Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Luân Lý Xã Hội: Cộng Đoàn Chính Trị

Administrator
2018-09-23 09:35 UTC+7 26
ĐCV Giuse Sài Gòn   Các chữ tắt CA = Centesimus Annus – Bách Chu Niên GS = Gaudium et Spes – Vui mừng và hy vọng LE = Laborem exercens – Lao động của con người MM = Mater et Magistra – Mẫu Sư OA = Octogesima Adveniens – Bát Thập Niên PP = […]


ĐCV Giuse Sài Gòn

 

Các chữ tắt

CA = Centesimus Annus – Bách Chu Niên

GS = Gaudium et Spes – Vui mừng và hy vọng

LE = Laborem exercens – Lao động của con người

MM = Mater et Magistra – Mẫu Sư

OA = Octogesima Adveniens – Bát Thập Niên

PP = Populorum Progressio – Phát triển các dân tộc

PT = Pacem in terris – Hòa bình trên thế giới

QA = Quadragesimo Anno – Tứ Thập Niên

RH = Redemptor Hominis – Đấng Cứu Chuộc con người

RN = Rerum Novarum – Tân Sự

SRS = Sollicitudo Rei Socialis – Quan tâm đến vấn đề xã hội

TN = Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền

VS = Veritatis Splendor  – Chân lý sáng ngời

***

VÀO ĐỀ

Sứ điệp của Kitô giáo mang nội dung xã hội và đã tạo ra một lối sống mới nơi cộng đoàn kitô hữu sơ khai. Chúng ta đã nhận định về một số các vấn đề kinh tế đang đè nặng nhân loại ngày nay, và trong giáo huấn xã hội của Giáo Hội chúng ta đã nắm bắt ánh sáng có khả năng giúp con người tìm ra những giải pháp tương ứng.

Tựa trên căn bản Học thuyết xã hội của Giáo Hội, giờ đây chúng ta học hỏi về những vấn đề mang tính cách chính trị: cộng đoàn chính trị, tự do tôn giáo, xây dựng các cộng đoàn quốc tế, hòa bình và chiến tranh.

Cần nhấn mạnh lại vai trò của Giáo Hội đứng trước những vấn đề của xã hội đương thời. Thánh bộ Đức Tin đã nêu trong tài liệu “Tự do tôn giáo và sự giải thoát”, số 61:

“Giáo Hội có quyết tâm muốn trả lời cho các ưu tư của con người đương thời, bị những áp đặt nặng nề thống trị và thao thức tìm tự do. Việc quản trị chính trị và kinh tế của xã hội không trực tiếp nằm trong sứ mạng của Giáo Hội. Nhưng Chúa Kitô đã tín thác cho Gíao Hội lời chân lý có khả năng soi sáng các lương tâm. Tình Yêu thần linh là sự sống của Gíao Hội thúc đẩy Giáo Hội thực sự liên đới với mỗi một con người đau khổ. Nếu mọi phần tử của Giáo Hội đều trung thành với sứ mạng nầy, Chúa Thánh Linh, nguồn cội của tự do, sẽ ở trong họ, và như thế họ sẽ đem lại những hoa trái về công chính và hòa bình trong môi trường gia đình, nghề nghiệp và xã hội”.

Cũng nên nhắc lại là trong việc giáo huấn, Giáo Hội không nhằm đề xướng một mẩu cố định và duy nhất, cũng như không cung ứng những phương thức giải quyết về kỷ thuật cho nhiều vấn đề khác nhau. “Các khuôn mẫu đích thực và thực sự có hiệu quả chỉ có thể quan niệm được trong khung cảnh của các tình huống lịch sử khác nhau, do nổ lực của mỗi người có trách nhiệm, những người nầy phải đối đầu với các vấn đề cụ thể dưới tất cả mọi khía cạnh xã hội, chính trị và văn hóa bao hàm lẫn nhau” (CA 43).

