Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

“Phân Định Ơn Gọi”

Administrator
2018-09-24 08:33 UTC+7 25
  Bên lề Thượng Hội Đồng Giám mục 2018 “Phân định ơn gọi” Phan Tấn Thành TÓM TẮT I. Ơn gọi. A) Ơn gọi có thể hiểu theo nhiều nghĩa. B) Sư phạm ơn gọi II. Phân định ơn gọi. A) Phân định: những cách hiểu khác nhau (luân lý, tâm linh, ơn gọi). B) […]


 

Bên lề Thượng Hội Đồng Giám mục 2018

“Phân định ơn gọi”

Phan Tấn Thành

TÓM TẮT

I. Ơn gọi. A) Ơn gọi có thể hiểu theo nhiều nghĩa. B) Sư phạm ơn gọi

II. Phân định ơn gọi. A) Phân định: những cách hiểu khác nhau (luân lý, tâm linh, ơn gọi). B) Những yếu tố cốt yếu (chủ thể, đối tượng, điều kiện). C) Ba chặng trong tiến trình phân định theo thánh Inhaxio: nhìn nhận, giải thích, lựa chọn.

Kết luận: Những móc xích của phân định: đồng hành; hoán cải.

———–

 

Nói đến Thượng Hội Đồng Giám mục (viết tắt THĐ) sắp họp vào tháng 10, người ta liền nghĩ tới biết bao nhiêu vấn đề được đặt ra liên quan đến mục vụ cho tuổi trẻ, nhưng có lẽ ít người để ý đến chủ đề được đặt ra cho khóa họp “Tuổi trẻ, Đức tin và Phân định ơn gọi. Bài viết này chỉ muốn tìm hiểu ý nghĩa của thuật ngữ “phân định ơn gọi”. Đây là một ý tưởng then chốt của THĐ. Trong “Dụng cụ làm việc” (viết tắt là DCLV: Instrumentum laboris) bằng tiếng Ý, được công bố ngày 19 tháng 6 năm nay[1], thuật ngữ “phân định ơn gọi” (discernimento vocazionale) được dùng 41 lần. Nếu tách rời hai từ ra, thì “phân định” xuất hiện 84 lần như danh từ (discernimento) và 10 lần như động từ (discernere); tổng cộng là 94 lần. Đang khi đó, “ơn gọi” (vocazione) được dùng như danh từ 56 lần ở số ít (vocazione), và 8 lần ở số nhiều (vocazioni), còn tính từ (vocazionale) được dùng 78 lần (như vậy tổng cộng cả gia đình “ơn gọi” xuất hiện 144 lần). Câu hỏi được đặt ra như sau: Ơn gọi là gì? Phân định là gì? Chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa của hai từ này: cả hai đều mang nghĩa loại suy, nghĩa là được hiểu theo nhiều nghĩa (vừa giống vừa khác).

I. Ơn gọi

Mỗi khi nghĩ đến “tuổi trẻ” và “ơn gọi”, chúng ta liên tưởng ngay đến việc cổ động cho các bạn trẻ hãy đáp lại tiếng Chúa gọi để đi tu (giáo sĩ và tu sĩ). Phải chăng THĐ sắp tới muốn tìm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ơn gọi bên Âu Mỹ ngày nay? Không phải vậy! THĐ muốn bàn chuyện rộng hơn. Ngày nay, nhiều bạn trẻ sống “không có ơn gọi”, nghĩa là không có một lý tưởng cho cuộc sống: họ sống qua ngày, buông theo số phận, hoặc khép trên chính mình (số 89).Chúng ta cần sửa lại quan niệm về ơn gọi, và tránh hai thái cực: 1) Một bên là thái độ của những người “không có ơn gọi”, sống bập bềnh trôi nổi qua ngày, chẳng có một lý tưởng nào hết; 2) Bên kia là quan niệm chật hẹp về ơn gọi, đó là chỉ giới hạn ơn gọi vào hàng ngũ linh mục hay đời sống thánh hiến.

DCLV đã dành Chương Hai trong Phần thứ hai để đào sâu vấn đề này[2], dưới tựa đề “Ơn gọi dưới ánh sáng đức tin” (số 85-105).

