Giới thiệu tác phẩm: Lời Về Thiên Chúa Trong Đời Sống Giáo Hội
Phan Tấn Thành
Dẫn nhập
Tựa đề cuốn sách xem ra hơi khó hiểu. Thực ra “Lời về Thiên Chúa” là dịch sát nguồn gốc Hy-lạp của danh từ Theologia (gồm bởi “Theos” , Thiên Chúa, và “logos”, lời). Đây là một tập sách nghiên cứu về những cách nói về Thiên Chúa trong lịch sử Giáo hội. Nói cách khác, nội dung cuốn sách là lịch sử thần học.
I. Ý nghĩa của “Lịch sử thần học”
Các sách viết về Lịch sử thần học không được phong phú cho lắm không riêng gì tại Việt Nam mà ngay cả tại các nước Âu Mỹ. Thật vậy, nhiều tác giả đã soạn bộ sách “Lịch sử triết học” đồ sộ, nhưng các sách về lịch sử thần học thì không được bao nhiêu. Dĩ nhiên, lịch sử triết học thì khác với lịch sử thần học, tuy rằng không phải lúc nào lằn ranh phân biệt cũng rõ rệt, bởi vì tại Âu châu, từ thời Trung cổ, các triết gia cũng là những thần học gia. Thậm chí, vào thời cận đại, khi triết học Âu châu muốn tách rời khỏi thần học, thì các triết gia cũng không thể tránh né các vấn đề thần học (chẳng hạn như về sự hiện hữu của Thiên Chúa, hạnh phúc của con người), và thần học cũng quan tâm đến những vấn nạn của triết học (chẳng hạn như về thuyết vô thần, về tự do của con người).
Một cách tương tự như vậy, các sách “Lịch sử Giáo hội” cũng chiếm nhiều ngăn kệ trong các thư viện. Tuy nhiên, lịch sử Giáo hội bàn về đời sống của Kitô giáo cách khái quát, còn lịch sử thần học chú trọng cách riêng đến lãnh vực tư tưởng. Trên thực tế, sự phân biệt không hoàn toàn rõ rệt, bởi vì tư tưởng thần học không chỉ là những suy tư trừu tượng nhưng sớm muộn cũng sẽ ảnh hưởng đến lối sống đạo (thí dụ cách tổ chức Giáo Hội tùy thuộc vào quan niệm Giáo Hội như là một tổ chức quy củ theo mô hình kim tự tháp, trong đó mọi người đều phải chờ đợi chỉ thị từ cơ quan lãnh đạo tối cao; hoặc là quan niệm Giáo Hội được Thánh Linh điều khiển bằng các đoàn sủng ban cho mọi người); đối lại, các tư tưởng thần học cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi những bối cảnh văn hóa đương thời. Mối tương tác giữa tư tưởng và thực hành đã được diễn tả qua công thức: lex orandi – lex credendi – lex vivendi. Một cách cụ thể, Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, qua bố cục gồm bốn phần, đã nêu bật mối liên hệ chặt chẽ giữa “tuyên xưng đức tin” – “cử hành đức tin” – “sống đức tin” – “cầu nguyện”.
Như vậy, “lịch sử thần học” thì khác với “lịch sử triết học” và “lịch sử Giáo hội”. Tiếp tục xác định từ ngữ, chúng ta cần phân biệt “lịch sử thần học” và “lịch sử các tín điều”, cũng như “lịch sử thần học” và “thần học lịch sử”.
