ĐỂ NÊN MÔN ĐỆ ĐỨC KITÔ (Tái bản lần 1)
Nguyên tác: Into His Likeness
Be Transformed as a Disciple of Christ
Edward Sri
San Francisco: Ignatius Press, 2017
Chuyển ngữ: Giuse Phạm Vũ Hải Sơn, OP.
Hiệu đính: Giuse Nguyễn Cao Luật, OP.
Vẽ bìa: Đặng Văn Thành
———————————–
Mục Lục
Phần thứ I: “HÃY TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ THẦY” ………… 19
“Hãy theo Thầy” …………………………………………………… 21
Lời cam kết tuyệt đối ……………………………………………. 27
Trong “đám bụi mù” của một Rabbi ……………………… 40
Sự nỗ lực …………………………………………………………….. 52
Không hoàn hảo, nhưng được tuyển chọn…………….. 63
Phần thứ II: CUỘC ĐỐI THOẠI……………………………….. 85
Gặp gỡ Thiên Chúa trong thung lũng ……………………. 89
Say “Tình” ………………………………………………………….. 103
Tha thứ ………………………………………………………………. 117
Chữa lành thực sự, thay đổi thực sự ……………………. 122
Phần thứ III: ĐƯỢC BIẾN ĐỔI NHỜ LỬA………………… 135
Giữ ngọn lửa cháy sáng ………………………………………. 137
Tình bạn Kitô giáo……………………………………………… 163
Những dấu chỉ tuyệt vời, ân sủng tuyệt vời………….. 174
Tính ưu việt của đời sống nội tâm ………………………. 189
————————————
Dẫn nhập
Vào một buổi sáng mùa xuân dọc theo bờ biển Galilê cách đây khoảng 2000 năm, Đức Giêsu Phục Sinh hỏi riêng môn đệ Phêrô của Người rằng: “Anh có yêu mến Thầy không?”
Thoạt nhìn, chúng ta có thể mong đợi nơi Phêrô một tấm lòng nhiệt tình với tiếng “Thưa có”. Xét cho cùng, Phêrô là một trong những môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu. Ngài đã bỏ lại phía sau những chiếc lưới cá của mình và từ bỏ mọi sự để theo Đức Giêsu trong suốt ba năm. Hơn nữa, Đức Giêsu đã chọn Phêrô là một trong nhóm Mười Hai sứ đồ mà Người giao phó nhiệm vụ loan báo Vương quốc Thiên Chúa. Với vai trò thủ lãnh, Phêrô là người đầu tiên tuyên xưng cách dứt khoát rằng Đức Giêsu là Đấng Mêsia và ngài được trao cho chìa khóa của Vương quốc ấy, tượng trưng cho vai trò lãnh đạo đặc biệt của ngài trong nhóm Mười Hai.
Đó là lý do tại sao câu hỏi “Anh có yêu mến Thầy không?” của Đức Giêsu dường như không thể hiện tính trí tuệ. Tất nhiên, Phêrô thương mến Đức Giêsu! Ngài từ một ngư phủ trở thành môn đệ, một môn đệ được tuyển chọn, là Giáo hoàng tiên khởi – chắc hẳn ngài sẽ là một mẫu hình của lòng trung thành!
