Quan Điểm Của Tôma Về Luật Tự Nhiên Và Nhân Luật
Giuse Nguyễn Đức Huân, OP. tổng hợp
1. Khái quát chung về luật theo Tôma
1.1. Khái niệm và các đặc tính của luật
Luật là những quy tắc có tính bắt buộc người khác phải tuân theo trong xã hội; vì danh từ luật trong tiếng Anh (law) và tiếng Pháp (loi) dịch từ tiếng Latinh là lex phát sinh từ ligare (trói buộc), vì luật ràng buộc hành động. Theo thánh Tôma, luật cũng là những qui tắc bắt buộc và chuẩn mực cho hành động của con người. Hay nói đúng hơn, luật là trật tự lý trí hướng đến lợi ích chung được công bố bởi người có thẩm quyền trong một cộng đồng.[1] Như vậy, ta thấy luật có bốn yếu tính: trật tự của lý trí, có tính bắt buộc, hướng về lợi ích chung và phải được công bố bởi những người có thẩm quyền.
Luật là một mệnh lệnh có tính bắt buộc và bền vững. Một điều lệ của nhà cầm quyền chỉ có tính bắt buộc trong suốt thời gian cầm quyền nhưng nó không là luật theo nghĩa chặt, vì nó không có bền vững. Luật thuộc một trật tự của trí năng vì quy tắc và tiêu chuẩn của hành vi nhân linh là lý trí. Vậy nên một hành vi ý chí đơn thuần, độc đoán của nhà cầm quyền, trái với đạo lý thì không được coi là luật.
Một trật tự của lý trí thì chưa đủ để cấu thành luật, vì nó cần phải hướng đến một mục đích xác định. Luật cần hướng đến việc thăng tiến lợi ích chung, lợi ích của toàn thể vốn là mục đích chung của cộng đồng. Những mệnh lệnh chỉ nhằm đến việc thăng tiến lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ thì không phải là luật. Thánh Tôma nói:
Như lửa là vật chủ yếu trong các vật nóng, và các vật thể được nói là nóng tùy theo mức độ tham dự vào sự nóng. Do đó, bởi vì luật một cách chủ yếu được sắp xếp đến lợi ích công cộng, bất cứ giới mệnh nào khác đối việc làm của cá nhân nào, một cách tất yếu không có yếu tính của luật trừ phi theo mức độ nó quan hệ với lợi ích cộng đồng. Mọi luật đều được sắp đặt hướng đến lợi ích cộng đồng.[2]
Quyền lập pháp thuộc về toàn thể dân chúng hay của một cá nhân có nghĩa vụ chăm lo cho lợi ích của thành viên trong cộng đồng. Cộng đồng là toàn thể có tính độc lập với những cộng đồng khác, và có những phương tiện tự thân để đạt được cùng đích của mình.[3] Gia đình là một thành phần của xã hội, cũng hướng về lợi ích chung, nhưng mệnh lệnh của người chủ gia đình không phải là luật, vì gia đình không có tính độc lập. Mặt khác, luật phải được công bố cho đối tượng cụ thể, vì một điều luật không được công bố chính thức thì không có tính bắt buộc ngay cả với những người biết đến sự tồn tại của nó. Thánh Tôma cho rằng để luật có tính bắt buộc đối với những người được nó sắp đặt, phải được thể hiện qua sự kiện luật được công bố.[4]
1.2. Các loại luật
Thánh Tôma phân biệt bốn loại luật: luật vĩnh cửu, luật tự nhiên, nhân luật, luật Thiên Chúa.
Luật vĩnh cửu ám chỉ sự vận hành của của mọi loài thụ tạo được chi phối bởi lý trí của Thiên Chúa. Quan niệm về sự vật trong lý trí của Thiên Chúa không phụ thuộc vào thời gian mà là vĩnh cửu. Các loại luật khác đều được rút ra từ luật vĩnh cửu, “mọi loài thụ tạo phải phục tùng sự quan phòng của Thiên Chúa”.[5]
Luật tự nhiên là sự chia sẻ của luật vĩnh cửu ở thụ tạo có lý trí, hay nói cách khác là “sự tham dự vào luật vĩnh cửu của thụ tạo có trí năng”.[6] Giới luật của luật tự nhiên có thể kể ra là ba khuynh hướng: bảo tồn sự sống, duy trì nòi giống, tìm kiếm chân lý.[7]
Nhân luật là những quy chế đặc biệt của nhà nước, bắt nguồn từ những nguyên tắc tổng quát rút ra từ luật tự nhiên bởi lý trí con người. Thánh Tôma cho rằng nếu một luật mà trái nghịch với luật tự nhiên thì không phải tuân thủ, vì chúng ta phải vâng lời Thiên Chúa hơn con người.
