Quan Niệm Về Tạo Thành Mới Theo Cách Lý Giải Của Thánh Tôma Aquinô
Lm. Giuse Lâm Văn Sỹ, OP.
Khi nói về hiệu quả của ơn cứu chuộc xét như được thể hiện nơi con người, Tân ước sử dụng những cách diễn tả hết sức phong phú, chẳng hạn, “được tái sinh”, “con người mới”, “được tháp nhập với Đức Kitô”, “trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa”, “nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô”,v.v… Trong số những lối diễn tả của Tân ước, ở đây chúng ta đặc biệt chú ý đến một kiểu nói đặc trưng của Thánh Phaolô: “thụ tạo mới” hay “tạo thành mới” (re-creation). Khi diễn tả hiệu quả của cứu độ do Đức Kitô đem lại, Thánh Phaolô đã đối chiếu nó với công trình tạo dựng đầu tiên; và ngài đã hình dung tất cả những công hiệu tốt đẹp của ơn cứu độ cũng tựa như một sự làm lại từ đầu, một cuộc tạo dựng mới vậy. Đức Kitô chính là Ađam mới, là Đấng Trung Gian độc nhất của công cuộc tạo thành mới này, đến độ phàm ai ở trong Đức Kitô thì đều là thọ tạo mới (2Cr 5,17; xc. Gl 6,15). Qua các văn phẩm và cách thức triển khai của các giáo phụ, kiểu nói trên của Thánh Phaolô đã đi vào trong truyền thống thần học Kitô giáo. Trong bài viết ngắn này, chúng ta thử tìm hiểu xem Thánh Tôma Aquinô đã hiểu khái niệm “tạo thành mới” như thế nào; và qua phần tìm hiểu này, chúng ta cũng có thể thấy được đôi chút tác phong của nhà thần học vĩ đại: dám vượt qua chính mình trong tiến trình xây dựng tòa kiến trúc thần học.
1. Quan niệm tạo thành mới trong tác phẩm đầu tay
Các nhà nghiên cứu về tư tưởng Thánh Tôma thường ghi nhận rằng, từ tác phẩm đầu tay của ngài, tức các tập chú giải bộ sách Sententiae của Peter Lombart, cho đến tác phẩm viết vào giai đoạn chín muồi, tức bộ tổng luận thần học Summa theologiae, thánh tiến sĩ đã tự điều chỉnh lập trường thần học của mình về nhiều điểm. Một trong những điểm ở đó thể hiện sự tiến triển trong tư tưởng thần học của Thánh Tôma, chính là chủ đề “tạo thành mới” mà chúng ta đang đề cập.
Thật vậy, trong tác phẩm có tính hệ thống (Scriptum super libros Sententiarum) viết vào giai đoạn mới khởi nghiệp giảng dạy, Thánh Tôma đã chủ trương rằng có một sự tương tự sát sao giữa công cuộc tạo thành (creation) và công cuộc tạo thành mới (re-creation). Theo ngài, trong công trình tạo dựng, Thiên Chúa tạo thành nên một vật trong sự hữu tự nhiên của nó bằng cách ban cho nó một mô thức tự nhiên (natural form), là mô thức mà chính vật ấy tiếp nhận vào mình. Cũng theo cách tương tự, trong công cuộc cất nhắc con người lên bình diện siêu nhiên, Thiên Chúa cũng kiến tạo linh hồn trong một sự hiện hữu mới bằng cách ban tặng cho nó một mô thức mới, tức ân sủng; và chính mô thức mới này được linh hồn tiếp nhận vào mình.[1]
Chính lối quan niệm chặt chẽ trên đây đã dẫn đến một hệ luận khác, liên quan đến cách thức Thánh Tôma quan niệm về vai trò của nhân tính Đức Kitô trong công trình tác sinh ân sủng hay công trình tái tạo này. Chắc hẳn một lối quan niệm về cuộc tạo thành mới theo cách tương đồng khít khao với cuộc tạo dựng đầu tiên, không thể tạo mặt bằng cần thiết cho một quan niệm chuẩn xác về nhân tính Đức Kitô như một nguyên nhân khí cụ trong việc tác sinh ân sủng một cách hữu hiệu (efficient instrumental causality). Chúng ta biết rằng theo nghĩa chặt, tạo dựng tức là làm cho một vật từ không ra có, từ hư vô bước vào hiện hữu; hiểu như thế, tạo dựng là hành động của duy