Nhân Phẩm Và Nhân Quyền Trong Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội
Lm. Nguyễn Hồng Giáo, OFM.
Bài viết này Tôi trình bày về đề tài tóm lược về Con người trong Học thuyết Xã hội của Giáo Hội. Tài liệu sử dụng là cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công giáo (viết tắt TL) do Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình soạn thảo và xuất bản năm 2004, bản dịch của Ủy ban Bác ái Xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (2007). Một tài liệu khác là tập The Social Agenda. A collection of Magisterial Texts, cũng do Hội đồng nói trên xuất bản nhân dịp Năm thánh 2000, bản dịch Việt ngữ của Lm Nguyễn Hồng Giáo OFM, mang tựa đề: Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội. Một hợp tuyển những văn kiện của Huấn quyền, Tp HCM, năm 2001. Bài giới thiệu của tôi tương ứng với Mục II của cuốn Agenda social (=AS) nhan đề Con người [AS chia thành Mục thay vì Chuơng], và chương Ba của tập Tóm lược, nhan đề Con người và Nhân quyền. Đây là chương nền tảng, nằm trong phần I của tập sách, còn phần II và III là những phần áp dụng. Gọi là chương nền tảng vì chính cuốn TL khẳng định: “Trong HTXH của mình, GH trước tiên đưa ra một cái nhìn tổng thể về con người và một sự am hiểu trọn vẹn về những chiều hướng cá nhân và xã hội của con người” (số 522).
Chương Ba gồm 4 mục lớn: I/ HTXH và nguyên tắc Nhân vị; II/ Con người như Hình ảnh Thiên Chúa; III/ Những khía cạnh đa dạng của Con người (Tính thống nhất, – Mở ra với siêu việt và độc nhất vô nhị, – Tự do,- Phẩm giá bình đẳng của mọi người, – Bản tính xã hội); IV/ Nhân quyền.
Thay vì lần lượt tóm tắt những điểm trên, tôi sẽ tập trung vào hai mục: Nhân phẩm và Nhân quyền.
***
PHẦN I
NHÂN PHẨM
HTXH của GH gắn liền mật thiết với quan niệm thần học về con người. Trong Thông điệp Phát triển các dân tộc (số 13), Đức Thánh Cha Phaolô VI viết rằng vì muốn giúp cho con người đạt tới sự triển nở sung mãn, nên Giáo Hội đề nghị cho họ “một cái nhìn bao quát về con người và loài người” ( une vision globale de l’homme et de l’humanité). Nhân sinh quan ấy, tuy dựa trên giáo lý đức tin, nhưng không đi ngược với quan niệm triết học nghĩa là tự nhiên về con người, trái lại kiện toàn quan niệm ấy.
1. PHẨM GIÁ “TỰ NHIÊN” CỦA CON NGƯỜI
Phẩm giá tự nhiên, nghĩa là phẩm giá nội tại con người có, duy chỉ vì nó là người, không phải do xã hội hay quyền bính nhân loại nào ban cho. Phẩm giá tự nhiên, do đó, cũng có nghĩa là lý trí con người có thể nhận ra nó.
Con người là một sinh vật trong thiên nhiên và là một phần của thế giới vật chất, nhưng đồng thời lại vượt lên trên nó nhờ trí khôn và tự do. Bằng chứng là con người có khả năng hiểu biết thiên nhiên, và nhờ đó có thể biến đổi thiên nhiên, sử dụng thiên nhiên theo ý mình, nghĩa là làm chủ nó. Triết học từ xa xưa đã định nghĩa con người là con vật có lý trí. Và dân gian cũng nói như thế (chẳng hạn trong chuyện ngụ ngôn thi vị Con cọp và người nông phu). Khi ĐGH Gioan-Phaolô II quả quyết “con người là trung tâm và đỉnh cao của mọi thụ tạo trên trái đất”, thì đó không hẳn là một khẳng định của giáo lý và chắc hẳn bất cứ ai cũng có thể chấp nhận, dù không tin vào một Thiên Chúa tạo thành. Đàng khác, nhờ trí khôn và tự do, con người là động vật duy nhất trên trái đất có một đời sống tinh thần và đặc biệt là đời sống đạo đức, luân lý. “Con người không coi mình chỉ như một mảnh vụn của thiên nhiên hay một yếu tố vô danh trong xã hội loài người” (Vui Mừng và Hy vọng, số 14). Mọi vật có thể được sử dụng như phương tiện cho con người nhưng chính con người thì không là phương diện cho bất cứ vật nào khác. Mỗi người đều có phẩm giá riêng làm cho họ luôn luôn là một giá trị tự nơi bản thân mình và cho bản thân mình; nhờ phẩm giá đó, họ vượt lên trên thế giới vật chất về mặt giá trị. Một trong các châm ngôn của nền đạo đức học của triết gia Emmanuel Kant (1724-1804) là: “Bạn hãy kính trọng nhân tính (con người) như một cứu cánh, không bao giờ đối xử với nó như một phương tiện”. Đó là một nền đạo đức rất cao cả, dựa hoàn toàn trên lý trí hay bản tính nhân loại. Kant đối chọi “phẩm giá” hay “phẩm cách”(dignity) với “trị giá” (price): trị giá là một giá trị mà người ta có thể tìm được cái gì tương đương với nó (ví dụ trị giá của một tác phẩm nghệ thuật), còn phẩm giá là cái làm cho mỗi con người là “độc nhất vô nhị”, không thay thế nổi. Con người chỉ có phẩm giá, không có trị giá. Người ta không được phép nhìn con người theo khía cạnh duy lợi ích; không được dùng con người làm phương tiện để đạt tới điều gì khác, chẳng hạn để mua vui, hay ngay cả để phục vụ công ích xã hội hoặc phục vụ tiến bộ khoa học.
2. PHẨM GIÁ “SIÊU VIỆT”
Những điều nói trên về nhân phẩm theo quan điểm triết học không bị chối bỏ trong cái nhìn của đức tin, trái lại còn được nâng lên tới tột đỉnh, theo nguyên tắc: ân sủng kiện toàn tự nhiên. GHXH khẳng định phẩm giá con người là siêu việt và có giá trị siêu việt vì được đặt cơ sở trên chính mầu nhiệm Tạo thành và mầu nhiệm Cứu chuộc.
2.1. Con nguời nhìn trong trật tự tạo thành
Phẩm giá siêu việt của con người phát xuất trước tiên từ việc con người được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh của Người và giống như Người (x. ST 1,26-28). “Theo thông điệp căn bản của Kinh Thánh (…), hình ảnh Thiên Chúa nơi con người chính là yếu tố định tính và phân biệt con người” (TL, số 108. Giống như yếu tố lý trí là yếu tố phân biệt trong định nghĩa triết học về con người). HTXHGH nhấn mạnh đặc biệt điểm giáo lý này. Bản Tóm lược viết thêm: “Giống (như) Thiên Chúa, điều này chứng tỏ bản chất và hiện hữu của con người có liên quan tới Thiên Chúa một cách hết sức sâu xa. Đây là một mối quan hệ tự thân, vì thế không phải là một cái gì đó đến sau và được thêm vào từ bên ngoài. Toàn thể cuộc sống con người chẳng qua chỉ là một sự tìm kiếmThiên Chúa. Mối quan hệ này của con người có thể không được người ta biết đến, thậm chí bị bỏ quên hay từ chối, nhưng không bao giờ bị loại bỏ hẳn” (số 109). Tất cả sự cao cả của con người nằm chính ở đây. Dù chỉ là sự cao cả “nhận được” nhưng nó không hề bị mất đi dù con người phạm tội, bởi vì con người tự thân là hình ảnh Thiên Chúa.
