Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Giới thiệu tác phẩm: Những cuộc đàm đạo về "Summa Contra Gentiles"

Văn phòng Học Viện
2025-01-07 11:13 UTC+7 689
bia-sach-a5-1-1736223058.png

-- -- -- Nhân dịp kỷ niệm 750 năm ngày thánh Raymunđô Penhafort về với Chúa (06-01-1275),  Học viện Thần học Đa Minh xin giới thiệu đến quý độc giả tác phẩm

Những cuộc đàm đạo về Summa Contra Gentilescủa thánh Tôma Aquinô (1224-1274)

của Linh mục Giuse Phan Tấn Thành, OP.

-- -- -- Tác phẩm này là lời giới thiệu về bộ Summa Contra Gentiles – bộ tổng luận quan trọng nhưng ít được biết đến của thánh Tôma Aquinô. Việc chọn giới thiệu tác phẩm này trong dịp kỷ niệm đặc biệt này càng có ý nghĩa bởi mối liên hệ lịch sử sâu sắc giữa hai vị thánh, Raymunđô Penhafort và Tôma Aquinô.

-- -- -- Tác phẩm được trình bày với bố cục và nội dung như sau:

NHỮNG CUỘC ĐÀM ĐẠO CHUNG QUANH BỘ “SUMMA CONTRA GENTILES

CỦA THÁNH TÔMA AQUINÔ (1224-1274)

-------------

MỤC LỤC

-- -- -- Dẫn nhập

-- -- -- Quyển Một : Về Thiên Chúa

-- -- -- Mục 1. Những câu hỏi dẫn nhập: lý trí và đức tin.

-- -- -- Mục 2. Sự hiện hữu của Thiên Chúa

-- -- -- Mục 3. Vài đặc điểm của Thiên Chúa

-- -- -- Mục 4. Bản tính của Thiên Chúa

-- -- -- Mục 5. Sự hiểu biết của Thiên Chúa

-- -- -- Mục 6. Ý muốn của Thiên Chúa

-- -- -- Mục 7. Sự sống của Thiên Chúa

-- -- -- Quyển Hai: Thiên Chúa, Đấng tạo thành

-- -- -- Mục 8. Sự tạo dựng

-- -- -- Mục 9. Sự phân biệt các loài thụ tạo

-- -- -- Mục 10. Con người 

-- -- -- Quyển Ba: Thiên Chúa cùng đích của muôn loài

-- -- -- Mục 11. Mọi vật đều hướng về Thiên Chúa là Sự thiện

-- -- -- Mục 12. Thiên Chúa là hạnh phúc của con người

-- -- -- Mục 13. Thiên Chúa quan phòng vạn vật

-- -- -- Mục 14. Sự quan phòng của Thiên Chúa đối với loài người 

-- -- -- Quyển Bốn: Những chân lý vượt quá tầm hiểu biết của lý trí

-- -- -- Mục 15. Mầu nhiệm Thiên Chúa Tam vị

-- -- -- Mục 16. Mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể

-- -- -- Mục 17. Các bí tích

-- -- -- Mục 18. Cánh chung

-- -- -- Kết luận

Dẫn nhập

Mỗi khi nhắc đến thánh Tôma Aquinô, người ta thường nghĩ ngay đến tác phẩm nổi tiếng nhất, đó là bộ “Tổng luận thần học” (Summa Theologica), nhưng ít người biết đến một bộ tổng luận khác không kém quan trọng, đó là “Tổng luận chống lại chư dân” (Summa contra gentiles)

Trong bài dẫn nhập này, chúng tôi xin giới thiệu tổng quát về tác phẩm và phương pháp “đàm đạo” được dùng để trình bày nội dung.

I. Tác phẩm

Trước hết, xin ôn lại tiểu sử thánh Tôma.

A. Tiểu sử tác giả

Cuộc đời của thánh nhân tương đối đơn giản: đó là một cuộc đời dành cho việc truy tầm chân lý qua việc học hành và giảng dạy, chứ không giữ chức vụ quản trị nào trong Giáo hội và Dòng, và có thể tóm lại sáu giai đoạn chính như sau:

1/ Thuở thiếu thời. Sinh tại Roccasecca khoảng năm1224/5. Khoảng năm 1230/31, cậu được dâng hiến cho đan viện Biển Đức ở Montecassino. Năm 1239 được gửi theo học triết học tại đại học Napoli. Tại đây Tôma làm quen với Dòng Đaminh, và xin lãnh áo dòng năm 1244, bất chấp sự phản đối của gia đình.

2/ Thụ huấn tại Paris- Colonia. Mùa thu năm 1245, anh được Dòng gửi lên Paris để tiếp tục học triết học và thần học. Năm 1248, anh theo cha Albertô về Cologne, tại đây anh thụ phong linh mục và bắt đầu trợ giúp dạy Kinh Thánh.

