Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Giáo Huấn Xã Hội Của Hội Thánh Công Giáo : Một Cái Nhìn Mới Từ Thông Điệp Rerum Novarum Đến Thông Điệp Laudato Si’ – Phần cuối

Administrator
2018-09-23 09:38 UTC+7 27
GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO : MỘT CÁI NHÌN MỚI TỪ THÔNG ĐIỆP RERUM NOVARUM ĐẾN THÔNG ĐIỆP LAUDATO SI’ *************                                                    Linh...


GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO :

MỘT CÁI NHÌN MỚI

TỪ THÔNG ĐIỆP RERUM NOVARUM ĐẾN THÔNG ĐIỆP LAUDATO SI’

*************

                                                  

Linh mục Giuse Phan Tấn Thành, O.P.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Thái Bảo, O.P.
Tu sĩ Phêrô Vũ Nguyễn Minh Tiến, O.P.

chuyển dịch từ tác phẩm

CATHOLIC SOCIAL TEACHING :
A NEW SYNTHESIS
RERUM NOVARUM TO LAUDATO SI’

By Daniel Schwindt

 

 

PHẦN VIII. CHIẾN TRANH

Giáo Hội dạy rằng: “Bao lâu con người còn mang tính tội lỗi, hiểm họa chiến tranh còn đe dọa và vẫn sẽ đe dọa cho tới khi Chúa Kitô trở lại.”[1]

Vì sự thật đó mà chúng ta không bao giờ được quên rằng có “các điều kiện tỉ mỉ cho việc tự vệ hợp pháp bằng sức mạnh quân sự.”[2] Những điều kiện đó, được biết đến như “quy tắc chiến tranh chính đáng,” mang đến những chính quyền và người dân với một phương thức chặt chẽ để đánh giá tính hiệu lực của hành động quân sự trong bất cứ xung đột nào. Phương thức như thế là chuyện sống còn của bất cứ chính quyền nào, cụ thể là trong các chế độ dân chủ, bởi vì nếu thiếu các tiêu chuẩn khách quan trong việc quyết định sử dụng hành vi vũ trang, khi đó các yếu tố cảm xúc và cơ hội sẽ lên nắm quyền thống trị cao nhất. Không biết đến các nguyên lý đó chắc chắn đưa đến những hành động tàn bạo, và nước Mỹ, vốn ít quan tâm đến triết lý Kitô giáo, cũng không là luật trừ. Nó xâm phạm cách kinh khủng nhất đến quy tắc chiến tranh chính đáng trong suốt cuộc nội chiến, đệ nhất và đệ nhị thế chiến, ví dụ như việc ném bom lửa ở Dresden và bom hạt nhân ở Hiroshima và Nagasaki. Tuy nhiên ở những khía cạnh khác, chúng ta sẽ thấy rằng nước Mỹ đã cư xử với một sự cao thượng đặc biệt, đồng thời cũng trung thành ủng hộ một vài yếu tố trong giáo huấn của Giáo Hội – chẳng hạn trong cách đối xử với các tù nhân và những người không phải là chiến binh. Tuy nhiên, rủi thay, vì đạo lý đó không được biết đến cách rộng rãi, nên nó chỉ được sử dụng lung tung và vô ý thức, và chúng ta không có cách nào để biết được mai ngày nó có thay đổi hay không.

Các nguyên tắc này được tổng hợp trong sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, từ số 2302-2317, dù đã được hình thành từ thời thánh Âutinh (354-430), và được tiếp nối bởi việc khẳng định và khai triển thêm của Thánh Tôma Aquinô (1225-1274) cũng như các nhà thần học sau này mỗi khi xảy ra các biến cố. Đề tài này thuộc vào số những đề tài quan trọng đặc biệt trong thời đại của chúng ta do thách thức của chủ nghĩa khủng bố, vốn đã tiếp thêm nhiên liệu cho các cuộc tranh luận mới cũng như những vấn đề liên quan đến bản chất của việc phòng vệ hợp pháp. Rất thường xuyên chúng ta vội vàng chống lại giả định rằng, vì các vấn đề thời nay đều mới mẻ, cho nên không thể giải quyết bằng các nguyên tắc truyền thống, thế nhưng đó là ưu điểm của các nguyên tắc – nó phổ quát, được áp dụng cho bất cứ thời đại nào, và chỉ cần được vận dụng lại tuỳ theo các hoàn cảnh thay đổi. Chúng ta sẽ nhận thấy rằng điều đó đúng với quy tắc chiến tranh chính đáng và chiến tranh chống khủng bố.

