Giáo Huấn Xã Hội Của Hội Thánh Công Giáo: Một Cái Nhìn Mới Từ Thông Điệp Rerum Novarum Đến Thông Điệp Laudato Si’ – Phần V.b
GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO:
MỘT CÁI NHÌN MỚI
TỪ THÔNG ĐIỆP RERUM NOVARUM ĐẾN THÔNG ĐIỆP LAUDATO SI’
*************
Linh mục Giuse Phan Tấn Thành, O.P.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Thái Bảo, O.P.
Tu sĩ Phêrô Vũ Nguyễn Minh Tiến, O.P.
chuyển dịch từ tác phẩm
CATHOLIC SOCIAL TEACHING :
A NEW SYNTHESISRERUM NOVARUM TO LAUDATO SI’
By Daniel Schwindt
PHẦN V. ĐỜI SỐNG KINH TẾ
5. Cạnh tranh hay hợp tác?
Giáo Hội mời gọi sự cộng tác hầu vượt trên và chống lại sự cạnh tranh. Có thể liệt kê hàng tá trích dẫn,[1]thế nhưng chúng ta phải tự giới hạn ở một trích dẫn mà thôi. Nếu quan tâm, độc giả có thể tự mình tìm hiểu thêm.
“Cũng như không thể đặt tính hợp nhất của xã hội loài người trên sự đối chọi giữa các tầng lớp, ta không thể bỏ mặc trật tự đúng đắn của đời sống kinh tế cho sự cạnh tranh tự do giữa các lực lượng. Bởi vì từ nguồn gốc trên, giống như từ một dòng suối độc hại, đã khơi nguồn và làm lan tràn tất cả các sai lầm của học thuyết kinh tế mang tính cá nhân chủ nghĩa. Hủy bỏ thông qua quên lãng hay vô tri trước các đặc tính xã hội và luân lý của đời sống kinh tế, người ta đã tin rằng, đời sống kinh tế phải được xem xét và xử lý theo cách thức hoàn toàn thoát khỏi cũng như độc lập hoàn toàn với chính quyền, vì trong thị trường, cụ thể trong cuộc cạnh tranh tự do, sẽ có một nguyên tắc tự định hướng chi phối và ảnh hưởng cuộc cạnh tranh ấy một cách hoàn hảo hơn sự can thiệp của bất kỳ lý trí khôn ngoan nào. Tuy nhiên, sự cạnh tranh tự do, dẫu được điều chỉnh và quy định cách chắc chắn và hữu hiệu, thế nhưng nó vẫn bị giới hạn cách nào đó, và như thế rõ ràng không thể giúp định hướng đời sống kinh tế – đây là một sự thật đã được minh chứng cách đầy đủ khi đem ứng dụng trong thực tế những nguyên lý của tinh thần cá nhân chủ nghĩa xấu xa này.”[2]
“Sáng kiến cá nhân riêng lẻ và trò chơi cạnh tranh thuần tự do không bao giờ bảo đảm cho sự phát triển thành công. Chúng ta phải tránh nguy cơ ngày càng tăng của tầng lớp giàu có và quyền lực của kẻ mạnh thế, trong khi bỏ rơi những người nghèo khổ trong cảnh lầm than và còn chất thêm gánh nặng trong cảnh bị áp bức… Nền kinh tế trao đổi không còn đặt nền chỉ trên luật tự do cạnh tranh nữa, một thứ luật lệ, đến lượt mình, cũng thường tạo ra một chế độ độc quyền kinh tế. Tự do thương mại là ngay thẳng chỉ khi nó là chủ thể cho các đòi hỏi về công bằng xã hội.”[3]
Đối với khía cạnh cộng tác chúng ta phải thêm điều này:
“Sáng kiến kinh tế là một sự biểu đạt trí khôn con người cũng như biểu đạt tính thiết yếu của việc đáp trả các nhu cầu con người theo lối sáng tạo và cùng nhau hợp tác. Sáng tạo và hợp tác là dấu chỉ của khái niệm đúng về sự cạnh tranh kinh doanh: một ‘cumpetere,’ nghĩa là, cùng nhau tìm kiếm những giải pháp phù hợp, theo cách thức tốt nhất, để đáp ứng những nhu cầu khi chúng xuất hiện.”[4]
6. Tư lợi và động cơ lợi nhuận
Tư lợi và động cơ lợi nhuận, vốn là hai hạn từ tạo nên tiêu đề cho phần này, chính là một thứ chất độc tinh thần cho những xã hội đang gắng sức tiếp nhận chúng như những nguyên tắc điều khiển xã hội. Con người luôn luôn khao khát khám phá ra một thứ triết lý mà nhờ nó họ có thể tự xem mình là có luân lý, trong khi chẳng cần phải trở nên tốt trước tiên. Cuối cùng, chỉ gần đây thôi, con người mới đạt được thứ triết lý đó, và họ đã làm điều này nhờ thuyết về tư lợi.
Tiền đề căn bản của thuyết tư lợi là giả như mỗi người có hành xử ích kỷ đi nữa, thì kết quả thực sự tất thảy vẫn là được thêm hạnh phúc. Chúng ta tìm thấy điều đó trong cốt lõi của chủ nghĩa tư bản, vốn dạy các môn đồ của mình rằng, hành vi kinh tế mang tính tư lợi là động cơ thúc đẩy tiến trình kinh tế; chúng ta cũng tìm thấy điều đó ở cốt lõi của chủ nghĩa tự do tính dục, vốn chủ trương rằng, nếu cứ “kệ người ta,” chúng ta sẽ hạnh phúc và phong lưu hơn. Cả hai chủ thuyết đều dạy con người nghĩ rằng ích kỷ là con đường gián tiếp dẫn đến lòng vị tha. Nhờ chăm sóc chính mình, và để người khác làm như thế, xã hội mang đến ích lợi cho toàn thể, dẫu bạn không bao giờ có chủ ý hành động bất vị kỷ. Một người có thể chăm sóc tốt nhất cho xã hội nhờ biết chăm sóc cho chính mình. Theo đó, cuối cùng Tin Mừng trở nên chẳng còn liên hệ hay phù hợp gì nữa. Thậm chí chưa hết, nếu người ta tin ích kỷ là chìa khóa dẫn tới hạnh phúc và là động cơ thúc đẩy tiến trình, thì bất vị kỷ trở thành một thói xấu và Tin Mừng không những không còn phù hợp mà còn bị đảo ngược: các giáo huấn trong đó chỉ là thừa thải, đích thực là một thứ phiền hà và cần phải tống khứ đi. Mặc dù có vẻ cường điệu, nhưng nó chính xác là những gì đã xảy ra nơi các triết lý vị kỷ nổi tiếng, chẳng hạn triết lý của Ayn Rand (một tiểu thuyết gia, 1905 – 1982).