A. “Lịch sử thần học” và “Lịch sử các tín điều”
Trong lãnh vực tư tưởng, cần phân biệt những cấp độ xác tín khác nhau, đặc biệt là giữa một bên là các “đạo lý đức tin” mang tính cách ràng buộc, còn bên kia là những “ý kiến” còn đang trong vòng tranh cãi. Trên thực tế, những cuốn sách đầu tiên viết về lịch sử thần học mang tựa đề là “lịch sử các tín điều” (dogmengeschichte; histoire des dogmes)[1], nhưng dần dần viễn tượng được mở rộng thêm, cách riêng nhờ lời tuyên bố của đức thánh cha Gioan XXIII vào dịp khai mạc công đồng Vaticanô II, khi phân biệt giữa “nội dung đạo lý” và “cách thức phát biểu”. Nội dung đạo lý thì bất biến, nhưng cách thức phát biểu cần được thích nghi với những khung cảnh văn hóa khác nhau[2]. Ngài muốn rằng công đồng sẽ không tuyên bố tín điều nào mới, nhưng tìm cách diễn đạt lại các đạo lý cổ điển theo ngôn ngữ của thời buổi hôm nay. Công đồng Vaticanô II cũng đưa ra một phương án mới khi đề cập đến việc đối thoại hướng đến sự hợp nhất giữa các Kitô hữu, đó là cần lưu ý đến “hệ trật các chân lý” (hierarchia veritatum)[3]. Thuật ngữ này có thể được giải thích theo ba nghĩa:
(i) có một hệ trật giữa các chân lý đức tin, giữa những chân lý trọng tâm của mặc khải (chẳng hạn như Thiên Chúa Ba ngôi), và những chân lý thứ yếu (chẳng hạn như Đức Maria hồn xác lên trời);
(ii) cần phân biệt giữa nội dung đức tin (điều bất biến) và những công thức phát biểu (điều có thể thay đổi tùy nơi tùy thời);
(iii) cần phân biệt hệ trật về tầm quan trọng trong các giáo huấn của Giáo hội: có những chân lý buộc phải tin (tín điều: de fide divina et catholica), thí dụ tín điều Đức Maria vô nhiễm nguyên tội; có những chân lý mà Huấn quyền chưa buộc tin (doctrina catholica), thí dụ đạo lý đức Maria là mẹ của Hội thánh[4].
Nói cách khác, “lịch sử thần học” rộng nghĩa hơn là “lịch sử các tín điều”, bởi vì bao gồm cả những đạo lý chưa buộc phải tin. Nói chính xác hơn, Giáo hội chỉ tuyên bố một tín điều khi biết chắc rằng chân lý đó đã được Thiên Chúa mặc khải. Bên cạnh đó, có nhiều chân lý mà lý trí con người khám phá ra nhưng sẽ không trở thành tín điều bởi vì không thuộc về “gia sản mặc khải”[5]. Dù sao, đó chỉ là nhìn về nội dung tư tưởng. Lịch sử thần học còn muốn nghiên cứu các trào lưu tư tưởng của một thời đại, các trường phái, các tác giả nữa.
B. “Thần học lịch sử” và “lịch sử thần học”
Ngoài ra, dưới khía cạnh từ ngữ, cần phân biệt giữa “thần học lịch sử” và “lịch sử thần học”[6].
1/ Thần học lịch sử có thể hiểu theo hai nghĩa: a) “thần học về lịch sử” (tiếng Pháp: Théologie de l’histoire), nghĩa là tìm hiểu ý nghĩa của lịch sử dưới cái nhìn của đức tin Kitô giáo. b) Thần học lịch sử cũng có thể hiểu như là ngành nghiên cứu các nguồn mạch thần học (tiếng Anh: Historical theology), đối lại với “thần học hệ thống” (tiếng Anh: Systematic theology) thiên về suy tư lý luận.
2/ Lịch sử thần học trình bày những đường lối nghiên cứu thần học khác nhau trải qua 20 thế kỷ của Kitô giáo.
Để hiểu rõ vấn đề hơn, thiết tưởng nên nhắc lại những ý nghĩa khác nhau của danh từ “lịch sử”. Lịch sử là gì?
– Thường lịch sử được hiểu như là một “di tích” thuộc về quá khứ mà ta cần phải ghi nhớ và bảo tồn; tuy vậy đôi khi lịch sử cũng được hiểu về hiện tại và tương lai nữa, trước lịch sử”.
– Có khi lịch sử được hiểu về những sự kiện hoặc biến cố đã xảy ra; có khi nó được hiểu về môn học ghi lại các biến cố đó (trước đây gọi là “sử ký”). Trong các ngôn ngữ châu Âu, có sự phân biệt giữa “histoire” và “historiographie”, đó là chưa kể sự phân biệt trong tiếng Anh giữa history và story hoặc trong tiếng Đức giữa geschichte và historie!
– Ngoài ra, bên cạnh chuyện viết lại và giải thích các biến cố lịch sử, có người còn muốn đi tìm ý nghĩa của lịch sử, quen được gọi là “triết lý về lịch sử” (khác với lịch sử triết học)[7]: lịch sử chỉ là một chuỗi những chuyện xảy ra ngẫu nhiên, hoặc có một sự liên hệ giữa các biến cố dẫn đến một mục tiêu nào đó? Trong bối cảnh ấy, nảy ra câu chuyện “thần học lịch sử”, mà ta có thể hiểu theo hai nghĩa: “thần học về lịch sử”, hoặc “lịch sử của thần học”.