1. Jus ad bellum, “quyền lâm chiến”

Trước tiên chúng ta phải phân biệt giữa quyết định sử dụng biện pháp chiến tranh và thái độ phù hợp trong suốt chiến tranh. Đó là bởi vì tình trạng chiến tranh khác với tình trạnh hoà bình, và đánh giá mỗi hành động giữa mặt trận như việc chúng ta đánh giá một hành động trong thời bình thật là không thích hợp. Nguyên lý dẫn đến quyết định dùng biện pháp chiến tranh được liệt vào mục được biết đến dưới cái tên jus ad bellum hay “quyền lâm chiến”

a. So sánh “tức giận chính đáng” với “phẫn nộ”

Tức giận là một sự đáp trả hợp pháp đối với sự bất công, chẳng hạn như việc Thiên Chúa bộc lộ tức giận đối với những kẻ đổi tiền ở Đền thờ, sự tức giận đó đi xa đến nỗi Ngài dùng roi đánh họ và đuổi họ ra khỏi Đền thờ. Chúng ta gọi đó là sự tức giận chính đáng, nhưng trước khi chúng ta sử dụng nó thì chúng ta cần phải hiểu tại sao nó lại là sự tức giận chính đáng biểu hiện qua hành động chính đáng, mà không phải là sự phẫn nộ biểu hiện qua bạo lực trái phép.

Trước tiên, tức giận là một cảm xúc mãnh liệt phát ra khi chúng ta phản ứng trước điều xấu và mong ước tìm lại công bằng. Xét dưới khía cạnh cảm xúc, tức giận tự thân không mang tính luân lý hay xấu xa, trái đạo lý, nhưng nó trở thành có đạo đức hay vô đạo đức tuỳ thuộc vào việc nó có được ra lệnh cách hợp lý và được cảm nhận trong mức độ cho phép hay không. Nếu như tức giận sai đối tượng hay mức độ tức giận nhiều hơn hay ít hơn mức cho phép thì sự tức giận đó trở thành điều xấu. Chúng ta phải nhấn mạnh ở đây rằng thiếu đi sự tức giận đối với điều bất công là một điều xấu của “sự yếu nhược,” giống như tức giận quá mức là một điều xấu của “sự quá trớn.” Quay lại ví dụ Chúa Giêsu trong đền thờ, chúng ta có thể nói rằng, nếu ai đấy trong tình huống đó đi xa hơn cách hành xử của Chúa Giêsu hay là bỏ mặc không làm gì cả, thì anh ta sẽ rơi vào một trong hai điều xấu. Sự tức giận sẽ khuyến khích chúng ta lấy lại trạng thái quân bình mà chúng ta đánh mất – trạng thái quân bình công lý.

Mặc dù chúng ta đã đề cập ngay từ đầu về sự tức giận xét như một cảm xúc, nhưng chúng ta cũng phải luôn luôn nối kết cảm xúc tức giận đó với biểu hiện tức giận thông qua hành động: cả hai (cảm xúc và biểu hiện) khác biệt nhau, xét dưới khía cạnh nội tại và ngoại tại, và một người có thể đúng ở điều này nhưng lại sai ở điều kia. Anh ta có thể cảm nhận được mức độ tức giận hợp lý và tức giận với đúng đối tượng, thế nhưng các hành động của anh ấy có thể vụng về hoặc quá đáng trong cách thể hiện.

Trong bất cứ việc xem xét nào về hành xử phải dùng vũ trang chúng ta phải phân tích các cảm xúc của chúng ta và đảm bảo rằng chúng ta không bị đưa đẩy bởi một cảm xúc quá đáng, hoặc bị làm cho suy nhược bởi cảm xúc yếu kém, và sự tức giận đó của chúng ta nhắm vào đúng đối tượng.

b. Các điều kiện nghiêm ngặt

Chúng ta có thể liệt kê ra đây những điều kiện, theo như sách Giáo lý cho biết, cho việc sử dụng hợp pháp sức mạnh quân sự (số 2309):

– Thiệt hại do kẻ xâm lược gây ra cho quốc gia hoặc cho cộng đồng các quốc gia có tính lâu dài, nghiêm trọng và chắc chắn;

– Tất cả các phương thế khác để chấm dứt tình trạng này rõ ràng là bất khả hoặc vô hiệu;

– Phải hội đủ các viễn tượng để thành công;

– Việc sử dụng vũ khí không kéo theo những tai hại và hỗn loạn nghiêm trọng hơn tai hại ta đang cố loại trừ. Khả năng tàn phá của các phương tiện chiến tranh hiện đại là sức ép nghiêm trọng nhất phải được thẩm định trong điều kiện này.

