PHỤNG VỤ KHẤN DÒNG: LỊCH SỬ VÀ THẦN HỌC
Phan Tấn Thành
I. Các nghi thức khấn dòng trải qua lịch sử
A. Sự tiến triển của các nghi thức khấn dòng: 1/ Các dòng đan tu: khấn trên bàn thờ. 2/ Thời Trung đại: khấn trong tay. 3/ Dòng Tên: khấn trước Mình Thánh Chúa.
B. Từ thế kỷ XVI đến công đồng Vaticanô II
II. Nghi thức khấn dòng 1970
A. Nội dung
B. Cấu trúc các nghi lễ
C. Thần học. 1/ Lời nguyện thánh hiến. 3/ Các lời nguyện trong Thánh Lễ
D. Việc thích nghi với các truyền thống dòng tu và văn hóa
———————————
Nhập đề
Đối với thần học đời tu, năm nay có một kỷ niệm quan trọng nhưng ít được chú ý, đó là 50 năm ban hành Nghi thức khấn dòng (Ordo professionis). Từ lâu rồi, các dòng tu đã có nghi thức khấn dòng, nhưng không có một nghi thức chung nào cho toàn thể Hội thánh. Thể theo ý nguyện của công đồng Vaticanô II, Bộ Phụng tự đã soạn thảo văn kiện ấy và ban hành ngày 2 tháng 2 năm 1970. Đặc trưng của nghi thức này là không bắt buộc tất cả các dòng tu phải tuân theo một khuôn mẫu cố định, mà chỉ đề ra những nét đại cương, và để cho các dòng tu thích nghi theo truyền thống của mình. Tuy nhiên, cũng như các nghi thức khác được soạn thảo sau công đồng Vaticanô II, nghi thức này không chỉ “truyền” phải làm điều gì (quen gọi là “chữ đỏ”: rubrica), mà còn giải thích ý nghĩa của các cử chỉ và lời kinh, nhằm thúc đẩy một sự tham gia có ý thức hơn. Tiếc rằng thực tế không hoàn toàn phù hợp với lý tưởng mong đợi. Chỉ cần lấy một thí dụ đơn giản thì đủ rõ: nhiều tu sĩ đọc công thức “Con khấn trong tay của bề trên”, nhưng thực sự thì một tay đang cầm nến còn tay kia cầm micro. Tại sao gọi là “khấn trong tay”? Cử chỉ này có ý nghĩa gì?
Bài này gồm hai phần. Phần thứ nhất ôn lại lịch sử các nghi thức khấn dòng từ buổi đầu đời đan tu cho đến công đồng Vaticanô II. Phần thứ hai giới thiệu nội dung nghi thức khấn dòng được ban hành cách đây 50 năm, nêu bật ý nghĩa của các lễ nghi và cách riêng thần học của các kinh nguyện thánh hiến.
I. Các nghi thức khấn dòng trải qua lịch sử
Trước tiên, chúng ta hãy nhìn lại các nghi thức khấn dòng từ những thế kỷ đầu tiên cho đến công đồng Vaticanô II. Nói chung, có ba “truyền thống” chính: a) khấn trên bàn thờ, b) khấn trong tay, c) khấn trước Mình Thánh Chúa, tương ứng với thời đan tu, thời trung đại và thời cận đại. Ngoài các nghi thức chính, dần dần người ta thêm nhiều nghi thức khác đánh mạnh vào cảm xúc nhưng dễ có nguy cơ làm lu mờ ý nghĩa chính yếu của việc khấn dòng.
A) Sự tiến triển của các nghi thức khấn dòng
Đời tu trì Kitô giáo khởi sự từ bao giờ? Thật khó trả lời cho câu hỏi này, một phần bởi vì tùy cách chúng ta hiểu các từ ngữ “tu trì, tận hiến”. Ai là tu sĩ đầu tiên: phải chăng là các thánh tông đồ? Hay là Đức Maria? Và, tại sao không, chính Đức Giêsu đã dâng hiến trọn đời cho vương triều của Thiên Chúa?[1] Dù sao, các nhà sử học thường đánh dấu khởi đầu của đời sống tu trì với nếp sống đan tu bên Ai-cập vào thế kỷ III.
Vào lúc đầu, việc gia nhập đời tu chưa có hình thức pháp lý cố định. Mãi đến thế kỷ V, người ta mới thấy một vết tích của nghi thức khấn dòng trong tác phẩm mang tựa đề “Phẩm trật Hội thánh” (Hierarchia ecclesiastica), chương 6[2]. Lễ nghi diễn ra trước bàn thờ, do một linh mục chủ tọa, gồm 4 phần: 1) Lời cầu nguyện xin ơn cho người sắp khấn; 2) Linh mục chất vấn ứng sinh về ý chí từ bỏ tội lỗi và tiến lên đường trọn lành; 3) Linh mục làm dấu thánh giá trên đầu và cắt tóc; 4) Ứng sinh lột bỏ áo đời, và khoác vào áo mới.
Như vậy, có thể nói được hai nghi thức chính biểu lộ việc cam kết tận hiến là cắt tóc và mặc áo dòng, tương tự như thể chế các giới tu hành Phật giáo! Thế nhưng, đến khi đời tu được tổ chức có quy củ hơn, thì nghi thức tận hiến cũng được xác định chi tiết hơn. Sự thay đổi quan trọng nhất ở chỗ nhấn mạnh đến công thức tuyên khấn: việc thay đổi áo mặc chưa đủ, cần phải cam kết bằng lời khấn nữa. “Chiếc áo không làm nên thầy tu”[3] là thế đó: mặc áo nhà tu chưa đủ để thành thầy tu, cần phải tuyên khấn nữa[4]. Thực ra, trải qua lịch sử đời tu bên Giáo hội La-tinh, người ta nhận thấy có ba hình thức chính để tuyên khấn: Trên bàn thờ (super altare); Tay trong tay (in manibus); Trước Mình Thánh Chúa (super hostiam).
