Linh Mục Quản Giáo Xứ Theo Thánh Kinh
Thánh Kinh là Sách chứa đựng Lời Chúa đề cập đến mối quan hệ giữa Thiên Chúa với Cộng Đoàn Dân Chúa.
Giáo xứ được định nghĩa là một Cộng Đoàn Dân Chúa.
Linh mục Quản xứ là vị Lãnh đạo Cộng Đoàn Dân Chúa.
Lần theo ánh sáng của Lời Chúa trong Thánh Kinh, Linh mục Quản xứ sẽ tìm ra được những nét đặc biệt của Cộng Đoàn Dân Chúa để đem ra hướng dẫn Giáo xứ của mình trong đức tin.
I. Theo Thánh Kinh, Giáo xứ là một cộng đoàn hành trình.
Giáo xứ là danh từ được dịch ra từ La ngữ: “paroecia”, hay “parochia”.
La ngữ “paroecia” lại do Hy ngữ “paroikia”.
Theo nguyên ngữ Hy Lạp, “paroikia” là nơi cư ngụ của những “paroikos”, những kẻ vừa sống bên cạnh nhau, vừa sống nơi xứ lạ, không có quyền công dân trong nước mà họ đang cư ngụ. Vì thế, “paroikos” được dịch là “khách ngụ cư”.
Theo Sáng Thế, Áp-ram – sau này là Tổ Phụ Abraham của Dân Do Thái, Dân của Chúa – tự xem mình là khách ngụ cư ở Ai Cập: “Một nạn đói xảy ra trong xứ ấy, và ông Áp-ram xuống trú ngụ ở Ai cập, vì nạn đói hoành hành trong xứ” (12,10).
Được Thiên Chúa kêu gọi: “ĐỨC CHÚA phán với ông Áp-ram: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12,1), Áp-ram ra đi, lập một Cộng Đoàn Dân Chúa. Những ai muốn thuộc về Cộng Đoàn Dân Chúa nầy, phải thật tình chấp nhận Giao Ước với Thiên Chúa, vì thế, phải sống đời Giao Ước với Thiên Chúa, sống tinh thần Giao Ước với Thiên Chúa: cắt bì bên ngoài chưa đủ, phải thật sự cắt bì trong tâm hồn, như lời quả quyết của thánh Phaolô: “Người Do Thái chính hiệu là người Do Thái tận đáy lòng, phép cắt bì chính hiệu là phép cắt bì trong tâm hồn, theo tinh thần của Lề Luật, chứ không phải theo chữ viết của Lề Luật” (Rm 2,29).
Abraham và Cộng Đoàn Dân Chúa của ông luôn luôn hành trình, luôn luôn xem mình như khách ngụ cư nơi mình đang sống. Họ làm thành một paroikia, nghĩa là một cộng đoàn gồm những người lữ hành đang sống trong một nơi tạm ngụ. Tại Ai Cập, cộng đoàn Hy Bá nầy làm thành một paroikia, chung nhau tạm ngụ nơi vùng Gôsen, chờ ngày lên đường trở về Hứa Địa: “Ông Giuse nói với anh em ông và gia đình cha ông: “Tôi sẽ lên báo tin cho Pharaô và tâu vua rằng: “Anh em tôi và gia đình cha tôi ở đất Ca-na-an đã đến với tôi. Những người này làm nghề chăn chiên, vì họ chuyên nuôi súc vật; họ đã đem chiên bò và tất cả những gì họ có đến đây.” Vậy khi Pharaô triệu anh em đến và hỏi: “Các ông làm nghề gì? “, anh em sẽ thưa: “Từ thuở bé đến giờ, các tôi tớ ngài chuyên nuôi súc vật, chúng tôi cũng như cha ông chúng tôi.” Như vậy, anh em sẽ có thể ở đất Gô-sen; bởi vì người Ai Cập ghê tởm mọi người làm nghề chăn chiên.” (St 46,31-34).
Trong suốt cuộc xuất hành khỏi Ai Cập đến Đất Hứa, nhà lãnh đạo Môsê tổ chức Cộng Đoàn Dân Chúa thành một paroikia: mọi người luôn sát cánh bên nhau, không bao giờ quyết định dừng hẳn lại một nơi nào; mọi người luôn luôn lên đường, luôn luôn ra đi, đi mãi, đi không ngừng, đi cho đến khi đến miền Đất Hứa.
