Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

TGH Gioan Phaolô II – Bài 115. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II CA NGỢI TRUYỀN THỐNG ĐÔNG PHƯƠNG

Administrator
2020-08-11 00:27 UTC+7 7
Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh Bài 115. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II CA NGỢI TRUYỀN THỐNG ĐÔNG PHƯƠNG Công đồng mời gọi trân trọng hơn các kho tàng tinh thần của Kitô hữu Đông Phương, khởi đi từ phụng vụ, nguồn mạch đời sống Giáo Hội. 1. Về chủ đề đại kết, những gì […]

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

Bài 115. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II CA NGỢI TRUYỀN THỐNG ĐÔNG PHƯƠNG

Công đồng mời gọi trân trọng hơn các kho tàng tinh thần của Kitô hữu Đông Phương, khởi đi từ phụng vụ, nguồn mạch đời sống Giáo Hội.

1. Về chủ đề đại kết, những gì Công đồng Vaticanô II nói về mối quan hệ giữa các Giáo Hội Chính thống Đông phương và Giáo Hội Công giáo đặc biệt quan trọng: sự chia rẽ hiện tại không thể khiến chúng ta quên đi chặng đường dài mà chúng ta đã đi cùng nhau. “Trong nhiều thế kỷ, các Giáo Hội Đông và Tây phương đã đi theo con đường riêng của mình, nhưng vẫn liên kết với nhau nhờ tình hiệp thông huynh đệ trong đức tin và đời sống bí tích; qua những thỏa thuận chung, Tòa Thánh Rôma can thiệp mỗi khi các Giáo Hội ấy bất đồng quan điểm với nhau về đức tin hay về kỷ luật” (UR, 14). Trong giai đoạn lịch sử đó, các Giáo Hội Đông phương có cách riêng để cử hành và thể hiện mầu nhiệm đức tin chung và kỷ luật riêng của họ. Sự khác biệt chính đáng này không ngăn cản họ chấp nhận chức vụ được giao phó cho thánh Phêrô và những người kế vị.

Các Giáo Hội Đông phương cử hành phụng vụ với tình yêu lớn lao

2. Trên hành trình cùng nhau, Tây phương đã lãnh hội rất nhiều từ Đông phương trong lĩnh vực phụng vụ, truyền thống tâm linh và trật tự pháp lý. Hơn nữa, “một sự kiện khác cũng đáng chú ý là những tín điều căn bản trong đức tin Kitô giáo như Thiên Chúa Ba Ngôi, Ngôi Lời Thiên Chúa Nhập Thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria đã được định tín trong các Công đồng chung khai diễn tại Đông phương” (UR, 14). Đạo lý phát triển ở Đông phương trong những thế kỷ đầu tiên có ý nghĩa quyết định đối với việc hình thành đức tin phổ quát của Giáo Hội. Ở đây, tôi muốn ghi nhớ với lòng tôn kính sâu sắc đạo lý được một số Công đồng đại kết trong các thế kỷ đầu xác định: Cha và Con đồng bản thể tại Công đồng Nicea năm 325; thiên tính của Chúa Thánh Thần tại Công đồng Constantinople I được cử hành vào năm 381; thiên chức làm mẹ của Đức Maria tại Công đồng Êphêsô năm 431; một ngôi vị và hai bản tính nơi Chúa Kitô tại Công đồng Chalcedon năm 451. Những tiến triển theo chủ đề cần phải dựa trên đóng góp nền tảng chung quyết cho đức tin Kitô giáo, giúp chúng ta có thể hiểu được rõ ràng hơn “sự giàu có không kể xiết” của mầu nhiệm Chúa Kitô (Ep 3,8).

Công đồng Vaticanô II đã cố gắng không đánh giá các trường hợp chia rẽ, cũng như xem xét các lời cáo buộc lẫn nhau. Công đồng chỉ lưu ý  đến một gia tài cùng nhận được từ các Tông đồ đã được phát triển ở những nơi khác nhau và theo nhiều cách khác nhau ở Đông và Tây phương, “do những dị biệt về khả năng và hoàn cảnh” (UR, 14). Điều này tạo ra các vấn đề, “không kể các nguyên nhân bên ngoài, chính những yếu tố đó, cộng với sự thiếu bác ái và thông cảm lẫn nhau, đã tạo nên cơ hội đưa đến chia rẽ” (UR, 14). Ký ức về những đớn đau trong quá khứ, thay vì giam cầm chúng ta trong những cáo buộc và tranh cãi, sẽ thúc đẩy chúng ta đến bác ái và hiểu biết lẫn nhau trong hiện tại và tương lai.

3. Về vấn đề này, tôi muốn nhấn mạnh đến kho tàng tinh thần của Kitô giáo Đông phương mà Công đồng đặc biệt cân nhắc, bắt đầu từ những gì có liên quan đến phụng vụ thánh. Các Giáo Hội Đông phương cử hành phụng vụ với lòng mộ mến sâu sắc. Điều này đặc biệt đúng đối với cử hành Thánh Thể, nơi tất cả chúng ta được mời gọi đến khám phá lớn hơn về “nguồn sống của Giáo Hội và bảo chứng cho vinh quang đời sau” (UR, 15). Nhờ đó, “các tín hữu hợp nhất với Giám mục, được đến gần Thiên Chúa Cha, nhờ Chúa Con Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng đã chịu đau khổ và được tôn vinh, được đầy Chúa Thánh Thần, họ thông hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi rất thánh, được “thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1,4). Như vậy, nhờ việc cử hành Thánh Thể trong từng Giáo Hội địa phương, Giáo Hội Thiên Chúa được xây dựng và tăng trưởng , và việc đồng tế đã thể hiện rõ sự thông hiệp giữa các Giáo Hội” (UR, 15).

