Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Hạnh Phúc – Cứu Cánh Tối Hậu Đời Sống Luân Lý Qua Lối Tiếp Cận Của Thánh Tôma Aquinô

Administrator
2018-09-23 10:23 UTC+7 31
Trần Hoàn Chỉnh, S.J.   Từ cổ chí kim, ý tưởng về hạnh phúc đã được ấp ủ trong tâm thức của nhân loại; khát vọng hạnh phúc cũng là một nhu cầu sâu thẳm và mãnh liệt, vốn dĩ đã ăn rễ sâu trong lòng người và gắn liền với bản tính con người, […]


Trần Hoàn Chỉnh, S.J.

 

Từ cổ chí kim, ý tưởng về hạnh phúc đã được ấp ủ trong tâm thức của nhân loại; khát vọng hạnh phúc cũng là một nhu cầu sâu thẳm và mãnh liệt, vốn dĩ đã ăn rễ sâu trong lòng người và gắn liền với bản tính con người, như thánh Tôma Aquinô đã nói: “Theo bản tính tự nhiên, tất cả mọi người đều khát mong hạnh phúc.”[1] Tuy nhiên, phải hiểu như thế nào về hạnh phúc? Có lẽ trả lời câu hỏi: “hạnh phúc ở đâu?” và “ai là người hạnh phúc?” thì dễ hơn; bởi lẽ trên thực tế tất cả mọi người đều mong muốn hạnh phúc, nhưng trên nguyên tắc lại bất đồng ý kiến với nhau về định nghĩa, cũng như phương thế thỏa mãn hạnh phúc; hay nói khác đi tuy dùng chung từ “hạnh phúc” nhưng người ta lại chẳng đồng ý với nhau về nội dung. Với ước mong tìm thấy phần nào những minh giải cho vấn nạn trên, trước hết bài viết này sẽ bàn về hạnh phúc dưới cái nhìn của một số trường phái triết học; thứ đến, sẽ tìm hiểu hạnh phúc xét như là cứu cánh tối hậu theo quan điểm của thánh Tôma Aquinô và cuối cùng sẽ đưa ra một vài suy tư nhận định cá nhân về đề tài này.

1. HẠNH PHÚC DƯỚI CÁI NHÌN CỦA MỘT SỐ TRƯỜNG PHÁI TRIẾT HỌC

Hạnh phúc là điều mà ai cũng nhắm tới và mong muốn sở đắc, vì thế những ai có cao vọng hướng dẫn loài người đều cố gắng trình bày hạnh phúc và vạch ra con đường đạt đến hạnh phúc. Cuộc hành trình tìm kiếm hạnh phúc thật đa dạng: người thì tìm hạnh phúc nơi đời sống hưởng thụ vật chất, người thì nơi đời sống an thái tinh thần; kẻ thì chỉ ước muốn sở đắc hạnh phúc cho bản thân; người thi mong ước sẻ chia hạnh phúc cho tha nhân…Về mặt ngôn ngữ, hạnh phúc được xem là điều tốt đẹp đến với một người nào đó như tài sản, vui vẻ, may mắn… Lối hiểu này khiến người ta nhắm đến một thứ hạnh phúc nào đó rất cụ thể, thường là một hạnh phúc giới hạn. Tuy nhiên, con người không chỉ dừng lại ở một thứ hạnh phúc giới hạn, nhỏ lẻ nào đó, nhưng vẫn luôn khao khát một hạnh phúc trường tồn, cố định. Các triết gia, các nhà đạo đức, các nhà tôn giáo… đều nói đến hạnh phúc như một cái gì mà con người phải đạt tới như một lý tưởng… 

Trong ngôn ngữ triết học, đối tượng của hạnh phúc là những giá trị; giá trị khả giác hay khả tri, hữu hình hay vô hình, xác thể hay tinh thần. Dưới đây là một số quan niệm về hạnh phúc.

