Sứ điệp Phục sinh 2020 của Bề trên Tổng quyền
Trong Tin Mừng, thánh Gioan nói với chúng ta rằng: Vào chiều hôm ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!”
Chúa đã sống lại! Allêluia! Nhưng giống như các môn đệ ở trong căn phòng khóa kín cửa khi Đức Giêsu hiện ra, chúng ta cũng đang ở sau những cánh cửa đóng kín của tu viện hoặc tu xá, bởi đó là một hành động bác ái nhằm ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của virút corona chủng mới đang ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn người, trong đó có cả anh chị em của chúng ta. Ngay cả khi cất lên lời ca Allêluia, chúng ta vẫn không thể dập tắt được nỗi lo sợ trong lòng, hoặc tìm thấy câu trả lời cho những trăn trở trong tâm trí: Đến bao giờ chúng ta mới lại được bẻ bánh Thánh Thể với dân chúng? Đến khi nào chúng ta mới có thể thăm hỏi và nắm tay những anh chị em lớn tuổi và dễ bị tổn thương? Làm sao người ta có thể sống được khi công việc không còn và nhiều người có thể chết vì đói hay vì bệnh tật? Dịch bệnh này còn kéo dài đến bao giờ?
Các anh em tại trụ sở Santa Sabina đây đã gợi ý cho tôi nên gửi tới anh chị em lời chào thăm cùng những lời hy vọng nhân dịp lễ Phục sinh đặc biệt này giữa cơn đại dịch. Nhưng tôi không muốn thực hiện điều này một mình. Vì thế, tôi đã mời gọi các anh em của chúng ta, những người từng kế vị Thánh Đa Minh, cùng tham dự vào việc này – các anh là biểu trưng cho sự hiệp nhất trong Dòng.
Mời anh chị em cùng lắng nghe Anh Timothy, Anh Carlos và Anh Bruno…
——————————-
Chúc mừng lễ Phục sinh! Thế là đã gần 20 năm kể từ ngày tôi kết thúc nhiệm kỳ Tổng quyền của mình. Tôi hôm nay già hơn, mập hơn, tóc thì ít đi, nhưng tôi vẫn còn sống tốt lắm! Và tôi thật cảm kích khi Bề trên Tổng quyền, Anh Gerard, mời tôi gửi đôi lời đến toàn thể anh chị em.
Chúc mừng lễ Phục sinh! Vài ngày trước, tôi hoàn tất một tháng học hỏi tại trường Kinh thánh Giêrusalem. Tôi đã đến viếng nhà thờ Mộ Thánh để dâng lời cầu nguyện cuối tại ngôi mộ của Đức Giêsu. Vì dịch bệnh, nơi đây chẳng còn ai cả. Hoàn toàn vắng bóng khách hành hương.
Hôm nay, chúng ta cử hành một sự vắng mặt khác. Đó là Đức Giêsu đã không còn ở trong ngôi mộ đó nữa. Tảng đá đã lăn ra và ngôi mộ trống rỗng. Đức Giêsu đã được giải thoát khỏi sự giam hãm của nơi tối tăm này. Rồi chúng ta sẽ sớm cử hành việc Người lên trời về với Chúa Cha, Đấng hiện diện ở khắp mọi nơi.
Trong những ngày này, vì đại dịch khủng khiếp mà hàng tỉ người bị giữ chân trong nhà của mình. Họ cảm thấy ngôi nhà mình đang ở chẳng khác nhà giam là mấy. Chúng ta cứ chờ mà chẳng biết chuyện này sẽ kéo dài đến bao giờ. Nhiều người đã cảm thấy bị cô lập và đơn độc.
Ngày hôm nay chúng ta rao giảng Tin Mừng Đức Kitô Phục sinh sẽ tháo cởi tất cả những gì đang giam hãm và ràng buộc chúng ta. Đây là điều mà Gia đình Đa Minh vẫn đang rao giảng khắp thế giới với hàng ngàn phương cách khác nhau. Tôi xin kể ra đây ba thí dụ trong số đó.
Tôi nghĩ đến các anh em trong huynh đoàn giáo dân tại trại giam Norfolk State Penitentiary ở Massachusetts, Hoa Kỳ. Họ đều bị bỏ tù, trong đó có một vài anh em phải chịu án lâu năm. Dù đang phải sống ở nơi tối tăm này, họ vẫn là những người mang niềm hy vọng và những nhà giảng thuyết của Tin Mừng. Chẳng nhà tù nào có thể giam cầm được sứ điệp của họ.
