Sứ Điệp Đại Hội Truyền Giáo Á Châu Lần Thứ Nhất Tại Chiang Mai – Thái Lan
Tại Chiang Mai, Thái Lan, từ 18 đến 22/10/2006
———————–
Những xác tín này đã dẫn đường cho chúng tôi như là những tham dự viên của Ðại Hội Truyền Giáo Á Châu năm 2006. Tụ họp nhau tại Thái Lan. Từ ngày 18 đến 22 tháng 10 năm 2006, chúng tôi muốn nói lên cùng một niềm tin hân hoan giống như các môn đệ đầu tiên đã tuyên bố: “Tôi đã thấy Chúa” (Ga 20:18); “Chính Chúa đó” (Ga 21:7); “Ðó là sự thật: Chúa đã sống lại” (Lc 24:34); “Lạy Chúa tôi, lạy Chúa Trời tôi” (Ga 20:28). Các môn đệ đầu tiên đã hân hoan vui mừng: người Bạn của họ, Thầy của họ, Tiên Tri của họ, Ðấng cứu chữa của họ, Ðấng yêu dấu của họ đã sống lại cách nhiệm mầu, kỳ diệu. Sợ hãi và thất vọng, lo lắng và sầu não đã trở thành tin cậy và mừng vui. Nào ai có ngờ ? Nào ai mơ ước được ?
Chính Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ của Ngài. Ngài đã gọi rõ từng tên một của họ: Maria Mađalena, Tôma, Phêrô, Giacôbê, Gioan. Họ đã nhận ra Ngài. Ngài đã nói những lời chúc bình an và hoà giải. Những môn đệ yếu tin nay đã được biến đổi. Ðúng vậy, Chúa Giêsu, Người đã chỗi dậy từ Thập Giá tử hình, đã tăng thêm niềm tin cho họ. Ngài đã hướng dẫn họ đi thêm nữa. Ngài sai phái họ đi Rao Giảng : “Hãy đi khắp thế gian, và hãy rao giảng Tin Mừng cho hết mọi tạo vật” (Mc 16:15); “Hãy đi và hãy làm cho tất cả mọi dân nước trở thành môn đệ Ta” (Mt 28:19); “Các con sẽ là những chứng nhân cho các điều ấy” (Lc 24:48); “Như Cha đã sai Ta, Ta cũng sai các con” (Ga 20:21). Và từ đó, các môn đệ đã ra đi và kể những câu chuyện về Chúa Giêsu. Họ đi khắp nơi… xa, gần: Giacôbê đi tới Giêrusalem, Phêrô và Phaolô tới Rôma, Tôma tới Ấn Ðộ. Lẽ dĩ nhiên, đi rao truyền việc Chúa đã sống lại chính là thực hiện một sứ mệnh Truyền Giáo.
Với ơn Chúa quan phòng, hơn 1,000 người chúng tôi, những môn đệ thời nay của Chúa Giêsu, tụ họp với nhau trong Kỳ Ðại Hội Truyền Giáo Á Châu lần thứ I. Khách Sạn mỹ miều, cao sang ở Chiang Mai, miền Bắc Thái Lan, đã trở thành Phòng Lầu Tiệc Ly. Chúng tôi tụ họp để chia sẻ những kinh nghiệm, để kể những câu chuyện, để gặp gỡ nhiều môn đệ khác đến từ khắp mọi miền của lục địa Á Châu mênh mông, từ Li Băng đến Nhật Bản, từ Kazakhstan và Mông Cổ đến Ấn Ðộ. Chúng tôi lắng nghe những lời tâm tình, cùng vô số những câu chuyện, về cuộc sống, về niềm tin, về những anh hùng, những phục vụ, những cầu nguyện, những đối thoại, và những tuyên bố. Với những niềm vui khôn tả. Không ai còn nghi ngờ gì về sự hiện diện thân mật của Chúa Thánh Thần. Cùng nhau, chúng tôi tuyên xưng đức tin và sống hiệp nhất như các mộn đệ của Chúa Giêsu qua những chia sẻ, cầu nguyện và thánh lễ. Những đa dạng của văn hóa và ngôn ngữ đã thêm ánh sáng và tô muôn sắc cho những cử hành phụng vụ trong cùng một đức tin của chúng tôi.