Ngoài luật tự nhiên và nhân luật, con người còn cần thêm một loại luật có thể hướng dẫn họ đến hạnh phúc vĩnh cửu, đó là luật của Thiên Chúa. Luật của Thiên Chúa được mặc khải cho con người qua Kinh Thánh. Nó không phải là sản phẩm của lý trí con người nhưng là nhờ ơn của Thiên Chúa ban cho con người, đảm bảo rằng họ có thể tìm đến hạnh phúc tự nhiên lẫn cùng đích siêu nhiên. Thiên Chúa ban cho con người các nhân đức đối thần: đức tin, đức cậy, đức mến, như là những ân sủng của Ngài để hướng con người về hạnh phúc siêu nhiên.[8]
2. Luật tự nhiên
2.1. Luật tự nhiên là sự tham dự vào luật vĩnh cửu
Như đã nói ở phần trên, mọi loài thụ tạo đều bị chi phối bởi lý trí của Thiên Chúa qua luật vĩnh cửu. Hầu hết các thọ tạo đều không sở hữu khả năng để hành động ngược lại luật vĩnh cửu. Nhưng con người, tuy cũng là đối tượng của luật vĩnh cửu, lại được phú ban cho trí năng, quyền tự do chọn lựa, nên có một tương quan khác biệt với luật vĩnh cửu so với các thụ tạo khác. Như thánh Tôma đã viết:
Trong mọi loài, thụ tạo có trí năng phải phục tùng sự quan phòng của Thiên Chúa một cách hoàn hảo hơn do sự kiện nó tham dự vào sự quan phòng này bằng cách quan phòng cho chính mình và cho kẻ khác. Vậy trong thụ tạo có sự tham dự vào trí năng vĩnh cửu mà do trí năng vĩnh cửu nó có khuynh hướng tự nhiên đối với thể cách hành động và đối với mục đích phải có.[9]
Vì Thiên Chúa tạo dựng con người là để cho con người được hạnh phúc viên mãn, nên Ngài đã ghi sâu vào tâm trí con người những khuynh hướng đến sự thiện hảo. Như thế, luật tự nhiên bao gồm những khuynh hướng cơ bản được đan dệt vào bản tính của con người để hướng đến sự thiện.
2.2. Những khuynh hướng cơ bản hay giới mệnh từ luật tự nhiên.
Nguyên tắc và thước đo của các hành vi nhân linh chính là lý trí, chính lý trí hướng dẫn hành vi đến một mục đích nào đó. Mục đích chính yếu của lý trí thực hành nhắm đến chính là điều tốt, sự thiện hảo. Luật tự nhiên chính là ánh sáng lý trí của Thiên Chúa khắc ghi trong tâm hồn để hướng con người đến sự thiện hảo. Luật tự nhiên có những khuynh hướng cơ bản, các nguyên tắc hay mệnh lệnh phổ quát hướng dẫn con người để hướng con người đến sự thiện hảo. Tuy nhiên, sự quy phục của con người với luật tự nhiên xảy ra đồng thời với một sự nhận thức rằng có một luật đang chi phối họ. Sự nhận thức này là chính yếu trong quan điểm của thánh Tôma. Bởi vì một trong các yếu tính của luật chính là sự công bố, nên luật tự nhiên sẽ mất đi tính hợp pháp của nó nếu con người không có những nguyên tắc của luật tự nhiên được nhận thức trong tâm trí của họ.[10] Cho nên, thánh Tôma xem xét luật tự nhiên như là một tập quán, không phải trong chính nó, mà bởi vì nguyên tắc của luật tự nhiên được giữ trong tâm trí bằng thói quen của trí năng. Vì thế, “các giới mệnh của luật tự nhiên có khi tồn tại trong tinh thần qua trạng thái tập quán, chứ không ở trong trạng thái ý thức”.[11] Thánh Tôma gọi đó là lương tâm nguyên thủy, hay phổ lương tâm (synderesis). Phổ lương tâm biểu thị cho sự hiểu biết tự nhiên hướng dẫn con người về những yêu cầu đạo đức cơ bản thuộc bản tính con người.[12] Trong khi thánh Tôma gọi tập quán thuộc trí năng là lương tâm nguyên thủy nhờ đó người ta hiểu được những nguyên tắc đạo đức, thì ngài gọi hành động áp dụng vào tình huống cụ thể là lương tâm (conscience).[13] Qua phổ lương tâm, người ta sẽ biết hành vi ngoại tình là sai trái và trái luật tự nhiên. Qua hành động cụ thể của lương tâm, người ta luận ra rằng quan hệ với một người phụ nữ cụ thể không phải là vợ mình là ngoại tình và cần tránh. Hiểu như vậy, luật tự nhiên bao gồm những nguyên tắc phổ quát trong mọi thời gian, không gian, văn hóa.
