Chính Quyền Và Vấn Đề Cai Trị Nhân Bản
Tác giả : Henri Madelin, SJ., OCCIPE*
Mai Khôi chuyển ngữ
Từ những năm 60, Giáo Hội hướng nhiều hơn về phía các thực trạng thế giới và phương cách điều phối chúng. Vì thế, tông điệu của các thông điệp xã hội cho thấy đã mở ra nhiều hơn với những lãnh vực mới. Người ta không còn chỉ nói cho một vài người trách nhiệm ở cấp cao, cho những người trách nhiệm cấp lục địa từ lâu nay mang dấu ấn Kitô giáo, hay cho những chủng loại xã hội điển hình. Thông điệp mở rộng ra; nó muốn hướng tới sự đa dạng của các châu lục và toàn bộ nhân loại. Người ta thường nói đến “gia đình nhân loại”. Câu hỏi xuyên suốt các thông điệp là từ nay phải biết, với những điều kiện nào, thể theo mô thức nào và trong những thời hạn nào để xây dựng một “nền chính quyền thế giới” có khả năng đáp ứng các nhu cầu của con người và những sự cần thiết của thời đại chúng ta. Cuộc vận động này đã được tung ra vào năm 1967, dưới chữ ký của ĐGH Phaolô VI, với Populorum progressio, một thông điệp nói về “mỗi con người” và về “mọi con người” và nói với mỗi người và mọi người trên hành tinh.
I. MỘT THÔNG ĐIỆP CHO MỌI DÂN TỘC : Populorum progressio (1967)
“Đây là nơi mà tiếng kêu của dân thất nghiệp, không nhà ở, không có ăn, tìm được cái loa trung thực đến độ những độc giả của các thông điệp truyền thống đã đôi lúc phải bàng hoàng. Những câu cú nhẹ nhàng và mang tính nhà tu của ngành ngoại giao Vatican đã được thay thế bởi những văn kiện kỹ thuật và thóa mạ cứng rắn như những lời lẽ của thánh Giao Kim Khẩu. Ngài đã dám nói…”. Vừa rồi là nhưng lời phát biểu của Đức Cha Jean Rodhain năm 1987 nhân dịp cử hành lễ kỷ niệm 20 năm Populorum progressio1. Văn kiện mạnh mẽ này, mới mẻ, đam mê, thật sự Công Giáo theo đúng nghĩa của từ ngữ này, vang lên như một tiếng sét mà con người trên toàn thế giới đều có thể nghe thấy. Nó mang chữ ký của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI trong ngày lễ Phục Sinh, 26 tháng 3 năm 1967. Bởi vậy thông điệp này sẽ được gọi là “thông điệp Phục Sinh” (Fr. Perroux) : Thông điệp mong muốn để cho tất cả các quốc gia đứng lên lại, những nước “giầu” cũng như những nước “vô sản”.
Cần là phải nói với toàn thể nhân loại, người giầu cũng như người nghèo. “Đối với quốc gia hay đối với con người, tính hà tiện là một hình thức hiển nhiên nhất của sự kém phát triển tinh thần”… Hay là : “Không ai có quyền dành riêng cho mình điều mình không cần, trong lúc người khác thiếu thốn cái cần nhất. […] Cũng phải nói : cái dư thừa của các nước giầu phải được sử dụng cho các nước nghèo. Quy luật khi xưa dành cho những người thân cận nhất, ngày nay phải áp dụng cho tất cả những người nghèo khó trên thế giới”. Đó là một vài viên ngọc quý nằm trong thông điệp. Người ta kết luận về chuyện này rằng công việc đang ở phía trước chúng ta, rằng chúng ta có phần trách nhiệm” : Đức Kitô đã không phán rằng : “Ta đã xây một Giáo Hội cho anh em”, mà Ngài phán : “Ta sẽ xây Giáo Hội của ta”.
Ngày nay, khi đọc lại thông điệp, người ta quả đã đo lường được khí thế thúc đẩy nó, tính hoàn vũ của nó, sự đa dạng của những người nhận – Công Giáo, Kitô giáo, tín hữu hay không là Kitô hữu, những người có thiện chí, các chuyên viên, những người trách nhiệm kinh tế, xã hội, chính trị, v.v. – và sự thay đổi đã được khởi động với một lời lẽ quá giáo sĩ. Bởi vì thông điệp của ngài, như ĐGH Phaolô VI nhấn mạnh trong lời kêu gọi sau cùng, trước hết được gửi tới những tín hữu giáo dân, mà Công Đồng Vaticanô II mới công nhận như là những đối tác viên cốt yếu trong Giáo Hội dân Chúa.
