Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Chân-Thiện-Mỹ hay Chân-Thiện-Nhẫn?

Văn phòng Học Viện
2025-01-20 10:42 UTC+7 42
Đây là bài chia sẻ của Linh mục Giuse Ngô Sĩ Đình, OP. tại Học viện Thần học Đa Minh trong ngày mừng lễ Thánh sư Tôma Aquinô, Bổn mạng Học viện, và trao bằng tốt nghiệp cử nhân Thần học (STB) cho các sinh viên mãn khóa năm 2024 (18-01-2025).
chanthienmy-1737345094.png

CHÂN THIỆN MỸ

hay

CHÂN THIỆN NHẪN

Lm. Giuse Ngô Sĩ Đình, OP.

Kính thưa quí vị,

1.      Giới thiệu đề tài

Học viện Đa Minh năm nay có nhiều đổi mới, đổi mới từ tên gọi, chương trình học, cho đến thư viện, cơ sở vật chất... Có lẽ với những đổi mới đó, cha Giám đốc muốn thay đổi đôi chút trong nghi thức mừng kính thánh Bổn mạng, và ngài nhờ tôi trình bày một đề tài ngắn về thánh Tôma Aquinô. Nhìn Học viện đang đẹp lên, và trong cái nắng xuân đang về trên đất nước Việt Nam, tôi xin chọn đề tài liên hệ một chút với cái đẹp: so sánh hai hệ tư tưởng về những giá trị cốt lõi hay những thuộc tính căn bản của hữu thể : chân thiện mỹ và chân thiện nhẫn.

Quí vị đã quen với bộ ba Chân Thiện Mỹ, còn Chân Thiện Nhẫn là một sáng kiến mới của Pháp Luân Công. Tuy mới, nhưng cũng được nhiều người theo. Câu hỏi được đặt ra là hai hệ thống giá trị này này có điểm tương đồng nào không? Chân và Thiện thì tương đồng rồi, còn Mỹ tức là cái đẹp và Nhẫn tức là nhẫn nhịn, có giống nhau không? Theo thuật ngữ Kinh viện thì Mỹ và Nhẫn có ‘convertuntur’ không ? Convertuntur có nghĩa là hoán đổi được cho nhau.

Điều đáng lưu ý là trong khi cái thực và cái tốt có vẻ dễ dàng được mọi người chấp nhận, thì số phận của cái đẹp không được xuôi xắn mấy, cũng ba chìm bảy nổi như số phận nàng Kiều bị ‘Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen’!

Trước tiên xin nói qua “Pháp luân công” là ai ? Thưa, đây là một phong trào tôn giáo mới, do Lý Hồng Chí sáng lập ở Trung Quốc vào đầu thập niên 1990. Tự nhận là một môn phái của Phật giáo, có kết hợp các yếu tố của Đạo giáo, nhưng đúng hơn, như tên gọi của phong trào này là Pháp Luân Đại Pháp, đây là một phương pháp tu luyện giúp con người sống đúng với “bản chất thật” của mình, đó là chân, thiện, nhẫn[1].

Bài này không nhằm nghiên cứu hay giới thiệu Pháp Luân Công, càng không bàn đến lập trường chính trị nếu có của phong trào này, nhưng chỉ muốn tìm hiểu và so sánh giữa hai hệ thống giá trị Chân Thiện Mỹ và Chân Thiện Nhẫn.

2.      Trình bày chân thiện mỹ và chân thiện nhẫn

Bộ ba Chân Thiện Mỹ bắt nguồn từ đâu ? Các nhà nghiên cứu chỉ nói rằng đây là những giá trị được các nhà tư tưởng ổn định dần dần qua lịch sử. Trước tiên có thể nhắc tới Platon. Giữa bao giải thích về cái thực tại căn cốt của thế giới này, như nước, lửa, khí… thì Platon đưa ra nguyên tắc hữu thể phải đồng hoá với đơn nhất. Như vậy, cái thuộc tính đầu tiên của hữu thể là đơn nhất. Nối tiếp tư tưởng đó, Aristote cũng xác nhận hữu thể đồng hoá với đơn nhất (tiếng latinh là Unum).

Thế kỷ 10, các triết gia Ba Tư như Avicenne, thêm hai thuộc tính nữa là resaliquid. Tức là hữu thể phải là một chủ thể nào đó (res), bên cạnh những hữu thể khác (aliquid).

