Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Lịch Sử Phong Trào Nữ Quyền

Administrator
2018-09-24 09:30 UTC+7 35
LỊCH SỬ PHONG TRÀO NỮ QUYỀN (Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Tông thư Mulieris dignitatem) Tôma Nguyễn Quốc Minh Tuấn     I – DẪN NHẬP : KHÁI NIỆM PHONG TRÀO NỮ QUYỀN Trước hết cần ghi nhận rằng, trong tiếng Việt, có ít là hai hạn từ tương đương với hạn từ Phong […]


LỊCH SỬ PHONG TRÀO NỮ QUYỀN

(Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Tông thư Mulieris dignitatem)

Tôma Nguyễn Quốc Minh Tuấn

 

 

I – DẪN NHẬP : KHÁI NIỆM PHONG TRÀO NỮ QUYỀN

Trước hết cần ghi nhận rằng, trong tiếng Việt, có ít là hai hạn từ tương đương với hạn từ Phong trào nữ quyền (PTNQ), đó là : chủ nghĩa nữ quyền và chủ nghĩa duy nữ dựa trên việc phân tích hạn từ tiếng Anh feminism (Latin : feminisimus) với female (nữ giới) và hậu tố -ism (chủ nghĩa, phong trào, chủ trương, v.v.). Như vậy, theo cách hiểu rộng nhất, PTNQ bao gồm tất cả những quan điểm liên quan đến việc đề cao phụ nữ, khẳng định vị thế và vai trò của họ trong xã hội, cũng như trong mối tương quan với đàn ông, đồng thời chủ trương sửa đổi các cơ cấu xã hội gây cản trở cho mục đích này.[1]

Từ điển Thần học nền tảng cho chúng ta một định nghĩa khác chi tiết hơn như sau : “PTNQ là những phong trào giải phóng phụ nữ nổi lên ở Bắc Mỹ và Châu Âu vào khoảng thế kỷ 19 – 20, sau đó lan rộng ra khắp thế giới. Đó là một phần nhận thức lịch sử cho rằng tất cả những cơ cấu chính trị, xã hội và văn hóa đều là sản phẩm sáng tạo của con người chứ không đơn thuần thuộc về tự nhiên hay do Thiên Chúa thiết lập. Các PTNQ diễn ra ở cả đời lẫn đạo với mục đích giúp nữ giới đạt được quyền bình đẳng tham gia vào các hoạt động chính trị trong đất nước của họ, cũng như trong các cơ cấu xã hội và văn hóa như : giáo dục, gia đình, Giáo Hội và nghề nghiệp.”[2]

Phần trình bày sau đây sẽ cố gắng triển khai chi tiết những gì được nêu trong các khái niệm về nữ quyền, bằng cách tóm kết những thông tin được đăng trên Thời sự thần học số 79 (02/2018), bên cạnh đó tìm thêm những thông tin bổ sung để cho thấy sự đa dạng của các phonng trào nữ quyền, đồng thời có được một cái nhìn quân bình và công tâm hơn về các phong trào này.

II – LỊCH SỬ PHONG TRÀO NỮ QUYỀN

1 – Tiền thân của phong trào nữ quyền

Với cách hiểu rộng nhất của hạn từ PTNQ, lần tìm về lịch sử, các nhà nghiên cứu khám phá ra cái gọi là tiền thân của PTNQ (protofeminism). Đó là tập hợp các tư tưởng triết học đề cao phụ nữ, những phong trào mà trong đó người nữ đóng vai trò đặc biệt, cũng như những tiếng nói cho thấy ý thức về khả năng của người nữ cùng những bất bình đẳng mà họ phải chịu, bắt đầu từ thời Hy-lạp cổ đại cho đến đợt thứ nhất của PTNQ diễn ra vào cuối thế kỷ 19. Sở dĩ gọi là tiền thân là vì trong suốt giai đoạn đó, người ta vẫn chưa có khái niệm PTNQ, mãi đến thế kỷ 19, hạn từ PTNQ mới bắt đầu lan rộng.[3]Trong giới hạn bài viết, xin liệt kê một vài tư tưởng, phong trào có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn này như sau :

Ở thời Hy-lạp cổ đại, Platon đã có tư tưởng rất tiến bộ về phụ nữ. Trong quyển V của tác phẩm Nền Cộng Hòa (The Republic), Platon đã trả lời cho Adeimantus về câu hỏi : có nên cho phụ nữ đi học không, bằng cách hỏi vặn lại rằng : “Người ta phân biệt chó thành đực và cái, hay xem chúng chỉ là một loài duy nhất và bình đẳng trong săn bắn, giữ nhà cũng như những công việc khác của loài chó ? Vậy thì tại sao chúng ta lại giao khoáng nhiệm vụ săn bắn và coi sóc đàn vật cho đàn ông, còn phụ nữ thì phải ở nhà sinh con, chăm sóc nhà cửa, con cái với suy nghĩ là họ chỉ có thể làm được điều đó ?”[4] Với câu trả lời này, Platon cho thấy rằng, phụ nữ thì bình đẳng với đàn ông trong tất cả mọi sự, chỉ trừ những việc liên quan đến tình trạng thể lý cũng như sức khỏe, thế nên họ cũng phải được giáo dục cũng như đảm nhận các chức vụ trong nhà nước như đàn ông.

