Con người là hình ảnh Thiên Chúa theo thánh Tôma Aquinô
CON NGƯỜI LÀ HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA THEO THÁNH TÔMA AQUINÔ
Henk J.M. Schoot
Con người là gì? Theo vài triết gia, con người là “động vật có lý trí” (animal rationale). Kinh Thánh gọi con người là “hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,27; 5,3; 9,6; Kn 2,23-24; Hc 17,1-4). Tại sao con người được gọi là “hình ảnh Thiên Chúa”? Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo (GLCG) nhắc đến nhiều lối giải thích khác nhau trong truyền thống Kitô giáo. 1/ Một lối giải thích đơn giản hơn hết là con người mang trong mình lòng khao khát hướng về Thiên Chúa (homo capax Dei: GLCG 36), như hoa quỳ hướng dương. 2/ Một lối giải thích thứ hai chú trọng đến vài điểm tương đồng giữa con người với Thiên Chúa (GLCG 41; 1978): con người có lý trí và ý chí, có khả năng định đoạt (GLCG 357); có khả năng yêu thương (GLCG 1604; 2331). Con người được chia sẻ khả năng sáng tạo bằng canh tác lao động (GLCG 2427; 2501) và quản lý vũ trụ (GLCG 373). Dĩ nhiên là con người cần phải cư xử giống như Thiên Chúa.
Thánh Tôma đã nhiều lần đề cập đến đề tài này trong các tác phẩm thần học[1]. Trong bài này, tác giả là giáo sư ở Tilburg University/Thomas Instituut Utrecht, tập trung chú ý vào Summa Theologiae, và nêu bật vài nét độc đáo: a) Thánh Tôma chú ý đến tương quan của con người với Thiên Chúa, hơn là dừng lại ở bản tính con người; b) Có thể phân biệt ba cấp độ hình ảnh Thiên Chúa nơi con người: tự nhiên - ân sủng - vinh quang; c) Con người là hình ảnh của Thiên Chúa Tam vị; d) Con người là hình ảnh Thiên Chúa nhưng cần phải cố gắng càng ngày càng trở hình ảnh Thiên Chúa hơn nữa.
Nguồn: Thomas Aquinas on Human Beings as Image of God, in: “European Journal for the Study of Thomas Aquinas” 38 (2020). DOI: 10.2478/ejsta-2020-0003.
___________
Trong bài này tôi muốn trình bày quan điểm của thánh Tôma Aquinô về con người như là hình ảnh Thiên Chúa. Sau vài nhận xét dẫn nhập, tôi sẽ bàn (1) trước hết, vài khái niệm về loại suy và tương đồng; (2) kế đó, tôi sẽ tóm tắt lập trường của thánh Tôma trong bốn điểm; (3) thứ ba, tôi sẽ cho thấy “hình ảnh Thiên Chúa” là một khái niệm trọng tâm của bộ Tổng luận thần học; (4) sau cùng, tôi sẽ bình giải bốn điều vừa nói trên đây.
I. Vài nhận xét sơ khởi
Trong sách Sáng thế, trong trình thuật thứ nhất về việc tạo dựng, con người được gọi là hình ảnh của Thiên Chúa, imago Dei. Ít bản văn Kinh Thánh đã trở thành đầu đề cho nhiều cuộc suy tư như là đoạn văn này:
Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.” Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ (St 1,26-27).
Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, và dưới khía cạnh này con người khác biệt các loài thụ tạo khác. Tất cả mọi thụ tạo khác đều được đặt dưới quyền bá chủ của con người, bởi vì duy chỉ con người mới là hình ảnh của Thiên Chúa.
Nhiều người đã coi những câu này như là giải thích và thậm chí như là biện minh vai trò bá chủ của con người trên trái đất. Cũng như Thiên Chúa cai quản con người thế nào, thì con người cũng cai quản vũ trụ như vậy. Việc giải thích như vậy đã trở thành đối tượng cho nhiều chỉ trích nghiêm khắc. Loài người không được phép đặt mình lên trên các loài thụ tạo khác, và nhất là không được phép sử dụng và khai thác các vật khác, nhưng cần phải coi mình như là thành phần của toàn thể các thụ tạo. Thật vậy, việc chỉ trích ấy nói rằng ý tưởng về con người như là hình ảnh Thiên Chúa là thành phần của một cái nhìn lỗi thời, chịu trách nhiệm cho việc con người khai thác và phá hoại thế giới thiên nhiên.
Dù cho sự chỉ trích ấy có lý đến đâu đi nữa, nhưng thật là thú vị khi thấy rằng thánh Tôma Aquinô không nằm trong số những người khi giải thích ý tưởng về “hình ảnh Thiên Chúa” theo hướng đó, bởi vì ngài không trông xuống và coi con người như là bá chủ các vật đặt ở dưới nó.[2] Thực vậy, thánh Tôma không trông xuống, nhưng noi theo thánh Augustinô, ngài trông lên. Con người là hình ảnh Thiên Chúa không theo nghĩa là làm bá chủ, cho bằng trở nên giống với Thiên Chúa và càng ngày càng trở thành hình ảnh của Thiên Chúa hơn. Điều này liên quan đến thần học về sự tạo dựng, với thần học về tội lỗi, cũng như với Đức Kitô, Đấng là Con Thiên Chúa cho nên là hình ảnh nổi bật nhất của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, không chỉ việc “trông xuống” gặp phải nhiều chỉ trích, mà việc “trông lên” cũng vậy. Ông Ludwig Feuerbach và những người phê bình tôn giáo coi đều coi điều nói trong sách Sáng thế như là điển hình cho việc con người muốn tôn mình làm Thiên Chúa và phóng dọi mình như là Thiên Chúa. Tuy vậy, chúng ta sẽ thấy rằng thánh Tôma rất ý thức về nguy cơ ấy.