Tôi nghĩ đến các anh chị em của chúng ta tại Irắc. Họ thường xuyên kiệt sức, khi mỗi ngày sống của mình luôn bị đe dọa bởi bạo lực và bách hại. Thế nhưng họ vẫn tiếp tục giảng dạy và giảng thuyết. Họ đã chẳng để mình bị giam cầm trong sợ hãi.
Trên khắp thế giới, chúng ta được kêu gọi để giải thoát mọi người khỏi giam cầm. Để thực hiện điều đó, mỗi chúng ta phải hỏi xem điều gì đang giam hãm tôi? Tôi cho rằng đó luôn là nỗi sợ hãi yêu thương hết lòng. Tình yêu thì nguy hiểm. Anh Herbert McCabe OP thường nói rằng: “Nếu bạn yêu, bạn sẽ bị thương tổn, có khi bị giết chết. Nhưng nếu không yêu, bạn đã chết thật rồi”. Chính Đức Kitô Phục sinh cũng còn mang các thương tích. Chúng ta không được sợ bị thương tổn. Hãy mạo hiểm yêu thương nhiều hơn.
Chúng ta cũng không được để nỗi sợ cái chết bóp nghẹt mình. Một trong những người bạn thân nhất của tôi trong Dòng, anh David Sanders, mới qua đời vì Covid-19. Khi anh biết rằng mình đang tiến gần đến cái chết, anh nhờ tôi gửi cho anh một quyển sách thật hay nói về cái chết! Anh ấy không sợ đối diện với cái chết. Anh nói: “Nếu tôi đã rao giảng về sự sống lại suốt bao năm qua, thì bây giờ tốt hơn hết, tôi nên chứng tỏ rằng tôi tin vào điều mình đã rao giảng”.
Cuối cùng, nhân ngày lễ Phục sinh, chúng ta hãy đến với tất cả những anh chị em xem chừng đang bị cô lập trong các cộng đoàn của chúng ta. Đừng để ai phải cảm thấy đơn độc hôm nay. Chúng ta hãy mở cửa đến với nhau.
Hãy tự do hít thở luồng dưỡng khí của Thiên Chúa, là Thần Khí sẽ sớm được gửi đến cho chúng ta. Có một chị ở trường Kinh thánh Giêrusalem mắc bệnh suyễn. Khi được cho thở ôxy, chị thốt lên rằng: “Đây đúng là thiên đàng. Tôi có thể thở rồi.” Hãy tự do hít thở luồng dưỡng khí của Thiên Chúa, là Thần Khí.
Chúc mừng lễ Phục sinh!
——————–
Tôi thật biết ơn Anh Gerard, Tổng quyền của chúng ta, vì cơ hội nối kết và nâng đỡ mỗi người chúng ta từ xa, vượt qua sự giam hãm hay cô lập nhờ vẻ đẹp và sự gần gũi của đức tin, cùng sự hiệp thông trong Đức Kitô Phục sinh.
Trong những năm gần đây… (kể ra một vài ví dụ) chúng ta đã bị “ảnh hưởng” bởi các đại dịch khác nhau (SARS, EBOLA, COVID -19) …
Chúng ta đã cầu nguyện bằng lời Thánh vịnh rằng: Có Đấng Tối Cao làm chỗ nương thân, bạn không sợ cảnh hãi hùng đêm vắng hay mũi tên bay giữa ban ngày, cả dịch khí hoành hành trong đêm tối, cả ôn thần sát hại lúc ban trưa… (Tv 90/91).
Nỗi khổ não và âu lo của thời khắc chúng ta đang trải qua… sẽ bị xua tan bởi sắc màu và sự ấm áp của lễ Phục sinh.
Vào đêm Canh thức Vượt qua, một lần nữa chúng ta được chứng kiến những biểu hiệu rất hùng hồn, ngay cả khi tham dự qua các phương tiện truyền thông và mạng Internet. Trong số đó, tôi xin nêu bật yếu tố sau: vị chủ tế “vẽ” trên cây nến Phục sinh, vừa vẽ vừa đọc những lời sau đây:
+ ĐỨC KITÔ VẪN LÀ MỘT, HÔM QUA CŨNG NHƯ HÔM NAY
(vẽ đường dọc và đường ngang của hình thánh giá trên cây nến),
+ LÀ ALPHA VÀ OMEGA, NGHĨA LÀ KHỞI NGUYÊN VÀ TẬN CÙNG
(viết hai mẫu tự Hy lạp phía trên và phía dưới thánh giá).