“Trước tiên, chúng tôi khẩn khoản kêu gọi tất cả con cái chúng tôi. Bởi vì trong những nước kém mở mang cũng như trong những nước khác, giáo dân có bổn phận phải cải thiện đời sống xã hội của mình. Nếu vai trò của hàng Giáo phẩm là giảng dạy và diễn giải, với thẩm quyền, các nguyên tắc luân lý phải theo trong lãnh vực này, thì phần của các giáo dân, là nhờ những sáng kiến tự do của họ và không vòng tay ngồi đợi mệnh lệnh và chỉ thị, đưa tinh thần Chúa Kitô vào trong não trạng và phong tục, luật lệ và cơ cấu của cộng đồng mình sống (68). Có những thay đổi cần thiết, có những cải tổ sâu xa phải thực hiện; thì nghĩa vụ của họ là làm hết sức để thổi vào đó tinh thần Tin Mừng. Riêng với các con cái chúng tôi thuộc về những nước may mắn thịnh vượng hơn, chúng tôi yêu cầu họ đem khả năng chuyên môn cộng tác tích cực với các tổ chức công, hay tư, đời hay đạo, có mục đích lướt thắng những khó khăn của các nước còn phải mở mang. Chúng tôi đoan chắc rằng họ sẽ sẵn sàng đứng đầu hàng ngũ những kẻ không từ chối một cố gắng nào để xây dựng trong thực tế một nền luân lý quốc tế hợp đạo công bình.2.”
II. CON NGƯỜI VÀ CỘNG ĐỒNG
Những ý niệm về con người và cộng đồng là trung tâm của thông điệp này, thông điệp nhấn mạnh về sự kiện phải khuyến khích sự phát triển của “mỗi người” và “mọi người” : “Thế giới đang lâm trọng bệnh. Nguyên nhân của bệnh tình này không phải là tài nguyên của thiên nhiên kiệt quệ hay lòng tham của một số người vơ vét, mà chính là thiếu tình thương huynh đệ giữa người với người cũng như giữa các dân tộc với nhau. 4“. Phát triển phải nhắm tới sự toàn vẹn của mỗi người và “khuyến khích tình liên đới giữa mọi người”. Cũng chính viễn cảnh này cấu tạo việc tổ chức tài liệu và biện minh cho sự hiện hữu của họ. Như vậy, nhất thiết con người và cộng đồng phải nối liền với nhau. Ngoài ra văn kiện đã sáng suốt phân biệt “tăng trưởng” với “phát triển”, tăng trưởng chỉ là một trong những nguyên nhân hay một trong những hậu quả của phát triển, vốn có thể là tai hại nếu không coi chừng.
Như thế, phát triển là từ khóa khác của văn kiện. Như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nhấn mạnh, nó bao hàm sự công nhận các nền văn hóa đặc thù và những giá trị riêng của mỗi dân tộc, của mỗi cộng đồng. Bởi vì, dưới mắt của Giáo Hội, con người và cộng đồng do con người họp thành trong mỗi quốc gia quan trọng hơn là của cải mà con người làm ra hay sở hữu. Sự liên đới cũng phải vượt thắng lòng ích kỷ. Tiết giảm binh bị và đánh thuế việc buôn bán vũ khí, chuyển từ thuế đánh trên lợi tức quốc gia qua thuế đánh trên lợi tức toàn cầu sẽ chia sẻ lại một phần các lợi tức của các nước giầu cho những nước nghèo, ưu đãi sự giúp đỡ và nền thương mại của những nước nghèo nhất, đó là cuộc chiến mới phải tiến hành, từ lúc mà “sự phát triển là danh xưng mới của hòa bình” và bởi vì ngày nay “vấn đề xã hội đã trở thành vấn đề của thế giới”5.
