Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Giáo Huấn Xã Hội Của Hội Thánh Công Giáo : Một Cái Nhìn Mới Từ Thông Điệp Rerum Novarum Đến Thông Điệp Laudato Si’ – Phần VI.a

Administrator
2018-09-23 09:38 UTC+7 27
GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO : MỘT CÁI NHÌN MỚI TỪ THÔNG ĐIỆP RERUM NOVARUM ĐẾN THÔNG ĐIỆP LAUDATO SI’ *************                                                    Linh...


GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO :

MỘT CÁI NHÌN MỚI

TỪ THÔNG ĐIỆP RERUM NOVARUM ĐẾN THÔNG ĐIỆP LAUDATO SI’

*************

                                                  

Linh mục Giuse Phan Tấn Thành, O.P.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Thái Bảo, O.P.
Tu sĩ Phêrô Vũ Nguyễn Minh Tiến, O.P.

chuyển dịch từ tác phẩm

CATHOLIC SOCIAL TEACHING :
A NEW SYNTHESIS
RERUM NOVARUM TO LAUDATO SI’

By Daniel Schwindt

 

 

PHẦN VI. XÃ HỘI CHÍNH TRỊ

1. Vấn đề ý thức hệ

Ý thức hệ là vấn đề đầu tiên luôn được nhắm đến trong bất kỳ cuộc bàn luận chính trị đương đại nào. Có thể định nghĩa ý thức hệ là một nỗ lực trả lời cho các vấn nạn to lớn và phức tạp bằng những hệ thống tư tưởng quá đơn giản, “đại khái,” và đóng khung. Các ý thức hệ luôn luôn có cách tiếp cận hẹp hòi, hứa hẹn một xã hội không tưởng với điều kiện là phải chấp nhận và tuân phục những học thuyết mà chúng đưa ra. Các ý thức hệ mang đến một nơi ẩn náu giả dối cho những vấn nạn vẫn luôn có trong cuộc đời, và trong ý nghĩa này, thay vì phải thực sự hành động, chúng lại gắng sức trốn trách tránh nhiệm bằng cách chọn một giải pháp nào đó mơ hồ, trừu trượng và thường là nhập nhằng.[1]Đức Giáo Hoàng đương kim đã nhận ra, có lẽ là hơn hẳn những vị tiền nhiệm của Ngài, sự sai lầm rõ ràng của ý thức hệ và Ngài đã đáp trả bằng cách tuyên chiến với đường hướng của tư tưởng này.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô diễn tả ý thức hệ như là một “niềm tin đã gạn lọc,” vốn thông qua một màng lọc để chỉ giữ lại những điều hời hợt bên ngoài. Trong các ý thức hệ đó thì không có Đức Giêsu: không có lòng nhân hậu, tình yêu, lòng nhân lành của Ngài. Và các ý thức hệ đó luôn luôn cứng nhắc. Chính dấu hiệu để nhận ra nó cũng là: cứng nhắc. Và khi một Kitô hữu trở thành môn đồ của ý thức hệ, anh ta đánh mất niềm tin của mình: anh ta không còn là môn đệ của Đức Giêsu, mà là môn đồ của thái độ suy tư đó.”[2]

Xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa là hai ý thức hệ mà GHXH tranh đấu mạnh nhất, mặc dù thỉnh thoảng chủ nghĩa xã hội được quy kết cho chủ nghĩa Mácxit và chủ nghĩa tư bản được gán cho “chủ nghĩa tự do” kinh tế. Bởi chủ nghĩa tư bản là ý thức hệ nắm quyền chủ chốt trong thời hiện tại, nên chúng ta sẽ khai triển học thuyết xã hội của Giáo Hội về ý thức hệ này cách đặc biệt. Không cần biết là có một cái gì đó thuần túy tư bản chủ nghĩa hay thuần túy xã hội chủ nghĩa trong thực tế hay không. Dẫu hai chủ nghĩa cực đoan này có thể không thể thực thi đi nữa, thế nhưng điều đó không ngăn chúng khỏi việc ấp ủ những lý tưởng sai lầm, đầu độc suy tư của hàng triệu người. Chính hình thức “lý tưởng” này mà các ý thức hệ, như tư bản chủ nghĩa, đã tàn phá xã hội hiện đại. Cũng chính các ý thức hệ kiểu này mà Đức Phanxicô lên án.

a. Chủ nghĩa tư bản tự do

Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã viết về thời đại của mình rằng:

“… Người ta đang chứng kiến một cuộc đổi mới ý thức hệ tự do. Trào lưu này tự khẳng định mình, hoặc nhân danh tính hiệu quả kinh tế, hoặc để bảo vệ cá nhân chống lại những ảnh hưởng ngày càng lan tràn của các tổ chức, hoặc để chống lại các khuynh hướng độc tài về quyền lực chính trị. Và, đành rằng sáng kiến cá nhân phải được duy trì và phát huy, nhưng phải chăng các Kitô hữu đang dấn thân trên con đường này đến lượt họ có khuynh hướng lý tưởng hóa chủ nghĩa tự do, như một tiếng kêu đòi quyền tự do? Họ muốn một mô hình mới phù hợp hơn với điều kiện hiện nay, nhưng lại dễ quên rằng, trong chính cội rễ của nó, chủ nghĩa tự do triết học là một khẳng định sai lầm về sự tự lập của cá nhân, trong hành động, động cơ, cũng như trong thực hành quyền tự do của nó.”[3]