a. Một kiểu diễn đạt của chủ nghĩa duy kết quả
Ở đây chúng ta bắt đầu hiểu được vì sao cần thiết phải nhắc đi nhắc lại các nguyên tắc luân lý Công giáo ở phần trước trong nghiên cứu của chúng ta.[5] Chúng ta thấy rằng, hành vi cụ thể của con người và ý chí đằng sau hành vi phải tương hợp với điều thiện hảo mới khiến cho hành vi đó có tính luân lý. Nếu tự bản chất tư lợi là bệnh hoạn, thì nó chẳng là gì ngay cả khi nó mang lại cho thế giới này cả một khối tiền khổng lồ. Chúng ta không được làm điều xấu, để từ đó đạt tới điều tốt, và đó là tất cả những gì dành cho nó. Chẳng ai đi tung hô một người “không chủ tâm” giúp ích cho xã hội đang khi chỉ muốn làm lợi cho chính mình. Học thuyết tư lợi thất bại không phải vì thiếu giá trị hữu ích (mặc dù nhiều luận cứ chắc chắn có thể cho thấy điều đó), nhưng là vì thói quen mà nó làm thấm nhập vào tâm hồn. Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì?[6]
b. Tư lợi cung cấp nhiên liệu cho sự lớn mạnh của Nhà nước
Cũng đáng để đề cập đến việc Thánh Tôma Aquinô đã chấp nhận rằng, khuynh hướng hướng về tư lợi chính là một trong những lý do phải có chính phủ. Điều hợp lý ở đây là, khi người ta càng ích kỷ, người ta càng cần được Nhà nước quản thúc. Càng nhấn mạnh tư lợi, càng cần đến một thẩm quyền cao hơn để lo cho ích chung: “Vì nơi nào có nhiều người mà mỗi người chỉ biết lo cho lợi ích riêng của mình, nơi đó sẽ bị vỡ nát và phân tán, trừ phi có một cơ quan chăm lo những gì thuộc về ích chung.”[7]
Trong một xã hội hoàn toàn bị tư lợi, “cơ quan” nào sẽ ở đó để chăm lo ích chung nếu không phải là Nhà nước chuyên chế? Và đây chính là điều mà Giáo Hội không mong muốn. Nhà nước có một tầm ảnh hưởng chính đáng vốn lớn hơn những gì mà những người ưa thích điều mới mẻ muốn thừa nhận, thế nhưng ngày nay Nhà nước đã bị loại ra ngoài tầm ảnh hưởng này bởi chính chủ nghĩa cá nhân đòi lên án Nhà nước vì đã vượt quá quyền hạn. Thông qua chủ nghĩa cá nhân và học thuyết tư lợi, tất cả những nhóm và hiệp hội trung gian bị tan vỡ, chỉ còn lại Nhà nước nhặt nhạnh những mảnh vụn, và dần lớn lên trở thành một cơ chế khổng lồ và mạnh mẽ:
“… Nhiều thứ đã phải trải qua một sự dữ mà chúng ta gọi là ‘chủ nghĩa cá nhân’ đến nỗi, theo sau việc lật đổ và gần như tiêu diệt hoàn toàn sự phong phú của đời sống xã hội vốn đã từng được phát triển đến mức độ rất cao nhờ các hiệp hội khác nhau, giờ đây, gần như tất cả chỉ còn lại các cá nhân và Nhà nước.”[8]
c. Động lực thu lợi nhuận xét như động cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Rõ ràng lợi nhuận có một vai trò phải đảm nhận, cả từ phía quan điểm về động cơ cá nhân lẫn như phần thưởng cho lao động, đồng thời cũng là thước đo sự thành công của một tổ chức kinh doanh. Tuy nhiên, khi chỉ tìm kiếm chính mình, tức khắc lợi nhuận trở thành một thói tham lam tầm thường.
“Nguyên tắc làm tăng lợi nhuận đến cực độ, vốn là một nguyên tắc thường xuyên bị tách biệt khỏi những cân nhắc khác, phản ánh một sự nhầm lẫn trong cách hiểu về chính khái niệm kinh tế.”[9]
Việc theo đuổi lợi nhuận tối đa một cách mù quáng không chỉ dẫn đến tình trạng lạm dụng công nhân, những người phải dựa vào đồng lương để sống,[10] mà nó còn có thể che khuất sự kiện này là, khả năng sinh lợi nhuận, tự nó, không có nghĩa một hoạt động kinh doanh đóng vai trò tích cực trong xã hội.[11]Trái lại, “vẫn có thể xảy ra việc tình trạng tài chánh vững vàng nhưng với con người – thứ tài sản giá trị nhất của một hãng xưởng – lại bị hạ nhục và nhân phẩm của họ bị chà đạp.”[12] Mục tiêu của lợi nhuận, vốn hợp pháp trong nhiều giới hạn và là thước đo thể trạng của công ty, phải được giữ sao cho hài hòa với nhân phẩm con người cũng như hài hòa với mối quan tâm đúng đắn dành cho sự lành mạnh của môi trường xung quanh, cả hai yếu tố này đều là những giá trị vượt trội hơn lợi nhuận.[13]
Có lẽ kết quả rối nhất của một khát vọng ôm trọn lợi nhuận là thực tế rằng nó chắc chắn loại trừ tất cả mọi doanh nghiệp và cá nhân, những người sẽ chọn cách hoạt động bằng một động lực khác, và điều này là bất công. “Điều cũng cần thiết là trong thị trường, phải tạo không gian hoạt động cho những người muốn chọn lựa hành động theo những nguyên tắc khác hơn là chỉ chạy theo lợi nhuận, nhưng vẫn mang lại giá trị kinh tế.”[14]
7. Thị trường tự trị và thị trường “tự do”
Chúng ta không thể tìm thấy nơi nào trong giáo huấn Công giáo sự ủng hộ quyền tự trị hoàn toàn của thị trường (ý tưởng cho rằng thị trường có khả năng “tự điều chỉnh” mà không cần bất cứ sự can thiệp nào từ ngoài hay từ trên). Trái lại, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khẳng định rằng “xác tín cho rằng kinh tế đòi buộc phải có sự độc lập và không thể bị vấn đề luân lý ảnh hưởng, đã dẫn con người đến chỗ lạm dụng tiến trình kinh tế theo cách thức hoàn toàn phá hoại.”[15]
Mặc dù hợp pháp khi bàn về “quyền tự trị” với sự tôn trọng dành cho các hoạt động kinh thế, thế nhưng điều muốn nói ở đây luôn là một sự tự trị mang tính tương đối, vốn phải được giới hạn trong những trật tự cao cấp hơn, đó là một trật tự đạo đức:
“Giáo huấn xã hội của Hội Thánh, trong khi nhìn nhận thị trường như một công cụ không thể thay thế cho sự kiểm soát các công việc bên trong của hệ thống kinh tế, đã chỉ ra sự cần thiết cho thị trường là phải được cắm rễ chắc chắn vào các mục tiêu đạo đức, vốn đảm bảo và đồng thời giới hạn không gian thích hợp trong cái mà nó có thể hoạt động cách độc lập.”[16]
Và vì vậy, cuối cùng chúng ta cũng nhận thấy rằng cái gọi là “thị trường tự do”, một khái niệm liên quan đến các điều kiện cụ thể của sự tự do kinh tế mang tính tương đối trong một trật tự chính trị cụ thể, luôn luôn bị giới hạn và điều khiển bởi các nhu cầu của trật tự chính trị đó. Nếu chúng ta cho phép sự tự do tương đối của thị trường trở nên tuyệt đối, thì chúng ta cũng cho phép một điều tốt hợp pháp biến thành một nguồn gốc của sự xấu xa:
“Tất cả những điều này có thể được tóm tắt bằng cách lập lại một lần nữa là tự do kinh tế chỉ là một yếu tố trong tự do của con người. Khi nó trở thành tự lập, khi con người được nhìn xem nhiều hơn như là người sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm hơn là đối tượng cho việc sản xuất và tiêu thụ để sống, lúc đó tự do kinh tế mất những mối dây liên lạc cần thiết đối với con người và kết cục đi tới chỗ xa cách và đàn áp con người.”[17]
Như đã lưu ý bên trên rằng bất kỳ loại hình tự do nào, nhằm mục đích duy trì tình trạng hợp pháp, đều buộc phải duy trì một nối kết vững bền với chân lý và sự thiện hảo. Cũng thế, tự do kinh tế cũng phải được đặt trong toàn bộ bối cảnh luân lý.