Năm 1987, nhân kỷ niệm 20 năm thông điệp Populorum progressio, ĐGH Gioan Phaolô II nhấn mạnh, trong thông điệp Sollicitudo rei socialis, về tính thời sự của các luận đề này. Ngài đã rút ra kết luận rằng “GHXH của Giáo Hội ngày hôm nay có bổn phận mở rộng tới một viễn cảnh quốc tế trong đường hướng của Công Đồng Vaticanô II và các thông điệp kế tiếp”6. Các thông điệp kế tiếp đều đào sâu thêm luống cày [chủ đề] này. Vấn đề là phải tạo thuận lợi cho một cách “cai trị nhân bản” mới trên thế giới, một quan niệm cũ đã nổi lên lại ở thời điểm này. Điều này đòi hỏi giải thích.
III. Ý NIỆM VỀ CAI TRỊ NHÂN BẢN
Thành ngữ “cai trị nhân bản” đã được sử dụng trong ngôn ngữ của Pháp cho đến thế kỷ 16, lúc mà các nước hiện đại bây giờ mới bắt đầu biết suy nghĩ, biết rèn rũa và trang bị cho mình một “chính phủ” – thành ngữ này từ đó có nghĩa là việc hành xử quyền lực và sự cai trị nhân bản, là đạo đức trong việc cai trị.
Nhưng từ năm 1970 chữ này đã nổi bật trở lại, trước tiên trong tiếng Anh “governance”. Trước hết, nó có nghĩa là những hình thức mới của việc quản trị doanh nghiệp, sau đó, vào những năm 80, nó đã được gắn liền với việc “quản lý công quyền” trong ngôn ngữ Anh-Mỹ dành ưu tiên cho tản quyền. Nhưng đúng ra, vào những năm 90, với sự nổi trội của toàn cầu hóa, cai trị nhân bản – và những tranh luận gay gắt do nó gây ra – đã xuất hiện ở cửa miệng của những nhà chính trị và giới nghiên cứu.
Cung cách cai trị nhân bản (thế giới, hoàn cầu, chính trị, kinh tế) là đối tượng của nhiều định nghĩa đồng quy. Cung cách này liên quan trong mọi trường hợp dẫn đến sự tìm kiếm những phương cách điều tiết, trong một thế giới toàn cầu hóa mà những phương pháp cũ không còn thích đáng nữa. Nó chủ trương một sự tản quyền từ những không gian cổ điển của việc lấy quyết định, tìm cách chú trọng đến sự đa dạng về địa dư, về các tác nhân can dự, ưu đãi sự thiết lập những phương pháp điều khiển mới linh động hơn và đạo đức hơn, xây dựng trên một quan hệ đối tác cởi mở và sáng suốt giữa các thành viên khác nhau.
Giáo Hội dè dặt trong việc đi vào cái từ ngữ cũ và mới này bởi vì nó có thể có những diễn giải trái ngược nhau và gây ra những tranh cãi gay gắt. Phong cách cai trị thế giới một cách nhân bản, thực chất là đối tượng của nhiều sự đánh giá. Nó đặc biệt bị chủ nghĩa chống toàn cầu hóa và chủ nghĩa chủ quyền tấn công, với những lý do trái ngược. Vấn đề là vẫn còn có câu hỏi – “Làm sao giái đáp một cách dân chủ những vấn đề toàn cầu mà từ nay thế giới của chúng ta đang phải đối đầu ?” – đụng đến trung tâm của cuộc khủng hoảng mất lòng tin mà các hệ thống dân chủ của chúng ta đang phải trải qua. Trong lúc tìm cách nghĩ lại, và thực hiện, một thẩm quyền thế giới đổi mới, có thêm tính lãnh đạo, tính chính thống, tính hữu hiệu và liên xuyến, thì phải là dân chủ chứ không phải hỗn loạn hay là luật của kẻ mạnh, mà Giáo Hội đề nghị để làm trọng tài cho những tranh chấp của toàn cầu hóa. Cũng vậy, điều mà từ nay ám ảnh Giáo Hội là đấu tranh chống lại sự xáo trộn thế giới bằng một thẩm quyền mới, có tầm vóc hoàn vũ.
