Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Thánh Syrilô Giêrusalem

Administrator
2019-03-17 07:12 UTC+7 35
Trích ĐGH Bênêdictô XVI, 36 Thánh Tiến Sĩ (Tp. HCM: Nxb Phương Đông, 2017), tr. 45-52. Vị giáo phụ Đông phương này trải qua một cuộc đời lắm nỗi truân chuyên, ba lần bị lưu đày. Ngài nổi tiếng về lòng trung thành tuyệt đối với Giáo hội và có những bài giáo lý rất […]

Trích ĐGH Bênêdictô XVI, 36 Thánh Tiến Sĩ (Tp. HCM: Nxb Phương Đông, 2017),
tr. 45-52.

Vị giáo phụ Đông phương này trải qua một cuộc đời lắm nỗi truân chuyên, ba lần bị lưu đày. Ngài nổi tiếng về lòng trung thành tuyệt đối với Giáo hội và có những bài giáo lý rất sống động về hồng ân tái sinh nhờ bí tích Rửa Tội. Đức Bênêđictô XVI dành buổi tiếp kiến chung ngày 27 tháng 06 năm 2007 để giới thiệu nội dung chính của hai mươi bốn bài giáo lý của thánh Syrilô, theo tiến trình nền tảng: tín lý, luân lý và mầu nhiệm.

*****

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về thánh Syrilô thành Giêrusalem. Cuộc đời của ngài đan xen hai chiều kích: thứ nhất, nhiệt thành chu toàn công tác mục vụ; thứ hai, tận tụy đến quên mình trong những cuộc tranh luận, chống lại những gì đã gây phiền nhiễu cho đời sống đức tin vào thời đó ở Giáo Hội Đông phương.

Syrilô sinh tại (hoặc gần) Giêrusalem vào năm 315, thụ hưởng một nền giáo dục văn chương trổi vượt. Nền giáo dục ấy đã xây dựng nền tảng văn hóa Kitô giáo nơi ngài, trọng tâm là nghiên cứu Kinh Thánh. Ngài được đức giám mục Maximus truyền chức linh mục.

Khi đức giám mục Maximus qua đời (hoặc bị cách chức) vào năm 348, Syrilô đã được tấn phong giám mục bởi đức tổng giám mục Acacius, lúc đó, là người đang có ảnh hưởng lớn trên miền Caesarea, ở Palestine. Đức tổng giám mục này là một người theo phái Ariô, vốn có cảm tưởng rằng Syrilô là một trợ tá đứng về phe mình. Vì thế, người ta đã từng hoài nghi về việc Syrilô được bổ nhiệm làm giám mục, bởi nhượng bộ và thoả hiệp với phái Ariô.

Trên thực tế, ngay từ đầu Syrilô đã tỏ ra đối lập với đức tổng Acacius, không chỉ về phạm vi đạo lý mà còn cả thẩm quyền nữa, bởi ngài đã tuyên bố tòa giám mục của mình độc lập với tòa giám mục Caesarea của Acacius.

Syrilô bị lưu đày ba lần trong khoảng hai mươi năm: cuộc lưu đày đầu tiên diễn ra vào năm 357, sau khi bị Công nghị Giêrusalem bãi nhiệm; cuộc lưu đày thứ hai diễn ra vào năm 360, bởi âm mưu của Acacius; cuộc lưu đày cuối cùng vào năm 367 là dài nhất, khoảng mười một năm, bởi hoàng đế Valens thuộc phe Ariô.

Đúng vào năm 378, sau khi hoàng đế băng hà, Syrilô giành lại quyền sở hữu tòa giám mục của ngài, rồi xây dựng hiệp nhất và hòa bình cho các Kitô hữu.

Có một số nguồn tài liệu thời đó hoài nghi về tính chính thống của Syrilô, nhưng cũng có một số nguồn tài liệu cổ khác bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ thiện ý của thánh nhân. Trong số những nguồn tài liệu ủng hộ đó, uy tín nhất là “Thư gởi Công nghị” năm 382 (tức là một năm sau Công đồng Constantinopoli) mà trong đó Syrilô đã đóng góp một phần quan trọng.

Trong lá thư được gởi đến giám mục Rôma, các đức giám mục Đông phương công nhận tính chính thống tuyệt đối, tính hợp pháp của việc truyền chức giám mục cho Syrilô, đồng thời khẳng định thánh nhân có tài xuất sắc trong những công việc mục vụ và tận tuỵ cho đến khi qua đời vào năm 387.