Nhưng hạn từ “yêu mến” Đức Giêsu dùng ở đây khiến Phêrô ngập ngừng. Tin mừng Gioan sử dụng chữ agapao trong tiếng Hy lạp, mô tả tổng thể một tình yêu tự hiến, vô điều kiện — loại tình yêu tận hiến, hy sinh mà Đức Giêsu họa nên trong suốt cuộc đời của Người, nhất là trên thập tự. Vì thế, Đức Giêsu không hỏi Phêrô liệu ngài có yêu thương chỉ với tình cảm nơi con người bình thường. Một từ Hy lạp khác, phileo, có xu hướng mô tả loại tình yêu đó – tình bạn hữu, dịu dàng nhưng không phải là tất cả[1]. Thay vào đó, Phêrô được hỏi liệu ngài có yêu như Đức Kitô yêu hay không. Liệu Phêrô có yêu mến Đức Giêsu bằng tình yêu agape không?[2]
Bấy giờ, Phêrô ngập ngừng. Ngài biết ngài không thể yêu bằng thứ tình yêu đó được. Ngài buồn rầu mong muốn mình có thể nói có, dù trước đây, lòng nhiệt thành chất phác có thể khiến ngài yêu thương như thế. Thực vậy, trước đó không lâu, trong Bữa Tiệc Ly, Phêrô thậm chí còn mạnh dạn cam kết bằng sự trung thành tuyệt đối của mình với Đức Giêsu: “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng” (Lc 22,33). Thế nhưng về sau, sự chối bỏ ba lần đối với Đức Kitô vào đêm hôm ấy đã làm cho những thiếu sót của Phêrô trong tình yêu agape trở nên rõ ràng. Phêrô sợ hãi, phản bội Bạn Hữu của ngài ba lần, và quay đi khóc lóc cay đắng khi nhận ra những gì mình đã làm. Ngài đã nếm trải nỗi buồn cay đắng của sự yếu đuối và bất trung của mình.
Vì vậy, giờ đây, ta thấy một Phêrô khiêm tốn hơn nhiều qua cách khẳng định tình yêu của mình. Ngài thừa nhận với Đức Giêsu, “Lạy Chúa, Ngài biết con thương mến Ngài – phileo”. Như thể Phêrô đang nói: “Mọi người biết rằng, đối với Đức Giêsu, tôi thể hiện tình yêu agape đến mức độ nào. Anh em biết rằng tôi chỉ có thể thương mến anh em bằng tình yêu con người không hoàn hảo của tôi, là philia.”
Tuy nhiên, Đức Giêsu không đáp lời. Người hỏi lần thứ hai: “Anh có yêu mến – agapao – Thầy không? Một lần nữa, Phêrô khiêm nhường thừa nhận ngài chỉ có thể yêu mến Đức Giêsu bằng tình yêu nhân loại thấp hơn của mình: “Lạy Chúa, Ngài biết con thương mến Ngài – phileo.”
Cuối cùng, Đức Giêsu thay đổi câu hỏi. Người không hạ thấp tiêu chuẩn của tình yêu theo bất kì cách nào, nhưng Người hạ mình để gặp Phêrô nơi vị thế của ông. Người chấp nhận những gì Phêrô có thể trao tặng, ngay cả khi đó chỉ là thứ tình yêu thương yếu ớt của con người. Người dùng từ phileo: “Anh có thương mến – phileo – Thầy không?” Ở đây, Đức Giêsu tự đặt mình vào vị thế của Phêrô và không đòi hỏi ông ngay lập tức phải vươn tới. Và điều đó khích lệ Phêrô. Ngài đáp lại Đức Giêsu như thể muốn nói rằng: “Lạy Chúa, Ngài biết mọi sự. Ngài biết đây là tất cả những gì con có thể làm nơi chính con. Điều tốt nhất con có thể dâng hiến là tình yêu yếu đuối, phàm trần của con: philia – thương mến. Con ước con có thể làm được nhiều hơn, nhưng con khiêm tốn giao phó món quà bất toàn này cho Ngài.”
Đến đây, chúng ta thấy phần ngạc nhiên nhất của câu chuyện – và một trong số đó làm sáng tỏ câu chuyện của chính chúng ta với Chúa. Đức Giêsu chấp nhận tình yêu bất toàn nơi Phêrô và biến nó thành agape. Sau cùng, Phêrô tự giới thiệu mình với Đức Giêsu như ngài thực sự là – không phải trong cái nhìn sai lạc mà ngài có về chính mình trước đây hay theo cái lý tưởng mà ngài muốn sống như thế, nhưng trong sự thật về tính mỏng giòn của chính ngài. Và một khi Phêrô làm điều này, một khi ngài nói sự thật về chính mình – đơn giản rằng ngài không có khả năng yêu mến – agape ngay lúc này, thì một kỷ nguyên mới đang bắt đầu nơi tình bằng hữu của Phêrô với Đức Kitô. Đúng vào lúc này, Đức Giêsu đột nhiên bắt đầu nói về một Phêrô philia sẽ có ngày sống agape giống như chính Đức Kitô. Phêrô sẽ được thay đổi. Trái tim ngài sẽ được biến đổi. Đến một ngày, Phêrô sẽ thấy đôi tay mình dang rộng trên cây thánh giá, giống như của Đức Giêsu trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh. Thật vậy, Đức Giêsu tiên báo việc Phêrô vị đóng đinh ở Rôma: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn. Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa.” (Ga 21,18-19).
