Giới Thiệu Hiến Chương Mới Dành Cho Ngành Y Tế
Nt – BS. Trần Như Ý Lan, CND.
Sáng 6/2/2017 Phòng Báo Chí Toà Thánh tổ chức cuộc họp báo nhân dịp Ngày Thế giới các Bệnh nhân lần thứ 25 sẽ được tổ chức trọng thể tại Lộ Đức vào ngày 11 tháng 2. Nhân dịp này, Bản Hiến Chương mới dành cho giới y tế cũng được giới thiệu.
Các phát ngôn viên gồm có Đức ông Jean-Marie Mate Susivi Mupendawatu, Thư ký của Bộ Phục Vụ Phát Triển Con Người Toàn Diện, Alessandro De Franciscis, Chủ tịch Phòng Kiểm Chứng Y Khoa tại Lộ Đức và Hội Y Khoa Quốc Tế tại Lộ Đức (AMIL), và Antonio Gioacchino Spagnolo, giáo sư bộ môn Đạo Đức Sinh Học và giám đốc Viện Đạo Đức Sinh Học của Khoa Y và Khoa Ngoại tại Đại Học Công Giáo Thánh Tâm, Roma.
Đức hồng y Kodwo Appiah Turkson, Bộ trưởng Bộ Phục Vụ Phát Triển Con Người Toàn Diện, định sẽ tham dự nhưng cuối cùng không thể đếnđược. Vì vậy Đức ôngMupendawatu đọc bài thuyết trình của Đức hồng y, giải thích rằng Ngày Thế giới các Bệnh nhân được Thánh Gioan Phaolô II thiết lập năm 1992, và nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập, Ngày này sẽ được tổ chức cách ngoại thường, nhân danh Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong số các vị sẽ tham dự sự kiện tại Lộ Đức ngày 11 tháng 2, Đức hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, Đặc Sứ của Đức Thánh Cha, sẽ chủ sự thánh lễ trọng thể quốc tế nhân kỷ niệm cuộc hiện ra đầu tiên của Đức Mẹ với thánh Bernadette.
Đức hồng y cũng gợi nhớ lại Đức Tổng giám mục Zygmunt Zimowski, vừa mới qua đời, nguyên Chủ tịch (lúc bấy giờ) Hội đồng Giáo Hoàng về Chăm sóc Mục vụ Y tế, người đã soạn thảo Bản Hiến Chương mới. Bản Hiến Chương mới duyệt lại và cập nhật Hiến Chương dành cho giới y tế, một “cẩm nang” về mặt y khoa, luân lý và thần học vốn được khởi đầu từ trực giác của vị Chủ tịch đầu tiên, Hồng y Fiorenzo Angelini, đã được dịch sang 19 thứ tiếng và trong 20 năm qua đã trở thành bản văn “gối đầu giường” cho các nhân viên y tế.
Đức ông Musivi Mupendawatu nhấn mạnh rằng sứ điệp của Đức Thánh Cha dành cho Ngày Thế giới các Bệnh nhân lần thứ 25 này, nhan đề “Kỳ diệu thay công trình của Chúa: Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả” (x. Lc 1,49), mời gọi chúng ta “theo dấu cuộc lữ hành của thánh Bernadette đến chiêm ngắm Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, và cuộc đời của ĐứcMẹ trong thinh lặng và suy niệm”. Trích dẫn Bản Hiến Chương mới dành cho giới y tế, Đức ông khẳng định rằng “từ nhãn quan tín lý, bản Hiến Chương tái khẳng định tính thánh thiêng và tính bất khả xâm phạm của sự sống,vì đó là hồng ân của Thiên Chúa.”
Giáo sư Spagnolo giới thiệu tổng quan về tập tài liệu và mở rộng vấn đề. “Với sự ưu thắng của nghiên cứu y sinh học và những thực tại về chăm sóc y tế và xã hội đã trở nên gay go từ năm 1994, cũng như các tuyên bố chính thức của Huấn Quyền Giáo Hội Công Giáo đã vạch ra giới hạn của sự sống và khoa học về sức khỏe (Các tài liệu của các Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô, và các tài liệu của Bộ Giáo Lý Đức Tin, của Hội Đồng Giáo Hoàng về Sự Sống), nay cần phải duyệt lại và cập nhật Bản Hiến Chương dành cho giới y tế. Giáo sư giải thích “Bản Hiến Chương tuy vậy vẫn giữ cấu trúc ban đầu như là một công cụ giúp chuẩn bị và huấn luyện trường kỳ cách nghiêm túc cho các nhân viên y tế trên bình diện đạo đức để duy trì tài năng chuyên môn cần thiết và ơn gọi của họ là các thừa tác viên sự sống”.