Và dường như là trong bất kỳ một cuộc luận bàn đương đại nào về ý thức hệ đều chú trọng cách đặc biệt đến chủ nghĩa tự do, bởi lẽ nó đại diện cho ý thức hệ đang vận hành ở thời hiện tại này. Tuy nhiên, chúng ta phải chắc chắn từ ngữ đó mang ý nghĩa gì. Như chúng ta đã nói ở trên, khi Giáo Hội đề cập đến “tự do” thì Giáo Hội đang nói về ý thức hệ đó,

“vốn tin tưởng rằng ý thức hệ tự do đề cao quyền tự do cá nhân bằng nhiều cách như: xóa bỏ mọi giới hạn, thúc giục con người chỉ lo tìm kiếm lợi nhuận và quyền lực, và coi những liên đới xã hội như là hệ quả ít nhiều mang tính tự động của sáng kiến cá nhân chứ không phải như là một mục tiêu và là một tiêu chuẩn chính yếu đánh giá việc tổ chức xã hội.”[4]

Trong GHXH, Giáo Hội luôn luôn đề cập trực tiếp đến chủ nghĩa tự do kinh tế vốn, như chúng ta đã bình luận bên trên, cũng được gọi là chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, chủ nghĩa tư bản chỉ mới là một kiểu diễn đạt về tự do, còn có hai kiểu nữa mà Giáo Hội đã chiến đấu trong quá khứ đó là: chủ nghĩa tự do tôn giáo và tự do chính trị. Việc gợi lại câu định nghĩa về chủ nghĩa tự do ở trên cho thấy rõ là vừa lúc chủ nghĩa tư bản diễn tả việc áp dụng chủ nghĩa tư bản tự do vào trong lãnh vực kinh tế một cách chính xác, thì phong trào cải cách tôn giáo diễn tả các nguyên lý tương đồng trong lĩnh vực tôn giáo, trong khi đó việc khai sinh ra chính quyền thế tục diễn tả chủ nghĩa tự do vào trong lãnh vực chính trị. Chúng ta có thể nhận diện được ba phong trào mang tính tự do này hiện thân nơi các nhà tư tưởng tương ứng: Adam Smith trong lãnh vực kinh tế, Martin Luther về tôn giáo và John Locke về chính trị.

Thực vậy, chúng ta có thể nói xa hơn rằng, nhìn chung, GHXH chính là một lời đáp trả nối dài cho những sai lầm của chủ nghĩa tự do trong phạm vi kinh tế.

b. Chủ nghĩa tự do không phải là một đảng phái chính trị của Mỹ

Mặc dù “chủ nghĩa tự do” được dùng ở Mỹ, nhưng khi các Giáo hoàng nói về chủ nghĩa tự do thì các ngài không phải đang tuyên chiến chống lại Đảng Dân Chủ Mỹ. Các ngài muốn nói điều gì đó lớn lao hơn. Hẳn nhiên, “các đảng viên Đảng Tự Do” Mỹ là những sản phẩm của ý thức hệ liên quan đến tự do, như đã được minh chứng qua sự ưu tiên của họ đối với chủ nghĩa thế tục trong các vấn đề chính trị và tính khẳng định vào chính thể chuyên chế về một vài quyền chính trị; tuy nhiên, “các thành viên Đảng Bảo Thủ” Mỹ cũng là con đẻ của chủ nghĩa tự do như các đối thủ của mình, thể hiện qua việc ủng hộ quá mức mà họ dành cho quyền tự trị của các thị trường, kết hợp với việc đòi bằng được tính tuyệt đối của quyền sở hữu. Cả hai Đảng này đều hoàn toàn theo chủ nghĩa tự do – họ đơn giản thể hiện hai mặt của một đồng tiền. (Theo kiểu nói của tác giả, cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa (Bảo Thủ) ở Hoa Kỳ).

2. Mục đích thực sự của Nhà nước

Chính quyền là một điều tốt lành do Thiên Chúa thiết lập. Vua Salômôn nói rằng “ở đâu không có nhà lãnh đạo thì dân tình loạn lạc.”[5] Và Thánh Phaolô cảnh cáo rằng không có quyền bính nào không do Thiên Chúa thiết lập.[6]Tuy nhiên, cũng đúng rằng Nhà nước hiện hữu vì con người, chứ không phải con người vì Nhà nước.[7] Thiên Chúa thiết lập quyền bính, nhưng cho con người không phải cho chính nó.

