Nhân Quyền Trong Giáo Huấn Của Đức Giáo Hoàng Benedict XVI
Tác giả: Hồng y Tarcisio Bertone
Chuyển ngữ: Học Viện Đaminh
LTS: Đây là bài thuyết trình của Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, ngày 5 tháng 2 năm 2009, tại Madrid, theo lời mời của Hội đồng Giám mục Tây-ban-nha, nhân kỷ niệm 60 năm bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hợp quốc (10-12-1948). Chúng tôi bỏ qua những lời chào thăm xã giao mở đầu và đi thẳng vào đề.
Sau khi nhắc lại mối thiện cảm của các đức giáo hoàng đối với bản Tuyên ngôn, diễn giả nêu bật vài quan điểm của Giáo hội đối với nhân quyền. Nhân quyền bắt nguồn từ phẩm giá con người, dựa trên luật tự nhiên (ius naturale vừa được hiểu như là « luật thiên nhiên », do Đấng Tạo Hóa thiết lập, vừa được hiểu như « luật tự nhiên » phù hợp với bản tính con người), chứ không do xã hội ban cấp. Vì dựa trên bản tính con người cho nên các quyền lợi con người mang tính phổ quát, bất khả phân chia. Tuy vậy, Tòa thánh nhấn mạnh đến hai quyền căn bản nhất gắn với phẩm giá con người là quyền được sống và quyền tự do tín ngưỡng.
DÀN BÀI
1. Những đóng góp của Kitô giáo và Đạo lý Xã hội của Giáo hội
2. Bản Tuyền ngôn Phổ quát về những quyền lợi con người
3. Luật tự nhiên
4. Phẩm giá con người
5. Tính phổ quát, bất khả phân chia và sự bảo vệ
6. Những quyền lợi được nhìn nhận
7. Quyền sống
8. Gia đình và giáo dục
9. Tự do tôn giáo. Tương quan với cộng đồng chính trị
10. Kết luận
***
Giáo hội luôn luôn coi trọng vấn đề nhân quyền. Lòng khao khát hòa bình, việc mưu cầu công lý, sự tôn trọng phẩm giá con người, sự hợp tác và tương trợ nhân đạo, tất cả đều biểu lộ những khao khát chính đáng của tinh thần nhân loại. Theo nghĩa này, những lời của đức thánh cha Bênêđictô XVI đọc tại Đại Hội Đồng Liên hợp quốc ngày 18 tháng 4 năm ngoái (2008) vẫn còn vang đến chúng ta, khi ngài ghi nhận rằng Bản Tuyên ngôn Nhân quyền “là kết quả của một gặp gỡ giữa nhiều truyền thống tôn giáo và văn hóa, tất cả đều mong muốn đặt con người ở trung tâm của các định chế, pháp luật và hoạt động của xã hội, và coi con người như là thiết yếu đối với thế giới văn hóa, tôn giáo và khoa học.”
I. NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA KITÔ GIÁO VÀ ĐẠO LÝ XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI
Các Nhân quyền nảy sinh từ văn hóa Tây Âu, mang đậm sắc thái Kitô giáo. Đó không phải là chuyện ngẫu nhiên. Kitô giáo kế thừa từ đạo Do thái niềm thâm tín đã được hình thành từ trang đầu Kinh Thánh, đó là con người là hình ảnh Thiên Chúa. Vì thế Giáo hội đã mang lại sự đóng góp của mình vừa bằng sự suy tư về nhân quyền dưới ánh sáng của Lời Chúa và lý trí, vừa bằng sự dấn thân loan báo và tố giác. Giáo hội đã biến thành kẻ bảo vệ phẩm giá và những quyền lợi con người cách kiên quyết, kể cả trong vòng 60 năm sau bản Tuyên ngôn Nhân quyền 1948.
Các giáo hoàng đã nhiều lần bày tỏ lòng khâm phục của Giáo hội Công giáo đối với giá trị cao quý của Tuyên ngôn nhân quyền.
Trong chuyến viếng thăm Liên Hợp quốc ngày 4 tháng 10 năm 1965, đức Phaolô VI, sau khi đã bày tỏ niềm xác tín rằng “LHQ tượng trưng cho con đường bắt buộc của văn minh cận đại và của hòa bình thế giới”, ngài tuyên bố trước mặt các đại biểu của các quốc gia như sau: “Điều mà quý vị công bố ở đây là những quyền lợi và những nghĩa vụ của con người, phẩm giá và tự do của con người, và nhất là tự do tôn giáo.”
Đức Gioan Phaolô II đã lên tiếng hai lần tại Đại Hội Đồng LHQ. Trong lần thứ nhất, ngày 2 tháng 10 năm 1979, về bản Tuyên ngôn nhân quyền, ngài khẳng định rằng văn kiện này là “một cột mốc trong con đường dài và khó của nhân loại.”
Vào dịp viếng thăm lần thứ hai, ngày 5 tháng 10 năm 1995, đức Gioan Phaolô II ghi nhớ rằng “có một số quyền lợi con người mang tính phổ quát, đâm rễ trong bản tính con người. Nơi những quyền này phản ánh những yêu sách khách thể và không thể tách rời của luật luân lý phổ cập. Những quyền này không phải là những lời khẳng định trừu tượng, nhưng chúng nói lên điều quan trọng về cuộc sống cụ thể của từng người và từng nhóm người. Các quyền lợi này cũng nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không sống trong một thế giới phi lý hoặc vô nghĩa; trái lại chúng cho chúng ta biết rằng có một luân lý đạo đức soi sáng cuộc đời và tạo ra một cuộc đối thoại giữa con người với nhau và giữa các dân tộc.”
