Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Năm Đức Tin Với Thánh Tôma Aquinô: Chú Giải Kinh Tin Kính Đại Kết (3/4) – Bài 48

Administrator
2018-09-23 10:23 UTC+7 30
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.   NĂM ĐỨC TIN THEO THÁNH TÔMA – Bài 48 ĐỀ TÀI: CHÚ GIẢI KINH TIN KÍNH ĐẠI KẾT (3) *** Trong bản giải thích đại kết kinh Tin kính, phần thứ ba gồm bốn tiết: 1) Chúa Thánh Thần. 2) Hội thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo […]


Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

 

NĂM ĐỨC TIN THEO THÁNH TÔMA – Bài 48

ĐỀ TÀI:

CHÚ GIẢI KINH TIN KÍNH ĐẠI KẾT (3)

***

Trong bản giải thích đại kết kinh Tin kính, phần thứ ba gồm bốn tiết: 1) Chúa Thánh Thần. 2) Hội thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. 3) Một phép rửa để tha tội. 4) Người chết sống lại và sự sống đời sau. Chúng tôi tách phần này ra hai bài: lần này bàn về Chúa Thánh Thần (tiết 1); những tiết còn lại được dành cho bài tới.

***

PHẦN III

CHÚNG TÔI TIN KÍNH THÁNH THẦN

TIẾT 1: TÔI TIN KÍNH THÁNH THẦN

A. Thách đố

Hội thánh tuyên xưng Thánh Thần là Chúa và là Đấng ban sự sống: chính nhờ quyền năng của Ngài mà chúng ta có thể tin và tuyên xưng Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta được dẫn đưa vào sự thông hiệp với Cha và Con. Lời tuyên xưng ấy gặp phải những thách đố sau đây:

1) cuộc tranh luận thần học giữa các Giáo hội Đông phương với Tây phương chung quanh từ ngữ “Filioque“;

2) sự liên hệ giữa Thánh thần của Chúa với tinh thần và ý thức của con người;

3) sự liên hệ giữa Thánh Thần với ơn ngôn sứ trong Cựu ước và trong Hội thánh;

4) tác động của Thánh Thần ngoài biên cương của Hội thánh.

B. Ý nghĩa

Vào thời công đồng Constantinopolis I (381), Giáo hội phải đương đầu với những học thuyết chối bỏ thiên tính của Thánh Thần. Nên ghi nhận là công đồng không có gọi Thánh Thần là “Thiên Chúa” (Theos, Deus) như là khi nói về đức Kitô (Deum de Deo); công đồng cũng không áp dụng tiếng “đồng bản thể” (consubstantialis) cho Thánh Thần. Tuy nhiên thiên tính của Thánh Thần được khẳng định khi Ngài được gọi là “Chúa” (To kyrion, Dominus).

Tân ước quả quyết sự can thiệp của Thánh Thần trong công cuộc nhập thể của đức Kitô (Lc 1,35), cũng như trong suốt hoạt động thiên sai của Người (Mt 12,28; Lc 4,14; Ga 1,32), và khi phục sinh đức Kitô từ cõi chết (1 Cr 15,45). Hơn thế nữa, các tín hữu nhìn nhận rằng Ngài cũng chính là Thần khí đã tham dự vào công cuộc tạo dựng vạn vật (Kn 1,2), đã nói qua các ngôn sứ, đã xướng lên các lời cầu nguyện của chư dân. Đặc biệt, từ ngày lễ Ngũ tuần, các Kitô hữu cảm thấy Ngài tác động trong Hội thánh, trong lời giảng của các tông đồ, trong các linh ơn khác nhau để phục vụ cộng đoàn. Chính Ngài gợi dậy đức tin (1 Cr 12,3), tâm tình cầu nguyện (Rm 8,12-16). Thật sự Thánh Thần là Đấng An ủi mà đức Kitô hứa sẽ phái đến; Thánh Thần sẽ dẫn dắt Giáo hội và vũ trụ tới sự sống lại và vinh quang của Chúa. Vì vậy Thánh thần không phải là một động lực, nhưng là một ngôi vị Thiên Chúa, tác động trong lịch sử cừu rỗi (Tv 33,6; Ed 37,1-4; Rm 1,3-5; 8,14-17). Ở đâu mà Cha và Con tác động, thì đấy cũng có Thánh Thần: toàn thể công cuộc tạo dựng và hết mọi sự chúc lành đều phát nguồn từ Cha qua Con trong Thánh Thần.

