọn. khi thiên thần nói cùng Trinh Nữ Nazarét những lời này: “Kính mừng đầy ơn phúc, Chúa ở cùng trinh nữ” (Lk.1:28). Maria bối rối khi nghe thấy những lời này, vì thế, vị sứ giả thần linh liền thêm: “Hỡi Maria, đừng sợ, vì trinh nữ đã được ơn nghĩa cùng Thiên Chúa. Này đây trinh nữ sẽ thụ thai và cưu mang một người con trai, Đấng trinh nữ sẽ gọi tên là Giêsu. Người sẽ là một Đấng cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao… Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và quyền phép Đấng Tối Cao sẽ bao phủ trinh nữ; bởi thế con trẻ sinh ra sẽ được gọi là thánh, là Con Thiên Chúa” (x.Lk.1:30-33,35). Maria đã không ngần ngại đáp lại lời thiên thần: “Này tôi là nữ tì của Chúa; xin hãy thực hiện nơi tôi theo như lời của ngài” (Lk.1:38). Chưa bao giờ lịch sử loài người, như lần này, lại tùy thuộc vào việc đồng ý của một tạo vật đến như vậy (x.thánh Bênađô).
3- Thánh Gioan, trong phần Mở Đầu Phúc Âm của mình, chỉ bằng một câu, đã gói trọn tất cả ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm Nhập Thể. Ngài viết: Và Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta, đầy ân sủng và chân lý; chúng ta đã được thấy vinh hiển của Người, vinh hiển của Người Con duy nhất đến từ Cha (1:14). Đối với thánh Gioan, việc nhập thể của Lời hằng hữu làm một với Cha được thực hiện nơi cuộc đầu thai và hạ sinh của Chúa Giêsu. Thánh ký nói về Lời ở nơi Cha ngay từ ban đầu, và nhờ Người mà mọi vật hiện hữu được tạo thành; trong Người là Ngôi Lời có sự sống, một sự sống là ánh sáng soi con người (x.1:1-4). Về Người Con duy nhất là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa này, thánh tông đồ Phaolô viết rằng: Người là “trưởng tử của mọi tạo vật” (Col.1:15). Bởi Ngôi Lời, Thiên Chúa đã tạo dựng nên thế gian này. Ngôi Lời là sự khôn ngoan đời đời; là tư tưởng và là hình ảnh chính yếu của Thiên Chúa; “Người phản ảnh vinh hiển của Cha và là hiện thân đích thực của bản tính Cha” (Heb.1:3) Từ đời đời được Cha sinh ra và yêu mến, như Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, Người là nguyên lý (principle) và là mẫu thức (archetype) của mọi sự Thiên Chúa dựng nên trong thời gian.
Sự thật xẩy ra là, vào lúc thời gian viên trọn, Lời hằng hữu đã nhận lấy thân phận của một tạo vật, làm cho biến cố xẩy ra ở Bê-Lem 2000 năm trước đây có một giá trị đặc biệt theo vũ trụ quan. Nhờ Ngôi Lời mà thế giới tạo vật hiện lên như một “khu vườn muôn mầu” (cosmos), một vũ trụ lớp lang (an ordered universe). Và cũng chính Ngôi Lời, bằng việc mặc lấy xác thể, đã canh tân lại trật tự vũ trụ của tạo vật. Bức Thư gửi cho các tín hữu Êphêsô nói về mục đích mà Thiên Chúa đã phác họa nơi Chúa Kitô “một dự án cho thời điểm viên trọn, đó là để hiệp nhất tất cả trong Người, những sự trên trời cùng những sự dưới đất” (1:9-10).
4- Chúa Kitô, đấng cứu chuộc thế giới, là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. nên không có một danh hiệu nào khác ở dưới gầm trời này có thể cứu được chúng ta (x.Acts 4:12). Như chúng ta đọc thấy trong Thư gửi cho các tín hữu Êphêsô: “Nơi Đức Kitô, chúng ta nhờ máu của Người mà được ơn cứu chuộc, được ơn tha thứ những lỗi phạm của mình, theo ân sủng dồi dào Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên chúng ta. Vì Thiên Chúa đã tỏ cho chúng ta, bằng tất cả khôn ngoan và sáng suốt… mục đích của Ngài đã phác họa nơi Chúa Kitô một dự án cho thời điểm viên trọn, mục đích đó là hiệp nhất tất cả trong Người, những sự trên trời cùng những sự dưới đất” (1:7-10). Vì thế, Chúa Kitô, Ngôi Con là một với Chúa Cha, là Đấng mạc khải dự án của Thiên Chúa cho tất cả mọi tạo vật, đặc biệt là cho con người. Theo một câu đáng nhớ của Công Đồng Chung Vaticanô II thì Chúa Kitô “hoàn toàn tỏ cho con người biết về chính con người và làm sáng tỏ ơn gọi cao trọng của họ” (hiến chế Gaudium et Spes, đoạn 22). Người tỏ cho chúng ta ơn gọi này bằng việc mạc khải mầu nhiệm về Cha và về tình yêu của Cha.
5- Việc “trở nên một người trong chúng ta” (hiến chế Vui Mừng Và Hy Vọng, đoạn 22) nơi phần của Con Thiên Chúa đã xẩy ra hết sức khiêm hèn, nên không lạ gì các sử gia đời, chỉ chú trọng vào những biến cố náo động và những nhân vật danh tiếng, đã lấy Người, cho dù có quan trọng, cũng chỉ là những viện dẫn (references) mà thôi. Những viện dẫn về Chúa Kitô được tìm thấy trong “Các Truyện Cổ Về Dân Do Thái”, một tác phẩm do sử gia Flavius Josephus tổng hợp ở Rôma vào giữa những năm 93 và 94, và nhất là trong “Annals” của Tacitus, được viết vào giữa những năm 115 và 120, một tài liệu mà khi tường thuật lại vụ thành Rôma bị cháy năm 64, Nêrô đã tưởng lầm là do những người Kitô giáo làm, nhà viết sử đã tỏ tường dẫn chứng về Chúa Kitô “bị hành xử theo lệnh của quan tổng trấn Phongxiô Philatô trong triều đại Tibêriô”. Cả Suetonius nữa, trong cuốn truyện viết quãng năm 121 về đời của hoàng đế Claudiô, cho chúng ta biết rằng, những người Do Thái bị đuổi khỏi thành Rôma vì “họ thường gây nên những cuộc phiến loạn theo xúi giục của một số Chrestus” (Vita Claudii 25:4). Đoạn văn này thường được cắt nghĩa như ám chỉ về Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã trở nên căn nguyên tranh cãi trong những cộng đồng Do Thái ở Rôma. Việc phát triển nhanh chóng của Kitô giáo cũng là một chứng cớ quan trọng, như đã được Tiểu Pliny, vị tổng trấn ở Bithynia, tường trình cho hoàng đế Trajan, vào giữa những năm 111 và 113, về tình hình có một số đông dân chúng thường hay tụ họp nhau “vào một ngày ấn định, trước hừng đông, để luân phiên hát thánh ca chúc tụng Đức Kitô như là một vị Thiên Chúa” (Epist.10:96).
Thế nhưng, biến cố vĩ đại mà những sử gia ngoài Kitô giáo chỉ đề cập đến qua loa ấy lại có một tầm vóc hết sức quan trọng nơi những bản văn của Tân Ước. Những bản văn này, cho dù có là những văn kiện về đức tin đi nữa, nếu chúng ta để ý đến mối iên hệ toàn diện của chúng, thì chúng cũng là những chứng cớ lịch sử không phải không đáng tin. Đức Kitô, Thiên Chúa thật và là người thật, Chúa của vũ trụ, cũng là Chúa của lịch sử, một lịch sử mà Người là “Alpha và Omega” (Rev.1:8;21:6), là “nguyên thủy và là cùng đích” (Rev.21:6). Nơi Người, Chúa Cha đã nói lên một lời thực sự về con người và về lịch sử của họ. Lời này được diễn tả một cách tóm gọn và hùng hồn qua Bức Thư gửi cho giáo đoàn Do Thái: “Bằng nhiều thể nhiều cách, xưa kia Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta nhờ các tiên tri; thế nhưng, trong những ngày sau hết này, Ngài đã nói với chúng ta qua Người Con” (Heb.1:1-2).
6- Chúa Giêsu được sinh ra từ dân tuyển chọn để hoàn tất lời hứa mà Abraham đã lãnh nhận và các tiên tri liên tục nhắc nhớ. Các tiên tri nhân danh Thiên Chúa và thay cho Ngài mà nói. Thật vậy, công cuộc của Cựu Ước được sắp xếp chính là để sửa soạn và loan truyền cho việc Đức Kitô đến, Đấng cứu chuộc hoàn vũ, cũng như cho vương quốc mà Người thiết lập. Bởi thế, những cuốn sách của Cựu Ước mãi mãi là một chứng cớ cho một giáo thuyết thần linh xác thực (x. hiến chế Mạc Khải đoạn 15). Giáo thuyết này đã đạt mục tiêu của nó nơi Đức Kitô: đúng thế Chúa Giêsu không chỉ “nhân danh Chúa” mà nói như các vị tiên tri, mà Người chính là Thiên Chúa nói bằng Lời hằng sống nhập thể của mình. Ở đây chúng ta chạm đến một điểm chính yếu làm cho Kitô giáo khác với tất cả mọi tôn giáo khác, những tôn giáo diễn tả việc con người tìm kiếm Thiên Chúa từ những thời cổ xưa nhất. Khởi điểm của Kitô giáo bắt nguồn từ việc Lời nhập thể. Như thế, không phải là con người tìm kiếm Thiên Chúa, mà là Thiên Chúa đích thân đến nói với chính con người, và chỉ cho con người đường nẻo để con người có thể đến với Ngài. Đó là điều đã được công bố trong Phần Nhập Đề của Phúc Âm thánh Gioan: “Chưa có ai đã từng thấy được Thiên Chúa; Người Con duy nhất, Đấng ở trong lòng Cha, Người đã tỏ Cha ra” (Jn.1:18). Như thế, Lời nhập thể làm thỏa nguyện ước vọng nơi tất cả các đạo giáo của nhân loại. Chính Thiên Chúa đã làm cho con người được thỏa nguyện, ngoài mọi ước mong của con người. Đó là một mầu nhiệm của ân sủng.
Nơi Chúa Kitô, tôn giáo không còn là một “cuộc kiếm tìm Thiên Chúa một cách mù quáng” (Acts 17:27) nữa, mà là một đáp ứng của đức tin vào Thiên Chúa là Đấng tỏ mình ra. Nó là một đáp ứng mà con người nói với Thiên Chúa như với Hóa Công, với một Người Cha, một đáp ứng đã thành hiện thực nhờ một con người cũng chính là Ngôi Lời, mà nơi Người, Thiên Chúa đã nói với từng người, và nhờ Người mỗi người có thể đáp lại Thiên Chúa. Còn nữa, cũng ở nơi con người này mà mọi tạo vật đáp lại Thiên Chúa. Chúa Giêsu Kitô là một khởi sự mới cho tất cả mọi sự. Nơi Người, tất cả mọi sự có; chúng được thăng hóa rồi được trả về cho Hóa Công là Đấng dựng nên chúng. Như thế, Đức Kitô là mãn nguyện của ước vọng cho mọi tôn giáo trên thế giới, nên Người là tầm mức viên trọn đích thực duy nhất của họ. Thiên Chúa nói thẳng với con người nơi Đức Kitô thế nào, tất cả loài người và toàn thể tạo vật cũng tự mình nói với Thiên Chúa trong Đức Kitô như vậy, thực sự đó là việc tự hiến mình cho Thiên Chúa. Mọi vật trở về với cội nguồn của mình là vậy. Chúa Giêsu Kitô làm cho mọi sự tái tạo (x.Eph.1:10), đồng thời làm hoàn tất mọi sự trong Thiên Chúa: một hoàn tất làm vinh danh Thiên Chúa. Tôn giáo có nền tảng nơi Đức Kitô là một tôn giáo vinh quang; nó là một tầm vóc mới mẻ của sự sống để chúc tụng vinh quang Thiên Chúa (x.Eph.1:12). Tất cả mọi tạo vật thực sự là một biểu hiện của vinh quang Người. Đặc biệt con người (vivens homo) là sự hiển linh của vinh quang Thiên Chúa, một loài được kêu gọi để sống bằng sự sống viên trọn trong Thiên Chúa.
7- Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa chẳng những nói với loài người mà còn tìm kiếm họ nữa. Việc Con Thiên Chúa nhập thể chứng tỏ là Thiên Chúa đi tìm kiếm con người. Chúa Giêsu nói về việc tìm kiếm này như tìm kiếm một con chiên lạc đàn (x.Lk.15:1-7). Đó là một cuộc tìm kiếm mà khởi điểm bắt đầu từ cõi lòng của Thiên Chúa và đích điểm ở nơi việc nhập thể của Ngôi Lời. Nếu Thiên Chúa đi tìm con người, loài được dựng nên theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài, là vì đời đời Ngài yêu thương họ nơi Ngôi Lời, và trong Đức Kitô Ngài muốn nâng họ lên danh phận làm một người con được thừa nhận. Thế nên, Thiên Chúa đi tìm kiếm con người là sở hữu đặc biệt của Ngài bằng một đường lối không giống như các tạo vật khác. Con người là sở hữu của Thiên Chúa bởi việc yêu thương chọn lựa: Thiên Chúa tìm kiếm con người theo tấm lòng hiền phụ rung cảm của mình.
Tại sao Thiên Chúa lại tìm kiếm con người? Là vì con người đã bỏ Ngài mà đi, ẩn mình đi như Adong đã làm trong Vườn Địa Đàng (x.Gn.3:8-10). Con người đã để cho mình bị kẻ thù của Thiên Chúa (x.Gn.3:13) làm lạc hướng. Satan đã đánh lừa con người, làm cho con người tin rằng họ cũng là một thần linh, như Thiên Chúa, họ có khả năng biết lành biết dữ, cai trị thế giới theo ý mình mà không cần phải căn cứ vào ý muốn thần linh (x.Gn.3:5). Đi tìm kiếm con người qua Con của mình như thế là Thiên Chúa muốn chinh phục con người, để họ rời bỏ những đường nẻo gian ác đã dẫn họ càng ngày càng đi sai lạc. “Làm cho họ rời bỏ” những đường nẻo này nghĩa là làm cho họ hiểu được rằng họ đang đi sai đường lạc hướng; nghĩa là chế ngự sự dữ ở bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử loài người. Chế ngự sự dữ: đó là ý nghĩa của việc cứu chuộc. Điều này đã được thực hiện nơi việc hy sinh của Đức Kitô, nhờ đó loài người được cứu cho khỏi nợ nần tội lỗi và được hòa giải cùng Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đã làm người, nhận lấy một thân xác và một linh hồn trong cung lòng một Trinh Nữ, chính vì: để trở nên một hy tế cứu độ hoàn hảo. Tôn giáo của mầu nhiệm Nhập Thể là một tôn giáo của ơn cứu thế, nhờ hiến tế của Đức Kitô, một hiến tế chiến thắng sự dữ, tội lỗi và chính sự chết. Chấp nhận cái chết trên thập giá là Đức Kitô cùng một lúc vừa tỏ bày sự sống vừa thông ban sự sống, vì Người đã sống lại và sự chết không còn làm gì được Người nữa.
II- VIỆC MỪNG NĂM 2000
9- Nói về việc giáng sinh của Con Thiên Chúa, thánh Phaolô đã đặt biến cố này vào “thời điểm viên trọn” (x.Gal.4:4). Thời gian thực sự được viên trọn chính là vì Thiên Chúa, trong Mầu Nhiệm Nhập Thể, đã đi vào lịch sử con người. Vĩnh cửu đi vào thời gian: Còn viên trọn nào cao cả hơn cách viên trọn này chứ? Còn cách viên trọn nào khác có thể thực hiện được đây? Có một số đã nghĩ đến những chu kỳ huyền nhiệm của vũ trụ mà trong đó, lịch sử của hoàn vũ, nhất là của con người, cứ liên tục được tái tấu. Đúng, con người từ đất mà ra rồi sẽ trở về đất (x.Gn.3:19): Đây là một dữ kiện hiển nhiên dễ thấy nhất. Tuy nhiên, nơi con người còn có một ước mong không thể dồn nén là được sống trường sinh. Chúng ta phải mường tượng thế nào về một cuộc sống sau khi chết đây? Có một số đề cập đến những hình thức đầu thai khác nhau (various forms of reincarnation): Tức là tùy theo tiền kiếp của mình, con người sẽ nhận được một cuộc sống mới ở một thể thức cao thấp nào đó cho đến khi họ đạt được mức độ thanh tẩy hoàn toàn. Niềm tin đâm rễ sâu nơi một số tôn giáo Đông phương này tự nó đã nói lên việc con người tỏ ra chống lại cái tận số của sự chết. Con người xác tín rằng bản tính của mình thực sự là linh thiêng và bất tử.
