Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Giới Trẻ Công Giáo Việt Nam Hướng Về SYNOD 2018

Administrator
2018-10-08 14:17 UTC+7 29
Giới Trẻ Công Giáo Việt Nam Hướng Về SYNOD 2018: “Giới trẻ, Đức tin và Phân định ơn gọi” THÁNG 10/2018   DÀN BÀI Dẫn nhập (1-2) 1. Tiến trình 2 buổi toạ đàm 2. Ân sủng phân định: Nhận biết – Làm sáng tỏ – Chọn lựa I. Giai đoạn Nhận biết (3) 3. Nhận […]

Giới Trẻ Công Giáo Việt Nam Hướng Về SYNOD 2018:

“Giới trẻ, Đức tin và Phân định ơn gọi”

THÁNG 10/2018

 

DÀN BÀI

Dẫn nhập (1-2)

1. Tiến trình 2 buổi toạ đàm

2. Ân sủng phân định: Nhận biết – Làm sáng tỏ – Chọn lựa

I. Giai đoạn Nhận biết (3)

3. Nhận biết 6 vấn đề được quan tâm

3.1. Hoang mang và do dự

3.2. Hiện tượng sống ảo

3.3. Tình dục dễ dãi

3.4. Vấn đề đồng tính

3.5. Tình trạng phá thai

3.6. Vấn nạn ly dị

II. Giai đoạn Làm sáng tỏ (4-5)

4. Đối diện với 6 vấn đề trên: Những câu hỏi “Tại sao?”

5. Dưới ánh sáng của Giáo huấn Xã hội Công Giáo

5.1. Thành công thật, hạnh phúc thật

5.2. Sống thật và loan truyền sự thật

5.3. Tình yêu chân thật

5.4. Tôn trọng phẩm giá của những người ĐTLA

5.5. Tôn trọng sự sống

5.6. Tôn trọng hạnh phúc và tình yêu trong hôn nhân

III. Giai đoạn Chọn lựa (6-10)

6. Sức mạnh của Thần Khí

7. Cần sự trợ giúp

8. Cần sự đồng hành

9. Cần được đào tạo

10. Cần sự cộng tác

Kết (11)

  1. Cần Chúa Giêsu: “chọn Giêsu”

—————————————

 

Dẫn nhập

  1. Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới 2018 tại Rôma là một điều đặc biệt, không chỉ với các Giám Mục mà còn với tất cả các bạn trẻ Công Giáo ở mọi nơi. Đó là sự kiện của người trẻ và với người trẻ. Quan tâm và hướng tới một Thượng Hội Đồng Giám Mục đầy mong đợi, có khoảng 250 bạn trẻ Công Giáo từ nhiều giáo phận tại Việt Nam[1], đã hưởng ứng lời mời gọi của Ban Mục Vụ Giới Trẻ Tổng Giáo Phận Sài Gòn tham gia hai buổi toạ đàm với Đức Cha Giám Quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng để cùng chia sẻ những tâm tư và suy nghĩ về chủ đề “Giới trẻ, Đức tin và Phân định ơn gọi”. Trong hai ngày Chúa Nhật 22/4 và 13/5, các bạn trẻ đã mạnh dạn nói lên những ưu tư của mình, đáp lại là sự lắng nghe thân tình của Đức Cha Giám Quản Giuse. Cuối cùng đúc kết lại, là một tóm lược về một số những nhận định của giới trẻ về cuộc sống của mình, cùng những thách đố trong đời sống đức tin mà họ đang trải qua, và những thao thức mà họ muốn gửi đến các vị Chủ chăn của Hội Thánh.
  2. Tiến trình của hai ngày toạ đàm đã giúp các bạn trẻ nhận ra sự phân định không chỉ giới hạn trong việc nhận định ơn gọi linh mục hay tu sĩ, đạo hay đời, đi tu hay lập gia đình, nhưng còn là một quá trình phán đoán để phân biệt giữa điều tốt và điều xấu, để chọn lựa những phương thế hay những hoàn cảnh nhằm đạt được những điều đã chọn. Sự phân định đúng trong Kitô giáo quy hướng về Đức Khôn Ngoan, hay một “Ân sủng phân định” (the Gift of Discernment) bao gồm ba giai đoạn: I. Nhận biết (Recognizing) – II. Làm sáng tỏ (Interpreting) – III. Chọn lựa (Choosing)[2].