Trong thế kỷ XX, những cuộc nghiên cứu sử học đã góp phần rất lớn cho sự tiến triển thần học. Một đàng phong trào “trở về nguồn” đã cho thấy Giáo hội (cũng như thần học) không phải là một định chế bất động cứng nhắc, nhưng đã trải qua nhiều cuộc canh tân thay đổi. Hơn thế nữa, chiều kích lịch sử là một yếu tố cấu thành của Kitô giáo: khác với các tôn giáo và các triết học cổ thời bên Đông cũng như bên Tây, mặc khải của Kitô giáo gắn liền với một lịch sử, “lịch sử cứu độ”. Ý thức về “lịch sử” không những giúp thần học có một cái nhìn năng động về Giáo hội (mặc khải, phụng vụ, tín điều, các định chế,… không phải là những phạm trù cố định cứng nhắc), mà còn giúp cho Giáo hội ý thức rằng mình là một cộng đồng trên đường lữ hành. Nói cách khác, lịch sử không chỉ liên quan đến những chuyện đã xảy ra trong quá khứ mà còn hướng đến tương lai. Dưới cặp mắt đức tin, lịch sử không phải là một chuỗi những biến cố xảy đến do ngẫu nhiên, nhưng nằm trong một kế hoạch rộng lớn, hướng về một cứu cánh tuyệt đối ở cuối dòng lịch sử.
Cuốn sách này bàn về “lịch sử thần học” hơn là “thần học lịch sử”. Tuy vậy, có nhiều cách thức để trình bày lịch sử thần học.
II. Lịch sử thần học: Nói về Thiên Chúa
Friedrich Nietzche có lý khi khẳng định rằng: “Không có sự kiện mà chỉ có giải thích”[8]. Khoa sử học cận đại có tham vọng viết lịch sử theo phương pháp khoa học, nghĩa là dựa trên các sự kiện khách quan. Tuy nhiên, đó chỉ là một lý tưởng không bao giờ thực hiện nổi. Như trên đã nói, cần phải phân biệt giữa “lịch sử” (sự kiện) và “sử ký” (kể lại sự kiện). Trên thực tế, không phải tất cả các sự kiện trên đời này đều được ghi lại (e rằng không có kho sách nào trên thế giới chứa được hết), nhưng chỉ một số sự kiện được thu thập, và thường duy chỉ các sự kiện của kẻ chiến thắng mới được xem là đáng ghi vào sử xanh[9]. Việc “giải thích” (phê phán) sự kiện lại còn mang tính cách chủ quan hơn nữa. Một sự kiện bị coi là “khủng bố” dưới một chế độ này lại được tôn vinh như là “anh hùng” dưới một chế độ khác! Được làm vua, thua làm giặc là thế!
Nhận xét ấy cũng đúng khi áp dụng vào lịch sử Giáo hội hoặc lịch sử thần học. Nhiều sự kiện đã bị bỏ qua bởi vì được coi là “phá đạo, rối đạo”. Và tiêu chuẩn “chính thống” và “tà giáo” rất được đặt nặng trong việc phê phán các tư tưởng.
Khi biên soạn tác phẩm này, chúng tôi ý thức các giới hạn ấy (chưa kể nhiều giới hạn khác nữa)[10]. Tuy nhiên, chúng tôi không chú trọng đến việc phê phán các tư tưởng cho bằng trình bày những yếu tố góp phần vào việc hình thành thần học Kitô giáo: các trào lưu tư tưởng, các nhân vật. Hơn thế nữa, chúng tôi muốn tìm hiểu những nỗ lực của Giáo Hội để “nói về Thiên Chúa”. Thực vậy, danh xưng “thần học” được dịch bởi danh từ Theologia trong tiếng Hy-lạp, nhưng không sát nghĩa lắm. “Thần học” gợi lên ý niệm là “môn học về các thần”, nhưng theologia thì rộng nghĩa hơn. Vào lúc bắt đầu, các triết gia Hy-lạp (Homero, Platon) hiểu theologia là “thần thoại”, nghĩa là kể chuyện về các thần. Khi được du nhập vào Kitô giáo, theologia đã được biến nghĩa không ít[11]. “Theos” không còn là “thần” nữa nhưng là Thiên Chúa; còn “logos” (lời) cũng được mở rộng ý nghĩa theo ba chiều hướng:
1/ “Lời của Thiên Chúa” (sermo Dei), nghĩa là mặc khải: Chúa nói cho con người biết về Ngài.
2/ “Lời về Thiên Chúa” (sermo de Deo), nghĩa là lời của con người phát biểu về Thiên Chúa, theo cách suy tư và ngôn ngữ của mình.
