Bảo Vệ Môi Trường Dưới Lối Nhìn Của Giáo Hội Công Giáo
1. Sự hiểu không đầy đủ Thông điệp của Chúa là cội nguồn của hành động hủy diệt môi trường
Theo Kinh Thánh, ngay từ khởi đầu, Thiên Chúa đã trao cho con người trách nhiệm quản trị toàn thể vạn vật để giúp muôn loài sinh sôi nẩy nở và phát triển hài hòa (x. Sáng Thế 1,26-30). Nhờ ủy thác này, nhân loại mạnh dạn khám phá và chế ngự thiên nhiên, tạo điều kiện thuận lợi để khoa học hình thành và phát triển. Qua khoa học kỹ thuật, con người ngày càng mở rộng chủ quyền của mình trên toàn thể vũ trụ.
“Được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người đã nhận lãnh trách nhiệm chinh phục Trái đất cùng với tất cả những gì chứa đựng trong đó, quản trị vũ trụ trong thánh thiện và công bằng”. (Vatican II, Vui mừng và Hy vọng, số 34)
Tuy nhiên do Tín hữu quá nhấn mạnh về việc con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, nên hai vai trò ngôi vị và xã hội luôn được đề cao, trong khi đó, vai trò môi trường của con người bị xem nhẹ thậm chí bị lãng quên. Con người đã lạm dụng trách nhiệm làm chủ thiên nhiên của mình [1].
Vì thế trong mấy thế kỷ vừa qua, đặc biệt kể từ cuộc cách mạng công nghiệp từ thế kỷ XVII, con người không những không tôn trọng những quy tắc nền tảng nói trên, mà trái lại đã khai thác thiên nhiên một cách tùy tiện, ích kỷ và tàn bạo. Kết quả bi thảm là đã phá vỡ mối tương quan hài hòa giữa con người với môi trường và đẩy Trái Đất đến bờ vực thẳm của diệt vong! Càng cố gắng chinh phục và chế ngự Trái Đất theo quan điểm duy kỹ thuật, con người càng ô nhiễm hóa vũ trụ và tạo nên những gánh quá nặng cho môi trường. Thay vì cộng tác với Tạo Hóa để giúp thiên nhiên phát triển hài hòa, con người đã “hành hạ” và “bức tử” thiên nhiên [Giám mục Nguyễn Thái Hợp, 2010, 2].
Trước đây, Giáo Hội chưa đề cập trực tiếp đến môi trường mà chỉ chú trọng đến vấn đề con người với giáo lý dạy con người được quyền bá chủ mọi loài Tuy nhiên, điều đó chỉ là do Giáo Hội chưa khai triển đúng mức bản Tin Mừng Sáng Thế” [Thiên Kim, 3].
2. Giáo hội lên tiếng kêu gọi bảo vệ Thiên nhiên Môi trường
Hiện trạng xuống cấp trầm trọng môi trường toàn cầu gần đây khiến Giáo hội không thể im lặng. Giáo hoàng Phaolô VI năm 1967, trong thông điệp “Bát Thập Niên”, đã đề cập rõ vấn đề môi trường: “Đột nhiên con người hôm nay nhận thức rằng, do khai thác thiên nhiên một cách vô ý thức, mình bị đặt trước nguy cơ phá huỷ thiên nhiên và trở thành nạn nhân của chính hành động phá hoại có tác động dội lại trên con người”. Ngài xác nhận: vấn đề môi trường liên quan tới toàn thể nhân loại. Ngài kêu gọi các Kitô hữu hãy kề vai sát cánh cùng nhau gánh vác trách nhiệm về định mệnh chung bảo vệ thiên nhiên của cả thế giới [3].
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, cũng chú ý vấn đề sinh thái và môi trường khi tôn phong thánh Phaxicô Assisi làm bổn mạng các nhà sinh thái học. Ngài chia quan điểm luân lý và tôn giáo để nhìn vấn đề môi trường thành ba thái độ nhận thức cụ thể:
* Từ nhu cầu riêng của mình, phải quan tâm tới bản tính tự nhiên của mỗi vật thể và mối quan hệ hỗ tương giữa các vật thể trong hệ thống tổng thể của vũ trụ.
* Con người phải khẩn trương nhận thức rằng tài nguyên thiên nhiên thì có hạn, trong số đó có những tài nguyên không thể tái tạo, dễ cạn kiệt. Vậy phải bảo tồn chúng cho thế hệ hiện nay và cả cho thế hệ tương lai.