1/ Khấn trên bàn thờ
Khấn trên bàn thờ có nghĩa là đọc lời tuyên khấn gần bàn thờ để nói lên ý chí hiến dâng, hợp với hy lễ Đức Kitô trên bàn thờ. Đây là hình thức được mô tả trong luật thánh Biển Đức (chương 58). Sau khi đã mãn giai đoạn thử luyện, tập sinh được dẫn ra nhà thờ, trước sự hiện diện của toàn thể cộng đồng. Tập sinh sẽ đọc lời hứa vĩnh cư, cải hoán và vâng lời (stabilitas, conversatio morum, obedientia); tiếp theo, tập sinh đặt lá đơn lên trên bàn thờ. Cộng đồng sẽ xướng thánh vịnh 118,116: “Lạy Chúa, xin nhận con theo như lời Chúa, hầu con được sống; xin đừng để con thất vọng ê chề” (Suscipe me, Domine, secundum eloquium tuum et vivam, et ne confundas me ab expectatio mea). Sau đó, tân khấn sinh sẽ đến phủ phục dưới chân của mỗi đan sĩ để xin cầu nguyện cho mình được trung thành. Cuối cùng, đan sinh sẽ lột bỏ áo đời và khoác áo dòng.
Truyền thống Dòng Biển Đức cử hành lễ nghi vào lúc dâng lễ vật trong Thánh Lễ. Mô hình này được gọi là “khấn trên bàn thờ”, bởi vì diễn ra gần với bàn thờ và Thánh Lễ (khấn sinh đặt tờ giấy viết lời khấn lên bàn thờ), nhằm diễn tả đời tu như là một sự dâng hiến bản thân cho Đức Kitô để Người kết nạp vào hy lễ Thánh Thể. Vì thế việc khấn dòng cũng mang tên là: ordinatio, benedictio, consecratio.
2/ Khấn trong tay
Sang thời Trung cổ, với các dòng kinh sĩ, hiệp sĩ và hành khất, hình thức khấn thay đổi[5]. Nghi lễ diễn ra ở phòng hội (capitulum) tu viện, chứ không còn tại nhà thờ nữa. Lễ nghi diễn ra như sau:
– Tập sinh phủ phục giữa phòng hội, xin được gia nhập cộng đồng.
– Sau những câu hỏi chất vấn, tập sinh đứng lên, tiến đến trước mặt bề trên, quỳ gối xuống, đặt tay mình trong tay của bề trên (immixito manuum) và đọc lời khấn.
– Nghi thức kết thúc với những cử chỉ tiếp nhận: bề trên và cộng đồng sẽ quàng tay ôm tân khấn sinh và chúc bình an.
Theo các sử gia, hình thức này lấy từ tập tục của các lãnh chúa đương thời: một thần dân đến tuyên hứa suy phục lãnh chúa, và ông này cam kết sẽ bảo vệ thuộc hạ. Nghi thức khấn trong tay muốn làm nổi bật chiều kích cộng đồng của lời khấn: tập sinh được gia nhập vào cộng đồng, và cộng đồng đón tiếp tập sinh (nói khác đi, đó là một hình thức hợp đồng song phương). Còn lời khấn trên bàn thờ chỉ bao hàm lời hứa gián tiếp của tu sĩ đối với cộng đồng, và cộng đồng hứa sẽ bảo đảm cho phần tử những phương tiện để theo đuổi sự tận hiến cho Chúa[6].
Cũng nên biết, một số dòng kinh sĩ (như Dòng Prémontrés) kết hợp cả hai nghi thức: trước hết là khấn trong tay ở phòng hội, rồi sau đó kiệu ra nhà thờ để khấn trên bàn thờ; còn Dòng Đaminh thì chỉ có khấn trong tay ở phòng hội. Mặt khác, có sự khác biệt quan trọng giữa Dòng Đaminh với các dòng kinh sĩ: dòng kinh sĩ khấn “trụ trì” ở một đan viện, Dòng Đaminh khấn với bề trên tổng quyền và sẵn sàng được sai đi khắp nơi để rao giảng Tin mừng.
3/ Khấn trước Mình Thánh Chúa
Hình thức khấn trước Mình Thánh Chúa vào lúc rước lễ (coram Sanctissimo Sacramento ante ipsam communionem), được du nhập từ thánh Inhaxiô Loyola[7]. Theo các nhà chú giải Dòng Tên (chẳng hạn như cha Suarez), đây cũng là lời khấn trong tay giống như các dòng Trung cổ, duy có điều là thay vì khấn trong tay của bề trên thì khấn trong tay Chúa[8]. Nhiều dòng nữ cận đại chịu ảnh hưởng của Dòng Tên cũng tuyên khấn trước Mình Thánh Chúa.
B. Từ thế kỷ XVI đến công đồng Vaticanô II
Nên ghi nhận là trải qua lịch sử, có sự tiến triển trong nghi thức tuyên khấn cũng như có sự tiến triển trong nội dung của việc cam kết. Các đan sĩ Biển Đức tuyên khấn “vĩnh cư, hoán cải, vâng phục” (stabilitas, conversatio morum, obedientia). Các kinh sĩ Saint Victor khấn “khiết tịnh, hiệp thông, vâng phục” (castitas, communio, obedientia), tu sĩ Dòng Phan sinh khấn “khiết tịnh, không tư sản, vâng phục” (obedientia, sine proprio, castitas).
1/ Ngoài những nghi thức chính yếu, các dòng còn thêm nhiều chi tiết nhằm tăng thêm ý nghĩa của nghi thức khấn dòng.
– Vào thời người ta coi sự khấn dòng như một lần rửa tội thứ hai, thì nghi thức khấn dòng cũng lấy lại vài nghi lễ rửa tội: thí dụ, chết cho thế gian (ứng sinh nằm phủ phục dưới đất, và phủ tấm khăn đen lên trên người); đổi tên mới, đổi áo mới, thắp đèn sáng.
– Trong các Dòng nữ, nhằm biểu lộ lời khấn dòng như sự kết hôn huyền nhiệm với Đức Kitô, người ta du nhập những biểu hiệu của lễ cưới: đời xưa là chiếc lúp (cũng như những cô dâu đội “voile”); gần đây thì trao và xỏ nhẫn.