Trong lãnh vực nầy, đóng góp của Giáo Hội là một “định hướng tri thức không thể bỏ qua được” (CA 43) nhằm đến con người hiện thực, cụ thể, mang lịch sử tính, “con người xét như được hội nhập vào một hệ thống phức tạp của những tương quan giữa các xã hội hiện đại” (CA 53-54).

Gíao Hội cung ứng cho con người ấy ánh sáng vĩnh cữu của Tin Mừng, để đạt đến việc đào tạo “những con người mới”. Với sức mạnh vô song của Tin Mừng, ước mong họ sẽ trở thành những người kiến tạo nền Văn hóa Tình thương.

Đứng trước những vấn đề trên, chúng ta không được nghĩ rằng sẽ tìm ra những câu trả lời có sẵn, hoặc phương thức hiệu nghiệm cho mọi hoàn cảnh, nhưng trong tinh thần khiêm nhượng và kiên trì chúng ta cố gắng canh tân đầu óc và tâm hồn chúng ta dưới ánh sáng của sứ điệp Tin Mừng, để từ đó chính chúng ta sẽ trở thành ánh sáng trong những hoàn cảnh đa dạng trong cuộc sống chung của nhân loại.

Một số tư tưởng nhằm xây dựng sự hiệp nhất giữa các dân tộc:

– Lịch sử nhân loại là một cuộc tái khám phá tình huynh đệ toàn cầu trong khó nhọc và chậm chạp.

– Sau khi cảm nghiệm hậu quả của bạo lực và hận thù trong cả ngàn năm qua, chúng ta có quyền đòi hỏi nhân loại hãy bắt đầu cảm nghiệm các hoa trái của tình thương. Không chỉ tình thương giữa các cá nhân, nhưng cả tình thương giữa các dân tộc.

– Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh của Người, hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng không chỉ với tính cách cá nhân, mà cả với tính cách xã hội. Ngưới đã đóng ấn Ba Ngôi trên con người nam – nữ và muốn thực hiện dự án ấy cho cả nhân loại.

– Các dân tộc được kêu gọi yêu thương nhau, chứ không phải không biết đến nhau hoặc đánh nhau.

– Tình yêu thương lẫn nhau phải trở thành lề luật không chỉ trong tương quan giữa con người, nhưng cả trong tương quan giữa các dân tộc: Hãy yêu thương quê hương của người khác như quê hương của chính mình.

– Mỗi dân tộc vun trồng căn tính của mình và phát triển các tài năng tinh thần và gia sản vật chất, điều đó hợp lý. Nhưng phải xác tín rằng các tài năng trên sẽ hoàn hảo hơn và gia tăng hơn, khi để cho các dân tộc khác hưởng dùng chung trong sự tôn trọng và trao đổi lẫn nhau.

– Vậy, khi chúng ta đã thực hiện phần của chúng ta chung với mọi người khác, thì chúng ta sẽ có thể mơ ước Thiên Chúa tác động để thế giới có một trật tự mới đến độ kết hợp thành một cộng đoàn duy nhất trên cả hành tinh nầy. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cũng đã mơ ước như thế khi dự trù có một tổ chức toàn cầu điều khiển mọi sinh họat trên thế giới.

– Giấc mơ ấy sẽ không là ảo tưởng khi Thiên Chúa hiện diện và làm việc với chúng ta, để xây dựng sự hiệp nhất cho thế giới, cho nhân loại.
 
I. BẢN CHẤT VÀ MỤC TIÊU CỦA CỘNG ĐOÀN CHÍNH TRỊ

Cộng đoàn chính trị hình thành khi xã hội tự nhiên có cơ cấu qua việc lập những cơ chế và những luật lệ nhằm mục đích đạt được lợi ích chung. Quan niệm cộng đoàn chính trị sơ khởi trên xuyên qua nhiều thiên niên đã thể hiện trong lịch sử với nhiều khác biệt. Đầu tiên, cộng đoàn chính trị được xác định với bộ lạc, sau đó với nhiều triều đại, nhiều đế quốc, với các thành phố (Poleis) và sau cùng với Nhà Nước (Quốc gia). Người ta bắt đầu nói đến Nhà Nước (Eùtat, State) vào khoảng thế kỷ XV theo đà phát triển của trật tự chính trị ở Âu Châu thời đó. Người đầu tiên dùng từ ngữ Nhà Nước (Eùtat) là Niccolo Machiavelli. Quan niệm Nhà Nước hiện nay thông dụng ở mọi ngôn ngữ, là kết quả của một tiến trình lịch sử lâu dài.