Đến thời Trung cổ ở Trung Đông, suốt cuộc cải cách Hồi giáo kéo dài 50 năm từ 610–661, quyền lợi và vị thế của người phụ nữ cũng được củng cố và cải thiện ở các phương diện kết hôn nhân, ly hôn, và thừa kế tài sản.[5] Theo từ điển Oxford về Hồi giáo, sự cải thiện vị thế của người phụ nữ Ả-rập nhìn chung bao gồm việc cấm giết hại các trẻ sơ sinh nữ, và nhìn nhận nhân cách trọn vẹn của phụ nữ.[6]

Cuối thời Trung cổ, vào năm 1381, ở Anh nổi lên phong trào chống chế độ nông nô, và các bà đóng vai trò rất lớn trong cuộc nổi dậy này. Điển hình là vào 14/06/1381, nhiều nông dân, trong đó phần đông là các phụ nữ, đã nổi dậy, bắt sống những tên địa chủ tàn ác mà đem đi chặt đầu, và người lãnh đạo của nhóm này là một bà tên là Johanna Ferrour, vốn cũng là người đã ra lệnh đốt cung điện Savoy để cướp hết châu báu một ngày trước đó. Sở dĩ các bà điên cuồng lao vào cuộc nổi dậy là vì chính sách sưu thế cao và vô lý, gây ra biết bao đau khổ, cách đặc biệt cho những người phụ nữ đã có chồng vì họ cũng phải đóng thuế như người chồng trong khi phải ở nhà chăm sóc con cái.[7]

Đến thời Phục Hưng ở Châu Âu, xuất hiện nhiều phụ nữ đảm nhận các vai trò quan trọng trong triều đình cũng như lên tiếng bảo vệ phẩm giá và khả năng của mình trước quan niệm xã hội bấy giờ xem phụ nữ chỉ có một chức năng duy nhất là sinh con đẻ cái thế nên không cần học hành hay tham gia hoạt động xã hội. Trong số những người phụ nữ ấy, nổi bật lên là Christine de Pizan (1364–1430), một nữ tác giả nổi tiếng cuối cùng Trung cổ. Simone de Beauvoir (1908–1986) ghi nhận về bà như sau : với hai tác phẩm Épître au Dieu d”Amour (1399) và Le Livre de la Cité des Dames (1405), “lần đầu tiên chúng ta được nhìn thấy một người phụ nữ dùng bút để bênh vực giới tính của mình.”[8]Thật vậy, trong tác phẩm Thành Phố Các Bà (La Cité des Dames), Christine de Pizan tố cáo chế độ kỳ thị và chứng minh rằng nguyên nhân sự thấp kém của phụ nữ là do họ không được học hành.[9]Ngoài ra còn có Catherin Aragon, nữ đại sứ đầu tiên trong lịch sử Châu Âu, về sau trở thành vợ vua Henry VIII và sinh ra công chúa Elizabeth I, bà hoàng vĩ đại, khôn ngoan và quyền lực bậc nhất của chính thời Phục Hưng.[10]

Thế kỷ 17 và 18 đánh dấu sự nổi lên của nhiều giáo phái phát xuất từ phong trào Cải Cách Tin Lành. Cùng với chủ nghĩa Nhân Văn, vốn chủ trương văn hóa, kiến thức và giáo dục là điều phổ quát, các giáo phái này, cụ thể là nhóm Quaker, đã chấp nhận cho phụ nữ tham gia vào các chức vụ lãnh đạo.[11] Từ đó vị trí và vai trò của phụ nữ được cải thiện hơn. Tuy nhiên, nhìn chung, những bà nào tham gia giảng dạy hay lên tiếng đề cao nữ giới đều có nguy cơ bị xem là điên rồ hay bị coi là phù thủy, và nhiều bà, tỷ như Anne Askew (1521) ở Anh đã chết trên dàn hỏa thiêu vào năm 1546 bởi án lệnh dành lạc giáo, bị giết “vì đã ngấm ngầm hay minh nhiên thách thức trật tự gia trưởng thời bấy giờ.”[12]Các cuộc biểu tình và những buổi tranh luận đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ cũng diễn ra nhiều hơn, công khai và với quy mô lớn hơn. Cuối thế kỷ 18 bước sang giữa thế kỷ 19, chủ nghĩa tự do của phong trào Khai Sáng được vận dụng để lý giải các vấn đề của phụ nữ và nam giới. Cuộc tranh luận về quyền của phụ nữ nổi tiếng nhất trong giai đoạn này là tác phẩm A Vindication of the Rights of Women (1792) của Mary Wollstonecraft (1759–1797). Trong tác phẩm này, Mary Wollstonecraft nối tiếp tư tưởng của Christine de Pizan ở thế kỷ 15 cho rằng danh hiệu “công dân hạng hai” được gán cho phụ nữ không phải do bản tính tự nhiên của các bà thua kém các ông, nhưng do các bà không được học hành. Đến năm 1848, hội nghị bàn về quyền phụ nữ chính thức đầu tiên được diễn ra tại Seneca Falls, New York đánh dấu sự khởi đầu của đợt thứ nhất của PTNQ, sẽ được trình bày trong phần tiếp theo đây.