3/ Dạy học tại Paris (1252-56; 1256-59). Tôma trở về Paria làm phụ khảo cho cha Elie de Bergerac. Năm 1256, cha được cấp bằng tiến sĩ thần học và giữ ghế giáo sư thực thụ của phân khoa thần học.

4/ Trở về Italia. (1259-68), dạy học ở Napoli, Orvieto, Rôma. Từ năm 1265, bắt đầu viết Summa Theologica.

5/ Dạy học tại Paris lần hai. (1268-72)

6/ Những năm cuối đời tại Italia. Rời Paris năm 1272, cha trở về Napoli để tổ chức học viện tại đây. Cha tiếp tục công việc viết sách và dạy học cho đến ngày 6-12-1273, thì ngưng hết mọi việc. Cha qua đời tại Fossanova ngày 7-3-1274. Tiến trình phong thánh khởi đầu từ năm 1323, và kết thúc với việc tuyên thánh ngày 18-7-1323.

B. Tác phẩm

Chúng tôi không muốn liệt kê tất cả các tác phẩm của thánh Tôma, nhưng chỉ tập trung vào cuốn sách đang bàn, liên quan đến tên gọi, mục đích biên soạn; bố cục

1/ Tên gọi

Cuốn sách mang nhiều tựa đề: Summa contra Gentiles;  Liber de veritate catholicae fidei contra errores infidelium; Liber contra Gentiles; Tractatus de fide catholica contra gentiles.

Bắt đầu viết từ khi còn dạy học lần thứ nhất tại Paris (trước mùa hè 1259), Tôma đã sửa đi sửa lại bản thảo ba bốn lần và hoàn tất khoảng năm 1264-65 sau khi trở về Italia. (Nên biết là Summa Theologica được viết sau đó, bắt đầu từ năm 1265 nhưng bị ngưng lại vào tháng 12 năm 1273).

2/ Chủ đích

- Theo ý kiến cổ truyền (từ thế kỷ XIV), tác phẩm này được viết theo lời yêu cầu của cha Raymondo Penafort, nguyên tổng quyền Dòng Đa Minh, nhằm giúp cho các anh em đi giảng đạo cho người Hồi giáo nằm ngay trên miền Nam nước Tây-ban-nha. Như vậy mục đích là hộ giáo và truyền giáo[1].

- Vào thế kỷ XX, ý kiến này bị xét lại khi nghiên cứu nội dung của tác phẩm. Tác giả không chỉ nhằm đến các tín đồ Hồi giáo mà bàn đến đủ mọi hình thức lầm lạc (errantes) trái nghịch với đức tin Công giáo. Như vậy, có lẽ đây không phải là cẩm nang dành cho các nhà truyền giáo, nhưng là một tác phẩm thần học: những kẻ “ngoại đạo” có lẽ bao gồm cả các triết gia tại Paris (Ý kiến của R. A. Gauthier).

- Một ý kiến khác tìm cách dung hoà như sau. Tác phẩm này không được viết trực tiếp cho các nhà truyền giáo, nhưng được dành cho các Kitô hữu muốn đào sâu đức tin, hầu có thể trả lời những vấn nạn của người ngoại đạo (Ý kiến của F. Van Steenberghen, A. Patfoort)[2].

3/ Bố cục

Gồm bốn quyển. Ba quyển đầu tiên bàn về những chân lý mà lý trí có thể chứng minh được; Quyển thứ bốn bàn về những chân lý vượt quá tầm hiểu biết của lý trí. Những chân lý mạc khải không thể chứng minh bằng luận lý, mà chỉ có thể vạch ra sự “thích hợp” (convenientia) của chúng. Có thể tóm lại như sau:

- Quyển I. Sự hiện hữu và các ưu phẩm của Thiên Chúa. (Thiên Chúa tự tại). Gồm 102 chương.

- Quyển II. Sự tạo dựng: mọi vật bắt nguồn từ Thiên Chúa. (Thiên Chúa nguyên nhân tác thành), gồm 101 chương.

- Quyển III. Sự quan phòng: mọi sự hướng về Thiên Chúa như cứu cánh. (Thiên Chúa nguyên nhân cứu cánh), gồm 163 chương. Đây là phần dài nhất.

- Quyển IV. Những mầu nhiệm vượt quá lý trí mà con người chỉ có thể biết nhờ mạc khải: Chúa Ba ngôi; Nhập thể; các Bí tích; Cánh chung. Gồm 97 chương.

II. Những cuộc đàm đạo.

            Có nhiều cách trình bày sách “Tổng luận chống lại chư dân”, chẳng hạn như qua việc bình luận, chú giải, đối chiếu với “Tổng luận thần học”. Đây là hình thức được áp dụng trong các nghiên cứu khoa học[3].