Đức thánh cha Bênêđictô XVI,[1] ngỏ lời với Đại Hội Đồng LHQ, khi nhắc đến kỷ niệm 60 năm Bản Tuyên ngôn nhân quyền, đã nhìn nhận rằng “công trạng của nó là đã tích tụ những nền văn hóa, pháp chế và chính thể khác vào trong một khối nền tảng các giá trị, và do đó, các quyền lợi”, và nhắc nhớ rằng “các quyền lợi con người càng ngày càng được trình bày như ngôn ngữ chung và cơ sở đạo đức trong bang giao quốc tế. Đồng thời, tính phổ quát, bất khả phân và liên hệ hỗ tương giữa các quyền lợi con người được xem như sự bảo đảm cho nhân phẩm. Tuy nhiên, đã rõ là những quyền lợi được nhìn nhận và công bố trong bản Tuyên ngôn được áp dụng cho mỗi con người do hiệu lực của nguồn gốc chung của nhân vị; nhân vị vẫn luôn là tột đỉnh của kế hoạch tạo dựng của Thiên Chúa dành cho thế giới và lịch sử. Những quyền này dựa trên luật tự nhiên được ghi khắc vào tâm khảm con người và hiện diện trong các nền văn hóa và văn minh khác nhau. Nếu nhổ bứng các quyền lợi con người ra khỏi bối cảnh ấy thì ta sẽ thu hẹp lãnh vực của chúng và nhượng bộ cho một quan điểm tương đối, theo đó ý nghĩa và sự giải thích các quyền lợi con người có thể thay đổi, và phủ nhận tính phổ quát của chúng nhân danh sự khác biệt của các bối cảnh khác biệt về văn hóa, chính trị xã hội và kể cả tôn giáo.”
Hội thánh Công giáo, “nhờ sức mạnh của Tin Mừng đã được ủy thác, công bố các quyền lợi của con người, nhìn nhận và rất trân trọng sự hăng say của thời buổi hiện đại trong việc cổ động nhân quyền khắp nơi.”[2] đã nhìn thấy trong Tuyên ngôn, theo như giáo huấn của các giáo hoàng, một “dấu chỉ thời đại”, và coi nó như là “một bước quan trọng trên con đường tiến đến việc tổ chức pháp lý và chính trị cho cộng đồng thế giới.”[3]
II. BẢN TUYỀN NGÔN PHỔ QUÁT VỀ NHỮNG QUYỀN LỢI CON NGƯỜI
Sau thế chiến thứ hai với những hệ quả tai hại mà mọi người đều biết, những mối lo lắng của thế giới đã ghi một dấu ấn trên lương tâm của các quốc gia và trong lịch sự cận đại. Kết quả của nó là sự thành hình Hiến chương Liên hợp quốc, ngày 5 tháng 8 năm 1945, dựa trên nguyên tắc là cổ vũ và bảo vệ những quyền lợi con người và những tự do căn bản. Ba năm sau, ngày 10 tháng 12 năm 1948, sau nhiều nỗ lực làm việc, phần nào thuận tiện nhờ những hoàn cảnh và đổ nát mà chiến tranh đã gây ra cho châu Âu hồi thế kỷ XX, bản Tuyên ngôn Phổ quát đã được phê chuẩn với sự chấp thuận của đa số 58 quốc gia thành viên lúc ấy.
Bản Tuyên ngôn tượng trưng cho sự phát biểu ra văn tự những nền tảng cho Luật các quốc gia, những luật của nhân loại và những mệnh lệnh của lương tâm công cộng được thích nghi với tinh thần của ngàn năm thứ ba. Các vấn đề không còn nằm trong ranh giới quốc gia nữa, và mong rằng những giải pháp công bằng cũng trở thành quốc tế. Tất cả những điều này giả thiết một sự tiến bộ của nhân loại, và theo nghĩa này, bản Tuyên ngôn trở thành một điểm quy chiếu phổ quát về công bằng ở tầm mức hoàn cầu.
Trong buổi lễ do Hội đồng Giáo hoàng về Công lý Hòa bình tổ chức để kỷ niệm 60 năm bản Tuyên ngôn phổ quát các quyền lợi con người, đức Bênêđictô XVI,[4] sau khi nhắc lại rằng văn kiện này “ngày nay vẫn còn là một điểm quy chiếu tột đỉnh cho việc đối thoại văn hóa về tự do và nhân quyền”, đã nhấn mạnh rằng “nói cho cùng, những quyền lợi con người đặt nền tảng trên Đấng Tạo hóa, Đấnh đã ban cho mỗi người có trí tuệ và tự do. Nếu loại bỏ nền tảng đạo đức chắc chắn này, thì các quyền lợi con người trở nên mỏng manh bởi vì thiếu một nền tảng vững chắc.”
Vì thế, việc cử hành kỷ niệm 60 năm Bản Tuyên ngôn là một cơ hội để kiểm điểm xem các lý tưởng đã được chấp nhận bởi đa số của cộng đồng các quốc gia, ngày nay được tiếp nhận như thế nào trong các pháp chế của các nước, và hơn thế nữa, trong tâm thức của các cá nhân và tập thể.
II. LUẬT TỰ NHIÊN
Khi Huấn quyền Giáo hội đề cập đến nhân quyền thì không bao giờ quên đặt nền tảng của chúng nơi Thiên Chúa, là nguồn mạch và bảo đảm cho tất cả mọi quyền lợi, và cũng không quên cắm rễ chúng ở trong luật tự nhiên. Không bao giờ nguồn mạch của các quyền lợi có thể là sự đồng thanh thỏa thuận giữa con người với nhau, cho dù sự nhất trí đạt đến mức cao mấy đi nữa. Trong Sứ điệp ngày Hòa bình thế giới năm 2007, đức Bênêđictô XVI viết rằng: “Ngày nay việc nhìn nhận và tôn trọng luật tự nhiên vẫn còn là cơ sở cho cuộc đối thoại giữa những tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau, cũng như giữa những người có tín ngưỡng, và kể cả những người vô tín ngưỡng.” Luật tự nhiên thách thức lý trí và sự tự do của chúng ta, bởi vì chính nó là kết quả của chân lý và tự do: chân lý và tự do của Thiên Chúa. Xã hội cần có những quy luật phù hợp với bản tính con người, cũng như cần có những tương quan huynh đệ.
Không thể chấp nhận việc giải thích thực dụng đồng hóa công bằng với hợp pháp, và coi các quyền lợi con người như là kết quả của những biện pháp của luật pháp. Trong buổi lễ được Hội đồng Giáo hoàng về “Công lý và Hòa bình” đã nhắc trên đây, đức Bênêđictô XVI đã nói như vậy và ghi nhận rằng “luật tự nhiên, được Thiên Chúa ghi khắc vào trong lương tâm con người, là một mẫu số chung cho tất cả mọi người và mọi dân tộc; nó là một bản hướng dẫn phổ quát mà mọi người đều có thể nhận biết. Dựa trên nền tảng ấy, tất cả mọi người đều có thể thỏa thuận với nhau.”
