Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Trung Tâm Học Vấn Đaminh: Hội Thảo "Tôn Giáo Tại Việt Nam Hiện Nay Theo Nhãn Quan Xã Hội Học"

Administrator
2018-09-24 08:22 UTC+7 13
Anh Nguyễn, OP.   HVĐM (24-10-2016) – Như đã thông báo trước đây, vào lúc 07g30, thứ Bảy ngày 22-10-2016, tại Trung Tâm Học Vấn Đaminh, đã diễn ra buổi hội thảo chuyên đề lần thứ nhất của niên học 2016-2017 với chủ đề: “Tôn giáo tại Việt Nam hiện nay theo nhãn quan Xã […]


Anh Nguyễn, OP.

 

HVĐM (24-10-2016) – Như đã thông báo trước đây, vào lúc 07g30, thứ Bảy ngày 22-10-2016, tại Trung Tâm Học Vấn Đaminh, đã diễn ra buổi hội thảo chuyên đề lần thứ nhất của niên học 2016-2017 với chủ đề: “Tôn giáo tại Việt Nam hiện nay theo nhãn quan Xã Hội Học”.

Đúng như chúng tôi dự kiến, bởi đây là một chủ đề khá “nhạy cảm” và được diễn ra trong thời điểm “nhạy cảm” tại Việt Nam, nên số người tham dự rất đông với nhiều thành phần khác nhau. Tham dự buổi hội thảo có Cha Vincent Phạm Xuân Hưng, OP., Phụ tá Giám tỉnh Tỉnh Dòng Đaminh Việt Nam; Ban Giám Đốc Trung Tâm Học Vấn Đaminh; Đại diện Ban Giám Đốc một số Học Viện; quý Bề trên các Hội Dòng nam nữ; quý Giáo sư; các Nhà nghiên cứu chuyên môn trong lãnh vực xã hội và giáo dục; quý Thầy và quý Soeur các học viện; quý anh chị em giáo dân; và ngoài ra, chúng tôi còn nhận thấy có sự xuất hiện của những vị khách đặc biệt được nhà nước cử đến.

Phần thuyết trình thứ nhất của buổi hội thảo do Tiến sĩ Nguyễn Xuân Nghĩa trình bày với đề tài: “Quá trình thế tục hóa, nguyên tắc thế tục của nhà nước và vài suy nghĩ về mối tương quan giữa nhà nước với các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam hiện nay”.

– Bài thuyết trình được bắt đầu với việc khái lược về quá trình hình thành và các định nghĩa của thế tục hóa dưới góc độ xã hội học; qua đó người ta chia thành ba cấp độ của khái niệm thế tục hóa: 1/. Cấp độ xã hội; 2/. Cấp độ định chế và tổ chức; 3/. Cấp độ cá nhân. Thuyết trình viên nhận định rằng: “Các quá trình thế tục hóa đều có tác động hai chiều, vì thế quá trình thế tục hóa không nhất thiết đi đôi với sự tàn lụi của tôn giáo”.

– Kế tiếp, tác giả trình bày về “các nguyên tắc thế tục của nhà nước”. Trong đó, nguyên tắc thế tục của nhà nước ngày nay cần phải dựa trên ba cơ sở: 1/. Tôn trọng tự do lương tâm và thực hành tự do này ở cấp độ cá nhân và tập thể; 2/. Sự độc lập của hệ thống chính trị (nhà nước, chính quyền) đối với các chuẩn mực của bất kỳ tôn giáo hay xác tín triết học cụ thể nào; 3/. Không phân biệt đối xử trực tiếp hay gián tiếp với mọi con người, đặc biệt là vì xác tín tôn giáo và triết học của họ.

– Cuối cùng, thuyết trình viên nói về “tương quan giữa nhà nước và các tổ chức tôn giáo tại Việt Nam”, cách riêng từ năm 1975 đến nay. Trong khoảng thời gian này, tác giả chia làm hai giai đoạn:

+ Từ 1975-1986, và rộng hơn đến năm 1990: Đây được gọi là giai đoạn “thế tục hóa cưỡng bức”.

+ Từ 1990-nay: Đây dược gọi là giai đoạn “khoan dung tôn giáo và ít nhiều “giải thế tục””.

Tóm kết, thuyết trình viên nhận định rằng: “Luận đề thế tục hóa là luận đề đa chiều, nhưng các nhà xã hội học đã xem nó như là một hệ hình với các chiều kích đa dạng, ít nhiều giúp hiểu biết về những biến chuyển của tôn giáo trong thời hiện đại”. Do vậy, không chỉ Giáo Hội đã lên tiếng khẳng định qua các văn kiện Hiến chế Gaudium et spesTuyên ngôn Dignitatis humanae về sự cần thiết tách biệt giữa chính quyền và tổ chức tôn giáo; mà ngay cả tổ chức Liên Hiệp Quốc cũng như các quốc gia trên thế giới đều nhấn mạnh đến sự tách biệt giữa hai thể chế này, cụ thể là “Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị” có hiệu lực năm 1976 và Việt Nam đã phê chuẩn năm 1982, và “Tuyên ngôn thế giới về tính thế tục ở thế kỷ XXI” năm 2005 tại Paris.

Phần thuyết trình thứ hai, như đã thông báo trước đó, do Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng trình bày với đề tài: “Những vấn đề trong nghiên cứu tôn giáo hiện nay tại Việt Nam”. Tuy nhiên, vì lý do cá nhân (như được thông báo trong buổi hội thảo) nên Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng đã không thể đến trình bày. Thay vào đó, Cha Giuse Phan Tấn Thành, OP., Giám đốc Học Vụ Tỉnh Dòng Đaminh Việt Nam, đã trình bày đề tài: “Xã Hội Học Các Dòng Tu” (Xem toàn văn bài thuyết trình).

Khởi đi từ phân tích cách dùng từ ngữ khi nói đến ngành khoa học về tôn giáo như: “religious studies”, “sciences des religions”, “sciences religieuses”, “sociologie religieuse”, “sociologie des religions”,… tác giả muốn cho thấy có những “phạm trù” hay “giới hạn” của việc nghiên cứu khoa học về tôn giáo. Từ đó, tác giả triển khai khía cạnh đời sống của các Dòng tu dưới góc độ xã hội học với hai phần chính: 1/. “Dòng tu xét như một xã hội” và 2/. “Dòng tu trong xã hội”. Cuối cùng, trong phần kết luận, tác giả nhận định rằng: Xã Hội Học không giải thích hiện tượng tu trì cách toàn diện, bởi vì không muốn đả động đến các khía cạnh siêu nhiên. Tuy nhiên, ít nhất là Xã Hội Học giúp chúng ta hiểu biết khía cạnh “con người” của các Dòng tu, ở hai cấp độ: mô tả và giải thích.

Buổi hội thảo kết thúc với nhiều câu hỏi gợi mở cho các tham dự viên cũng như những ai đã, đang và sẽ quan tâm đến đời sống của Giáo Hội trong môi trường xã hội. Thiết nghĩ, Giáo Hội được sai đi không phải tách rời khỏi xã hội, nhưng tiến vào trong để làm cho xã hội được dậy men Chân Lý (Xc. Mc 16,15-18); và đó cũng chính là sứ vụ mà mỗi người Kitô hữu được gọi mời luôn sẵn sàng thực thi cách hữu hiệu nhất trong chính cuộc sống thực tại của mình.

 

 

 

Chia sẻ