Chúng tôi sẽ bắt đầu với việc dẫn giải tóm lược từng điều một, thế nhưng, tạm thời cần lưu ý những từ ngữ “cùng một trật” được đặt trước những điều được liệt kê trong sách Giáo lý. Những điều kiện được trình bày không được dùng cho một tiến trình lập luận theo kiểu “hoặc cái này… hay cái kia.” Có thể chúng ta gặp thấy một, thậm chí hai trong số những điều kiện trên, thế nhưng điều đó không biện minh cho sức mạnh quân sự. Tất cả các điều điện phải được thoả mãn, bằng không chúng ta phải loại bỏ đi sức mạnh quân sự như một hướng hành động đúng đắn.

c. Tính lâu dài, nghiêm trọng và chắc chắn

Điều kiện đầu tiên này là đòi hỏi quan trọng nhất: nó đặt trước ba yếu tố còn lại và buộc tất cả phải được thoả mãn để biện minh cho sức mạnh quân sự. Nếu như sự đe doạ là nghiêm trọng nhưng không chắc chắn, hoặc chắc chắn nhưng không nghiêm trọng, hoặc chắc chắn và nghiêm trọng nhưng không kéo dài thì chiến tranh không được biện minh. Vì lập luận đó, điều kiện đầu tiên này thường bị lờ đi, với những quốc gia dùng biện pháp chiến tranh, hay việc hăm doạ chiến tranh như trong trường hợp nước Mỹ ép buộc nước Nhật mở cửa để giao thương với Tây phương, thì chẳng gì khác hơn là lợi nhuận kinh tế; hay trường hợp chiến tranh ở Iraq, các cuộc chiến được khởi đầu từ lời đồn và những giả thuyết vô căn cứ.

Hơn nữa, nếu điều kiện này – điều kiện nghiêm ngặt nhất – thoả mãn, thì chúng ta có thể tiếp tục với các điều kiện còn lại vốn cũng phải thoả mãn hết. Tất cả những điều kiện đó phải được thoả mãn cùng một trật mỗi lần.

d. Tất cả các phương thế khác phải vô hiệu

Vua Salômôn nói, có một thời để giết chóc.[3]Thế nhưng thời đó là khi nào, và làm sao chúng ta biết nó đã đến? Chúng ta thường được nhắc nhở rằng, chiến tranh luôn luôn là “phương sách cuối cùng.” Dĩ nhiên, điều đó là đúng, nhưng chúng ta phải cẩn thận không để nó làm cho ra mê muội. Việc xem “chiến tranh là phương sách cuối cùng” tạo ra hình ảnh của một trình tự thời gian mà chiến tranh nằm ở tận đích điểm xa xôi, và phải vượt qua tất cả những giai đoạn khác trước khi chiến tranh xảy đến cũng như trở nên hợp pháp. Trong khi xem ra nguyên tắc này thuộc về trực giác, thế nhưng chúng ta phải nhớ rằng sự thận trọng không đòi hỏi phải thực sự thử từng chọn lựa thay thế trước khi sử dụng đến hành động quân sự; quả vậy, trong một vài trường hợp, nếu rõ ràng việc trì hoãn sử dụng hành động vũ trang sẽ thực sự gây ra thảm hoạ, thì việc thử từng lựa chọn thay thế đó có thể bị xem là nguy hiểm và vô ích. Vì lẽ đó, điều quan trọng là, trước chiến tranh, ta cần thử tất cả những giai đoạn khả thể trong tiến trình thời gian ấy, thế nhưng trong trường hợp những phép thử này không khả thi ta có thể bỏ qua luôn cũng được. Vậy thì, có lẽ tốt hơn phải nói rằng, chừng nào những chọn lựa không bạo lực thực sự vẫn còn khả thi, ta không được phép sử dụng đến chiến tranh. Nếu không còn biện pháp thay thế nào khả thể, thì có thể xem đây là một khả năng vô hiệu dẫu ta vẫn chưa thử nghiệm đến nó.