Câu chuyện về sự biến đổi của Phêrô là câu chuyện mà Thiên Chúa muốn viết lên trong lòng các môn đệ. Đức Giêsu muốn gặp chúng ta ở nơi chúng ta, như chúng ta là, với tất cả nỗi sợ hãi, thương tích và tội lỗi của chúng ta, và biến đổi trái tim philia của chúng ta thành trái tim agape. Như Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI từng nhận định:
Từ ngày đó, thánh Phêrô “đi theo” Vị Thầy với sự nhận biết chính xác về sự mỏng giòn của chính ngài; nhưng sự hiểu biết này đã không làm ngài thất vọng. Thật vậy, ngài biết rằng mình có thể trông cậy vào sự hiện diện của Đấng Phục Sinh bên cạnh ngài. Từ lòng nhiệt thành chất phác chấp nhận ban đầu, trải qua những kinh nghiệm buồn sầu về sự chối bỏ và khóc lóc ăn năn, thánh Phêrô đã thành công khi phó thác bản thân cho Đức Giêsu, Đấng đã tự hòa mình với tình yêu yếu ớt của Phêrô. Và theo cách này, Người cho chúng ta thấy con đường, mặc dù ta vẫn còn những khuyết điểm. Chúng ta biết rằng Đức Giêsu tự hòa mình vào những yếu đuối của chúng ta. Chúng ta theo Người với khả năng yêu thương yếu ớt của mình và biết rằng Đức Giêsu thì nhân lành và Người đón nhận chúng ta.[3]
Những gì Đức Giêsu đã làm đối với Phêrô thì Người cũng sẽ thực hiện nơi mỗi chúng ta – nếu chúng ta tập đi theo Người như một môn đệ.
Là môn đệ
Trong thế kỷ đầu, thời Đức Giêsu, người môn đệ được diễn tả trong một từ: noi gương. Khi đệ tử đi theo một vị thầy, thì người ấy sống với thầy mình, ăn chung với thầy, cầu nguyện và học với thầy. Mục tiêu của đệ tử không đơn thuần là nắm bắt các đạo lý của thầy mình, mà còn bắt chước cách thầy sống – cách thầy cầu nguyện, làm việc, tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, giúp đỡ người nghèo, sống tình bằng hữu và phục vụ mọi người.
Vì vậy, ngày nay, nếu chúng ta đang trở thành những môn đệ của Đức Giêsu, thì chúng ta phải đi xa hơn cả việc chỉ tin cậy vào giáo huấn và tuân theo các quy tắc của đức tin. Chúng ta phải cắm rễ sâu và xem xét những gì đang xảy ra nơi nội tâm đời sống tâm linh của mình: Chúng ta có đang tiến gần hơn với Đức Kitô, gặp gỡ Người mỗi ngày và trở nên giống Người hơn không? Chúng ta có ý hướng cố gắng sống như Người, suy nghĩ như Người và yêu như Người chưa? Trở nên người môn đệ của Đức Giêsu không chỉ đơn thuần trải qua những chuyển động với đức tin của chúng ta – tham dự Thánh lễ, đọc một số lời cầu nguyện, và tránh những điều xấu. Theo Đức Giêsu như một môn đệ là toàn bộ lối sống – lối sống của Người biến đổi chúng ta, tình yêu agape của Người chiếu tỏa trên tình yêu nhỏ bé – philia của chúng ta.