Mạc khải Kitô giáo không có vấn đề đầu thai, mà chỉ nói về tầm mức viên trọn mà con người được kêu gọi để đạt đến trong cuộc hiện hữu một lần duy nhất trên đời này thôi. Con người đạt được tầm mức viên trọn định mệnh của mình này, qua việc họ chân thành ban tặng bản thân, một ban tặng được hiện thực chỉ nhờ ở việc con người gặp gỡ Thiên Chúa. Chính ở nơi Thiên Chúa mà con người mới hoàn toàn nhận thức được mình: Đó là một sự thật mà Đức Kitô đã mạc khải. Con người được viên trọn nơi Thiên Chúa, Đấng đã đến gặp gỡ họ qua Người Con hằng hữu của mình. Nhờ việc Thiên Chúa đến trần gian, thời điểm của loài người, bắt đấu từ lúc tạo thành, đã đạt đến tầm mức viên trọn. Thực sự thời điểm viên trọn đây chính là vĩnh cửu, đúng thế, chính là Đấng vĩnh hằng, là chính Thiên Chúa. Như thế, đạt đến thời điểm viên trọn nghĩa là tiến đến tận điểm của thời gian, và vượt lên trên những giới hạn của nó để tìm thấy tầm mức thời gian viên trọn trong cõi vĩnh hằng của Thiên Chúa.
10- Đối với Kitô giáo, thời gian có một tầm mức quan trọng sâu xa. Trong tầm vóc của thời gian mà thế giới đã được tạo thành, lịch sử cứu độ được thể hiện, khi nó đạt đến cao điểm của mình ở vào lúc thời gian viên trọn nơi Mầu Nhiệm Nhập Thể, cũng như nó sẽ đạt đến đích điểm của mình nơi cuộc trở lại hiển vinh của Con Thiên Chúa vào lúc tận cùng thời gian. Nơi Chúa Giêsu Kitô, Lời hoá thành nhục thể, thời gian mặc lấy một tầm vóc của Thiên Chúa, Đấng tự mình hằng hữu. Việc Chúa Kitô đến thế gian đã khởi đầu cho “những ngày sau hết” (x.Heb. 1:2), “giờ tận cùng” (x.1Jn.2:18), cũng như cho thời gian của Giáo Hội, một thời gian sẽ kéo dài cho đến lúc Chúa Kitô đến thế gian lần sau hết.
Từ mối liên hệ giữa Thiên Chúa với thời gian này đã phát sinh một nhiệm vụ là phải thánh hóa thời gian. Điều này được thực hiện, chẳng hạn, như mỗi giờ, mỗi ngày hay mỗi tuần đều được hiến dâng lên Thiên Chúa, như đã từng xẩy ra nơi đạo cựu ước, và vẫn còn thấy nơi Kitô giáo, dưới một hình thức mới mẻ. Trong phụng vụ của Đêm Vọng Phục Sinh, khi ban phép lành cho cây nến tượng trưng Chúa Kitô phục sinh, vị linh mục cử hành công bố rằng: “Chúa Kitô hôm qua cũng như hôm nay, nguyên thủy và cùng đích, Alpha và Omega, tất cả thời gian đều thuộc về Người, tất cả mọi thời đại, nguyện cho Người vinh quang và uy quyền qua các thế hệ đến muôn đời kiếp kiếp”. Vị linh mục cử hành đọc những lời này, trong khi gắn vào cây nến những con số của năm hiện tại. Ý nghĩa của nghi thức này rõ ràng là: Nó nhấn mạnh đến sự kiện Chúa Kitô là Chúa của thời gian; Người là khởi sự và là cùng tận của nó; mỗi năm, mỗi ngày và mỗi lúc đều được gồm tóm trong việc nhập thể và phục sinh của Người, do đó, chúng trở nên thành phần của thời điểm viên trọn. Vì lý do này mà Giáo Hội sinh hoạt và cử hành phụng vụ theo giới hạn của một năm. Năm dương lịch được sát nhập vào với năm phụng vụ, một năm đặc biệt tái diễn tất cả mầu nhiệm Nhập Thể và cứu thế, bắt đầu từ Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, và kết thúc vào lễ trọng kính Chúa Kitô Vua, Chúa của hoàn vũ cũng là Chúa của lịch sử.
11- Dựa vào bối cảnh (về thời gian) này, chúng ta có thể hiểu được thói lệ mừng kỷ niệm được bắt đầu từ Cựu Ước và được tiếp tục trong lịch sử của Giáo Hội. Chúa Giêsu Nazarét, một ngày kia, trở về sinh quán của mình, vào hội trường, đã đứng lên đọc sách (x.Lk.4:16-30). Cầm lấy sách tiên tri Isaia, Người đọc thấy đoạn này: “Thần Linh của Chúa là Thiên Chúa ở trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi để tôi mang tin mừng cho người sầu khổ; Ngài đã sai tôi đi băng bó cho kẻ tan nát cõi lòng, loan báo việc giải thoát cho những ai bị tù ngục và mở cửa ngục tù cho những người bị cầm buộc; công bố năm hồng ân của Chúa” (61:1-2).
Vị tiên tri ở đây đang nói về Đức Kitô. Chúa Giêsu còn thêm: “Hôm nay, qúi vị nghe thấy lời Thánh Kinh này đã được nên trọn” (Lk.4:21), như thế, Người có ý nói rằng, chính Người là Đức Kitô được loan báo trước bởi vị tiên tri này, và “thời gian” mong đợi từ lâu đã được bắt đầu khởi sự ở nơi Người. Ngày cứu rỗi là thời điểm viên trọn đã đến. Tất cả mọi cuộc mừng kỷ niệm đều hướng về thời điểm này và đều dựa vào sứ mệnh thiên sai của Đức Kitô, Đấng đã đến như một vị được Chúa Thánh Linh xức dầu, Đấng được Cha sai. Chính Người là Đấng loan báo tin mừng cho kẻ nghèo khó. Chính Người là Đấng đem tự do cho những ai bị đoạt mất, Đấng giải thoát kẻ bị đàn áp và làm cho kẻ mù lòa lại được thấy (x.Mt.11:4-5; Lk.7:22). Nhờ đó, Người đã dẫn con người vào “một năm hồng ân của Chúa”, thời điểm mà Người loan báo chẳng những bằng những lời nói của mình, mà còn hơn thế nữa, bằng những hành động của Người. Cuộc mừng, đó là mừng một năm hồng ân của Thiên Chúa, có đặc tính diễn tả lại tất cả mọi hoạt động của Chúa Giêsu; chứ nó không chỉ tái diễn xuông việc mừng kỷ niệm theo thời gian.
12- Thế nên, những lời nói và việc làm của Chúa Giêsu là tiêu biểu cho việc hoàn trọn cả một truyền thống của những cuộc mừng kỷ niệm trong thời Cựu Ước. Chúng ta biết rằng một cuộc mừng kỷ niệm là một thời gian được đặc biết hiến dâng cho Thiên Chúa. Theo luật Moisen, cứ 7 năm có một lần: Đó là một “năm nghỉ ngơi” (sabbatical year), trong năm đó đất đai được xả hơi và những người làm tôi được trả tự do. Phận sự của những người nô lệ tự do này được ấn định bởi những điều khoản chi tiết trong các Sách Xuất Hành (23:10-11), Lêvi (25:1-28) và Nhị Luật (15:1-6). Nói cách khác, những điều khoản này được thấy áp dụng trong toàn bộ lập pháp thánh kinh, một bộ lập pháp được đánh dấu bằng một tính cách rất đặc biệt này. Trong năm nghỉ ngơi, ngoài việc trả tự do cho các người làm tôi, Lề Luật còn có những qui định rõ ràng về việc hủy bỏ tất cả các nợ nần. Và tất cả những điều này đều phải làm để tôn vinh Thiên Chúa. Nếu năm nghỉ ngơi mà như thế thì năm mừng kỷ niệm, cứ 50 năm một lần, cũng phải như vậy. Tuy nhiên, trong năm mừng kỷ niệm, những lề lối của năm nghỉ ngơi được nới rộng hơn và được cử hành còn trọng thể hơn là đàng khác. Như chúng ta đọc thấy trong sách Lêvi: “Các ngươi sẽ thánh hóa năm thứ 50 và công bố tự do cho tất cả mọi dân cư ở khắp nơi; nó sẽ là một cuộc mừng kỷ niệm cho các ngươi, một năm mà mỗi người trong các ngươi sẽ lấy lại tài sản của mình và mỗi người trong các ngươi sẽ trở về với gia đình của mình” (25:10). Một trong những thành qủa đáng kể nhất của năm mừng kỷ niệm là cuộc giải phóng chung cho tất cả mọi dân cư trong lãnh thổ cần được trả tự do. Vào dịp này, mọi người Ích Diên lấy lại tư hữu thuộc đất đai của cha ông mình, nếu chẳng may họ có phải bán đi hay bị mất đi vì lâm cảnh làm tôi. Họ không bao giờ hoàn toàn bị lấy mất đất đai, vì nó thuộc về Thiên Chúa; các người Ích Diên cũng không thể nào mãi mãi sống trong cảnh làm tôi, vì Thiên Chúa đã cứu chuộc họ cho chính Ngài, như sở hữu riêng của Ngài, bằng việc giải thoát họ khỏi cảnh làm tôi bên Ai Cập.
13- Những khoản về việc năm mừng kỷ niệm phần nhiều vẫn còn đáng theo – có thể nói, hơn thế nữa, vẫn còn là một sự việc thực tế. Bởi vậy, chúng trở nên “prophetia futuri” (một tiên báo cho tương lai), đến nỗi, nó báo trước một niềm tự do mà Đức Kitô sẽ đến chiếm lấy. Hơn thế nữa, trên căn bản của những tiêu chuẩn pháp định được chất chứa trong những điều khoản này, còn ló hiện lên một thứ giáo huấn về xã hội mà từ đó nó sẽ được khai triển rõ ràng hơn, bắt đầu là thời Tân Ước. Năm kỷ niệm có nghĩa là năm phục hồi tình trạng bình đẳng cho tất cả mọi con cái trong dân Ích Diên, hiến cho những gia đình bị mất mát của cải, và ngay cả tự do cá nhân của họ, những cơ hội mới. Ngoài ra, năm mừng kỷ niệm còn là một nhắc nhở cho người giầu có về một thời sẽ đến, khi mà những người nô lệ Ích Diên của họ, một lần nữa, có thể lấy lại quyền bình đẳng của họ và có thể đòi lại các quyền lợi của họ. Vào những thời điểm được lề luật ấn định, phải công bố một năm mừng kỷ niệm để trợ giúp những người thiếu thốn. Điều này chỉ đòi hỏi chính quyền mà thôi. Công lý, theo lề luật của người Ích Diên, trước hết ở tại việc bảo vệ kẻ yếu thế, và nhà vua phải làm gương trong vấn đề này, như lời thánh vịnh: “Vua cứu trợ kẻ thiếu thốn khi họ kêu cầu, người nghèo khó và kẻ không được ai giúp đỡ. Vua thương đến kẻ yếu thế và người thiếu thốn, và cứu vớt đời sống của người thiếu thốn” (Ps.72:12-13). Những căn bản của truyền thống này thật sự có một tính cách thần học, trước hết liên quan đến thần học về việc tạo dựng và thần học về việc quan phòng thần linh. Thật vậy, nó là một niềm xác tín chung, một niềm xác tín rằng “the dominium altum” (chủ quyền tối thượng) – đó là quyền làm chủ trên tất cả mọi tạo vật, và nhất là trên mặt đất, chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa là Đấng Hoá Công mà thôi. Nếu trong việc quan phòng của mình, Thiên Chúa đã ban trái đất cho loài người, thì có nghĩa là Ngài đã ban nó cho mọi người. Bởi thế, những phong phú của tạo vật phải được coi như là một phẩm vật chung cho toàn thể loài người. Những ai có được những sản vật này như tài sản riêng của mình thì họ thực sự chỉ là những người tôi tớ, những quản trị viên có trách nhiệm sử dụng nhân danh Chúa là Đấng, theo đúng nghĩa, chỉ duy một mình Ngài mới có chủ quyền, vì theo ý của Thiên Chúa, các phẩm vật được tạo dựng nên là để cho mọi người bằng một đường lối chính đáng. Năm mừng kỷ niệm có nghĩa là phục hồi tình trạng công chính xã hội này. Giáo huấn về xã hội của Giáo Hội được bắt nguồn sâu xa từ truyền thống của năm mừng kỷ niệm này, một giáo huấn về xã hội vẫn luôn luôn là một phần trong bộ giáo huấn của Giáo Hội, và đã được khai triển rất nhiều trong thế kỷ vừa qua, đặc biệt là sau thông điệp Rerum Novarum.
14- Tuy nhiên, điều cần được nhấn mạnh chính là điều mà tiên tri Isaia diễn tả bằng những lời: “loan báo năm hồng ân của Thiên Chúa”. Đối với Giáo Hội, thực sự việc mừng kỷ niệm chính là mừng năm hồng ân này của Thiên Chúa, một năm thứ tha các tội lỗi và các hình phạt bởi đó mà ra, một năm hoà giải tranh cãi giữa những phe phái, một năm cải thiện gấp bội và làm việc thống hối theo bí tích cũng như không theo bí tích. Truyền thống của các năm kỷ niệm mừng gồm có việc ban những ân xá rộng rãi hơn cả những lúc khác. Cùng với những cuộc mừng kỷ niệm gợi lại mầu nhiệm Nhập Thể, vào những khoảng thời gian 100 năm, 50 năm, và 25 năm, còn có những cuộc mừng để tưởng niệm những biến cố cứu chuộc: như biến cố về thập giá của Chúa Kitô, biến cố về cái chết của Người trên đồi Canvê và biến cố phục sinh. Vào những dịp này, Giáo Hội công bố năm hồng ân của Thiên Chúa, và Giáo Hội cố gắng làm sao cho tất cả mọi tín hữu có thể được lợi ích bởi hồng ân ấy. Đó là lý do tại sao những cuộc mừng kỷ niệm chẳng những “in urbe” (trong nội thành) mà còn cho cả “extra urbem” (ngoại thành) nữa: Theo truyền thống thì “extra urbem” xẩy ra vào năm sau cuộc cử hành “in urbe”.
15- Trong cuộc đời của cá nhân, những cuộc mừng kỷ niệm thường được gắn liền với ngày sinh; ngoài ra còn có những kỷ niệm khác cũng được cử hành, chẳng hạn như kỷ niệm ngày lãnh nhận bí tích rửa tội, thêm sức, Rước Lễ lần đầu, chịu chức linh mục hay giám mục, và Bí Tích Hôn Phối. Một số những kỷ niệm này đi đôi với thế gian, thế nhưng người Kitô hữu luôn luôn làm cho nó có một tính cách tôn giáo. Thật vậy, theo quan điểm Kitô giáo, mọi cuộc kỷ niệm mừng – như 25 năm lập gia đình hay lãnh chức linh mục, được gọi là “lễ bạc”, 50 năm, được gọi lễ “lễ vàng”, 60 năm, được gọi là “lễ kim cương” – là một năm hồng ân đặc biệt cho cá nhân đã lãnh nhận bí tích này hay bí tích kia. Điều chúng ta nói về phương diện cá nhân trong việc mừng kỷ niệm cũng có thể áp dụng cho các cộng đồng hay các tổ chức. Chúng ta cử hành bách niên hay thiên niên việc thành lập của một tỉnh lỵ hay một thành phố là thế. Trong Giáo Hội, chúng ta cử hành những cuộc mừng kỷ niệm thành lập những giáo xứ hay các giáo phận. Tất cả những cuộc mừng kỷ niệm đối với cá nhân cũng như cộng đồng ấy có một vai trò quan trọng và đáng kể trong đời sống cá nhân cũng như cộng đồng.