I. Giai đoạn Nhận biết (Recognizing)

3. Suy tư về giai đoạn Nhận biết – Recognizing, các bạn cùng chia sẻ những vấn đề đang ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống đức tin của người trẻ Công Giáo Việt Nam nói chung và của giới trẻ Sài Gòn nói riêng. Trong đó nổi bật lên 6 vấn đề được bàn luận và được quan tâm nhiều nhất:

3.1. Hoang mang và do dự trước những quyết định cho tương lai

Người trẻ ước mơ đạt được thành công và hạnh phúc trong cuộc sống. Nhưng họ bị ảnh hưởng bởi quan niệm thành công là kiếm được nhiều tiền, hạnh phúc là sở hữu và hưởng thụ được nhiều thứ. Vậy, làm sao để có được nhiều tiền?

Người trẻ lao mình theo những khóa học để mong tìm được một nghề kiếm nhiều tiền; hay họ dễ sa vào những cuộc vui chơi hưởng thụ (ăn nhậu, bài bạc, hút sách…).

Điều này khiến cuộc sống của người trẻ trở nên gấp gáp vội vàng. Họ đánh mất khao khát chiều sâu nội tâm và thiếu hẳn những “điểm dừng” cho Chúa.

3.2. Hiện tượng sống ảo

Sự phát triển của mạng xã hội giúp việc nối kết giữa các bạn trẻ trở nên thật dễ dàng. Những thông tin hữu ích, những kinh nghiệm quý giá… chỉ với một nút “share”.

Nhưng đó cũng là nơi loan truyền những lối tư duy tưởng chừng hợp lý, nhưng lại nguy hiểm vì đi ngược hẳn với Tin Mừng và giáo huấn của Giáo Hội. Như mới đây, rất nhiều bạn trẻ Công Giáo đã cùng ký vào lá đơn yêu cầu tử hình kẻ sát hại một bé gái người Việt ở Nhật.

3.3. Tình dục dễ dãi

Cùng với mạng xã hội, thì phim ảnh, sách truyện… là những thứ đang khiến giới trẻ xem việc quan hệ trước hôn nhân là một xu hướng hợp thời.

3.4. Vấn đề đồng tính

Người trẻ Công Giáo ngày càng hoang mang và cảm thấy mình trở nên xa lạ với những giáo huấn của Hội Thánh trước những sự kiện:

– nhiều quốc gia chấp thuận hôn nhân đồng tính;

– các cuộc hôn nhân đồng tính của những người nổi tiếng;

– ở nhiều nơi, sự tán dương “tình yêu luôn đúng”;

– cơ hội gặp gỡ với người thuộc “giới tính thứ ba”, lắng nghe những tâm sự rất thật của họ, mà trong đó có người thân, bạn bè của mình…

3.5. Tình trạng phá thai

Sự bấp bênh về tài chính và công việc bất ổn dẫn đến một cuộc sống khó khăn đang khiến cho người trẻ dần trở nên đồng cảm với những lý do biện minh cho việc phá thai.

3.6. Vấn nạn ly dị

Giới trẻ chứng kiến đời sống hôn nhân không hạnh phúc của bố mẹ, anh chị hoặc bạn bè, và với trào lưu ly dị ngày càng gia tăng trong xã hội, nên dù chưa lập gia đình, họ đang có xu hướng xem nhẹ bí tích Hôn Phối và chấp nhận ly dị như là một lối thoát.

II. Giai đoạn Làm sáng tỏ (Interpreting)

4. Đối diện với 6 thách đố trên: những câu hỏi “Tại sao?”

