SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – CHỦ ĐỀ THANH LUYỆN – BÀI 9: TỘI TRỌNG ĐÁNG PHẢI CHỊU HÌNH PHẠT ĐỜI ĐỜI
SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – PHẦN THỨ HAI
CHỦ ĐỀ 2: ĐỜI SỐNG THANH LUYỆN
BÀI 9: TỘI TRỌNG ĐÁNG PHẢI CHỊU HÌNH PHẠT ĐỜI ĐỜI
“Thế là họ (kẻ tội lỗi) ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời” (Mt 25,46)
I
Có ba lý do để tội trọng đáng phải chịu hình phạt đời đời.
1/ Xét về phía đối thể mà người phạm tội đã xúc phạm, đó là Thiên Chúa là Đấng vĩ đại vô cùng. Do đó, sự xúc phạm đến Ngài đáng bị trừng phạt muôn đời, bởi vì càng phạm đến người đáng kính, thì tội càng bị trừng phạt nhiều hơn.
2/ Xét về phía ý muốn của người phạm tội. Chắc chắn rằng kẻ phạm tội trọng đặt mục tiêu của mình nơi đối tượng của tội và sự khoái lạc mà mình tìm kiếm, đến nỗi khinh thường Thiên Chúa ngõ hầu tìm thỏa mãn riêng. Hơn nữa, hễ ai cực kỳ yêu thích bất cứ điều gì đến mức biến nó thành cùng đích cho ý chí của mình, thì sự thèm muốn này sẽ luôn bám chặt nó. Vì thế, ai phạm tội trọng với ý chí thuận theo tội ấy, thì họ cũng chọn ở lì trong tội lỗi, trừ khi nào họ thoát được hoặc sợ bị trừng phạt hoặc vì điều gì khác. Nhưng nếu họ ở lì trong tội lỗi thì họ sẽ luôn làm như vậy, và do đó họ sẽ phạm tội đời đời. Vì thế, tội trọng đáng bị hình phạt đời đời.
3/ Về phía tình trạng của người phạm tội trọng là bị đánh mất ân sủng của Thiên Chúa do tội lỗi của mình. Vì vậy, việc tha hình phạt không thể thực hiện được nếu không có ân sủng. Nếu sau đó họ chết trong tội trọng, họ sẽ chịu hình phạt muôn đời, bởi vì sau khi chết họ hoàn toàn không còn khả năng đón nhận ân sủng nữa.
(In Sentent. II, Dist. 42, q. I, a. 5)
II
Tội lỗi diễn ra trong thời gian, nhưng không có nghĩa là sự trừng phạt chỉ mang tính cách nhất thời. Hình phạt tương xứng với tội lỗi tuỳ theo mức độ nghiêm trọng xét theo công lý của Thiên Chúa cũng như công lý của loài người. Thế nhưng không có nền công lý nào đòi hỏi hình phạt phải tương đương với tội lỗi về thời hạn. Không phải vì việc phạm tội ngoại tình hoặc giết người diễn ra trong chốc lát thì phải chịu hình phạt trong chốc lát. Trên thực tế, đôi khi họ bị trừng phạt bằng án tù hoặc lưu đày, đôi khi thậm chí bị tử hình, vì hình phạt không tính đến thời gian hành quyết, mà tính đến lợi ích của việc loại bỏ kẻ sát nhân khỏi xã hội của người sống. Theo đó, hình phạt này có thể tượng trưng cho sự trừng phạt vĩnh viễn của Thiên Chúa.
Theo thánh Grêgôriô, điều công bằng là ai đã phạm tội chống lại Thiên Chúa trong tính vĩnh cửu tính của Ngài thì sẽ bị trừng phạt trong tính vĩnh cửu của Thiên Chúa. Người nào đã phạm tội trong tính vĩnh cửu của chính mình, không chỉ vì liên tục phạm tội trong suốt cuộc đời, mà còn bởi vì, ngay từ việc họ cố chấp trong tội lỗi thì họ đã có ý muốn phạm tội vĩnh cửu. Vì vậy, thánh Grêgôriô nói: “Kẻ tội lỗi muốn được sống mãi mãi để chúng có thể sống trong tội lỗi của mình mãi mãi.”
(Summa Theol. I-II, q. 87, a. 3)