SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – CHỦ ĐỀ THANH LUYỆN – BÀI 2: CẢNH TỐI TĂM MÙ MỊT VÀ BÓNG TỐI TỬ THẦN
SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – PHẦN THỨ HAI
CHỦ ĐỀ 2: ĐỜI SỐNG THANH LUYỆN
————————————————–
BÀI 2: CẢNH TỐI TĂM MÙ MỊT VÀ BÓNG TỐI TỬ THẦN
“Chúa đưa chúng ra khỏi cảnh tối tăm mù mịt và bóng tối tử thần” (Tv 106,14).
- Có ba cảnh tối tăm, đó là cảnh tối tăm của sự ngu dốt, của tội lỗi và của kiếp đọa đày đời đời. Vịnh gia nói về cảnh tối tăm của sự thiếu hiểu biết: “Vậy mà chúng chẳng hay chẳng hiểu, cứ bước đi, giữa tăm tối mịt mù” (Tv 82,5). Tương tự như vậy, cảnh tối tăm của tội lỗi: “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng” (Ep 5,8). Cảnh tối tăm này không phải là hậu quả trực tiếp của lý trí con người, mà xuất phát từ một ước muốn sai lầm, vì con người dễ hướng chiều về tội lỗi vì đam mê hoặc thói quen, tìm kiếm điều tốt nơi những điều không tốt. Sau cùng là cảnh tối tăm của kiếp đoạ đày vĩnh viễn: “Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài” (Mt 25,30). Cảnh tối tăm của sự ngu dốt và tội lỗi ở trong cuộc đời này, còn cảnh tối tăm của kiếp đoạ đày ở cuối cuộc đời.
Chúa Kitô “đã đưa họ ra khỏi bóng tối,” vì Người là Ánh sáng của thế gian, không phải là mặt trời thụ tạo, mà là Đấng tạo nên mặt trời. Thế nhưng theo thánh Augustinô, ánh sáng được tạo thành thì đã được làm ra dưới mặt trời, nhưng nó bị che khuất bởi đám mây xác thịt, không phải để bị dập tắt nhưng để được điều tiết. Và bởi vì ánh sáng này có tính phổ quát cho nên nó xua tan mọi bóng tối ở mọi nơi. “Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối của ngu dốt, bởi vì Tôi là chân lý; cũng không đi trong bóng tối của tội lỗi, bởi vì Tôi là đường; cũng không đi trong bóng tối của kiếp đọa đày vĩnh cửu, bởi vì Tôi là sự sống.
(Chú giải Tin mừng Gioan, chương 8).
- Đêm tối có thể hiểu theo hai nghĩa. Một đàng là mất ân sủng do tội trọng gây ra. Khi đêm tối này xảy ra, thì không còn có thể thực hiện những việc có công trạng vĩnh cữu. Một cái chết khác là cái chết hoàn toàn, khi người ta không chỉ đánh mất ân sủng thực sự do việc phạm tội trọng, mà thậm chí còn đánh mất khả năng có được ân sủng. Theo nghĩa thứ hai là đêm tối tận diệt, khi mà người ta không chỉ mất ân sủng mà ngay cả khả năng hồi phục lại. Đó là tình trạng bị luận phạt vĩnh viễn trong địa ngục, nơi thống trị của đêm tối dày đặc dành cho những kẻ được nói đến: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời” (Mt 25,41). Trong ngày đó, không ai có thể lập công trạng nữa bởi vì thời gian lập công đã trôi qua, mà chỉ lãnh nhận những hình phạt xứng đáng với tội đã gây ra. Vì thế, khi còn sống, hãy làm điều mà bạn phải làm: “Những gì trong tầm tay, bạn hãy ra sức làm, vì trong cõi âm ty, nơi bạn đang đi tới, không còn hoạt động, không còn dự tính, chẳng còn hiểu biết, chẳng còn khôn ngoan” (Gv 9,10).
(Chú giải Tin mừng Gioan, chương 9)
- Cái chết chính yếu là bị đọa đày vào địa ngục: “Như đoàn vật nhốt trong âm phủ, chính tử thần canh giữ chăn nuôi, chúng nhào thẳng xuống nơi huyệt mả, sẽ tiêu tan cả đến hình hài, chốn âm phủ thành nơi cư ngụ” (Tv 49,15). Bóng tối tử thần, “cái bóng của sự chết”, giống như hình phạt tương lai dành cho tội nhân. Hình phạt khủng khiếp dành cho những người ở trong địa ngục là xa cách Thiên Chúa, và vì tội nhân đã xa cách Thiên Chúa ở đời này nên họ cũng bị hình phạt tương tự, chính là sự đọa đày trong tương lai; đang khi, những người công chính sẽ được hưởng hạnh phúc trong tương lai.
(Chú gỉải Tin mừng Matthêu, chương 5)