“Trước hết, cần mở rộng chú ý hơn đến những người có liên quan đến lãnh vực y sinh học: bên cạnh những người chuyên môn y tế (bác sĩ, y tá, nhân viên phụ giúp y tế), những người khác liên quan đến thế giới y khoa cũng phải được chú ý như là các nhà sinh học, dược sĩ, nhân viên y tế địa phương, những người quản lý y tế và các nhà làm luật trong lãnh vực y khoa, các nhân viên trong các lãnh vực tư nhân hay công cộng.Vài đoạn trong Hiến Chương nói với những người này cách đặc biệt và nói về trách nhiệm đặc biệt của họ khi thi hành nhiệm vụ. Tất cả những người này thi hành nhiệm vụ thường ngày của họ trong mối tương quan liên vị, được ghi dấu bởi sự tin cậy của những người bệnh tật, người bị tổn thương, những người tìm kiếm sự giúp đỡ của khoa học và tri thức của nhân viên y tế, với ước mong được trợ giúp và được chữa lành.
Bản Hiến Chương khích lệ sự trung thành đạo đức của nhân viên y tế, trong các chọn lựa và các hành vi liên quan đến sự sống trong các giai đoạn hiện hữu: sinh ra, sống và cận kề cái chết- là những thời gian cần được suy tư sâu về mặt đạo đức và mục vụ.
Giáo sư Spagnolo giải thích tiếp trong phần về “sinh sản”: “các yếu tố được lưu ý đặc biệt trong phương thế trị liệu vô sinh và áp dụng các phương pháp tự nhiên không chỉ trong việc điều hoà sinh sản mà còn trong việc thụ thai. Có mục nói vềviệc làm đông lạnh mô buồng trứng(mục 38),cũng như nói về một lựa chọn có thể thích hợp về mặt đạo đức trong trường hợp các trị liệu ung thư mà có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người phụ nữ. Bản văn cũng xem xét đến việc sinh sản trong phòng thí nghiệm (mục 39): giữa giao tử người và giao tử thú vật, làm tổ (implantation) phôi người trong tử cung thú vật hay tử cung nhân tạo, sinh sản vô tính bằng nhân bản hay sinh sản đơn tính (parthenogenesis), hay các kỹ thuật tương tự. Tất cả các tiến trình này đều đối nghịch với nhân phẩm của phôi và phẩm giá của sự truyền sinh, và vì thế buộc không được chấp nhận về mặt luân lý. Trong số các chẩn đoán tiền sản (prenatal diagnoses), vài trường hợp có thể được chấp nhận với một số điều kiện; nhưng cần chú ý đến việc chẩn đoán tiền làm tổ (pre-implantation diagnosis) (mục 36), việc này không thể chấp nhận vì nó bộc lộ một não trạng ưu sinh và tạo ra việc phá thai chọn lọc hợp pháp để ngăn chận sự sinh racác trẻ khuyết tật”
Trong phần về “người sống”, tài liệu khẳng định lập trường Huấn Quyền hiện tại vềphá thai, thêm vào vài mục mới xem xét việc giảm trừ phôi (embryonic reduction), ngừa thai, trường hợp các thai vô não (anencephalic foetuses), thai ngoài tử cung và sự bảo vệ quyền được sống (các mục 51-59). Hiến Chương lưu tâm đến vấn đề phòng bệnh và vắc-xin, chủ đề đang được tranh luận (các mục 69-70). Tài liệu cũng bàn đến liệu pháp gen và y học tái tạo (các mục 80-82). Trên bình diện xã hội, tài liệu tập trung vào vấn đề cung cấp chăm sóc y tế và kỹ thuật (mục 91) cho những người ở các nước đang phát triển, đặc biệt là những nước đang bấp bênh về chính trị và thiếu thốn nguồn tài nguyên, mà đại đa số dân chúng bị gạt ra. Các nhân viên y tế và các hiệp hội chuyên ngành y được yêu cầu dẫn đầu trong việc khơi dậy ý thức của các Viện y tế, các tổ chức nhân đạo, công nghệ y khoa…để toàn thể dân chúng được hưởng quyền bảo vệ sức khỏe, đạt được công bằng trong chăm sóc y tế, bảo vệ việc duy trì cả nghiên cứu y khoa và hệ thống y tế. Thêm điều mới nữa là tài liệu bàn đến việc thử nghiệm trên trẻ nhỏ hay những người lớn mất khả năng quyết định, những người dễ bị tổn thương và các phụ nữ đang tuổi sinh đẻ trong các tình huống cấp cứu”.
“Cuối cùng, phần này làm sáng tỏ vai trò của việc tham vấn đạo đức lâm sàng (mục 140), việc này có thể giúp phân định các mối nghi ngờ và xung đột đạo đức mà các nhân viên y tế, bệnh nhân và thân nhân có thể gặp phải trong việc điều trị, và từ đó có thể gợi ý các giải pháp với những lựa chọn về chẩn đoán và điều trị, trong việc tôn trọng các giá trị riêng về y khoa và đạo đức”.
