Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Dẫn Nhập Vắn Tắt Thần Học Thánh Thomas d’Aquin

Administrator
2018-09-23 10:23 UTC+7 31
Tác giả: Herbert McCabe, O.P. Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Tất Tung, O.P.   I. VỀ MẠC KHẢI Một người bạn của tôi kể rằng có lần, trong tiệm cao lâu, anh thoáng nghe được một người hầu bàn nói với một người hầu bàn khác rằng: “Ông ta đang bị ăn”. Khi bạn nghe […]


Tác giả: Herbert McCabe, O.P.

Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Tất Tung, O.P.

 

I. VỀ MẠC KHẢI

Một người bạn của tôi kể rằng có lần, trong tiệm cao lâu, anh thoáng nghe được một người hầu bàn nói với một người hầu bàn khác rằng: “Ông ta đang bị ăn”. Khi bạn nghe lõm bõm được mỗi một câu trong cuộc đàm thoại như thế, ắt bạn sẽ bối rối vì không biết bối cảnh của câu nói đó là gì. Những gì tôi trình bày tiếp theo đây cũng có phần giông giống như thế. Chúng ta đang nghe những câu được câu chăng của cuộc nói chuyện, và tôi sẽ cố đưa nó vào trong một văn mạch cho có thứ tự đầu đuôi.

Hãy tưởng tượng bạn đang đi qua một cái cửa sổ mở của một phòng học trong Đại Học Paris vào một mùa thu thế kỷ thứ mười ba. Phòng chật ních những con người trẻ tuổi. Họ là giáo sư hoặc là những người giảng thuyết (hoặc là cả hai), và vị đang thuyết giảng của họ là một tu sĩ Đaminh tên là Thomas d’Aquin, đang khởi sự loạt các bài giảng bằng cách kể cho họ nghe rằng nếu họ đang dạy hay đang giảng thuyết thì chính bản thân họ trước hết phải được Thiên Chúa dạy đã.

Thiên Chúa đã nhằm cho chúng ta đi tới một mục đích vượt quá tầm nắm bắt của lý trí – không có con mắt nào đã nhìn thấy điều Ngài đã chuẩn bị cho những người yêu mến Ngài – và vì chúng ta phải đặt chính bản thân chúng ta vào mục đích này và theo đuổi, nên chúng ta cần học biết về nó trước đã. Chúng ta còn cần giáo huấn đã được mặc khải trong những điều lý trí có thể học biết về Thiên Chúa. Nếu những chân lý như thế đã được để lại cho chúng ta để chúng ta khám phá, chúng ta sẽ phải được học từng chút một suốt những giai đoạn dài và sẽ pha lẫn với nhiều sai lầm; nhưng toàn thể hạnh phúc của chúng ta được tập trung vào Thiên Chúa và phụ thuộc vào việc biết những chân lý ấy. Cho nên, nhằm để cho càng nhiều người trong chúng ta có thể đạt tới Người an toàn hơn, chúng ta cần học biết những điều chính Thiên Chúa đã mặc khải.[1]

Vị Thánh quê thành Aquin bàn về thần học như là một vấn đề thực hành. Thánh Nhân không chủ tâm trình bày đầu đuôi những lý thuyết về các thiên thần và về những điểm then chốt. Vấn đề người quan tâm là hạnh phúc của con người. Đằng sau những gì Thánh Nhân nói là hình ảnh của một đoàn người đang tiến đến một nơi chốn: chúng ta có một “mục đích”, và nhiệm mầu hơn nữa, một mục đích “vượt quá tầm nắm bắt của lý trí”. Thánh Nhân cho rằng hạnh phúc của con người là một thứ hành trình, nhưng là một cuộc hành trình đi vào trong điều chúng ta không biết, hướng tới một điểm đến chúng ta chỉ nhận thức lờ mờ nhờ đức tin. Viết đến đây, tôi lại liên tưởng đến một câu chuyện dân gian thời Trung cổ kể về một chàng thanh niên đi tìm vận may. Tôi hay nghĩ rằng chàng đi tìm một vận may, tức là một kho tàng đầy tiền vàng, nhưng không phải như thế, anh chàng đi tìm fortuna, tức hạnh phúc của anh.

Đối với vị Thánh quê thành Aquin, mục đích một phần nào đang ở với chúng ta trong chính cuộc hành trình này rồi. Theo Thánh Nhân, thế giới này là tốt đẹp – nhưng không tốt đủ. Theo Thánh Nhân, không có sự dữ trong công trình sáng tạo vật chất này. Mọi cái đang hiện hữu đều là tốt. Mỗi hiện hữu đều có Thiên Chúa ở trong mình để gìn giữ mình trong hiện hữu. Chỉ có những điều tốt này to lớn hơn những điều tốt kia thôi. Sự dữ đi vào khi chúng ta lơ là một điều tốt nào đó để tìm đạt được một điều tốt không đáng kể: chẳng hạn khi chúng ta tế lễ, nghĩa là chỉ sống và yêu thương để làm sao cho mình được giàu có. Theo vị Thánh thành Aquin, sự dữ là một điều thuần túy thuộc tinh thần. Nó thuộc về thế giới của các suy nghĩ, những kế sách và quyết định – và ngay cả ở đó nó cũng không phải là một điều tích cực nhưng là một thất bại, một sự thiếu thốn, một thất bại vì không ước muốn điều tốt đầy đủ. Tuy nhiên, thế giới vật chất là vô tư vô tội, và còn hơn cả vô tư vô tội, thế giới vật chất chính là sự biểu lộ lấp lánh tình yêu của Thiên Chúa.

II. VỀ SỰ HIỆN HỮU CỦA THIÊN CHÚA

Thánh Thomas d’Aquin cho rằng các nhà thần học không biết họ đang nói về cái gì. Họ đang cố gắng nói về Thiên Chúa, nhưng Thánh Nhân cứ khăng khăng cho rằng họ không làm như thế, và không thể biết Thiên Chúa là gì. Tôi giả thiết Thánh Nhân là nhà thần học hạng nhất thuộc phải vô tri của truyền thống Kitô giáo Tây phương – không phải là thứ vô tri hiểu theo nghĩa nghi ngờ không biết Thiên Chúa có hiện hữu hay không, nhưng vô tri hiểu theo nghĩa là xác nhận cách hoàn toàn rõ ràng và chắc chắn rằng Thiên Chúa là mộtmầu nhiệm vượt quá bất kỳ sự hiểu biết nào chúng ta có thể đang có.