2 – Ba giai đoạn chính của phong trào nữ quyền

Trước hết cần ghi nhận rằng, việc phân chia các giai đoạn của PTNQ hiện vẫn chưa được thống nhất : có nơi chia thành 3 đợt (làn sóng), nơi khác chia thành 4 và có nơi chia thành 5. Trong tình thế này, xin chọn cách chia theo mục từ Feminism của A. Clifford trong Tân Bách Khoa Toàn Thư Công Giáo (The New Catholic Encyclopedia) của Thomas Carson.

Đợt 1 : Cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 – cuộc tranh đấu dành quyền bầu cử và bình đẳng chính trị

Vào khoảng những năm 1850, 1860, các cuộc tranh luận về quyền bầu cử của phụ nữ diễn ra rất gay gắt. Tác phẩm The Subjection of Women (Sự Khuất Phục Của Phụ Nữ – 1869) của John Stuart Mill và người vợ là Harriet Taylor, với nội dung là cuộc tranh luận theo hướng tự do cổ điển nhằm đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ, đã góp phần ủng hộ việc thành lập Hiệp hội quốc gia về quyền bầu cử của phụ nữ (National Union of Women’s Suffrage), gây ảnh hưởng tới các cuộc tranh luận trong Quốc hội về việc cải tổ chế độ bầu cử. Bên cạnh đó còn có Hội liên hiệp quốc gia các hiệp hội vì quyền bầu cử của phụ nữ (National Union of Women’s Suffrage Societies, NUWSS) và Liên hiệp tự do của phụ nữ (Women’s Freedom League, WFL). Hội liên hiệp xã hội và chính trị của phụ nữ (Women’s Social and Political Union, WSPU) được thành lập ở Anh, do bà Emmeline và con gái khởi xướng và lãnh đạo, đã trở thành tổ chức nổi tiếng nhất của làn sóng nữ quyền lần thứ nhất. Đến cuối thế kỷ 19, mục tiêu đòi quyền bầu cử cho nữ giới đã thành tựu ở nhiều quốc gia, cụ thể : New Zealand (1893), Finland (1906), Anh, Canada và Nga (1917), Mỹ (1920).

Bên cạnh PTNQ tự do đòi quyền bầu cử cho phụ nữ, còn có sự phát triển không ngừng của Thuyết nữ quyền xã hội chủ nghĩa (Socialist Feminism) và Chủ nghĩa nữ quyền vô chính phủ (Anarchist Feminism) vốn chủ trương không chỉ đòi quyền bình đẳng giai cấp mà còn đòi quyền bình đẳng hai phái và thậm chí đặt mục tiêu lật đổ chế độ đàn áp phụ nữ.

Như vậy có thể thấy, PTNQ đợt một kết thúc với thắng lợi trong cuộc đấu tranh dành quyền bỏ phiếu cùng các quyền lợi chính trị khác cho người phụ nữ tại Anh và Mỹ, vào khoảng đầu thế kỷ 20. Lý luận nữ quyền cho làn sóng đầu tiên đặt cơ sở trên quyền tự do cơ bản của mỗi cá nhân trong việc phát triển hoàn thiện con người để giải phóng phụ nữ khỏi cảnh lệ thuộc đàn ông, nâng phụ nữ lên ngang hàng đàn ông và phụ nữ cũng được coi là “công dân hạng một” như đàn ông.

Thắng lợi ban đầu đã đạt được, nhưng các bà vẫn còn bị thua thiệt ở nhiều lĩnh vực và phải xác định lại mục tiêu của cuộc tranh đấu, tức cần có nhiều suy tư và phân tích hơn để thấy rõ bản chất của người nữ cũng như bản chất của những sự đàn áp phụ nữ. Đây có thể nói được chính là đặc điểm mà các nhà nghiên cứu dùng để đánh dấu bước chuyển tiếp từ làn sóng nữ quyền thứ nhất sang làn sóng nữ quyền thứ hai.