Khi định cư tại Hứa Địa, nhiều người trong Cộng Đoàn Dân Chúa cho rằng cuộc hành trình đã chấm dứt, vì thế, họ quay sang sống theo kiểu ngoại giáo của dân địa phương, phản bội lời thề Giao Ước, vì theo lời thề Giao Ước nầy, Dân Chúa phải luôn ra đi cho đến khi gặp Đấng Cứu Dân Chúa, cho đến khi hưởng được Nhan Thánh Chúa.
Để quan phòng cho lời thề Giao Ước được thực hiện, Thiên Chúa gìn giữ Một Nhóm Nhỏ thánh thiện. Nhóm Nhỏ nầy luôn sống trong tinh thần lữ hành. Họ tạo thành một dân tộc mới vì họ không phải chỉ là một phần dư tồn của một dân tộc, mà họ còn là mầm giống phát sinh ra một dân tộc mới của Chúa trong tương lai.
Trong Cựu Ước, những Nhóm Nhỏ nầy luôn luôn thành tâm mong đợi Đấng Cứu Thế đến.
Trong Tân Ước, khi Đấng Cứu Thế đến, Ngài biến họ thành một cộng đoàn của Ngài: một paroikia của Chúa, một giáo xứ của Chúa, gồm tất cả những ai tin nhận Con Thiên Chúa, được rửa tội bằng sự cắt bì của Chua Thánh Thần trong đức tin. Và cộng đoàn nầy, giáo xứ nầy, paroikia nầy, luôn luôn cùng nhau hành trình trên con đường lữ thứ trần gian cho đến khi Con Thiên Chúa lại đến. Thánh Phêrô khuyên các tín hữu đầu tiên trong Giáo Hội hãy sống trên trần gian nầy như những kẻ ngụ nơi đất khách quê người, vì thế, phải kiêng kị những thói đam mê tội lỗi xác thịt hằng đánh giặc với linh hồn mình: “Anh em thân mến, anh em là khách lạ và lữ hành, tôi khuyên anh em hãy tránh xa những đam mê xác thịt, vốn gây chiến với linh hồn.12 Anh em hãy ăn ở ngay lành giữa dân ngoại, để ngay cả khi họ vu khống, coi anh em là người gian ác, họ cũng thấy các việc lành anh em làm mà tôn vinh Thiên Chúa trong ngày Người đến viếng thăm” (1 Pr 2,11-12).
Như vậy, giáo xứ là một cộng đoàn hành trình trong đức tin. Như Abraham, như Môsê, như Chúa Giêsu Kitô, Linh mục Quản xứ lãnh đạo cuộc hành trình đức tin nầy. Ngài phải làm sao cho cộng đoàn Giáo xứ của mình luôn tiến thẳng trên con đường đức tin. Ngài luôn dạy cho cộng đoàn Giáo xứ của mình chỉ biết chấp nhận một Thiên Chúa duy nhất, một Nước Chúa mà thôi, chứ không được làm tôi hai chủ, không được bắt cá hai tay, luôn hành trình hướng về Quê Trời dưới Ngọn Cờ Thánh Giá, tượng trưng cho Đức Tin chiến thắng.
Khi Đức Hồng Y Sarto vừa đắc cử lên ngôi Giáo Hoàng, một vị quan chức quan trọng hỏi ngài ngay:
– “Tâu Đức Thánh Cha, chính trị của Đức Thánh Cha thế nào? ”.
Đức Tân Giáo Hoàng Piô X nầy, tay cầm chặt Cây Thánh-Giá nơi ngực, mắt nhìn lên trời, nói rõ từng tiếng một:
– “Đây là Chính Trị của tôi.”
Ý Đức Tân Giáo-Hoàng muốn nói: Thánh Giá là đường lối Đức Tin của ngài; theo đường lối Đức Tin nầy, ngài dẫn đưa Giáo Hội về Nước Trời.
II. Theo Thánh Kinh, Giáo xứ là một cộng đoàn gia đình.
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đích thân kêu gọi Dân Ngài. Vì thế, Cộng Đoàn Dân Chúa nẩy sinh và phát triển là do Thánh Ý Chúa.
Trong Tân Ước, Thiên Chúa dùng Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô, đến để gọi chọn những ai muốn thuộc về Dân của Chúa: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).