IV. TIẾN TỚI MỘT SỰ CAI TRỊ NHÂN BẢN TOÀN CẦU
ĐGH Phaolô VI nhấn mạnh, trong Populorum progressio, về sự hợp tác quốc tế cần thiết, một ngày kia, sẽ phải dẫn đến một thẩm quyền thế giới có thể hoạt động hữu hiệu trên mặt pháp lý và chính trị 7. Ngài lấy lại sơ lược luận cứ đã được triển khai bởi vị tiền nhiệm của ngài, ĐGH Gioan XXIII, trong thông điệp Pacem in terris. Cần phải đọc lại các công thức táo bạo và canh tân đã đánh động rất nhiều khi chúng xuất hiện. ĐGH Gioan XXIII đã mô tả trong đó sự cần thiết phải vượt qua sự bế tắc của những quan hệ giữa các quốc gia nhằm từng bước xây dựng một “thẩm quyền chính trị thế giới”, thẩm quyền này tiên liệu phải tôn trọng một số điều kiện để có thể vận hành.
“Nhìn kỹ sự việc, có một quan hệ cốt yếu kết hợp công ích với cấu trúc và sự vận hành của các công quyền. Trật tự luân lý, ấn định một công quyền để phục vụ công ích trong xã hội dân sự, đồng thời đòi hỏi những phương tiện cần thiết cho thẩm quyền đó để hoàn thành trách vụ. Kết quả là các bộ phận của Nhà Nước – trong đó quyền lực thể hiện, vận hành và đạt tới mục đích – phải có hình thức và công hiệu làm sao kiếm được những đường lối và phương tiện mới mẻ, phù hợp với sự tiến hòa của xã hội, để đảm bảo công ích.
“Ngày nay, công ích phổ quát đặt ra những vấn đề có tầm vóc thế giới. Chúng chỉ có thể được giải đáp bởi một thẩm quyền công cộng với quyền lực, hiến chương và những phương tiện hành động có tầm vóc toàn cầu, và có thể hành động trên khắp thế giới. Chính là trật tự luân lý sẽ đòi hỏi thiết lập một công quyền với chức năng hoàn vũ.
“Cơ quan mang tính chung này, mà thẩm quyền có giá trị trên bình diện thế giới và sở hữu các phương tiện hữu hiệu để phát huy thiện ích phổ quát, phải được thiết lập bởi một thỏa hiệp đồng thuận chứ không được áp đặt bằng vũ lực. Lý do là thẩm quyền nói trên phải có thể hoàn thành hữu hiệu chức năng của mình; nhưng nó cũng phải công minh với tất cả mọi người, tuyệt đối biệt lập với tinh thần đảng phái và chú trọng đến các đòi hỏi khách quan của công ích phổ quát. Nếu quyền lực siêu quốc gia hay quyền lực thế giới này được thiết lập bằng vũ lực bởi các cường quốc, người ta có thể lo ngại rằng nó sẽ chỉ phục vụ cho những lợi ích riêng tư hay là đứng vào phe của quốc gia này hay quốc gia khác : điều này sẽ làm nguy hại đến giá trị và sự hữu hiệu hoạt động của nó. Mặc dù những bất bình đẳng mà sự phát triển và trang bị đã mang lại cho các cộng đồng chính trị, tất cả các cộng đồng này đều rất nhậy cảm về sự công bằng pháp lý và phẩm giá tinh thần. Chính đó là lý do xác đáng nhất để các cộng đồng quốc gia chỉ miễn cưỡng chấp nhận một quyền lực áp đặt cho họ bằng vũ lực, hay có thể thiết lập nó mà không cần có sự can thiệp của họ, hay họ đã không có tự do để gia nhập”.
Theo ĐGH Gioan XXIII, quyền lực này không thể áp đặt bằng vũ lực, cũng không được hướng tới những lợi ích riêng tư hay trao cho các quốc gia hùng hậu nhất.
“Không riêng gì công ích của một quốc gia, công ích hoàn vũ cũng không thể được quy định mà không chiếu theo con người. Vì thế các quyền lực công cộng của cộng đồng thế giới phải tự đặt cho mình mục đích cốt lõi là sự công nhận, sự tôn trọng, sự bảo vệ và sự phát triển các quyền của con người. Đó là điều có thể có được, hoặc do trực tiếp can thiệp, nếu có thể, hoặc phải tạo ra trên bình diện thế giới những điều kiện giúp cho các chính quyền quốc gia hoàn thành nhiệm vụ của mình”.