16- Chữ “mừng kỷ niệm” (jubilee) nói lên một niềm vui; không phải chỉ là một niềm vui nội tâm mà là một nỗi hớn hở cần phải được bộc lộ ra bên ngoài, vì việc Thiên Chúa đến với con người là một việc bề ngoài, một việc thấy được, nghe được và là một biến cố khả giác, như thánh Gioan xác nhận (x.Jn.1:1:1). Thế nên mọi dấu hiệu hân hoan đối với việc Thiên Chúa đến một cách hữu hình này cần phải được tỏ hiện ra bên ngoài. Như vậy mới tỏ ra là Giáo Hội vui mừng trong ơn cứu độ. Giáo Hội mời gọi mọi người vui mừng, và Giáo Hội cố gắng tạo điều kiện để bảo đảm quyền năng của ơn cứu rỗi đến với mọi người. Bởi đó, năm 2000 sẽ được cử hành như là một cuộc Đại Hỷ (the Great Jubilee).
Xét về nội dung của mình, cuộc Đại Hỷ này, theo một nghiã nào đó, cũng giống như bất cứ một cuộc mừng kỷ niệm nào khác. Thế nhưng, đồng thời nó cũng khác, khác xa những cuộc mừng kỷ niệm. Bởi vì, Giáo Hội tôn trọng những mức độ của thời gian: các giờ, các ngày, các năm, các thế kỷ. Do đó, Giáo Hội bước đi với mọi người, giúp mọi người nhận thức được mỗi một mức độ thời gian chuyên chở đầy sự hiện diện của Thiên Chúa cùng với hoạt động cứu rỗi của Ngài là chừng nào. Trong tinh thần này, Giáo Hội hân hoan, cảm tạ và xin tha thứ, hiến dâng những lời khấn nguyện của mình lên Chúa của lịch sử và của lương tâm con người.
Trong số những khấn nguyện thiết tha nhất mà Giáo Hội xin Chúa trong thời điểm trọng đại này, thời điểm sát cận của một tân thiên niên đang tiến tới, đó là cho việc hiệp nhất giữa tất cả các Kitô hữu của những niềm tin xưng khác nhau được tăng triển, cho đến khi họ đạt được một cuộc hiệp thông trọn vẹn. Tôi cầu xin để cuộc mừng kỷ niệm này sẽ là một dịp hứa hẹn cho việc cộng tác tốt đẹp trong nhiều phương diện làm chúng ta hiệp nhất lại với nhau; những phương diện này chắc chắn còn nhiều hơn cả những phương diện làm cho chúng ta chia rẽ nhau nữa kìa. Bởi vậy, tuy tôn trọng những chương trình của các Giáo Hội và cộng đồng địa phương, dầu sao cũng rất cần phải có những đồng tâm hợp ý có tính cách đại kết liên quan đến việc sửa soạn và cử hành cuộc mừng kỷ niệm này. Như thế, cuộc mừng này sẽ chứng tỏ càng mạnh mẽ hơn trước mặt thế giới là, các môn đệ của Chúa Kitô đã hoàn toàn giải quyết với nhau để, sớm bao nhiêu có thể, tiến đến một cuộc hiệp nhất trọn vẹn, bằng niềm tin chắc chắn rằng, với Thiên Chúa không có gì là bất khả đạt.
III- VIỆC SỬA SOẠN CUỘC ĐẠI HỶ
17- Trong lịch sử Giáo Hội, mọi cuộc mừng kỷ niệm được sửa soạn bởi một sự sắp xếp linh thiêng. Điều này cũng đúng về cuộc Đại Hỷ năm 2000 này. Xác tín như thế, chúng ta nhìn vào ngày hôm nay đây bằng một cảm nhận tri ân và đáp ứng, về tất cả những gì đã diễn ra trong lịch sử loài người từ khi Chúa Kitô giáng sinh, nhất là về những biến cố đã xẩy ra giữa những năm của ngàn năm thứ nhất và ngàn năm thứ hai. Thế nhưng, một cách đặc biêt hơn nữa, bằng con mắt đức tin, chúng ta nhìn vào thế kỷ của chúng ta đây, để tìm kiếm những gì mang lại chứng cớ chẳng những cho lịch sử loài người mà còn cho cả việc can thiệp của Thiên Chúa nơi những công cuộc của loài người nữa.
18- Theo quan điểm này, chúng ta có thể xác nhận rằng Công Đồng Chung Vaticanô II là một biến cố quan phòng, nhờ đó, Giáo Hội bắt đầu sửa soạn trực tiếp hơn cho cuộc mừng thiên niên thứ ba. Công Đồng này là một công đồng cũng giống như các công đồng trước kia, song lại khác hẳn; đó là một công đồng chú trọng vào mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội của Người, đồng thời lại vươn mình ra với thế giới. Thái độ vươn mình ra của Giáo Hội là một đáp ứng có tính cách phúc âm đối với những đổi thay trong thế giới này, những đổi thay bao gồm cả những kinh nghiệm về tình trạng hỗn loạn sâu rộng của thế kỷ 20, một thế kỷ rùng rợn với hai cuộc Đại Chiến I và II, với kinh nghiệm về những trại tập trung cùng với những cuộc tàn sát khủng khiếp. Tất cả những biến cố này đã chứng tỏ một cách hết sức hùng hồn là thế giới cần phải được thanh tẩy; nó cần phải cải thiện lại.
Công Đồng Chung Vaticanô II thường được coi như bắt đầu một kỷ nguyên mới trong sinh hoạt của Giáo Hội. Điều này đúng, nhưng đồng thời nó cũng khó bỏ qua sự kiện là Công Đồng đã rút tỉa rất nhiều kinh nghiệm và suy tư của một qúa khứ vừa qua, nhất là từ di sản tinh thần do Đức Piô XII để lại. Trong lịch sử của Giáo Hội, cái “cũ” và cái “mới” luôn luôn đan kết chặt chẽ với nhau. Cái mới phát xuất từ cái cũ, và cái cũ được diễn đạt trọn vẹn nơi cái mới. Điều này đã xẩy ra với Công Đồng Chung Vaticanô II, cũng như với hoạt động của các vị giáo hoàng có liên hệ với công đồng, bắt đầu từ Đức Gioan XXIII, tiếp đến Đức Phaolô VI và Gioan-Phaolô I, cho đến vị giáo hoàng đương kim.
Điều mà những vị giáo hoàng này đã hoàn tất trong thời gian và từ thời gian Công Đồng, qua giáo huấn của các ngài cũng như qua hoạt động mục vụ của các ngài, chắc chắn đã đóng góp một cách đáng kể vào việc sửa soạn cho một mùa xuân mới của sinh hoạt Kitô giáo, một mùa xuân sẽ được tỏ hiện nhờ cuộc Đại Hỷ, nếu các Kitô hữu tỏ ra dễ dậy đối với tác động của Chúa Thánh Thần.
19- Công Đồng, cho dù không bắt chước tính cách nghiêm trọng của thánh Gioan Tẩy Giả là vị trên bờ sông Dược-Đăng đã kêu gọi thống hối và cải thiện (x.Lk.3:1-7), cũng đã tỏ ra cho thấy một điều của vị tiên tri xưa, đó là, bằng một nghị lực mới, Công Đồng đã chỉ cho con người nam nữ của ngày hôm nay thấy rằng Chúa Giêsu Kitô là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Jn.1:29), Đấng cứu chuộc nhân loại và là Chúa của lịch sử. Trong Công Đồng, theo lòng ước ao thật sự muốn hoàn toàn trung thành với thày mình, Giáo Hội đã tự vấn về căn tính riêng của mình, và đã nhận thức lại mầu nhiệm của mình là thân thể và là hiền thê của Chúa Kitô. Khiêm tốn lắng nghe lời Thiên Chúa, Giáo Hội đã tái xác nhận ơn gọi nên thánh phổ quát; đã phác họa điều khoản về việc canh tân phụng vụ là nguồn mạch và là thượng đỉnh của sinh hoạt Giáo Hội; đã thúc đẩy việc canh tân cho nhiều phương diện trong sinh hoạt của Giáo Hội, ở cả lãnh vực hoàn vũ cũng như ở các Giáo Hội địa phương; đã cố gắng khơi dậy những ơn gọi Kitô giáo khác nhau, từ những ơn gọi của người giáo dân đến những ơn gọi Tu Trì, từ sứ vụ của các thày sáu đến sứ vụ của các linh mục và giám mục; và nhất là Giáo Hội đã nhận thức lại được tính cách tập đoàn của hàng giáo phẩm, đó là một thể hiện đặc biệt của việc mục vụ được thi hành bởi các vị giám mục hiệp thông với vị thừa kế thánh Phêrô. Trên căn bản của cuộc canh tân sâu xa này, Công Đồng vươn mình đến các Kitô hữu của các giáo phái khác, với các môn đệ của các tôn giáo khác và với tất cả mọi người của thời đại chúng ta. Không có Công Đồng nào đã từng nói rõ ràng về cuộc hiệp nhất Kitô giáo, về việc đối thoại với các tôn giáo không phải là Kitô giáo, về ý nghĩa đặc biệt của cựu ước đối với dân Ích Diên, về những truyền thống văn hóa khác nhau mà trong đó Giáo Hội phải thực hiện công cuộc truyền giáo của mình, và về phương tiện truyền thông xã hội.
20- Toàn bộ giáo huấn phong phú lớn lao của Công Đồng, cùng với cung cách mới mẻ đáng phục để trình bày nội dung giáo huấn này, đã thật sự làm nên một tuyên ngôn cho những thời điểm mới. Các giáo phụ của Công Đồng đã nói bằng ngôn ngữ của Phúc Âm, ngôn ngữ của Bài Giảng trên Núi và của các Phúc Đức. Trong sứ điệp của Công Đồng, Thiên Chúa được trình bày theo chủ quyền tuyệt đối của Ngài trên tất cả mọi sự, nhưng cũng là một Đấng bảo đảm tính cách tự động chính thực của những thực tại trần thế. Bởi thế, việc sửa soạn hay nhất cho một tân thiên niên chỉ có thể được thể hiện bằng một cuộc dấn thân mới trong việc mang ra áp dụng, một cách trung thành bao nhiêu có thể, những giáo huấn của Công Đồng Chung Vaticanô II vào đời sống của mọi người cũng như vào sinh hoạt của cả Giáo Hội. Theo nghĩa rộng nhất của từ ngữ, những việc sửa soạn trực tiếp liên quan đến cuộc Đại Hỷ năm 2000 thật sự bắt đầu từ Công Đồng Chung Vaticanô II. Nếu chúng ta tìm một so sánh theo phụng vụ thì có thể nói là Mùa Vọng hằng năm là mùa có ý nghĩa sát với tinh thần của Công Đồng nhất. Vì Mùa Vọng là mùa sửa soạn cho chúng ta nghênh đón Đấng đã có, đang có và phải đến (x.Rev.4:8).
21- Góp một phần trong việc sửa soạn cho năm 2000 đang đến là một loạt các công nghị bắt đầu từ sau Công Đồng Vaticanô II: những công nghị chung cùng với các công nghị theo đại lục, theo miền, theo quốc gia, theo giáo phận. Chủ đề chính của tất cả các công nghị này là vấn đề phúc âm hóa, hay đúng hơn, là vấn đề làm mới lại việc truyền bá phúc âm, mà những nền tảng của vấn đề làm mới lại việc truyền bá phúc âm này được đặt chân móng nơi tông huấn Evangelii Nuntiandi (về việc truyền bá phúc âm trong thế giới tân tiến) của Đức Phaolô VI, được ban hành năm 1975 theo sau khóa họp chung lần thứ ba của Thượng Hội Đồng Giám Mục. Các công nghị này tự mình cũng là một phần trong công cuộc làm mới lại việc truyền bá phúc âm: Chúng được sinh ra từ viễn ảnh về Giáo Hội của Công Đồng Chung Vaticanô II. Các công nghị này mở rộng những lãnh vực để cho thành phần giáo dân tham dự, thành phần mang những trách nhiệm đặc biệt được các công nghị này xác định. Các công nghị này là một biểu hiệu cho sức mạnh mà Chúa Kitô đã ban cho toàn thể dân Thiên Chúa, làm cho dân này thành một dân tham phần vào sứ mệnh thiên sai của riêng Người là sứ mệnh làm tiên tri, tư tế và vương giả. Nói đến điều này phải kể đến những câu phát biểu rất lưu loát trong hiến chế tín lý Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân). Việc sửa soạn cho cuộc mừng năm 2000 như thế được diễn tiến khắp Giáo Hội, trên cả bình diện hoàn vũ cũng như địa phương, hiến cho Giáo Hội một nhận thức mới về sứ mệnh cứu rỗi mà Giáo Hội nhận lãnh từ Chúa Kitô. Nhận thức này được tỏ hiện rất rõ qua các tông huấn hậu công đồng, những văn kiện chú trọng đến sứ mệnh của thành phần giáo dân, đến việc đào luyện các linh mục, đến các giáo lý viên, đến gia đình, đến giá trị của việc thống hối và hòa giải, trong sinh hoạt của Giáo Hội cũng như của nhân loại nói chung, và trong công nghị tới đây chú trọng đến đời sống tận hiến.
22- Những công việc và những trách nhiệm đặc biệt liên quan đến cuộc Đại Hỷ năm 2000 là sứ vụ của vị giám mục Rôma. Theo một ý nghĩa nào đó thì tất cả các vị giáo hoàng trong những thế kỷ trước cũng đã sửa soạn cho cuộc mừng này. Với chương trình tái tạo mọi sự trong Chúa Kitô của mình, Thánh Piô X đã cố gắng ngăn ngừa những phát triển thảm hai, phát xuất từ tình hình quốc tế xẩy ra vào đầu thế kỷ này. Giáo Hội đã nhận thức được nhiệm vụ của mình phải cương quyết hành động để đề cao và bảo vệ những giá trị căn bản về hòa bình và công lý, khi đối diện với những khuynh hướng đối nghịch của thời đại chúng ta. Những vị giáo hoàng của thời kỳ trước Công Đồng Chung, tùy theo cách thế riêng của mình, đã mạnh mẽ dấn thân hành động: Đức Bênêđictô XV phải đối diện với tai họa của Thế Chiến Thứ Nhất; Đức Piô XI phải đương đầu với những đe dọa của những thể chế độc tài hay những thể chế không tôn trọng tự do của con người, ở Đức, ở Nga, ở Ý, ở Tây Ban Nha, và ở cả Mễ Tây Cơ dù mới chớm có. Đức Piô XII tiến đến việc thắng lướt tình trạng bất công hết sức trầm trọng, gây ra bởi một niềm hoàn toàn khinh bỉ đối với phẩm giá con người, vào thời kỳ của Đệ Nhị Thế Chiến. Ngài cũng cung cấp những chỉ dẫn khôn ngoan cho việc hạ sinh của một trật tự thế giới mới, sau cuộc sụp đổ của những thể chế chính trị trước đó.