Theo thánh Tôma, giới mệnh thứ nhất và phổ quát làm nền tảng cho mọi giới mệnh khác được rút ra từ luật tự nhiên là “phải làm và tìm kiếm sự tốt, và tránh sự xấu”.[14] Giới mệnh này được nhận biết một cách hiển nhiên nhờ lý trí thực tiễn tương tự như nguyên lý bất mâu thuẫn (một điều tương tự nơi đối tượng không thể đồng thời vừa khẳng định vừa phủ định). Lý trí thực tiễn hiểu điều tốt cần phải được theo đuổi và điều xấu cần tránh. Thánh Tôma quy giới mệnh được hiểu một cách hiển nhiên và không cần chứng minh này cho khuynh hướng tự nhiên của lý trí, hay còn được gọi là lương tâm nguyên thủy (synderesis). Giới mệnh này hướng dẫn con người đến một cuộc sống đạo đức. Nhưng câu hỏi được đặt ra ở đây hạn từ “tốt” nên được hiểu thế nào? Để trả lời câu hỏi này, thánh Tôma đã kể ra những khuynh hướng tự nhiên như những chỉ dẫn căn bản cho con người hướng đến sự tốt. Có ba loại khuynh hướng tự nhiên trong con người:[15]
(1) Khuynh hướng chung của mọi loài thụ tạo (ví dụ: bảo vệ sự sống, phát triển sự hiện hữu của mình).
(2) Khuynh hướng mà con người có chung với những sinh vật có giác quan (ví dụ: duy trì nòi giống).
(3) Khuynh hướng chỉ có những sinh vật có lý trí (ví dụ: tìm kiếm chân lý, sự thật, tìm kiếm Thiên Chúa).
Khuynh hướng thứ nhất, như thánh Tôma đã giải thích, là khuynh hướng có ở nơi mọi loài thụ tạo: bảo vệ và phát triển sự hiện hữu của mình. Phản ứng tự nhiên của các loài sinh vật khi chúng đối mặt với nguy hiểm là: trốn chạy hay chiến đấu để bảo vệ mạng sống. Sự sống được biểu lộ như một sự tốt nền tảng nơi mọi loại thụ tạo. Từ khuynh hướng bảo vệ và phát triển sự sống, con người có thể đưa ra những định hướng phù hợp để bảo vệ và thăng tiến hiện hữu của mình.[16]
Khuynh hướng thứ hai, có ở nơi các sinh vật có giac quan, liên quan đến việc bảo vệ và duy trì nòi giống, được thực hiện nhờ sự giao phối và sinh sản. Lợi ích của loài biểu lộ như khát vọng nền tảng nơi con người. Việc người nam hướng đến người nữ, người nữ hướng đến người nam cũng là khuynh hướng tự nhiên có một phần do khuynh hướng duy trì nòi giống. Khuynh hướng duy trì nòi giống cũng đưa đến trách nhiệm tự nhiên là nuôi nấng và dạy dỗ con cái.[17]
Khuynh hướng thứ ba chỉ có ở loài người, thụ tạo có lý trí, có khả năng nhận biết chân lý, đối thoại với người khác và gắn bó trong các tương quan. Khuynh hướng sống thành cộng đoàn xuất phát từ việc con người không thể đạt được sự hoàn thành chung cuộc của mình nếu không tính đến người khác, bản chất hạnh phúc mang tính chất cộng đồng; con người cần đến người khác để giúp mình thăng tiến sự hiện hữu của mình. Sự hiệp thông giữa con người với nhau phản ánh khuynh hướng hiệp thông với Thiên Chúa. Nó biểu lộ trong khao khát gặp gỡ Thiên Chúa hoặc Đấng Siêu Việt. Ngay cả với những ai từ chối nhìn nhận Thiên Chúa hiện hữu, thì nó vẫn ẩn tàng trong khát mong tìm kiếm chân lý và ý nghĩa hiện hữu của con người.[18]
Thánh Tôma nhận ra rằng những khuynh hướng trên cũng có thể là đối tượng của bản tính tội lỗi của nhân loại. Nó sẽ không mang tính tốt nếu chỉ hành động đơn thuần theo những khuynh hướng trên. Chúng ta phải nhận ra các mục đích tự nhiên được đặt trong các khuynh hướng trước và tôn trọng những mục đích đó. Cho nên, các khuynh hướng trong luật tự nhiên phải được hướng dẫn bởi lý trí, nét đặc thù của con người, để hướng đến điều tốt. Ví dụ, khuynh hướng người nam quan hệ với người nữ cần được hiểu trong bối cảnh hôn nhân và duy trì nòi giống.