Nếu áp dụng các nguyên tắc liên đới và hỗ trợ, chúng ta có thể tóm kết mục đích của Nhà nước bằng cách nói rằng, Nhà nước là để phục vụ lợi ích chung qua việc đáp ứng những đòi hỏi mà các hiệp hội cấp thấp hơn không thể đáp ứng. Có thể liệt kê đại khái những đòi hỏi này là: việc gìn giữ hòa bình giữa các tổ chức xã hội thấp hơn, tổ chức an ninh quốc phòng chống những cuộc xâm lăng ngoại bang, và đảm bảo việc duy trì công bằng phân phối. Trong một xã hội lành mạnh như thế thì vai trò của Nhà nước không cần phải bao phủ hay can thiệp quá sâu. Tuy nhiên, vai trò của Nhà nước là tất yếu. Chỉ trong xã hội con người mới có thể kiện toàn chính mình, và điều này có nghĩa là đời sống chính trị là một phần trong bản tính của con người. Lý do hiện hữu của các hoạt động xã hội và chính trị là vì con người, và không được xem những hoạt động này như là những thứ được dựng lên trên con người và chống lại con người.

Không được theo những điều đã nói trên đây mà cho rằng Nhà nước càng ít quản lý càng tốt.[8]Có lẽ những người chống đối thường chứng minh điều đó đúng. Nhà nước có vai trò riêng của mình, và điều đó phải được xem xét, không phải dựa trên việc nó quản lý nhiều hay ít, nhưng dựa vào việc nó có thực hiện các chức năng tương thích với nó hay không. Nhà nước “tồn tại để đạt được mục tiêu mà những cách khác không thể có được: đó là sự lớn mạnh của mỗi thành viên, vốn được gọi mời cùng cộng tác cách bền vững cho việc tìm đến lợi ích chung, dưới sự thúc đẩy của khuynh hướng tự nhiên hướng đến cái tốt đẹp và đúng đắn.”[9]

3. Mục đích của Nhà nước phải tương hợp với mục đích của công dân

Bởi Nhà nước hiện hữu để giúp người dân thể hiện những tiềm lực trong bản tính của mỗi công dân, và bởi ơn gọi của họ trong ý nghĩa cao quý nhất là con người thiêng liêng, vì thế xã hội chính trị sẽ đương nhiên sai lầm nếu không để tâm cân nhắc đến điều gì khác nơi cuộc sống trần thế của công dân.[10]Như Thánh Tôma đã từng nói:

“Cần phải hình thành một phán đoán tương tự về cùng đích của xã hội xét như một tổng thể giống như phán đoán về cùng đích của một con người… Giả như cùng đích tối hậu của một người hay của một cộng đồng là một cứu cánh vật chất, cụ thể là đời sống và sức khỏe thân thể, thì khi đó việc cầm quyền xã hội sẽ thuộc về bổn phận của các bác sĩ. Nếu cùng đích tối hậu đó là sự phong phú về của cải vật chất, thì khi đó tri thức của các nhà kinh tế sẽ có tiếng nói cuối cùng trong giới lãnh đạo của cộng đồng. Nếu điều thiện hảo của tri thức về chân lý là một loại hình mà cộng đồng có thể đạt được, thì khi đó nhà vua sẽ phải là một thầy dạy. Tuy nhiên, rõ ràng là cùng đích của một cộng đồng được quy tụ là phải sống đức hạnh. Đối với những người lập ra một nhóm hội vì mục đích sống hòa thuận với nhau, một điều mà một cá nhân sống đơn độc không thể đạt tới, thì đời sống tốt đẹp chính là đời sống đức hạnh. Vì vậy, đời sống đức hạnh là cùng đích của những người sống cùng nhau… Tuy nhiên, qua việc sống đức hạnh, con người được ban cho một cùng đích cao xa hơn, bao gồm cả việc đạt được chính Thiên Chúa… Do đó, vì xã hội phải có chung cùng đích với mỗi cá nhân con người, cho nên không phải sống một cách đức hạnh là cùng đích của một cộng đồng được quy tụ, nhưng là qua việc sống đức hạnh, cộng đồng đạt tới việc chiếm hữu được Thiên Chúa.”[11]

Ngày nay, không thể nào giải thích những lời trên đây như một lệnh truyền buộc các Giáo Hội phải điều khiển Nhà nước, bắt buộc phải tham dự thánh lễ, và những điều tương tự. Thánh Tôma chỉ đơn thuần xác nhận sự kiện này là, Nhà nước, vì đảm nhiệm vai trò cai trị xã hội, nên nó không thể chủ trương thờ ơ với các vấn đề thiêng liêng. Hãy để Nhà nước thử thông qua lập trường thờ ơ, và nó sẽ kết thúc bằng việc thiết lập nên một hình thức chủ nghĩa vô thần thực hành.

Vậy thì quan điểm của Thánh Tôma sẽ như thế nào trong thực hành? Đơn cử một vài ví dụ, Giáo Hội kêu gọi Nhà nước bảo đảm cho các công nhân có được một lượng thời gian nghỉ ngơi đủ, không chỉ là để hồi phục sức khỏe thể xác trong khi lao động, nhưng còn để các công nhân có thể dành thời giờ thích đáng cho các hoạt động tâm linh, vốn là điều dễ dàng bị rơi vào quên lãng. Vì thế, con người phải được cung cấp đủ thời gian nghỉ cho cả xác lẫn hồn, không phải chỉ cho mỗi thân xác mà thôi.[12] Qua những chính sách đơn giản vừa nêu trên, chúng ta có thể thấy vì sao mà Nhà nước phải hành động để giúp ích cho đời sống tôn giáo chứ không phải đảm nhận trách nhiệm với nó.