II. Loại suy, Tương đồng và Hình ảnh
Tư tưởng của thánh Tôma hoàn toàn nhắm đến Thiên Chúa. Thần học bàn về Thiên Chúa và tất cả mọi vật đều được nhìn dưới tương quan với Thiên Chúa. Vì thế nhân học của thánh Tôma cũng hướng về Thiên Chúa. Mối tương quan với Thiên Chúa được đặt lên hàng đầu khi thánh Tôma xét đến các mối tương quan của con người. Mối tương quan ấy đã bị quấy rối bởi tội lỗi, khi con người lìa xa Thiên Chúa. Nhưng mối tương quan ấy đã được phục hồi nhờ Con Thiên Chúa nhập thể, Người được gọi là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha. Mối tương quan này được duy trì nhờ sự giúp đỡ của Thánh Linh trong Giáo hội, trong đó các bí tích giữ một vai trò đặc biệt, và nhắm tới cứu cánh cuối cùng của phúc kiến và kết hiệp với Thiên Chúa. Con người vừa được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa vừa được đặt lên đường, như là hình ảnh hướng về Đấng mà họ là hình ảnh.
Việc giải thích của thánh Tôma về con người như là hình ảnh Thiên Chúa tiên vàn không phải là bàn về con người cho bằng bàn về Thiên Chúa. Việc con người được nâng lên cao hơn các thụ tạo khác, không nhằm biện minh cho quyền bá chủ, nhưng nhằm cho thấy rằng sự khác biệt giữa con người và các vật khác ở chỗ phải trở nên giống Thiên Chúa.
Vì là hình ảnh Thiên Chúa, cho nên con người có khả năng (và được mời gọi) tiến lại gần Thiên Chúa, cố gắng hiểu biết và yêu mến Ngài, và diễn tả việc hiểu biết bằng ngôn ngữ và việc yêu mến bằng hành động. Chính trí tuệ và khả năng yêu thường làm cho con người khác các thụ tạo khác. Đây là hai khía cạnh độc đáo của tư tưởng thánh Tôma. Đối với con người. Thiên Chúa là Đấng không thể hiểu nổi. Mặt khác, Thiên Chúa không thể nào định nghĩa được, bởi vì ta không thể xếp Ngài vào một hạng đồ vật nào. Không có khái niệm nào, không có lời nào, không có câu nói nào có thể diễn tả Thiên Chúa đúng với bản tính của Ngài; nhưng mặt khác, con người có khả năng để hiểu biết, đặt tên và yêu mến Thiên Chúa. Bởi vì hiểu biết và đặt tên là hai con đường để biết và nói có thể sử dụng được, con đường đi từ loài thụ tạo đến Đấng Tạo hóa, và đi từ Đấng Tạo hóa đến loài thụ tạo. Con đường thứ nhất có thể gọi là triết học và con đường thứ hai là thần học. Con đường thứ hai tùy thuộc vào Thiên Chúa mặc khải về chính mình, chẳng hạn trong các câu chuyện được kể lại trong Kinh thánh, và những danh xưng được Kinh thánh sử dụng. Đến đây, câu châm ngôn nổi tiếng của thánh Tôma được áp dụng: “Chúng ta không thể biết Thiên Chúa là gì, mà chỉ biết Thiên Chúa không là gì”.[3] Trên thực tế, câu châm ngôn này được áp dụng cho cả hai con đường hiểu biết, bởi vì kể cả khi Thiên Chúa tự mặc khải, Ngài vẫn còn bị ràng buộc bởi những môi giới thụ tạo với những giới hạn của chúng. Ngôn ngữ của chúng ta không thể nào bao hàm những từ ngữ thích hợp với Thiên Chúa một cách hoàn toàn.
Phép loại suy (Analogy) là điều quan trọng trong cả hai con đường hiểu biết. Dựa trên mối tương quan thụ tạo và dựa trên đức tin, có một sự tương đồng (giống nhau) giữa Thiên Chúa và con người. Dù sao, đây là sự tương đồng nằm trong một sự khác biệt còn lớn hơn nữa. Cái gì có thể nối kết hố sâu giữa vĩnh cửu và thời gian, giữa toàn thiện và bất toàn, giữa duy nhất và đa dạng, giữa bất biến và đổi thay? Đến đây, ta thấy rằng sự loại suy cần được áp dụng khi bàn đến con người như là hình ảnh Thiên Chúa. Như là hình ảnh Thiên Chúa, con người vừa là nguyên nhân và hậu quả của sự loại suy. Nguyên nhân, tại vì con người là hình ảnh Thiên Chúa cho nên có khả năng hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa. Hậu quả, tại vì con người hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa, cho nên nó trở thành hình ảnh của Thiên Chúa. Theo thánh Tôma, không có sự bình đẳng nào giữa Thiên Chúa và con người. Sự đồng nhất giữa Thiên Chúa và con người không phải là về số, về loại, về cấp, mà chỉ là theo loại suy hoặc tương đương[4]. Có hình ảnh đấy, nhưng không phải là hình ảnh trọn hảo.