Thế kỷ 13, thánh Tôma - có người cho rằng không phải Tôma Aquinô, nhưng là một Tôma khác tên là Tôma Sutton, cũng là một tu sĩ Đa Minh người Anh đồng thời với ngài - trong tác phẩm De Veritate, q1, a1 thêm hai thuộc tính nữa là verum bonum. Chúng ta có bộ 5 thuộc tính của hữu thể là res, unum, aliquid, verum, bonum (lưu ý là chưa có mỹ). Theo thánh Tôma, những thuộc tính này diễn tả cách thức hiện hữu của hữu thể, mà chính khái niệm hữu thể chưa nói lên được (exprimunt modum ipsius entis qui nomine entis non exprimitur)[2].

Res là chủ thể đón nhận sự hiện hữu; Unum là so sánh trong nội tại của chính hữu thể; Aliquid là hữu thể tương quan với hữu thể khác; Verum là hữu thể tương quan với lý trí (sáng tạo và nhận thức);  Bonum là hữu thể tương quan với ý chí.

Tóm lại, trong năm thuộc tính của hữu thể thì thời Cổ đại Hy Lạp khám phá ra Unum; Thời Trung Cổ, các triết gia Ba Tư thêm hai thuộc tính nữa là ResAliquid, còn VerumBonum là của Kinh Viện[3].

Cho tới đây, chúng ta có được năm thuộc tính căn bản hay là năm giá trị cốt lõi của hữu thể. Nhưng cần lưu ý, hai đặc điểm do các triết gia Ba Tư đề nghị là ResAliquid lại không phù hợp với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa đấng đồng nhất giữa yếu tính và hiện hữu, ngài không phải là một Res, tức là một chủ thể đón nhận hiện hữu. Aliquid cũng không phù hợp với Thiên Chúa, vì ngài không phải là một hữu thể trong số các hữu thể, ngoài ngài không có cái gì khác. Như vậy chỉ có ba thuộc tính: Đơn, Chân, Thiện, (Unum-Verum-Bonum), không có mỹ.

Bộ ba này vẫn chưa ổn. Không hiểu sao cái thuộc tính đầu tiên là đơn nhất lại không được lưu ý, mặc dù đây là thuộc tính đã được khám phá từ thời Platon, Aristote. Người Việt Nam chúng ta ai cũng quen với khẩu hiệu “Đơn nhất, đơn nhất, đại đơn nhất, thành công thành công, đại thành công”. Đơn nhất hay đoàn kết đều giống nhau.

3.      So sánh mỹ và nhẫn

Thuộc tính đơn nhất bị loại, lúc này Mỹ mới có cơ hội tham gia. Nhưng xem ra chỉ được thêm vào cho đẹp đội hình chứ bản thân Mỹ cũng bị tranh luận có phải là một thuộc tính của hữu thể hay không. Thực vậy, trong De Veritate, thánh Tôma chỉ nhắc tới những 3 thuộc tính đơn nhất, chân lý và thiện hảo. Cái đẹp hay mỹ chỉ được ngài nói tới trong Bộ Tổng luận Thần học (X. Ia, q5, a4, ad 1) khi bàn về sự thiện. Cái khó là làm sao nói được hữu thể là đẹp ! Kant cũng phủ nhận thuộc tính này khi nói : “Vẻ đẹp không nằm ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà ở trong mắt của kẻ si tình”. Vì thế, ngay cả trong trường phái Tôma cũng có những tranh luận mỹ có phải là một thuộc tính riêng hay chỉ là một kiểu của thiện. Chính thánh Tôma cũng coi mỹ là một kiểu của sự thiện hảo. Nhưng ngài dành cho Mỹ một vị trí đặc biệt xét vì vai trò của nó, Ngài nói cái đẹp với cái thiện là một, chỉ khác nhau ở chỗ cái thiện là cái mà mọi hữu thể đều ưa thích (kể cả các sinh vật khác), còn là cái đẹp không phải mọi hữu thể đều ưa thích mà chỉ có những hữu thể nào có khả năng nối kết giữa nhận thức với ý muốn mới nhận ra[4]. Theo thánh Tôma, chân lý là tương quan giữa sự vật với một lý trí nhận thức, thiện hảo là tương quan với một ý chí thèm muốn. Cả hai cái này xem ra con vật cũng có phần nào, nhưng để nhận ra cái mỹ, thì đòi điều kiện phải biết nối kết giữa chân lý và thiện hảo, có nghĩa là chỉ những hữu thể nào có khả năng nối kết giữa verum và bonum mới có thể nhận ra vẻ đẹp. Vì chỉ con người, vốn được phú ban một chủ thể tinh thần là linh hồn mới có thể có được một hoạt động vượt lên trên cái cụ thể để tiếp cận được cái phổ quát hơn.