Các yếu tố chính yếu cho Nhà Nước hiện nay là: dân tộc, lãnh thổ và quyền bính tối cao. Nghĩa là phải có một nhóm người cư ngụ trên một vùng đất đai và có một quyền hành xử tối thượng. Quyền bính nầy có nghĩa là Nhà Nước có quyền bính về phương diện pháp lý, không nhìn nhận một quyền bính nào khác cao hơn và có quyền dùng vũ lực để gìn giữ trật tự nội bộ và chống ngoại xâm.

Giáo Hội luôn luôn cho rằng có một “lý thuyết về Nhà Nước” đúng đắn là điều quan trọng đặc biệt. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh trong thông điệp Bách Chu Niên: “Không phải Đức Lêo XIII không biết rằng cần phải có một lý thuyết đúng đắn về Nhà Nước, để bảo đảm cho những hoạt động tinh thần và những hoạt động thể chất của con người được phát triển bình thường; cả hai đều là những hoạt động không thể không có” (CA 44).

Trả lời câu hỏi tại sao xã hội tự nhiên thiết lập thành cộng đoàn chính trị, Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng nhấn mạnh rằng bước tiến nầy do một đòi hỏi tự nhiên: con người ý thức rằng những cá nhân và những nhóm đơn độc không thể xây dựng một cuộc sống đầy đủ cho con người. Vì con người là một sinh vật xã hội, cho nên chỉ thành nhân đầy đủ khi mở rộng cho người khác và vì chỉ khi có người khác giúp đỡ thì con người  mới có khả năng đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần. Do đó, “cần phải có một cộng đoàn rộng lớn hơn, trong đó tất cả mọi người hằng ngày hợp lực để mưu cầu công ích mỗi lúc một tốt đẹp hơn” (GS 74).

Như thế, phát sinh quan niệm về cộng đoàn chính trị “không phá hủy và không làm tiêu tan cá nhân và các xã hội trung gian (société intermédiaire), nhưng điều hòa từng hoạt động riêng biệt trong một khung hợp tác rộng lớn hơn. Aáy vậy, trong một sự điều hòa các thái độ ấy, (cộng đoàn chính trị) một đàng vừa giới hạn, vừa đánh giá, và hướng tất cả các cố gắng của cá nhân và về một mục tiêu chung (công ích), đàng khác thúc đẩy các cá nhân và liên kết mọi thành viên” (Chiavacci).

 Trong thông điệp “Bát Thập Niên”, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nhấn mạnh tính cách cần thiết của việc thành lập cộng đoàn chính trị: “Trong hiện hữu xã hội nầy, con người xây dựng số mệnh của mình trong một loạt những nhóm riêng. Cho việc thành tựu và như điều kiện cần thiết cho việc phát triển, những nhóm nầy đòi hỏi có một xã hội rộng lớn mang tính cách phổ quát: xã hội chính trị. Mỗi hoạt động riêng phải được đưa vào trong hệ thống của xã hội mở rộng nầy và cùng với xã hội nầy lãnh nhận chiều kích của lợi ích chung” (số 24).

Cộng đoàn chính trị được thành lập với mục đích đạt được công ích “bao gồm tất cả những điều kiện của đời sống xã hội; nhờ những điều kiện nầy, cá nhân, gia đình và đoàn thể có thể triển nở cách trọn vẹn và dễ dàng hơn” (GS 74).

Cần nhấn mạnh ngay “công ích” là một quan niệm có bản chất luân lý, liên kết chặt chẻ với một nhãn quan đúng đắn về con người. Quan niệm nầy bao gồm lợi ích của cả con người  và của tất cả mọi người, từ cá nhân đến toàn thể xã hội, phải nhằm đến lợi ích của thân xác và tinh thần. Để đạt được công ích, chủ yếu cần quan tâm đến 3 phạm vi: luân lý, trí thức và vật chất.