Những ai được Chúa Giêsu Kitô chọn, thì làm thành một gia đình, một gia đình không phải được liên kết bằng máu thịt thông thường của cha mẹ trần thế, nhưng bằng Máu Thịt của Con Thiên Chúa xuống thế Làm Người: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy.”27 Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,26-28), và họ được nối kết lại với nhau bằng tác động thực thi ý của Chúa: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3,35).
Đây là một gia đình siêu nhiên, gồm đủ mọi hạng người con của Chúa: hạng người giàu-nghèo, thông-dốt, tự do-nô lệ, nam-nữ, già-trẻ, đặc biệt là những kẻ không thuộc về thế gian nầy, hoặc như được kể ra trong Bài Giảng Trên Núi, những kẻ bị thế gian khinh miệt vì nghèo, vì đói, vì khóc lóc đau khổ, hoặc những kẻ bị thế gian oán ghét, khai trừ, xóa sổ: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười. “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa” (Lc 6,20-22).
Trong gia đình siêu nhiên nầy, Thiên Chúa là Cha: “Lạy Cha chúng con ở trên trời” (Mt 6,9); Cha nhân từ: “Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,32); Cha sẳn sàng nhận tất cả những lời con cái kêu xin: “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho” (Mt 18-19).
Trong gia đình siêu nhiên nầy, Chúa Giêsu là Vị Anh Cả luôn luôn có mặt với đàn em trong bất cứ nơi đâu: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đó, giữa họ” (Mt 18,20) và trong bất cứ lúc nào: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Trong gia đình siêu nhiên nầy, mọi người đều là anh chị em với nhau trong Chúa, vì thế, phải luôn yêu thương nhau, luôn tha thứ cho nhau: “Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: “Tôi hối hận”, thì anh cũng phải tha cho nó” (Lc 17,4).
Trong gia đình siêu nhiên nầy, mọi người phải lo sửa dạy nhau: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế” (Mt 18,15-17).
Bởi thế, giáo xứ là một cộng đoàn gia đình siêu nhiên do Chúa Giêsu thành lập. Mọi người trong giáo xứ luôn tin tưởng vào Chúa Giêsu: Ngài là Đấng thành lập gia đình giáo xứ, là Đầu của gia đình giáo xứ, là Linh Mục Quản Xứ của giáo xứ. Mọi người trong giáo xứ luôn luôn hiệp nhất yêu thương nhau vì họ là con cái của Chúa, là anh chị em với nhau trong Chúa. Thay mặt Thầy mình là Chúa Giêsu, Linh mục Quản xứ yêu thương đoàn chiên trong giáo xứ như người cha yêu thương con cái mình. Linh mục Quản xứ hết mình phục vụ đoàn chiên, dù phải hy sinh cả mạng sống như Đấng Chăn Chiên Lành, sẳn sàng thí mạng vì đoàn chiên.
Tháng bảy năm 1914, quân Đức xâm chiếm nước Bỉ. Khi quân xâm lăng tiến vào giáo xứ Pusay, một phát súng nổ, giết ngay một viên sĩ quan Đức. Quân Đức tức tối, lùa ra trước sân nhà thờ, tất cả những nam nhân từ 15 tuổi trở lên, trong đó có Linh mục Quản xứ Pusay. Một lệnh rùng rợn được đưa ra: “Một kẻ trong các ngươi đây đã bắn chết viên sĩ quan của chúng ta. Cứ lần lượt mười người bị bắn chết để đền tội, cho đến khi nó ra tự thú và bị bắn chết.” Tiếng các bà mẹ, tiếng các bà vợ, tiếng con cái khóc lóc vang lên thảm thiết. Bỗng ai nấy im lặng vì có bóng một người tiến ra. – “Chính tôi đã bắn. Hãy bắn tôi đi.” – Người nầy bị bắn ngay tại chỗ. Đám đông được tha và giải tán. Họ ra về lặng lẽ và khóc thầm. Họ không bao giờ quên ơn Linh mục Quản xứ Pusay đã liều chết để cứu họ, cứu gia đình họ, cứu đoàn chiên của giáo xứ ngài!
III. Theo Thánh Kinh, giáo xứ là một cộng đoàn Lời Chúa.
Mai ngày Chúa Giêsu chữa lành nhiều bệnh nhân tại Caphanaum, các môn đệ trình Ngài: “Mọi người đang tìm Thầy đấy!” (Mc 1,37). Chúa Giêsu trả lời: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (Mc 1,38).