III. Tóm tắt bốn điểm của lập trường thánh Tôma
Trước khi khảo sát bản văn của Summa Theologiae, tôi xin tóm tắt lập trường của thánh Tôma vào bốn điểm sau đây:
1/ Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh và tương đồng với Ngài. Chỉ duy con người mới trở nên hình ảnh Thiên Chúa. Lý do của việc này nằm ở chỗ con người khác với các thụ tạo vật thể khác, đó là ở khả năng hiểu biết và yêu mến. Sự tương đồng thụ tạo này cung cấp sự loại suy giữa con người với Thiên Chúa.
2/ Sự tương đồng được áp dụng cho tất cả mọi con người; dưới khía cạnh này, tất cả mọi con người đều bình đẳng với nhau. Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa người nam và người nữ, cũng như có những khác biệt về hình ảnh Thiên Chúa giữa người này với người khác. Thánh Tôma phân biệt ba hạng hình ảnh: hình ảnh do bản tính tự nhiên (imago naturalis), hình ảnh do ân sủng (imago gratiae), và hình ảnh do vinh quang cánh chung (imago gloriae).
3/ “Hình ảnh Thiên Chúa” là lời giải đáp cho câu hỏi: con người được dựng nên để làm chi? Thưa rằng, bởi vì con người là hình ảnh Thiên Chúa cho nên nó cần phải trở nên hình ảnh Thiên Chúa hơn nữa. Việc càng trở nên hình ảnh Thiên Chúa hệ ở chỗ càng biết và yêu mến Thiên Chúa Tam vị. Đối với con người, đó là trở nên điều mà mình biết và yêu mến, và điều này được áp dụng hơn hết cho việc hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa.
4/ Thiên Chúa mà thánh Tôma đề cập khi nói về hình ảnh Thiên Chúa là Thiên Chúa Tam vị: Cha, Con và Thánh Linh.
IV. “Hình ảnh Thiên Chúa” là một tư tưởng then chốt của Summa Theologiae
Trong đoạn tới, chúng tôi sẽ phân tích quaestio 93 thuộc phần thứ nhất của Summa Theologiae, nơi mà thánh Tôma trình bày dề tài này. Nhưng trước đó, chúng tôi muốn cho thấy rằng imago Dei là một tư tưởng then chốt của Summa Theologiae. Như mọi người đã biết, bộ Summa gồm ba phần, được cấu trúc theo mô hình exitus và reditus, nghĩa là mọi sự phát xuất từ Thiên Chúa và mọi sự quay trở về với Thiên Chúa.[5] Phần thứ nhất bàn về Thiên Chúa, về sự tạo dựng và về con người. Nó có liên quan đến sự phát xuất mọi thụ tạo từ Thiên Chúa, nghĩa là việc làm ra các thụ tạo, những loài thụ tạo khác nhau, tức là các thiên thần và con người, và việc bảo tồn và cai quản vạn vật. Phần thứ ba của Summa liên quan đến việc trở về với Thiên Chúa, được dẫn nhập với việc nhập thể của Con Thiên Chúa, những mầu nhiệm cuộc đời, sự chết và phục sinh của Người, và các bí tích. Nếu Tôma còn thời gian, thì cánh chung sẽ là chủ đề cuối cùng, nhưng tiếc rằng thực tế đã xảy ra cách khác. Giữa phần thứ nhất và phần thứ ba là phần thứ hai, dài nhất, bàn về hạnh phúc của con người và các hành động của nó. Phần này bàn về con người như là thực thể tự lập, có tự do và nắm trong tay quyết định về lối sống. Thánh Tôma viết như sau trong lời dẫn nhập vào phần thứ hai:[6]
Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, và điều này hàm ngụ rằng, như thánh Gioan Đamascô đã viết, con người có trí tuệ và tự do để phán đoán và làm chủ chính mình. Vì thế, nếu chúng ta đã đồng ý rằng Thiên Chúa là khuôn mẫu của vạn vật, và chúng xuất hiện do quyền năng ý muốn của ngài, thì chúng ta hãy tiếp tục nhìn đến hình ảnh này, nghĩa là con người xét như là nguồn gốc của các hành vi của nó, và đặt dưới trách nhiệm và kiểm soát của nó.[7]
Đoạn văn này cho thấy rằng đối với thánh Tôma, tất cả phần thứ hai của Summa bàn về con người như là hình ảnh Thiên Chúa đối với các hành vi luân lý. Nhưng cũng nên lưu ý khi thánh Tôma nói rằng Thiên Chúa là exemplar, khuôn mẫu. Điều này ám chỉ phần thứ nhất của Summa, trong đó Ngôi Con hằng hữu được gọi là imago như là tên riêng, bởi vì Ngôi Con từ muôn thuở là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha (I pars, quaestio 35, a. 1). Sự phát xuất hằng hữu của Con từ Cha được diễn tả qua sự phát xuất trong thời gian của con người bởi Thiên Chúa. Vì thế con người không chỉ là hình ảnh của Chúa Cha mà thôi, nhưng là hình ảnh của Thiên Chúa Tam vị. Trong phần thứ ba (và cuối cùng) của Summa, Đức Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể, giữ vị trí trọng tâm; Đức Kitô xét như là người là con đường dẫn con người trở về với Thiên Chúa, là khuôn mẫu. Qua công trình cứu chuộc, Đức Kitô mở con đường đổi mới hình ảnh Thiên Chúa mà con người mang trong mình, và ban các bí tích nhằm trợ giúp cuộc đổi mới này.[8]
Vì những lý do đó, tôi coi khái niệm “hình ảnh Thiên Chúa” là tư tưởng then chốt để nắm bắt toàn thể cấu trúc của Summa Theologiae.
