Những khoản luật trong bộ giáo luật 1983 được sửa đổi
Trích Thời sự thần học, số 99 (tháng 2 năm 2023) trang 13-30.
Bộ giáo luật hiện hành được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 25 tháng 1 năm 1983. Trong vòng 40 năm qua, đã có những thay đổi gì. Bài này xin giới thiệu những sửa đổi ấy.
Bài này gồm hai phần: Phần thứ nhất trình bày tổng quan những khoản luật được sửa đổi; Phần thứ hai trình bày bản văn các khoản luật được sửa đổi.
Phần thứ nhất dựa theo dữ liệu Modifiche ai canoni del CIC , đăng trên địa chỉ internet của đại học Gregoriana, www.iuscangreg.it/cic_modifiche.php (truy cập 8/1/2013)
Phần thứ hai là bản dịch những khoản luật mới do LM Giuse Đỗ Đức Dũng, SDB thực hiện.
I. Những khoản luật được sửa đổi: tổng quan
Ký hiệu viết tắt
+ Hình thức văn kiện: Ca: Constitutio Apostolica (tông hiến) – Can: Canon (điều luật) – Mp: Motu proprio (tự sắc)
+ Tác giả: BTS: Bộ Tu sĩ (Bộ Các Hội dòng thánh hiến và Tu đoàn tông đồ) – BNĐ: Đức thánh cha Bênêđictô XVI – GPII: Đức thánh cha Gioan Phaolô II – PXC: Đức thánh cha Phanxicô
Nhận xét
– Các Quyển I, III, V ít sửa hơn cả
– Quyển II: 1) Thay đổi quan trọng về giáo triều Rôma, nhưng không đụng đến bản văn. 2) Nhiều thay đổi quan trọng trong luật về các dòng tu.
– Quyển VI: Thay đổi bản văn mới
– Quyển VII: Thay đổi quan trọng về thủ tục tuyên bố hôn nhân vô hiệu
II. Bản văn những điều khoản được thay đổi
Điều 111
§2 (thay đổi ngày 31/5/2016, Tự Sắc De concordia inter Codices) Nếu chỉ có một người trong cha mẹ là Công giáo, người con sẽ được ghi danh vào Giáo hội mà cha mẹ Công giáo thuộc về.
Điều 112
§3. (thay đổi ngày 31/5/2016, tự sắc De concordia inter Codices,thêm §3) Sự chuyển qua Giáo hội nghi lễ tự lập có hiệu lực từ lúc tuyên bố được thực hiện trước sự hiện diện của Bản Quyền sở tại của chính Giáo hội hay của cha xứ riêng hay trước vị linh mục đại diện của một trong hai vị này và trước sự hiện diện của hai nhân chứng, miễn là một phúc nghị của Tông Tòa đã không xếp đặt cách khác; và phải được ghi trong sổ rửa tội.
Điều 230
§1. (thay đổi ngày 10/1/2021 với tự sắc Spiritus Domini) Các giáo dân có độ tuổi và những đức tính cần thiết theo sắc lệnh của Hội đồng Giám mục, có thể lãnh những tác vụ đọc sách và giúp lễ cách cố định, qua nghi thức phụng vụ đã được quy định; Tuy nhiên, việc trao các thừa tác vụ này không ban cho họ quyền được Giáo hội trợ cấp hoặc trả một khoản thù lao.
Điều 237
§2. (thay đổi ngày 11.2.2022, tự sắc Competentias quasdam decernere) Không được lập chủng viện liên giáo phận, nếu không có sự xác nhận trước của Tông Tòa, cả về việc thiết lập, cũng như về Qui chế: từ phía Hội đồng Giám mục, nếu đó là một chủng viện cho toàn thể lãnh thổ liên hệ, trường hợp khác thì từ phía các Giám mục liên quan.
Điều 242
§1. (thay đổi ngày 11/2/2022, tự sắc Competentias quasdam decernere) Trong mỗi quốc gia, phải có một Cẩm nang đào luyện tư tế, do Hội đồng Giám mục ban hành, dựa trên những qui tắc do quyền bính tối cao của Giáo hội ấn định và được xác nhận bởi Tòa Thánh, có thể thích ứng với những hoàn cảnh mới với sự xác nhận mới của Tòa Thánh; trong Cẩm nang đó các nguyên tắc căn bản và những qui tắc tổng quát về đào luyện chủng viện được định ra, thích ứng với các nhu cầu mục vụ của mỗi miền và tỉnh.