IV. PHẨM GIÁ CON NGƯỜI
Công đồng Vaticanô II khẳng định nhiều lần: “Con người thời nay càng ngày càng có ý thức lớn lao về phẩm giá của nhân vị.”[5] Ngày nay, nhân quyền được trình bày như là một con đường dẫn tới phẩm giá con người, và như là kênh đào thiết yếu để cổ võ nhân phẩm trong xã hội và thiết lập công lý hòa bình ở mọi cấp. Phẩm giá con người là viên đá góc của toàn thể lâu đài bản Tuyên ngôn Nhân quyền, được bắt đầu bằng những lời như sau: “Việc nhìn nhận phẩm giá nằm trong tất cả mọi thành phần của gia đình nhân loại, và việc nhìn nhận những quyền lợi bình đẳng và bất khả nhượng cấu thành nền tảng của tự do, công bằng và hòa bình trên thế giới.” Tự do, công bằng và hòa bình là ba giá trị nhân bản cao cả cần phải luôn được duy trì. Trong đoạn Năm của Tự ngôn, người ta viết rằng “Trong Hiến chương, các nhân dân của các quốc gia LHQ đã công bố một lần nữa niềm tin vào những quyền lợi căn bản của con người, vào phẩm giá và giá trị của nhân vị, vào sự bình quyền giữa người nam và người nữa, và đã tuyên bố quyết tâm cỗ vũ sự tiến bộ xã hội và thiết lập những điều kiện sinh sống tốt đẹp hơn trong một nền tự do rộng rãi hơn.”
Giáo hội, tuân theo những chỉ thị của Học thuyết xã hội của mình, được thành hình từ những gì phù hợp với bản tính con người, “cảm thấy mình có bổn phận phải làm thức tỉnh những sức mạnh luân lý và tâm linh trong xã hội, ngõ hầu góp phần vào việc mở ra cho các ý chí đến những yêu sách chính đáng của điều thiện”, đó là lời của đức thánh cha Bênêđictô XVI.
V. TÍNH PHỔ QUÁT, BẤT KHẢ PHÂN CHIA VÀ SỰ BẢO VỆ
Trái với những lời tiên đoán của những kẻ hoài nghi, bản Tuyên ngôn, tuy không có tính cách bắt buộc, nhưng sau đó đã chứng tỏ uy tín tinh thần của nó. Nó trở thành nguồn cảm hứng chính yếu của phong trào cổ võ nhân quyền trong hết mọi quốc gia, và vẫn là điểm quy chiếu quan trọng nhất trong các cuộc tranh luận về nhân quyền ở tầm quốc tế. Tiếp nối tư tưởng của vị tiền nhiệm, Đức Bênêđictô XVI nhấn mạnh đến tính phổ quát của nhân quyền, nghĩa là áp dụng cho hết mọi người dựa trên nguồn gốc là nhân vị. Thực ra, tính cách phổ quát là một hệ quả nằm trong chính quan niệm về nhân quyền : nếu nhân quyền là những quyền lợi được quy gán cho con người xét vì là con người, thì hiển nhiên là phải nhìn nhận cho tất cả những ai hội đủ điều kiện này (x. Tự ngôn bản Tuyên ngôn và các điều 2 và 6). Do đó, việc nhìn nhận tính phổ quát nằm trong cốt lõi của học thuyết về nhân quyền.
Đức thánh cha Bênêđictô XVI nêu bật tính bất khả phân chia như một đặc tính cốt yếu của nhân quyền, cũng ngang hàng với tính phổ quát, và ngài giải thích cách thâm thúy như sau: “Bản Tuyên ngôn đã được phê chuẩn như là một ‘lý tưởng chung’ (Tự ngôn) và không thể nào được áp dụng từng phần, dựa theo những khuynh hướng hoặc những chọn lọc mang theo nguy cơ là phản lại tính duy nhất của nhân vị và do đó, tính bất khả phân chia của những nhân quyền.”[6]
Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến trách nhiệm của Nhà nước: tất cả mọi Nhà nước mang nghĩa vụ ưu tiên là bảo vệ nhân dân khỏi những sự vi phạm nhân quyền. Điều này có nghĩa là Nhà nước có trách nhiệm chủ động trong việc bảo vệ và che chở nhân quyền, đến độ phải coi đây như là sứ mệnh trọng yếu của mình. Và nếu Nhà nước thất bại trong việc thi hành trách nhiệm này, thì cộng đồng quốc tế có bổn phận phải thay thế: “Nếu các quốc gia không đủ khả năng bảo đảm về nhân quyền, thì cộng đồng quốc tế cần can thiệp bằng những phương tiện pháp lý đã được dự liệu bởi hiến chương LHQ và các văn bản quốc tế khác.” Vì thế, “các quyền lợi con người cần được tôn trọng như là sự biểu lộ đức công bình, chứ không chỉ vì ý định của các nhà lập pháp.”
VI. NHỮNG QUYỀN LỢI ĐƯỢC NHÌN NHẬN
Ngày nay, đang có một tiến trình muốn định nghĩa lại các quyền lợi của các cá nhân trong những chủ đề nhạy cảm và cốt yếu, chẳng hạn như gia đình, quyền lợi nhi đồng và phụ nữ, vv. Chúng ta cần nhấn mạnh rằng những quyền lợi con người thì “đứng trên” chính trị cũng như đứng trên Quốc Gia. Các nhân quyền thực sự là siêu quốc gia. Không một nhóm chính trị thiểu số hoặc đa số nào có thể thay đổi những quyền lợi của những kẻ yếu ớt trong xã hội hoặc những quyền lợi gắn liền với nhân vị. Như công đồng Vaticanô II đã dạy: “chân lý không thể được áp đặt bằng cách nào khác là do chính sức mạnh của chính nó.”[7]
Việc che chở pháp lý các nhân quyền phải là một mối ưu tiên cho mỗi Quốc gia. Theo lời của Đức Bênêđictô XVI: “Công lý là đối tượng và tiêu chuẩn của mọi chính trị. Chính trị là cái gì cao hơn là một thứ kỹ thuật điều hành các cơ quan công quyền: nguồn gốc và mục tiêu của chính trị nằm ở công lý, và công lý mang bản chất luân lý.”[8] Đức thánh cha nhắc nhở rằng không thể có một trật tự công bằng trong xã hội hoặc chính trị nếu không tôn trọng công lý, và công lý chỉ có thể đạt được nhờ sự tôn trọng các nhân quyền và phẩm giá của mỗi người, bất cứ ở giai đoạn nào của cuộc đời.