23- Từ lúc ban hành văn kiện tiên khởi cho giáo triều của Tôi, Tôi đã nói rõ ràng về Cuộc Đại Hỷ năm 2000, phác họa cho thời gian đưa đến cuộc mừng này là thời gian phải được sống như là “một Mùa Vọng mới” (thông điệp Redemptor Hominis, đoạn 1). Đề tài này từ đó đã được tái hiện nhiều lần, và được bàn đến sâu rộng trong thông điệp Dominum et Vivificantem (đoạn 49). Thật vậy, việc sửa soạn cho năm 2000 đã thực sự là một chiếc chìa khóa diễn giải (a hermeneutical key) cho cả giáo triều của Tôi. Nó chắc chắn không phải là một vấn đề tìm vui thỏa trong một tân thiên niên, như đã xẩy ra trong một số thập niên ở vào cuối đệ nhất thiên niên; trái lại, nó nhắm đến việc làm tăng thêm cảm quan cho tất cả mọi người đối với Thần Linh là Đấng đang nói với Giáo Hội cũng như với các Giáo Hội (x.Rev.2:7ff), với cả các cá nhân dùng những đặc sủng để phục vụ toàn thể cộng đồng (dân Chúa). Mục đích là nhấn mạnh đến điều mà Thần Linh đang gợi lên cho các cộng đồng khác nhau, từ các cộng đồng nhỏ nhất, như gia đình, cho đến những cộng đồng lớn nhất, như các quốc gia và các tổ chức quốc tế, liên quan đến những nền văn hóa, đen tổ chức dân sự và đến truyền thống lành mạnh. Bất chấp những hiện tượng bề ngoài, như một người mẹ lâm bồn, nhân loại tiếp tục trông đợi việc tỏ hiện của con cái Thiên Chúa và sống nhờ niềm hy vọng này, một hình ảnh rất hùng hồn được thánh Phaolô sử dụng trong Thư gửi cho các tín hữu Rôma (x.8:19-22).
24- Những cuộc tông du đã trở nên một yếu tố quan trọng trong việc làm cho Công Đồng Vaticanô II sinh hoa kết trái. Bắt đầu là cuộc hành hương đến Loreto và Assisi (1962) của Đức Gioan XXIII vào lúc sắp sửa họp Công Đồng, rồi tăng vọt lên dưới thời Đức Phaolô VI, sau cuộc viếng thăm đầu tiên của ngài ở Thánh Địa, còn có chín cuộc tông du lớn khác đã giúp ngài trực tiếp gặp gỡ dân chúng ở các đại lục.
Giáo triều đương kim đã mở rộng chương trình du hành này xa hơn nữa, bắt đầu là Mễ Tây Cơ, vào dịp Hội Nghị Chung Lần Thứ Ba của Hàng Giáo Phẩm Mỹ Châu Latinh, nhóm họp ở Puebla năm 1979. Cũng trong năm 1979 này, còn phải kể đến cuộc hành trình trở về Balan để mừng kỷ niệm 900 năm của thánh Stanislau, giám mục tử đạo.
Các chặng đường tiếp nối nhau của các cuộc du hành này đã qúa rõ ràng. Những cuộc tông du đã trở thành một diễn tiến thường xuyên, nhắm đến các Giáo Hội riêng biệt ở mọi lục địa và cũng để tỏ ra quan tâm đến việc phát triển những mối liên hệ đại kết với các Kitô hữu của các giáo phái khác nhau. Về điều này, những cuộc thăm viếng quan trọng đặc biệt phải kể đến là Thổ Nhĩ Kỳ (1979), Đức (1980), Anh, Tô Cách Lan và Wales (1984), Thụy Sĩ (1984) các nước Bắc Âu (1989) và gần đây nhất là các nước vùng Baltic (1993). Hiện nay, Tôi tha thiết mong đến thăm Sarajevo ở Bosnia-Herzegovina, cũng như thăm Trung Đông: Lebanon, Jerusalem and Thánh Địa. Cũng rất cần để làm sao vào năm 2000 thăm được những nơi dân Chúa trong Cựu Ước đã trải qua, từ những nơi có liên hệ đến Abraham và Moisen, đến Ai Cập và núi Sinai, đến mãi tận Đamascô là thành phố chứng kiến cuộc trở lại của thánh Phaolô.
25- Trong việc sửa soạn cho năm 2000, các Giáo Hội riêng biệt cũng có việc để làm, chẳng hạn như cử hành những cuộc mừng cho những giai đoạn quan trọng trong lịch sử cứu rỗi của các dân nước khác nhau. Trong số các cuộc mừng kỷ niệm theo miền hay địa phương, có những biến cố rất quan trọng phải kể đến, gồm có: kỷ niệm 1000 năm Rus gia nhập Kitô giáo, vào năm 1988, cũng như kỷ niệm 500 năm bắt đầu việc truyền bá phúc âm ở Mỹ Châu (1492). Ngoài những biến cố có một ảnh hưởng rộng lớn như thế, chúng ta còn có thể kể đến những biến cố khác, mặc dù không có tính cách hoàn vũ, cũng không kém phần quan trọng: Chẳng hạn như, kỷ niệm 1000 năm Balan gia nhập Kitô giáo, vào năm 1966, cũng như ở Hung Gia Lợi, vào năm 1968, cùng với 600 năm Luthuania gia nhập Kitô giáo, vào năm 1987. Cũng sắp sửa cử hành mừng kỷ niệm 1500 năm Clovis (496), vua của dân Franks (Pháp), lãnh nhận bí tích rửa tội, và kỷ niệm 1400 năm thánh Augustinô thành Canterbury (597) đến đây để đánh dấu việc khởi sự truyền bá phúc âm cho thế giới của sắc dân Anglo-Saxon.
Nếu kể đến Á Châu, cuộc kỷ niệm mừng sẽ nhắc cho chúng ta nhớ lại việc thánh tông đồ Tôma là vị, theo truyền khẩu, vào ngay đầu kỷ nguyên Kitô giáo, đã thực hiện việc loan báo Phúc Âm ở Ấn Độ, nơi mà các nhà truyền giáo từ Bồ Đào Nha mãi đến độ năm 1500 mới đặt chân đến. Năm nay cũng đánh dấu 700 năm truyền bá phúc âm ở Trung Hoa (1294), và chúng ta đang sửa soạn tưởng niệm công cuộc truyền giáo trải rộng ở Phi Luật Tân, một công cuộc truyên giáo trải rộng được thể hiện qua việc xây dựng một giáo tỉnh ở Manilla (1595). Chúng ta cũng đang hướng đến ngày kỷ niệm 400 năm các vị tử đạo đầu tiên ở Nhật Bản (1597).
Ở Phi Châu, nơi mà công cuộc truyền bá Phúc Âm đầu tiên cũng được tính từ thời các thánh tông đồ, những quốc gia như Cameroon, Ivory Coast, Cộng Hòa Trung Phi, Burundi và Burkina Faso đang cử hành 100 năm kỷ niệm các nhà truyền giáo đến những miền đất riêng của họ, những cuộc kỷ niệm này trùng với 1650 năm thánh Frumentiô (c.340) được cất nhắc lên hàng giáo phẩm, vị giám mục tiên khởi của dân Ethiôpia, đồng thời cũng trùng với cuộc kỷ niệm 500 năm bắt đầu truyền bá phúc âm ở Angola thuộc cựu vương quốc Congo (1491). Những quốc gia Phi Châu khác mới đây cũng đã cử hành những kỷ niệm bách chu niên như vậy.
Chúng ta làm sao lại không đề cập đến các Giáo Hội Đông Phương, nơi mà các vị thượng phụ cổ kính của họ gắn bó rất chặt chẽ với di sản tông đồ, và cũng là nơi mà các truyền thống thần học, phụng vụ và tu đức tạo nên một kho tàng vĩ đại làm di sản chung cho toàn thể Kitô giáo? Nhiều cuộc cử hành mừng kỷ niệm nơi những Giáo Hội này, và nơi các cộng đồng công nhận mình bắt nguồn từ truyền thống tông đồ riêng của họ, cũng đang tưởng nhớ lại cuộc hành trình của Đức Kitô qua các thế kỷ, cuộc hành trình dẫn đến cuộc Đại Hỷ ở vào cuối thiên niên thứ hai này.
Nhìn theo luồng ánh sáng này thì toàn thể lịch sử Kitô giáo hiện lên cho chúng ta thấy như là một giòng sông duy nhất có nhiều chi nhánh đổ nước vào nó. Năm 2000 kêu mời chúng ta hợp lại với nhau, bằng một lòng trung thành mới mẻ và bằng một niềm hiệp thông sâu xa hơn theo bờ của giòng sông lớn lao này: giòng sông của mạc khải, của Kitô giáo và của Giáo Hội, một giòng sông chảy qua lịch sử loài người, bắt đầu từ biến cố xẩy ra ở Nazarét, rồi đến Bêlem 2000 năm trước đây. Đó thực sự là một “giòng sông”, cùng với các “mạch suối” của mình, như lời thánh vịnh diễn tả, “làm hân hoan thành đô của Thiên Chúa” (46:4).
26- Những năm thánh được cử hành vào hậu bán thế kỷ này cũng góp vào việc sửa soạn cho năm 2000. Năm thánh được Đức Phaolô VI công bố hồi 1975 vẫn còn nguyên trong ký ức của chúng ta. Theo đà ấy là cuộc cử hành năm 1983 như là một Năm Cứu Chuộc. Có tiếng vang nhất phải kể đến Năm Thánh Mẫu 1986/87; năm này đã được nóng lòng chờ đợi và sâu xa cảm nghiệm nơi từng Giáo Hội địa phương, nhất là nơi các đền Thánh Mẫu khắp thế giới. Thông điệp Redemptoris Mater được ban hành vào dịp này đã chú trọng đến giáo huấn của Công Đồng về việc hiện hiện của Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm của Chúa Kitô và Giáo Hội: 2000 năm trước, Con Thiên Chúa đã làm người bởi quyền phép Chúa Thánh Thần và được sinh ra bởi Mẹ Maria Đồng Trinh vô nhiễm. Năm Thánh Mẫu thực sự là một ngưỡng vọng về cuộc kỷ niệm (Đại Hỷ) này, nó cũng chất chứa nhiều điều sẽ được thể hiện hoàn toàn hơn vào năm 2000.
27- Thật khó lòng mà quên được Năm Thánh Mẫu diễn ra không bao lâu trước những biến cố năm 1989. Những biến cố này vẫn còn làm cho người ta ngỡ ngàng về sự việc xẩy ra có tính cách rộng lớn, nhất là có tính cách tốc độ của nó. Thập niên 1980 là những năm được đánh dấu bằng mức độ tăng phát tai biến bởi một cuộc Chiến Tranh Lạnh. Năm 1989 đã dẫn đến một giải quyết nhẹ nhàng, bằng hình thức lan tràn một cách thứ tự lớp lang, đúng như nó đã xẩy ra. Căn cứ vào sự kiện này, chúng ta nhận thức được tầm quan trọng có tính cách tiên tri thực sự trong thông điệp Rerum Novarum: Mọi điều Đức Lêô XIII đã viết trong bức thông điệp này về cộng sản đã được ứng nghiệm nơi những biến cố ấy, như Tôi đã nhấn mạnh trong thông điệp Centesimus Annus (ngày 1-5-1991, đoạn 12). Những biến cố này đã hé mở ra cho người ta có thể nhận thức được rằng có một bàn tay quan phòng vô hình đã nhúng vào bằng một tấm lòng chăm sóc của một hiền mẫu: “Có thể nào một người nữ quên được đứa con nhỏ của mình chăng?” (Is.49:15).
Tuy nhiên, sau năm 1989, lại nổi lên những hiểm nguy và những đe dọa mới. Nơi những nước thuộc khối Đông Âu trước kia, sau khi cộng sản sụp đổ, đã xẩy ra một thứ đe dọa trầm trọng là tinh thần quốc gia qúa khích, được chứng thực qua những biến cố xẩy ra ở Balkans, cũng như ở các vùng lân cận. Điều này buộc các dân tộc Âu Châu phải thực hiện một cuộc khảo sát gắt gao lương tâm mình, và công nhận những lỗi lầm cùng với các sai lạc của mình, cả về kinh tế lẫn chính trị, là hậu qủa gây ra bởi những chính sách thực dân đế quốc được thực hiện trong những thế kỷ trước đây, cũng như thế kỷ hiện tại, nơi những đất nước mà quyền lợi của họ bị vi phạm một cách có phương pháp.
28- Theo sau Năm Thánh Mẫu là Năm Gia Đình mà chúng ta đang cử hành đây, một cử hành có liên hệ gần gũi với mầu nhiệm Nhập Thể và với chính lịch sử loài người. Như thế chúng ta có lý do chính đáng để hy vọng rằng Năm Gia Đình, được khai mạc ở Nazarét, cũng sẽ giống như Năm Thánh Mẫu, trở nên một giai đoạn quan trọng khác cho việc sửa soạn mừng cuộc Đại Hỷ.
Theo chiều hướng này, Cha đã viết một “Bức Thư gửi Các Gia Đình”, mục đích là để tái xác nhận bản chất của giáo huấn Giáo Hội về gia đình, cũng như để, có thể nói, mang giáo huấn này vào mọi gia đình. Tại Công Đồng Vaticanô II, Giáo Hội nhận thấy phận sự của mình là phải đề cao phẩm giá của hôn nhân và gia đình (hiến chế Gaudium et Spes, đoạn 47-52). Năm Gia Đình nghĩa là năm giúp cho giáo huấn của Công Đồng về phương diện này thành hiện thực. Mỗi một gia đình, một cách nào đó, phải dự phần vào việc sửa soạn cho cuộc Đại Hỷ. Không phải hay sao, qua gia đình, gia đình Nazarét, mà Con Thiên Chúa đã chọn để đi vào lịch sử loài người?
IV- VIỆC SỬA SOẠN MỪNG GẦN
29- Nằm trên bối cảnh của một bức phông bao rộng (sweeping panorama) như thế, hiện lên một vấn nạn như thế này: đó là làm sao chúng ta có thể phác họa được một chương trình chi tiết để khởi xướng cho cuộc sửa soạn thẳng vào cuộc Đại Hỷ hay chăng? Thật vậy, những gì được nói đến trên đây đã bao gồm cả những yếu tố cho một chương trình như vậy. Một dự án càng chi tiết về những diễn tiến đặc biệt lại càng cần phải được tham khảo rộng rãi, để nó không mất đi tính chất nguyên thủy và không khó áp dụng tại các Giáo Hội riêng biệt ở trong những hoàn cảnh khác nhau. Vì lý do này, Tôi muốn tham khảo ý kiến những vị chủ tịch của các hội đồng giám mục, nhất là các vị hồng y.
Tôi biết ơn các vị trong Hồng Y Đoàn, đến họp trong một hội nghị bất thường vào ngày 13-14/6/1994, đã đưa ra một số những dự án và đã đề nghị về các chỉ dẫn hữu ích. Tôi cũng cám ơn qúi huynh trong hàng giáo phẩm, bằng những cách thức khác nhau, đã chuyển đạt những ý tưởng đáng qúi mà Tôi đã cẩn thận lưu tâm đến trong khi viết bức tông thư đây.
30- Cuộc tham khảo này làm sáng tỏ điều đề nghị thứ nhất về thời kỳ sửa soạn. Giờ đây chỉ còn vài năm nữa thôi là tới năm 2000: Cần phải chia thời kỳ này ra làm hai giai đoạn, để ý đến giai đoạn sửa soạn của 3 năm cuối cho kỹ lưỡng hơn. Thiết tưởng chồng chất nhiều sinh hoạt cho một thời gian sửa soạn dài sẽ làm phân tán việc chuyên chú về tinh thần. Bởi thế để tiến đến ngày lịch sử này, thích hợp nhất là ở giai đoạn đầu, làm sao cho tín hữu nhận thức được những đề tài tổng quát, rồi chú ý đến việc sửa soạn trực tiếp và nhắm thẳng vào thời kỳ thứ hai, bao gồm một giai đoạn 3 năm, hướng đến việc cử hành mầu nhiệm Chúa Kitô cứu thế.
A- Thời Kỳ Thứ Nhất:
31- Thời kỳ thứ nhất vì thế có đặc tính của việc tiền chuẩn bị; nó có một mục đích là làm sống lại nơi người Kitô hữu nhận thức về giá trị và ý nghĩa của cuộc mừng năm 2000 theo lịch sử loài người. Là một cuộc tưởng niệm việc Chúa Giêsu giáng sinh, cuộc kỷ niệm mừng này phải được đi sâu vào chiều kích Kitô học.