Thánh Nhân đoan chắc rằng Thiên Chúa hiện hữu bởi vì Thánh Nhân nghĩ rằng phải có một câu trả lời cho vấn nạn sâu xa nhất và quay quắt nhất: “Tại sao lại có mọi sự thay vì không có gì cả?”. Nhưng Thánh Nhân cũng đoan chắc rằng chúng ta không biết câu trả lời là thế nào. Bảo Thiên Chúa là Đấng đã làm ra toàn thể vũ trụ, và liên tục giữ cho chúng hiện hữu từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc kia (như ca sĩ giữ cho bài hát được hiện hữu từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc kia vậy), không phải là giải thích vũ trụ đã đi đến hiện hữu như thế nào. Vì khi chúng ta nói “Thiên Chúa” thì chúng ta không biết nghĩa là gì. Chúng ta dùng từ này chỉ như là một nhãn hiệu có tính cách ước lệ để chỉ một điều gì chúng ta không hiểu được thôi. Đối với vị Thánh quê thành Aquin, chỉ có Thiên Chúa hiểu Thiên Chúa là gì. Thánh Nhân cho rằng trong Kinh Thánh, Thiên Chúa đã hứa với chúng ta là một ngày kia Người sẽ cho chúng ta chia sẻ sự hiểu-biết-của-Thiên-Chúa-về-chính-mình, nhưng nay thì chưa. Cho tới ngày ấy, cho dẫu Thiên Chúa đã bắt đầu mặc khải chính Người trong Lời của Người đã trở thành xác phảm, chúng ta có được sự hiểu-biết-của-Thiên-Chúa-về-chính-mình không phải bằng cách hiểu biết, nhưng chỉ bằng đức tin. Đức tin là một sự soi sáng xuất hiện cũng tương tự như bóng tối: chúng ta đi tới chỗ biết rằng chúng ta không biết.

Vị Thánh quê thành Aquin nghĩ rằng chúng ta biết về Thiên Chúa chỉ bằng cách cố gắng hiểu những điều Người đã làm và vẫn đang làm cho chúng ta – các công trình kỳ diệu trong công trình sáng tạo của Người, các công trình kỳ diệu hơn nữa trong công trình cứu chuộc của Người, tình yêu của chính Thiên Chúa đối với các thọ tạo đã từng khước từ Người vì phạm tội – toàn thể câu chuyện mà Người kể cho chúng ta trong Kinh Thánh. Nhưng không có công trình nào trong những công trình trên tương ứng để bày tỏ cho chúng ta chính bản thân Thiên Chúa – không hơn chuyện bạn có thể đi tới chỗ hiểu tâm trí của Shakespeare hoặc Beethoven nhờ nghe lời các ông mời bạn đến ngồi chung một chiếu với các ông:

“Sự hiểu biết theo bản tính của chúng ta khởi đi từ nhận thức của giác quan và chỉ đạt tới tùy theo các sự vật đã được quan niệm như thế có thể dẫn dắt chúng ta, là điều không xa đủ để thấy chính Thiên Chúa. Đối với các vật chúng ta cảm nhận, dù là các hiệu quả của Thiên Chúa, không phải là những hiệu quả diễn tả đầy đủ quyền năng của Người, chúng có thể dẫn chúng ta đến chỗ biết rằng Người đang hiện hữu, và bộc lộ cho chúng ta điều gì là sự thật về Người, xét như là nguyên nhân đầu tiên của muôn vật như thế, hoàn toàn vượt hẳn tất cả các vật ấy… Mặc khải đầy tình thương của Thiên Chúa… củng cố ánh sáng theo bản tính của trí khôn chúng ta… Cho dẫu trong cuộc đời này, mặc khải không thể tỏ bày cho chúng ta biết Thiên Chúa là thế nào trong chính Người, nhưng nối kết chúng ta với Người như là Đấng không thể hiểu được, tuy nhiên giúp chúng ta biết Người tốt hơn, tỏ bày cho chúng ta những công trình của Người nhiều hơn và lớn lao hơn”.[2]

Đối với thánh Thomas d’Aquin, câu trả lời đặc trưng và hợp lý về Thiên Chúa không phải là một phân tích chính xác nhưng là cầu nguyện. Những người nghĩ mình không tín ngưỡng thường có lý mà nói rằng họ muốn cầu nguyện nhưng không biết cầu nguyện với ai và cầu xin điều gì. Vị Thánh quê thành Aquin có lẽ sẽ không bảo những người như thế rằng: “Này nhá, nếu bạn trở thành một người tin, một Kitô hữu, thì mọi sự sẽ có thể thay đổi. Bạn có thể đi tới chỗ hiểu Đấng bạn đang cầu nguyện”. Không hề! Có lẽ Thánh Nhân sẽ nói với những người như thế rằng: “Nếu bạn trở thành một Kitô hữu, bạn có thể thôi không ngạc nhiên hoặc xấu hổ vì hoàn cảnh của bạn nữa. Bạn sẽ hạnh phúc với điều đó. Vì đức tin có thể bảo đảm với bạn rằng bạn không thể biết Thiên Chúa là gì cho tới khi Người mặc khải chính Người cho chúng ta một cách công khai minh bạch”. Đối với một Kitô hữu, cầu nguyện mà không biết, hoặc chờ đợi để biết, Đấng mà bạn đang cầu nguyện là con đường bình thường và thuộc về bản tính. Vì hiện giờ, vấn đề quan trọng không phải là tri thức; vấn đề quan trọng là đức tin và lòng tin tưởng phó thác vào tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta, và lòng can đảm để chia sẻ và chuyển thông tình yêu ấy cho những người khác – cho tới lúc lời hứa của Thiên Chúa được hoàn thành. “Vì hiện giờ chúng ta nhìn trong một tấm gương, mờ mờ, nhưng bấy giờ chúng ta sẽ nhìn diện đối diện. Hiện giờ tôi chỉ biết một phần nào; nhưng bấy giờ tôi sẽ biết đầy đủ, thậm chí như tôi được biết đầy đủ vậy” (1Cr 13,12).