Ơn gọi là một thuật ngữ loại suy, áp dụng vào nhiều thực thể khác nhau (số 87):

1) Cuộc sống là một ơn gọi (Populorum progressio n. 15). Thiên Chúa đã gọi con người ra cõi hư vô đến chỗ hiện hữu. Con người được kêu gọi sống hiệp thông với Thiên Chúa; đó là hạnh phúc của con người. Con người được kêu gọi để ra khỏi chính mình, đi hiệp thông với người khác.

2) Nhờ bí tích rửa tội, người Kitô hữu được gọi “đi theo” Chúa Kitô, và trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Người Kitô hữu cũng được kêu gọi tham gia vào sứ mạng của Hội thánh, tiếp nối sứ mạng của Đức Kitô, làm chứng cho Tin mừng trước mặt thế gian.

3) Giáo hội được ví như một thân thể, với nhiều chức năng khác nhau. Từ đó, có thể nói đến nhiều thứ ơn gọi trong Giáo hội: Ơn gọi gia đình[3]; Ơn gọi làm mục tử; Ơn gọi thánh hiến; Ơn gọi giáo dân trong những nghề nghiệp khác nhau[4] (số 101-105).

Chúng ta có thể trình bày thần học về ơn gọi vắn tắt như sau.

A. “Ơn gọi” có thể hiểu theo nhiều nghĩa và gồm nhiều chiều kích.

1/ Nghĩa bình dân: nói về năng khiếu về một lãnh vực nào đó (ơn gọi thi sĩ, nhạc sĩ; doanh nhân), quen gọi là “thiên tài”.

2/ Nghĩa triết học: con người, một hữu thể có ý thức và tự do, có một dự án cho cuộc đời, mà mình quyết tâm thực hiện.

3/ Nghĩa thần học: con người được nhìn trong tương quan với Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa kêu gọi ta. Chúa gọi ta như thế nào ? Có thể nhìn theo ba cấp độ, trong tương quan với Thiên Chúa Ba Ngôi : con người xét như là một thụ tạo nhân linh, xét như tín hữu Kitô, xét như phần tử Hội thánh.

a) Trong tương quan với Chúa Cha. Theo một nghĩa rộng nhất, “Chúa gọi” có nghĩa Chúa ban sự hiện hữu cho vạn vật và cách riêng là cho con người. Việc tạo dựng được quan niệm như hậu quả của tiếng Chúa gọi: Chúa gọi con người từ chỗ hư vô sang hiện hữu. Tiến thêm một bước nữa, “Chúa gọi” có nghĩa là Chúa mời gọi con người đến thông phần hạnh phúc với Ngài. Con người được dựng nên “theo hình ảnh của Thiên Chúa”, để chia sẻ hạnh phúc làm nghĩa tử. Ơn gọi này cũng hướng tới tất cả mọi nhân sinh, được thánh Phaolô diễn tả trong thư gửi Êphêsô như là “Thiên Chúa tuyển chọn ta trong Đức Kitô trước khi tạo thành vũ trụ, để ta được trở nên tinh tuyền thánh thiện” (Ep 1,4; xc. 1Cr 1,2)[5].

b) Trong tương quan với Chúa Kitô. Riêng đối với các Kitô hữu, qua bí tích rửa tội, Người gọi ta trở nên đồng hình đồng dạng với Người, và chia sẻ vào sứ mạng mang Tin mừng cứu độ cho nhân loại[6].

c) Trong tương quan với Chúa Thánh Thần. Thánh Linh soi sáng cho ta biết quảng đại đáp trả tiếng gọi của Chúa. Hơn thế nữa, Ngài còn ban phát những ân huệ khác nhau để phục vụ cộng đồng. Đó là nguồn gốc của « nhiều ơn gọi » khác nhau giữa các Kitô hữu. Vì thế các tác giả tu đức thời nay phân biệt giữa « ơn gọi ở số ít » và « ơn gọi ở số nhiều » (vocazione e vocazioni). Tất cả mọi người Kitô hữu đều có một ơn gọi (xét cách phổ quát) ; mỗi người Kitô hữu được kêu gọi sống nên thánh và phục vụ Nước Trời theo khả năng của mình (xét cách đặc thù).

4/ Là Kitô hữu, các ơn gọi mang chiều kích Hội thánh : chúng ta lãnh nhận ơn gọi qua Hội thánh, trong Hội thánh và để phục vụ Hội thánh. Ơn gọi mời gọi chúng ta sống thông hiệp với các anh chị em khác, để mưu cầu ích chung cho cộng đồng.

