Một Cái Nhìn Về Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo
***
***
LỜI NÓI ĐẦU
Giáo huấn xã hội của Giáo Hội giới thiệu quan điểm của Công giáo về con người, về gia đình, các nền văn hóa, cuộc sống xã hội, cơ cấu chính trị, hệ thống kinh tế, vấn đề phát triển, tình liên đới giữa các tầng lớp xã hội cũng như giữa các quốc gia… Nhiều bản văn của hàng Giáo phẩm cho thấy giáo huấn này không thuộc lãnh vực ý thức hệ, mà là một thành phần của thần học, đặc biệt thần học luân lý áp dụng vào lãnh vực xã hội. Vì thế, chúng ta không thể phân tích và lượng giá nó nếu chỉ dựa trên những tiêu chuẩn thuần túy chính trị, xã hội hay kinh tế, mà phải coi nó như một cách thế loan báo Tin Mừng của Giáo Hội Công giáo ở thời hiện đại.
1. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH PHỨC TẠP VÀ PHONG PHÚ
Quyển sách này được trình bày theo cách tiếp cận mới: đặt Giáo huấn xã hội trong toàn bộ giáo huấn của Giáo Hội từ khởi thủy cho đến hiện đại. Đây là một tiến trình phát triển qua nhiều kinh nghiệm sống và nhiều nỗ lực suy tư lâu dài và cẩn trọng, nhưng phát triển liên tục, phù hợp với môi trường xã hội. Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình công nhận Giáo huấn xã hội Công giáo có một quá trình hình thành lâu dài, phức tạp và rất phong phú: “Ngay từ ban đầu, Giáo huấn xã hội không được dự tính như một hệ thống hữu cơ, mà được hình thành theo dòng thời gian, qua nhiều lần can thiệp của Huấn quyền về vấn đề xã hội. Quá trình hình thành này giúp chúng ta hiểu rằng có thể đã có một vài thay đổi liên quan tới bản chất, phương pháp và cơ cấu nhận thức của học thuyết xã hội”[1].
Tiếp nối truyền thống sinh động của Giáo Hội, Đức Giáo chủ Biển Đức XVI tái xác quyết trong thông điệp “Tình yêu trong chân lý” (Caritas in veritate)[2] như sau: “Giáo huấn xã hội của Giáo Hội luôn soi sáng các vấn đề mới mẻ, bằng một ánh sáng bất biến. Điều đó bảo đảm đặc tính vừa bất biến vừa lịch sử của “gia sản” học thuyết, với những điểm đặc thù, thuộc về Truyền thống luôn sống động của Giáo Hội. Giáo huấn xã hội xây dựng trên nền tảng do các Tông đồ chuyển đạt cho các Giáo phụ, rồi được các tiến sỹ hàng đầu của Kitô giáo đón nhận và đào sâu. Giáo huấn này hướng đến Con Người mới, đến “Ađam cuối cùng, thần khí ban sự sống” (1Cr 15,45), nguyên lý của đức mến “không bao giờ mất được” (1Cor 13,8). Giáo huấn này được chứng thực bởi các Thánh nhân và bởi biết bao người đã hiến dâng cuộc đời cho Đức Kitô, Đấng Cứu độ, trong lãnh vực công lý và hòa bình. Giáo huấn này trình bày vai trò ngôn sứ của các Đức Giáo chủ: Hướng dẫn Giáo Hội của Đức Kitô theo cách thức tông đồ và phân biện những yêu sách mới trong công tác loan báo Tin Mừng”[3].
Tuy nhiên, đứng trên phương diện nghiên cứu lịch sử, các chuyên gia về tư tưởng xã hội Công giáo vẫn coi thông điệp “Tân sự” (Rerum novarum), công bố ngày 15-5-1891, là một văn kiện lịch sử, đánh dấu biến cố chính thức khai sinh Giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong tư tưởng xã hội của Kitô giáo. Thật vậy, lần đầu tiên trong lịch sử Kitô giáo, một văn kiện chính thức của Huấn quyền trình bày quan niệm tổng quát của Giáo Hội về vấn đề xã hội và đồng thời đề nghị những nguyên tắc căn bản để hướng dẫn cuộc sống, cũng như để tìm kiếm những giải pháp thích hợp cho các vấn đề xã hội nóng bỏng của thời đại.