+ NGƯỜI LÀM CHỦ THỜI GIAN VÀ MUÔN THẾ HỆ. VẠN TUẾ ĐỨC KITÔ VINH HIỂN VÀ QUYỀN NĂNG, ĐẾN MUÔN THUỞ MUÔN MỜI. AMEN.
(viết các con số của năm hiện tại 2020).
Cuối cùng, sau khi vẽ thánh giá và viết các biểu hiệu nói trên, chủ tế gắn năm hạt hương theo hình thánh giá trên cây nến, vừa gắn vừa đọc như sau:
+ VÌ NĂM VẾT THƯƠNG CHÍ THÁNH VÀ VINH HIỂN, XIN CHÚA KITÔ GÌN GIỮ VÀ BẢO VỆ CHÚNG TA. AMEN.
Linh mục lấy lửa mới thắp nến Phục sinh và nói: Xin Đức Kitô, Đấng Phục sinh vinh hiển, chiếu giãi ánh sáng của Người để phá tan bóng tối đang bao phủ lòng trí chúng ta. Với ngọn nến cháy sáng, linh mục sẽ ba lần xướng lên: “Ánh sáng Chúa Kitô!” và chúng ta thưa: “Tạ ơn Chúa”.
Thánh Tôma Tông đồ đã tuyên xưng “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” khi ngài được chiêm nghiệm những vết thương của Chúa. Đây không phải là sự phản ứng lại trước một phép lạ mới hoặc trước một bài diễn thuyết bậc thầy của Đức Giêsu về ý nghĩa của đau khổ, cái chết hay sự sống (xc. Ga 20,28)
Chúa không đến để giải thích về đau khổ, cái chết, sự sống… nhưng để lấp đầy chúng bằng chính sự hiện diện của Người khởi đi từ sự hiền hậu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Anh Bruno đã luôn muốn nhắc nhở chúng ta về điều này.
Như Thánh Đa Minh, chúng ta rao giảng về lòng trắc ẩn (compasión) của Thiên Chúa. Chúng ta sống hiệp thông trong cùng một niềm pasión. Việc giảng thuyết của chúng ta là TRẮC ẨN (COMPASIVA).
Điều này soi sáng cho chúng ta thấy hai khía cạnh (của từ pasión). Một đàng ý nghĩa khá “tích cực”: PASIÓN-SAY MÊ, có nghĩa là sức mạnh, lực đẩy, năng lượng, và lòng khát khao năng động! (biết bao vị thánh đã nói và kinh nghiệm về lòng khát khao Thiên Chúa như là động cơ cho cuộc sống tâm linh của mình). Anh Timothy từng nói với chúng ta nhiều về tầm quan trọng của lòng khát khao này. Đức Giêsu đã chết là vì say mê Cha và các anh em của Người.
Khía cạnh còn lại xem ra “thụ động”: Pasión-thương khó, được hiểu theo nghĩa khổ đau, chịu đựng và nước mắt… nghĩa là biết cách chịu đựng tất cả điều này. Chúa đã chịu chết bởi vì những người nam cũng như nữ đang chết. Người chịu chết cũng bởi vì chúng ta, những người nam và người nữ, giết chóc lẫn nhau.
Những vết thương Đấng Phục sinh mang lấy chính là dấu chứng cuộc thương khó của Đức Giêsu.
Đời sống và việc giảng thuyết của thánh Đa Minh thấm nhuần ý nghĩa kép của hạn từ PASIÓN này vì Chúa, vì anh em; và vì muốn biết cách chịu đau khổ.
Anh Damian Byrne đã tóm lại cách đơn giản thế này: cha Đa Minh đã bán sách vì yêu mến người nghèo; giảng lòng thương xót vì yêu thương người tội lỗi (ngài khóc cho họ và còn cật vấn về số phận của người tội lỗi sẽ thế nào?); Cha Đa Minh trao tặng chính mình cho sứ vụ mà không hề đặt ra bất kỳ giới hạn nào đối với tình yêu dành cho những ai vẫn còn đang xa Chúa và chưa biết Chúa, những người ngoại giáo (không có ý phân biệt), đến độ sẵn sàng chết nếu cần.
Anh Vincent De Couesnongle thường đặt câu hỏi với Gia Đình Đa Minh “Đâu là người Cuman của tôi?”