4. Các mối tương quan giữa Giáo Hội và Nhà nước

Trong nỗ lực hòa hợp các mục đích của con người với mục đích của Nhà nước, chúng ta buộc phải xem xét mối tương quan hợp thức giữa Giáo Hội và Nhà nước. Bởi tính cách thời sự của đề tài này, và bởi nó thường xuyên xuất hiện trong các cuộc tranh luận chính trị hiện nay, nên chúng ta sẽ dừng lại ở điểm này lâu hơn.

a. Chủ nghĩa thế tục tự do và thuyết vô thần thực tiễn

Vấn đề đối với chủ nghĩa thế tục tự do, vốn là não trạng cai trị trong hầu hết các nước hiện đại, bao gồm cả Mỹ, đó là, mọi chế độ cố gắng chủ trương lãnh đạm với tôn giáo. Thật đáng tiếc, như đã nói trên, một chủ trương hết sức tiêu cực về tôn giáo trong thực tế không phải là giữ trung lập, như đã được giả định; việc đứng bên ngoài và khước từ việc đưa ra những bản tuyên bố khẳng định tôn giáo chắc chắn dẫn đến một sự loại trừ hoàn toàn tôn giáo ra khỏi mọi xem xét công cộng, dù rằng điều đó không tất thiết là mục đích của những nhà thiết lập nên các chế độ đó. Về điểm này, Đức Lêô XIII đồng ý khi nói rằng:

“Vì thế, chủ trương rằng, đối với các vấn đề tôn giáo, không có khác biệt gì giữa các hình thức vốn không giống nhau và thậm chí đối nghịch nhau, nhưng cuối cùng sẽ dẫn đến việc loại trừ mọi tôn giáo cả trong lý thuyết lẫn thực hành. Và điều này chính là thứ mà ta gọi là chủ nghĩa vô thần, dẫu nó có thể mang nhiều tên khác nhau.”[13]

Tóm lại, những chế độ tự do được đặt nền trên ý tưởng ngớ ngẩn rằng, một người có thể có tự do theo tôn giáo trong khi hàng xóm của anh cũng có tự do không theo tôn giáo ngang bằng, như thể hai người sẽ không bao giờ đi đến tranh chấp. Để điều này trở thành sự thật, hai người này tất yếu phải sống hoàn toàn tách biệt với người kia, tức là không được cùng sống trong một cộng đồng nữa.

Biểu lộ niềm tin tôn giáo sẽ luôn luôn mâu thuẫn trực tiếp với tự do không theo tôn giáo. Chính bản chất của tôn giáo là tìm ra biểu hiện xã hội. Không hề có chuyện “tôn giáo cá nhân.” Vì muốn tạo ra một xã hội trong đó tồn tại vừa tự do theo tôn giáo, vừa tự do không theo tôn giáo, thì tôn giáo là bất khả thi. Đối với Nhà nước không chọn đi theo hướng nào cả thì Nhà nước đó đang chấp nhận một lập trường tiêu cực chống lại mọi lập trường tích cực, và lập trường tiêu cực đó chính là chủ nghĩa vô thần. Thậm chí đối với Nhà nước, chủ trương bất khả tri cũng không phải là một điều có thể chấp nhận.

b. Đức Giáo Hoàng Lêô XIII với sự tách biệt giữa Giáo Hội và Nhà nước

Vì lý do đó mà Giáo Hội luôn khẳng định rằng Nhà nước hoàn toàn không thể ra vẻ là trung lập được. Nhà nước không chỉ phải công nhận Thiên Chúa, nhưng còn phải công nhận Thiên Chúa của người Công giáo. Trong ý nghĩa ngày nay, có thể không có sự tách biệt giữa nhà thờ với Nhà nước, theo như những điều dưới đây lấy từ Thông điệp Libertas (20/6/1888) của Đức Giáo hoàng Lêô XIII cho thấy rõ là:

“Có nhiều người, vốn có phần nào đó tư tưởng ôn hòa, tuy không khẳng định rằng, luân lý cá nhân phải được dẫn dắt nhờ luật thánh thiêng của Chúa, chứ không phải luân lý Nhà nước, vì rằng trong nhiều vấn đề thuộc cộng đồng, những luật lệ của Thiên Chúa đã bị bỏ qua, và hoàn toàn bị xem nhẹ trong bộ khung luật. Do đó đã sinh ra thuyết tai hại về sự cần thiết tách biệt Giáo Hội và Nhà nước. Và điều phi lý của quan điểm đó là rõ ràng. Thiên nhiên nói lên tính thiết yếu của Nhà nước vốn đưa ra sự cân bằng và nhiều cơ hội mà qua đó công dân có thể được sống cách tốt đẹp, nghĩa là, theo các lề luật của Thiên Chúa. Thiên Chúa là cội nguồn của mọi điều tốt đẹp và công bằng, nên thật lố bịch khi Nhà nước không mảy may để tâm đến những luật đó, hoặc làm cho chúng ra yếu kém bằng cách ban hành những điều luật trái ngược. Hơn nữa, những ai nhờ nhân dân mà được nắm quyền thì có nhiệm vụ không chỉ mang đến hạnh phúc và sự tiện nghi trong đời sống bên ngoài, nhưng hơn cả điều đó, còn phải biết quan tâm đến niềm hạnh phúc bên trong tâm hồn của người dân qua việc thiết lập những nền luật pháp khôn ngoan. Thế nhưng, để làm gia tăng những mối lợi như thế, không gì phù hợp hơn những luật lệ do chính Thiên Chúa là tác giả; và, vì vậy, những người nắm chính quyền không màng đến những luật lệ này là những người lạm dụng quyền lực chính trị khi làm cho người dân đi trệch khỏi cùng đích đúng đắn, cũng như đi trệch khỏi chính quy luật tự nhiên được khắc ghi trong họ. Và, điều gì là quan trọng hơn, cũng như điều mà Chúng tôi đã hơn một lần chỉ ra, mặc dù chính quyền dân sự không có cùng mục tiêu như quyền bính tôn giáo, cũng không đi cùng đường, thế nhưng, khi thực thi các quyền lực khác nhau, chắc chắn sẽ có lúc chính quyền cũng phải gặp giáo quyền. Bởi vì họ có chung những người dân, và không hiếm khi họ phải giải quyết các đối tượng tương tự, dẫu theo nhiều cách thức khác nhau. Khi xảy ra điều ấy, xét vì tình trạng xung đột trái ngược với quy định khôn ngoan nhất của Thiên Chúa, cho nên buộc phải có một trật tự hay một thủ tục nào đó để loại bỏ đi những khác biệt và bất đồng, cũng như bảo đảm sự hài hòa trong tất cả mọi sự. Sự hài hòa này có thể sánh ví với sự hài hòa giữa thân xác và linh hồn vì sự tốt đẹp của cả hai, việc chia cách chúng chỉ mang đến thiệt hại không thể bù đắp cho thân xác, vì nó sẽ hủy diệt đi chính sự sống của cả hai.”[14]

“Vì, chối bỏ quyền tối thượng của Thiên Chúa, và khước từ việc vâng phục Người hoàn toàn trong các vấn đề công cộng, hay thậm chí trong cả các nỗi lo lắng riêng tư cá nhân, là lầm lỗi lớn nhất của tự do và là điều tồi tệ nhất của chủ nghĩa tự do… Từ học thuyết này, cũng như từ cội nguồn và nguyên lý của nó, xuất ra thứ nguyên lý tai hại về sự tách biệt giữa Giáo Hội và Nhà nước; trái lại, rõ ràng là cả hai quyền lực đó, dù khác biệt về chức năng và không cùng đẳng cấp, vẫn phải sống hòa thuận cùng nhau, nhờ hài hòa trong hành động và nhiệt thành dấn thân chu toàn các bổn phận của mình.”[15]

“Nhiều người mong muốn Nhà nước được hoàn toàn tách biệt khỏi Giáo Hội, để rồi họ sẽ không còn phải để ý đến Giáo Hội trong những việc liên quan tới quyền của xã hội loài người, trong các thể chế, phong tục tập quán và luật lệ, các nghi lễ quốc gia, và việc giáo dục thanh thiếu niên; và, hơn hết, mỗi công dân sẽ được phép tham gia vào tôn giáo của họ cách riêng tư nếu họ muốn. Ngược lại với những điều trên, tất cả mọi luận cứ mà Chúng tôi dùng để bác bỏ nguyên lý của việc chia cách Giáo Hội và Nhà nước đều có tính dứt khoát; hơn nữa, thật là lố bịch khi công dân buộc phải tôn trọng Giáo Hội, trong khi Nhà nước lại coi rẻ Giáo Hội.”[16]

c. Quan điểm của Martin Luther về sự tách biệt giữa Giáo Hội và Nhà nước

Ý tưởng về một “bức tường có lợi ngăn cách giữa Giáo Hội và Nhà nước” đã có gốc rễ từ triết học tự do, và thực sự ý tưởng đó cách tự nhiên đến từ các tiêu đề căn bản của nó. Kết quả không thể tránh được là chúng ta nhận thấy nó đang nuôi dưỡng ý tưởng ấy không chỉ trong những triết lý chính trị của John Locke và J. S. Mill, nhưng thậm chí còn từ các cuộc cải cách tôn giáo chẳng hạn của Martin Luther, người đã từng khuyên các nhà quý tộc như sau:

“… Ngài có nhiều người dưới quyền ngài và ngài mong muốn biết được điều ngài đang làm. Không phải Chúa Kitô nhưng chính là luật của đất nước ngài mà nhờ đó ngài phải trả lời những vấn đề liên quan… Giữa người Kitô hữu và nhà cầm quyền, phải có một sự tách biệt hoàn toàn… Tất nhiên, một vị lãnh đạo có thể là một Kitô hữu, nhưng không phải ông cai quản như là một Kitô hữu. Là nhà cầm quyền, người không được gọi là Kitô hữu, nhưng là một vị lãnh đạo. Một người là Kitô hữu, những chức vụ của người đó không liên quan đến tôn giáo… dù rằng tôn giáo được khám phá cho con người, nhưng cả hai, quốc gia hoặc chức năng được giới hạn rạch ròi, không xâm phạm, và hoàn toàn đối lập.”[17]

Và trong khi Giáo hội Công giáo khuyên bảo các vua chúa rằng “nhờ vương miện mà vua được cùng chia sẻ thừa tác vụ với chúng tôi,”[18]thì chủ thuyết tục hóa của Luther đã vô tình trở thành hiện trạng vô thức trong tất cả các chủ nghĩa tự do sau này, điều mà phái Tin lành nhờ nó hình thành một sự liên kết không lành mạnh. Trong nhiều quốc gia vốn được xây dựng trên triết lý này, thậm chí cả những người Công giáo mong muốn tham gia vào cuộc sống công khai này sẽ phải hy sinh những nguyên tắc của họ cho bàn thờ tự do. Hãy xem những phát biểu dưới đây của Tổng thống Công giáo, John F. Kennedy, và xem chúng phản chiếu tư tưởng của Luther cách hoàn hảo ra sao, trong khi cùng lúc đó lại phủ nhận dứt khoát những lời giảng dạy thuộc Giáo Hội của Tổng thống Kennedy:

“Tôi tin tưởng vào nước Mỹ, tại đó có sự tách biệt hoàn toàn giữa Giáo Hội và Nhà nước… Tôi không phải là ứng viên Công giáo cho chức vụ Tổng thống. Tôi là ứng viên của đảng Dân chủ vào chức vụ Tổng thống, và tôi là một người Công giáo. Tôi không nói thay cho Giáo Hội trong các vấn về công cộng, và Giáo Hội cũng không nói thay cho tôi… Bất cứ vấn đề nào xảy ra trước khi tôi làm Tổng thống như: khống chế tỷ lệ sinh sản, ly dị, công tác kiểm duyệt, bài bạc hay bất cứ mọi vấn đề khác tôi sẽ giải quyết… theo tiếng lương tâm mách bảo cho tôi biết đó là lợi ích của quốc gia và không quan tâm đến các tôn giáo bên ngoài gây sức ép hay ra lệnh.”[19]

d. Tuyên xưng và ép buộc

Lúc này đây, thật là sáng suốt để nhắc lại với độc giả về tài liệu mà chúng tôi đã đề cập đến trước đây, đó là Tuyên ngôn Dignitatis Humanae – quyền của con người. Có một sự khác biệt rõ ràng giữa việc tuyên xưng niềm tin về phía Nhà nước, và việc ép buộc dân chúng bởi thái độ tin tưởng đấy. Việc tuyên xưng niềm tin bởi một chính quyền không được kèm theo – và kỳ thực là không được phép kèm theo đòi hỏi – sự ép buộc các công dân đi theo tôn giáo, bởi lương tâm cá nhân là điều không thể bị cưỡng ép. Bởi đó, Tuyên ngôn Dignitatis Humanae xác nhận lời kết án của truyền thống Giáo Hội về điều ấy, đồng thời “giữ nguyên giáo lý Công giáo truyền thống về bổn phận luân lý của con người và xã hội hướng đến tôn giáo chân chính và hướng đến Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô.”[20]

Như một thí dụ về sự hiếu hòa lành mạnh của hai khía cạnh, đồng thời cũng chứng minh rằng Tuyên ngôn Dignitatis Humanae không mang tính cách mạng trong bản chất của nó, chúng tôi phải nhắc nhớ độc giả về vai trò của Giáo Hội trong việc chống lại các cuộc đàn áp nhân dân trong quá khứ, chẳng hạn cuộc đàn áp chống lại người Do thái và những phụ nữ bị buộc tội là phù thuỷ. Các giáo sĩ trong toà điều tra là một trong những tiếng nói mang tính quyết định trong các nỗ lực nhằm hạn chế sự bức hại các “phù thuỷ” và “thầy pháp” ở Châu âu. Đức Giáo hoàng Alexander thứ IV thậm chí còn công bố một đạo luật nhằm ngăn chặn kể cả việc điều tra những người không chứng minh được là phù thuỷ.

Như một ví dụ đối nghịch cho thấy chuyện gì đã xảy ra khi nhiều phong trào bình dân được phép diễn ra mà không có bất kỳ sự can ngăn từ một quyền lực tinh thần thực sự nào, các vụ xét xử phù thuỷ thành Salem ở Mỹ có thể dạy chúng ta rất nhiều điều. (Chú thích: Vụ án các phù thủy ở Salem (Hoa Kỳ) năm 1692-1693 đưa tới việc xử tử 20 người – trong đó có 16 phụ nữ).