Đợt 2 : Thập niên 60, 70 của thế kỷ 20 – mở rộng cuộc tranh luận

Nhìn chung, kể từ khi bắt đầu thế chiến thứ nhất (1914), phong trào tranh đấu cho phụ nữ đã suy giảm vì tình hình chiến cuộc tại Âu Châu lúc bấy giờ. Sau khi thế chiến thứ nhất kết thúc 4 năm sau đó (1918), các PTNQ mới lại tiếp tục, điển hình là Hội nghị thế giới để cải cách nữ giới, diễn ra vào năm 1929, cùng với tác phẩm The Three Guineas của Virginia Woolf (1938). Tuy nhiên, chưa được bao lâu thì PTNQ phải lắng xuống do thế chiến thứ hai lại bắt đầu (1939). Các bà tạm gác chuyện tranh đấu để bất tay vào những công việc lao động trong các xí nghiệp thay cho nam giới. Đến khi thế chiến thứ hai kết thúc (1945), các ông quay về và các bà phải trả việc lại cho các ông. Các bà được khuyên hãy trở lại vai trò làm vợ và làm mẹ trong gia đình nhằm khắc phục những hậu quả sau chiến tranh. Và trong bối cảnh như vậy, cộng với việc hưởng ứng các phong trào chống chế độ, chống kỳ thị chủng tộc, chống chiến tranh, vốn đang diễn ra ở khắp nơi trên thế giới, mà làn sóng nữ quyền thứ hai bắt đầu nổi lên với những nỗ lực mang tính cách suy tư, học thuật hơn nhằm đạt được sự bình đẳng xã hội và văn hóa, không chỉ ở các nước đã từng là nơi khai sinh PTNQ như Anh và Mỹ, mà còn lan sang các quốc gia thuộc các châu lục khác như Châu Á và Châu Phi, vốn là những nơi đang chịu cảnh chiến tranh và đô hộ của các chủ nghĩa đế quốc và thực dân lúc bấy giờ.[13]

Dựa trên nền tảng thành quả đạt được từ làn sóng nữ quyền thứ nhất, các bà ở Anh và Mỹ đã mở rộng phạm vi, phân tích sâu sắc hơn về tình trạng lệ thuộc của phụ nữ vào đàn ông, sự áp bức, bất công của đàn ông đối với phụ nữ trong nhiều mặt của đời sống xã hội, sự bất bình đẳng về giáo dục, việc bị loại trừ về mặt văn hóa, xã hội, sự phân biệt giới tính trong lao động, bất công trong việc trả lương, cũng như nhiều phương diện khác phá thai, tránh thai, gia đình.

Những phân tích này đã được phát triển cách đặc biệt, thu hút sự say mê của các nhà nghiên cứu ở hầu hết các ngành khoa học xã hội khác như Xã Hội Học, Nhân chủng học xã hội, Dân tộc học, Sử học, Văn hóa học, Tâm lý học, v.v.. Vấn đề về giới không chỉ là vấn đề hạn hẹp trong khuôn khổ tranh luận của các ngành khoa học xã hội mà còn đòi hỏi cả những minh chứng về mặt sinh học, cho nên không chỉ được các nhà nghiên cứu khoa học xã hội quan tâm mà vấn đề này còn thu hút cả các nhà nghiên cứu tự nhiên như Sinh vật học, Nhân chủng học giải phẫu, v.v..

Nhờ những nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực trên đây mà trong làn sóng nữ quyền đợt hai phát triển theo bốn hướng tạo nên bốn PTNQ mới với những quan điểm và cách đấu tranh khác nhau, bao gồm : (1) PTNQ tự do (liberal f.), (2) PTNQ văn hóa (cultural f.), (3) PTNQ triệt để (radical f.), (4) PTNQ chủ nghĩa xã hội (socialist f.). Cụ thể :

– PTNQ tự do : chịu ảnh hưởng học thuyết chính trị của thời Khai Sáng, phong trào này khẳng định rằng, chính chế độ gia trưởng làm hỏng đi chế độ dân chủ tự do đích thực, đồng thời tìm cách phá bỏ những rào cản khiến người phụ nữ không có được các quyền kinh tế, chính trị, dân sự đầy đủ và hợp pháp, bằng cách xây dựng những khoảng luật nhằm đảm bảo cho phụ nữ được trả lương cân xứng, được đảm nhận vai trò lãnh đạo mà theo truyền thống phụ nữ không được đảm nhận, bảo đảm quyền riêng tư cá nhân cách đặc biệt quyền tự quyết trên thân thể bao gồm cả quyền mang thai. Hai nữ tác giả nổi tiếng trong phong trào này là Simone de Beauvoir (1908–1986) với tác phẩm Le deuxième (1949) và Betty Friedan (1921–2006) với tác phẩm The FeminineMystique (1963).