III. VỀ THIÊN CHÚA TỰ HỮU

Theo thánh Thomas d’Aquin, nếu Thiên Chúa là căn nguyên của muôn vật muôn loài đang hiện hữu, thì chúng ta ít nhất có thể tin chắc rằng không gì có thể là căn nguyên của Thiên Chúa được. Điều này, vị Thánh thành Aquin nói, tạo nên một sự dị biệt triệt để giữa cách thế chúng ta yêu mến và cách thế Thiên Chúa yêu mến. Vì lòng yêu mến của chúng ta được khơi lên bởi sự tốt lành của Thiên Chúa và sự lôi cuốn của những gì chúng ta yêu mến, nhưng điều ấy không thể là trường hợp đúng với Thiên Chúa được. Người không yêu thương vật này vật kia hoặc con người bởi vì chúng tốt lành; trái lại, chúng tốt lành và lôi cuốn bởi vì Thiên Chúa yêu thương chúng. Tình yêu của Thiên Chúa có tính cách sáng tạo, tình yêu ấy làm nảy sinh sự tốt lành của những gì Người yêu thương. Khi, như được nói trong phần đầu của sách Sáng Thế: “Thiên Chúa nhìn mọi vật Người đã làm ra, và quả thật, chúng rất đẹp” (St 1,31), Thiên Chúa đã không khám phá ra vẻ đẹp của chúng. Người không bị choáng ngợp do kinh ngạc vì vẻ đẹp của chúng. Sự tốt lành và vẻ đẹp của chúng là những gì Người làm ra, là công trình của tình yêu của Người. Đối với vị Thánh quê thành Aquin, toàn thể vũ trụ, từ một hạt mưa cho tới những giải thiên hà xa xăm nhất, đều đang hiện hữu vì mỗi khoảnh khắc chúng đều được Thiên Chúa biết tới và yêu thương. Lý do tại sao Thiên Chúa không yêu mến tội và sự dữ đơn giản là vì “tội”“sự dữ” không phải là tên của các sự vật. Chúng là những khiếm khuyết, đổ vỡ, không hiện hữu như nơi các vật tốt lành. Nếu như tôi có tội, đó là vì tôi thất bại không sống được điều mà nhân tính của tôi đòi hỏi tôi. Tôi thất bại không sống công minh, nhân ái, tử tế hoặc mến yêu. Tôi thất bại vì không có cái tình yêu mạnh mẽ, nồng nàn đối với công trình sáng tạo của Thiên Chúa và chính Thiên Chúa là Đấng làm cho tôi thành một sinh linh con người được phát triển sung mãn. Vậy nên Thiên Chúa không hề làm ra tội và sự dữ còn hơn là Người làm ra con voi hiện đang không ở trong vườn của tôi. Người làm ra muôn vật muôn loài đang hiện hữu, và làm ra do lòng yêu mến của Người:

“Mỗi vật đang hiện hữu, xét nguyên nó, là tốt lành, và có Thiên Chúa là căn nguyên của nó. Vậy rõ là Thiên Chúa yêu thương muôn vật, muốn cho chúng chính điều tốt lành chúng đang sở hữu; không giống như chúng ta. Tình yêu của chúng ta không tạo ra sự tốt lành của sự vật; đúng hơn sự tốt lành, có thật hoặc do tưởng tượng, của sự vật khơi lên lòng yêu mến của chúng ta. Nhưng tình yêu của Thiên Chúa khơi lên và sáng tạo ra sự tốt lành nơi các sự vật… Thiên Chúa yêu thương các tội nhân như là những sinh linh Người đã sáng tạo, nhưng Người ghét việc phạm tội của họ, là một cách thế của cái không hiện hữu và không phải là cách hành động của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương mọi vật với cùng một hành vi của ý chí thuần túy đồng nhất; nhưng cũng như chúng ta yêu mến con người này nhiều hơn, chúng ta muốn cho họ điều tốt lành lớn hơn, thậm chí chúng ta muốn nhưng không mãnh liệt nhiều hơn, thì đối với Thiên Chúa cũng thế. Thiên Chúa tạo nên sự tốt lành nơi các sự vật, và sự vật này sẽ không tốt hơn sự vật khác trừ phi Thiên Chúa yêu thương nó nhiều hơn”.[3]

Như vậy, tình yêu của Thiên Chúa ở chính giữa mỗi vật mỗi loài đang hiện hữu, là thực tại sâu xa nhất trong mỗi vật mỗi loài đang hiện hữu. Tuy nhiên, điểm loại biệt liên quan đến các sinh linh con người mà thú vật khác không được chia sẻ, là chúng ta có thể tập trung vào chính bản thân chúng ta, vào trung tâm của hiện hữu chúng ta, bởi tri thức và lòng yêu mến. Dĩ nhiên, các thú vật khác cũng có thể biết và yêu mến, nhưng không theo cái cảm thức sâu xa nhờ đó chúng ta có thể làm như thế do bởi khả năng của chúng ta để biểu tượng hóa hoặc trình bày thế giới chúng ta bằng ngôn ngữ. Bởi vì chúng ta có khả năng này để hiểu biết và yêu mến, cho nên Thiên Chúa có thể cho chúng ta khả năng để đáp lại lòng yêu thương của Người ở ngay chính giữa hiện hữu của chúng ta. Thiên Chúa củng cố khả năng hiểu biết của chúng ta bởi quà tặng là đức tin và củng cố khả năng yêu mến của chúng ta bởi quà tặng là đức mến, để chúng ta có thể chia sẻ sự hiểu-biết-của-Thiên-Chúa-về-chính-mình của Người và lòng yêu thương của Người. Đúng là sự chia sẻ của chúng ta vào sự hiểu-biết-của-Thiên-Chúa-về-chính-mình không làm cho Thiên Chúa thành rõ rệt đối với chúng ta – đó là một cái gì chúng ta được hứa cho tương lai. Còn đối với hiện tại, đức tin lại giống như một sự tối tăm hơn. Nhưng chúng ta bước đi cách tin tưởng trong sự tối tăm này, bởi vì chúng ta đã học để biết không đặt niềm tín thác của chúng ta vào những ánh sáng chỉ có cái mã bề ngoài và lừa dối là những cái cắt xén chân lý của Thiên Chúa.

Đức tin chỉ là khởi đầu của việc chúng ta chia sẻ sự hiểu biết-của-Thiên-Chúa-về-chính-mình, trong Lời của Thiên Chúa, và, như thánh Phaolô bảo chúng ta, đức tin sẽ qua đi khi nó được biến đổi thành sự ngắm nhìn Thiên Chúa (1Cr 13,8-12). Nhưng sự chia sẻ của chúng ta vào lòng yêu thương của Thiên Chúa, trong tình yêu thương có tính cách sáng tạo nhờ đó Người làm nên muôn vật muôn loài, tức là đức mến của chúng ta, thì sẽ không qua đi. Sức mạnh để yêu thương như Thiên Chúa yêu thương, sức mạnh để chia sẻ vào sự sáng tạo của Người là sự sống chúng ta sẽ chia sẻ cho đến vĩnh cửu.

IV. VỀ THIÊN CHÚA LÀ CĂN NGUYÊN VẠN VẬT

Thánh Thomas d’Aquin nghĩ rằng, Thiên Chúa đã sáng tạo một thế giới với trật tự riêng của nó, với những nguyên nhân theo bản tính riêng của chúng ở trong thế giới ấy. Cho nên chúng ta có thể giải thích tính năng đặc nét của mỗi loại sự vật bằng cách qui chiếu với tính năng của một loại sự vật khác cũng bên trong công trình sáng tạo này. Các kim nam châm chỉ về hướng Bắc bởi vì từ trường của trái đất, và trong vòng quay của nó, một từ trường được tạo nên bởi tính năng của các hạ phân tử hạt.