Trong số các tác phẩm của thánh Syrilô, phải kể đến hai mươi bốn bài giáo lý nổi tiếng vẫn còn được lưu giữ lại. Đó là những bài giáo lý thánh nhân giảng dạy với vai trò là giám mục vào khoảng năm 350.

Mười tám bài giáo lý đầu tiên được soạn để dạy cho các dự tòng hoặc các ứng viên khai tâm (tức là các ứng viên chuẩn bị lãnh Phép Rửa); những bài này được giảng dạy ở Vương cung Thánh đường Mộ Chúa. Phần đầu của những bài giáo lý đầu tiên (1-5) lần lượt trình bày những điều kiện cần thiết để được lãnh Phép Rửa, mời gọi ứng viên hoán cải, từ bỏ lối sống ngoại giáo, giải thích ý nghĩa bí tích Thánh Tẩy và mười chân lý nền tảng trong Kinh Tin Kính.

Mười ba bài giáo lý tiếp theo (6-18) hợp thành phần “Mở Rộng,” giải thích về Kinh Tin Kính Giêrusalem với những giọng điệu dường như chống lại bè rối Ariô.

Trong số năm bài giáo lý sau cùng được gọi là phần “Dẫn Vào Mầu Nhiệm” (Mystagogical Catecheses), có hai bài đầu dành để chú giải các nghi thức của Phép Rửa, và ba bài cuối tập trung vào ý nghĩa của việc xức dầu thánh, Mình và Máu Chúa Kitô, Phụng vụ Thánh Thể. Những bài cuối cùng này cũng có phần chú giải về Kinh Lạy Cha.

Những bài giáo lý của thánh Syrilô đặt nền tảng cho tiến trình dẫn các tín hữu bước vào đời sống cầu nguyện, từ đó góp phần thúc đẩy tiến trình khai tâm Kitô giáo, tức là ba bí tích Rửa Tội, Thêm Sức, và Thánh Thể.

Những bài giáo huấn của thánh Syrilô về nền tảng đức tin Kitô giáo cũng đóng vai trò là những bài luận chiến, chống lại dân ngoại, chống lại những Kitô hữu gốc Dothái và những người theo phái Manikê. Luận cứ được đặt nền trên sự hoàn trọn những lời hứa trong Cựu Ước, bằng ngôn ngữ giàu hình tượng.

Những bài giáo lý này đánh dấu một giai đoạn quan trọng, xét trong một bối cảnh rộng lớn hơn là toàn bộ đời sống đức tin của cộng đoàn Giáo Hội – đặc biệt, khía cạnh Phụng vụ, vì từ cung lòng Mẹ Hội Thánh, các Kitô hữu tương lai đã được cưu mang, cùng đồng hành có lời cầu nguyện và chứng tá của vô số anh chị em tín hữu.

Nhìn chung, các bài giảng của thánh Syrilô đã góp phần xây dựng một hệ thống giáo lý về hồng ân tái sinh nhờ bí tích Rửa Tội.

Thánh nhân chia sẻ với các tân tòng: “Anh chị em đã được mắc vào những chiếc lưới của Giáo Hội (x. Mt 13,47). Vì vậy, hãy giữ lấy sự sống, đừng bao giờ đánh mất, vì chính Đức Giêsu, Đấng đã câu được anh chị em, không phải để giết hại, nhưng là để Phục Sinh tất cả sau khi chết. Thật vậy, anh chị em phải chết đi và trỗi dậy một lần nữa… (x. Rm 6,11.14). Chết đi cho tội lỗi của mình và quyết tâm sống công chính kể từ ngày hôm nay.”[1]

Từ một quan điểm đậm chất đạo lý đức tin, thánh Syrilô đã chú giải Kinh Tin Kính Giêrusalem, với phương pháp tiên trưng của Sách Thánh, nhìn trong một mối tương quan “hài hoà” giữa hai phần Cựu Ước và Tân Ước, để đến với Đức Kitô, trung tâm của toàn thể vũ trụ.