B. Sư phạm ơn gọi

Trên đây là khái niệm « tĩnh » về ơn gọi. Trên thực tế, việc khám phá và đáp lại tiếng gọi của Chúa là một tiến trình lâu dài mang tính năng động. Không dễ gì nhận ra tiếng gọi của Chúa, giữa bao nhiêu tiếng ồn ào của cuộc sống. Kế đó, cần phải can đảm đáp lại, và kiên trì dấn thân. Ơn gọi cần thời gian để tăng trưởng. Dù sao, khám phá ơn gọi là khám phá ra ý nghĩa trọn vẹn của cuộc đời. Đó là một « kế hoạch thành tựu » trong đó không chỉ có nỗ lực của ta mà nhất là còn có ơn thánh của Chúa.

Văn kiện “Những ơn gọi mới cho một châu Âu mới”, của Hội nghị về Ơn gọi tại châu Âu (Roma 5-10/5/1997), ở số 13 đã đưa ra một định nghĩa khá súc tích về ơn gọi như sau: Ơn gọi là ý tưởng quan phòng của Thiên Chúa đối với mỗi thụ tạo; là ý tưởng và dự án của Ngài, tựa như một giấc mơ trong trái tim của Ngài, bởi vì Ngài tha thiết yêu mến thụ tạo. Chúa Cha yêu thương mỗi người một cách đặc thù.

II. Phân định ơn gọi

DCLV dành chương ba trong phần thứ hai cho chủ đề này (từ số 106 đến số 119). Nhiều bạn trẻ không hiểu ý nghĩa của thuật ngữ này. Văn kiện nhìn nhận rằng từ “phân định” có thể được hiểu theo nhiều nghĩa (số 108): nhận ra ý Chúa qua các dấu chỉ thời đại; phân định luân lý, phân định tâm linh. Đối với các bạn trẻ, “phân định” có nghĩa là khám phá điều mà mình có thể đóng góp cho đời. Đối với bạn trẻ Kitô hữu, đó là phân định tiếng Chúa kêu mời tham gia vào công cuộc phục vụ Giáo hội và xã hội. Sự phân định là một tiến trình, kéo dài kể cả sau khi đã quyết định rồi.

Thực ra “phân định” là một từ ngữ chuyên môn của trường phái linh đạo thánh Inhaxiô Loyola[7]. Ra như đức đương kim giáo hoàng muốn phổ biết học thuyết này cho toàn thể Giáo hội. Chỉ cần trưng dẫn một thống kê nho nhỏ thì đủ thấy điều đó. Tông huấn Evangelii gaudium (văn kiện ra mắt của ngài) sử dụng 10 lần (các số 16; 30; 33; 43; 45; 50; 154; 166; 179; 181); con số nhảy vọt lên tới 40 lần trong tông huấn Amoris Laetitia (đặc biệt là trong chương Tám)[8].

Chúng tôi muốn dựa theo cha Maurizio Costa S.J., Thư ký đặc biệt của Thượng hội đồng giám mục sắp tới, để trình bày vài khái niệm về “phân định”[9]. Đề tài này có thể bàn dưới hai khía cạnh: Phân định là gì? Làm cách nào để phân dịnh? Trong khuôn khổ bài này, chúng tôi chỉ dừng lại ở khía cạnh thứ nhất và đủ mệt rồi; xin dành khía cạnh thứ hai cho những người chuyên môn hơn! Trong phần “khái niệm”, trước tiên, cần lưu ý đến những cách hiểu khác nhau của phân định (nói chung); kế đó, chúng ta sẽ dừng lại cách riêng ở các thuật ngữ “phân định tâm linh” hoặc “phân định ơn gọi”.

A. Phân định: những cách hiểu khác nhau

Phân định (hoặc “biện phân”) dùng để dịch discernere trong tiếng Latinh. Động từ này gồm bởi “dis” có nghĩa là tách, và “cernere” có nghĩa là chọn[10]. Một cách khái quát, phân định là “phán đoán” về phẩm chất của sự vật, “phân biệt và tách rời” điều tốt và điều xấu, điều lợi và điều hại, điều chính và điều phụ. Sự phân định xảy ra khá thường xuyên trong đời sống hằng ngày nhưng đặc biệt là trong những hoàn cảnh quan trọng của cá nhân hoặc cộng đồng, khi phải chọn lựa, quyết định một hướng đi lâu dài.