Nói tóm lại, câu nói: con người là hình ảnh của Thiên Chúa có thể được coi như định nghĩa của Kitô giáo về con người.
Truyền thống thần học thường giải thích thuật ngữ “hình ảnh Thiên Chúa” theo ba nghĩa (x. Homme/Image de Dieu, trong: Dictionnaire de Théologie, Cerf, Paris 1988).
– Một là con người có khả năng đi vào một mối tương quan cá vị với Thiên Chúa, khả năng đối thoại với Người;
– Hai là con người có khả năng tự lập, tự trị (autonomie), tự quyết và một sự tự do đồng sáng tạo (liberté co-créatrice) nào đó với Thiên Chúa;
– Ba là con người có khả năng làm chủ, tức là thống trị và biến đổi vạn vật.
Trong ba nghĩa này thì nghĩa thứ nhất là đặc thù của Kitô giáo, vì như trên kia đã nói, lý trí tự nhiên cũng nhìn nhận khả năng tự lập, sáng tạo và làm chủ của con người, -dĩ nhiên không phải là tuyệt đối. Các thánh Giáo phụ đã gọi khả năng đi vào mối tương quan cá vị với Thiên Chúa là capax Dei (x. TL, số 109). Công đồng Vaticanô II quả quyết: “Con người là tạo vật duy nhất ở trần gian này được Thiên Chúa dựng nên cho chính mình họ (sola creatura quam Deus propter seipsam voluerit)” (x.TL, số 133)
2.2. Con người trong trật tự Cứu chuộc
Phẩm giá con người lại còn “được biểu lộ rạng ngời” trong vận mệnh của nó: con người được gọi “làm con trong Người Con” và “được dành cho sự sống đời đời”.
Đức Kitô, Ađam mới, trong khi mặc khải về Chúa Cha và về tình yêu của Ngài, đã cho con người biết rõ về chính mình và tỏ cho họ biết thiên chức rất cao cả của họ. Mầu nhiệm con người chỉ thực sự sáng tỏ trong mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người (x. TL, 121). Chính trong mầu nhiệm Nhập thể, phẩm giá con người được mặc khải và nâng lên, vì “Đức Kitô, Con Thiên Chúa, qua sự nhập thể của mình đã tự kết hợp chính mình một cách nào đó với mỗi một con người” (TL số 105). “Trong căn bản, mầu nhiệm Đức Kitô và mầu nhiệm con người làm thành một mầu nhiệm duy nhất” (J.Mouroux: Sur la dignité de la personne humaine, trong: L’Eglise dans le monde de ce temps. Tome II, coll. Unam Sanctam 65b, Cerf, Paris 1967, tr.249). “Là ‘hình ảnh của Thiên Chúa vô hình’ (Cl 1,15), chính Người là con người hoàn hảo đã trả lại cho con cháu của Ađam hình ảnh Thiên Chúa đã bị tội nguyên tổ làm sai lệch; bởi vì nơi Người bản tính nhân loại đã được đảm nhận chứ không bị tiêu diệt, do đó nơi chúng ta nữa, bản tính ấy cũng được nâng lên tới một phẩm giá vô song” (Hc Vui mừng và Hy vọng, số 22, x.Tđ Đấng Cứu chuộc loài người, số 13). Nếu tội lỗi có làm tổn thương phẩm giá ấy thì ơn cứu chuộc được thực hiện bằng thập giá đã dứt khoát trả lại nó cho con người.
3. NHẬN ĐỊNH
Trong Giáo huấn của GH về con người, ta có thể thấy ba điểm nhấn sau đây.
3.1– Trước hết, giáo huấn ấy nhắc đi nhắc lại rằng con người có tính siêu việt (transcendence). “Mở ra với siêu việt là một đặc tính thiết yếu của con người: con người mở ra với Đấng vô biên cũng như với mọi thụ tạo”, đó là giải thích của GH (TL, số 130). Một vài triết thuyết cũng nói tới tinh siêu việt của con người, nghĩa là con người luôn vượt qua khỏi chính mình, nhưng các thuyết ấy chỉ nhìn nhận tính siêu việt chiều ngang, và phủ nhận siêu việt chiều dọc (vươn lên với Đấng Tuyệt Đối). Con người bị đóng khung lại trong thế giới vật chất và thời gian lịch sử này. Vì thế các nền Nhân bản dựa trên quan niệm đó (thường gọi là Nhân bản vô thần) không tìm được biện minh tối hậu cho sự cao cả của con người cũng như bất lực trong việc phục vụ thực sự lợi ích của con người, và thậm chí nhiều khi còn xâm phạm phẩm giá con người cách trầm trọng.
3.2– Giáo huấn của GH cũng nhấn mạnh con người toàn diện, tức con người trong mọi chiều kích của nó: thể xác và linh hồn (vật chất và tinh thần), cá nhân và xã hội, tự nhiên và siêu nhiên (“tâm linh”), hoặc nói theo cuốn TL, “ thể xác và linh hồn, với tình cảm và lương tâm, với lý trí và ý chí” (số 13). Một sự phát triển xã hội đích thực không được bỏ quên một khía cạnh thiết yếu nào của con người, và cũng không được đảo lộn trật tự (về giá trị) của các chiều kích đó, chẳng hạn đặt vật chất lên trên tinh thần, gia tăng của cải vật chất mà làm hại cho luân lý, đạo đức. Ngay tục ngữ ta cũng nói: tốt danh hơn lành áo, chết vinh hơn sống nhục…
3.3– Ta cũng nhận thấy GH thường nói tới sự thật toàn vẹn về con người. Sự thật toàn vẹn ấy bao gồm một thực tế thường bị phủ nhận hoặc lờ đi, đó là tội lỗi (x.TL số 115-119). Tội lỗi làm cho con người suy yếu đi và thường xuyên đe dọa mọi công trình của con người. Tội lỗi không nằm trong bản chất con người, nghĩa là không phải thiết yếu đối với con người, nhưng nó được bao hàm trong tự do của nó, và trong thực tế con người tự do đã “sa ngã”. Vì thế tự do cũng phải được giải phóng (x. TL 143).
4. HAI QUAN NIỆM GIẢN LƯỢC VỀ CON NGƯỜI
Tất cả HTXHGH được xây dựng trên cơ sở quan niệm trên đây về con người, và cũng từ quan niệm này, Giáo Hội đánh giá hoặc phê phán các chủ trương chính sách, các tổ chức cơ cấu, các hệ thống xã hội, kinh tế, chính trị cũng như mọi học thuyết có liên quan tới các mặt đó. Quả thế, “trong những hoàn cảnh cụ thể của lịch sử, con người chính là trọng tâm và linh hồn của tư duy xã hội Công giáo. Thật vậy, toàn bộ HTXH Công giáo chẳng qua chỉ là sự khai triển nguyên tắc: con người có phẩm giá bất khả xâm phạm” (TL số 107). Hiến chế Vui mừng và Hy vọng lấy lại tư tưởng của Đức Giáo Hoàng Piô XII (Thông điệp truyền thanh lễ Giáng sinh 24/12/1944): “Cả trong đời sống sống kinh tế – xã hội nữa, phảitôn trọng và thăng tiến phẩm giá cũng như ơn gọi toàn diện của con người và lợi ích của toàn thể xã hội. Vì con người là tác giả, là tâm điểm và cứu cánh của tất cả đời sống kinh tế-xã hội” (số 63).
