Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Đức Thánh Cha Bế Mạc Tuần Tĩnh Tâm Mùa Chay

Administrator
2018-09-24 08:29 UTC+7 40
Lm. Giuse Trần Đức Anh, OP.   ROMA. Sáng thứ Sáu ngày 10-3-2017, ĐTC và các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh, tổng cộng là 74 người, đã kết thúc tuần tĩnh tâm mùa chay tại Trung tâm ”Nhà Thầy Chí Thánh” ở thị trấn Ariccia cách Roma 30 cây số […]


Lm. Giuse Trần Đức Anh, OP.

 

ROMA. Sáng thứ Sáu ngày 10-3-2017, ĐTC và các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh, tổng cộng là 74 người, đã kết thúc tuần tĩnh tâm mùa chay tại Trung tâm ”Nhà Thầy Chí Thánh” ở thị trấn Ariccia cách Roma 30 cây số về hướng nam.

Tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha Phanxicô và các cộng sự viên của ngài trong giáo triều Roma được bắt đầu từ chiều Chúa Nhật ngày 05/03, do Cha Giulio Michelini, Dòng Anh Em Hèn Mọn, thường được gọi là Dòng Phanxicô, giảng thuyết. Xuyên suốt tuần tĩnh tâm, với tất cả 9 bài suy niệm, Cha Michelini, OFM. xoay quanh cuộc Thương khó, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu theo thánh sử Mátthêu. Cha Michellini đã bắt đầu bài suy niệm đầu tiên vào chiều tối Chúa Nhật.

Cha Michelini nhấn mạnh trong bài suy niệm thứ nhất, cũng là bài khai mạc và giới thiệu: “Chúa Giêsu thực sự chết và cuộc đời của Ngài không phải là một câu truyện tưởng tượng”. Cha Michelini đặt câu hỏi cho các tham dự viên tuần tĩnh tâm: Trong tuần tĩnh tâm người ta sống điều gi? Lấy cảm hứng từ Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui Tin mừng), cha nói, mỗi người phải xem mình nằm trong số những người cần được tái phúc âm hóa. Theo cha, “cuộc truyền giảng Tin mừng mới được hiểu đầu tiên là đốt sáng lên trái tim của các tín hữu thường tham gia vào cộng đoàn”.

– Đề tài của bài suy niệm thứ hai: “Lời tuyên xưng của thánh Phêrô và hành trình lên Giêrusalem của Chúa Giêsu”.

Trong tuần tĩnh tâm, những giờ phút cầu nguyện là những thời khắc trung tâm. Cha Michelini nhắc rằng chúng ta phải cầu nguyện bởi Chúa Giêsu đã thực hành đầu tiên. Chúa Giêsu quyết định trong cầu nguyện chứ không qua các giấc mơ hay nhờ các pháp sư như Alexandre đại đế. Cầu nguyện cho chúng ta cơ hội lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa: “Tôi phân định dựa trên tiêu chuẩn nào? Tôi quyết định bốc đồng, để cho mình bị thói quen áp đặt, đặt bản thân mình và quan tâm của cá nhân mình trên cả vương quốc của Thiên Chúa? Tôi có lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa, nói một cách khiêm tốn?”

Khiêm tốn lắng nghe

Cha Michelini gợi ý rằng Chúa Cha không chỉ nói qua Chúa Con, nhưng đã nói với Chúa Con qua thánh Phêrô. Chúa Giêsu cũng đã thực hiện các việc làm do người khác cầu xin thúc giục. Trong cuộc đời của Ngài, có những cuộc gặp gỡ tác động đến sứ vụ của Ngài. Theo truyền thống do thái giáo, Thiên Chúa vẫn tiếp tục nói với loài người bằng những cách thức rất khiêm tốn, như là qua lời của trẻ nhỏ và người khờ dại. Cha Michelini mời gọi suy tư: Tôi có sự khiêm nhường lắng nghe của Phêrô không? Chúng ta có khiêm nhường lắng nghe nhau trong khi lưu ý đến các định kiến mà chúng ta chắc chắn có, nhưng chú ý đón nhận điều mà Chúa muốn, thay vì đóng lòng mình lại. Tôi có lắng nghe tiếng nói của người khác, có thể là người yếu đuối hay tôi chỉ lắng nghe tiếng tôi?”

Theo Chúa Giêsu và vác thập giá

Thánh Mátthêu nói Chúa Giêsu rút lui. Cha Michelini nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu rút lui khi nghe Gioan Tẩy giả bị bắt và khi biết nhóm Pharisiêu muốn giết Ngài. Nhưng các cuộc rút lui của Chúa Giêsu không là dừng lại, mà sau khi rút lui, Ngài làm những việc cụ thể, đó là bắt đầu loan báo Nước Chúa và chữa lành các người bệnh. Chúa Giêsu tiếp tục sứ vụ với trách nhiệm mới, cho đến khi sứ vụ này đưa Ngài lên Giêrusalem.