3/ “Lời với Thiên Chúa” (sermo cum Deo), nghĩa là lời của con người đàm đạo với Chúa để tuyên xưng, chúc tụng Ngài; nói tắt là lời cầu nguyện.
Thông thường, người ta hiểu thần học như là “nói về Thiên Chúa” (hướng thứ hai vừa nói). Lịch sử thần học là nỗ lực diễn đạt đức tin qua ngôn ngữ của thời đại. Tuy nhiên, gần đây, khi nghiên cứu sự thành hình của Kinh thánh, người ta cũng nhận thấy rằng “Lời của Thiên Chúa” cũng chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ nhân loại. Kinh thánh là lời của Thiên Chúa nói với con người bằng ngôn ngữ của con người; tác giả của Kinh thánh vừa Thiên Chúa (Thánh Linh) vừa là con người (thánh sử). Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong chương Mở đầu, nhìn lại việc biên soạn các tác phẩm Tân ước.
Về hướng thứ ba – “nói với Thiên Chúa” – chúng tôi cũng đã có nhiều cơ hội trình bày lịch sử trong bộ “Đời sống tâm linh”, đặc biệt là tập II (Những đường hướng linh đạo nổi bật trong lịch sử Kitô giáo); tập IV (Chiều kích huyền bí trong các tôn giáo, đặc biệt là chương Sáu: “Huyền bí Kitô giáo”); tập V (Truyền thống Tâm linh trong các Giáo hội Đông phương; tập VI (Những hình thức tu trì Kitô giáo); tập VII (Cầu nguyện Kitô giáo: lịch sử và thần học).
Vì vậy, trong sách này, chúng tôi chú trọng đến lịch sử của “Lời về Thiên Chúa”. Chúng tôi không chủ trương thu thập thật nhiều thông tin cho bằng nêu bật những đường hướng trình bày “Lời về Thiên Chúa” dưới sự thúc đẩy của các yếu tố văn hóa xã hội của mỗi thời đại. Điều này muốn nói lên rằng lịch sử thần học vẫn còn tiếp tục, chứ chưa đến đích điểm, và nhất là, dựa trên bài học của quá khứ, chúng ta có nhiệm vụ tìm những ngôn ngữ thích hợp để “nói về Chúa” trong thời buổi hôm nay và cho đồng bào chúng ta. Dân tộc Việt Nam mới đón nhận Tin mừng chưa đầy 500 năm, và trải qua một thời gian dài phải chịu nhiều cuộc bách hại, tương tự như Kitô giáo trong ba thế kỷ đầu tiên. Hy vọng rằng đã đến lúc thuận tiện để chúng ta đào sâu kho tàng mặc khải và diễn đạt lại theo tâm thức thời nay, tương tự như công cuộc của các giáo phụ đã làm hồi thế kỷ IV.
III. Bố cục
Bộ sách “Lịch sử thần học” sẽ gồm bốn phần:
Phần I: Thời các giáo phụ
Phần II: Thời Trung đại
Phần III. Thời cận đại
Phần IV: Lịch sử vài ngành thần học
Chúng tôi áp dụng lối phân chia các thời kỳ đã trở thành kinh điển (hiểu là dựa theo các dấu mốc của lịch sử châu Âu, hoặc cụ thể hơn nữa, lịch sử văn hóa của miền Tây Âu)[12], đó là: 1/ Thời các giáo phụ (thế kỷ I-VIII). 2/ Thời kinh viện (thế kỷ VIII-XVII). 3/ Thời cận đại (thế kỷ XVIII-XX).
Cha Martin Grabmann nhận xét chí lý rằng mỗi thời kỳ thần học bắt đầu bằng hơn kém một trăm năm thịnh đạt, khởi đi từ một Công đồng hoàn vũ; kế đó là một giai đoạn thần học thu lượm những hoa trái mà tiền bối đã gieo, và kết thúc với một giai đoạn kỳ suy thoái[13]. Ba thời kỳ hưng thịnh của thần học là những năm tiếp theo các công đồng Nicêa I (325), Lateranô IV (1215) và Trentô (1546). Có nhiều lý do để hy vọng rằng công đồng Vaticanô II (1965) cũng mang lại những kết quả phong phú như vậy.
A. Thời các giáo phụ (thế kỷ I-VIII)
“Giáo phụ” là tên gọi tắt của “những người cha của Giáo Hội” (patres Ecclesiae). Phần lớn là các giám mục (tuy cũng có những linh mục và giáo dân) sống vào những thế kỷ đầu của Giáo hội, ví được như những “nhà lập quốc”. Các ngài đã tìm cách phát biểu đức tin của Kitô giáo trong môi trường văn hóa Hy-lạp và La-mã, mở đầu cho một tiến trình sẽ còn kéo dài cho nhiều thế kỷ về sau.