Phần “cận tử”, tài liệu xem xét thái độ và trách nhiệm đạo đức của nhân viên y tế đối với bệnh nhân trong giai đoạn cuối của bệnh(mục 145). Trong lãnh vực này, Bản Hiến Chương xem xét một khía cạnh thờisự, một chủ đề đang được Nghị Viện Ý thảo luận trong những ngày này – đó là việc bày tỏ “di chúc sống” của bệnh nhân (mục 150) về các phương thế trị liệu mà bệnh nhân muốn hay không muốn thực hiện khi mà họ không còn khả năng diễn đạt ý muốn nữa. Hiến Chương khẳng định rằng các ý muốn hợp lý và các quyền lợi hợp pháp của bệnh nhân nên luôn luôn được tôn trọng, nhưng thầy thuốc không chỉ đơn thuần là người thực hiện, mà họ bảo toàn quyền và nhiệm vụ từ chối một yêu cầu trái với lương tâm thầy thuốc.
Một đề tài không kém quan trọng là việc cung cấp nước và chất dinh dưỡng, ngay cả khi phải dùng đường nhân tạo (mục 152), được xem như là chăm sóc cơ bản phải làm cho người cận tử, trừ khi các phương thế này gây ra gánh nặng quá mức cho bệnh nhân hay chúng không đem lại lợi ích gì. Việc cố ý loại bỏ sự cung cấp này, trong chừng mực các chất dinh dưỡng và nước còn đem lại lợi ích cho bệnh nhân, có thể mang ý nghĩa của việc làm chết êm dịu. Bản Hiến Chương khẳng định tính đạo đức của việc sử dụng thuốc an thần mạnh trong giai đoạn cận tử, dựa theo các thông số y khoa theo dõi thường xuyên.
Phần này dựa trên nền tảng là bảo vệ phẩm giá của người cận tử, tôn trọng người bệnh trong giai đoạn cuối đời, loại trừ việc thúc đẩy cái chết (làm chết êm dịu), và tài liệu không khuyến khích cái gọi là “trị liệu tấn công hung bạo”.
“Chắc chắn, Bản Hiến Chương không thể bàn thảo cặn kẽ mọi vấn nạn và vấn đề trong lãnh vực sức khỏe và bệnh tật”, Giáo sư Spagnolo kết luận, “nhưng Bản Hiến Chương được ban hành để cung cấp những hướng dẫn rõ ràng nhất có thể về các vấn nạn đạo đức mà giới y tế thường phải đương đầu, trong sự hoà hợp với giáo huấn của Đức Kitô, và với giáo huấn của Giáo Hội”.
***
Các tham khảo mới sau năm 1994 của Huấn Quyền được trích dẫn trong Bản Hiến Chương:
– Gioan Phaolô II, Thông Điệp Tin Mừng Sự Sống (Evangelium vitae, 1995);
– Gioan Phaolô II, Diễn Từ gửi cho các tham dự viên trong Hội nghị Quốc Tế về Tháp ghép cơ quan (29/8/2000), số. 4: AAS 92 (2000), 823-824;
– Bênêđictô XVI, Thông Điệp Được Cứu Rỗi trong Niềm Hy Vọng (Spe salvi) (2007) và Bác Ái trong Chân Lý (Caritas in veritate, 2009);
– Bênêđictô XVI, Diễn Từ gửi cho các tham dự viên trong Hội nghị Quốc Tế tổ chức bởi Hội Đồng Giáo Hoàng về Sự Sống về đề tài hiến tạng (2008).
– Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông Huấn NiềmVui của Tin Mừng (Evangelii Gaudium, 2013).
– Đức Thánh Cha Phanxicô, Sứ điệp gửi các tham dự viên củaTổng hội của Hội Đồng Giáo Hoàng về Sự Sống nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập (2014).
– Bộ Giáo Lý Đức Tin, Responsa ad quaestiones ab Episcopali Conferentia Foederatorum Americae Statuum propositas circa cibum et potum artificialiter praebenda (2007) (Trả lời một số câu hỏi của Hội Đồng Giám Mục Hoa kỳ về việc cung cấp nước và chất dinh dưỡng cho bệnh nhân trong tình trạng thực vật trường kỳ).
– Bộ Giáo Lý Đức Tin , Huấn Thị Phẩm Giá Con người (Dignitas personae, 2008).
– Hội Đồng Giáo Hoàng về Sự Sống, Viễn cảnh về việc tháp ghép dị loại: Nhận định về phương diện Khoa Học và Đạo Đức (Prospects for Xenotransplantation – Scientific Aspects and Ethical Considerations, Vatican City, 2001).
– Hội Đồng Giáo Hoàng về Sự Sống, Suy Tư Luân Lý về việc Vắc-xin chế tạo từ các tế bào của thai nhi bị phá (Moral reflections on vaccines prepared from cells derived from aborted human foetuses, 2005).
– Nguồn: http://press.vatican.va/content/salastampa/en/bollettino/pubblico/2017/02/06/170206b.html