Trong lời mở đầu thông điệp “Quan tâm tới vấn đề xã hội”, Đức Gioan Phaolô II cho chúng ta thấy: “Bằng nhiều cách thế khác nhau, Giáo Hội vẫn luôn bày tỏ mối quan tâm của mình đối với vấn đề xã hội, nghĩa là đối với những gì hướng tới sự phát triển đích thực của con người và của xã hội, nhằm tôn trọng và thăng tiến con người trong mọi chiều kích. Một trong những hình thức can thiệp đặc biệt trong thời gian gần đây là bằng Huấn quyền của các Đức Giáo chủ Roma (…). Qua những can thiệp đó, các Đức Giáo chủ đã làm nổi bật những khía cạnh mới mẻ của Giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Như vậy, khởi đi từ sự đóng góp quý giá của Đức Leô XIII, được phong phú hóa bởi các đóng góp kế tiếp của Huấn quyền, đã hình thành một “học thuyết” được canh tân và ăn khớp với nhau theo tiến trình giải thích của Giáo Hội về các biến cố lịch sử, dưới ánh sáng của toàn bộ Lời Chúa được Đức Kitô mạc khải và với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Bằng đường lối này, Giáo Hội tìm cách hướng dẫn con người để họ trả lời cho ơn gọi xây dựng xã hội trần thế như những người có trách nhiệm, dựa vào lý trí và khoa học nhân văn”[4].
2. MỘT CÁCH THẾ SỐNG VÀ LOAN BÁO TIN MỪNG
Khi nghiên cứu nguồn gốc Giáo huấn xã hội của Giáo Hội, chúng ta sẽ thấy giáo huấn này bắt nguồn từ Kinh Thánh, liên hệ mật thiết đến niềm tin và những hình thức sống đạo của các thế hệ Kitô hữu suốt hơn hai ngàn năm lịch sử. Đúng như Giáo chủ Gioan Phaolô II đã xác định một cách sâu sắc, Giáo huấn xã hội của Giáo Hội không phải là một hệ thống chính trị, xã hội hay kinh tế, và chẳng bao giờ nuôi tham vọng trở thành “con đường thứ ba” giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Đúng hơn, nó là một hình thức sống Tin Mừng, một cách thế vận dụng thần học, đặc biệt thần học luân lý, vào các vấn đề đạo đức – xã hội của thời đại. Chính vì vậy, nó bắt nguồn từ Lời Chúa và tiếp nhận nhiều đóng góp quý báu của các thánh Giáo phụ, các thánh Tiến sĩ Hội Thánh, các hàng Giáo phẩm, cũng như của rất nhiều thần học gia và tư tưởng gia Công giáo khác.
Đối với mọi Kitô hữu, Lời Chúa không những là “linh hồn của khoa thần học”, mà còn là tiêu chuẩn và định hướng của tất cả cuộc sống Kitô hữu, cá nhân cũng như tập thể. Dĩ nhiên, Kinh Thánh không phải là một quyển giáo lý xã hội theo nghĩa chặt và không trình bày một hệ thống luân lý chính trị hay một mô hình xã hội rõ rệt. Trong Kinh Thánh, không hề có một luận điểm đồng nhất hay hệ thống hóa về thực tại xã hội, mà chỉ tìm thấy nhiều cái nhìn khác nhau về cùng một thực tại trần thế. Tuy nhiên, toàn bộ Kinh Thánh chứa đựng một số nguyên lý đạo đức và định hướng tinh thần để hướng dẫn sinh hoạt của mọi tín hữu trong xã hội trần thế. Mặt khác, Kinh Thánh cũng chẳng bao giờ xác định cách cụ thể phải tổ chức xã hội như thế nào, nhưng Kinh Thánh cống hiến cho các cộng đồng tín hữu một số tiêu chuẩn và những chân trời lý tưởng để cố gắng bước tới, bất chấp những giới hạn, khiếm khuyết và lầm lỗi tất nhiên của phận người.
Như chúng tôi sẽ trình bày trong các chương kế tiếp, Giáo huấn xã hội của Giáo Hội vừa bắt nguồn từ Kinh Thánh, vừa tích lũy những suy tư và kinh nghiệm của Giáo Hội suốt dọc lịch sử, vừa trung thành với sứ vụ muôn thuở của Kitô giáo, vừa thích nghi và đổi mới không ngừng để trả lời cho những thách đố của mỗi thời đại. Hơn nửa thế kỷ vừa qua, Giáo huấn xã hội của Giáo Hội đã chứng tỏ cho mọi người thấy rằng ước muốn đọc những dấu chỉ thời đại dưới ánh sáng của Tin Mừng và quyết tâm đối thoại với nhân loại hôm nay là một trong những mục tiêu của Giáo Hội trong thời hiện đại[5].