một mình Thiên Chúa. Điều đó cũng có nghĩa là không một tác nhân thụ tạo nào có thể đóng vai trò trung gian khí cụ trong tác động tạo dựng vốn dành riêng cho một mình Thiên Chúa. Một khi đã quan niệm việc tạo dựng mới hay việc tái tạo trong ân sủng như một tác động tương đồng khít khao với tác động tạo dựng, thì sẽ dẫn đến kết quả là không một vật thụ tạo nào, kể cả nhân tính Đức Kitô, có thể đóng vai trò trung gian trực tiếp và hữu hiệu trong việc tác sinh ân sủng hay tái tạo những con người mới trong ân sủng thần linh. Qua đó, chúng ta cũng dễ dàng hiểu được tại sao ở vào giai đoạn này, Thánh Tôma chỉ dừng lại ở lập trường cho rằng nhân tính Đức Kitô đóng vai trò nguyên nhân khí cụ trong việc tác sinh ân sủng một cách gián tiếp, tức là theo cách thức chuẩn bị tâm hồn người ta đón nhận ân sủng (instrumental cause of disposition).[2]
2. Bước chuyển biến trong tư tưởng
Thế nhưng, như J.-P. Torrell ghi nhận, Thánh Tôma đã bắt đầu thay đổi lập trường khi ngài bàn về những vấn đề liên quan trong khảo luận De veritate (từ q. 27 – q. 29). Theo ngài, khái niệm tạo dựng theo nghĩa chặt chỉ áp dụng cho việc tác tạo một vật lập hữu (subsistens). Mặt khác, theo quan điểm siêu hình học thì mô thức và nhất là mô thức phụ thể (accidental form) không phải là vật lập hữu mà chỉ là những thực tại có được hiện hữu trong vật khác. Bởi vậy, nếu chúng ta có nói Thiên Chúa tạo dựng nên ân sủng trong linh hồn thì chắc hẳn là chúng ta không thể hiểu tác động tạo dựng ở đây theo nghĩa chặt. Đúng hơn, đó chỉ là tác động tạo dựng song hành (co-creation), hiểu theo nghĩa đây là một tác động tạo ra một điều gì đó mới mẻ dựa trên cơ sở của sự biến thiên nơi một vật khác. Thật vậy, trong tác phẩm De veritate, chúng ta đọc thấy những lời khẳng định như sau:
Được tạo dựng theo đúng nghĩa chỉ nên áp dụng cho những vật lập hữu, là những vật mà sự hiện hữu hay sự dịch biến thuộc về chúng theo nghĩa chặt; thế nhưng, các mô thức lại không phải vật lập hữu, dù đó là mô thức bản thể hay mô thức phụ thể; do đó, chúng không được tạo dựng theo nghĩa chặt mà chỉ là được tạo dựng cùng với (vật khác), vì một lẽ đơn giản là các mô thức thì không có sự hiện hữu ở tự thân chúng nhưng là sự hiện hữu ở nơi vật khác. Các mô thức này không sở đắc bất kỳ chất thể nào như thể thành tố của mình, tức là thứ chất thể mà từ đó chúng xuất ra; thế nhưng, các mô thức lại sở đắc thứ chất thể mà trong đó chúng hiện hữu, đồng thời cũng là thứ chất thể mà chúng phải lệ thuộc vào, và chính do những biến đổi của thứ chất thể này mà các mô thức được kéo ra địa hạt hiện hữu. Thế nên, sự dịch biến của các mô thức xét cách chặt chẽ chính là do sự biến đổi của những chủ thể của chúng. Vậy, xét đến chính thứ chất thể mà trong đó các mô thức hiện hữu, chúng ta không thể quy áp cho các mô thức này khái niệm được tạo dựng theo nghĩa chặt.[3]Trên cơ sở của sự phân biệt này, Thánh Tôma đã đi tới chỗ khẳng định rằng tác động ban ân sủng không phải là tác động tạo dựng hiểu theo nghĩa chặt bởi lẽ ân sủng không phải là mô thức lập hữu, mà chỉ là thứ mô thức phụ thể; và sự hiện hữu của thứ mô thức này là hệ quả của một sự biến đổi nào đó ở nơi chủ thể của nó, tức linh hồn. Như vậy, ân sủng giả thiết một chủ thể vốn đã lập hữu trước đó, và chính ở nơi chủ thể này mà ân sủng bước vào địa hạt hiện hữu. Khi đưa ra một sự minh định như vậy, Thánh Tôma nhằm chuẩn bị mặt bằng cho việc xây dựng quan niệm nguyên nhân khí cụ theo đúng nghĩa, áp dụng cho nhân tính Đức Kitô trong vai trò tác sinh ân sủng. Thật vậy, cũng trong tác phẩm De veritate, thánh nhân đã xác quyết như sau: “Hành động tạo dựng thì không giả thiết bất cứ điều gì mà ở nơi đó một tác nhân khí cụ có thể thi thố tác động của mình, thế nhưng hành động tạo dựng cùng với (co-creation) thì lại cho phép điều đó”.[4]