Phận sự trước tiên của Đức Kitô là rao giảng Lời Chúa để đem ơn cứu độ đến cho loài người. Chính Ngài đã nói rõ điều nầy khi long trọng lặp lại những lời của ngôn sứ Isaia trong hội đường Nadarét: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi để tôi loan báo Tin Mừng …” (Lc 4,18).
Trong cuộc đời mục vụ truyền giáo, Chúa Giêsu đặc biệt chú trọng đến sự rao giảng Lời Chúa để quy tụ những ai muốn theo Ngài: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời ” (Ga 6,68). Và nếu Chúa Giêsu có làm phép lạ, là để củng cố Lời cứu rỗi, vì thế, Ngài không làm phép lạ khi Lời Chúa không được rao giảng: “Những người Pharisêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Chúa Giêsu, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người. Người thở dài não nuột và nói: “Sao thế hệ nầy lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật các ông biết: thế hệ nầy sẽ không được một dấu lạ nào.” Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền qua bờ bên kia” (Mc 8,11-13).
Về phần các Tông Đồ, họ được Chúa Giêsu sai đi là để rao giảng Lời Chúa: “Dọc đường, các con hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần” (Mt 10,7); “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Vì thế, khi bắt đầu chính thức rao giảng Lời Chúa, các Tông Đồ đã chọn các phó tế: “Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thánh Thần và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa ”. Đề nghị trên được mọi người tán thành ” (Cv 6,2-5). Thánh Phaolô khẳng định các tín hữu Côrintô: “Đức Kitô đã sai tôi đi rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 1,17).
Lời Chúa phát sinh ra Giáo Hội. Nơi nào Lời Chúa được rao giảng, nơi đó Giáo Hội được hiện diện. Lời Chúa luôn luôn phân chia những kẻ tin trong Giáo Hội với những kẻ không tin ngoài Giáo Hội: “Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (Mc 16,16).
Lời Chúa nuôi sống Giáo Hội: “Người ta sống không những nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4).
Lời Chúa nâng đỡ Giáo Hội vì đây là Lời Vạn Năng: Lời chữa lành bệnh tật: “Chúa Giêsu bảo: “Anh hãy chỗi dậy, vác chõng và bước đi!” Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và bước đi” (Ga 5,8-9); Lời xua trừ ma quỷ: “Họ vừa đi ra thì kìa, người ta đem đến cho Đức Giêsu một người câm bị quỷ ám. Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được” (Mt 9,32-33); Lời phục sinh kẻ chết “Đức Giêsu nói: “Nầy người thanh niên, tôi bảo anh : Hẫy chỗi dậy!“. Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói” (Lc 7,14-15); Lời tha hết mọi tội: “Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Nầy con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi” (Mt 9,1).
Lời Chúa luôn ở với Giáo Hội cho đến ngày tận cùng của vũ trụ: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Mt 24,35).
Lời Chúa mang đến ơn cứu độ cho những ai ở trong Giáo Hội: “Hãy khiêm tốn đón nhận Lời đã được gieo vào lòng anh em; Lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em“” (Gc 1,21).
Lời Chúa ban sự sống đời đời cho những ai thuộc về Giáo Hội: “Ai tuân giữ Lời Tôi, sẽ không bao giờ phải chết” ( Ga 8,51 ).
Bởi thế, Giáo xứ là một cộng đoàn Lời Chúa.
Lời Chúa đối với Giáo-Hội thế nào, thì cũng đối với Giáo xứ như vậy, vì Giáo xứ là một tiểu Giáo Hội, một thành phần thiết yếu trong cơ cấu Giáo Hội.
Lời Chúa phát sinh ra Giáo xứ, nuôi dưỡng Giáo xứ, thánh hóa Giáo xứ, nâng đỡ Giáo xứ, luôn ở với Giáo xứ, làm cho Giáo xứ được sống đời đời.
Theo guơng các Tông Đồ, Linh mục Quản xứ luôn phục vụ Lời Chúa trong giáo xứ, phục vụ bằng cách dạy Giáo lý và rao giảng Lời Chúa: “Chúng tôi chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa” (Cv 6,5).