VII. QUYỀN SỐNG
Phẩm giá con người, một chủ đề then chốt của Học thuyết xã hội của Giáo hội, bao hàm việc tôn trọng sự sống từ lúc thụ thai cho đến khi qua đời cách tự nhiên. Người Kitô hữu cần phải yêu mến và ước ao sự sống như là con đường đưa tới Thiên Chúa. Đức Bênêđictô XVI, nhân Ngày Phò sự sống của Hội đồng Giám mục nước Ý,[9] đã nhắc nhở rằng “Sự sống là công trình của Thiên Chúa. Không được phép khước từ sự sống cho bất cứ ai, kể cả người bé bỏng yếu ớt và không được che chở, và nhất là nếu người ấy mang tật nguyền.” Vì thế, chúng ta không thể tự lừa dối chấp nhận được phép quyết định sự sống đến độ hợp pháp hóa việc cắt đứt sự sống, dưới danh nghĩa là trắc ẩn. Vì thế cần phải bảo vệ che chở và trân trọng sự sống với tính cách độc nhất vô nhị của nó.”
Về quyền sống, chúng ta gặp thấy một bối cảnh hoàn toàn khác với thời mà bản Tuyên ngôn nhân quyền được phê chuẩn, đặc biệt do sự phát triển của khoa học và kỹ thuật, với nhiều dụng cụ kỹ thuật để quyết định sự sống và sự chết. Từ đó nảy ra sự cần thiết phải khám phá lại ý nghĩa sung mãn của việc đón tiếp sự sống.
Trong cuộc viếng thăm LHQ[10], đức Bênêđictô XVI đã đề cập đến những tiến bộ khoa học và những giới hạn của nó: “Mặc dù nhân loại đã hưởng rất nhiều phúc lợi do những phát minh khoa học và kỹ thuật, nhưng một vài khía cạnh của việc áp dụng những phát minh đó cho thấy sự vi phạm trật tự tạo dựng, đến độ không những nó đi ngược lại tính cách thánh thiêng của sự sống mà thậm chí chính nhân vị và gia đình cũng bi tước mất căn tính tự nhiên của mình.” Theo chiều hướng ấy, cần phải nhắc nhở các nhà nghiên cứu và các nhà khoa học rằng những biên cương mới của đạo đức sinh học không đòi hỏi sự lựa chọn giữa khoa học và luân lý cho bằng đòi hỏi sự sử dụng khoa học theo luân lý.
Trong một bối cảnh khác, đức thánh cha cũng nhắc nhở rằng “không thể viện dẫn sự tự do để biện minh cho vài sự thái quá có thể dẫn tới một bước thụt lùi trong quan niệm về con người,”[11] cách riêng trong những vấn đề như là sự sống và gia đình. Sau khi đã nhiều lần phản kháng những cuộc tấn công ở khắp nơi chống lại đời sống con người, ngài đã bày tỏ sự xác tín rằng “một nền văn minh sự sống, đặc biệt trong việc bảo vệ sự sống và gia đình, có thể gây ra một sinh lực mới cho cuộc sống cá nhân và xã hội.”
VIII. GIA ĐÌNH VÀ GIÁO DỤC
Gia đình là một định chế cần sự che chở của Quốc gia. Trong nhiều Thỏa ước và Hiệp định quốc tế, người ta đã nhìn nhận quyền của gia đình được che chở bởi xã hội và Quốc gia (Tuyên ngôn, điều 16.3).
“Gia đình được định hình như là tế bào tiên khởi và sinh động của xã hội. Sức khỏe và sức mạnh của xã hội tùy thuộc vào gia đình. Thật là hợp lý khi xã hội là kẻ có quan thiết tiên khởi phải phát triển một nền văn minh lấy gia đình làm nền tảng, coi đó như là con đường chung quan trọng nhất của con người, bởi vì con người ra đời trong khuôn khổ một gia đình, và do đó con người mắc nợ với gia đình về sự hiện hữu của mình.”[12] Không bao giờ được quên rằng gia đình là nguồn mạch phong nhiêu của sự sống, là cơ sở nguyên khởi và không thể thay thế của hạnh phúc cá nhân của vợ chồng, của việc đào tạo con cái và của an sinh xã hội cũng như của sự thinh vượng vật chất của quốc gia.
Giáo hội tuyên bố rằng đời sống gia đình được xây dựng trên hôn nhân của một người nam và một người nữ được kết hợp với nhau bằng một mối dây bất khả phân ly, hôn nhân được ký kết tự do, mở rộng đến sự sống trong tất cả mọi giai đoạn, lừ nơi gặp gỡ giữa các cá thể và nơi tăng trưởng kinh nghiệm khôn ngoan của nhân loại.
Trong gia đình, như đức thánh cha đã khẳng định nhân dịp 20 năm tông thư Mulieris dignitatem,[13] “người nữ và người nam, nhờ hồng ân tình mẫu tử và tình phụ tử, cùng nhau thi hành một vai trò không thể thay thế đối với sự sống. Ngay từ lúc được thụ thai, các con cái có quyền được có một người cha và một người mẹ để chăm sóc và đồng hành trong sự tăng trưởng. Về phần mình, Nhà nước cần ủng hộ bằng những chính sách xã hội cân xứng tất cả những gì cổ võ sự bền vững và hợp nhất của hôn nhân, phẩm giá và giá trị của đôi vợ chồng, quyền lợi và trách nhiệm không thể thay thế của những người giáo dục con cái.” Nhà nước cũng cần phải ban hành những biện pháp pháp luật và hành chánh để nâng đỡ các gia đình trong những quyền lợi bất khả nhượng của họ, cần thiết để chu toàn sứ mạng cao cả của mình.