Ở đây, tôi đề nghị dừng lại ở hai quan niệm lớn đã và đang có ảnh hưởng trên thế giới, đó là chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội.
a. Ngoài định nghĩa đã nêu trên đây về con người (là con vật có lý trí), triết học còn định nghĩa con người là con vật xã hội. Chiều kích xã hội là một chiều kích thiết yếu của con người. HTXHGH cũng khẳng định như vậy, nhưng nhờ đức tin soi sáng, GH có thể đi đến tận nền tảng sâu xa nhất của xã hội tính của con người. GH biết rằng Thiên Chúa không tạo dựng con người như một hữu thể đơn độc, nhưng Ngài muốn tạo con người thành một “hữu thể xã hội”, vì thế “con người chỉ có thể tăng trưởng và thực hiện ơn gọi của mình trong tương quan với kẻ khác” (TL, số 149). Như vậy, không được phép đối chọi con người với xã hội như hai thực thể chống nghịch nhau, hoặc để cho cá nhân mỗi con người tan biến trong tập thể.
Theo Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II,“sai lầm căn bản của chủ nghĩa xã hội là ở quan niệm về con người” khi “coi cá nhân chỉ đơn giản là một nhân tố, một phần tử trong cấu trúc xã hội”, tương tự như một bộ phận trong một guồng máy hay một hệ thống, “đến nỗi điều thiện hảo (bonum) của mỗi người hoàn toàn tùy thuộc vào hoạt động của bộ máy kinh tế và xã hội”, thậm chí “chính điều thiện hảo ấy cũng có thể có được mà không cần đến chọn lựa tự do của cá nhân, không cần quyết định duy nhất, tuyệt đối và có trách nhiệm [của cá nhân] trước điều thiện hay điều ác. Như thế, con người chỉ còn là một tổng hợp [tổng hòa] những tương quan xã hội, và lúc ấy con người không còn được quan niệm như một chủ thể có quyền tự quyết về luân lý.” (Thông điệp Bách chu niên, số 13, x.TL số 125. Có thể xem thêm Thông điệp Spe Salvi của ĐGH Bênêđictô, số 21). Nguyên nhân sâu xa của sai lầm trên là thuyết vô thần. Đức Thánh Cha giải thích: “Việc phủ nhận Thiên Chúa cắt đứt con người khỏi gốc rễ của mình,và vì thế, khuyến khích việc tổ chức lại trật tự xã hội mà không đếm xỉa gì đến phẩm giá và trách nhiệm của ngôi vị” (Bách chu niên, số 13).
b. Sau khi chủ nghĩa xã hội sụp đổ ở Đông Âu, Đức Gioan-Phaolô II cảnh cáo rằng như thế không đương nhiên có nghĩa là các nước đang phát triển chỉ còn chọn lựa duy nhất là chủ nghĩa tư bản. Ngài phân biệt hai cách hiểu tên gọi “CNTB”. Theo cách thứ nhất, “CNTB” chỉ về nền kinh tế thị trường, (cũng có thể gọi là “kinh tế thương mại” hay “kinh tế tự do”), nghĩa là “một hệ thống kinh tế nhìn nhận vai trò căn bản và tích cực của kinh doanh, nhìn nhận thị trường, quyền tư hữu và trách nhiệm về hậu quả đối với các phương tiện sản xuất, cũng như sự sáng tạo tự do của con người trong địa hạt kinh tế”. Hiểu như thế thì, theo ngài, giải pháp CNTB là thích hợp. Còn cách thứ hai hiểu CNTB như “một hệ thống, trong đó tự do kinh tế không hề bị giới hạn trong một khuôn khổ pháp lý vững chắc” –, một khuôn khổ nhằm làm cho tự do kinh tế có thể thực sự phục vụ tự do của con người …TBCN theo nghĩa này thì không thể chấp nhận được (Bách chu niên, số 42, x. TL số 335).
Văn minh Tây phương hiện đại tỏ ra rất đề cao con người, nhưng không phải con người hiểu như ngôi vị mà là con người như cá nhân,- chủ thể của những quyền lợi và bổn phận. Nó có khuynh hướng giới hạn quyền bính của các định chế và truyền thống (gia đình, giáo hội, nhà nước) thường bị coi là “áp bức và ngu dân”, để ưu tiên cho các quyền lợi của cá nhân (chẳng hạn nhìn nhận những cuộc sống chung của hai người đồng phái là hợp pháp như hôn nhân, chỉ vì quyền lợi của những người trong cuộc). Nhưng vì không đề ra được cho các cá nhân một lẽ sống có giá trị, nên lớp trẻ một thời được hưởng thụ mọi tiện nghi của xã hội tiêu thụ, đã quay lại chống chính cái xã hội nuông chiều họ ấy, chống lại mọi biểu tượng của quyền uy (Establishment), đòi bãi bỏ mọi thứ cấm đoán, luật lệ. Dường như họ muốn một sự tự do không hạn chế, dù không biết dùng tự do để làm gì. Phải chăng chủ nghĩa cá nhân của nền văn hóa Tây phương hiện đại là hậu quả kéo dài của chủ nghĩa Tự do (Libéralisme), phát sinh từ phong trào Khai Minh (Enlightenment) của châu Âu thế kỷ XVIII và cuộc đại cách mạng Pháp 1789?
Nền văn minh Tây phương hiện đai nói là đề cao con người, nhưng vì cắt đứt con người khỏi mọi chiều kích siêu việt và những chân lý nền tảng khách quan, nên thực tế nền văn minh ấy lại thường hạ thấp con người, thậm chí chà đạp con người, như lịch sử thế kỷ XX đã cho ta thấy, và như chúng ta vẫn đang thấy diễn ra khắp nơi.
***
PHẦN II
NHÂN QUYỀN
Trong học thuyết xã hội của Giáo Hội, lãnh vực nhân quyền chiếm một vị trí rất quan trọng, có thể nói là trọng tâm, nhất là kể từ thời Đức Thánh Cha Gioan XXIII, đến nỗi đối với nhiều người, tư tưởng và hành động của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II xem ra có thể đồng hoá với việc bảo vệ và thăng tiến nhân quyền, và gần như thu tóm vào trong việc đó (x Roger Etchegaray: Préface cho cuốn Giorgio Filibeck: Les droits de l’homme dans l’enseignement de l’Eglise: De Jean XXIII à Jean-Paul II, Cité du Vatican 1992).
Tuy nhiên ở đây người ta thường gặp hai loại ý kiến phê bình Giáo Hội. Một đàng, không ít người cho rằng GH chỉ mới nói tới nhân quyền gần đây thôi, còn trước kia thì cương quyết bài bác. Theo một cách nhìn khác, có người lại nghĩ rằng GH ngày nay bàn về nhân quyền một cách trệch hướng so với truyền thống. (x. G.Filibeck: Sđd, Note liminaire, tr 9 và Walter Kasper, Nền tảng thần học của nhân quyền, bản dịch Việt ngữ đăng trong Cầu nguyện và Suy tư, 1999, tr.181-182). Vì lý do trên, chúng ta cần nhắc lại vài nét lịch sử liên quan tới vấn đề nhân quyền.