8. Luân lý và thuyết kinh tế
Giáo Hội nhấn mạnh rằng luôn luôn có nhiều hệ luận luân lý cho hoạt động kinh tế.[18]Trong những lời của Đức Bênêđictô XVI, đã được trích dẫn trong ở phần đầu nhưng vẫn có giá trị để lặp lại ở đây: “Mọi quyết định kinh tế đều có một hệ quả luân lý.”[19]Nói cách khác, các nền kinh tế, giống như các ngành khoa học tự nhiên, không thể được quan niệm như được điều hành bởi một hệ thống các định luật máy móc, nơi mà sự phán quyết luân lý không có tiếng nói. Đó là lý do tại sao, cho đến gần đây, lãnh vực đó được gọi là “kinh tế chính trị” và không bao giờ được gọi đơn giản là “các nền kinh tế.” Hơn nữa, khía cạnh luân lý của thị trường không chỉ gồm những hoạt động đặc thù về mua bán, nhưng còn trải rộng đến các lãnh vực đầu cơ và sử dụng công cụ tài chính vốn đang trở nên rất trừu tượng và phức tạp.[20]Bởi công bằng là trung tâm điểm cho hoạt động kinh tế, nên chúng ta không được phép lãng quên xem xét công bằng trong mọi giai đoạn của tiến trình đó.[21]
Để tóm kết, chúng ta tham khảo Thông điệp Quadragesimo Anno:
“Mặc dù các nền kinh tế và khoa học luân lý sử dụng các nguyên lý riêng trong lãnh vực riêng, tuy nhiên, thật sai lầm khi nói rằng kinh tế và các loại hình luân lý rất khác biệt và xa lạ với nhau, rằng kinh tế không phụ thuộc vào luân lý. Tất nhiên các luật lệ kinh tế, như đã đề cập, vốn được đặt nền trên bản chất của sự vật vật chất và trên khả năng của thể xác và trí tuệ con người, quyết định những giới hạn của cái hiệu quả mà nỗ lực của con người không thể làm được, và của cái mà nó giành được trong lãnh vực kinh tế và bằng phương tiện nào. Song chính lý trí cho thấy cách rõ ràng, trên cơ sở bản tính cá nhân và xã hội của vật chất và con người, mục đích mà Thiên Chúa quy định cho tất cả mọi đời sống kinh tế. Thế nhưng, luật luân lý cũng như nó đòi buộc chúng ta kiếm tìm cứu cánh tối thượng và tối hậu trong mọi hoạt động, thì cũng đòi buộc chúng ta tìm kiếm trước tiên trong mỗi kiểu hoạt động những mục đích mà chúng ta biết nhờ tự nhiên, hoặc hơn nữa là biết Thiên Chúa, tác giả của tự nhiên đó, thiết lập cho kiểu hoạt động ấy, và trong mối tương quan có thứ cấp thì những mục tiêu trước mắt nhất phải phụ thuộc vào cái cùng đích cao nhất và sau nhất của chúng ta.”[22]
9. Chủ nghĩa tiêu thụ
Qua việc lẫn lộn số lượng với phẩm chất, việc sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng kinh tế đã được nhìn nhận như là cùng đích nơi chính nó. Điều này dẫn đến chủ nghĩa tiêu thụ, một não trạng cho rằng “sự tăng trưởng kinh tế” luôn luôn có lợi, dẫu được thực hiện bằng bất cứ phương tiện nào và không tôn trọng phẩm chất hay bản chất các hàng hóa được sản xuất, cũng như không quan tâm đến những yêu cầu của công chúng. Mặc dù điều đó bắt nguồn từ ước muốn lành mạnh là để cải thiện điều kiện sống của con người, thế nhưng nó đã nhanh chóng biến đổi thành một cái gì khác:
“Một nền văn hóa để lộ quan niệm toàn bộ về cuộc sống qua sự lựa chọn về sản xuất và tiêu thụ. Chính tại đây hiện tượng chủ nghĩa tiêu thụ nảy sinh. Khi liệt kê các nhu cầu mới và các phương tiện mới để thỏa mãn các nhu cầu đó, người ta cần được hướng dẫn bởi một hình ảnh toàn diện về con người trong đó phải tôn trọng tất cả các chiều kích của con người và đặt những chiều kích vật chất và theo bản năng phụ thuộc vào các chiều kích nội tâm và tinh thần. Nếu trái lại, chỉ có sự kêu gọi trực tiếp đối với thị hiếu theo bản năng của mình – trong khi bằng nhiều cách khác nhau bỏ quên thực tại về con người với bản chất tự do và thông minh – khuynh hướng và nếp sống tiêu thụ có thể được tạo ra nhưng về mặt khách quan nó không chính đáng và làm hại cho sức khỏe về thể xác và sự lành mạnh về tinh thần. Một hệ thống kinh tế tự nó không có tiêu chuẩn phân biệt giữa những hình thức mới hoặc cao hơn để thỏa mãn những nhu cầu của con người với những nhu cầu giả tạo mới hàm ý tạo ra một nhân cách trưởng thành. Do đó cần rất nhiều công tác giáo dục và văn hóa, gồm có việc giáo dục người tiêu thụ để họ có thể sử dụng quyền lựa chọn một cách có trách nhiệm, việc gây một ý thức trách nhiệm mạnh mẽ nơi các các nhà sản xuất và nơi những người làm công tác truyền thông đặc biệt cũng cần sự can thiệp của nhà cầm quyền… Không có gì sai lầm khi muốn sống khá hơn; chỉ có lầm là cách sống cho là khá hơn đó thực ra chỉ hướng về chuyện ‘có’ hơn là ‘được’ và muốn có hơn không phải để được tốt hơn, nhưng để sống và coi hưởng thụ như là mục đích tối hậu.”[23]
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh điều này rất nhiều lần,[24]với tiêu điểm chính mà Ngài gọi là “văn hóa xài rồi vứt đi.”[25]
10. Các tổ chức trung gian – các công đoàn
Giáo Hội khuyến khích việc hình thành nên cái được gọi là “các tổ chức trung gian,” “các nhóm trung gian,” hay “các hiệp hội trung gian” vốn có thể hàn gắn lại sự khác biệt giữa người chủ và người lao động nảy sinh từ việc tập trung tài sản.[26]Thường khi đề cập đến những gì thuộc về “xã hội dân sự,” người ta muốn nói đến các nhóm xã hội trung gian.[27]Trong ý nghĩa đó, các nhóm trung gian hình thành mối dây liên kết giữa gia đình và Nhà nước theo cách thức mà “thứ tự thang bậc” được nguyên tắc bổ trợ có thể được thực hiện ở mức độ đầy đủ nhất.
