Hình Ảnh Khiêu Dâm Và Lời Nguyền Tự Do Tính Dục Hoàn Toàn
Giám mục Robert Emmet Barron
J.B. Đặng Minh An chuyển ngữ
LTS: Đức Cha Robert Emmet Barron (sinh 19 tháng 11 năm 1959) là Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Los Angeles, kể từ ngày 08 tháng 9 năm 2015. Trước đó, ngài là Giám Đốc chủng viện Mundelein của Tổng Giáo Phận Chicago. Đức Cha Barron là một thần học gia, một tác giả, một nhà truyền giáo nổi tiếng với chương trình Word On Fire (Lời Bừng Cháy).
***
Số gần đây nhất của Tạp Chí Time có một bài viết rất đáng chú ý, và gây quan ngại sâu xa về sự thịnh hành của hình ảnh khiêu dâm trong nền văn hóa của chúng ta. Trọng tâm của bài viết đó là: thế hệ thanh niên mới lớn, thế hệ đầu tiên của những người được lớn lên, cùng với một khả năng truy cập không giới hạn vào phim khiêu dâm “hạng nặng” trên mạng lưới Internet. Thống kê về điểm này gây kinh hoàng tột độ. Đa số thanh niên bắt đầu việc xem những hình khiêu dâm ở tuổi 11; khoảng 107 triệu lượt truy cập hàng tháng vào các trang mạng dành cho người lớn ở đất nước này; 12 triệu giờ mỗi ngày trên toàn cầu được dành cho việc xem những hình ảnh khiêu dâm trên một trang video trụy lạc; 40% các trẻ nam ở Anh Quốc nói rằng, chúng thường xem phim ảnh khiêu dâm – và bao nhiêu chuyện như thế.
Nhiều người lý luận rằng, tất cả việc nhìn ngắm thái quá các thứ phim khiêu dâm thu hình trực tiếp này, đã tạo ra một “đạo binh những thanh niên trẻ” không còn khả năng tình dục bình thường, cũng như thoả mãn với những con người thực sự. Nhiều người ở tuổi đôi mươi cho biết, khi họ có cơ hội quan hệ tình dục với vợ hoặc bạn gái của mình, họ không thể thực hiện được. Tuyệt đại đa số các trường hợp không phải là vấn đề về tâm lý, bởi sự kiện hiển nhiên là, họ vẫn có thể bị kích thích dễ dàng bởi các hình ảnh trên màn hình máy tính. Sự thật đáng buồn là, đối với những người trẻ này, sự kích thích tình dục không còn gắn liền với con người bằng xương bằng thịt nữa, nhưng gắn liền với những hình ảnh nhấp nháy của những con người có diện mạo hoàn hảo trong một thực tại ảo. Hơn thế, bởi vì họ bắt đầu từ khi còn quá trẻ, nên khi lớn lên, họ bị thôi thúc hướng về các phim ảnh khiêu dâm hoang dại và mức độ bạo lực mỗi ngày càng lớn hơn nữa, nhằm để đạt được cảm xúc thèm khát. Và điều này, đến lượt nó làm cho họ mất khả năng tìm thấy sự hứng thú trong tính dục bình thường, tức là “không quái đản”, nhưng nhẹ nhàng.Tình trạng này đã dẫn một số những người đàn ông từ thế hệ bị tổn thương này, đến việc gánh lấy trách nhiệm giải thoát cho những người đồng trang lứa của họ khỏi “lời nguyền” của hình ảnh khiêu dâm. Noi theo gương của nhiều chương trình chống nghiện ngập khác nhau, họ đang lập nên những nhóm thể thao, nói về các mối nguy của phim khiêu dâm, cổ võ việc ngăn chặn những trang web có nội dung trụy lạc, và đưa những “người nghiện” vào các mối tương quan với những người hỗ trợ là những người sẽ thách đố họ,.v.v… Và tất cả điều này, đối với tôi, có vẻ là tốt. Nhưng điều thực sự đánh động tôi trong bài viết đăng trên Tạp Chí Time là, cả tác giả lẫn những người mà ông ta phỏng vấn hoặc tham khảo, chẳng ai nói đến “việc sử dụng phim ảnh khiêu dâm như là một điều gì đó phương hại về mặt đạo đức”. Phim ảnh khiêu dâm rõ ràng gây sự chú ý của xã hội, chỉ vì nó gây ra sự rối loạn chức năng cương dương nơi người nam! Giáo Hội Công Giáo – và thực ra tất cả xã hội đứng đắn cho đến 40 năm về trước – đều coi phim khiêu dâm:
– Trước hết và trên hết là “một sự phương hại về đạo đức”;
– Một sự “xuyên tạc sâu sắc tính dục con người”;
– Một sự “chà đạp vô lương tâm con người” tới mức, “coi họ không hơn một đồ vật” nhằm thỏa mãn khao khát dục vọng.