I- MỘT CHÚT LỊCH SỬ
Từ thời Trung cổ Tây phương và cả trước đó, đã có những phác thảo luật pháp về các quyền con người, nhưng phải đợi đến hạ bán thế kỷ XVIII, người ta mới gặp những bản Tuyên ngôn nhân quyền đầy đủ.
Trước hết là bản Tuyên ngôn độc lập của Hiệp Chủng Quốc ngày 4.7.1776, cũng như những bản Tuyên ngôn lập hiến khác về quyền của các tiểu bang thuộc liên bang Hoa-Kỳ (Virginia, Pensylvania, Maryland và Bắc Carolina năm 1776; Vermont năm 1777; Massachusetts năm 1780; New Hamshire năm 1783). Bản Tuyên ngôn long trọng khẳng định: “Chúng tôi coi là hiển nhiên những chân lý sau đây: Mọi người được dựng nên bình đẳng, được Đấng Tạo Hóa ban cho những quyền bất khả nhượng”. Tuyên ngôn nhấn mạnh đến quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.
Tiếp đến là Tuyên ngôn quyền Con người và quyền Công dân (Déclaration des Droits de l’Homme et du Citoyen) của Pháp năm 1789. (x. René Coste, L’Eglise et les Droits de l’homme, Desclée Paris 1982, bản dịch Việt ngữ: Giáo Hội và vấn đề nhân quyền, ronéo, không đề tên dịch giả và năm in, tr. 12). Đây là khúc ngoặt quyết định trong lịch sử nhân quyền, vì tuy chịu ảnh hưởng của bản Tuyên ngôn của Hoa-Kỳ, bản Tuyên ngôn nhân quyền này không dựa trên những xác tín tôn giáo nhưng coi nhân quyền là quyền tự nhiên dựa trên bản tính con người. Bản Tuyên ngôn độc lập của Hiệp chủng quốc ra đời trong phong trào đòi tự do dân chủ do những người châu Âu định cư tại Mỹ khởi xướng chống lại chính quyền thuộc địa Anh, còn Tuyên ngôn nhân quyền của Pháp dựa trên trào lưu triết học duy lý thế kỷ XVII và XVIII, được mệnh danh là Triết học Ánh Sáng (philosophie des Lumières). Mặc dù các nhà cách mạng Pháp chỉ muốn dựa trên lý trí và đã quyết liệt chống lại Giáo Hội nhưng chính “sức năng động đặc thù của Kitô giáo”, đặc biệt là “chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo thời Phục Hưng” đã góp phần sinh ra bản Tuyên ngôn nhân quyền của họ (x.R Coste, sđd tr.13).
Lý tưởng Tự do, Bình đẳng, Huynh đệ mà nó đề ra, rốt cuộc cũng chỉ dành cho một thiểu số trong xã hội là giai cấp tư sản. Thiếu sót lớn của nó là quan niệm con người như một cá nhân đơn độc và do đó trừu tượng, không phải con người mang tính xã hội, con người liên đới với đồng loại, đặc biệt với người nghèo khổ, người bị bỏ rơi. Thực tế, quan niệm đó đã hỗ trợ cho thuyết Tự do kinh tế tức chủ nghĩa Tư bản, dẫn tới sự ra đời của giai cấp công nhân và việc bóc lột khủng khiếp giai cấp này. Nó cũng đã đẩy mạnh sự ra đời của các chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là chủ nghĩa xã hội mệnh danh là khoa học của Marx và Engels, mà về sau sẽ trở thành chủ nghĩa Cộng sản (hay chủ nghĩa xã hội hiện thực).
Bản tuyên ngôn nổi tiếng của thời hiện đại là Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10.12.1948. Tác giả chính của bản văn này là René Cassin, nhà luật học nổi tiếng người Pháp. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, thế giới đã nhất trí với nhau về một tuyên ngôn khẳng định những quyền căn bản của con người, với xác tín rằng: “Việc nhìn nhận phẩm giá của hết mọi người trong gia đình nhân loại và các quyền lợi bình đẳng, bất khả nhượng của con người là nền tảng để có được tự do, công lý và hoà bình trên thế giới” (Tuyên ngôn, Lời mở đầu). Từ Tuyên ngôn 1789 của Pháp đến Tuyên ngôn quốc tế này, đã có một bước tiến lớn trong ý thức về nhân quyền: thay vì chỉ nhấn mạnh tới các quyền tự do cá nhân, người ta đã đề cao thêm các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá. Về sau, ý thức ấy sẽ còn được mở rộng tới quyền tập thể của các dân tộc, chủng tộc, nhóm dân thiểu số v.v. như quyền được phát triển, được chia sẽ của cải, được hưởng hoà bình (x.René Coste, sđd, tr 27 và 32).
Liên Hiệp Quốc còn tiếp tục công việc phát huy nhân quyền bằng nhiều văn kiện quan trọng khác, như: Hiệp ước về qui chế cho người tị nạn (1951), Hiệp ước về quyền chính trị của phụ nữ (1952), Tuyên ngôn về quyền trẻ em (1959), Hiệp ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá (1966). Tuyên ngôn về quyền của người tàn tật (1975).
Xét về mặt pháp lý, Tuyên ngôn quốc tế chỉ là một nghị quyết, không phải một thỏa ước; nó chỉ nêu một “lý tưởng chung cho mọi dân tộc, mọi quốc gia vươn tới” (Lời mở đầu), do đó cũng chỉ mang hình thức một sức mạnh trị tinh thần mà thôi, nhưng trong thực tế ảnh hưởng của nó rất lớn và không ngừng gia tăng.
Bản Tuyên ngôn quốc tế này đã được đại đa số các nước hoan nghênh, nhưng bị nhiều nước Hồi giáo phê bình vì cho rằng bản Tuyên ngôn không tính đến bối cảnh văn hóa và tôn giáo của các nước ngoài châu Âu. Năm 1981, đại diện Iran tại Liên Hiệp Quốc phát biểu: “Tuyên ngôn là một cách hiểu “thế tục” về truyền thống Do-thái và Kitô giáo; người Hồi giáo không thể áp dụng nó mà không vi phạm Luật căn bản (sharia) của mình.” Đối lại bản Tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc, họ cũng đưa ra bản Tuyên ngôn Cairo về nhân quyền trong Hồi giáo, đuợc Tổ chức các nuớc Hồi giáo biểu quyết ủng hộ ngày 30.6.2000. Bản tuyên ngôn này có những điều phù hợp với bản tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc nhưng cũng có những điều bất cập, ví dụ: Không được ép buộc ai thay đổi tôn giáo mình để theo một tôn giáo khác hoặc trở thành vô thần, nhưng cũng không ai được quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng của mình. Nguyên do của những bất cập nói trên là: tất cả mọi quyền lợi và mọi tự do được nêu lên trong bản Tuyên ngôn đều phải lệ thuộc vào luật Hồi giáo Sharia (Luật căn bản). Nói cách khác nền tảng của các bản Tuyên ngôn nhân quyền của Pháp và của Liên Hiệp Quốc là bản tính con người, còn trong Hồi giáo, luật Sharia là nguồn của nhân quyền.