Ở đây, chúng ta giới hạn vào một lãnh vực cụ thể là: Làm thế nào nhận ra ý Chúa muốn? (x.Rm 12,2). Điều này không chỉ có nghĩa là chọn lựa điều tốt và tránh bỏ tội lỗi, nhưng còn là biết nhận ra điều gì đẹp lòng Chúa (x.Ep 5,10), điều gì tốt hơn (x.Pl 1,9-10; 1 Tx 5,21-22). Dĩ nhiên, để nhận ra ý Chúa, ta cần được thần khí Chúa hướng dẫn! Khổ nỗi là Tân ước cũng cho ta biết rằng bên cạnh “thần khí tốt” còn có “thần khí xấu” (1Ga 4,1), cũng tựa như bên cạnh ngôn sứ thật có ngôn sứ giả, như lời Chúa Giêsu đã cảnh báo (Mt 7,15). Chính vì thế mà cần có sự phân định thần khí (1Tx 5,19-21). Trong các ngôn ngữ châu Âu, “discernimento spirituale” vừa có thể hiểu là “phân định thuộc lãnh vực tâm linh” (khác với sự phân định trong các lãnh vực tự nhiên) hoặc là “phân định thần khí”, xét vì liên quan đến việc phân định thần khí tốt và thần khí xấu, cũng như xét vì được thực hiện dưới sự hướng dẫn của Thần khí (Thánh Linh). Sự phân định này được thánh Phaolô coi như là một charisma trong Giáo hội (1Cr 12,10).

Sau khi đã giới hạn đối tượng nghiên cứu vào “phân định tâm linh” theo nhãn quan Kitô giáo, ta còn thấy nó mang nhiều thể loại (phân định luân lý, phân định ơn gọi), hoặc được hiểu như hành động hoặc thái độ.

1/ Phân định tâm linh (discernimento spirituale) và phân định luân lý (discernimento morale)

Nói chung, phân định luân lý rộng hơn phân định tâm linh. Phân định luân lý là phân biệt điều tốt với điều xấu, dựa trên những nguyên tắc tổng quát của luân lý. Sự phân định này cũng quen được gọi là “phân định của lương tâm” (x. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 1777-1782).

Phân định tâm linh hẹp hơn, bởi vì nó chỉ liên quan đến sự lựa chọn giữa điều tốt và điều tốt hơn (hoàn hảo), và mang tính cá biệt: tìm hiểu ý muốn Chúa qua sự thúc đẩy trong tâm hồn.

2/ Phân định tâm linh (discernimento spirituale)và phân định ơn gọi (discernimento vocazionale)

Dưới một phương diện nào đó, cả hai thuật ngữ có thể coi như đồng nghĩa, bởi vì “phân định tâm linh” là tìm hiểu tiếng Chúa gọi tôi. Tuy nhiên, như đã nói trên đây, “ơn gọi” có thể hiểu theo nghĩa tổng quát (chung cho tất cả mọi Kitô hữu) hay theo nghĩa chuyên biệt (chọn lựa một hình thức cụ thể để phục vụ Giáo hội). Nếu hiểu theo nghĩa chuyên biệt như vậy, thì “phân định ơn gọi” hẹp nghĩa hơn.

3/ “Phân định” xét như một khả năng hay một tác động

Sự phân định còn có thể hiểu như một khả năng (habitus), một thái độ liên tục, luôn luôn sẵn sàng tìm ý Chúa; hoặc như một quyết định (actus) chọn lựa dứt khoát. Người ta thường hiểu phân định theo nghĩa “quyết định” chọn lựa một hướng đi, để đáp trả tiếng Chúa gọi. Tuy nhiên, “thái độ sẵn sàng” giúp cho ta đi tới quyết định cách sáng suốt hơn. Mặt khác, cuộc đối thoại với Thiên Chúa mang tính cách liên tục: cho dù đã một lần thưa “xin vâng” cách dứt khoát, nhưng sự đáp trả có thể được kiện toàn, không những để trung thành với ơn gọi mà còn để trở nên luôn luôn sâu đậm và mới mẻ hơn.