* Công nghiệp hóa thường gây ô nhiễm trầm trọng cho môi trường và phương hại tới chất lượng cuộc sống và sức khoẻ của dân chúng. Do đó, bảo vệ môi trường là bảo vệ chính mình và bảo vệ anh chị em đồng loại trong tinh thần liên đới. Nói cách khác, để thi hành quyền làm chủ trái đất do Đấng Tạo Hóa trao phó, con người đừng nghĩ rằng mình có quyền tuyệt đối, phải chấp nhận theo những nguyên tắc luân lý, trong khi vận dụng những qui luật vật lý và sinh học.
Theo ngài, cuộc khủng hoảng môi trường là hậu quả của chủ nghĩa tiêu thụ và khai thác thiên nhiên một cách vô tội vạ, phát xuất từ triết lý lệch lạc về vai trò con người, theo đó con người tự coi mình là chúa tể, là ông chủ tuyệt đối của thế giới, mà quên rằng Thiên Chúa đặt con người ở giữa vườn Êđen không phải là để làm bá chủ mà là để quản lý. Do đó, “lạm dụng thiên nhiên là ăn cắp của công” (xem Giáo lý Công Giáo, số 2415). Như vậy tuy con người được phép sử dụng tạo vật, nhưng không có nghĩa là con người muốn sử dụng nó như thế nào tuỳ thích, mà phải có bổn phận giữ gìn và bảo vệ thiên nhiên để người khác cũng được hưởng [3].
Sáng ngày 28.11.2011, Đức Thánh cha Bênêđictô XVI đã tiếp kiến 7.000 học sinh và phụ huynh người Italia dấn thân trong dự án bảo vệ trường. Đức Thánh Cha giải thích rằng: “Khi tôn trọng dấu vết của Đấng Tạo Hóa trong toàn thể thiên nhiên, ta hiểu rõ hơn căn tính sâu xa và chân thực nhân tính của chúng ta… Nếu khi làm việc, con người quên mình là cộng tác viên của Thiên Chúa, thì có thể gây hại cho thiên nhiên, tạo nên những thiệt hại luôn có hậu quả trên con người, như chúng ta thấy trong nhiều trường hợp” [6].
Đức Thánh Cha nhắc nhở các giáo chức hiện diện rằng sẽ không có một tương lai tốt đẹp cho nhân loại trên thế giới nếu chúng ta không giáo dục mọi người về lối sống trách nhiệm hơn đối với thiên nhiên. Và lối sống này được học trước tiên trong gia đình và tại học đường [6].
Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn cho rằng bổn phận người Kitô hữu còn là tôn trọng, gìn giữ và bảo vệ môi trường. Đầu tư vào sản xuất, cần quan tâm đến tác động môi trường. Dù không phải là nhà sản xuất, mỗi người đều phải biết bảo vệ và gìn giữ môi trường sống của mình và của mọi người, bằng những hành động cụ thể trong đời sống thường ngày, như không xả rác nơi công cộng, không làm mất vệ sinh trong khu xóm…Thánh Kinh kể lại rằng khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã trao cho con người trách nhiệm chăm sóc, trông coi công trình tạo dựng của Ngài (x. Sáng Thế 1, 28). Vì thế, đối với các Kitô hữu, gìn giữ, bảo vệ, chăm sóc môi trường thiên nhiên không chỉ là một trách nhiệm xã hội, mà còn là đòi hỏi của niềm tin, là một nghĩa vụ cao cả, vì lẽ ta được cộng tác với Thiên Chúa trong công trình tạo dựng [4].
II. KÊU GỌI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Đức Hồng Y Tổng Giám mục Phạm Minh mẫn trong Lá thư Mục tử 2009 khẳng định thiên nhiên là quà tặng của Đấng Tạo Hoá và là tài nguyên dành cho tất thảy mọi người. Không ai trong chúng ta tạo dựng nên thiên nhiên. Khi ta sinh ra,thiên nhiên đã có rồi. Đời sống con người gắn liền với thiên nhiên. Quà tặng và tài nguyên này được dành cho tất cả mọi người, chứ không chỉ dành riêng cho một ai hoặc một thiểu số nào, cũng không chỉ dành riêng cho thế hệ hiện tại mà còn cho cả thế hệ tương lai. Do đó, mọi người đều có trách nhiệm và nghĩa vụ phải tôn trọng, gìn giữ và bảo vệ môi trường sống của mình và cũng là của mọi người trong cộng đồng dân tộc cùng thế giới hôm nay [4].