– PTNQ văn hóa[14]: phong trào này tập trung vào những đóng góp và giá trị mà theo truyền thống thuộc về bản chất của người nữ như việc nuôi dưỡng và lòng yêu thương. Với sự tập trung này, PTNQ văn hóa muốn nhấn mạnh vị thế luân lý trỗi vượt của người phụ nữ trên người đàn ông, vì họ được sinh ra để thi hành thiên chức làm mẹ, để rồi từ đó khẳng định vai trò của người phụ nữ trong xã hội đó là giúp xã hội nên tốt đẹp và nhân bản hơn. Ở đây, sự khác biệt phái tính là để bổ sung cho nhau chứ không phải là nguyên nhân cho sự tùng phục của người nữ trước người nam. Linda Alcoff là gương mặt nổi trội cho PTNQ này với bài viết Cultural Feminism Versus Post-Structuralism : the Identity Crisis in Feminist Theory (được đăng trong tạp chí University of Chicago Press vào năm 1988)

– PTNQ triệt để : đúng với tên gọi triệt để, phong trào này tấn công trực tiếp vào chế độ gia trưởng bằng cách khẳng định rằng, chế độ gia trưởng là mẫu số chung cho tất cả mọi hình thức đàn áp phụ nữ : xã hội, chính trị, văn hóa, tình cảm. Chế độ gia trưởng tìm cách thống trị phụ nữ bằng cách tước quyền tự ý quyết định (phá thai, hôn nhân khác phái) và dùng phụ nữ như đồ vật hưởng thụ. Jo Freeman và Shulamith là hai nhân vật nổi tiếng cho PTNQ này.

– PTNQ chủ nghĩa xã hội : nhìn chung, phong trào này đồng tình với lời khẳng định của PTNQ triệt để đó là chế độ gia trưởng chính là vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực trong đời sống con người. Tuy nhiên, họ cho rằng nỗ lực kiến tạo một xã hội riêng biệt trong đó phụ nữ giữ vai trò chính của PTNQ triệt để là một nỗ lực phi hiện thực. Bị ảnh hưởng bởi học thuyết Marxist, các nhà hoạt động trong PTNQ chủ nghĩa xã hội đặt những người phụ nữ bị áp bức vào chung với tầng lớp lao động bị bóc lột, cố gắng nối kết việc phụ nữ bị trả lương không cân xứng với các vấn đề chính trị và kinh tế. Gương mặt nổi trội cho PTNQ này là bà Zillah R. Eisenstein, chủ biên của hợp tuyển các bài viết về đề tài PTNQ chủ nghĩa xã hội mang tựa đề Capitalist Patriarchy and the Case for Socialist Feminism (1978).

Bốn PTNQ trên đây đã không chỉ giúp chấm dứt hình ảnh của phụ nữ gắn liền với giới tính mà các phương tiện truyền thông đặt ra, mà còn là lời đáp trả, lời kêu gọi dẹp bỏ chế độ gia trưởng, vốn được xem là đã gây ra những bất bình đẳng có lợi cho nam giới. Đây cũng là mục tiêu chính của PTNQ đợt hai.

Đợt 3 : Thập niên 80, 90 của thế kỷ 20 – Tính toàn cầu hóa của lý luận nữ quyền

Có thể thấy, sau làn sóng nữ quyền đợt hai, cuộc đấu tranh của phụ nữ đã “lý trí” hơn theo nghĩa đã có cơ sở lý luận vững chắc dựa trên các nghiên cứu khoa học, đồng thời mang tính toàn cầu hóa. Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh ở đây là, do những nghiên cứu giúp củng cố lý luận cho các nhà hoạt động nữ quyền được thực hiện trong bối cảnh xã hội Châu Âu với đối tượng nghiên cứu là các phụ nữ da trắng (các bà Tây bỗng trở thành đại diện cho tất cả phụ nữ trên toàn thế giới !), thế nên có nhiều quan điểm và khái niệm đã không thể phù hợp với tình hình ở các nước đang phát triển hay bị xâm lược, đô hộ.