Cha giảng thuyết Michelini suy tư: Nhìn vào thánh Phêrô, mỗi người chúng ta có thể và phải đặt câu hỏi. Trước hết chúng ta tự hỏi xem “tôi có can đảm đi đến cùng để theo Chúa Giêsu không, với ý thức là sẽ vác thánh giá, như Ngài đã nói, khi loan báo sự phục sinh, niềm vui, nhưng cũng là thử thách: nếu ai muốn theo Thầy thì hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá và theo Thầy.”

– Đề tài của bài suy niệm thứ ba:  “những lời cuối cùng của Chúa Giêsu và khởi đầu cuộc Thương khó”.

Cha Michelini nhắc rằng những lời cuối cùng của cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu được đánh dấu bằng những khoảnh khắc thinh lặng. Đối mặt với sự im lặng, đây là một cơ hội để tự hỏi “có phải tôi rao truyền đức tin chỉ bằng lời nói hoặc cuộc sống của tôi có phải là rao giảng Tin Mừng. Sau đó, tôi tự hỏi sự im lặng của tôi thuộc loại nào, và liên quan đến các hoạt động của Giáo Hội mà tôi thực hiện, tôi có tội trong khi im lặng những lúc không nên im lặng.”

Nhắc lại đoạn Tin mừng nói về  người phụ nữ xức dầu lên chân Chúa Giêsu, cha Michelini nói: “Nhiều người không có can đảm để gõ cửa nhà chúng ta, và chúng ta phải đi đến với những người này. Nếu chúng ta trung thực và nhìn vào nội tâm, chúng ta không thể không đặt cả chúng ta vào số những người nghèo đó: mỗi người, tận sâu thẳm, là người nghèo đối với người khác. Những lời của Chúa Giêsu nói rằng sứ vụ của Ngài không kết thúc với sự hiện hữu lịch sử của Ngài, và trong thực tế, nó tiếp tục với sự dấn thân của cộng đồng tín hữu cho tất cả người nghèo, kể cả chúng ta.” Cha kết luận,  vì vậy, “chúng ta được kêu gọi liên kết tình yêu dành cho Chúa với tình yêu cho tha nhân.” (ACI/SD 07/03/2017)

– Đề tài của bài suy niệm thứ tư: “Bánh và thân thể, rượu và máu”.

Cha Michelini chú giải đoạn Tin mừng về Bữa tiệc ly (Mt 26,20-35).

Ăn cùng nhau

Bài suy niệm khởi đi từ một yếu tố đặc trưng cho chiều kích nhân loại của việc cùng ăn. Chúa Giêsu ngồi vào bàn cùng với 12 tông đồ. Ngồi cùng bàn muốn nói đến cảm nghiệm nét đẹp của ở cùng với nhau và nhận cùng thứ được chuẩn bị cho một hành động yêu thương. Theo thánh sử Gioan Tông đồ, chính Chúa Giêsu Phục sinh cũng đã chuẩn bị thức ăn cho các môn đệ của Ngài, bên bờ hồ Galilê (x. Ga 21,9).

Ăn uống: sự yếu đuối và tội lỗi của con người

Thức ăn và ăn uống cũng đưa ra ánh sáng tội lỗi của con người cũng như tính ích kỷ và sự yếu đuối của con người. Chúng ta nhớ đên biểu tượng Thánh kinh của sự bất tuân đầu tiên xảy đến do thức ăn (St 3,1) và tội ác đầu tiên, giết một người anh em, xảy đến do lòng ghen tức của Cain đối với lễ vật của Aben (St 4,4). Chúng ta cũng không quên sự chia rẽ giữa các anh em, Giacóp và Esau là bởi cơn đói (st 25,34). Chúng ta còn có thể đi xa hơn nữa, cho đến khi đọc thông điệp Laudato si’ nói về sự ích kỷ đối với lương thực.

Trong thực tế, ăn uống là dấu hiệu đầu tiên của sự yếu ớt mong manh thật sự về mặt nhân chủng học: một nhu cầu con người và yếu kém. Ăn uống trước hết là nhận sự sống bên ngoài mình, nghĩa là nhận biết mình không độc lập. Nói khác đi, nhận ra giới hạn của mình. Ăn cùng với người khác là thú nhận với người khác giới hạn này của thụ tạo. Bởi lý do này, các thiên thần trong Thánh kinh không ăn uống.”

Bữa Tiệc ly: Chúa Giêsu trao ban tất cả

Trong bữa tiệc ly của Chúa Giêsu nổi bật yếu tố này: Giuđa trao nộp Chúa. Nhưng Chúa Giêsu, trong đêm bị phản bội, đã không thu hồi món quà của Ngài, đã ban tất cả những gì Ngài có thể trao: thân mình Ngài và máu Ngài (1Cor 11).

Ngôi Lời, Chúa Con, đã dâng hiến ngôi vị thần linh của mình, dù là Thiên Chúa nhưng Ngài đã không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa (Phil 2,6). Giờ đây Ngài trao ban chính bản tính nhân loại, là thân xác ngài, bởi vì trong thân xác này mà Ngôi Lời đã làm người. Bằng cách thức này, Chúa Giêsu trao ban tất cả chính mình, không giữ lại điều gì.