– Đối với những người theo chủ nghĩa duy khoái (hedonism), khoái lạc là cùng đích của cuộc sống và là sự thiện cao nhất. Họ đánh đồng hạnh phúc với khoái lạc, một thứ khoái lạc ở cấp độ cảm giác, một sự bình an thư thái của tâm trí và một tình trạng thanh bình tươi vui như Epicure khẳng định: “hạnh phúc là triệt để hưởng thụ đời này cho đến hơi thở cuối cùng.” Dĩ nhiên cái vui sướng, hoan lạc của Epicure không phải là cái khoái lạc của những kẻ buông thả cho nhục dục, nhưng hậu thế thường hiểu rằng Epicure chủ trương sống là hành lạc, theo nghĩa vật chất: “Một thân thể không đau, một tâm hồn không loạn: hạnh phúc thật của con người chí có bấy nhiêu thôi.

– “Còn những người theo chủ thuyết duy ngã luân lý (Ethical Egoism) thì cho rằng mỗi người phải theo đuổi lợi ích cho riêng mình và trách nhiệm của người đó là chỉ nhằm thúc đẩy lợi ích của mình mà thôi. Họ xem lợi ích bản thân là điều thiện và từ đó đánh đồng việc thỏa mãn lợi ích cá nhân, thỏa mãn chình mình là hạnh phúc mà con người phải kiếm tìm.

– Tiếp nối chủ nghĩa duy khoái, chủ nghĩa duy ngã luân lý, chủ nghĩa duy lợi với hai đại diện tiêu biểu là Jeremy Bentham và John Stuart Mill cho rằng sự sung sướng và hạnh phúc là điều mọi người mong muốn. Từ điểm này, các nhà duy lợi kết luận rằng toàn thể ý tưởng đạo đức về “cái tốt” có thể được hiểu thích đáng nhất dựa trên nguyên lý hạnh phúc mà họ gọi là “hạnh phúc lớn nhất cho nhiều người nhất” và họ hiểu rằng người ta đạt được “cái tốt” khi toàn thể sự vui sướng lớn hơn toàn thể các đau khổ “chịu đau khổ tối thiểu và hưởng khoái lạc tối đa”. Vì vậy, một hành vi là tốt nếu nó có ích trong việc đạt sự vui sướng và giảm bớt đau khổ.[2] Với phương châm “hạnh phúc lớn nhất cho nhiều người nhất”, chủ chuyết này nhắm đến mục tiêu phúc lợi xã hội (social welfare). Đây là điểm khác với chủ nghĩa duy khoái và duy ngã khi cho nói đến hạnh phúc tập thể thay vì hạnh phúc cá nhân.

Immanuel Kant nói về hạnh phúc như là tình trạng thoả mãn mọi nhu cầu, khuynh hướng cả bề mặt lẫn bề sâu, cả phẩm lẫn lượng như sau: “là sự thoả mãn tất cả mọi khuynh hướng của chúng ta, cả về trương độ (nghĩa là số lượng) lẫn cường độ (nghĩa là mức độ) và về kỳ gian (nghĩa là kéo dài trong thời gian)”. Dĩ nhiên, khác với các trường phái trước, Kant cho rằng hạnh phúc không bao giờ là đối tượng trực tiếp của một sự tìm kiếm, nhưng là phần thưởng kèm theo một hành vi xứng hợp, đúng với mục đích. Kant cho thấy: hạnh phúc là hậu quả của việc tuân giữ luật luân lý. Điều phải thực hành là tuân giữ lề luật và hành động theo những Mệnh lệnh tuyệt đối.  Nhưng khi một người đã biết tôn trọng lề luật theo đúng lương tâm – vì biết giá trị của lề luật – thì đương nhiên có một niềm vui xâm chiếm tâm hồn.

Chủ nghĩa tiến bộ (Pregressism) nhìn cùng đích của con người như là một cuộc tiến hóa hướng đến một tình trạng dù chưa biết rõ nhưng ở một mức độ cao hơn, tiến bộ hơn. Trong tình trạng này, con người sẽ tìm kiếm những sự thăng tiến và triển nở không ngừng trong đời sống của mình như châm ngôn của các môn thể thao thế vận hội: “Altius, Fortius, Celerius – Cao hơn, mạnh hơn, nhanh hơn.” Nói cách khác, chủ thuyết này nhìn giá trị như cùng đích (ở số nhiều), như những đỉnh cao mà con người phải vươn tới và vươn xa hơn…  

Tóm lại, trong quá trình cố gắng trình bày hạnh phúc và vạch ra con đường đạt đến hạnh phúc, một số trường phái triết học dù đã xem hạnh phúc là điều mà mọi con người đều khao khát nhắm đến, tuy nhiên các trường phái này khi nhìn hạnh phúc là những giá trị như khoái lạc, lợi ích cá nhân, phúc lợi xã hội… dứoi lăng kính của hiệu quả (consequence) đã phần nào giới hạn và bó hẹp, thậm chí đánh mất ý nghĩa đích thực của hạnh phúc. Vậy có tồn tại hạnh phúc xét như là cùng đích tối hậu? Làm thế nào có thể đạt được hạnh phúc này? Chúng ta phần nào tìm thấy được những soi sáng cho những vấn nạn này qua lối tiếp cận của thánh Tôma Aquinô.