Giáo Hội châu Á cuối năm 2011 kêu gọi thực hiện một lối sống mới, một nền văn hóa mới tôn trọng thiên nhiên, lối sống đơn sơ và điều độ cổ vũ tiêu thụ trong tinh thần trách nhiệm, và phục hồi, nhờ đó góp phần vào nền công lý giữa các thế hệ khác nhau [7].
III. KÊU GỌI SỬ DỤNG HỢP LÝ TÀI NGUYÊN
Vì môi trường là tài nguyên dành cho hết mọi người, nên trong phát triển kinh tế, phải quan tâm đến sự toàn vẹn và chu kỳ tuần hoàn của thiên nhiên. Các tài nguyên thiên nhiên không phải là nguồn nguyên liệu vô hạn, thậm chí có một số tài nguyên không thể tái tạo được. Do đó, không thể khai thác thiên nhiên một cách ích kỷ, làm phương hại trầm trọng đến nguồn dự trữ tài nguyên cho thế hệ hiện tại cũng như tương lai [4].
Đức Hồng Y Jean Louis Tauran, chủ tịch của hội đồng Giáo Hoàng về Đối thoại Liên tôn giáo đã ký bức thông điệp nhân sự kiện Phật tử tổ chức mừng ngày lễ Phật Đản 2010 . Trong bức thông điệp này, Ngài cũng nói về sự cần thiết trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên của quả đất và bảo vệ loài người khỏi bị diệt chủng. “Trách nhiệm của chúng ta là bảo vệ những nguồn tài nguyên thiên nhiên từ sự tôn trọng lẫn nhau. Điều này đến từ quy luật của trái tim của tất cả mọi người nam giới và nữ giới” [5].
IV. KÊU GỌI ỨNG PHÓ THIÊN TAI THẢM HỌA MÔI TRƯỜNG
Đức Hồng Y Jean Louis Tauran trong lá thư gửi Phật tử chúc mừng lễ Phật đản năm 2010 đã nhắc lại lời Giáo Hoàng Benedict XVI rằng “nhiều hiện tượng về sự suy thoái môi trường và thảm họa thiên nhiên nhắc nhở chúng ta về sự cấp bách cần thiết trong việc tôn trọng thiên nhiên mà mình nên làm” Đức Hồng Y kêu gọi: “Hãy để chúng ta cùng nhau củng cố mối quan hệ tốt đẹp giữa con người và môi trường” [5].
V. KÊU GỌI ỨNG PHÓ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Sáng ngày 28.11.2011, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã tiếp kiến 7.000 học sinh và phụ huynh người Italia dấn thân trong dự án bảo vệ môi trường. Trong buổi đọc kinh Truyền tin trưa Chúa nhật 27.11.2011 với các tín hữu tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói rằng: “Tôi cầu chúc tất cả các thành phần của cộng đồng quốc tế phối hợp một câu trả lời trách nhiệm, đáng tin cậy và liên đới trước hiện tượng thay đổi khí hậu đáng lo âu và phức tạp, để ý đến những đòi hỏi của dân nghèo nhất và các thế hệ tương lai” [6].
Liên Hội đồng Giám mục châu Á đã tổ chức một cuộc hội thảo tại Bangkok Thailand ngày 31/10/2011 thảo luận về trách vụ của Giáo hội ở đại lục này đối với việc bảo vệ môi trường và kêu gọi ứng phó với biến đổi khí hậu . Trong tuyên ngôn sau khóa họp hai ngày, các giám mục và đại biểu tham gia đã kêu gọi mọi tín hữu ở châu Á hãy ý thức và dấn thân bảo vệ môi trường, ứng phó sự biến đổi khí hậu hiện nay. Văn kiện Bangkok cũng đề cao tầm quan trọng của bảo tồn thiên nhiên và nhìn nhận tình trạng nghèo đói trầm trọng do những thay đổi khí hậu gây ra. Những thay đổi này cũng là trách nhiệm của con người vì hành xử không hòa hợp với thiên nhiên. Sau cùng, Văn kiện kêu gọi các Hội đồng Giám mục châu Á đề ra các kế hoạch hành động và tăng cường các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu; mời gọi tất cả Giáo hội địa phương cổ vũ lối sống tôn trọng thiên nhiên; kêu gọi các vị hữu trách về chính trị và kinh tế coi việc bảo vệ môi trường như một vấn đề ưu tiên, và giới hạn phát xả khí nhà kinh vốn đang làm cho trái đất bị hâm nóng [7].