Sự xuyên tạc vô luân này tạo nên vô số vấn đề, cả về thể lý lẫn tâm lý; và chúng ta không thể không nói rằng: những điều xác tín của Giáo Hội Công Giáo là, những hậu quả đi kèm theo vấn nạn này sẽ không được đề cập đến cách đầy đủ, nếu vấn nạn tiềm ẩn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Chính vì điểm này mà chúng ta phải mạnh mẽ chống lại một trào lưu văn hóa (văn hóa phản đạo đức). Mặc dù lý thuyết về tâm lý của Freud phần lớn đã bị bác bỏ, nhưng một giả định căn bản của lý thuyết Freud vẫn còn là nguyên lý nền tảng tuyệt đối cho nền văn hóa của chúng ta. Tôi muốn nói đến xác quyết mà Freud cho rằng: hầu hết khổ đau về tâm lý của chúng ta là kết quả của sự áp chế những khao khát thỏa mãn tình dục. Dòng lý luận này cho rằng, một khi chúng ta được giải thoát khỏi những cấm đoán trước đây (truyền thống đạo đức) liên quan đến tính dục, thì chúng ta sẽ vượt qua được những rối loạn thần kinh và tâm thần lý đang làm khổ chúng ta. Chính dòng lý thuyết mà xưa kia Freud xây dựng chỉ là thứ triết lý quái đản của một bác sĩ tâm thần người Áo, đã phát triển vào những năm 1960, ít nhất là ở Phương Tây, và ngày nay đã đi vào mọi ngóc ngách của nền văn hóa. Quá thường khi chúng ta nghe một phiên bản của kiểu tranh luận này: “Bạn được phép làm bất cứ điều gì khiến bạn vui thú (thỏa mãn) trong lãnh vực tình dục, nếu điều đó không làm tổn thương bất kì một ai”. Điều mà bài viết trên tạp chí Time đưa ra khi nói đến một vấn đề cụ thể của phim ảnh khiêu dâm, thực ra là đã quá hiển nhiên từ lâu: Freud đã sai lầm. “Tự do tình dục hoàn toàn (và không bao giờ) không làm cho chúng ta khỏe mạnh hơn về mặt tâm lý”; mà trái lại, “nó đã làm cho xã hội chúng ta trở nên bệnh hoạn nghiêm trọng”. Chính việc đề cao tự do vô hạn về tình dục là một sự băng hoại đạo đức, và cũng chính vì thế, nó dẫn đến cả sự suy nhược về tâm lý.Trong khi Freud, chạy theo những nhà tư tưởng hiện đại, chủ yếu là đề cao tự do, thì Giáo Hội đề cao yêu thương, nghĩa là, mong muốn sự thiện cho người khác. Cũng giống như những người hiện đại có xu hướng giản lược mọi thứ xuống thành tự do (chủ nghĩa tự do), thì Giáo Hội lại giản lược mọi sự thành tình yêu, mà qua đó, tôi muốn nói rằng: Giáo Hội đặt mọi sự trong mối tương quan với tình yêu. Tình dục, theo Thánh Kinh, thực ra là tốt; nhưng sự tốt lành của tình dục hệ tại vào sự tùng phục của nó trước đòi hỏi của tình yêu. Khi tình dục đánh mất đi sự tùng phục ấy – nhất thiết là như vậy, khi mà tự do được tôn vinh như là giá trị tối hậu – thì nó biến thành một điều gì đó khác xa so với điều mà nó phải là. Lề luật đóng vai trò chi phối hành vi tính dục, trong khi đó Freud chỉ hiểu như là “những điều cấm kị” và diễn giải như một sự áp chế, thì thực ra là cách thức nhằm giữ cho mối quan hệ giữa tình dục và tình yêu được duy trì. Và đồng thời, sức khoẻ tâm lý và cả thể lý của chúng ta nữa, cũng tùy thuộc vào việc duy trì mối quan hệ này. Điều đó đối với tôi là bài học sâu sắc nhất của bài viết trên tạp chí Time.