Thánh Ambrôsiô
Trích ĐGH Bênêdictô XVI, 36 Thánh Tiến Sĩ (Tp. HCM: Nxb Phương Đông, 2017),
tr. 84-92.
Đây là vị giám mục vĩ đại nhất của vùng Milan trong lịch sử Giáo hội. Ngài có công “khơi lên niềm tin và cuộc hoán cải của thánh Augustinô.” Đức Bênêđictô XVI dành buổi tiếp kiến chung ngày 24 tháng 10 năm 2007 giới thiệu sơ lược về cuộc đời và giáo huấn của thánh Ambrôsiô, trong đó đức giáo hoàng đặc biệt nhấn mạnh đến lòng yêu mến Chúa Kitô nơi thánh nhân.
*****
Anh chị em thân mến,
Giám mục Ambrôsiô, vị thánh mà tôi muốn chia sẻ hôm nay, qua đời vào đêm mùng 03, rạng sáng mùng 04 tháng 04 năm 397. Đó là buổi bình minh của ngày thứ Bảy tuần thánh. Vào ngày hôm trước, thứ Sáu tuần thánh, khoảng 5 giờ chiều, thánh nhân trầm lặng cầu nguyện, nằm trên giường với đôi cánh tay mở rộng theo hình thánh giá. Như thế, vị giám mục đã tham dự Tam Nhật Vượt Qua trọng thể, tham dự vào cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Kitô.
Paulinus, vị phó tế trung thành đã viết về cuộc đời thánh Ambrôsiô theo lời đề nghị của thánh Augustinô, kể lại rằng: “Chúng tôi thấy môi miệng ngài mấp máy chuyển động, nhưng không thể nghe thấy ngài nói những gì.” Tình hình đột nhiên trở nên bi kịch. Đức cha Honoratus, giám mục Vercelli, là người trợ giúp thánh Ambrôsiô, đang nghỉ ở lầu trên, thì bị đánh thức bởi một giọng nói cứ lặp đi lặp lại rằng: “Dậy mau, dậy mau! Ambrôsiô đang hấp hối.” Thế rồi, Honoratus vội chạy xuống cầu thang và trao Mình Thánh Chúa cho giám mục Ambrôsiô. Sau khi đón rước Mình Thánh, vị giám mục trút hơi thở cuối cùng, lên đường về nhà Cha cùng với Của Ăn Đàng thiêng liêng. Linh hồn ngài được bồi dưỡng nhờ sức mạnh của Thần Lương, bây giờ đang vui hưởng cùng cộng đoàn chư thánh trên Thiên quốc.[1] Vào thứ Sáu tuần thánh năm 397, đôi cánh tay mở rộng của giám mục Ambrôsiô trong giờ phút lâm chung đã diễn tả rất đẹp việc thánh nhân được tham dự một cách mầu nhiệm vào cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Kitô. Có lẽ, đây là giáo huấn cuối cùng của thánh nhân: trong sự thinh lặng không lời nói, thánh nhân vẫn chia sẻ với chúng ta bằng chứng tá đời sống của ngài.
Thánh Ambrôsiô qua đời không phải khi đã quá cao niên, chưa tròn sáu mươi tuổi, vì ngài được sinh ra khoảng năm 340 ở Treves trong một gia đình Kitô giáo. Tại nơi đó, thân phụ ngài là thủ lãnh, đứng đầu những người xứ Gaul.
Vì thân phụ qua đời lúc Ambrôsiô vẫn còn là một đứa trẻ, nên thân mẫu đưa ngài tới Rôma và dạy dỗ, mong kiếm được một công việc dân sự nào đó, đảm bảo cho ngài được huấn luyện về hùng biện và luật pháp. Khoảng năm 370, Ambrôsiô được sai đến điều hành các tỉnh Emilia và Liguria, tổng hành dinh ở Milan. Lúc đó, có một cuộc tranh chấp gay gắt giữa phe chính thống và phe Ariô. Tình hình trở nên nóng bỏng vì giám mục Auxentius thuộc phe Ariô qua đời. Theo chức phận và quyền hạn, Ambrôsiô can thiệp để giải hoà giữa các thành viên của hai phe đối lập nhau; mặc dầu ngài chỉ là một dự tòng, nhưng dân chúng đã tôn phong ngài là giám mục thành Milan.
