Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Thánh Tôma Aquinô Phải Chăng Là Một Nhà Duy Vật?

Administrator
2018-09-23 10:23 UTC+7 29
  Vũ Văn An   Trong bốn năm xuất bản nhiều nhất của đời ngài, Thánh Tôma Aquinô viết tương đương với hai hoặc ba cuốn tiểu thuyết vừa vừa mỗi tháng. Dù thế, điều nổi bật lại là sự im lặng ngay trong trái tim ngài. Đầu tiên là sự im lặng của bộ […]


 

Vũ Văn An

 

Trong bốn năm xuất bản nhiều nhất của đời ngài, Thánh Tôma Aquinô viết tương đương với hai hoặc ba cuốn tiểu thuyết vừa vừa mỗi tháng. Dù thế, điều nổi bật lại là sự im lặng ngay trong trái tim ngài. Đầu tiên là sự im lặng của bộ Summa, một bộ bị ngài bỗng nhiên bỏ lửng không viết tiếp. Nhưng ý nghĩa hơn nữa là sự im lặng về chính đời ngài. Người đồng thời với ngài cho ta một số chi tiết về tiểu sử, nhưng chính thánh nhân thì không cho ta chi tiết nào cả. Trong khi Thánh Augustinô và Thánh Bernard cho thấy nhân cách của mình thật rõ trong các bài giảng và khảo luận, thì Thánh Tôma âm thầm lui vào hậu cảnh, phía sau các luận chứng và chú giải của mình. Thành thử, ta tự hỏi điều gì làm Tôma thành một vị thánh và làm thế nào một độc giả không chuyên môn như ta có thể thưởng ngoạn được sự mênh mông trong tư tưởng của ngài?

Cuốn Thomas Aquinas: A Portrait (Thánh Tôma Aquinô: Một Chân Dung) của Denys Turner gần đây cho ta một số ý niệm về hai câu hỏi trên. Trước nhất, cuốn sách nhằm nói với các độc giả không khoa bảng và trình bày tư tưởng của Thánh Tôma với càng ít từ ngữ chuyên môn càng hay. Turner cố gắng đưa ra một biếm họa cho thấy các đặc điểm nổi bật của Thánh Tôma mà không bị rối tung bởi chi tiết. Ông dẫn độc giả vào thế giới suy nghĩ của Thánh Tôma với một nét hài hước và nhiều sức sống. Turner xem ra không hẳn là một giáo sư đang giảng giải cho sinh viên mà đúng hơn như một người bạn chia sẽ điều gì đó mình rất say mê bên cạnh một ly rượu nho. Quả là một tác phẩm thần học đầy vui tươi họa hiếm lắm mới có.

Biến cố chính đầu tiên trong cuộc đời Thánh Tôma là quyết định của ngài gia nhập Dòng Đa Minh, và việc làm tu sĩ Đa Minh không những đem lại cho cuộc đời ngài cấu trúc của nó mà còn cho thấy cả cấu trúc và luận chứng trong tư tưởng của ngài nữa. Nhiều khảo luận về Thánh Tôma đã bỏ qua điểm quan trọng này. Turner chứng minh rằng nền thần học của Thánh Tôma chịu ảnh hưởng nặng nề của Đa Minh, mà dấu chỉ rõ ràng nhất là quan tâm giảng thuyết. Dù gì, Summa cũng là khóa trình dành cho những người chuyên chăm học tập để có khả năng công bố Lời Thiên Chúa và ban các bí tích. Nó có tính học thuật, nhưng việc nghiên cứu nó nhằm việc công bố. Song hành với quan tâm thuyết giảng là quan tâm khó nghèo, một quan tâm giúp nhà giảng thuyết hỗ trợ lời giảng của mình bằng chính cuộc sống của mình. Dù hết sức bác học, bộ Summa là nền thần học mà vị giảng thuyết có thể đem theo mình khi chăm sóc dân Thiên Chúa. Turner bắt đầu trình bày nền thần học này một cách khá nghịch thường: ông bảo Thánh Tôma là một người duy vật (materialist), không theo nghĩa nghèo nàn hiện đại: chỉ vật chất mới hiện hữu, mà theo nghĩa phong phú hơn: vật chất có khả năng mang theo một ý nghĩa mênh mông. Nhờ thế, ngài cho rằng ta biết được các chân lý về Thiên Chúa và về chính ta nhờ trí hiểu ta nắm được vật chất, nắm được các đối tượng của đời này.

Cũng thế, Thánh Tôma biện luận rằng con người nhân bản là hợp thể thân xác – linh hồn. Trái với Platông và các đồ đệ, linh hồn không phải là “trung tâm sức hút nhân vị”… Đối với Thánh Tôma, con người là thân xác và linh hồn với nhau, chứ không phải chỉ là các cơ năng hữu lý của linh hồn, mà còn là các cơ năng thực vật và động vật nữa. Thành thử, sinh hoạt thực vật và sinh hoạt động vật nơi con người (ăn, giao hợp) vẫn có thể mang theo ý hướng, có ý nghĩa, trở thành lời nói, trở thành ngôn ngữ để con người hành động qua lại với nhau. Các hành động này mang ý nghĩa sâu xa vì thân xác con người vốn mang ý nghĩa sâu xa. Và sở dĩ thân xác con người mang được ý nghĩa sâu xa là vì chúng là thành phần của yếu tính ta, chứ không phải là nhà tù hay cỗ máy để linh hồn cư ngụ bên trong.