VI. SỐNG TIẾT KIỆM VÀ LÀNH MẠNH THEO ĐIỀU RĂN CỦA CHÚA (Theo Giáo lý Công giáo)
Điều răn thứ năm “Ngươi không giết người” dạy tín hữu quý trọng sự sống tự nhiên và siêu nhiên của mình cũng như của người khác, và do đó, cấm mọi hình thức xâm phạm đến sự sống con người trong đó có việc làm tổn hại đến thiên nhiên và môi trường – cái nôi của sự sống.
Điều răn thứ bảy “Anh em nợ ai cái gì, thì hãy trả cho người ta cái đó” dạy tín hữu sử dụng của cải trong tinh thần trách nhiệm và chia sẻ với mọi ngƣời, vì tài nguyên trong vũ trụ được Thiên Chúa ban chung cho mọi ngƣời. Điều răn thứ bảy còn dạy tôn trọng môi trường, sử dụng đúng đắn các sản vật vì ích lợi toàn diện của mọi người.
Điều răn thứ muời “Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta” dạy tín hữu giữ lòng không ham mê của cải quá đáng, để không tham lam muốn lấy của người khác và không ghen tỵ với người khác [8].
Như vậy con người được phép sử dụng tạo vật, không có nghĩa là con người muốn sử dụng nó như thế nào tuỳ thích, mà con người phải có bổn phận giữ gìn và bảo vệ thiên nhiên để người khác cũng được hưởng [3].Giáo Hội tại châu Á cũng kêu gọi thực hiện một lối sống mới, một nền văn hóa mới tôn trọng thiên nhiên, lối sống đơn sơ và điều độ cổ vũ một phong cách tiêu thụ mới trong tinh thần trách nhiệm [7].
NHẬN XÉT
Sự quan tâm và lời kêu gọi của những vị chức sắc cao cấp của Giáo hội Công giáo kể cả Đức Giáo hoàng liên tục trên 45 năm qua cho thấy Bảo vệ Môi trường và Phát triển bền vững là một lĩnh vực nóng hổi mà Giáo hội Công giáo rất quan tâm. Theo Giáo hội, điều đó cũng chính là xuất phát từ lời răn của Chúa trong Kinh Thánh mà trước đây có lúc có nơi đã chưa được Kitô hữu hiểu đúng đắn.
Cộng đồng Công giáo Việt Nam đã có đủ cơ sở niềm tin tôn giáo để đồng hành cùng nhân dân và các cộng đồng tôn giáo khác dấn thân vào sự nghiệp bảo vệ môi trường của đất nước.
Nguyễn Đình Hòe
Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam
Nguồn: vacne.org.vn
(Viet Nam Association for Conservation of Nature and Environment)
——————————————————————————
Chú thích
1. Anrê Nguyễn Hữu Nghĩa, 2011, Sứ vụ Loan báo tin mừng qua bổn phận Bảo vệ môi trường sinh thái. http://gpcantho.com/ArticlesDetails.aspx?ArticlesID=1363
2. Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, 2010, Tương quan giữa con người với Môi trường, trích trong cuốn “Một cái nhìn về Giáo huấn xã hội Công giáo” của ĐGM Phaolô Nguyễn Thái Hợp, NXB Phương Đông, 2010. http://conglyvahoabinh.org/tuong-quan-giua-con-nguoi-voi-moi-truong-2011-634/
3. Thiên Kim, Giáo hội và Môi trường sinh thái. http://www.giaoducconggiao.net/index.php?m=home&v=detail&ia=159
4. Hồng Y Tổng Giám mục. Gioan B. Phạm Minh Mẫn, 2009, Lá thư Mục tử http://lambich.net/forum/viewtopic.php?t=940&sid=69f87fcf56edcc58a5d6645b6a3232ed
5. Thư gửi Phật tử nhân Đại lễ Phật đản PL: 2554 (2010) http://daitangkinhvietnam.org/tin-tuc-phat-giao/phat-giao-the-gioi/5007-vatincan-gui-thong-diep-ve-moi-truong-nhan-ngay-le-vesak.html
6. G. Trần Đức Anh OP.2011.Đức Thánh Cha cổ vũ tôn trọng môi sinh http://conglyvahoabinh.org/duc-thanh-cha-co-vu-ton-trong-moi-sinh-2011-717/
7. G. Trần Đức Anh OP.2011.Liên Hội đồng Giám mục Á châu kêu gọi bảo vệ môi sinh http://conglyvahoabinh.org/lien-hoi-dong-giam-muc-a-chau-keu-goi-bao-ve-moi-sinh-2011-451/
8. Mười lời răn trong Giáo lý Công giáo. http://www.giaophanvinhlong.net