Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Bài Giảng Trong Lễ Bổn Mạng Trung Tâm Học Vấn Đaminh Của Cha Giám Tỉnh Giuse Nguyễn Đức Hòa, O.P. – 2017

Administrator
2018-09-24 08:22 UTC+7 32
BÀI GIẢNG LỄ KÍNH THÁNH THOMAS AQUINAS Bổn Mạng Trung Tâm Học Vấn Đaminh Ngày 14 – 01 – 2017 *** Cha Giuse Nguyễn Đức Hòa, O.P., Giám tỉnh Tỉnh Dòng Đaminh Việt Nam ***     Kính thưa cộng đoàn, Có lẽ không có vị thánh nào được Giáo Hội tôn vinh bằng nhiều […]


BÀI GIẢNG LỄ KÍNH THÁNH THOMAS AQUINAS

Bổn Mạng Trung Tâm Học Vấn Đaminh

Ngày 14 – 01 – 2017

***

Cha Giuse Nguyễn Đức Hòa, O.P., Giám tỉnh Tỉnh Dòng Đaminh Việt Nam

***

 

 

Kính thưa cộng đoàn,

Có lẽ không có vị thánh nào được Giáo Hội tôn vinh bằng nhiều danh hiệu cao quý như Thánh Thomas Aquinas. Ngài được gọi là “Doctor Angelicus” (tiến sĩ thiên thần), “Doctor Communis” (tiến sĩ phố quát), “Doctor Ecclessiae” (tiến sĩ Giáo Hội), “Apostolus Veritatis” (tông đồ chân lý). Nhưng danh hiệu cao quý nhất, bao gồm tất cả những danh hiệu khác, đó chính là “Sanctissimus inter doctos et doctissimus inter sanctos” (thánh thiện nhất trong những nhà thông thái và thông thái nhất trong các vị thánh). Có lời vinh danh nào cao quý như lời vinh danh đó? Có vị thánh nào được Giáo Hội ca tụng cả về sự thánh thiện và sự thông thái kiệt xuất như Thánh Thomas Aquinas?

a/. Trước hết, chúng ta hãy nói đến sự thánh thiện của Thánh Thomas Aquinas

Năm 19 tuổi, Thomas xin gia nhập Dòng Đaminh tại Napoli. Nhưng thân mẫu của ngài lại muốn ngài, hoặc tu Dòng Benedictine danh giá hay làm giáo sư tại một đại học uy tín để làm nở mày nở mặt cho gia đình, chứ không muốn ngài tu trong một Dòng Hành Khất khó nghèo như Dòng Đaminh lúc bấy giờ. Không thuyết phục được con, thân mẫu của ngài đã ra lệnh cho các anh dùng võ lực bắt em về nhốt tại một lâu đài của gia đình. Và tệ hơn nữa, chính thân mẫu của ngài đã thuê một cô gái điếm và nhốt chung phòng vời Thomas, hy vọng cô gái có thể cám dỗ được Thomas. Nhưng Thomas đã không bị khuất phục. Cuối cùng, sau hai năm bị giam giữ và bỏ đói, gia đình đành trả tự do để ngài tiếp tục tu trong Dòng Đaminh. Chỉ một chi tiết nhỏ đó thôi cũng đã chứng tỏ Thomas thánh thiện và quyết tâm theo Chúa như tế nào.

Các sử gia viết về cuộc đời Thánh Thomas Aquinas đều nói rằng, ngài thu thập được kiến thức uyên bác từ dưới chân Thánh giá hơn là học được nơi các tác giả và sách vở. Tại Orvieto, vào khoảng năm 1261, Đức Giáo Hoàng Urbanus IV lệnh cho Thomas và Bonaventure (Dòng Phanxicô) soạn bài lễ về Mình Máu Thánh Chúa. Bài của Thomas đã được chọn làm bản văn phụng vụ chính thức của lễ Mình Máu Thánh Chúa; và cho tới nay, một số thánh thi của Thánh Thomas vẫn được Giáo Hội sử dụng trong ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa, cũng như trong các giờ chầu Thánh Thể; chẳng hạn như: Pange Lingua, Panis Angelicus, Tantum Ergo.