e. Viễn tượng thành công

Trong chiến tranh, không có khả năng nào là chắc chắn đem lại thành công, bất chấp sức mạnh của công nghệ hoặc nhân lực, như nước Mỹ đã học được điều đó từ Việt Nam. Vì thế, chúng ta thấy được rằng điều kiện thứ ba – “viễn tượng thành công” – sẽ không đòi hỏi như điều kiện đầu tiên. Đối với việc đe doạ, chúng ta phải thực sự chắc chắn; đối với thành công, chúng ta chỉ cần được bảo đảm rằng có một khả năng đáng kể. Nếu như nỗ lực là vô ích thì thật là bất công khi hy sinh mạng sống để theo đuổi nó.

f. Không kéo theo những tai hại lớn hơn

Ở đây, chúng ta quan tâm đến các hậu quả chiến tranh trong phạm vi chúng có thể biết trước được. Về điểm này, ta phải nhớ lại lời tuyên bố của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II rằng, những hậu quả không lường trước được trong bất kỳ hành động nào thường lớn hơn những hậu quả lường trước được, bởi vì không thể nào dùng lý trí mà tính toán tất cả các hậu quả.[4]Tuy nhiên, dẫu có thể lường được các hậu quả, chúng ta cũng buộc phải suy xét hết sức cẩn trọng và không được phép gây ra một điều xấu tệ hại hơn điều xấu ban đầu.

g. Thẩm quyền thích hợp

Sau cùng, chúng ta phải hỏi ai là người ra quyết định cuối cùng tiến tới chiến tranh? Đúng hơn phải hỏi rằng ai là người chịu trách nhiệm đưa ra phán đoán dựa trên những tiêu chuẩn này:

“Việc thẩm định các điều kiện đó để có tính hợp pháp về luân lý, thuộc về sự phán đoán khôn ngoan của những người có bổn phận lo cho công ích.”[5]

Vậy thì, bởi vì chính quyền có trách nhiệm bảo vệ an toàn quốc gia nên nó cũng có nhiệm vụ phán đoán khi nào sử dụng lực lượng vũ trang và sử dụng như thế nào cho mục đích phòng vệ. Tuy nhiên, một điều kiện như vậy thật khó chấp nhận dưới thời đại của dân chủ vì người dân tự xem mình là những người cầm quyền đích thực, đúng hơn là các cử tri của những người nhà cầm quyền vốn khi đó sẽ cai trị dựa trên nền tảng là thông tin và viễn tượng mà các cử tri không thể có. Sự nhầm lẫn này dẫn đến kết quả là một não trạng mà theo đó người cử tri bình thường tin rằng anh ta có, hoặc phải có, thông tin đúng đắn đặt trước mặt cần thiết để tuyên bố cho mỗi câu hỏi về sự can thiệp vũ trang, đồng thời thêm vào đó những tuyên bố của anh ta phải được đưa ra thực hiện. Rủi thay, nỗ lực đặt hành vi quân sự dưới quan điểm của công chúng theo cách này hầu như lần nào cũng dẫn đến việc hoàn toàn bỏ qua từng điều kiện quy định chiến tranh chính đáng. Điều đó không phải nói rằng, các chính phủ phải tính đến chiến tranh chính đáng mới là phù hợp, nhưng có thể là họ phải tự đưa mình vào việc gánh vác bổn phận này; không thể giao nhiệm vụ đó cho người dân không am hiểu, dẫu anh ta có muốn hay không.

2. Jus in bello hay “luân lý thời chiến”

Một khi đã ra quyết định và bắt đầu bước vào tình trạng chiến tranh, chúng ta buộc phải thay đổi viễn tượng của mình, vì xử lý mỗi quyết định trong thời chiến như thể đang trong thời bình sẽ là không thích hợp và không cần thiết, dù là chúng ta thực sự đúng đắn khi quyết định bước vào cuộc xung đột. Khi đó, trong tình trạng chiến tranh, chúng ta nhận thấy một bộ các điều kiện quy định mới, và những điều kiện này được xếp vào hạng mục jus in bello, nghĩa là hạng mục “luân lý thời chiến.”