Theo một số chuyên gia, nét độc đáo của Giáo huấn xã hội của Giáo Hội nằm ở tính chất vừa đặc thù, vừa đa dạng và khác biệt, nhưng lại bổ sung và phong phú hóa cho nhau. Hầu như chúng ta luôn luôn bắt gặp hai mặt của cùng một sứ vụ muôn thưở. Đó là trách nhiệm rao giảng Tin Mừng vĩnh hằng cho muôn dân; mặt khác, đòi hỏi phải không ngừng thích nghi và hội nhập sứ điệp Tin Mừng này vào mỗi môi trường văn hóa, điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị của mỗi thời đại. Đây là hai đòi hỏi căn bản, vừa dằng co và đối lập, vừa bổ khuyết và phong phú hóa cho nhau.
Bên cạnh yêu sách thích nghi không ngừng, trong Giáo huấn xã hội của Giáo Hội luôn hiện diện yêu sách trung thành và tiếp nối truyền thống xã hội của Kitô giáo từ buổi ban sơ cho đến thời hiện đại. Đây là những hình thức thể hiện nguyên tắc nền tảng của Tin Mừng về tình yêu phổ quát, phẩm giá con người, huynh đệ đại đồng, thái độ liên đới với những người bị áp bức, hành động bảo vệ người nghèo, can đảm chống lại bất công, tranh đấu cho công ích, dấn thân xây dựng một xã hội hòa bình, công bằng và nhân ái hơn… trong điều kiện chính trị, kinh tế, kỹ thuật luôn biến thiên và khác biệt nhau.
3. PHÂN CHIA QUYỂN SÁCH
Việc nối kết giữa truyền thống với đương đại, nguồn gốc sâu thẳm trong Kinh Thánh với tiến trình hình thành trong lịch sử, nguyên tắc nền tảng với những áp dụng luôn biến thiên theo dòng đời… đã tạo nên nét tiêu biểu và đặc sắc của Giáo huấn xã hội. Để có thể đào sâu và khai triển nét đặc thù này, cũng như tính bền vững và nhất thời của một số quan niệm trong Giáo huấn xã hội của Giáo Hội, chúng tôi chia quyển sách ra ba phần:
Phần thứ I: Trình bày nguồn gốc phát sinh, tiến trình hình thành và khái niệm của Giáo huấn xã hội của Công giáo. Trong phần này, người viết muốn giới thiệu một cái nhìn tổng quát về tư tưởng xã hội của Kitô giáo: khởi đi từ quan điểm của các ngôn sứ trong Cựu Ước, giáo huấn của Đức Kitô, kinh nghiệm sống của cộng đồng Kitô hữu tiên khởi, tiếp đến là quan niệm của các thánh Giáo phụ và các thánh Tiến sĩ, giáo huấn của hàng Giáo phẩm, cho đến những hành động dấn thân vào lãnh vực xã hội của một số Kitô hữu ở cuối thế kỷ XIX và cuối cùng, sự xuất hiện của thông điệp Tân Sự (1891).
Phần thứ II: Giới thiệu những nguyên tắc nền tảng của Giáo huấn xã hội của Giáo Hội: Phẩm giá con người, nguyên tắc bổ trợ, công thiện công ích, chiều kích liên đới, vận mệnh phổ quát của tài sản, ưu tiên chọn lựa người nghèo. Có thể coi đây như những chìa khóa và tiêu chuẩn định hướng của Giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Dựa trên các nguyên tắc này người ta sẽ đánh giá và phê phán các cơ cấu chính trị, tổ chức xã hội, hệ thống kinh tế, đồng thời hướng dẫn dân chúng trong mục đích kiếm tìm những cách thế hữu hiệu để xây dựng một xã hội phát triển, tiến bộ và nhân bản hơn.
Phần thứ III: Trình bày quan điểm của Giáo Hội Công giáo đối với một số vấn đề tiêu biểu và nóng bỏng trong thế giới hôm nay như: văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội, giá trị lao động, toàn cầu hóa, truyền thông xã hội, môi trường, tương quan quốc tế, chiến tranh hòa bình… Trên nguyên tắc, bảng danh sách các đề mục còn nhiều hơn nữa, nhưng vì giới hạn của một quyển sách nên chỉ xin đưa ra một số vấn đề chính thôi.