2. HẠNH PHÚC XÉT NHƯ LÀ CÙNG ĐÍCH TỐI HẬU THEO LỐI TIẾP CẬN CỦA THÁNH TÔMA AQUINÔ

Thánh Tôma không phủ nhận những giá trị mà các chủ thuyết nhắm tới, nhưng những hạnh phúc mà họ chủ trương rốt cuộc chỉ là những giá trị trần thế, tạm bợ và chóng qua mà thôi. Ngài cho rằng những giá trị thế gian thấp kém hơn con người cũng như chính con người không có khả năng đem lại hạnh phúc đích thực.Trước hết, phản bác lại những người chủ trương hạnh phúc cốt tại khoái lạc, lợi ích của con người, phúc lợi chung… hay nói khác đi hạnh phúc phần nào nghiêng theo những giá trị thế gian và lạc thú khả giác. 

Thực vậy, thánh Tôma cho rằng những thứ gì nằm bên dưới cấp độ con người như những điều tốt của thế gian: giàu có, gia đình, danh dự, địa vị, quyền lực, ảnh hưởng…  đều không thể làm cho con người hạnh phúc nếu không muốn nói rằng đôi khi chúng mang đến bất hạnh cho con người. Theo ngài những của cải trần gian như thân xác, tiền bạc, danh vọng… không thể là đối tượng của hạnh phúc, vì những vui thú mà chúng đem đến không thỏa mãn tất cả mọi nhu cầu của con người. Và nếu người ta có thấy hạnh phúc nào trong việc thụ hưởng hiện tại, thì cũng bị đe dọa bởi những tai họa như đau ốm bệnh tật, và cuối cùng là cái chết. Rốt cuộc, những thứ giá trị đó chỉ là phương tiện chứ không phải cứu cánh, chỉ là cho con người chứ không phải con người cho chúng.[3]

Bên cạnh đó, thánh Tôma cũng phản bác luôn những chủ trương cho rằng con người tự mình có thể đem lại hạnh phúc cho chính mình. Quả vậy, theo Tôma, những phẩm chất như sự hoàn hảo của thể xác (sức khỏe, sắc đẹp, kĩ năng và những khả năng thể lý khác), không mang lại hạnh phúc cho con người. Cũng vậy, sự hoàn hảo của linh hồn cụ thể là kiến thức (sự hoàn hảo của trí tuệ) và nhân đức (sự hoàn hảo của ý chí) chỉ là phương tiện không thể thiếu để giúp đạt đến hạnh phúc, nhưng tự thân chúng không phải là hạnh phúc. Ngay cả sự hoàn hảo của cả linh hồn lẫn thể xác vốn thể hiện ở sự khoái lạc (sự kết hợp giữa khoái cảm giác quan và tri thức) và tiến bộ của loài người cũng không mang lại hạnh phúc cho con người.[4] Do đó, khác với quan niệm của Aristotle, thánh Tôma cho rằng bản thân con người và việc thể hiện những chức năng, khả năng tự nhiên của con người mà thôi thì không đủ để đưa dẫn họ tới hạnh phúc hoàn hảo, nói cách khác loại đạo đức học tự nhiên tính theo kiểu của Aristotle chưa đủ chứ không phải là không hoàn bị.[5]