Có lẽ, vấn đề quan trọng nhất của Giáo Hội đó là luôn phải giữ hiệu lực của luật luân lý trong suốt cuộc chiến, giống như trong những thời điểm khác. Cần phải lập tức bác bỏ câu nói: “tất cả đều tốt trong tình yêu và chiến tranh,” mà con người rất quen nại đến để bào chữa cho bất kỳ loại hành vi nào của mình.[6]

a. Thường dân

Trong các số 2313 và 2314, sách GLHTCG nhấn mạnh quan điểm rằng, trong suốt cuộc chiến, không bao giờ được nhắm mục tiêu vào thường dân – không vì bất kỳ lý do hay dưới bất kỳ hoàn cảnh nào. Đối xử vô nhân đạo với tù nhân hay nhắm mục tiêu vào các vùng dân cư là một “tội ác chống lại Thiên Chúa và chính con người.” Nước Mỹ đã có mặt ở cả hai phía của vấn nạn này, họ nổi tiếng trong cách đối xử nhân đạo với tù nhân và dân cư trong những cuộc xung đột, tuy nhiên lại tai tiếng khi nhắm mục tiêu cách trực tiếp vào toàn thể khu vực dân cư trong những lúc khác. Nguyên tắc này lại trở nên quan trọng hơn nữa khi công nghệ phát triển, dù chúng ta đang nói về vũ khí hạt nhân hay chiến tranh sinh học / hóa học, bởi vì các quốc gia giàu có và phát triển luôn luôn là những nơi có được những phương tiện này, và cũng chính vì thế mà họ luôn luôn là những quốc gia dễ bị cám dỗ sử dụng đến những phương tiện đó.

b. Quy tắc hiệu quả kép

Giáo Hội không đòi hỏi sự hoàn hảo. Thần học Công giáo cho phép một hành động có thể vừa mang hậu quả tốt lẫn hậu quả xấu, và ở điểm này, Giáo Hội thừa nhận quy tắc hiệu quả kép. Lấy một trong những ví dụ của Thánh Tôma rằng, sẽ không được phép ước muốn giết một người, thế nhưng có thể giết người trong trường hợp tự vệ. Hành vi này có một hiệu quả kép, thế nhưng nó được phép bởi vì, mặc dù có thể thấy trước điều xấu, thế nhưng nó được thực hiện nhằm phục vụ cho điều tốt trực tiếp là bảo toàn mạng sống của mình. Cái chết của kẻ tấn công là một hậu quả không được nhắm đến, dẫu có thể thấy trước, của phản ứng đúng đắn nơi nạn nhân.

Áp dụng luật này trong chiến tranh, thường không thể tránh khỏi điều này là trong một cuộc xung đột, sẽ xảy ra thêm những thiệt hại phụ; tuy nhiên thiệt hại phụ này có thể không bao giờ là toan tính trực tiếp của kẻ tấn công. Xin nhắc lại những vụ thả bom ở Dresden, Hiroshima và Nagasaki, các vùng dân cư đã bị nhắm mục tiêu trực tiếp nhằm gây áp lực để buộc chính phủ của họ phải quy phục đầu hàng. Vì nhắm mục tiêu vào người dân chính là ý hướng trực tiếp của các vụ tấn công, cho nên nó không được liệt vào quy luật hiệu quả kép và đó là một cuộc chiến chống lại học thuyết chiến tranh chính đáng.

3. Việc giải trừ quân bị

Bởi vì tất cả các quốc gia đều phải làm việc hướng đến hòa bình, và vì việc sở hữu vũ khí chỉ đúng đắn khi nó đúng với mục đích duy trì hòa bình, thế nên dường như chính các loại vũ khí, việc mua và bán chúng, cũng như số lượng được một quốc gia sản xuất và duy trì, chính là các đối tượng mà Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội quan tâm đến. Vì lý do này mà các loại vũ khí không thể được xem là một hạng mục hàng hóa đơn giản có thể được mua và bán ở các thị trường quốc tế hay thị trường nội địa.[7]