Khi đề cập dịch bệnh hay bệnh tật, kiểu nói “họ hay chúng ta là những kẻ mang cái virút này, virút nọ” thường được sử dụng. Nhưng, thực tế, chúng ta là những người mang sứ điệp Tin Mừng: ĐỨC GIÊSU ĐANG SỐNG.
Ước gì lễ Phục sinh này giúp chúng ta trở nên những người mang lấy ba dấu chỉ của Tin mừng, tích hợp niềm vui đích thực, điều mà thực sự chúng ta không thể chứa nổi, đóng lại, hạn định và làm lan tỏa vô hạn: Đó là ÁNH SÁNG mà chúng ta không thể đặt dưới gầm bàn bởi vì Chúa đang ngự đến và chúng ta sắp ra đón Người! Đó là ÂM NHẠC mà ai cũng nghe được từ xa vì có một bữa tiệc đang diễn ra nơi đây! (ngay cả người anh của đứa con hoang đàng… chẳng muốn tham dự bữa tiệc cũng nghe thấy) Đó là DẦU THƠM của cô Maria đã lan tỏa khắp ngôi nhà bởi đây chính là hương thơm mà nhờ đó người ta nhận ra những nhà giảng thuyết của Tin Mừng.
Thân ái trong Thánh Đa Minh và Thánh Catarina, MỪNG CHÚA PHỤC SINH!
———————–
Xin gửi lời chào thân ái đến tất cả anh chị em thân thương của tôi. Với tất cả con tim, tôi cùng với Anh Gerard, Tổng quyền của Dòng chúng ta, Anh Timothy và Anh Carlos chúc anh chị em một lễ Phục sinh tốt đẹp và thánh thiện! Khi tôi làm điều này, nhiều khuôn mặt, nhiều ký ức hiện lên trong tâm trí tôi, đặc biệt là những anh chị em bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi cơn đại dịch. Nó gần như làm tê liệt cả thế giới. Vâng thế nhưng, ngay trong cơn thử thách này, tôi cũng xin chúc anh chị em một lễ Phục sinh tốt đẹp và sốt sắng! Xin cho biến cố Phục sinh củng cố hơn nữa niềm tin của chúng ra rằng sự sống Chúa Kitô Phục sinh mang lại mạnh mẽ hơn tất cả bóng tối, sợ hãi và cái chết.
Trong hành trình tiến đến lễ Phục sinh, chúng ta đã trải nghiệm một Mùa Chay rất lạ, được ghi dấu bởi mối đe dọa của một cơn đại dịch mà bước tiến của nó gần như không thể tránh và nỗi hoang mang về sức tàn phá của dịch bệnh xung quanh chúng ta. Đối với nhiều người, đây là thời gian bị giam hãm, cô lập, cách ly khỏi những người chúng ta mong ước được cử đến để chia sẻ với họ niềm vui được gặp gỡ Đức Giêsu Kitô. Đó là thời khắc chúng ta lo lắng cho các anh chị em, gia đình, bạn bè và tất cả mọi người xung quanh. Đó là thời gian của đau khổ, bệnh tật và tang tóc. Đó là thời khắc của bi kịch kinh tế xảy đến do dừng các hoạt động và do sự hạn chế, tạo ra một chân trời bất định và nguy hiểm, cùng với nỗi sợ rằng nó sẽ một lần nữa gây ra thiệt hại cho những người đang sống một cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn. Sợ rằng sau cuộc khủng hoảng, một lần nữa họ sẽ là người đầu tiên bị lãng quên, là những nạn nhân đầu tiên. Thật vậy, cuộc khủng hoảng vì đại dịch lần này đã tỏ lộ rõ ràng hơn bao giờ hết về sự bất bình đẳng, sự chia rẽ cũng như những lựa chọn quản lý trong kinh tế và chính trị, mà chúng ta thấy cần phải thay đổi ngay để công ích có thể thực sự trở thành ưu tiên chung của chúng ta.
Dĩ nhiên, thế giới sẽ thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này. Nhưng bằng cách nào? Phải chăng lễ Phục sinh là một cơ hội để các Kitô hữu khẳng định rằng sự vượt qua khỏi cuộc khủng hoảng này không có nghĩa là trở về với lối sống trước kia? Chẳng phải chúng ta tuyên xưng rằng một sự sống hoàn toàn mới mẻ đã khai sinh từ sự tự hủy của Đức Kitô, rồi chúng ta lại mau chóng quên rằng con người có khả năng sống đời sống mới ấy, vì chưng chính Thiên Chúa, nơi Ngôi Lời nhập thể, đã trở nên nguồn mạch của sự sống mới này?