Trong việc tiếp tục tỏ ra đức tin Kitô giáo bằng lời nói cũng như bí tích, nhất là trong cuộc kỷ niệm đặc biệt này, cũng cần phải liên kết giữa việc tổ chức tưởng niệm và việc tổ chức cử hành, để không phải chỉ tưởng niệm biến cố theo tư tưởng, mà còn làm cho tầm quan trọng cứu độ được hiện diện qua việc cử hành các bí tích nữa. Cuộc cử hành kỷ niệm mừng này phải làm cho những Kitô hữu hôm nay đây vững mạnh trong đức tin của họ nơi Thiên Chúa, Đấng đã mạc khải chính mình ra qua Đức Kitô, nâng đỡ đức cậy của ho, cho nó vươn lên theo lòng mong ước muốn được hưỏng sự sống đời đời, và thắp lại đức mến của họ trong việc tích cực phục vụ anh chị em của mình.
Trong giai đoạn thứ nhất (1994-1996), nhờ một tiểu ban được thiết lập cho mục tiêu này, Toà Thánh sẽ gợi ý những vấn đề suy tư và hành động trên lãnh vực hoàn vũ. Những ủy ban tương đương ở các Giáo Hội địa phương cũng phải có một nỗ lực tương tự trong việc đề cao nhận thức một cách thực tỉ mỉ hơn nữa. Vấn đề là làm sao, bằng một đường lối nào đó, có một sự liên tục giữa điều được thực hiện trong giai đoạn sửa soạn xa thì đồng thời cũng kéo dài cả trong giai đoạn tiếp tới, để mang lại một cảm nhận sâu xa hơn về những phương diện quan hệ nhất đến cuộc cử hành kỷ niệm mừng này.
32- Một cuộc mừng bao giờ cũng là một dịp của ơn ban đặc biệt, một ngày được Chúa chúc phúc. Thế nên, như đã nhận định, nó là một thời điểm vui mừng. Cuộc mừng năm 2000 có ý nghĩa phải là một cuộc nguyện cầu long trọng của chúc tụng và tạ ơn, cách riêng vì tặng ân nhập thể của Con Thiên Chúa và của ơn cứu chuộc mà Người đã hoàn thành. Trong năm mừng kỷ niệm này, các Kitô hữu, với một đức tin cao vời mới mẻ, sẽ đứng trước tình yêu của Chúa Cha, Đấng đã ban Con Mình “để ai tin vào Con sẽ không chết song sẽ được sự sống đời đời” (Jn.3:16). Và với một cảm thức dấn thân sâu xa, họ cũng sẽ thể hiện lòng biết ơn của mình đối với tặng ân được ban cho có Giáo Hội mà Chúa Kitô thiết lập như “một thứ bí tích hay dấu hiệu hiệp thông thân tình với Thiên Chúa và hiệp nhất tất cả loài người” (hiến chế Lumen Gentium, đoạn 1). Lòng biết ơn của họ sẽ bao gồm những hoa trái thánh thiện đã chín mùi nơi cuộc sống của tất cả những người nam nữ, mà qua mọi thế hệ và mọi giai đoạn lịch sử, đã tiếp nhận tặng ân cứu rỗi cách trọn vẹn.
Tuy nhiên, niềm vui của mọi cuộc mừng, trước hết, là niềm vui được đặt trên việc thứ tha tội lỗi, trên nỗi hân hoan cải thiện. Vì thế, cũng cần nhấn mạnh một lần nữa đến chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1984 về thống hối và hòa giải (tông huấn Reconciliatio et Paenitentia, 2/12/1984). Thượng hội đồng này là một biến cố trọng đại ngoại thường trong sinh hoạt của Giáo Hội hậu công đồng. Thượng hội đồng này đào sâu vào vấn đề từng liên quan đến việc cải hối (metanoia), một việc cải hối, về phía cá nhân cũng như cộng đồng, cần phải có trước khi đi đến việc hòa giải với Thiên Chúa.
33- Bởi thế, trong khi thiên niên thứ hai gần hết, Giáo Hội càng cần phải hoàn toàn nhận thức được tội lỗi của con cái mình, nhớ lại tất cả những lúc, trải qua theo giòng lịch sử, họ đã xa rời tinh thần của Chúa Kitô và Phúc Âm của Người, thay vì hiến cho thế giới một chứng từ của một đời sống được thúc đẩy bởi những giá trị đức tin, thì lại tìm thỏa mãn bằng những cách suy tư cũng như bằng tác hành dưới những hình thức thực sự phản chứng tá và gây gương mù.
Được tháp nhập vào Chúa Kitô, mặc dù là thánh, Giáo Hội không hề mệt mỏi trong việc thực hiện việc thống hối: Trước nhan Thiên Chúa và trước mặt con người, Giáo Hội luôn luôn công nhận những người con nam nữ tội lỗi như là của riêng mình. Như hiến chế Lumen Gentium đã xác nhận: “Ôm ấp những tội nhân trong lòng của mình, Giáo Hội vừa thánh thiện mà cũng luôn luôn cần phải được thanh tẩy, và không thôi theo đuổi đường lối thống hối và canh tân” (đoạn 8).
Cánh cửa thánh của cuộc mừng năm 2000 phải là một biệu hiệu rộng hơn cánh cửa của các cuộc mừng trước đây, bởi vì, nhân loại trong khi tiến đến đích điểm này phải bỏ lại sau lưng không phải chỉ một thế kỷ mà là một ngàn năm. Thế nên, Giáo Hội phải thực hiện cuộc vượt qua này với một ý thức rõ ràng về những gì đã xẩy ra cho Giáo Hội trong 10 thế kỷ qua. Giáo Hội không thể nào bước qua ngưỡng cửa của một thiên niên mới mà không thôi thúc con cái của mình, bằng việc thống hối, thanh tẩy những lỗi lầm quá khứ cũng như những lúc bất trung, bất nhất và hành động chậm chạp. Công nhận những yếu đuối qúa khứ là một hành động tự trọng và can đảm, giúp chúng ta tăng cường đức tin, làm cho chúng ta tỉnh táo để đối diện với những cám dỗ và thử thách hiện tại, cũng như để có thể đương đầu với chúng.
34- Trong số những tội lỗi cần phải dứt khoát thống hối và cải thiện, chắc chắn phải kể tới những tội lỗi đã làm thiệt hại đến niềm hiệp nhất theo ý Thiên Chúa muốn nơi dân của Người. Trong giòng lịch sử 1000 năm mà giờ đây đang đến hồi kết thúc, việc hiệp thông hội thánh, còn hơn cả trong ngàn năm đầu, đã bị tổn thương một cách xót đau, một sự kiện “mà có những lúc cả hai bên đều phải trách mình” (sắc lệnh Unitatis Redintegratio, đoạn 3). Những vết thương như thế hiển nhiên là phản lại với ý muốn của Chúa Kitô và gây gương mù cho thế giới (cùng đoạn sắc lệnh trên). Những tội lỗi quá khứ này, bất hạnh thay, vẫn còn đè nặng trên chúng ta và vẫn từng là những thử thách hiện nay. Cần phải thực hiện những bổ khuyết cho chúng, và tha thiết xin Chúa Kitô thứ tha.
Vào những năm cuối cùng của thiên niên này, Giáo Hội phải khẩn xin Chúa Thánh Thần, tha thiết hơn nữa, cầu cùng Người ban cho chúng ta ơn hiệp nhất Kitô giáo. Đây là một vấn đề quan thiết không thể thiếu trong việc chúng ta làm chứng cho Phúc Âm trước mặt thế gian. Đặc biệt từ Công Đồng Chung Vaticanô II, nhiều cuộc xướng xuất có tính cách đại kết đã được đảm trách một cách tận tình và tận lực: Có thể nói, vào những năm gần đây, toàn thể sinh hoạt của các Giáo Hội địa phương cũng như của Hội Thánh đã dính dáng đến chiều kích đại kết. Hội Đồng Phát Động Hiệp Nhất Kitô Giáo đã trở nên một chất kích tố quan trọng (catalyst) trong phong trào hướng đến cuộc hiệp nhất trọn vẹn.
Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều biết rằng để đạt được mục tiêu này không phải chỉ là do nỗ lực của con người mà thôi, cho dù không thể thiếu nó đi nữa. Xét cho cùng thì hiệp nhất là tặng ân của Chúa Thánh Thần. Chúng ta cần phải mau chóng đáp lại tặng ân này, mà không mập mờ trong việc làm chứng cho chân lý, sẳn sàng áp dụng những chỉ dẫn được Công Đồng phác họa, cùng với những văn kiện theo sau của Tòa Thánh, cũng là những văn kiện đáng giá đối với nhiều Kitô hữu chưa hoàn toàn hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo.
Thế thì đây là một trong những công việc của các Kitô hữu trong thời gian chúng ta tiến đến năm 2000. Tận điểm của đệ nhị thiên niên đang tiến tới đòi mọi người phải khảo sát lương tâm và phải coi trọng những xướng suất có tính cách đại kết thích hợp, để chúng ta có thể cử hành cuộc Đại Hỷ, nếu chưa hoàn toàn hiệp nhất với nhau thì ít ra cũng xích lại gần nhau hơn là những chia rẽ của thời đệ nhị thiên niên. Như mọi người nhận thấy, về vấn đề này, còn cần phải nỗ lực rất là nhiều. Nỗ lực rất là nhiều này là một điều thiết yếu, không những để tiếp tục theo con đường đối thoại về những vấn đề tín lý, mà trên hết là để quyết tâm hơn nữa trong việc cầu nguyện cho cuộc hiệp nhất Kitô giáo. Việc cầu nguyện như vậy sau Công Đồng càng trở nên khẩn trương, nhưng nó còn cần phải tăng thêm nữa, bao gồm số Kitô hữu nhiều hơn bao giờ hết, để hiệp nhất với lời khẩn nguyện của Chúa Kitô trước cuộc vượt qua của Người: “Lạy Cha… để họ tất cả cũng được nên một trong chúng ta” (Jn.17:21).
35- Một chương lịch sử đau thương khác mà các đứa con nam nữ của Giáo Hội phải quay về với một tinh thần thống hối, đó là chương lịch sử, nhất là trong một số thế kỷ, về việc chiều theo tính bất nhẫn, và ngay cả việc dùng bạo lực, để phụng sự cho chân lý.
Đúng thế, một phán đoán chính xác có tính cách lịch sử không thể nào lại cố tình bỏ qua việc tìm hiểu cẩn thận bối cảnh văn hóa của thời đại, một phán đoán mà căn cứ vào đó nhiều người lòng ngay lại chủ trương rằng, việc làm chứng thực sự cho chân lý có thể bao gồm cả việc đàn áp những ý kiến của kẻ khác, hay ít là không để ý gì đến những ý kiến đó. Nhiều yếu tố thường trùng hợp để tạo nên những giả thuyết biện minh cho việc bất nhẫn, đồng thời nung nấu một bầu khí sôi động, mà chỉ có tinh thần cao cả, thật sự tự do và đầy Thiên Chúa, mới có thể giải tỏa bằng một cách nào đó. Mặc dù có xét đến những căn cớ để làm cho sự việc nhẹ hơn đi nữa, thì Giáo Hội cũng không thể nào được miễn trừ khỏi việc cần phải tỏ ra một niềm tiếc xót sâu xa, đối với những yếu đuối của rất nhiều con cái nam nữ của mình, đã làm ám muội đi dung nhan Giáo Hội, khiến Giáo Hội không hoàn toàn phản chiếu hình ảnh của một vị Chúa tử giá là mẫu chứng siêu việt cho một tình yêu nhẫn nhịn và một đức hiền lành khiêm hạ. Từ những giây phút quá khứ đau thương này, có thể rút ra một bài học cho tương lai, dẫn tất cả mọi Kitô hữu đến việc hoàn toàn gắn chặt lấy nguyên tắc mà Công Đồng đã phát biểu: “Chân lý không thể nào tự mình áp đặt, ngoại trừ vì chính sự xác thực của nó, nếu nó muốn dùng cả sự dịu dàng lẫn mãnh lực để chiếm lấy tâm trí con người” (tuyên ngôn Dignitatis Humanae, về tự do tôn giáo, đoạn 1).
36- Nhiều vị hồng y và giám mục đã tỏ ý muốn, trước hết, phải có một cuộc khảo sát lương tâm cẩn thận về phiá Giáo Hội hôm nay. Trước ngưỡng cửa của một tân thiên niên, Kitô hữu cần phải khiêm tốn đặt mình trước nhan Chúa, xét mình về trách nhiệm mà họ cũng phải gánh chịu đối với những sự dữ của thời điểm chúng ta. Thật vậy, tuy có nhiều sáng sủa, thời hiện đại này cũng không phải là không có ít nhiều bóng tối.
Chẳng hạn, chúng ta làm sao có thể giữ im lặng về tình trạng lạnh nhạt đạo đức làm cho nhiều người hiện nay sống như không có Thiên Chúa, hay sống theo một lòng đạo mơ hồ, không có khả năng nắm vững vấn đề chân lý, cần phải trước sau như một. Thêm vào đó, còn phải kể đến tình trạng mất đi một cách sâu rộng cái ý nghĩa siêu việt về sự sống con người, cũng như phải kể đến tình trạng lẫn lộn trong lãnh vực đạo lý, ngay cả về những giá trị căn bản trong việc tôn trọng sự sống và gia đình. Về mặt này, ngay những người con nam nữ của Giáo Hội nữa cũng cần phải xét mình lại. Họ đã bị nhuốm phải bầu khí của phong trào tục hóa (secularism) và khuynh hướng đạo lý tương đối (ethical relativism) đến đâu? Và họ phải gánh chịu trách nhiệm nào trong việc làm cho tình trạng thiếu lòng đạo tăng lên, vì họ không chứng tỏ được dung nhan chân thật của Thiên Chúa, bởi đã “không sống theo cuộc sống tôn giáo, luân lý hay xã hội của mình” (hiến chế Gaudium et Spes, đoạn 19)?
Không thể nào phủ nhận được rằng, đối với nhiều Kitô hữu, cuộc sống tâm linh của họ đang trải qua một thời gian chao đảo, gây ảnh hưởng cho chẳng những đời sống luân lý của họ mà cả đến đời sống cầu nguyện cũng như tư tưởng đúng đắn về thần học theo đức tin của ho nữạ. Đức tin, bị thử thách bởi những thách đố của thời đại chúng ta đã vậy, đôi khi còn bị hướng dẫn lệch lạc bởi những quan điểm thần học sai lầm, gây ra bởi tệ nạn đang sôi động lan truyền trong việc ngang nhiên bất phục tùng quyền giáo huấn của Giáo Hội .
Về vấn đề liên quan đến Giáo Hội trong thời đại của chúng ta đây, làm sao chúng ta không ngậm ngùi trước tình trạng thiếu ý thức, thậm chí có những lúc nhiều Kitô hữu còn ưng theo việc phạm đến những quyền làm người căn bản, gây ra bởi những chế độ độc tài chuyên chế? Và chúng ta cũng không tiếc xót sao được, trong số những bóng tối nơi thời điểm của chúng ta, trách nhiệm mà rất nhiều Kitô hữu phải gánh chịu đối với những hình thức bất công và tẩy chay? Vấn đề được đặt ra là có bao nhiêu Kitô hữu thực sự hiểu biết và thực hành những nguyên tắc giáo huấn của Giáo Hội về xã hội.
Cuộc khảo sát lương tâm cũng phải xét đến thái độ tỏ ra đón nhận thế nào đối với Công Đồng Vaticanô II, một tặng ân cao cả mà Thần Linh đã ban cho Giáo Hội vào cuối đệ nhị thiên niên. Lời của Thiên Chúa đã trở nên hốn sống của thần học và là nguồn hứng cho cả cuộc sống Kitô hữu, trọn đầy hơn nữa đến mức nào, theo như Dei Verbum (hiến chế về Mạc Khải)? Phụng vụ có được sống như là nguồn mạch và là thượng đỉnh của sinh hoạt thuộc về hội thánh không, theo giáo huấn của Sacrosanctum Concilium (hiến chế về Phụng Vụ)? Giáo hội học về việc hiệp thông được diễn giải trong Lumen Gentium (hiến chế về Giáo Hội) có được làm cho vững mạnh nơi Giáo Hội hoàn vũ cũng như nơi các Giáo Hội riêng biệt không? Những đặc sủng, những sứ vụ và những hình thức tham dự khác nhau của dân Thiên Chúa có được thể hiện chăng, một thể hiện không bị ảnh hưởng bởi ý hệ dân chủ và tính cách xã hội tương phản với quan niệm của Giáo Hội cũng như với tinh thần chân thực của Công Đồng Chung Vaticanô II? Một vấn đề quan trọng khác được nêu lên là bản chất của việc liên hệ giữa Giáo Hội và thế giới. Những chỉ dẫn của Công Đồng – được phác họa trong Gaudium et Spes (hiến chế Mục Vụ) và các văn kiện khác – về việc đối thoại một cách cởi mở, tôn trọng và thân tình, vẫn còn hiệu lực và mời gọi chúng ta phải dấn thân hơn nữa, tuy nhiên, nó phải được đi kèm với một nhận thức rõ ràng cùng với việc can đảm làm chứng cho chân lý.