Công ích được theo đuổi ở nhiều mức độ trong mỗi cộng đoàn con người: khởi đầu ở mức nhỏ nhất là gia đình, xuyên qua tất cả các cộng đoàn trung gian, để đạt đến cộng đoàn toàn cầu. Mỗi cộng đoàn phải theo đuổi công ích riêng biệt của mình, đồng thời góp phần để theo đuổi công ích của cộng đoàn ở mức độ cao hơn, bởi vì “tất cả chúng ta đều thực sự có trách nhiệm về mọi người” (SRS 38).

Công ích không thể đạt được một cách tự động, nhưng chỉ khi có mọi người đóng góp, các cá nhân và đoàn thể. Mọi người phải là tác nhân ở mức độ riêng của mình, ý thức chúng ta chỉ đạt mục tiêu khi được tất cả các tài năng, các thẩm quyền (compétence), các sáng tạo hổ trợ. Sự tham gia nầy là một bổn phận (xem PT 32), mà cũng là một quyền lợi (xem PT 34) nằm trong những phẩm chất con người phải có. Thông điệp Bách Chu Niên còn quan tâm đến “khả năng đem lại một sự đóng góp tích cực cho thiện ích chung của nhân loại” (CA 34).

Trong việc theo đuổi công ích, Nhà Nước và công quyền có những nhiệm vụ rõ rệt. Những nhiệm vụ nầy được tiến hành trong sự tôn trọng nguyên tắc liên đới (solidariété) và nguyên tắc phụ túc (subsidiarité) là 2 nguyên tắc cột trụ của toàn bộ học thuyết xã hội của Giáo Hội. “Theo nguyên tắc thứ nhất, con người phải góp phần với đồng loại để theo đuổi lợi ích chung  của xã hội ở mọi mức độ. Dựa trên nguyên tắc nầy, Học Thuyết xã hội của Giáo Hội chống lại mọi hình thức chủ nghĩa cá nhân xã hội hoặc chính trị (individualisme social ou politique). Theo nguyên tắc thứ hai, Nhà Nước cũng như bất cơ chế nào: một đàng, không được thay thế (substituer) cho sáng kiến và trách nhiệm của cá nhân và đoàn thể trung gian trong những phạm vi mà chính họ có thể tác động được; đàng khác, không được phá hủy khung cảnh cần thiết để họ được tự do. Qua đó, Học Thuyết xã hội của Giáo Hội chống lại mọi hình thức chủ nghĩa tập thể (collectivisme)” (xem Libertà cristiana e liberazione, số 73).

II. QUYỀN BÍNH TRONG CỘNG ĐOÀN CHÍNH TRỊ

Nếu mục tiêu cộng đoàn chính trị theo đuổi là công ích, thì cần phải hướng tất cả mọi sáng kiến nẩy sinh trong cộng đoàn về mục đích ấy. Đây là nhiệm vụ mà công quyền phải thi hành và nhiệm vụ nầy làm công quyền thành chính đáng. Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng diễn tả về vấn đề nầy như sau: “Tuy nhiên, một cộng đoàn chính trị bao gồm nhiều người thuộc đủ mọi thành phần, do đó họ có thể có nhiều quan điểm khác nhau một cách chính đáng. Vi mỗi cá nhân đều bênh vực quan điểm riêng của mình, nên để tránh cho cộng đoàn chính trị khỏi tan rã, cần phải có một quyền bính để hướng dẫn nỗ lực của mọi công dân nhằm tới công ích. Không phải hướng dẫn cách máy móc hay độc đoán, nhưng tiên vàn như một sức mạnh tinh thần dựa trên tự do và ý thức về nghĩa vụ và trách nhiệm” (GS 74).