Quay trở lại với vấn đề lương tâm, chúng ta phải nhớ rằng, Đức Lêô XIII, người chiến đấu chống lại những sai lầm chính trị của chủ nghĩa tự do và đã được trích dẫn trong Tuyên ngôn Dignitatis Humanae, đã tuyên bố cách hùng hồn sự đồng tình của mình với quan điểm của Công đồng Vaticanô II khi nói “Giáo Hội đã lưu ý cách nghiêm chỉnh rằng không ai buộc phải chấp nhận niềm tin Công giáo trái với ý muốn của họ, vì, như thánh Augustinô nhắc nhở chúng ta cách khôn ngoan rằng, ‘Con người không thể tin vào điều gì khác với điều mình muốn.’”[21]

5. Hoà bình hay xung đột?

Giờ đây chúng ta đến với vấn đề cạnh tranh trong các vấn đề chính trị, vốn dĩ có liên quan rất gần với chủ đề thảo luận của chúng ta về các xã hội tư bản. Đầu tiên chúng ta bắt đầu với hình thức kinh tế. Sau đó chúng ta tập trung xem xét nó trong biên độ lý trí rộng hơn, bởi thái độ kinh tế của chúng ta không bao giờ chỉ dừng lại ở lãnh vực thuần kinh tế, nhưng phải trải rộng và phủ khắp mọi lãnh vực trong đời sống.

Giống như chủ nghĩa tư bản và thuyết tiến hoá, xã hội hiện đại tin rằng xung đột là một tài sản nội tại. Nó là động lực cho sự tiến bộ. Trong khoa học, chẳng hạn, người ta tin rằng chính đời sống con người là kết quả của một cuộc đấu tranh sinh tồn không ngừng nghỉ, một “quy trình chọn lọc tự nhiên” nhờ đó mang lại sự tiến bộ. Quan điểm tương tự này cũng xuất hiện trong các ý thức hệ kinh tế vốn xem việc cạnh tranh là dụng cụ cho sự hạnh phúc xã hội và tính sáng tạo của con người. Tương tự, trong các thể chế chính trị, có một kiểu “xung đột được thể chế hoá” vốn được hình thành bởi sự tách biệt của các nhánh chính quyền và các đảng phái cạnh tranh nhau để kiểm soát các nhánh đó. Một hệ thống như thế được thiết kế cho việc xung đột.

Vì thế, trong mọi trường hợp, dường như giả định ngầm rằng hoà bình theo sau hỗn loạn, và rằng xung đột là mẹ của hài hoà. Bởi vì nó đã ăn sâu tựa như bản chất vậy, và điều này có thể làm độc giả ngạc nhiên khi thấy rằng Giáo Hội – và thực sự trong hầu hết các truyền thống khác ngoài những hệ thống hiện đại – lại dạy điều trái ngược: Hoà bình là giá trị tối hậu phải được kiếm tìm và phải tránh khỏi xung đột;[22] và rằng trong thực thế đó là một bổn phận phải được thi hành ngay và không được bỏ mặc như thể nó sẽ xảy đến như một kết quả của tiến trình tự nhiên.[23]

a. Hoà bình đích thực là sự hài hoà của ý chí

Hoà bình nói đến ở đây không phải là hoà bình theo sau những cuộc chiến, vốn đơn thuần là hoà bình của sự chết và chiến thắng. Hoà bình mà Kitô hữu kiếm tìm không chỉ là sự thiếu vắng chiến tranh, đau khổ, hay sự căng thẳng mong manh của “những thế lực được cân bằng.” Hòa bình đích thực là một sự hiệp nhất hài hòa của lý trí mà nhờ đó người ta không chỉ đòi hỏi chấm dứt chiến tranh, nhưng còn thực sự thỏa thuận trong những ước muốn của mình. Những người như thế “được thống nhất” trong những nỗ lực của họ. Tính đơn nhất của hoà bình đòi buộc sự can đảm của tín thác, việc kiếm tìm công bằng, thực hành yêu thương, và hiểu rõ được tình đồng loại.[24]Thực vậy, chúng ta có thể nói hoà bình là hoa trái của tình yêu hơn là của công bằng, bởi công bằng loại bỏ những vật cản của hoà bình, trong khi hoà bình là một phần của yêu thương mang đến cho nó sự thành toàn.[25]

Cố nhiên nếu xung đột được xem là lý tưởng và hoà bình đơn thuần là một kết quả của cơ chế xung đột, thì hoà bình đích thực sẽ bị huỷ hoại không ngừng. Chiến tranh và nguy cơ chiến tranh không bao giờ dứt chừng nào tội lỗi vẫn còn, nhưng điều ấy tuyệt đối không được biến chiến tranh và nguy cơ chiến tranh thành lợi ích được tìm kiếm sau đó, như thế chiến tranh và nguy cơ chiến tranh là phương tiện của hoà bình, bởi nó sẽ chỉ mang lại hoà bình của sự chết.

b. Về sự tùng phục và nổi dậy

Đôi khi chúng ta buộc phải tin rằng những nhà triết học và thần học cổ xưa đã đòi hỏi một sự quy phục vô điều kiện đối với các quyền lực xã hội. Chúng ta cũng hình dung được rằng sự quy phục đó bị thúc đẩy bởi một giả định ngây ngô là các quyền lực xã hội đó được thiết lập một cách thánh thiêng và vì thế hợp pháp cách vô điều kiện. Tuy nhiên, thực sự những con người như Aquinô luôn luôn công nhận có những nguyên nhân hợp pháp để truất phế những nhà lãnh đạo bất công. Sự khác biệt giữa tư tưởng truyền thống và hiện đại là có nhiều cái để làm với nhiều tình huống vốn chấp nhận “bất công.”