Ðại Hội Mục Vụ có tính Giáo Lý này đã mở ra một con đường hiệp nhất trong việc truyền bá tin mừng: kể chuyện hay chia sẻ niềm tin. Chúng tôi lắng nghe những tường thuật của những bậc lão thành, từ các gia đình, giới trẻ, thiếu nhi và phụ nữ… Chúng tôi đã nghe biết những hoàn cảnh của Hồi Giáo, Phật Giáo, Ấn Ðộ Giáo, và các tôn giáo dân gian. Với những đề tài nổi bật: bác ái xã hội, truyền thông, di dân, và việc đối thoại liên tôn. Những đề tài này có một ý nghĩa rất đặc biệt trong công cuộc rao giảng tin mừng của thời đại hiện nay, một thời đại đang đầy dẫy những xung đột chủng tộc và những căng thẳng tôn giáo !
Câu chuyện của Chúa Giêsu là một mối hiệp nhất ôm gọn tất cả những kinh nghiệm của cuộc sống trong muôn vàn câu chuyện của mọi người. Tất cả mọi sắc màu, dân tộc, ngôn ngữ, văn hóa, giá trị, tôn giáo, và nghệ thuật, của những người dân Á Châu kết thành một tổng hợp vĩ đại. Lạy Chúa, kỳ diệu thay những công cuộc của Chúa ! Sâu sắc thay những sáng tạo của Ngài !
Thế giới có rất nhiều câu chuyện, đời của sống con người càng khó tưởng tượng nổi nếu không có những câu chuyện. Các câu chuyện kể lại cho chúng tôi biết chúng tôi là ai và giúp chúng tôi nối kết với những người khác, trên khắp lục địa Á Châu, và trên toàn thế giới. Nhờ vào những câu chuyện này chúng tôi khám phá ra càng sâu xa hơn về mọi phương diện và giá trị của cuộc sống. Chúng tác tạo nên cộng đoàn. Các câu chuyện này ẩn dấu những năng lực biến đổi vô lường, đặc biệt từ những kinh nghiệm. Chúng làm cho chúng tôi càng dễ ghi nhớ hơn là các bài học ở trường hay từ các sách vở.
Chúa Giêsu được mệnh danh là một người kể chuyện. Là một Sư Phụ (Rabbi), một vị Thầy (teacher), Ngài thích nhất là sử dùng phương pháp kể các Dụ Ngôn, để giải thích những Mầu nhiệm sâu kín của Nước Trời. Có ai mà chưa nghe về câu chuyện của người Samaritanô nhân hậu hay câu chuyện người con hoang đàng ? Những dụ ngôn của Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta thiết lập một quan hệ mật thiết với Thiên Chúa và với những người anh chị em chung quanh chúng ta. Nhiều tư tưởng của Chúa Giêsu, một Ðấng đã sinh ra ở Á Châu, rất gần gũi với những bậc hiền triết khác của Lục địa Á Châu rộng lớn này, như Khổng Tử, Lão Tử và Gandhi. Nhưng còn kỳ diệu hơn, chúng tôi những người Kitô hữu tin tưởng rằng, Ðức Giêsu là một vị Thiên Chúa làm Người, được Thiên Chúa Cha gởi đến. Ngài chính là “Câu Chuyện Tình Yêu” của Thiên Chúa trong thân xác con người – Câu chuyện Thiên Chúa làm Người.
Ðại Hội Truyền Giáo Á Châu nói lên lời đáp ứng những kêu gọi trong Tông Huấn “Giáo Hội Tại Á Châu” của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II: “Nói chung, những kiểu tường thuật quen thuộc với những nền văn hóa Á Châu thì rất thích hợp. Quả thực, việc rao giảng Ðức Giêsu Kitô có thể được thực hiện cách hiệu quả nhất bằng cách tường thuật những câu chuyện của Ngài, như Phúc Âm đã làm” [1]. Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói tiếp như sau: “phải theo một khoa sư phạm có tính gợi ý, sử dụng những câu chuyện, những dụ ngôn và những biểu tượng rất đặc trưng theo phương pháp giảng dạy của Á Châu” [2].