Điều 265
(thay đổi ngày 11/2/2022, tự sắc Competentias quasdam decernere) Mỗi giáo sĩ phải được nhập tịch, hoặc vào một Giáo hội địa phương, hoặc vào một Giám Chức tòng nhân, hoặc vào một Tu hội Đời sống thánh hiến hay Tu đoàn có năng quyền đó, hoặc kể cả vào một Hiệp hội giáo sĩ công mà đã có năng quyền này do Tông Tòa ban, như vậy, tuyệt đối không chấp nhận các giáo sĩ không có bề trên hay lang thang.
Điều 535
§2. (thay đổi ngày 31/5/2016, tự sắc De concordia inter Codices) Trong sổ Rửa Tội phải ghi chú cả việc việc ghi danh vào một Giáo hội nghi lễ tự lập hay chuyển sang một Giáo hội khác, cũng như việc chịu phép Thêm Sức và những gì thuộc về tình trạng Giáo luật của các Kitô hữu, như hôn phối, trừ những quy định của điều 1133, việc nhận dưỡng tử, việc lãnh chức thánh, việc tuyên khấn vĩnh viễn trong một hội dòng; tất cả những điều này luôn luôn phải được ghi lại trong chứng chỉ Rửa Tội.
Điều 579
(thay đổi ngày 1/11/2020, tự sắc Authenticum charismatis): Trong địa hạt của mình, Các Giám mục Giáo Phận có thể ban hành sắc lệnh chính thức để thành lập thành sự các Tu hội thánh hiến, với phép có trước của Tông Tòa ban bằng giấy tờ.
Điều 604
(ngày 11/2/2022, tự sắc Competentias quasdam decernere , thêm §3) §3. Việc nhìn nhận và thành lập những hiệp hội (các trinh nữ) ở cấp giáo phận thuộc thẩm quyền của Giám mục Giáo phận, trong phạm vi lãnh thổ của ngài, ở cấp quốc gia thuộc thẩm quyền của Hội đồng Giám mục, trong phạm vi lãnh thổ của mình.
Điều 686
(thay đổi ngày 11/2/2022, tự sắc Competentias quasdam decernere) §1. Khi có lý do nghiêm trọng, vị Điều hành Tổng quyền, với sự đồng thuận của Ban Cố vấn ngài, có thể ban cho một người đã khấn trọn ân ban sống ngoại vi, tuy nhiên không kéo dài hơn 5 năm, trong trường hợp giáo sĩ thì phải có sự đồng ý trước của Bản Quyền địa phương nơi mà người ấy sẽ cư ngụ. Một sự kéo dài ân ban, hay một sự ban cấp hơn 5 năm, thì dành riêng cho mình Tòa Thánh, hoặc cho Giám mục Giáo Phận nếu là Tu hội thuộc luật Giáo Phận.
Điều 688
(thay đổi ngày 11/2/2022, tự sắc Competentias quasdam decernere) §2 Trong thời gian khấn tạm người nào vì lý do nghiêm trọng xin rời bỏ Tu hội, có thể nhận được ân ban ấy từ vị Điều hành Tổng quyền với sự đồng ý của Ban Cố vấn ngài; đối với một đan viện sui iuris, được nói tới ở can. 615, để được thành sự, ân ban ấy phải được xác nhận bởi Giám mục của nhà mà người ấy được chỉ định.
Điều 694
§1 Phải được kể là bị thải hồi khỏi Tu hội do chính sự việc (ipso facto), tu sĩ nào:
1° đã minh nhiên bỏ đức tin Công giáo;
2° đã kết hôn hoặc mưu toan kết hôn, dù chỉ là hôn nhân dân sự;
3° (thay đổi ngày 19/3/2019, tự sắc Communis vita) đã vắng mặt khỏi nhà dòng cách bất hợp luật, như được nói tới ở GL 665 §2, trong mười hai tháng liên tiếp, lưu ý đến việc không thể tìm được dấu vết của người ấy.
§2. Trong các trường hợp ấy, bề trên cấp cao cùng với ban cố vấn, sau khi đã thu thập các bằng chứng, không chút trì hoãn, phải ra tuyên bố về sự kiện, để việc thải hồi có hiệu lực về mặt pháp lý.