Liên quan đến sự bình đẳng về phẩm giá và trách nhiệm của người phụ nữ so với người nam, đức thánh cha nhắc nhớ rằng vẫn còn tồn tại não trạng không biết đến sự mới mẻ của Kitô giáo: “Có những nơi hoặc những văn hóa trong đó người nữ bị kỳ thị hoặc khinh rẻ chỉ vì là phụ nữ, những nơi mà người ta sử dụng các luận cứ tôn giáo hoặc áp lực của gia đình, xã hội và văn hóa để bảo vệ sự bất bình đẳng về phái tính, những nơi mà người phụ nữ bị bạo hành, bị đối xử tồi tệ hoặc biến thành đối tượng khai thác cho quảng cáo và kỹ nghệ tiêu thụ và giải trí. Đứng trước những sự kiện trầm trọng và kéo dài như vậy, các Kitô hữu cần dấn thân trở thành những nhà cổ động một nền văn hóa nhìn nhận, trên pháp lý và trong thực tế, phẩm giá của người phụ nữ.”[14]
Gia đình là trường dạy nhân bản và những giá trị hằng cửu, là nơi nguyên thủy của việc giáo dục con người. Theo hướng này, cần phải lưu ý rằng gia đình, và nói cụ thể hơn chính cha mẹ là những người theo luật tự nhiên có trách nhiệm giáo dục, và vì thế cần nhìn nhận quyền của họ được lựa chọn cho con cái nền giáo dục phù hợp với tư tưởng của mình và đặc biệt là phù hợp với niềm tin của mình. Về điểm này, và cụ thể là việc giáo dục tôn giáo tại các học đường, đức Bênêđictô XVI đã nêu bật rằng “bảo đảm việc giáo dục luân lý và tôn giáo của con cái là một quyền lợi bất khả nhượng của cha mẹ.” Việc dạy một tôn giáo tại các trường công lập vẫn phù hợp với nguyên tắc tách biệt chính trị khỏi tôn giáo, bởi vì nó không giả thiết rằng Nhà nước chấp nhận các tín lý và luân lý của môn học. Một cách tương tự như vậy, việc dạy giáo lý không trái ngược với tự do tôn giáo của các học sinh và phụ huynh bởi vì nó là một môn học tự nguyện chứ không cưỡng bách.
IX. TỰ DO TÔN GIÁO – TƯƠNG QUAN VỚI CỘNG ĐỒNG CHÍNH TRỊ
Việc tôn trọng phẩm giá con người bao hàm sự bảo vệ và thăng tiến những quyền lợi con người, và đòi hỏi việc nhìn nhận chiều kích tín ngưỡng của con người. Tự do tín ngưỡng (Tuyên ngôn, điều 18), xét như là quyền lợi tiên khởi và bất khả nhượng của nhân vị, trở thành rường cột và lý hữu cho những thứ tự do khác. Tự do tín ngưỡng không chỉ được hiểu như là tự do thi hành việc thờ phượng hoặc giáo dục theo những giá trị của tôn giáo, nhưng còn bao hàm việc yêu cầu các cơ quan xã hội và dân sự bảo đảm cho các tôn giáo được thi hành sứ mạng của mình. Một cách tương tự như vậy, cần phải quan niệm tự do tín ngưỡng như là điều kiện tiên quyết cho hòa bình. Đó là viên đá góc của tòa nhà nhân quyền, yếu tố cơ bản cho công ích và tình liên đới. Hòa bình được đâm rễ trên sự tự do và chân lý.
Một quốc gia dân chủ không đứng trung lập đối với tự do tín ngưỡng, nhưng cũng tương tự như những quyền tự do chính trị khác, Nhà nước cần nhìn nhận và tạo điều kiện để cho tất cả mọi công dân có thể thực hành quyền tự do tín ngưỡng. Thật vậy, chiếu theo lòng tôn trọng và nâng đỡ quyền tự do tín ngưỡng, Nhà nước cần phải trung lập đối với những lập trường tín ngưỡng khác nhau của các công dân. Áp đặt một niềm tin hoặc một tín ngưỡng tư riêng là bóp méo sự kiện tôn giáo. Và dĩ nhiên, đó là xâm phạm đến quyền lợi của con người được sống những thâm tín tôn giáo theo như mình ước mong hoặc theo tôn giáo đòi hỏi.
Trong buổi tiếp kiến dành cho Hội nghị các luật gia nước Ý lần thứ 56, đức Bênêđictô XVI[15] nhấn mạnh rằng sự độc lập giữa chính trị và tôn giáo không có nghĩa là chống đối mọi hình thức tôn giáo, cách riêng là loại bỏ hết mọi biểu tượng tôn giáo khỏi các thể chế công cộng”, cũng không có nghĩa là không chấp nhận cho cộng đồng Kitô hữu và những người đại diện hợp pháp của họ, quyền lên tiếng đối với các vấn đề luân lý đang thách thức lương tâm của tất cả mọi người, đặc biệt là các nhà lập pháp và các luật gia. Thật vậy, đây không phải là Giáo hội pha mình vào hoạt động lập pháp, vốn là một hoạt động riêng và chuyên hữu của Quốc gia, nhưng là sự khẳng định và bảo vệ những giá trị cao cả mang lại ý nghĩa cho cuộc đời của con người và bảo tồn phẩm giá con người. Những giá trị này là những giá trị nhân bản trước khi là giá trị Kitô giáo, vì thế Giáo hội không thể thờ ơ hoặc thinh lặng, nhưng có bổn phận phải cương quyết công bố sự thật về con người và về định mạng con người.” Chung quy ở chỗ cho thấy rằng nếu không có Thiên Chúa thì con người sẽ diệt vong; cho thấy rằng loại bỏ tôn giáo ra khỏi đời sống xã hội là hủy diệt những nền tảng của cuộc sống chung, bởi vì những nền tảng này thuộc về hệ trật luân lý trước khi thuộc về hệ trật xã hội chính trị.
Giáo hội bày tỏ sự tôn trọng đối với sự tự lập của các thực tại thế trần, nhưng yêu cầu một thái độ tương tự đối với sứ mạng của mình trong thế giới và đối với các hoạt động cá nhân hay cộng đồng của các tín hữu, là những kẻ xây dựng tình liên đới cộng đồng và sự sống chung trật tự. Nhà nước không thể dành quyền, trực tiếp hay gián tiếp, định đoạt trên những xác tín của các công dân, cũng không có quyền áp đặt hoặc ngăn cản sự thực hành công khai tín ngưỡng, nhất là khi mà tự do tín ngưỡng góp phần quyết liệt vào việc huấn luyện những người công dân thực sự tự do.