Khi viết xong bộ Tổng Luận Thần Học (Summa Theologiae)Tổng Luận Chống Lại Dân Ngoại (Summa contra Gentiles), Chúa Giêsu đã hiện ra với ngài và nói: “Con đã viết rất hay về Cha, vậy con muốn phần thưởng gì nào?”. Thomas đã trả lời rằng: “Lạy Chúa, con không muốn phần thưởng nào khác ngoài Chúa!”. Chỉ có người thánh thiện mới trả lời như vậy, chứ người khác có lẽ xin cho được khỏe mạnh, được bình an, được may mắn, được sống lâu.

Sự thánh thiện của Thomas còn được thể hiện trong sự khiêm tốn của ngài. Một ngày kia, một Thầy Tu huynh xin phép Cha Bề trên đi chợ, nhưng không có ai đi cùng (thời đó, khi tu sĩ ra khỏi tu viện bao giờ cũng phải đi ít nhất hai người). Cha Bề trên bảo: “Thầy gặp ai thì nói Cha Bề trên bảo đi chợ với thầy”. Thầy Tu huynh đơn sơ này thấy Thomas đang soạn bài trong phòng, liền nói: “Cha Bề trên bảo Cha đi với con ra chợ!”. Không chút do dự cũng không thắc mắc, Thomas liền đi chợ và xách giỏ cho Thầy Tu huynh đó!

Khi viên công tố (devil’s advocate) phản bác tiến trình phong thánh cho Thomas, vì ông nghĩ rằng, ngài không làm phép lạ nào. Tuy nhiên, một trong các vị Hồng Y trong ủy ban phong thánh đã trả lời rằng: “Có bao nhiêu chương trong cuốn Tổng Luận Thần Học của Thánh Thomas, thì có bấy nhiêu phép lạ trong cuộc đời của ngài” (Bộ Summa Theologiae có 3125 articuli). Ngày 18 tháng 07 năm 1323, tức là 50 năm sau khi qua đời, Thomas đã được Đức Giáo Hoàng Gioan XXII tuyên phong hiển thánh.

b/. Về sự thông thái của Thánh Thomas Aquinas

Sản phẩm trí tuệ của Thánh Thomas vừa đa dạng vừa sâu sắc. Ít có học giả nào, lại càng ít có vị thánh nào nghiên cứu nhiều, viết nhiều về nhiều vấn đề như Thánh Thomas. Ngài vừa là nhà thần học, triết gia, nhà luân lý, nhà tâm lý, vừa là nhà chú giải Thánh Kinh. Về Thánh Kinh, Thánh Thomas viết bình luận hầu hết các sách, bao gồm: Giop, Diễm Ca, Thánh Vịnh, Isaia, Gieremia, các sách Phúc Âm, các thư Thánh Phaolô.

Riềng về Thần học, Thánh Thomas sáng tác ba bộ Tổng Luận nổi tiếng:

– Bình giảng cuốn Sentenciae của Phêrô Lombardi,

– Summa Contra Gentiles, và

– Summa Theologiae.

Sentenciae là sách giáo khoa cho các sinh viên thần học lúc bấy giờ. Bộ Tổng Luận Chống Dân Ngoại “Summa Contra Gentiles” giúp các nhà truyền giáo Đaminh đang hoạt động giữa dân ngoại. Nhất là bộ Tổng Luận Thần Học “Summa Theologiae”; đây là tác phẩm cuối đời nổi bật nhất của ngài.

Thánh Thomas có công tổng hợp, sắp xếp tất cả những vấn đề liên quan đến Thiên Chúa một cách khoa học và hợp lý. Bộ Tổng Luận Thần Học gồm 613 vấn đề (quaestiones), chia thành 3125 tiết mục (articuli), và hơn 10.000 câu trả lời các thắc mắc. Thánh Nhân chia bộ Tổng Luận Thần Học thành ba phần:

– Phần thứ nhất nói về Thiên Chúa như khởi thủy của muôn loài muôn vật;

– Phần thứ hai bàn đến việc con người tìm về với Thiên Chúa;

– Phần thứ ba nói đến Đức Kitô là con đường duy nhất đưa con người trở về với Thiên Chúa như cùng đích và hạnh phúc chung cuộc của mình.

