Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – MÙA PHỤC SINH 26

Administrator
2024-05-09 18:38 UTC+7 28
26. CÁC ÂN HUỆ CỦA CHÚA THÁNH THẦN “Thần khí ĐỨC CHÚA sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ ĐỨC CHÚA” (Is 11,2) Các ân huệ những sự hoàn thiện được ban cho con người, để […]

26. CÁC ÂN HUỆ CỦA CHÚA THÁNH THẦN

Thần khí ĐỨC CHÚA sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ ĐỨC CHÚA” (Is 11,2)

Các ân huệ những sự hoàn thiện được ban cho con người, để con người một cách nhanh chóng được thúc đẩy bởi sự soi dẫn của Thiên Chúa, để hành động vượt trên cách thức và động lực của con người.[1]

1/ Trước hết, đối với sự hiểu biết về những điều cần thiết và vĩnh cửu, thì trí tuệ con người hành động theo cách thức của con người; khi trí tuệ được hoàn thiện bởi nhân đức và có cái nhìn sâu sắc về những nguyên lý vĩnh cửu hoặc nhờ đức tin là sự hiểu biết các việc thần linh. Tuy nhiên, nắm bắt được chân lý thần linh cách thuần túy là một điều vượt quá khả năng tự nhiên, và điều này được ban nhờ ơn Thâm hiểu, soi sáng tâm trí con người về những điều được lắng nghe bằng đức tin.

2/ Theo cách thường tình, con người, sau khi xem xét các nguyên tắc đầu tiên và các nguyên nhân cao nhất, thì phán đoán và  điều chỉnh các việc thế sự. Và điều này xảy ra nhờ sự khôn ngoan là nhân đức trí tuệ. Nhưng khi con người muốn kết hợp với những nguyên nhân đầu tiên và trở thành giống như chúng, bằng cách thức là phàm ai gắn bó với Thiên Chúa thì trở nên một tinh thần với Ngài, và từ đó phán đoán và điều các việc khác, không những là những điều hiểu biết được mà cả các hành vi nhân linh, thì đây là một cách thức siêu việc, và cần đến ơn Khôn ngoan (Cao minh).

3/ Thứ ba, trước khi hành động ta cần phải bàn hỏi. Cách thức bình thường tiến hành bằng cách tìm hiểu và phỏng đoán từ những điều đã xảy ra; nhưng phương thức thực hiện này được hoàn thiện nhờ lời khuyên tốt. Nhưng khi một người hết lòng chấp nhận những gì phải làm và được Chúa Thánh Thần dạy dỗ một cách chắc chắn, thì điều này vượt quá khả năng của con người, và đây là ơn Chỉ giáo.

4/ Thứ bốn, khi thực thi, thì cách thức thường tình là con người cân nhắc theo phán đoán hợp lý dựa trên sự bàn hỏi; rồi ra lệnh cho cấp dưới; đó là điều xảy ra nhờ nhân đức khôn ngoan. Nhưng để phán đoán chắc chắn về những điều phải làm, thì quả là vượt trên khả năng của con người, và cần đến ơn Thâm hiểu.

5/ Thứ năm, liên quan đến các hoạt động giao tiếp được thực hiện với người khác, chúng được điều chỉnh bởi đức công bình, hoặc đức quảng đại, vân vân. Nhưng trong các giao tiếp này, nếu ta không căn cứ trên điều tốt cá nhân hoặc của người khác, hoặc trả cho người khác điều mà ta mắc nợ, nhưng dựa trên điều thiện thần linh được tỏa sáng nơi chính Thiên Chúa, hoặc từ người lân cận của chúng ta, thì điều này là vượt trên cách thức tự nhiên, và chính là tác động của ơn Hiếu thảo.

6/ Thứ sáu, trong việc điều khiển các nộ dục, thì theo cách thường tình, con người dựa theo điều thiện của lý trí.  Sau khi đã cân nhắc khả năng của mình và áp dụng vào việc thi hành các hành vi nhân đức khó khăn, thì ta cần đến nhân đức hùng mạnh để chống lại các điều dữ đe dọa hay để tránh xa chúng. Nhưng nếu con người nhận được sức mạnh thiêng liêng, để thực hiện những công việc nhân đức khó khăn nhất, vượt quá khả năng của mình và vượt quá những nguy hiểm mà họ chỉ có thể vượt qua nhờ sự giúp đỡ của Thiên Chúa, thì điều này cũng vượt quá cách thức của con người, và được hoàn thành nhờ ơn Hùng mạnh.

7/ Thứ bảy, trong việc điều khiển các tham dục, theo cách thức tự nhiên, con người sử dụng lý trí để không quá bám víu vào những điều thiện tạm bợ; điều này là tác động của nhân đức tiết độ. Nhưng khi do lòng tôn kính Thiên Chúa, mà ta coi tất cả những điều thiện ấy như là rơm rác thì quả là một điều vượt sức con người, và được hoàn thiện nhờ ơn Kính sợ Thiên Chúa.

(Super Sententiis, III, dist 34, q. 1, a. 2)

[1] Chú thích của người dịch. Trong các bản dịch tiếng Việt, danh xưng 7 ân huệ Thánh Linh được gọi cách khác nhau, chẳng hạn như Sách Giáo Ly Hội thánh Công giáo: (số 1831): khôn ngoan, thông minh, biết lo liệu, can đảm, hiểu biết, đạo đức, kinh sợ Thiên Chúa. Chúng tôi dùng từ ngữ hơi khác: cao minh, thâm hiểu, minh luận, chỉ giáo, sùng hiếu, hùng mạnh, kính sợ Thiên Chúa. Thánh Tôma phân loại các ân huệu theo nhiều tiêu chuẩn khác nhau. Trong bài này các ân huệ được phân chia dựa theo các quan năng của con người. (A) Trong trí tuệ. (1) để thấu hiểu chân lý: thâm hiểu. – (2) để phán đoán đúng đắn: cao minh, về những sự thần linh; minh luận, về các thụ tạo; chỉ giáo, về cách cư xử. (B) Trong ý muốn. (1) trong tương quan với người khác (Thiên Chúa, cha mẹ, tổ quốc): sùng hiếu. – (2) trong tương quan với bản thân: hùng mạnh, chống lại sự sợ hãi các nguy hiểm; kính sợ, chống lại dục tình rối loạn. Nhìn dưới quan điểm này, tác động của Thánh Linh bao trùm toàn thể các quan năng của con người (trí tuệ và ý muốn)

Chia sẻ