II. GIÁO HỘI VÀ NHÂN QUYỀN
1. Những phản ứng tiêu cực buổi đầu
Trong phong trào đấu tranh cho tự do và nhân quyền trong vài thế kỷ qua, Giáo Hội nói chung đã có một thời gian dài tỏ ra thờ ơ, thậm chí chống đối tiêu cực. Chẳng hạn Đức Giáo Hoàng Piô VI đã kịch liệt chống lại bản Tuyên ngôn quyền Con người và quyền Công dân (1789) trong Tông thư Quod aliquantum (1891), trong đó các loại” tự do mới” bị coi là “nhưng quyền kỳ quái” hoặc “quyền ảo tưởng”. Nhưng bản “cáo trạng” mạnh mẽ nhất, dứt khoát nhất chống lại phong trào nhân quyền cuối thế kỷ XIX hẳn là bản Syllabus kèm theo Thông điệp Quanta cura của ĐGH Piô IX (1864), đó là bảng liệt kê 80 sai lầm của thời đại. Hình như những gì liên quan tới nhân quyền đều gây dị ứng cho GH thế kỷ XVIII và XIX. Ngay cả với bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (1948), GH cũng tỏ ra dè dặt trong một thời gian khá dài.
Thái độ này thật đáng ngạc nhiên, khi mà chúng ta đã có cả một truyền thống Kitô giáo riêng rất cổ kính về các quyền con người. Truyền thống ấy bắt nguồn từ Kinh Thánh, khởi đi từ xác quyết rằng con người là hình ảnh Thiên Chúa. Đây là một xác quyết mang tính cách mạng so với ý thức hệ Đông phương theo đó thì chỉ có nhà vua mới là hình ảnh của Trời. Vì là hình ảnh của Chúa nên mỗi người trong tư cách là người, bất kể thuộc chủng tộc, dân tộc, phái tính hay văn hóa nào, đều có một phẩm giá bất khả xâm phạm. Chưa nói tới Tân Ước, ngay Cựu Ước cũng đã có biết bao qui định và yêu sách về tôn trọng và bảo vệ sự sống, bảo vệ con người, nhất là người nghèo khổ, bé mọn. René Cassin và các môn sinh của ông đã coi bảng Thập giới là “một trong những nền tảng lịch sử chính yếu của bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền”, và một đồ đệ của ông đã nói: “Các lệnh truyền của Thiên Chúa, trong thực tế, trùng hợp với những quyền lợi của con người” (R.Coste, sđd tr.61).
Truyền thống Kinh Thánh trên đã sớm được kết hợp với thuyết cổ truyền về quyền tự nhiên. Thánh Tôma Aquinô đặt phẩm giá con người trên sự kiện là con người là ngôi vị có lý trí, tự do, hiện hữu vì lợi ích riêng của chính mình. Học thuyết này sẽ được nhiều nhà thần học về sau tiếp tục khai triển, như Vitoria, Las Casas, và tạo thành điểm gặp gỡ cho quan niệm Kinh Thánh về nhân quyền với quan niệm tân thời về quyền con người.
Vậy chắc chắn GH không chống lại chính các quyền con người, -GH không thể làm như thế, nhưng có lẽ GH phản đối cách thức người ta trình bày, giải thích các quyền đó, và thường sử dụng chúng để công kích GH trực tiếp hay gián tiếp. Đừng quên bầu không khí thù nghịch, bài Kitô giáo, bài giáo sĩ rất mạnh mẽ phát sinh từ hậu bán thế kỷ XVIII, với phong trào triết học duy lý như đã nói trên, kéo dài mãi qua đầu thế kỷ XX. Dù sao, chắc hẳn phải có những lý do phức tạp và quan trọng nào đó mới giải thích nổi thái độ của GH đối với phong trào nhân quyền trong giai đoạn này.
2. Giáo Hội quyết liệt dấn thân cho nhân quyền
Sự thay đổi thật ra đã bắt đầu với Đức Lêô XIII, người đã có cái nhìn cởi mở đối với thời đại mới, được tiếp nối bởi các Đức Giáo Hoàng Piô XI và Piô XII. Chống lại Đức Quốc Xã, Đức Piô XII viết: “Con người trong tư cách là một ngôi vị, có những quyền nhận được từ Thiên Chúa, và đứng trước một tập thể nào các quyền ấy cũng phải được bảo vệ nguyên vẹn, không được phủ nhận, hủy bỏ hay xao nhãng” (Thông điệp Mit brennender Sorge, trích theo R.Coste, sđd, tr.40). Trong Sứ điệp lễ Giáng sinh năm 1942, ngài khẳng định một lần nữa: “ Mỗi cá nhân đều có quyền đòi hỏi được bảo vệ những quyền lợi riêng của mình; mỗi cá nhân đều có quyền hưởng một khu vực nhất định và riêng biệt gồm những quyền lợi mà không ai được tùy tiện xâm phạm. Đó là những quyền vĩnh viễn chỉ con người mới có, phát sinh từ trật tự pháp lý mà Thiên Chúa đã muốn” (Trích trong Thông điệp Hoà bình trên trái đất, số 2, AS, số 70).
Được mở đường như trên bởi các vị tiền nhiệm của mình, Đức Thánh Cha Gioan XXIII là vị Giáo Hoàng đầu tiên đã chấp nhận một cách chính thức ý tưởng về các quyền con người dựa trên nhân phẩm, và đề cập tới nhân quyền một cách qui mô, chuyên đề trong Thông điệp Hoà bình trên trái đất, năm 1963 (trong Phần I, số 1-24 ). Người ta lưu ý tới hai đặc điểm: Thông điệp lặp lại những điều quan trọng nhất trong Tuyên ngôn quốc tế năm 1948, nhưng khác với bản Tuyên ngôn, bản văn của Đức Gioan XXIII nối liền quyền lợi với nghĩa vụ; đàng khác tuy là một văn kiện tôn giáo, nhưng các quyền con người ở đây lại được đặt chủ yếu trên nền tảng luật tự nhiên mà mọi người công nhận. Cũng trong Thông điệp này, Đức Thánh Cha đánh giá cao bản Tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, coi đó là “một trong những công việc trọng đại nhất” mà tổ chức này đã thực hiện,”một bước tiến dẫn tới sự thành lập một tổ chức pháp lý chính trị trong cộng đồng thế giới” (Phần IV, số 8). Nên biết rằng trước Đức Gioan XXIII, Giáo Hội chưa bao giờ lên tiếng đồng tình. Nhưng sau ngài, có thể nói các vị Giáo Hoàng không ngần ngại ca ngợi cả tổ chức Liên Hiệp Quốc lẫn bản Tuyên ngôn của tổ chức, mỗi khi có dịp. Chính thái độ cởi mở của ngài đối với các khát vọng của thế giới về công lý và hoà bình đã góp phần vào thành công của Thông điệp Hoà bình trên trái đất nơi các chính phủ và tổ chức chính trị ở cả hai phía tư bản và cộng sản thời bấy giờ. Hội đồng châu Âu đánh giá: “Thông điệp (đó) là một bản Hiến chương lớn nữa đến sau những Hiến chương lớn khác của lịch sử … Nó đến nhắc nhở rằng hoà bình chỉ đạt được nhờ tôn trọng vị trí ưu việt của pháp quyền và nhờ bảo vệ và phát triển các quyền của con người” (Theo Gustave Martelet, Les idées maitresses de Vatican II, DDB, Paris 1966, tr.142).