Dù nhận ra được những thách đố trong đời sống đức tin của mình nhưng giai đoạn Làm sáng tỏ – Interpreting không hề trở nên dễ dàng với người trẻ. Là một thành viên trong xã hội, người trẻ ngày nay đang đối mặt với rất nhiều câu hỏi:

4.1. Người trẻ muốn thành công, muốn hạnh phúc. Đó là hoài bão, là ước mơ chính đáng của người trẻ. Thế nhưng, họ tự hỏi: Tại sao tôi không có “thành công”? Phải chăng vì tôi nghèo, tôi không có tiền…? Tại sao tôi không có “hạnh phúc”? Phải chăng vì tôi không có xe xịn, không có quần áo thời thượng…?

4.2. Tại sao tôi lại từ chối niềm vui, thoả mãn nhu cầu được khẳng định, được quan tâm, được ngưỡng mộ, khi chỉ cần một cú “click” chuột là tôi có thể trở thành giai nhân, tài tử, anh hùng trên mạng lưới toàn cầu?

4.3. Tại sao tôi phải “cổ hủ”, “kém văn minh” khi cứ khư khư cho rằng “chữ trinh đáng giá ngàn vàng”?

4.4. Tại sao tôi không theo quan niệm của một số đất nước “được coi là tiến bộ”, khi cứ phủ nhận nhu cầu của người có khuynh hướng đồng tính?

4.5. Tại sao tôi không được coi tôi là trọng, là chính để quyết định phá thai? và để cuộc sống của tôi, của đứa trẻ không mong muốn, và của nhiều người khác như cha mẹ tôi… tránh được những đau khổ trước mắt, giữ được sĩ diện, bớt được gánh nặng kinh tế…?

4.6. Tại sao tôi không được chọn sự thoải mái, niềm vui, hạnh phúc cho riêng tôi, mà phải hy sinh cho con cái, phải tuân theo luật Chúa dạy “không được ly dị” dù cuộc sống luôn “căng thẳng, cãi cọ…”?

Tất cả, bắt nguồn từ những quan niệm cốt lõi về hạnh phúc, người trẻ sẽ tìm được câu trả lời đúng để có thể đi đến đích là hạnh phúc thật, bền vững, hay lệch hướng khi chỉ chạm đến được những ảo ảnh của hạnh phúc, để rồi – chẳng chóng thì chầy – chúng sẽ tan vỡ, để lại những đớn đau sâu thẳm cho mình và cả cho những người khác.

5. Dưới ánh sáng Giáo huấn về Xã hội của Hội Thánh Công Giáo

Chúng ta sẽ đi vào từng vấn đề một dưới ánh sáng Giáo huấn về Xã hội của Hội Thánh. Gần gũi và thiết thực nhất với người trẻ chính là “DOCAT”, một phiên bản phổ thông của Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công Giáo.

Hơn cả một cẩm nang sống đạo, Docat là người bạn thân thiết của giới trẻ, là chuẩn mực giúp người trẻ định hướng bản thân những lúc họ hoang mang và băn khoăn với quá nhiều lựa chọn cho tương lai. Đứng trước những chọn lựa như thế, giới trẻ cần có những nguyên tắc để suy tư, tiêu chuẩn để phán đoán. Giáo hội đã cung cấp một “bộ công cụ” để suy tư và phán đoán, đó chính là hệ thống bốn nguyên tắc: Nhân vị – Công ích – Liên đới – Bổ trợ (Docat, số 84), và bốn giá trị: Sự thật – Công bằng – Tự do – Tình yêu (Docat, số 104-109).

5.1. Thành công thật, hạnh phúc thật

Mong ước thành công, tìm kiếm hạnh phúc là những khao khát chính đáng của con người. Nhưng chúng ta có đạt được thành công đem đến hạnh phúc thật và bền vững hay không, tùy thuộc vào việc chúng ta có hiểu biết sự thật toàn vẹn về con người thế nào. Nghĩa là con người ngoài thể xác (thể hình đẹp, sức khỏe…), tâm lý (kỹ năng sống, các giao tiếp…), trí tuệ (kiến thức, bằng cấp…), còn có phần tâm linh thường bị quên lãng.