Liên quan rất gần với lời kêu gọi trên đây dành cho các tổ chức trung gian, dù rằng nó phục vụ cho một mục đích cụ thể hơn nhiều, đó là các đoàn thể công nhân được biết đến với tên gọi các công đoàn. Các công đoàn này “phát triển từ cuộc đấu tranh của các công nhân – nói chung nhưng đặc biệt phải kể đến là các công nhân công nghiệp – để bảo vệ những quyền lợi chính đáng của họ chống lại những doanh nhân và giới chủ nhân các phương tiện sản xuất.”[28] Trong quá khứ, các công đoàn bắt buộc phải có khi người lao động bị tách rời khỏi người chủ thuê và tạo thành một giai cấp với những người mà sức mạnh duy nhất của họ trong thị trường chính là giá cả mà họ có thể có được từ sức lao động của mình. Vì tình thế như vậy chắc chắn sẽ đẩy người lao động vào tình trạng bất lợi rõ rệt, cho nên các công đoàn ngày nay đóng một vai trò thiết yếu trong xã hội[29] và được xem là thành phần thuộc về “quyền hội đoàn” (hay quyền lập hội):
“Tất cả các quyền trên đây, cùng với nhu cầu của công nhân phải bảo vệ các quyền đó, ta thấy xuất hiện một thứ quyền lợi khác: quyền hội đoàn, nghĩa là quyền được liên kết, hiệp hội để bảo vệ các quyền lợi sinh tử của những người làm việc trong các ngành nghề khác nhau. Các hiệp hội ấy được gọi là nghiệp đoàn lao động hay thương mại.”[30]
11. Giá cả công bằng
Sự khôn ngoan quy ước làm cho chúng ta tin rằng thị trường có tiếng nói sau cùng một khi nó đi tới việc định giá hàng hóa, và sự dao động giá trị luôn luôn tương hợp với các biến chuyển thực tế về giá trị của sự vật dựa trên nguồn cầu chính đáng vốn được kết nối với sự khan hiếm hay dư thừa trong nguồn cung. Được thêm vào nguyên lý lợi nhuận lớn nhất, cạnh tranh, và tư lợi, điều đó có nghĩa là người bán sẽ luôn luôn theo đuổi giá cao nhất, và người mua đợi giá thấp nhất, và điều đó sẽ tự động đi đến điểm cân bằng, và giá trị đặt trên điểm cân bằng đó sẽ là công bằng nhất. Thế nhưng, nên biết rằng các sự việc không bao giờ quá giản dị như vậy, và một quan niệm giản đơn là kết quả của tư tưởng có tính ý thức hệ trong việc cố gắng chuyển đổi hoạt động kinh tế thành một tiến trình phi đạo đức giữa hai cá nhân ích kỷ.
Tìm lại Thánh Tôma Aquinô, chúng ta nhận thấy một quan niệm khác hẳn:
“(Matthêu 7,12) viết rằng: ‘Tất cả mọi thứ… bất cứ thứ gì anh muốn người khác làm cho anh, hãy cũng làm cho họ.’ Thế nhưng không một ai muốn mua một vật đắt hơn giá trị của nó. Vì thế, không ai được phép bán cho người khác một vật vượt hơn giá trị của nó.”[31]
Lợi dụng nhu cầu của người khác để đòi giá cao hơn từ một món hàng (trong quan niệm quy ước chung quy là sẽ tuân thủ cách đơn thuần các luật lệ về cung và cầu) là việc trái đạo đức bởi việc nâng giá vốn được đặt nền trên các hoàn cảnh khác là phải cố gắng “bán cái không thuộc về mình.” Anh đòi hỏi những lợi ích từ hoàn cảnh như thể nó có được là do sức lao động của riêng anh, và trong sự lừa dối đó bạn đang làm lợi cách bất công trên việc chi tiêu của người khác. Thường thì sự bất lợi của người khác không là gì đối với sức lao động của một người lành nghề, và là cơ hội cho lòng bác ái hơn là vì lợi nhuận. Lợi dụng hoàn cảnh chung quy chỉ là một kiểu gian lận:
“Hoàn toàn sai trái khi phải nhờ đến mánh lới để bán sản phẩm vượt hơn giá trị thực của nó, bởi điều đó là lừa đồng loại để gây hại cho anh ta… Nếu người nào đó có được một mối lợi lớn nhờ việc bắt đầu chiếm giữ tài sản của người khác, và người bán không thua thiệt gì qua việc bán, thì sau cùng không phải nâng giá trị sản phẩm, bởi lợi ích vốn thuộc về người mua, không phải tại người bán, nhưng do hoàn cảnh tác động lên người mua. Giờ đây, không ai được bán cái mà anh không có, dù rằng anh ta có thể nhận lấy mất mát vốn là cái anh chịu lấy… Mặt khác nếu một người nào đó nhận thấy rằng anh ta nhận được lợi ích lớn từ sản phẩm nào đó mà anh ta mua, anh ta có thể, tùy theo lương tâm, trả cho người bán nhiều hơn: và điều đó đi liền với tính lương thiện của anh ta.”[32]
Giáo Hội dạy rằng có một thứ “giá cả công bằng” vốn có thể quyết định cách khách quan và hoàn toàn không can hệ đến các điều kiện thị trường cũng như các hoàn cảnh của người mua và người bán. Giá cả công bằng đó chính là nguyên lý trung tâm trong truyền thống kinh tế Công giáo. Các tác động của thị trường luôn luôn phải được kể đến, dĩ nhiên là thế, nhưng chúng không bao giờ là các nhân tố duy nhất. Chúng ta được bảo đảm rằng trong một vài trường hợp “giá cả được thỏa thuận tự do có thể hóa ra bất công nhất. Phải công khai thừa nhận rằng, trong trường hợp đó, nguyên lý nền tảng của chủ thuyết tự do (như được gọi thế), giống với quy chuẩn cho các quan hệ thị trường, mở ra vấn nạn nghiêm trọng.”[33]
Hơn nữa, chúng ta phải nhớ rằng không phải tất cả mọi giá cả đều là đối tượng cho các ảnh hưởng thị trường theo cùng cách thức:
“Có vẻ là trên bình diện của từng quốc gia và trên bình diện liên lạc quốc tế, thị trường tự do là khí cụ hữu hiệu nhất để sử dụng các tài nguyên và đáp ứng các nhu cầu cách thiết thực nhất. Nhưng điều này chỉ đúng cho những nhu cầu “có thể tiêu tan được” bao lâu nó được điểm thêm với sức mua và đối với những tài nguyên có thể “bán được” bao lâu nó có thể có một giá cả thỏa đáng.”[34]
Ba loại hàng ảo (đất đai, lao động, tiền bạc) là ví dụ cho các nguồn tài nguyên không thể bán được.