Giáo Hội không đồng ý với quan niệm phổ biến rằng, việc tích lũy vũ khí, đặc biệt là vũ khí hạt nhân, là một phương thế hiệu quả hay cần thiết để đạt được hòa bình: “Thật là nghịch lý, nhiều người xem việc tích lũy vũ khí như một phương thế để can ngăn đối phương khỏi gây chiến. Họ coi đó là phương thế hữu hiệu nhất, khả dĩ bảo đảm hòa bình giữa các quốc gia. Về mặt luân lý, phải rất dè dặt đối với phương thức can ngăn này. Việc chạy đua vũ trang không bảo đảm được hòa bình. Việc đó không những không loại bỏ các nguyên nhân gây chiến, mà còn có nguy cơ làm cho các nguyên nhân đó trở thành trầm trọng hơn.”[8]Đúng hơn, Huấn quyền đề xuất một con đường đúng đắn đó là phải có một chính sách hạn chế sản xuất vũ khí hạt nhân kết hợp với việc giảm bớt các loại vũ khí hạt nhân trên diện rộng, cũng như dùng các loại vũ khí để tấn công cách bừa bãi.

4. Chủ nghĩa khủng bố

Sự xuất hiện của hoạt động khủng bố trên cấp độ toàn cầu đã thực sự gây ra một khó khăn lớn trong việc duy trì chiến tranh chính đáng, vì không chỉ các tổ chức khủng bố thường không phải là các tổ chức chính phủ, nhưng họ còn tuyên bố là hành động nhân danh niềm tin tôn giáo của một nhóm đông người. Tuy nhiên, chủ nghĩa khủng bố đã bị Huấn quyền nhắm cách trực tiếp và không khoan nhượng, được tóm tắt ở các đoạn từ 513 đến 515 trong sách Tóm lược Học thuyết Xã hội (Compendium), thêm vào đó, việc lên án chủ nghĩa khủng bố hình thành nên một lời bình luận chính trong các huấn từ cho các Ngày Quốc Tế Hòa Bình mà các Đức Giáo hoàng thường đưa ra.

Thứ nhất, vì các nhóm khủng bố lấy danh nghĩa tôn giáo, thay vì ý thức hệ, chủ nghĩa khủng bố đã tiếp nhiên liệu cho câu chuyện hoang đường lâu năm rằng, bản chất tôn giáo là một hiện tượng bạo lực. Câu chuyện hoang đường này đã từng là trào lưu ở phương Tây trong nhiều thế kỷ, và được các chế độ thế tục dùng để khẳng định thiên kiến, củng cố quan niệm rằng càng “kiềm nén” và loại trừ tôn giáo ra khỏi lĩnh vực công cộng, cách cụ thể là chính trị, thế giới sẽ càng tốt đẹp hơn. Các Đức Giáo hoàng đã cẩn thận bác bỏ quan niệm này cách cụ thể, các ngài nói rằng “lòng căm thù, sự cuồng tín và chủ nghĩa khủng bố đã xúc phạm, báng bổ danh thánh Chúa đồng thời làm biến dạng hình ảnh của con người.”[9]“Tuyên bố mình là một tên khủng bố nhân danh Chúa là một sự báng bổ và lộng ngôn.”[10]

Hơn nữa, Giáo Hội đã nỗ lực để tách biệt bạo lực được thực hiện nhân danh tôn giáo khỏi chính tôn giáo, nhắc nhở thế giới rằng, trách nhiệm của kẻ phạm tội luôn luôn mang tính cá nhân, và chỉ là một nhóm thiểu số hung bạo mà thôi.[11]

Chính vấn đề này cũng được Giáo Hội xem như một lời mời gọi phải làm cái gì khác hơn là chiến tranh chính đáng, cũng như săn lùng những kẻ khủng bố nhiều hơn nữa. Người ta nói rằng, vấn nạn này cũng mời gọi sự nhận thức và suy tư:

“Không thể chỉ giới hạn cuộc chiến chống khủng bố vào những chiến dịch đàn áp và trừng phạt. Điều cần thiết đó là, việc dùng đến vũ lực, thậm chí khi cần thiết, phải đi đôi với việc can đảm phân tích một cách rõ ràng những nguyên nhân đằng sau các cuộc tấn công khủng bố. Cuộc chiến chống khủng bố cũng phải được điều khiển trên các cấp độ chính trị và giáo dục… bằng việc loại trừ đi những nguyên nhân nền tảng của các tình trạng bất công vốn thường xuyên dẫn con người đến những hành động tuyệt vọng và bạo lực…”[12]