Do đó, thành công thật, đưa đến hạnh phúc thật không chỉ nhờ tiền bạc, sắc đẹp, kiến thức mà quan trọng là có mối quan hệ tốt đẹp với mọi người. Thật vậy, “chúng ta chỉ có thể hạnh phúc khi sống trong các mối quan hệ tốt đẹp với những người khác” (Docat, số 26). Điều này có thể đạt được khi ta sống bốn nguyên tắc và bốn giá trị. “Những nguyên tắc trường tồn của Học thuyết Xã hội của Giáo Hội… diễn tả toàn bộ sự thật về con người” (Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công Giáo, số 160). Kinh Thánh khẳng định: “Sống theo sự thật và trong tình yêu, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện” (Ep 4,15).

5.2. Sống thật và loan truyền sự thật

Mạng xã hội là công cụ để người ta giao tiếp, kết nối với nhau, vượt qua không gian và văn hóa. Mỗi người không chỉ tiếp nhận thông tin, mà còn là người sản xuất thông tin. Vì vậy, khi tham gia mạng xã hội người sử dụng cần phải nhận rõ những trách nhiệm của mình (Docat, số 42). Trước hết, cần biết chọn lọc và loan truyền sự thật trong sự khôn ngoan: “Khi thông báo tin tức, phải nghĩ đến ‘ba vấn đề’ của ông Socrate: Có thật không? Có tốt không? Có ích không?” (Youcat, số 457).

Sự thật này được diễn tả trong tình yêu. Dù là thông tin tố cáo nhưng phải hướng đến một giá trị tốt, như mong muốn đối tượng sẽ tốt hơn, ngăn chặn cái xấu phát tán… Không bêu xấu hay “share, like” những nội dung xúc phạm người khác, vì như thế là vi phạm phẩm giá con người. Ví dụ: đăng hình thật và “share, like” bài viết mạt sát các cô bảo mẫu bạo hành trẻ em.

Một trách nhiệm quan trọng mà nhiều người trẻ ngày nay không mấy quan tâm, đó là họ phải sống thật cho dù rất nhiều giao tiếp được thực hiện trên mạng xã hội. Khi người sử dụng mạng xã hội rơi vào tình trạng sống ảo, họ nghĩ là mình có thể quyết định nhiều thứ dựa vào quyền lực ảo (như được nhiều người tôn sùng, “like”… trên mạng xã hội). Nhưng giá trị bản thân có thực sự là như vậy không? Thật ra, người sống ảo đang tự lừa dối chính mình, không chân thật với chính mình, vì quyền lực và giá trị bản thân chỉ có trong đời sống thật, mạng xã hội chỉ là phương tiện để chuyển tải thông tin và tư tưởng.

Một trách nhiệm khác Docat muốn nhắc nhở những người sử dụng mạng xã hội là tôn trọng sự thật và nguyên tắc liên đới. “Người ta có thể dùng phương tiện truyền thông theo kiểu mà kết quả chỉ là thông tin vô ích và giải trí vô nghĩa; bằng cách này, một người có thể ngăn người khác sống cuộc đời thực” (Docat, số 44), vì “liên đới có nghĩa là chủ tâm hỗ trợ mọi người một cách thực tế để họ được sống tốt đẹp” (Docat, số 102). Chính vì vậy, khi “share, like, comment” một thông tin nào đó, chúng ta không vô can, chúng ta đang đóng vai người sản xuất thông tin, và chúng ta phải có trách nhiệm về nguyên tắc liên đới.

Ngược lại, dù là loan truyền tư tưởng và thông tin dựa trên quan điểm của Giáo Hội, chúng ta đều thực hiện trong tình liên đới: ta không quên mở lòng ra lắng nghe những quan điểm khác, tạo điều kiện cho mọi người tham gia, để chính họ và cả chúng ta tự nhận ra, tự hiểu đâu là chân lý. Vì nguyên tắc liên đớibổ trợ có mối liên hệ mật thiết với nhau trong xây dựng xã hội.