Cần nhấn mạnh rằng quyền bính được xem là một sức mạnh tinh thần. Ấy vậy, khi thi hành trong hoàn cảnh nào đi nữa, không thể tựa trên căn bản sợ bị hình phạt hoặc mong được thưởng. Thông điệp Hòa Bình trên thế giới nêu rõ: “Chính quyền bính cũng không thoát ra khỏi vòng pháp luật (force incontrollée). Quyền bính chỉ là một khả năng chỉ huy cho hợp lẽ phải. Thành ra chính cái tiềm lực bắt buộc là do bởi luật luân lý và luật luân lý dựa trên Thiên Chúa, là nguồn gốc và là cứu cánh (số 47). Bởi vậy, quyền bính nhân loại chỉ có thể bắt buộc lương tâm, khi nào nó liên kết với quyền bính Thiên Chúa và thông công quyền bính Thiên Chúa một phần nào” (số 49).

Đó là điều căn bản làm cho quyền bính thành chính đáng, đồng thời phi thần thánh hóa (désacraliser) quyền bính và giới hạn sức mạnh của quyền bính. Trước quyền bính, sự vâng phục là một hành động không theo tư cách vị ấy là người (số 50); cũng không phải là sự cần thiết thuần túy trong phạm vi xã hội chính trị, nhưng là một bổn phận lương tâm rõ rệt vì trở vào trong trật tự vạn vật do Thiên Chúa muốn: “(Vâng phục quyền bính) là tôn vinh Thiên Chúa là Đấng sáng tạo vạn vật theo một trật tự do chính Người đã an bài. Hơn nữa, khi chúng ta tôn trọng Thiên Chúa, không phải là chúng ta tự hạ, nhưng chính là chúng ta tự nâng cao giá trị của mình, bởi vì phụng sự Thiên Chúa tức là cai trị rồi” (PT 50).

Theo giáo huấn công giáo về Nhà Nước, quyền bính của Nhà Nước từ căn bản nằm trong toàn dân tộc, không phải nơi từng cá nhân, cũng không phải trong đám đông quần chúng, nhưng trong dân tộc hợp nhất về chính trị thành một cộng đồng quốc gia. Quyền bính của Nhà Nước không được thi hành do đám đông quần chúng, nhưng được trao cho một hoặc nhiều cá nhân, vì thế có nhiều hình thức Nhà Nước. Do đó, chính quyền nhận lãnh quyền bính trực tiếp từ toàn thể dân tộc. Thực vậy, cộng đồng quốc gia không trao cho vua một quyền lực nào khác, nhưng chính quyền bính của mình.

Khi thi hành chức năng của mình, quyền bính phải tác động trong những giới hạn được xác định rõ rệt. Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng nêu 3 điều kiện để việc hành xử quyền bính chính trị được xem là chính đáng:

1) phải được thi hành trong vòng trật tự luân lý: quyền bính không được áp đặt những việc trái với trật tự luân lý, vì như vậy sẽ làm hại lợi ích của con người một cách trầm trọng và sâu xa, và tước đoạt điều hệ trọng nhất của con người.

2) phải nhắm đến công ích: thực vậy, như chúng ta đã thấy, chỉ khi nào quyền bính theo đuổi công ích thì quyền bính mới được xem là chính đáng.

3) phải thi hành theo luật lệ của một trật tự  pháp lý đã hay sẽ được thiết lập: hiển nhiên đòi hỏi quyền bính phải được thi hành trong một thể chế có lề luật, chứ không phải trong một chính thể không tiến hành theo hiến pháp. Trật tự pháp lý phải được kiến tạo bằng những luật lệ rõ rệt và có thể làm được, thích hợp với những đòi hỏi của thực tại kinh tế xã hội và thích hợp với mức độ phát triển kinh tế và văn hóa của xứ sở.

Một khi quyền bính thi hành các chức năng riêng trong phạm vi những giới hạn trên, thì bó buộc mọi công dân phải theo lương tâm mà tuân phục. Công Đồng diễn tả như sau: “Việc hành xử quyền bính chính trị trong chính cộng đoàn hoặc trong các cơ quan đại diện cho Quốc gia luôn luôn phải nằm trong giới hạn của trật tự luân lý để đem lại kết quả và mưu cầu công ích – công ích ở đây phải hiểu cách năng động – tùy theo trật tự pháp lý đã hoặc sẽ được thiết lập cách hợp pháp. Trong trường hợp đó mọi công dân buộc phải theo lương tâm mà tuân phục” (GS 74).
 