Ví dụ, hầu như người hiện đại có khuynh hướng xem cách mạng là điều hợp pháp trong bất cứ lúc nào người dân không bằng lòng với chính quyền của họ. Miễn là nó được chứng minh cách rõ ràng rằng nhân dân không thấy hạnh phúc – phiếu đa số là một thí dụ – thì người lãnh đạo có thể bị truất phế. Điều kiện duy nhất là ý muốn của người dân. Vì thế, lời bào chữa cho việc truất phế các nhà lãnh đạo trong các chế độ dân chủ được rút lại thành một vấn đề, không phải của tiêu chuẩn khách quan nào đó cho sự công bằng, nhưng đơn giản là công luận.

Về quan điểm này thì những nhà tư tưởng thời Trung Cổ có ý kiến khác. Đối với họ, vì quyền cai trị được thiết lập, không phải mang tính cách cá nhân nhưng toàn bộ là từ Thiên Chúa, nên sự vận động của nó phải được đánh giá qua một tiêu chuẩn về công bằng vốn là khách quan, tựa như Thiên Chúa. Nếu nhà cai trị bị truất phế thì anh ta phải bị truất phế bởi điều cho thấy anh ta cai trị cách bất công. Nếu anh ta thi hành chức năng tốt thì cho dù 99% dân chúng muốn truất phế anh ta, thì đó là việc làm bất công.

Để đơn giản hoá vấn đề, chúng ta có thể đưa ra sự phân biệt giữa nhà lãnh đạo, như một cá nhân, và chức vụ mà người đó đang nắm giữ. Sự tôn trọng dành cho nhà lãnh đạo bởi anh ta đang nắm chức vụ. Thực vậy, sự kính trọng mà anh ta nhận được không hẳn là do cá nhân anh ta bởi vì sự kính trọng đó đi theo chức phận thánh thiêng được trao cho anh, nghĩa là, đến từ Thiên Chúa, Đấng mà anh đại diện. Dù cho anh ta có sống đê tiện, thì anh ta vẫn nắm giữ một chức vụ cao cả. Vậy thì thời điểm phù hợp để truất phế một nhà quý tộc đê tiện là khi nào? Khi xem đến sự tách biệt giữa con người (có thể tốt hoặc xấu) và chức vụ (vốn được thiết lập mang tính thánh thiêng, tự thân là tốt), chúng ta có thể nói như những nhà lý luận thời trung cổ rằng việc truất phế hợp pháp nếu là người cai trị tồi dù đó là một người tốt, nhưng truất phế là bất hợp pháp nếu đó là người lãnh đạo tốt dù cho con người anh ta có xấu.

Đó là ý nghĩa những lời Đức Giêsu nói với các tông đồ: “Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.”[26] Thực vậy, khi đến với nhà lãnh đạo tốt nhưng là con người xấu, chúng ta được nói cho biết là hãy làm điều mà họ nói chứ không phải điều họ làm. Cái ngụ ý rõ ràng nhất ở đây là điều đó, dù rằng Đức Giêsu thẳng thái xác tín tính đạo đức giả của họ, Người vẫn ra lệnh là phải tuân phục.

 

 

 


[1] OA, 27.

[2] http://en.radiovaticana.va/storico/2013/10/17/pope francis prayer keeps us fr om losing faith/en 1-738101.

[3] OA, 35.

[4] OA, 26.

[5] Gv 4,9.

[6] Rm 13,1.

[7] GLHTCG, 1881; GS, 25.

[8] Economic Justice for All, 124.

[9] HTXHCG, 384.

[10] HTXHCG, 386.

[11] DR, 106-107.

[12] RN, 41-42.

[13] ID, 31.

[14] LP, 18.

[15] LP, 37-38.

[16] LP, 39.

[17] Luther’s Works (Wiemar Edition) XXXII, pp. 391, 439, 440.

[18] Bertrand de Jouvenel, On Power (Indianapolis, 1976), p. 33.

[19] Address to the Greater Houston Ministerial Association delivered Sept. 12, 1960.

[20] DH, 1.

[21] ID, 36.

[22] John Paul II, Sứ điệp ngày Hòa bình thế giới 1982, 4.

[23] Ibid.

[24] GS, 78.

[25] UA, 35; ST II-II, q. 29, a. 3, ad. 3.

[26] Mt 23,2-3.

 

 

Chia sẻ