Các giáo hội địa phương ở Á Châu có thể trung thành với mệnh lệnh truyền giáo của Ðức Kitô qua việc kể chuyện và kể lại câu chuyện của Chúa Giêsu bằng lời nói và bằng những hành động hữu hiệu của phục vụ. Một lần nữa, Giáo hội thông truyền đức tin của mình, một đức tin có gốc rễ từ kinh nghiệm đức tin của Chúa Giêsu. Chúa Thánh Thần, Vị kể chuyện vĩ đại, hướng dẫn giáo hội trong mọi hoàn cảnh, để kể chuyện, đặc biệt qua những chứng nhân của cuộc sống: “Những gì chúng tôi đã nghe, những gì mắt chúng tôi đã nhìn thấy, những gì chúng tôi đã tìm được và tay chúng tôi đã sờ được”; đó không gì khác hơn là: “Lời của Sự Sống” (x. Ga 1:1). Truyền Giáo nghĩa là gìn giữ cho các câu chuyện của Giêsu được sống mãi, thiết lập mối hiệp thông, bày tỏ lòng thông cảm, trở thành bạn với những người khác, vác thánh giá, làm chứng cho con người đang sống của Ðức Giêsu.
Các môn đệ trên đường đi Emmau đã nhận ra : “Có phải chúng ta đã không cảm thấy lòng chúng ta đã cháy bừng lên khi Ngài nói chuyện với chúng ta trên đường đi và đã giải thích Kinh Thánh cho chúng ta nghe sao ?” (Lc 24:32) Ðối với chúng tôi, con đường tới Chiang Mai đã trở thành con đường đi Emmau của chúng tôi. Tại Ðại Hội Truyền Giáo chúng tôi đã chia sẻ những kinh nghiệm đức tin của chúng tôi. Những câu chuyện từ Bangladesh và Hong Kong, từ Thái Lan và Trung Hoa, từ Nhật Bản và Nepal – từ khắp các mọi miền của lục địa Á Châu – đã làm cho lòng chúng tôi cháy bừng lên. Những âm vọng của Tông Huấn “Giáo Hội tại Á Châu” đã lớn tiếng vang dội : “Một ngọn lửa chỉ được cháy lên bằng cái gì đã bén lửa” [3]. Giáo Hội tại Á Châu sẵn sàng trở thành “một cộng đồng rực cháy sự hăng say truyền giáo, để làm cho Ðức Kitô được biết đến, yêu mến và đi theo” [4]. Chúa Giêsu đã đem lửa đến với thế gian và đã cầu nguyện cho lửa ấy được cháy bừng lên (x. Lc 12:49). “Giáo Hội tại Á Châu chia sẻ niềm ước mong của Người cho ngọn lửa đó giờ đây lại cháy bừng lên” [5]. Chúng tôi biết rằng Ðại Hội Truyền Giáo 2006 của chúng tôi, được sự hỗ trợ của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu và Văn Phòng Truyền Giáo, nhờ vào ơn Chúa Thánh Thần, có thể làm cho rất nhiều tấm lòng của con người được cháy bừng lên.
Ðại Hội Truyền Giáo Á Châu, một phần nào từ những trao đổi các câu chuyện đức tin của chúng tôi, đã cung cấp những triển vọng mới cho công cuộc đối thoại với mọi người (đặc biệt với người nghèo), với các tôn giáo, và với các nền văn hóa của Á Châu [6]. Những câu chuyện về các dân nghèo của Á Châu ngày nay (những người ăn xin, những người mắc bệnh AIDS, những người di dân, những người bị bỏ rơi) phải được nhắc đến trong những câu chuyện của Chúa Giêsu và trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của Ngài. Nhiều tôn giáo đáng kính của Á Châu sẽ phải được nhìn thấy trong chương trình cứu độ thế giới của Thiên Chúa – để cho tất cả đều được cứu độ (1Tm 2;4). Sự phong phú của các nền văn hóa Á Châu có thể là một chiếc xe thích hợp để thuyên chuyển những câu chuyện của Chúa Giêsu. Công tác này có tính “cấp bách trong hoàn cảnh xã hội đa dân tộc, đa văn hóa, đa tôn giáo của lục địa Á Châu này” [7] Với lối nhìn “đối thoại ba chiều” được đề ra bởi Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu trong 3 thập niên qua sẽ trở thành hiện thực theo “những phương cách mới và đầy ngạc nhiên” [8] – một trong những phương cách đó là trao đổi quà tặng bằng việc chia sẻ các câu chuyện đời sống của chúng ta.