Ơn tha tội

Bài học của thánh Mátthêu về bữa Tiệc ly nêu bật một điểm mà chúng ta chỉ tìm thấy ở đây, máu đổ ra từ thập giá để tha tội lỗi. Cuối cùng, ai đọc Tin mừng này, tìm ra ý nghĩa của tến Giêsu và có thể biết cách thức tha tội, cách thức mà Con Thiên Chúa và cùng với Ngài, Chúa Cha và Chúa Thánh Thần cùng thực hiện để trao ban sự sống. Như Thánh vịnh 49,8 nói, con người không thể tự đền hay trả giá cho mình xứng hợp, chỉ Thiên Chúa chuộc đền con người khỏi chính họ và khỏi sự dữ.

3 vấn đề suy tư

Cha Michelini đưa ra 3 câu hỏi suy tư: thứ nhất, nói về tương quan chúng ta với thức ăn. Xét mình với quy luật thứ 7 của thánh Inhaxio: Cần tránh để tâm hồn chú ý đến thứ mình ăn và tránh ăn vội vã vì ngon miệng, trái lại cần làm chủ mình, trong cách ăn cũng như trong số lượng.”

Thứ hai: các Kitô hữu chúng ta làm sao có thể phải tìm ra sự hiệp nhất xung quanh bàn ăn, thực hiện cùng cách thức chia sẻ của chúng ta sự chia sẻ linh độn của cộng đoàn Corintô.

Cuối cùng là vấn nạn về ơn tha tội. Chúng ta có thật sự ý thức rằng Chúa Giêsu đã đổ máu Ngài ra, với chính sự sống và không chỉ với lời nói, đã nói và đã trao ban sự tha thứ của Thiên Chúa. (RV 07/03/2017)

– Đề tài của suy niệm thứ năm: “Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu và Chúa Giêsu bị bắt” (Mt 26,36-46).

Thi hành Thánh ý Chúa Cha

Đầu tiên, cha Michelini so sánh hai lần cầu nguyện của Chúa Giêsu , trên núi Tabo và trong vường Ghết-sê-ma-ni. Hai sự kiện có những tương đồng nổi nật: Chúa Giêsu bị thử thách. Trên núi Tabor, Phêrô và hai tông đồ Gioan và Giacôbê không hiểu ý nghĩa lời loan báo lần thứ nhất của Chúa Giêsu về cuộc khổ nạn của Ngài. Còn trong vườn Ghết-sê-ma-ni, Chúa Giêsu vừa loan báo rằng một người sẽ trao nộp Ngài. Trong cả hai biến cố, 3 tông đồ Phêrô, Gioan và Giacôbê đều cùng đi với Chúa Giêsu nhưng họ không hiểu những điều đang xảy ra với Ngài.

Sự khác biệt giữa hai biến cố: trên núi Tabo, Chúa Giêsu nghe tiếng của Chúa Cha an ủi Ngài, nhưng ở vườn Ghết-sê-ma-ni, (trừ thánh sử Luca nói về việc Chúa Giêsu được củng cố thêm sức trong cuộc chiến bởi các thiên thần), không có tiếng nói nào. Ngược lại, Chúa Giêsu hướng về  Chúa Cha, khi chấp nhận để Thánh ý tốt lành của Chúa Cha được thực hiện. Thánh ý này không muốn Chúa Con phải chết, nhưng là ơn cứu độ. Chúa Giêsu đến để cứu chuộc dân Ngài, trong đó có thế giới.

Số phận cay đắng phải chết – hình thức mới của ơn cứu độ

Cha Michelini nói tiếp rằng sứ vụ Chúa Cha trao phó được thực hiện trong cái chết cay đắng và cái chết này trở thành hình thức mới của ơn cứu chuộc, điều bây giờ đối với chúng ta là ơn cứu chuộc trong nghĩa tinh tuyền và đơn giản. Dụ ngôn các tá điền sát nhân cũng cho chúng ta thấy một người cha gửi con mình đến vườn nho với suy nghĩ “họ sẽ kính trọng con mình” (Mt 21,37). Nhưng lời loan báo của Chúa Giêsu cũng như chính Ngài đã không được đón nhận và Vương quốc Chúa Cha sẽ chuyển sang một hình thức khác mà Chúa Giêsu được mời gọi đón nhận ở vườn Ghết-sê-ma-ni. Như thế, tùy theo sự sẵn sàng của con người mà Chúa Giêsu có thể thi hành sứ vụ của Ngài. Sự đóng cửa lòng của thế giới không cho phép Ngài là hoàng tử hòa bình…. Do đó, Đấng Mêsia trở thành người bị hủy diệt. Lễ hy sinh của Ngài trở thành hiến tế sự chết.

Chúa Giêsu còn mời gọi các môn đệ của Ngài, như Ngài đã thực hiện ở Ghết-sê-ma-ni, yêu Thiên Chúa với hết tâm hồn và sức lực cho đến hy sinh mạng sống.