V. Con người là hình ảnh Thiên Chúa trong quaestio 93
Có chín câu hỏi được thánh Tôma nêu lên liên quan đến đề tài con người là hình ảnh Thiên Chúa. Câu hỏi thứ nhất là: thực sự có hình ảnh Thiên Chúa nơi con người hay không. Câu trả lời là có, và dẫn tới câu hỏi thứ hai: điều này có áp dụng cho các thụ tạo vô tri giác không? Dĩ nhiên là điều này bị phủ nhận, bởi vì sách Sáng thế đã loại trừ điều ấy, và thánh Augustinô cũng phủ nhận trong đoạn văn chú giải sách Sáng thế: con người là hình ảnh Thiên Chúa do hồng ân trí tuệ, khiến cho con người nổi bật lên trên các loài vô tri giác. Bởi vì các thiên thần có trí tuệ hoàn bị hơn loài người, trong articulus thứ ba, thánh Tôma nói rằng xét cách tuyệt đối thì các thiên thần là hình ảnh Thiên Chúa hơn là con người. Hai articuli kế tiếp đáng chú ý hơn bởi vì liên quan đến nhiều câu hỏi mà người thời nay thường đặt ra. Articulus 4 hỏi rằng: hình ảnh Thiên Chúa gặp thấy như nhau nơi tất cả mọi người không, chẳng hạn như người nam và người nữ, người tội lỗi và người lương thiện? Articulus 5 bàn về tương quan giữa một Chúa và Tam Vị, và câu hỏi được đặt ra như thế này: nơi con người, hình ảnh quy về một Thiên Chúa hay là Tam vị? Xét vì con người là hình ảnh Thiên Chúa do bản tính linh thiêng, như vậy các thụ tạo không linh thiêng có giống Thiên Chúa theo nghĩa nào? Đó là chủ đề của articulus 6, được bàn khá dài; các loài vô tri có thể gọi là “dấu vết” của Thiên Chúa. Hai articuli 7 và 8 cho thấy di sản của thánh Augustinô, đặt hình ảnh Thiên Chúa nơi sự vận hành của các quan năng tinh thần của con người. Articulus 9 bàn về những ý nghĩa khác nhau của các hạn từ “hình ảnh” và “tương đồng” được dùng trong sách Sáng thế.
Như vậy, các câu hỏi được Summa Theologiae nêu lên có liên quan đến nội dung các khái niệm được sử dụng, sự khác biệt giữa con người và các thụ tạo khác, sự bình đẳng và phân biệt giữa các nhân sinh xét như là hình ảnh của Thiên Chúa, và đặc tính Tam vị của hình ảnh này. Như đã nói trên đây, lập trường của thánh Tôma có thể tóm vào bốn điểm. Bây giờ tôi xin khai triển các điểm ấy.
1. Hình ảnh Thiên Chúa một cách mô phỏng
Mối quan tâm đầu tiên của thánh Tôma là xác định ý nghĩa của từ ngữ, bằng việc phân biệt giữa “hình ảnh” và “tương đồng”. “Hình ảnh” thêm điều gì đó cho “tương đồng” (giống như), bởi vì không phải cái gì tương đồng với một vật thì cũng có thể gọi là hình ảnh của nó. Để trở thành hình ảnh, cần phải có dấu tích diễn tả vật kia; cần phải có một sự bắt chước nào đó. Như thế hình ảnh thì hơn là tương đồng. Tuy nhiên, dưới mặt khác, hình ảnh thì thua bình đẳng (ngang bằng); chỉ duy hình ảnh nào trọn hảo thì mới bình đẳng khuôn mẫu của của mình. Điều này chỉ có thể gặp thấy ở nơi Con Thiên Chúa. Do đó, hình ảnh Thiên Chúa nơi con người là một hình ảnh bất toàn và không bao hàm sự bình đẳng. Nhà vua tìm thấy hình ảnh trọn hảo của mình nơi người con của mình, còn hình ảnh nơi đồng tiền mang hình của mình thì bất toàn. Do đó con người là hình ảnh Thiên Chúa một cách mô phỏng (by approximation), bởi vì bản văn sách Sáng thế nói rằng ‘ad' imaginem et similitudinem, (theo bản dịch Vulgata). Thánh Tôma giải thích giới từ ad như là accesus, một sự xích lại gần một vật còn xa cách.[9] Lối giải thích này đưa con người, tuy vẫn còn xa cách, nhưng tiến gần Thiên Chúa và như thế nó trở thành hình ảnh, tương đồng với Thiên Chúa. Ra như là con người vốn đã hiện hữu và rồi được Thiên Chúa đem tới việc giống như Ngài. Con người trở thành hình ảnh Thiên Chúa; hình ảnh theo cách mô phỏng.