37- Giáo Hội trong ngàn năm thứ nhất được sinh ra nhờ máu của các vị tử đạo: “Sanguis martyrum – semen christianorum” (câu nói của giáo phụ Tertullian: máu các vị tử đạo là hạt giống kitô giáo). Những biến cố lịch sử gắn liền với nhân vật Constantine Cả cũng không thể nào làm cho Giáo Hội phát triển được, như nó thực sự đã xẩy ra trong đệ nhất thiên niên, nếu nó không có những hạt giống của các vị tử đạo, cũng như của một di sản thánh thiện, là những dấu vết của những thế hệ Kitô hữu đầu tiên. Vào cuối đệ nhị thiên niên, một lần nữa, Giáo Hội lại trở nên một Giáo Hội của các vị tử đạo. Những cuộc bắt bớ các tín hữu – linh mục, Tu Sĩ và giáo dân – đã gây ra một cuộc gieo vãi rộng lớn máu tử đạo ở các phần đất khác nhau trên thế giới. Việc làm chứng cho Chúa Kitô cho đến đổ máu mình ra đã trở nên một di sản chung của những người Công Giáo, Chính Thống Giáo và Thệ Phản, như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói lên trong bài giảng của ngài, khi phong thánh cho các vị tử đạo ở Ugandan (x. Acta Apostolicae 56 -1964- 906).
Chứng từ này không thể nào được phép quên đi. Giáo Hội của các thế kỷ đầu tiên, mặc dầu phải đối diện với những khó khăn đáng kể có tính cách tổ chức hóa, cũng đã viết xuống những sổ bộ chứng tích (martyrologies), đặc biệt về những chứng tá của các vị tử đạo. Những sổ bộ chứng tích này, qua các thế kỷ được liên tục thêm vào, và việc ghi danh tích các thánh cũng như các chân phước không phải chỉ kể đến những vị đổ máu ra vì Chúa Kitô, mà còn cả các vị thày dậy đức tin, các nhà truyền giáo, các vị giải tội, các đức giám mục, các linh mục, các trinh nữ, các cặp vợ chồng, các bà góa và các trẻ em nữa.
Trong thế kỷ của chúng ta đây, các vị tử đạo đã trở lại, nhiều vị trong các ngài không có tên tuổi, như những người lính vô danh cho ý muốn cao cả của Thiên Chúa. Giáo Hội phải cố gắng hết sức để chứng tích của họ không bị mất đi. Như nghị hội (Hồng Y Đoàn, được nhắc đến ở đoạn 29) đề nghị, các Giáo Hội địa phương phải tận lực để bảo đảm toàn vẹn việc tưởng nhớ đến những vị đã chịu tử đạo, bằng cách thu tích những tài liệu cần thiết. Cử chỉ này cũng không thể nào bỏ qua tính cách và biểu hiện liên quan đến việc đại kết. Có lẽ hình thức nổi bật nhất trong phong trào đại kết là phong trào đại kết các vị thánh và các vị tử đạo. Việc các thánh thông công (communio sanctorum) còn lớn tiếng hơn cả những gì làm chia rẽ chúng ta. Sổ bộ chứng tích của các thế kỷ đầu là nền gốc cho việc tôn kính các vị thánh. Bằng việc công bố và tôn kính nhân đức thánh thiện nơi các người con nam nữ của mình, Giáo Hội hiến dâng lên chính Thiên Chúa một sự tôn vinh cao cả; nơi các vị tử đạo, Giáo Hội tôn kính Chúa Kitô, Đấng là căn nguyên tử đạo của các ngài cũng là căn nguyên nhân đức thánh thiện của các ngài. Vào những thời sau (các thế kỷ đầu) việc phong thánh đã hình thành, một thực hành vẫn còn tiếp tục nơi Giáo Hội Công Giáo cũng như nơi các Giáo Hội Chính Thống Giáo. Trong những năm gần đây, con số được phong thánh và chân phước đã tăng triển. Những vị này chứng tỏ cho thấy sức sống nơi các Giáo Hội địa phương, ngày nay còn nhiều hơn cả ở những thế kỷ đầu cũng như ở thiên niên thứ nhất. Việc tôn phụng cao cả nhất mà tất cả Giáo Hội có thể dâng lên cho Chúa Kitô trước ngưỡng cửa của thiên niên thứ ba này, đó là việc biểu dương sự hiện diện toàn năng của Đấng Cứu Thế, qua các hoa trái tin, cậy, mến nơi các người nam nữ thuộc nhiều ngôn ngữ và chủng tộc khác nhau, những người đã theo Chúa Kitô bằng nhiều hình thức khác nhau của ơn gọi Kitô giáo.
Công việc của Hội Thánh, trong cuộc sửa soạn cho năm 2000, sẽ là việc cập nhật hóa các sổ bộ chứng tích cho Giáo Hội hoàn vũ, chú trọng cẩn thận đến nhân đức thánh thiện của những vị sống trọn vẹn theo chân lý của Chúa Kitô thuộc thời đại chúng ta. Phải chú ý cách riêng đến việc nhận biết những nhân đức anh hùng của những người nam nữ sống ơn gọi Kitô hữu của mình trong đời sống hôn nhân. Chính vì chúng ta khâm phục những hoa trái thánh thiện dồi dào trong bậc sống hôn nhân, mà chúng ta cần tìm ra những phương thức thích hợp nhất để nhận ra họ và trình bày họ cho toàn thể Giáo Hội biết, như là một mẫu gương và là một niềm khích lệ cho các cặp vợ chống khác.
38- Các vị hồng y và giám mục cũng nhấn mạnh đến một nhu cầu khác nữa, đó là nhu cầu các cuộc nhóm họp (Hội Đồng Giám Mục) từng lục địa, theo gương các cuộc nhóm họp của (Hội Đồng Giám Mục) Âu Châu và Phi Châu. Hội nghị chung vừa qua của hàng giáo phẩm Mỹ Châu Latinh đã đồng ý, với sự chấp thuận của các vị giám mục Bắc Mỹ, dự án tổ chức một cuộc nhóm họp cho Mỹ Châu, về những vấn nạn truyền bá phúc âm nơi cả hai miền cùng một lục địa mà nguồn gốc và lịch sư lại rất khác nhau, cũng như về những vấn đề công lý, cùng với những liên hệ kinh tế liên quốc trước khoảng cách khổng lồ giữa miền Bắc và miền Nam.
Một dự án khác cho cuộc nhóm họp lục địa sẽ liên quan đến Á Châu, nơi mà vấn đề gặp gỡ giữa Kitô giáo và những văn hóa cũng như tôn giáo cổ truyền địa phương, sẽ là một dự án khá nặng. Đây là một thách đố lớn lao cho việc truyền bá phúc âm, vì những nền móng tôn giáo như Phật giáo hay Ấn giáo đã rõ ràng mặc một tính chất liên quan đến việc cứu rỗi (soteriological character). Nhân dịp Đại Hỷ, cũng rất cần có một cuộc nhóm họp để dẫn giải và cắt nghĩa đầy đủ hơn, về sự thật chỉ có Đức Kitô là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, Người là Đấng Cứu Chuộc duy nhất của thế giới, hoàn toàn nổi bật hơn những vị giáo tổ của các tôn giáo lớn khác. Bắng một nhận định thành thực, Giáo Hội coi những yếu tố về sự thật được thấy nơi các tôn giáo ấy như là một phản ảnh của chân lý mà ánh sáng của nó soi cho tất cả mọi con người nam nữ (tuyên ngôn Nostra Aetate, về Liên Hệ giữa Giáo Hội với các Tôn Giáo ngoài Kitô Giáo, đoạn 2). Ecce natus est nobis Salvator mundi (xin tạm dịch: Này đây Đấng Cứu Chuộc thế giới của chúng ta đã sinh ra): Vào năm 2000 việc loan báo chân lý này (theo người dịch hiểu theo mạch văn ở đây: “chân lý này” là chân lý được diễn tả qua câu Latinh trên đây) phải vang vọng bằng một mãnh lực mới mẻ.
Đối với Đại Dương Châu cũng vậy, nên có một cuộc nhóm họp miền. Ở miền đất này, trong số các vấn đề khác, còn có vấn đề về loại người nguyên chủng (aboriginal poeple), loại người làm khơi dậy, một cách đặc biệt, một lãnh vực liên quan đến tiền sử của loài người. Trong cuộc nhóm họp này, cùng với những vấn nạn khác trong miền của mình, có một vấn đề không thể bỏ qua, đó là vấn đề Kitô giáo giao tiếp với những hình thức tôn giáo cổ kính nhất, những hình thức tôn giáo tỏ ra có khuynh hướng đơn thần.
B- Thời Kỳ Thứ Hai:
39- Từ một chương trình sâu rộng để làm cho Kitô hữu ý thức như thế, chúng ta mới có thể bắt đầu sang đến thời kỳ thứ hai, thời kỳ sửa soạn một cách triệt để. Thời kỳ này sẽ diễn tiến trong vòng 3 năm, từ năm 1997 đến 1999. Cấu trúc của chủ đề cho giai đoạn 3 năm này nhắm vào Chúa Kitô, Con Thiên Chúa làm người, cần phải có tính cách thần học, và vì thế cũng có tính cách Ba Ngôi.
Năm Một: Chúa Giêsu Kitô
40- Như thế, năm thứ nhất, năm 1997, sẽ được dành cho việc suy niệm về Chúa Kitô, Lời của Thiên Chúa, làm người bởi quyền phép Chúa Thánh Thần. Tính chất đăc thù về Kitô học liên quan đến cuộc mừng này cần phải được nhấn mạnh, vì cuộc mừng này sẽ cử hành việc Con Thiên Chúa Nhập Thể và đến trong thế gian, một mầu nhiệm cứu chuộc đối với cả loài người. Chủ đề tổng quát được nhiều hồng y và giám mục đề nghị cho năm nay là: “Chúa Giêsu Kitô, vị cứu tinh duy nhất của thế giới, hôm qua, hôm nay và cho đến muôn đời” (x.Heb.13:8).
Trong số những đề tài về Kitô học, theo đề nghị của nghị hội (hồng y đoàn ngày 13-14/6/1994, như ĐTC đã nhắc đến ở đoạn 29), thì cần phải chú trọng: đến việc tái cảm nhận về Chúa Kitô, Đấng cứu thế cũng là Đấng loan truyền Phúc Âm, căn cứ vào chương 4 của Phúc Âm theo thánh Luca, đoạn Phúc Âm liên kết đề tài sứ mệnh rao giảng tin mừng của Chúa Kitô và đề tài của cuộc mừng này lại với nhau; rồi đến việc hiểu biết sâu xa hơn mầu nhiệm nhập thể cũng như mầu nhiệm Chúa Giêsu được hạ sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria; và đến việc cần phải tin vào Chúa Kitô để được cứu rỗi. Để nhận biết Chúa Kitô thực sự là ai, Kitô hữu, đặc biệt trong năm nay, phải trở về với Thánh Kinh bằng một cảm hứng mới, “hoặc là qua phụng vụ, phong phú những lời thần linh, hay là qua việc sốt sắng đọc (Thánh Kinh), hoặc là qua những buổi hướng dẫn (Thánh Kinh) thích hợp với mục đích của nó, cũng như qua những phương tiện khác” (hiến chế Verbum Dei, đoạn 25). Nơi những bản văn mạc khải, chính Cha trên trời đến với chúng ta bằng tình yêu và là Đấng ở trong chúng ta, tỏ ra cho chúng ta bản tính của Con Một Ngài cũng như chương trình cứu rỗi loài người của Ngài (x. hiến chế Verbum Dei, đoạn 2).
41- Việc dấn thân, như được nhắc đến trên đây, trong việc làm cho mầu nhiệm cứu chuộc hiện diện một cách nhiệm tích, có thể đưa đến, trong năm nay, một cảm nhận mới về bí tích rửa tội như là một bí tích nền tảng cho đời sống Kitô hữu, dựa theo lời của thánh tông đồ: “Vì tất cả anh em được rửa trong Chúa Kitô thì đã mặc lấy Người” (Gal.3:27). Cuốn Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã làm nhiệm vụ của mình trong việc nhắc nhớ là bí tích rửa tội cấu tạo nên “nền tảng của cuộc hiệp thông giữa tất cả mọi Kitô hữu, bao gồm cả những người chưa hoàn toàn hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo” (số 1271). Từ một quan điểm đại kết như thế, năm này sẽ là một năm rất quan trọng đối với các Kitô hữu để họ cùng nhau nương dựa vào Đức Kitô là Chúa duy nhất, khi đi sâu vào cuộc dấn thân của mình hầu được nên một trong Người, hợp với lời Người nguyện cầu cùng Chúa Cha. Việc nhấn mạnh đến trung tâm điểm (trong năm một) là Đức Kitô, là lời của Thiên Chúa và là đức tin này phải gây hứng khởi cho Kitô hữu của các giáo phái khác, và phải được họ ân cần đáp ứng.
42- Mọi sự phải nhắm vào mục tiêu chính yếu của cuộc mừng, đó là việc tăng cường đức tin và làm chứng tá của người Kitô hữu. Bởi thế, cần phải khêu gợi lên nơi tất cả mọi tín hữu một lòng khao khát nên thánh thực sự, một ước vọng cải thiện sâu xa và canh tân bản thân, trong một tinh thần cầu nguyện thiết tha như chưa bao giờ có, và trong một tình đoàn kết với tha nhân, đặc biệt với người thiếu thốn nhất.
Thế nên, năm thứ nhất này sẽ là một thời điểm thuận tiện cho việc cảm nhận lại vấn đề dạy giáo lý theo ý nghĩa nguyên thủy của nó như là “”giáo huấn” của các tông đồ” (Acts 2:42) về con người của Chúa Giêsu Kitô cũng như về mầu nhiệm cứu rỗi của Người. Theo chiều hướng này thì việc học hỏi kỹ lưỡng cuốn Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo sẽ mang lại nhiều lợi ích, vì giáo lý trình bày “một cách trung thành và có hệ thống… giáo huấn của Sách Thánh, truyền thống của Giáo Hội và giáo huấn chính tông của Giáo Hội, cùng với di sản thiêng liêng của các giáo phụ, tiến sĩ và thánh nhân trong Giáo Hội, mang lại một tầm hiểu biết khá hơn về mầu nhiệm Kitô giáo và làm dậy men đức tin của dân Chúa” (tông hiến Fidei Depositum, 11-10-1992). Thực tế là chúng ta cần phải soi sáng cho lương tâm của tín hữu về những sai lầm liên quan đến con người của Chúa Kitô, bằng cách làm sáng tỏ những phản đề đối với Người cũng như đối với Giáo Hội.
43- Phải chiêm ngắm Đức Trinh Nữ là Đấng sẽ thực sự hiện diện một cách gián tiếp trong cả thời kỳ sửa soạn, đặc biệt ở năm thứ nhất này, nơi mầu nhiệm Người là Mẹ Thiên Chúa. Chính ở trong lòng dạ của Người mà Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể! Bởi thế, việc xác nhận vị trí then chốt của Chúa Kitô không thể nào tách lìa khỏi việc nhận biết vai trò mà người mẹ rất thánh của Người đã nắm giữ. Việc tôn kính Mẹ, nếu hiểu một cách đúng đắn, không hề làm mất đi “phẩm vị và công hiệu của Chúa Kitô trung gian” (hiến chế Lumen Gentium, đoạn 52). Thật ra, Mẹ Maria luôn luôn chỉ cho tín hữu đến với Con Thần Linh của Người, và đối với tất cả mọi tín hữu Mẹ được coi như mẫu gương sống đức tin. “Sốt sắng suy niệm về Mẹ và chiêm ngưỡng Mẹ trong ánh sáng của Lời làm người, Giáo Hội cung kính tiến vào sâu hơn mầu nhiệm tối cao của việc nhập thể, và càng giống như Người trong việc trở nên một hiền thê” (hiến chế Lumen Gentium, đoạn 65).