Vào thời điểm ấy, Ambrôsiô là một vị quan toà cao cấp nhất của hoàng đế ở vùng Bắc Italia. Dù Ambrôsiô được học hiểu rất nhiều về văn hoá, nhưng lại chưa biết gì về Kinh Thánh, thế nên, vị tân giám mục này bắt đầu học hỏi cách mau lẹ. Từ những tác phẩm của Origene, một bậc sư phụ danh tiếng thuộc “trường phái Alêxandria,” Ambrôsiô học cách chú giải Kinh Thánh. Thế rồi, Ambrôsiô đã mang tới cho khung cảnh văn hoá Latinh một lối suy niệm Sách Thánh mà văn sĩ Origene đã khởi xướng. Thánh nhân đã giới thiệu cho Tây Phương thực hành phương pháp Lectio Divina. Phương pháp Lectio này đã quy hướng tất cả các bài giảng cũng như bài viết của thánh Ambrôsiô, vốn xuất phát từ việc lắng nghe và cầu nguyện, tới đích điểm là Lời Chúa. Mấy lời dẫn nhập nổi tiếng trong một bài Giáo lý của thánh Ambrôsiô rõ ràng đã cho thấy cách thức mà vị giám mục thánh thiện này áp dụng Cựu ước vào đời sống Kitô giáo. Vị giám mục nói với các dự tòng và tân tòng như sau: “Mỗi ngày, khi đọc về đời sống của các vị Tổ phụ và các lời khôn ngoan trong sách Châm Ngôn, chúng ta hãy để ý đến bài học luân lý chất chứa trong đó. Rồi nhờ những bài học đó, anh chị em sẽ quen với vệc tiếp thu đường lối của các bậc tiền nhân mà bước theo lộ trình vâng phục những lệnh truyền của Thiên Chúa.”[2] Nói cách khác, các tân tòng và dự tòng, theo hướng dẫn của vị giám mục, sau khi đã học cách sống có trật tự nề nếp, có thể xem bản thân mình như đã được chuẩn bị cho những mầu nhiệm vĩ đại của Chúa Kitô. Vì thế, bài giảng của thánh Ambrôsiô – vốn được xây dựng như là hạt nhân cấu trúc của toàn bộ tác phẩm lẫy lừng của ngài – bắt đầu với việc đọc và suy niệm Sách Thánh (về các sách Lịch sử và các sách Khôn ngoan) để sống cho phù hợp với mạc khải của Thiên Chúa.
Rõ ràng, chứng tá của cá nhân nhà giảng thuyết cùng với đời sống gương mẫu cho toàn thể cộng đoàn Kitô hữu chính là điều kiện để giảng thuyết hiệu quả. Về điểm này, có một bản văn trong tác phẩm “Tự Thuật” của thánh Augustinô đã nhắc đến. Augustinô đã tới Milan trong cương vị một thầy dạy bộ môn Hùng biện; ngài là một người theo chủ nghĩa hoài nghi và lúc đó chưa phải là một Kitô hữu. Augustinô đang tìm kiếm chân lý Kitô giáo, nhưng không có khả năng tìm thấy chân lý ấy một cách đúng nghĩa.