Cuối cùng là trách nhiệm với chính bản thân mỗi người, “vì tôi cần phải bước vào cộng đồng thật sự với những người khác thông qua các phương tiện truyền thông, thay vì cô lập mình trong không gian ‘ảo’, thờ ơ với người khác trước những nhu cầu thực tế của họ” (Docat, số 42). Đây là nguyên tắc nhân vị, tức con người là một ai đó phải sống thật với các mối tương quan của mình. Mạng xã hội không thể thay thế hoàn toàn các mối quan hệ trực tiếp diện đối diện của con người. Ví dụ: Cả nhóm bạn ngồi uống cà phê, hay giờ cơm tối gia đình, mỗi người là một thế giới riêng với những chiếc smartphone trong tay, là điều Đức Thánh Cha Phanxicô hay nêu ra để khuyến cáo.

5.3. Tình yêu chân thật

Trong Docat, ta còn có thể tìm thấy những câu trả lời dứt khoát cho trào lưu quan hệ tình dục trước hôn nhân đang dần bị “bình thường hóa” nơi giới trẻ. “Kết hôn với một người là trao tặng mình hoàn toàn cho người đó: vợ và chồng phải sống cùng nhau, hiện diện bên nhau trọn vẹn về thể lý cũng như về tinh thần. Hôn nhân bao quát tất cả các mặt trong đời sống. Chỉ trong hôn nhân, hành vi giao hợp mới tìm được đúng vị trí của nó để tình yêu giữa nam và nữ phát sinh hoa trái” (Docat, số 124). Chỉ trong hôn nhân với tính cách một bí tích, hành vi giao hợp là thánh thiêng, mở ra cho sự hiệp thông liên vị, tức là nguyên tắc nhân vị được tôn trọng đúng nghĩa (Docat, số 125; Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 2360).

– Xu hướng hiện nay, quan hệ tình dục trước hôn nhân thường được lý giải là sự chọn lựa tự do và tự chịu trách nhiệm của đôi bạn. Thật ra, “tự do đích thực không phải là khả năng chọn lựa bất cứ thứ gì mình muốn, dù tốt hay xấu, mà là khả năng chọn lựa điều thiện hảo” (Docat, số 106). Vì vậy, quan hệ tình dục trước hôn nhân không hướng đến giá trị tự do đích thực.

– Ngoài ra, quan hệ tình dục trước hôn nhân có khả năng xảy ra việc phá thai, dễ lây nhiễm bệnh do sống buông thả, dễ để lại những đứa con thiếu cha hoặc mẹ. Hành vi trên vi phạm nguyên tắc liên đới, gây ảnh hưởng xấu cho xã hội và sự sống của người khác (Docat, số 126).

– Và không thể phủ nhận, cuộc sống vốn là thật, nên thử đâu còn ý nghĩa của nó: Sống thử đâu phải là sống, mà chỉ là tồn tại. Yêu thử thì chưa phải là yêu đích thực, mà chỉ là thời khắc của cái vỏ bọc ham muốn, lệ thuộc và đôi khi che đậy sự lạm dụng. Chết có thử được không? “Người ta không thể sống thử hoặc chết thử. Người ta không thể yêu thử, hoặc lấy một người khác để thử trong một thời gian thôi” (Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Youcat, trang 292).

5.4. Tôn trọng phẩm giá của những người ĐTLA

Tiếp tục soi rọi những vấn đề trên dưới ánh sáng của Giáo lý Hội Thánh Công Giáo và Học thuyết Xã hội Công Giáo, giới trẻ sẽ dễ dàng nhận ra và hiểu thêm về những quan điểm rõ ràng của Giáo Hội liên quan đến vấn đề đồng tính luyến ái.

– “Hội Thánh tin rằng trong trật tự tạo dựng, Thiên Chúa đặt để cho người nam và người nữ cần đến nhau, bổ túc cho nhau, liên kết với nhau để sinh sản con cái. Vì vậy Hội Thánh không thể chấp nhận hành vi quan hệ tình dục đồng giới” (Youcat, số 65).