Như đức Bênêđictô XVI đã nói, “Giáo hội không dành chỗ đứng của Nhà nước, không muốn thay thế Nhà nước. Giáo hội là một xã hội được xây dựng trên các niềm thâm tín, Giáo hội biết rằng mình có trách nhiệm đối với mọi người và không thể chỉ lo riêng cho mình. Giáo hội lên tiếng cách tự do và đối thoại với cũng tinh thần tự do ấy với niềm ước mong đạt đến sự tự do chung. Một sự hợp tác lành mạnh giữa cộng đoàn chính trị với Giáo hội, diễn ra trong ý thức và tôn trọng sự độc lập và tự trị trong lãnh vực riêng của mỗi bên, sẽ đưa đến cuộc phục vụ con người nhắm tới sự phát triển toàn diện về cá nhân và xã hội.”[16]
Tiếc rằng, đức Bênêđictô XVI nói, “quyền tự do tín ngưỡng không được thực thi khắp nơi: đối khi nó bị khước từ vì lý do tôn giáo hoặc ý thức hệ; có khi, dù được nhìn nhận trên lý thuyết, nhưng trên thực tế bị ngăn cản bởi chính quyền, hoặc một cách tinh vi hơn, bởi sự thống trị văn hóa của thuyết bất khả tri và thuyết tương đối.”[17]
Trong diễn văn đọc tại Đại Hội đồng LHQ đã được nhiều lần nhắc đến, Đức thánh cha đã nêu bật rằng “các quyền lợi con người phải bao gồm quyền tự do tín ngưỡng, được hiểu như là sự biểu lộ một chiều kích vừa cá nhân vừa cộng đồng, một cái nhìn bày tỏ sự duy nhất của nhân vị tuy vẫn phân biệt rõ rệt chiều kích cá nhân và chiều kích tín hữu.” “Vì thế không thể nào quan niệm rằng các tín hữu buộc phải khước từ một phần của chính mình – đức tin – để có thể trở thành những công dân tích cực. Không bao giờ được phép chối bỏ Thiên Chúa như điều kiện để được hưởng các quyền lợi công dân.” Đức thánh cha nói tiếp, “không thể nào giới hạn việc bảo đảm tự do tín ngưỡng vào việc tự do thi hành việc phụng tự, nhưng cần phải xét đến chiều kích công cộng của tôn giáo, và do đó, xét đến khả năng đóng góp của các tín đồ vào việc xây dựng trật tự xã hội.”
Theo chiều hướng đó, “Giáo hội không muốn trở thành một chủ thể chính trị, nhưng ước mong rằng với sự độc lập về uy tín luân lý của mình, Giáo hội được hợp tác chân thành và cởi mở với hết mọi người hữu trách trong trật tự trần thế, để cùng đạt đến mục tiêu cao quý là một nền văn minh của công lý, hòa bình, hòa giải, liên đới và những mục tiêu khác mà không thể nào đình chỉ hoặc thả nổi theo sự thỏa thuận của các đảng phái, bởi vì những giá trị này đã được ghi khắc vào tâm khảm con người và đáp ứng với chân lý.”[18] Vì vậy, đức thánh cha nói tiếp, “sự hiện diện của Thiên Chúa trong thâm tâm của mỗi người cũng như trong lãnh vực công cộng là một nền tảng vững chắc cho sự tôn trọng các quyền lợi căn bản của con người và cho sự xây dựng một xã hội đặt nền trên các quyền ấy.” Mục tiêu duy nhất của Giáo hội là phục vụ con người, lấy tiêu chuẩn hành động tối cao nơi những lời nói và gương mẫu của Đức Giêsu Kitô, Đấng “đã trót đời làm điều thiện và chữa lành mọi người” (Cv 10,38).
Để kết luận phần nói về tương quan giữa chính thể dân chủ với tự do tín ngưỡng, cần nói rõ một điều. Người ta thường giải thích nguyên tắc bình đẳng trong các đối xử với các tôn giáo như là sự cư xử đồng đều về phía chính quyền. Đó không phải là một sự giải thích đúng đắn. Thật vậy, nguyên tắc bình đẳng bị vi phạm khi các tình trạng như nhau được giải quyết khác nhau; nhưng nó cũng bị vi phạm khi những tình trạng khác nhau được đối xử như nhau. Do đó về phía luật pháp quốc gia, nguyên tắc bình đẳng đòi hỏi một chế độ pháp lý quy định về các tôn giáo trong sự tôn trọng những đặc trưng của họ, lưu ý đến nguồn gốc văn hóa và lịch sử của mỗi tôn giáo trong xã hội.
X. KẾT LUẬN
Xét theo lịch sử, điểm thành công chính yếu của bản Tuyên ngôn nằm ở chỗ là đã long trọng khẳng định trước toàn thể nhân loại rằng, sau hai thế chiến kinh hoàng, việc mưu cầu hòa bình các dân tộc phải dựa trên sự hợp tác quốc tế và trên sự xây dựng một thế giới huynh đệ hơn trong sự tôn trọng vô điều kiện phẩm giá và những tự do căn bản của nhân vị. Các quyền lợi con người mang tính cách phổ quát, không thể xâm phạm và không thể thay đổi, bởi vì bắt nguồn trực tiếp từ phẩm giá nhân vị, và cần phải được bảo đảm. Nói cho cùng, bản Tuyên ngôn là một bản văn tiêu biểu cho những nền tảng của Pháp lý các quốc gia, các luật lệ của nhân loại, các mệnh lệnh của lương tâm công cộng được thích nghi cho thiên niên kỷ thứ ba.
Dĩ nhiên, một chặng đường dài đã trải qua, nhưng vẫn còn nhiều khúc lớn phải hoàn tất: hằng triệu người anh chị em chúng ta đã sống trong cảnh đe dọa quyền sống, quyền tự do, quyền an ninh; không phải lúc nào cũng được tôn trọng sự bình đẳng giữa mọi người cũng như phẩm giá của mỗi người, đang khi nhiều bức rào được cất lên dựa trên chủng tộc, tôn giáo, các tư tưởng chính trị hoặc những xác tín khác.
Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, cộng đồng nhân loại được kêu mời hãy đi xa hơn công bằng, bằng việc bày tỏ tình liên đới với các dân tộc nghèo hơn, bằng việc quan tâm đến việc phân phối quân bình các tài nguyên, cách riêng vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Kinh nghiệm lịch sử nhân loại, cách riêng là của Kitô giáo, đã đưa chúng ta đến chỗ nhìn nhận như đức Bênêđictô XVI, rằng “tương lai của nhân loại không thể nào chỉ lệ thuộc vào việc dấn thân chính trị,”[19] nhưng là kết quả của việc nhìn nhận phẩm giá của nhân vị, dù nam hay nữ, ngõ hầu tạo ra những điều kiện tương xứng với một cuộc đời thành tựu trong xã hội. Về phần mình, Giáo hội cố gắng hết sức để mang lại sự đóng góp của mình vào sự thịnh vượng chung, lắm khi trong những hoàn cảnh khó khăn. Ước ao lớn nhất của Giáo hội là không ngừng tiếp tục phục vụ con người, phục vụ hết mọi người, không đặt ra sự phân biệt nào hết.