Thánh Tôma cũng giải thích cho thấy ý tưởng về con người được tạo dựng như hình ảnh Thiên Chúa không trái ngược với điều Cựu ước ngăn cấm tạc các hình ảnh Thiên Chúa. Ngôn sứ Isaia (40,18-19) có viết: “Các ngươi đem Thiên Chúa sánh với ai? Đặt hình ảnh nào bên cạnh Ngài cho tương xứng? Đặt tượng thần ư?”. Các hình ảnh bị ngăn cấm là các tượng vật chất (ngẫu tượng), còn con người là hình ảnh Thiên Chúa dựa theo tinh thần trí tuệ. Thánh Tôma khai triển điều này trong articulus 2 của quaestio 93, khi giải thích rằng các loài vô tri hoặc tia sáng mặt trời hoặc ngay cả toàn thể vũ trụ, dưới một khía cạnh nào đó, cũng có thể được coi như tham dự vào Thiên Chúa như là nguyên nhân của chúng. Vì lý do ấy, có tí chút tương đồng, có tí chút hình ảnh ở đó. Nhưng để có thể nói đến hình ảnh cách đầy đủ thì cần phải có sự tương đồng về thể loại, hay ít nhất là một điều gì đặc trưng của khuôn mẫu được họa lại trong hình ảnh, chẳng hạn như sự tương đồng về cái bóng. Một con sâu thoát ra từ một người thì không phải là hỉnh ảnh của người ấy xét như con người, và một cách tương tự như vậy, một cái gì trắng không phải là hình ảnh của một cái khuôn mẫu màu trắng.
Khi giải thích những vấn nạn khác liên quan đến hình ảnh Thiên Chúa, thánh Tôma đưa ra hai điều khẳng định cơ bản. Tía sáng mặt trời, một cách nào đó, có thể được gọi là hình ảnh của lòng nhân hậu Thiên Chúa, như Pseudo-Dionysius đã nói. Tuy nhiên, điều cốt yếu của hình ảnh Thiên Chúa nơi con người, mà không có nơi tia sáng mặt trời, đó phẩm giá, giá trị nội tại của bản tính con người. Con người là hình ảnh Thiên Chúa vì bản tích trí năng của mình, và vì thế nó có phẩm giá cao quý, với những hệ luận luân lý kèm theo. Một hình ảnh khác của Thiên Chúa có thể có là vũ trụ. Dưới một khía cạnh nào, có lẽ vũ trụ là một hình ảnh Thiên Chúa cách hoàn hảo hơn các loài thụ tạo có trí tuệ; tuy nhiên, dưới một khía cạnh khác (và đây mới là điều quan trọng) thì vũ trụ không phải là hình ảnh Thiên Chúa bởi vì thiếu một điều, đó là capax summi boni, con người có khả năng hướng tới điều tối thiện, khả năng hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa; điều này vũ trụ không có.
2. Hình ảnh Thiên Chúa ở nơi mỗi người nhưng không cùng hình ảnh như nhau
Tất cả mọi người đều là hình ảnh Thiên Chúa, vì thế tất cả mọi người đều bình đẳng với nhau. Thánh Tôma nhấn mạnh đến sự bình đẳng giữa người nam và người nữ, và nhắc lại đoạn sách Sáng thế nói rằng “Thiên Chúa tạo dựng họ theo hình ảnh Thiên Chúa; ngài dựng nên họ có nam có nữa.[10] Tuy nhiên, thánh Tôma cũng đề cập đến những cách thức khác nhau mà con người là hình ảnh Thiên Chúa. Đó là trường hợp đối với người nam và người nữ, đối với người sống trong trạng thái ân sủng hay không, và đối với những người sống trên trời.
Sự khác biệt giữa người nam và người nữ chỉ là chuyện thứ yếu. Điều chính yếu là cả hai đều là loài có trí tuệ và vì thế họ là hình ảnh Thiên Chúa. Tuy nhiên, xét về thứ yếu, trong thư thứ nhất gửi Corintô (11,7-9), thánh Phaolô nói rằng có sự khác biệt giữa người nam và người nữ, bởi vì người nam là hình ảnh Thiên Chúa như là nguyên ủy và cùng đích; bởi vì người nam là nguyên ủy và cùng đích của người nữ, cũng như Thiên Chúa là nguyên ủy và cùng đích của muôn vật.
Hình ảnh chính yếu, theo đó người nam và người nữ là một, cũng có những hình thức và cấp độ khác nhau. Đối với những người phạm tội trọng, thì sự tương đồng với Thiên Chúa bị tổn thương. Cách nào đó họ làm mất hình ảnh Thiên Chúa. Họ không mất khả năng tự nhiên để biết và mến Chúa, nhưng họ mất sự hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa thực sự trong hiện tại. Còn người nào được nhận vào hạnh phúc vĩnh cửu thì lại là hình ảnh Thiên Chúa một cách khác. Bởi vì người tín hữu chỉ có một sự hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa cách bất toàn, còn các chân phúc thì thấy Thiên Chúa, diện đối diện, cho nên sự hiểu biết và yêu mến của họ thì trọn vẹn.