Linh mục Quản xứ có thể bị xiềng xích như thánh Phaolô: “Vì Tin Mừng ấy, Thầy chịu khổ, Thầy còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi“” (2 Tm 2,9a), nhưng không quyền lực nào ở trên đời nầy có thể xiềng xích được Lời Chúa, như lời thánh Phaolô quả quyết với đồ đệ Timôthê: “Nhưng Lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích” (2 Tm 2,9b). Dù hoàn cảnh có thể làm cho Giáo xứ vắng bóng Linh mục Quản xứ, nhưng Chúa Giêsu vẫn hiện diện trong Giáo xứ qua Lời của Ngài. Vì thế, Công Đồng Vatican II cổ võ việc Suy Tôn Lời Chúa trong những nơi không có linh mục, hoặc trong những nơi không có Thánh Lễ trong ngày Chúa Nhựt và các ngày Lễ Buộc.
Cha Stéphane Berhoff kể câu chuyện về Lời Chúa sau đây.
Một người không tin Chúa, lên miền Bắc nước Anh để diễn thuyết bài bác Đạo Công Giáo. Sau diễn thuyết, có cuộc bàn luận.
Một bà lớn tuổi nói: “Tôi góa chồng đã từ lâu. Nhờ tin vào Lời Chúa, tôi đã cố gắng nuôi sống và dạy dỗ con cái. Giờ đây, con cái tôi đứa nào cũng đã lớn khôn, đã nên người, biết sống đạo đức. Còn tôi thì đã già, thế nào tôi cũng chết trong một ngày gần đây. Nhưng hiện nay, tâm hồn tôi rất bằng an vui vẻ vì đã biết sống theo Lời Chúa. Đó là những ích lợi vô giá mà tôi đã được nhờ tin vào Lời Chúa. Còn ông, ông nói ông không tin vào Lời Chúa, vậy xin ông hãy kể cho tôi nghe nhờ vậy mà ông đã được những ích lợi nào?”
Diễn giả đánh trống lãng: “Điều nầy, tôi không thể trả lời cho bà được”.
Nhưng bà già vẫn một mực đặt câu hỏi: “Tôi đã cho ông biết những ích lợi tôi được khi tôi tin vào Lời Chúa. Còn ông, ông hãy cho tôi biết ông đã được những ích lợi nào khi ông không tin vào Lời Chúa?”
Diễn giả nầy, kẻ đã phi bác Lời Chúa, lúng túng, ấp úng và bị khán giả cười rộ lên vì không trả lời được câu hỏi của một bà già đã biết tin và sống theo Lời Chúa.
IV. Theo Thánh Kinh, giáo xứ là một cộng đoàn Phụng Tự
Phụng Tự là hành vi chính yếu của mọi cộng đoàn tôn giáo vì tôn giáo nào cũng được xây dựng trên Phụng Tự.
Trong Cựu Ước, Cộng đoàn Dân Chúa có lễ nghi phụng tự riêng, và đời sống phụng tự tôn giáo của họ xoay quanh những nơi thánh, là những Hội Đường tại địa phương, và tại Đền Thánh Giêrusalem cho toàn quốc.
Trong Tân Ước, khi Chúa Giêsu đến, Ngài rất kính trọng các nghi lễ phụng tự tôn giáo và các Nơi Thánh, nhưng Ngài nhắc nhở và dạy dân cho Do Thái biết ý nghĩa đích thật của phụng tự, là thật tình tôn thờ Thiên Chúa, Đấng vui nhận lòng nhân từ yêu thương, chứ không phải chỉ nhận các hy lễ bên ngoài mà thôi: “Ta muốn lòng nhân, chứ đâu cần lễ tế” (Mt 12,7).
Chúa Giêsu lên án những sự lạm dụng trong Phụng Tự. Ngài khiển trách nặng nề các Biệt-phái, tư tế, luật sĩ, vì trong thực tế, những hạng người nầy đã coi trọng vàng được dâng cúng trong Đền Thờ hơn coi trọng chính Đền Thờ (x. Mt 23,19). Và để thanh-sạch-hóa các nơi thánh, Ngài đã đuổi quân buôn bán ra khỏi Đền Thờ (x. Ga 2,15).
Mặc dầu tìm cách thanh-sạch-hóa các nghi lễ phụng tự và các nơi thánh, và nhấn mạnh về ý nghĩa của sự tôn thờ Thiên Chúa một cách đích thực, Chúa Giêsu vẫn không dừng lại nơi các nghi lễ phụng tự và những nơi thánh của Đạo Củ. Ngài thiết lập một nghi lễ phụng tự mới, ngay nơi chính Con Người của Ngài như yhánh Gioan đã ghi lại lời tuyên bố long trọng của Ngài sau đây: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ nầy đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19). Thánh Gioan chú thích rành mạch: “Đền Thờ mà Đức Giêsu muốn nói ở đây, chính là Thân Thể Người” (Ga 2,21).