Đúng ra, trong hai thế kỷ đầu tiên, các giáo phụ tiên khởi tìm cách diễn tả đức tin Kitô giáo qua các lá thư hoặc bài giảng để giúp các tín hữu sống đạo, vì thế chưa thể xem là lý luận thần học theo nghĩa chặt. Các tác phẩm thần học đầu tiên xuất hiện vào giữa thế kỷ II, với các nhà “hộ giáo” (apologistae), bắt đầu cuộc đối thoại giữa đức tin và văn hóa, nhằm trả lời những cuộc tấn công của các triết gia ngoại giáo.
Thời giáo phụ gồm ba giai đoạn:
1/ Khởi đầu: từ cuối thế kỷ II đến đầu thế kỷ IV, với các “tông phụ”, các nhà hộ giáo, các tác phẩm chống lạc giáo.
2/ Hoàng kim: các thế kỷ IV và V, nhờ tình hình tự do tôn giáo trong Đế quốc Rôma, và trình độ học thức của các giáo phụ. Đây là thời kỳ của những nhân vật nổi tiếng tại các công đồng phổ quát, tựa như: Athanasiô, Basiliô, Cyrillô Alêxandria, Gioan Kim Khẩu, Ambrôsiô, Hiêrônimô, Augustinô…
3/ Kết thúc: từ thế kỷ V đến thế kỷ VIII, chuyển tiếp sang thời Trung đại. Bên Đông phương, thánh Gioan Đamascô (k.675-749) được xem như giáo phụ cuối cùng. Bên Tây phương, giai đoạn này kết thúc sớm hơn[14] bởi vì Đế quốc Rôma đã bị sụp đổ trước sự tấn công của các dân “man di”, tuy rằng các dân này đã sớm trở lại đạo và đem gia sản văn hóa dân tộc vào Kitô giáo.
Các giáo phụ giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử Giáo hội và thần học, vì ba lý do chính:
a) Cầu nối giữa thời kỳ các thánh tông đồ với các thế hệ kế tiếp.
b) Thiết lập những cơ cấu nền tảng của Giáo Hội: các đạo lý căn bản (về Thiên Chúa và Đức Kitô) cũng như các gia đình phụng vụ (quen gọi là lễ điển).
c) Sử dụng văn hóa Hy-lạp và La-mã để diễn tả đức tin, đồng thời cũng đổi mới hai nền văn hóa đó.
B. Thời trung đại
Thời kỳ này thường được đồng hóa với “Thời kinh viện”. Tuy nhiên hai khái niệm không hoàn toàn trùng hợp với nhau. Thuật ngữ “Trung đại” bao gồm lịch sử của Giáo hội và của các dân tộc châu Âu, dưới nhiều lãnh vực: tôn giáo, chính trị, pháp luật, học thuật; còn từ “kinh viện” giới hạn vào khía cạnh tư tưởng triết học và thần học. Kinh viện dịch bởi tiếng La-tinh, “scholastica” là tính từ gốc bởi “schola” (trường học, trường phái). Trong lịch sử triết học và thần học, “scholastica” ám chỉ một trào lưu tư tưởng gắn với truyền thống của “trường phái”, với đặc trưng là phương pháp tranh luận.
Dù sao thần học Trung đại bắt đầu trước khi có kinh viện, được đặt tên là “tiền kinh viện” hoặc “thần học đan tu”; mặt khác, nên biết là lịch sử kinh viện còn kéo dài kể cả sau thời Trung đại, gồm nhiều chặng thăng trầm. Các sử gia phân chia thời kinh viện ra nhiều giai đoạn:
1/ Tiền kinh viện (từ năm 750-1100)
Nổi bật với “thần học đan viện” (theologia monastica), bởi vì diễn ra nơi các trường học của các đan viện. Phương pháp chú giải Kinh thánh là lectio, nghĩa là đọc Kinh thánh dưới sự hướng dẫn của các tác phẩm của các giáo phụ, bằng cách phân tích từ ngữ. Những tác phẩm thần học ra đời vào thời của nhà Carôlingô (từ năm 750 đến 900), như kết quả của cuộc cải tổ dòng Biển Đức. Các tác giả tiêu biểu: Alcuinus de York, Rabanus Maurus, Anselmô Cantebury.