Tiếp đến, Sắc lệnh về Đại kết nhắc lại lòng sùng kính của các Giáo Hội Đông phương đối với Đức Maria, Đức Mẹ đồng trinh, Đấng được tán dương trong những bài thánh ca diễm lệ. Lòng sùng kính đối với tước hiệu Mẹ Thiên Chúa (Theotokos) nêu bật tầm quan trọng thiết yếu của Đức Maria trong công trình cứu độ và cũng làm sáng tỏ ý nghĩa và giá trị của lòng tôn kính dành cho các thánh. Sắc lệnh đặc biệt nhấn mạnh vào các truyền thống tâm linh, đặc biệt là các truyền thống đan tu, nhận ra chúng là “mạch suối khởi phát đồng thời tiếp tục mang lại nguồn sinh lực mới cho các dòng tu trong Giáo Hội Latinh” (UR 15).

Những đóng góp của Đông phương cho đời sống của Giáo Hội của Chúa kitô đã và đang còn rất quan trọng. Do đó, Công đồng khuyến khích người Công giáo: “thông hiểu, kính trọng, giữ gìn và phát triển di sản phụng vụ và tu đức vô cùng phong phú của các tín hữu đông phương là việc rất quan trọng để trung thành bảo toàn đầy đủ truyền thống Kitô giáo và để thực hiện sự hòa giải các Kitô hữu Đông phương với Tây phương” (UR 15). Cụ thể, người Công giáo được tha thiết mời gọi “hãy năng tìm đến kho tàng tu đức phong phú của các thánh Giáo phụ Đông Phương” theo truyền thống của một linh đạo “giúp nâng cao con người toàn diện để chiêm ngưỡng những điều thuộc về Thiên Chúa” (UR, 15).

4. Liên quan đến các khía cạnh hiệp thông, Chỉ dẫn Đại kết gần đây xác nhận và nêu chính xác tất cả những gì Công đồng bàn đến. Một sự hiệp thông nhất định là có thể, vì các Giáo Hội Đông phương có các bí tích thực sự, đặc biệt là chức tư tế và bí tích Thánh Thể.

Về điểm nhạy cảm này, các chỉ dẫn cụ thể đã được ban hành. Chẳng hạn, bất cứ khi nào một người Công giáo không thể tìm đến một Linh mục Công giáo, người đó có thể lãnh nhận các bí tích Giải tội, bí tích Thánh Thể và Xức dầu từ Linh mục của Giáo Hội Đông phương (Chỉ dẫn, 123). Tương tự, các thừa tác viên Công giáo có thể ban các bí tích Giải tội, bí tích Thánh Thể và Xức dầu cho các Kitô hữu Đông phương, khi họ có nhu cầu. Tuy nhiên, nên tránh mọi hình thức hoạt động mục vụ không xem xét đúng đắn đến phẩm giá và tự do của lương tâm. Các điều khoản đã được đưa ra cho những hình thức hiệp thông mầu nhiệm trong trong các tình huống riêng biệt cụ thể.

Trong hoàn cảnh này, tôi muốn gửi lời chào thân ái đến những Giáo Hội Đông phương hiệp thông trọn vẹn với Giám mục Rôma, trong khi vẫn giữ gìn truyền thống phụng vụ, kỷ luật và tu đức cổ xưa. Họ là bằng chứng đặc biệt cho sự đa dạng trong hiệp nhất làm tăng thêm vẻ đẹp Giáo Hội của Chúa Kitô. Ngày nay hơn bao giờ hết, sứ vụ được giao phó cho họ là một trong những dịch vụ cho hiệp nhất mà Chúa Kitô mong muốn nơi Giáo Hội của Người, bằng cách chia sẻ “trong cuộc đối thoại của tình yêu và trong cuộc đối thoại thần học ở cả cấp địa phương và hoàn vũ, và do đó góp phần hiểu biết lẫn nhau…” (UUS, 60).

5. Theo Công đồng, “các Giáo Hội Đông Phương đã theo những kỷ luật riêng được các thánh Giáo phụ và các Công Đồng, kể cả các Công Đồng Chung phê chuẩn” (UR, 16). Ngoài ra còn có một sự đa dạng chính đáng trong cách mỗi bên lưu truyền giáo lý nhận được từ các Tông đồ. Những công thức thần học khác nhau của Đông và Tây phương bổ túc cho nhau hơn là đối lập. Công đồng cũng lưu ý rằng truyền thống thần học chính thức của Giáo Hội Đông Phương “đã bám rễ cách tuyệt hảo trong Kinh Thánh” (x. UR, 17).

Chúng ta cần gia tăng lòng kính trọng dành cho các Giáo Hội Đông phương

Do đó, chúng ta cần phát triển kiến ​​thức về những gì Công đồng đã dạy và khuyến nghị việc tôn trọng các thực hành, tập tục và truyền thống tâm linh của các Giáo Hội Đông phương. Chúng ta cố gắng cho các mối tương quan bác ái chân thành và hợp tác hiệu quả với họ, trong sự trung thành với chân lý. Chúng ta chỉ có thể chia sẻ và mong muốn rằng “gia tăng sự cộng tác huynh đệ trong tinh thần bác ái và loại trừ những hình thức ganh đua, tranh tụng” (UR, 18). Phải, xin Chúa ban tặng điều này như một món quà tình yêu của Ngài cho Giáo Hội trong thời đại chúng ta!

Chia sẻ