– Khuynh hướng tình dục đồng giới nơi một người thường do nhiều yếu tố tác động mà hình thành. “Một sự thiếu sót, một mất mát hay một vết thương – nếu được chấp nhận và đảm nhận – có thể trở thành một bàn đạp để gieo mình vào tay Chúa” (Youcat, số 65). Cho nên Hội Thánh không lên án những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái nhưng tôn trọng phẩm giá làm người của họ mà Thiên Chúa đã ban.

– Một điểm đáng lưu ý, do kiểu quan hệ không theo tự nhiên như qua hậu môn, miệng (vi phạm giá trị sự thật), không phù hợp với cấu tạo mà Thiên Chúa đã tạo dựng nơi cơ thể của người nam và người nữ, nên hành vi tình dục đồng tính dễ làm lây lan các loại bệnh nguy hiểm tới nay chưa có thuốc chữa (HIV, sùi mào gà…), làm huỷ hoại cuộc sống. Số liệu thống kê tại Việt Nam và Hoa Kỳ cho thấy quan hệ tình dục đồng tính là đường lây truyền nhiều nhất các loại bệnh này[3].

– Một sự thật khách quan là không thể nào làm cho sự cộng tác giữa hai người cùng giới tính sinh hoa kết quả qua việc thông truyền sự sống (vi phạm giá trị tình yêu) theo như kế hoạch đã được Thiên Chúa khắc ghi trong chính cơ cấu của hữu thể con người (Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công Giáo, số 228).

– Hiện nay có một vấn đề liên quan đến đồng tính: đó là vấn đề đòi pháp luật nhìn nhận sự kết hợp giữa những người đồng tính. Nhìn nhận quyền kết hôn giữa những người đồng giới là coi điều ấy ngang bằng với gia đình của những đôi nam nữ với đầy đủ trách nhiệm và bổn phận gia đình, nghĩa là không công bằng với những cặp vợ chồng đúng nghĩa. Khái niệm hôn nhân đang bị biến đổi tận gốc, gây thiệt hại nặng cho công ích, đặc biệt là đối với những người con nuôi của cặp đồng tính cần tình cảm của cả cha lẫn mẹ (Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công Giáo, số 228).

Tóm lại, việc đồng cảm, tôn trọng phẩm giá của những người có khuynh hướng đồng tính là điều đúng và cần, như Giáo hội dạy, nhưng chúng ta cũng phải biết rằng sự thật là một giá trị cũng cần được tôn trọng. Có như thế thì mọi người, mỗi người, cả xã hội mới được phát triển thực sự và toàn vẹn.

5.5. Tôn trọng sự sống

Số lượng những ca phá thai gia tăng một cách đáng sợ là một thực trạng tồi tệ bởi nó vi phạm những giá trị và nguyên tắc đã được trình bày trong Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo.

– Trước hết, hành động này vi phạm nguyên tắc nhân vị, vì thai nhi là một ngôi vị nhưng lại bị xem như “một thứ” không đáng tồn tại và bị tước đoạt phẩm giá bất khả xâm phạm của mình.

– Phá thai chấm dứt sự phát triển của em bé trong bào thai, điều này đi ngược hẳn với nguyên tắc liên đới, nghĩa là chúng ta phải yêu thương người khác và muốn cho người khác phát triển.

– Hành động “giết người” đó được thực hiện với một bào thai không có khả năng tự vệ vi phạm nghiêm trọng đến giá trị công bằng.

– Và vì tự do là để hướng đến điều thiện hảo, thì phá thai lại đi ngược hoàn toàn.

Suy xét đến vấn đề này với Docat, thì liệu sự bấp bênh về tài chính, sự bất ổn về công việc có thể biện minh cho việc giết một đứa trẻ không?

5.6. Tôn trọng hạnh phúc và tình yêu trong hôn nhân

Một vấn đề liên quan đến đời sống gia đình và cũng gây ra những vi phạm tương tự đến những giá trị và nguyên tắc của Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội là vấn đề ly dị.