Nối tiếp con đường của Gioan XXIII, Công Đồng Vaticanô II khẳng định vị trí hàng đầu của ngôi vị con người trong giáo huấn xã hội của Giáo Hội, và nhìn nhận rằng ý thức ngày càng mãnh liệt về nhân phẩm và nhân quyền là một tiến bộ của loài người (x. Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 73). “Giáo Hội dựa vào Phúc Âm được ủy thác cho mình, công bố những quyền của con người, nhìn nhận và tôn trọng năng động của thời hiện đại hiện đang cổ võ cho những quyền ấy khắp nơi” (x. Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 41). Nhưng liền theo đó, Công Đồng cảnh báo trước cám dỗ cho rằng “các quyền lợi của con người chỉ được duy trì trọn vẹn khi loại bỏ mọi Lề luật của Thiên Chúa”, mà “thật ra, đi theo con đường này là (…) làm cho phẩm giá con người tiêu tan.” ( Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 41).
Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II còn đi xa hơn các vị tiền nhiệm trong mức độ ngài triển khai một cách có hệ thống tất cả mọi hậu quả của nhân phẩm trên bình diện nhân quyền, đến nỗi người ta đã có thể viết: “Với Đức Gioan-Phaolô II, nhân quyền trở thành bộ khung của giáo huấn xã hội của Giáo Hội” (Michel Schooyans, Centesimus Annus et la “Sève Généreuse” de Rerum Novarum, trong De “Rerum novarum” à “Centesimus annus”, Cité du Vatican 1991, tr.48). Đề tài Nhân quyền được đề cập tới không biết bao nhiêu lần, trong nhiều văn kiện, nhiều dịp, kể cả những chuyến du hành mục vụ của ngài trên thế giới.
Tuyên bố long trọng đầu tiên được đưa ra ngay sau khi ngài lên ngôi, trong Thông điệp Đấng Cứu chuộc loài người, năm 1979, trong đó ngài coi việc tôn trọng nhân quyền là nền tảng cho hoà bình và hoà hợp trong xã hội loài người (số 17). Rồi sau đó liên tiếp trong nhiều Thông điệp, Tông thư hay Tuyên bố, ngài đưa giáo huấn này vào trong lãnh vực học thuyết xã hội. Nhất là ngài không mệt mỏi hành động cho nhân phẩm, nhân quyền, không chỉ ở cấp độ cá nhân mà còn ở cấp độ các quốc gia, dân tộc nữa.
Chúng ta cũng không được quên hoạt động của các tổ chức của Toà thánh, đặc biệt là Hội đồng Toà thánh về Công lý và Hoà bình, của Đại diện của Toà thánh trong nhiều tổ chức quốc tế, cũng như không nên coi nhẹ đóng góp của nhiều Hội đồng Giám mục, tiêu biểu là Hội nghị của các Giám mục Mỹ La-tinh tại Medellin năm 1968 và Puebla năm 1979.
Sự dấn thân nhiều mặt của Giáo Hội chắc chắn đã đóng góp rất đáng kể vào việc thăng tiến nhân quyền, cho dù các hoạt động đó không được mọi người ưa thích.
3. Vài lời dạy về nhân quyền
Sau đây, xin tóm tắt vài lời dạy của Giáo Hội liên quan tới nhân quyền, theo bản Tóm lược (số 152-159) và cuốn Agenda Social (số 66-77).
3.1- Nền tảng
Nhân quyền đặt nền tảng trên phẩm giá của ngôi vị con người và phát sinh trực tiếp và đồng thời từ chính bản tính của họ, do đó trí khôn có thể nhận thức được, còn đức tin thì mang lại cho chúng một nền tảng vững chắc hơn.
3.2- Những đặc tính
Vì nằm ngay trong bản tính con người nên các quyền con người là
– phổ quát, nghĩa là chung cho hết mọi người trong tư cách là người (ai ai cũng có bản tính người như nhau),
– bất khả xâm phạm, không ai được phép xâm phạm vì bất cứ lý do nào,
– và bất khả nhượng, cũng giống như ta không thể nhượng tính người của mình cho ai, và ai cố tước đọat các quyền ấy khỏi người khác là xâm phạm tới bản tính của chính họ.
Giữa con người với nhau luôn luôn tồn tại những khác biệt, đôi khi rất quan trọng, như khả năng thể lý, khả năng trí tuệ, khác nhau về giới tính, chủng tộc v.v., nhưng bản tính và phẩm giá của mọi người là như nhau, vì thế mọi kỳ thị liên quan tới các quyền con người là không thể chấp nhận, và “trái với ý Thiên Chúa.” (Vui mừng và Hy vọng, số 29; AS, số 76). Người ta nói nhân quyền là quyền tự nhiên, quyền do thiên nhiên, chứ không phải do một ai hay một thể chế nào ban phát cho, vì thế “sức mạnh của nó là bất diệt” (TĐ Hòa bình trên trái đất, số 30; AS, số 74). Dĩ nhiên đối với đức tin Kitô giáo, luật tự nhiên cũng do chính Thiên Chúa tạo ra và nền tảng tối hậu của nhân phẩm và của nhân quyền cũng là Thiên Chúa.
– Có thể thêm đặc tính không thể phân chia. Các quyền căn bản của con người liên kết với nhau thành một tổng thể, do đó phải bảo vệ chúng không chỉ một cách riêng lẻ là đủ, nếu bảo vệ một phần các quyền mà thôi sẽ là gián tiếp không nhìn nhận tất cả các quyền con người, vì các quyền đó tương ứng với những đòi hỏi của nhân phẩm.
Tuy nhiên vẫn có thể nói tới một thứ trật tự về giá trị ưu tiên nào đó. Trong danh sách các quyền con người của ĐGH Gioan-Phaolô II lập trong TĐ Bách chu niên (số 47), quyền được sống nằm trên hết, còn quyền tự do tôn giáo “hiểu như quyền được sống trong chân lý của niềm tin của mình và phù hợp với phẩm giá siêu việt của con người, theo một nghĩa nào đó, (là) nguồn mạch và tổng hợp của các quyền” khác (x.TL, số 155).
3.3 – Nhân quyền, xã hội và chính quyền
Cho dù đặc tính xã hội là thiết yếu cho con người, (x. Vui mừng và Hy vọng, số 24-25; AS, số 60) thì vẫn đúng là “các quyền này có trước xã hội và phải được xã hội công nhận” (Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1930; AS, số 71.); chính quyền phải tôn trọng nhân phẩm, do đó tôn trọng nhân quyền, phải đưa ra những khung luật cần thiết để bảo vệ và thăng tiến nhân quyền; nếu chà đạp hoặc phủ nhận các quyền này, chính quyền sẽ mất tính hợp pháp về mặt luân lý, cho dù họ có tìm cách tồn tại dựa vào sức mạnh hay bạo lực. Nền tảng đích thực và bền vững của thể chế dân chủ, chính là ở chỗ biết nhìn nhận rõ rệt các quyền con người (TĐ Bách chu niên, số 47; AS, số 67).