Dĩ nhiên đấy không phải là những ví dụ riêng của vị Thánh quê thành Aquin, nhưng cũng giống như hầu hết trong chúng ta, Thánh Nhân nghĩ rằng có những nguyên nhân trong thế giới này, và nguyên nhân của mọi nguyên nhân – một loại trật tự phẩm trật của các nguyên nhân (giống như một chuỗi lệnh truyền). Và Thánh Nhân nghĩ toàn thể trật tự có lớp lang này được Thiên Chúa sáng tạo và nâng đỡ để hiện hữu. Thánh Nhân cũng cho rằng công việc của các khoa học về thiên nhiên là vạch ra trật tự của những lớp lang theo bản tính (là cho thấy vũ trụ này giải thích tính cách riêng của nó như thế nào). Vì lẽ đó, Thánh Nhân cho rằng không cần các nhà khoa học phải mang Thiên Chúa vào trong những trình bày, những giải thích của mình. Chỉ cần giả thiết Thiên Chúa đang hiện hữu ở giữa hiện hữu của toàn thể thế giới mà thôi. Hoàn toàn đúng là Thiên Chúa làm cho cái ấm nước sôi, vì Người là nguyên nhân làm nên mọi sự, nhưng nhà khoa học chú ý vào những nguyên nhân theo bản tính được sáng tạo mà Thiên Chúa dùng để tạo ra hiệu quả này. Các nhà vật lý có thể đưa ra câu hỏi rất đúng: “Việc trình bày vấn đề có mọi sự thay vì không có gì cả là gì?”. Nhưng nếu họ hỏi như thế, họ không còn là những người làm việc nghiên cứu vật lý nữa. Vị Thánh thành Aquin có lẽ sẽ ngạc nhiên và buồn cười về ý tưởng cho rằng khi nghiên cứu cái ra như đã xảy ra vào những khoảnh khắc đầu tiên của vụ nổ Big Bang, thì cách nào đó chúng ta cũng đang nghiên cứu hành động sáng tạo. Hành động sáng tạo của Thiên Chúa, đối với Thánh Nhân, không phải là một cái gì độc nhất cho lúc khởi đầu (nếu như thật sự có một sự khởi đầu), nhưng cho việc hiện hữu đang diễn tiến của bất cứ vật gì vào bất cứ lúc nào. Thật ra, Thánh Nhân nghĩ rằng Thiên Chúa có thể sáng tạo cách dễ dàng một thế giới không bao giờ có một lúc khởi đầu. Đối với Thánh Nhân, hành động sáng tạo của Thiên Chúa đang vận hành bên trong sự vận hành của mỗi thụ tạo trong mọi lúc.

Vậy, Thánh Nhân nghĩ gì về các phép lạ? Thánh Nhân nói rằng hoạt động của Thiên Chúa ở sâu bên trong mỗi vật và các hoạt động của bản tính đó được gán cho việc Thiên Chúa đang hoạt động bên trong bản tính. Nhưng vị Thánh quê thành Aquin cũng nghĩ rằng Thiên Chúa, nếu như Người muốn, có thể vượt qua các nguyên nhân thọ tạo để chính Người làm phát sinh những hiệu quả bình thường của chúng hoặc những hiệu quả vượt quá năng lực của chúng.[4] Thế nên, Thánh Nhân không coi các phép lạ như thể là Thiên Chúa đang can thiệp vào tiến trình bình thường Người đã ban cho thế giới này. Thiên Chúa, vị Thánh thành Aquin nghĩ, không thể can thiệp, hiểu theo sát nghĩa chữ, vào trong vũ trụ này bởi vì Người vẫn luôn đang hiện hữu ở đấy – như trong diễn tiến bình thường, sự vận hành theo bản tính của các sự vật như trong cuộc phục sinh của Đức Kitô hoặc trong bất kỳ một biến cố lạ lùng nào khác. Theo vị Thánh thành Aquin, phép lạ không phải là một sự hiện diện đặc loại của Thiên Chúa; đó là một sự khiếm diện đặc biệt của các nguyên nhân theo bản tính – một sự khiếm diện đặc biệt khiến cho sự hiện diện thường tồn của Thiên Chúa trở nên khả thị hơn đối với chúng ta. Bởi vì Thiên Chúa hiện hữu ở đó mọi lúc, và vì Người không cần phải được nhắc đến khi chúng ta nghiên cứu vật lý học hoặc sinh học, hoặc đi chợ, chúng ta có thể rơi vào nguy cơ quên mất Người. Cho nên một phép lạ, theo quan điểm của vị Thánh thành Aquin, là một cử chỉ quá ư nồng nhiệt, giống như một cái ôm hoặc một cái hôn, tựa như nói: “Này, Ta đang ở đây này; Ta yêu mến con”, để khi chúng ta chiêm ngưỡng các việc trong công trình sáng tạo của Người và vui thích, khâm phục thì chúng ta đừng quên rằng tất cả những gì chúng ta đang có và tất cả những gì chúng ta đang là đều là tia phản chiếu rạng rỡ tình yêu của Người dành cho chúng ta.

V. VỀ LUÂN LÝ

Là một người tốt là gì? Tại sao sống tốt lành thì hơn đồi bại? Chúng ta có thể trả lời: “Đó là hành động hợp với một số qui tắc luân lý chân thật nào đó”. Nếu chúng ta là Kitô hữu hoặc là người Do thái, chúng ta phải nhắc đến bộ luật luân lý là Mười Điều Răn. Tuy nhiên, nếu nói như thế, chúng ta sẽ gặp ít nhất là một người không đồng ý với chúng ta và người đó là thánh Thomas d’Aquin. Thánh Nhân không cho rằng sống tốt lành hệ tại hành động phù hợp với các điều răn. Đây không phải vì Thánh Nhân nghĩ (như một số Kitô hữu hiện đại chủ trương) rằng các điều răn đã được vượt quá bởi luật yêu thương. Thánh Nhân nghĩ Mười Điều Răn quả là một điều thuộc về cảm thức chung để cho thấy thái độ yêu thương giống như cái gì (và nhất là không giống như cái gì). Thánh Nhân nghĩ rằng bất cứ xã hội nào dửng dưng đối với câu hỏi bạn có phá vỡ các điều răn hay không đều không thể nào là một cộng đoàn của những người bạn hữu được. Thánh Nhân nghĩ những điều răn này là một trong những điều được Thiên Chúa ban cho chúng ta trong mặc khải của Người; chúng ta có thể đưa ra thực hành cho chính bản thân chúng ta, nếu chúng chịu khó suy nghĩ và lương thiện đủ để thấy một xã hội đặt nền tảng trên tình huynh đệ thì sẽ phải cư xử như thế nào.

Nhưng cho dẫu vị Thánh quê thành Aquin coi trọng bộ luật luân lý là Mười Điều Răn, thì Thánh Nhân vẫn không đồng ý với bạn nếu bạn bảo rằng sống tốt lành đơn giản là hành động phù hợp với các điều răn. Tai sao? Tại vì, Thánh Nhân nói, sống tốt lành không phải chỉ là chuyện làm những điều tốt thay vì những điều xấu. Vấn đề là làm những điều tốt một cách tốt, và điều đó có nghĩa là làm những điều tốt từ những cõi sâu thẳm của tính cách thực hữu của bạn.