– Nhằm biểu lộ ý chỉ từ bỏ bản thân đi theo Đức Kitô, người ta trao cho khấn sinh thánh giá, vòng gai; thậm chí người ta còn gióng hồi chuông tử để loan báo cho thiên hạ biết là đã có một người vừa mới chết cho thế gian!
2/ Trong Hiến chế về Phụng vụ số 80, công đồng Vaticanô II bày tỏ mong muốn duyệt y nghi thức khấn dòng và lặp lại lời khấn; cố gắng nêu bật sự nhất thống giữa các chi tiết, tránh những rườm rà tuy không giảm vẻ tôn nghiêm[9]. Công đồng cũng ước mong cho lễ nghi khấn dòng diễn ra trong Thánh Lễ, tuy vẫn tôn trọng những tập tục của các Dòng.
Nhằm thực thi ý nguyện của công đồng, một ủy ban soạn thảo đã được thiết lập. Kết quả được đệ trình lên các bề trên (102 bề trên tổng quyền nam và 150 bề trên dòng nữ và viện mẫu) cũng như các cơ quan có thẩm quyền của Tòa Thánh. Sau cùng Nghi thức khấn dòng (Ordo professionis religiosae) được ban hành ngày 2/2/1970, lễ Đức Mẹ dâng Con trong đền thờ. Cũng như nhiều bản văn phụng vụ được duyệt chính sau công đồng, nguyên bản La-tinh không những cần được dịch ra sinh ngữ[10], mà còn cần phải thích nghi với văn hóa địa phương nữa. Trong nghi thức khấn dòng, cần phải nói rằng, sự thích nghi không chỉ cần lưu ý đến các dân tộc cho bằng truyền thống của mỗi dòng.
II. Nghi thức khấn dòng 1970
Trong phần này, trước hết, chúng tôi muốn giới thiệu nội dung của sách Nghi thức; kế đó, chúng tôi sẽ mô tả sơ lược diễn tiến các nghi lễ; tiếp theo, chúng tôi muốn nêu bật vài yếu tố thần học trong các nghi thức; cuối cùng, chúng ta bàn qua vấn đề thích nghi với truyền thống.
A. Nội dung
Sách Nghi thức khấn dòng gồm bốn phần chính sau đây:
1/ Phần dẫn nhập (Praenotanda. Bản dịch Việt ngữ: “Những điều cần biết trước”)
Sau khi nói vắn tắt về bản chất và giá trị của việc khấn dòng (số 1-2), văn kiện giới thiệu các nghi thức chính liên quan đến các giai đoạn cam kết trong đời tu (số 3-8). Tiếp đến văn kiện đề cập đến việc liên kết lễ nghi khấn dòng với Thánh Lễ (hoặc giờ Kinh phụng vụ) tùy theo cấp bậc (số 9-11). Những số cuối cùng (12-15) bàn về việc thích nghi nghi thức này với các truyền thống của mỗi dòng.
2/ Nghi thức khấn dòng (Ordo professionis)
Nghi thức khấn dòng được chia làm hai mục, trước là dành cho nam tu sĩ và sau là dành cho nữ tu sĩ; cả hai đều bao gồm các giai đoạn sau đây:
a. Khởi đầu đời sống tu trì;
b. Nghi thức khấn tạm;
c. Nghi thức khấn trọn đời;
d. Việc nhắc lại lời khấn. Tiếp theo là các bài đọc Sách thánh, các lời nguyện tùy chọn.
3/ Nghi thức Tuyên Hứa (Ritus Promissionis)
Huấn thị Renovationis Causam, do Bộ Tu sĩ công bố (ngày 6-1-1969) nhìn nhận cho việc tuyên hứa có một giá trị pháp lý trong một số dòng tu. Lời hứa này được thực hiện trong một thời gian trước khi khấn trọn đời (thay cho lời khấn tạm). Đây không phải là lời tuyên khấn.
Nên biết là với việc ban hành Bộ Giáo luật 1983, nghi thức tuyên hứa đã bị bãi bỏ. Tu sĩ buộc phải khấn tạm (trước khi khấn trọn đời).
4/ Phần Phụ Lục (Appendix)
Phần phụ lục gồm: một mẫu công thức khấn dòng; các mẫu công thức Thánh Lễ (khấn lần đầu, khấn trọn đời, lặp lại lời khấn); nhắc nhớ các tân khấn sinh trong Kinh nguyện Thánh Thể.
B. Cấu trúc các nghi lễ
Cấu trúc các nghi lễ được mô tả sơ lược ở phần dẫn nhập cũng như trong diễn tiến của mỗi nghi thức.
Nên lưu ý đến nguyên tắc “long trọng tiệm tiến” trong các lễ nghi: nghi thức khởi đầu được cử hành trong nội bộ cộng đoàn, trong một buổi cử hành Lời Chúa; nghi thức khấn lần đầu có thể diễn ra trong Thánh Lễ; nghi thức khấn trọn đời được cử hành trong Thánh Lễ, với sự tham gia của cộng đồng Dân Chúa, và tính cách long trọng được biểu lộ qua kinh cầu các thánh và lời nguyện thánh hiến. Sau cùng, những lần lặp lại lời khấn diễn ra cách đơn sơ.
1) Nghi thức khởi đầu trong đời sống tu trì (Initiatio vitae in instituto)
Nghi thức này được cử hành trong hầu hết các dòng tu khi một người vào nhà tập theo giáo luật. Ngày xưa trong nghi thức này, người ta trao áo dòng cho các ứng sinh; nhưng ngày nay, vì áo dòng được coi như dấu hiệu của sự thánh hiến, nên với nhiều nơi, việc trao áo dòng được dời vào ngày khấn.
Nghi thức gia nhập đời tu cần phải hết sức đơn sơ, diễn ra trong vòng sinh hoạt của cộng đoàn mà thôi. Nghi thức được diễn ra trong một buổi cử hành Lời Chúa. Trước đây, trong hầu hết các dòng tu, thời gian bắt đầu nhà tập được cử hành rất trọng thể, đánh dấu một sự đổi đời. Ngày nay, theo nguyên tắc tiệm tiến, sự long trọng được dành cho lễ khấn trọn đời.