Giáo hội hân hoan vì thế giới ngày nay quan tâm đến việc bảo vệ các quyền lợi con người, những quyền lợi thuộc về mỗi người do phẩm giá tự nhiên kể từ lúc được thụ thai trong lòng mẹ cho đến khi qua đời cách tự nhiên.
Vì thế, cần phải bảo vệ phẩm giá của nhân vị, tranh đấu cho một cái nhìn rộng lớn hơn về các tương quan xã hội, trong đó bao gồm cuộc đối thoại giữa Quốc Gia và Giáo hội, ngõ hầu củng cố sự hợp tác với các định chế dân sự nhắm đến sự phát triển toàn diện con người và quyền tự do tín ngưỡng cho phép Giáo hội tự do thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng và nhắc nhở xã hội và Nhà nước về việc bảo đảm cho các tín hữu có thể sống và thực hành niềm tin. Trong bối cảnh này, trong việc thực thi sứ mạng trong thế giới, Giáo hội yêu cầu được tôn trọng và độc lập cũng như Giáo hội tôn trọng các thực tại trần thế.
Về sự dấn thân của Giáo hội đối với nhân quyền, có thể có một sự hiểu lầm, đó là quan niệm Giáo hội như là một tổ chức từ thiện. Thực ra sự dấn thân của Giáo hội đối với nhân quyền không phải là một dấu hiệu của sự tục hóa. Điều này đã được làm sáng tỏ trong các diễn văn của các giáo hoàng Phaolô VI, Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI tại LHQ mà tôi vừa nhắc đến. Sự dấn thân của Giáo hội đối với nhân quyền có những lý do rõ rệt và gắn liền với sứ mạng của mình. Điều này nằm ở trong mối quan tâm của Giáo hội đối với con người với tất cả các chiều kích của nó. Chúng ta có thể nói rằng động lực cuối cùng và căn bản của việc Giáo hội quan tâm đến các quyền lợi con người thuộc về trật tự luân lý và tôn giáo.
Tôi xin kết thúc bài này với những lời của đức Bênêđictô XVI đọc tại buổi nguyện kinh Truyền tin Chúa Nhật, 07/12/2008: “Đối với các dân tộc đang bị kiệt quệ bởi cảnh lầm than đói kém, đối với những đoàn dân tị nạn, đối với những ai đang chịu đau khổ vì những sự vi phạm trầm trọng đến quyền lợi của mình, Giáo hội đặt mình làm người lính canh trên núi cao của đức tin và loan báo : Đây là Thiên Chúa của các bạn. Này, Ngài đang đến với dũng lực » (Is 40, 11).
* * *
Phụ thêm:
A. Vài văn kiện của Tòa thánh nghiên cứu về nhân quyền
1. Pontifical Commission “Iustitia et Pax”, The Church and Human Rights, Working Paper n.1, First edition 1975, Second edition 2011.
2. International Theological Commission, The Dignity and Rights of the Human Person, 1983.
3. Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình, Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo (2004), số 152-159.
B. Danh mục những quyền lợi của con người trong vài văn kiện của Huấn quyền
Trong bài thuyết trình trên đây, Đức Hồng y Bertone trình bày quan điểm của Giáo hội về nhân quyền nhân kỷ niệm 60 bản Tuyên ngôn của Liên Hợp quốc. Người ta giả thiết rằng Giáo hội mặc nhiên chấp nhận danh mục những quyền lợi được liệt kê trong văn kiện đó. Tuy nhiên, điều thích thú là Giáo huấn Xã hội của Giáo hội cung cấp một danh mục các quyền lợi không giống Tuyên ngôn LHQ. Chúng ta hãy đối chiếu.
1. Bản Tuyên ngôn nhân quyền của LHQ năm 1948 đã liệt kê hai nhóm quyền lợi: a) những quyền tự do cá nhân; b) những quyền chính trị xã hội.
– Những quyền tự do cá nhân là : sinh sống, an ninh bản thân (đ.3), không bị làm tôi mọi (đ.4), không bị hành hạ tra tấn, đối xử trái với nhân đạo (đ.5), không bị giam giữ hay trừng phạt trái phép (đ.9-11), không bị xâm phạm vào đời tư (đ.12), cũng như quyền được kết hôn và lập gia đình(đ.16), quyền tư hữu (đ.17), quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tín ngưỡng (đ.18), quyền tự do có ý kiến và phát biểu (đ.19), quyền hội họp và lập hội (đ.20).
– Những quyền chính trị xã hội, kinh tế và văn hóa (từ đ.21) : tham gia chính quyền, an sinh, làm việc và nghỉ ngơi (đ.23-24), bảo hiểm sức khỏe và tai nạn rủi ro (đ.25), giáo dục và văn hóa (đ.26-27).
2. Các văn kiện của Huấn quyền không lặp lại danh mục những quyền ấy, nhưng trình bày các quyền lợi theo những tiêu chuẩn khác nhau.
a) ĐGH Gioan XXIII, thông điệp Pacem in Terris (số 11-34) đưa ra một danh sách khá dài.
– Nhóm thứ nhất: những quyền lợi liên quan đến sự sống và sống xứng hợp
“Phàm ai cũng có quyền sống, quyền giữ thân thể trọn vẹn, quyền hưởng những phương tiện thiết yếu và vừa đủ cho một đời sống xứng hợp: như của ăn, áo mặc, nhà ở, nghỉ ngơi, thuốc men và những sự giúp đỡ của xã hội. Bởi thế, con người có quyền được bảo đảm về tính mạng, như khi đau yếu,tàn tật, góa bụa, già lão, thất nghiệp, và mỗi khi vì những hoàn cảnh ngoài ý muốn, con người không có những phương tiện sinh sống cần thiết”
– Nhóm thứ hai: quyền hưởng những giá trị luân lý và văn hóa
“Ai cũng có quyền được người khác tôn trọng nhân phẩm, thanh danh, quyền được tự do đi tìm chân lý, và trong phạm vi trật tự luân lý và công ích cho phép, được tự do phát biểu ý kiến, phổ biến tư tưởng, theo đuổi bất cứ nghệ thuật nào, và sau hết, được quyền theo theo dõi những tin tức một cách khách quan.”