“Ở trong mỗi quốc gia, quan hệ giữa chính quyền với các công dân, các gia đình và những bộ phận trung gian phải được điều hướng và quân bằng hóa bởi nguyên tắc bổ trợ. Lẽ tự nhiên là cũng nguyên tắc này điều hướng những quan hệ giữa thẩm quyền hoàn vũ với những chính quyền của các quốc gia. Vai trò của thẩm quyền hoàn vũ này là kiểm tra và giải quyết những vấn đề mà công ích hoàn vũ đặt ra trên lãnh vực kinh tế, xã hội, chính trị hay văn hóa. Chính là sự phức tạp, tầm quan trọng và tính khẩn cấp của những vấn đề này vượt ra khỏi khả năng giải quyết theo ý muốn của các chính quyền quốc gia”.
Sự quy chiếu về con người, sự lo nghĩ cho công ích hoàn vũ, sự thực hiện bổ trợ, sự kêu gọi các cơ quan trung gian làm nổi bật cả tính phức tạp của các vấn đề lẫn sự cấp bách phải tìm cho chúng một giải đáp thích hợp.
“Thẩm quyền thế giới không có quyền hạn chế hành động của các quốc gia trong lãnh vực riêng của mình, đồng thời cũng không được thay thế các quốc gia. Thẩm quyền này, trái lại, phải cố gắng dấy lên trong tất cả các quốc gia trên thế giới những điều kiện tạo dễ dàng, không những cho các chính quyền mà còn cho các cá nhân và những cơ quan trung gian để thực hiện chức năng của mình, để tôn trọng bổn phận của mình, và để sử dụng các quyền trong những điều kiện an toàn hơn 8“.
V. CÁC VIỄN CẢNH CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG BENEDICT XVI
ĐGH Biển Đức XVI đứng trong sự tiếp nối so với các vị tiền nhiệm của ngài, nhất là trong thông điệp Caritas in veritate, được công bố ngày 29/06/2009. Nhưng người kế vị ĐGH Gioan Phaolô II đã đưa vào dấu ấn riêng của ngài nhờ một một sự gắn kết tốt hơn giữa đức tin và lý trí và nhất là bởi sự làm phong phú thêm của nguyên tắc bổ trợ. Những cách tiếp cận này giúp ngài thiết lập những quan hệ mạnh mẽ giữa nguyên tắc bổ trợ (Số 57) và những vùng biên của cái mà ngài gọi là một “Thẩm quyền chính trị thế giới đích thực” được đề cập đến trong số 67 của thông điệp.
“Nguyên tắc bổ trợ, một thể hiện của quyền tự do bất khả xâm phạm của con người, là, trên phương diện này, một sự biểu lộ đặc biệt của lòng bác ái và một sự lãnh đạo sáng suốt cho một sự hợp tác giữa các tín hữu và những người không là tín hữu. Bổ trợ trước hết là một sự giúp đỡ cho con người, qua quyền tự trị của các cơ quan trung gian. Sự giúp đỡ này được đề nghị khi con người và những tác nhân xã hội không thành công tự làm được phần nhiệm vụ của họ, và nó kéo theo sự kiện là người ta luôn có mục đích giải phóng tạo ưu thế cho quyền tự do và sự tham gia với tư cách là sự trách nhiệm hóa. Bổ trợ tôn trọng nhân phẩm nơi nó thấy rõ một nhân tố luôn có thể cống hiến điều gì cho người khác”9.
Sự kiện đặt con người vào vị trí trung tâm cùng với trách nhiệm của mình, với sự mở ra và khả năng tỏ ra vị tha trong mọi tình huống, đòi hỏi trong thực tế ý thức có thể vươn lên đến một vũ trụ cụ thể, vốn là danh xưng khác của thực tế quốc tế. Bởi vì xã hội dân sự thế giới chỉ có thể xây dựng trong sự tôn trọng quyền tự quyết của những bộ phận trung gian, khi dựa trên sự trách nhiệm hóa nơi mỗi quốc gia của các công dân có thể sinh hoạt ở mức độ của một công ích hoàn vũ luôn được mở ra rộng hơn.