12. Mức lương đủ sống
Giống như có một giá cả công bằng cho hàng hóa, thì phải khẳng định một cách mãnh liệt hơn nữa rằng, có một giá cả công bằng cho sức lao động. Điều này được biết đến trong GHXH như là “mức lương đủ sống”:
“Hãy để cho công nhân và chủ thuê tự thỏa thuận với nhau và đặc biệt là cứ để đôi bên đồng ý về lương bổng; tuy nhiên, các điều đó nằm dưới một điều luật công bằng tự nhiên vừa cấp thiết hơn và lâu dài hơn bất cứ giao kèo nào giữa con người với nhau, cụ thể, lương bổng đó phải đủ cung cấp một mức sống đạm bạc và phù hợp với phong tục lành mạnh cho người lao động. Nếu như công nhân vì tình thế khẩn thiết hay bởi sợ hãi mắc họa ghê gớm hơn phải chấp nhận những điều kiện khắt khe mà chủ lao động hay chủ hợp đồng đưa ra, thì anh ấy bị coi như nạn nhân của sự áp bức và bất công.”[35]
Trong thực tế, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đề nghị rằng, việc coi nhẹ lao động con người, vốn dẫn đến công việc được định giá thấp, đã hạ giá con người, dẫn đến tình trạng thất nghiệp, và cảnh bần cùng càng thêm tệ[36] – một quan điểm được đức Bênêđictô XVI về sau chấp nhận.[37]
Mức lương sống, bởi vậy, không phải là con số. Nó là tiêu chuẩn của sự đánh giá và nó linh động. Nó sẽ thay đổi tùy thuộc vào thời gian và không gian, thế nhưng điều đó không có nghĩa là nó hoàn toàn tùy hứng. Để xác định mức lương có đúng hay không, có thể xem xét bằng cách áp dụng những mức đo lường khác nhau:
1) Các gia đình nói chung có đang sống theo chuẩn mực đúng đắn phù hợp với xã hội của họ?
2) Họ có khả năng hoàn tất điều ấy mà không phải lao động cật lực nhiều giờ liền?
3) Phụ nữ và / hoặc trẻ em có phải chịu áp lực công việc trong các phận vụ, giờ giấc và điều kiện không phù hợp để cho gia đình đứng vững?
4) Các gia đình có thể tự cung cấp cho chính mình mà không trông chờ trợ cấp của chính phủ?
5) Các gia đình có thể tự cung cấp cho chính mình mà không dựa vào tín dụng của khách hàng?
Mặc dù mức lương thực sự xác định chất lượng cuộc sống; và vì thế mà công bằng; có thể khác nhau, nhưng nó luôn luôn phải thỏa mãn các nhu cầu được đề ra ở trên. Đó là lý do tại sao chúng ta diễn tả lương bổng không phải là con số nhưng như là một tiêu chuẩn năng động. Cũng thế, không cần nói ra ai cũng biết rằng tiêu chuẩn đó cần đến việc áp dụng óc phán đoán của con người và không thể để mặc cho các quyết định của thị trường, vốn luôn luôn thiên vị tư bản và sẽ không bao giờ đưa ra mức lương công bằng.
Chúng ta cũng có thể kể ra rằng thậm chí ngay trong những từ ngữ kinh tế thuần túy, một mức lương đủ sống thì có ích cho xã hội. Luôn luôn và ở mọi nơi, lương bổng bị ép từ số lượng tối thiểu giảm đến mức hạn định nhu cầu cách tự nhiên, là cái dẫn đến tình trạng suy thoái, thiếu khả năng cung ứng và sự đình trệ. Vì thế, mức lương đủ sống là một nguyên tắc thực tế và cũng là nguyên tắc luân lý.
Đức Giáo hoàng Lêô XIII bổ khuyết bài huấn giáo với lời cảnh báo thêm rằng – liên quan đến các vấn đề đó, tốt hơn, là phải nhờ đến các hiệp đoàn trung gian mà chúng ta đã thảo luận:
“Tuy nhiên, trong những vấn đề này cũng như những vấn đề tương tự, – chẳng hạn ta lấy ví dụ giờ lao động trong các ngành nghề khác nhau, việc tuân thủ các thủ tục an toàn vệ sinh trong phân xưởng, nhà máy, v.v., nhằm thay thế sự can thiệp quá đáng vai trò của Nhà nước, cách đặc biệt khi các hoàn cảnh, thời gian và các khu vực khác nhau quá lớn, lời khuyên đó là phải nhờ đến các đoàn thể hay các ủy ban, chẳng hạn như chúng tôi sẽ đề cập ngay đây, hoặc nhờ đến một vài thể thức khác nhằm bảo vệ các lợi ích của người làm công ăn lương; khi các hoàn cảnh đòi buộc, Nhà nước được yêu cầu phải tán thành và bảo vệ việc làm này.”[38]
Dĩ nhiên lập luận ở đây đi theo nguyên tắc bổ trợ, và điều này là đúng đắn vì một hiệp đoàn địa phương sẽ có vị thế tốt hơn để có thể xác định các nhu cầu của các bên có liên quan. Một lần nữa nhắc đến các tổ chức trung gian mà rủi thay đã trở nên hiếm hoi trong thời đại ngày nay, chúng ta có thể làm sáng tỏ mục đích của các tổ chức đó bằng cách dùng một ví dụ lịch sử của của một tổ chức như thế: phường hội. Điều này cũng sẽ mang đến cho chúng ta một ví dụ hiệu quả về nguyên tắc khác liên quan đến trật tự kinh tế này.
13. Hệ thống phường hội
a. Bản chất của phường hội (guild)
Từ ngữ “phường hội” hầu như đã chết, hay ít nhất cũng không còn mang nghĩa lịch sử khi được sử dụng. Các phường hội không phải là “các câu lạc bộ” những cá nhân có cùng lợi ích, như chúng ta tìm thấy ở “phường may” ngày nay; các phường hội cũng không giống với các công đoàn hiện nay. Trong thực tế, cụm từ “nghiệp đoàn lao động” cho thấy sự khác biệt: trong khi các công đoàn hiện đại được tổ chức riêng cho các nhân công không có cái gì khác ngoài sức lao động của họ được dùng để thương lượng, thì các phường hội được hình thành nhờ “các chủ lao động” người có sức mạnh đặt để trên quyền sở hữu cũng như trên lao động của công nhân. Như thế, trong khía cạnh đó, chúng ta thấy rằng các công đoàn hiện nay đã cho thấy được tính cấp thiết một cách chính xác bởi sự phân chia giữa quyền sở hữu và lao động, hay tư bản và lao động, một sự phân chia không mang ý nghĩa nào nào trong bối cảnh phường hội.