Tất cả những điều này nhắc nhở chúng ta rằng Công giáo không phải là một thực tại trì trệ, ù lì. Nhưng đó là sự năng động tự bản tính và biến đổi người môn đệ dấn sâu vào tình bằng hữu của mình với Đức Kitô và luôn trở nên giống Người hơn. Thật vậy, một người môn đệ khiêm nhường phải nhận ra hai điều này:
(A) Sự thật về chính mình – nhiều điểm yếu, thất bại và những lãnh vực mà mình không thể sống như Đức Kitô
(B) Sự thật về những gì mình phải làm – họa theo hình ảnh của Đức Kitô: sống như Người, yêu thương như Người – agapao
Tóm lại, một môn đệ đích thực phải biết những gì mình phải làm: biến đổi trong Đức Kitô (B). Nhưng người ấy cũng biết nhiều lãnh vực mình không có khả năng (A). Môn đệ là phải di chuyển từ A đến B. Đó là hành trình dài mà thánh Phêrô đã làm từ phileo đến agapao mà Đức Giêsu muốn tái diễn trong tâm hồn của tất cả các môn đệ của Người.
Khi Truyền thống Giáo hội nói về sự tiến triển trên đường nên thánh, theo đuổi sự thánh thiện và trở thành thánh nhân, thì về cơ bản, việc mô tả tiến trình này của người môn đệ Kitô được họa theo hình ảnh của Đức Kitô (Rm 8,29). Trên hết, người môn đệ trưởng thành ngày càng nhận thức được rằng đây không phải là điều mà tự mình có thể làm được. Cũng như thánh Phêrô, vị thế môn đệ của chúng ta là một quá trình lâu dài để mỗi ngày xác tín hơn về sự bé nhỏ của chúng ta, học cách nương tựa vào Thiên Chúa và cộng tác với ân sủng của Người để chúng ta dần được biến đổi nên giống như Đức Kitô “ngày càng trở nên rực rỡ hơn” (2Cr 3,18).
Bạn có cảm nhận được sự chuyển động đó trong bạn – mong muốn cắm rễ sâu hơn trong mối tương quan của bạn với Đức Kitô không? Bạn có khao khát theo Đức Giêsu cách chặt chẽ hơn, để được biến đổi nhờ Người, để chuyển từ A sang B, từ phileo sang agapao không? Bạn có nhận thấy một sự khuấy động bên trong, khao khát yêu mến Thiên Chúa hết lòng, nhưng vẫn cảm thấy không chắc chắn về những bước tiếp theo cần thực hiện không?
Nếu bạn trả lời có cho bất kỳ câu hỏi nào trên đây, thì hãy biết rằng Thiên Chúa là Đấng đã đặt những khát khao đó vào tâm hồn bạn. Người đã ban cho bạn trái tim của một môn đệ. Cuốn sách này chỉ nhằm mục đích giúp bạn tuân theo những thúc giục ban đầu của Thánh Linh, để bạn có thể chủ động gặp gỡ Đức Giêsu thêm nữa mỗi ngày và sẵn sàng hơn trước quyền năng ân sủng của Người ngõ hầu bạn được biến đổi ngày càng nên giống Người hơn.
———————–
[1] Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, “Thánh Phêrô, Người môn đệ”, Buổi tiếp kiến chung (24-05-2006).
[2] Hạn từ agape là một danh từ, có gốc từ động từ agapao. Hạn từ philia là một danh từ, có gốc từ động từ phileo.
[3] Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, “Phêrô, người môn đệ,” buổi tiếp kiến Chung (ngày 24 tháng 5 năm 2006). Tin mừng Gioan sử dụng agapao và phileo thay thế cho nhau, lối chơi chữ trong đoạn văn cụ thể này, cho đến khi chúng thể hiện dưới ánh sáng của những thất bại nơi tình yêu của Phêrô (việc chối bỏ Đức Kitô ba lần), cho thấy cái nhìn sâu sắc trong vai trò mục vụ của Đức Giáo hoàng Benedictô và sự phản ánh tinh thần, đẹp đẽ trong khung cảnh này: Phêrô khiêm nhường thừa nhận mình không có khả năng của agapao và Đức Giêsu chấp nhận những gì Phêrô có thể có.