Bổ trợ được coi như phương thuốc điều trị mọi hình thức của chủ nghĩa gia trưởng. Nó mang tính cách dân chủ sâu đậm, gắn liền với một sự quan tâm kiên trì đến việc phát huy tự do trong đời sống xã hội. Bởi vậy, nó khước từ mọi hình thức độc trị. Một thẩm quyền thế giới từ nay là cần thiết. Bởi vậy, ĐGH Biển Đức XVI khẳng định điều này ở cuối số 57, nó phải được suy nghĩ theo kiểu mới. “Sự cai trị nhân bản của nền toàn cầu hóa phải mang tính bổ trợ, nối kết với nhiều mức độ và trên nhiều lãnh vực đang hợp tác với nhau”.
“Khi công nhận tính hỗ tương đặt nền móng cho sự cấu tạo thầm kín của con người”, ngài viết, “sự bổ trợ là phương thuốc công hiệu nhất chống lại mọi hình thức hỗ trợ gia trưởng. Nó cũng có thể tính đến cả những kết nối đa dạng giữa các phương diện và như vậy, đến sự da dạng của các tác nhân, lẫn sự phối hợp của chúng. Đây quả là một nguyên tắc đặc biệt phù hợp để cai quản sự toàn cầu hóa và hướng nó tới một sự phát triển đích thực cho con người. Để không phát sinh ra một quyền lực hoàn vũ nguy hiểm kiểu độc tôn, sự “cai trị nhân bản” của toàn cầu hóa phải mang bản chất bổ trợ, kết nối với nhiều tầng cấp và trên nhiều phương diện cộng tác với nhau. Toàn cầu hóa chắc chắn đòi hỏi một chính quyền vì là vấn đề công ích mà tất cả phải cùng đeo đuổi; tuy nhiên chính quyền này phải được hành xử bằng cách bổ trợ và đa đầu chế [polyarchique] (x. ĐGH Gioan XXIII, Pacem in terris số 74) để, một mặt, không vi phạm tự do và mặt khác, để cụ thể hữu hiệu”10.
VI. TÍNH TƯƠNG THUỘC TOÀN CẦU VÀ CÁC CHÍNH QUYỀN TRÊN THẾ GIỚI
Tương thuộc toàn cầu và chính quyền hành tinh đã trở nên cần thiết trong thời đại chúng ta. Nhưng chúng vẫn chưa đủ trước sự cấp bách của những vấn đề đang đặt ra cho các dân tộc trên thế giới. Đối mặt với những điều cần thiết mới, ĐGH Biển Đức XVI nhắc lại những yêu cầu của các vị tiền nhiệm – nhất là ĐGH Gioan XXIII – liên quan đến một thẩm quyền kiểu toàn thế giới, mà ngài không ngại gọi là một “Chính Quyền chính trị thế giới đích thực”.
“Trước sự phát triển không cưỡng lại được của tình trạng tương thuộc hoàn cầu, và trong lúc chúng ta đang ở trước một sự suy thoái toàn thế giới, tính khẩn cấp của sự cải tổ Liên Hiệp Quốc như một kiến trúc kinh tế, tài chánh quốc tế nhằm mang đến một quan niệm cụ thể về gia đình các Quốc Gia, có được một sự đáp ứng rộng rãi. Người ta cũng cảm thấy sự cấp bách phải tìm được những hình thức mới mẻ để cụ thể hóa nguyên tắc trách nhiệm bảo vệ và cung cấp cho những quốc gia nghèo nhất một tiếng nói có tác dụng trong những quyết định chung. Điều này chứng tỏ càng cần thiết hơn để tìm kiếm một trật tự chính trị , pháp lý và kinh tế, khả dĩ làm tăng trưởng và định hướng sự hợp tác quốc tế tiến tới sự phát triển liên đới của mọi dân tộc. Đối với chính quyền kinh tế thế giới, để lành mạnh hóa các nền kinh tế đang bị khủng hoảng, để đề phòng sự trầm trọng hóa và những sự mất cân bằng lớn lao hơn, để tiến tới một sự giải giới toàn diện như mong đợi, để đạt được sự an toàn lương thực và hòa bình, để đảm bảo sự bảo vệ môi trường và để điều hòa những đợt sóng di dân, cần phải thiết lập một Thẩm Quyền chính trị thế giới như đã được vị tiền nhiệm của tôi là ĐGH Gioan XXIII phác thảo”. 11