Chẳng hạn quả làm bàn của Supachok trong trận chung kết Việt Nam Thái Lan. Nhận định về đường bóng này, huấn luyện viên của đội Thái Lan cho rằng tuyệt đẹp. Ông nhận xét như vậy là đúng nếu chỉ xét riêng đường bóng đó. Nhưng nếu nối kết với sự kiện trước đó khi thủ môn đội Việt Nam đã chủ động ném bóng ra ngoài sân để nhân viên y tế chăm sóc một cầu thủ thì đường bóng của Supachok chẳng đẹp tí nào. Nếu hỏi người hâm mộ đội Thái Lan thì họ cũng cho đường bóng đó là đẹp, vì đem lại cho họ một thành công, thoả mãn khát vọng của họ. Nhưng nếu họ nối kết cái thiện hảo đó với sự thật là trái bóng lúc đó đúng ra phải thuộc về đội Việt Nam chứ không phải đội Thái thì không thể gọi là đẹp được. Chỉ có chân mà không có thiện thì chưa đủ, ngược lại chỉ có thiện mà không có chân thì cũng không trọn vẹn. Phải kết hợp cả hai giá trị đó thì mới nhận ra vẻ đẹp của hữu thể.

Từ đó trở lại với đề tài so sánh mỹ với nhẫn. Theo Pháp Luân Công, Nhẫn là nhẫn nhịn, là đức tính giúp con người nhẫn nại khi gặp phải khó khăn, học viên Pháp Luân Công "không đánh lại khi bị đánh, không nói lại khi bị công kích"[5]. Như vậy cái nhẫn có liên hệ gì với cái đẹp ? Chúng ta cần lưu ý hai hệ thống có hai nền tảng khác nhau. Kinh viện nhấn mạnh chân thiện mỹ là những thuộc tính của hữu thể, trong khi người khác lại coi đây là những đức tính của con người. Theo họ, sự vật không có chân thiện mỹ, mà chỉ có con người mới có khả năng sống chân thiện mỹ. Thứ đến, nhẫn là đức tính liên hệ đến thời gian, mà khái niệm thời gian chỉ phù hợp với con người. Thực vậy, theo thánh Tôma, con người nhận thức thời gian khi họ đếm chuyển động trước và sau, vì nó kết hợp thời gian quá khứ vốn đã không còn nữa và thời gian tương lai vốn chưa đến. Vì vậy, nếu không có linh hồn, thời gian không tồn tại[6]. Cái đẹp là một thuộc tính của hữu thể mà chỉ có con người mới có khả năng nhận ra, vì con người có khả năng nối kết những sự kiện riêng lẻ để có một cái nhìn trọn vẹn và phổ quát hơn. Cũng vì vậy, mà có thể nói rằng đức tính nhẫn là riêng của con người xét như một hữu thể có nhận thức về thời gian. Theo quan điểm đó, có thể nói rằng mỹ và nhẫn có nét tương đồng vì đều là nhận thức riêng của con người.

4.      Kết luận

Tóm lại chân thiện mỹ và chân thiện nhẫn cũng có những điểm tương đồng nhưng sự khác biệt là khá lớn. Để kết, chúng tôi xin nêu lại hai nhận định và một mong ước.

1.      Nếu không coi Chân thiện mỹ là những thuộc tính của hữu thể mà chỉ là những đức tính của con người thì sẽ không xác định được bản chất của những đức tính này. Mỗi người quan niệm chân thiện mỹ một cách khác nhau.

2.      Có thể nói mỹ và nhẫn convertuntur hoán chuyển được với nhau, vì chỉ có con người mới nhận thức được hai giá trị này. Nhưng mỹ và nhẫn không thể hoán chuyển vì sự vật có mỹ chứ không có nhẫn hay không có đức tính nhẫn nhịn như chủ trương của Pháp Luân Công.

 

Cuối cùng xin đưa ra một gợi ý. Xem ra số phận của Mỹ dễ có nguy cơ bị khai trừ vì tính đặc thù của nó, nên nhân ngày lễ kính thánh Tôma, chúng tôi mong ước giả như có một tổ chức nào đó nghiên cứu bộ ba chân thiện mỹ đầy đủ hơn và đề nghị Unesco nhìn nhận đây là những di sản phi vật thể của thế giới. Ước mong thay !

 

Xin chân thành cám ơn quí vị.



[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%C3%A1p_Lu%C3%A2n_C%C3%B4ng

[2] De veritate, Ibid.

[3] https://www.larousse.fr/encyclopedie/philosophie/transcendantaux/192287

[4] X. I-II, q.27, a.1, ad 3.

[5] https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%C3%A1p_Lu%C3%A2n_C%C3%B4ng

[6] X. Philippe-Marie Margelidon, Yves Floucat, Dictionnaire de philosophie et de théologie Thomistes, mục từ Temps.

Chia sẻ