Năm Hai: Chúa Thánh Thần.
44- Năm 1998, năm thứ hai của thời kỳ sửa soạn này, sẽ được dâng kính một cách đặc biệt cho Chúa Thánh Thần và cho việc Ngài hiện diện linh thánh trong cộng đồng của các môn đệ Chúa Kitô. Tôi đã viết trong thông điệp Dominum et Vivificantem (về Chúa Thánh Linh trong sinh hoạt của Giáo Hội và thế giới, ban hành ngày 18-5-1986). “Cuộc đại hỷ ở vào thời điểm kết thúc đệ nhị thiên niên này liên quan đến phương diện Thánh Linh (pneumatological aspect), vì mầu nhiệm nhập thể đã được hoàn thành bởi “quyền phép Thánh Thần”. Mầu nhiệm nhập thể này được “thực hiện” bởi Thần Linh – đồng bản thể với Cha và Con – là Đấng, trong mầu nhiệm tối cao về Thiên Chúa Ba Ngôi, là ngôi-tình yêu (the person-love), là tặng ân nhưng không (the uncreated gift), mạch nguồn vô cùng của mọi tặng ân Thiên Chúa ban trong trật tự tạo dựng, là nguyên lý trực tiếp (the direct principle) cũng như, trong một ý nghĩa nào đó, là chủ thể trong việc thông ban mình của Thiên Chúa (the subject of God”s self-communication) theo trật tự ân sủng. Mầu nhiệm nhập thể là mức tuyệt đỉnh của việc ban phát này, một thông ban mình của thần linh” (đoạn 50).
Giáo Hội không thể nào sửa soạn cho tân thiên niên “theo một đường lối nào khác hơn là theo Chúa Thánh Linh. Việc đã được hoàn thành bởi quyền phép Chúa Thánh Linh “khi thời gian viên trọn” thì giờ đây cũng chỉ nhờ quyền phép Chúa Thánh Linh mới có thể tỏ hiện qua cuộc tưởng niệm của Giáo Hội” (cùng thông điệp, đoạn 51).
Thật ra, Thần Linh, ở trong Giáo Hội, qua mọi thời và mọi nơi, làm cho mạc khải đặc thù, được Chúa Kitô mang đến cho nhân loại, hiện thực, làm cho nó sống động và hoạt động nơi tâm hồn của mỗi cá nhân: “Đấng dẫn đàng chỉ lối là Chúa Thánh Thần, đấng mà Cha sẽ nhân danh Thày sai đến, Ngài sẽ dạy các con tất cả mọi sự, và làm cho các con nhớ lại tất cả những gì Thày đã nói với các con” (Jn.14:26).
45- Thế nên, những công việc chính để sửa soạn cho cuộc mừng này cũng bao gồm cả một cảm nhận mới về sự hiện diện và hoạt động của Thần Linh, Đấng tác hành trong Giáo Hội, cả qua các bí tích, nhất là qua bí tích thêm sức, cũng như qua tính cách khác biệt về các đặc sủng, các vai trò và các thừa tác vụ mà Ngài làm khơi dậy lên cho lợi ích của Giáo Hội: “Chỉ có một Thần Linh là Đấng, tùy theo sự phong phú của mình, cũng như tùy theo nhu cầu của các sứ vụ, phân phối những tặng ân khác nhau của mình cho an sinh của Giáo Hội (x. 1Cor.12:1-11). Trong số các tặng ân này là ân sủng ban cho các thánh tông đồ. Chính Thần Linh cũng tùy thuộc vào quyền bính của các ngài, vào cả những ai được hưởng những đặc sủng (x. 1Cor.14). Cũng cùng một Thần Linh này đã làm phát sinh và thôi thúc tình yêu thương trong các tín hữu, làm cho thân thể (Chúa Kitô) được hiệp nhất nhờ chính Ngài, nhờ quyền lực của Ngài, cũng như nhờ việc gắn bó nội tại nơi các chi thể của thân thể này” (Lumen Gentium, đoạn 7).
Cả ở trong thời điểm của chúng ta, Thần Linh là tác nhân chính yếu (the principal agent) cho việc tái phúc âm hóa. Bởi thế, cần phải tạo được một cảm nhận mới về Thần Linh như là một Đấng xây dựng vương quốc của Thiên Chúa theo giòng lịch sử, và sửa soạn cho vương quốc này được hoàn toàn tỏ hiện trong Chúa Giêsu Kitô, bằng cách khơi động tâm hồn con người và khơi lên trong thế giới của chúng ta những hạt giống của một ơn cứu rỗi sẽ nên trọn vào lúc tận cùng thời gian.
46- Theo quan điểm kết chung (eschatological perspective) này, tín hữu phải được kêu gọi để cảm nhận lại thần đức trông cậy, một thần đức mà họ đã nghe công bố “bằng lời chân lý, đó là Phúc Âm” (Col.1:5). Thái độ căn bản của đức cậy là, một mặt, nó khiến Kitô hữu thêm can đảm giữ mình khỏi bị lạc mất đích đến là cái mang lại ý nghĩa và giá trị cho đời sống, mặt khác, nó hiến cho họ những lý do vững chắc và sâu xa nơi cuộc dấn thân hằng ngày của họ, để họ biến đổi hoàn cảnh sống cho tương hợp với chương trình của Thiên Chúa.
Như thánh tông đồ Phaolô nhắc nhở chúng ta: “Chúng ta biết rằng toàn thể tạo vật vẫn cùng nhau rên xiết quằn quại cho đến nay; chẳng những tạo vật mà cả chính chúng ta nữa, những người nhận được những hoa trái đầu mùa của Thần Linh, cũng rên xiết trong thâm tâm, khi chúng ta đợi chờ cho được thừa nhận làm con cái, việc cứu chuộc thân xác của chúng ta. Vì nhờ niềm cậy trông này mà chúng ta đã được cứu” (Rm.8:22-24). Kitô hữu được kêu gọi để sửa soạn cho cuộc Đại Hỷ ở vào đầu đệ tam nguyên niên này, bằng việc làm mới lại đức cậy trông của mình đối với việc vương quốc Thiên Chúa phải trị đến, ở chỗ, hằng ngày sửa soạn cho vương quốc này nơi tâm hồn họ, nơi cộng đồng Kitô hữu mà họ thuộc về, nơi mối giao tiếp đặc biệt trong xã hội, và nơi chính lịch sử thế giới.
Cũng cần phải có một cảm nhận và hiểu biết rõ ràng hơn về những dấu hiệu hy vọng xuất hiện ở vào phần cuối thế kỷ này, mặc dầu chúng thường ẩn khuất trước con mắt của chúng ta. Ngoài xã hội, nói chung, những dấu hiệu hy vọng như thế gồm có: tầm mức phát triển của khoa học, kỹ thuật và nhất là ngành y khoa trong việc phục vụ sự sống con người, việc nhận thức nhiều hơn về trách nhiệm của chúng ta đối với môi sinh, những nỗ lực để phục hồi hòa bình và công lý cho những nơi bị vi phạm, nguyện ước hòa giải và kết đoàn giữa các dân tộc khác nhau, nhất là trong mối liên hệ phức tạp giữa hai miền Bắc Nam trên thế giới. Trong Giáo Hội, những dấu hiệu hy vọng như thế gồm có: việc chú trọng hơn đối với tiếng của Thần Linh, qua hành động chấp nhận những đặc sủng và đề cao giáo dân, việc dấn thân mạnh mẽ hơn cho công cuộc hiệp nhất Kitô giáo, và việc tăng triển về chiều hướng đối thoại với các tôn giáo khác cũng như với nền văn hóa đương thời.
47- Việc phản tỉnh của tín hữu trong năm sửa soạn thứ hai này phải đặc biệt chú ý đến giá trị của mối hiệp nhất trong lòng Giáo Hội, mối hiệp nhất mà các tặng ân và đặc sủng khác nhau do Thần Linh ban cho Giáo Hội phải qui về. Theo chiều hướng này, cũng cần phải nâng cao tầm mức hiểu biết sâu xa hơn về giáo huấn liên quan đến hội thánh của Công Đồng Chung Vaticanô II, được gồm tóm căn bản trong hiến chế tín lý (the dogmatic constitution) Lumen Gentium. Văn kiện quan trọng này đã rõ ràng nhấn mạnh rằng, niềm hiệp nhất của thân thể Chúa Kitô được xây trên hoạt động của Thần Linh, được bảo đảm bởi sứ vụ tông đồ và được nâng đỡ bởi tình yêu hỗ tương (x.1Cor.13:1-8). Mức độ trưởng thành về giáo lý của đức tin này không thể nào lại không mang lại cho các phần tử trong dân của Thiên Chúa một nhận thức chín chắn hơn về trách nhiệm riêng của họ, cũng như một cảm quan sống động hơn về tầm mức quan trọng của việc tuân phục hội thánh (Lumen Gentium, đoạn 7).
48- Trong năm nay, trước hết phải chiêm ngắm và bắt chước Mẹ Maria, Đấng đã thụ thai Lời nhập thể bởi quyền phép Chúa Thánh Thần, để rồi, trong cả cuộc sống, Mẹ đã hiến thân tùy Ngài hướng dẫn theo những tác động của Ngài trong tâm hồn Mẹ, như một người nữ dễ dậy với tiếng của Thần Linh, một người nữ thầm lặng và chuyên chú, một người nữ của lòng cậy trông, người mà, như Abraham, “hy vọng không còn hy vọng” (x.Rm.4:18), đã chấp nhận ý muốn của Thiên Chúa. Mẹ Maria đã diễn tả trọn vẹn lòng trông đợi của một kẻ khó hèn nơi Giavê, và là một mẫu gương sáng chói cho những ai hết lòng tin vào những lời hứa của Thiên Chúa.
Năm Ba: Thiên Chúa là Cha
49- Năm 1999, năm thứ ba và là năm cuối cùng của việc sửa soạn, sẽ nhắm đến việc mở rộng những chân trời cho tín hữu, để họ thấy được những sự vật theo quan điểm của Chúa Kitô: theo quan điểm của “Cha là Đấng ở trên trời” (x.Mt.5:45), từ Ngài mà Chúa Kitô được sai đến và đã trở về với Ngài (x.Jn.16:28).
“Đây là sự sống đời đời, đó là họ nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất, và Giêsu Kitô Cha sai” (Jn.17:3). Tất cả đời sống của người Kitô hữu giống như một cuộc lữ hành dài tiến về nhà Cha, Đấng mà chúng ta hằng ngày lại cảm nhận được tình yêu nhưng không đối với mọi người, nhất là đối với đứa con hoang đàng (x.Lk.15:11-32). Cuộc lữ hành này diễn ra trong lòng của mỗi người, trải ra cộng đồng tín hữu, để rồi tiến đến toàn thể nhân loại.
Như thế, cuộc mừng, được đặt trọng tâm vào con người của Chúa Kitô, trở nên một tác động cao trọng trong việc chúc tụng Chúa Cha: “Chúc tụng Thiên Chúa và Cha của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chúc lành cho chúng ta trong Đức Kitô bằng mọi phúc lành thiêng liêng ở trên trời, kể cả việc trước khi có thế gian Ngài đã chọn chúng ta trong Người, để chúng ta được thánh hảo và vô trách cứ trước nhan Ngài” (Eph.1:3-4).
50- Trong năm thứ ba này, ý nghĩa về cuộc đang lữ hành về cùng Cha phải làm cho mọi người phấn khởi chấp nhận, bằng cách gắn bó với Chúa Kitô cứu tinh của con người, một cuộc hành trình cải thiện đích thực. Cuộc cải thiện đích thực này bao gồm cả hai phương diện, phương diện tiêu cực là giải thoát khỏi tội lỗi, và phương diện tích cực là chọn lựa sự thiện, chấp nhận những giá trị đạo đức được tỏ hiện nơi luật tự nhiên, một thứ luật mà Phúc Âm đã xác nhận và đào sâu. Việc cải thiện đích thực này còn có một liên hệ thích đáng với niềm cảm nhận mới, cũng như với việc chú trọng lãnh nhận hơn bí tích thống hối theo ý nghĩa sâu xa nhất của nó. Tiếng gọi cải thiện, như một điều kiện không thể châm chước của tình yêu Kitô giáo, có một tầm quan trọng đặc biệt trong xã hội hiện thời, nơi mà những căn bản nhất của nhân sinh quan đúng đắn về đạo lý dường như vẫn thường hay bị mất đi.
Chính vì thế mà, đặc biệt trong năm nay, cần phải nhấn mạnh đến thần đức yêu mến, nhớ lại những lời quan trọng và sâu đậm trong Thư Thứ Nhất của thánh Gioan: “Thiên Chúa là tình yêu” (4:8,16). Đức Ái, theo bản chất lưỡng đôi của mình, là tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, là tóm tắt cuộc sống luân lý của tín hữu. Thần đức này bắt nguồn từ Thiên Chúa và qui về Thiên Chúa.
51- Theo quan điểm này, nếu chúng ta nhớ lại rằng Chúa Giêsu đến “để rao giảng tin mừng cho người nghèo khó” (Mt.11:5; Lk.7:22), thì làm sao chúng ta lại có thể bỏ qua không nhấn mạnh hơn về việc Giáo Hội quan tâm đặc biệt đến kẻ nghèo nàn và kẻ vô loài? Thật vậy, cần phải nói rằng, cuộc dấn thân cho công lý và hòa bình trong một thế giới như của chúng ta đây, một thế giới bị ghi dấu bởi quá nhiều giằng co, với những tình trạng thiếu quân bình về xã hội cũng như về kinh tế không thể nào chấp nhận được, là một điều kiện cần thiết cho việc sửa soạn và cử hành cuộc mừng kỷ niệm này. Bởi thế, theo tinh thần của Sách Lêvi (25:8-12), Kitô hữu cần phải lên tiếng thay cho tất cả mọi người nghèo trên thế giới, lấy cuộc mừng kỷ niệm này như một thời điểm thích thuận, để đưa ra ý tưởng, cùng với các điều khác, về việc giảm bớt thật nhiều, nếu không hoàn toàn hủy bỏ, số nợ quốc tế (international debt) là cái hằng đe dọa tương lai của nhiều quốc gia một cách trầm trọng. Cuộc kỷ niệm mừng này cũng có thể là một dịp để suy nghĩ về những thách đố khác trong thời điểm của chúng ta, như những khó khăn trong việc đối thoại giữa các thứ văn hóa khác nhau, và những vấn nạn liên hệ đến việc tôn trọng các quyền của người phụ nữ, cũng như đến việc đề cao gia đình và hôn nhân.
52- Khi nhớ lại rằng “Đức Kitô… bằng việc mạc khải mầu nhiệm về Cha và về tình yêu của Ngài, hoàn toàn tỏ cho con người biết chính con người và làm sáng tỏ ơn gọi siêu việt của họ” (hiến chế Gaudium et Spes, đoạn 22), chúng ta cần phải có hai việc quyết tâm làm nên tính cách đặc biệt cho năm sửa soạn thứ ba này: đó là việc đương đầu với thách đố của khuynh hướng tục hóa, và việc đối thoại với những tôn giáo lớn.
Về việc quyết tâm làm thứ nhất, cần phải bắt đầu bàn đến vấn đề lớn liên quan đến cuộc khủng hoảng văn minh, một cuộc khủng hoảng văn minh đã trở nên hiển nhiên, đặc biệt ở Tây phương, nơi phát triển nhiều về phương diện kỹ thuật, nhưng nội tâm lại kiệt quệ, bởi khuynh hướng lãng quên Thiên Chúa hay xa lánh Ngài. Cuộc khủng hoảng văn minh này phải được đương đầu bằng một nền văn minh yêu thương, một nền văn minh được xây dựng trên những giá trị phổ quát về hòa bình, đoàn kết, công lý và tự do, là những gì hoàn toàn được đạt thành nơi Chúa Kitô.