B. Những yếu tố cốt yếu của phân định

Dù được hiểu như “thái độ” hoặc như “tác động”, sự phân định cũng bao gồm vài yếu tố cốt yếu, tóm vào ba điểm chính: chủ thể, đối tượng, điều kiện.

1/ Chủ thể: con người và Thánh Linh.

Con người có thể hiểu như là cá nhân hay cộng đoàn (phân định cộng đoàn). Cộng đoàn có thể hiểu như là một nhóm hoặc một cộng đồng Giáo hội, thậm chỉ toàn thể Giáo Hội (chẳng hạn như trong trường hợp một Công đồng, một Thượng hội đồng Giám mục), đó là chưa muốn nói đến “cảm thức đức tin” (sensus fidei)của toàn thể Dân Chúa[11].

Tuy rằng tất cả mọi người đều nhận được ơn gọi của Chúa, nhưng không phải ai ai cũng có khả năng phân định tiếng Chúa. Nhiều lúc ta cần đến một vị “đồng hành”. Một số người có năng khiếu để thực hành sự phân định, hoặc do tập luyện hoặc do Chúa ban cho như một charisma để phục vụ cộng đồng. Dù sao, trên hết tất cả mọi yếu tố nhân loại, vai trò chủ động của đời sống tâm linh vẫn là Thánh Linh: chính Ngài dẫn dắt Hội thánh trên đường thánh thiện, thôi thúc các tín hữu tiến tới sự trọn lành, ban ơn soi sáng và sức mạnh để đáp lại tiếng gọi[12].

2/ Nội dung (đối tượng)

Đối tượng phân định rất rộng lớn, bởi vì tùy thuộc vào những hoàn cảnh khác nhau của các cá nhân hay của cộng đồng: phân định điều gì là tốt hoặc xấu ; điều gì hợp thời hoặc lỗi thời ; điều gì bất biến và điều cần thay đổi ; điều gì chính yếu và điều gì thứ yếu, vv.

Từ công đồng Vaticano II, thuật ngữ “dấu chỉ thời đại” đã dần dần trở nên quen thuộc: Thiên Chúa nói qua các biến cố lịch sử; nhưng không phải tất cả các biến cố lịch sử đều là tiếng nói của Chúa.

Cách riêng, khi nói đến “phân định ơn gọi”, chúng ta biết rằng ơn gọi có thể hiểu về vài hình thức phục vụ cụ thể trong Giáo hội, nhưng cũng có thể hiểu về kế hoạch của Thiên Chúa dành cho mỗi người, không ai giống ai. Tuy rằng chỉ có một “ơn gọi linh mục”, nhưng mỗi linh mục sống ơn gọi đó trong những hoàn cảnh đặc thù mà Chúa quan phòng đã sắp đặt cho từng cá nhân.

3/ Điều kiện

Điều kiện phân định có thể hiểu như là phương pháp thực hành sự phân định. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi không muốn đi sâu vào đề tài ấy, mà chỉ giới hạn vào vài điều kiện căn bản của sự phân định tâm linh Kitô giáo[13].

Chúng ta đang bàn về “phân định thần khí”, vì thế điều kiện cơ bản là tư thế sẵn sàng để tuân hành ý Chúa trong hoàn cảnh cụ thể này, dưới sự soi sáng của Thánh Linh. Đành rằng Thần khí thổi đâu tùy ý, nhưng đường lối của Ngài nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, được mặc khải qua Chúa Kitô. Nói cách khác, việc tìm hiểu ý muốn của Thiên Chúa cần dựa trên một nền tảng khách quan, đó là: Lời Chúa được truyền lại qua Kinh thánh và giáo huấn của Giáo hội. Đây là những nguồn quy chiếu cho tất cả mọi sự phân định[14].

C. Những chặng đường

Trong tiến trình phân định cá nhân (chứ không nói đến phân định cộng đoàn), truyền thống Ý-nhã thường nói đến ba chặng, được diễn tả qua ba động từ, tương ứng với ba quan năng tinh thần:

– Tiến trình ba chặng được diễn tả qua những “bộ ba”: cảm nhận / phán đoán / lựa chọn. DCLV diễn tả qua ba động từ: nhìn nhận / giải thích / lựa chọn, làm thành cấu trúc cho toàn thể văn kiện (số 3), và được nhắc lại ở số 112.