2/ Thượng kinh viện (thế kỷ XII)
Khoảng năm 1100, nhiều trường học được mở ra tại các nhà thờ chính tòa. Trình độ văn hóa của các giáo sĩ được nâng cao. Các tác phẩm của Aristote được du nhập. Thần học áp dụng phương pháp phân tích và lý luận khi giải thích Kinh thánh, chứ không thuần túy nghiền ngẫm như các đan sĩ. Những tác giả tiêu biểu: Petrus Abelardus; Trường Saint Victor (với các tác giả Hugues, Richard), và đặc biệt là Petrus Lombardus với tác phẩm Sententiae được dùng làm sách giáo khoa tại các trường thần học cho đến thế kỷ XVI.
3/ Hoàng kim của kinh viện (thế kỷ XIII)
Sự thành lập các đại học đòi hỏi việc soạn thảo các sách thần học theo tiêu chuẩn khoa học. Đây là thời buổi của các Summa, những tác phẩm mang tính tổng hợp của ngành thần học, dựa theo phương pháp đối thoại giữa đức tin và lý trí. Các tác giả tiêu biểu: Alexander de Hales, Bonaventura, Albertô Cả, Tôma Aquinô, Duns Scotus.
4/ Hạ kinh viện (thế kỷ XIV-XV)
Sự suy tư nhường chỗ cho các cuộc tranh luận giữa các trường phái, với những vấn đề xa vời thực tại đời sống đức tin. William Ockham và phái duy danh (nominalismus) để lại nhiều ảnh hưởng. Sự phục hồi học thuyết thánh Tôma (Vicente Ferrer, Antonino de Firenze, Pedro Cockaert).
5/ Kinh viện phục hưng (tiền bán thế kỷ XVI)
Hai khuynh hướng chính: a) khuynh hướng suy tư, tiếp tục sư phục hồi học thuyết thánh Thomas với Cajetano (Thomas de Vio); b) khuynh hướng lịch sử, đón nhận những trào lưu của thời phục hưng, quan tâm đến các nguồn lịch sử và văn chương (Melchor Cano).
Mặt khác, đây cũng là thời mà Giáo hội phải đương đầu với cuộc Cải cách Tin lành. Họ đòi xét lại tận căn tính của đức tin và thần học. Công đồng Trento được triệu tập (1545-1563) để trả lời cho những vấn nạn ấy.
6/ Kinh viện baroque (từ 1550-1650). Cuộc tranh luận về ân sủng, tự do và tiền định (De auxiliis) giữa hai trường phái: Luis de Molina S.J. đại diện cho Dòng Tên và Domingo Bañez O.P. đại diện cho Dòng Đaminh, kéo dài hơn nửa thế kỷ (1563-1617), bất phân thắng bại.
Bắt đầu sự phân chia của thần học ra từng phần: tín lý và luân lý; luân lý và tu đức. Tiếp đến là sự phân mảnh theo từng bộ môn: Thiên Chúa luận, Sáng thế luận, Kitô luận, vv.
Nói chung, thần học Công giáo mang tính tranh biện, với phái Cải Cách, với các triết thuyết duy lý. Mặt khác, những cuộc xâm chiếm thuộc địa ở bên Nam Mỹ cũng đặt lên nhiều vấn đề về luân lý chiến tranh, và quyền lợi con người. Đây cũng là thời kỳ xuất bản các sách giáo lý (catechismus), về phía Công giáo và Tin lành, tóm tắt các chân lý căn bản về tín lý và luân lý dành cho các dự tòng cũng như người lớn.
C. Thời cận đại
1/ Đặc điểm
Chúng ta có thể tóm tắt tình trạng văn hóa tại Âu châu sau hòa ước Westfalia (1648, kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm giữa Công giáo và Tin lành) vào những điểm sau:
– Sự thống nhất chính trị tan rã (Giáo hội và Đế chế), và nảy sinh các quốc gia mới tại Âu châu.
– Trọng tâm ảnh hưởng chính trị và văn hóa được di chuyển từ các quốc gia ven Địa Trung Hải (Tây-ban-nha và Ý) sang các quốc gia ở miền Trung và Bắc Âu (Pháp, Đức, Anh).
– Sự suy tàn của kinh viện phát sinh ra các luồng tư tưởng mới: thuyết duy lý bên Pháp và thuyết thực nghiệm bên Anh.
– Khuynh hướng hoài nghi và duy tự nhiên lớn mạnh, tiếp theo cuộc khủng hoảng lương tâm gây ra do các cuộc chiến tranh tôn giáo.