3.4- Quyền lợi và nghĩa vụ
Đã có quyền lợi thì cũng có nghĩa vụ, điều này đúng cả trên bình diện xã hội lẫn bình diện luật tự nhiên. Thí dụ: quyền được sống kèm theo nghĩa vụ phải bảo tồn sự sống, quyền được hưởng một đời sống xứng hợp buộc ta có nghĩa vụ phải ăn ở cho có phẩm cách; quyền được tự do tìm chân lý buộc ta có bổn phận càng phải nhiên cứu và mở mang tầm học tập” (TĐ Hoà bình trên trái đất số 29). “Bởi thế, người nào chỉ biết đòi hỏi quyền lợi mà quên nghĩa vụ của mình hay không chu toàn nghĩa vụ đó, tức là dùng tay này phá hủy công việc tay kia đang xây dựng” (TĐ nói trên, số 30; TL, 156; AS, số 74).
3.5- Quyền của các dân tộc và quốc gia
Phạm vi nhânquyền được mở rộng ra để bao gồm cà quyền lợi của các dân tộc và các quốc gia. “Điều gì đúng với cá nhân thì cũng đúng với các dân tộc”(TL, số 157). “Các quyền của các quốc gia không là gì khác hơn là ‘các quyền con người’ được vun đắp ở cấp đời sống cộng đồng’” (TL, số 157).
3.6- Nhiệm vụ loan báo Tin mừng và Nhân quyền
Sứ mạng loan báo Tin mừng cứu độ của Hội Thánh bao gồm việc thăng tiến và giải phóng con người về mọi mặt để con người được ngày càng sống xứng với nhân phẩm hơn. Vì thế bảo vệ và thăng tiến nhân quyền là một phần của sứ mạng đó.
Ghi chú: Quyền lợi và nghĩa vụ bên trong Giáo Hội
Giáo Hội có nguồn gốc thần linh, đó là nét đặc thù thiết yếu phải trở thành điểm qui chiếu mỗi khi muốn đặt cơ sở cho những qui định và luật lệ của Giáo Hội và áp dụng chúng vào thực tế đời sống của cơ chế Giáo Hội cũng như những mối liên quan giữa các thành viên của Giáo Hội. Vì nguồn gốc của nhân phẩm là Thiên Chúa, Giáo Hội được mời gọi một cách đặc biệt phải nêu cao chứng tá về đức công bằng. Các quyền lợi và nghĩa bên trong Giáo Hội, như được chỉ rõ trong bộ Giáo luật, phải được thực hiện trong một viễn tượng hiệp thông, vượt lên các giới hạn của một chủ nghĩa cá nhân bất kể tới công ích cũng như một tinh thần vụ luật thiếu bác ái.
Có thể coi: Hiến chế Ánh sáng muôn dân, số 31-38; Giáo luật các điều 204-231; Sứ điệp cuối kỳ họp Thượng Hội Đồng Giám mục 1974.
KẾT LUẬN
Trong thời đại chúng ta có nhiều chủ thuyết nhân bản chủ trương loại trừ Thiên Chúa để cho con người được tôn vinh, nhưng thực tế thì sao ? Một khi không còn được nhìn nhận và yêu mến theo phẩm giá là hình ảnh sống động của Thiên Chúa, con người dễ dàng trở thành mồi ngon cho những thế lực khác nhau khai thác, như ý thức hệ, quyền lực kinh tế, chủ nghĩa tiêu thụ, công nghệ tình dục, những hệ thống chính trị phi nhân, sự thống trị của khoa học- kỷ thuật, của các phương tiện truyền thống xã hội v.v. (x. Tông huấn Người Kitô hữu giáo dân, số 5). GH xác tín rằng “không một luật lệ nào của con người có thể bảo đảm phẩm giá và tự do của họ bằng Phúc Âm của Chúa Kitô đươc trao phó cho GH” (Hc Vui mừng và Hy vọng, số 41, AS số 44).
***
PHỤ TRƯƠNG
I. TUYÊN NGÔN QUỐC TẾ VỀ NHÂN QUYỀN
(trích)
Điều 2: Mỗi người có thể đòi cho mình mọi quyền lợi và mọi tự do công bố trong bản Tuyên ngôn này, không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay quan điểm nào khác, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, gia thế hay bất cứ tình trạng nào khác.
Ngoài ra đối với cá nhân không được có sự phân biệt nào dựa trên qui chế chính trị, pháp lý hay quốc tế của một nước hay một lãnh thổ của người đó, bất kể quốc gia hay lãnh thổ ấy độc lập, được bảo trợ hay không độc lập hoặc bị giới hạn về chủ quyền một cách nào đó.
Điều 3: Mọi cá nhân đều có quyền sống, quyền tự do và được an ninh.
Điều 4: Không được bắt ai làm nô lệ hay tôi tớ. Cấm chỉ chế độ nô lệ và đối xử như nô lệ dưới mọi hình thức.
Điều 5: Không được tra tấn ai, bắt chịu những hình phạt hay đối xử tàn bạo, phi nhân và hạ nhân cách.
Điều 6: Mỗi người đều có quyền được nhìn nhận như pháp nhân ở mọi nơi.
Điều 7: Mỗi người đều bình đẳng trước pháp luật và có quyền được pháp luật bảo vệ một cách đồng đều, không phân biệt. Mọi người đều có quyền được bảo vệ đồng đều trước mọi sự kỳ thị, vi phạm bản Tuyên ngôn này và trước mọi sự khiêu khích khiến cho phải bị kỳ thị như thế.
Điều 9: Không ai có thể bị bắt bớ, cầm giữ hay lưu đày một cách tùy tiện.
Điều 12: Không được tự ý can thiệp vào đời tư, gia đình, nhà cửa hay thư từ của bất cứ ai, cũng không được xúc phạm tới danh dự và thanh danh của bất cứ ai. Ai cũng có quyền được luật pháp bảo vệ để chống lại sự can thiệp và xúc phạm đó.
Điều 13:
1.Mọi người đều có quyền đi lại tự do và chọn nơi cư trú trong lãnh thổ một quốc gia.
2. Mọi người đều có quyền rời nước, kể cả quốc gia của mình, và trở về lại
Điều 14: 1. Khi bị truy nã, mọi người đều có quyền đi tìm chỗ trú ẩn và được trú ẩn ở các nước khác.
Nhưng không thể viện tới quyền này khi những cuộc truy nã ấy căn cứ trên tội ác theo luật chung hay dựa trên những hành vi đi ngược lại các mục tiêu và nguyên tắc của LHQ.
Điều 16:
1. Khi đến tuổi kết hôn, nam nữ, không phân biệt chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo, có quyền kết hôn với nhau và xây dựng gia đình. Cả hai đều có quyền ngang hàng nhau về hôn nhân, trong khi còn là vợ chồng và khi đã ly dị.
2. Chỉ được cho kết hôn khi vợ chồng tương lai ưng thuận một cách tự do và đầy đủ.
3. Gia đình là yếu tố tự nhiên và căn bản của xã hội; gia đình có quyền được xã hội và Nhà nước bảo vệ.
Điều 18: Mọi người đều có quyền tự do suy nghĩ, tự do lương tâm và tự do tôn giáo. Quyền này bao hàm quyền tự do thay đổi tôn giáo hay niềm tin, cũng như quyền tự do bày tỏ tôn giáo hay niềm tin của mình, một cách cá nhân hay tập thể, riêng tư hay công khai, bằng sự dạy dỗ, làm các việc đạo, cử hành phụng vụ và các nghi thức.
