Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – TỪ LỄ BA NGÔI ĐẾN LỄ THÁNH TÂM 5

Administrator
2024-05-30 00:59 UTC+7 33
Bài 5. BÍ TÍCH THÁNH THỂ MANG LẠI ÂN SỦNG GÌ? 1° Bí tích Thánh Thể tự nó có năng lực ban ân sủng; và không ai nhận được ân sủng nếu chưa lãnh Bí tích này do lòng ước ao, hoặc là lòng ước ao cá nhân như trường hợp những người trưởng thành; […]

Bài 5. BÍ TÍCH THÁNH THỂ MANG LẠI ÂN SỦNG GÌ?

1° Bí tích Thánh Thể tự nó có năng lực ban ân sủng; và không ai nhận được ân sủng nếu chưa lãnh Bí tích này do lòng ước ao, hoặc là lòng ước ao cá nhân như trường hợp những người trưởng thành; hoặc là lòng ước ao của Hội Thánh như trường hợp các thiếu nhi. Do đó công hiệu của năng lực Bí tích này mạnh đến nỗi ngay cả lòng ước ao lãnh nhận nó cũng đã được ân sủng mang cho ta sự sống thiêng liêng. Do đó, khi ta thực sự nhận lãnh Bí tích này thì ân sủng được gia tăng và đời sống thiêng liêng được kiện toàn. Tuy nhiên, khác với bí tích Thêm sức, qua đó ân sủng được tăng cường và kiện toàn ngõ hầu kiên vững chống lại các quân thù của Đức Kitô; còn trong bí tích Thánh Thể, ân sủng được tăng cường và đời sống thiêng liêng được kiện toàn, ngõ hầu con người được nên hoàn thiện nhờ kết hợp với Thiên Chúa.

2° Bí tích này mang lại ân sủng cùng với đức mến. Vì thế thánh Gioan Đamascênô so sánh Bí tích này với cục than trong thị kiến của ông Isaia. Cục than không chỉ đơn thuần là gỗ, nhưng là gỗ kết hợp với lửa; một cách tương tự như vậy, bánh Thánh Thể không chỉ đơn thuần là bánh, nhưng là bánh kết hợp với Thiên tính. Như thánh Grêgoriô đã nói: “Tình thương của Thiên Chúa không nhàn cư; nhưng thực hiện những việc lớn lao tại nơi mình ở”. Vì thế, nhờ Bí tích này, và do năng lực riêng của nó, không những nó mang lại ơn thánh sủng và khả năng hành động, nhưng còn thúc đẩy hành động theo như lời thánh Phaolô (2 Cr 5,11) : Tình yêu Chúa Kitô thúc giục tôi. Từ đó, do năng lực của Bí tích này, linh hồn được hưởng sự thích thú thiêng liêng, ra như say sưa vì lòng lân tuất êm dịu của Thiên Chúa, theo như lời sách Diễm ca (5,1): Hãy ăn đi, uống đi, say đi, hỡi những người bạn thân mến của tôi.

3 ° Bởi vì các Bí tích thực hiện sự cứu độ mà chúng biểu thị theo một sự đồng hóa nào đó, trong Bí tích này, thân thể được hiến dâng để cứu độ thân xác, và máu để cứu độ linh hồn, mặc dù cả hai đều cứu độ toàn thân, bởi vì toàn thể Chúa Kitô hiện diện trong mỗi hình thể. Và mặc du thân xác không phải là chủ thể trực tiếp của ân sủng, nhưng hiệu quả của ân sủng dội ra từ linh hồn đến thân xác, đang khi trong cuộc đời hiện tại, chúng ta biến các chi thể của mình thành công cụ của đức công chính của Thiên Chúa, và trong đời sống tương lai, thân xác sẽ nhận được từ linh hồn sự bất hoại và vinh quang

(Summa Theol. III q. 79, a. I)

Chia sẻ