– Ba tác động ấy được quy gán cho ba quan năng: ký ức / trí tuệ / ý chí.

Chúng ta hãy rảo qua các chặng ấy.

1/ Cảm nhận. Đây là chặng ý thức tất cả những gì xảy ra bên ngoài ta / chung quanh ta / và bên trong ta. Tất cả các dữ liệu ấy được chuyển sang hiện tại nhờ Ký ức (trí nhớ). Điều quan trọng hơn cả là nhìn nhận những cảm xúc, những thúc giục nội tâm được gợi lên trong ta.

2/ Giải thích. Sau khi đã thu thập tất cả các dữ liệu nội tâm, đến lượt trí tuệ « phân định » chúng dưới ánh sáng của Tin mừng, những nhu cầu của nhân loại. Đến đây, ta cần phải vận dụng các quy tắc biện phân đã được thánh Ý-nhã phát biểu trong sách Linh Thao. Dù sao, tiêu chuẩn tối cao là mối tương quan của ta với Đức Kitô, Đấng gọi chúng ta đi theo Người để loan báo Nước Trời. Ta cần được thấm nhuần bởi những “giá trị” dựa theo Tin mừng (phục vụ thay vì được phục vụ, chia sẻ thay vì vơ vét, trọng thực chất hơn là vẻ hào nhoáng). Phân định có thể là phân biệt giữa tiếng nói của Chúa với tiếng nói của ma quỷ và thế gian.

3/ Lựa chọn. Sang chặng cuối cùng, con người sử dụng tự do của mình để lựa chọn, đáp lại tiếng gọi của Chúa bằng một quyết định rõ rệt. Nên nhắc lại là lắm khi không phải ta cần lựa chọn giữa điều tốt và điều xấu, nhưng là lựa chọn giữa hai điều tốt để đi theo điều “tốt hơn”. Dĩ nhiên, sau khi đã quyết định lựa chọn một điều nào, còn cần phải lựa chọn các phương tiện tối ưu để thi hành điều đã định.

Kết luận

Trong bài này, chúng tôi chỉ muốn tìm hiểu “khái niệm” về phân định ơn gọi (nó là cái gì: Quid sit?), chứ không thể đi sâu vào vấn đề cách thức phân định (bằng cách nào: Quomodo?), hoặc câu hỏi: làm thế nào huấn luyện việc phân định?

Ngoài ra, động từ “phân định” cũng nằm trong một chuỗi liên hoàn khác mà chúng tôi chỉ muốn gợi lên chứ không thể bàn sâu. Trên đây, chúng ta đã thấy việc phân định bao gồm ba chặng: nhìn nhận, giải thích, chọn lựa. Tuy nhiên, việc phân định mới chỉ là một chặng trên lộ trình chứ chưa phải là đích điểm. Trong phần thứ hai của DCLV, việc “phân định ơn gọi” (nói ở chương ba) còn được nối tiếp với “đồng hành” (nói ở chương bốn, từ số 120-136)[15]. Văn kiện lưu ý rằng việc “đồng hành” mang nhiều hình dạng khác nhau (số 122), và ngay cả khi chỉ giới hạn vào việc “đồng hành tâm linh” (accompagnamento spirituale), nó cũng có thể mang nhiều hình thức, (chẳng hạn như counselingcoachingmentoringtutoria). Tuy vậy, việc đồng hành tâm linh trong tiến trình phân định ơn gọi có những nét đặc trưng, mà ta không được phép lẫn lộn với các hình thức đồng hành tâm lý hoặc tâm lý trị liệu (số 124-125).

Mặt khác, phần thứ ba của DCLV liên kết “phân định” với “những con đường hoán cải mục vụ và truyền giáo”. Như đã nói trên đây, “phân định” có thể hiểu như một “hành động” hay một “thái độ”. Phân định ơn gọi không chỉ diễn ra qua một hành động chớp nhoáng, nhưng kéo dài trong suốt đời, xét theo cá nhân cũng như xét theo cộng đồng Giáo hội. Việc tìm ra ý Chúa mang tính thường xuyên và năng động

 

***************************************

Thư mục

(trích từ bài của cha Maurizio Costa)

 

G. Angelini, Le ragioni della scelta, Qiqajon, Magnano (Biella) 1997.

M. Costa, Direzione spirituale e discernimento, Edizioni Apostolato della Preghiera, Roma 19984; Idem, Sentire, giudicare e scegliere nello Spirito, CVX, Roma 1995.