2) Nghi thức khấn lần đầu (tuyên khấn tạm)
Sau thời gian tập viện, ứng sinh tuyên khấn lần đầu các lời khuyên Tin mừng trong một nghi thức phụng vụ. Với lời tuyên khấn này, các ứng sinh biểu lộ một sự gắn bó hơn với việc đi theo Chúa Kitô (Sequela Christi). Nghi thức này có thể cử hành trong một Thánh Lễ nhưng không nên có điều gì trọng thể đặc biệt, hoặc trong một buổi phụng vụ Lời Chúa, hay một giờ Phụng vụ các giờ kinh (nhất là Kinh sáng, hoặc Kinh chiều).
Để tránh lặp lại, cấu trúc lễ khấn sẽ được mô tả trong nghi thức khấn trọn đời dưới đây. Chỉ cần thêm rằng ở nhiều nơi, người ta trao sách hiến pháp và huy hiệu của dòng vào lúc khấn lần đầu. Đặc biệt là tại các dòng nữ, còn có nghi thức đổi khăn lúp (từ màu trắng của tập sinh, sang màu đen hoặc một màu nào riêng của Dòng).
3) Nghi thức khấn trọn đời
Việc tuyên khấn trọn đời nên được cử hành cách trọng thể, với sự tham dự của công đoàn Dân Chúa. Hiến chế về Phụng vụ (số 80) khuyến khích nên cử hành trong Thánh Lễ, sau bài đọc Tin mừng. Việc cử hành lễ khấn giữa Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể có lợi điểm là, một đàng Lời Chúa soi sáng ý nghĩa của việc dâng hiến, và đàng khác, liên kết việc dâng hiến bản thân với hiến tế của Đức Giêsu trên bàn thờ. Trong bối cảnh này, tuy dù tôn trọng truyền thống của những dòng tuyên khấn trước khi rước lễ, nhưng Nghi thức không khuyến khích điều này, và ngăn cấm các dòng mới không được du nhập thói tục ấy (x. Dẫn nhập tổng quát, số 15).
Cấu trúc Nghi thức khấn trọn đời:
– Gọi tên các ứng sinh (hoặc: các ứng sinh bày tỏ thỉnh nguyện).
– Bài giảng rút ra từ các bài Sách thánh vừa đọc để trình bày giá trị của ơn gọi và đời sống tu trì.
– Thẩm vấn. Các ứng sinh được hỏi về ý muốn dâng mình cho Chúa theo đường lối của dòng. Các câu hỏi thay đổi tùy theo mỗi dòng. Mẫu chung đề nghị bốn câu hỏi được xếp đặt như sau: (a) liên hệ giữa bí tích rửa tội và đời thánh hiến; (b) đời tu trì là sự bắt chước Đức Kitô khó nghèo, khiết tịnh, vâng lời; (c) nét tiêu biểu của đời thánh hiến: sống đức ái hoàn hảo; (d) khía cạnh tông đồ của đời thánh hiến dựa theo đặc sủng của dòng.
– Kinh cầu các thánh: chuẩn bị khấn dòng, kêu cầu Thiên Chúa nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria và các thánh, ban ơn trợ giúp cho các ứng sinh trong việc trọng đại này. Danh sách các vị thánh có thể thay đổi tùy theo truyền thống của dòng[11]. (Nên biết là những lời khẩn nài trong kinh cầu sẽ thay thế “lời nguyện giáo dân” ở phần tiếp theo của Thánh Lễ). Các ứng sinh thường phủ phục đang khi cộng đoàn hát kinh cầu, cũng giống như trong lễ Truyền chức.
– Khấn dòng: tột đỉnh của nghi thức khấn dòng. Tu sĩ đọc lời khấn trước mặt bề trên và cộng đoàn. Đây là phần cốt yếu của nghi thức[12]. Sau đó, theo tập tục của các dòng đan tu, khấn sinh có thể đem bản viết lời khấn đặt trên bàn thờ, đang khi cộng đoàn hát câu Thánh vịnh 118,116: “Lạy Chúa, xin nhận con theo như lời Chúa, hầu con được sống; xin đừng để con thất vọng ê chề”.
– Lời nguyện thánh hiến, do vị chủ tế đọc. Hội thánh xác nhận lời khấn bằng việc thánh hiến, và xin Thiên Chúa đổ tràn ơn huệ Thánh Linh trên các tân khấn sinh. Đây là một yếu tố mới được du nhập vào nghi thức khấn dòng, muốn nêu bật chủ động của việc “thánh hiến” là Thiên Chúa. Lời khấn không chỉ có “chiều ngang” (giữa tu sĩ với dòng) nhưng nhất là “chiều dọc”, nghĩa là chiều kích huyền nhiệm. Con người “hiến mình” cho Thiên Chúa để đáp lại hồng ân Thiên Chúa đã “thánh hiến” (tuyển chọn, kêu gọi) con người[13]. Sách Nghi thức trình bày hai mẫu thánh hiến cho nam tu sĩ và hai mẫu cho nữ tu sĩ.
– Trao các biểu hiệu vĩnh khấn. Đặc biệt các nữ tu được trao nhẫn như dấu chỉ việc kết hôn huyền nhiệm với Chúa Kitô
– Sau cùng là việc nhận khấn sinh vào cộng đoàn.
Thánh Lễ tiếp tục với phụng vụ Thánh Thể. Có thể để cho các khấn sinh mang lễ vật lên bàn thờ.
4) Nghi thức lặp lại lời khấn
Nhiều dòng có thói quen lặp lại lời khấn. Cần phải phân biệt hai thứ lặp lại lời khấn: a) một thứ mang tính cách pháp lý (Hiến pháp qui định lặp lại lời khấn tạm một số lần trước khi khấn trọn đời); b) một thứ mang tính đạo đức, chẳng hạn vào ngày lễ đặc biệt của Dòng, và cách riêng vào dịp lễ ngân khánh hay kim khánh khấn dòng.
