SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – PHẦN HAI – BÀI 8: THIÊN CHÚA LÀ CHA CHÚNG TA
Administrator
2024-06-30 08:11 UTC+7
35
SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – PHẦN THỨ HAI CHỦ ĐỀ I: THIÊN CHÚA BÀI 8: THIÊN CHÚA LÀ CHA CHÚNG TA I Thiên Chúa là Cha Trước hết, Thiên Chúa là Cha chúng ta dựa theo cách thức đặc biệt mà Ngài đã tạo dựng nên. Thật vậy chúng ta được dựng […]
SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – PHẦN THỨ HAI
CHỦ ĐỀ I: THIÊN CHÚA
BÀI 8: THIÊN CHÚA LÀ CHA CHÚNG TA
I
Thiên Chúa là Cha
- Trước hết, Thiên Chúa là Cha chúng ta dựa theo cách thức đặc biệt mà Ngài đã tạo dựng nên. Thật vậy chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Ngài, điều mà Ngài đã không làm nơi những thụ tạo khác. Vì thế sách Đệ Nhị Luật đã viết: “chính Ngài là cha ngươi, Đấng dựng nên ngươi, Đấng tạo thành và củng cố” (Đnl 32, 6).
- Thứ đến, Thiên Chúa là Cha dựa theo cách thức đặc biệt mà Ngài cai quản chúng ta. Dĩ nhiên, Thiên Chúa cai quản toàn thể vũ trụ, nhưng Ngài cai quản chúng ta bằng cách để cho chúng ta làm chủ chính mình. Đối với các loài khác, thì Ngài cai quản chúng như những nô lệ, còn đối với chúng ta thì Thiên Chúa trở nên như người thầy dạy dỗ chúng ta. Vì vậy sách Khôn ngoan đã viết: “Lạy Cha, chính Cha quan phòng hướng dẫn mọi vật” (Kn 14, 3), và “Ngài lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản chúng con” (Kn 12,18).
- Sau cùng, Thiên Chúa đích thực là người Cha, bởi vì Ngài đã nhận chúng ta làm nghĩa tử. Đối với những thụ tạo khác, Thiên Chúa chỉ ban vài món quà lặt vặt, còn đối với loài người thì Ngài lại ban cho cả gia sản. Sở dĩ như vậy là bởi vì chúng ta là những con cái, mà “đã là con, thì cũng là thừa kế” (xc. Rm 8, 17). Thánh Phaolô nói thêm: “anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: ‘Áp-ba! Cha ơi!’ ”(Rm 8,15).
II
Bởi vì Thiên Chúa là Cha, nên chúng ta có bốn nghĩa vụ sau đây:
- Thứ nhất, là con thì phải tôn kính cha. Chúa đã nói qua miệng ông Malakhi rằng: “Nếu Ta là Cha, thì đâu là lòng kính trọng Ta?” (Mk 1, 6). Lòng tôn kính cần được thể hiện qua ba khía cạnh: một, bổn phận của chúng ta đối vớiThiên Chúa; hai, bổn phận của chúng ta đối với bản thân; ba, bổn phận của chúng ta đối với tha nhân.
- a) Trước hết, lòng tôn kính đối với Thiên Chúa được diễn tả qua lời ngợi khen chúc tụng, theo như thánh vịnh đã viết : “Kẻ dâng hy lễ tạ ơn sẽ tôn kính Ta”(Tv 50, 23). Lời ngợi ca này không phải chỉ bằng môi miệng mà còn bằng tâm hồn nữa, để khỏi bị Chúa quở trách giống như dân Do thái: “Dân này chỉ đến gần Ta bằng miệng, tôn vinh Ta bằng môi, còn lòng chúng thì xa Ta lắm” (Is 29, 13).
- b) Thứ hai, chúng ta tôn kính Thiên Chúa ngay trong chính bản thân của mình, giữ gìn thân xác được thanh sạch, như thánh Tông Đồ đã khuyên: “Anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1 Cor 6, 20).
- c) Cuối cùng, chúng ta tôn kính Thiên Chúa bằng cách phán đoán tha nhân cách công minh, bởi : “Ngài là vua uy dũng yêu chuộng công bình, Ngài thực hiện điều chính trực công minh” (Tv 99,4).
- Nghĩa vụ thứ hai là bắt chước Thiên Chúa. Ngài phán với Giêrêmia rằng: “Ngươi sẽ gọi Ta: ‘Cha ơi!’ Và ngươi sẽ không lìa xa Ta nữa” (Gr 3, 9). Việc bắt chước được thể hiện bằng ba cách thức:
- a) Một là yêu mến Ngài, như thánh Phaolô đã nhắn nhủ: “Anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái” (Ep 5, 1-2). Hẳn nhiên là tình yêu này phải ngự trị trong tâm hồn chúng ta, chứ không thể giả tạo.
- b) Hai là bắt chước Chúa qua việc thi thố lòng trắc ẩn thương xót, như Đức Giêsu đã dạy: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6, 36). Lòng trắc ẩn này luôn thể hiện trong mỗi việc làm của chúng ta.
- c) Ba là bắt chước Chúa qua việc hướng đến sự hoàn thiện, bởi vì tình yêu và lòng trắc ẩn cần phải hoàn hảo: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48).
- Nghĩa vụ thứ ba là vâng phục Ngài vì là Cha của chúng ta. Thánh Phaolô đã dạy: “Chúng ta có cha trần thế sửa dạy mà chúng ta vẫn tôn kính; chúng ta lại càng phải tùng phục Cha trên trời hơn nữa để được sống” (Dt 12, 9). Chúng ta phải vâng phục vì ba lý do.
- a) Một, bởi vì Ngài có chủ quyền trên chúng ta. Thật vậy Ngài là Chủ tể của muôn loài muôn vật, vì thế dân Dothái đã khẳng định với Môsê dưới chân núi Sinai: “Tất cả những gì Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân giữ” (Xh 24, 7).
- b) Hai, vì tấm gương mà Con của Ngài đã để lại qua việc tuân phục Chúa Cha cho đến chết trên thập giá (xc. Phil 2, 8).
- c) Ba, vì chính lợi ích cho bản thân, như vua Đavít đã trả lời cho bà Mikhal khi bà khinh thường ông vì đã múa nhảy trước Hòm bia: “Tôi đã làm như vậy trước mặt Đức Chúa là Đấng đã lựa chọn tôi (xc. 2 Sm 6, 21).
- Nghĩa vụ thứ bốn là kiên nhẫn trước những thử thách mà Chúa gửi đến như người cha chúng ta. Sách Châm ngôn đã viết : “Này con, chớ khinh thường khi Đức Chúa sửa dạy con, đừng chán ngán khi Người khiển trách. Vì Đức Chúa khiển trách kẻ Người thương, như người cha xử với con yêu quý” (Cn 3, 11-12).
(Giải thích Kinh Lạy Cha)
Chia sẻ