III. SỰ ĐỐI KHÁNG CHỐNG LẠI CÔNG QUYỀN

Khi quyền bính vượt quá những giới hạn đã đề cập ở chương trên, thì mọi công dân đặt vấn đề phải chọn thái độ nào.

Có thể giả thiết 2 trường hợp:

a) sự áp bức trong những phạm vi giới hạn, trong những trường hợp rời rạc;

b) sự áp bức trong toàn bộ việc hành xử quyền bính, trong cơ cấu của kỷ cương Quốc gia.

Trong trường hợp thứ nhất, vì sự áp bức chỉ xảy ra trong những trường hợp rời rạc, trên căn bản chung vẫn còn có thể theo đuổi công ích. Trước những lề luật bất công, được phép chống đối thụ động (nghĩa là không tuân phục các luật bất công) và chống đối tác động (nghĩa là dùng tất cả những sáng kiến có thể dẫn đến việc thay đổi những luật lệ bất công ấy).

Trong trường hợp thứ hai, khi sự áp bức xảy ra trong toàn bộ việc hành xử quyền bính, trước một quyền bính được hành xử sai lạc tự nguyên tắc, có nghĩa là không còn là quyền bính nữa, thì cần phải bảo vệ quyền lợi. Hơn nữa, cơ cấu xã hội cần phải thâu hồi lại chức năng của quyền bính. Đây là một vấn đề thường xảy ra trong lịch sử và gây ra không ít những vấn nạn.

Phải chọn con đường nào? Giáo huấn của Giáo Hội luôn luôn chọn những con đường bất bạo động: chống đối thụ động, những hình thức phản kháng và áp lực trên bình diện quốc nội và quốc tế, để có thể thay đổi chính quyền áp bức. Lịch sử hiện đại cũng đã chứng minh sự tốt đẹp và hiệu quả của phương pháp nầy.

Tuy nhiên, đã từng có những trường hợp cực đoan làm ta phải quan tâm đến giả thuyết lật đổ một chính quyền độc tài. Về phương diện nầy, Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng nói đến việc phải bảo vệ quyền lợi mà không bàn sâu đến việc phải dùng phương pháp nào: “Khi công quyền vượt quá quyền hạn của mình mà đàn áp công dân, lúc đó chính công dân cũng không nên từ chối những gì khách quan xét thấy phù hợp với đòi hỏi của công ích. Nhưng họ được phép bênh vực quyền lợi của riêng mình cũng như của đồng bào chống lại những lạm dụng của công quyền, trong khi vẫn tôn trọng những giới hạn của luật tự nhiên cũng như luật Phúc Aâm” (GS 74).

Giả thuyết cho cuộc nổi loạn bạo động lại được thông điệp “Phát Triển các dân tộc” quan tâm trực tiếp. Công cụ nầy cách chung bị từ khước trong thông điệp, vì là nguồn “làm cho thêm bất công, đem đến những chênh lệch và gây thêm tàn phá” (PT 31). Thông điệp tuy nhiên chấp nhận một luật trừ “ngoại trừ trường hợp để đánh đổ một chế độ độc tài rõ rệt và kéo dài đã quá lâu làm thương tổn nặng nề đến những quyền căn bản của con người và nguy hại lớn cho lợi ích Quốc gia”  ( PP 31).

Cần nhấn mạnh ngay là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI giới hạn chặt chẻ luật trừ nầy, Ngài thêm rằng “Người ta đâu có quyền diệt trừ một sự dữ trước mắt bằng một đường lối có thể đem đến một sự dữ tàn khốc hơn” (PP 31).