Với những điều kiện nào, một chính quyền thế giới như thế có thể được thiết lập nếu nó muốn vận hành đáp ứng lợi ích cho tất cả mọi người và không trở thành nạn nhân của những lợi nhuận riêng tư hay chiến lược của những kẻ mạnh nhất ? Cần thiết phải phát minh ra một kiểu mẫu mới không xa với những thực tế cơ bản, cũng không mang tính kỹ quyền, cũng không phá hoại các quyền tự do của con người và sự tôn trọng các dân tộc. Sự phong phú của nguyên tắc bổ trợ, được thực hiện vì lợi ích của mỗi người và của tất cả mọi người, phải chỉ đạo các định hướng. Kiểu mẫu cần tìm được, tóm lại, phải gần giống như một loại Thượng Nghị Viện của một thế giới được tạo thành bởi một số vùng tiêu biểu và tự cai trị, như đã tiềm ẩn giống với Liên Hiệp Âu Châu bây giờ. Cuối số 67 này, ĐGH Biển Đức XVI kể ra một vài mục tiêu phải xúc tiến cho việc thăng tiến mới của nhân loại, trong lúc nhấn mạnh đến những bế tắc phải tránh nếu muốn tạo ra một quy trình bền vững.
“Một chính quyền như thế sẽ phải được điều hành bởi luật pháp, phải phù hợp với những nguyên tắc bổ trợ và liên đới, phải được sắp xếp để thực hiện công ích, phải cam kết phát huy một sự phát triển con người toàn diện thật sự dựa vào những giá trị của tình yêu thương và chân lý. Chính quyền này, ngoài ra, phải được mọi người công nhận, phải có thực quyền để bảo đảm cho mỗi người sự an toàn, sự tôn trọng công lý và các quyền tự do. Nó đương nhiên sẽ phải sở hữu quyền hạn để khiến mọi người tôn trọng các quyết định của nó, cũng như những biện pháp được phối hợp và chấp thuận bởi các diễn đàn quốc tế. Không có những điều kiện này, mặc dù có những tiến bộ trên nhiều lãnh vực, luật pháp quốc tế có nguy cơ bị điều kiện hóa bởi những sự cân bằng quyền lực giữa những kẻ mạnh nhất. Sự phát triển toàn diện các dân tộc và sự hợp tác quốc tế đòi hỏi phải thiết lập ở một mức độ tổ chức cao hơn trên chiều kích quốc tế theo kiểu bổ trợ để cai trị nhân bản cuộc toàn cầu hóa và sau hết phải thiết lập một trật tự xã hội phù hợp với trật tự luân lý và với quan hệ giữa các lãnh vực đạo đức và xã hội, giữa chính trị và khu vực kinh tế và dân sự đã được dự trù trong hiến chương Liên Hiệp Quốc”.
VII. “THẾ GIỚI LÀ NGÔI LÀNG”
Hình thức cai trị nhân bản mới đối với toàn cầu hóa mà các Đức Giáo Hoàng yêu cầu từ Đức Gioan XXIII đương nhiên khó thực hiện. Sẽ cần có thời gian và sự đối đầu với những căng thẳng gay gắt : sự cộng tác giữa cái địa phương với cái toàn cầu; hai bộ mặt của bổ trợ, hướng lên trên và hướng xuống dưới; tính hữu hiệu và tính hợp pháp; sự co cụm cấp quốc gia, thường hay nghi ngờ trước sự mở ra cho chính nghĩa to lớn này vốn phải được chấp nhận, ngày càng đông đảo, bởi các tổ chức và các công dân của thế giới. Các đối tác này đến từ tất cả các châu lục và cùng có mục đích, điều mà cha Teikhard gọi rất chính xác, là “ý nghĩa của trái đất”. Để giữ cho các phiến đá của kiến trúc này gắn liền với nhau, nguyên tắc bổ trợ, ĐGH Biển Đức XVI nhấn mạnh, sẽ là dụng cụ cốt lõi để hòa giải tính hữu hiệu và tính hợp pháp, bế tắc và động lực mới, mối lo của những người nghèo khổ nhất và tôn trọng các quyền tự do cơ bản 12.