Như vậy, theo thánh Tôma, có ba thứ hình ảnh Thiên Chúa nơi con người: hình ảnh theo bản tính trí tuệ, hình ảnh theo ân sủng, và hình ảnh theo vinh quang.[11] Sự phân biệt ba loại cho thấy rằng chúng ta không chỉ bàn về sự phân biệt nhân học mà còn xét theo lịch sử cứu độ. Thánh Tôma nghĩ tới những chặng khác nhau trong lịch sử cứu độ liên quan đến mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người. Vì thế, ngài nói đến hình ảnh của việc tạo dựng, của việc tái tạo dựng và của sự tương đồng (similitudo). Bên cạnh đó, sự phân biệt cũng mang tính cách tri thức luận, bởi vì nó cũng liên quan đến những cấp độ khác nhau trong việc hiểu biết Thiên Chúa.[12]
Tôi xin lưu ý rằng mặc dù thánh Tôma phân biệt những loại hình ảnh Thiên Chúa khác nhau nơi con người, nhưng ngài không nói tới những cấp độ khác nhau về phẩm giá. Phẩm giá được ban cho con người được làm hình ảnh Thiên Chúa dựa trên giá trị của bản tính của họ. Xét vì bản tính này mang tính phổ quát, chung cho tất cả mọi người, cho nên phẩm giá cũng mang tính phổ quát, không dựa trên phái tính hoặc tình trạng ân sủng.
3. Hình ảnh Thiên Chúa: ơn gọi của con người
Ngay từ đầu quaestio 93, thánh Tôma đã đặt vấn đề hình ảnh Thiên Chúa nơi con người trong bối cảnh của mục đích tạo dựng con người. Con người được dựng lên để trở thành hình ảnh Thiên Chúa, và con người là hình ảnh Thiên Chúa để hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa.[13] Nhưng chuyện tranh cãi trong quaestio này ở chỗ nêu bật hình ảnh Thiên Chúa là sứ mạng của bất cứ nhân sinh nào. Điều này được tác giả nhấn mạnh khi phân biệt không những hình ảnh theo bản tính, mà còn hình ảnh của ân sủng và hình ảnh của vinh quang. Nhưng khi so sánh cách thức mà con người làm cho Thiên Chúa hiện diện với cách thức mà các loài thụ tạo khác làm cho Thiên Chúa hiện diện thì tác giả trưng dẫn hai câu nói của thánh Phaolô.
Thánh Tôma so sánh hình ảnh Thiên Chúa nơi con người với những “dấu vết”, vestigia của Thiên Chúa trong các thụ tạo khác, và ngài xác định đặc trưng của hình ảnh ở chỗ làm hiển hiện Thiên Chúa về tâm trí, tinh thần, là điều mà không gặp thấy nơi các dấu vết. Trong bối cảnh này, thánh Tôma trưng dẫn hai câu nói của thánh Phaolô, trong đó không những diễn tả tính cách tinh thần của việc làm thể hiện, mà còn cho thấy là chúng ta đang đề cập đến sứ mạng cuộc đời con người: “được đổi mới tinh thần tâm trí anh em, mặc lấy con người mới [được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và được đổi mới theo hình ảnh của Đấng đã dựng nên]” (Ep 4,23). Việc đổi mới con người, được thể hiện bằng cách mặc lấy con người mới, liên hệ đến tâm trí. Thánh Tôma nói rằng thánh Phaolô quy gán sự đổi mới cho hình ảnh Thiên Chúa: “bằng cách mặc lấy con người mới, được đổi mới để được hiểu biết Thiên Chúa, dựa theo hình ảnh của Đấng đã dựng nên nó” (Cl 3,10).[14] Con người mới là con người sống phù hợp với hình ảnh Thiên Chúa mà nó mang nơi mình. Dựa theo hình ảnh đó, con người hiểu biết Thiên Chúa, và dựa theo hình ảnh đó mà con người đổi mới bản thân. Họ tăng trưởng để càng lúc càng trở nên hình ảnh Thiên Chúa hơn, Thiên Chúa mà họ càng ngày càng biết rõ hơn, và đó là sứ mạng của cuộc đời.
4. Hình ảnh Thiên Chúa – Một và Ba
Truyền thống thần học về hình ảnh Thiên Chúa chịu ảnh hưởng mạnh của thánh Augustinô. Ngài sử dụng niềm tin về con người là hình ảnh Thiên Chúa để tìm ra những tương đồng của Thiên Chúa trong tâm trí con người và đi tới nhiều công thức, tựa như mens, notitia, amor, hoặc memoria, intelligentia, voluntas. Cần phải nhấn mạnh rằng những sự so sánh này không thuộc về con đường thứ nhất để hiểu biết Thiên Chúa (con đường triết học như đã nói trước đây), nhưng là con đường thần học; nó cố gắng tìm hiểu mặc khải Thiên Chúa như là Tam vị, bằng cách sử dụng các so sánh lấy từ tâm trí con người, về sau được đặt tên là các loại suy tâm lý nội tại hoặc nội chủ thể.[15]
Việc cố gắng tìm hiểu làm thế nào mà bản tính Thiên Chúa là một, đang khi ba ngôi vị thì khác biệt về nguồn gốc, lại gợi lên một câu hỏi đã nêu lên trước đây tuy dưới một hình thức khác, đó là tính phổ quát của hình ảnh Thiên Chúa ở nơi mỗi người. Có nhiều lý đo để kết luận rằng hình ảnh Thiên Chú nơi mỗi người liên quan đến bản tính duy nhất của Thiên Chúa, hơn là liên quan đến Tam vị. Thánh Augustinô đã chẳng nói rằng các hoạt động của Chúa ra bên ngoài ad extra, (chắc chắn là bao hàm việc tạo dựng nữa) là của một Thiên Chúa đấy ư? Làm thế nào tâm trí con người hình dung Tam vị được? Hơn thế nữa, nếu mà hình ảnh mang chiều kích Tam vị thì hóa ra sự hiểu biết tự nhiên của chúng ta về Thiên Chúa là Thiên Chúa Tam vị, nhưng điều này đã chẳng bị truyền thống Hội Thánh loại trừ đấy ư?