            Tuy nhiên, cha Giuseppe Sala Cuggiono (1933-2010), một linh mục quản xứ thuộc giáo phận Milano (Italia), muốn đưa các tác phẩm của thánh Tôma đến với mọi người, bằng cách giải thích các ý tưởng thần học bằng một ngôn ngữ đơn sơ dễ hiểu. Loạt bài này viết theo thể văn đàm đạo, nghĩa là một cuộc nói chuyện giữa một linh mục (Don Battista) với một bạn trẻ (Teofilo), trong đó linh mục trả lời các thắc mắc do anh đặt ra. Dựa theo các bài ấy[4], chúng tôi sắp xếp các đề mục như sau:

                A. Quyển Một : Về Thiên Chúa

            Mục 1. Những câu hỏi dẫn nhập: lý trí và đức tin.

            Mục 2. Sự hiện hữu của Thiên Chúa

            Mục 3. Vài đặc điểm của Thiên Chúa

            Mục 4. Bản tính của Thiên Chúa

            Mục 5. Sự hiểu biết của Thiên Chúa

            Mục 6. Ý muốn của Thiên Chúa

            Mục 7. Sự sống của Thiên Chúa

            B. Quyển Hai: Thiên Chúa, Đấng tạo thành

            Mục 8. Sự tạo dựng

            Mục 9. Sự phân biệt các loài thụ tạo

            Mục 10. Con người

            C. Quyển Ba: Thiên Chúa cùng đích của muôn loài

            Mục 11. Mọi vật đều hướng về Thiên Chúa là Sự thiện

            Mục 12. Thiên Chúa là hạnh phúc của con người

            Mục 13. Thiên Chúa quan phòng vạn vật

            Mục 14. Sự quan phòng của Thiên Chúa đối với loài người

            D. Quyển Bốn: Những chân lý vượt quá tầm hiểu biết của lý trí

            Mục 15. Mầu nhiệm Thiên Chúa Tam vị

            Mục 16. Mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể

            Mục 17. Các bí tích

            Mục 18. Cánh chung

Mỗi mục gồm nhiều đề tài, được xếp đặt quanh các câu hỏi được nêu lên.

Chúng tôi sẽ tham chiếu vào chính nguyên bản, được viết tắt theo ký hiệu như sau:

CG (Contra gentes), I (số La-mã, chỉ phần), 1 (số Ả-rập, chỉ chương). Thí dụ: CG I,10 (về sự hiện hữu của Thiên Chúa), quyển I, chương 10.

Nếu ai muốn đào sâu vấn đề thì có thể tham khảo tác phẩm đã được dịch ra các sinh ngữ chính của Âu châu:

-          Pháp:  René-Antoine Gauthier Saint Thomas d’Aquin, Somme contre les gentils (Philosophie européenne), Paris 1993. Réginald Bernier, Thomas d’Aquin, Somme contre les gentils, Latout-Maubourg 1993. Vincent Aubin, Cyrille Michon, Denis Moreau, Thomas d’Aquin, Somme contre les gentils 1–4, Flammarion, Paris 1999.

-          Anh in Internet Archive. Burns Oates & Washbourne Ltd. (1924). Summa contra Gentiles, five volumes, New York: Hanover House, (1955-57; reprint University of Notre Dame Press, 1975): Book One, God, trans. Anton C. Pegis; Book Two, Creation, trans. James Anderson; Book Three, Providence, (Part 1 and Part 2) trans. Vernon Bourke; Book Four, Salvation, trans. Charles J. O'Neil.

-          Đức: Hans Nachod, Paul Stern, Thomas von Aquin, Die Summe wider die Heiden in vier Büchern, Leipzig 1935–1937. Karl Albert, Thomas von Aquin, Summa contra gentiles 1.–4. Buch. Lateinisch und deutsch, Darmstadt 2001.

-          Tây-ban-nha: Laureano Robles Carcedo, Adolfo Robles Sierra, Santo Tomás de Aquino, Suma contra los gentiles, 2 vol., Biblioteca de Autores Cristianos., Madrid 1967–1968.

-          Ý: Somma contro i Gentili, a cura di Tito S. Centi, Collezione Classici delle religioni, UTET, Torino, 1975.

 



[1] Nguồn gốc của truyền thuyết này là Pedro Marsili O.P., Cronice Illustrissimi Registro Aragonum dominio Jacobi victorissimi principios, (năm 1314).

[2] X. Jean-Pierre Torrell, Saint Thomas Aquinas. Vol. I: The Person and his Work, The Catholic University of America Press, rev. edition, 2005, p. 101-116.

[3] Một thí dụ: Brian Davies, Thomas Aquinas’s Summa contra gentiles, A guide and commentary, Oxford University Press, New York 2016.

[4] Don Battista e la Somma contro i gentili, đăng trên mạng tại địa chỉ: https://sites.google.com/site/amicidisantommaso/contragentiles?authuser=0

Chia sẻ