Việc lặp lại lời khấn có thể diễn ra trong Thánh Lễ, nhưng không mang tính long trọng, nhất là các lần lặp lại hằng năm (trường hợp này cũng có thể cử hành trong khuôn khổ của buổi Phụng vụ Lời Chúa hoặc Phụng vụ giờ kinh).
Đối lại, việc lặp lại lời khấn nhân dịp ngân khánh hoặc kim khánh có thể tổ chức long trọng trong Thánh Lễ tuy không có nghi thức gì đặc biệt.
C. Thần học
Có nhiều cách để trình bày thần học đời sống thánh hiến. Ở đây chúng tôi chỉ phác thảo một vài nét chính dựa theo các lời nguyện và đặc biệt là lời nguyện thánh hiến.
1/ Lời nguyện thánh hiến
Như đã nói trên đây, đây là yếu tố mới của sách Nghi thức 1970, nhằm nêu bật khía cạnh huyền nhiệm của việc khấn dòng, bổ khuyết cho lối trình bày trước đây chú trọng đến khía cạnh pháp lý (tương quan nghĩa vụ đối với Thiên Chúa và đối với dòng). Sách Nghi thức khấn dòng đề nghị bốn mẫu lời nguyện thánh hiến: hai cho nam tu sĩ và hai cho nữ tu sĩ[14].
Nói chung, lời nguyện này mang hình thức của các kinh benedictio trong Kinh thánh, bao gồm cả “chúc tụng” (từ dưới đi lên) và “chúc lành” (từ trên đi xuống)[15]. Nói cách khác, sách Nghi thức muốn lồng đời sống thánh hiến trong lịch sử cứu độ, nhìn trong tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Cha là nguyên ủy và nguồn mạch của ơn gọi nên thánh. Người đã gợi lên ý định đi theo Đức Giêsu, gương mẫu tối thượng của tu sĩ qua cuộc đời khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục; Thánh Linh, ân huệ của Chúa Cha, đã làm triển nở ý định nên trọn lành nơi người tu sĩ, muốn sống sung mãn ơn gọi Kitô hữu[16]. Vì thế lời nguyện chúc tụng gồm ba phần: phần thứ nhất “tưởng niệm” (anamnesis) công trình cứu chuộc được Chúa Cha thực hiện; phần thứ hai là “khẩn nài” (epiclesis) Thánh Linh; phần thứ ba là “chuyển cầu” (intercessio) nhờ Chúa Con.
a) Tưởng niệm. Phần đầu của lời nguyện chúc tụng nhớ lại những việc kỳ diệu của Thiên Chúa trong suốt lịch sử cứu độ. Đó là những kỳ công gợi lên lòng tri ân. Những lần can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ chuẩn bị và tiên báo đời sống tu trì. Chẳng hạn như các ông A-ben, Nô-ê, Áp-ra-ham, Mô-sê, Sa-mu-en, Ê-li-a, Ê-li-sêu cũng như nhiều người nam nữ khác trong Cựu ước, phản ánh lý tưởng nên thánh mà Thiên Chúa muốn vạch ra. Đặc biệt là Đức Trinh nữ Maria, Đấng cưu mang Đức Kitô, đã cô đọng những tinh hoa của Cựu ước (x. Lumen gentium, số 55), và trở nên mẫu gương thánh thiện cho các thế hệ tương lai. Nhiều người, đi theo tiếng gọi của Thánh Linh, đã bắt chước Đức Kitô bằng cách họa lại lối sống của Con Thiên Chúa nhập thể. Trong số những người ấy có các tu sĩ vừa mới tuyên khấn.
b) Khẩn nài Thánh Linh. Phần thứ hai của lời thánh hiến là lời khẩn nài Chúa Cha, xin Người ban ơn Thánh Linh xuống trên những người quyết tâm sống ba lời khuyên Tin mừng. Ba Ngôi kết hợp với nhau, tạo ra một mối tương quan với các tân khấn sinh và dẫn họ đến sự hoàn thiện. Chúa Cha, như là nguyên ủy, phái Thần khí thánh hóa để uốn nắn các người được kêu gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, là mẫu gương tuyệt vời của sự thánh thiện. Trong giây phút linh thiêng của lễ tuyên khấn này, Hội thánh khẩn nài Chúa Cha ban Thánh Linh cho các tân khấn sinh: “Vậy lạy Chúa là Cha, chúng con khẩn khoản nài xin Chúa ban lửa Thánh Thần xuống trên những con cái Chúa đây để nuôi dưỡng quyết định nhiệt thành mà Chúa đã khơi lên trong lòng họ”. Thực ra, Thánh Linh đã được ban cho các tín hữu lúc họ lãnh bí tích rửa tội và thêm sức; tuy vậy, họ vẫn còn khả năng đón nhận hồng ân Thánh Linh cách dồi dào hơn, làm triển nở những tiềm lực của các bí tích ấy, khiến cho họ ngày càng giống Đức Kitô hơn, trung thành với những quyết tâm lúc lãnh nhận các bí tích khai tâm và vừa mới tái khẳng định cách quyết liệt hơn sống các lời khuyên Tin mừng.
c) Nhờ lời chuyển cầu của Đức Kitô. Phần cuối của lời nguyện thánh hiến là những lời chuyển cầu cho các tân khấn sinh để họ biết thực hành các nghĩa vụ vừa mới cam kết. Hội thánh xin Thiên Chúa ban ơn phúc dồi dào cho họ. Như vậy phần này nối dài phần thứ hai, trong đó nêu bật các lời khuyên Tin mừng, các nhân đức, các chiều kích Giáo hội và cánh chung của đời tu trì, tạo nên căn cước của đời sống thánh hiến.