Chúa Giêsu thiết lập nghi lễ Tân Ước qua mầu nhiệm Mình Máu Thánh Ngài, qua Phụng Tự Thánh Thể: “Đây là Mình Thầy….Chén nầy là giao ước mới, lập bằng Máu Thầy…..Các con hãy làm việc nầy mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19-20).
Phụng Tự Thánh Thể phát sinh ra Giáo Hội vì Giáo Hội được thành lập bởi Mình Thánh Chúa Giêsu bị đóng đinh trên Thập Giá, bởi Máu Thánh Chúa Giêsu được đổ ra trên Thập Giá, được thành lập bởi sự Tử-Nạn Phục-Sinh của Con Người của Chúa Giêsu Kitô, và điều nầy luôn luôn được lặp lại trong mỗi một Thánh Lễ được cử hành.
Phụng Tự Thánh Thể là sự sống của người Kitô-hữu: “Tôi là Bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn Bánh nầy, sẽ được sống muôn đời. Và Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là Thịt Tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51).
Phụng Tự Thánh Thể bắt buộc Cộng đoàn Dân Chúa phải sống yêu thương hiệp nhất với nhau. Các tín hữu đầu tiên trong Giáo Hội sơ khai đã xác tín điều nầy khi họ “chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42); họ “hiệp nhất với nhau” (Cv 2,43); họ “đồng tâm nhất ý” với nhau (Cv 2,46). Về phần mình, với rất nhiều kinh nghiệm mục vụ, thánh Phaolô hết sức căn dặn các tín hữu Côrintô hãy luôn luôn sống hiệp nhất với nhau trong Chúa Giêsu Thánh-Thể: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô sao? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể ” (1 Cr 10,16-17).
Phụng tự Thánh Thể bắt buộc Cộng đoàn Dân Chúa phải thờ phượng Thiên Chúa trên hết, phải tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa, không được thờ lạy ma quỷ bụt thần nào khác, như lời thánh Phaolô ngăn ngừa các tín hữu Côrintô: “Anh em không thể vừa uống chén của Thiên Chúa, vừa uống chén của ma quỷ được; anh em không thể vừa ăn nơi bàn tiệc của Thiên Chúa, vừa ăn nơi bàn tiệc của ma quỷ được” (1 Cr 10,21).
Bởi thế, Giáo xứ là một cộng đoàn phụng tự, đặc biệt là cộng đoàn Phụng Tự Thánh Lễ và Thánh Thể.
Thánh Lễ và Thánh Thể là lẽ sống của người tín hữu công giáo, là sức mạnh nâng đỡ Linh mục Quản xứ và đoàn chiên của ngài. Giáo xứ nào sống động là Giáo xứ trong đó, Linh mục Quản xứ và giáo dân trong Giáo xứ yêu thích Thánh Lễ và Thánh Thể.
Các tín hữu đầu tiên trong GiáoHội sơ khai bị bắt bớ vì đã họp nhau dâng Thánh Lễ ngày Chúa nhựt. Trong một bản báo cáo đệ trình lên hoàng đế Tragianô, tỉnh trưởng Plinô viết: “Các người Kitô-hữu đang bị giam, quả quyết rằng tất cả lỗi của họ là ở chỗ họ họp nhau vào ngày nhứt định trước lúc hừng đông để cùng nhau ca hát tôn vinh Đức Kitô là Chúa”.
Năm 1793, Giáo Hội Pháp bị bách hại vì Cuộc Cách Mạng. Các Linh mục Quản xứ bị bắt và bị đuổi ra khỏi giáo xứ của mình. Tại giáo xứ Morlaix ở Finistère, mặc dầu Linh mục Quản xứ đã bị bắt, sáng Chúa nhựt hôm đó vẫn có tiếng chuông vang lên, báo hiệu có Thánh Lễ. Quân lính Cách Mạng, nghịch đạo, đổ xô đến nhà thờ. Họ quyết bắt cho được linh mục nào cả gan đến làm lễ vì họ đã đuổi Linh mục Quản xứ ra khỏi giáo xứ rồi.
Khi đến nơi, quân lính an tâm vì thấy cửa Nhà Thờ vẫn đóng như họ đã niêm phong. Nhưng họ ngạc nhiên vì nghe có tiếng đọc kinh ở ngoài Đất Thánh, bên cạnh Nhà Thờ. Họ thấy các giáo dân đang quỳ gối sốt sắng đọc kinh cầu nguyện tại Đất Thánh.