Trong một thời đại, lúc chủ nghĩa nhị nguyên giữa tinh thần và thể xác đang tràn ngập ngôn từ công cộng và đang ảnh hưởng tới quan điểm của ta về mọi điều từ chăm sóc cuối đời tới bản chất tính dục và hôn nhân, thiển nghĩ ta cần xem sét cái nhìn có tính toàn bộ của Thánh Tôma.

Sau khi khảo sát cách hiểu của Thánh Tôma về bản chất con người, Turner nói tới cách hiểu của ngài về Thiên Chúa. Theo Turner, Thánh Tôma khởi đầu bộ Summa bằng cách dùng các luận chứng triết lý để chứng minh Thiên Chúa hiện hữu. Ngài cho rằng vấn đề này có thể tranh luận được và đã đưa ra 5 luận chứng, tức “Năm Con Đường” thời danh, mà người ta có thể sử dụng để chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa. Turner nghĩ rằng sẽ không có gì khác biệt giữa việc Thánh Tôma làm với năm con đường này và việc nhà hộ giáo hiện đại làm trong cuộc tranh luận với người vô thần. Tuy nhiên, nhiều người không nghĩ như thế. Vì ngữ cảnh nhận thức luận hiện đại của các luận chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa hoàn toàn khác với ngữ cảnh tiền cận đại của thần học trung cổ.

Thực ra, Thánh Tôma không tìm các lý lẽ để biện minh việc chúng ta nhất trí với đề xuất cho rằng Thiên Chúa hiện hữu; đúng hơn, ngài tìm cách để ta hiểu đề xuất ấy. Nói tóm lại, năm con đường của Thánh Tôma không phải nói về sự chắc chắn, mà là về sự khả niệm (intelligibility).

Hiểu như trên, các luận chứng của Thánh Tôma mới có ích cho cuộc tranh luận hiện nay của ta về Thiên Chúa. Đối với Thánh Tôma, sự duy nhất của Thiên Chúa không phải là sự duy nhất theo nghĩa số học. Đúng hơn, Người là cơ sở của mọi hữu thể, là lý do tại sao có các sự vật. Thiên Chúa là nguồn gốc của tạo thế, là mầu nhiệm ta buộc phải lặng thinh khi cuộc thăm dò vũ trụ của ta bằng lý trí đã cạn kiệt; Người không phải là một sự vật khác giống như ta, tung tăng trong vũ trụ.

Tuy nhiên, người Kitô hữu biết nhiều hơn thế về Thiên Chúa. Dựa vào mạc khải của Chúa Giêsu và tiết lộ của các tông đồ, ta tin chắc rằng Thiên Chúa không những chỉ là một, mà còn là ba ngôi nữa. Thánh Tôma cho rằng các ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa là các liên hệ thường tồn (subsistent relations). Hiểu như thế, Chúa Cha không phải là hữu thể sinh ra Chúa Con, mà chính là sự sinh ra (generating) Chúa Con. Thay vì đưa ra lời giải thích chi tiết có tính học thuật, Turner dùng một hình ảnh loại suy. Dù chỉ có một con đường Interstate 95 duy nhất, nhưng rõ ràng có hai hướng khác biệt trên con đường ấy. Ấy thế nhưng cả hai hướng đều đồng nhất (identical) với I-95. Hướng là điều có thật, chứ không phải chỉ là vấn đề điểm nhìn của người lái xe và không hề là ba I-95 khác biệt (bắc, nam và bắc nam phối hợp). Đúng hơn, có một và chỉ có một xa lộ được thiết lập bởi ba liên hệ thực sự khác biệt nhau.

Giống các phần khác của nền thần học Thánh Tôma, suy nghĩ của ngài về Ba Ngôi không chỉ dành riêng cho các tranh cãi có tính học thuật. Nó mô tả Thiên Chúa như một hiệp thông của tình yêu, và nó được dùng làm nền tảng cho việc khai triển sau này nền thần học ơn thánh của Thánh Tôma. Dù khảo luận của ngài về ơn thánh thường bị để trong ngoặc hoặc không được xem sét khi các học giả nghiên cứu các khía cạnh trong tư tưởng của ngài, nó vẫn là phần chủ chốt đối với suy tư của ngài như một toàn bộ nói chung. Vì ơn thánh vốn là phương tiện qua đó, Thiên Chúa sáp nhập con người vào hiệp thông tình yêu kia, vốn là chính bản tính của Người. Không như các thần học gia trung cổ khác vốn coi tình yêu gợi dục (erotic) và Diễm Ca như là kiểu mẫu cốt cán của tình yêu Kitô Giáo, Thánh Tôma coi nó chủ yếu như tình bạn. Vốn là người trung thành theo trường phái Aristốt, ngài biết rõ: tình bạn chỉ có thể có giữa những người ngang hàng. Bởi thế, nếu câu Chúa Giêsu nói “Thầy gọi các con là bạn” mà đúng, thì nó đòi Thiên Chúa phải dùng một ơn nhưng không để thắng vượt khoảng phân cách về cả tinh thần lẫn hữu thể giữa thụ tạo nhân bản tội lỗi và vị Thiên Chúa vốn là chính hữu thể. Theo một nghĩa nào đó, Thiên Chúa phải làm ta trở nên người ngang hàng với Người thì mới biến ta thành bằng hữu của Người được.