Suy tư

Thái độ của chúng ta trước phiền muộn đau khổ của người xung quanh. Chúng ta mở mắt nhìn và cầu nguyện hay chúng ta ngủ quên như 3 môn đê.

Có phải Thánh ý Chúa đối với chúng ta giống là điều thất thường, như điều “phải làm” bởi vì “Ai đó đã quyết định”, hay tôi thấy đó là Thánh ý tốt lành cho tất cả.

Giả định là Thánh ý cứu độ không thay đổi, tôi có chấp nhận rằng cách thức mà Thánh ý được thực hiện bị điều kiện hóa, bởi vì sự toàn năng của Thiên Chúa bị chặn đứng trước tự do của thụ tạo?

Nếu Thiên Chúa thay đổi ý, như sách ngôn sứ Giona nói Ngài có thể hồi ý (x. Gn 3,10), làm sao mà Giáo hội không thể thay đổi, tại sao chúng ta có thể bám giữ sự cứng nhắc của mình? (RV 07/03/2017)

– Đề tài của bài suy niệm thứ sáu: “Nguy hiểm đánh mất đức tin, tự tử, sứ mạng của Giáo hội trong việc tìm kiếm người tội lỗi”.

Trọng tâm của bài suy niệm xoay quanh nhân vật Giuđa, một trong 12 tông đồ. Sự phản bội của Giuđa là một biến cố gây tai tiếng và khó chịu, nhưng Tin mừng không che dấu chuyện này. Thảm kịch cũng được tỏ rõ với sự hối hận của Giuđa, mà theo thánh Mátthêu, ông biết mình đã phạm tội vì đã phản bội máu người vô tội.

Giuđa và chúng ta: nguy hiểm đánh mất đức tin

Cha Michelini đã tìm hiểu các nguyên nhân đã thúc đẩy Giuđa phản bội Chúa Giêsu. Giả thiết thứ nhất là có một lúc nào đó, Giuđa đã mất niềm tin.

Nguy hiểm mất đức tin khiến tất cả chúng ta phải tự hỏi: “Nếu có lẽ trong cuộc đời chúng ta, có nhiều ngày chúng ta không bỏ rơi Chúa Kitô, sự hiểu biết tốt nhất của chúng ta, tình yêu chúng ta, bởi một điều phù hoa, khoái lạc, lợi lộc, an toàn, oán ghét hay trả thù? Chúng ta khó mà biện hộ cho mình khi nói với sự ghê tởm về kẻ phản bội. Giuđa cho chúng ta thấy chính chúng ta.”

Cha Michelini nhắc lại kinh nghiệm của tác giả Emmanuel Carrère được thuật lai trong sách “Vương quốc”. Ông đã tìm lại đức tin 3 năm, rồi lại mất đức tin. Người ta thấy cuộc chiến đấu nội tâm của một người mà vào ngày thứ 6 Tuần Thánh viết rằng ông sẽ đi dự lễ Phục sinh ngay cả nếu tôi không còn tin vào cuộc Phục sinh của Chúa Kitô, nhưng  thêm rằng: “Con bỏ Chúa. Chúa không bỏ con.”

Giả thiết thứ hai về sự phản bội của Giuđa: ông muốn Chúa Kitô tỏ ra mình là Đấng Cứu Thế của Israel, đấng giải phóng, chiến sĩ và chính trị gia. Do đó, Giuđa không còn nhìn thấy gương mặt của Giêsu Thiên Chúa nhưng là một vị thầy Do thái, một người thầy, và Giuđa muốn buộc Ngài làm những gì ông muốn.

Đi tìm dân ngoại và các người thu thuế trên các nẻo đường

Ý tưởng suy niệm thứ hai mà cha Michelini gợi ý là điều gì chúng ta có thể làm cho những người xa lìa đức tin. Cần phải đi tìm người tội lỗi. Cha cũng đã kể lại kinh nghiệm của mình.

“Tôi sống với một cộng đoàn những người trẻ; mỗi năm họ thực hiện 2 tuần đại phúc (các khóa giảng trong các dịp Mùa Chay hay mùa Vọng,vv.). Tôi trêu đùa họ bởi vì họ đi nhảy múa ca hát trên đường phố, đi vào các vũ trường và các quán rượu. Vì là giáo sư, tự nhiên tôi không cho phép mình làm những điều như thế và cho nên tôi đã trêu ghẹo các anh em của mình. Và đã nhiều năm, từ khi dạy học, tôi không còn thực hiện các tuần đại phúc. Nhưng họ biết là tôi đề cao công việc này vì thực tế là có những người đi đến những nơi đó, nơi có những người mà chúng ta không muốn thấy, những người trẻ thất vọng … Cho nên ngay cả nếu chúng ta không làm công việc này, chúng ta phải biết ơn và tương trợ cho những người đi trên các nẻo đường để tìm kiếm, như Chúa Giêsu nói, dân ngoại và những người thu thuế.”