Quân nghịch đạo la hét: “Nhà Thờ đã bị niêm phong, cha sở đã bị trục xuất, các ngươi làm gì ở đây?”
Giáo dân bình thản trả lời: “Chúng tôi đang dự Thánh lễ Ngày Chúa Nhựt.”
Quân nghịch đạo ngạc nhiên, ồ lên: “Ủa! Có lễ đâu mà dự?”
Giáo dân điềm đạm trả lời một cách hết sức xác tín: “Có chứ! Trước khi Linh mục Quản xứ chúng tôi bị trục xuất, ngài có dặn chúng tôi rằng: Ngày Chúa Nhựt nào, lúc 08 giờ sáng, ngài cũng tìm cách dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho Giáo xứ chúng tôi. Vì thế, hôm nay là Ngày Chúa nhựt, chúng tôi đến đây lúc 08 giờ để tham dự Thánh Lễ.”
Quân nghịch đạo cười nhạo: “Điên sao! Dự lễ từ xa như thế, làm sao được?”
Giáo dân sung sướng, cười tự hào: “Không có xa gì! Lời cầu nguyện chúng tôi nối trời lại với đất. Lời cầu nguyện chúng tôi đi từ đất lên trời. Thánh Lễ là lời cầu nguyện trên hết của chúng tôi. Bất kỳ ở đâu, chúng tôi cũng vẫn thông hiệp với nhau được trong Thánh Lễ.”
V. Theo Thánh Kinh, giáo xứ là một cộng đoàn kỷ luật.
Chúa Giêsu thành lập nước Ngài trên trần gian nầy. Tuy nước nầy không thuộc về trần gian này, nhưng là một nước có tổ chức, có kỷ luật, có luật lệ của nó.
Các Tông Đồ được Chúa Giêsu đích thân chọn để điều khiẻn Nước Chúa, để chăn dắt đoàn chiên được Ngài giao phó: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy” (Ga 21,16).
Chúa Giêsu căn dặn những kẻ kế vị Ngài, hãy lo phục vụ trong khi điều khiển Giáo Hội, như gương Ngài sống: mặc dù là Vua nhân loại, Ngài đến không phải để cai trị nhân loại, nhưng để phục vụ nhân loại: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ” (Mc 10,45).
Các Tông Đồ ý thức mình chỉ là những kẻ phục vụ trong khi thi hành sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Thánh Phaolô nhấn mạnh với cộng đoàn Côrintô rằng: “Vậy Apôlô là gì? Phaolô là gì? Đó là những tôi tớ đã giúp cho anh em có đức tin, mỗi người đã làm theo khả năng Chúa ban. Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1 Cr 3,5-6).
Trong Nước Chúa, nếu người bề trên lo phục vụ, thì người bề dưới lo vâng phục. Chúa Giêsu nói rõ uy quyền của người lãnh đạo trong Giáo Hội khi Ngài tuyên bố: “Ai nghe các con, là nghe Thầy; và ai khước từ các con, là khước từ Thầy” (Lc 10,16) ; “Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại, hay một người thu thuế” (Mt 18,17).
Sự vâng phục của đoàn chiên được các Tông Đồ nhấn mạnh rất nhiều. Thánh Phaolô đạy các tín hữu Philíp: “Anh em là những người luôn luôn vâng phục, không những khi tôi có mặt, mà nhất là bây giờ, khi tôi vắng mặt ” (Pl 2,12). Tác giả Thư Do Thái dạy rõ: “Anh em hãy vâng lời những người lãnh đạo anh em và hãy phục tùng họ, vì họ chăm sóc linh hồn anh em như những người sẽ phải trả lẽ với Thiên Chúa” (Dt 13,17). Những cộng đoàn tín hữu nào biết sống vâng phục thì được các Tông Đồ khen ngợi, như thánh Phaolô khen ngợi cộng đoàn Côrintô vì đã vâng phục Titô, môn đệ của ngài: “Nếu trước mặt anh ấy, tôi đã có đôi chút tự hào về anh em, thì tôi cũng không hổ thẹn. Trái lại, trong mọi sự, chúng tôi đã nói thật với anh em thế nào, thì thái độ tự hào của chúng tôi trước mặt anh Titô, cũng chân thật như vậy. Lòng anh ấy càng tha thiết quý mến anh em, khi nhớ lại anh em đã vâng lời, đã kính sợ và run rẩy đón tiếp anh. Tôi vui mừng vì trong mọi sự, tôi có thể tin cậy anh em” (2 Cr 7,14-16).