Bạn có thể làm một hành vi diễn tả lòng tử tế, bạn có thể gửi một quà tặng để chia sẻ với những người đang bị nạn đói, ở châu Phi chẳng hạn, bởi vì bạn đã có lúc thấy truyền hình tường thuật hoặc cách nào đó, và dĩ nhiên đó là điều tốt cần phải làm. Bạn có thể làm bởi vì bạn đã được nói cho biết rằng đó là chuyện đúng mà một Kitô hữu phải làm. Bạn có thể làm bởi vì bạn sợ Thiên Chúa sẽ phạt bạn nếu bạn không làm, và đó vẫn là điều tốt cần phải làm. Nhưng vị Thánh thành Aquin sẽ nói rằng điều đó vẫn không có nghĩa là sống tốt lành. Sống tốt lành có nghĩa là làm điều tốt bởi vì bạn muốn làm điều tốt, bởi vì bạn đã trở thành điều tử tế của bạn mà chỉ theo bản tính là muốn làm điều đó. Lúc ấy, bạn không còn chỉ làm những hành vi tử tế nữa. Bạn là một con người tử tế:

“Sống tốt lành không phải là chỉ làm những điều tốt lành, nhưng làm những điều tốt lành một cách tốt lành, chọn những điều tốt lành theo một cách thức đúng chứ không chỉ hành động theo sự thúc đẩy hoặc cảm xúc. Chọn cách đúng bao hàm có mục đích đúng và hành động cách thích hợp để đạt được mục đích đó. Những điều kiện để có những mục đích đúng là những nhân đức luân lý trong những tham dục; những điều kiện để hành động cách thích hợp nhằm đạt tới mục đích phải chỉnh bị lý trí để thiết kế và quyết định cách tốt lành, và đó là nhân đức khôn ngoan. Làm một điều gì tốt theo lời khuyên của người khác hơn là theo sự phán đoán của chính mình chưa phải là một hoạt động hoàn hảo của lý luận và ước muốn của bản thân mình. Người ta làm điều tốt nhưng chưa hẳn là một cách tốt, như phải có. Suy nghĩ theo cách lý thuyết nhằm làm cho tâm trí thực sự đối diện với các sự vật… Suy nghĩ theo cách thực hành nhằm làm cho sự đối diện thực sự với tham dục đúng đắn, và điều đó chỉ có thể xảy ra trong… những vấn đề chúng ta có sức mạnh để ảnh hưởng tới… Vậy các nhân đức liên hệ với những vấn đề bất tất là những điều kiện của suy nghĩ thực hành: khả năng để làm, sự khôn ngoan thận trọng để làm. Trong trường hợp làm, lý luận thực hành của con người đưa ra những kế hoạch và những quyết định như lý luận lý thuyết khai phá và đạt tới những kết luận, nhưng như vậy tiếp tục đi tới những mệnh lệnh phải thực hiện những việc đó, và đó là vai trò đặc loại của nó. Nếu người ta đã đưa ra được những quyết định tốt và rồi không hoàn thành những quyết định đó cách đúng nghĩa, thì hoạt động của lý trí sẽ là bất toàn”.[5]

Vậy vị Thánh quê thành Aquin cho rằng chúng ta trở thành tốt, chúng ta sống tốt, nhờ thủ đắc một tính cách, một bộ khung phức tạp gồm các điều kiện thúc đẩy chúng ta trước hết hướng tới chỗ muốn những điều tốt (và muốn những điều tốt nhiều hơn hơn là những điều ít tốt hơn), và rồi suy nghĩ tốt theo cách thực hành (khôn ngoan) liên quan đến việc làm thế nào để hoàn thành những điều tốt ấy. Những điều kiện này là các nhân đức, và chúng ta thủ đắc các nhân đức bình thường bằng cách thực hành. Trước hết, chúng ta làm những điều tốt vì chúng ta muốn theo một bộ luật luân lý nào đó. Nhưng dần dà thái độ như thế trở thành bản tính thứ hai cho chúng ta, và sau đó, và chỉ sau đó, chúng ta mới có các nhân đức. Như thế chúng ta đang lớn lên. Vậy, khi chúng ta làm những hành động tốt, thì những hành động ấy là của riêng chúng ta, khởi phát từ nhân cách chúng ta đã sáng tạo nên cho bản thân mình với sự trợ giúp của tha nhân. Đó là ý nghĩa cho biết việc giáo dục là gì, hoặc phải là gì.

Nhưng dĩ nhiên, vị Thánh thành Aquin nghĩ rằng chúng ta không phải chỉ được Thiên Chúa mời gọi để sống tốt lành với tư cách là những sinh linh con người, nhưng để sống đời sống của Thiên Chúa; và điều này là hồng ân Thiên Chúa ban xuống cho chúng ta. Vậy, bên cạnh việc Thiên Chúa ban cho chúng ta những cột mốc để hướng dẫn chúng ta trên con đường tiến đến với Người, Người còn ban cho chúng ta sức mạnh để thực hiện cuộc hành trình. Người bắt đầu chia sẻ đời sống của riêng Người cho chúng ta và như vậy cho chúng ta những nhân đức chúng ta cần đề sống tốt lành cả về phương diện con người lẫn phương diện linh thánh – và cho những nhân đức ấy như là ân sủng tự do, vượt qua cả tiến trình giáo dục đầy cam go vất vả.

VI. VỀ CHÍNH TRỊ XÃ HỘI

Dr Johnson, một nhân vật nổi tiếng người Anh thuộc Đảng Tory, tuyên bố: “Tôi luôn cho rằng Whig[6] đầu tiên là ma quỷ”. Còn Lord Acton, cũng là một nhân vật nổi tiếng người Anh thuộc Đảng Whig (hoặc Dân Chủ Tự Do) lại nói: “Whig đầu tiên không phải là ma quỷ, nhưng là Thomas d’Aquin”. Tôi không dám chắc rằng vị Thánh quê thành Aquin sẽ hoàn toàn hài lòng với lời khen tặng đó. Hẳn nhiên Thánh Nhân không có thời giờ dành cho khoa kinh tế thị trường theo phái Tự do và cạnh tranh không hạn chế. Thánh Nhân cho rằng công việc của một nhà nước là phải chăm lo cho hết thảy mọi người, đặc biệt là những người nghèo, và trong một số trường hợp, phải can thiệp để ấn định giá cả tối đa và lương bổng tối thiểu. Thánh Nhân nghĩ rằng mục tiêu của luật không phải chỉ để bảo vệ người dân với nhau mà thôi, nhưng còn là để giúp hết mọi người dân trở thành những con người đức hạnh và, vì thế được sống hạnh phúc tối đa trong thế giới này. Thánh Nhân ắt hẳn phải hoan nghênh qui chế hưu bổng và trợ cấp thất nghiệp.