Thiết tưởng ở đây không cần bàn đến các lời khuyên Tin mừng, vì mọi người đã biết, là một hình thức sống chương trình các mối phúc thật của Nước Trời. Bên cạnh đó, lời nguyện thánh hiến cũng nhắc đến các nhân đức cần thiết để sống đời hoàn thiện (khiêm nhường, kiên nhẫn, vui vẻ, v.v…);
Đời sống thánh hiến mang chiều kích Giáo hội và cánh chung, bởi vì các tu sĩ mang một sứ mạng trong Giáo hội và giữa lòng nhân loại: họ tham gia vào sứ mạng truyền giáo của Giáo hội và trở thành dấu chỉ cho những giá trị vĩnh cửu mai hậu.
2/ Các lời nguyện trong Thánh Lễ
Chúng ta cũng có thể tìm thấy thần học về đời thánh hiến nơi các lời nguyện của Thánh Lễ khấn dòng[17]. Dĩ nhiên, các công thức này dựa trên đạo lý của công đồng Vaticanô II, nhưng có một ý nghĩa đặc biệt khi được đưa vào lời chúc tụng và khẩn nài của Giáo hội, cách riêng trong khung cảnh của buổi cử hành Thánh Lễ. Chúng ta có thể ghi nhận vài điểm chính yếu như sau:
a) Đời thánh hiến liên hệ chặt chẽ với ơn bí tích rửa tội
Điều này được khai triển trong Lời nguyện nhập lễ công thức I, lễ tuyên khấn trọn đời: “Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho hồng ân bí tích thánh tẩy khơi dậy trong tâm hồn các tu sĩ sắp tuyên khấn đây …”. Lời nguyện nhập lễ công thức II, lễ tuyên khấn trọn đời cũng nhắc tới như sau: “Lạy Chúa là Cha chí thánh xin làm cho ý chí của anh em (chị em) chúng con đây nên mạnh mẽ vững vàng, Chúa đã ban ân sủng cho họ qua bí tích Thánh Tẩy. Xin làm cho ân sủng này, nhờ việc tuyên khấn, gặp được điều kiện thuận lợi hơn đem lại hoa quả dồi dào”[18].
b) Đời sống thánh hiến là một hy tế liên tục dâng lên Thiên Chúa
Hai chữ thánh hiến cho chúng ta biết về bản tính của đời sống tu trì như là sự dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa, sự dâng hiến tự do và hân hoan vui vẻ. Lời nguyện đầu lễ trong Lễ khấn lần đầu, Giáo hội cầu nguyện như sau: “Cha đã dẫn đưa những người chị em này đến chặng đường hiện tại, xin cũng ban cho họ hiến trọn cuộc đời cho Chúa mà không ngần ngại so đo”. Lời cầu nguyện cho tân khấn sinh trọn đời trong Kinh nguyện Thánh Thể III đọc như sau: “Lạy Cha xin thương đến Chị . . . ngày hôm nay tận hiến cho Cha . . .” Trong Kinh nguyện Thánh Thể IV, chúng ta cũng nghe đọc như sau: “Chúng con xin cha nhớ đến … Chị T. ngày hôm nay tận hiến cho Cha”.
c) Đời sống thánh hiến bắt nguồn từ Thánh Thể
Đời sống thánh hiến bắt nguồn từ Thánh Thể và được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể để tăng trưởng, kiên vững, như Giáo hội sống nhờ Thánh Thể. Một vài ví dụ là lời nguyện hiệp lễ dịp khấn lần đầu đọc như sau: “Xin ban cho chị em chúng con nhờ đó tìm được sức mạnh tinh thần để giữ trọn những gì họ tuyên hứa và hiến thân phục vụ với một tinh thần thực sự tự do”. Lời nguyện hiệp lễ dịp khấn trọn đời (bản văn I) đọc như sau: “Cúi xin Cha làm cho lòng họ cháy lửa yêu mến của Chúa Thánh Thần và cho họ mãi kết hợp cùng Đức Giêsu Kitô . . .”. Hoặc lời nguyện hiệp lễ trong dịp khấn trọn đời (bản văn II) đọc như sau: “Xin cho các ân huệ Chúa vừa ban thúc đẩy chị em chúng con vừa đem hết tình yêu mến mà phục vụ Hội Thánh Chúa và xã hội loài người”. Hoặc Lời nguyện hiệp lễ dịp mừng ngân khánh tu sĩ: “Xin ban cho chị em chúng con tìm được sức mạnh cần thiết nhờ lương thực thiêng liêng này để bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc hành trình về quê hương vĩnh cửu”.
d) Đời thánh hiến được Thánh Thần hướng dẫn
Các kinh nguyện của Thánh Lễ về đời thánh hiến nói về điểm này thật rõ ràng. Chúng ta thử đọc một vài kinh sau đây. Lời nguyện hiệp lễ dịp khấn trọn (bản văn I) đọc như sau: “Cúi xin Cha làm cho lòng họ cháy lửa yêu mến của Chúa Thánh Thần và cho họ mãi kết hợp cùng Đức Giêsu Kitô….”. Lời nguyện trên lễ vật dịp khấn trọn đời (bản văn II): “Xin Chúa cũng đổ tràn đầy Thần Khí Chúa trên những người Chúa đã lấy tình phụ tử mà kêu gọi sống cuộc đời ngày một hoàn hảo hơn…”
e) Đời thánh hiến sống đức ái trọn vẹn và giữ ba lời khuyên Tin mừng
Điều này đã trở thành quá quen thuộc với chúng ta và không cần dài dòng ở đây. Chỉ cần gợi lên vài bản văn tiêu biểu. Trong lời thẩm vấn các ứng sinh khấn trọn đời, vị chủ sự hỏi như sau: “Các con có muốn, nhờ ơn Chúa phù giúp, ôm ấp và tuân giữ trọn đời nếp sống thanh khiết hoàn hảo, vâng phục và khó nghèo mà Chúa Kitô và Đức Trinh nữ Maria, Mẹ Người đã chọn không?”. Lời nguyện nhập lễ dịp khấn trọn (bản văn II) nói như sau: “Như thế cuộc đời của họ sẽ làm rạng rỡ Thánh Danh và lòng bác ái của họ khi phục vụ con người cũng góp phần mở rộng Nước Chúa”. Lời nguyện tiến lễ khi lặp lại lời tuyên khấn: “Lạy Chúa, chị em chúng con đây vừa lặp lại lời tuyên khấn sống khiết tịnh, khó nghèo và tuân phục để tiếp tục hiến mình cho Chúa…”
Một hệ luận tất nhiên là các tu sĩ phải luôn tìm kết hiệp với Chúa Kitô. Lời nguyện nhập lễ dịp khấn lần đầu đọc như sau: “Lạy Chúa, chính nhờ Chúa ban ơn soi sáng chị em chúng con đây đã quyết tâm theo Chúa Kitô và sống gần gũi với Người hơn nữa”. Hoặc lời nguyện nhập lễ dịp khấn trọn đời (bản văn I) ghi như sau: “Lạy Chúa, Chúa đã cho hồng ân bí tích thánh tẩy khơi dậy trong tâm hồn các tu sĩ sắp tuyên khấn đây ước nguyện theo chân Chúa Kitô và gắn bó với Người”.