Sau khi đọc hết bộ Tổng Luận Thần Học, tác giả Philip Labbé (1607-1667), là một tu sĩ Dòng Tên, đã thốt lên rằng: “Neque aliud superest nisi lumen gloriae post Summam Thomae” (chỉ có vinh quang nước trời mới vượt qua được bộ Tổng Luận Thần Học của Thánh Thomas). Và cũng sau khi hoàn tất bộ Tổng Luận Thần Học này, Chúa Giêsu đã hiện ra và khen tặng Thomas: “Con đã viết rất hay về Cha, vậy con muốn phần thưởng gì?” như đã trích dẫn ở trên.

Thần học của Thomas chiếm vị trí cao trong Giáo Hội. Nhiều Công Đồng, nhiều Giáo Hoàng, nhiều học giả công khai ủng hộ. Điển hình như: Công Đồng Vienna (1311-1312), Công Đồng Florence (1439-1445); Trong Công Đồng Tridentino (1545-1563), bộ Tổng Luận Thần Học của Thánh Thomas được đặt trên bàn thờ ngang hàng với sách Kinh Thánh; Còn Công Đồng Vatican I (1869-1870) thì dùng các bản văn của Thomas để hình thành các văn kiện của mình. Năm 1567, Đức Giáo Hoàng Pio V đã đặt Thánh Thomas làm tiến sĩ Hội Thánh.

Đức Giáo Hoàng Leo XIII đã viết rằng: “Trên đôi cánh của Thomas, lý trí con người đã đạt tới đỉnh cao, loài người không thể bay cao hơn nữa và đức tin chẳng phải trông đợi sự trợ giúp nào mạnh mẽ hơn”. Bộ Giáo Luật năm 1917 qui định rằng, các Giáo sư trong Chủng Viện phải dạy triết lý, thần học theo học thuyết, nguyên lý, phương pháp của Thánh tiến sĩ thiên thần. Còn Đức Giáo Hoàng Pio XI thì viết: “Không nên chỉ gọi Thánh Thomas là tiến sĩ thiên thần mà thôi, nên gọi là tiến sĩ phổ quát của Giáo Hội nữa”. Ngoài ra, tầm ảnh hưởng của Thánh Thomas Aquinas còn thể hiện rất rõ rệt trong Thông điệp Humani Generis (năm 1950) của Đức Giáo Hoàng Pio XII.

Sắc lệnh Optatam totius (Mọi người mong ước), về đào tạo Linh Mục, của Công Đồng Vatican II, công bố ngày 28-10-1965, viết rằng: “Để làm sáng tỏ hơn nữa các mầu nhiệm cứu độ, thì các sinh viên phải học hỏi, thấm nhuần các mầu nhiệm ấy với sự giúp đỡ của lý trí suy tư, dưới sự hướng dẫn của thánh Thomas tiến sĩ” (số 16). Trong Hội Nghị Quốc Tế lần thứ 8 về Thánh Thomas Aquinas (năm 1980), Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ca ngợi Thánh Nhân như mẫu mực cho các triết gia và thần học gia Công Giáo thời nay. Cuối cùng, Bộ Giáo Luật năm 1983, tức là Bộ Giáo Luật hiện hành ngày nay, kêu gọi các Chủng Sinh đào sâu hơn nữa về mầu nhiệm ơn cứu độ, noi gương đặc biệt của Thánh tiến sĩ Thomas Aquinas.

Kính thưa cộng đoàn,

Khi ca tụng tôn vinh một vị thánh, tức là chúng ta ca tụng tôn vinh chính Đấng làm ra vị thánh đó; cũng như khi chúng ta khen bức tranh đẹp, là chúng ta gián tiếp khen tài năng của người họa sĩ đã vẽ ra bức tranh. Xin cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một bậc thầy, một gương mẫu tuyệt hảo về việc truy tìm Chân Lý. Xin Thánh Thomas Aquinas giúp chúng ta biết nhờ Kinh Thánh và lý trí tự nhiên để đạt được Chân Lý Tối Thượng, là nguồn gốc của Chân-Thiện-Mỹ, là hạnh phúc vĩnh cửu của con người. Amen.

 

Trung Tâm Học Vấn Đaminh, ngày 14-01-2017.

Fr. Giuse Nguyễn Đức Hòa, O.P.

Giám tỉnh

 

 

 

 

Chia sẻ