SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – MÙA PHỤC SINH 27
27. ƠN SÙNG MỘ[1]
Tất cả chất thể của luân lý được chia thành ba phần, đó là: những điều thích thú mà tình yêu xác thịt theo đuổi; những điều khó khăn mà ta trốn tránh; những điều trao đổi với tha nhân, và thường là các hành động hơn là thụ động.
Trong mỗi chất thể ấy, ân huệ và nhân đức đều điều khiển, nhưng bằng cách thức khác nhau; bởi vì nhân đức điều khiển dựa theo quy tắc là điều nhân bản, còn ân huệ dựa theo quy tắc là điều Thánh Thiêng.
Do đó, trong những điều thích thú, nhân đức lấy quy tắc là phẩm giá con người, từ đó chúng ta không trở nên hèn hạ do những thú vui trần thế. Còn ân huệ dựa theo phẩm giá Thiên Chúa mà chúng ta sợ xúc phạm do những thú vui hèn hạ. Đó là điều thuộc về ơn Kính sợ.
Chúng ta cũng có thể nói như vậy về ơn Hùng mạnh và các nhân đức nhằm chịu đựng hoặc chiến đấu với những thử thách, khó khăn.
Điều này cũng xảy ra trong các tương quan với tha nhân. Các nhân đức điều khiển dựa trên các quy tắc nhân bản, chẳng hạn như sự xứng hợp hoặc món nợ. Còn ân huệ lấy quy tắc là chính Thiên Chúa. Nhở ơn Hùng mạnh, con người sử dụng sức mạnh của Thiên Chúa như là của riêng mình, và với tín thác, dám đương đầu với những điều khó khăn. Còn trong các tương quan, nhờ ân huệ, chúng ta trao ban cho người khác, nghĩa là làm điều gì tương xứng dường như là mình trở nên một với Thiên Chúa. Do đó thánh Matthêu (5,45) nói: “Thiên Chúa cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt”. Và bởi vì việc thông truyền các việc thần linh được gọi là đức Sùng mộ, cho nên ân huệ dựa trên quy tắc của Thiên Cha trong việc thông truyền các việc thần linh cũng được gọi là ơn Sùng mộ.
Mặc dù nhân đức sùng mộ được thực hành trong tương quan với Thiên Chúa, nhưng nó cũng dựa trên một tiêu chuẩn nhân bản nào đó, tức là những các ân huệ nhận được từ Thiên Chúa, và chúng ta đều mắc nợ với Ngài. Nhưng ơn Sùng mộ thì lấy tiêu chuẩn là Thiên Chúa, để nâng đỡ những người nghèo khổ dựa theo quy tắc của Thiên Chúa, hoặc là vì những người khốn cũng là con cái Chúa hoặc là hình ảnh Thiên Chúa. Vì thế mà tên gọi Sùng hiếu có liên quan đến những việc của Thiên Chúa.
(Super Sententiis, III, dist 34, q. 3, a. 2)
[1] Chú thích của người dịch. Ân huệ này trong tiếng Latinh là pietas, được dịch sang tiếng Việt bằng nhiều từ khác nhau: sung hiếu, thảo hiếu, mộ đạo, sùng mộ, đạo đức. Ở đây chúng tôi dùng từ sùng mộ.