“Luật thiên nhiên cũng đòi cho con người được quyền hưởng những đặc ân về văn hóa, do đó được theo học một nền học vấn căn bản, một nền giáo dục chuyên nghiệp cân xứng với trình độ tiến hóa của mỗi dân tộc. Phải tổ chức làm sao, để cho mỗi cá nhân, tùy theo khả năng của họ, có thể bước tới trình độ cao về học vấn, và, trong xã hội, có thể đảm đang những chức vụ, những trách nhiệm thích hợp với tài ba và năng lực của mình”
– Nhóm thứ ba: quyền tôn thờ Thiên Chúa, quyền tự do lương tâm
“Trong các quyền lợi của con người, phải kể cả quyền được tôn thờ Thiên Chúa theo mệnh lệnh của lương tâm, và được tuyên xưng tôn giáo của mình trong đời sống tư nhân, cũng như trong đời sống công khai.”
– Nhóm thứ bốn: tự do chọn một nếp sống
“Bất cứ ai cũng có quyền được tự do chọn một nếp sống riêng. Bởi thế, họ có quyền lập gia đình, trong đó hai vợ chồng đều bình đẳng trong quyền lợi và nghĩa vụ: hoặc người ta có quyền theo ơn kêu gọi làm linh mục hay tu dòng.”
“Gia đình, một khi xây dựng trong một cuộc hôn nhân đã được tự do kết hợp, duy nhất và bất khả phân ly, tất nhiên phải được công nhận là một tiểu tổ đầu tiên và đương nhiên của xã hội. Bởi thế, cần phải chuẩn bị những biện pháp thuộc lãnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, luân lý, cốt để bảo toàn gia đình, và giúp gia đình thực hiện cái sứ mệnh của mình. Cha mẹ là những người đầu tiên có quyền lợi phải bảo đảm việc nuôi nấng và giáo dục con cái.
– Nhóm thứ năm: những quyền lợi kinh tế
“ Nhìn sang lãnh vực kinh tế, luật thiên nhiên còn cho con người không những được quyền đòi có việc làm, mà lại được tự do chọn việc làm. Cùng với quyền lợi trên đây, người ta có cả quyền yêu cầu, trong khi làm việc, được hưởng những điều kiện không làm nguy hại đến sức khoẻ phần xác, không làm tổn thương nền phong hóa, và không ngăn trở sự phát huy những khả năng chính đáng của lớp thanh niên. Về phía nữ giới, họ có quyền đòi những điều kiện làm việc cân xứng với nhu cầu theo giới của mình, và thích hợp với nghĩa vụ người vợ và người mẹ trong gia đình.”
“Vì nhân vị, con người còn quyền được phát triển những hoạt động kinh tế trong những điều kiện thông thường, mà cá nhân lãnh phần trách nhiệm… Theo đó, ta cần phải nói lên rằng: mỗi người thợ có quyền hưởng một số lương thực quy định theo những qui tắc công bình, và tùy theo khả năng của đương sự, để số lương này có thể bảo đảm cho người thợ và gia đình họ một mức sống phù hợp với nhân phẩm.”
“Luật tự nhiên còn cho con người được cả quyền tư hữu, trong ấy gồm cả quyền có phương tiện sản xuất… Đàng khác, cũng nên nhắc lại rằng: Tự bản tính quyền tư hữu bao giờ cũng bao hàm một trách vụ xã hội.”
– Nhóm thứ sáu: Quyền tự do hội họp và lập hội
“Chính vì con người tự bản tính là để sống trong xã hội, cho nên con người có quyền hội họp và lập hội, tức là quyền cho phép các đoàn thể được có những tổ chức thích hợp để dễ đạt tới mục đích, quyền được đứng ra tự nhận lấy một số trách nhiệm ngõ hầu tiến tới những mục tiêu đã định.”
– Nhóm thứ bảy: Quyền di cư và cư trú
“Mọi người đều có quyền được tự do di chuyển và cư ngụ trong cộng đồng chính trị, chỗ mình đang là một công dân; họ cũng có quyền, một khi đầy đủ lý do, được xuất ngoại và cư trú ở ngoại quốc.”
– Nhóm thứ tám: Quyền công dân
“Đi theo phẩm giá con người, còn cả quyền được tham dự một cách tích cực vào đời sống công cộng và góp phần cá nhân vào thiện ích chung… Phẩm giá con người còn có quyền đòi pháp luật bảo vệ những quyền lợi riêng của mình, bảo vệ một cách hữu hiệu, hết mọi người bằng nhau, và chiếu theo những nguyên tắc công bình.”
b) Vaticanô II, Hiến chế Gaudium et spes (số 26) chỉ nhắc đến vài quyền lợi căn bản: Cần phải cung cấp cho con người những điều cần thiết để sống cuộc đời xứng với con người tựa như lương thực, áo quần, nhà ở, quyền được tự do lựa chọn một bậc sống và lập gia đình, quyền giáo dục, quyền lao động, quyền thanh danh, quyền được thông tin cần thiết, quyền được hành động theo mệnh lệnh ngay chính của lương tâm, quyền bảo vệ đời tư, quyền tự do trong lãnh vực tôn giáo.
c) ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus annus số 47, đưa ra danh sách vắn tắt sau đây:
– Quyền sự sống (ngay từ khi được thụ thai trong lòng mẹ);
– Quyền được sống trong một gia đình hợp nhất và trong một môi trường luân lý phù hợp cho sự phát triển nhân cách;
– Quyền được tăng trưởng về trí tuệ và về tự do trong việc tìm kiếm và hiểu biết chân lý;
– Quyền được làm việc để hưởng dụng những tài nguyên của trái đất và kiếm được điều cần thiết để nuôi sống bản thân và người thân thuộc;
– Quyền được lập gia đình, đón nhận và giáo dục con cái;
– Quyền tự do tín ngưỡng.
Cũng nên biết là trong thông điệp Centesimus annus (số 21) cũng như trước đó trong thông điệp Sollicitudo rei socialis (số 32-33), đức thánh cha nói đến bốn thế hệ nhân quyền: những quyền tự do cá nhân; những quyền xã hội; những quyền của các cộng đồng; những quyền của nhân loại.
(Nguồn: http://www.conferenciaepiscopal.es/ Los Derechos Humanos en el magisterio de Benedicto XVI)