– Khoa học thực nghiệm được xem như là “đỉnh cao của trí tuệ”, chiếm vị trí độc tôn trước đây của thần học và triết học.
Mặc dù xã hội châu Âu bề ngoài còn mang danh Kitô giáo, nhưng từ thế kỷ XVIII các giới trí thức ngả theo thuyết hoài nghi và bất khả tri. Tình trạng này dẫn đến sự phân cách giữa tôn giáo và tri thức. Có thể nói rằng đây là sự khác biệt căn bản giữa thời Trung cổ và Cận đại: một bên là sự thống nhất của toàn thể lục địa trong đức tin Công giáo; bên kia là sự phân mảnh và tách rời giữa Đạo và Đời.
2/ Các giai đoạn
Thời cận đại tuy ngắn (ba thế kỷ) so với các thời kỳ trước, nhưng phức tạp vì nhiều trào lưu mới bên trong và bên ngoài Giáo hội.
a) Suy thoái trong suốt thế kỷ XVIII. Tiếp theo những cuộc cách mạnh chính trị và xã hội tại nhiều quốc gia, môn thần học bị loại ra khỏi đại học, và chỉ còn giảng dạy ở các chủng viện. Hai trào lưu triết học nổi bật trong thế kỷ này – chủ nghĩa duy lý và duy tâm – đã đặt lên nhiều vấn đề cho thần học cơ bản. Thần học luân lý cũng chứng kiến cuộc tranh luận giữa các trường phái liên quan đến vấn đề tương quan giữa lương tâm và luật lệ (thuyết an toàn, hữu lý, vv.).
b) Thế kỷ XIX. Công đồng Vaticanô I (1870) là điển hình cho sự căng thẳng giữa lý trí và đức tin, giữa khoa học thực nghiệm và mặc khải. Mặt khác, từ giữa thế kỷ XIX, người ta ghi nhận sự khởi đầu của tiến trình canh tân, nhờ việc trở về nguồn Kinh thánh và giáo phụ, hồi phục truyền thống kinh viện vào thời hoàng kim, đối thoại với các trào lưu tư tưởng hiện đại (duy tâm và lãng mạn). Các Giáo hoàng cũng bắt đầu lên tiếng trong các vấn đề kinh tế xã hội nảy lên vào thời cách mạng công nghệ, tìm một hướng đi giữa hai thuyết tư bản (tự do) và cộng sản (xã hội).
c) Thế kỷ XX. Những hướng mới trong việc nghiên cứu Kinh thánh, dựa trên những khám phá của ngành khảo cổ và lịch sử đã đặt ra không ít vấn nạn cho thần học tín lý cổ truyền. Những cuộc canh tân dọn đường cho công đồng Vaticanô II: Kinh thánh, Phụng vụ, Đại kết.
Công đồng Vaticanô II cũng mở rộng đến các lục địa khác (Mỹ châu, Phi châu, Á châu), chứ không chỉ giới hạn đến các vấn đề của châu Âu. Mặt khác, thần học cũng quan tâm đến các “thực tại trần thế” chứ không giới hạn vào những vấn đề thuần túy tín ngưỡng. Tâm thức thời đại thích các vấn đề “hiện sinh” hơn là các học thuyết trừu tượng. Trong khung cảnh này, thần học mang tính cách “mục vụ” nhiều hơn là suy diễn.
Như đã nói trên đây, việc phân chia các thời kỳ dựa theo lịch sử của châu Âu. Bên cạnh đó, lịch sử của việc “nói về Chúa” còn có thể được xếp theo tiêu chuẩn khác, tựa như:
– các diễn đàn (nhà thờ, đan viện, trường học, đại học), – các thính giả (cộng đồng tín hữu, đan sĩ, sinh viên, giới trí thức),
– các phương pháp chú giải Kinh thánh (nghĩa văn chương, nghĩa thần khí, đặt câu hỏi, nguồn gốc biên soạn, vv.), như sẽ thấy khi đi vào chi tiết trong các chương tới.
Nói tóm lại, việc “nói về Chúa” mang nhiều hình thức khác nhau: không chỉ là những diễn giảng trong phân khoa thần học, mà còn là những lời chúc tụng ngợi ca, những lời giải thích giáo lý. Điều trớ trêu hơn nữa là chính những người “vô thần” cũng “nói về Chúa” theo một đường lối riêng biệt. Mặt khác, không thiếu nhà thần bí chủ trương một thứ “thần học vô ngôn”, nghĩa là giữ thinh lặng khi đối diện với mầu nhiệm Thiên Chúa. Trên thực tế, đã có những nhà thần bí trải qua “đêm tối đức tin”, trải qua cảm nghiệm kinh khủng của Thiên Chúa vắng lặng.