AA.VV., Il discernimento del cristiano, oggi, FIES, Roma 1984 (soprattutto gli interventi di I. de La Potterie e F. Rossi de Gasperis);

S. Fausti, Occasione o tentazione? Arte di discernere e decidere, Àncora, Milano 1997.

E. Fortunato, Discernere con Francesco d’Assisi, Messaggero, Padova 1997.

Th. Green, Aprirsi a Dio, CVX, Roma 1990, pp. 45-55 [cap. III: La rilevanza della preghiera: il discernimento]; Idem, Il grano e la zizzania. Discernimento: punto d’incontro tra preghiera e azione, CVX, Roma 1992.

C.M. Martini e coll., Il Vangelo per la tua libertà. L’itinerario vocazionale del gruppo “Samuele”, Àncora, Milano 1991; Idem, Conoscersi, decidersi, giocarsi. Gli incontri dell’ora undecima, CVX, Roma 1993.

S. Rendina, Mozioni e discernimento negli Esercizi spirituali, in “Mozioni spirituali” e “discernimento” negli Esercizi spirituali, CIS (Appunti di Spiritualità 50), Napoli 2000, pp. 7-60; Idem, Il discernimento operativo o elezione, in L’elezione negli Esercizi spirituali, CIS (Appunti di Spiritualità 53), Napoli 2001, pp. 7-44.

M. Ruiz Jurado, Il discernimento spirituale. Teologia, storia, pratica, San Paolo, Cinisello Balsamo (Milano) 1997.

M.I. Rupnik, Il discernimento. Parte prima: verso il gusto di Dio, Lipa, Roma 2000; Idem, Il discernimento. Parte seconda: come rimanere con Cristo, Lipa, Roma 2001.

P. Schiavone, Il discernimento evangelico oggi, ESUR-CIS, Messina-Roma 1988.

J. Thomas,  Le secret des Jésuites. Les Exercices spirituels, ed. Desclée de Brouwer, Paris 1984.

Francesco, Oggi la Chiesa ha bisogno di crescere nel discernimento. Un incontro privato con alcuni gesuiti polacchi, «La Civiltà Cattolica», 2016, 3, pp. 345-349.

Để so sánh quan điểm “phân định ơn gọi” theo thánh Tôma Aquinô và thánh Inhaxiô, thiết tưởng có thể đọc bài viết của Joseph Bolin, Paths of Love: The Discernment of Vocation according to the Teaching of Aquinas, Ignatius, and Pope John Paul II, www.pathsoflove.com/Paths-of-love-summary.pdf

 


[1]Tiến trình của THĐ trải qua bốn giai đoạn chính: 1) Văn phòng thư ký THĐ soạn “Tài liệu chuẩn bị” (Lineamenta) gửi đến các cơ quan giáo triều, các hội đồng giám mục, các tổ chức chuyên môn với những câu hỏi để thu thập dữ liệu. 2) Dựa trên những ý kiến này, Văn phòng thư ký THĐ soạn “Dụng cụ làm việc” (Instrumentum laboris). 3) Các nghị phụ sẽ mang tập “Dụng cụ” ấy vào phòng họp để thảo luận. 4) Sau khi bế mạc khóa họp, các nghị phụ soạn thảo danh sách các “kiến nghị” (propositiones), dựa theo đó Đức Thánh Cha sẽ ban hành Tông huấn hậu THĐ, đúc kết các ý kiến của các nghị phụ.

[2] Sau Dẫn nhập, DCLV được chia làm ba phần, dựa theo phương pháp “Xem – Xét – Làm”, nhưng được đặt tên cách khác: “nhìn nhận – giải thích – lựa chọn” trong tiến trình phân định ơn gọi. Phần thứ nhất (số 4-72): “Nhìn nhận” nghĩa là nhận ra sự hiện diện của Chúa Kitô (giống như các môn đệ Emmaus) trong những thực tại hôm nay (quen gọi là “đọc dấu chỉ thời đại”). Phần thứ hai (số 73-136): “Giải thích”, tìm hiểu ý nghĩa của ơn gọi dưới khía cạnh Kinh thánh, nhân văn, thần học, giáo hội, sư phạm, tâm linh. Phần thứ ba (số 137-211): “Lựa chọn”, biện phân và quyết định (tương đương với “làm”, sau khi đã “xem và xét”). Đối tượng của việc lựa chọn nhắm đến Giáo hội: cần một sự “hoán cải” (conversio) trong tâm trí và đổi mới lối thực hành mục vụ.