Cuối cùng, Thiên Chúa là Đấng Thiện Hảo, nên mọi luật đến từ Thiên Chúa đều chứa đựng sự tốt lành. Những khuynh hướng tự nhiên nơi con người là phản ánh của luật vĩnh cửu từ Thiên Chúa. Những khuynh hướng này có thể được nhận thấy và hướng dẫn nhờ khả năng của lý trí để đưa con người đến sự thiện hảo. Do chúng có nguồn gốc từ Thiên Chúa nên cần phải được bảo vệ, tôn trọng và thăng tiến. Tuy thánh Tôma không đề cập đến quyền tự nhiên rõ ràng như những triết gia thế kỷ ánh sáng nhưng những khuynh hướng tự nhiên mà ngài khai triển có thể hiểu như là các quyền tự nhiên theo bản tính con người. Vì vậy, xét theo bản tính tự nhiên, con người cần phải được đối xử công bằng. Nhiệm vụ của nhân luật là phải bảo vệ và thăng tiến chúng như là lợi ích chung.
3. Nhân luật
3.1. Nhân luật là các nguyên tắc từ luật tự nhiên
Thánh Tôma đã miêu tả nhân luật như là các nguyên tắc rút ra từ luật tự nhiên nhờ lý trí.
Trí năng nhân loại một cách cần thiết đi từ các giới mệnh của những giới mệnh tự nhiên là những nguyên lý tổng quát và không minh chứng được mà đạt được sự sắp đặt đặc thù hơn. Các sự sắp đặt đặc thù này do trí năng nhân loại khám phá được gọi là luật nhân loại, từ lúc chúng ta gặp lại được trong chúng những điều kiện nguyên tuyền ý niệm về luật tùy theo sự giải thích đã trình bày.[19]
Những điều kiện này là những yếu tính của luật đã được nói ở phần trên – “luật là trật tự lý trí hướng đến lợi ích chung được công bố bởi người có thẩm quyền trong một cộng đồng”.
Nhân luật phải tuân theo những nguyên tắc của luật tự nhiên, tức là phải tuân theo chuẩn mực của công lý tự nhiên. Điều này được thực hiện theo cách diễn dịch hoặc theo lối quy nạp.[20] Vì nhân luật phát xuất từ luật tự nhiên nên khi nó đi ngược lại với luật tự nhiên thì nó không còn là luật.
Mọi luật do nhân loại lập ra chỉ có yếu tính của luật trong mức độ nó phát xuất từ luật tự nhiên, trong trường hợp nó xa rời luật tự nhiên thì nó không còn phải là luật nhưng là sự hư hỏng của luật.[21]
Nhân luật thậm chí phải thay đổi để phù hợp với mục đích của luật tự nhiên. Quả thực, lý trí con người tiến triển từng bước, ngày càng nhận thức rõ hơn điều nào phù hợp với lợi ích chung. Mặt khác, hoàn cảnh của đời sống xã hội luôn thay đổi, nên luật phải thích ứng với điều này. Các nhà lập pháp phải nhận thức những điều tốt cho lợi ích chung trong từng hoàn cảnh cụ thể.
3.2. Sự phục tùng luật pháp và đạo đức
Triết gia Thomas Hobbes cho rằng sự phục tùng dựa trên luật pháp phải dựa trên một sức mạnh bó buộc của nhà cầm quyền để đảm bảo cho các khế ước xã hội. Trong nội dung của luật pháp, khía cạnh đạo đức, lương tâm phải nhường chỗ cho khía cạnh pháp lý. Tuy nhiên, thánh Tôma đã định nghĩa luật thuộc về lý trí thực tiễn và cũng là lý trí đạo đức.[22] Theo thánh nhân, luật phải là sự công bố của lý trí thực tiễn của nhà cầm quyền cho lợi ích chung của toàn thể cộng đoàn.
