Suy niệm với Thánh Tôma Aquinô – Chủ đề Thanh Luyện – Bài 20: Để tránh tội, trái tim cần được gắn chặt với Thiên Chúa bằng ơn thánh sủng hoặc thường sủng
SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – PHẦN THỨ HAI
CHỦ ĐỀ 2: ĐỜI SỐNG THANH LUYỆN
BÀI 20: ĐỂ TRÁNH TỘI, TRÁI TIM CẦN ĐƯỢC GẮN CHẶT VỚI THIÊN CHÚA BẰNG ƠN THÁNH SỦNG HOẶC THƯỜNG SỦNG
I
Trong tình trạng bản tính hư hỏng do tội nguyên tổ, con người cần đến ân sủng chữa lành bản tính của mình để có thể hoàn toàn tránh xa tội lỗi.
Trong cuộc đời hiện tại, sự chữa lành này bắt đầu bằng tinh thần, tuy rằng sự ham muốn xác thịt vẫn còn đó. Do đó, thánh Tông đồ (Rm 7,25) nói về con người đã được chữa lành, cứu chuộc như sau: “Tôi thích thú trong luật của Thiên Chúa, theo con người nội tâm. Nhưng tôi khám phá một luật khác trong cơ thể của tôi” Xa hơn chút nữa, thánh nhân nói tiếp: “Như vậy, nếu theo lý trí, thì tôi làm nô cho lệ luật của Thiên Chúa; nhưng theo xác thịt, thì tôi làm nô lệ cho luật của tội.”
Và trong tình trạng này, con người có thể tránh mọi tội trọng của tinh thần, nhưng con người không thể tránh khỏi mọi tội nhẹ, bởi sự hư hỏng của tham dục thấp kém của mình. Nói cho đúng, lý trí có thể kiểm soát từng động tác rối loạn của tham dục, khiến chúng trở thành tội lỗi do tự ý, nhưng không thể kiểm soát tất cả, bởi lẽ trong khi nó kiềm chế một tác động này thì có lẽ một tác động khác lại phát sinh, và cũng tại vì lý trí không phải lúc nào cũng cảnh giác để tránh những tác động này.
II
Cũng vậy, trước khi lý trí của con người, đang mang tội trọng, được phục hồi nhờ ơn công chính hóa, con người có thể tránh được từng tội trọng trong một thời gian, vì không nhất thiết là con người phải luôn luôn thực sự phạm tội. Nhưng con người không thể duy trì tình trạng này lâu dài mà không phạm tội trọng. Do đó, Thánh Grêgôriô nói rằng, “một tội lỗi không được rửa sạch ngay lập tức bằng sự ăn năn, sẽ kéo chúng ta xuống những tội lỗi khác bởi sức nặng của nó”.
Tương tự như vậy, tham dục phải suy phục lý trí, và lý trí phải suy phục Thiên Chúa và lấy Ngài làm cứu cánh của ý chí. Chính cứu cánh phài giữ vai trò điểu khiển tất cả các hành vi nhân linh, cũng như lý trí giữ vai trò điều khiển các tác động của tham dục. Nếu lý trí con người hoàn toàn suy phục Thiên Chúa, thì kết quả là có nhiều hỗn loạn xảy ra trong các hành vi của lý trí. Và nếu như trái tim con người không gắn bó chặt chẽ với Thiên Chúa đến độ không muốn rời xa Ngài bằng bất cứ giá nào, dù là một mối lợi có thể thu được hay một điều thiệt có tránh được, thì sẽ nảy ra nhiều sự cám dỗ hoặc quyến rũ khiến con người phản bội Thiên Chúa, khinh thường các điều răn của Ngài, và như thế là phạm tội trọng. Cách riêng khi do những hoàn cảnh đột ngột, con người hành động theo những mục tiêu đã định trước và theo tâm trạng lúc ấy; mặc dù nếu suy tính kỹ lưỡng, người ấy có thể quyết định ngược lại điều mưu tính và bất chấp thói quen vốn có.
Nhưng vì không phải con người lúc nào cũng giữ được tình trạng suy tính như vậy; cho nên họ có thể hành động theo ý chí lăng loàn và lệch lạc của mình, trừ khi ân sủng Chúa giúp họ trở về với trật tự đúng đắn.
(Summa Theol. I-II, q. 109, a. 8)