Tóm lại, theo Tôma, của cải, khoái lạc, quyền lực, sức khỏe, kiến thức… tất cả đều là những điều tốt và là đối tượng hợp pháp của sự ham muốn, nhưng chúng không thể tạo ra hạnh phúc sâu xa nhất cho con người vì chúng không có tính chất của cái thiện phổ quát mà linh hồn con người tìm kiếm. Suy cho cùng, chúng chỉ là những đích điểm gần, đích điểm ở giữa và đích điểm xa để dẫn tới một cùng đích khác, hay nói cách khác chỉ là những phương tiện mà thôi.Vậy đâu mới là điều khả dĩ làm cho con người được hạnh phúc? Với những lập luận dựa trên luật tự nhiên và tư tưởng Kitô giáo, thánh Tôma trả lời: điều gì cao quí, cao trọng hơn con người. Đó là Thiên Chúa. Nói khác đi, chỉ nơi Thiên Chúa, con người mới tìm thấy hạnh phúc đích thực, hạnh phúc toàn hảo, cái thiện tối thượng và cũng chính là Cùng đích Tối hậu của đời sống con người. Thực vậy, đối với thánh Tôma, hạnh phúc xét như là Cùng đích Tối hậu hiểu theo nghĩa vừa raditus (xuất phát ra) vừa exitus (tới đích điểm). Nói cách khác hạnh phúc là một cái đích tối hậu để đi tìm nhưng cũng là một cõi cội nguồn để trở về.

Giống như Aristotle, thánh Tôma cho rằng cái đích hay cứu cánh của con người có liên hệ mật thiết với hạnh phúc, vốn là đối tượng tìm kiếm của đạo đức học hay luân lý học. Thực vậy, hành vi nhân linh, tức là những hành động xuất phát do ý muốn đã được suy nghĩ (ý chí và lý trí), một cách tất yếu được thực hiện vì mục đích.[6] Hành trình khao khát và tìm kiếm hạnh phúc là một hành vi nhân linh. Vì thế, để đạt hạnh phúc, người ta phải hoàn thành mục đích của mình, một mục đích tối hậu, một đích nhắm siêu nhiên vốn vừa là nguồn mạch vừa là cái đích tối thượng của bản chất con người. Nhưng đâu là cách để con người đạt đến hạnh phúc như Tôma chủ trương?

Theo thánh Tôma, vì con người được tạo dựng để đạt tới cái đích thật là hạnh phúc vĩnh cửu, ngoài hạnh phúc trần thế, nên phải có luật có thể hướng dẫn họ đến cùng đích tối hậu siêu nhiên này. Trước hết, thánh Tôma cho rằng nơi con người, ý chí cùng với quyền năng của lý trí điều khiển hành vi con người và hướng con người tới sự hoàn thành điều thiện theo luật tự nhiên: “làm lành lãnh dữ. “Nghĩa là toàn bộ các dục vọng của con người tìm được thỏa mãn, và quá trình thỏa mãn đòi hỏi phải có những chọn lựa giữa các đối tượng khác nhau. Sự lựa chọn này phải được thực hiện bởi ý chí với sự hướng dẫn của lý trí. Nếu chọn lựa đúng, con người đạt hạnh phúc. Nhưng không phải mọi chọn lựa đều đúng. Vì vậy ý chí tự nó không thể luôn luôn hành động đúng; phải có trí tuệ hướng dẫn.

Tuy nhiên, theo Tôma, trí tuệ cũng không phải là nguồn nhận thức cuối cùng; luật tự nhiên thì chưa đủ để giúp con người đạt đến cứu cánh tối hậu. Chính vì vậy mà con người cần phải được hướng dẫn, được trợ giúp bởi luật của Thiên Chúa. Ở đây, Tôma đề cập đến ân sủng và chân lý mặc khải của Thiên Chúa như là một quà tặng để bảo đảm rằng mọi người biết họ phải làm gì để đạt được cả cùng đích tự nhiên lẫn cái đích siêu nhiên của họ.

Thực vậy, theo Tôma, luật tự nhiên chỉ biểu thị sự hiểu biết của lý trí con người về điều thiện, nhờ đó trí tuệ hướng dẫn ý chí điều khiển các dục vọng và đam mê của con người, giúp con người đạt cái đích tự nhiên của họ và đạt được các đức hạnh tự nhiên cơ bản là can đảm, tiết độ, công bằng và khôn ngoan.[7]  Dĩ nhiên những đức hạnh này không đương nhiên đem đến hạnh phúc. Vì hạnh phúc không bao giờ là đối tượng trực tiếp của một sự tìm kiếm như chủ trương của phái Khắc kỷ khi đánh đồng đức hạnh với hạnh phúc, nhưng là cái được “ban cho”, được “trao tặng”. Trong khi đó, luật Thiên Chúa đến trực tiếp từ Thiên Chúa qua mặc khải là món quà ân sủng của Ngài, nhờ đó con người được hướng tới cùng đích siêu nhiên của họ, sau khi nhận được các nhân đức đối thần (Tin – Cậy – Mến), không phải thông qua các năng lực tự nhiên vì những nhân đức này được phú ban cho con người do ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa.