Thánh Nhân có lẽ rất không đồng ý với bà Magaret Thatcher (Thủ tướng Anh Quốc) khi có lúc bà Thủ Tướng này bảo rằng: “Không có cái gì được coi là xã hội cả, chỉ có những cá nhân và gia đình của họ mà thôi”. Thánh Nhân tế nhị hơn thế nhiều! Thánh Nhân bảo rằng cá nhân xét về cốt yếu là một phần của xã hội, và thiện ích của toàn thể xã hội thì lớn hơn thiện ích của cá nhân. Nhưng Thánh Nhân cũng nghĩ rằng toàn thể xã hội hiện hữu là nhằm làm cho những cá nhân trong xã hội ấy có những cuộc sống tốt lành.

Vị Thánh quê thành Aquin là một Whig hoặc Dân Chủ Tự Do ở chỗ Thánh Nhân không có thời giờ để bàn về bất kỳ một khái niệm nào liên can đến “thần quyền của các vua”, hoặc thần quyền của một đảng phái cụ thể, và có lẽ Thánh Nhân cũng vui vì sự sụp đổ của chế độ độc tài. Thánh Nhân nói rằng thẩm quyền của các nhà cai trị và luật lệ của họ chỉ xuất phát từ sự đồng thuận của những người bị trị, và Thánh Nhân nói rằng “lập chương trình nhằm vào thiện ích tổng quát thuộc về dân chúng xét như là một toàn thể, hoặc thuộc về những người đại diện cho họ”.[7] Thánh Nhân nghĩ rằng một đại biểu hợp pháp của dân, khi cai trị với sự đồng thuận của dân và làm các luật lệ nhằm vào thiện ích chung (chứ không chỉ nhằm vào lợi ích của tầng lớp này hoặc tầng lớp kia hoặc một nhóm trong xã hội), tức thị đang cai trị cách công minh. Và vì ông ấy hay bà ấy cai trị cách công minh, cho nên ông ấy hay bà ấy cai trị với thẩm quyền của Thiên Chúa, nhưng nên nhớ chỉkhi nào ông ấy hay bà ấy cai trị cách công minh mà thôi:

“Các luật lệ được lập cách nhân bản có thể là công minh hoặc bất công minh. Để có công minh, các luật lệ ấy phải phục vụ thiện ích tổng quát, không được vượt quá thẩm quyền của người lập luật và phải có sự phân chia cách tốt đẹp những trách nhiệm của thiện ích tổng quát cho toàn thể các thành phần của cộng đồng. Những luật lệ công minh như thế buộc chúng ta theo lương tâm bởi vì các luật lệ ấy phát xuất từ luật vĩnh cửu. Tuy nhiên, các luật lệ có thể là bất công minh: khi phục vụ không phải thiện ích tổng quát nhưng [phục vụ] lòng tham hoặc hãnh tiến của riêng một số nhà lập luật nào đó hoặc vượt quá thẩm quyền của họ, hoặc bởi phân chia không tốt đẹp những trách nhiệm mà thiện ích tổng quát đòi buộc. Những luật lệ như thế không phải là luật nhưng là những hình thức của bạo lực, và không buộc lương tâm chúng ta trừ phi có thể để tránh gương mù hoặc mất trật tự, về điểm này người ta đôi khi phải bỏ đi quyền của mình. Luật lệ cũng có thể bất công minh bởi đi ngược lại thiện ích của Thiên Chúa, khi cổ vũ thờ ngẫu tượng chẳng hạn; và không ai được phép tuân theo những luật như thế: chúng ta phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời con người”.[8]

Vị Thánh quê thành Aquin cho rằng một xã hội không công minh là xã hội phân biệt đối xử với một nhóm nào đó trong dân căn cứ trên những nền tảng của chủng tộc, hoặc ý thức hệ hoặc cuồng tín tôn giáo, hoặc bất kỳ căn cứ nào khác, thì đã là một xã hội của bạo lực hơn là của luật pháp – ngay cả trước khi có những người bất đồng nào đó tìm cách lật đổ. Luật, vị Thánh thành Aquin nói, chỉ là công minh và chỉ là luật đích thực, nếu như nó là một cách diễn tả của tính cách luân lý. Tuy nhiên, đàng khác vị Thánh thành Aquin không nghĩ rằng công việc của luật pháp là trấn áp bất kỳ sự vô luân nào, vì Thánh Nhân tin, việc này thường gây ra nhiều thiệt hại cho thiện ích chung hơn là khoan dung một thực hành vô đạo nào đó. Ở đây, vị Thánh thành Aquin nói, các nhà cai trị phải sử dụng cảm thức chung, sự khôn ngoan của mình, để quyết định xem một số thái độ nhân linh đặc thù có phải là tội ác hay không. Chẳng hạn Thánh Nhân cho rằng phá thai là tội và là một sự dữ lớn của con người. Nhưng cả khi bạn đã tuyên bố như thế rồi, bạn vẫn chưa quyết định xem có phải cấm bằng luật hay không và như thế nào. Đó là một số chuyện vị Thánh quê thành Aquin có lẽ nghĩ là để ngỏ cho tranh luận trong hết thảy mọi người đã dấn thân một cách bình đẳng để lo cho sự thánh thiện của toàn thể đời sống con người. Đúng, có lẽ Thánh Nhân là Whig đầu tiên.

VII. VỀ NHÂN ĐỨC

Cách chung, ai cũng đồng ý cho rằng nền tảng của luân lý Kitô giáo là con người phải yêu thương nhau. Nhưng điều thú vị là thánh Thomas d’Aquin lại không đồng ý như thế. Dĩ nhiên, điều ấy tùy thuộc bạn hiểu “yêu thương” là gì. Bạn có thể yêu mến các bậc sinh thành, yêu rượu, yêu tổ quốc, yêu quê hương, yêu bạn trai – mỗi thứ lại có một loại tình yêu khác nhau. Tuy nhiên, khi nói đến tình yêu theo nghĩa nền tảng nhất, vị Thánh quê thành Aquin nghĩ rằng tác giả của thư thứ nhất Gioan đã nói rất đúng: “Tình yêu cốt ở điều này, không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa nhưng Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta và đã phái Con của Người đến” (1 Ga 4,10). Tiên vàn tình yêu là điều Thiên Chúa có đối với chúng ta; cho nên tình yêu này là chính Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến độ Người cho chúng ta chia sẻ quyền năng yêu thương của Người. Chúng ta có một tên gọi đặc biệt để chỉ sự chia sẻ của chúng ta vào quyền năng yêu thương của Thiên Chúa: chúng ta gọi đó là lòng mến (caritas).

Lòng mến thuộc về Thiên Chúa này của chúng ta, vị Thánh thành Aquin nói, tiên vàn là lời đáp lại tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Thế nên trước tiên có tình yêu hỗ tương làm cho chúng ta trở thành bạn hữu với Thiên Chúa, khi chia sẻ sự sống và niềm vui của Người. Đây mới là nền tảng của luân lý Kitô giáo: không phải là một bộ luật dạy cách ứng xử nhưng là tình bằng hữu của chúng ta với Thiên Chúa, hoặc chia sẻ Thần Khí của Người là điều tự bộc lộ ra trong tình yêu của chúng ta đối với các bạn hữu và các thọ tạo của Thiên Chúa. Nhưng tình bằng hữu của Thiên Chúa, vị Thánh thành Aquin lại nói cách đáng ngạc nhiên và sâu xa, không phải tiên vàn tràn lan thành lòng yêu mến tha nhân. Tiên vàn, Thánh Nhân nhấn mạnh, chúng ta phải yêu mến bản thân mình. Nếu chúng ta không yêu mến bản thân chúng ta, chúng ta không thể yêu thương tha nhân được.