Với nhiều người, thật khó chấp nhận ý tưởng là, hành vi hung ác của những kẻ khủng bố có thể bắt nguồn cách nào đó từ chính hành vi của những nhóm người mà họ tấn công; nói như vậy thì có vẻ không công bằng, và dường như cho rằng chúng ta đang miễn tội cho những kẻ đang hành hung người khác. Thế nhưng không phải vậy: Giáo Hội không cố xóa bỏ lời lên án những kẻ khủng bố, nhưng mong muốn chúng ta hãy mở rộng đôi mắt mà nhìn vào từng mắt xích trong chuỗi các sự kiện. Thật dễ để thét lên: “Chúng ghét sự tự do của chúng ta,” và rồi để mọi sự vẫn như thế, thế nhưng những câu khẩu hiệu như vậy luôn luôn là những nỗ lực trẻ con hầu tránh phải tìm hiểu những nguyên nhân thực sự cho từng sự kiện cụ thể, vốn luôn luôn phức tạp hơn rất nhiều và thường cũng chẳng thích thú gì để bàn luận.

Cuối cùng, các Đức Giáo hoàng mời gọi con người hãy tránh xa cơn cám dỗ vốn đã tăng trưởng cùng với chủ nghĩa khủng bố, và thực sự phát biểu cho một trong những thắng lợi lớn lao nhất của chủ nghĩa khủng bố, cơn cám dỗ này thúc giục người ta vứt bỏ những quy tắc và thủ tục truyền thống, đồng thời lờ đi chiều kích tương ứng với đời sống con người dựa trên những lý do cho rằng chính những kẻ khủng bố đã làm như vậy. Thay vì đi theo con đường hạ giá nhân phẩm và vô trật tự, Giáo Hội dạy rằng những tình huống như vậy đòi hỏi sự hợp tác mới mẻ giữa các quốc gia, và không phải là loại bỏ nhưng đúng hơn là tái khẳng định giá trị của đời sống con người, các quy tắc quốc tế và các thủ tục mang tính hợp tác nhằm giúp đánh tan thứ bệnh dịch nguy hiểm này.[13]

Tóm kết về sự dữ đó, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: “Những kẻ giết chóc bằng các hành vi của chủ nghĩa khủng bố thực sự mất hết hy vọng vào tình người, vào cuộc sống, và vào tương lai. Trong cái nhìn của họ, mọi sự đều bị căm ghét và hủy diệt.”[14]

Và Đức Bênêđictô XVI chỉ ra con đường cần thiết để giải quyết vấn nạn này, không phải từ bỏ lề luật và phẩm giá con người, chấp nhận những biện pháp kinh hoàng, tra tấn, và bất công, nhưng đúng hơn mời gọi mọi người hãy công bố nhiều hơn bao giờ hết sứ điệp của Kitô giáo:

“Trong quan cảnh của những mối nguy hiểm mà nhân loại đang đối diện ở thời đại này, mọi tín hữu Công giáo hiện diện ở khắp nơi trên thế giới có bổn phận loan truyền và thể hiện một cách trọn vẹn hơn bao giờ hết “Tin mừng Bình an,” đồng thời cho thấy rằng, việc thừa nhận chân lý trọn vẹn của Thiên Chúa là điều kiện đầu tiên và tuyệt đối cần thiết cho việc củng cố chân lý của hòa bình.”[15]

Và một lời cảnh báo cuối cùng từ một trong những vị thánh được tôn phong gần đây nhất của Giáo Hội, đó là: “Không có hòa bình nếu không có công lý, không có công lý nếu không có thứ tha: Tôi sẽ không mệt mỏi nhắc lại lời cảnh báo này cho những ai, vì lý do này hay lý do khác, đang nuôi dưỡng lòng hận thù, khao khát muốn báo oán hay ý chí muốn hủy diệt.”[16]

 

 


[1] GS, 78.

[2] GLHTCG, 2309.

[3] Gv 3,3.

[4] VS, 77.

[5] GLHTCG, 2309.

[6] GLHTCG, 2312.

[7] HTXHCG, 508.

[8] GLHTCG, 2315.

[9] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Diễn từ dành cho các Đại biểu thuộc lãnh vực Văn hóa, Nghệ thuật và Khoa học (24/11/2001), 5.

[10] HTXHCG, 515.

[11] HTXHCG, 514.

[12] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình 2004, 8.

[13] Đức Bênêđictô XVI, Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình 2007, 14; Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình 2004, 8.

[14] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình 2002, 6.

[15] Đức Bênêđictô XVI, Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình 2006, 11.

[16] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình 2001, 15.

 

 

Chia sẻ