Hơn nữa, mục đích không phải hoàn toàn nội tại đối với hành vi bởi nó có một phần là nguyên lý và một phần là cùng đích của hành vi. Như thế, hạnh phúc xét như là cùng đích tối hậu của đời sống luân lý của con người không chỉ đóng vai trò là đích đến mà còn là nguyên lý, là cội nguồn để con người tìm về. Do đó, tự nơi sâu thẳm của con người đều có một động lực thôi thúc họ, mời gọi họ tìm về với cội nguồn Chân – Thiện – Mỹ chứ không phải chỉ nhìn hạnh phúc theo kiểu hiệu quả hay mục tiêu nhắm tới như các trường phái trên. Như thế, con người không chỉ biết nỗ lực tiến lên theo kiểu của chủ nghĩa tiến bộ, nhưng tự nơi con người, họ đã được thông phần với Thiên Chúa là hạnh phúc do chính yếu tính của ngài. Do đó, nếu hiểu hạnh phúc là nhân đức thì chỉ có đức ái mới có thể được xem là cùng đích. Bởi lẽ, đức ái là quà tặng Thiên Chúa ban cho con người khi họ được sinh ra để nhờ đó họ được Chúa yêu và có khả năng yêu Chúa và tha nhân. Tuy nhiên không vì thế mà con người đương nhiên được hạnh phúc, nhưng đức ái nơi con người phải trở về với cội nguồn, với cõi đi về là chính Thiên Chúa để không ngừng được lớn lên, được triển nở và đạt đến đức ái trọn hảo trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, tức trở nên một với Chúa.Tóm lại, đối với thánh Tôma, Thiên Chúa chính là hạnh phúc xét như là cùng đích tối hậu và một khi còn ở trần gian này, không ai có thể đạt được hạnh phúc đích thực và hoàn hảo mà chỉ là hạnh phúc bất hoàn hảo mà thôi.[8]

3. MỘT VÀI SUY TƯ CỦA NGƯỜI VIẾT

Trong cuộc sống hiện đại hôm nay, hai từ hạnh phúc vẫn còn là nỗi trăn trở, ước mong, khao khát cháy bỏng mà con người mong đạt đến. Thế nhưng, có không ít người chỉ dừng lại an hưởng một thứ hạnh phúc giả tạo vốn được tìm thấy trong những của cải trần gian, lạc thú khả giác hay những giá trị tinh thần. Thực vậy, ngày nay những châm ngôn như “danh – lợi – dục”, “tiền – tình – tài”… xuất hiện nhan nhản trên cửa miệng nhiều người, trên phương tiện truyền thông… Có vẻ như người ta đang muốn quay trở lại với các chủ thuyết duy khoái, duy ngã, duy lợi và duy tiến bộ… vốn đã được khoác bằng một vỏ bọc mới thường vẫn được gọi tên là: chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hưởng thụ và chủ nghĩa vật chất. Ý thức được sự phức tạp của vấn đề, người viết không dám phủ nhận hoàn toàn quan điểm của những chủ thuyết xem hạnh phúc là sự thỏa mãn khoái lạc, lợi ích cá nhân hay một thứ lợi ích theo kiểu “hạnh phúc lớn nhất cho nhiều người nhất.” Tuy nhiên phải chăng những chủ thuyết này vì quá đặt nền tảng trên tính hiệu quả vốn sặc mùi duy nghiệm sao? Liệu có phải là hạnh phúc thật chăng khi hạnh phúc đó chỉ đến với một cá nhân hay ít nhất là một tập thể nào đó? Liệu có quyền nại đến chiều kích hiệu quả để chỉ vì đạt được hạnh phúc mà bất chấp sử dụng mọi phương tiện xấu chăng? Những giá trị thế gian và lạc thú khả giác đó đã thật sự là điều thiện hảo mang tính phổ quát chưa?