Câu trả lời thứ nhất cho vấn nạn như sau: con người là hình ảnh Thiên Chúa theo nghĩa là Thiên Chúa hiểu biết và yêu mến mình. Vì thế là Thiên Chúa nhất thể Tam vị.[16] Chúng ta nhìn nhận rằng trong quá khứ mỗi khi bàn về hình ảnh Thiên Chúa, truyền thống thường nghĩ đến bản tính Thiên Chúa, các ưu phẩm của Ngài tựa như trí tuệ, tự do, hoặc là sự tốt lành. Nhưng, thánh Tôma nói rằng sự phân biệt ba ngôi vị phải là sự phân biệt thích hợp với một bản tính Thiên Chúa. Và nếu như hình ảnh Thiên Chúa đi theo bản tính của Ngài, thì điều này không loại trừ hình ảnh Tam vị nữa. Hình ảnh Thiên Chúa có liên quan cả đến bản tính Thiên Chúa cũng như ba ngôi vị.[17] Và không có lý do gì để kết luận rằng hình ảnh về Thiên Chúa Tam vị nơi con người mạnh đến nỗi không cần đến đức tin nữa. Không phải, đức tin vào Thiên Chúa Tam vị vẫn là đức tin.
Thật vậy, hình ảnh về Thiên Chúa nơi con người là Thiên Chúa hiểu biết và yêu mến chính Ngài, vì thế đó là hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi. Khi viết những dòng này (q. 93, aa. 7-8), thánh Tôma không nghĩ đến các quan năng tinh thần nơi con người cho bằng việc hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa, hiểu biết về sự hiểu biết của Thiên Chúa và tình yêu phát xuất từ đó. Nói cách khác, thánh Tôma không nhấn mạnh đến bản tính linh thiêng nội tại của con người cho bằng vạch ra đích điểm của bản tính linh thiêng ấy: con người trở thành hình ảnh của Thiên Chúa nhờ việc hiểu biết và yêu mến Ngài. Quan niệm của thánh Tôma về imago Dei mang tính năng động.
V. Một bài giảng mùa Vọng
Trong thời gian dạy học tại Paris, thánh Tôma không chỉ lo dạy học, chủ tọa các buổi tranh luận mà còn phải giảng lễ nữa. Một số bài giảng đã được sưu tập và xuất bản theo tiêu chuẩn phê bình lịch sử[18]. Những điều vừa nói trên đây được tóm lại trong một bài giảng của thánh Tôma vào chúa nhật thứ nhất mùa Vọng, mang tựa đề Ecce Rex tuus (Kìa, vua của anh). Thánh Tôma nhấn mạnh đến vương quyền của Đức Kitô. Đức Kitô có thể gọi là vua của anh, nghĩa là vua của chúng ta, bởi vì chúng ta có thể mang hình ảnh của Người:
Trước hết, tôi nói rằng Đức Kitô được gọi là “vua của anh”, nghĩa là vua của nhân loại, do sự giống với hình ảnh của Người. Các bạn biết rằng những người mang huy chương của nhà vua thì thuộc về nhà vua một cách đặc biệt, dường như là họ mang hình ảnh của vua. Và mặc dù mọi thụ tạo đều thuộc về Thiên Chúa, nhưng chỉ có một loài thụ tạo mang hình ảnh của Thiên Chúa, đó là loài người. Thật vậy, chúng ta đọc thấy trong sách Sáng thế 1,26 rằng: “Chúng ta hãy làm nên con người theo hình ảnh và giống như chúng ta”. Giống ở chỗ nào? Tôi nghĩ rằng sự giống nhau không hiểu về thể chất, nhưng là về ánh sáng trí tuệ: ánh sáng trí tuệ có nguồn gốc nơi Thiên Chúa và chúng ta có dấu chỉ của ánh sáng này. Chúng ta đọc thấy trong thánh vịnh 4,7: “Lạy Chúa, ánh sáng dung nhan của Ngài đã được in dấu trên chúng con”. Con người mang dấu ấn (sigillum) của ánh sáng ấy. Do đó hình ảnh này được dựng trong con người. Nhưng chuyện xảy ra là ánh sáng này suy giảm và bị che khuất vì tội. Thánh vịnh 73,20 nói rằng: “Và Chúa sẽ xóa bỏ hình ảnh của chúng”. Vì lý do ấy, Thiên Chúa đã phái Con của Ngài đến để tái tạo hình ảnh đã bị méo mó do tội lỗi. Vì thế chúng ta phải cố gắng để cho mình được đổi mới như lời thánh Tông đồ nói: “Anh em hãy cởi bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới được theo hình ảnh của Đấng đã tạo dựng nó” (Ep 4,24). Và chúng ta sẽ đổi mới như thế nào? Hẳn nhiên là bằng cách đi theo Đức Kitô. Hình ảnh Thiên Chúa, bị méo mó trong chúng ta, thì trọn hảo nơi Đức Kitô. Vì thế, chúng ta cần phải mang lấy hình ảnh của Đức Kitô, như chúng ta đọc trong thư thánh Phaolô gửi tín hữu Corintô: “Cũng như chúng ta đã mang hình ảnh của người bởi đất, thì chúng hãy mang lấy hình ảnh của Đấng từ trời” (1 Cr 15,49), và bài đọc hôm nay: “Hãy mặc lấy Đức Kito” (Rm 3,14), có nghĩa là: “Hãy hành động như Đức Kitô”. Sự trọn hảo của đời sống Kitô hữu nằm ở chỗ đó.[19]
[1] In I Sent., d. 3 qq. 2-5; In II Sent., d. 16; De veritate q. 10; Summa contra gentiles II, 26; De potentia q. 9 a. 9.