Điều 19: Mọi cá nhân đều có quyền tự do tư tưởng và phát biểu. Quyền này bao hàm quyền không bị ai quấy nhiễu về những quan điểm của mình và quyền tìm kiếm, thu nhận cũng như phổ biến những thông tin và tư tưởng bằng bất cứ phương tiện nào, bất cứ ranh giới quốc gia.
Điều 23:
1. Mọi người đều có quyền làm việc, quyền tự do chọn việc làm, quyền hưởng những điều kiện công bình và thoả đáng để làm việc, và quyền được bảo vệ để khỏi bị thất nghiệp.
2. Mọi người đều có quyền hưởng một mức lương bằng nhau khi làm cùng một việc.
3. Ai làm việc đều có quyền hưởng một mức lương công bình và thoả đáng, có thể bảo đảm cho bản thân cũng như gia đình mình một cuộc sống phù hợp với nhân phẩm và, nếu có, được hỗ trợ thêm bởi mọi phương thế bảo vệ của xã hội.
4. Mọi người đều có quyền cùng với người khác thành lập những nghiệp đoàn và tham gia các nghiệp đoàn để bảo vệ các quyền lợi của mình.
Điều 26: 1. Mọi người đều có quyền được giáo dục. Sự giáo dục ấy phải miễn phí, ít ra là ở cấp sơ đẳng và căn bản. Buộc mọi người phải được giáo dục cấp sơ đẳng. Phải phổ cập hoá nền giáo dục kỷ thuật và chuyên nghiệp. Phải mở cửa cho mọi người theo đuổi nền giáo dục cao cấp một cách bình đẳng, dựa vào thành tích của mỗi người.
2. Sự giáo dục phải nhắm phát triển trọn vẹn nhân cách của con người, cũng cố thêm việc tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do căn bản. Giáo dục cũng phải tạo tạo điều kiện cho mọi quốc gia, mọi tập thể chủng tộc hay tôn giáo thông cảm, bao dung và thân thiện với nhau, cũng như hỗ trợ cho các hoạt động của LHQ được phát triển để duy trì hoà bình.
3. Cha mẹ có quyền ưu tiên chọn hình thức giáo dục cho con cái mình.
II. TUYÊN BỐ CỦA LHQ VỀ VIỆC LOẠI TRỪ BẤT BAO DUNG
(18-12-1982)
Điều 1:
1. Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo. Quyền này bao gồm tự do theo một tôn giáo hay bất cứ nột niềm tin nào họ chọn lựa, cũng như biểu lộ tôn giáo hay niềm tin của mình cách cá nhân hay tập thể, cả công khai lẫn riêng tư, bằng tế tự và những nghi thức, những thực hành và giảng dạy.
2. Không ai bị bó buộc khiến cho sự tự do theo một tôn giáo hay một niềm tin mà họ chọn lựa có thể bị vi phạm.
3. Quyền biểu lộ tôn giáo hay niềm tin chỉ có thể bị giới hạn bởi luật pháp và trong những trường hợp tiên liệu cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khoẻ hay luân lý hay những tự do về quyền lợi căn bản của kẻ khác.
Điều 3: Sự kỳ thị giữa người với người vì những lý do tôn giáo hay niềm tin là một sự xúc phạm tới phẩm giá con người và phủ nhận Hiến chương LHQ và phải bị kết án như một sự vi phạm các quyền con người và những quyền tự do căn bản được tuyên bố trong Bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền và được trình bày chi tiết trong những công ước quốc tế liên quan đến nhân quyền, và như một trở ngại cho mối quan hệ hữu nghị và hoà bình giữa các dân tộc.
Điều 5:
1.Cha mẹ hoặc, nếu cần, những người giám hộ luật định cho đứa trẻ có quyền tổ chức đời sống trong gia đình phù hợp với tôn giáo hay niềm tin của họ và bằng cách quan tâm đến nền giáo dục đạo đức mà họ nghĩ là đứa trẻ cần phải được dạy dỗ theo đó.
2. Mọi đứa trẻ, trong lãnh vực tôn giáo hay niềm tin, đều được quyền nhận một nền giáo dục phù hợp với ước nguyện của cha mẹ hoặc người giám hộ luật định của chúng, và không thể bị bó buộc nhận một sự đào tạo liên quan tới một tôn giáo hay một niềm tin ngược với nguyện vọng của cha mẹ hay người giám hộ luật định của chúng. Vì lợi ích đứa trẻ là nguyên tắc chỉ đạo.
3. Trẻ em phải được bảo vệ khỏi mọi hình thức kỳ thị căn cứ trên tôn giáo hay niềm tin. Nó phải được giáo dục trong một tinh thần thông cảm (compréhension), khoan dung, hữu nghị giữa các dân tộc, tinh thần hoà bình và huynh đệ đại đồng, tinh thần tôn trọng tự do tôn giáo hay niềm tin của kẻ khác và trong ý thức đầy đủ rằng nó phải dùng năng lực và các tài năng mình phục vụ đồng loại…
4. (…)
5. Những thực hành tôn giáo hoặc niền tin trong đó một đứa bé được giáo dục không được làm hại tới sức khoẻ thể lý hay tinh thần (mental) cũng như sự phát triển đầy đủ của nó…
————————————
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giorgio Filibeck, Les droits de l’ homme dans l’enseignement de l’Eglise: de Jean XXIII à Jean-Paul II. Cité du Vatican, 1992.
2. Conseil Pontifical Justice et Paix, De Rerum novarum à Centesiums annus. Textes intégraux des deux Encycliques avec deux études de Roger Aubert et Michel Schooyan. Cité du Vatican 1991
3. Gustave Martelet. Les idées maitresses de Vatican II, Desclée de Brouwer 1966.
4. René Coste, L’Eglise et les droit de l’homme desclée, Paris 1982 ( Bản dịch Việt ngữ: Giáo Hội và vấn đề nhân quyền, không ghi dịch giả và năm ấn hành).
5. Nhiều tác giả, Dieu au XXe siècle, Sous la direction de Bruno Chenu et Marcel Neusch, Bayard, Paris 2002
6. Vatican II, La liberté religieuse, Collection Unam sanctam 60, Cerf, Paris 1967.
7. Giorgio Filibeck, Les droits de l’ homme dans l’enseignement de l’Eglise: de Jean XXIII à Jean-Paul II. Cité du Vatican, 1992.
8. Conseil Pontifical Justice et Paix, De Rerum novarum à Centesiums annus. Textes intégraux des deux Encycliques avec deux études de Roger Aubert et Michel Schooyan.
Cité du Vatican 1991
9. Gustave Martelet. Les idées maitresses de Vatican II, Desclée de Brouwer 1966.
10. René Coste, L’Eglise et les droit de l’homme desclée, Paris 1982 ( Bản dịch Việt ngữ: Giáo Hội và vấn đề nhân quyền, không ghi dịch giả và năm ấn hành).
11. Nhiều tác giả, Dieu au XXe siècle, Sous la direction de Bruno Chenu et Marcel Neusch, Bayard, Paris 2002
12. Vatican II, La liberté religieuse, Collection Unam sanctam 60, Cerf, Paris 1967.