§3 Trong trường hợp dự liệu ở §1 số 3, để việc tuyên bố đó có hiệu lực pháp lý, nó phải được xác nhận bởi Tòa Thánh; đối với các Tu hội luật giáo phận, sự xác nhận đó thuộc thẩm quyền của Giám mục của Trụ sở chính.
Điều 695
(thay đổi ngày 26/4/2022: tự sắc Recognitum librum VI) §1 Một thành viên phải bị sa thải vì các tội phạm được nói đến ở các điều 1395, 1397 và 1398, trừ khi đối với những tội phạm được nói đến ở điều 1395 §2-3, và 1398 §1, bề trên xét thấy là việc sa thải không hoàn toàn cần thiết và có thể giúp cho đương sự sửa mình, việc tái lập công lý cũng như việc sửa chữa gương xấu có thể được giải quyết đầy đủ bằng cách khác.
Điều 699
(thay đổi ngày 11/2/2022, tự sắc Competentias quasdam decernere) §2 Trong các đan viện sui iuris, được nói tới ở can. 615, quyết định về thải hồi một người đã tuyên khấn thuộc về Bề trên cấp cao với sự đồng ý của Ban Cố vấn ngài.
Điều 700
(thay đổi ngày 11/2/2022, tự sắc Competentias quasdam decernere) Sắc lệnh thải hồi được ban hành đối với một người đã khấn có hiệu lực vào lúc được thông tri cho đương sự. Tuy nhiên, để sắc lệnh có giá trị, nó phải chỉ ra quyền khiếu nại tới thẩm quyền chức trách mà người tu sĩ bị thải hồi được hưởng, trong vòng 10 ngày từ khi nhận được thông tri. Việc thượng cầu có giá trị đình chỉ.
Điều 729
(thay đổi ngày 19/3/2019, tự sắc Communis vita) Một thành viên bị thải hồi khỏi Tu hội chiếu theo quy tắc của các điều 694 §, số 1 và 2 và điều 695; ngoài ra, Hiến Pháp phải xác định các lý do thải hồi khác, miễn là các lý do ấy phải nghiêm trọng cân xứng, bề ngoài, có thể quy trách nhiệm và được chứng minh theo pháp lý, và hơn nữa, phải tuân giữ thủ tục đã được thiết lập trong các điều 697-700. Về thành viên bị thải hồi, thì áp dụng những quy định của điều 701.
Điều 750
(thay đổi ngày 18/5/1998, tự sắc Ad tuendam fidem, thêm) §2. Phải kiên quyết đón nhận và cũng phải tuân giữ tất cả và từng điều có liên quan đến đức tin và luân lý, mà huấn quyền Giáo hội đã trình bày một cách dứt khoát, tức là buộc phải có những điều ấy để sốt sắng tuân giữ và trình bày cách trung thực kho tàng đức tin đó; người nào dứt khoát từ chối tuân giữ những mệnh đề ấy là chống lại học thuyết của Giáo hội Công giáo.
Điều 775
(thay đổi ngày 11/2/2022, tự sắc Competentias quasdam decernere) §2.Thuộc thẩm quyền Hội đồng Giám mục, nếu thấy hữu ích, chăm lo để phát hành các sách giáo lý cho lãnh thổ của mình, với sự xác nhận của Tông Tòa.
Điều 838
(thay đổi ngày 3/9/2017, tự sắc Magnum principium) §2. Thuộc về Tông Toà, việc tổ chức phụng vụ thánh của Giáo hội toàn cầu, xuất bản các sách phụng vụ, duyệt xét các thích ứng được phê chuẩn theo qui tắc luật do Hội đồng Giám mục thực hiện, cũng như canh chừng sao cho những quy tắc về phụng vụ được trung thành tuân giữ khắp nơi.
Điều 868
§1. Để rửa tội một nhi đồng cách hợp thức, thì phải:
20 (thay đổi ngày 31/5/2016, tự sắc De concordia inter Codices) Có hy vọng chắc chắn là em sẽ được giáo dục trong đạo Công giáo vẫn giữ qui định của §3; nếu hoàn toàn thiếu niềm hy vọng này, thì phải hoãn ban bí tích Rửa Tội, chiếu theo những quy định của luật địa phương, sau khi đã thông báo cho cha mẹ biết lý do.
(mới thêm) §3. Trẻ em con của người Kitô hữu không Công giáo được rửa tội hợp thức, nếu cả hai cha mẹ hay ít nhất một người hay người thay quyền họ cách hợp pháp, xin điều đó và nếu họ không thể đến được với tác viên của họ, xét cả theo thể lý lẫn luân lý.