53- Ngoài ra, đối với việc nhận thức về đạo giáo, thì theo chiều hướng diễn tiến của những thập niên vừa qua, thời gian sát cận năm 2000 sẽ là một dịp rất thuận tiện cho việc đối thoại liên tôn (interreligious dialogue), theo những chỉ dẫn được Công Đồng Chung Vaticanô II phác họa trong tuyên ngôn Nostra Aetate về việc liên hệ giữa Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo.
Trong cuộc đối thoại (liên tôn giáo) ở đây, Những người Do Thái và Hồi Giáo phải chiếm được một chỗ ngoại hạng. Nếu Thiên Chúa muốn, để đẩy mạnh những ý hướng này, cũng có thể tổ chức các cuộc họp chung nhau (joint meetings), ở những địa điểm quan trọng đối với những tôn giáo đơn thần lớn ở đây.
Về vấn đề này, phải để ý tìm cách sắp xếp những buổi gặp gỡ ở những nơi có tính cách tiêu biểu đặc biệt, chẳng hạn ở Bêlem, ở Gia-Liêm và ở Núi Sinai, như một cách thức để đối thoại hơn nữa với những người Do Thái và những môn đồ của Hồi Giáo, và cũng sắp xếp những buổi gặp gỡ giống như thế ở một nơi nào đó với các vị lãnh đạo của những tôn giáo lớn trên hoàn vũ. Tuy nhiên, phải luôn để ý đừng gây ra những hiểu lầm tai hại, tránh mắc phải chủ trương hòa hợp niềm tin (syncretism) cũng như chủ trương cầu an (irenicism) dễ dãi và giả tạo.
54- Theo quan điểm sâu rộng của những quyết tâm làm này, Mẹ Maria chí thánh, nữ tử rất ưu ái của Chúa Cha, sẽ hiện lên trước con mắt của tín hữu như là một mẫu gương yêu thương đối với cả Thiên Chúa lẫn tha nhân. Như chính Mẹ nói trong ca vịnh “Ngợi Khen”, Đấng Toàn Năng đã làm cho Mẹ những điều trọng đại, danh Ngài là thánh (x.Lk.1:49). Chúa Cha đã chọn Mẹ cho một sứ mệnh đặc thù trong lịch sử cứu độ: đó là sứ mệnh làm mẹ của đấng cứu thế bao đời đợi trông. Trinh Nữ Maria đã đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa bằng một cõi lòng hoàn toàn cởi mở: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa” (Lk.1:38). Vai trò làm mẹ của Người, bắt đầu ở Nazarét và được thể hiện mạnh mẽ nhất ở Gia-Liêm dưới chân thập giá, trong năm nay phải được cảm nhận như là một lời mời gọi yêu thương và khẩn thiết mà Người ngỏ với tất cả con cái của Thiên Chúa, nhờ đó họ mới có thể về nhà Cha, khi họ nghe tiếng hiền mẫu: “Các con hãy làm những gì Chúa Kitô bảo các con” (x.Jn.2:5).
C- Tiến Đến Việc Cử Hành:
55- Một chương trình riêng biệt sẽ được thực hiện đó là việc cử hành thực sự cuộc Đại Hỷ, sẽ diễn tiến cùng một lúc ở Thánh Địa, ở Rôma và ở các Giáo Hội địa phương trên khắp thế giới. Đặc biệt trong giai đoạn này, giai đoạn cử hành, mục đích là để tôn vinh Ba Ngôi, nguồn mạch mà mọi sự trong thế gian và trong lịch sử được phát sinh và là cùng đích mà chúng phải qui về. Mầu nhiệm Ba Ngôi này là tiêu điểm của ba năm sửa soạn gần: bởi Chúa Kitô và nhờ Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần, và cho Chúa Cha. Theo ý nghĩa này, với chiều hướng ngưỡng vọng về đó, việc cử hành cuộc mừng này sẽ làm hiện thực mục đích và tầm mức viên trọn của cuộc sống nơi mỗi người Kitô hữu, cũng như nơi toàn thể Giáo Hội trong Thiên Chúa Ba Ngôi.
Thế nhưng, Chúa Kitô là đường lối duy nhất đến cùng Cha, để đề cao sự hiện diện sống động và cứu độ của Người trong Giáo Hội cũng như trong thế giới, một Đại Hội Thánh Thế Quốc Tế (the International Eucharistic Congress) sẽ được diễn ra tại Rôma vào dịp tổ chức cuộc Đại Hỷ. Năm 2000 sẽ thực sự là một năm thánh thể: trong Bí Tích Thánh Thể, Đấng cứu thế, Đấng đã mặc lấy xác thịt trong lòng Mẹ Maria 20 thế kỷ trước, tiếp tục hiến mình cho nhân loại như nguồn mạch của sự sống thần linh.
Đặc tính đại kết và phổ quát của cuộc mừng kỷ niệm thần linh này có thể phản ảnh một cách xứng hợp bằng một cuộc gặp gỡ của tất cả mọi Kitô hữu. Cuộc gặp gỡ này sẽ là một biến cố rất quan trọng, và vì thế, để tránh những hiểu lầm, nó cần phải được trình bày một cách thuận hợp và sửa soạn một cách thận trọng, bằng một thái độ cộng tác huynh đệ với các Kitô hữu của các giáo phái khác và các truyền thống khác, cũng như bằng tinh thần ưu ái cởi mở đối với những tôn giáo có những vị đại diện muốn thông công niềm vui mà tất cả mọi người môn đệ của Chúa Kitô được hưởng.
Một điều chắc chắn là: Mọi người cần phải làm hết sức có thể để bảo đảm rằng họ không coi thường cuộc thách đố cam go lớn lao đối với năm 2000, vì cuộc thách đố cam go này nhất định sẽ mang lại ân sủng đặc biệt của Chúa cho Giáo Hội cũng như cho thế giới.
V- “MỘT CHÚA GIÊSU KITÔ: …ĐẾN MUÔN ĐỜI” (Heb.13:8)
56-Giáo Hội đã kéo dài 2000 năm. Như hạt cải được nhắc đến trong Phúc Âm, Giáo Hội đã phát triển và trở thành một cây to lớn, có thể bao phủ cả nhân loại bằng các cành lá của mình (x.Mt.13:31-32). Bởi thế, trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, Công Đồng Chung Vaticanô II đã đề cập đến vấn đề làm phần tử trong Giáo Hội và về ơn gọi của tất cả mọi người thuộc về dân của Thiên Chúa: “Tất cả mọi người được kêu gọi để làm thành phần của cuộc hiệp nhất Công Giáo này trong nhóm dân mới của Thiên Chúa đây… Nên tín hữu Công Giáo cũng như tất cả những ai tin vào Chúa Kitô, thật ra là toàn thể nhân loại, nhờ ơn Thiên Chúa, được kêu gọi tham hưởng ơn cứu rỗi, đều thuộc về Giáo Hội hay có liên hệ với Giáo Hội bằng nhiều cách thức khác nhau” (Lumen Gentium, đoạn 13). Trong thông điệp Ecclesiam Suam (công bố ngày 6/8/1964), Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã trình bày cách thức mà tất cả nhân loại được bao gồm trong dự án của Thiên Chúa và đã nhấn mạnh đến những tiến trình đối thoại khác nhau về ơn cứu độ.
Tiếp tục theo cách thức này, chúng ta còn có thể thấu hiểu hơn dụ ngôn về men trong Phúc Âm (x.Mt.13:33): Chúa Kitô, như men thần linh, luôn luôn và càng ngày càng thấm nhập vào đời sống nhân loại, qua việc loan truyền công cuộc cứu chuộc được hoàn tất trong mầu nhiệm vượt qua. Còn nữa, trong quyền năng cứu rỗi của Người, Người ôm lấy toàn thể lịch sử quá khứ của nhân loại, được bắt đầu từ Adong thứ nhất (Gaudium et Spes, đoạn 2). Tương lai cũng thuộc về Ngưôi: “Chúa Giêsu Kitô hôm qua, hôm nay và muôn đời vẫn là một” (Heb.13:8). Về phần mình, Giáo Hội “không tìm kiếm gì ngoài một mục đích duy nhất: đó là tiếp tục công cuộc của chính Chúa Kitô, theo như Chúa Thánh Thần là Đấng An Ủi hướng dẫn. Chúa Kitô nhập thế để làm chứng cho sự thật, để cứu vớt chứ không phải để ngồi mà luận xét, để phục vụ chứ không phải để được phục vụ” (Gaudium et Spes, đoạn 3).
57- Bởi thế, ngay từ thời các tông đồ, công cuộc truyền giáo của Giáo Hội đã tiếp tục, không hề bị ngưng trệ, trong cả gia đình nhân loại. Công cuộc truyền bá phúc âm trước hết diễn tiến tại vùng Địa Trung Hải. Trong thời gian ngàn năm đầu, những nhà truyền giáo từ Rôma và Contantinôpôli đã đem Kitô giáo đến toàn thể lục địa Âu Châu. Đồng thời, các ngài cũng tiến vào tâm điểm của Á Châu, đến tận Ấn Độ và Trung Hoa. Cuối thế kỷ 15, chẳng những đánh dấu việc khám phá ra Châu Mỹ, mà còn cả việc bắt đầu truyền bá phúc âm cho lục địa rộng lớn này, cả Bắc lẫn Nam. Cũng vào lúc ấy, trong khi những vùng ven biển nằm phía dưới sa mạc Sahara ở Phi Châu nhận lãnh ánh sáng của Chúa Kitô, thì thánh Phanxicô Xaviê, quan thày của các nhà truyền giáo, đến Nhật bản. Vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, một số bổn đạo đã mang Kitô giáo đến Đại Hàn. Vào thời kỳ này, việc loan báo Phúc Âm tiến đến Đông Nam Á cũng như Úc Châu và những hòn đảo ở Thái Bình Dương.
Thế kỷ 19 đã chứng kiến hoạt động truyền giáo rộng lớn nơi các dân tộc ở Phi Châu. Tất cả những nỗ lực này đã trổ sinh hoa trái cho tới ngày hôm nay. Công Đồng Chung Vaticanô II đã ghi nhận điều này trong sắc lệnh Ad Gentes về hoạt động truyền giáo. Sau Công Đồng, vấn đề công việc truyền giáo đã được thông điệp Redemptoris Missio bàn đến, căn cứ vào những vấn nạn của các cuộc truyền giáo trong những năm cuối cùng của thế kỷ chúng ta. Cả trong tương lai nữa, Giáo Hội phải tiếp tục là một cuộc truyền giáo: Thật vậy, dấn thân truyền giáo là một phần của chính bản tính Giáo Hội. Từ việc sụp đổ của những thể chế chống Kitô giáo, trước hết là Nazi rồi đến cộng sản, một lần nữa, việc mang sứ điệp giải phóng của Phúc Âm đến cho những con người nam nữ ở Âu Châu là một nhu cầu khẩn thiết (tuyên ngôn của Hội Nghị Công Đồng Giám Mục Âu Châu, đoạn 3). Hơn thế nữa, như thông điệp Redemptoris Missio (x. đoạn 57) xác nhận, thế giới tân tiến ngày nay đang hiện lên một tình trạng như Arepagus ở Nhã Điển, nơi mà thánh Phaolô đã diễn giảng. Ngày nay có nhiều areopagi, chúng rất khác nhau: Chúng là những khu vực lớn lao trong nền văn minh và văn hóa hiện đại, trong lãnh vực chính trị và kinh tế. Tây phương càng trở nên xa lìa với những cội gốc Kitô giáo, nó càng trở nên một địa sở truyền giáo, dưới hình thức của nhiều areopagi khác nhau.
58- Tương lai của thế giới và của Giáo Hội thuộc về thế hệ trẻ, về những người mà sinh vào thế kỷ này sẽ trưỏng thành ở thể kỷ sau, thế kỷ đầu của một thiên niên mới. Chúa Kitô mong đợi những điều trọng đại nơi giới trẻ, như Người đã trông đợi nơi con người trẻ hỏi Người: “Tôi phải làm việc lành nào để được sự sống đời đời?” (Mt.19:16). Tôi đã bàn giải câu trả lời đáng ghi nhận mà Chúa Giêsu đáp lại này trong thông điệp Veritatis Splendor (công bố ngày 6-8-1993) mới đây, cũng như Tôi đã làm trước đây vào năm 1985, trong bức tông thư gửi cho giới trẻ thế giới. Trong mọi hoàn cảnh, trong mọi miền đất trên thế giới, giới trẻ không thôi hỏi Chúa Kitô những vấn nạn. Họ gặp Ngưòi và họ vẫn tìm kiếm Người để lại hỏi Người. Nếu tiếp tục theo con đường mà Người chỉ cho mình, họ sẽ vui mừng trong việc góp sức để làm Người hiện diện ở thế kỷ tới cũng như ở những thế kỷ sau đó, cho đến tận cùng thời gian: “Chúa Giêsu hôm qua, hôm nay và muôn đời vẫn là một”.
59- Để kết luận, cũng nên nhớ lại những lời của hiến chế mục vụ Gaudium et Spes: “Giáo Hội tin rằng Chúa Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại vì tất cả, nhờ Thần Linh của Người, có thể ban cho loài người ánh sáng và sức mạnh để đạt đến định mệnh siêu việt của họ. Không có một danh hiệu nào dưới gần trời được ban cho con người để nhờ đó họ xứng đáng được cứu rỗi. Giáo Hội cũng chủ trương rằng, chìa khóa để mở, điểm để tập trung và mục đích của tất cả lịch sử nhân loại, chỉ có thể tìm thấy nơi Chúa và nơi vị thầy rất dịu dàng của Giáo Hội mà thôi. Giáo Hội cũng vẫn nghĩ rằng bên dưới tất cả những đổi thay cũng có rất nhiều những thực tại không thay đổi và là những thực tại đâm rễ sâu trong Chúa Kitô, Đấng hôm qua, hôm nay và muôn đời vẫn là một. Bởi thế, trong ánh sáng của Chúa Kitô, hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, trưởng tử của mọi tạo vật, Công Đồng muốn nói với tất cả mọi người để soi sáng mầu nhiệm về con người và để cộng tác trong việc tìm kiếm giải pháp cho những vấn nạn đặc biệt trong thời điểm của chúng ta” (đoạn 10).
Trong khi kêu mời tín hữu dâng lên Chúa những lời cầu nguyện sốt sắng để lãnh nhận ánh sáng và trợ giúp cần thiết cho việc sửa soạn và cử hành cuộc mừng kỷ niệm tới đây, Tôi cũng thiết tha kêu gọi qúi huynh khả kính trong hàng giáo phẩm, cũng như các cộng đồng hội thánh được ủy thác cho qúi huynh, hãy mở lòng mình ra cho Thần Linh đánh động. Ngài sẽ không thôi làm bùng lên lòng nhiệt thành và dẫn người ta đến việc cử hành cuộc mừng kỷ niệm này, với một đức tin mới mẻ cùng với việc tham gia rộng rãi.
Cha ký thác trách nhiệm của toàn thể Giáo Hội này cho bàn tay can thiệp hiền mẫu của Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Cứu Thế. Là Mẹ của tình yêu tuyệt mỹ, đối với Kitô hữu đang trên đường tiến đến cuộc Đại Hỷ của thiên nhiên thứ ba, Mẹ sẽ là ngôi sao an toàn hướng dẫn bước chân họ đến cùng Chúa. Chớ gì người nữ luôn trẻ trung thành Nazarét, Đấng mà 2000 năm trước đây đã hiến cho thế giới Lời nhập thể, dẫn dắt con người nam nữ của một tân thiên niên đến với Đấng là “ánh sáng chân thật chiếu soi mọi người” (Jn.1:9).
Với lòng cảm mến, Tôi ban phép lành cho tất cả mọi người.
Ban hành tại điện Vatican, ngày 10 tháng 11 năm 1994,
năm thứ 17 giáo triều của Cha.
+ GIOAN PHAOLÔ II
Giáo Hoàng