Vấn đề trên đã bị các nhà hoạt động nữ quyền da mầu phê bình. Thật vậy, vào năm 1979, Audre Lorde, một nhà văn kiêm nhà thơ người Mỹ gốc Châu Phi, đã phản đối các học giả nữ quyền da trắng đã quá đề cao vị trí đặc quyền của họ và kéo theo đó là quên mất những khác biệt giữa phụ nữ da trắng và phụ nữ da đen cũng như phụ nữ các màu da khác. Bà sắc sảo đặt ra vấn đề thế này, nội dung chính của các học thuyết nữ quyền là lời khẳng định sẽ đòi lại công bằng và quyền bình đẳng cho phụ nữ nghèo da đen, thế nhưng thực tế thì các bà da đen lại phải lau dọn nhà cửa và chăm sóc con cái của các bà da trắng để các bà da trắng rảnh tay đi họp các đại hội nữ quyền ![15] Cũng vì vậy mà trong làn sóng nữ quyền đợt hai này xuất hiện nhiều hạn từ mới để chỉ PTNQ, chẳng hạn womanism và womanist, được các bà da đen đặt ra để phân biệt với các bà da trắng.[16] Các bà thuộc những màu da khác cũng tự đặt ra nhiều tên gọi giúp làm nổi bật sự khác biệt vị thế xã hội vốn được tạo ra từ cuộc tranh đấu mà họ thực hiện để dành lấy nhân phẩm trọn vẹn cho mình, cụ thể, các bà ở khu vực Châu Mỹ Latin đã dùng các hạn từ Latina hay Mujerista để đặt tên cho tình hình thực tế và những cuộc tranh đấu riêng biệt của họ.

Từ 1975, một loạt các hội nghị Liên Hiệp Quốc bàn về phụ nữ đã giúp khám phá ra nhiều khác biệt cũng như nhiều điểm tương đồng giữa các phụ nữ ở Thế giới thứ nhất và thứ ba, giữa Đông và Tây, Nam và Bắc. Vì thế, yếu tố “khác biệt” đã trở thành một hạng mục phân tích chính yếu trong suy tư nữ quyền nhằm giải thích những sự phân tầng theo tầng lớp, chủng tộc, màu da, giới tính tồn tại trong các xã hội khác nhau. Thế nên, một bước đi hợp lý trong cuộc đấu tranh chống lại chế độ gia trưởng đó là không chỉ quan tâm đến các phụ nữ thuộc giai cấp thấp trong xã hội mà còn phải tập trung vào những người đàn ông được quyền thống trị phụ nữ nhờ chủng tộc và giai cấp mà xã hội mang lại. Bên cạnh những mối quan tâm lấy hai đối tượng trên đây làm trọng tâm, trong số các nhà nữ quyền đợt ba cũng có những người tìm cách chấm dứt việc khai thác cạn kiệt thế giới cũng như các giống loài đang sinh sống trong đó, và họ được gọi là các nhà nữ quyền sinh thái. Phong trào nữ quyền này tập trung chú ý vào mối liên hệ giữa việc thống trị phụ nữ với những hình thức thống trị xã hội khác, cùng việc khai thác cạn kiệt thiên nhiên với lập luận rằng, sự thống trị con người và sự thống trị thiên nhiên có mối liên kết chặt chẽ và giúp củng cố cho nhau.

Tóm lại, làn sóng nữ quyền đợt ba thể hiện tính toàn cầu hóa của lý luận nữ quyền. Quan tâm chủ yếu của phong trào nữ quyền lần ba này là những khác biệt giữa phụ nữ với phụ nữ. Họ tập trung phân tích vấn đề bất bình đẳng như nhóm phụ nữ đặc quyền, nhóm phụ nữ bị gạt ra khỏi lề cuộc sống từ góc độ chủng tộc, dân tộc, giai cấp, với quan điểm “không phải tất cả đều đau khổ như nhau.”

3 – Hậu phong trào nữ quyền (giữa thập niên 90 đến nay)[17]

Định nghĩa

Giai đoạn này xuất hiện vào giữa những năm 90 và được dẫn dắt bởi những người thuộc Thế hệ X, tức là những người được sinh trong những năm 60 đến 70 của thế kỷ 20 (làn sóng nữ quyền đợt hai), được lớn lên và trưởng thành trong một thế giới đã phát triển, một môi trường và một thời đại với đầy đủ phương tiện truyền thông đại chúng, văn hóa và kinh tế. Phong trào này được thừa hưởng rất nhiều thành tựu lớn lao của làn sóng thứ hai và thứ ba bao gồm các đề tài nghiên cứu về phụ nữ trong các đại học, các tổ chức nữ quyền lâu đời, và các cơ quan ngôn luận nổi tiếng là các tập chí hay tuần báo học thuật.[18]Tuy nhiên, dù được hưởng lợi từ các thành tựu đạt được do các làn sóng nữ quyền trong quá khứ (cụ thể là làn sóng thứ ba), nhưng họ vẫn phê bình các quan điểm cũng như những gì mà họ cảm thấy ba làn sóng kia chưa đạt được.