Thiết nghĩ tất cả những thứ hạnh phúc xét như là cùng đích của những chủ thuyết nói ở phần trên thực là chỉ là những phương tiện mà thôi hoặc chí ít cũng chỉ là những loại đích điểm mang tính tạm thời, ngắn hạn, trung gian mà thôi. Nói cách khác, sự an lạc của thể xác hay tinh thần suy cho cùng cũng chỉ là những nẻo đường đưa dẫn đến một hạnh phúc cao hơn, toàn vẹn hơn, đó là chính Thiên Chúa.

Tuy nhiên, vấn nạn đặt ra là đâu phải mọi người đều chấp nhận Thiên Chúa theo mặc khải Kitô giáo là Hạnh phúc, là Cùng đích Tối hậu. Thực ra, chính thánh Tôma cũng đã lường trước điều này khi ngài đưa ra Ngũ đạo chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa. Bằng lập luận triết học, ngài đã cho thấy rằng không phải chỉ riêng người Kitô hữu mới hướng đến Cùng đích Tối hậu mà tất cả mọi con người có lý trí. Bên cạnh đó, một thụ tạo hay mọi thụ tạo đều không thể đáp ứng những đòi hỏi, khao khát của con người. Hạnh phúc theo Boetius là có tất cả mọi của cải; theo Aristotle là biết sự thật và yêu sự thiện; theo Platon là chiêm ngắm vẻ đẹp lý tưởng; theo Kant là thỏa mãn tất cả mọi nhu cầu… Tất cả mọi lối giải thích và định nghĩa của triết học đều đưa đến kết luận là: con người chỉ có thể tìm thấy hạnh phúc nơi điều gì đó cao vượt hơn mọi thụ tạo, nơi Hữu thể Tuyệt đối, là Chân lý, Thiện hảo và Xinh đẹp. Nói cách khác hạnh phúc con người là tìm về Chân – Thiện – Mỹ. Thực vậy, Kant tìm một nền tảng hữu lý cho vấn đề đạo đức, cuối cùng cũng phải giả thiết sự hiện hữu của Thiên Chúa, như nguyên nhân tối cao, toàn năng, toàn tri của lề luật luân lý và là tác nhân của trật tự tự nhiên. Vấn đề hạnh phúc là vấn đề chính yếu của luân lý không thể giải quyết mà không đưa đến nguyên nhân và nguồn gốc của mọi sự: Thiên Chúa Toàn Năng và Hằng Hữu.

Dĩ nhiên, để đạt đến hạnh phúc đích thực này không phải nhất nhất đều bắt mọi người theo Kitô giáo, vì với tư cách là con người, nền tảng nghĩa vụ đạo đức được tìm thấy trước hết trong bản chất của họ là “làm thiện tránh ác”; do đó với chân lý đạo đức này con người với ý chí được hướng dẫn bởi lý trí và tự do, có thể lên đường tìm đến và trở về hạnh phúc đích thực. Hơn nữa, một điều quan trọng không thể bỏ quên sự kiện là chính Thiên Chúa, với cách riêng của Ngài vẫn hằng soi sáng và đưa dẫn con người tìm về Ngài bằng ân sủng và tình yêu của Ngài, dù họ là ai và theo tôn giáo nào.

—————–

TÀI LIỆU THAM KHẢO

AQUINÔ Tôma, Tổng Luận Thần Học, quyền II, phần 1, tập 3, Trần Ngọc Châu chuyển ngữ. NGÔ Văn Vững, SJ, Chân Phúc, Antôn & Đuốc Sáng, 2006.RACHELS James, Stuart Rachels, Mc Graw Hill, New York, 2010.STUMPF Samuel Enoch, Philosophy – History and Problem Lịch sử triết học và các luận đề, Đỗ Văn Thuấn, Lưu Văn Hy dịch, NXB. Lao Động, Hà Nội, 2004.

—————–

[1] Sum. Theol. I, q 2 ad1.[2] Các luận đề tr. 292.[3] X. Tôma 27-46.[4] Tôma 44-46[5] X. luận đề 156.[6] Thánh Tôma Aquinô, Tổng Luận Thần Học, Q. II, 1,1.tr. 8-9.[7] X. luận đề 158-159.

[8] Tôma 97

 
Chia sẻ