Không những các Tông Đồ dạy dỗ các cộng đoàn tín hữu sống vâng phục, mà các ngài còn dạy các kẻ kế vị các ngài biết sống vâng phục, như thánh Phaolô nhắc nhở đồ đệ Timôthê: “Phần con, con hãy giữ vững những gì con đã học được và đã tin. Con biết con đã học với những ai” (2 Tm 3,14).
Kỷ luật trong Nước Chúa là điều rất cần thiết để Nước Chúa được hiệp nhất và đứng vững như lời Chúa Giêsu đã cảnh cáo các môn đệ của Ngài: “Bất cứ nước nào tự chia rẽ, sẽ điêu tàn. Bất cứ thành nào hay nhà nào tự chia rẽ, sẽ không tồn tại” (Mt 12,25).
Bởi thế, Giáo xứ là một cộng đoàn kỷ luật: kỷ luật từ trên xuống dưới, kỷ luật từ dưới lên trên. Linh mục Quản xứ thề hứa vâng phục Đức Giám Mục khi đến nhậm chức quản xứ tại giáo xứ, và đoàn chiên trong Giáo xứ chân thành vâng phục Linh mục Quản xứ là kẻ đã hy sinh tất cả để phục vụ phần rỗi của đoàn chiên.
Kinh nghiệm mục vụ cho thấy rõ: Giáo xứ nào có kỷ luật, – trên thì Linh mục Quản xứ vâng phục Đấng Bản Quyền và lo phục vụ đoàn chiên, dưới thì đoàn chiên vui vẻ vâng phục Linh mục Quản xứ và lo sống Đạo -, thì Giáo xứ đó sống hiệp nhất, mạnh mẽ, không rối loạn, không sụp đổ.
Ma quỷ luôn luôn tìm cách chia rẽ trong Giáo xứ: ma quỷ gây chia rẽ giữa giáo dân với nhau, ma quỷ gây chia rẽ giữa giáo dân với Linh mục Quản xứ, ma quỷ gây chia rẽ giữa các Linh mục Quản xứ với nhau, ma quỷ gây chia rẽ giữa các Linh mục Quản xứ với Đấng Bản Quyền. Đoàn kết thì sống, chia rẽ sẽ chết. Điều nầy được thấy rõ trong đời sống mục vụ giáo xứ.
Đặc biệt là Linh mục Quản xứ hãy nêu cao gương tuân phục đối với Giáo Hội trước mặt đoàn chiên mình. Sự tuân phục nầy mang lại an bình và hạnh phúc cho Linh mục Quản xứ. Đức Hồng Y Barôniô (+1607 ) là nhà nghiên cứu danh tiếng về lịch sử Giáo Hội Công giáo. Ngài nghiên cứu lịch sử Giáo Hội trong bốn mươi năm và đã viết ra Những Cuốn Niên Sử Giáo-Hội. Trong đời mình, ngài đã gặp những trường hợp tuân phục khó khăn, nhưng ngài đã lướt thắng được. Lúc về già, ngài thường đến viếng Đền Thờ Thánh Phêrô, quỳ cầu nguyện trước mộ Thánh Tông Đồ này. Khi ra về, ngài đến nơi Tượng đồng Thánh Phêrô đặt gần cửa Đền Thờ, cung kính hôn chân Thánh Phêrô và thầm thì nói: “Obedientia et Pax!” (Vâng Phục đem lại An Bình!).
Thánh Kinh – Cuốn Sách Lời Chúa – và những tài liệu nghiên cứu và giúp học hỏi Thánh Kinh, luôn được mở ra trên bàn viết, trên bàn com-pu-tơ của Linh mục Quản xứ để giúp Linh mục Quản xứ nghiên cứu, học hỏi, tìm tòi, suy niệm Lời Chúa, hầu hướng dẫn đoàn chiên của Giáo xứ luôn sống trong đức tin của ánh sáng Lời Chúa.
Lời Chúa là đèn soi bước chân đi, bước chân đi của Linh mục Quản xứ và bước chân đi của đoàn chiên trong Giáo xứ mà Linh mục Quản xứ đang hướng dẫn về Quê Trời.