Điều 1008
(thay đổi ngày 26/10/2009, tự sắc Omnium in mentem) Do bí tích Truyền Chức Thánh đã được Thiên Chúa thiết lập, một số Kitô hữu, nhờ được ghi ấn tích không thể xoá nhoà, được đặt làm thừa tác viên thánh ; như thế họ được thánh hiến và được chỉ định, mỗi người tuỳ theo cấp bậc của mình, theo một danh hiệu mới và đặc biệt, để phục vụ dân Chúa.
Điều 1009
(thay đổi ngày 26/10/2009, tự sắc Omnium in mentem, thêm §3) §3. Những người được thiết lập trong chức Giám mục hay chức linh mục, lãnh nhận sứ mệnh và năng quyền hành động nhân danh Chúa Kitô là Đầu, các phó tế được đặt để phục vụ dân Thiên Chúa trong việc phục vụ phụng vụ, Lời Chúa và bác ái.
Điều 1086
(thay đổi ngày 26/10/2009, tự sắc Omnium in mentem) §1. Hôn nhân giữa một người đã được rửa tội trong Giáo hội Công giáo hoặc đã được nhận vào Giáo hội ấy, với một người không được rửa tội, thì bất thành.
Điều 1108
(thay đổi ngày 31/5/2016, tự sắc De concordia inter Codices, thêm §3.) §3. Đối với hai bên thuộc nghi thức đông phương hay giữa một bên Latin và một bên Đông phương Công giáo hay không Công giáo, chỉ có linh mục mới chứng hôn thành sự.
Điều 1109
(thay đổi ngày 31/5/2016, tự sắc De concordia inter Codices) Chiếu theo chức vụ, Đấng Bản Quyền địa phương và cha sở chứng hôn thành sự trong giới hạn địa hạt của mình, chẳng những cho những người thuộc quyền, mà còn cho cả những người không thuộc quyền, miễn là một trong hai người đã được ghi danh trong Giáo hội Latinh, trừ khi các vị ấy bị vạ tuyệt thông, hoặc bị vạ cấm chế, hoặc bị huyền chức do án lệnh hay do sắc lệnh, hoặc đã bị tuyên bố như vậy.
Điều 1111
(thay đổi ngày 31/5/2016, tự sắc De concordia inter Codices) §1.Bao lâu còn thi hành giáo vụ của mình cách hữu hiệu, Đấng Bản Quyền địa phương và cha sở có thể uỷ nhiệm năng quyền, kể cả năng quyền tổng quát, cho các tư tế và phó tế, để chứng hôn trong giới hạn của địa hạt mình, vẫn giữ quy định của can. 1108 §3.
Điều 1112
(thay đổi ngày 31/5/2016, tự sắc De concordia inter Codices) §1. Ở đâu thiếu tư tế và phó tế, Giám mục Giáo phận có thể uỷ quyền cho giáo dân để chứng hôn, sau khi được Hội đồng Giám mục chấp thuận và được Toà Thánh ban phép, vẫn giữ quy định của can. 1108 §3.
Điều 1116
(thay đổi ngày 31/5/2016, tự sắc De concordia inter Codices, thêm §3) §3.Cùng với những gì ấn định bởi §1 ở 10 và 20, Bản quyền địa phương có thể ban cho bất cứ linh mục Công giáo nào, năng quyền chúc lành hôn nhân của các Kitô hữu của các Giáo hội Đông phương, dù những người này không hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo, nếu họ tự ý xin, và miễn là không có gì cản trở sự thành sự và hợp pháp việc cử hành hôn nhân. Tuy nhiên, chính linh mục đó, với sự thận trọng cần thiết, phải thông tri sự việc cho thẩm quyền của Giáo hội không Công giáo liên hệ.
Điều 1117
(thay đổi ngày 26/10/2009, tự sắc Omnium in mentem) Phải tuân giữ thể thức ấn định ở trên, nếu ít là một trong hai bên kết ước đã được rửa tội trong Giáo hội Công giáo hay đã được nhận vào Giáo hội Công giáo, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định ở điều 1127 §2.