Mặc dù chiến tranh lạnh đã chấm dứt, người ta vẫn chưa thấy thật sự có một bước tiến mới. Dự án của Liên Hiệp Quốc cho đến nay chưa thành công. Mỗi Quốc Gia tiếp tục hành xử các mối quan hệ với các nước khác theo những quy luật trước đây, như các nhà triết học của Giao kèo xã hội đã mô tả, tức là sử dụng sức mạnh để bảo vệ quyền lợi hay đặt mình dưới sự bảo vệ của những nước mạnh nhất. Tuy nhiên, có thể sau sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết vì sự phá sản của mô thức Lêninít, các quan hệ quốc tế ngày nay mượn những con đường chưa từng thấy bằng cách quy tụ theo từng vùng. Bước tiến tới Liên Hiệp Âu Châu, trên chiều hương này, đã là một bước tiến quyết định. Bước tiến này vượt lên mục đích của châu lục : được tiến hành một cách tự nguyện và ôn hòa từ những tình trạng tranh chấp trước đây, và mặc dù những chậm chạp, nó mang một giá trị gương mẫu cho những nơi khác đang bị thu hút bởi kiểu mẫu này, tuy rằng không có tất cả những ưu điểm của các nước Tây Âu.
Liên Hiệp Âu Châu là tập thể hành tinh đầu tiên trải nghiệm thực sự hình thức cai trị nhân bản mới này để nhân văn hóa tốt nhất sự toàn cầu hóa. Với cường độ nhiều hay ít tùy theo mùa và tùy uy tín của những người trách nhiệm, vấn đề là, theo ông Jacques Delors, phải đương đầu với nhiều thách thức : biến Châu Âu thành một tập thể xây dựng trên hòa bình, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, một cách chung sống gương mẫu, một tình liên đới có thực, “một phong cách, trong thời đại toàn cầu hóa, chia sẻ chủ quyền quốc gia và như thế một sự viện dẫn cho các nhà kiến trúc của một cách cai trị nhân bản toàn cầu”. Bên cạnh Alena (Hiệp định trao đổi tự do Bắc Mỹ) ở Bắc Mỹ, Asean (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) ở Châu Á, Mercosur (Thị trường chung miền Nam) ở Nam Mỹ… Liên Hiệp Âu Châu là một tập thể, mặc dù những rạn nứt, vẫn đứng đầu trong cuộc chạy đua bởi những lựa chọn táo bạo của mình sau cuộc Đệ Nhị Thế Chiến và nhờ ở một sự biết-cách-làm nào đó của cộng đồng.
Con người và cộng đồng, để phát triển, phải biết rằng từ nay phải có “thế giới là thị xã”, để nhắc lại nhan đề cuốn sách của Jacques Lévy 13. Trong một “xã hội – thế giới” đang thai nghén, sức đẩy đến một cuộc toàn cầu hóa chính trị sẽ đưa tới một tình trạng đa nguyên, thuận lợi hơn cho hòa bình và công lý thế giới hơn là sự thống trị của một siêu cường quá tự tin vào chính mình. Nó chứng minh trong thực tế, để tránh không phải đi qua bạo lưc, rằng có những ngưỡng cửa mới đang chờ đợi chúng ta trong cuộc đời của nhân loại ở thế kỷ 21 này, bởi vì chính nó công nhận nó phải ôn hòa vượt qua một giai đoạn chưa từng thấy để tiến đến sự tạo dựng một xã hội-thế giới.
——————————————————————————————————-
*OCIPE (Cơ quan Công Giáo thông tin và sáng kiến cho Âu Châu) Sứ vụ này được giao cho Dòng Tên
1 Thông Điệp của Cứu Trợ Công Giáo, số 391, mars 1987.
2 X. Công Đồng Vaticanô II, Nghị định Apostolicum actuositatem, 7, 13, 24. DC 1965, col. 2024, 2030 et 2037.
3Populorum progressio 81.
4 Ibid., số 66.
5 Ibid., số 3.
6Sollicitudo rei socialis 42.
7 Ibid, số 78.
8Pacem in terris 136 – 141.
9Caritas in veritate 57.
10 Ibidem.
11 Ibid, số 67
12 Ibid., số 57 và 67
13 Jacques Lévy, Le monde pour cité, Nxb Hachette, 1996.