Chúng ta sẽ thoát ra khỏi sự kìm hãm như các môn đệ đã bước ra khỏi nhà Tiệc Ly sau khi bị tê liệt vì các biến cố của cuộc thương khó và không dám tin vào lời loan báo của những người phụ nữ -là những người đã thấy ngôi mộ trống. Nhưng những người nam và người nữ này đã không bước ra như khi họ bước vào, và đó thực sự là động lực mà thánh Đa Minh muốn ghi khắc nơi trái tim của Dòng ngay từ lúc khởi đầu, tại Prouilhe, từ nơi này, tôi vui mừng chào thăm anh chị em hôm nay.
Họ ra đi như những chứng nhân về bữa tối cuối cùng được chia sẻ với Thầy mình. Họ ra đi như những người anh chị em để loan báo một tương lai huynh đệ cho nhân loại. Một tương lai trong đó mọi người biết quan tâm đến vận mệnh của nhau, bắt đầu từ những người mà thế giới này khi cho rằng mọi cái đều ổn, đã có thói quen xấu là gạt họ ra “bên lề xã hội”. Đó là một tương lai không thể bị giảm thiểu bằng các mệnh lệnh độc tôn của chủ nghĩa tự do kinh tế, hay việc có thể bảo vệ sự sống sinh học mà không đếm xỉa đến phẩm giá toàn vẹn của mỗi người. Năm nay, lễ Phục sinh là thời điểm thích hợp để tuyên bố chấm dứt những thiếu sót và loại trừ này.
Họ ra đi như những môn đệ được dạy dỗ theo Sách của Đức Ái, của sự sống được trao ban và chia sẻ từ thập giá, vốn là một công cụ nhục hình, đã trở thành ngai tòa mang tước hiệu Lời Chân lý. Cuốn sách về sự sống này dạy rằng người ta không thể hiến dâng mạng sống mà không khước từ mạng sống mình. Thế giới không thể hình dung ra một tương lai tràn đầy sự sống và bình an cho mọi người nếu như không thay đổi tận căn những ưu tiên dành cho việc vận dụng sự sáng tạo, qua đó nhân loại cư ngụ và biến đổi thế giới thành một nơi thân thiện hơn đối với mọi người, bắt đầu từ những ai mà ngày nay hầu như chẳng có chốn dung thân, chẳng có tên tuổi. Sau giai đoạn cách ly, nhân loại cần thay đổi để biết thực sự chăm sóc ngôi nhà chung của mình.
Họ ra khỏi nhà tiệc ly như những môn đệ thừa sai, hân hoan lên đường đến với mọi ngôn ngữ và mọi nền văn hóa, để nối dài cuộc đối thoại trong tình bằng hữu mà Ngôi Lời đã khởi xướng; Người là Đấng đã đến để hoàn trọn lời hứa về giao ước của Thiên Chúa từ lúc khởi đầu của mọi khởi đầu. Cuộc đối thoại đó không thể bị giảm thiểu thành những cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng và quyền lực giữa các quốc gia; nó không cho phép lập lờ giữa sự thật và giả dối trong chính trị; nó không thể bị giản lược trong những thành công vang dội để rồi chà đạp những người thấp cổ bé miệng nhất trên thế giới; một cuộc đối thoại không thể tiếp tục chấp nhận rằng nỗi sợ hãi giữa người với người là khuôn mẫu khả dĩ duy nhất để xây dựng một tương lai.
Họ ra đi như các môn đệ thừa sai. Được kiện cường nhờ sức sống phục sinh của Đức Kitô, họ muốn tuyên bố rằng sự hiệp thông giữa con người không thể là kết quả của sự đối đầu giữa sức mạnh và quyền lực – sự che đậy rất nực cười những yếu đuối và vô tri – nhưng sự hiệp thông đó chính xác là hoa trái của việc chấp nhận cách khiêm tốn rằng con người không thể làm chủ mọi sự. Các môn đệ tuyên bố rằng sự cao cả của con người không hệ tại ở việc xây dựng một thế giới mà họ có thể làm chủ, bởi vì nó sẽ được tạo ra theo khuôn thước và hình ảnh của con người. Họ tuyên bố rằng sự cao cả của con người nằm ở khao khát mãnh liệt muốn cư ngụ cách khiêm hạ trong một thế giới mà con người đón nhận và hiến dâng một cách nhưng không cho mọi kẻ gần xa. Một thế giới được hình thành nhờ sự hiệp thông huynh đệ và một tương lai đại đồng. Đó là một thế giới mà mọi người có thể cùng nhau thăng tiến, trong niềm hy vọng chung về một tương lai cùng với tất cả mọi người và cùng cho Thiên Chúa.