Nền tảng

Chịu ảnh hưởng của phong trào hậu hiện đại, phong trào nữ quyền giai đoạn này tìm cách đặt câu hỏi, tái khẳng định và tái định nghĩa những ý tưởng, nhận xét, và cả truyền thông đại chúng vốn là phương tiện truyền bá những ý tưởng về phụ nữ, giới tính, sắc đẹp, tính dục, nữ tính và nam tính. Đã có một sự thay đổi dứt khoát trong nhận thức về giới tính, với quan niệm rằng, có những đặc tính thuộc riêng người nam, những đặc tính thuộc riêng người nữ, giúp hình thành quan niệm về một giới tính liên tục, duy nhất, không pha tạp. Từ quan điểm này, mỗi người bị xem như là một sự sở hữu, một sự bày tỏ và một sự ngăn chặn tất cả những đặc điểm mà trước kia được gắn với một giới tính. Chính vì vậy, mục tiêu “giải phóng giới tính” của làn sóng nữ quyền đợt ba tiếp tục được mở rộng trong giai đoạn này để dần dần cho thấy căn tính về giới và tính dục thực ra là do xã hội tạo ra, qua đó chủ động tái cấu trúc căn tính giới tính đích thực nơi mỗi người, ngõ hầu có thể tự do thể hiện giới tính, và đạt đến mức xóa bỏ sự phân biệt giới tính.

­Những biểu hiện của phong trào

Để thể hiện mối quan tâm của mình, các nhà nữ quyền trong giai đoạn hậu nữ quyền đã tích cực lộn ngược, áp dụng, và bông đùa với những hình ảnh và biểu tượng có vẻ mang tính thành kiến về giới tính. Điều này thể hiện rõ ràng trong cách sử dụng ngôn ngữ nhiều dụng ý và châm biếm để tự thể hiện mình, chẳng hạn tiếng lóng trước kia bị xem là một thứ ngôn ngữ rẻ mạt, thì giờ đây trở thành phong cách thời thượng và thách thức đáng tự hào ; những vở kịch hài châm biếm tả thực giúp khám phá những cảm nhận của phụ nữ về tính dục ; những ban nhạc rock nữ nổi loạn, v.v..

Ngoài ra, một điểm đáng ghi nhận đó là, phong trào nữ quyền giai đoạn này đã quan tâm đến các phụ nữ da màu nhiều hơn so với các làn sóng nữ quyền trước. Khi phản ứng và chống lại các hình ảnh rập khuôn xem phụ nữ là thụ động, yếu đuối, trong trắng, chung thủy, hoặc ngược lại là độc đoán, khắt khe, tàn bạo, phong trào hậu nữ quyền đã tái định nghĩa lại về người phụ nữ : họ là những người quyết đoán, mạnh mẽ và có khả năng kiểm soát, điều hành bản năng tính dục của mình. Trong nền văn hóa đại chúng, sự tái định nghĩa ấy đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện của nhiều thần tượng về người phụ nữ mạnh mẽ, quyền lực bao gồm các ca sĩ như Madonna, nữ hoàng Latifah, và Mary J. Blige ; hình ảnh phụ nữ được mô tả trên các loạt phim truyền hình như Buffy the Vampire Slayer (1997–2003), Sex and the City (1990–2004), và Girlfriends (2000–2008). Các chương trình thiếu nhi cũng ngày càng được thiết kế sao cho làm nổi bật hình ảnh của những cô gái thông minh, độc lập, của những người phụ nữ lãnh đạo, bao gồm các anh thư trong loạt phim hoạt hình của hãng Walt Disney như Hoa Mộc Lan (1998), Hellen Parr và con gái, Violet (The Incredibles, 2006), các nhân vật phim truyền hình nhiều tập như Dora (Dora and Explorer, 1999–2006), Carly and Sam (iCarly, 2007–2012), v.v..

III – KẾT LUẬN : NHẬN ĐỊNH PTNQ DƯỚI NHÃN QUAN CÔNG GIÁO

1/ Tuy có thể các nhà hoạt động nữ quyền không chấp nhận, nhưng để có một lịch sử trọn vẹn về phong trào nữ quyền, không thể bỏ qua vai trò của Kitô giáo. Angela Ales Bello nhận xét : “Dù các phong trào này mang màu sắc “ngoại đạo,” nhưng nghĩ cho cùng, nó bắt nguồn từ những tư tưởng của Kitô giáo về phẩm giá người nữ.”[19]

2/ Phong trào nữ quyền thực sự là một lời phản đối có tác dụng làm thức tỉnh chế độ gia trưởng kèm theo đó là cơ chế quyền bính, không chỉ trong xã hội mà cả trong Giáo Hội. Thực vậy, từ thời các Giáo phụ, các ngài đã nhìn nhận phẩm giá của phụ nữ thể hiện cách cụ thể qua việc tuyên dương các nữ thánh tử đạo vì quan niệm rằng “phái tính càng yếu thì triều thiên càng vinh quang,”[20] nhờ đó, tình trạng “hạng 2” của các bà xem ra đã giảm dần trong các thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo. Tuy nhiên, với dòng thời gian, việc này lại trở nên tệ hơn.