Hơn bất cứ người đồng thời nào khác, Thánh Tôma coi diễn trình thánh hóa này như một diễn trình được phủ kín bằng ơn thánh. Ý chí con người quả có can dự vào, nhưng cả sự thuận tình tự do của ý chí cũng là công trình của ơn thánh. Mục tiêu cuối cùng của thánh hóa là sự thống nhất của ý chí trong đó, con người nhân bản học biết yêu thương và thực hiện điều Thiên Chúa thích và làm, học biết chia sẻ sự sống Thiên Chúa bằng cách chia sẻ ý Người. Việc chữa lành ý chí cách tiệm tiến này mang theo nó sự chữa lành ước muốn, nhờ đó, con người học biết yêu thương và làm điều giúp họ triển nở, điều họ được dựng nên để thực hiện, điều, xét cho cùng, hết sức bản nhiên đối với họ. Và hình ảnh hoàn hảo nhất cho thấy bản nhiên con người là chính Chúa Kitô. Nơi Chúa Giêsu Nadarét, ta thấy hình ảnh ngời sáng của điều ta được kêu gọi trở thành tức là những con người nhân bản và Thiên Chúa, Đấng kêu gọi ta trở nên như thế, cũng như ơn thánh nhờ đó ta được đổi mới và trở thành bằng hữu của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Sau cùng, Turner kết thúc với việc Thánh Tôma bàn về Thánh Thể. Chính ở đây, ý nghĩa của thuyết duy vật (thể) của Thánh Tôma được trình bày rõ rệt hơn hết. Ngài nghĩ rằng vì vật thể (matter) mang một ý nghĩa sâu xa như thế, nên nó có khả năng mang Thiên Chúa thực sự. Trong Thánh Thể, Chúa Kitô hiện diện bằng thân xác dưới hình bí tích của bánh và rượu. Thánh Tôma không tìm được hạn từ nào thích đáng để diễn tả tiến trình qua đó việc này xẩy ra, nên ngài phải chấp nhận một hạn từ thần học: chuyển thể (transubstantiation). Theo Turner, nhiều tranh biện và tranh cãi đã diễn ra chung quanh hạn từ này, nhưng với Thánh Tôma, nó phục vụ một mục tiêu hạn chế: cho ta một mô tả thần học về diễn trình nhờ đó điều vốn là bánh và rượu nay thực sự là mình và máu Chúa Kitô. Turner xem ra không thích hạn từ này và cho rằng công trình trí thức cần có để hiểu nó vẫn không đủ để hiểu được thần học Thánh Thể. Dù nhiều người có thể bất đồng với Turner về điểm này, nhưng chắc ai cũng phải nhận rằng các điểm đặc thù trong cái khuôn Aristốt của Thánh Tôma kém quan trọng hơn là chân lý thần học nằm bên dưới, tức điều trước đây thực sự là bánh và rượu, thì nay thực sự là Con Thiên Chúa.

Tất cả các điều trên được dùng như lời dẫn nhập khéo léo vào tư tưởng của Thánh Tôma, nhưng liệu chúng có giúp ta hiểu được sự thánh thiện của ngài không? Thánh Tôma là thánh có phải vì ngài đưa ra các luận điểm vững chãi không, và nếu không, thì đó là điều gì? Câu trả lời của Turner rất đơn giản: ngài im lặng. Việc ngài từ khước không hoàn thành bộ Summa nói lên nhiều điều vô số kể về giới hạn của thần học và sự cao cả vĩ đại của Thiên Chúa. Dù thế vẫn chưa đủ, có một sự thánh thiện nằm đàng sau mọi điều Thánh Tôma viết, đó chính là việc ngài nằm phía sau điều ngài viết, chứ không nằm đàng trước. Trước tác của Thánh Tôma không viết về Tôma; mà viết về sự thật. Sự thánh thiện của ngài vì thế là sự thánh thiện của một thần học gia, vị thầy thánh thiện tàng hình ngay trong chính giáo huấn thánh thiện của mình. Trong trước tác cũng như trong cuộc sống, Thánh Tôma ôm ấp cảnh nghèo để Thiên Chúa được giảng dạy nhiều hơn nữa. Nhờ tự thu nhỏ lại, ngài đã làm sự thật của Thiên Chúa tăng độ sáng lên gấp bội.

 

 

Chia sẻ