D. Việc thích nghi với các truyền thống dòng tu và văn hóa
Bản văn Nghi thức khấn dòng thu nhập những tinh hoa của truyền thống các dòng tu, cách riêng là các dòng đan tu. Tuy nhiên, đây không phải là một bản văn cố định mà tất cả các dòng tu phải tuân theo. Như đã nói ở đầu, các dòng tu sẽ dựa theo cái sườn này để soạn ra nghi thức khấn dòng hợp với đặc tính riêng của mình (Dẫn nhập số 14), tuy phải tôn trọng cấu trúc đề nghị, đặc biệt là khi cử hành trong Thánh Lễ (nghi thức diễn ra sau bài Tin mừng). Nghi thức riêng có thể thêm hoặc bớt vài yếu tố, nhưng cố gắng giữ tính cách đơn giản của nó.
Trên thực tế, những yếu tố cốt yếu của truyền thống “khấn trên bàn thờ” và “khấn trên tay” đã được tôn trọng. Riêng hình thức “khấn trước Mình Thánh Chúa” (trước khi rước lễ) không được khuyến khích và thậm chí còn yêu cầu sửa đổi (Dẫn nhập số 15).
Ngoài ra, ban tổ chức lễ khấn còn có khả năng lựa chọn bài Sách thánh, các mẫu bài lễ, lời nguyện, phù hợp với mỗi hoàn cảnh.
Kết luận
Chúng tôi chỉ xin đưa ra hai nhận xét vắn tắt để kết thúc bài này.
1/ Khi tham dự một Thánh Lễ truyền chức (hoặc hôn phối), chúng ta có thể nhận thấy diễn tiến các lễ nghi giống như nhau. Nhưng khi tham dự một Thánh Lễ khấn dòng, thật khó thấy hai lễ nghi của hai dòng hoàn toàn giống nhau, bởi vì mỗi dòng thêm vào những lễ nghi (hoặc công thức) riêng của mình. Khỏi nói ai cũng biết, lễ khấn trong dòng nam cũng khác với lễ nghi trong dòng nữ.
2/ Để nghiên cứu thần học về đời sống thánh hiến, chắc chắn không thể chỉ giới hạn vào việc nghiên cứu các bản văn phụng vụ[19]. Trong bài này, chúng tôi đã nêu bật ý nghĩa của lời nguyện thánh hiến, một yếu tố ít khi được để ý trong nghi thức khấn dòng. Ngoài ra còn một vấn nạn thần học nữa vẫn còn gây tranh cãi: tại sao lễ truyền chức và lễ hôn phối (hai lễ nghi cam kết vào hai hàng ngũ của Giáo hội) là bí tích, còn lễ khấn dòng không phải là bí tích? Câu trả lời thường nghe là: bởi vì việc khấn dòng chỉ đào sâu thêm bí tích rửa tội, chứ không có gì khác. Nhưng thử hỏi: bí tích thêm sức có gì khác bí tích rửa tội không? Và tại sao “thêm sức” là một bí tích?
——————————————
Thư mục
Matias Augé, “Professione religiosa”, in: Nuovo Dizionario di Liturgia, Paoline, Roma 1984, p.1129-1142.
Id., “La professione monastica e religiosa”, in: Anámnesis, vol 7, ed. Marietti, Genova, 1989, pp. 45-63.
Id., “Professione religiosa. Rito”, in: Dizionario Teologico della vita consacrata, Ancora Milano, 1994, p.1327-1343.
Id., “La professione religiosa in Occidente, in: Scientia Liturgica, vol.IV, Piemme, Casale Monferrato, 1998, p. 324-341.
Tác giả cung cấp rất nhiều tài liệu về lịch sử và thần học liên quan đến nghi thức khấn dòng, cũng như các chú giải sách Nghi thức 1970.
[1] X. Phan Tấn Thành, Những hình thức tu trì Kitô giáo (Đời sống tâm linh VI), NXB Phương Đông, TP.HCM 2017, trang 32tt.
[2] Tác phẩm do một đan sĩ mạo danh là Điônisiô Areopagita (PG 3, 533). Tác giả bàn về các phó tế, linh mục, giám mục, với các nhiệm vụ là thanh luyện, chiếu sáng và hoàn thiện, tương ứng với ba hạng người cần được thánh hiến: dụ tòng (thanh luyện, tín hữu (chiếu sáng) và đan tu (hoàn thiện).
[3] Đây không chỉ là một ngạn ngữ, nhưng là một phán quyết của Giáo hoàng Innocentê III năm 1199 (Decretale “Porrectum nobis”): “…cum monachum non facit habitus, sed professio regularis, ex quo a convertendo votum emittitur, et recipitur ab abbate, talis, ut fiat monachus, et reddat Domino quae promisit, erit utique non immerito compellandus” (Decretales Gregorii IX, c. 13, 3, 31).
[4] Nên biết là danh từ professio không chỉ dùng trong đời sống đan tu mà còn trong đời sống tín hữu nói chung, chẳng hạn professio fidei (tuyên xưng đức tin). Tự nó, professio có nghĩa tuyên bố công khai một quyết định của mình. Trong trường hợp tu sĩ, đó là quyết định “từ bỏ” (thế gian, tài sản, gia đình, bản thân), hoặc “cải hoán”, dựa theo lời mời gọi đi theo Chúa được Tin mừng nói đến (Mt 10,37s; 16,24; 19,12; Mc 10,21; Le 9,23.25).