Các phường hội, vốn thịnh đạt chính yếu trong suốt thời trung cổ, là những hiệp hội liên doanh. Không công cũng không tư, chúng phục vụ trong vai trò “các tổ chức trung gian” như đã đề cập bên trên.[39] Nhờ phục vụ như mối dây liên kết giữa cá nhân và Nhà nước – mối dây này đã không còn tồn tại trong xã hội ngày nay nữa – các thợ thuyền có thể vận hành sức mạnh chính trị trong khi dù sao vẫn giữ tính độc lập khỏi một quyền lực chính trị xa xôi nào đó. Như thế, họ có thể lo liệu cho các thành viên của họ theo những phương thức mà ngày nay chúng ta không thể hình dung ra.
Trong bản khảo sát đồ sộ về lịch sử của mình, Will Durant diễn tả rằng những phân chia bao gồm các ngành nghề đa dạng đến không thể tin được, và làm sao chúng được thiết lập như thế. Ông thấy trong ngành công nghiệp thuộc da, là một ví dụ, có các phường hội tách biệt nhau “các thợ lột da thú, thợ thuộc da, thợ chữa giày, thợ làm yên cương, thợ bán yên cương. Giống thế, trong giới thợ mộc thì có “thợ chuyên đóng hòm tủ, thợ đóng mỹ thuật, thợ đóng tàu, thợ làm bánh xe, thợ đóng thùng, thợ đóng máy xe sợi,” và nhiều nữa.[40]
Dựa theo chức năng và tính năng của các phường hội, ông Durant báo cáo rằng:
“Các quy luật phường hội giới hạn số lượng chủ xưởng trong một vùng miền và số lượng học nghề theo chủ xưởng; ngăn cấm thuê phụ nữ làm trong ngành công nghiệp ngoại trừ vợ của thợ cả, hay đàn ông sau 6 giờ chiều; và trừng phạt các thành viên vì trả lương bất công, buôn bán bất lương, cũng như làm hàng kém chất lượng. Trong nhiều trường hợp, phường hội dán tem chứng thực các sản phẩm của mình với ‘tên thương mại’ hay ‘nhãn xác nhận hàng đủ tiêu chuẩn,’ nhằm xác nhận chất lượng của họ… Sự cạnh tranh giữa các thợ cả về số lượng sản phẩm hay giá cả của sản phẩm bị ngăn chặn, vì sợ rằng những thợ cả khôn khéo hay chăm chỉ nhất trở nên quá giàu trong khi số còn lại không có gì; thế nhưng cạnh tranh về chất lượng sản phẩm lại được khuyến khích trong giới thợ cả và các thị trấn. Các phường hội nghề nghiệp, giống như nhà buôn, xây dựng bệnh viện và trường học, cung cấp hợp đồng bảo hiểm đa dạng, giúp đỡ các thành viên thiếu thốn, để lại hồi môn cho các con gái của họ, chôn cất người chết, chăm sóc quả phụ, tuyển lao động cũng như trợ cấp tiền bạc để xây dựng các Thánh đường và Nhà thờ, và vẽ hình các tổ chức nghề nghiệp cũng như biểu hiệu của họ lên cửa kính thánh đường.” Phường hội cũng thường “cung cấp cho các thành viên của mình hợp đồng bảo hiểm đề phòng hỏa hoạn, lũ lụt, trộm cướp, tù tội, mất khả năng và tuổi già; xây dựng các khu bệnh viện, nhà tế bần, trại mồ côi và trường học.”[41]
Giờ đây, ta hãy xem xét một chút đến mức độ tự trị đáng kinh ngạc cho thấy ở đây trong dự án hợp tác có quy mô lớn. Ta hãy nghĩ xem các tổ chức này có được thẩm quyền liên quan đến xã hội thế nào. Cũng như chú ý rằng trong khi các nhóm này tự kiểm soát lấy, chúng không làm theo sự nhận định của kẻ ẩn danh và các nhà lập pháp khác quan điểm, nhưng theo hiệp ước của họ vốn đặt nền trên các nguyên lý về công bằng điều mà họ lĩnh hội được. Khỏi cần phải nói, một thành quả sẽ không thể nào trọn vẹn được nếu dưới sự bảo hộ của tư lợi, cạnh tranh, và lợi ích lớn nhất.
Các phường hội không chỉ kiểm soát các điều kiện làm việc, lương bổng, quản lý chất lượng, và giá cả công bằng trong thương mại, nhưng còn cung cấp sự tương đồng với hợp đồng bảo hiểm hiện thời, bảo đảm xã hội, việc công và từ thiện.
b. Giáo hội Công giáo kêu gọi trở về với nguyên tắc phường hội
Chúng ta vừa được giải thích bằng cách khảo cứu chi tiết hệ thống phường hội vì hai lý do:
Thứ nhất, giáo huấn xã hội của Giáo Hội liên tục nhắc đến thể chế danh tiếng này, vì thế chúng ta chắc chắn rằng dẫu nó là gì đi nữa, Giáo Hội nhìn chung bằng lòng với sự hiện hữu của hệ thống này. Thứ hai, hệ thống phường hội chính là một ứng dụng thực tế rất tốt cho từng nguyên tắc được kể ra trong GHXH. Do đó, chúng ta đề cập nó ở đây không phải bởi nó hoàn hảo hay vì chúng ta chờ mong hệ thống phường hội đó được hoàn sinh cách chắc chắn theo mẫu thức lịch sử của nó – đúng hơn, chúng ta đề cập đến nó như một hình mẫu để cho thấy rằng các nguyên lý mà Giáo Hội ủng hộ đã từng được áp dụng thành công trong quá khứ. Vì thế chúng ta có thể áp dụng lại lần nữa dù là những áp dụng mới không biểu lộ chính nó cách đúng đắn theo cùng mẫu thức như các phường hội trong thời Trung cổ. Mục đích của chúng ta không phải là gầy dựng lại một tổ chức đã chết vào một miền đất xa lạ – vì lần nữa, GHXH đề nghị các nguyên tắc chứ không phải các giải pháp kỹ thuật – nhưng đề nghị một giải pháp tăng tiến mà có thể dùng làm ví dụ điển hình cho ý tưởng của chúng ta và chứng thực nó như một tiềm năng chính đáng.