Cha Michelini lưu ý là hành trình của Giuđa đã đưa ông đến chỗ tự tử sau khi nhận ra tội của mình. Trong tác phẩm “Những cuộc đính hôn” của Alessandro Manzoni, trình bày  cuộc trở lại của một người vô danh, có ý định tự tử cho đến khi ông nghe tiếng chuông. Trong ký ức của ông vọng về những lời: Thiên Chúa tha thứ nhiều điều bởi một hành động thương xót. Sau đó, người này đã gặp Đức Hồng y Federigo Borromeo và ngài tiếc là đã không đi tìm người này trước. Đây là những trang sách mời gọi đi tìm người tội lỗi.

Cha Michelini cũng nhắc lại lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong một bài giảng ở nhà nguyện thánh Marta khi giả thiết là các Linh mục đã xua đuổi Giuda, ngài nói về vấn đề giáo sĩ trị: Giuda bị khước từ, kẻ phản bội và ăn năn, không được chấp nhận bởi các chủ chăn, những người trí thức tôn giáo với nền luân lý đạo đức được thực hành bởi lý trí của họ và không bởi mạc khải của Thiên Chúa.

Vấn đề tự tử trong thời đại chúng ta. Giúp các Kitô hữu không bị mất đức tin

Cha Michelini không quên nhắc đến thực tại với các vụ tự tử được trợ giúp và các người trẻ tự tử. Cha đưa ra một câu hỏi: “Chúng ta có thể giúp các Kitô hữu trong thời đại chúng ta thế nào để không mất đức tin, để ý thức lại về đức tin đúng nghĩa, điều mà Tân Ước nói là đức tin vui mừng, toàn thể, gắn kết với Chúa Giêsu, chúng ta có thể làm gì để các vụ tử tử này không xảy ra?” (RV 08/03/2017)

– Đề tài của bài suy niệm thứ bảy: cuộc xét xử Chúa Giêsu và người vợ của tổng trấn Philatô (Mt 27,11-26).

Bài suy niệm xoay quanh nhân vật tổng trấn Philatô, và đặc biệt được viết cùng với một đôi vợ chồng – ông bà Mariateresa Zattoni và Gilberto Gillini, là những người đã cộng tác với cha Michelini nhiều nàm trong việc giảng tĩnh tâm cho các gia đình và các buổi đào tạo, cũng như cha đã viết chung với họ nhiều sách, trình bày cách đọc kép các bản văn Thánh kinh – chú giải và ngữ cảnh gia đình. Theo cha Michelini, việc đọc và chú giải Thánh kinh không phải là đặc quyền của các tu sĩ hay các người nghiên cứu Thánh kinh, các đôi vợ chồng và gia đình phải được giúp đỡ để thực hành Thánh kinh, điều cho đến nay chưa được thực hiện nhiều trong Giáo hội.

Lựa chọn giữa Chúa Giêsu và Baraba của tổng trấn Philatô

Cha Michelini nhắc lại rằng Đức Biển đức XVI đã nói đến  một bản văn khác biệt được Origen ghi nhận, về tên của Baraba, và tên “Giêsu”. Cha giải thích cho thấy điều này quan trọng trong việc hiểu hệ thống phức tạp mà thánh sử Matthêu nhìn nhận về hiệu quả của máu Chúa Giêsu đối với ơn tha tội. Hệ thống thần học này được Mátthêu sử dụng, nhưng chúng ta không được bỏ qua khung cảnh quan trọng về sự chọn lựa giữa Baraba và Chúa Giêsu: hai con người – không đơn giản là hai con dê như thánh Mátthêu tưởng tượng khi dựng lại cảnh tượng của lễ Yom Kippur (lễ xá tội) để trình bày về cái chết của Đấng Mêsia) – một người trước một người khác và chỉ một người sẽ sống.

Cha Michelini thuật lại câu chuyện trong tiểu thuyết của William Styron “Chọn lựa của Sophie”, khi người mẹ trẻ bị một sĩ quan phát xít buộc phải chọn một trong hai đứa con mình phải chết. Cha kết luận rằng, thật không may là dân Do thái, hàng thế kỷ, bị các Kitô hữu kết tội giết Chúa. Cuối cùng, lời kết án vô lý này đã được gỡ bỏ ở mọi cấp độ. Cha Michelini nói thêm rằng chúng ta không được quên rằng theo cuộc Thương khó theo thánh Mátthêu, lời kết án này không bao giờ có, ngay cả từ khía cạnh lý luận đơn giản: bởi vì, giống như trường hợp của Sophie, người buộc phải chọn để cho đứa con gái phải chết, trách nhiệm của quyết định khủng khiếp này đến từ người đã đưa ra điều kiện cho đám đông chọn lựa, hiển nhiên đó là tổng trấn Roma.