Thánh Tôma không phân biệt giữa sự phục tùng luật pháp và phục tùng lương tâm hay đạo đức, vì luật cũng thuộc về trật tự của đạo đức[23]. Luật pháp không phải là một cái gì độc lập với nguyên tắc đạo đức, hay tách ra khỏi luật vĩnh cửu bằng những điều luật riêng. Vì thế, ngài khẳng định luật đi ngược lại với nguyên tắc đạo đức thì không phải là luật mà là hành vi bạo lực.[24]
Nếu một luật công bằng thì nó có hiệu lực tuân thủ theo lương tâm theo như chính luật vĩnh cửu. Mà một luật công bằng bởi nó hướng về cùng đích của nó tức là lợi ích chung cho toàn thể được phân phối theo cách công bằng; được ban hành bởi lý trí của người có thẩm quyền có trách nhiệm lo cho toàn dân chúng.
Theo thánh Tôma, luật có thể bất công theo hai cách: (1) do sự đối lập của nó với lợi ích chung, vi phạm các yêu cầu trên, (2) luật bất công khi nó đối lập với sự tốt của Thiên Chúa như việc bắt ta thờ tà thần.[25] Bất cứ luật nào trái ngược với luật Thiên Chúa thì không bao giờ được tuân phục. Nhưng luật trái ngược với lợi ích của con người có thể phải được tuân thủ để tránh những nguy cơ mất trật tự gây hại lớn, người ta bắt buộc phải hy sinh các quyền lợi cá nhân của mình. Những luật như vậy không có tính phục tùng pháp lý mà dựa trên sự quy phục tính công bằng chung (để tránh tình trạng mất trật tự). Ở đây không có nghĩa là có bất kỳ gợi ý nào cho rằng luật bất công có thể có tính pháp lý. Nếu luật nằm ngoài lý trí thực tiễn, luật tự nhiên và luật vĩnh cửu, thì chúng nằm ngoài trật tự pháp lý và đạo đức và không có tính bắt buộc.[26]
Như vậy, mối quan hệ giữa luật pháp và đạo đức, lương tâm rất chặt chẽ, vì theo Tôma cả hai đều phải dựa trên sự hướng dẫn của lý trí thực tiễn. Luật pháp không được đi ngược lại với luật của Thiên Chúa, nếu không người dân sẽ không phải quy phục nó.
[1] x. John Mchugh, O.P. & Charles Callan, O.P., “Moral Theology: A Complete Course Based On St. Thomas Aquinas and The Best Mordern Authorities, Volume I”. Bt. Paul A. Boer, USA: Veritatis Splendor Publications, 2014, tr. 106.
[2] ST, I-II, q. 90, a. 2.
[3] x. John Mchugh, O.P. & Charles Callan, O.P., sđd., tr. 107.
[4] ST, I-II, q. 90, a. 2.
[5] ST, I-II, q. 91, a.1.
[6] ST, I-II, q. 91, a. 2.
[7] x. Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Tìm Kiếm Một Nền Đạo Đức Phổ Quát – Một Nhãn Quan Mới Về Luật Tự Nhiên, Nd. Fr. Phaolô Cao Chu Vũ, O.P., TTHVDM – 2014, tr. 53-55.
[8] x. Samuel Enoch Stumpf, Sđd., tr. 159.
[9] ST, I-II, q. 91, a. 2.
[10] x. Peter Koritansky, Thomas Aquinas: Political Philosophy, truy cập 21/8/2015, nguồn: http://www.iep.utm.edu/aqui-pol/.
[11] ST, I-II, q. 94, a. 1.
[12] x. Peter Koritansky, Sđd.
[13] x. Sđd.
[14] ST, I-II, q. 94, a. 2.
[15] x. John Mchugh, O.P. & Charles Callan, O.P., sđd., tr. 112.
[16] x. Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, sđd., tr. 54.
[17] x. Sđd.
[18] x. Sđd.
[19] ST, I-II, q. 91, a. 3.
[20] x. Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Sđd, tr. 88 và ST, I-II, q. 95, a. 2.
[21] ST, I-II, q. 95, a. 2.
[22] x. Clifford G. Kossel, S.J, “Natural Law and Human Law”, The Ethics of Aquinas, Bt. Stephen J. Pope ( Wasington, D.C: Georgetown University Press, 2002), tr. 181.
[23] x. ST, I-II, q. 95, a. 3.
[24] x. ST, I-II, q. 93, a. 3.
[25] x. ST, I-II, q. 96, a. 4.
[26] x. Clifford G. Kossel, S.J, sđd., tr. 181.