[5] Hình thức này được gặp thấy nơi Dòng Saint Victor (tk XII), Dòng Đaminh và Dòng Phan sinh (tk XIII).
[6] Nên lưu ý là trong nghi thức truyền chức, giám mục cũng “nắm tay” ứng viên quỳ trước mặt và hỏi: “Con có hứa kính trọng và vâng phục cha cùng các đấng kế vị cha không?”
[7] Thánh Inhaxiô và các đồng bạn đã thi hành nghi thức này tại nhà nguyện thánh Denis ở Montmartre (Paris) ngày 15/8/1534 trước khi rước lễ, do cha Fabro (vị linh mục duy nhất trong đoàn) cử hành. Nhóm tuyên bố lời khấn tư sẽ giữ khó nghèo, khiết tịnh và hành hương Giêrusalem. Xem ra việc tuyên thệ trước Mình Thánh Chúa bắt nguồn từ truyền thống các Dòng binh sĩ ở Tây-ban-nha thời ấy.
[8] F. Suarez, De Religione S.I., lib. VI, c. V, 9-11, Bruxelles-Paris 1858, 335-339. Cha J. Nadal cũng nói thêm rằng sau khi khấn, các tu sĩ đưa tờ khấn cho bề trên, và bề trên đặt trên bàn thờ. Thế là Dòng Tên kết nạp nghi thức của mình với hai nghi thức cổ điển “trên bàn thờ” và “trong tay”.
[9] Hiến chế về Phụng vụ số 80 viết: “Phải duyệt lại Nghi lễ thánh hiến các trinh nữ đã có trong Sách Nghi Lễ Rôma. Ngoài ra cần soạn thảo một nghi lễ khấn dòng và tuyên lại lời khấn mang tính thống nhất, giản dị và trang trọng hơn, dành cho những người tuyên hay lặp lại lời khấn trong Thánh Lễ, ngoại trừ trường hợp có đặc quyền riêng. Nên cử hành nghi thức khấn dòng trong Thánh Lễ.” Nên ghi nhận là nghi thức thánh hiến các trinh nữ đã có trong sách Giáo Chủ Rôma (chỉ cần duyệt lại), còn nghi lễ khấn dòng thì chưa có (vì thế phải soạn).
[10] Bản dịch tiếng Việt mang tựa đề: Nghi thức khấn dòng và Nghi thức thánh hiến trinh nữ, được Thánh bộ Phụng tự chuẩn y ngày 7/4/1972. Ủy ban Giám mục về Phụng vụ xuất bản và giữ bản quyền. Saigon 1972. Nên lưu ý là bản dịch này đã xếp đặt lại các số thứ tự cho gọn, vì thế khó đối chiếu với nguyên bản La-tinh. Nghi thức thánh hiến trinh nữ (Ordo consecrationis virginum) được ban hành ngày 30/5/1970.
[11] X. Phan Tấn Thành, Nghi thức phong chức linh mục và phó tế, Diễn giải, Học viện Đaminh 2014, Phụ Lục I. Kinh cầu các thánh (trang 107-114).
[12] Nên biết là tu sĩ đọc lời khấn với bề trên có thẩm quyền chiếu theo hiến pháp, chứ không phải với vị chủ sự Thánh Lễ. Điều này cần được nêu bật trong các dòng nữ tu (hoặc nam tu giáo dân).
[13] Nên biết là danh từ consecratio vừa có nghĩa là “thánh hiến” (từ phía Thiên Chúa), vừa có nghĩa là “tận hiến” (về phía con người). Trong cuộc gặp gỡ này Giáo hội cũng đóng vài trò trung gian. Về ý nghĩa của việc thánh hiến các tu sĩ, x. Phan Tấn Thành, Những hình thức tu trì Kito giáo (Đời sống tâm linh VI), NXB Thời đại,TP.HCM 2017, trang 373-376.
[14] Bản văn có thể đọc trong: Theo Chúa Kitô. Những văn kiện đời tu, tập I (LM Giuse Nguyễn Tất Trung OP chủ biên), NXB Tôn giáo, Hà Nội 2015, trang 681-691.
[15] Về thần học của việc chúc tụng và chúc lành trong Kinh thánh, x. Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, số 1077-1083; 2626-2627.
[16] Tông huấn “Đời sống thánh hiến” (Vita consecrata) của ĐTC Gioan Phaolô II đã nêu bật tác động của Ba Ngôi Thiên Chúa, đặc biết là trong Chương Một mang tựa đề “Confessio Trinitatis”. X. Phan Tấn Thành, Những hình thức tu trì Kitô giáo (Đời sống tâm linh VI), NXB Phương Đông, TP.HCM 2017, trang 343-345.
[17] Các mẫu thức này được đưa vào Sách Lễ Rôma, chẳng hạn như trong bản dịch tiếng Việt năm 1992, trang 868-880.
[18] Có thể tham chiếu thêm lời thẩm vấn các ứng sinh của vị chủ sự trong nghi thức khấn lần đầu: “Các con thân mến, các con đã được nước và Thánh Thần thánh hiến cho Thiên Chúa, các con có muốn kết hiệp với Người cách chặt chẽ hơn bằng một danh hiệu mới do việc khấn dòng không?” Một cách tương tự như vậy, các ứng sinh khấn trọn đời được chủ sự hỏi như sau: “Nhờ Phép rửa tội, các con đã chết cho tội, và được thánh hiến cho Chúa, các con có muốn tự hiến cho Thiên Chúa cách thân mật hơn nữa bằng lời khấn trọn đời không?”.
[19] Trong bài này, chúng tôi chỉ chú ý đặc biệt đến lời nguyện thánh hiến và các lời nguyện trong Thánh Lễ. Một bản văn khác cũng đáng được nghiên cứu là Lời Tiền tụng trong bài lễ khấn dòng.