[2] Tôi không nghĩ là đúng, nhưng tôi phải quy chiếu về văn kiện của Ủy ban thần học quốc tế “Hiệp thông và quản lý” (năm 2004) hoặc thông điệp Laudato Sì của ĐTC Phanxicô, các số 65-66.
[3] STh I, q. 3, proemium.
[4] STh I, q. 93, a. 1, ad 3.
[5] Việc phê bình cách giải thích này cũng như việc đề nghị một đường hướng khác có thể đọc thấy trong R. te Velde, Aquinas on God. The 'Divine Science' of the Summa Theologiae (Aldershot-Burlington: Ashgate, 2006), 11-18.
[6] STh I-II, lời dẫn.
[7] Thánh Tôma đã hai lần trích dẫn những lời này của thánh Gioan Đamasco trong câu hỏi về con người như là hình ảnh Thiên Chúa: STh I, q. 93, a. 5 obj. 2, and a. 9c. Điều này cho thấy sự liên hệ chặt chẽ giữa thần học về con người là hình ảnh Thiên Chúa và câu hỏi về hành vi luân lý, trọng tâm của sách Summa.
[8] Xem Anton M. ten Klooster, “The Beatitudes, Merit, and the Pursuit of Happiness in the Prima Secundae: The Action of the Holy Spirit at the Heart of Moral Theology”, in Nova et Vetera 18.1 (2020), 179-200, 195.
[9] STh I, q. 93, a. 1 c., ad 2 and a. 5 ad 4. Cách giải thích của thánh Tôma, mặc dù không biết tiếng Hip-ri, thì gần với những cách giải thích hiện đại, xc. Lexikon für Theologie und Kirche (ấn bản lần 3), mục từ “Gottebenbildlichkeit”.
[10] STh I, 93, a. 4 ad 1. Xc. 93, a. 6 ad 2 nơi mà thánh Tôma nói rằng hình ảnh Thiên Chúa không phân biệt phái tính.
[11] STh I, q. 93, a. 4. Ở nơi khác thánh Tôma dùng những thuật ngữ hơi khác một chút. In Quaestio disputata De Potentia ngài nhắc đến vestigium, imago creationis và imago recreationis (IX, a. 9); trong STh I, q. 33, a. 3, similitudo vestigii, similitudo imaginis, similitudo gratiae, và similitudo gloriae.
[12] Xc. F. J. A. de Grijs, Goddelijk mensontwerp, Een thematische studie over het beeld Gods in de mens volgens het Scriptum van Thomas van Aquine (Hilversum/Antwerpen: Paul Brand, 1967), 32. Xem thêm D. J. Merriell, To the Image of the Trinity: A Study in the Development of Aquinas' Teaching (Toronto: PIMS, 1990), và Klaus Krämer, Imago Trinitatis: Die Gottebenbildlichkeit des Menschen in der Theologie des Thomas von Aquin (Freiburg i. B.: Herder, 2000).
[13] Như một câu nói của thánh Augustinô được trưng dẫn minh nhiên ở STh I, q. 93, a. 7 ad 4: “Si secundum hoc facta est ad imaginem Dei anima rationalis quod uti ratione atque intellectu ad intelligendum et conspiciendum Deum potest, ab initio quo esse coepit fuit in ea Dei imago” (De Trinitate XIV, 4).
[14] STh I, q. 93, a. 6 s.c.
[15] Anne Hunt, Trinity. Nexus of the Mysteries of Christian Faith (Maryknoll, New York: Orbis Books, 2005), 23, 35 and passim. Cf. Kevin O'Reilly, o.p., The Hermeneutics of Knowing and Willing in the Thought of St. Thomas Aquinas (Louvain: Peeters Publishers, 2013).
[16] STh I, q. 93, a. 4 c.
[17] STh I, q. 93, a. 5.
[18] Sermones, in Sancti Thomae de Aquino Opera Omnia, Vol. 44.1, ed. L.J. Bataillon o.p. et al. (Paris: Commissio Leonina, Les Éditions du Cerf, 2014).
[19] Sermon 5, 2.2.1., in: The Academic Sermons, Translated by Mark-Robin Hoogland, c.p. (Washington D.C.: The Catholic University of America Press, 2010), 71-72.