Khía cạnh gia đình: quyền lực của người nam

Cha Michelini trình bày suy tư của ông bà Gillini-Zattoni, với sự lưu ý của họ về việc trình bày quyền lực của người nam. Sự đồng lõa giữa thượng tế và Philatô đã tiêu diệt tiếng nói của người phụ nữ, của vợ ông Philatô, nói với Philatô qua một tin nhắn, bởi vì ông không cho phép bà được lắng nghe”.

Giấc mộng của Chúa và khao khát quyền lực

Cuối cùng, cha Michelini đã xem xét 5 giấc mộng trong Tin mừng thời thơ ấu theo thánh Mátthêu và giấc mộng của vợ tổng trấn Philatô. Các giấc mộng này được xem xét trong một tổng thể bởi vì chúng trình bày cùng một điều mà chúng ta có thể gọi là “giấc mộng của Thiên Chúa”: ơn cứu độ của người con (mà qua những giấc mơ trong phần đầu của Tin mừng, đã trốn thoát người muốn giết hại). Nhưng nếu thánh Giuse và các đạo sĩ hiểu điều họ phải làm và dù cho sự yếu đuối họ đã thực hành. Ngược lại, Philatô, đã không lắng nghe lời của vợ mình, không nghe theo các giấc mộng, và giống như vua Hêrôđê, ông chỉ quan tâm đến việc gìn giữ quyền lực. (RV 08/03/2017)

– Đề tài của bài suy niệm thứ tám: sự chết của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu thật sự chết

Trong bài suy niệm, cha Michelini mời gọi chiêm ngắm với lòng yêu mến sâu xa Chúa Kitô chịu đóng đinh. Cha nhấn mạnh đến cái chết của Đấng Mêsia theo Tin mừng thánh Mátthêu. Cha nói rõ ngay lập tức rằng đó là cái chết thật chứ không phải “giống như chết”: vì “không chỉ các môn đệ cố gắng để tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại và điều này là thật, nhưng việc Chúa sống lại là có thể vì Chúa đã thực sự chết.”

Các chi tiết miêu tả cái chết của Chúa Giêsu gây nên sự không thoải mái, nó quá tàn bạo, làm cho chúng ta nói rằng những điều khủng khiếp này là không thực. Nhưng mà những điều này đã được viết bởi vì chúng cho thấy nó đã xảy ra .

Cảm giác bị bỏ rơi và bị hiểu lầm

Cha Michelini phân tích cảm giác bị bỏ rơi mà Chúa Giêsu trải nghiệm trên thập giá – khi Ngài kêu lên: “Lạy Thiên Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ con”. Cảm giác này thêm sâu sắc bởi sự không hiểu của những người đang chứng kiến cảnh tượng tàn nhẫn của cuộc Thương khó của Chúa Kitô.

Khi Chúa Giêsu kêu “Êli, Êli, lêmaxabácthani”, có người tin là Ngài kêu ngôn sứ Êlia. Nhưng ngôn sứ Êlia thì có thể làm gì để cứu Ngài? Đây là một sự hiểu lầm. Chúa Giêsu đang kêu cầu Chúa Cha. Nhưng Chúa Cha im lặng. Việc Chúa Cha không can thiệp là một yếu tố khác làm cả trình thuật về cái chết của Chúa Giêsu trở nên lúng túng. Cảm giác mà Chúa Giêsu đang sống, cảm giác bị Chúa Cha bỏ rơi là một sự thật và gây sốc, đến độ khó mà tưởng tượng được. Chúa Giêsu than van không phải vì cảm thấy bị Thiên Chúa bỏ rơi hay vì đau đớn, nhưng bởi vì sức lực thể lý của Ngài đang cạn dần. Cực hình cuối cùng đối với Chúa Giêsu là không được hiểu ngay cả từ Thánh giá, bị hiểu lầm. Khi có thể, Chúa Giêsu suy tư, hành động để giải thích và giải thích. Nhưng từ Thánh giá, Ngài không thể giải thích điều gì.

“Cách tự nhiên, chúng ta biết là Thánh giá giải thích tất cả. Nhưng Chúa Giêsu cũng không thể nói tại sao Ngài kêu cầu Chúa Cha mà không kêu cứu Êlia. Ngài chỉ có thể làm một điều, là phó thác vào Chúa Thánh Thần, bởi vì chính Chúa Thánh Thần giải thích điều mà Ngài không thể hiểu.

Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn: cử chỉ yêu thương, tha thứ tội lỗi

Cha Michelini nhắc đến tên lính lấy lưỡi đòng đâm cạnh sườn Chúa Giêsu. Khi ở Caphácnaum, một đại đội trưởng đã xin Chúa cứu chữa cho người con trai hay tên đầy tớ bị bệnh và Chúa đã không từ chối một cử chỉ của tình yêu. Lúc này, Chúa Giêsu bị chết vì một nhát đâm của tên lính. Nếu như Chúa Giêsu đã đáp lời cầu xin của viên đại đội trưởng ở  Caphácnaum, giờ đây trên thập giá, Ngài chỉ có thể đưa cạnh sườn cho tên lính đâm và từ đó máu và nước chảy ra, để tha tội lỗi.