– Ly dị làm tổn thương phẩm giá của cả cha mẹ và con cái (nguyên tắc nhân vị). Gia đình là nơi con người được yêu thương vô điều kiện vì phẩm giá và là thành viên gia đình. Ly dị là chối bỏ, khước từ nhau, bất chấp phẩm giá của nhau, đồng thời khước từ trách nhiệm nuôi dạy con cái trong tổ ấm yêu thương xứng hợp với phẩm giá của chúng, làm phẩm giá con cái bị tổn thương.

– Ly dị vi phạm nguyên tắc liên đới vì nó làm rạn nứt mối dây liên kết giữa các thành viên và gây tan vỡ gia đình.

– Bản thân gia đình cũng là nguồn công ích cho xã hội. Vì chính trong một gia đình, cha mẹ sẽ thực hiện và dạy dỗ con cái, nguyên tắc bỗ trợ giữa các thành viên và cùng nhau hướng đến ích chung. Do vậy, ly dị phá vỡ nguyên tắc bổ trợ và công ích.

– Ly dị còn vi phạm cả bốn giá trị sự thật, công bằng, tự do tình yêu. Vì: Đặc tính của hôn nhân là lời hứa ràng buộc vĩnh viễn: sẽ yêu thương vô điều kiện và giữ lòng chung thủy, tôn trọng nhau, nên ly dị là sử dụng tự do một cách tuỳ tiện để phản bội tình yêu; hủy bỏ hôn ước là bất công với vợ/chồng, bất công với quyền được yêu thương, được nuôi dạy tử tế của con cái; và ly dị cũng chứng tỏ rằng một sự thật về phẩm giá cao trọng của con người, về tình yêu với chiều kích cao quý, về ý nghĩa đích thực của tự do, của công bằng, chưa được hiểu biết một cách toàn diện, đầy đủ.

Ơn cứu độ, nghĩa là hạnh phúc trọn vẹn và sự viên mãn tột đỉnh dành cho chúng ta nhờ Đức Giêsu Kitô, không phải là điều chỉ vài người mới đạt được. Thiên Chúa muốn toàn thể nhân loại được cứu độ. Sự cứu độ giải phóng con người trong mọi chiều kích của mình: tinh thần và thân xác, cá nhân và xã hội, nơi lịch sử trần thế của mỗi người và vĩnh viễn trên thiên quốc. Sự cứu độ này đã bắt đầu trong dòng lịch sử, như thế nghĩa là ngay trong dòng thời gian nơi chúng ta tìm thấy chính mình. Tuy nhiên, sự cứu độ chỉ hoàn toàn trọn vẹn trong cõi vĩnh hằng. Vì vậy, chúng ta phải loại trừ tất cả các ý thức hệ chính trị hứa hẹn cứu rỗi con người ngay trên trần thế. Việc chúng ta thật sự sẽ chỉ tìm thấy thiên đàng ở trên trời không phải là một phần thưởng an ủi, cũng không phải là chúng ta coi thường thế giới mình sống. Đúng hơn, vì chúng ta hy vọng vào đời sống vĩnh cửu, nên chúng ta có thể định hình cho cái bây giờ và ở đây bằng công lý và tình yêu. Không điều tốt đẹp nào chúng ta làm trên trần gian là vô ích, vì tất cả mọi điều sẽ mang lấy giá trị hoàn hảo trong cõi vĩnh hằng” (Docat, số 17).