3/ Tuy có xuất phát điểm rất ý nghĩa là giúp tìm lại phẩm giá đúng đắn của phụ nữ phù hợp với Kinh Thánh, thế nhưng dường như phong trào nữ quyền lại ngày càng trệch hướng khi dần dần, từ việc đấu tranh đòi bình đẳng giới, chuyển sang muốn xóa bỏ hẳn sự khác biệt giới vì xem sự khác biệt ấy là nguồn gốc của những tranh chấp giữa các ông và các bà. Sự lệch lạc này thể hiện rõ nét qua các phong trào đồng tính luyến ái và đòi quyền chịu chức cho phụ nữ. Đứng trước nguy cơ đó, các Đức Giáo Hoàng, kể từ thời Đức Lêô XIII đến Gioan Phaolô II (1878–1988) đã luôn đưa ra lời cảnh báo và nhắc nhở về việc đánh mất khái niệm phẩm giá phụ nữ, từ đó kéo theo nhiều hậu quả không chỉ với phụ nữ mà còn với đời sống gia đình, tế bào quan trọng của xã hội và Giáo Hội.

4/ Dầu vậy, Kitô giáo, cụ thể là Công giáo, luôn đứng về phía PTNQ chính nghĩa. Trong Thư gửi các Hội đồng giám mục “về sự hợp tác giữ người nam và người nữ, ban hành ngày 31/05/2004, bộ Giáo Lý Đức Tin đã đưa ra những điều chỉnh thích hợp cho vấn đề này bằng cách nhắc lại ý nghĩa của sự khác biệt giới tính, qua đó đề cao thiên chức làm mẹ của người phụ nữ : “Nhờ thiên chức đó mà đến cuối cùng, chính người phụ nữ, dù phải chịu những hoàn cảnh cùng cực nhất như lịch sử nhân loại đã minh chứng, là những người có khả năng bảo tồn sự sống, kiên trì gìn giữ tương lai, và ghi nhớ trong nước mắt những giá trị nhân bản của con người.”[21]Tuy nhiên, dù khẳng định vai trò làm mẹ của phụ nữ, bộ Giáo Lý Đức tin cũng không quên nhắc nhở rằng, không được nhìn cách phiến diện người phụ nữ từ chiều kích sinh con đẻ cái thể lý. Lịch sử cho thấy phụ nữ đã góp công rất nhiều trong quá trình phát triển của Giáo Hội và xã hội, cách đặc biệt trong việc giáo dục nên những con người biết yêu thương, phục vụ, tôn trọng tha nhân, bằng chính khả năng làm mẹ của mình. Vì thế, các quốc gia và hệ thống pháp luật phải làm sao bảo đảm điều kiện phù hợp cho phụ nữ, giúp họ có thể hoàn thành ơn gọi của mình không chỉ trong gia đình mà còn ngoài xã hội.[22]

***********

 

 

THƯ MỤC THAM KHẢO

1 – Tài liệu huấn quyền

Bộ Giáo Lý Đức Tin. Thư gửi các Hội đồng giám mục “về sự hợp tác giữ người nam và người nữ” (2004).

Gioan Phaolô II. Mulieris Dignitatem (1998).

2 – Từ điển

Academic American Encyclopedia. New York : Grolier, 1998 edition.

Dictionary of Fundamental Theology. Bs. René Latourelle và Rino Fisichella. New York : Crossroad Publishing Company, 2000 edition.

New Catholic Encyclopedia. Bs. Thomas Carson. Michigan : Gales, 2nd 2002 edition.

Những người phụ nữ nổi tiếng thế kỷ 20. TPHCM : NXB Văn hóa, 1996.

Từ điển Công giáo Anh-Việt. Bs. Nguyễn Đình Diễn. Đồng Nai : NXB Đồng Nai, Expanded 2014 edition.

3 – Hợp tuyển các bài viết theo chủ đề

Feminist Academics : Creative Agents For Change. Bt. Louise Morley và Val Walsh. Lodon : Tylor&Francis, 1995.

Nghiên cứu gia đình : Lý thuyết Nữ quyền và Quan điểm giới. Bt. Lê Ngọc Văn. Hà Nội : NXB Khoa học-Xã hội, 2006.

4 – Tạp chí nghiên cứu

Thời sự thần học, số 79 (tháng 02/2018). TPHCM : Trung tâm học vấn Đa Minh.

5 – Sách

Andrée Michel. Le Féminisme. Paris : Presses Universitaires, 1979.

Denise Lardner Carmody. Responses to 101 questions about Feminism. New York : Paulist Press, 1993.

6 – Internet

Chia sẻ