Điều đã tác động đến tâm hồn của chàng trai trẻ Bắc Phi còn đang hoài nghi và nản lòng, điều đã gây ra một cuộc hoán cải thực sự nơi Augustinô thì còn trên cả những bài giảng thuyết sống động của Ambrôsiô (mặc dầu Augustinô đánh giá rất cao những bài giảng ấy). Không gì khác hơn, đó chính là đời sống chứng tá của vị giám mục và giáo phận Milan của ngài, đã đồng tâm nhất trí trong việc cầu nguyện và ca tụng Thiên Chúa tựa như một thân thể tinh tuyền, nguyên vẹn. Đó là một cộng đoàn Hội Thánh có thể kháng cự những thủ đoạn chuyên chế của hoàng đế và hoàng thái hậu. Họ chiếm đoạt một ngôi thánh đường để cho phái Ariô sử dụng. Thánh Augustinô đã nhắc đến điều này: trong ngôi thánh đường sắp bị chiếm đoạt, “các tín hữu nhiệt thành đã nhận ra mưu đồ đó và họ sẵn sàng chết cùng với vị giám mục của mình.” Bằng chứng thật đáng giá này trong quyển Tự Thuật cho thấy một thứ gì đó đang chuyển động trong tâm hồn Augustinô. Thánh giám mục Bắc Phi tiếp tục kể lại: “Cả chúng tôi cũng vậy, mặc dầu tinh thần uể oải, nhưng cùng chia sẻ một niềm phấn khích của toàn thể cộng đồng dân chúng.”[3]
Augustinô đã học từ đời sống và gương sáng của giám mục Ambrôsiô, để thêm lòng tin tưởng và nhiệt thành giảng thuyết. Chúng ta có thể tham chiếu một bài giảng nổi tiếng của vị giám mục Bắc Phi này, đã được trích dẫn sau nhiều thế kỷ trong Hiến chế tín lý về mạc khải thánh, Dei Verbum: “Do đó, tất cả các giáo sĩ, đặc biệt phải gắn bó với Kinh Thánh, nhờ chuyên cần học hỏi Sách Thánh và học hỏi kỹ càng, để đừng có ai trở thành kẻ hời hợt rao giảng Lời Thiên Chúa ngoài miệng, bởi đã không lắng nghe Lời đó trong lòng.”[4] Augustinô đã học được từ Ambrôsiô cách thức “lắng nghe Lời Chúa trong lòng,” bằng sự chuyên cần đọc Sách Thánh, tiếp cận với tâm tình và thái độ cầu nguyện, để rồi thực sự hấp thụ và nội tâm hoá Lời Chúa.
Anh chị em thân mến, tôi muốn đề nghị đôi điều về hình ảnh vị “Giáo phụ gương mẫu,” được giải thích trong ánh sáng của những điều chúng đã nói với nhau, đại diện một cách hiệu quả cho những đạo lý “trọng yếu” của thánh Ambrôsiô. Trong chương VI của quyển Tự Thuật, thánh Augustinô đã kể lại cuộc hội ngộ với thánh Ambrôsiô, một cuộc hội ngộ thực sự quan trọng trong lịch sử Giáo Hội. Thánh Augustinô viết trong tác phẩm của mình rằng mỗi khi ngài đến gặp vị giám mục thành Milan, ngài thường thấy vị giám mục đang đồng hành cùng đám đông dân chúng với đầy những vấn đề từ những nhu cầu của họ và thánh Ambrôsiô đã làm hết sức mình. Luôn có một hàng dài những người đứng chờ để được thưa chuyện với thánh Ambrôsiô, tìm nơi thánh nhân một niềm an ủi và hy vọng. Khi không còn ở với dân chúng nữa (điều này chỉ diễn ra trong một thời gian rất ngắn), thì ngay lập tức giám mục Ambrôsiô hồi phục sức lực với một chút thức ăn cần thiết, hoặc nuôi dưỡng tinh thần bằng việc đọc sách. Ở đây, thánh Augustinô rất ngạc nhiên khi thấy giám mục Ambrôsiô đọc Sách Thánh mà miệng đóng lại, không thốt nên lời, chỉ lướt qua bằng mắt mà thôi.[5] Thực vậy, trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, việc đọc sách là để công bố cho người khác, và có đọc lớn mới giúp cho người đọc dễ hiểu, nắm bắt nội dung. Việc thánh Ambrôsiô lướt nhanh các trang sách chỉ bằng mắt mà thôi đã khiến cho Augustinô vô cùng ngưỡng mộ, vì một khả năng đọc và quen thuộc với Sách Thánh rất hiếm thấy. Qua việc “đọc thầm thĩ,” tâm hồn độc giả có thể tiếp cận và am hiểu Lời Chúa – đây là “icon,” là mẫu hình mà chúng ta muốn nói tới – , chúng ta có thể thoáng thấy phương pháp giáo huấn của giám mục Ambrôsiô; chính Sách Thánh, một khi đã thực sự được người ta nội tâm hoá, sẽ khơi lên nội dung của lời công bố và hoán cải tâm hồn các tín hữu.