Có một thứ vị tha giả mạo theo đó có thể chính chúng ta bận bịu chăm lo cho tha nhân bởi vì chúng ta sợ rằng nếu thực sự nhìn vào bản thân mình, có lẽ chúng ta sẽ ghét những gì chúng ta nhìn thấy. Nhưng lòng mến có nghĩa là chúng ta có thể có một cái nhìn sáng sủa về bản thân chúng ta, những mụn cóc và vân vân, và yêu mến bản thân mình trong lòng mến như Thiên Chúa xử sự. Đây không phải là thái độ ích kỷ. Ích kỷ xuất phát từ việc yêu mến không phải bản thân chúng ta như là toàn thể nhưng chỉ là một phần nào đó của bản thân chúng ta, tức là đời sống thân thể của chúng ta và những sở hữu thuộc về thân thể của chúng ta (trong đó chúng ta có thể tranh đua với tha nhân). Trong lòng mến, tôi quan tâm đến sự phát triển và hạnh phúc của toàn thể bản thân, bao gồm sức khỏe và sức mạnh và sự sống động của thân thể của tôi, nhưng không loại trừ những điều còn quan trọng hơn tỉ như những thái độ của tôi đối với tha nhân:

“Nói theo nghĩa chặt, chúng ta không có tình bằng hữu với bản thân chúng ta nhưng với một cái gì hơn đó: một tình yêu bản thân là cái gì ở tận nền tảng của tình bằng hữu, vì trong tình bằng hữu, chúng ta yêu mến tha nhân như chúng ta yêu mến chính bản thân chúng ta. Nhưng lòng mến là tình bằng hữu trước hết với Thiên Chúa và thứ đến với tất cả những ai thuộc về Thiên Chúa, kể cả chính chúng ta. Cho nên chúng ta yêu mến bản thân mình nhờ lòng mến, như chúng ta cũng là những gì thuộc về Thiên Chúa. Khi chúng ta khiển trách người ta về lòng yêu mến bản thân, đó là vì họ yêu mến… những bản tính thuộc thân thể của họ, mà không yêu mến điều thực sự là tốt cho chính bản thân họ xét như là những sinh linh có lý trí… Thân thể chúng ta được sáng tạo bởi Thiên Chúa, chứ không phải… bởi một nguyên lý xấu xa nào đó. Nên chúng ta có thể phụng sự Thiên Chúa nhờ thân thể của chúng ta và chúng ta phải yêu mến thân thể của chúng ta với lòng yêu mến nhờ đó chúng ta yêu mến Thiên Chúa. Cái chúng ta không được yêu mến là cái băng hoại của tội và thiệt hại của nó là làm suy yếu thân thể của chúng ta; đúng hơn chúng ta ham thích nhờ lòng mến một mục đích bao gồm tất cả những điều đó. Thân thể của chúng ta giúp chúng ta hạnh phúc, và hạnh phúc đó sẽ lại tràn lan vào thân thể chúng ta, đến nỗi thân thể chúng ta cũng có thể được yêu mến bằng lòng mến”.[9]

Thánh Thomas d’Aquin làm một con đường rất dài, xa hẳn những con người, kể cả một số Kitô hữu, nghĩ rằng thân thể, và đặc biệt là những vui thú và cảm xúc của thân thể chúng ta, là đáng sợ và cần phải tránh. Thánh Nhân cho rằng chúng ta phải học cho biết yêu mến và có được niềm vui thích trong đời sống của thân thể chúng ta (như Thiên Chúa đã như thế) – bằng cách dành cho nó vị trí đúng đắn và phẩm giá của nó. Vì Thiên Chúa yêu mến chính chúng ta với thân thể chúng ta không phải chỉ như là những thọ tạo nhưng như là những người bạn hữu có ngôi vị. Có chỗ vị Thánh quê thành Aquin nói rằng sự xa lìa Thiên Chúa do tội đã làm méo mó đời sống cảm xúc của chúng ta đến nỗi chúng ta không còn được hưởng đủ niềm vui tính dục nữa.[10]

Đối với vị Thánh thành Aquin, chỉ có những người theo lạc giáo là không thích và khinh bỉ thân thể mà thôi. Theo Thánh Nhân, Lời của Thiên Chúa đến với chúng ta không phải tiên vàn là những từ ngữ trong một quyển sách. Đó là Lời đã thành xác thịt, thông qua thân thể và máu huyết của [Lời] đó, chúng ta được đưa trở về tình bằng hữu với Thiên Chúa để trong cuộc phục sinh thân xác, sự sống của Thiên Chúa tràn lan vào thân thể của chúng ta trong sự vĩnh cửu.

VIII. VỀ KHOA HỌC

Không nhiều người lắm có thể tự hào mình biết chính xác khoa vật lý nay đang đi về đâu, nhưng hơn kém sáu mươi năm trước đây, chúng ta từng nghe rằng chuyển động của các vật tùy thuộc vào các nguyên tử của chúng, và các nguyên tử đó hệ tại các chùm điện tử xoay chung quanh một cái nhân. Mỗi nguyên tử là một khối giống như một hệ thống mặt trời tí hon, và những vận hành khả thị quen thuộc trong thế giới hơn kém được qui định bởi cấu trúc của những hệ thống xoay vần của các phân từ này.

Nhắc lại điều trên đây có thể giúp chúng ta hiểu vị Thánh quê thành Aquin, vào thế kỷ thứ XIII, đã nhìn thế giới vật lý như thế nào. Hình ảnh của Thánh Nhân cũng tương tự rất đáng chú ý, ngoại trừ việc các vật thể xoay chung quanh qui định nên các luật của vật lý và hóa học, thay vì nhỏ hơn các vật thể quen thuộc của chúng ta rất nhiều, thì lại lớn hơn rất nhiều. Thánh Nhân thừa hưởng niềm tin tưởng cổ xưa cho rằng những sự chuyển vần của các vì sao và các hành tinh cũng y hệt như chuyển động xoay của các hạ phân tử hạt trong lý thuyết hiện đại vậy. Vị Thánh quê thành Aquin hoàn toàn sai, dĩ nhiên, nhưng các ý tưởng của Thánh Nhân về việc các tinh tú qui định những biến cố quan trọng trên trái đất ra sao, có lẽ, vẫn còn đáng chú ý khi chúng ta thắc mắc không biết các cơ cấu vận hành do các nhà khoa học hiện đại nghiên cứu xác định cái gì đang diễn ra hiện nay như thế nào.