III. Giai đoạn Chọn lựa (Choosing)

  1. Như vậy, việc học hỏi Docat sẽ giúp người trẻ có được nền tảng tín lý và luân lý vững chắc để bước sang giai đoạn quan trọng và khó khăn hơn cả của quá trình phân định là Chọn lựa – Choosing. Bởi từ nhận thức đến hành động đòi hỏi lòng can đảm và sức mạnh đổi mới của Thần Khí. Vì những trào lưu kể trên luôn đẹp đẽ và đầy đam mê, đôi khi rất thật, nó như sát sườn gắn chặt lấy cuộc sống của người trẻ và khiến họ khó có thể từ bỏ hoặc dám chọn một hướng khác đi ngược với trào lưu của thời đại. Như chính Thánh Phaolô cũng phải thốt lên: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,19).
  2. Ở giai đoạn này người trẻ cần những sự trợ giúp thiết thực. Trước hết, cho 80% trong số hơn 400.000 bạn trẻ Công Giáo Sài Gòn đang còn khá xa lạ với những sinh hoạt giới trẻ của giáo phận, cần có thêm nhiều sân chơi để quy tụ họ lại (như những kỳ đại hội, những buổi gặp gỡ, những khoá linh thao, hay trại giới trẻ…), hoặc những khoá học, vừa giúp đào sâu đời sống đức tin, vừa cung cấp những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống đời thường.
  3. Và trong chính những sân chơi ấy, người trẻ cần sự đồng hành của các giám mục, linh mục, tu sĩ, của quý phụ huynh, và của các chuyên viên trong nhiều lĩnh vực khác nhau… để chia sẻ với họ những kiến thức, những kinh nghiệm sống quý báu mà chỉ có thể được bồi đắp nhờ trải nghiệm và học hỏi qua thời gian, nhưng cũng là điều mà người trẻ còn thiếu thốn và non nớt.
  4. Ngoài ra, đội ngũ ít ỏi những người trẻ nòng cốt hiện đang cộng tác và dấn thân trong các hoạt động của Hội Thánh cách này cách khác, cần được hỗ trợ và đào tạo chuyên sâu hơn về mọi mặt để họ tiếp tục là những cánh tay nối dài của Giáo Hội trở thành những tông đồ cho người trẻ khác.
  5. Mong sao bằng sự cộng tác bền bỉ giữa các hội đoàn và cá nhân, ân sủng đổi mới của Thần Khí sẽ hoạt động sôi nổi nơi những người trẻ thiếu kinh nghiệm nhưng nhiệt thành, thiếu sót nhưng đầy tiềm năng, bồng bột nhưng rất sáng tạo, nhờ đó, họ sẽ tích cực dấn thân hơn nữa trong các hoạt động của Hội Thánh và trong cả những môi trường sống hằng ngày của họ.

Kết

  1. Cùng với các bạn trẻ trên thế giới, giới trẻ Việt Nam chúng con ước mong “chọn Giêsu” là Đấng Cứu Độ duy nhất, cùng với quyết tâm thực hiện ước mơ của Đức Thánh Cha Phanxicô:

Cha ước mơ có được một triệu người trẻ Kitô hữu, hoặc thậm chí còn nhiều hơn nữa, là có cả một thế hệ cùng “vừa đi, vừa bàn chuyện học thuyết xã hội cho những người đồng thời với mình”. Không có cái gì khác sẽ làm thay đổi thế giới mà chỉ có những con người cùng với Chúa Giêsu dấn thân cho thế giới, cùng với Người đến với những “vùng ven” và đi vào giữa những lấm lem của cuộc đời.” (Đức Thánh Cha Phanxicô, Lời dẫn nhập, DOCAT, 2015).

Giới Trẻ Công Giáo Việt Nam
2018

[1] Theo thống kê, ước tính có khoảng 300.000 người trẻ Công Giáo gốc Sài Gòn (từ 18-35 tuổi), và có ít nhất 120.000 người trẻ Công Giáo nhập cư (từ các tỉnh thành khác trong cả nước). Như vậy, tổng số người trẻ Công Giáo khoảng 420.000 người. (x. Lm. Gioan Lê Quang Việt, Cho Người Trẻ Lớn Lên – Tài liệu hướng về Synod 2018, trang 5)

[2] Cấu trúc của “Tài Liệu Làm Việc”, x. Instrumentum Laboris, số 3.

[3] https://tuoitre.vn/nhiem-hiv-tu-quan-he-dong-gioi-20180521095039444.htmhttps://www.cdc.gov/hiv/statistics/overview/ataglance.html

Chia sẻ