Theo những lời giáo huấn của thánh Ambrôsiô và thánh Augustinô, giáo lý không thể tách khỏi đời sống chứng tá. Điều tôi đã viết về một thần học gia trong quyển “Dẫn Vào Đời Sống Kitô Giáo” có lẽ cũng rất hữu ích cho những giảng viên giáo lý. Giảng viên giáo lý là một nhà giáo dục đức tin, không thể liều lĩnh xuất hiện như một chú hề, chỉ biết kể lại nội dung như đã thuộc lòng, làm theo “thói quen nghề nghiệp” mà thôi. Nhưng, thay vào đó – tôi xin sử dụng một hình ảnh mẫu mực của tác giả Origene, một văn sĩ vẫn được thánh Ambrôsiô đánh giá rất cao – giảng viên giáo lý phải trở nên một người môn đệ được Chúa thương mến, kẻ đã kề sát đầu mình trên ngực Thầy Chí Thánh và học cách suy nghĩ, nói năng và hành động của Thầy mình. Người môn đệ đích thực phải là người loan báo Tin Mừng, mà lời loan báo của họ đáng tin cậy và hiệu nghiệm nhất.
Giống như thánh Tông đồ Gioan, giám mục Ambrôsiô – người chưa bao giờ chán nản khi nói rằng: “Đối với chúng ta, Đức Kitô là tất cả! Omnia Christus est nobis!” – vẫn luôn là một chứng nhân vĩ đại của Chúa Kitô. Vậy, chúng ta hãy khép lại bài chia sẻ giáo lý hôm nay bằng những lời như thế, với tâm tình yêu mến Đức Giêsu Kitô: “Đối với chúng ta, Đức Kitô là tất cả! Nếu bạn có một vết thương cần phải chữa lành, Đức Kitô chính là vị lương y; nếu bạn khát khô vì cơn sốt, Đức Kitô chính là dòng suối mát; nếu bạn cảm thấy chán nản vì những bất công trong cuộc đời, Đức Kitô chính là Đấng công bình và rất mực công minh; nếu bạn cần giúp đỡ, Đức Kitô là sức mạnh; nếu bạn sợ chết, Đức Kitô là sự sống; nếu bạn khát mong nước Thiên Đàng, Đức Kitô là con đường dẫn về Thiên Quốc; nếu bạn ở trong bóng tối, Đức Kitô chính là ánh sáng… Hãy nếm thử và hãy nhìn xem, để biết Thiên Chúa tốt lành dường bao: phúc cho những ai cậy trông nơi người!”[6] Chúng ta hãy đặt niềm hy vọng nơi Đức Kitô. Chúng ta sẽ được chúc phúc và được sống an bình.
[1]Cuộc Đời Thánh Ambrôsiô, 47.
[2]Bàn Về Các Mầu Nhiệm, 1,1.
[3] Augustinô, Tự Thuật, 9, 7.
[4] Vatican II, Dei Verbum, 25.
[5] Augustinô, Tự Thuật, 6, 3.
[6]De Virginitate, 16,99.