Chính sự điều chỉnh cần thiết ấy đã cho phép Thánh Tôma mạnh dạn đề cập đến vai trò của nhân tính Đức Kitô trong việc tác sinh ân sủng như một nguyên nhân khí cụ hữu hiệu của thiên tính nơi Ngài. Ở đây, việc ban ân sủng không còn được quan niệm như là tác động thuộc riêng một mình Thiên Chúa, nhưng còn là tác động của chính Đức Kitô xét theo nhân tính của Ngài. Hẳn nhiên, trong tác động ban ân sủng, Thiên Chúa là nguyên nhân chính, còn Đức Kitô xét theo nhân tính thì chỉ là nguyên nhân khí cụ. Theo tác giả Torrell, cũng kể từ thời điểm này, trước mặt Thánh Tôma như thể không còn một thứ rào cản nào có thể ngăn chặn ngài đi tới một quan niệm chuẩn xác về nguyên nhân khí cụ mà tác động của nó không chỉ dừng lại ở bình diện luân lý hay công đoạn chuẩn bị từ xa, nhưng là một tác động hữu hiệu thực sự.[5]
Kể từ chặng đường tư tưởng này, Thánh Tôma dường như đã đoạn tuyệt với cái quan niệm trước đó về sự tương đồng khít khao giữa tác động tạo dựng và tác động tái tạo hay thánh hóa bằng ân sủng. Trong khảo luận De caritate, thánh nhân đã chứng tỏ lập trường này một cách minh bạch. Theo ngài, nét tương đồng giữa tạo dựng và thánh hóa hệ ở chỗ trong cả hai trường hợp, Thiên Chúa hoạt động qua trung gian một mô thức: mô thức bản nhiên (natural form) trong trường hợp tạo dựng, và mô thức ân sủng trong trường hợp thánh hóa. Tuy nhiên, cái sự hữu bản nhiên (esse naturale) thì không hoàn toàn tương đồng với sự hữu của ân sủng (esse gratiae). Vì lẽ rằng, Thiên Chúa tạo dựng một vật từ hư không; thế còn việc thánh hóa thì lại đòi hỏi một sự cộng tác nào đó từ phía chủ thể, mà điều này sẽ chẳng thể nào xảy ra nếu như ở nơi chủ thể ấy không có nguyên lý hoạt động theo bản tính của mình.[6]
Về sau, trong tập chú giải Thư thứ hai Corinto, khi so sánh việc tạo dựng với việc thánh hóa, Thánh Tôma không còn nhấn mạnh nhiều đến yếu tố mô thức tương ứng với hai trường hợp; thay vào đó, ngài chú ý nhiều hơn đến đến cách thế hiện hữu (modus essendi), vốn là hệ quả tương ứng của thứ mô thức nhận được. Ở đây, người ta thấy xuất hiện cặp song đối: sự hữu của bản tính (esse naturae) và sự hữu của ân sủng (esse gratiae). Thánh Tôma lập luận như sau: người nào được tác tạo trong sự hữu của ân sủng thì cũng có thể được mô tả như là được tạo dựng từ hư vô, bởi vì không có ân sủng thì con người ấy cũng kể bằng không.[7]
Sau này, trong tác phẩm của Thánh Tôma ở vào độ chín muồi, tức bộ Summa theologiae, lối diễn tả hàm hồ trên đây không còn được dùng lại. Trong tác phẩm này, Thánh Tôma đã xác định dứt khoát rằng ân sủng là một mô thức phụ thể, đồng thời ngài cũng lấy lại lập trường trong De veritate khi cho rằng cách thức hiện hữu của một phụ thể là hiện hữu trong vật khác. Theo cách đó, thánh nhân ám chỉ rằng việc phú ban ân sủng, hay tác động thánh hóa, không phải là một tác động tạo dựng đúng nghĩa. Ở đây, chúng ta gặp thấy những lý lẽ biểu lộ lập trường chung quyết của vị thánh tiến sĩ. Theo ngài, khi ta nói ân sủng được tạo dựng (gratia creata) thì điều đó không hiểu về chính ân sủng mà hiểu về người được đón nhận ân sủng. Thật vậy, con người này được mô tả như là “được tạo dựng từ hư vô” (ex nihilo) xét vì anh ta được tặng ban một sự hữu mới mẻ (esse gratiae) từ chỗ “tay trắng”, tức là không do bất kỳ công trạng nào từ phía anh ta.[8]