“Trong bất kỳ tình cảnh nào… phương thuốc thích hợp nào đó phải được nhanh chóng tìm ra cho cảnh khổ cực và khốn đốn vẫn đang dồn ép cách bất công lên phần đông tầng lớp lao động: vì các nghiệp hội công nhân thời xưa đã bị hủy bỏ trong thế kỷ cuối này, và không một tổ chức bảo vệ nào nhận lấy vị trí đó cả. Các tổ chức Nhà nước và luật lệ lại gạt tôn giáo truyền thống sang bên. Vì lý do đó, dần dần, người lao động bị vây bủa, cô lập và không được bảo vệ, trước sự cứng lòng của giới chủ thuê và lòng tham của sự cạnh tranh không kiểm soát.”[42]
Sau đó không lâu, Thánh Giáo hoàng Piô X đã lập lại lời kêu gọi tương tự, với những lý do đích xác như thế, nhằm nhấn mạnh giá trị lịch sử và các hình mẫu của nó khi mà lịch sử đưa các nỗ lực của chúng ta đến việc giải quyết những vấn đề hiện thời:
“… bởi trong sự xung đột quyền lợi, và đặc biệt trong cuộc đấu tranh chống lại những lực lượng bất chính, đức hạnh và thậm chí cả tính thiêng liêng của con người cũng không luôn luôn đủ để bảo đảm cho họ lương thực hằng ngày, và bởi các cấu trúc xã hội, qua sự tương tác lẫn nhau về bản tính của các cấu trúc đó, phải được tạo ra để ngăn cản những nỗ lực của người không có nguyên tắc đạo đức và cho phép mọi người có lý trí tốt giành được quyền lợi chính đáng về thứ hạnh phúc trần tục này, Chúng tôi mong ước cách nghiêm túc rằng mọi người nên góp phần cộng tác vào tổ chức xã hội này với mục tiêu trong đầu có… được thuyết phục rằng vấn đề xã hội và khoa học xã hội không xuất hiện chỉ trong quá khứ; rằng Giáo Hội và Nhà nước, ở mọi thời khắc và trong sự hài hòa tốt đẹp, nâng đỡ các tổ chức phúc lợi cho đến cùng; rằng Giáo Hội, vốn không bao giờ đi ngược lại với hạnh phúc của con người bằng sự ưng thuận các khối liên minh không rõ ràng, không phải giải phóng chính mình ra khỏi quá khứ; rằng tất cả mọi thứ cần được đáp ứng thì phải được làm lại lần nữa, với sự trợ giúp của các công nhân thực thụ cho sự phục hồi xã hội, các tổ chức vốn bị cuộc cách mạng phá hủy, và cần thích nghi chúng, trong cùng một tinh thần Kitô giáo vốn đã hướng dẫn họ, với môi trường mới vốn phát sinh do sự tăng trưởng về vật chất của xã hội ngày nay.”[43]
Và cuối cùng, hoàn toàn đồng tình với vị tiền nhiệm của mình, Đức Piô XI cũng đã nói lên lời kêu gọi tương đối dài và chi tiết trong dịp mừng kỷ niệm Tông huấn Quadragesimo Anno (…)
“Nền chính sách xã hội của đất nước, vì thế, phải dấn thân vào việc tái lập lại các nền công nghiệp và nghề nghiệp. Trên thực tế, xã hội loài người ngày nay, vì lý do là được thành lập dựa trên nhiều lớp mục đích khác nhau và do đó đối chọi lẫn nhau và vì thế có hướng chiều đến tình trạng thù nghịch và tranh chấp, tiếp tục là cơ hội cho bạo lực và là sự bất ổn cũng như không còn vững bền.
“Lao động, như vị tiền nhiệm của Chúng tôi giải thích rõ trong Thông điệp của Ngài, không phải là thuần túy hàng hóa. Đối lại, phẩm giá của công nhân trong lao động phải được công nhận. Lao động vì thế không thể mua bán như một loại hàng hóa được. Tuy nhiên, như trong tình cảnh hiện giờ, việc thuê và được thuê trong cái gọi là thị trường lao động đã tách biệt con người ra làm hai nhóm, tựa như hai chiến tuyến, và cuộc đấu tranh giữa hai nhóm đó quay trở lại chính thị trường lao động hầu hết trong mọi chiến trường nơi mà, mặt giáp mặt, các nhóm đối chọi nhau đấu tranh một cách cay đắng. Mọi người đều hiểu rằng sự liều lĩnh đó đang nhấn chìm toàn bộ xã hội loài người vào sự hủy diệt phải được giải quyết sớm nhất có thể. Nhưng sự trị liệu hoàn toàn sẽ không xảy ra cho đến khi sự đối chọi đó được xóa bỏ và các chi thể của tổng thể xã hội trật tự – các nền công nghiệp và nghề nghiệp – được thiết lập ở nơi mà con người có thể có được vị thế của mình, không theo vị thế mà mỗi người có trong thị trường lao động nhưng theo các chức năng tương ứng trong xã hội mà mỗi người đảm nhận. Vì dưới sự hướng dẫn của bản chất sự vật, việc xảy ra điều đó tựa như những người láng giềng với nhau kếp hợp thành làng mạc, thì những ai theo đuổi cùng một nền công nghiệp hay cùng ngành nghề – trong kinh tế hay các lãnh vực khác – lập nên các nghiệp hội hoặc các tổ chức liên doanh: vì thế người ta quen nhìn các tổ chức tương trợ này nếu không phải là thiết yếu, thì ít là tự nhiên đối với xã hội dân sự.
“Bởi lẽ trật tự, như Thánh Tôma giải thích rất rõ, là sự hợp nhất vốn phát sinh do sự sắp xếp hài hòa của nhiều đối tượng, một sự thật, trật tự xã hội chính cống đòi hỏi rằng các thành viên riêng biệt của một xã hội được hợp nhất với nhau nhờ một giao kèo chắc chắn nào đó. Động lực hợp nhất đó không chỉ có mặt trong việc sản xuất hàng hóa hay đáp trả các dịch vụ – nơi mà chủ thuê và nhân công của một nền công nghiệp hay một ngành nghề chính thức cộng tác với nhau – nhưng còn trong mặt hàng chung nhất, để đạt được cái mà tất cả mọi nền công nghiệp và các ngành nghề, với mỗi khả năng tốt nhất của của nó, phải chung sức hợp tác cách thân thiết. Và sự hợp nhất đó sẽ mạnh hơn và hiệu quả hơn, nếu các cá nhân trung thành hơn và chính các nền công nghiệp cũng như các ngành nghề cố gắng làm công việc của mình và vượt trội nó.
“Từ đó, có thể suy luận cách dễ dàng rằng, các lợi ích chung cho toàn bộ nền công nghiệp hay nghề nghiệp nên giữ vị trí hàng đầu trong các phường hội đó. Điều quan trọng nhất trong các lợi ích đó là phải đẩy mạnh sự cộng tác ở mức độ cao nhất trong mỗi nền công nghiệp và mỗi ngành nghề cho việc tìm kiếm công ích cho quốc gia. Các vấn đề liên quan, tuy nhiên, ở các điểm đặc thù, vốn liên quan đên lợi nhuận hay thiệt hại cho các chủ thuê hoặc các nhân công, có thể đỏi hỏi sự săn sóc và bảo vệ đặc biệt, hai thành phần này, khi các trường hợp trên tăng lên, có thể cân nhắc riêng biệt hoặc vì tình cảnh đòi hỏi đạt được một quyết định riêng rẽ.