Phương pháp tiên trưng này đã được thánh Augustinô thành Hippo diễn tả một cách chắc chắn qua công thức: “Trong Cựu Ước đã ẩn tàng Tân Ước, và Tân Ước mạc khải về Cựu Ước.”[2]

Giáo huấn về đời sống luân lý được gắn kết thống nhất, sâu xa với khía cạnh đạo lý đức tin: đạo lý dần dần thấm nhập tâm hồn rồi thúc đẩy các linh hồn thay đổi những hành vi và lối sống ngoại giáo xưa cũ, để sống một cuộc đời mới trong Đức Kitô, là hồng ân cao quý của bí tích Rửa Tội.

Sau cùng, những bài giáo lý “Dẫn Vào Mầu Nhiệm” đã đánh dấu đỉnh cao những hướng dẫn của thánh Syrilô, không chỉ nhắm tới các dự tòng chuẩn bị lãnh nhận bí tích, nhưng còn chú ý đến các tân tòng vừa mới thụ lãnh Phép Rửa, trong suốt tuần lễ Phục Sinh. Ngài hướng dẫn họ khám phá các mầu nhiệm cao quý được ẩn giấu trong những nghi thức cử hành trong đêm Canh thức Vượt qua. Nhờ hiệu lực của bí tích vừa thụ lãnh, anh chị em tân tòng được ánh sáng đức tin soi dẫn, có thể hiểu rõ hơn các mầu nhiệm của đạo thánh khi cử hành các nghi thức.

Đặc biệt đối với các tân tòng gốc Hylạp, thánh Syrilô vận dụng phương thức trực quan, vốn quen thuộc trong nếp nghĩ và văn hoá của họ. Chính đoạn văn dẫn người ta đi từ nghi thức bước vào mầu nhiệm khiến cho người tân tòng hết sức kinh ngạc đồng thời cảm nghiệm được ý nghĩa của đêm Phục Sinh.

Xin trích dẫn một bài giải thích mầu nhiệm Phép Rửa: “Anh chị em đã được dìm xuống ba lần trong nước, và cũng ngoi lên ba lần như vậy. Điều đó ám chỉ Đức Kitô đã được mai táng ba ngày, anh chị em đang bắt chước Đấng cứu độ chúng ta, trải qua ba ngày ba đêm trong lòng đất (x. Mt 12,40). Khi ngoi lên khỏi nước lần thứ nhất, hãy nhớ đến ngày vượt qua đầu tiên của Đức Kitô. Dìm mình vào trong nước lần thứ nhất là chúng ta tuyên xưng đêm đầu tiên Đức Kitô được chôn vùi trong mồ đá. Ai ở trong bóng tối thì không còn nhìn thấy gì nữa, nhưng ai sống giữa ban ngày, thì cư ngụ trong ánh sáng và nhìn thấy vạn vật. Cũng thế, khi bị dìm xuống, chúng ta ở trong bóng tối và không nhìn thấy gì cả, nhưng khi ngoi lên, chúng ta lại thuộc về ban ngày. Chính trong khoảnh khắc như vậy, chúng ta chết đi và được tái sinh; nguồn nước cứu độ đó tức khắc vừa là mồ chôn vừa là người mẹ sinh ra chúng ta… giờ chết đi liền với giờ tái sinh: cùng một lúc diễn ra cả hai sự kiện này.”[3]

Mầu nhiệm này được hiểu là kế hoạch của Thiên Chúa, được thực hiện nhờ các hành động cứu độ của Đức Kitô trong Hội Thánh.

Cứ thế, chiều kích dẫn vào mầu nhiệm đi liền với chiều kích biểu tượng, diễn tả cảm nghiệm thiêng liêng mà các tín hữu ‘ngộ ra.’ Có thể nói, giáo lý của thánh Syrilô dựa trên ba yếu tố nền tảng tín lý, luân lý, mầu nhiệm, chứng tỏ là bài giáo lý hoàn chỉnh trong Chúa Thánh Thần. Chiều kích mầu nhiệm tổng hợp hai chiều kích trước, đang khi hướng đến việc cử hành bí tích, nơi đó diễn ra ơn cứu độ cho con người trọn vẹn.

Tóm lại, giáo lý của thánh Syrilô là huấn giáo trọn vẹn, bao gồm cả thần trí, tâm hồn, và thân xác, trở nên khuôn mẫu cho việc giảng dạy giáo lý hôm nay.

——————————————————————

[1]Syrilô Giêrusalem, Procatechesis, 5.

[2] Augustinô, De Catechizandis Rudibus, 4,8.

[3] Syrilô Giêrusalem, Second Mystagogical Catechesis, 4.

Chia sẻ