[3] Ơn gọi hôn nhân gia đình đã được nói đến ở Tông huấn Amoris Laetitia ở tựa đề của Chương Ba, và các số 57, 72, 85, 88, 211. Thuật ngữ “ơn gọi hôn nhân” có thể hiểu theo hai nghĩa: khách thể và chủ thể. 1/ Ơn gọi hôn nhân xét theo khách thể , tương đương với “kế hoạch của Thiên Chúa dành cho hôn nhân” (định chế xã hội nhằm sinh sản và dưỡng dục con cái; dấu chỉ của tình yêu hiệp thông của Thiên Chúa, dấu chỉ của tình yêu Đức Kitô đối với Hội thánh, vv). 2/ Ơn gọi hôn nhân xét theo chủ thể có nghĩa là xét về phía những người kết hôn: đương sự có khả năng đảm đương những nghĩa vụ của hôn nhân không? Hai người có tâm đồng ý hợp hay không, có khả năng chung sống với nhau hay không? vv.

[4] Trong tiếng Việt, “nghề nghiệp” do “nghệ nghiệp”. Nghệ : tài giỏi, khéo léo; nghiệp: công việc làm: của cải làm ra. Trong tiếng Pháp, profession gốc tiếng Latinh professio có nghĩa sự tuyên xưng (một công việc gì có thể dạy được; từ đó tiếng professeur). Trong tiếng Đức, nghề nghiệp Berufung có nghĩa là tiếng gọi.

[5] Hiến chế về Hội thánh của Công đồng Vaticano II nói đến “ơn gọi nên thánh”.

[6] Số 22 của Hiến chế Gaudium et Spes nói đến Đức Kitô mặc khải cho con người biết ơn gọi của mình.

[7] Thánh Inhaxiô Loyola đã đưa ra 14 nguyên tắc phân định trong tác phẩm “Linh Thao” (Tuần lễ thứ nhất: số 313-327; xem thêm các số 1-20. 169-189. 328-336. 337-370).

[8] Xem Maurizio Gronchi, “L’esercizio del discernimento: indicazioni dottrinali recenti”, in: L’Osservatore Romano 13 marzo 2017. Nên biết là trong tông huấn Gaudete et exultate, thuật ngữ discernimento được dùng 16 lần trong bản tiếng Ý, và được dùng làm tựa đề cho Chương Năm (“Chiến đấu, tỉnh thức, phân định”).

[9] M. Costa, « L”arte del discernere: premesse, criteri e regole », in: Credere Oggi, 29 (2002), 50-81.

[10] Trong lịch sử thần học, người ta còn sử dụng danh từ discretio , đặc biệt trong thuật ngữ “biện phân thần khí” (διακρίσεις πνευμάτων, discretio spirituum), được thánh Phaolo đã nói trong 1Cr 12,10; 14,29.

[11]Xem văn kiện của Ủy ban Thần học Quốc tế Sensus Fidei in the life of the Church, xuất bản năm 2014.

[12]“Đời sống tâm linh” có nghĩa là đời sống trong Thánh Linh và theo Thánh Linh. Xem Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo số 1699 (Ơn gọi sống trong Thánh Linh).

[13]X. DCLV số 115. Đề tài này cũng được đề cập trong Tông huấn Gaudete et exsultate số 172-175.

[14]Một thí dụ về sự “phân định Tin mừng” (discernimento evangelico) đã được ĐTC Phanxicô vạch ra trong tông huấn Evangelii gaudium, qua 8 cái KHÔNG (các số 53-60; 81-86; 93-101) và 2 cái CÓ (các số 78-80; 87-92).

[15]Trong tông huấn Amoris Laetitia, động từ “phân định” được đặt ở giữa hai động từ “đồng hành” và “hội nhập” (x. Tựa đề của Chương tám: accompagnare, discernere, integrare).

Chia sẻ