Kết luận
Những dòng trình bày trên đây xem ra không còn đủ sức lôi cuốn đối với những tâm trí thời nay. Tuy nhiên, qua việc tìm hiểu một khía cạnh rất nhỏ trong toàn bộ hệ thống tư tưởng của thánh sư Tôma, chúng ta càng thêm trân trọng những đức tính cao quý ở nơi một nhà thần học tầm cỡ: đó là sự trung thực của người trí thức,[9] sự dũng cảm vượt qua chính mình trong tiến trình xây dựng hệ thống tư tưởng; nhưng xét cho cùng, đó chính là biểu hiện rõ nét của lòng mê say tìm kiếm chân lý, mà vì đó, vị thánh tiến sĩ đã không ngần ngại tự điều chỉnh lại lập trường của mình để mỗi lúc một tiến gần đến Chân Lý vẹn toàn vốn vượt trên mọi nỗ lực suy cứu của con người nhưng lại luôn là lời mời gọi đầy quyến rũ cho những tâm trí đã cảm nếm được ít nhiều mật ngọt của nó. Nếu chân lý ở đây đáng cho người ta không quản lao tâm khổ tứ để tìm kiếm, thì đối với Thánh Tôma, đó chắc hẳn không phải là thứ chân lý thỏa mãn sự hiếu kỳ của trí tuệ, nhưng là Chân lý giải thoát cho người ta khỏi u mê lầm lạc về Thiên Chúa. Tắt một lời, đó chính là Chân lý cứu độ vậy.[10]
[1] Tôma Aquinô, I Sent., d. 17, q. 1, a. 1, ad 3: “Ad tertium dicendum, quod omnino simile est de creatione et recreatione. Sicut enim Deus per creationem contulit rebus esse naturae, et illud esse est formaliter a forma recepta in ipsa re creata, quae est quasi terminus operationis ipsius agentis; et iterum forma illa est principium operationum naturalium, quas Deus in rebus operatur: ita etiam et in recreatione Deus confert animae esse gratiae; et principium formale illius esse est habitus creatus, quo etiam perficitur operatio meritoria quam Deus in nobis operatur…”.
[2] Tôma Aquinô, III Sent., d. 13, q. 2, a. 1, ad 3; IV Sent., d. 5, q. 1, a. 2; xc. J.-P. Torrell, “La causalité salvifique de la résurrection du Christ selon saint Thomas”, đăng trong Revue Thomiste 96 (1996) tr. 183 và cước chú. Để tìm hiểu thêm về sự tiến triển trong tư tưởng Thánh Tôma liên quan đến cách thánh nhân quan niệm về nhân tính Đức Kitô như nguyên nhân khí cụ của thiên tính nơi Ngài, độc giả có thể tìm đọc W. D. Lynn, Christ’s Redemptive Merit: The Nature of its Causality according to St. Thomas (Rome: Gregorian University Press, 1962); T. Tschipke, L’humanité du Christ comme instrument de salut de la divinité (Fribourg: Academic Press, 2003).
[3] De ver., q. 27, a. 3, ad 9.
[4] De ver., q. 27, a. 4, ad 15.
[5] Đứng trước quan niệm của Thánh Tôma về ân sủng, J.-P. Torrell đã nhận xét rằng: “Phát kiến này đã dọn sạch mặt bằng khỏi tất cả những gì mà trước đó vẫn bị coi là trở ngại không thể vượt qua”. Xc. “La causalité salvifique de la résurrection du Christ selon saint Thomas”, sđd, tr. 188.
[6] De car., a. 1, ad 13.
[7] In II ad Cor., Ch. V, v. 17, lect. 4.
[8] ST I-II, q. 110, a. 2, ad 3.
[9] Thánh Tôma đã có lần thẳng thắn xác nhận về sự thay đổi lập trường của mình, chẳng hạn trong những gì liên quan đến thứ tri thức thủ đắc hay thường nghiệm nơi Đức Giêsu; xc. ST III, q. 12, a. 2.
[10] Xc. ST I, q. 1, a. 1