Ước gì lễ Phục sinh làm cho chúng ta, nơi trường học của Thánh Đa Minh, trở nên những chứng nhân, những nhà giảng thuyết và những người kiến tạo tình hiệp thông này. Mừng lễ Phục sinh đến tất cả anh chị em!
————————————–
Xin chân thành cảm ơn Anh Timothy!
Xin chân thành cảm ơn Anh Carlos!
Xin chân thành cảm ơn Anh Bruno!
Cảm ơn quý Anh đã gửi thông điệp truyền cảm hứng đến tất cả CHÚNG TA, mọi thành viên của Gia đình Đa Minh! Tôi thiết nghĩ, sự đóng góp bé nhỏ của tôi trong lời chúc mừng lễ Phục sinh tập thể cách ngoại thường này là để nói với anh chị em rằng, qua việc đồng ý cùng tôi chúc mừng anh chị em trong lễ Phục sinh vào thời điểm xảy ra đại dịch, quý Anh đã cho chúng ta thấy anh chị em không đơn độc, chúng ta không đơn độc!
————————-
Nhiều năm trước, cha giáo tập đã nói với chúng tôi: trở nên một người Đa Minh là thuộc về một gia đình! Và gia đình này hiện diện trên toàn thế giới. Anh Timothy gửi lời chào từ Oxford, Anh Quốc, Anh Carlos từ Bahía Blanca, Argentina, Anh Bruno từ Prouilhe, Pháp, và tôi ở đây trong căn phòng của Thánh Đa Minh ở Santa Sabina. Tất cả chúng ta cùng nhau đối mặt với mối đe dọa của bệnh tật và cái chết, việc chăm sóc các bệnh nhân, niềm tiếc thương về sự ra đi của một vài anh em, việc tìm kiếm những cách thức mới để giảng thuyết và chia sẻ suy tư, việc mời mọi người tham dự trực tuyến với chúng ta trong lời cầu nguyện và phụng vụ, thực hiện những công việc cụ thể của lòng thương xót như chia sẻ lương thực và thiết bị bảo hộ cho những nhân viên chăm sóc bệnh nhân.
Nhiều Kitô hữu đã cử hành Tam Nhật Vượt Qua trong cửa đóng then cài. Liệu cuộc sống của chúng ta sẽ vẫn thế sau cơn đại dịch? Quan trọng là, liệu cuộc sống chúng ta sẽ vẫn thế sau lễ Phục sinh? Chúa Phục sinh đi qua những cánh cửa bị khóa chặt để vào, chào thăm chúng ta với bình an của Người và bảo chúng ta đừng sợ hãi. Khi mọi thứ dường như vô vọng và chúng ta cảm thấy bất lực, Chúa Phục sinh bảo đảm với chúng ta rằng Người sẽ gặp chúng ta tại “Galilê”. Đó là nơi các môn đệ tìm thấy ơn gọi của mình. “Galilê” của chúng ta là câu chuyện về ơn gọi của chúng ta. Đó là nơi Đức Giêsu hỏi Phêrô “Con có yêu mến Thầy không?”. Là những nhà giảng thuyết, giáo dân hay giáo sĩ, hoạt động hay chiêm niệm, chúng ta đã trở nên những người Đa Minh bởi vì chúng ta đã thưa “Vâng” khi chúng ta đã nghe cùng một câu hỏi sâu thẳm trong trái tim mình. Và Chúa Giêsu bảo chúng ta: “Hãy dưỡng nuôi chiên của Thầy”. Ngày nay có quá nhiều sự đói khát: đói khát Bánh Sự Sống, đói khát Lời Chúa, đói khát lương thực, đói khát lòng thương cảm và tình liên đới. Vì tình yêu của Chúa Giêsu, nào chúng ta tiếp tục nuôi dưỡng đàn chiên của Chúa Phục sinh.
Mừng Chúa Phục sinh! Alleluia!
Blessed Easter to you all! Alleluia!
¡Feliz Pascua a todos ustedes! ¡Aleluya!
Joyeuses Pâques à vous tous ! Alléluia !