Theo giáo huấn của thánh Tôma Aquinô, “một chế độ độc tài không có chính nghĩa vì không dẫn đến lợi ích chung (…) Vì vậy, việc lật đổ một chế độ như thế không có tính chất phiến loạn: với điều kiện là việc lật đổ chế độ ấy không gây ra cho dân tộc một nguy hại lớn lao hơn nỗi khổ do chế độ độc tài”.
Văn kiện “Tự do kitô giáo và sự giải phóng”, trước khả năng tàn phá chưa từng có của kỷ thuật chiến tranh trong thời đại tân tiến nầy, đã hạ thấp các giáo huấn trên: “Cuộc tranh đấu chống bất công sẽ vô nghĩa, nếu không có ý hướng tái lập một trật tự xã hội và chính trị mới phù hợp với những đòi hỏi của công bằng. Chính ý hướng nầy phải ghi dấu trên các giai đoạn của việc tái lập. Có một luân lý cho những phương tiện…

Những nguyên tắc nầy phải được tôn trọng đặc biệt trong những trường hợp cực đoan phải dùng vũ khí để đấu tranh mà Huấn Quyền xem như là phương thuốc cuối cùng để chấm dứt “một chế độ độc tài rõ rệt và kéo dài đã quá lâu làm thương tổn nặng nề đến những quyền căn bản của con người và nguy hại lớn cho lợi ích Quốc gia” (PP 31). Tuy nhiên, việc áp dụng cụ thể phương thế nầy có thể chỉ được dùng đến sau khi đã đánh giá tình hình thật là gắt gao. Thực vậy, vì kỷ thuật sử dụng vũ khí phát triển liên lỉ và sự nguy hại khi dùng đến vũ lực gia tăng trầm trọng, cho nên điều ngày nay gọi là “chống đối thụ động” mở ra một con đường thích hợp với những nguyên tắc luân lý và hứa hẹn kết quả không ít” (số 78-79).

Phần trình bày trên kết luận: có thể có một cuộc nổi dậy chính đáng để chống lại chế độ độc tài, nhưng với những giới hạn rất rõ rệt và hạn hẹp được tóm lại như sau:

– “chế độ người ta muốn tạo cuộc chống đối tác động hoặc cuộc nổi dậy đúng nghĩa phải là một chế độ bất công nội tại và đối nghịch với công ích, nghĩa là đã thối nát tận gốc và không còn chính nghĩa nữa.

– “mọi phương thế khác nhằm đến một giải pháp ôn hòa qua hiến pháp phải được thử nghiệm qua;

– “cần thiết phải dự trù trước để dân tộc không vì cuộc nổi dậy mà phải thiệt hại nhiều hơn là tiếp tục trong chế độ độc tài: hy vọng thành công phải có căn bản và tránh thái độ phiêu lưu;

– “kẻ tạo cuộc nổi dậy phải có khả năng hành động hợp pháp nhân danh cộng đồng;

– “nguyên do thúc đẩy cuộc nổi dậy phải là công ích, cho dù là một cách chủ quan”.

Suy tư về những điều kiện trên, cha Bernhard Haering ghi nhận: “Trên thực tế, khi phải giữ tất cả những điều kiện nói trên thì thật là hiếm có một cuộc chống đối tác động. Vì vậy lời người xưa vẫn có giá trị căn bản:

“Hãy chống đỡ ngay từ bước đầu, bằng không sau đó việc chữa trị sẽ mất rất nhiều thời gian”.

“Người kitô hữu phải quan tâm mãnh liệt đến chính trị”.

“Rất thường xảy ra là đứng trước một chế độ độc tài, kitô hữu chỉ còn có một khí giới duy nhất là lòng kiên nhẫn và lời cầu nguyện”.
 
IV. NHIỆM VỤ CỦA QUỐC GIA

Để theo đuổi công ích, mỗi Quốc gia phải chu toàn mọi nhiệm vụ trong sinh hoạt nội bộ cũng như trong liên hệ đối ngoại. Đối ngoại, Quốc gia phải mở rộng tương quan với các Quốc gia khác, cộng tác với các tổ chức quốc tế, dự trù việc tự vệ. Đối nội, nhiệm vụ của Quốc gia thật nhiều và không thể nêu số lượng chính xác. Những nhiệm vụ quan trọng nhất là: hiến pháp và bảo tồn guồng máy pháp lý; việc hành xử công lý; chăm lo cho dân chúng được ấm no hạnh phúc về vật chất, về văn hóa, về tinh thần; bảo tồn gia sản của tập thể gồm môi sinh thiên nhiên và môi sinh nhân bản.