Điều 1124
(thay đổi ngày 26/10/2009, tự sắc Omnium in mentem) Nếu không có phép minh nhiên của thẩm quyền, cấm cử hành hôn nhân giữa hai người đã được rửa tội, mà một người đã được rửa tội trong Giáo hội Công giáo hoặc đã được nhận vào Giáo hội Công giáo sau khi được rửa tội, còn người kia đã gia nhập vào một Giáo hội hoặc một cộng đoàn Giáo hội không thông hiệp trọn vẹn với Giáo hội Công giáo.
Điều 1127
(thay đổi ngày 31/5/2016, tự sắc De concordia inter Codices) §1. Về thể thức được áp dụng trong hôn nhân hỗn hợp, phải tuân giữ những quy định của điều 1108; tuy nhiên, nếu bên Công giáo kết hôn với bên không Công giáo thuộc lễ điển Đông phương, thì thể thức cử hành theo Giáo luật phải được tuân giữ để hôn nhân được hợp thức mà thôi; nhưng để hôn nhân được thành sự, thì buộc phải có sự can thiệp của một linh mục, miễn là vẫn giữ những luật khác phải giữ.
Điều 1308
(thay đổi ngày 11/2/2022, tự sắc Competentias quasdam decernere) §1: Việc giảm bớt gánh nặng dâng Thánh lễ, chỉ được làm vì lý do chính đáng và cần thiết, thì được dành riêng cho Giám mục Giáo phận và cho vị Điều hành Tổng quyền của một Tu hội giáo sĩ đời sống thánh hiến hay một Tu đoàn giáo sĩ đời sống tông đồ.
§2. Giám mục giáo phận có năng quyền giảm bớt các Thánh lễ đã nhận trong các di tặng độc lập, vì lý do suy giảm hoa lợi và bao lâu lý do đó còn tồn tại, theo như bỗng lễ hiện tại trong giáo phận, miễn là không có một pháp nhân nào bị ràng buộc và có thể cưỡng bách hiệu quả để tăng bổng lễ lên.
§3. Cũng thuộc thẩm quyền của Giám mục ấy việc giảm bớt gánh nặng hay di tặng Thánh lễ đối với các cơ sở của Giáo hội, nếu hoa lợi ấy trở nên không đủ để đáp ứng thích đáng các mục tiêu của chính cơ sở ấy.
§4. Các vị Điều hành Tổng quyền của một Tu hội đời sống thánh hiến hay Tu đoàn tông đồ giáo sĩ cũng có các năng quyền ở các §§2 và 3.
Điều 1310
(thay đổi ngày 11/2/2022, tự sắc Competentias quasdam decernere) §1: Việc giảm bớt, giới hạn và thay đổi ý muốn của các tín hữu liên quan đến thiện ý, chỉ có thể được thực hiện vì lý do chính đáng và cần thiết do Bản quyền, sau khi đã lắng nghe những người liên hệ và Ban cố vấn của mình về vấn đề kinh tế, và hết sức tôn trọng bao có thể ý muốn của người đã lập ra thiện ý đó.
§2. Trong những trường hợp khác, phải tham vấn Tông Toà.
QUYỂN VI
CHẾ TÀI TRONG GIÁO HỘI
được sửa đổi ngày 23/05/2021
theo Tông hiến Pascite Gregem Dei của Đức Thánh Cha Phanxicô
Điều 1311-1399
Bản dịch toàn bộ Quyển VI do Lm. J.B. Lê Ngọc Dũng thực hiện có thể đọc trên mạng internet tại địa chỉ “Giáo luật Công giáo”: https://giaoluatconggiao.com/bo-giao-luat/bo-giao-luat-q-vi-canh-tan-243.html
(hoặc xem bài 4 trong số này)
QUYỂN VII
TỐ TỤNG
PHẦN III
VÀI VỤ TỐ TỤNG ĐẶC BIỆT
ĐỀ MỤC 1
TỐ TỤNG HÔN NHÂN
CHƯƠNG 1
NHỮNG VỤ ÁN TUYÊN BỐ HÔN NHÂN BẤT THÀNH
(cann. 1671-1691: thay đổi ngày 15-8-2015, tự sắc “Mitis Iudex Dominus Iesus”)
– Bản dịch Lm. J.B. Lê Ngọc Dũng, Đại Diện Tư Pháp, Giáo Phận Nha Trang –
Bản văn có thể đọc trên mạng internet tại địa chỉ “Giáo luật Công giáo”
https://giaoluatconggiao.com/bo-giao-luat/tong-thu-mitis-iudex-jb-le-ngoc-dung-chuyen-dich-239.html
hoặc trong bài số 5 của số báo này.