Tại Ðại Hội Truyền Giáo Á Châu lần thứ I này chúng tôi khám phá một lần nữa “Tin vui mừng của Phúc Âm”, lời của Ðức Thánh Cha Phaolô VI đã trở thành sự thật, công việc truyền giáo hữu hiệu chính là thực hiện “với hết tình yêu thương, sốt sắng và vui mừng” [9]. Các môn đệ của Chúa Giêsu phải “hân hoan rao truyền Tin Mừng mà mọi người sẽ đến để nhận biết qua hồng ân của Chúa” [10].
Chúng tôi, các thành viên của Ðại Hội, tự nhủ, sẽ mang về cho cộng đoàn của chúng tôi những hướng đi mới, bước sâu vào trong các câu chuyện của Chúa Giêsu, cách riêng theo những chiều hướng Á Châu. Chúng tôi tìm cách làm cháy bừng lên, sẵn sàng mang về nhà những câu chuyện sống động và cảm nhận được, những câu chuyện có thể làm bừng cháy lên ngọn lửa truyền giáo trong lòng các người trẻ. Chúng tôi mong muốn tiến bước theo Lời Chúa Giêsu đã dạy : “Anh cứ về nhà với thân nhân, và loan tin cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào” (Mc 5:19). [11]
Chúng tôi tìm cách rao giảng Tin Mừng theo những phương thức của Á Châu, cụ thể bằng những câu chuyện kể, các dụ ngôn, các biểu tượng, một phương thức tiêu biểu của lối sư phạm Á Châu, như Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhắn nhủ. Ðó chính là phương thức chia sẻ đức tin của chúng tôi cho những người khác, một đường lối đối thoại đích thực. Chúng tôi, những người vẫn tin tưởng vào những phương thức truyền giáo hữu hiệu này, cũng sẽ “không còn rụt rè khi Thiên Chúa mở cửa cho chúng tôi để tuyên bố cách rõ ràng rằng Ðức Giêsu Kitô là Ðấng Cứu Thế và là đáp án cho tất cả những thắc mắc cơ bản về sự hiện diện của loài người” [12].
Trong Ngày Chúa Nhật lễ Khánh Nhật Truyền Giáo này chúng tôi tạ ơn Thiên Chúa đã gởi vô vàn các nhà truyền giáo đến phục vụ tại Á Châu qua biết bao nhiêu thế kỷ nay. Chúng tôi cũng thành khẩn phó thác trong tình yêu và sự che chở của Thiên Chúa, hàng ngàn các nhà truyền giáo Á Châu hiện nay đang phục vụ khắp nơi trên mọi miền của thế giới.
Chúng tôi nài xin Mẹ Maria, Mẹ của chúng ta và là Ngôi Sao sáng của Công Việc Rao Giảng Tin Mừng, cầu bầu cho chúng tôi để lòng chúng tôi luôn bừng cháy với tình yêu của Chúa Giêsu, Con của Mẹ, mà những câu chuyện của Ngài chúng tôi sẽ kể đi kể lại bằng lời nói, việc làm và bằng đời sống chứng nhân sống động của chính chúng tôi.
Ðại Hội Truyền Giáo Á Châu lần thứ I
Chiang Mai, Thái Lan, Chúa Nhật Truyền Giáo, 22/10/2006
[1] Tông Huấn “Giáo Hội Tại Á Châu” số 20f
[2] Tông Huấn “Giáo Hội Tại Á Châu” số 20g
[3] Tông Huấn “Giáo Hội Tại Á Châu” số 23b
[4] Tông Huấn “Giáo Hội Tại Á Châu” số 19a
[5] Tông Huấn “Giáo Hội Tại Á Châu” số 18c
[6] x. FABC V:3.1.2
[7] Tông Huấn “Giáo Hội Tại Á Châu” số 21b
[8] Tông Huấn “Giáo Hội Tại Á Châu” số 20f
[9] Evangelii Nuntiandi, 1
[10] Evangelii Nuntiandi 80
[11] Mc 5:19 : Câu kinh thánh được chọn làm châm ngôn cho Ðại Hội
[12] FABC V:4,3