Vì mang đậm dấu ấn xã hội, Giáo huấn xã hội không phải là một bộ luật chi tiết và cố định về cuộc sống xã hội, mà chỉ là những nguyên tắc định hướng tổng quát, đầy sáng tạo và năng động. Đọc các bản văn từ thông điệp “Tân sự” (1891) của Đức Leô XIII cho đến thông điệp “Tình yêu trong chân lý” (2009) của Đức Biển Đức XVI, chúng ta thấy rõ những cố gắng canh tân liên tục của Giáo Hội để hiểu rõ hơn thực tại xã hội trong tính đa diện và phức tạp của nó. Mặt khác, nó cũng là câu trả lời cho những thách đố mà thời đại đã đặt ra, một cách gay gắt và cấp bách, cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. Chính qua tiến trình canh tân và thích nghi không ngừng này, mà chúng ta gặp thấy một trong những chìa khóa của Giáo huấn xã hội khi đối diện với những biến đổi của thời đại.
Công đồng Vatican II đã diễn tả một cách sâu sắc định hướng mới này qua chủ trương nhận diện các “dấu chỉ thời đại”, để đối thoại và phục vụ nhân loại một cách hữu hiệu hơn. Nhìn từ viễn cảnh đó, Giáo huấn xã hội không phải là một ý thức hệ hay một lý thuyết thuần túy và bất di bất dịch, mà là một thành phần của thần học luân lý, không ngừng đối mặt với những điều kiện lịch sử cụ thể, để khuyến khích việc phát triển con người toàn diện và thực hiện sứ vụ loan báo Tin Mừng trong xã hội hôm nay.
————-
MỤC LỤC
01 – LỜI NÓI ĐẦU
PHẦN MỘT: NGUỒN GỐC & HÌNH THÀNH
02 – SỨ ĐIỆP XÃ HỘI TRONG KINH THÁNH
03 – QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH
04 – NHỮNG BƯỚC ĐẦU CHẬP CHỮNG
05 – KHÁI NIỆM VỀ GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO
PHẦN HAI: NGUYÊN TẮC NỀN TẢNG
06 – PHẨM GIÁ CON NGƯỜI
07 – CÔNG THIỆN, CÔNG ÍCH
08 – NGUYÊN TẮC BỔ TRỢ
09 – CHIỀU KÍCH LIÊN ĐỚI
10 – VẬN MỆNH PHỔ QUÁT CỦA TÀI SẢN
11 – ƯU TIÊN CHỌN LỰA NGƯỜI NGHÈO
PHẦN BA: VẤN ĐỀ TIÊU BIỂU
12 – CHIỀU KÍCH VĂN HÓA
13 – CÔNG BẰNG XÃ HỘI
14 – DẤN THÂN PHỤC VỤ
15 – ĐỜI SỐNG CHÍNH TRỊ
16 – PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
17 – LAO ĐỘNG CỦA CON NGƯỜI
18 – THỊ TRƯỜNG TỰ DO
19 – TOÀN CẦU HÓA
20 – VAI TRÒ CỦA DOANH NHÂN
21 – ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THÔNG
22 – MÔI TRƯỜNG SINH THÁI
23 – CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH
24 – THAY LỜI KẾT
[1] Hội đồng Tòa Thánh về Công lý & Hòa bình, Compendio della dottrina sociale della Chiesa, Lib. Edit. Vaticana, 2004, số 72. Có người đề nghị dịch là “Tổng lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội”. Bản dịch Việt ngữ của Ủy ban Bác ái Xã hội thuộc HĐGM-VN lấy tựa đề “Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công giáo”, NXB Tôn giáo, 2007. Cũng như nhiều bản dịch Việt ngữ về các tài liệu khác, chúng tôi sử dụng bản dịch này với những thay đổi cần thiết dựa trên nguyên bản.
[2] Nếu dịch sát nghĩa phải là “Bác ái trong chân lý” còn “Tình yêu trong chân lý” là một cách dịch nhẹ nhàng và thích hợp hơn cho môi trường Công giáo, cũng như ngoài Công giáo. Chúng tôi theo lối dịch sau cùng này. Ngoài ra, tại Việt Nam, từ Bênêđictô đã được phiên âm Hán Việt thành Biển Đức, thiết tưởng cũng nên sử dụng từ Hán Việt này.
[3] Biển Đức XVI, Tình yêu trong chân lý,(2009), số 12.
[4] Gioan Phaolô II, Quan tam đến vấn đề xã hội, số 1.
[5] Xem Vatican II, Vui mừng và Hy vọng và Thượng Hội đồng Giám mục năm 1985, Bản đúc kết; Hervé Carrier, Học thuyết xã hội Công giáo, bản dịch của Định Hướng, 2000; Alfonso A. Cuadron (dir.), Manual de la doctrina social de la Iglesia, Bac, Madrid, 1993; Hội đồng Giáo hoàng về Công lý & Hòa bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công giáo, NXB, Tôn giáo, Hà Nội, 2007.
Nguồn tin: Học Viện Đaminh