Điều quan trọng căn bản để có một cái nhìn chính xác về nhiệm vụ cụ thể của Quốc gia là phải hiểu một trong những nguyên tắc cột trụ trong Học Thuyết xã hội của Giáo Hội: nguyên tắc phụ túc. Nguyên tắc nầy đã từng được nêu lên trong thông điệp Tân Sự, được nhắc đến và đào sâu trong các thông điệp kế tiếp, và mới đây được trình bày trong thông điệp Bách Chu Niên như sau:

“Một đoàn thể cấp trên không được can thiệp vào sinh hoạt nội bộ của một đoàn thể cấp dưới, bằng cách lấy mất những thẩm quyền của họ; đúng hơn, phải nâng đỡ đoàn thể đó khi cần và giúp đoàn thể đó phối hợp hoạt động của mình với những hoạt động của những thành phần khác tạo nên xã hội, nhằm phục vụ công ích” (CA 48).

Có nghĩa là các cơ chế xã hội không được thay thế cá nhân để tiến hành các hoạt động của họ, nhưng phải nâng đỡ để họ làm. Chẳng những cá nhân mà tất cả mọi nhóm xã hội đều phải được tiến hành các nhiệm vụ của họ một cách độc lập và có trách nhiệm. Những hoạt động nầy phải có tương quan với nhau như những bậc của một cái thang: những cơ chế ở bậc thấp phải được các cơ chế ở bậc cao hơn nâng đỡ.

Như thế sẽ đạt được một xã hội có nhiều nhóm và các nhóm nầy làm gia tăng giá trị và làm cho mọi tầng lớp xã hội được sống động, bắt đầu từ xã hội tự nhiên nhỏ nhất là gia đình để tạo sức sống cho nhiều cơ chế trung gian khác (trường học, đoàn thể, xóm làng, hiệp hội, đảng phái, v.v…). Ở mỗi mức độ tổ chức, mỗi người thi hành vai trò riêng biệt độc đáo (irremplaçable) của mình và được những cơ chế cao hơn trợ giúp.

Tuy nhiên, nguyên tắc phụ túc không bao giờ tách rời một nguyên tắc căn bản khác của Học Thuyết xã hội của Giáo Hội: nguyên tắc liên đới. Thực vậy, nguyên tắc phụ túc đề cao phần đóng góp phong phú của nhiều nhóm, còn nguyên tắc liên đới nhắc nhớ rằng tất cả mọi người đều có cùng một phẩm giá, cùng quyền lợi, cùng bổn phận như nhau, và tất cả liên kết với nhau bằng tình nhân loại chung. Nguyên tắc phụ túc và nguyên tắc liên đới phải luôn luôn đi đôi với nhau và bổ túc cho nhau. Chỉ khi nào hai nguyên tắc nầy hòa hợp bền bỉ với nhau thì xã hội mới đạt được công ích.

Một thí dụ: trong phạm vi kinh tế, nguyên tắc phụ túc thúc đẩy sáng kiến tự do của mọi cá nhân cũng như của mọi nhóm, không để cho nhà nước làm thay cho họ. Cạnh đó, nguyên tắc liên đới thúc đẩy nhà nước can thiệp để tránh tình trạng chủ nghĩa tư bản theo luật rừng, lấy mạnh đàn áp yếu; nguyên tắc liên đới giữ cho các hoạt động kinh tế tiến hành trong một khuôn khổ pháp lý vững chắc, trong đó quyền lợi của kẻ yếu được bảo vệ.

Nhiệm vụ của tất cả các tác nhân xã hội là tạo được một mức độ quân bình, để thường xuyên điều hòa theo những thay đổi đa dạng trong khu vực kinh tế xã hội.

Chia sẻ