1) Thánh Thần

Thần khí của Thiên Chúa được gọi là “thánh” bởi vì ngài thuộc về Thiên Chúa, Đấng rất thánh, và bởi vì mục tiêu của mọi tác động của Ngài nhằm đưa con người nên thánh qua sự thông hiệp với Ba ngôi Thiên Chúa. Thánh Thần đối chọi với hết mọi thứ thần dữ khác, bởi vì Ngài thánh hóa con người, ban cho con người được sự tự do của con cái Chúa; ngược lại, các thứ thần khác chỉ muốn đô hộ, xâm chiếm, đè bẹp con người.

Về sự hiện diện của Thánh Thần ở ngoài Hội thánh, thì giữa các người Kitô-hữu có những ý kiến khác nhau: có người cho rằng Thần khí của đức Kitô chỉ tác động trong cộng đồng Kitô hữu; ý kiến khác thì quả quyết rằng đâu có chân lý công bằng thì ở đấy có Thánh Thần của Chúa.

2) Ban sự sống

Nhờ và trong Thánh Thần mà tạo vật lãnh nhận sự sống (Tv 104,29.30). Vì vậy chúng ta phải tôn trọng sự sống dưới mọi hình thức, tuy không được phép rơi vào những thuyết muốn thần thánh hóa thiên nhiên hay ý thức con người. Cách riêng Thánh Thần ban cho các Kitô hữu sự sống mới trong đức Kitô qua bí tích rửa tội; nhờ đó họ được tái sinh làm con của Chúa, chia sẻ vào sự thông hiệp của Ba ngôi Thiên Chúa. Thánh Thần cũng là Đấng ban sinh lực cho Hội thánh qua các đặc sủng (charisma) để kiến tạo Hội thánh và phục vụ thế giới (1Cr 12,4-11.27-30; Ep 4,4-5).

3) Xuất phát bởi Chúa Cha

Khi tuyên xưng rằng Thánh Thần xuất phát bởi Chúa Cha thì cũng hàm ngụ có một liên hệ giữa Thánh Thần với Con, vì Con được Cha sinh ra. Trong lịch sử, các Giáo hội bên Tây đã thêm tiếng “Filioque” vào kinh Tin kính nhằm nói lên mối tương quan ấy. Các cuộc đối thoại ngày nay cho thấy hai bên Đông và Tây phương đều tin như nhau về tương quan giữa Ba ngôi Thiên Chúa; nhưng cần chờ đợi thời gian để tìm ra một phương thức biểu lộ niềm tin đồng nhất ấy. Mặt khác, dần dần tất cả các Giáo hội nhận thức rõ rệt hơn về sự tôn vinh dâng lên cả Ba Ngôi Thiên Chúa: không thể có phụng vụ và linh đạo dành riêng cho Thánh Thần tách biệt khỏi Cha và Con; đối lại không thể có sự thờ phượng và chúc vinh lên Cha và Con mà bỏ qua Thánh Thần.

4) Thánh Thần với các ngôn sứ

Lời tuyên xưng “Ngài đã dùng các tiên tri mà phán dạy” nhìn nhận rằng chính Thánh Thần đã thúc đẩy các ngôn sứ trong Cựu ước; vì thế không thể gạt bỏ các sách Cựu ước ra khỏi sổ bộ Kinh thánh, tuy dù biết rằng đức Kitô mới là sự viên mãn của Cựu ước. Mặt khác ơn ngôn sứ vẫn còn được Thánh Thần đổ trên Hội thánh hôm nay dưới nhiều dạng thức: những người tuyên bố lời Chúa trong những hoàn cảnh áp bức bất công; những người xây dựng Hội thánh bằng việc phụng tự; những người tham gia vào các hình thức canh tân đặc sủng; nhất là không hề thiếu những người chia sẻ số phận gian nan của chứng tá ngôn sứ. Dù sao, không phải bất cứ ai tự xưng là được linh ứng đều đáng tin: các tín hữu cần phải biết thực thi ơn phân định để nhận ra đâu là ngôn sứ chân chính của Thánh Thần (1Cr 14,22).

 

 

Chia sẻ