Các phụ nữ hiện diện ở chân Thánh giá

Theo thánh Mátthêu, có nhiều phụ nữ, trong số họ có Maria “mẹ của Giacôbê và Giôxép”. Nhiều người cho rằng bà Maria này là Mẹ Chúa Giêsu, đứng dưới chân Thập giá, như Tin mừng theo thánh Gioan.

Có thể là ở đây, thánh Mátthêu được cảm hứng từ thánh Gioan, muốn nói rằng người nữ đó, không được gọi là “Mẹ của Chúa”, nhưng là “Maria, mẹ của Giacôbê và Giôxép”. Vì Maria, Mẹ Chúa Giêsu, không còn đơn giản là Mẹ, và Chúa Giêsu không còn đơn giản là Con của Mẹ Maria. Như Mẹ Maria trong Tin mừng thánh Gioan, không chỉ còn đơn giản là Mẹ Chúa Giêsu, nhưng là mẹ của người môn đệ yêu dấu, và theo đó, là Mẹ của Giáo hội. Maria trong cuộc Thương khó theo thánh Mátthêu cũng thế, là mẹ của Giacôbê và Giôxép, nghĩa là mẹ của các anh em Chúa Giêsu, và theo đó, đối với chúng ta, đối với Tin mừng này, là Mẹ của Giáo hội.

Xét mình

Cha Michelini mời tự vấn, chúng ta có vì sự khép kín hay kiêu ngạo, mà không hiểu người khác, không phải vì những điều họ nói không rõ ràng, nhưng đơn giản vì chúng ta không muốn hiểu.

Cha mời gọi xét xem chúng ta có khiếm khuyết trong việc giao tiếp với người khác không và cha mời gọi sửa đổi tốt hơn, gia tăng sự khiêm nhường, xét xem chúng ta có thành công trong việc đón nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong sự bình thường hàng ngày hay trong cái nhìn của người khác. (RV 09/03/2017)

– Đề tài của bài suy niệm thứ chín: “Mồ trống và Phục sinh” theo tin mừng thánh Mátthêu.

Hai cách trình bày mầu nhiệm Phục sinh: con đường học hỏi, giải thích Sách Thánh và con đường bác ái

Trang cuối của tin mừng thánh Mátthêu, nói về sự kiện Chúa Giêsu phục sinh, theo cha Michelini, mạc khải mầu nhiệm Kitô giáo. Đau khổ và cuộc thương khó của Chúa Giêsu không phải là kết thúc tất cả, nhưng là một bắt đầu mới – Phục sinh. Nhưng làm sao trình bày về mầu nhiệm phục sinh cho người thời nay?

Cha Michelini nói về nhân vật chính trong tác phẩm “Metamorfosi” (biến hình) của Franz Kafka, một ngày kia, khi tỉnh dậy, đã biến thành một con côn trùng, chỉ khép kín trong chính mình, lo lắng và không có liên hệ gì với tình cảm gia đình. Làm sao chúng ta loan báo mầu nhiệm Phục sinh cho người như thế? Cần phải khởi đi từ con người Chúa Giêsu và sứ điệp của Người. Cha nói: “Phục sinh cho thấy một điều mới mẻ thực sự của Chúa Kitô so với Chúa Giêsu lịch sử: thân xác Ngài là thân xác sau khi phục sinh, nhưng là sự mới mẻ đã được thấy trước trong các dấu hiệu lịch sử của Chúa Giêsu trước khi phục sinh. Do đó khi chúng ta nghe nói Chúa đã sống lại, chúng ta có thể khởi đi lại từ con người Giêsu, từ con người Giêsu ở Galilê, với sứ điệp giải phóng nhân loại.” Vì thế, một sứ điệp giải phóng nhân loại cho con người ngày nay có thể đến qua 2 cách,  cả 2 đã được Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh và minh họa: sứ vụ văn hóa trong việc đào sâu các bản văn cùng với cách giải thích mới và con đường bác ái.

Chúng ta hãy tìm hiểu để hiểu thêm điều mà các sách Tân ước và Cựu ước muốn nói và để chúng ta có thể giải thích chúng lại qua đời sống Giáo hội, phụng vụ, bài giảng, nhưng cũng qua sự dấn thân văn hóa. Nhưng con đường khác, nếu chúng ta có thể mở cửa phòng nơi mà Gregor Samsa tự khóa mình, là con đường bác ái. Nếu Gregor Samsa nhốt mình trong căn phòng khóa chặt, đó là huyệt mộ, nếu được ai đó trợ giúp, anh có thể tìm lại được nhân tính. Thay vì là côn trùng, có lẽ anh ta có thể nhận ra nét nào đó của thân xác con người của anh ta.”

Theo Tin mừng thánh Mátthêu, sự phục sinh đã được thiên thần loan báo.  Do đó, nói về mộ trống thôi chưa đủ, sự Phục sinh cũng phải được nói, sứ điệp của Chúa Kitô phục sinh phải được loan báo.