Dù sao, cách thức mà thần học “nói về Chúa” thì khác với cách thức của các “khoa học tôn giáo”. Các “khoa học tôn giáo” mới ra đời hồi thế kỷ XIX bên Âu châu. Tuy gồm nhiều ngành khác nhau (Lịch sử tôn giáo, Hiện tượng luận tôn giáo, Xã hội học tôn giáo, Tâm lý học tôn giáo, vv.), nhưng nói chung, đó là những môn học thuộc ngành nhân văn, áp dụng phương pháp thực nghiệm, không đi sâu vào chiều kích đức tin. Dĩ nhiên, đối tượng của các khoa học tôn giáo không chỉ là Thiên Chúa mà thôi, nhưng còn bao gồm các thần linh khác nữa[15].
———————-
[1] Khởi đầu từ các tác giả Tin lành bên Đức, từ thế kỷ XVIII, với những tác giả như F.C. Baur (1792-1860), A.B. Ritsch (1822-1889), và đạt tới cao điểm nơi bộ sách Lehrbuch der Dogmengeschichte của Adolf von Harnack xuất bản vào những năm 1886-1889. Về phía Công giáo, ta có thể kể đến Joseph Tixeront, Histoire des dogmes dans l’antiquité chrétienne (3 voll., 1905-12).
[2] “Aliud est ipsum depositum fidei seu veritates, aliud modus secundum quem enuntianur, eodem tamen sensu eademque sententia”. Tư tưởng này được Công đồng lấy lại trong hiến chế mục vụ Gaudium et spes, số 62.
[3] Sắc lệnh về Hiệp nhất Unitatis redintegratio số 11. X. Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo số 90 và quy chiếu thêm vào các số 114; 158; 234.
[4] Pontificio Consiglio per la promozione dell’unità dei cristiani, Direttorio per l’applicazione dei principi e delle norme sull’ecumenismo (25/3/1993), n.74.
[5] Công đồng Vaticanô I, Hiến chế Dei Filius, c.III: “Porro fide divina et catholica ea omnia credenda sunt, quae in verbo Dei scripto vel tradito continentur et ab Ecclesia sive solemni iudicio sive ordinario et universali magisterio tamquam divinitus revelata credenda proponuntur” (Dz.Sch 3011). Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 88: “Huấn quyền Hội thánh thực thi trọn vẹn quyền bính nhận từ Đức Kitô khi ấn định các tín điều, tức là khi công bố, dưới hình thức buộc dân Kitô giáo phải tin, những chân lý được chứa đựng trong mặc khải của Thiên Chúa, hoặc cả khi công bố một cách dứt khoát những chân lý có liên hệ tất yếu với các chân lý đó”.
[6] Xem Thần học lịch sử và Lịch sử thần học, trong “Thời sự thần học” số 72 (tháng 5/2016).
[7] Có lẽ người khai sinh ra “triết lý triết học” là Voltaire với tựa đề tác phẩm La Philosophie de l’histoire (1765).
[8] F. Nietzsche, Más allá del bien y del mal. Preludio a una filosofía del futuro, Alianza, Madrid 1980, §2.4.14.19.
[9] F. Fukuyama, El fin de la historia y el último hombre, Planeta, Barcelona, 1992.
[10] Một giới hạn rõ rệt là chúng tôi không nghiên cứu trực tiếp các văn bản của các nhà thần học, nhưng chỉ dựa trên những tác phẩm tổng hợp lịch sử thần học.
[11] Các giáo phụ Đông phương đầu tiên sử dụng danh từ theologia là Origène (k.185-251) và Eusebio Cêsarêa (k.264-349). Bên Tây phương, mãi đến thế kỷ XII, theologia mới trở thành quen thuộc, nhờ Petrus Abelardus (1079-1142).
[12] Nên biết là các tác giả Tin lành dựa theo những tiêu chuẩn khác, cách riêng với dấu mốc là cuộc Cải cách của Martin Luther (1483-1546).
[13] M. Grabmann, Historia de la teología católica (desde fines de la era patrística hasta nuestros días), Espasa Calpe, Madrid 1946, 16.
[14] Có người muốn kết thúc với thánh Isiđorô Sevilla (560-636), có người kéo dài đến thánh Bêđa (672-735).
[15] X. Phan Tấn Thành, Dẫn nhập vào các Khoa học tôn giáo, (Đời sống tâm linh I), Nhà xuất bản Phương Đông, TP Hồ Chí Minh, 2015.