“Bài giáo huấn của Đức Giáo hoàng Lêô XIII về hình mẫu của chính quyền chính trị, đó là, con người ở đó được tự do chọn bất cứ hình thức nào mà họ hài lòng, đã đề nghị rằng sự quan tâm thích hợp phải có đối với các yêu cầu về công bằng và về công ích, là áp dụng cách quân bình trong tính cân đối thích đáng, điều đó rất cần thiết để nói ra, đối với các phường hội của các nền công nghiệp và ngành nghề đa biệt.
“Hơn nữa, đúng như các cư dân ở một thị trấn quen tổ chức các liên hiệp với sự đa dạng lớn nhất về mục đích, mà mỗi người hoàn toàn tự do tham gia hoặc từ khước, bởi vì các mục đích đó tham gia trong cùng một nền công nghiệp hay cùng ngành nghề sẽ kết hợp với một mục đích khác trong các hiệp hội mà có tự do như nhau về các mục đích vốn được nối kết theo cách thức nào đó với hoạt động theo đuổi của chính nghề nghiệp đó. Vì các hiệp hội tự do trên đã được Vị tiền nhiệm đáng kính của chúng tôi giải thích rõ ràng và minh bạch, cho nên Chúng tôi thấy chỉ cần nhấn mạnh một điểm: Con người hoàn toàn tự do không chỉ tổ chức các hiệp hội trên, vốn là vấn đề về kiểu riêng và quyền riêng, nhưng còn ở sự tôn trọng họ ‘tự do chấp nhận tổ chức đó và các luật lệ mà họ xét thấy thích hợp nhất để đạt được mục đích của mình.’ Quyền tự do tương tự phải được khẳng định từ việc thành lập các hiệp hội vốn còn đi xa đến các đường biên của các nghề nghiệp thuộc cá nhân. Và có lẽ các tổ chức tự do đó, giờ đây đang hưng thịnh và vui mừng trong những thành quả tốt của mình, thiết lập trước chính mình nhiệm vụ chuẩn bị đường hướng, phù hợp với ý hướng của giáo huấn xã hội Công giáo, cho các nghiệp đoàn, các nền công nghiệp và các ngành nghề lớn hơn và quan trọng hơn, cái mà chúng ta đã đề cập trước đó, và tạo ra mọi nỗ lực có thể có để đưa chúng đến thực hành.”[44]
c. Thích nghi
Bởi điểm này rất dễ quên nên chúng tôi muốn nhắc nhớ độc giả một lần nữa rằng Giáo Hội không gắng cấy lại các giải pháp kỹ thuật từ giai đoạn này sang giai đoạn khác, nhưng là ủng hộ các nguyên lý vĩnh cửu. Thực vậy, các Giáo hoàng nhắc đi nhắc lại tổ chức phường hội bởi vì giá trị đặc biệt của nó như một mẫu hình minh họa. Như Đức Giáo hoàng Lêô XIII khẩn nài cách đây khá lâu trong Thông điệp Humanum Genus:
“Có một sự việc vốn được xây dựng cách sáng suốt bởi tổ tiên chúng ta, nhưng theo thời gian đã bị gạt sang bên, sự việc đó giờ được dùng như một mô hình và khuôn mẫu cho vấn đề tương tự nào đó. Chúng tôi muốn nói đến các hiệp hội phường hội của các công nhân, đối với sự bảo vệ, dưới sự điều hướng của tôn giáo, cả về những lợi ích trần tục lẫn tính luân lý của các hiệp hội đó. Nếu như tổ tiên chúng ta, nhờ việc sử dụng lâu dài và nhờ kinh nghiệm, đã cảm nhận được lợi ích của các phường hội đó, thì thời đại chúng ta có lẽ cũng sẽ cảm nhận được nó nhiều hơn vì các phường hội đó sẽ đưa đến cơ hội tận dụng mọi sức mạnh của các thành phần đó. Những ai nuôi sống bản thân mình bằng sức lao động của đôi tay, ngoài việc xứng đáng được yêu thương và an ủi hơn những người khác vì điều kiện riêng của mình, còn dễ bị quyến rũ bởi những kẻ lừa lọc và gian dối. Vì thế, họ phải được giúp đỡ với sự ân cần tốt nhất có thể, và được mời gọi tham gia vào các hiệp hội tốt, vì sợ rằng họ bị lôi kéo đến các tổ chức xấu khác. Vì lý do đó, chúng tôi mong muốn rằng, vì ơn cứu độ của mọi người, dưới sự đỡ đầu và bảo trợ của các Đức Giám mục, và vào thời thuận tiện, các phường hội đó có thể được khôi phục một cách phổ biến. Với niềm vui lớn lao của chúng ta, các tổ chức từ thiện kiểu này cũng như hiệp hội các chủ nhân đã được thiết lập ở nhiều nơi, tùy theo mỗi tầng lớp, với mục tiêu là giúp đỡ các công nhân lương thiện, bảo vệ, hướng dẫn con cháu và gia đình của họ, cũng như thăng tiến về lòng yêu mến đạo, về sự hiểu biết Kitô giáo, và về đời sống luân lý.”[45]
Độc giả tinh ý sẽ nhận thấy rằng, bằng cách đi vào thảo luận phường hội và cấu trúc tổ chức của nó, vốn ở bên ngoài nền kinh tế rất xa, chúng ta đã tiến tới phía biên kia lãnh vực của hoạt động kinh tế và đi vào trong lãnh vực chính trị. Ở điểm này, vì thế, chúng ta có thể hiểu được lãnh vực đó một cách rõ ràng hơn.
[1] HTXHCG, 420.
[2] QA, 88.
[3] PP, 33 và 59.
[4] HTXHCG, 343. (competition: có gốc tiếng Latin là “cum-petere”, có nghĩa là “cùng tìm kiếm”).
[5] Xem Phần IV.
[6] Mc 8,36.
[7]DR, 8.
[8]QA, 78.
[9]LS, 195.
[10]LE, 11.
[11] GLHTCG, 2424.
[12] CA, 35.
[13] LS, 190.
[14] CV, 37.
[15] CV, 34.
[16] HTXHCG, 349.
[17] CA, 39.
[18] HTXHCG, 330-335.
[19] CV, 37.
[20] CV, 40; CA, 36.
[21] Xem Phần III, 7a-d.
[22]QA, 42-43.
[23]CA, 36.
[24]LS, 34, 50, 184, 203, 209, 210, 215, 219, 232.
[25]LS, 16, 22, 43; EG, 53.
[26] HTXHCG, 281.
[27] HTXHCG, 356.
[28]LE, 20.
[29] HTXHCG, 305-307.
[30]LE, 20.
[31] ST II-II, q. 77, a. 4.
[32] Ibid.
[33]PP, 58.
[34]CA, 34.
[35]RN, 45.
[36]LE, 8.
[37]CV, 63.
[38] RN, 45.
[39] Phần III, 5b; Phần V, 10.
[40] Will Durant, The Age of Faith (New York, 1950), p. 635.
[41] Ibid., pp. 635-636.
[42] RN, 3.
[43] Pius X, Apostolic Mandate (Thông điệp ngày 15/8/1910).
[44] QA, 82-87.
[45] HG, 35.