Người thời Trung cổ hầu như dị đoan cũng bằng người hiện đại, và rất bị lôi cuốn bởi “điều các vì sao tiên báo”. Nhưng vị Thánh quê thành Aquin đã rất hồ nghi về tất cả những chuyện ấy. Thánh Nhân nghĩ rằng các vì sao có thể ảnh hưởng vào chúng ta cách vật lý, và như vậy, giống như các loại thuốc giảm đau hoặc rượu hoặc thiếu ngủ có thể ảnh hưởng đến những cảm xúc và tình cảm của chúng ta, và hướng chúng ta đến một số những loại thái độ nào đó. Hướng chúng ta tới, chứ không phải qui định chúng ta, vì chúng ta có thể dừng lại và suy nghĩ, và chúng ta có thể tự do vun trồng các khuôn mẫu của thái độ có suy nghĩ của lý trí (các nhân đức), đến nỗi chúng ta không bị chế ngự bởi những tình cảm của khoảnh khắc cụ thể hiện tại. Theo cách này, chúng ta có thể thoát khỏi làm nô lệ cho các vì sao (Aquinô nghĩ như thế).

Tuy nhiên, vì có rất nhiều người không buồn suy nghĩ hoặc học hỏi xem làm thế nào để cho có suy nghĩ của lý trí, nên họ bị cuốn đi bởi những tình cảm và thiên kiến của họ. Đó là lý do tại sao, thánh Thomas d’Aquin nghĩ, các nhà thiên văn có thể thường là đúng về mặt thống kê tính toán liên quan đến đa số các thái độ – hơn là giống các nhà xã hội học tiên đoán (hoặc ít là giải thích) các khuynh hướng hoặc nêu ra các khuôn mẫu:

“Các biến cố rõ rệt xảy ra cách tất yếu có thể được tiên báo nhờ vào sự giúp đỡ của các vì sao, theo cách các nhà thiên văn tiên báo nhật/nguyệt thực. Nhưng các vì sao không biểu thị cũng không gây ra những biến cố may rủi của tương lai… Các vì sao cũng không thể tạo ra các hành vi tự do của lý trí và ý chí; các vật thể không thể ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trí và ý chí của chúng ta là những [cái] không phải là vật thể cũng không phải là những chức năng vận hành của các cơ quan vật thể. Các vì sao có thể tạo ra những thay đổi nơi thân thể của con người, và như vậy ảnh hưởng đến những ước muốn có liên quan với các giác quan là những chức năng của các cơ quan vật thể. Thế nên các vì sao có thể hướng chúng ta về một số thái độ nào đó. Nhưng bởi vì… những ước muốn có liên quan với các giác quan của chúng ta tuân phục lý trí, cho nên con người ta vẫn có ý chí tự do để hành động đối lại ảnh hưởng của các vì sao. Vậy, khi cố gắng tiên đoán các biến cố may rủi có thể xảy ra hoặc thái độ của con người từ việc xem xét các vì sao là thiếu điểm tựa… Điều này không loại trừ sự tiên đoán các sự việc là hiệu quả thực sự của các vì sao, tựa như hạn hán và mưa và những chuyện tương tự. Hơn thế nữa, các vì sao tạo ra những thay đổi trong thân thể của chúng ta và ảnh hưởng đến các cảm xúc của chúng ta, và vì hầu hết con người ta đi theo các cảm xúc của mình mà không kiểm soát chúng, cho nên hóa ra các nhà thiên văn thường được cho là nói những điều đúng, đặc biệt là khi tiên đoán về thái độ của một nhóm”.[11]

Đối với vị Thánh quê thành Aquin, chuyển động bền vững của các vì sao, và chuyển động đều đặn của thiên nhiên được điều lãnh bởi sự chuyển động này, là công trình của Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo. Nhưng các công trình của trí khôn con người còn là sự biểu lộ vĩ đại hơn của quyền năng của Thiên Chúa. Những điều chúng ta làm vì chúng ta quyết định làm như vậy do lý trí suy nghĩ của chúng ta (chứ không phải vì chúng ta là những đồ chơi của những nguyên nhân vật lý), những hành vi tự do ấy không phải do bất kỳ những vật thọ tạo nào gây nên, nhưng được sáng tạo trực tiếp bởi Thiên Chúa.

Như vậy, vị Thánh quê thành Aquin không cho rằng sự tự do của chúng ta làm cho chúng ta độc lập với năng lực sáng tạo của Thiên Chúa (không có gì đang hiện hữu có thể là như thế). Nhưng nó làm cho chúng ta độc lập với các thụ tạo khác. Theo Thánh Nhân, chúng ta có thể đối lại mọi sức mạnh của thiên nhiên bởi vì công trình có tính cách sáng tạo của Thiên Chúa ở trong chúng ta. Chúng ta tự do không phải cho dẫu có Thiên Chúa, nhưng chúng ta tự do bởi vì có Thiên Chúa. Cho nên, sự tự do của con người, sự sáng tạo của con người, là sự biểu lộ vĩ đại nhất trong thế giới thuộc về tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa – không kể điều tự do nhất trong mọi sinh linh con người, đó là chính Đấng là tình yêu của Thiên Chúa ở trong xác phàm giữa chúng ta.

 

 

 

 

 


[1] St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, Ia, 1, 1; trích dẫn Kinh Thánh trong 1Cr 2,9. Tất cả những chỗ dịch của thánh Thomas d’Aquin trong bài này trích từ Timothy McDermott (ed.), St. Thomas Aquinas, “Summa Thelologiae”: A Concise Translation (London: Eyre Sprottiswoode, 1989). Đoạn vừa trích dẫn trên đây ở trang 1 của tác phẩm.

[2] St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, Ia 12, 12 và 12, 13 (St. Thomas Aquinas, “Summa Thelologiae”: A Concise Translation, pp. 29).

[3] Ibid., Ia, 20, 2 (x. McDermott, Ibid., pp. 156ff).

[4] Xc. Ibid., Ia, 105, 6.

[5] Ibid., Ia IIae, 57,5-6 (Mc Dermott, St. Thomas Aquinas, “Summa Thelologiae”: A Concise Translation, pp. 236, với những sửa đổi chút ít).

[6] Đảng viên Đảng tiền thân của Đảng Dân Chủ ở Anh Quốc.

[7] St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, Ia IIae, 96,4 (McDermott, St. Thomas Aquinas, “Summa Thelologiae”: A Concise Translation, pp. 291).

[8] Ibidem; x. Cv 5,29.

[9] St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, IIa IIae, 25, 4 và 5 (McDermott, St. Thomas Aquinas, “Summa Thelologiae”: A Concise Translation, pp. 355 với một chút thay đổi).

[10] Xc. Ibid., Ia, 98, 2, ad 3.

[11] Ibid., IIa IIae, 95, 5 (McDermott, Ibid., pp. 413 với thay đổi chút ít)

Chia sẻ