Phục Sinh: tha thứ

Nhưng lời của thánh Mátthêu còn cho thấy rõ một khía cạnh khác của Phục sinh, đó là ơn tha thứ. Chúa Giêsu phục sinh muốn gặp 11 môn đệ và gọi họ là “anh em”, nghĩa là Ngài đã tha thứ cho họ vì đã bỏ rơi Ngài. Ngài gặp họ ở Galilê, họ cúi xuống bái lạy nhưng đồng thời nghi ngờ. Tuy nhiên, Ngài đã đến gần họ và trình thuật của thánh Mátthêu kết thúc với những lời: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Cha Michelini kết luận: “Đây đúng thực là cách làm của Thiên Chúa, mà Lời của Ngài có khả năng soi chiếu những giới hạn của chúng ta và biến đổi chúng thành cơ hội.”

Cha của Chúa Giêsu đã đến gần chúng ta qua lời của Ngài và Con của Người, Đấng mà Tin mừng thánh Mátthêu gọi là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Tin mừng thánh Mátthêu kết thúc như thế: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Đây là gia sản lớn nhất mà chúng ta có, dù cho những nghi ngờ và phần xấu xa của chúng ta và tội lỗi chúng ta.”

Đức Thánh Cha cám ơn cha giảng phòng

Sau bài suy niêm cuối cùng, Đức Thánh Cha đã cám ơn cha giảng thuyết về những suy tư trong tuần tĩnh tâm

Trong lời cám ơn Cha giảng tĩnh tâm Giulio Michelini, OFM. trong ngày kết thúc, ĐTC đề cao thái độ tự nhiên của cha và với tất cả vốn liếng cuộc sống, từ việc nghiên cứu, cho đến các sách báo cha xuất bản, các bạn hữu, cha mẹ và những tu sĩ trẻ mà cha chăm sóc.

Tiếp đến, ĐTC cám ơn cha vì những gì cha thực hiện, trong tinh thần trách nhiệm. Ngài nói: ”Chắc chắn là có rất nhiều điều để suy niệm, nhưng thánh Ignatio nói rằng trong cuộc linh thao, nếu một người tìm thấy điều mang lại cho mình an ủi hoặc đau buồn, thì phải dừng lại, đừng đi xa hơn. Chắc chắn mỗi người chúng ta đã tìm thấy một, hai điều trong tất cả những điều được trình bày. Phần còn lại không phải là điều phí phạm, nhưng để dành cho dịp khác. Có lẽ những điều quan trọng nhất, mạnh nhất, có lẽ không có ý nghĩa gì đối với người này, nhưng có lẽ một lời nói nhỏ, một điều nhỏ bé lại nói lên nhiều ý nghĩa đối với người khác”.

Về điểm này, ĐTC trích dẫn một giai thoại: một nhà đại giảng thuyết người Tây Ban Nha, sau một bài giảng dài được soạn kỹ lưỡng, thấy một người thường, một người khét tiếng là tội nhân, đến gần cha, nước mắt giàn dụa, xin xưng tội với cha. Ông xưng nhiều tội và khóc lóc. Cha giải tội ngạc nhiên, vì cha biết đời sống của người ấy, nên hỏi: “Xin ông hãy nói cho tôi biết lúc nào ông cảm thấy được Thiên Chúa đánh động tâm hồn? Lời nào làm ông động lòng?…”.

Tội nhân đáp: ”Thưa cha, đó là lúc mà cha nói: “Bây giờ chúng ta bước sang một đề tài khác!”.

Và ĐTC kết luận: ”Nhiều khi những lời đơn sơ nhất là những người giúp chúng ta, hoặc những lời phức tạp hơn, Chúa ban cho mỗi người một lời nói thích hợp. Tôi cám ơn cha vì điều đó và cầu chúc cha tiếp tục làm việc cho Giáo Hội và trong Giáo Hội, trong việc chú giải Kinh thánh, trong bao nhiêu côn gtác mà Giáo Hội ủy thác cho cha, và nhất là tôi cầu chúc cha là một tu sĩ tốt”.

Trước đó ĐTC đã cử hành thánh lễ cầu nguyện cho Siria và đã cho gởi 100 ngàn Euro để giúp đỡ người nghèo ở thành phố Aleppo, cũng nhờ sự đóng góp của Giáo triều Roma. Việc trao tặng này sẽ được thực hiện qua Sở Từ Thiện của ĐTC và qua Dòng Phanxicô tại Thánh Địa.

Lúc 5 giờ chiều cùng ngày 10-3-2017, ĐTC đã đến tòa giám quản Roma để gặp gỡ 36 cha quản hạt của giáo phận để kiểm điểm tình trạng mục vụ hiện nay.

Mặt khác, Văn phòng nghi lễ phụng vụ của ĐTC cho biết lúc 5 giờ chiều thứ sáu, 17-3 tới đây, tại Đền thờ Thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô sẽ chủ sự nghi thức hòa giải với nhiều hối nhân với phần xưng tội và xá giải cá nhân. (SD 10-2017).

 

 

 

 

 

Chia sẻ